Cần chọn cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đe dọa nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL-vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Song, nhiều địa phương tại vùng ĐBSCL vẫn chưa quan tâm đúng mức cho các giải pháp chủ động ứng phó, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với yêu cầu tiết kiệm nguồn nước ngọt và giảm thiểu các thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại hội thảo "Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ở ĐBSCL" do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức tại TP Cần Thơ.
*Nước ngọt sẽ ngày càng khan hiếm
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, mỗi năm đóng góp hơn 70% sản lượng gạo và trái cây của cả nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất nông nghiệp này đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động nặng nề của BĐKH và dòng chảy sông Mê Công. Từ cuối năm 2015, mặn xâm nhập và hạn hán xảy ra nghiêm trọng tại nhiều nơi ở ĐBSCL khiến thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, do lượng dòng chảy từ sông Mê Công về ĐBSCL giảm mạnh cùng với các tác động của BĐKH và nước biển dâng, dẫn đến hầu hết các cửa sông mặn xâm nhập sâu từ 70 - 80km. Đây là năm hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng trong 100 năm qua, đã và đang gây nhiều tác động xấu đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng.
Thời gian qua, nhiều nông dân ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau màu đã tiết kiệm được nước tưới và hạn chế cỏ dại, sâu bệnh hại cây trồng.
Không chỉ có hiện tượng El Nino, La Nina gây ra thời tiết cực đoan mà còn nhiều tác động phức tạp khác. Đó là kết quả của BĐKH toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do các tác động của con người, nhất là sự phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, diện tích đất bị nhiễm mặn ở ĐBSCL biến động khoảng 600 - 700 nghìn ha/năm, trong đó diện tích bị nhiễm mặn cực trọng khoảng 100.000ha. Nhưng năm nay, diện tích đang bị thiệt hại lên đến 160.000ha trên những trà lúa đông xuân muộn hoặc hè thu. Sự kiện khô hạn và mặn kỷ lục trong mùa khô 2016 biểu hiện tính bất ổn trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, trong vòng 50 năm tới, diện tích bị nhiễm mặn 4‰ sẽ chiếm 47% diện tích ĐBSCL, diện tích nhiễm mặn trên 1‰ sẽ chiếm 64%.
Trước tình trạng BĐKH, mưa ít, mặn xâm nhập tăng, lượng dòng chảy trên sông Mê Công giảm, nguồn nước ngọt tại ĐBSCL được dự đoán sẽ ngày càng khan hiếm và trở nên quý giá. ĐBSCL có lẽ cũng không còn là một đồng bằng trù phú và màu mỡ do bị giảm lượng phù sa bồi lấp. Theo số liệu của Ủy ban Mê Công, năm 1990, sông Mê Công mang tải khoảng 150 - 160 triệu tấn phù sa/năm cho toàn châu thổ. Nhưng con số trên đã giảm xuống chỉ còn 75 triệu tấn trong năm 2015. Bên cạnh nhiều đập thủy điện đã và đang được xây dựng ở thượng nguồn, dòng chảy Mê Công cũng bị biến đổi khi nhiều nước xây dựng các công trình thủy lợi dẫn phục cho sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác.
*Cần kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng
BĐKH và các hoạt động của con người đang làm gia tăng các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan, như: hạn mặn, mưa lũ thất thường... Đây là những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, cần có các giải pháp ứng phó kịp thời. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết, phối hợp tốt với nhau để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng sinh thái để thích ứng về tình hình nguồn nước ngọt ngày càng quý hiếm.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, chúng ta cần phải quản lý, sử dụng tốt nguồn nước mặt trong tình hình nước ngọt ngày càng khan hiếm. Nhanh chóng quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp ĐBSCL trên cơ sở đa dạng sinh học, đa dạng các loại cây trồng vật nuôi. Không nên tập trung nhiều vào việc sản xuất lúa 3 vụ như trước đây. Chú ý chuyển đổi từ lúa 3 vụ sang sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu trong vụ xuân hè (hè thu sớm) nhằm tiết kiệm nước tưới và cải tạo đất. Hiện tại, có khá nhiều loại cây trồng tiết kiệm nước có thể vận động nông dân phát triển trồng vụ xuân hè, như: mè, đậu xanh, dưa hấu, đậu nành... Vấn đề là cần quan tâm hỗ trợ nông dân trong cơ giới hóa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các mô hình chăn nuôi luân canh với sản xuất lúa cũng là một lựa chọn. Đặc biệt, cây ăn trái là thế mạnh đặc biệt của ĐBSCL cần quan tâm phát triển trong thời gian tới. Bởi nhiều loại cây ăn trái không chỉ tiết kiệm được nước tưới mà có khả năng chống chịu hạn, mặn rất cao. Bà Lê Thị Khỏe, chuyên viên Viện Cây ăn quả Miền Nam, cho biết: "Cây ăn trái có khả năng chống chịu hạn mặn tốt hơn lúa và cây rau màu nhờ có bộ rễ ăn sâu trong đất. Đặc biệt, hiện nay có nhiều giống cây ăn trái được nhân giống bằng cách ghép trên các gốc ghép có khả năng chống chịu mặn rất cao, có thể chống chịu được độ mặn từ 4 - 22‰. Tuy nhiên, để phát triển các giống cây ăn trái này, các địa phương cần phối hợp chặt với các bên liên quan để có sự đầu tư nghiên cứu bài bản, giúp nông dân từ khâu chọn giống đến quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc tại từng vùng sinh thái cụ thể để đảm bảo năng suất".
Hiện nay, lúa gạo là cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Do vậy, cải tiến giống lúa vẫn được xem là khâu trọng yếu có tính cấp bách trong sản xuất nhằm giúp thích ứng BĐKH. Trong đó, bảo tồn tài nguyên đất và nước, bảo tồn tài nguyên di truyền cây lúa phải được ưu tiên đầu tư và thực hiện bài bản. Theo các chuyên gia, thời gian qua, nước ta đã tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học, nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh, ngập úng và mặn. Nhưng chúng ta còn thiếu các giống lúa chịu hạn, mặn ở mức độ cao. Hiện nay, hầu hết các giống lúa khi gặp tình trạng khô hạn ở giai đoạn mạ có thể khắc phục phần nào, nhưng nếu gặp hạn kéo dài lúc trổ là mất trắng. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục làm tốt công tác chọn tạo giống lúa.
Khánh Trung
Nhà máy Đường An Khê: Bảo hiểm giá mua mía nguyên liệu cho nông dân
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê cho biết, từ ngày 1-4, đơn vị này sẽ tiến hành bảo hiểm giá mua mía nguyên liệu còn lại của vụ ép 2015 - 2016 nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn cũng như phân phối hài hòa lợi ích cho người nông dân.
Giá thu mua mía tăng hơn 200.000 đồng/tấn so với đầu vụ. Ảnh: Hồng Thi
Theo đó, Nhà máy cam kết sẽ mua mía đến cuối vụ ép 2015 - 2016 với giá mía bảo hiểm tại bàn cân Nhà máy thấp nhất là 1,2 triệu đồng/tấn (kể cả mía Nhà máy không đầu tư), tuỳ theo chất lượng mía. So với đầu vụ ép 2015 - 2016, giá mua tăng hơn 200.000 đồng/tấn mía cây.
Giá bảo hiểm trên được áp dụng đối với mía nguyên liệu còn lại trên đồng thuộc 4 huyện, thị xã khu vực Đông Gia Lai gồm: An Khê, Kbang, Đak Pơ và Kông Chro.
Hồng Thi
Trồng rau muống lấy hạt lãi tiền triệu
Nguồn tin: Báo An Giang
Vụ đông xuân 2016, nông dân xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tiếp tục được mùa, được giá với mô hình trồng rau muống lấy hạt…
Giống rau muống được trồng là giống Đài Loan hoa trắng, cho năng suất cao, có thời gian thu hoạch kéo dài. “Không như các loại hoa màu khác, rau muống trồng càng lâu càng cho năng suất cao, cứ bón phân là rau trổ bông, ra trái liên tục. Vụ rau muống năm nay kéo dài hơn 4 tháng rưỡi, năng suất đạt từ 350 – 4000 kg/công” – ông Lê Văn Kịch, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau muống lấy hạt xã Hiệp Xương cho biết.
3 vụ liên tiếp, Tổ hợp tác trồng rau muống lấy hạt xã Hiệp Xương được các doanh nghiệp ở Châu Phú bao tiêu sản phẩm, với giá 30.000 đồng/kg, nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Mỗi năm đến vụ đông xuân, nhiều nông dân ở Phú Tân chuyển từ đất trồng nếp sang trồng rau muống lấy hạt để tăng lợi nhuận. Bên cạnh các loại hoa màu chủ lực, rau muống lấy hạt là “cây làm giàu” của nhiều người ở xã vùng sâu này.
MỸ HẠNH
Hậu Giang: Rầm rộ mua “lúa non”
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Vụ lúa Hè thu năm nay đang xảy ra một hiện tượng là lúa vừa gieo sạ xuống ruộng được mấy ngày, thậm chí có hộ chưa xuống giống là có “cò lúa” đến đề nghị đặt tiền cọc trước. Điều này khiến cho nông dân cảm thấy bất ngờ và đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.
Tuy lúa còn trong giai đoạn mạ nhưng có nhiều cò lúa đến đề nghị đặt tiền cọc trước với nông dân.
Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống hơn 45.000ha lúa Hè thu năm 2016, hiện lúa trong giai đoạn mạ non. Năm nay, do hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, đồng thời giá lúa ở mức cao, thị trường đầu ra thuận lợi nên nhiều người đang đi tắt đón đầu với việc mua cả lúa non của nông dân với giá cao. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có số ít hộ đồng ý, còn lại thì muốn giữ lúa đến ngày thu hoạch.
Đặt tiền cọc khi lúa mới gieo sạ
Những ngày này, về các cánh đồng lúa vừa được nông dân xuống giống dưới một tháng tuổi, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán xôn xao về chuyện các cò lúa đang lùng sục mua lúa non trong dân. Gặp chúng tôi khi đang giặm cho 1ha lúa của gia đình, ông Tô Văn Nhớ, ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Tôi làm lúa hơn 40 năm, nhưng đây là lần đầu tiên thấy có người đến đề nghị mua lúa sớm thế này. Lúa chỉ mới sạ được gần 20 ngày, nhưng có nhiều cò lúa đến xin đặt tiền cọc trước. Thấy đây là việc làm lạ và chưa từng xảy ra nên tôi cũng như bà con còn phân vân, chưa ai dám lấy tiền cọc vì cho rằng giá lúa có thể tăng trong thời gian tới”.
Trong khi nhiều hộ còn lo ngại với hình thức mua lúa còn là mạ non trên đồng thì hiện có không ít bà con đã chấp nhận lấy tiền cọc trước đó khoảng 10 ngày. Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Do làm giống lúa IR 50404 nên vụ Hè thu hàng năm thường bán ở mức 4.000 đồng/kg. Riêng năm nay, lúa vừa gieo sạ được một tuần lễ, có hộ mới chuẩn bị xuống giống là có cò lúa đến đặt tiền cọc với giá 4.250 đồng/kg (đưa tiền trước 300.000 đồng/công). Thấy đây là mức giá cao nên không ai nghĩ gì và đã đồng ý nhận tiền cọc, nhưng không ngờ giá lúa hiện đã lên 4.800 đồng/kg cùng loại giống, làm nhiều người tiếc nuối”. Cùng nỗi buồn trên, ông Nguyễn Văn Tám, ở gần đó bộc bạch: “Ban đầu, gia đình tôi không đồng ý lấy tiền cọc trước khi cò lúa đề nghị. Thế nhưng, do đất nằm trong ruột, mọi người xung quanh ai cũng nhận tiền cọc trước nên phải nhận theo”.
Được biết, toàn khu vực cánh đồng lúa phía sau nhà ông Tám khoảng 10ha, hiện có hơn 90% diện tích được bà con nơi đây nhận tiền trước với cò lúa. Qua ghi nhận, vào thời điểm khoảng giữa tháng 3, các cò lúa tiến hành mua lúa non của người dân với giá 4.200 - 4.300 đồng/kg (giống IR 50404) và 4.600 - 4.700 đồng/kg (các giống lúa hạt dài). Còn hiện tại, giá lúa đặt cọc giống IR 50404 đã tăng lên 4.700 - 4.800 đồng/kg, giống OM 5451 là 5.400 đồng/kg.
Thông thường, lúa còn khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch hoặc sớm lắm thì lúa cũng đỏ đuôi, khi đó cò lúa mới đến đặt tiền cọc và đưa ra ngày thu hoạch. Nhưng trên thực tế, việc các cò lúa đưa tiền cọc lúa với giá cao vào thời điểm này cũng có cơ sở. Bởi, mùa khô năm nay được xem là một thiên tai nghiêm trọng, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng của tình hình hạn hán và xâm nhập mặn. Theo dự báo của cơ quan chức năng, sẽ có khoảng 500.000ha lúa Hè thu của toàn vùng ĐBSCL (chiếm 30% đất lúa của vùng) phải chờ mưa xuống mới gieo sạ được do ảnh hưởng của hạn, mặn. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cò lúa đang khẩn trương đặt tiền cọc trước với nông dân ngay khi lúa còn là mạ non.
Không nên bán vội
Theo những nông dân có nhiều năm bán lúa sớm thì cò lúa đang đặt tiền cọc mua lúa với giá hấp dẫn, nhưng bà con không nên vội bán vì sẽ chịu nhiều thiệt thòi đến khi thu hoạch. Ông Ngô Văn Luận, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, người có nhiều lần nhận tiền cọc trước với cò lúa, chia sẻ: “Vụ nào nhận tiền cọc trước cũng bán lúa với giá thấp hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, rút kinh nghiệm nên gia đình tôi không vội nhận tiền trước, mặc dù đã có nhiều cò lúa đến đề nghị đặt cọc. Vụ này, tôi để đến khi lúa gần cắt mới lấy tiền cho chắc ăn, giá có cao hay thấp gì cũng đỡ tức. Tuy nhiên, qua theo dõi trên thông tin đại chúng về diễn biến tình hình hạn, xâm nhập mặn như năm nay thì giá lúa khó giảm trong thời gian tới”.
Còn ông Trương Quốc Nam, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Các cò lúa vào mua lúc này có thể là do giá lúa có khả năng ổn định ở mức cao trong thời gian tới. Nếu nhận tiền cọc rồi thì cái gì cũng phụ thuộc hết nên rất khó khăn”. Cũng theo ông Nam, nếu vào thời điểm thu hoạch mà giá lúa trên thị trường thấp hơn giá cò lúa đặt cọc thì thương lái cứ kỳ kèo, đòi hạ giá, nếu không bán sẽ bỏ cọc. Khi đồng ý bán thì cũng bị dời ngày thu hoạch làm cho lúa chín, hạt khô mới cắt, từ đó giảm năng suất...
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng cho biết: Đón đầu giá lúa nguyên liệu tại các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao, hiện nhiều người tìm đến những vùng đất tốt, đảm bảo nước tưới trên địa bàn tỉnh để thỏa thuận mua lúa vụ Hè thu của nông dân mới gieo sạ chỉ vài ngày với giá khá cao. Đây thật sự là một tín hiệu rất khả quan cho người dân trong vụ lúa này, tuy nhiên bà con cũng cần xem xét kỹ trước khi nhận tiền cọc. Bởi, theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, với dự báo về tình hình hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay thì Hậu Giang là một trong số ít các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL có điều kiện canh tác vụ Hè thu đúng lịch thời vụ, đây được xem là cơ hội vàng cho người trồng lúa của tỉnh. Hiện ngành nông nghiệp đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn của ngành tiến hành khảo sát tình hình xuống giống lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh và khả năng sẽ xem xét điều chỉnh lịch thời vụ. Theo đó, những vùng có hệ thống đê bao kiên cố và ít bị xâm nhập mặn sẽ khuyến cáo người dân xuống giống. Riêng xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A của huyện Long Mỹ thì không được gieo sạ trong thời điểm này mà phải chờ mưa xuống…
HỮU PHƯỚC
Nông dân TP Hồ Chí Minh với rau thương hiệu VietRAP
Nguồn tin: Nhân Dân
Kiểm tra chất lượng và đóng gói rau tại HTX Phước An.
Ngày 20-1, UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, diện tích gieo trồng rau an toàn của thành phố là 16.319 ha. Hơn 90% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được giám sát, kiểm tra, bảo đảm đủ điều kiện sản xuất, sơ chế phù hợp tiêu chuẩn VietRAP.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng ban Kinh tế-xã hội Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Tuổi cho biết: Trước năm 2015, diện tích trồng rau sạch của thành phố ước tính 14 nghìn ha, nhưng toàn bộ số rau được trồng vẫn chưa được khẳng định hoàn toàn là rau sạch, bởi thiết kế nhà lưới chưa được nghiên cứu kỹ cho nên chưa phù hợp điều kiện thực tế về thời tiết, khí hậu. Quy trình kỹ thuật canh tác rau trong nhà lưới chưa được nghiên cứu, chủ yếu là áp dụng từ quy trình canh tác rau ngoài đồng. Vấn đề sâu bệnh phát sinh trong nhà lưới do quá trình canh tác liên tục chưa được giải quyết hiệu quả.
Quy mô diện tích nhà lưới chưa được xác định bao nhiêu là tối ưu cho phù hợp hộ trồng rau, số lượng lao động, khả năng cơ giới hóa, hiệu quả kinh tế của việc canh tác rau trong nhà lưới. Chưa giải quyết được bài toán về ảnh hưởng của gió, nhiệt độ cao đối với nhà lưới và rau trồng trong nhà lưới. Trong khi đó, toàn thành phố mới chỉ có chưa tới 1.000 ha rau, củ, quả được trồng trong nhà kính, nơi được cho là bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, để đầu tư cho 1.000m2 nhà kính, chủ đầu tư phải chi phí khoảng 700 triệu đồng. Do chi phí xây dựng cao cho nên diện tích trồng rau sạch trong nhà kính mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, khu công nghệ cao hoặc một số nông dân có vốn.
Mặt khác, do người dân ở các làng, xã vì nhu cầu kiếm sống đã bỏ ruộng, vườn lên thành phố làm ăn và cho người khác thuê. Những người làm thuê này do quen phương thức sản xuất truyền thống, chạy theo nhu cầu thị trường, cho dù đã được Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố thường xuyên khuyến cáo, họ vẫn phun thuốc trừ sâu và thu hoạch không đúng theo lịch và đem bán ra thị trường. Rau sản xuất theo quy trình thường cho năng suất thấp hơn so với rau trồng theo phương thức truyền thống, vì vậy bà con nông dân vẫn trồng rau theo cách truyền thống.
Một yếu tố không nhỏ gây ra ở các vụ ngộ độc thực phẩm là phần lớn các bà nội trợ vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, ít để ý đến rau có thương hiệu. Năm 2015, tổng sản lượng rau bán ra thị trường ước đạt 366 nghìn tấn, nhưng vào các hệ thống siêu thị chỉ chiếm khoảng 60%. Qua khảo sát một số hệ thống siêu thị trên đường Điện Biên Phủ, phường Đa Kao (quận 1), mặc dù hệ thống siêu thị có bày bán rau thương hiệu VietRAP, nhưng cả người bán, người mua cũng không quan tâm thương hiệu.
Ngay sau khi UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt chương trình phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đã triển khai liên kết các hộ nông dân, HTX nông nghiệp và tổ kinh tế hợp tác ở các ngành nghề sản xuất nông nghiệp theo mô hình tám HTX, 25 tổ kinh tế hợp tác và 32 trang trại đầu tư sản xuất rau sạch cung cấp cho thành phố tại bốn chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị và bếp ăn tập thể theo bốn tiêu chí của VietRAP mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra gồm: sản xuất đúng tiêu chuẩn; các biện pháp bảo đảm không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc phù hợp sức lao động của người nông dân và nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Để rau được chứng nhận an toàn, Hội Nông dân thành phố đã nghiên cứu, tìm tòi và chủ động về giống rau, củ, quả. Triển khai cho 48 công ty chuyên nghiên cứu, đột phá về giống, 22 doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả đạt chất lượng cao không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a…
Tổ chức các hội thi tuyên truyền về rau thương hiệu, tập huấn phương pháp sản xuất trồng rau trong nhà kính, cách tính giá thành sản phẩm cho nông dân, làm sao để khi rau đưa ra thị trường không những bảo đảm được thương hiệu, mà còn có giá ngang hoặc thấp hơn so với rau trồng theo cách truyền thống. Mạnh dạn chuyển đổi mô hình quản lý từ liên kết bốn nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, sang mô hình hai đơn vị quản lý là nhà nước hoạch định chính sách, nhà khoa học nghiên cứu làm sao cho sản phẩm của người nông dân sau khi thu hoạch có lãi mà người tiêu dùng chấp nhận được.
Được thành lập từ tháng 8-2006, HTX nông nghiệp Sản xuất, thương mại và dịch vụ Phước An, ở ấp 4, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, là một trong những HTX đi đầu trong sản xuất rau, củ, quả thương hiệu VietRAP. Phó Chủ nhiệm kinh doanh HTX Võ Thành Dương cho biết: Trước kia, người dân chủ yếu trồng lúa và nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng do thời tiết thất thường, cùng với sự biến đổi khí hậu, cho nên lúa cho năng suất thấp, gia súc, gia cầm bị bệnh chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Trước tình hình đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để bảo đảm cuộc sống cho bà con nơi đây. Được Hội Nông dân thành phố giúp đỡ, sự nhất trí của chính quyền địa phương, HTX Phước An đã trồng thử nghiệm rau sạch mang thương hiệu VietRAP trên diện tích 4,7ha và nay mở rộng trên diện tích 25,3ha, tạo việc làm cho 81 hộ nông dân, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Để thương hiệu rau sạch VietRAP đứng vững trên thị trường thành phố ngay trong tháng 3 này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp thành phố tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm VietRAP tại quận 1. Hy vọng đây là cơ hội tốt để sản phẩm rau sạch mang thương hiệu VietRap đến được với người tiêu dùng.
TRỊNH SƠN
Thương hiệu Chè Việt Nam vẫn còn quá mờ nhạt
Nguồn tin: VOV
Là 1 trong 5 nước xuất khẩu chè nhiều nhất trên thế giới nhưng thương hiệu Chè Việt Nam chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nước ngoài.
Các sản phẩm chè của Việt Nam được xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới, với nhiều chủng loại chè phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, giá trị của ngành chè nước ta còn thấp, mới chỉ đạt kim ngach xuất khẩu khoảng 230 triệu USD/năm - một con số rất khiêm tốn so với các ngành nông sản khác như cà phê, hồ tiêu...
Hiện nay, cả nước hiện có 124.000 ha diện tích trồng chè với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...
Thế nhưng, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên giá trị tăng thấp, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Ông Chu Xuân Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh chia sẻ: Doanh nghiệp đang ở trong tình trạng chung của ngành chè hiện nay, có những khó khăn rất lớn là chè chất lượng chưa cao, bán giá rẻ. Cùng với đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu còn nhiều trong chè.
“Để tiến tới quá trình hội nhập, về phía doanh nghiệp một phần nâng cao chất lượng, tìm kiếm đối tác để có giá trị gia tăng cao hơn. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các cấp, đặc biệt là cùng với hiệp hội chè khắc phục vấn đề này”, ông Ái cho biết.
Mặc dù là 1 trong 5 nước xuất khẩu chè nhiều nhất trên thế giới, nhưng thương hiệu chè Việt Nam còn khá mờ nhạt, chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Nguyên nhân là phần lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè có quy mô nhỏ, vốn ít, hạn chế về kỹ năng tiếp thị hay đàm phán ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Ông Ngô Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) cho biết, các doanh nghiệp chè cần thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp tương tự với sản phẩm của nước ngoài để tiêu thụ trên các thị trường bán lẻ; nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể phục vụ ngay chính trong thị trường nội địa trước.
“Hiện nay Viantea chỉ tập trung vào xuất khẩu thô, không cho ra đời sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng, thương hiệu rất có giá trị nhưng chưa khai thác phần giá trị lớn nhất đó là sản phẩm cho thị trường nội địa cũng như dùng sản phẩm đó với chất lượng cao để xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Thái cho hay.
Thời gian tới, để đảm bảo sản xuất bền vững và tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Hiệp hội Chè Việt Nam đang tổ chức các mô hình bảo vệ thực vật tập trung; kiểm soát thời gian cách ly, đảm bảo an toàn cho nguyên liệu đầu vào. Hiệp hội cũng định hướng tổ chức một sàn giao dịch để các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm tạo tiền đề cho sự ra đời trung tâm đấu giá chè sau này. Trước mắt, các đơn vị sản xuất cần hạn chế xuất khẩu chè qua trung gian.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, trước hết các doanh nghiệp chè phải tận dụng được cơ hội về thị trường, nhất là khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các doanh nghiệp chè sẽ có khả năng xâm nhập sâu vào nhiều thị trường.
“Các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, mới đảm bảo được các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn khi vượt qua được các hàng rào mà các nước nhập khẩu họ đặt lên. Ngoài ra phải tự bản thân doanh nghiệp phải xốc lại, ổn định lại, sản xuất có bài bản, gắn kết giữa sản xuất chế biến và sản xuất về nguyên liệu”, ông Long lưu ý.
Ngành chè khuyến cáo các doanh nghiệp cần hướng tới liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè, quan tâm đặc biệt tới quy trình sản xuất chè an toàn, có chứng nhận được thị trường thế giới công nhận. Người trồng chè cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc cũng như sơ chế chè. Có như vậy, ngành chè mới có thể cạnh tranh được với các thương hiệu chè trên thế giới./.
Chung Thủy/VOV-Trung tâm Tin
Cà Mau: Nông dân huyện Trần Văn Thời trúng mùa đậu xanh
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bắt đầu thu hoạch vụ đậu xanh dưới ruộng, năng suất đạt khá cao, nhiều người rất phấn khởi.
Vụ đậu xanh năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống được hơn 1.160 ha, tập trung nhiều ở các xã: Khánh Hưng, Khánh Bình Tây, Trần Hợi và Khánh Bình Đông. Mặc dù tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài và gay gắt nhưng năng suất đậu xanh khá ổn định. Hiện tại, nhiều hộ đã thu hoạch xong đợt 1, với năng suất bình quân từ 250 - 300 kg/công. Theo người dân, từ nay đến cuối vụ, bà con sẽ còn thu hoạch thêm 2 đợt nữa, ước tổng năng suất khoảng 350 - 400 kg/công (tương đương 3 tấn/ha).
Nông dân ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây thu hoạch đậu xanh.
Anh Bùi Quốc Thanh, ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây, cho biết, mặc dù thời tiết năm nay rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài làm cho người dân gặp khó. Nhưng nhờ tích cực chăm sóc nên hiện nay năng suất đậu cũng khá, so với những năm trước thì năng suất thu hoạch đợt đầu của năm nay từ bằng đến cao hơn.
Năm nay, tình hình các loại sâu bệnh ít gây hại nên bà con đỡ tốn công chăm sóc và giảm bớt chi phí đầu tư cho sản xuất. Hiện tại, đậu xanh được thương lái thu mua với giá từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Theo tính toán của người dân, với giá đậu như hiện nay, trung bình mỗi công đậu xanh cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, bà con còn lời từ 4,5 - 5 triệu đồng/vụ, cao gấp 2 lần so với trồng lúa (hơn 40 triệu đồng/ha).
Trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều loại cây trồng khác bị thiệt hại do thiếu nước tưới thì cây đậu xanh lại thích nghi với thời tiết khô hạn như năm nay. Đây là cơ sở để các ngành liên quan xem xét, đánh giá, có thể lựa chọn để chuyển đổi các loại cây trồng thích ứng với tình hình biến đổi của thời tiết nhằm từng bước chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, đánh giá: "Hiện nay, trên thị trường có quá nhiều sản phẩm phục vụ đầu vào cho nông nghiệp nên người dân khó lựa chọn các sản phẩm thật sự mang lại hiệu quả, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Vì vậy, Hội Nông dân huyện đã liên kết với các doanh nghiệp giới thiệu đến bà con nông dân một số sản phẩm phục vụ sản xuất đối với cây đậu xanh. Qua theo dõi của bà con nông dân, các loại sản phẩm này khá phù hợp trên cây đậu, năng suất đạt khá hơn".
Anh Quốc
Quảng Ngãi: Hàng ngàn héc ta lúa đông xuân bị thiệt hại do sâu bệnh và thời tiết
Nguồn tin: Báo Quảng Ngã
Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, có đến hàng ngàn héc ta lúa gieo sạ vụ đông xuân bị thiệt hại, giảm năng suất nghiêm trọng do ảnh hưởng của sâu bệnh gây hại và thời tiết.
Theo thống kê của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), có khoảng 970ha lúa bị thiệt hại do sâu bệnh và rét lạnh gây ra, làm giảm năng suất từ 30 - 70%, trong đó diện tích thiệt hại nặng chiếm khoảng 110ha.
Tại huyện Đức Phổ, có khoảng 1.000ha trên tổng số 5.000ha lúa gieo sạ vụ đông xuân cũng bị thiệt hại, làm giảm năng suất tứ 20 - 30% so với diện tích lúa đại trà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra tại cánh đồng ở xã Đức Lân (Mộ Đức).
Nguyên nhân là do trà lúa chính vụ đang trong giai đoạn trổ đều đến chắc xanh gặp phải đợt không khí lạnh từ ngày 24.2 - 4.3.2016 dẫn đến lúa trổ bị nghẹt đòng, không thoát cổ bông làm cho bông lúa ngắn và thối đen lem lép hạt, ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, nhiều giống lúa nhiễm sâu bệnh và không thích ứng với điều kiện khi gặp phải thời tiết lạnh.
Theo các địa phương thì vụ đông xuân năm nay năng suất bình quân sẽ giảm từ 15 - 20% so với vụ đông xuân năm 2014 - 2015. Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo các xã thống kê tình hình thiệt hại.
Chiều 1.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ và lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra thực tế tại một số xử đồng ở huyện Mộ Đức và Đức Phổ. Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương kiểm tra thực tế, xác định tình hình thiệt hại để có cơ chế hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT rút kinh nghiệm, nghiên cứu bố trí cơ cấu giống cho phù hợp để sản xuất vụ hè thu đạt hiệu quả cao hơn.
Ái Kiều
Người dân khốn đốn vì doanh nghiệp trốn thu mua cây bắp non
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Gần một tháng qua, 11 hộ dân xã Sông Thao (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) như ngồi trên lửa bởi hàng chục hécta bắp đã đến kỳ thu hoạch lấy cây nhưng Công ty TNHH Thuyết Phương Linh (phường Long Bình, TP. Biên Hòa) không đến thu mua như hợp đồng đã ký kết. Theo hợp đồng, người dân trồng bắp đến thời kỳ cho quả non (từ 70 - 90 ngày) thì công ty sẽ thu mua. Các hộ gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đầu tư trồng bắp.
Phan Trí
Giống nhãn lai LĐ11
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã tiến hành lai tạo và cho ra đời giống nhãn LĐ11. Giống được lai theo phương pháp cổ điển (thụ phấn bằng tay) giữa giống nhãn tiêu da bò (mẹ) và xuồng cơm vàng (bố).
Giống nhãn lai LĐ11 (NL1-23) chất lượng tốt
Thông qua các kết quả đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển, tính thích ứng, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và chất lượng của giống được trồng khảo nghiệm trên nhiều vùng đất khác nhau của tỉnh Tiền Giang, các tác giả đã chọn lọc được dòng LĐ11 ổn định từ 91 cá thể lai (NL 1-23). Giống được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép đưa vào sản xuất thử ở các tỉnh vùng ĐBSCL.
Đặc điểm chính:
- Cây sinh trưởng mạnh, tán lá dày, cây có dạng hình cái ô. Phiến lá to, dài, lá non có màu tím nhạt, khi lá già màu xanh đậm.
- Phát hoa to, ngắn và dày, đóng chặt, màu trắng kem. Hoa nở từ 6 - 9 giờ sáng trong 2 tháng 6 và 7 dương lịch (chính vụ).
- Quả có hình giống nhãn tiêu da bò, chùm quả đóng khít, chặt, cuống to. Khối lượng quả từ 12,07 - 12,96g. Thịt quả màu trắng trong và bóng, thịt ráo, ăn giòn, vị ngọt thanh. So với nhãn tiêu da bò, thịt quả dày hơn (5,68 - 5,35mm), hạt bé hơn (1,48 - 2,12g), tỷ lệ phần ăn được chiếm 60,15 - 73,43%, độ Brix từ 19,80 - 22,98%.
- Thời gian từ trồng đến thu quả lứa đầu là 3 năm.
- Năng suất bình quân 3 năm (3 năm, 4 năm, 5 năm sau trồng) là 35,7 kg/cây/năm, sau 6 năm trồng là 53,7 - 60,5 kg/cây/năm, tương đương năng suất giống tiêu da bò cùng điều kiện.
- Giống LĐ11 chống chịu khá với bệnh chổi tồng, chỉ nhiễm ở mức độ nhẹ, trong khi nhãn Tiêu da bò bị khá nặng.
- Nhược điểm của giống là chùm quả đóng quá khít nên quả dễ bị sâu đục quả tấn công.
Giá trị kinh tế:
Với những ưu điểm vượt trội so với các giống nhãn khác đang được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL thì quả của giống nhãn mới LĐ11 bán được giá cao hơn nên cho thu nhập cao hơn với cùng điều kiện canh tác.
Theo ông Trần Hải Sơn ở xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang), do chất lượng nhãn giống mới cho quả đẹp, ăn ngon và ngọt hơn nên nhiều người ưa thích, đặc biệt là khách du lịch. Nếu như các giống nhãn khác có giá bình quân 35.000 - 40.000 đồng/kg thì ở đây giống nhãn LĐ11 bà con bán được tới 55.000 - 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi.
Một số lưu ý:
- Trồng bằng cây ghép đúng giống, khỏe mạnh.
- Đất cần được chuẩn bị kỹ: cày, bừa, lên liếp hoặc đắp mô hình tròn rộng 60 - 80cm, cao 50 - 70cm. Trộn đất trong mô với 10 - 15kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ hoai, tro trấu, 0,5kg phân lân trước khi trồng cây từ 15 - 30 ngày.
- Mật độ: Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai và mô hình trồng, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 5 x 6m hoặc 6 x 6m, tương đương 300 - 350 cây/ha, sau đó tỉa cành, tạo tán khi cây đã lớn (3 - 4 năm) để có khoảng cách hợp lý 10 x 10m. Khi cây chưa khép tán có thể trồng xen cam, quýt đường, bưởi vào vừa tăng thêm thu nhập vì cam, quýt đường và bưởi cần ít ánh sáng hơn.
- Bón phân NPK đủ lượng, cân đối và đúng thời gian theo qui trình sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả sai và mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Khi quả to bằng đầu ngón tay, nên bón tăng lượng phân, đặc biệt là kali nhằm hạn chế sốc sinh lý làm quả rụng hoặc chậm lớn, vừa để tăng năng suất và chất lượng quả.
- Chú ý phun xịt thuốc trừ nhện lông nhung (tác nhân gây bệnh chổi rồng) kịp thời khi lá và đọt còn non, có màu tím. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, hạn chế các loại thuốc có nguồn gốc hóa học.
NGUYÊN KHÊ
Hiệu quả từ trồng dưa hấu tránh hạn mặn đạt hiệu quả kinh tế cao
Nguồn tin: VOV
Bà con Khmer ở Sóc Trăng đã thực hiện thành công mô hình trồng dưa hấu tránh được hạn mặn, cho hiệu quả kinh tế cao trên đất lúa.
Thời gian qua, nhiều hộ dân Khmer tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển từ đất ruộng không sản xuất vụ Xuân Hè sang trồng dưa hấu dưới chân ruộng. Sau 2 tháng trồng và chăm sóc, hiện bà con đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, bước đầu cho thắng lợi cả về năng suất lẫn giá cả.
Nhiều hộ dân Khmer thu lợi nhuận cao từ mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa.
Vừa thu hoạch xong dưa hấu trên diện tích 2600m2 đất ruộng được thuê lại của nông dân địa phương không sản xuất lúa vụ 3 (Xuân Hè), chị Đào Thị Mỹ Hồng ở ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú thu về hơn 7 tấn dưa hấu loại tốt. Với việc thương lái thu mua mức giá 4.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Hồng còn lãi hơn 15 triệu đồng. Đây là mức lãi cao nhất từ khi gia đình bắt đầu mướn đất trồng dưa hấu trên đất ruộng.
“Năm nay dưa có giá gần gấp đôi năm trước, năng suất dưa đạt cao tới 3,5 tấn mỗi công nên sau khi trừ chi phí tiền lời gia đình cũng được trên mười mấy triệu”, chị Hồng phấn khởi nói.
Cũng là một hộ nghèo, không đất sản xuất, gia đình chị Tăng Thị Dal cũng quyết định thuê đất của người quen 2.600m2 để trồng dưa hấu kiếm thêm thu nhập trong mùa khô, lúc nông nhàn. Chi Dal cho biết, thấy bà con trồng dưa hiệu quả nên năm nay chị cũng đầu tư trồng theo. Hiện dưa của gia đình cũng sắp đến ngày thu hoạch, thương lái đặt cọc với giá 4.200 đồng/kg nên chị cũng hy vọng sẽ thu về lợi nhuận khá.
“Năm nay dưa bán trúng giá lại trúng mùa nên năm sau chắc gia đình sẽ mướn đất trồng tiếp”, chị Dal chia sẻ.
Theo thống kê của UBND xã Phú Mỹ, vụ này có hơn 150 ha đất ruộng không sản xuất lúa Xuân Hè được bà con Khmer đầu tư trồng dưa hấu. Đến nay bà con đã bước vào thu hoạch. Theo đánh giá đối với các diện tích mới thu hoạch thì năng suất đạt từ 3,5 – 4,5 tấn/công (1.300m2). Hiện thương lái vào tận ruộng thu mua với giá dao động từ 4.200 – 4.500 đồng/kg đối với dưa loại tốt. Với mức giá này, bà con thu lợi nhuận khá cao, trên dưới 10 triệu đồng mỗi công, riêng một số hộ trồng đạt năng suất lên đến 4,5 tấn/công thì lợi nhuận có thể thu về gần 15 triệu đồng.
Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ thông tin thêm, mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng vụ Xuân Hè được hình thành tại địa phương từ nhiều năm nay, trong đó người trồng dưa hấu phần lớn là bà con nghèo, không đất sản xuất nên phải mướn đất từ các hộ không sản xuất lúa mùa khô để đầu tư trồng từ 2 – 3 công với hy vọng kiếm thêm thu nhập vào mùa khô, những lúc nông nhàn. Điều đáng mừng là những năm qua, mô hình này luôn cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, nên rất được người dân hưởng ứng. Đặc biệt năm nay bà con xem như trúng lớn.
Chính quyền địa phương cũng như bà con trồng dưa khẳng định, đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận ổn định. Ngoài ra, đây là mô hình dễ sản xuất, vốn đầu tư mô hình cũng ít so với cách trồng truyền thống. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của dưa hấu ngắn nên rất thích hợp cho sản xuất mùa khô, dễ dàng trong chủ động nguồn nước tưới tiêu.
Ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, xã sẽ tiếp tục vận động bà con luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đảm bảo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, trong đó có cây dưa hấu.
“Theo kế hoạch của địa phương sẽ khuyến khích vận động người dân làm 2 vụ lúa, 1 vụ màu là chính. Xã Phú Mỹ là vùng đất cao nên làm lúa vụ 3 không năng suất, do đó sẽ vận động người dân đưa cây màu xuống chân ruộng trong vụ 3 này, vừa hạn chế sử dụng nước ngọt trong tình hình khô mặn vừa tăng hiệu quả kinh tế”, ông Hùng cho biết.
Với hiệu quả kinh tế được khẳng định nhiều năm qua, mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng tại vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng đã phát triển, nhân rộng đến nhiều địa phương như huyện Thạnh Trị, Châu Thành.
Có thể nói, mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân trong những lúc nông nhàn vừa tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, đặc biệt là giúp nông dân giảm bớt được áp lực bởi tình trạng thiếu nước tưới do hạn mặn xâm nhập như hiện nay.
Với bà con Khmer xã Phú Mỹ, mùa dưa hấu năm nay không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Điều này sẽ góp phần giúp bà con hướng đến một tết Chol Chnam Thmay sắp tới trong sự đầy đủ, vui tươi, phấn khởi..../.
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Châu Thành (Hậu Giang): 1/3 diện tích cam sành bị nhiễm dịch hại
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Diện tích cam sành ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã giảm khoảng 3.000ha, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh tấn công nên bà con cải tạo trồng những loại cây ăn trái khác. Trong số 3.850ha cam sành còn lại, có trên 1.000ha bị nhiễm các loại dịch hại như: vàng lá thối rễ, rầy chổng cánh và bệnh Greening; trong đó có gần 300ha bị nhiễm nặng thiệt hại trên 70% và diện tích này có nguy cơ tăng lên nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời. Trước tình hình này, ngành chuyên môn cử cán bộ bảo vệ thực vật thăm vườn thường xuyên; đồng thời hướng dẫn bà con khi cây vừa ra đọt non phun xịt phòng ngừa rầy chổng cánh, nhằm hạn chế lây truyền vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh.
VĂN XUÂN
Hưng Yên: 50 cây nhãn có nguồn gen quý được lựa chọn bảo tồn
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Ngày 1.4, Ban Quản lý Dự án bảo tồn giống nhãn đặc sản tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015”.
Dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015” được UBND tỉnh phê duyệt tháng 12.2011.
Ban quản lý dự án đã phối hợp với các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng phát triển cây nhãn trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn những tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nhãn cho nông dân các địa phương; bình tuyển, công nhận cây nhãn đầu dòng, vườn nhãn đầu dòng; bảo tồn giống nhãn đặc sản và quản lý cây đầu dòng... Xây dựng các mô hình thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới như: áp dụng biện pháp đốn rễ, khoanh vỏ kết hợp với sử dụng ngô, đậu tương ngâm ủ bón cho nhãn tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả…
Kết quả cho thấy, nhãn sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, màu sắc quả sáng, cùi quả dày, độ đường cao, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, hiệu quả thực tế của mô hình thu được cao hơn từ 17 – 25% so với chế độ thâm canh thông thường.
Công tác bình tuyển đã lựa chọn 50 cây nhãn ngon, ưu tú có nguồn gen quý hiếm để đưa vào lưu giữ, bảo tồn, phát triển những nguồn gen quý hiếm, làm đa dạng, phong phú các chủng loại nhãn trên địa bàn tỉnh.
Đức Toản