Hà Giang: Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Hoàng Su Phì được công nhận Cây Di sản Việt Nam
Nguồn tin: Báo Hà Giang
Ngày 30.8, tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho “Quần thể chè Shan tuyết Hoàng Su Phì”.
Lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Bằng Công nhận quần thể chè Shan tuyết là Cây Di sản Việt Nam cho các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán.
Hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 4.542 ha; Diện tích chè đang cho thu hoạch 3.252 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt 12.880 tấn với tổng giá trị thu nhập khoảng 115,92 tỷ đồng. Qua điều tra, khảo sát trên địa bàn huyện hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm tuổi, đường kính thân cây từ 30cm trở lên, trong đó quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán không chỉ có tuổi đời cao mà còn rất đẹp. Tại buổi lễ, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 85 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán.
Các đại biểu gắn biển công nhận Cây Di sản Việt Nam cho quần thể 20 cây chè Shan tuyết tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty.
Sự kiện cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng chè. Đây cũng là cơ hội quý báu để quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ của huyện Hoàng Su Phì đến với thị trường trong và ngoài nước.
Tin, ảnh: Đại Tâm
Sau thanh long, xoài được xuất khẩu vào thị trường Chile
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Tại buổi gặp gỡ mới đây tại TPHCM giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Chile, đại diện Văn phòng thương mại ProChile ở TPHCM (thuộc Đại sứ quán Chile tại Việt Nam) cho biết, ngày 15-8 vừa qua, có thêm trái táo Chile và trái xoài Việt Nam được xuất nhập khẩu qua lại giữa 2 nước.
Hiện nay, hai bên đang đàm phán để mở cửa cho trái cherry Chile và bưởi Việt Nam. Người tiêu dùng Chile chưa biết nhiều về các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam do còn khá mới và việc quảng bá chưa được rộng rãi, mặc dù hàng năm Chile nhập khẩu khá nhiều loại rau quả tươi của các nước nhiệt đới như xoài từ Mexico, Ecuador, những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về chất lượng.
Hiệp hội Các nhà xuất khẩu rau quả tươi Chile (ASOEX) đánh giá cao tiềm năng giao thương giữa 2 nước và cơ hội mở ra giữa doanh nghiệp 2 nước từ buổi gặp gỡ này.
CÔNG PHIÊN
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho trái thanh long
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Tỉnh Tiền Giang hiện có 8.418 ha thanh long, tập trung ở các huyện: Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo với 6.268 ha. Trong diện tích trên có 7.465 ha đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt 225.580 tấn, chủ yếu xuất khẩu và một ít tiêu thụ trong nước.
Nông dân địa phương trồng hai giống thanh long chủ lực là: Giống ruột đỏ có tổng diện tích 5.228 ha, chiếm 62,1%, còn lại là giống ruột trắng với 3.190 ha, chiếm 37,9%. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, đồng thời được các ngành chức năng quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp nên nông dân vùng chuyên canh đã áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để nâng cao giá trị trái cây đặc sản, cụ thể là xông đèn xử lý cho cây ra hoa trái vụ, tránh thời điểm thuận mùa, thanh long các tỉnh, thành phía Nam vào vụ thu hoạch rộ để bán được giá cao.Tại Tiền Giang, thanh long thu hoạch gần như quanh năm, trong đó, vụ thuận từ tháng 4 đến tháng 9 và vụ nghịch kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Thời gian qua, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây thanh long - một trong những cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Tiền Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho nông sản như: Chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng an toàn và truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý dịch hại tổng hợp; xây dựng và nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông hộ, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại trái cây nói chung và thanh long nói riêng trên thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng (mã code) cho cây thanh long, tạo điều kiện để nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước,...
Theo Sở Công Thương, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh trong đó có thanh long đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nhiều nước, trong đó Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng như các nước khác đều có những rào cản kỹ thuật, đặc biệt là quy định về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc, siết chặt về quản lý an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch,...
Trong khi thực tế, thanh long chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là chính, còn lượng hàng xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Xuất khẩu tiểu ngạch không bền vững và yếu tố rủi ro rất cao, do vậy xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Trung Quốc cũng như các nước khác phải chú ý các yếu tố an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn bao bì, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của các nước sở tại. Để hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh nhà, Sở đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa nói chung, trái thanh long tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Vừa qua, có thông tin hàng trăm xe container chở thanh long bị ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai khi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông tin này ít nhiều đã khiến dư luận rất quan tâm, gây áp lực tâm lý đối với nông dân vùng chuyên canh. Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn thuận lợi. Cụ thể, diện tích cho thu hoạch từ đầu tháng 8/2019 đến nay khoảng 3.000 ha với sản lượng 10.500 tấn đã được các thương lái, vựa trái cây, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp... cơ bản tiêu thụ hết. Diện tích còn đang mang trái cho thu hoạch trong những ngày sắp tới khoảng 2.000 ha, dự kiến sản lượng khoảng 6.000 tấn sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8/2019; hầu hết diện tích này đều được thương lái đặt hàng trước. Ngoài ra, còn khoảng 4.000 ha, sản lượng ước 12.000 tấn thu hoạch tiếp vào đầu tháng 9/2019. Số này, theo dự báo sẽ bán được giá, bởi vùng trồng thanh long của Trung Quốc đã dứt vụ nên nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu thị trường còn rất lớn.
Thời điểm hiện nay, tuy là vụ thuận nhưng theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, giá bán tại vườn từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng trong khi giá thành chỉ khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg nên nông dân vẫn có lãi. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua trung bình 28.000 đồng/kg, lúc giá xuống thấp nhất (thời điểm ngắn hạn từ ngày 19/6 đến ngày 25/6) cũng đạt từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg. Riêng thanh long ruột trắng có giá bình quân 14.000 đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi ha thanh long đạt lợi nhuận từ 300 đến 360 triệu đồng/năm, trong đó thanh long ruột đỏ lãi ròng từ 500 đến 600 triệu đồng/năm. Nhờ cây thanh long mà nông dân các địa bàn khó khăn đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng, giàu có hẳn lên.
Hiệu quả là thế nhưng để không lặp lại điệp khúc "trúng mùa, mất giá", tỉnh đã đưa ra những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh nói chung, trong đó chủ lực là trái thanh long, sầu riêng, dưa hấu, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim... Qua đó, tăng lượng hàng chất lượng cao để xuất khẩu chính ngạch, nâng khả năng cạnh tranh của trái cây tỉnh nhà - trong đó có thanh long.
Đó là nhóm giải pháp khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, thâm canh, hướng theo tiêu chí GAP, nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản, xử lý thu hoạch rải vụ... gắn với nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi ngành hàng, củng cố và nâng chất lượng mạng lưới hợp tác xã, tổ hợp tác, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,... Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường mới để tránh bị phụ thuộc vào thị trường một vài nước dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Minh Trí
Trồng củ cải khổng lồ Song Jeong làm kim chi
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Không phải là cây củ cải trắng phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, nông dân Ðà Lạt đang trồng thương phẩm củ cải trắng giống mới khổng lồ, vừa đem lại thu nhập ổn định, vừa cung cấp cho thị trường nguyên liệu chế biến kim chi chất lượng cao.
Hợp đồng trồng củ cải Song Jeong. Ảnh: D.Q
Ông Chế Văn Đông, thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường vừa thu hoạch cả chục tấn củ cải trắng khổng lồ. Ông Đông cho biết, củ cải trắng thì không lạ với nông dân Đà Lạt nhưng củ cải trắng khổng lồ này thì lần đầu tiên ông biết đến và trồng theo hợp đồng với một công ty rau sạch. Ông chia sẻ, giống cây do công ty cung cấp, kỹ thuật cũng do công ty chuyển giao. Theo ông Đông, trồng củ cải trắng khổng lồ cũng giống với củ cải trắng bình thường, bản thân ông không gặp khó khăn gì, quan trọng khâu làm đất, lên luống, cần đất tơi xốp, luống phù hợp vì củ cải rất to đạt tới 3-4 kg/củ. Vì vậy, chỉ trồng xấp xỉ 1 sào nhưng ông thu được cả chục tấn củ. Giá công ty đã cho trước, 3 ngàn đồng/kg nên có thể nói, trồng củ cải giống mới này vừa dễ về chăm sóc, vừa cho thu nhập tốt đối với nông dân. Chỉ có điều, người trồng cần chú ý tới một số bệnh hại như chuột cắn hoặc đốm đen, thối củ. Do trồng để sản xuất trong nhà máy, có quy chuẩn cao nên chỉ cần củ xây xát hoặc có vết là hàng sẽ bị loại.
Chị Trần Thị Đăng Khoa, đại diện của công ty liên kết với nông dân cho biết, đây là giống củ cải khổng lồ Song Jeong của Hàn Quốc, chuyên trồng để sản xuất kim chi. Với những củ cải lớn tới 3-4 kg, không thể dùng để ăn tươi như thói quen nấu nướng của người Việt. Tuy nhiên, trồng để làm kim chi lại rất thích hợp vì củ hầu như không có xơ, thịt củ mịn, năng suất cao, phù hợp với món kim chi Hàn Quốc. Công ty đặt nông dân Đà Lạt trồng với mục tiêu thu mua để cung cấp cho nhà máy sản xuất kim chi. Chính vì vậy, yêu cầu của công ty với nông dân khá cao, củ không được sứt sẹo, không thâm nám, không bị côn trùng gặm phá. Chị Khoa cho hay, năng suất chung của củ cải Song Jeong khoảng 80 tấn/ha nhưng với nông dân Đà Lạt, do thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên hầu hết các nông hộ hợp tác đều đạt năng suất xấp xỉ 90-100 tấn/ha. Công ty giao giống, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và thu về củ thành phẩm với giá rất tốt. Chỉ sau 3 tháng canh tác, 1 sào củ cải bà con có thể thu về 30-50 triệu đồng, lại không cần nhà kính cũng như công chăm bón, thuốc men không phức tạp. Tuy nhiên, nông dân phải rất chú trọng khâu bảo vệ củ, không để củ bị thối hỏng hoặc bị côn trùng tấn công vì khâu giám sát nông sản của công ty rất chặt chẽ, củ hư hỏng bị trả lại ngay. Nhiều nông hộ cân cho công ty cả chục tấn củ nhưng bị trả lại tới 30-40% do củ sâu, thối, xây xát. Đây cũng là điều khoản công ty ký kết với nông dân nên bà con cần rất cẩn thận khi canh tác củ cải trắng Song Jeong.
Không chỉ ông Chế Văn Đông, thôn Cầu Đất trồng củ cải theo hợp đồng với công ty, nhiều nông hộ ở Phường 11, xã Trạm Hành cũng đang hợp tác để trồng giống củ cải trắng Song Jeong này. Theo chị Trần Thị Đăng Khoa, nhà máy kim chi Hàn Quốc nhập hàng từ Đà Lạt rất nhiều loại gồm: cải thảo, hành tây, củ cải, ớt sừng… và nhu cầu ngày càng tăng lên. Cũng theo đó, chị lên kế hoạch cung cấp hàng cho nhà máy để nông dân xuống giống phù hợp với kế hoạch sản xuất, thu hoạch đúng vụ. Chị đang tìm kiếm thêm nhiều nông hộ hợp tác để mở rộng diện tích củ cải trắng Song Jeong, vừa mang lại thu nhập cho nông dân, vừa cung cấp cho thị trường loại củ cải chất lượng cao, giữ vững ưu thế cung cấp rau xứ lạnh, đặc biệt đón đầu cho nhà máy kim chi mở rộng sản lượng.
DIỆP QUỲNH
Bạc Liêu: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Trước đây, Bạc Liêu là tỉnh thuần nông, mỗi năm sản xuất từ 1 - 2 vụ lúa. Từ khi có chủ trương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nông dân chuyển sang sản xuất lúa 3 vụ, chuyển sang nuôi tôm, cải tạo vườn tạp trồng màu, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, tôm.
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh thả tôm giống trong khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh của Công ty Việt Úc Bạc Liêu.
Bạc Liêu xác định phát triển dựa trên 5 trụ cột, và nông nghiệp là trụ cột đầu tiên. Trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, xây dựng cánh đồng lúa lớn, cánh đồng tôm lớn; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Toàn tỉnh đã xây dựng 23 cánh đồng lúa lớn với tổng diện tích 11.643ha ở các huyện, thị. Từ các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lúa lớn, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2019 đã có 16.000ha liên kết sản xuất và có 117.920 tấn lúa được bao tiêu.
Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong trồng lúa, tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Toàn tỉnh có 12 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp, 318 hộ dân ứng dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cùng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, cho năng suất từ 20 - 30 tấn/ha. Đây là tiền đề để Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm của cả nước.
Cùng với đó, mô hình lúa - tôm ở vùng chuyển đổi được ngành chức năng đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình này được nông dân các huyện: Hồng Dân, Phước Long và một phần của TX. Giá Rai áp dụng với gần 35.000ha, cho thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh đang ra sức thực hiện, tạo đà cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đảm bảo an toàn dịch bệnh; đồng thời khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả cho người dân. Đặc biệt, Khu sản xuất giống của Tập đoàn Việt - Úc đã được công nhận đạt chuẩn an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới - là khu nuôi tôm đầu tiên và duy nhất của cả nước được công nhận. Tỉnh đang chuẩn bị để được công nhận thêm một khu nuôi tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh, làm tiền đề cho việc xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các thị trường khó tính trên thế giới. Đây chính là bước đi trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia về con tôm Việt Nam gắn với đảm bảo ổn định đầu ra trên thị trường xuất khẩu thế giới, là khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành tôm…
Tuyến lộ nông thôn kiểu mẫu ấp Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ
Kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Bạc Liêu phấn đấu đến cuối năm 2019 có 32 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện Vĩnh Lợi cơ bản đạt chuẩn huyện NTM; huyện Hồng Dân có 100% xã đạt chuẩn NTM. Đến cuối năm 2020, TX. Giá Rai có 100% xã đạt chuẩn NTM; mỗi huyện, thị xã phải có ít nhất 1 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; huyện Phước Long có từ 1 - 2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ cao gắn với phát triển mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao đời sống của người dân. Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn bền vững; xây dựng nông thôn văn minh, tiến bộ; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch... của địa phương.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vùng phía Nam và mô hình lúa - tôm vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng các cánh đồng lớn; tổ chức thực hiện chuỗi liên kết trong bao tiêu nông sản, nhất là lúa, tôm.
Minh Đạt
Duy trì, phát triển thương hiệu ‘Trâu ngố Tuyên Quang’
Nguồn tin: Báo Tuyên Quang
Hội Nông dân tỉnh đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần vào việc duy trì và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.
Tháng 5-2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang” cho Hội Nông dân tỉnh. Nhãn hiệu được bảo hộ cho 3 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thịt trâu đã qua chế biến; nhóm trâu giống, trâu thịt (còn sống); nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt (còn sống và thịt trâu đã chế biến). Sự kiện trên có ý nghĩa to lớn, là điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; thúc đẩy phát triển chăn nuôi ổn định, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhãn hiệu tập thể tạo dựng nên thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.
Hội Nông dân tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý, đề ra những quy định, tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh mới chấp thuận cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) được sử dụng nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”. Bởi, HTX đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, điều kiện và có quy trình liên kết chăn nuôi trâu an toàn sinh học theo chuỗi giá trị rất thành công từ khâu cung ứng con giống - cung cấp thức ăn - chăn nuôi - giết mổ tập trung tại lò mổ - chế biến sản phẩm - bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm cơ sở chế biến, đóng gói bảo quản sản phẩm thịt trâu của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết: Qua 1 năm, đơn vị đã chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nhãn hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”. Việc sử dụng đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế của HTX. Hiện nay, HTX đang ký hợp đồng liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm với hàng trăm hộ nông dân thông qua các HTX, tổ hợp tác ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... HTX đã xây dựng xưởng chế biến, đóng gói thị trâu tươi, thịt trâu khô tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Những sản phẩm từ thịt trâu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, được đóng gói, có bao bì, nhãn mác, mã truy xuất nguồn gốc, mã vạch đảm bảo an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Ma Văn Va, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn trâu của gia đình,góp phần duy trì, phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.
Là một trong hàng trăm hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, ông Ma Văn Va, ở thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chia sẻ: Mỗi lứa ông nuôi từ 3-12 con trâu, bò thịt, sau 2 - 4 tháng đạt trọng lượng bán lại cho HTX, trừ mọi chi phí ông có lãi từ 2 - 5 triệu đồng/con. Nhận thấy hiệu quả, đầu năm 2019, ông mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng của ngân hàng để đầu tư cải tạo hệ thống chuồng, tiếp tục mở rộng quy mô liên kết nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học. Thực tế, ông đang được hưởng lợi gián tiếp từ thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang” nên ông càng có ý thức trách nhiệm chăn nuôi an toàn, tạo sản phẩm trâu thịt chất lượng, chung tay giữ gìn và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”.
Với mục tiêu giữ vững và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”, Hội Nông dân tỉnh đã có những giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi trâu bằng việc ưu tiên 8,12 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân (chiếm gần ½ tổng nguồn quỹ) triển khai 23 dự án chăn nuôi trâu sinh sản, trâu vỗ béo. Theo đó, toàn tỉnh đã có 262 hộ nông dân được vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, mức vay từ 20 - 40 triệu đồng/hộ để đầu tư mua trâu giống, làm chuồng trại, trồng cỏ... phát triển chăn nuôi trâu.
Vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2019 - 2023, trong đó có sản phẩm "Trâu ngố Tuyên Quang". Nghị quyết đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và hội viên nông dân; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế tập thể nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và xúc tiến đầu tư, thương mại...
Bài, ảnh: Lý Thịnh
Cho gà xuất ngoại
Nguồn tin: Báo Bình Định
Không chỉ nức tiếng cả nước về sản xuất và cung ứng gia cầm giống, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) còn thực hiện chiến lược xuất khẩu gà giống, thịt gà sang các nước châu Á, châu Âu và khẳng định thương hiệu gà ta chọn lọc Minh Dư Bình Định trên thị trường quốc tế.
Sau nhiều lần lỡ hẹn vì bận tiếp đón, giao dịch với các đối tác, đầu tháng 8.2019, ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư mới dành thời gian để cùng với chúng tôi nói về chuyện đầu tư phát triển chăn nuôi gà giống xuất khẩu.
Ông Lê Minh Dư (bên trái) nhận Giấy chứng nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho sản phẩm gà giống Minh Dư do Bộ NN&PTNT cấp.
NHÀ CUNG ỨNG GÀ GIỐNG SỐ MỘT VIỆT NAM
Trong căn phòng nhỏ trưng bày vô số các giải thưởng, giấy chứng nhận về sản phẩm gà giống, ông Lê Văn Dư chia sẻ: “Nghề chăn nuôi ở nước ta phát triển mạnh, nhu cầu về con giống rất lớn, nên nhiều DN đã nhập gà giống từ các nước khác về nuôi để tạo ra con giống cung ứng cho thị trường. Còn tôi thì rong ruổi khắp nơi, thu thập, chọn ra những giống gà ta có nhiều tính năng vượt trội, bộ lông đẹp, mái to, mắn đẻ, sau đó cho lai tạo với giống gà nòi để cho ra đời thế hệ gà ta hạt nhân. Qua những chuyến đi ấy, tôi tìm hiểu và nắm bắt được thị hiếu, sở thích sử dụng gà giống của các chủ trang trại ở nhiều vùng miền khác nhau, để nghiên cứu, tạo ra những giống gà phù hợp, đáp ứng nhu cầu của họ. Có được nguồn giống ưng ý, tôi tập trung đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, lắp đặt các thiết bị hiện đại và mời gọi các kỹ sư có tay nghề cao về làm việc cho mình để phục vụ cho hoạt động sản xuất con giống”.
Cơ sở sản xuất gà giống Minh Dư tại thôn Huỳnh Mai được đầu tư quy mô, bài bản trên diện tích 8 ha. DN sử dụng phần lớn diện tích để xây dựng khu chăn nuôi với 4 chuồng nuôi gà khảo nghiệm, 1 chuồng nuôi gà cụ kỵ, 3 chuồng nuôi gà ông bà và 1 khu ấp trứng, hàng năm sản xuất từ 500 - 550 nghìn con gà giống bố mẹ 1 ngày tuổi. Một cơ sở khác của Minh Dư rộng 35 ha, tại xã Phước Thành cũng có 4 khu chăn nuôi với 32 chuồng nuôi gà giống bố mẹ, mỗi năm sản xuất 36 triệu con gà giống thương phẩm. Các chuồng nuôi được đầu tư xây dựng khép kín, trang bị hệ thống làm mát, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với yêu cầu phát triển của mọi lứa tuổi gà. Hệ thống cho gia cầm ăn, uống hoàn toàn tự động. Nhà máy ấp cũng được trang bị đầy đủ máy ấp, nở tự động thế hệ mới và hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý bằng chế phẩm sinh học, chuồng trại luôn được vệ sinh, tiêu độc sát trùng sạch sẽ, đảm bảo an toàn.
Với các cơ sở hiện có, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã tạo ra tổ hợp gà giống 1 ngày tuổi MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3 chất lượng cao. Trong 5 năm liên tục (2014 - 2018), sản phẩm của Minh Dư đã được Hội Nông dân Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Năm 2018, Công ty cung cấp cho thị trường trong nước 36 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi, chiếm 20% thị phần giống gà ta cả nước và là DN cung ứng gà lông màu lớn nhất Việt Nam. Năm 2018, sản phẩm gà giống Minh Dư được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới.
Lựa chọn gà giống để cung cấp cho khách hàng.
VƯƠN TẦM THẾ GIỚI
Theo ông Lê Văn Dư, chiến lược sản xuất kinh doanh Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư là xuất khẩu gà giống, thịt gà ta sang các nước châu Á, châu Âu và khẳng định thương hiệu gà ta chọn lọc Minh Dư Bình Định trên thị trường quốc tế. Tiến tới phát triển công ty thành tập đoàn giống gia cầm Minh Dư, sản xuất gà giống bố mẹ, gà thương phẩm, chế biến thịt gà và các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Năm 2019 và năm 2020, DN phấn đấu hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch 5 triệu con gà giống sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Năm 2021, hoàn thành thủ tục xuất khẩu 1 triệu con gà giống bố mẹ sang các nước châu Âu và xuất khẩu 4.320 tấn thịt gà sang các nước châu Á và châu Âu. Sau năm 2021, sẽ có 3 triệu gà giống bố mẹ và 22 triệu con gà giống thương phẩm xuất khẩu.
Để đảm bảo mục tiêu trên, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang triển khai dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi gà ông bà, bố mẹ, sản xuất 5,44 triệu con gà giống bố mẹ 1 ngày tuổi và 29,7 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi tại xã Nhơn Tân, TX An Nhơn. Bên cạnh đó, liên doanh liên kết với 2 DN: Công ty TNHH De Heus - Hà Lan chi nhánh Việt Nam và Công ty Sacso của Pháp xây dựng nhà máy chế biến thịt gia cầm tại Khu kinh tế Nhơn Hội với dây chuyền công nghệ hiện đại, tổng công suất chế biến 5,76 triệu con gà thịt thương phẩm/năm, chế biến, cấp đông và xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Âu 8.640 tấn thịt. Ngày 16.7, các DN đã báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh về Chương trình hợp tác phát triển nguồn gà giống, chế biến thịt gà ta sạch xuất khẩu và mong muốn tỉnh ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, hướng dẫn các thủ tục cho thuê đất, xây dựng và thực hiện dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đánh giá cao sự hợp tác của 3 DN trong đầu tư phát triển chăn nuôi, tiêu thụ gà giống, gà thịt và cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các DN hợp tác sản xuất kinh doanh lĩnh vực nói trên. “Có sự tin tưởng của các đối tác, cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ của ngành chức năng, chính quyền các cấp, chúng tôi vững tin vươn xa”- ông Dư cho hay.
PHẠM TIẾN SỸ
Hiếu Giang tổng hợp