Để có nguồn cung giống cây trồng ổn định, chất lượng
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tạo được bộ giống cây trồng đa dạng áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành. Tuy nhiên, công tác phát triển giống cây trồng vẫn còn hạn chế, bất cập, đòi hỏi các cấp, ngành có giải pháp tháo gỡ, để có nguồn cung ổn định và chất lượng trong thời gian tới.
Là những người đã có thâm niên trong ngành trồng trọt, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho hay, hiện nay, ngoài các giống hoa có giá trị kinh tế cao như hoa lan, lily phải nhập khẩu, ngành Nông nghiệp và người dân đã có thể tự sản xuất hầu hết các loại giống cây trồng tại địa phương. Còn ông Lê Xuân Long ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình đã có hơn 10 năm trồng cam Canh, vừa trồng cây thương phẩm, vừa trồng cây giống, cung cấp ra thị trường khoảng vài nghìn cây mỗi năm.
Chăm sóc hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).
Bằng kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật, người dân đã chủ động sản xuất nhiều loại giống cây trồng. Tuy nhiên, do không có cây đầu dòng sạch bệnh nên các giống cây do hộ nông dân sản xuất thường không bảo đảm về năng suất, chất lượng sản phẩm. Nói rõ hơn về thực tế này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội có tới 110 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, nhưng lượng cây giống sản xuất đạt quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu: Giống lúa đáp ứng được 70%; cây ăn quả 30-40%.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, hiện nay, công tác nghiên cứu giống cây trồng mới chỉ tập trung ở các giống cây ngắn ngày, chủ yếu là lúa và ngô...; các giống cây ăn quả chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, ở nhiều địa phương vẫn có tình trạng người dân sử dụng giống cây trồng chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật... Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường cho biết, công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng đòi hỏi kinh phí lớn, trình độ kỹ thuật cao và cũng chứa đựng nhiều rủi ro nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Để từng bước chủ động nguồn giống cây trồng có chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục mở rộng Trạm khảo nghiệm, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín). Đây sẽ là nơi cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho người dân và dự kiến mỗi năm cung ứng khoảng 1,3 triệu cây giống ăn quả, 60.000 cây giống hoa nuôi cấy mô, 50 tấn khoai tây giống, 100.000 cây giống hoa cúc, hoa hồng... Sở NN&PTNT cũng giao các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo những giống cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn và để bảo đảm nguồn cung giống ổn định, chất lượng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành nâng cao năng lực của hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại. Trong đó, đặt mục tiêu bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%... Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ mở rộng việc đánh giá và khai thác quỹ gen cây trồng nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo giống, hướng tới cung cấp đủ giống cây trồng có chất lượng cao cho người dân.
QUỲNH DUNG
Mất mùa quýt đặc sản
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là địa phương rất nổi tiếng với thương hiệu cây đặc sản quýt tắc, quýt sáp. Nhờ thu nhập từ quýt mà người dân nơi đây từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng, mùa quýt năm nay người dân gần như bị mất trắng.
Vườn quýt của ông Võ Văn Minh gần như mất trắng
Dẫn chúng tôi đi xem trang trại chuyên trồng quýt trên động Nhà Hòi, ông Võ Văn Minh (55 tuổi, ở thôn Tân Tiến) cho biết, mùa quýt năm nay gia đình ông mất trên 90%. Đây là năm bị mất mùa, thất thu nặng nề nhất từ trước đến nay. Hầu hết các cây quýt chỉ cho ra lá và hoa, không đậu quả. Cây nào may mắn ra quả cũng chỉ lác đác đếm được trên đầu ngón tay.
Gia đình ông Minh có 6ha trồng quýt tắc, quýt sáp với khoảng 8.000 gốc đã nhiều năm tuổi tại khu vực động Nhà Hòi. Năm nào được mùa thì thu khoảng 600 triệu đồng, ngoài ra còn thu nhập hơn 2 tấn vỏ quýt để làm dược liệu với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Tương tự, tại trang trại của gia đình ông bà Bùi Quang Minh (78 tuổi), Nguyễn Thị Cương (74 tuổi), ở thôn Phúc Thành 2 tại khu vực đồi Cây Dâu, hàng ngàn gốc quýt tắc, quýt sáp phát triển xanh tốt, cành lá sum suê, nhưng cũng không đậu quả. Gia đình ông bà Minh trồng quýt đã được hơn 20 năm, hiện có hơn 2.000 gốc quýt trên diện tích hơn 4ha, nhưng chưa có năm nào lại mất trắng như năm nay. Trước đây, năm nào được mùa, gia đình thu về khoảng 170 triệu đồng, chưa tính tiền bán vỏ quýt, nhưng năm nay ước tính sản lượng quýt chỉ được khoảng 5 - 10 triệu đồng.
Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, cho biết, nguyên nhân quýt Kỳ Thượng bị mất mùa là do năm 2018 quýt được mùa lớn, quá trình thu hoạch, người trồng hái quả, bẻ cành khiến cây quýt phát triển yếu dần. Mặt khác, năm 2017, xã bị ảnh hưởng nặng nề cơn bão số 10, năm 2018 thì cho quả quá nhiều khiến cây bị suy.
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu năm này được mùa thì năm sau mất mùa. Ngoài ra, cũng có một phần là do năm 2019 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn khốc liệt kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.
Người dân ở Kỳ Thượng trồng quýt từ lâu đời và quýt ở đây rất nổi tiếng, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Có hộ thu nhập 400 - 600 triệu đồng/năm. Hiện nay, toàn xã Kỳ Thượng có khoảng 500 hộ dân trồng quýt với gần 70ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Phúc Thành 2, Bắc Tiến, Tân Tiến.
DƯƠNG QUANG
Bình Định: Chăn nuôi dùng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh: Tăng hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường
Nguồn tin: Báo Bình Định
Ðược sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Bình Định, những năm gần đây, nhiều nông hộ trong tỉnh áp dụng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh, phát huy hiệu quả thiết thực, hướng đến mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Nhằm góp phần nâng cao nhận thức người dân để cùng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, hạn chế mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi phát tán ra khu dân cư, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, các cấp hội địa phương xây dựng các mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh. Hội còn hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm, chất độn chuồng, tập huấn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân”.
Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của ông Nguyễn Thế Kỷ, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước.
Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học cho 60 hộ nông dân tại 5 xã: Cát Nhơn, Cát Thành, Cát Hải (huyện Phù Cát), Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ), Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân); hỗ trợ mô hình xử lý mùi hôi trong chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh cho 80 hộ nông dân tại huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh.
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh và Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh, năm 2017, gia đình bà Võ Thị Thúy Phương (thôn An Nội) đã xây dựng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Nuôi gà bằng đệm lót sinh học giúp gà phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh, ngăn mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Mỗi tháng tôi nuôi 200 con gà theo hình thức gối đầu, sau 90 ngày có thể xuất bán, thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư chuồng trại, nuôi heo bằng đệm lót sinh học, mỗi năm nuôi 20 con và nuôi thêm 6 con bò lai để phát triển kinh tế gia đình”, bà Phương cho hay.
10 năm trước, được Hội Nông dân xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) tín chấp để vay vốn, ông Nguyễn Thế Kỷ ở thôn Lạc Điền đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, nuôi hơn 1.500 con gà ta, 50 con heo nái, heo thịt. Để nâng cao hiệu quả, ông Kỷ nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, xây dựng khu chuồng gà cao ráo và trải đệm lót sinh học. “Mỗi ngày tôi thu gần cả triệu đồng tiền bán trứng gà. Đồng thời mỗi năm tôi nuôi thêm 3 lứa heo. Thu nhập từ nuôi gà, heo cũng được hơn 100 triệu đồng/năm. Từ đó, tôi có vốn để tái đầu tư, mở rộng thêm quy mô gia trại, hiện phát triển lên gần 4.000 con gà, 200 con heo. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định”, ông Kỷ chia sẻ.
Nhiều hộ nông dân cũng từng bước áp dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi bò để xử lý mùi hôi, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Thống ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cho biết: “Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB cho nông dân địa phương. Thấy mô hình mang lại lợi ích nên nhiều hộ chăn nuôi ở xã chúng tôi đã áp dụng. Với chế phẩm dạng nước, bà con dùng để phun khử trùng chuồng trại. Riêng chế phẩm dạng bột, sử dụng để ủ phân, không dùng cách phơi phân như trước, vừa tốn công lại mất vệ sinh”.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ xây dựng thêm mô hình ứng dụng men vi sinh trong trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ hội viên, nông dân, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Quảng Trị: Người Pa Kô nuôi ‘chuột núi’
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Lâu nay, người dân tộc Pa Kô chỉ quen với việc săn, bẫy bắt con dúi (còn gọi là chuột núi) sinh sống trên rừng. Được sự hỗ trợ của dự án Plan, giữa năm 2019 một số hộ dân bản ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã bắt đầu nuôi dúi. Đến nay dúi nuôi đã phát triển, sinh sản tốt, đầu ra ổn định khiến người dân rất phấn khởi vì có thêm sinh kế mới.
Dúi nuôi của gia đình anh Hò Văn Biệt đã sinh sản, phát triển tốt sau một thời gian nuôi
Cùng với việc tiếp tục phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi truyền thống, ở địa bàn một số xã miền núi Quảng Trị, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã chủ động tìm tòi và phát triển các loại đối tượng cây, con mới nhằm nâng cao thu nhập và đa dạng hóa mô hình nông nghiệp. Được sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật, con giống từ các tổ chức, dự án, người dân đã mạnh dạn tiếp cận và xây dựng mô hình mới, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và con dúi, một loại vật nuôi mới đang được người dân xã Tà Rụt, huyện Đakrông chọn lựa.
Anh Hồ Văn Hêm, Trưởng thôn Vực Leng, xã Tà Rụt cho biết: “Qua quá trình theo dõi thôn đã chọn lựa được hai gia đình đảm bảo đủ tiêu chuẩn để nuôi thử nghiệm mô hình dúi, đó là gia đình các anh Hồ Văn Biệt và Hồ Văn Bơn. Hai gia đình này có chuồng trại, có sức khỏe và lực lượng lao động, có đủ nguồn thức ăn đảm bảo cho mô hình thành công để nhân rộng ra toàn thôn. Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Hồ Văn Biệt sau một thời gian thực hiện đã bước đầu đạt được hiệu quả. Được sự hỗ trợ từ dự án Plan, 5 tháng trước anh Biệt nhận 4 con dúi giống về nuôi thử nghiệm. Sau quá trình nuôi, đàn dúi phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Bên cạnh sự hỗ trợ con giống, dự án Plan tiến hành tập huấn kĩ thuật, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, hướng dẫn chăm sóc phòng chống dịch bệnh, tìm hiểu tập tính sinh sống của loài dúi cho những hộ nuôi. Được sự chuẩn bị chu đáo như vậy cho nên đến nay mô hình của anh Biệt đã bước đầu phát triển.
“Hiện dúi nuôi của gia đình tôi đã sinh sản và phát triển tốt. Theo tôi tìm hiểu thì đầu ra và giá bán của loại con nuôi này khá ổn định. Nếu mọi việc thuận lợi thì qua đầu năm 2020 gia đình tôi sẽ xuất bán được lứa dúi đầu tiên”, anh Biệt nói. Cũng như anh Biệt, anh Bơn được dự án hỗ trợ 4 con dúi ban đầu để nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, anh Bơn cho biết: “Qua một thời gian nuôi thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy đây là loại vật nuôi dễ chăm sóc, thức ăn cũng rất đơn giản, tận dụng được tất cả các loại sẵn có như mía, sắn, cỏ voi... công chăm sóc thì ít, với lại đây là loài đặc sản nên dễ có đầu ra. So sánh với các loại vật nuôi khác thì nuôi dúi dễ hơn, chẳng hạn như nuôi trâu bò thì cần vốn lớn, nuôi dê thì cần bãi chăn thả, chuồng trại, công chăm sóc nhiều, nuôi lợn thì dễ bị dịch bệnh, giá bấp bênh... nên đây là loại vật nuôi rất phù hợp với người dân chúng tôi”.
Với đặc điểm dễ nuôi, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, nguồn thức ăn tại địa phương dồi dào nên bước đầu đàn dúi các hộ nuôi đang phát triển tốt. Đặc biệt điều kiện khí hậu tại địa phương rất phù hợp với tập tính sinh trưởng của loài dúi nên từ số lượng những con giống ban đầu, đến nay đàn dúi của hai hộ đã tăng lên hàng chục con. Cũng vì nhận thấy mô hình phù hợp nên bên cạnh số dúi được hỗ trợ, anh Bơn còn mua thêm 5 cặp giống để mở rộng mô hình. Với đặc điểm là món đặc sản tại địa phương nên đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, vì vậy đây là mô hình rất có tiềm năng phát triển. Đây là lần đầu tiên người dân thôn Vực Leng làm quen với việc nuôi dúi, mới đầu nuôi thử nghiệm không tránh khỏi những khó khăn, tuy nhiên do được tập huấn kĩ càng cộng với việc tìm hiểu qua sách báo, tivi nên cơ bản đến nay mô hình đang phát triển tốt.
Là loài vật được xem là đặc sản, được ưa chuộng nên thị trường dúi thương phẩm luôn đảm bảo đầu ra. Hơn nữa, trong số các đối tượng vật nuôi đặc sản thì dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao do vậy sau khi mô hình phát triển, người dân và cán bộ dự án Plan sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, qua đó nâng cao giá trị kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hiếu Giang
Hiếu Giang tổng hợp