Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 03 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 03 năm 2016

Hậu Giang: Hướng đi nào cho mô hình trồng xen ca cao?

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trồng xen canh là giải pháp được các nhà vườn, nhà khoa học khuyến cáo và chọn để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất. Trong các loại cây được đưa vào trồng xen thì ca cao là loại cây được xem là phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, gần đây mô hình này đã bị người dân “tẩy chay” vì nhiều lý do.

Cây trồng có hiệu quả

“Trồng ca cao dưới tán dừa, vườn cây lâu năm bên cạnh lợi ích trong nâng cao thu nhập cho nông dân, còn giúp phát triển một mô hình xanh”, đó là nhận định của ông Đào Văn Phê, ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ông Phê đang sở hữu trên 1.000 cây ca cao trồng xen trong vườn dừa. Qua 3 năm thu trái, cây ca cao cho ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm từ việc bán trái tươi. Chăm sóc thì rất nhàn, chỉ cần bón phân một lần vào mùa mưa, cắt tỉa cành sau khi thu hoạch là được.

Hiện nay, còn rất ít hộ như ông Mai Văn Dữ vẫn giữ lại diện tích trồng ca cao.

Đối với ông Mai Văn Dữ, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, hiện vẫn tiếp tục duy trì diện tích ca cao trồng xen vườn dừa hơn 5 năm nay. Ông Dữ cho rằng, cây này dễ chăm sóc, ít tốn chi phí phân bón. Nhờ học được cách ủ trái theo phương pháp mới nên ông Dữ đã áp dụng để tập hợp số lượng ca cao nhiều hơn mới bán nhằm tiết kiệm chi phí chuyên chở. Vả lại, ủ và bán hạt khô sẽ có giá cao hơn so với bán trái tươi nên ông Dữ cũng thu lời nhiều hơn. Hiện nay, vườn ca cao trồng xen là loại cây giúp ông Dữ có đồng ra đồng vào để “dưỡng già” lúc tuổi xế chiều.

Nông dân vẫn chặt bỏ

Ca cao trồng xen vườn cây lâu năm vẫn cho trái dù không cần chăm sóc, bón nhiều phân. Nhiều nông dân không phủ nhận năng suất của ca cao nhưng vẫn quyết định đốn bỏ để thay vào cây trồng khác. Trở lại vườn ca cao vốn lớn nhất tỉnh của ông Võ Văn Khải, ở ấp Hòa Long B, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, mới thấy ngậm ngùi. Cách đây 3 năm, vườn sầu riêng xen ca cao của ông được xem là mô hình trình diễn cho bà con xung quanh học hỏi kinh nghiệm, nhưng đến cuối năm 2014, ông Khải đã đốn bỏ hết 3.800 cây ca cao. Ông Khải cho biết: “Theo tôi thấy, giá thị trường ca cao mấy năm qua không nhích lên chút nào, thu nhập từ ca cao ngày càng thấp vì tán cây rậm, cây ít trái lại, một phần cũng làm ảnh hưởng đến sầu riêng và măng cụt”. Ông Khải đã thay vào đó là hơn 3.000 trụ gạch trồng hồ tiêu. Bởi theo ông, hồ tiêu không chiếm nhiều diện tích vì tán nhỏ, chỉ trồng quanh trụ mà thu nhập cao gấp nhiều lần so với ca cao.

Ba tháng trước, ông Mai Văn Sơn, ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cũng chặt bỏ 200 cây ca cao xen vườn xoài. Ông Sơn chia sẻ: “Ca cao không bón phân nhiều mà vẫn cho trái dầy cây, nhưng mấy năm qua, tôi bán trái không được, thị trường ăn tươi rất ít, số lượng tiêu thụ không thấm vào đâu. Còn muốn bán phải vận chuyển xa mà số lượng trái không nhiều, giá bán chỉ từ 3.500 - 4.000 đồng/kg”. Đầu ra của ca cao bấp bênh và thu nhập ngày càng thấp, trong khi năng suất và giá cam lại tăng cao đã thúc đẩy ông Sơn ra quyết định bỏ cây ca cao. Hiện nay, ông Sơn đã xen cây cam sành vào với hy vọng có nguồn thu nhập cao hơn.

Như vậy, nông dân Hậu Giang lại một lần nữa tái diễn điệp khúc trồng - chặt. Chỉ ở Phụng Hiệp, trong 2 năm gần đây, diện tích ca cao đã giảm hàng chục héc-ta. Thực tiễn cho thấy được nguyên nhân vì sao điệp khúc này lần nữa lặp lại, đó là do người dân luôn giữ suy nghĩ chạy theo phong trào. Diện tích nhỏ lẻ, manh mún khiến việc tập kết trái, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, có khi phải vận chuyển cả vài chục cây số mới đến được điểm thu mua. Với tâm lý muốn thu lời nhiều nên bà con nông dân thích trồng dày, lại so sánh năng suất, thu nhập với cây chính mặc dù đây chỉ là cây trồng phụ.

Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng lớn đến việc duy trì diện tích ca cao hiện có của tỉnh là việc phát triển cây ca cao thời gian qua mang tính tự phát, “ăn theo” các dự án, trong khi khâu kỹ thuật, thu mua, sơ chế hạt (chủ yếu ở nông hộ) chưa chuyên nghiệp. Khi kết thúc dự án, không còn tài trợ, đầu ra bấp bênh khiến nhiều người dân nản chí.

Thiết nghĩ, để phát triển cây ca cao bền vững, trước hết nhà vườn phải có quyết tâm và tính kiên trì. Riêng các nhà quản lý, doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng, chuyển giao kỹ thuật; liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân; xây dựng hình ảnh và thương hiệu ca cao Việt Nam nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản,… Cách làm này, sẽ góp phần tránh việc nông dân chuyển đổi ồ ạt từ ca cao sang trồng cây có múi và một số loại cây ăn trái khác theo phong trào, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai.

TRÚC LINH

Anh Sơn (Nghệ An): Doanh nghiệp nợ tiền thu mua ớt cay, người dân gặp khó

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Vụ đông xuân 2015 - 2016 toàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) gieo trồng 30 ha ớt cay tập trung ở các xã Tường Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn, Long Sơn.

Hộ trồng ớt được Công ty XNK nông sản Thanh Hóa hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng hiện nay không thực hiện đúng chu kỳ thu mua sản phẩm cho bà con và hiện đang nợ tiền mua ớt cay khiến nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Tại xã Tường Sơn trồng 8 ha ớt, doanh nghiệp thu mua đã trả 150 triệu đồng, còn nợ dân gần 200 triệu đồng.

Bà Vi Thị Luyễn thôn 11 xã Hoa Sơn chưa bán được ớt do không có doanh nghiệp thu mua.

Được biết, các hộ tham gia trồng ớt được Công ty cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Quá trình sản xuất cây ớt từ tháng 8 đến tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch kéo dài đến hết 31/12/2015. Được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cây ớt cay phát triển tốt trên đất Anh Sơn, cho năng suất thu hoạch bình quân từ 1,2 - 1,4 tấn/sào. Đơn giá theo hợp đồng thu mua thấp nhất là 5.900 đồng/kg.

Ớt chín nhưng người dân chưa biết bán cho ai.

Ông Hoàng Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện doanh nghiệp khó khăn về đầu ra nên chưa thanh toán hết tiền cho dân. Để bảo vệ quyền lợi của người dân, lãnh đạo huyện đã trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, yêu cầu đơn vị thanh toán đầy đủ số tiền còn nợ, tuy nhiên doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn chưa thanh toán được.

Theo đánh giá của bà con địa phương, trồng ớt cay cho hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô vụ đông. Tuy nhiên, vì khó khăn trong đầu ra sản phẩm, sẽ có nhiều hộ không mặn mà triển khai vụ ớt tới.

Quỳnh Lan

Bình Thuận: Chủ động phòng trừ bệnh hại cây trồng mùa khô

Nguồn tin: Báo Bình Thuậ

Theo ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay thời tiết đang khô nóng, mức độ gây hại và diện tích nhiễm bệnh đốm nâu, thán thư trên cây thanh long tiếp tục giảm dần. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài bệnh vàng cành, thối cành, thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, bọ trĩ gia tăng mật số, diện tích gây hại mùa khô.

Trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).

Số liệu mới nhất từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, tính từ ngày 16/2 đến ngày 23/2, toàn tỉnh có 563 ha bị nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó nhiễm nhẹ 557 ha (tỷ lệ 5 - 10%), nhiễm trung bình 6 ha (tỷ lệ bệnh 10 - 20%) không có diện tích nhiễm nặng, giảm 963 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc 356 ha, Hàm Thuận Nam 72 ha nhiễm nhẹ, Bắc Bình 115 ha nhiễm nhẹ. Bệnh thối cành, thối trái non diện tích nhiễm 1.428 ha, tăng 308 ha so cùng tuần trước chủ yếu ở Hàm Thuận Bắc, thị xã La Gi. Bệnh vàng cành, cháy cành diện tích nhiễm 3.137 ha, phân bố toàn vùng, tăng 101 ha so với tuần trước. Ngoài ra, các đối tượng gây hại khác phân bố rải rác trên toàn vùng trồng thanh long như thán thư, bọ trì, thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, nám cành. Để chủ động phòng chống bệnh hại trên cây trồng mùa khô, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các Trạm Bảo vệ thực vật theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn thanh long; tuyên truyền phổ biến quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long của Cục Bảo vệ thực vật cho bà con. Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh vườn thanh long sạch sẽ thông thoáng, thu gom cành, quả bệnh ủ với chế phẩm vi sinh vật BIO – ADB để diệt nấm bệnh hại, không để nguồn bệnh tồn tại trên vườn. Với những vườn đang bị vàng cành cần hạn chế bón đạm, kali, magie… để tăng sức đề kháng cho cây và phun thuốc trừ bệnh kịp thời, ngăn chặn bệnh thối cành gây hại, lây lan trên diện rộng.

Đối với cây lúa, theo thống kê Phòng Nông nghiệp hiện nay diện tích lúa đông xuân gieo trồng toàn tỉnh khoảng 20.378 ha, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ đòng, một số diện tích chín thu hoạch. Diện tích rầy nâu hại, bệnh đạo ôn gây hại lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trổ giảm nhẹ với diện tích hơn 1.200 ha. Ngoài ra, các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn… gây hại rải rác không đáng kể. Để giúp bà con phòng bệnh hại lúa đông xuân hiệu quả, các Trạm Bảo vệ thực vật theo dõi sát diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, tình hình rầy vào đèn, nếu mật số rầy nâu >3 con/tép thì tiến hành tổ chức phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc trừ rầy và phải tuân thủ theo nguyên tác “4 đúng”, không để cháy rầy cục bộ. Đối với bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá cần phải phát hiện sớm. Khi bệnh chớm xuất hiện ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón lá và kích thích sinh trưởng, cần sử dụng thuốc đặc trị để phòng trừ. Trạm Bảo vệ thực vật Đức Linh theo dõi sát diện tích nhiễm muỗi hành và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ hiệu quả.

THANH DUYÊN

Kiểm soát chất lượng hồ tiêu: Không thể chậm trễ

Nguồn tin: Báo Công Thương

Vụ việc hạt tiêu đen xuất khẩu (XK) Việt Nam vừa bị Bộ Y tế Tây Ban Nha phát hiện có hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn cho phép tiếp tục làm tăng thêm mối lo ngại về tình hình XK hồ tiêu của Việt Nam.

Trước đó, tháng 5/2015, Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng đã phát đi cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao ở sản phẩm tiêu đen Việt Nam.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhiều năm qua, tiêu XK luôn đạt mức giá cao, song không ít doanh nghiệp (DN) XK lại thường xuyên rơi vào trạng thái thấp thỏm vì sợ hàng bị trả về do không đảm bảo chât lượng.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA khẳng định: Số lượng sản phẩm hồ tiêu bị trả về tuy không lớn nhưng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành hồ tiêu trong nước. Xuất phát từ việc bị Tây Ban Nha cảnh báo sẽ sử dụng các biện pháp kiểm soát cao với hạt tiêu đen nhập khẩu của Việt Nam, điều lo lắng nhất hiện nay là việc các đối thủ khác của Việt Nam lợi dụng tình hình này để gây tác động xấu đến hình ảnh hồ tiêu Việt Nam. “Nếu không sớm cải thiện tình hình, ngành hồ tiêu Việt Nam có thể sẽ đi xuống trong thời gian không xa”, Chủ tịch VPA lo ngại.

Hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt giảm về sản lượng và kim ngạch XK. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, XK hồ tiêu tháng 1/2016 đạt 9,41 nghìn tấn, kim ngạch 85,85 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và 11,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.

Hiện nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha, Đức, Anh… là các thị trường chính nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam. Đặc biệt, tại thị trường Tây Ban Nha, tiêu của Việt Nam vào thị trường này chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 2015, kim ngạch XK tiêu Việt Nam vào Tây Ban Nha đạt 34,2 triệu USD, tăng 33,6% so với năm 2014. Tuy nhiên, những thị trường này lại có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và uy tín thương mại.

Dù đã xác định đây là những thị trường “khó tính”, nhưng để kiểm soát được chất lượng hồ tiêu Việt Nam không phải dễ dàng. Theo VPA, diện tích hồ tiêu tăng nhanh, không đúng quy hoạch, thiếu giống tốt, sản xuất quy mô nông hộ và tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng hồ tiêu XK Việt Nam. Trong khi đó, số lượng DN đầu tư sâu vào chế biến với quy mô lớn, hiện đại còn rất khiêm tốn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, muốn kiểm soát được chất lượng hồ tiêu đòi hỏi nỗ lực của nhiều đối tượng cùng tham gia trong chuỗi, từ nhà cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), tới nông dân, thương lái, người thu gom, DN cung ứng, DN XK…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát ngay quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản cũng như danh mục thuốc bảo vệ thực vật dùng cho hồ tiêu.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Trồng tiêu hữu cơ bền vững cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Trước những nguy cơ về dịch bệnh bùng phát trên cây tiêu, việc tìm ra mô hình trồng tiêu bền vững là việc làm cấp thiết. Chính vì vậy, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chủ trương phát triển diện tích tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.

Vườn tiêu hữu cơ của gia đình ông Đặng Huy Long cho thu nhập kinh tế khá cao

Trồng tiêu hữu cơ

Những năm gần đây nhờ giá tiêu cao và ổn định, tại huyện Lâm Hà, bên cạnh loại cây trồng chính chủ lực là cây cà phê thì bà con nông dân cũng đã đẩy mạnh việc trồng cây hồ tiêu. Khi trồng tiêu, vấn đề cần thiết đặt ra hiện nay đối với bà con nông dân bên cạnh giá cả thị trường, đầu ra còn quan tâm đến kỹ thuật trồng, canh tác để tránh sâu bệnh, đạt hiệu quả năng suất cao. Chính vì vậy, việc trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Gia đình ông Đỗ Viết Khoa ở xã Liên Hà đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha cà phê sang trồng cây hồ tiêu. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu nên ban đầu vườn tiêu của gia đình ông Khoa sinh trưởng và phát triển chậm, có nhiều cây bị sâu bệnh, bị chết. Nhờ sự tư vấn cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ bền vững của các nhà khoa học, các chuyên gia trồng tiêu; gia đình ông Khoa đã học được những kiến thức cơ bản, cần thiết trong việc chăm sóc cây tiêu để đạt hiệu quả, cho năng suất cao; đồng thời biết cách phòng trừ những loại sâu bệnh thường gặp trên cây tiêu. Ông Khoa cho biết: “Từ khi chuyển sang trồng tiêu hữu cơ đến nay, vườn tiêu nhà ông cũng như các vườn tiêu trong thôn chưa hề dính bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm. Sở dĩ tránh được bệnh này bởi gia đình đã tuân thủ 4 nguyên tắc của trồng tiêu hữu cơ, đó là trồng tiêu trên trụ sống; chọn giống sạch bệnh; trồng tiêu trên chân đất có chủ động nước tưới, thoát nước tốt, bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông giải thích, trồng tiêu trên trụ sống, đặc biệt trồng trên cây keo dậu cho tiêu leo bám không chỉ che mát, giúp dây tiêu quang hợp tốt mà còn cho phép kéo dài thời gian khai thác, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Hơn nữa, keo dậu là cây họ đậu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu và cành lá dùng làm phân xanh bón cho cây rất tốt. Về cây giống, theo ông Khoa, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh. Nên chọn giống tiêu Vĩnh Linh vì có khả năng kháng bệnh tốt. Do được bón nhiều phân vi sinh và phân chuồng nên đất trong vườn tiêu nhà tôi tơi xốp, xung quanh gốc tiêu có nhiều giun đất đùn lên, nhờ vậy chi phí bón phân hóa học giảm đáng kể. Mỗi trụ tiêu tôi chỉ bón khoảng 1,2kg NPK/năm trong thời kỳ cây bắt đầu ra hoa và trái bắt đầu chắc hạt”, ông Khoa chia sẻ.

Hiệu quả cao

Chúng tôi vào vườn tiêu nhà ông Đặng Huy Long - một trong những hộ trồng tiêu hiệu quả ở thôn Phúc Thạnh, xã Liên Hà. Với tổng diện tích 5 sào tiêu, đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm ông Long thu hoạch lãi khá cao. Ông Long cho biết, gia đình bắt đầu trồng hồ tiêu hữu cơ vào năm 2012. Ban đầu ông trồng tiêu xen canh trong vườn cà phê, sau đó, ông mở rộng vườn tiêu, thay thế một phần diện tích cà phê già cỗi. Đến vụ tiêu năm ngoái, vườn tiêu nhà ông cho thu hoạch được 2 tấn tiêu khô, bán với giá từ 200 - 230 ngàn đồng/kg, lãi gần 300 triệu đồng. Tương tự, vườn tiêu nhà anh Lê Văn Trung, người cùng thôn, với diện tích 7 sào đang thời kỳ kinh doanh, thu hoạch được 3 tấn tiêu khô, thu lãi gần 500 triệu đồng.

Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay, hồ tiêu đang là một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân. Nếu như những năm 2.000 diện tích hồ tiêu tại địa phương còn khiêm tốn, chỉ vài ha, thì nay đã lên đến 250ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 25ha, diện tích kiến thiết cơ bản khoảng 225ha. Cây tiêu được trồng rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện, một số địa phương diện tích nhiều như các xã Liên Hà 59ha, Đan Phượng 32ha, Đông Thanh 28ha, Tân Văn 38ha, Tân Thanh 39ha... Trong tổng số diện tích 250ha hồ tiêu, ước diện tích trồng xen vào cây trồng khác chiếm khoảng 15%, diện tích trồng thuần 85%. Do cây tiêu được trồng trên vùng đất mới, chú trọng thâm canh, đặc biệt trồng tiêu theo hướng hữu cơ nên cây tiêu ở địa phương những năm qua sinh trưởng và phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh, năng suất trung bình đạt từ 3 - 3,5 tấn khô/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi hàng trăm triệu đồng/ha. “Mấy năm gần đây, giá tiêu luôn ở mức cao, nên đời sống người dân trồng tiêu ở địa phương ngày càng khấm khá. Thời điểm năm ngoái giá tiêu lên đến 230 ngàn đồng/kg, nhiều nông dân trồng tiêu lãi từ 500 - 600 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu hoạch tiêu đạt 6 - 7 tấn tiêu khô, lãi đến cả tỷ đồng” - ông Trường chia sẻ.

HOÀNG YÊN - PHAN NHÂN

ĐBSCL sống chung với hạn, mặn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ĐBSCL đang đối diện với những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Do đó, bên cạnh những giải pháp về thủy lợi để ĐBSCL sống chung với hạn, mặn như đã từng sống chung với lũ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi. Việc xây dựng các giải pháp tổng thể, lâu dài đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng, thay vì cứ ứng phó hàng năm như hiện nay…

Nhiều công trình thủy lợi kém hiệu quả

Khi hạn hán kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu, người dân mới thấy hết lợi ích từ các công trình thủy lợi. Trong đó, hệ thống cống ngăn mặn Nam Măng Thít, Láng Thé ở Trà Vinh đã phát huy hiệu quả bảo vệ cho hơn 100.000ha lúa trước sự bao vây của nước mặn. Hay hệ thống đê bao vùng ngọt hóa Gò Công và hàng loạt công trình cống đập khác ở vùng bán đảo Cà Mau cũng phát huy tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt.

Ngược lại, do đầu tư thiếu đồng bộ nên có một số hệ thống thủy lợi lớn trong vùng phát huy kém hiệu quả. Tại Hậu Giang, dự án đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ có chiều dài hơn 70km, đi qua địa phận TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ, có tổng vốn đầu tư hơn 688 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án rất quan trọng vì ngoài chức năng tháo úng, rửa phèn trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hình thành một hành lang giao thông liên hoàn, dự án còn đảm nhận vai trò chống xâm nhập mặn và các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ở các xã nằm ven sông Cái Lớn của tỉnh. Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ năm 2009 - 2015 nhưng đến nay vẫn còn 30km chưa hoàn thành do thiếu vốn đầu tư. Tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để địa phương hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn này.

Cần chọn giống lúa thích nghi với hạn. Ảnh: CAO PHONG

Tại Bến Tre, cống đập Ba Lai có mục tiêu ngăn nước mặn xâm nhập từ biển, giữ nguồn nước ngọt cho 88,500ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và TP Bến Tre. Hiện nay, sau khi hoàn thành cống đập Ba Lai, nước mặn vẫn tiếp tục xâm nhập vào đây vì các hạng mục còn lại như cống lấy nước Bến Rớ, âu thuyền An Hóa, âu thuyền Bến Tre, đê ven sông Tiền chưa được đầu tư. Khi nước mặn lên cao đã đổ ngược vào vùng ngọt hóa, gây khó cho dân. Ngoài ra, do chưa xây dựng đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nên một số vùng còn xâm nhập mặn cục bộ, như hệ thống thủy lợi Cầu Sập, hệ thống cống dưới đê bao ven biển Bình Đại (dài 41km)...

Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn chưa làm được vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho hệ sinh thái của vùng này. Từ năm 1918, người Pháp đã nghiên cứu hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, đào một số kênh mang nước ngọt về từ sông Hậu. Mãi đến năm 1992, dự án ngăn mặn Cổ Cò mới được thực hiện, mục đích mang nước ngọt sông Hậu tới toàn vùng phía Đông sông Gành Hào gần sát biển. Tiếp theo là loạt 11 cống đập ngăn mặn khác được thiết lập trên các sông chính hay kênh, cống rộng từ 5 - 25m, cống tự động đóng mở khi thủy triều cao hay thấp. Ngoài ra, còn đào thêm kênh cấp 2 khoảng 250km. Công trình hoàn thành năm 2001 nhưng đến nay việc phân ranh mặn, ngọt vẫn cứ loay hoay vì có thời điểm người dân phá cống đưa nước mặn vào nuôi tôm.

Vùng ngọt hóa Gò Công được thực hiện từ thời Pháp và tiếp tục phát triển thêm sau năm 1990, được đánh giá là thành công nhất. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán, mặn xâm nhập như hiện nay, vùng này cũng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, để chống hạn, mặn căn cơ cho vùng này, trước mắt tỉnh sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT lập trạm bơm điện tại cống Xuân Hòa để bơm bổ sung cho phần nước đã sử dụng (kinh phí khoảng 100 tỷ đồng), đồng thời vận động người dân giảm bớt 1 vụ lúa (thường xuống giống 3 vụ/năm), chuyển sang cây trồng khác ít sử dụng nước.

Sản xuất thích nghi

Theo dự báo, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến tháng 5-2016, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, do vậy, nhiều địa phương trong vùng đã chỉ đạo ngưng xuống giống một số vụ lúa, giảm diện tích trồng lúa, thay thế cây trồng khác thích nghi có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, sử dụng ít nước.

Trước mắt, ứng phó với tình hình hạn mặn, tỉnh các địa phương đã chỉ đạo đóng hàng trăm cống, nạo vét hàng ngàn kilômét kênh nội đồng, đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống hạn, mặn.

“Một trong những biện pháp khẩn trương, trọng tâm nhất của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng đến hết mùa khô năm nay là ứng phó với mặn xâm nhập, để giảm bớt thiệt hại cho nông dân”, là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ông Thể yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương nhanh chóng kiểm tra, khảo sát những vùng bị thiệt hại do mặn xâm nhập để kịp thời hỗ trợ cho nông dân theo quyết định của Chính phủ. Tại Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cống Bến Rớ cần xây dựng nhanh và hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể, vì đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ nước sinh hoạt cho khu vực trọng yếu của tỉnh là TP Bến Tre và huyện Châu Thành.

Vừa qua, Chính phủ Vương quốc Hà Lan và Bộ TN-MT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp cao về quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Cần Thơ. Theo ông Tom Kombier, Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Kế hoạch ĐBSCL (MDP) đã được xây dựng trong khuôn khổ đối tác chiến lược thích ứng BĐKH và quản lý nước giữa hai chính phủ Việt Nam và Hà Lan. MDP là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trong hơn 3 năm, dựa trên khuôn mẫu của “Kế hoạch đồng bằng Rhine Meuse Scheld” ở Hà Lan. Hà Lan là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và đã có hơn 100 năm kinh nghiệm ứng phó với thách thức này. Do đó, những chia sẻ của Hà Lan trong MDP sẽ có ý nghĩa thiết thực với ứng phó BĐKH, phát triển sản xuất của vùng ĐBSCL. MDP hướng đến phát triển một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho một khu vực đồng bằng an toàn, bền vững và trù phú, bao gồm các đề xuất chính sách và các giải pháp có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phát triển và xem xét lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian và quy hoạch tổng thể ngành cho vùng ĐBSCL cũng như định hướng trong việc đưa ra các quyết định, ban hành luật và đầu tư tại khu vực ĐBSCL trong tương lai.

Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận thức rõ những vấn đề vừa nêu, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ TN-MT, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo định hướng cơ bản của MDP để xây dựng ĐBSCL ngày một an toàn trước BĐKh.

Đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cứu hạn tại ĐBSCL

Trước tình hình khô hạn nặng và xâm mặn sâu, các tỉnh ĐBSCL vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng cộng 1.003 tỷ đồng để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó Long An 50 tỷ đồng, Tiền Giang 83 tỷ đồng, Bến Tre 157 tỷ đồng, Trà Vinh 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 219 tỷ đồng, Bạc Liêu 170 tỷ đồng, Kiên Giang 102 tỷ đồng, Hậu Giang 152 tỷ đồng. (PHÚC HẬU)

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong khoảng thời gian từ 4 đến 7-3-2016, nước mặn dần xâm nhập cao trở lại, ranh mặn 4%o dịch chuyển sâu vào nội địa. Thời gian nước ngọt xuất hiện trên các cửa sông chính giảm, các vùng cách cửa sông Cửu Long 30 - 45km trở lên vẫn lấy được nước ngọt khi triều vừa và thấp. Cũng trong thời gian nêu trên, các vùng: Bạc Liêu (gần Sóc Trăng), Hậu Giang thuộc bán đảo Cà Mau; ngay phía trên Tân An (trên sông Vàm Cỏ Tây) và trên cầu Xáng Lớn (sông Vàm Cỏ Đông) còn có thể duy trì nước ngọt lúc triều thấp và chân triều. Từ sau ngày 7-3-2016, mặn có khả năng xâm nhập rất sâu, thậm chí nghiêm trọng hơn thời kỳ đầu tháng 2-2016. Các vùng cách biển 40km có thể chỉ còn nước ngọt lúc chân triều.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đắk Nông: Diện tích hồ tiêu đã vượt qua quy hoạch đến 2025!

Nguồn tin: Báo Đắk Nôn

Theo thống kê mới đây của Sở Nông nghiệp- PTNT thì đến tháng 2/2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã lên tới con số 17.188 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 chỉ dừng lại ở mức 12.951 ha.

Một hộ dân ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) xót xa trước vườn hồ tiêu bị chết rụi

Quyết định số 230/QĐ-SNN ngày 17/6/2015 của Sở Nông nghiệp–PTNT về việc ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì cây hồ tiêu được xem là cây trồng tạo hàng hóa xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh.

Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển hồ tiêu ở quy mô vườn gia đình, trang trại nông lâm kết hợp và chú trọng hướng dẫn nông dân trồng bằng cây trụ sống hoặc xây trụ bê tông, gạch. Đến năm 2020, tỉnh ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 14.907 ha, sản lượng đạt 40.873 tấn. Đến năm 2025, diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh còn 12.951 ha, sản lượng 44.045 tấn. Hồ tiêu được bố trí trồng nhiều ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút.

Diện tích hồ tiêu tăng nhanh có nhiều lý do. Trước hết do hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân phát triển một cách nhanh chóng. Việc chặt phá cà phê, cao su, điều mà không bảo đảm thời gian luân canh với cây trồng khác là nguyên nhân chính gây bệnh cho những vườn tiêu trong những năm trồng mới.

Trong khi đó, tỉnh chưa có một chế tài đủ mạnh có thể ngăn cấm không cho phát triển hồ tiêu mà chỉ dừng ở mức độ vận động, tuyên truyền. Nông dân thì thiếu vốn nên có tâm lý tranh thủ giá tiêu đang cao, chỉ cần trồng và thu hoạch 2 - 3 vụ là được nên tận dụng trụ tạm, giống không chất lượng dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến khuyến cáo về áp dụng kỹ thuật trồng hồ tiêu bền vững của cơ quan chuyên môn…

Ngoài ra, hiện tại, vấn đề nghiên cứu và sản xuất giống hồ tiêu ở địa phương đang bỏ ngỏ, chủ yếu do người dân tự sản xuất để gia đình trồng nhưng do trồng ồ ạt nên nhiều người đã mua giống từ các tỉnh khác không rõ nguồn gốc.

Người dân thiếu vốn và thiết hiểu biết về kỹ thuật nên lấy cây tre, nứa làm trụ để trồng hồ tiêu

Theo số liệu của Trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã thì trong năm 2015, diện tích hồ tiêu bị chết chủ yếu do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm khoảng 110 ha, ngoài ra còn có bệnh vàng lá chết chậm và bệnh xoăn đọt do vi rút. Một số vùng trồng mới ở các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Tuy Đức hồ tiêu bị bệnh chủ yếu là do người trồng sử dụng lại trụ của những vườn đã bị bệnh trước đó để trồng lại hoặc do giống đã ủ bệnh. Đối với những vùng đất trồng hồ tiêu tập trung lâu năm như Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil, hồ tiêu bị chết do trong đất tích lũy nhiều nguồn nấm và tuyến trùng, rệp sáp hại rễ.

Từ những mối đe dọa của việc diện tích hồ tiêu tăng cao, vượt tầm kiểm soát của các ngành, chính quyền địa phương, rõ ràng đang cần những giải pháp hữu hiệu và đủ mạnh để phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bền vững.

Thanh Nga

Hà Nội: Giá rau xanh vẫn cao

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Vụ rau từ Tết Nguyên đán Bính Thân cho tới nay được ghi nhận là một vụ mùa thắng lợi với người nông dân khi giá rau xanh vẫn giữ được mức cao trong suốt thời gian dài.

Nếu như thời điểm này năm ngoái, về các vùng rau thuộc các xã Tiền Yên, Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội), hình ảnh dễ thấy là những gương mặt rầu rĩ của người nông dân bởi giá rau xanh quá rẻ, chỉ 500 – 1.000 đồng/kg cải bắp hay một củ su hào. Thậm chí, do giá rau quá rẻ, đầu ra lại chậm, nhiều hộ dân đã tính đến phương án chặt bỏ rau, chấp nhận thua lỗ. Tuy nhiên, về các vùng rau thời điểm này, dù đã qua Tết Nguyên đán gần một tháng vẫn thấy không khí tất bật, khẩn trương thu hái, chăm tưới rau của người dân. Chị Lê Thị Thư, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cho biết, dù có giảm nhẹ so với dịp Tết nhưng giá rau xanh hiện vẫn ở mức cao, vượt ngoài mong đợi của người dân nên ai cũng phấn khởi.

Chăm sóc rau xanh tại HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thiện Quang

Hiện nay, giá bán rau mùi, cải cúc tại ruộng ở Tiền Lệ từ 1.400 - 1.500 đồng/mớ, cải ngọt và cải mơ hơn 10.000 đồng/kg, cải bắp 12.000 – 18.000 đồng/kg, su hào 7.000 đồng/củ, hành 10.000 đồng/kg… Thậm chí, có những hôm, một số loại rau như rau mùi, xà lách còn bán được giá cao hơn dịp Tết. Theo đánh giá của các hộ trồng rau, với mức giá này, người nông dân đang có lãi cao. “Sản xuất rau hiện nay khá thuận lợi cả về thời tiết lẫn thị trường đầu ra” – Chủ nhiệm HTX rau Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào chia sẻ.

Tương tự, tại vùng rau Văn Đức, huyện Gia Lâm, giá rau hiện nay được ghi nhận là ở mức cao “lịch sử” tại địa phương vào dịp sau Tết. Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Đức cho biết, thông thường, qua Tết là giá rau hạ mạnh, tuy nhiên năm nay, giá rau vẫn giữ được ở mức khá cao nên người nông dân có lãi lớn. Hiện, giá bắp cải tại Văn Đức là 12.000 đồng/kg (dịp Tết là 14.000 – 15.000 đồng/kg), hoa lơ 11.000 – 12.000 đồng/cây (dịp Tết 15.000 đồng/cây)… Với diện tích trồng rau ổn định 250ha, mỗi ngày Văn Đức cung cấp cho thị trường 80 – 100 tấn rau nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thương lái. Theo ước tính của HTX Nông nghiệp Văn Đức, trừ chi phí, người trồng rau đang lãi 15 – 20 triệu đồng/sào.

Đánh giá thị trường rau xanh mới nhất của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, vào thời điểm cận Tết, do sức tiêu thụ của thị trường rau xanh tăng mạnh, cộng với các tỉnh phía Bắc trải qua đợt rét hại nên các loại rau củ đặc sản của Đà Lạt đều tăng giá đồng loạt từ 20% đến hơn gấp đôi so với những ngày cuối tháng 1/2016. Cụ thể, khoai tây tăng từ 8.000 đồng lên 14.000 đồng/kg, cà rốt từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/kg, bắp cải từ 4.000 đồng lên 7.500 đồng/kg… Tuy nhiên, sau Tết, thị trường rau tại Đà Lạt có xu hướng giảm nhẹ và ổn định, chỉ tăng nhẹ đối với một số loại rau như bắp cải, cà chua và hoa lơ.

Theo nhận định của các hộ trồng rau, nguyên nhân giá rau vẫn giữ ở mức cao là do đợt rét đậm, rét hại kéo dài trước và sau Tết đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của nhiều diện tích rau. Hiện nay, thời tiết đang ấm dần lên, cây rau phát triển thuận lợi hơn nên nhiều khả năng giá rau sẽ giảm trong thời gian tới. Tại các vùng rau, hàng ngày người nông dân vẫn đều đặn phun nước tưới rửa trôi sương muối hại rau. Đồng thời làm đất chuẩn bị cho lứa rau mới, chủ yếu là các loại rau ăn lá như rau muống, cải ngọt và bầu, bí, mướp. Theo các HTX, khi thời tiết ấm lên, sâu bệnh thường phát triển nhiều. Do đó, bà con nông dân cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện mầm bệnh để phòng trừ hiệu quả.

Thiện Quang

Lại mất mùa vú sữa

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Năm nay, vú sữa xã Diên Bình (Diên Khánh, Khánh Hòa) lại tiếp tục mất mùa do thời điểm cây ra hoa gặp mưa nhiều khiến bông rụng, giảm sản lượng. Tuy vậy, giá vú sữa vẫn không cao vì “đụng hàng” trái cây miền Nam.

Vú sữa mất mùa, số lượng thu mua chỉ bằng 2/3 năm ngoái

Mất mùa

Sau Tết là thời điểm thu hoạch rộ vú sữa Diên Bình nhưng hiện nay, tình hình khá trầm lắng. Trên con đường đi vào thôn Nghiệp Thành - thôn nức tiếng với diện tích vú sữa lớn và ngon nhất xã, không thấy có điểm thu mua nào. Ông Phạm Xuân Nguyên (thôn Nghiệp Thành) cho biết: “Năm nay, vú sữa mất mùa nên sản lượng thấp. Nhà tôi có chục cây nhưng thu hoạch ước tính đến cuối mùa (khoảng tháng 2, 3 âm lịch) chỉ được 4 - 5 tạ, giảm hơn 30% so với năm trước. Năm ngoái cũng bị mất mùa nhưng năng suất cao hơn”. Theo ông Nguyên, thời gian gần đây, các nhà vườn có quan tâm tới các giải pháp kỹ thuật như: dọn cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, xịt thuốc giữ hoa, giữ trái song vẫn không tránh được việc mất mùa. Ông Bùi Hữu Lợi (thôn Lương Phước) cho biết, vú sữa năm nay mất mùa là do thời điểm cây ra hoa, tạo nụ gặp trời mưa nhiều làm bông khó đậu, rụng trái non khiến sản lượng giảm. Nhiều nhà vườn bị ngập úng cục bộ cũng ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng vú sữa. Từ đầu vụ đến nay, ông Lợi thu hoạch được 4 - 5 tạ quả, chỉ bằng 30% so với năm trước.

Điều đáng nói, tuy mất mùa nhưng giá vú sữa không tăng so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Nguyệt - thương lái gom hàng vú sữa tại Diên Bình cho biết, từ đầu vụ (tháng Chạp) đến nay, bà mới mua được 2 tấn, giảm 3 lần so với năm trước. Hiện nay, giá vú sữa trắng (vú sữa nếp) loại 1 (400g trở lên) mua tại vườn là 25.000 đồng/kg, hàng loại 2 giá 12.000 đồng/kg. Vú sữa tím loại 1: 18.000 đồng/kg, loại 2: 12.000 đồng/kg. “Sở dĩ giá vú sữa Diên Bình không cao là do bị trái cây các nơi khác cạnh tranh, thời gian này cũng là thời điểm các nhà vườn miền nam thu hoạch rộ trái cây”, bà Nguyệt lý giải.

Phát triển cây đặc sản

Vú sữa Diên Bình được biết tiếng từ lâu do đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước thích hợp. Ông Đinh Minh Trang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, Diên Bình có khoảng 30ha cây vú sữa, cả 3 thôn trong xã đều trồng được vú sữa nhưng Nghiệp Thành là thôn có diện tích vú sữa lớn nhất và cũng là nơi có thổ nhưỡng phù hợp với cây vú sữa nhất, cho sản phẩm ngon nhất. Nhiều người lý giải, đất Nghiệp Thành gần sông Suối Dầu, mỗi năm sau lụt, vườn tược tiếp nhận một lượng lớn phù sa do con sông này bồi đắp là điều kiện giúp trái cây ngon, có hương vị đặc trưng.

Được biết, huyện Diên Khánh đang xúc tiến các bước hướng tới xây dựng thương hiệu cho cây vú sữa Diên Bình mà tiền đề là triển khai đề tài thâm canh cây vú sữa Diên Bình, thực hiện từ năm 2013, hoàn thành năm 2015, kinh phí hơn 146 triệu đồng. Kết quả đề tài cho thấy, huyện đã xây dựng được quy trình kỹ thuật thâm canh cây vú sữa; tổ chức mô hình thâm canh cây vú sữa với quy mô 5ha, năng suất bình quân đạt 11,6 tấn/ha; tổ chức đào tạo 10 kỹ thuật viên người địa phương; tổ chức tập huấn, hội nghị đầu bờ cho 120 lượt hộ nông dân. Lợi nhuận từ trồng vú sữa thâm canh cao với hơn 175 triệu đồng/ha.

Theo ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, đề tài đã hoàn thành nhưng việc xây dựng thương hiệu cần có sự đồng thuận của người dân, nhất là đóng góp kinh phí để dán nhãn thương hiệu. Tuy nhiên, việc này người dân chưa mặn mà, trong khi sản lượng vú sữa hàng năm của Diên Bình còn ít, rất khó để xây dựng thương hiệu.

Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Diên Khánh cho biết sẽ tiếp tục vận động người dân trồng và phát triển cây vú sữa theo hướng thâm canh, đến thời điểm thích hợp sẽ đề nghị xây dựng thương hiệu.

V.L

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Cam xoàn tăng giá sau Tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Với thời tiết nắng nóng như hiện nay cộng thêm thời điểm nghịch vụ, nguồn cam xoàn khan hiếm nên có chiều hướng tăng giá trở lại. Hiện cam xoàn được thương lái thu mua tại vườn từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết. Nhiều nông hộ trồng cam xoàn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: Nếu mỗi công cam xoàn đạt năng suất từ 2,5 - 3 tấn/công, với mức giá này thì sau khi trừ chi phí, bà con thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Cùng với giá cam xoàn tăng, giá các loại trái cây như cam sành, cam mật, quýt đường cũng nhích lên khoảng 2.000 đồng/kg.

NGỌC ANH

Xoài VietGAP được bao tiêu với giá tốt

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Theo Hợp tác xã thương mại dịch vụ du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), hiện đang có doanh nghiệp làm việc với hợp tác xã đặt vấn đề bao tiêu xoài VietGAP với giá tốt. Trước mắt, từ nay đến cuối vụ, doanh nghiệp sẽ bao tiêu xoài ba mùa mưa đạt chuẩn VietGAP với giá ổn định 10 ngàn đồng/kg. Hợp tác xã hiện đang tiếp tục làm việc với doanh nghiệp trong vấn đề bao tiêu lâu dài và hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang một số giống xoài được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Hiện xã Phú Lý có gần 30 hécta xoài được cấp giấy chứng nhận VietGAP, chương trình hợp tác này đảm bảo đầu ra ổn định cho trái xoài sạch.

Lê Quyên

Bến Lức-Long An: Nông dân lưu ý khi lấy nước tưới chanh vào mùa khô

Nguồn tin: Báo Long An

Bước vào mùa khô 2016, dự báo nước trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ cầu Bến Lức đến cầu Đức Hòa ở xã Thạnh Lợi (Bến Lức-Long An), độ mặn dao động từ 8 - 15‰ trong tháng 3 đến tháng 4, do đó, diện tích trồng chanh ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngay từ lúc này, nông dân trồng chanh cần có biện pháp dự trữ nước và điều chỉnh kỹ thuật bón phân, chăm sóc phù hợp.

Theo khuyến cáo của Viện Cây ăn quả miền Nam, trong điều kiện thiếu nước tưới, đất bị nhiễm phèn, mặn thì biện pháp tốt nhất là bón vôi nung (CaO). Bón vôi không chỉ cung cấp chất canxi cần thiết cho chanh mà còn có tác dụng ngăn sự suy thoái của đất, khử tác hại của mặn, ức chế sự phát triển nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực phân hữu cơ, vô cơ và thuốc diệt cỏ. Nếu thiếu canxi, chanh yếu cây, dễ ngã, trái hay bị nứt, đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô.

Ngoài ra, canxi còn giúp cây trồng giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi như nắng nóng, nước nhiễm phèn, mặn. Để hạn chế tác hại của nước nhiễm mặn, nông dân có thể bón 30 - 50kg vôi nung cho 1.000m2 bằng cách rải đều trên mặt liếp chanh rồi tưới nước ngọt vào để rửa mặn ra khỏi đất.

Sau khi bón vôi cần bón thêm phân hữu cơ vì đối với cây chanh trên đất phèn thì phân hữu cơ giữ vai trò hết sức quan trọng, giúp cải thiện chất lượng đất, làm tăng độ phì, tăng hàm lượng chất hữu cơ, tăng khả năng giữ nước, giữ phân, cải thiện cấu trúc, độ ẩm đất và thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong đất.

Đặc biệt trong tình trạng mùa khô thiếu nước và nước bị nhiễm mặn thì vai trò giữ nước của phân hữu cơ hết sức quan trọng. Nông dân nên bón từ 5 - 10kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 2 - 3 bao phân gà hoai mục cho 1 gốc chanh 2 - 3 năm tuổi.

Đối với các loại phân bón sử dụng trong giai đoạn này, nên chọn loại phân đạm gốc amon (NH4+), các loại phân lân dễ tiêu như: Lân Văn Điển hoặc phân DAP, MAP, MKP, các loại phân có chứa silic và canxi. Ngoài ra cần bón thêm xơ dừa và tro trấu theo tỷ lệ 1 - 1 để tăng khả năng giữ ẩm, kết hợp cắt tỉa tạo tán cho vườn chanh, loại bỏ các cành già, cành sâu bệnh để giảm áp lực nhu cầu nước tưới; che phủ đất bằng rơm rạ, cỏ khô; nạo vét kênh, mương xung quanh ruộng chanh; sửa chữa hệ thống cửa cống thoát nước để trữ nước ngọt và tránh làm dậy phèn. Ở các cửa cống lấy nước nên đặt các bao vôi nung và tro trấu cho nước chảy qua để rửa phèn và rửa mặn.

Người trồng chanh cần theo dõi thường xuyên thông tin về diễn tiến nguồn nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ lấy nước vào vườn chanh khi được thông báo độ mặn từ 2 - 3‰. Tuyệt đối không lấy nước vào ruộng khi độ mặn nước từ 5‰ trở lên vì chanh sẽ chết và đất bị nhiễm mặn lâu dài mà không có cách gì rửa mặn hiệu quả được.

Nếu buộc phải dùng nước bị nhiễm mặn nhẹ để tưới thì lưu ý không phun trên lá, tốt nhất tưới thấm qua đất, nhất là giai đoạn chanh mới ra hoa và đọt non, không được giữ nước trong mương quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn trong đất./.

Bùi Thị Kiều Oanh

Duyên Yết (Hà Nội): Phát triển cây ăn quả

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Hơn chục năm nay, một số hộ dân thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã đưa cây bưởi Diễn về trồng trong vườn nhà.

Cây ưa đất và với bàn tay người chăm chút, bưởi Diễn đã bén rễ và kết trái đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Phan Văn Huân

Ông Phan Văn Huân là một trong số những người đầu tiên đưa bưởi Diễn về trồng trên vùng đất Duyên Yết. Cách đây gần 15 năm, ông đã mạnh dạn đưa giống bưởi Diễn về trồng thử nghiệm trên khu vườn của gia đình. Từ đó đến nay, khu vườn hơn 2 sào bưởi Diễn của gia đình ông đã phát triển tốt và kết trái đều đặn. Theo ông, để bưởi Diễn “bén duyên” đất bồi ven sông cần sự chăm sóc đúng kỹ thuật và nắm được đặc tính sinh trưởng của giống bưởi này. Bưởi Diễn tuy là giống bưởi quý nhưng không cần chăm sóc cầu kỳ. Do vậy, nếu đất quá tốt hay bón phân quá nhiều, bưởi chỉ tốt lá và cho quả không nhiều, ăn không ngon. Vì thế, sau 2 năm đầu chăm sóc, bước sang năm thứ ba khi bưởi đã trổ hoa và kết quả thì những loại phân thường bón như NPK, phân chuồng, mùn rơm nên giảm dần. Hơn nữa, qua kinh nghiệm thực tế, ông cho rằng nên trồng bưởi Diễn ở nơi đất khô ráo. Như thế, bưởi sẽ phát triển tốt và sai quả. Hiện nay, gia đình ông có khoảng 50 gốc bưởi Diễn. Mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Gia đình ông Phan Văn Thành, ở thôn Duyên Yết cũng trồng bưởi Diễn khoảng hơn 10 năm nay. Hiện, gia đình ông có khoảng 90 gốc bưởi Diễn. Trong đó, trên 70 gốc đã cho thu hoạch từ 6, 7 năm nay, những gốc còn lại đang ra lộc xanh tốt. Để trồng bưởi Diễn có hiệu quả, theo ông, khâu chăm sóc là quan trọng nhất. Thời kỳ chăm sóc phải chú ý đến các loại sâu bệnh như bệnh nấm gỉ sắt, nhện đỏ, ruồi vàng và bọ xít nhỏ. Hơn nữa, thân cây rất hay bị sâu đục thân. Vì vậy, ngoài bón phân, đắp gốc, việc quan trọng là phải thường xuyên theo dõi, phát hiện và khắc phục sâu bệnh cho cây. Cũng theo ông Thành, để bảo quản bưởi được lâu, giữ nguyên hương vị thơm ngon thì khi bưởi vào độ chín, nên thu hoạch vào lúc trời nắng đẹp. Hiện nay, bưởi Diễn của gia đình ông quả to, đẹp bán được 35.000 đồng/quả, quả nhỏ hơn từ 20.000 - 25.000 đồng/quả. Nhờ vậy, mỗi mùa bưởi, đất vườn nhà đã mang lại cho gia đình ông trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, dưới tán bưởi, gia đình còn kết hợp trồng thêm 20 gốc chanh đào, mỗi năm cũng cho thu khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Phát triển cây ăn quả đang là hướng làm giàu hiệu quả của người dân thôn Duyên Yết. Cùng với các mô hình măng tây xanh, thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn đã trở thành cây đặc sản giúp bà con nông dân Duyên Yết làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.

Nguyễn Thị Vàn

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop