Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 7 năm 2019

Đắk Lắk: Triển vọng từ trồng chôm chôm Thái ở Cư Mốt

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trong những năm 2001 - 2003, thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương phù hợp, bà con dân tộc Nùng ở thôn 8, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) mạnh dạn mua giống cây chôm chôm Thái về trồng xen trong vườn tiêu, rẫy cà phê với suy nghĩ chủ yếu để ăn trái và làm cây che bóng. Hộ trồng ít thì 5 - 10 cây, nhiều thì gần trăm cây chôm chôm Thái.

Không ngờ, sau hơn 10 năm trồng, chăm sóc, cây chôm chôm Thái tỏ ra rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Cư Mốt và mang lại thu nhập khá cho người trồng. Gia đình ông Lương Văn Ích có 90 cây chôm chôm hơn 10 năm tuổi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn quả. Khi chôm chôm chín rộ, tiểu thương ở các nơi trong huyện vào tận vườn thu mua với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư gia đình ông Ích có lãi 130 triệu đồng/năm.

Vườn chôm chôm của gia đình ông Hoàng Văn Ngọc cũng đã trồng được 13 năm, dù chỉ có 60 cây nhưng mỗi năm cho thu nhập hơn 70 triệu đồng. Ông Ngọc chia sẻ, một cây chôm chôm nếu chăm tốt có thể cho thu từ 1,5 - 3 tạ quả/năm, giá bán thường từ 12.000 – 15.000 đồng/kg.

Vườn chôm chôm của gia đình ông Lương Văn Ích.

Theo thống kê của bà con, ở thôn 8 hiện có 15/46 hộ trồng chôm chôm Thái với tổng diện tích hơn 20 ha, trong đó có 4 hộ chuyên canh, còn lại trồng xen trên nương rẫy. So với các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu thì chôm chôm dễ chăm sóc hơn, không tốn quá nhiều nước tưới, phân bón nên tiết kiệm được công lao động và chi phí đầu tư. Đặc biệt, cây chôm chôm Thái trồng ở đây phát triển rất tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, khi chín cơm dày, ăn rất giòn và ngọt chẳng thua gì chôm chôm được trồng ở xứ miệt vườn Nam Bộ.

Ông Nông Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Mốt cho biết: Hơn 3 năm nay, cây chôm chôm Thái ở thôn 8 đã trở thành cây hàng hóa, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương chấp nhận. Mới đây, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea H’leo đã cấp phép thành lập Hợp tác xã trái cây Cư Mốt, xã viên nòng cốt của hợp tác xã này cũng chính là 12 hộ trồng chôm chôm ở thôn 8. Việc thành lập hợp tác xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông hộ liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ chôm chôm. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế này phát triển bền vững, xã Cư Mốt cũng khuyến cáo bà con nông dân cần thận trọng, chỉ mở rộng diện tích chôm chôm ở vùng đất thích hợp; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu rầy cho cây chôm chôm nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngọc Tài

Hậu Giang: Xoài cát Hòa Lộc tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Giá xoài cát Hòa Lộc tăng vào cuối vụ.

Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc được thương lái thu mua tại vườn dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 2 tuần. Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, một số tiểu thương kinh doanh trái cây cho biết giá xoài cát Hòa Lộc đã nhích lên 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do dần về cuối vụ, nguồn cung giảm, đẩy giá tăng lên mà hàng đẹp cũng không còn nhiều. Bên cạnh đó, giá xoài Đài Loan cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg, lên mức 20.000 đồng/kg. Nhiều khả năng giá xoài còn tiếp tục tăng trong vài tháng tới khi bước vào vụ nghịch.

Tin, ảnh: T.NGỌC

Quảng Trị: Thu nhập cao trong mùa nắng nóng nhờ trồng nấm hoàng đế

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Ghé thăm trại nấm của chị Nguyễn Thị Hải, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong một ngày nắng nóng đầu tháng 7, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với giống nấm mới mà chị Hải đang đưa vào trồng. Thoạt nhìn qua thì nó trông như những chiếc ô vươn lên từ mặt đất. Chị Hải vui vẻ cho biết đây là giống nấm hoàng đế, nấm này có tên gọi khác là nấm milky, là loại nấm mới tại tỉnh Quảng Trị, chị cũng là người đầu tiên đưa vào trồng thử nghiệm và đã thành công.

Vốn tính chịu khó và có niềm đam mê nghiên cứu trồng các loại nấm làm thực phẩm sạch, cung cấp cho thị trường, gia đình chị là một trong những hộ trồng nấm với số lượng lớn trong vùng.

Năm 2004, chị Hải bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm. Ban đầu chỉ là một ô trại nhỏ sản xuất nấm sò, đến nay chị đã mở rộng khu trại nấm của gia đình lên 300 m2 và trồng thêm nhiều loại nấm khác như mộc nhĩ, linh chi, và gần đây là nấm hoàng đế. Chị Hải cho biết, mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, chọn nguyên liệu và cách ủ nguồn nguyên liệu. Hiện nay mỗi năm gia đình chị trồng từ 40.000 - 50.000 bịch nấm sò, 5.000 bịch nấm mộc nhĩ, 6.000 bịch nấm linh chi, năm 2019 chị đưa vào trồng 2.000 bịch giống nấm hoàng đế.

Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với giống nấm hoàng đế, chị Hải cho biết, tuy gia đình có trại trồng nấm khá lớn trong vùng nhưng đến mùa nắng nóng thì việc sản suất nấm phải giảm số lượng, sản xuất cầm chừng, đôi khi phải tạm nghỉ do nắng nóng kéo dài nấm sò và nấm mộc nhĩ ít ra nên không mang lại hiệu quả. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, chị thấy nấm hoàng đế có dải nhiệt độ và độ ẩm tương đối rộng, có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu tại tỉnh Quảng Trị trong mùa nắng nóng. Chị mạnh dạn liên hệ với trại nấm ở tỉnh Thái Bình, tìm ra học hỏi kinh nghiệm trồng nấm hoàng đế. Với những kiến thức đã học hỏi được, hiện nay chị đã tự sản xuất phôi nấm và thực hiện trồng để cung cấp cho thị trường.

Chị Hải cho biết quy trình trồng nấm hoàng đế khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp. “Nguyên liệu chính để làm phôi nấm là mùn cưa, rơm rạ, bông hạt. Bịch nấm được đóng từ 1,2 đến 1,4 kg, cấy giống trong bịch ươm sợi từ 35 đến 40 ngày. Sau khi những sợi nấm đã ăn trắng bề mặt bịch, các bịch nấm sẽ được rạch bịch, tháo bao ni-long bên ngoài. Xếp bịch nấm vào khay hoặc luống và phủ kín bằng đất sét phơi khô. Kể từ ngày phủ đất khoảng 10 -15 ngày nấm hoàng đế sẽ ra quả thể. Từ lúc nấm non nhú ra đến lúc thu hoạch kéo dài từ 5 - 10 ngày. Mỗi bịch nấm sẽ cho thu hoạch trong khoảng 2 - 2,5 tháng” - chị Hải nói.

Chị Hải cũng cho biết thêm việc chăm sóc nấm hoàng đế không quá khó. Trong quá trình trồng không cần phải bón thêm phân hay dùng thuốc hóa học. Quá trình nuôi nấm cần tránh gió lùa và ánh sáng trực tiếp, khi tưới nước thì tưới dạng phun sương, ngày 2 lần, tưới ướt bề mặt. Chị luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày.

Nấm hoàng đế có kích thước rất lớn, chiều cao tối đa có thể lên đến 20 cm. Thông thường 1 bịch nấm từ 1,2 – 1,4 kg sẽ cho ra thu hoạch khoảng 0,7 – 1 kg nấm tươi. Khi thu hoạch nấm phải lấy hết chân nấm, thu từng tai nấm trưởng thành, những tai nấm nhỏ để lại thu hoạch sau. Quá thể bị chết và chân nấm cũ phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh gây mốc.

“Tôi thu hoạch đến đâu thì bán đến đó, với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Loại nấm này thịt chắc, dày, thơm, ngọt, có chất lượng hơn hẳn so với các loại nấm khác nên được mọi người ưa chuộng”, chị Hải cho hay.

Chị Hải bên mô hình trồng nấm hoàng đế của gia đình

Theo chị Hải trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, thị trường nấm luôn ổn định. Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm chị Hải còn tự sản suất phôi nấm giống, để bán cho các hộ trồng nấm khác. Chị mong muốn người dân trong vùng sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, cũng như cung cấp các sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Huế - Chủ tich Hội nông dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian qua trên địa bàn xã Vĩnh Thành đã xuất hiện những mô hình làm ăn hiệu quả, trong đó trại nấm chị Hải là một trong những điển hình.

“Hiện nay trại nấm của chị Hải không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng cùng phát triển kinh tế. Là người kinh doanh nhưng chị Hải luôn sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân đến tham quan, học hỏi một cách tận tình để giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đây, tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền cấp trên tiếp tục quan tâm địa phương để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện vốn vay ưu đãi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nông dân Vĩnh Thành có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu một cách chính đáng”, bà Huế nói.

Phan Việt Toàn

Di Linh (Lâm Đồng): Tăng diện tích trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngành chức năng Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đang khuyến khích nông dân trong huyện phát triển các mô hình trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà phê để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cây trồng.

Toàn huyện Di Linh hiện có trên 5.900 ha cây trồng xen trong tổng diện tích trên 44.430 ha cà phê của huyện, trong đó có 2.090 ha bơ ghép, 2.082 ha sầu riêng ghép, 870 ha hồ tiêu, 530 ha mắc ca.

Huyện cũng khuyến khích người dân tái canh, cải tạo giống cà phê, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như trồng hoa ứng dụng công nghệ; đồng thời vận động dân mạnh dạn chuyển đổi thay thế dần vườn trồng kém năng suất sang các loại cây trồng có năng suất cao.

VIẾT TRỌNG

Hồ tiêu Bình Phước: Cung đã vượt cầu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của Bình Phước. Những năm trước đây, giá hạt tiêu tăng cao và tương đối ổn định nên nhiều nông dân đầu tư trồng, dẫn đến diện tích tăng nhanh. Tuy nhiên từ năm 2018 trở lại đây, diện tích hồ tiêu giảm nhẹ, cụ thể: Năm 2018 là 17.178 ha; đến tháng 5-2019 còn 16.987 ha, giảm 191 ha so năm 2018. Nguyên nhân do giá hồ tiêu giảm, dao động khoảng 60 ngàn đồng/kg, cùng với đó là sâu bệnh gây hại hàng loạt khiến 962,4 ha tiêu chết. Hiện diện tích tiêu của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện: Lộc Ninh 4.743 ha (27,6%), Bù Đốp 4.489 ha (26,1%), Hớn Quản 2.006 ha (11,8%), Bù Gia Mập 1.190 ha (11,6%), thị xã Bình Long 1.190 ha (6,9%)...

Năm 2017, tiêu chết hàng loạt khiến nông dân xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) lao đao

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bình Phước thuộc vùng trọng điểm của hồ tiêu, diện tích quy hoạch 10.000 ha nhưng hiện đã vượt quy hoạch 6.987 ha. Theo đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh, dự kiến đến năm 2020 là 14.500 ha. Do vậy, để tránh tình trạng tiếp tục phá vỡ quy hoạch, ngành nông nghiệp phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo sản xuất và nâng cao chất lượng hồ tiêu, đồng thời khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích vì hiện nay cung đã vượt cầu.

Quang Minh

Vùng mía chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Cùng với xã Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu, được xem là thủ phủ mía ở vùng đất Phụng Hiệp cũng như tỉnh Hậu Giang, người dân ở đây một thời khá giàu từ cây mía, nhưng khi cây mía không còn là cây chủ lực kinh tế, họ phải chuyển đổi.

Nuôi ba ba là mô hình được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định ở thị trấn Búng Tàu.

Ngày xưa, thời điểm mía có giá, có gia đình thu nhập gần tỉ đồng, nhiều căn nhà tường khang trang mọc lên khắp các vùng quê ở thị trấn Búng Tàu nhờ vào mía. Thị trấn có cả Câu lạc bộ trồng mía 200 tấn, từng là niềm tự hào của vùng đất này. Trước đây, tỉnh chọn xã Tân Phước Hưng và thị trấn Búng Tàu là vùng mía nguyên liệu của tỉnh, nhưng 4-5 năm nay, mía rớt giá, người dân không đủ hoàn vốn sau mỗi vụ mía, thế là phải chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình hiện tại. Hành trình mới trên vùng đất mía năm nào đã bắt đầu…

Nhanh tay vun đất cho mấy gốc chanh không hạt chưa đầy tháng, ông Nguyễn Thành Trung, ở ấp Tân Hưng, lấy tay lau mồ hôi, nói: “Cũng được địa phương hỗ trợ cây giống hơn một tháng nay rồi, cán bộ kỹ thuật của xã, của công ty thường xuống để theo dõi, tìm hiểu, hướng dẫn cách canh tác sao cho đúng chuẩn VietGAP, mang lại năng suất cao, sạch. Nghe các anh nói 14-15 tháng mới cho trái. Sau khi quá lỗ với cây mía, giờ trồng cây mới trên đất mình, được hỗ trợ từ cây giống đến kỹ thuật thấy an lòng, hy vọng cho thu nhập khá hơn trước. Không chỉ riêng tôi, có nhiều hộ dân được hỗ trợ như vầy”.

Nhà ông Trung trước đây có hơn 30 công đất trồng mía, nhưng 2-3 năm nay, ông chỉ giữ lại khoảng 12 công trồng mía để bán cho thương lái mua về ép nước.

“Nghề mía đã gắn bó từ đời này sang đời khác ở đất Búng Tàu - Tân Phước Hưng này, từ những ngày lò ép mía, lò đường ven sông rất nhiều, đến thời các nhà máy nhỏ, rồi nhà máy đường Phụng Hiệp, Vị Thanh hay Sóc Trăng được xây dựng… bà con đã bao đời sống dựa vào cây mía, nên khi nói chuyển đổi, bỏ mía trồng cây khác, đâu ai nỡ, nên ban đầu khi thử nghiệm 20ha đầu tiên chuyển đổi từ cây mía trồng chanh không hạt, chỉ nhận được sự tham gia của 1 hộ, rồi 2 hộ… sau đó, vận động tuyên truyền mãi mới được bà con đồng ý. Tập quán canh tác đã gắn bó lâu nay như vậy rồi, nên nói chuyển đổi liền là không thể, bởi mọi người vẫn hy vọng năm sau hoặc năm sau nữa… mía sẽ tăng giá trở lại”, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, nói thêm.

Theo chỉ đạo của UBND huyện Phụng Hiệp, các kế hoạch về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên vùng đất trồng mía được thực hiện. Với sự chủ động, năng nổ và cố gắng mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, lãnh đạo và các cán bộ thị trấn đã không ngại đi vận động, tuyên truyền, cho người dân hiểu. Cuối cùng, 15 hộ dân đồng ý chuyển đổi. Vậy là 20ha đất trồng chanh không hạt được triển khai cho các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp Búng Tàu. Hơn tháng qua, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật thị trấn bận rộn lên xuống, liên hệ trao đổi với công ty bao tiêu để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Bên cạnh cây trồng, chọn vật nuôi phù hợp cũng được lãnh đạo thị trấn đặc biệt quan tâm. Mô hình nuôi ba ba của Hợp tác xã (HTX) ba ba Búng Tàu, cũng ở ấp Tân Hưng, được chọn thử nghiệm trong giai đoạn đầu này, làm điểm nhân rộng. Ông Hồ Minh Phụng, Giám đốc HTX ba ba Búng Tàu, chia sẻ: “Thành lập HTX để làm ăn bài bản, hiệu quả hơn và có cơ hội để hỗ trợ nhau tốt hơn, 17 thành viên liên kết chặt chẽ và có sự giúp đỡ để mô hình nuôi ba ba đạt chất lượng, giúp cuộc sống người dân nơi đây không còn phụ thuộc vào mỗi cây mía như trước đây”.

Ông Phụng cho biết, ông nuôi ba ba hơn chục năm nay, ban đầu chỉ 1-2 hầm, còn lại đất trồng mía, nhưng đến giai đoạn mía rớt giá liên tục, thua lỗ triền miên, ông mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi ba ba. Từ 2 hầm ban đầu, nay đã xây dựng 9 hầm, nuôi ba ba giống, xuất đi khắp nơi. Mỗi năm, chỉ riêng lợi nhuận từ con giống, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, chia sẻ thêm, đây là hai mô hình chuyển đổi được UBND huyện định hướng và thị trấn cố gắng vận động người dân thực hiện. Dự kiến đến năm 2020 có thêm 10ha trồng chanh không hạt, thêm 0,5ha nuôi ba ba được người dân chuyển đổi mới. “Chúng tôi kỳ vọng sự thành công của chuyển đổi lần này, sẽ làm cơ sở, nền tảng để định hướng cho người dân thị trấn sản xuất tốt hơn, chọn những cây con phù hợp, làm khá giàu ngay trên quê hương mình, khi cây mía đã không còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Hưởng bày tỏ.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Long An: Triển khai mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt bố mẹ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An triển khai mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt bố mẹ.

Mô hình thuộc Dự án khuyến nông Trung ương 2019-2021: Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt V52, V57, VSM6 và vịt BSM3 an toàn, hiệu quả. Mục tiêu của Dự án là chuyển giao nhanh giống vịt mới có năng suất cao đến bà con nông dân, thay thế giống vịt tại địa phương cho lợi nhuận thấp; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt cho bà con nông dân trong và ngoài mô hình; xây dựng các mô hình kiểu mẫu để là nơi tham quan học tập, từ đó nhân rộng mô hình ra các địa phương khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi vịt.

Tham quan mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt bố mẹ tại ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, Long An

Để đảm bảo việc triển khai mô hình được thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao, Ban quản lý Dự án, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) đã tiến hành họp dân, chọn hộ theo quy định; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, theo dõi các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình.

Mô hình được thực hiện với quy mô 3.000 con vịt bố mẹ, tại 8 nông hộ.Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y và 100% kinh phí tổ chức tập huấn trong và ngoài mô hình, kinh phí thông tin tuyên truyền.

Đến nay, đàn vịt được 11 tuần tuổi, phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 96%, đáp ứng yêu cầu của dự án.

Đến nay đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt.

Ths. Ngô Đức Vũ - TT Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA

Khuyến nghị sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Cục Chăn nuôi cho biết, nhiều mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn vào thức ăn cho lợn, kết hợp với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã cho thấy tác dụng hạn chế dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Qua đó, khuyến nghị tăng cường mở rộng mô hình sử dụng các chế phẩm vi sinh cho chăn nuôi lợn.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cho rằng chăn nuôi lợn hữu cơ theo mô hình của Quế Lâm đề kháng rất tốt dịch bệnh.

Tại cuộc họp về giải pháp nghiên cứu vacxin, chế phẩm sinh học trong phòng chống DTLCP của Bộ NN-PTNT hôm qua (2/7), Cục Chăn nuôi cho biết nhiều chế phẩm sinh học được nghiên cứu SX và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN), trong xử lý môi trường chăn nuôi mang lại hiệu quả tích cực.

Bản chất của các chế phẩm này là các vi sinh vật có lợi (probiotic), các enzyme tiêu hóa để cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chuyển hóa thức ăn và sinh trưởng của vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Probiotic là các vi sinh vật sống, chủ yếu thuộc 3 nhóm: vi khuẩn Lactic, bào tử Bacillus và nấm men Sacharomyces, được phân lập từ môi trường hoặc từ đường ruột của người và động vật, khi bổ sung cho vật nuôi sẽ có ảnh hưởng tích cực cho vật chủ.

Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để ủ TĂCN đã được áp dụng từ lâu, thời gần đây xuất hiện trên thị trường một số chế phẩm NK có hoạt lực cao được các nông hộ và HTX chăn nuôi ứng dụng rất thành công trong SX với mục đích cải thiện hiệu quả chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt việc sử dụng các chế phẩm này kết hợp với các giải pháp an toàn sinh học đã giúp nhiều cơ sở chăn nuôi lợn duy trì SX trong tình hình DTLCP đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học của Cty Cổ phần Fukoku Hà Long tại Hưng Yên.

Áp dụng mô hình chăn nuôi sinh học từ năm 2017, chủ cơ sở chăn nuôi Lưu Đình Độ, thôn Ninh Phúc, xã Hùng An, huyện Kim Động (Hưng Yên) chăn nuôi 200 lợn thịt, chế phẩm vi sinh probioitc mà cơ sở sử dụng có nguồn gốc từ nhập khẩu, có tên thương mại là “Fodder Yeast” do Cty SPG Fukoku, Nhật Bản sản xuất, có thành phần chính là nấm men hoạt tính Saccharomyces Cerevisiae ≥ 1 x 107 CFU/g. Liều dùng 2 kg/tấn thức ăn.

Thời gian nuôi trung bình một lứa lợn từ 30 kg đến 150 kg là khoảng 4,5 tháng. Tiêu tốn thức ăn đạt 2,8 - 3,0 kg, tỷ lệ móc hàm đạt 82 - 87%. Thịt lợn nuôi bằng thức ăn lên men mềm, ngon, ít nước (trung bình 5 - 7% nước trong thịt so với 17 - 25% khi nuôi bằng thức ăn không lên men). Đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi lợn trong khu vực bị nhiễm dịch tả lợn phải tiêu hủy, nhưng cơ sở này vẫn an toàn.

Một điển hình khác là mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm tại Thừa Thiên- Huế. Tập đoàn Quế Lâm tổ chức chuỗi sản xuất thịt hữu cơ theo mô hình hợp tác với một số hộ chăn nuôi tại Miền Trung từ năm 2013 theo “Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ” mang thương hiệu Quế Lâm.

Ban đầu ứng dụng tại một mô hình nuôi 30 con/lứa đến nay đã có 15 mô hình nuôi 50 - 100 con/lứa tại gia trại của 5 huyện, thị xã tỉnh Thừa Thiên- Huế. Sản phẩm trong chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được tiêu thụ tốt tại Huế và nhiều tỉnh thành.

Giống lợn trong chuỗi là giống F2 có ¾ máu ngoại, có nguồn gốc từ cơ sở giống an toàn dịch bệnh, bắt đầu nuôi từ 20 kg. Sau 110 ngày nuôi đạt khối lượng trung bình 95 kg (tăng trọng khoảng 650 g/con/ngày, tiêu tốn trên 3,0 kg thức ăn/kg tăng trọng – phù hợp với lợn giống lai F2 ¾ máu ngoại). Tỷ lệ móc hàm đạt 72 - 75 %. Mỗi đầu lợn nuôi trong mô hình mang lại hiệu quả lãi từ 370.000 đồng đến 677.000 đồng.

Ngoài ra, mô hình này chuồng nuôi không có mùi hôi, tiết kiệm nước và rửa chuồng; tận dụng được toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ cho cây trồng. Lợn nuôi khỏe mạnh, không dùng bất cứ một loại kháng sinh nào, tỷ lệ sống đạt tới 100%.

Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh kết hợp với giải pháp an toàn sinh học đã giúp nhiều cơ sở chăn nuôi lợn duy trì SX trong tình hình DTLCP đang diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh minh họa).

Đặc biệt hiện nay xung quanh mô hình có nhiều hộ chăn nuôi bị nhiễm dịch tả lợn chết và tiêu hủy 100%, nhưng toàn bộ lợn của 15 hộ chăn nuôi theo mô hình của Quế Lâm ở xen kẽ trong 5 huyện, thị của tỉnh Thừa Thiên- Huế đều không bị nhiễm dịch; lợn xuất chuồng của các hộ chăn nuôi nay vẫn được Cty thu mua ổn định với giá 46.000 đ/kg, trong khi giá lợn trên thị trường của tỉnh hiện nay đang trong khoảng 35.000 đ/kg.

Tại Hà Nội, mô hình chăn nuôi lợn bằng các chế phẩm sinh học của HTX Hoàng Long ở thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai nuôi 5.000 con sử dụng đồng thời cả 3 chế phẩm bổ sung vào thức ăn.

Kết quả, lợn khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt được các cơ sở giết mổ và các bếp ăn tập thể lớn đặt mua; tỷ lệ móc hàm đạt trên 80% (khối lượng xuất chuồng trung bình khoảng 120 kg/con). Đến thời điểm hiện tại một số trại chăn nuôi trong xã đã bị nhiễm dịch, nhưng trại của hợp tác xã vẫn an toàn.

Từ những cơ sở trên, Cục Chăn nuôi kết luận, sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh dịch tả đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho phép tận dụng được nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có ở các nông hộ, địa phương làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi (không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi).

Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ và các địa phương có chính sách khuyến khích áp dụng rộng rãi các mô hình chăn nuôi lợn nêu trên trong sản xuất.

Về chế phẩm vi sinh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện để tổng kết quy trình an toàn sinh học để ra hướng dẫn mới cho người chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu cần tổng kết quy trình sử dụng nhằm tiếp tục ứng dụng, đồng thời đặt nền móng cho việc tiến tới nghiên cứu, từng bước chủ động SX các chế phẩm vi sinh sử dụng cho TĂCN tại Việt Nam. Trước mắt, an toàn sinh học vẫn là vũ khí duy nhất để chiến đấu với vi rút dịch.

HOÀNG ANH - TRƯỜNG GIANG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop