Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 01 năm 2016

 

Năng suất cây hồ tiêu tăng nhờ áp dụng sản xuất an toàn

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Sáng 29-12, 100% thành viên của hội đồng thẩm định khoa học đã bỏ phiếu đánh giá xuất sắc cho dự án phát triển hồ tiêu bền vững và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Dự án này được Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện thí điểm cách đây 2 năm tại địa bàn 2 xã Xuân Thọ và Suối Cao, với tổng diện tích 22,5 hécta.

 

Khi thực hiện dự án này, nông dân được hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất tiêu an toàn, được hướng dẫn cách chế biến, bảo quản sản phẩm hồ tiêu sau thu hoạch đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Qua 2 năm thực hiện thí điểm đề án, năng suất các vườn không chỉ được nâng lên (từ 13 - 20%) mà tỷ lệ trụ tiêu bị mắc các loại nấm bệnh cũng giảm hẳn; tỷ lệ tạp chất và dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu cũng được cải thiện tích cực.

 

Theo nghiên cứu trên, để tạo thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hồ tiêu của địa phương, nông dân Xuân Lộc nên tham gia tích cực vào các mô hình kinh tế tập thể sẽ tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn và có chất lượng đồng đều, đủ điều kiện để thực hiện ký kết các hợp đồng lớn với doanh nghiệp nước ngoài.

 

Hải Đình

 

Ninh Thuận: Rong sụn - Hướng đi mới cho ngư dân ven biển

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

 

Những năm qua, cây rong sụn đang là “đối tượng” nuôi trồng được nhiều hộ dân ở thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) lựa chọn. Do chí phí đầu tư thấp, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao nên đã góp phần tăng thu nhập, giúp đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 năm trước, trên địa bàn thôn Mỹ Hiệp chỉ có bốn, năm hộ “manh nha” trồng thử cây rong sụn. Chỉ đến năm 2013, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội và Tỉnh hội, Hội Nông dân xã Thanh Hải đã hỗ trợ cho mỗi hộ vay từ 15 - 20 triệu đồng để mở rộng vùng sản xuất, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo môi trường sinh thái biển.

 

 

Ngư dân Thôn Mỹ Hiệp trồng rong sụn tại bãi ngang Hòn Đỏ.

 

Từ đó đến nay, cây rong sụn đã không ngừng phát triển, hiện tại trên địa bàn thôn Mỹ Hiệp đã có 72 hộ trồng với diện tích trên 25ha. Anh Trần Thiện Hải, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Mỹ Hiệp cho hay, nghề chính của bà con nơi đây vẫn là đi biển, đánh bắt hải sản. Từ năm 2013, khi ngư dân bắt đầu phát triển nghề trồng rong sụn, để khuyến khích tăng diện tích trồng, và giúp hiểu rõ về cây trồng này, Chi hội Nông dân thôn đã thành lập Câu lạc bộ Rong sụn để tập hợp bà con sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm… Ngoài ra với tập tục sản xuất truyền thống, bà con ở đây cho ra đời mô hình “vòng đổi công”, những hộ làm lân cận giúp đỡ lẫn nhau trong các khâu từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch nhằm tiết kiệm kinh phí thuê nhân công, đồng thời tăng hiệu quả công việc.

 

Trồng rong sụn theo phương pháp mới, nông dân phải làm giàn căng dây để giữ cây rong luôn ở vị trí nằm gần mặt nước, qua đó lợi dụng sự dao động của sóng bề mặt, giúp “tẩy” và “thổi” các tạp chất hoặc các loại ký sinh biển không bám vào thân, làm cho thân cây luôn sạch, giữ màu sắc trong quá trình tăng trưởng. Cùng với đó, dùng lưới bao quanh giàn căng để phòng ngừa các loại cá gần bờ ăn rong, đảm bảo năng suất. Thường thì mỗi năm nông dân chỉ trồng 1 vụ, từ tháng 8 âm lịch đến tháng 2 âm lịch năm sau. Sau khi thu hoạch, giá rong sụn khô, sạch được thương lái mua từ 22 - 25 ngàn đồng/kg, rong sụn tươi từ 4 - 5 ngàn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Được (thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải) cho biết, gia đình đã trồng rong sụn “thâm niên” 10 năm, tuy đây chỉ là nghề phụ khi “biển giã” thất thu, nhưng chỉ với diện tích trồng 1ha, hằng năm trừ chi phí đầu tư gia đình bà thu được nguồn lợi trên trăm triệu đồng. Đánh giá về hiệu quả của cây rong sụn đối với địa phương, ông Đỗ Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hải cho biết: Thời gian qua cây rong sụn đã giúp ngư dân có thêm thu nhập, là "cây hái ra tiền" cho bà con ngư dân khi bước vào vụ cá bấc mỗi năm, góp phần đáng kể tạo việc làm cho bà con. Để mở rộng diện tích, đồng thời khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương, xã sẽ khuyến cáo ngư dân trồng, nhưng phải theo mùa vụ cụ thể.

 

Tuy nhiên, theo ông Trần Thiện Hải, thì “vướng” nhất là gần đây giá rong sụn liên tục bị “trôi nổi” trên thị trường, nguyên nhân chính là do thương lái ép giá. Để giải quyết tình trạng trên, Câu lạc bộ của thôn đề nghị Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải cần trực tiếp thu mua rong sụn, giúp ổn định đầu ra và tránh việc bị thương lái ép giá…

 

Mai Dũng

 

Sóc Trăng: HTX Hành tím Vĩnh Châu vào vụ hành Tết

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

 

HTX Hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang vào vụ hành Tết, với 32 ha phần lớn diện tích sẽ được thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Năm 2014, hành tím rớt giá, tiêu thụ khó khăn nên ở vụ sản xuất này HTX đã chuẩn bị khá kỹ khâu liên kết với các doanh nghiệp, các chợ đầu mối để tiêu thụ hành thương phẩm cho xã viên và nông dân tại địa phương.

 

 

HTX Hành tím Vĩnh Châu vào vụ hành Tết.

 

Ông Thạch Dân ở khóm Cà Săng, phường 2, xã viên HTX Hành tím Vĩnh Châu trồng 6,5 công hành tím để tiêu thụ dịp tết. Đầu vụ sản xuất năm nay, giá hành thương phẩm khá cao, khoảng 33.000 đ/kg, nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên giá hành giống lại tăng quá cao so năm rồi, hiện ở mức 53.000 đến 55.000đ/kg, trong khi năm rồi chỉ từ 5.000 đến 10.000 đ/kg. Bên cạnh đó, giá nhân công cũng tăng làm đội chi phí sản xuất, ông Thạch Dân cho biết: “Những năm gần đây giá hành tím bấp bênh, lao động địa phương bỏ lên thành phố làm công rất nhiều, nên vụ hành năm nay càng thiếu lao động. Giá hành giống lại cao hơn năm rồi, nói chung, chi phí đầu tư cho vụ này cao hơn mọi năm, nhiều hộ không trồng nữa vì thiếu vốn”.

 

Chi phí đầu vụ sản xuất tăng cao nên xã viên và nông dân trồng hành tím ở Vĩnh Châu rất kỳ vọng về giá cả cũng như khả năng tiêu thụ sao cho thuận lợi trong vụ hành năm nay. Trong các khâu hỗ trợ tiêu thụ, việc hình thành liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua mô hình Hợp tác xã được xác định là khâu then chốt. Qua đó góp phần giữ giá hành thương phẩm, đảm bảo lợi ích cho cả người trồng hành và doanh nghiệp, mối liên kết giữa các bên cũng ngày càng thắt chặt hơn. Với mục tiêu hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị cho hành tím Vĩnh Châu, từ quý 3/2013, Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các hoạt động nâng cấp chuồi giá trị hành tím Vĩnh Châu nhằm tác động vào tất cả các khâu, từ sản xuất đến tìm kiếm thị trường.

 

Trên cơ sở đó, Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu được thành lập vào 03/2014 với 27 thành viên, vốn điều lệ là 2 tỉ đồng. Ngành nghề chính là dịch vụ kinh doanh mua bán hành tím và kinh doanh một số dịch vụ khác như cung ứng vật tư nông nghiệp, lao động sản xuất và chế biến hành, làm đất, thu mua nông sản địa phương vào mùa trái vụ hành. Sau hơn một năm hoạt động, 6/2015 Hợp tác xã đã tổ chức Đại hội thành viên thường niên, số lượng thành viên HTX tăng lên 48 người, diện tích sản xuất hành ban đầu là 15 ha nay tăng lên 32ha.

 

Thông qua sự hỗ trợ của dự án, hoạt động của HTX thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu. Như về nâng cao năng lực sản xuất, quản lý điều hành, thông qua hoạt động do cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV tỉnh hướng dẫn quy trình IPM và ICM cho 48 thành viên HTX để áp dụng trong sản xuất, góp phần giảm lượng sử dụng thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt có 15 lượt thành viên HTX tham dự tập huấn do các Sở, ngành, BQL dự án tổ chức với các chủ đề như nâng cao năng lực quản trị và điều hành HTX, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, lập phương án vay vốn ngân hàng, hướng dẫn kế toán HTX nông nghiệp và thủy sản. Việc tham gia các khóa tập huấn, hội thảo đã giúp Ban lãnh đạo HTX nâng cao nhận thức, tiếp cận với phương thức kinh doanh mới.

 

HTX được hỗ trợ nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rải vụ để nâng thu nhập cho nông dân; hỗ trợ HTX chi phí đi xúc tiến thương mại trong nước; hỗ trợ kinh phí nâng cao năng lực cho Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị, Kế toán và thành viên HTX tham gia các khóa đào tạo; hỗ trợ chi phí hạ thế điện 3 pha phục vụ kinh doanh của HTX. Thuê nhóm tư vấn của Trường Đại học Cần Thơ triển khai đánh giá kết quả ban đầu của việc nâng cấp chuỗi hành tím, nghiên cứu và xây dựng tiêu chí sản phẩm đạt chất lượng để phục vụ công nghệ bảo quản hành tím sau thu hoạch và nghiên cứu một số biện pháp quản lý dịch hại trong giai đoạn tồn trữ, một trong những yếu tố quan trọng cần thiết là chất lượng của sản phẩm trước và trong quá trình bảo quản. Trong đó, nhóm tư vấn sẽ nghiên cứu một số mô hình bảo quản hành tím sau thu hoạch. Khi có kết quả mô hình bảo quản thành công như kéo dài thời gian bảo quản hơn 3 tháng và hao hụt, hư hỏng thấp nhất dưới 15%, BQL dự án sẽ xem xét, quyết định ứng dụng đầu tư công nghệ để hỗ trợ cho HTX trong năm 2016

 

 

Chi phí đầu tư cho vụ hành tím tết năm nay tăng cao hơn mọi năm từ công lao động đến hành giống.

 

Với những hỗ trợ từ Dự án, kết quả năm 2014 và 6 tháng năm 2015, HTX đã bán được trên 152 tấn, tổng doanh thu 1,516 tỉ đồng, tổng lợi nhuận chia cho xã viên là 18.564.000 đồng. Ngoài ra, thông qua hơn 9 lượt đi xúc tiến thương mại, HTX đã gặp gỡ và tiếp cận với các đối tác như: Siêu thị Sài Gòn Coop, Siêu thị Big C, Vimart Hà Nội, các tiểu thương Chợ nông sản Thủ Đức. Đặc biệt đã ký hợp đồng với hai đối tác kinh doanh Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam - VIFON để cung cấp hành bóc vỏ với khối lượng 360 tấn/năm và Công ty TNHH Một Thành viên T16 Việt Nam hợp đồng bao tiêu với 18 nông dân là thành viên hợp tác xã sản xuất hành và cà chua diện tích 2,8 ha, công ty sẽ mua theo giá thị trường, đảm bảo cho xã viên sản xuất không bị lỗ, bước đầu mang lại những lợi ích cụ thể và củng cố niềm tin cho các thành viên HTX. Ông Sơn Minh Thành, Giám đốc HTX Hành tím Vĩnh Châu, cho biết “Năm vừa qua do diện tích trồng hành tím tăng cao nên cung nhiều hơn cầu, cộng với không xuất khẩu được nên ảnh hưởng đến giá cả. Trước tình hình đó, HTX đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với công ty ViFon nên đầu ra của xã viên tương đối ổn định. Hiện tại HTX đang tính đến phương án trồng hành rải vụ để có sản phẩm cung ứng quanh năm”.

 

Tuy nhiên, HTX cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động nguồn vốn kinh doanh, thành viên HTX thiếu vốn sản xuất. Vấn đề tìm đầu ra thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa của sản phẩm hành và giá cả của cây hành trong niên vụ sắp tới là tình cảnh chung của hầu hết các hộ trồng hành tím ở Vĩnh Châu. Vụ hành năm 2016, theo lịch gieo trồng hiện tại, phần lớn diện tích của xã viên sẽ thu hoạch trước và sau Tết Nguyên đán, bà con hy vọng dưới sự quản lý, điều hành của HTX và công tác xúc tiến thị trường thời gian qua sẽ giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

 

Để hỗ trợ xã viên nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2016, HTX sẽ hướng vào những hoạt động trọng tâm, như duy trì thực hiện hợp đồng cung cấp hành bóc vỏ và mở rộng thêm mặt hàng cung cấp ớt cho công ty VIFON; tiếp tục thực hiện hợp đồng bao tiêu với Công ty T16 về diện tích trồng hành, cà chua hiện tại và mở rộng thêm diện tích, một số cây trồng khác; nhân rộng mô hình trồng hành rải vụ cho thành viên HTX và xã viên liên kết có vùng đất phù hợp; thực hiện kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp như cung cấp phân bón, hành giống, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên góp phần tăng doanh thu cho HTX; mở rộng xã viên liên kết và doanh nghiệp liên kết nhằm cung cấp nguồn hàng và nguồn vốn để HTX thực hiện các hợp đồng; tăng cường xúc tiến thương mại, gặp gỡ nối lại với các đối tác trước đây để tìm kiếm thêm đơn hàng mới. Tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án, các ngành, các ngân hàng để giải quyết vấn đề vốn kinh doanh của HTX, giúp cho HTX có đủ nguồn lực để thực hiện tốt các đơn hàng lớn.

 

Thông qua các xúc tiến thương mại sẽ có sự gắn kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ. Trong việc nâng cấp chuỗi giá trị thành công hay không thì tiêu thụ là quan trọng nhất. Trong năm 2016, hoạt động hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị hành tím Vĩnh Châu tiếp tục được Dự án triển khai hỗ trợ; tập trung vào việc thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lớn tập trung theo hướng Global GAP và hỗ trợ đầu tư áp dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, tồn trữ và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Phi Hải, cán bộ BQL Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho HTX tham gia xúc tiến thương mại để có điều kiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đầu ra cho hành tím. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ HTX tham gia Vườn ươm doanh nghiệp để nâng cao năng lực quản trị, giúp hiệu quả kinh doanh đạt cao hơn”.

 

Để chuỗi giá trị hành tím được nâng cao, Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng đang dành nhiều hoạt động hỗ trợ HTX tiếp tục tham gia xúc tiến thương mại để tìm kiếm mở rộng thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và hiệu quả sản xuất của xã viên trong vụ hành 2016./.

 

Trung Dũng

 

Nghiên cứu 2 giốnglúa chịu mặn cho vùng cù lao Tân Phú Đông

 

Nguồn tin: Tiền Giang

 

Trong vụ Đông xuân 2015 - 2016, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đã đưa ra 2 giống lúa OM 5451 và OM 6976 có ưu điểm chịu mặn, thích hợp với điều kiện sản xuất khắc nghiệt vùng cù lao nhiễm mặn và hạn hán gay gắt Tân Phú Đông.

 

Hai giống lúa này thuộc đề tài nghiên cứu "Đánh giá, tuyển chọn giống lúa cao sản thích nghi điều kiện canh tác đất nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang", do Ths. Trần Thị Thanh Thúy, Phó Phòng kỹ thuật, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chủ trì. Đề tài đã giành giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 - 2015) vừa qua.

 

Được biết, đề tài được triển khai thực hiện từ vụ Thu đông năm 2012, trong gần 3 năm, Ths. Trần Thị Thanh Thúy cùng các cộng sự đã tuyển chọn ra được 2 giống lúa OM 5451 và OM 6976 từ 10 giống lúa đưa vào nghiên cứu khảo nghiệm, đánh giá, sàng lọc đầu vào. Kết quả so sánh qua thực tiễn sản xuất cho thấy, các giống lúa trên cho năng suất cao hơn các giống lúa đối chứng địa phương từ 29 - 36%, thích hợp và sinh trưởng tốt trên vùng đất nhiễm mặn, thường xuyên hạn hán của huyện Tân Phú Đông.

 

Theo kỹ sư Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, 2 giống lúa chịu mặn OM 5451 và OM 6976 có chu kỳ sinh trưởng 95 ngày, năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng, nên đầu ra khá thuận lợi. Hai giống lúa này cần được ưu tiên đưa vào sản xuất đại trà từ vụ Đông xuân 2015 - 2016 trở đi, thay thế dần các giống lúa không còn phù hợp.

 

Kỹ sư Phạm Việt Hồng, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 - 2015) đánh giá cao về tính mới, hiệu quả và khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của 2 giống lúa chịu mặn trên, góp phần giải đáp bài toán giống lúa thích hợp với vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông. Ngoài các ưu điểm về tính thích nghi vùng đất mặn, năng suất cao và phẩm chất gạo ngon, việc tuyển chọn đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa chịu mặn còn giúp thay đổi tư duy và nâng cao trình độ canh tác của bà con địa phương, chuyển giao kỹ thuật thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo nông thôn.

 

Ông Hồng nhấn mạnh, 2 giống lúa OM 5651 và OM 6976 còn có khả năng thích nghi tốt với điều kiện canh tác trên vùng đất nhiễm mặn trong vụ Thu đông, phù hợp với mô hình sản xuất một vụ tôm - một vụ lúa đặc thù tại Tân Phú Đông. Không chỉ Tân Phú Đông, mà những vùng đất nhiễm mặn ven biển Nam bộ có điều kiện tương tự cũng có thể đưa giống lúa OM 5451 và OM 6976 vào cơ cấu sản xuất.

 

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện diện tích sản xuất một vụ lúa - một vụ tôm/năm tại địa phương đã lên gần 600 ha, nên nhu cầu về giống lúa chất lượng tốt và chịu mặn rất lớn.

 

Mộng Tuyết

 

Làm giàu từ nghề trồng nấm

 

Nguồn tin: Báo Nam Định

 

Dám nghĩ, dám làm, biết tranh thủ khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chủ động nghiên cứu thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, anh Nguyễn Xuân Thùy, xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu - Nam Định) đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình từ nghề trồng nấm linh chi, nấm sò và mộc nhĩ.

 

 

Anh Nguyễn Xuân Thùy, xóm 7, xã Hải Anh (Hải Hậu) kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nấm trong Trại nấm Abba.

 

Sinh năm 1986, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Thùy mặc dù từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng hải năm 2007 nhưng sau một thời gian chật vật đi tìm việc làm đủ ngành nghề như thợ xây, đi biển, trồng cà phê…, “cho đến năm 2013, được người anh họ đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc gợi ý, tôi bắt đầu tìm hiểu về cây nấm linh chi, quy trình trồng và chế biến loại nấm này. Tìm hiểu kỹ, tôi mới phát hiện ra nhiều công dụng hữu ích của nấm, thị trường tiềm năng của cây nấm linh chi. Cũng từ đó tôi bắt đầu “mê” những tai nấm màu đỏ. Tôi nghĩ tại sao mình không mở 1 trại trồng nấm trên đất Hải Anh? Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là hướng đi chính xác cho mình”, Thùy chia sẻ. Để tích lũy thêm kiến thức, anh đã cất công lên Viện Di truyền nông nghiệp đăng ký khóa học ngắn ngày về kỹ thuật trồng nấm linh chi. Sau đó tiếp tục xuống trang trại trồng nấm thực tế của Viện ở Văn Giang (Hưng Yên) để học thêm cách trồng, chế biến nấm. Tháng 3-2014, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kiến thức Thùy chính thức mở Trại nấm linh chi Abba với diện tích ban đầu 400m2, với tổng vốn đầu tư là 200 triệu đồng. Trên diện tích đó, Thùy không chỉ trồng nấm linh chi mà còn kết hợp trồng thêm cả mộc nhĩ, nấm sò theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, dùng tiền bán mộc nhĩ, nấm sò để “tái đầu tư” cho nấm linh chi. Quá trình trồng nấm linh chi, Thùy áp dụng, tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của nấm như: nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, ánh sáng, oxy… Do đó, điều kiện đầu tiên Thùy quan tâm là thiết kế trại đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ, nhất là khâu phun nước phải bảo đảm mỗi ngày 4 - 5 lần. Kỹ thuật sản xuất phôi cũng được Thùy hết sức chú trọng vì phôi nấm linh chi rất “khó tính”, đòi hỏi phải được bảo đảm sạch do chúng rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Thùy chia sẻ thêm: “Đây là loại nấm dược liệu quý nên rất khó trồng. Ngoài việc chọn được nguồn phôi tốt, trong quá trình phát triển của nấm phải khống chế được 2 yếu tố là nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ trong trại luôn phải đảm bảo ở mức 22 - 28 độ, độ ẩm từ 80 - 90%. Người trồng ngoài kinh nghiệm còn phải chuyên tâm chăm sóc. Khâu quan trọng và khó khăn nhất là xử lý trang trại và bịch nấm. Trước khi trồng, khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi. Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh”... Để có môi trường tốt cho cây nấm phát triển, Thùy còn cẩn thận chọn lựa mùn cưa từ các loại gỗ thân mềm, không có tinh dầu. Nhờ triệt để áp dụng những kiến thức KHKT vào việc trồng nấm, vụ mùa đầu tiên, trại nấm của Thùy cho kết quả hết sức khả quan. Sau 3 tháng trồng nấm linh chi, trừ chi phí, Thùy thu lãi 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thùy còn thu lãi khoảng 20 triệu đồng từ việc bán mộc nhĩ và nấm sò. Vụ nấm đầu tiên thắng lợi, Thùy có thêm động lực, niềm tin để đầu tư cho sản xuất. Theo đó, Thùy mạnh dạn vay thêm vốn để mua sắm các trang thiết bị hiện đại như nồi hơi, hệ thống hấp sấy, phục vụ khâu chế biến. “Tôi nghĩ, nếu chỉ dừng ở việc bán nấm thô mà không chế biến được nấm sẽ rất “thiệt thòi” cho người sản xuất. Bởi lẽ, giá của nấm thô khá rẻ, hơn nữa nó không chứng minh được sự chuyên nghiệp của người trồng. Vì thế, tôi đặt mục tiêu phấn đấu, phải cung cấp được đến tận tay người tiêu dùng 1 sản phẩm nấm hoàn chỉnh, nghĩa là hoàn tất các khâu trồng, chế biến, đóng gói”… Thùy nói. Hạ quyết tâm và phải thực hiện bằng được, hiện các sản phẩm nấm linh chi của Thùy đã tiến thêm một bước nữa, “đi thẳng” vào các hiệu thuốc, các siêu thị mà không qua bất cứ khâu trung gian xử lý, chế biến nào. Đặc biệt, quy trình chế biến nấm linh chi của Thùy được Chi cục ATVSTP của tỉnh giám sát chặt chẽ, cứ 3 tháng các mẫu nấm của trại lại được xét nghiệm 1 lần. Từ đầu năm 2015 đến nay, theo ước tính của Thùy, Trại nấm Abba cho thu hoạch khoảng 4 tạ nấm linh chi, doanh thu đạt 200 triệu đồng, trừ chi phí, Thùy thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Sản phẩm nấm linh chi của Thùy chủ yếu được nhập bán cho các đầu mối quen ở Sài Gòn. Bên cạnh đó, Thùy còn có nguồn thu đáng kể từ việc bán nấm sò, mộc nhĩ. Từ một thanh niên không có việc làm ổn định đến ông chủ của một trang trại nấm tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức lương từ 2,8 - 3,2 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 15 - 20 người, trong đó chủ yếu là thanh niên; Trại nấm linh chi Abba của Thùy đã mở ra hướng phát triển kinh tế đúng đắn cho anh và gia đình. Tuy nhiên, không chỉ biết làm giàu cho bản thân, Bí thư chi đoàn xóm 7 Nguyễn Xuân Thùy còn nhiệt tình giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm cho bà con nông dân, đặc biệt là thanh niên địa phương nếu ai có nhu cầu học hỏi về nghề trồng nấm. Ước mơ trong tương lai của Thùy là mở rộng được diện tích trồng nấm linh chi lên khoảng 1.000m2, mua sắm được thiết bị hệ thống hấp sấy hiện đại, hoàn chỉnh để cây nấm làm ra không phải phụ thuộc vào thời tiết, hoàn chỉnh khâu chế biến nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo uy tín, chất lượng.

 

Năng động, ham học hỏi, Nguyễn Xuân Thùy đã trở thành triệu phú từ nghề trồng nấm. Đây là tấm gương điển hình thanh niên nỗ lực phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương, mạnh dạn đưa những giống cây mới về địa phương trồng, kinh doanh hiệu quả, xứng đáng cho nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh học tập, noi theo./.

 

Hoa Quyên

 

Dùng phân chuồng tươi trồng rau: Lợi bất cập hại

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

 

Thời điểm này, các vùng chuyên canh rau đang bước vào vụ mới. Trên ruộng rau, đâu đâu cũng thấy phân chuồng tươi, đặc biệt là phân cút chất thành đống, mùi hôi theo gió đi xa đến cả vài cây số.

 

Đến người trồng còn không chịu nổi!

 

Đến vùng chuyên canh rau vào những ngày này, bất kỳ ai cũng không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ phân cút tươi. Trên những bao phân, ruồi muỗi ken đặc. Những người trồng rau cũng là những người phải sống chung với cảnh ô nhiễm, chưa kể những buổi các hộ trồng rau này phun thuốc trừ sâu.

 

Dạo quanh vùng chuyên canh rau, màu xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) vào thời điểm này, diện tích trồng rau rộng hàng trăm hecta được người dân đang xuống giống vụ rau Tết. Bước vào vụ mới, xe tải nườm nượp chở đầy phân cút tươi đổ về các cánh đồng.

 

 

Người trồng rau sử dụng phân cút tươi để trồng rau mà không qua khâu ủ.

 

Phân chuồng ngày xưa người ta hốt đổ vô hầm che đậy kỹ lưỡng đến hoai mục mới mang bón cho ruộng lúa, trồng rau, màu. Giờ các vùng trồng rau trồng thâm canh, tăng vụ quanh, nhu cầu phân chuồng tăng cao, trong khi chăn nuôi heo bây giờ hầu hết các gia đình xây dựng hệ thống chuồng dội nên lượng phân chuồng trong các gia đình chẳng đáng là bao.

 

Nguồn phân cút là giải pháp tối ưu cho các vùng trồng rau. Người nuôi cút hàng ngày lấy phân cút đổ ra hầm rồi cho tro trấu vào trộn chung, phân cút được bao nhiêu người trồng rau đến mua mua tới đó. Khi phân về làng cũng là lúc cả làng sống chung với ô nhiễm.

 

Một sào rau bình thường cần đến 5 bao phân cút, nếu là xà lách, thời hạn thu hoạch ngắn nên nên lượng phân tăng lên gấp đôi. Hàng trăm ha rau màu, lượng phân cút đổ về đồng một lúc cũng đến vài chục tấn.

 

Một người trồng rau thừa nhận: “Mình trồng còn không chịu nổi, nói chi người lạ đến. Ai mới đến cũng than trời. Mỗi khi bón phân tui phải bịt đến hai lớp khẩu trang, nhưng vẫn khạc nhổ liên tục. Có hôm tối về đâu cả cổ họng. Biết vậy, nhưng ủ phân mất công lắm!”.

 

Nguồn lây nhiễm ký sinh trùng

 

Theo ông Đặng Tấn Thương- Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, khi sử dụng phân động vật cần được ủ hoai rồi mới bón cho rau vì quá trình ủ, nhiệt độ cao, thời gian kéo dài sẽ tiêu diệt các ký sinh trùng gây nhiễm cho rau.

 

 

Với những loại rau ăn sống, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và gây hại cho người dùng càng cao.

 

Sử dụng phân chuồng tươi lợi bất cập hại. Dễ thấy nhất là ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là rau dễ bị nhiễm ký sinh trùng, từ đó lây sang người sử dụng.

 

Rau bị nhiễm khuẩn do ký sinh trùng, trong quá trình chế biến nếu nấu chín vẫn có thể tiêu diệt được, nhưng với những loại rau ăn sống, nguy cơ nhiễm và gây hại cho người dùng càng cao.

 

Đó là chưa kể, phân tươi tạo điều kiện cho ruồi, muỗi cư ngụ đậu, chúng bay tìm thức ăn và mang ký sinh trùng, ấu trùng giun sán,… đến bất cứ vị trí nào mà chúng đậu. Nếu chúng đậu vào thức ăn của người, nguy cơ gây ra một số bệnh, nhất là tiêu chảy rất lớn.

 

Vì vậy, khuyến cáo bà con nên sử dụng cách ủ phân truyền thống đến hoai mục hãy bón cho cây trồng. Nhóm vi sinh vật có lợi trong quá trình ủ phân còn tạo ra một số chất giàu dinh dưỡng tốt cho cây trồng, đồng thời giúp cây kháng được một số bệnh.

 

Với cách làm này, không chỉ góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạ giá thành đầu tư.

 

Ái Kiều

 

P.S ảnh: Xuân về mát lành vùng chè Hà Giang

 

Nguồn tin: Báo Hà Giang

 

Là vùng chè nổi tiếng với sản phẩm chè Hà Giang được cả nước biết tới. Những năm qua, để phát huy lợi thế của một vùng chè truyền thống, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển cây chè, trong đó chú trọng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP. Việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè mà còn góp phần xây dựng thương hiệu chè Hà Giang vươn xa ra thị trường thế giới.

 

Xuân về, đi bên những đồi chè biếc xanh, được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và Hoàng Su Phì… lách mình giữa bạt ngàn những thân chè đang trổ búp, ta như cảm nhận được sự trong lành khắp núi đồi Hà Giang. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các bà, các chị hái chè trong nắng sớm, khiến cho lòng người thêm phấn chấn… Những búp chè tươi non xanh mượt và trong lành sẽ rời miền đất địa đầu để bay đến những phương trời xa, cuốn theo hương vị nắng gió của Hà Giang…

 

 

Nắng sớm trên nương chè VietGAP ở Bắc Quang.

 

 

Những nụ cười ẩn hiện trong sương sớm trong lành.

 

 

Những búp chè xanh non, trong lành mang hương vị Hà Giang sẽ bay đi những miền xa.

 

Mỹ Hằng - V.Long

 

Vĩnh Phúc: Các biện pháp kỹ thuật khắc phục thời tiết bất thuận do vụ xuân ấm

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

 

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El-Nino tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4 năm 2016 và là đợt El-Nino có cường độ mạnh. Nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình từ 0,5 - 1,50C, trong các tháng chính Đông của miền Bắc, rét đậm, rét hại sẽ ít hơn.

 

Để thực hiện thắng lợi sản xuất vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Sở NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật khắc phục thời tiết bất thuận do vụ xuân ấm. Theo đó, đối với trà lúa xuân muộn, gieo mạ tập trung từ ngày mùng 1 đến ngày 5/2/2016, cấy trong tháng 2 để lúa trỗ tập trung từ ngày mùng 5 đến ngày 15-5-2016; sử dụng các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng tốt như Thiên ưu 8, HT1, RVT, DQ11, TH3-5... Tổ chức gieo mạ tập trung nhằm bảo vệ và chăm sóc được tốt, sau khi gieo từ 2 - 3 ngày, những ngày nắng ấm mở nilon che phủ ở hai đầu luống mạ, chiều tối che lại để chống rét cho mạ về đêm. Mở rộng diện tích lúa gieo thẳng trên chân đất vàn và vàn cao, chủ động nước tưới tiêu, thời vụ gieo từ ngày 13 đến ngày 20-12-2016. Bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để có kế hoạch đổ ải, làm đất, chuẩn bị và điều hành tốt phương tiện làm đất, đảm bảo gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Mở rộng diện tích cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên, nhằm tiết kiệm giống, hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và có các biện pháp phòng trừ kịp thời, đặt biệt là sâu đục thân, rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn.

 

Đối với sản xuất rau màu, thu hoạch nhanh cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch; với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, khẩn trương làm đất, tiếp tục gieo trồng các loại rau càng sớm, càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung ứng cho thị trường, nhất là trước, sau Tết Nguyên đán. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa khó nước, đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu hiệu quả kinh tế cao như ngô, đậu đỗ các loại; đặt biệt các loại rau củ quả có khả năng tiêu thụ và bảo quản lâu dài, có hợp đồng sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ mới về giống, kỹ thuật canh tác tổng hợp, đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo quy trình Việt GAP. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như bón phân cân đối, sử dụng phân tổng hợp NPK; áp dụng phương châm bón sớm, bón tập trung, nặng đầu nhẹ cuối; phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, ICM trên tất cả các loại cây trồng...

 

Mai Liên

 

Chuyện về những tỷ phú cam Cao Phong

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

 

 

Cam sạch Cao Phong được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Được công nhận Chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong tiếp tục khẳng định là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về chất lượng và giá cả. Sau mỗi vụ cam, những người ra nhập “đội quân” tỷ phú ở Cao Phong ngày một nhiều hơn, trở thành niềm mơ ước của không chỉ nông dân toàn quốc.

 

Tôi bất ngờ khi gặp lại anh Trần Văn Tuyên, là một trong những người trồng cam có “số má” ở thị trấn Cao Phong, vì từ nhiều năm trước đã có nguồn thu hàng tỷ đồng. Tại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất vừa qua, trông anh cứ ngỡ doanh nhân. Anh lái ô tô đời mới, quần áo lịch lãm, phong cách thư thái. Hôm nay, tại vườn cam Đội 4 anh lại là nông dân đích thực - người ta nói anh là “ông chủ chân đất”. Mũ, quần áo bảo hộ, đi ủng, phóng xe máy cà tàng chỉ đạo sản xuất, điện thoại kêu liên tục nhận đơn đặt hàng. Anh Tuyên chia sẻ: Khu vườn cam V2 khoảng 3,5 ha này để áp Tết mới bán. Sang năm thứ 6, năng suất và sản lượng cam bước vào “đỉnh cao”. Lá xanh mướt, cam sai đến nỗi phải dùng giàn đểứ trống, quả mọng, vàng tươi kết thành khối sà như sắp gãy cành.

 

Anh Tuyên ngại không muốn nói về thu nhập vì có thể là khiêm tốn và có thể câu chuyện tiền tỷ đối với người trồng cam không còn xa lạ. Hiện anh sở hữu 17 ha cam, trong đó, gần 10 ha thời kỳ kinh doanh bước vào giai đoạn “hoàng kim” (năm thứ 6 - 7). Khiêm tốn cũng cho thu khoảng 8 tỷ đồng, con số ước ao đối với nhiều doanh nhân chứ đừng nói đến nông dân. Cơ ngơi “nổi” có thể nhìn thấy của anh Tuyên chẳng khác gì những đại gia có máu mặt.

 

Không kém so với quy mô và thu nhập của anh Tuyên, vụ cam này, nhiều gia đình khác như hộ các ông, bà: Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thế Bình, Đặng Thị Thu… có tới hàng chục ha cam, gần 10 ha trong thời kỳ kinh doanh, thu hàng trăm tấn cam, chuyện thu từ 7 - 10 tỷ đồng nằm trong tầm tay.

 

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Nguyễn Thế Anh cho biết: Chẳng tính đến những đại gia cam có số thu gần 10 tỷ đồng. ở điều kiện bình thường chỉ cần 1 ha đất trồng cam thu khoảng 30 tấn/ha cũng có gần tỷ đồng. Những gia đình tầm tầm như Chủ tịch UB MTTQ thị trấn Cao Phong Nguyễn Đức Mạnh có 3/7 ha cam kinh doanh; 2 con bác Phạm Đức Khánh, Chủ nhiệm CLB những người trồng cam Cao Phong, mỗi người trồng khoảng 4 ha, trong đó 2 ha đã cho kinh doanh, hàng năm cũng thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng...

 

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Thế Anh tâm sự: Mấy năm nay, ai có 5.000 - 7.000m2 trồng cam cũng để ra vài trăm triệu đồng/năm. Thống kê năm ngoái, thị trấn có 54 hộ thu trên tỷ đồng. Cả thị trấn Cao Phong có trên 150 ô tô các loại, trong đó nhiều xe thời thượng. Năm nay, cam được giá, được mùa, năng suất và sản lượng tiếp tục được nâng cao. Câu chuyện người trồng cam mua biệt thự, xây bể bơi, ô tô hạng sang, tiện nghi đắt tiền, sử dụng điện thoại thế hệ mới, để hàng tỷ đồng làm quà hồi môn cho con cháu giờ không mới.

 

Huyện Cao Phong có gần 1.700 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 1.120 ha cam, khoảng 750 ha cam, quýt vào thời kỳ kinh doanh, sản lượng 20.000 tấn, giá trung bình 30.000 đồng/kg, người trồng cam cũng có doanh thu cỡ 600 tỷ đồng. Thế nên, Bí thư Huyện ủy Cao Phong Võ Ngọc Kiên nói vui mà thực tế - “Bây giờ nhắc đến tỷ phú cam là chuyện rất xưa. Tới đây, Cao Phong sẽ có những triệu đô từ trồng cam ấy chứ”. Nhìn thu nhập của người trồng cam ở thị trấn “vàng” Cao Phong, ai chẳng mơ. Ngoài những ưu ái về khí hậu, thổ nhưỡng, người trồng cam cũng vất vả, một nắng hai sương, tất bật quanh năm. Lo phân bón, kỹ thuật, thời tiết, nước tưới… Mỗi khi thời tiết thay đổi, nắng hạn, hay giông bão, mỗi lứa cam ra hoa, kết trái, một chút lá cam bị rám, không xanh, chủ cam chẳng thể yêu lòng. Và cũng không phải ai cũng có thể “gặt hái” được những mùa cam vàng, quả ngọt, bởi trồng cam phải làm chủ khoa học kỹ thuật, tổ chức tốt sản xuất, tính ra mức đầu tư cho mỗi ha cam cũng lên tới 150 - 200 triệu đồng. Nói về những lo toan, vất vả của dân trồng cam Cao Phong người ta vẫn ví phải ăn cơm đứng và có thực lực. Chủ nhiệm CLB những người trồng cam Phạm Đức Khánh cho biết: Dân trồng cam đã nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cam, thực hiện quản lý sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn khác, tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ mới, chọn các giống mới, bố trí cơ cấu giống hợp lý có tính rải vụ áp dụng vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cam, mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ, trong bối cảnh hội nhập.

 

Lê Chung

 

Làm bưởi an toàn cung cấp cho thị trường Tết

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Ngày 31-12, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi vụ tết với sự tham dự của đông đảo nông dân trồng bưởi trên địa bàn huyện.

 

 

Nông dân tham quan vườn bưởi đạt năng suất cao tại xã Bình Hòa. Ảnh: B. Nguyên

 

Dịp này, Trạm Khuyến nông huyện đã tuyên truyền cho nông dân những loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng từ ngày 23-11-2015 theo Thông tư 34/TT -BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện cũng hướng dẫn cho bà con sử dụng những loại thuốc, phương pháp phòng trừ sâu, bệnh, bằng các biện pháp sinh học, lợi dụng thiên địch tự nhiên để làm ra sản phẩm bưởi an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho thị trường tết.

 

Tại hội thảo, nhiều hộ làm vườn đạt năng suất cao trong vụ bưởi tết cũng đã chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc để cây bưởi đạt năng suất cao, vườn cây phát triển bền vững bằng những giải pháp ưu tiên, như: sử dụng phân hữu cơ, sử dụng phân, thuốc đúng cách.

 

Hiện huyện Vĩnh Cửu đã phát triển được khoảng 1 ngàn hécta bưởi. Đây là cây trồng đứng đầu danh sách cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.

 

Bình Nguyên

 

Tín hiệu vui cho người trồng thanh long

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Nếu như 3 năm trước đây, nông dân ở các xã Khánh Bình Đông, Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời khá hồ hởi, ồ ạt cùng nhau xây trụ xi-măng trồng thanh long, thì chỉ qua vài vụ thu hoạch, họ đã không còn mặn mà với loại cây này bởi rớt giá. Tuy nhiên, có một tín hiệu vui cho người trồng thanh long, đó là vào giữa tháng 12/2015, Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam tỉnh Cần Thơ kết hợp với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời đến khảo sát các vườn thanh long của nông dân hai xã Khánh Hưng và Khánh Bình Đông để ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.

 

Sau khi khảo sát, phía công ty sẽ chọn khoảng 20 hộ trồng thanh long để ký hợp đồng làm mô hình điểm. Dự kiến chậm nhất vào giữa tháng 1/2016 hợp đồng sẽ được ký kết. Theo đó, yêu cầu của phía công ty là trong quá trình trồng thanh long, từ khâu chăm sóc, bón phân đến thu hoạch, bảo quản đều phải theo một quy trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng, kích cỡ của trái, đáp ứng đúng quy chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu.

 

 

Nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam tỉnh Cần Thơ hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long cho nông dân.

 

Theo tính toán của kỹ sư phía công ty, chi phí chăm sóc, phân thuốc, chong đèn cho ra trái cho mỗi trụ thanh long sẽ không quá 100.000 đồng và mỗi đợt thu hoạch sẽ mang về cho nông dân không dưới 1,5 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ cho cán bộ kỹ thuật đến từng nông hộ để tập huấn kỹ thuật, sau đó sẽ có lịch trình sử dụng phân thuốc phù hợp, đồng thời khi thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm. Vào thời điểm chính vụ chúng tôi sẽ thu mua thấp nhất là 20.000 đồng/kg, còn nếu trái vụ lên đến 65.000 đồng/kg thanh long loại 1. Công ty làm theo một quy trình khoa học áp dụng kỹ thuật cao cho trái đúng tiêu chuẩn để trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Đinh Công Thuẩn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Tây Nam, cho biết.

 

Sau khi được tiếp xúc, trao đổi và phân tích những cái lợi mà mình được hưởng khi hợp đồng được ký kết, những hộ dân trồng thanh long ở hai xã Khánh Hưng và Khánh Bình Đông rất phấn khởi, tự nguyện tham gia làm mô hình thí điểm ngay tại vườn nhà mình. “Thời gian qua, những người trồng thanh long ở đây gặp khó khăn về phía đầu ra và bán không có giá, giờ được dịp công ty xuống ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tôi mừng lắm, an tâm sản xuất”, ông Tống Văn Hoành, hộ trồng thanh long ở ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, vui mừng nói.

 

“Hội Nông dân huyện sẽ xúc tiến thống kê lại số trụ, số hộ trồng thanh long trong toàn huyện, sau đó cùng công ty phối hợp với các hộ trồng thanh long làm mô hình điểm, cũng như tập huấn kỹ thuật cho nông dân, sau đó tiến hành triển khai nhân rộng trong toàn huyện”, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết.

 

Với sự kết hợp này, người nông dân không chỉ an tâm đầu ra sản phẩm mà họ còn được tiếp cận với phương pháp trồng thanh long chuyên nghiệp theo hướng thâm canh bền vững. Đó là áp dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ, thay đổi cách làm truyền thống trước đây, nâng giá trị sản phẩm làm ra và cùng liên kết với nhau tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long huyện Trần Văn Thời trong thời gian tới./.

 

Kiều Oanh

 

Cam Cao Phong với ước vọng vươn xa

 

Nguồn tin: Báo Công Thương

 

Mùa này, cam Cao Phong (Hòa Bình) đang vào thời chín rộ. Những vườn cam mọng vàng, sai trĩu đến nỗi phải dùng giàn mà chống, khiến chúng tôi cứ đứng xuýt xoa, ao ước...

 

 

Bạt ngàn những vườn cam

 

Sau một năm cam Cao Phong được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, vùng sơn cước này trở nên “bận bịu” hơn với rất nhiều những chuyến đặt hàng của các thương lái trong Nam, ngoài Bắc. Cũng bởi vậy, nơi đây bỗng chốc nổi tiếng với hàng trăm tỷ phú. Những biệt thự sang trọng mọc lên san sát, những chiếc ôtô thượng hạng được “tậu” về. Đặc biệt hơn với chúng tôi là trong những câu chuyện người dân đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cam, thực hiện quản lý sản xuất cam theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cam như tiêu chuẩn VietGap…; chú trọng việc mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ trong bối cảnh hội nhập.

 

Dự kiến, sản lượng cam, quýt Cao Phong năm 2015 sẽ đạt trên 20.000 tấn. Theo bà con, năm nay, cam Cao Phong không chỉ được mùa mà còn được giá. Giá bán buôn tại vườn từ 25 - 35 nghìn đồng/kg. Tính bình quân 1ha cam mang lại thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng cho người dân địa phương. Hiện tại, cây cam, quýt đã được trồng tại 13/13 xã, thị trấn trong huyện. Với mức thu như hiện nay, bà con Cao Phong quả quyết “Trồng cam không chỉ thoát nghèo mà còn giúp cho nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú”.

 

 

Chị Huệ - một trong những tỷ phú 8X vùng cam

 

Tại vùng trồng cam này, chúng tôi ghi nhận, thu nhập trung bình của nhiều gia đình năm qua lên tới 2 - 5 tỷ đồng; cá biệt có hộ thu nhập 8 - 10 tỷ đồng/vụ. Không chỉ những người có thâm niên trồng cam như ông Nguyễn Văn Tiến ở khu 3, ông Tạ Đình Đào ở khu 5 mới là những tỷ phú mà còn khá nhiều tỷ phú thuộc thế hệ 7X, 8X như hộ anh Nguyễn Đức Huy, khu 4 thị trấn Cao Phong, hay gia đình chị Huệ… Anh Huy cho biết, đến năm 2015, gia đình anh đã trồng được 6ha cam, trong đó có 3ha đã được thu hoạch. Dự kiến năm 2015 nhà anh thu được khoảng 50 tấn cam, cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. “Thu nhập như nhà tôi chẳng đáng kể gì so với nhiều anh em khác trong vùng cam này” - anh Huy phấn khởi nói.

 

Theo các chuyên gia, cây cam Cao Phong giờ chưa phải là đỉnh điểm thu hoạch. Sang năm thứ 6, năng suất và sản lượng cam bắt đầu bước vào đỉnh cao. Như vậy, chỉ sang năm những vườn cam Cao Phong sẽ sai trĩu hơn, quả mọng vàng hơn, ngọt thơm hơn và khi ấy câu chuyện tiền tỷ đối với “dân cam” Cao Phong có lẽ hơi xưa rồi mà thay vào đó là những câu chuyện về nhà triệu đô Cao Phong từ trồng cam.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong - cho biết: Sau một năm được công nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Cam Cao Phong đang tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, phấn đấu trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn. Mùa thu hoạch cam năm nay lại tiếp tục là mùa vàng bội thu đối với người trồng cam ở huyện Cao Phong.

 

Theo lãnh đạo phòng Kinh tế, hạ tầng UBND huyện Cao Phong, để nâng tầm thương hiệu cho cam Cao Phong, ngay sau khi có chỉ dẫn địa lý huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung đã có nhiều giải pháp như: Thành lập Ban Kiểm soát chỉ dẫn địa lý Cao Phong; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nông sản để các hộ kinh doanh không trà trộn các mặt hàng cam ngoài vùng vào để bán; mở hội nghị tuyên truyền về sản xuất theo quy trình sản xuất rau quả an toàn, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý… Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua đã diễn ra Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của bà con từ nhiều miền đất nước.

 

 

Phân loại cam

 

Được biết, tỉnh Hòa Bình đã và đang hướng tới một mục tiêu xa hơn, đó là từng bước xây dựng Bộ tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho cam Cao Phong như Tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của Việt Nam (VietGap) hoặc xa hơn nữa là Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) như đã áp dụng cho các sản phẩm nông sản khác trong cả nước. Để từng bước đưa sản phẩm cam bước vào các siêu thị, hướng tới xuất khẩu và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến tại vùng đất này. Quả cam từ chỗ chỉ được sử dụng làm sản phẩm tiêu dùng trực tiếp sẽ được chế biến thành nhiều loại sản phẩm đa dạng mà vẫn giữ vị ngọt thơm.

 

Dẫu biết, ngoài những ưu ái trời cho, như khí hậu, thổ nhưỡng; nhưng người trồng cam cũng một nắng hai sương, tất bật quanh năm. Mỗi khi thời tiết đổi mùa, nắng hạn, hay giông bão, mỗi lứa cam ra hoa kết trái, một chút lá cam bị nám, hay không xanh là chủ cam chẳng thể yên lòng. Mới biết, để cho ra những trái quả trĩu ngọt, là mồ hôi, công sức trộn với sự lo lắng đan xen...

 

Tháng 11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, bước đầu chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 4 giống cam: CS1 (chín sớm 1), Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong, Thu Phong có sản phẩm cam mang tên gọi chung cam Cao Phong.

 

Thanh Tâm - Hải Nam

 

Quýt Bắc Kạn trên đường hội nhập

 

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả Việt Nam đã triển khai thành công dự án Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho quýt Bắc Kạn. Sau 3 năm có Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhân dân đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho quýt Bắc Kạn.

 

 

Tư thương tỉnh ngoài tới Bắc Kạn thu gom quýt tại xã Quang Thuận (Bạch Thông). Ảnh: Văn Lạ

 

Quá trình phát triển sản xuất của quýt Bắc Kạn

 

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật và chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng phù hợp để mở rộng diện tích canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quýt là một trong những cây trồng tiêu biểu trong quá trình phát triển diện tích và nhanh chóng trở thành hàng hóa có giá trị.

 

Trước những năm 2000, người dân trong tỉnh trồng cam quýt theo kiểu tự phát, sử dụng để ăn và một phần mang bán nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy đây là cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, giai đoạn 2005 - 2010, UBND tỉnh đã ban hành chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Năm 2012, Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn. Vùng chỉ dẫn địa lý bao gồm 12 xã: Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (Ba Bể). Theo tiêu chuẩn giới thiệu trong Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, quýt Bắc Kạn có nhiều điểm đặc biệt hơn so với các loại quýt khác trên thị trường, như: Vỏ quả màu vàng tươi, ít hạt, sơ bã tan, ăn có vị ngọt và chua dịu, mùi thơm hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng cao.

 

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với một số cây trồng nông nghiệp chính, trong đó có cây quýt. Với sự nỗ lực tập trung chỉ đạo của các cấp, ngành việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân giống cây quýt Bắc Kạn đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đến nay diện tích cam, quýt của tỉnh đạt khoảng 2.200ha, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2005. Đã hình thành vùng canh tác quýt hàng hóa tập trung tại các huyện như Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Trong đó riêng huyện Bạch Thông chiếm tới 50% diện tích trồng cam, quýt của cả tỉnh. Theo ước tính, hiện tổng sản lượng quýt của tỉnh là gần 10.000 tấn/năm, đối với những diện tích thâm canh cao thì năng suất đạt 120 - 150 tạ/ha; sản lượng đạt trên 14.000 - 18.000 tấn, mang lại giá trị sản xuất trên 100 tỷ đồng cho nông dân.

 

Nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ

 

Từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Quýt Bắc Kạn đã từng bước khẳng định chỗ đứng ở thị trường trong tỉnh, từng bước mở rộng ra tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Tuy vậy, chủ yếu sản phẩm vẫn được tiêu thụ trong tỉnh là chính. Phần còn lại được tư thương một số tỉnh vùng Đông Bắc thu mua. Đến vụ thu hoạch quýt, trên các trục đường từ xã Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông) đến các xã Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn)... các tiểu thương tấp nập tới thu mua quýt Bắc Kạn mang đi tiêu thụ tại các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh và Lạng Sơn... tổng lượng quýt bán ra của người dân trên thị trường mỗi ngày trung bình khoảng 100 tấn. Do chưa có đầu mối bao tiêu số lượng lớn và ổn định nên giá quýt Bắc Kạn lên xuống thất thường, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.

 

Tại chợ đầu mối quýt tại thôn Boóc Khún, xã Quang Thuận (Bạch Thông) vào giữa giờ sáng, chúng tôi thấy người trồng quýt tấp nập thồ các sọt quả ra bày bán. Một vài xe ô tô của thương lái ngoại tỉnh đã về chờ sẵn. Chủ hàng đi ngã giá, mặc cả để mua gom từng chút một. Mua buôn ra tỉnh ngoài, họ đều chọn mua quả có kích thước và chất lượng tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Thuận, người dân trong thôn cho hay: Nếu được thu mua đồng loạt với số lượng lớn thì rất tốt. Còn không, sau khi thu hái, vận chuyển ra trung tâm xã, mỗi nhà lại phải cắt cử người ngồi chờ trực bán lẻ từng dậu quýt thì rất mất thời gian và hiệu quả kinh tế cũng không cao.

 

Thời gian qua, sau khi quýt có chỉ dẫn địa lý, tỉnh đã tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều cách để xây dựng thương hiệu hàng hóa cho loại quả đặc sản này. Cụ thể như: Triển khai các đề tài nghiên cứu cải tạo giống, phòng chống sâu bệnh, áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn trong canh tác quýt... Tháng 10/2015, tỉnh đã giao cho Hội Nông dân tỉnh quản lý Chỉ dẫn địa lý sản phẩm quýt Bắc Kạn. Hội đã triển khai xây dựng một số nội dung như: Quy chế cấp, cấp lại, thu hồi, gia hạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt; in và đề ra quy chế sử dụng hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt; quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ của Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt; quy định cơ cấu, tổ chức nhân sự của Ban quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn; Quy chế hoạt động của Ban quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Quýt Bắc Kạn. Cùng với đó, Sở Công thương đã phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm quýt Bắc Kạn tại các hội chợ, sự kiện thương mại trong và ngoài tỉnh...

 

Đồng chí Hà Thiêm Doanh- Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: Sự trợ giúp của tỉnh đã giúp địa phương rất nhiều trong mở rộng diện tích và tiêu thụ cam, quýt. Đã có một số doanh nghiệp thương mại, siêu thị tại Hà Nội liên hệ với địa phương để bàn hướng thu mua sản phẩm. Mới đây xã đã vận động thành lập HTX Đại Hà để đứng ra làm đầu mối thu mua gom sản phẩm.

 

Ông Cao Xuân Lãng- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: HTX Đại Hà trụ sở tại thôn Nà Kha, xã Quang Thuận gồm 9 thành viên. Hiện HTX đang tiến hành thương thảo hợp đồng với đối tác là một số chuỗi siêu thị thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (SAIGON CO.OP). Hiện nay hàng mẫu đã được gửi đi, HTX đang đợi phản hồi từ phía doanh nghiệp. Ông Lãng cho biết thêm, dù các điều khoản hợp đồng khá khó khăn cho phía địa phương, song xã vẫn quyết tâm động viên HTX Đại Hà khắc phục, đáp ứng trong phạm vi có thể được. Thời gian tới, nếu được tiêu thụ tại các siêu thị, đối tác chắc chắn sẽ đòi hỏi sản phẩm có chất lượng và mẫu mã khắt khe hơn. Các điều kiện ấy, xã và người dân hoàn toàn có thể đáp ứng được. Chỉ khi các khâu tổ chức liên kết sản xuất được gắn với khâu tiêu thụ, phối hợp với các đối tác ở thị trường lớn mới giúp sản phẩm quýt Bắc Kạn xây dựng được thương hiệu, tăng lượng tiêu thụ và đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

 

Sản xuất cây ăn quả đặc sản là hướng đi mà tỉnh Bắc Kạn xác định có tầm quan trọng trong việc tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, tạo công ăn việc làm nhằm thu hút được lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại địa phương. Thời gian tới, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển ổn định diện tích quýt hiện có.

 

Tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo 1.000ha cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGap. Tất cả mọi điều kiện đã sẵn sàng, để nhãn hiệu hàng hóa quýt Bắc Kạn ra được thị trường lớn, giờ phụ thuộc rất nhiều vào chính những người nông dân. Ngoài việc thay đổi tập quán canh tác theo hướng thâm canh, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap để kiểm soát chất lượng sản phẩm, thì người dân và các HTX cần làm quen với những đòi hỏi khắt khe của thị trường. Có vậy quýt Bắc Kạn mới có cơ hội vươn xa hơn ra những thị trường lớn./.

 

Đăng Bách - Văn Lạ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop