Tin nông nghiêp ngày 05 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 05 tháng 11 năm 2019

Yên Bái: Lục Yên thực hiện 5 sản phẩm đặc sản, hữu cơ

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, thời gian qua huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, hữu cơ.

Năm 2019, huyện Lục Yên được tỉnh giao thực hiện 5 sản phẩm gồm: 500 ha cam sành, 4.000 con lợn bản địa, 30.000 con vịt bầu Lâm Thượng, 1.000 ha quế an toàn theo hướng hữu cơ và 200 ha cây dược liệu. Đến nay, việc thực hiện các sản phẩm đặc sản hữu cơ đã được triển khai thực hiện và đạt 90% kết quả.

Từ nay đến cuối năm, huyện Lục Yên phấn đấu hoàn thành 100%. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, hữu cơ để tạo lập, bảo tồn và phát triển giá trị, giúp sản phẩm đặc sản địa phương có sức cạnh tranh và có chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Hiện nay, với việc triển khai Chương trình OCOP, hy vọng ngày càng có nhiều sản phẩm đặc sản địa phương được xây dựng thương hiệu; góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Khắc Điệp (Trung tâm TT&VH Lục Yên)

Hải Dương: Bưởi đào Thanh Hồng cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Với chất lượng thơm ngon mang hương vị đặc trưng, bưởi đào Thanh Hồng đã khẳng định được giá trị của một loại trái cây đặc sản, trở thành một trong những thế mạnh và tiềm lực phát triển cây ăn quả của xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Hàng chục năm nay, đời sống người dân xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) không ngừng được cải thiện nhờ vào cây bưởi đào. Với giá bán tại vườn là 15.000 đồng/quả, năm 2018 xã Thanh Hồng thu hoạch được 1.400 tấn bưởi đào mang về gần 21 tỷ đồng cho các hộ gia đình.

Khoảng 25 hộ gia đình trong xã Thanh Hồng có doanh thu hàng trăm triệu đồng từ vườn bưởi. Xã có 3 thôn, gồm Lập Lễ, Nhân Bầu và Tiên Kiều, với tổng diện tích trồng bưởi đào là 130 ha, chủ yếu được trồng tại thôn Lập Lễ, được mệnh danh là “thủ phủ” bưởi đào của Thanh Hồng. Do hợp khí hậu và thổ nhưỡng nên bưởi nơi đây có vị ngọt thanh, chua nhẹ, mẫu mã và màu sắc đẹp hấp dẫn. Thời gian thu hoạch bưởi được rất lâu, từ tháng 7 âm lịch cho đến Tết Nguyên đán. Hiện đang là tháng 10 âm lịch, thời điểm thu hoạch chính vụ của bưởi đào Thanh Hồng. Từ sáng đến chiều tối, hầu như lúc nào cũng nườm nượp lái buôn về mua bưởi. Bưởi đào Thanh Hồng được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh Hải Dương và một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Bà Phạm Thị Huế ở thôn Lập Lễ - người đã có nhiều năm gắn bó với cây bưởi cho biết gia đình bà có trên 1 mẫu (3600 m2) vườn trồng bưởi đào. Những cây trồng lâu năm cho khoảng 500 - 600 quả/cây, cây nhỏ và mới trồng cũng đạt từ 100 - 200 quả/cây. Với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/quả như hiện nay, những cây sai quả cho thu từ 10 - 12 triệu đồng/cây. Cây bưởi là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, hầu như không bị mất mùa, cây càng lâu năm thì sản lượng càng cao. Năm 2018 trừ tất cả các chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 80 triệu đồng.

Theo Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Thanh Hồng, năm 2019 sản lượng bưởi đào ở xã Thanh Hồng ước đạt khoảng 2.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm trước. Có được kết quả này, một phần do thời tiết thuận lợi cho bưởi ra hoa, đậu quả, nhưng lý do chính là nông dân Thanh Hồng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện nên hạn chế cây rụng quả sinh lý.

Với diện tích đất nông nghiệp 530 ha, xã Thanh Hồng vẫn còn tiềm năng mở rộng thêm diện tích trồng giống cây ăn quả đặc sản này. Được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và các cơ quan trong ngành Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay tỉnh Hải Dương đã công nhận 10 cây bưởi đào ở thôn Lập Lễ là cây đầu dòng, cho phép khai thác mắt ghép và chiết cành phục vụ nhân giống sản xuất tại địa phương và cũng như một số địa phương lân cận.

Cây bưởi đào mang lại thu nhập cao cho người dân xã Thanh Hồng

Ông Đào Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi đào Thanh Hồng và hướng đến một thương hiệu sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, địa phương đã có 40 ha trồng bưởi đạt quy trình VietGAP tại thôn Lập Lễ và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ với hơn 200 hộ dân tham gia. Đầu năm 2017 sản phẩm bưởi đào Thanh Hồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Đây là bước tiến quan trọng giúp quảng bá rộng rãi hơn, hỗ trợ tiếp thị sản phẩm bưởi đào ở thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị cây bưởi, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Hà phối kết hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hồng đang tổ chức các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP năm 2019, triển khai công tác khảo sát đánh giá và hướng dẫn các chủ thể đăng ký các sản phẩm để dự thi năm 2019.

Nguyễn Thị Mai Lan - Trung tâm Khuyến nông Hải Dương

Sầu riêng được giá, mỗi ha vườn sầu riêng cho lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm

Nguồn tin: VOV

Hiện nay, nhà vườn trồng cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì loại trái cây ở thời điểm đầu vụ này đang hút hàng, giá tăng, nhà vườn lãi cao

Ở thời điểm này, giá trái sầu riêng trên 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, mỗi ha vườn sầu riêng cho lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Giá sầu riêng tăng cao là do vào thời điểm đầu vụ, sản lượng thấp, khan hàng; trong khi đó thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đang “hút hàng”.

Vườn sầu riêng của ông Ngô Tấn Lâm, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy vào mùa thu hoạch với giá trên 70.000 đồng/kg.

Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 9.000 ha cây sầu riêng, trồng tập trung nhiều ở các địa phương như: Huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè…

Ông Ngô Tấn Lâm, nhà vườn ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy thu hoạch 1 ha cây sầu riêng thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

"Mùa năm nay, trái sầu riêng tuy không trúng do mưa rụng bớt nhưng giá rất cao. Hiện tại, giá sầu riêng 70.000 đồng/kg, mua xô (trái lớn nhỏ mua hết), dân lời 40%. Ví dụ như trái sầu riêng 70.000 đồng/kg, trừ thuốc, phân, công lao động là 30.000 đồng, còn lại 40.000 đồng/kg. Người nào trồng từ 3 công sầu riêng trở lên đều được hết, thu lãi cao./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Khẳng định giá trị bồn bồn Cà Mau

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Từ cây mọc dại trong tự nhiên, những năm gần đây, cây bồn bồn được người dân Cà Mau mở rộng trồng chuyên canh đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập. Đặc biệt, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm bồn bồn Cà Mau dần khẳng định giá trị và có đầu ra ổn định hơn.

Đề cập đến “cái nôi” của cây bồn bồn ở Cà Mau, phải nói đến huyện Cái Nước. Theo người dân địa phương, trước đây khi còn làm lúa mùa, cây bồn bồn vẫn “chen chân” giành đất sống với lúa. Thời đó, cây bồn bồn bị coi là loài cây dại, không có giá trị kinh tế. Đến khi chuyển đổi qua nuôi tôm, huyện Cái Nước bị mặn hóa, cây bồn bồn mất dần đất sống. Rồi quốc lộ 1 hình thành đã làm một phần diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện Cái Nước thuộc các xã Tân Hưng Đông, Hưng Mỹ... dần ngọt trở lại. Độ mặn thấp dần đã đẩy con tôm sú lùi xa và cây bồn bồn từ từ “lên ngôi” trở lại.

“Chúng tôi tự phát trồng rồi đưa ra hai bên đường bán đã khoảng 10 năm nay. Khách đi lại trên tuyến quốc lộ 1 nhiều nên bà con sống khỏe. Giá bồn bồn tươi thương phẩm khoảng 20.000-25.000 đồng/kg; dưa bồn bồn có giá 50.000-60.000 đồng/kg”- bà Lê Thị Lệ, ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, cho biết.

Không chỉ có ở Cái Nước, gần đây, người dân sống tại vùng đệm rừng U Minh hạ (Cà Mau) cũng có thêm thu nhập từ cây bồn bồn. Theo ông Quách Minh Hòa, ở xã Khánh An, huyện U Minh, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng sản xuất, mỗi chu kỳ thu hoạch khoảng 5 năm. Trong thời gian này, người dân canh tác mỗi năm 2 vụ lúa trên một phần diện tích để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do đây là vùng đất trũng, nhiều phèn nên năng suất lúa không cao. Để cải thiện cuộc sống, nhiều hộ đã chuyển sang trồng bồn bồn để có thêm thu nhập.

“Trên diện tích 1ha, trước đây mỗi vụ lúa, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 100 giạ. Sau khi trừ chi phí, vụ nào trúng mới được 10 triệu đồng. Làm mãi không khá nên 2 năm nay tôi chuyển đổi qua trồng bồn bồn. Hiện mỗi tháng gia đình tôi đang có nguồn thu khoảng 30 triệu đồng. Tính hết các khoản chi phí, gia đình tôi lời hơn 10 triệu đồng/tháng. Cây bồn bồn dễ trồng, tới mùa mưa là tự sinh sôi, tôi bứng ra trồng thêm, chỉ khoảng 1 tháng sau là có thu. Công chăm sóc chủ yếu là rải thêm phân để cây nở nhanh, nhàn hơn làm lúa mà nguồn thu cao hơn 3-4 lần”- ông Hòa chia sẻ.

Cây bồn bồn giúp người dân có nguồn thu cao gấp 3 – 4 lần trồng lúa.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau” cho tỉnh Cà Mau. Thương hiệu sản phẩm ẩm thực bồn bồn từ đó dần được khẳng định và phổ biến rộng rãi, không chỉ giá trị mà nhu cầu tiêu thụ loại cây này cũng tăng lên. Người dân vùng “thủ phủ” trồng bồn bồn huyện Cái Nước và những nơi khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau càng có điều kiện nhân rộng. Tại huyện Cái Nước, từ diện tích tự phát ban đầu chỉ vài héc-ta nay đã có hơn 160ha chuyên canh bồn bồn.

Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông - địa phương có diện tích trồng bồn bồn nhiều nhất huyện Cái Nước, cho biết: “Bình quân thu nhập của mô hình đạt khoảng 100 triệu đồng/héc-ta/năm vì ngoài cây bồn bồn, bà con còn có nguồn thu từ cá đồng tự nhiên. Huyện Cái Nước cũng đang triển khai Đề án nâng cao hiệu quả cây bồn bồn, hứa hẹn sẽ giúp người trồng phát triển bền vững hơn. Đặc biệt, theo hướng đa cây, đa con, ngoài trồng bồn bồn, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân kết hợp trồng thêm cây ăn trái trên bờ bao và thả nuôi thêm các loại cá phù hợp để tăng thu nhập”.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Cam Lâm (Khánh Hòa): Khuyến cáo trừ bệnh khảm lá cây mì

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cam Lâm, Khánh Hòa hiện nay, cây khoai mì trên địa bàn huyện vẫn bị nhiễm bệnh khảm lá do vi rút có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic. Diện tích nhiễm bệnh khoảng 309/1.030ha, trong đó 90% nhiễm nặng. Môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng chích hút trên khoai mì bệnh truyền cho cây khỏe. Bệnh lây lan nhanh, nếu không phòng trừ có nguy cơ lan rộng các vùng trồng. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc trị, biện pháp phòng là chính.

Trạm khuyến cáo nông dân không trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây khoai mì từ vùng nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm; vùng đã bị nhiễm nên luân canh cây trồng khác; khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh bằng cách nhổ bỏ, đem đốt… Người dân nên sử dụng bẫy dính diệt bọ phấn trắng và các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ như: MAP Green 3SL, 10SL, Ikuzu 20WP; tuyệt đối không sử dụng hom ở những ruộng bị bệnh làm giống…

V.L

Diêm dân ‘đắng lòng’ vì hạt muối

Nguồn tin:  VOV

Diêm dân làm ra hạt muối bị tiểu thương ép giá, làm muối thu nhập không bằng công đi làm thuê nên nhiều hộ bỏ ruộng không làm.

Thôn Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch là địa phương duy nhất ở tỉnh Quảng Bình còn duy trì được nghề làm muối truyền thống. Không chỉ vất vả để làm ra hạt muối, diêm dân nơi đây còn bộn bề lo toan với việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Lâu nay, diêm dân Quảng Bình “đắng lòng” vì hạt muối quê mình.

Làng muối Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 73 ha diện tích đất sản xuất muối cho sản lượng hơn 6.000 tấn muối mỗi năm. Nghề làm muối giúp hơn 700 lao động nơi đây có thu nhập ổn định. Ông Võ Ngọc Kế, 68 tuổi, ở thôn Phú Lộc 3 cùng với gia đình có hơn 30 năm sống với nghề làm muối. Gia đình ông Kế mỗi năm làm hơn 50 tấn muối, thu nhập từ 45- 50 triệu đồng. Theo ông Võ Ngọc Kế, muối làm ra nhiều nhưng việc bán muối phụ thuộc vào các thương lái.

Diêm dân Quảng Bình chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm muối.

“Trước đây có tiểu thương ở Đồng Hới, Ba Đồn ra thu gom, bây giờ cũng chỉ thu mua qua các đầu nậu ở đây. Thu nhập cao hay thấp là do giá cả thu mua không ổn định. Sản xuất ra muối nhiều nhưng giá thấp, bị ép giá thì thu nhập thấp” - ông Kế nói.

Diêm dân Lê Văn Thường, ở thôn Phú Lộc 1 canh tác gần 2 ha ruộng muối, mỗi năm làm ra hơn 150 tấn muối, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Thấy người làm ra hạt muối bị tiểu thương ép giá, ông Thường đã đứng ra mua muối cho bà con. Tuy nhiên, gia đình ông không đủ điều kiện để bảo quản hạt muối nên lượng muối mua cho bà con cũng không đáng kể.

Theo ông Lê Văn Thường, giá muối đầu vụ tăng cao nhưng đến cuối vụ thì giảm còn một nửa. Hộ diện tích lớn thì còn làm được những hộ diện tích ít thì làm ra không bù được công lao động, làm muối thu nhập không bằng công đi làm thuê nên họ không làm. Dần dần những hộ làm muối nhỏ lẻ thì bỏ ruộng không làm nữa.

Muối làm ra nhiều nhưng lại bị các tiểu thương ép giá.

Ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, mới đây, Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam đã đầu tư khoảng 59 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng tại cánh đồng muối Quảng Phú nhằm phục vụ sản xuất muối bền vững. Tuy nhiên, các hộ sản xuất muối ở đây quy mô nhỏ lẻ, tự tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Phi Khanh, cần tập trung sản xuất muối trên cánh đồng lớn và tìm các đối tác tiêu thụ sản phẩm muối ổn định hơn.

“Khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, quy hoạch lại hệ thông giao thông thuận lợi. Cần phải có 1 hợp tác xã để quản lý các cơ sở hạ tầng, tìm đầu ra cho sản phẩm và làm thế nào đó để gắn được thương hiệu cho sản phẩm” - ông Khanh nói.

Ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, nghề muối của địa phương mang lại thu nhập cao hơn so với làm lúa nhưng thiếu sự ổn định bền vững. Tỉnh Quảng Bình đang xây dựng đề án “Phát triển sản xuất, chế biến muối đến năm 2020 và năm 2030”.

Đề án này nhằm phát triển sản xuất muối hiệu quả, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiến tới áp dụng kỹ thuật sản xuất muối sạch theo phương pháp trải bạt. Theo ông Lê Kim Hoàng, sắp tới tỉnh sẽ thành lập các hợp tác xã sản xuất muối sạch, có sự hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

“Phải làm việc theo tổ hợp tác có sự liên kết gắn kết giữa các diêm dân. Bây giờ có thể hỗ trợ để xây dựng các cơ sở, các kho lưu giữ muối trong các điều kiện thời tiết thất thường hoặc nguồn cung dư thừa, không để các thương nhân ép giá. Chắc chắn phải áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi đó mới ổn định thị trường” - ông Hoàng cho biết./.

Thanh Hiếu/VOV-miền Trung

Nuôi thỏ lai - Đầu tư thấp, hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Anh Lê Văn Cương ở thôn Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Khúc (Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) bắt đầu xây dựng mô hình nuôi thỏ New Zealand thương phẩm từ năm 2013. Anh chọn nuôi thỏ New Zealand bởi đây là giống thỏ khá dễ nuôi và nhu cầu của thị trường lớn. Mặt khác, nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với các loại vật nuôi khác ở nông thôn.

Những năm đầu khởi nghiệp, anh Cương chỉ nuôi quy mô nhỏ với khoảng 15 - 20 con thỏ bố mẹ. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng do nắm bắt được kỹ thuật nên đàn thỏ của gia đình anh phát triển khá tốt và bắt đầu cho hiệu quả kinh tế.

Trong quá trình nuôi, anh Cương không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, khoa học kỹ thuật, cũng như đi tham quan các mô hình nuôi thỏ cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.

Sau 6 năm, đến nay quy mô chăn nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Cương đã lên tới 1.500 con. Trong đó, đàn thỏ mẹ luôn duy trì khoảng 150 con và hàng nghìn con thỏ thương phẩm.

Để tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, anh Cương chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn… trong và ngoài tỉnh nên đầu ra khá ổn định. Trung bình mỗi tháng gia đình anh Cương xuất bán ra thị trường 100 con thỏ giống với giá từ 60.000 - 100.000 đồng/con và 500 - 600kg thỏ thịt với giá 80.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn nhận bao tiêu khoảng 500kg thỏ thịt cho một số hộ chăn nuôi trong vùng. Mỗi tháng gia đình anh thu lãi 30 triệu đồng từ nuôi thỏ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi thỏ của gia đình, ông Bùi Đức Cường ở thôn An Cầu, xã Tống Trân (Phù Cừ) cho biết, hiện gia đình ông có hơn 100m2 chuồng trại và đang nuôi hơn 400 con thỏ.

Mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Bùi Đức Cường ở xã Tống Trân (Phù Cừ)

Đàn thỏ được ông Cường phân loại theo độ tuổi. Thức ăn của thỏ là những phụ phẩm nông nghiệp như các loại rau, cám ngô, cám gạo với tỷ lệ 50% thức ăn tinh và 50% thức ăn xanh. 1 con thỏ mẹ, mỗi năm đẻ từ 6 - 8 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Như vậy, bình quân 1 thỏ mẹ, một năm đẻ khoảng 40 - 50 thỏ con. Hiện nay, mỗi tháng gia đình ông Cường xuất bán khoảng 170 - 180 con thỏ giống (thỏ 1 tháng tuổi) với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/con. Đối với thỏ thịt, thời gian nuôi khoảng 70 - 75 ngày đạt trọng lượng trên 2kg là có thể xuất chuồng với giá bán như từ 80 – 90.000đ/1kg. Mỗi năm, gia đình ông Cường thu lãi trên 100 triệu đồng từ nuôi thỏ.

Ông Cường cho biết: “So với các loài vật nuôi khác, thịt thỏ dễ bán, kỹ thuật nuôi thỏ không quá phức tạp. Tuy nhiên, thỏ dễ bị mắc bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, nấm ghẻ, tụ huyết trùng, cầu trùng... chính vì vậy, người nuôi phải tiêm phòng vắc - xin cho thỏ đầy đủ, chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Bên cạnh đó, hệ thống máng ăn, máng uống nước cũng phải lắp đặt khoa học, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên...”.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Tống Trân: “Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của một số hộ dân trong xã phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bởi đầu tư ít hơn so với những vật nuôi khác, nhanh cho thu hoạch và có thể tận dụng những sản phẩm nông nghiệp vào chăn nuôi. Từ hiệu quả của mô hình này, đến nay trong xã đã có 5 - 7 hộ dân nuôi thỏ, với tổng đàn khoảng 5.000 con...”.

Theo Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), mặc dù thỏ không phải là vật nuôi chủ lực của tỉnh Hưng Yên, nhưng những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ dân tự học hỏi và áp dụng mô hình nuôi thỏ. Để mô hình nuôi thỏ duy trì và phát triển bền vững, các hộ dân không nên mở rộng dàn trải, tránh nuôi ồ ạt, hạn chế rủi do về dịch bệnh, giá cả mà nên liên kết, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Hương Giang

Ông Phước nuôi ruồi

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Hơn 40 năm chăn nuôi thủy sản, sinh vật mới với nhiều chủng loại khác nhau, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, lão nông Ngô Hữu Phước (64 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ- Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đột ngột mở trang trại sản xuất trứng ruồi đen, ruồi thương phẩm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ và đầy lạc quan.

Một góc trang trại nuôi ruồi của ông Phước.

Ông Phước cho biết: “Đây là loại sinh vật đặc biệt dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, tốc độ sinh sản và tăng trưởng rất cao. Đặc biệt chi phí nuôi rất ít tốn kém, giá bán rất ổn định; chất đạm trong chúng cao hơn rất nhiều so với các loại côn trùng khác lại không có mùi hôi nên đảm bảo về môi trường”.

Theo lời ông Phước, loại ruồi đen ông nuôi có tên khoa học là Hermetia Illucens, không gây hại và dịch bệnh như các loại ruồi thông thường khác.

Từ 2kg trứng ruồi giống ban đầu ông mua với giá 350.000 đ/kg đến nay ông đã tạo được nguồn trứng ruồi rất ổn định và phát triển rất tốt. Hiện sau 2- 3 ngày là ông có được một lứa ruồi con từ 30- 50kg, mỗi ký có 70- 80 trứng có màu sắc trắng sáng, đẹp mắt.

Hiện tại dù giá bán trứng ruồi, ấu trùng rất cao, xấp xỉ 15 triệu đồng mỗi ký nhưng ông Phước không bán. Ông để nuôi lớn làm thức ăn cho trên 150.000 con cá bống tượng đang được thả nuôi trên 50ha mặt nước. Giá ruồi thương phẩm sau khi sinh cũng được ông bán với giá từ 25.000- 30.000 đ/kg.

Theo tính toán của ông Phước, cứ 1kg trứng ruồi sẽ phát triển thành 4 tấn ruồi thành phẩm. Đây chính là con số đã được kiểm chứng và khá hấp dẫn với người chăn nuôi.

Ông Ngô Hữu Phước bên trang trại nuôi ruồi đen.

Ông Phước chia sẻ kinh nghiệm khi phát triển đàn ruồi của mình: toàn bộ khu vực chúng đẻ đều phải bao lưới kín để chúng không thoát ra ngoài và không bị những côn trùng khác xâm nhập. Nhiệt độ trong chuồng phải đạt từ 25- 27 độ C.

Thức ăn chính là xác đậu nành được ông mua từ các cơ sở chế biến gần đó với giá từ 500- 600 đ/kg. Đặc biệt hơn cả là ruồi con rất thích ăn chuối chín vì có mùi ngọt, vì vậy mỗi ngày ông phải cho chúng ăn từ 20- 30kg chuối chín.

Giai đoạn nuôi ban đầu là mua trứng về ấp thành nhộng, sau 20- 25 ngày, chúng có màu đen, tự lột vỏ và biến thành ruồi thương phẩm.

Giai đoạn 2 là chúng sẽ đẻ trứng ruồi và tiếp tục lớn để thành nhộng rồi thành ruồi. Đặc điểm rất khác thường là sau khi trưởng thành hoàn chỉnh, chúng chỉ sống được từ 7- 9 ngày rồi tự chết. Như vậy tổng số ngày ruồi sống chỉ từ 40- 45 ngày.

Vì vậy người nuôi phải tranh thủ cho chúng đẻ trong thời gian ngắn ngủi này, từ đó người nuôi cần có biện pháp chăm sóc rất đặc biệt để thu hoạch ấu trùng từ ruồi.

Theo nhiều tài liệu và kinh nghiệm của những người từng nuôi loại côn trùng độc lạ này thì: ruồi thương phẩm, trứng ruồi, ruồi con rất được các loại thủy sản, gia súc, gia cầm ưa chuộng như: cá hô, sặt rằn, chạch lấu, cá bống tượng, chim, yến, và nhiều loại thú quý khác dù giá hiện khá cao.

Đặc biệt nhất là chúng có khả năng xứ lý rất tốt rác thải, biến chúng thành nguồn phân hữu cơ vi sinh rất tốt cho các loại cây trồng.

Sản phẩm ấu trùng của ruồi lính đen giàu chất dinh dưỡng với 42% protein; 34% chất béo. Riêng chất béo trong trứng có chứa nhiều axit lauric, loại axit này có công dụng tiêu diệt các loại vi rút gây bệnh sởi hay vi khuẩn Clostridium.

Lão nông Ngô Hữu Phước đúc kết mô hình của mình: “Trước đây, tôi chuyên nuôi trùn quế làm thức ăn cho trại giống cá bống tượng của mình cùng các loại thức ăn khác.

Từ khi sản xuất thành công trứng ruồi, ruồi thành phẩm làm thức ăn thay cho trùn quế chi phí đầu tư giảm trên 50%, ngược lại cá nuôi tăng trưởng rất nhanh so với trước. Với tình hình này, tôi sẽ mở rộng trang trại nuôi ruồi vừa làm thức ăn cho trang trại của mình vừa bán cho người nuôi trồng để tăng thêm thu nhập”.

PHAN THỊ ANH THƯ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop