Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 8 năm 2019

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm 2019 ước đạt 3,55 tỷ USD

Nguồn tin:  Tổng Cục Thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 năm 2019 ước đạt 3,55 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,84 tỷ USD, giảm 8,2%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 4,7 tỷ USD, giảm 1%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,39 tỷ USD, tăng 6,3%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,01 tỷ USD, tăng 17,3%. Sáu tháng đầu năm 2019, bốn thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 20,8% (giá trị giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2018), 20,4% (+11,7%), 8,4% (+10,5%) và 5,2% (-4,3%).

Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7 năm 2019 ước đạt 785 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 4,7 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, chiếm 55,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico (+21,3%), Đài Loan (+16,6%), Malaysia (+13,2) và Nhật Bản (+11%).

Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7 năm 2019 đạt 2,52 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 18,01 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 15,14 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 7 năm 2019 đạt 324 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu chăn nuôi 7 tháng đầu năm đạt gần 2,18 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Ba thị trường nhập khẩu chính trong 6 tháng đầu năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ác-hen-ti-na chiếm 33,56% tổng thị phần nhập khẩu. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu cao nhất là thị trường Hoa Kỳ với giá trị nhập khẩu đạt 2,11 tỷ USD, giảm 3,76% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu của thị trường này đạt 1,63 tỷ USD, tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2018. Ác-hen-ti-na là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3, trong 6 tháng đầu năm 2019 giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,45 tỷ USD, tăng 14,96% so với cùng kỳ 2018.

Về nhập khẩu thủy sản, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 7/2019 đạt 167 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đạt 1,05 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 là Ấn Độ (chiếm 12,3% thị phần), tiếp đến là Na Uy và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 11,8% và 8%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là Philippin (gấp 2,63 lần), ngược lại thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ, giảm 53,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ NN&PTNT thời gian tới sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Ngành cũng sẽ phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.

NN

Nông dân trông lũ

Nguồn tin:  Báo Long An

Những năm trước, vào tháng này, nước lũ đã tràn về trắng đồng, mang theo nhiều sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nghèo vùng lũ. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại, nước lũ vẫn chưa về, nước còn nằm sâu dưới lòng kênh. Giờ đây, xuồng, lưới đã chuẩn bị sẵn sàng, còn người dân thì trông chờ con nước.

Dụng cụ đánh bắt cá đã được chuẩn bị sẵn sàng nhưng lũ chưa về

Nước lũ về không những mang lại phù sa cho ruộng đồng mà còn có cả nguồn lợi thủy sản đáng kể để người dân nơi đây đánh bắt, cải thiện bữa ăn, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, vào thời điểm này, ở các vùng trũng, thấp của các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An (Vĩnh Hưng, Tân Hưng), nước vẫn chưa ngập đến.

Nước còn nằm sâu dưới lòng kênh

Nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề cá mùa lũ cũng đã chuẩn bị dụng cụ để đánh bắt. Gắn bó với nghề đặt lọp vào mùa lũ hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Trưởng, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, cho biết: “Bình thường, cứ tầm giữa tháng 6 âm lịch hàng năm là lũ về, cá đầy đồng, người dân có thể đánh bắt. Hơn 300 cái lọp của gia đình đã sửa chữa lại chuẩn bị đánh bắt cá, giờ còn chất đống trên bờ, trong khi đó, những năm trước, vào thời thời điểm này, mỗi ngày tôi bắt cả chục ký cá, bán được vài trăm ngàn đồng”.

Ông Dương Văn Tèo phải mua cá biển làm mồi cho cá nuôi ăn với giá cao gấp 2 - 3 lần

Vợ chồng anh Huỳnh Văn Tỉnh ở ấp Cả Môn, xã Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Gia đình nghèo, không có đất sản xuất, mùa khô, vợ chồng tôi làm thuê, còn mấy tháng nước lũ thì bắt cá kiếm sống. Hễ mùa lũ đến là vợ chồng tôi sửa soạn những cái lọp cũ của năm trước để bắt cá, ngoài việc cải thiện bữa ăn, nếu được nhiều thì đem bán trang trải cuộc sống. Năm nay cũng vậy, dụng cụ bắt cá đã sẵn sàng, vậy mà đến giờ nước lũ vẫn chưa về”.

Đối với những hộ nuôi thủy sản cũng gặp không ít khó khăn. Ông Dương Văn Tèo, ấp Cả Môn, xã Vĩnh Thạnh, cho biết: “15.000 con cá lóc gần 2 tháng tuổi của gia đình cần lượng thức ăn khá lớn (mỗi ngày khoảng 1 tấn cá mồi), thế nhưng, hiện tại, lượng cá mồi cho cá nuôi ăn không nhiều nên phải mua thêm cá biển với giá cao gấp 2 - 3 lần, làm tăng giá thành trong quá trình chăn nuôi”.

Nước lũ chưa ngập đến những vùng trũng thấp ở các huyện đầu nguồn

Không những thế, nông dân sản xuất lúa rất mong mùa lũ lớn hơn, mang lại lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho đồng ruộng, sâu rầy được cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Toàn, nông dân xã Vĩnh trị, huyện Vĩnh Hưng lo lắng: "Chưa năm nào như năm nay, đến thời điểm này chưa thấy nước đâu cả, nếu lũ không về hoặc về nhỏ thì nỗi lo toan của người dân sản xuất lúa như đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm nghiêm trọng, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón sẽ tăng, đương nhiên sẽ tăng giá thành hạt lúa"./.

Văn Đát

Cà Mau: Tín hiệu tích cực của ngành Nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Ảnh Đất Mũi

Những tháng đầu năm nay, bức tranh ngành kinh tế Nông nghiệp Cà Mau khởi sắc với những gam màu mới.

6 tháng qua, tổng sản lượng thủy sản đạt 51,16% so với kế hoạch; diện tích xuống giống lúa hè thu vượt 19,05%. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã và đang được nhân rộng, phát triển. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt hơn 135.000ha, đạt 99% kế hoạch năm 2019; diện tích nuôi tôm công nghiệp 9.473ha/15.908 hộ, đạt 88% kế hoạch năm.

Chất lượng con giống và vật tư đầu vào sẽ được quan tâm, chú trọng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (phải) kiểm tra chất lượng nguồn tôm giống trong một chuyến công tác tại huyện U Minh.

Nhiều mô hình hay

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đang chuyển dần từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao đất trải bạt sang nuôi trong ao nổi trải bạt, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Anh Võ Văn Đỏ ở ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) đã có 3 vụ nuôi tôm siêu thâm canh trong ao nổi trải bạt và thành công cả 3 vụ. Ao nuôi được thiết kế hình tròn, khung được làm bằng sắt, phủ bạt, đặt trên mặt đất bằng phẳng. Anh Đỏ cho biết: “Từ khi chuyển từ mô hình nuôi tôm trong ao đất trải bạt sang nuôi tôm trong ao nổi trải bạt lợi nhuận cao hơn nhiều, do chi phí đầu tư thấp, giảm 50% nhân công”.

Do được đặt trên mặt đất bằng phẳng, không phải đào ao, nên đất không bị đào xới, xáo trộn và cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nuôi vì có thể xây dựng ao nuôi bất cứ thời điểm nào trong năm. Quy trình, kỹ thuật nuôi tôm trong ao nổi cũng không khác gì so với ao đất. Đặc biệt, ở mỗi ao nuôi đều có lắp hệ thống quan trắc tự động để quản lý môi trường, từ đó chất lượng nước luôn được kiểm soát chặt chẽ. Trước tình hình giá điện, giá vật tư đầu vào tăng như hiện nay, trong khi đó giá tôm nguyên liệu bấp bênh và có chiều hướng sụt giảm thì mô hình nuôi tôm trong ao nổi trải bạt là lựa chọn khá phù hợp cho người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.

Nghề nuôi cua truyền thống đã xuất hiện ở huyện Phú Tân rất lâu, nhưng nuôi cua trong đầm nuôi tôm công nghiệp thì mới chỉ bắt đầu gần đây, khi có nhiều đầm tôm công nghiệp không còn sử dụng. Hộ anh Hồng Văn Lâu, 32 tuổi (ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) là một điển hình thành công với mô hình này. Với ao diện tích 1.700m², anh thả nuôi 2.000 cua giống. Hơn 3 tháng, cua đạt trọng lượng từ 300g trở lên, thu hoạch cho lợi nhuận gần 70 triệu đồng. Hơn 3 năm qua, mỗi năm anh Lâu thả nuôi 2 đợt, trung bình mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng.

Mô hình nuôi cua trong đầm tôm công nghiệp bỏ trống đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có được nguồn thu nhập. Nếu mô hình này được ngành chức năng nghiên cứu và mở rộng, sẽ tạo ra một hướng mới cho người dân phát triển kinh tế ổn định.

Ngoài con tôm, Cà Mau còn có tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, hàng hóa khác trong đó có đũa đước.

Đánh giá tiềm lực địa phương

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rà soát lại các sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng, có lợi thế để tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (Đề án OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Đề án, mỗi xã trong tỉnh chọn một sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Các sản phẩm và hàng hóa tham gia Đề án đều có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.

Không chỉ có con tôm, các địa phương của tỉnh còn có tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, hàng hóa khác: Cua, sò huyết, bồn bồn, khô bổi, mật ong, bánh phồng tôm, mắm lóc, chuối khô, đũa đước, keo lai… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm này hiện tại gặp nhiều khó khăn, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nên khả năng cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Qua khảo sát, hiện tại, các cơ sở sản xuất ở địa phương chủ yếu là nhỏ lẻ, hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa cao. Trong khi đó muốn đưa sản phẩm vào thị trường hoặc vào các siêu thị lớn đòi hỏi phải có nhãn hiệu, người kinh doanh thì chưa có ý thức đăng ký, nên gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Vì vậy, việc triển khai Đề án OCOP được xem là cánh cửa mở để phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.

Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm chuyển dần từ nuôi siêu thâm canh trong ao đất trải bạt sang nuôi trong ao nổi trải bạt, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.

Theo Đề án OCOP giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt, với mức kinh phí trên 860 tỷ đồng, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển mới và tiêu chuẩn hóa thêm ít nhất 22 sản phẩm, dịch vụ; công nhận, chứng nhận thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao; phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP trong kỳ được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh.

Đề án OCOP được thiết kế và triển khai theo hướng tuân thủ nguyên tắc: Hành động địa phương hướng đến toàn cầu. Vì vậy, Đề án này được triển khai không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, mà còn thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và đặc biệt hơn hết là bảo tồn được những giá trị truyền thống của nông thôn.

Về phương hướng những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế; tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong từng lĩnh vực của ngành nhằm đạt chỉ tiêu cao nhất. Tiếp tục triển khai, nhân rộng thêm những mô hình sản xuất có hiệu quả; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn việc nuôi tôm siêu thâm canh và mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cần quy hoạch lại, phát triển vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh và tập trung thực hiện tốt công tác phòng dịch. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên khu vực đê biển Tây, quan tâm đến công tác hộ đê ở những đoạn có nguy cơ sạt lở cao, tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác phòng chống thiên tai...

LÂM PHÚ

Ninh Thuận: Ninh Sơn diện tích mỳ vượt quy hoạch

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Niên vụ mỳ 2018 – 2019, toàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trồng 3.540 ha, tăng hơn 500 ha so với vụ 2017 – 2018. Theo Đề án tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016 - 2020 thì chỉ quy hoạch ổn định vùng trồng mỳ khoảng 2.450 ha. Điều này cho thấy, diện tích thực tế đã vượt quy hoạch hơn 1.000 ha.

Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết: Riêng địa phương năm nay trồng hơn 1.900 ha mỳ, tăng gần 700 ha so với vụ trước. Việc diện tích mỳ tăng ồ ạt như vậy dẫn đến nhiều rủi ro cho người trồng vì chưa được nhà máy mỳ trên địa bàn xã bao tiêu đầu ra. Đã nhiều lần đến vụ thu hoạch, mỳ bị rớt giá mạnh, chưa kể đến việc xảy ra tranh chấp giữa nông dân khi nhà máy quá tải thu mua.

Diện tích trồng cây mỳ ở huyện Ninh Sơn đang tăng ồ ạt. Ảnh N.Sơn

Một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích mỳ tăng nhanh là do những năm gần đây cây mía không còn đảm bảo thu nhập nên nông dân phải chuyển sang trồng mỳ. Đây cũng là điều dễ hiểu, tuy vậy, chính quyền địa phương cũng cần phải có khuyến cáo kịp thời hoặc về dài lâu nên có những định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp để nông dân không bị thiệt thòi.

N.Anh

Bắc Giang: Hàng trăm ha cây trồng bị ngập do mưa lớn

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn bị ngập, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất.

Cây ăn quả tại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị ngập sâu trong nước.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang vào khoảng 10 giờ sáng ngày 3-8, mưa lớn đã khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn bị ngập, tập trung tại xã Giáp Sơn, Nam Dương, Tân Mộc.

Hiện nay chưa có thống kê diện tích cụ thể, đơn vị đang đề nghị các xã tổng hợp, báo cáo chi tiết.

Tuy nhiên, nếu nước rút nhanh thì diện tích này cũng không đáng ngại, chỉ khi bị úng ngập vài ngày thì cây trồng mới bị ảnh hưởng. Ngoài ngập úng, gió to cũng khiến một số vườn cây ăn quả có múi bị rụng quả.

Đập Trại Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) tràn khoảng 80 cm.

Cùng đó, đập Trại Muối, xã Giáp Sơn tiếp tục tràn, chảy xuống suối khiến mực nước sông, suối tại địa bàn dâng cao.

Tại huyện Sơn Động, các xã có ngầm tràn như Bồng Am, An Lạc, Tuấn Đạo… việc đến trung tâm xã rất khó khăn; hầu hết các thôn đều bị cô lập. Tại xã Lệ Viễn bước đầu bị ngập khoảng 6 sào lúa, sạt lở đoạn đường nội đồng; thị trấn An Châu sạt taluy đường.

Một số công trình ven suối thuộc thôn Đồng, xã Trường Sơn (Lục Nam) bị nước lũ xâm lấn.

Tại Lục Nam, mưa lớn đã khiến hàng trăm ha cây trồng thuộc xã Nghĩa Phương, Trường Sơn, Vô Tranh, Bình Sơn... bị ngập cục bộ.

Cây trồng ở thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) bị ngập.

Nhóm PVKT

Đồng Tháp: Hướng tới việc sản xuất rau, hoa màu theo tiêu chuẩn an toàn

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Rau, hoa màu an toàn, chất lượng đang được người tiêu dùng quan tâm. Nắm bắt nhu cầu đó, tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất rau, hoa màu theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, các mô hình này hiện vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả, còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ...

Nhiều mô hình canh tác rau thủy canh theo hướng hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng

Vẫn còn khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 306ha đăng ký đủ điều kiện vùng nông sản sản xuất an toàn thực phẩm, trong đó rau, hoa màu chiếm gần 200ha. Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại TP.Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, Thanh Bình, TX.Hồng Ngự hay mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponics tại huyện Lấp Vò...

Bên cạnh đó, tổ chức Seed To Table (Nhật Bản) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện dự án trồng rau hữu cơ tại xã Mỹ Tân (TP.Cao Lãnh) với qui mô 1.000m2; xây dựng mô hình rau hữu cơ tại Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP.Cao Lãnh) với qui mô 800m2... góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, mặc dù chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại rau, hoa màu được nâng lên đáng kể nhưng trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau vẫn còn rất nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Qua khảo sát của các ngành chuyên môn, tâm lý chung của nông dân hiện nay là sử dụng rất nhiều phân hóa học trong sản xuất rau, hoa màu để phòng ngừa sâu, dịch hại. Theo ước tính, có đến 50% lượng phân bón sử dụng trên rau, hoa màu bị bay hơi, rửa trôi, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, đất và nước.

Trong mỗi vụ sản xuất rau, hoa màu trên địa bàn tỉnh, vẫn còn đến 37,6% hộ nông dân tăng nồng độ sử dụng phân, thuốc so với khuyến cáo, 31,4% hộ phun thuốc khi sâu bệnh gây hại còn ở mức độ thấp, 59,2% hộ phun thuốc định kỳ không theo kết quả điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng. Ngoài ra, có 27% hộ sử dụng thuốc không đăng ký phòng trừ dịch hại trên rau, trong đó có một số loại thuốc thuộc danh mục hạn chế sử dụng như: Lannate 40SP, Demon 50EC...

Từ năm 2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nông dân sử dụng để phòng trừ sâu bệnh trên rau, hoa màu tăng từ 844 tấn/năm (năm 2014) đến 1.600 tấn/năm (năm 2017) và đến năm 2018 còn 1.400 tấn/năm. Về chủng loại sử dụng trên rau màu có khoảng hơn 90 hoạt chất. Điều này cho thấy, qua từng năm càng có thêm nhiều thương hiệu, nhãn hiệu phân bón hóa học ra đời.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng - Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp: “Thực trạng hiện nay cho thấy, nông dân vẫn còn hạn chế về kiến thức sử dụng thuốc BVTV. Khi hiện nay danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng quá nhiều với nhiều hoạt chất và thương hiệu thương mại khác nhau, rất dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc xả thải chất rắn từ bao bì, chai lọ thuốc BVTV cũng gây tác động xấu đến môi trường đất và nước...”.

Mặt khác, do thị trường tiêu thụ rau, màu chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp được xem là những vấn đề mà người trồng rau, hoa màu quan tâm. Theo thống kê, hiện nay, chỉ có khoảng 10 - 20% sản lượng rau, hoa màu an toàn được các doanh nghiệp (DN), siêu thị hợp đồng thu mua. Số còn lại được bán cho các chủ vựa, tiểu thương chợ đầu mối đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, số lượng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau, hoa màu an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất hiện có...

Hợp tác xã Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất rau, hoa màu theo hướng an toàn

Giải pháp phát triển rau, màu an toàn

Để giải quyết những thực trạng trên, việc xây dựng kế hoạch vùng sản xuất rau, hoa màu an toàn trên địa bàn tỉnh là nhu cầu hết sức cần thiết. Qua đó, nhằm tổ chức và quản lý trong sản xuất rau, hoa màu an toàn đảm bảo theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản.

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, để nâng cao hiệu quả sản xuất, trước tiên ngành nông nghiệp sẽ rà soát nhu cầu sử dụng và quy hoạch vành đai thực phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Sau đó, mở rộng quan hệ hợp tác sang các tỉnh, thành lân cận và hướng tới hợp đồng xuất khẩu.

Là người đang theo đuổi mô hình trồng hoa màu theo hướng an toàn, ông Mai Phúc Dẫn - thành viên Nhân Tâm Hội quán (TP.Cao Lãnh) cho rằng: “Để phòng, trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng thì việc sử dụng thuốc BVTV vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Thuốc tác dụng nhanh hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, ngăn chặn và dập tắt các đợt dịch bệnh trên phạm vi lớn, bảo đảm được năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng nhiều phân bón hóa học đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe không riêng người tiêu dùng mà còn cả người sản xuất. Vì vậy, bản thân rất cần được hỗ trợ từ các nhà khoa học về quy trình canh tác để có sự đầu tư phù hợp trong sản xuất hoa màu theo hướng an toàn”.

Theo ông Dương Minh Sang - Giám đốc HTX Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, hiện HTX có 160ha canh tác rau, hoa màu an toàn, trong đó có gần 20ha đạt chuẩn VietGAP. Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đơn vị luôn chú trọng đảm bảo các khâu từ giống đến thành phẩm theo đúng tiêu chuẩn đã ký kết với đối tác. Khi tham gia vào HTX, người dân có ý thức hơn về việc sản xuất của mình, biết cân đối sản lượng rau đầu ra, đảm bảo sản phẩm rau sạch, chất lượng khi bán ra thị trường.

Người tiêu dùng lựa chọn mặt hàng rau, củ, quả tại các kênh phân phối siêu thị

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương khuyến khích nông dân sản xuất và DN thu mua rau, hoa màu theo mô hình VietGAP. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các ngành hữu quan sẽ giám sát dư lượng, chất lượng rau, hoa màu an toàn, định kỳ và đột xuất lấy mẫu sản phẩm để phân tích.

Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả các mô hình canh tác rau màu an toàn, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng và phổ biến các mô hình hiệu quả đến các vùng sản xuất chuyên canh rau màu. Trong đó, xây dựng kế hoạch hằng năm để chứng nhận thêm các vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm và từng bước hỗ trợ nông dân, HTX, THT đăng ký mã số vùng trồng để thuận lợi phục vụ cho xuất khẩu”.

Theo ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất rau, hoa màu an toàn, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến nông dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm để người sản xuất có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra nhằm xây dựng lòng tin đến người tiêu dùng. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ hỗ trợ quảng bá, kết nối với các DN, siêu thị, bếp ăn tập thể để có đầu ra ổn định, giúp nông dân trồng rau, màu an tâm sản xuất.

Khánh Phan

Trồng ổi cho trái ruột hồng, ít hạt, thơm ngọt, không lo đầu ra

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Nhiều nông dân trồng ổi sạch ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, Cần Thơ phấn khởi vì được doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón sinh học và bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bé ở ấp Đông Hòa B, xã Thới Tân cho biết: Năm 2017 một nhân viên của Cty CP Vườn trái cây Cửu long (Khu Công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ) đến nhà ông tìm hiểu và đặt vấn đề ký hợp đồng liên kết trồng ổi ruột hồng. Cuối vụ Cty thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 4.000 – 4.500 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ).

Ổi ruột hồng hợp đất xã Thới Tân.

Ông Dũng có 5 công ruộng, trong đó 2 công lên liếp trồng gần 350 cây ổi ruột hồng. Đến nay, vườn ổi cho trái sum xuê. Bình quân một tuần thu hoạch 2 đợt trái được Cty đến tận nơi thu mua. Thời điểm vào vụ, từ tháng 7 âm lịch đến Tết Nguyên đán, mỗi ngày vườn ổi của ông cho thu 200 - 300kg, giá bán 4.000 đồng/kg tại vườn. Sau khi trừ hết chi phí mỗi năm thu lời gần 200 triệu đồng.

Theo ông Dũng, ổi ruột hồng là loại cây dễ trồng, mau cho trái và không kén đất. Nếu được chăm sóc tốt, ổi cho trái quanh năm và cho năng suất cao. Đặc biệt trái có nhiều nước, ruột màu hồng, ít hạt ăn rất thơm ngon có vị ngọt.

Để ổi đạt năng suất cao, không bị sâu hại tấn công, ông Dũng dùng kỹ thuật bao trái lúc ổi bằng ngón tay cái, khi lớn trái không bị sâu bệnh và tròn đẹp…

Ngoài bán trái, ông Dũng còn bó nhánh để cung cấp cho các hộ có nhu cầu cây giống. Mỗi năm ông bán từ 1.000 - 1.500 nhánh ổi giống, giá 3.500 đồng/nhánh. Tiền bán cây giống mỗi năm cũng lời hàng chục triệu. Ông còn tận dụng mương trong vườn để nuôi cá, thức ăn của cá chính là những trái ổi chín hư.

Ổi ruột hồng được thu mua để làm nước trái cây xuất khẩu.

Hiện trong xã Thới Tân đã có 11 hộ gần nhà ông Dũng xin đăng ký trồng ổi theo mô hình liên kết với Cty.

Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Lai cho biết, toàn huyện có 1.345 ha vườn cây đang cho trái. Huyện cũng tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan để thúc đẩy và hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp. Điển hình là mô hình trồng ổi ruột hồng tại xã Thới Tân. Nếu năm 2017 tại xã Thới Tân chỉ có 4 hộ dân tham gia trồng ổi ruột hồng với diện tích 1,1ha thì đến nay có 12 hộ trồng với diện tích 6,5ha. Sản phẩm được thu mua tại vườn để phục vụ SX nước ép trái cây.

"Hiện nông dân trồng ổi ruột hồng xã Thới Tân đã liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng ổi ruột hồng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Ổi ruột hồng cho trái quanh năm, năng suất có thể đạt trên 15 tấn/ha/năm, lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa", bà Bích nói.

LÊ HOÀNG VŨ

Hậu Giang: Bưởi, cam tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những ngày qua, nhiều nhà vườn trồng cam, bưởi ở địa bàn huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) … rất phấn khởi bởi giá cam, bưởi được thương lái thu mua cao hơn vài ngày trước đây từ 5.000-7.000 đồng/kg. Nhiều chủ vựa chuyên thu mua cam, bưởi ở các chợ cho biết hiện cam xoàn, cam sành mua tại vườn là 22.000-25.000 đồng/kg, bán ra 28.000-30.000 đồng/kg. Bưởi da xanh loại 1 từ 1kg/trái trở lên, giá mua tại vườn là 45.000-50.000 đồng/kg, bán ra 55.000-60.000 đồng/kg, cao hơn vài ngày trước đây từ 5.000-7.000 đồng/kg. Theo dự đoán, giá cam, bưởi còn có thể tăng thêm trong vài ngày tới.

Thương lái vào tận vườn mua cam, bưởi của người dân.

Nhiều tiểu thương cho rằng nguyên nhân giá cam, bưởi tăng trong thời điểm này là do bước vào tháng 7 âm lịch, nhiều người thường mua trái cây để chưng trong nhà.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Mô hình ghép cây ăn trái hiệu quả

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tỉnh Bình Phước hiện có gần 10 ngàn ha cây ăn trái, với nhiều loại nổi tiếng như sầu riêng Ba Đảo, bơ sáp Mã Dưỡng, mít nghệ Lộc Ninh, nhãn da bò Thanh Lương... Đặc biệt vừa qua, lão nông Trần Văn Thơ (1960) ở ấp 3, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã lai ghép thành công cây xoài Úc cho năng suất cao và chất lượng khá tốt. Đến thăm vườn xoài của gia đình ông Thơ vào những ngày cuối vụ, chúng tôi thấy hàng chục lao động vẫn miệt mài làm việc, lựa những trái xoài chất lượng đóng gói vào thùng, bán ngay tại vườn cho thương lái.

Chọn những trái xoài to, chín mọng vừa hái từ trên cây xuống tiếp khách, ông Thơ kể cho chúng tôi nghe về sự vất vả của người làm vườn, nhất là việc trồng và ghép xoài Úc. Tuy gia đình ông chỉ có 3 ha nhưng để có được vườn xoài đậu trái và đạt năng suất cao thì hầu như ngày nào vợ chồng ông cũng phải có mặt tại vườn. Sau hàng chục năm trồng, đi học cách lai ghép, bón phân, chăm sóc, đến nay gia đình ông đã thu trái ngọt. Lúc đầu ông trồng xoài cát Hòa Lộc nhưng phải chọn và trồng được những cây cao to, không sâu bệnh, sau đó mời thợ từ Nha Trang vào ghép cành xoài Úc cho cây xoài cát Hòa Lộc trong vườn. Ông Thơ cho biết, việc ghép cành phải thuê thợ chuyên nghiệp ở Nha Trang vào, tiền công ghép mỗi cành 2.000 đồng. Ông cũng tự ghép được nhưng một mình làm không xuể, mỗi ngày chỉ ghép được vài chục cành nên phải thuê người ghép đồng loạt mới bảo đảm thời vụ. Những cành xoài Úc được ghép trên cây xoài cát Hòa Lộc, do đó cùng một cây cho ra 2 loại trái. Khi trái xoài lớn trông rất độc đáo và lạ mắt với những ai đến thăm vườn nhà ông Thơ. Mỗi trái xoài Úc nặng trung bình khoảng 800g đến 1kg. Khi trái lớn và gần chín có màu hơi ửng đỏ gần cuống. Xoài Úc có thể ăn sống và ăn chín đều rất ngon. Trái xoài chín có màu vàng hấp dẫn, vị chua ngọt, mùi thơm rất đặc biệt, nhiều người ưa thích và được xem là loại trái cây quý.

Ông Trần Văn Thơ chăm sóc vườn xoài

Việc lai ghép và tạo được vườn xoài Úc của ông Thơ là một trong những mô hình khá hiệu quả của nông dân và huyện cũng đang chỉ đạo Hội Nông dân khảo sát, nghiên cứu. Nếu thấy thuận lợi và hiệu quả có thể nhân rộng trong các cấp hội nông dân xã Lộc Hưng.

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Ninh NGUYỄN TIẾN CƯỜNG cho biết

Xoài Úc du nhập vào Khánh Hòa từ năm 2003 và đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Nhiều nhà vườn ở tỉnh này có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng từ vườn xoài Úc. Đến nay, nông dân tỉnh Khánh Hòa đã trồng đại trà và được nhân rộng ra các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Phước... Kỹ thuật trồng xoài áp dụng theo quy trình của Úc. Công đoạn thu hoạch, bao gói cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc, nhằm đảm bảo xoài thương phẩm không bị đốm đen, ruồi đục trái và nhiễm bệnh. Tại Bình Phước hiện chỉ có duy nhất vườn xoài của gia đình ông Thơ ở xã Lộc Hưng là hộ trồng và ghép được loại xoài Úc, đồng thời thu hoạch, chọn trái bảo đảm quy trình kỹ thuật. Để có trái xoài Úc bán đúng dịp tết Nguyên đán, ông Thơ phải dùng nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm trong chăm sóc vườn xoài. Sau khi ghép cành, hằng ngày vợ chồng ông đều ăn ở, sống cùng vườn xoài để theo dõi, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, nhất là thời điểm xoài ra hoa, đậu trái và thu hoạch. Khi được hỏi vì sao không làm vườn ươm để ghép cây xoài Úc bán cho nhà nông trong vùng, ông Thơ cho biết, hiện người dân ở đây cũng chưa ai “mặn mà” với cây xoài Úc. Nếu có người đặt, ông sẵn sàng nhân giống cho họ.

Những năm gần đây, nhiều loại trái cây ở Bình Phước đã và đang từng bước có tiếng và “chỗ đứng” trên thị trường. Với gần chục ngàn héc ta cây ăn trái, nông dân trong tỉnh đã và đang tạo sản phẩm trái cây có chất lượng cao, cho thu nhập kinh tế gia đình ổn định. Những vườn cây như xoài Úc của gia đình ông Thơ chỉ mới là mô hình mang tính tự phát hoặc ở dạng thí điểm, chưa thể nhân rộng bởi nó cũng không dễ làm, công đầu tư chăm sóc lớn. Tuy vậy, trong chiến lược hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, đối với sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản cần được quan tâm khuyến khích để nông dân có vốn sẽ đầu tư làm giàu trên diện tích đất vườn của mình.

Hà Thanh

Cây sầu riêng trăm tuổi hiếm thấy ở miền Tây

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Cây sầu riêng khoảng 100 tuổi này do gia đình ông Huỳnh Công Thống (ngụ khu vực Tân An, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ) sở hữu.

Cây có chiều cao 27m, bề hoành 2,2m, gốc 2,77m, tán rộng gần 10m. Hàng năm cứ đến mùa, cây sầu riêng vẫn đơm bông kết trái, tỏa hương thơm ngát. Mỗi mùa cây cho từ 30- 35 trái, mỗi trái cân nặng trên 2kg.

Sở hữu một loại cây có đặc tính và thân hình hiếm thấy nên ông Thống quyết tâm bảo tồn cây sầu riêng này.

Tin, ảnh: NGỌC LIỄU

Chàng trai 9X nuôi chí làm giàu

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Thanh niên Lào Cai đã và đang hăng hái phát huy sức trẻ, lựa chọn những con đường khác nhau để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Trong số đó có chàng trai 9X Nguyễn Đức Quyền Anh ở thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng).

Anh Nguyễn Đức Quyền Anh sinh năm 1997. Tốt nghiệp THPT vào năm 2015, anh chọn con đường bươn trải, phát triển kinh tế bằng nhiều công việc khác nhau. Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Từ chạy bàn, bảo vệ, sửa chữa máy móc đến buôn bán, mình đều đã trải qua”.

Nguyễn Đức Quyền Anh chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp.

Dấu chân của Quyền Anh đã có ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh và điểm dừng chân tại thành phố Hải Phòng đã để lại cho anh những nền móng quan trọng sau này. Tại thành phố cảng, Quyền Anh có cơ hội thấy những trang trại nuôi chim bồ câu rất lớn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh đến quan sát các cơ sở chăn nuôi và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi giống chim này. Sau 2 năm làm việc và học hỏi ở Hải Phòng, Quyền Anh quyết định trở về quê hương Xuân Quang để theo đuổi ước mơ nuôi chim bồ câu.

Khi đưa ý tưởng nuôi bồ câu, gia đình Quyền Anh cũng thấy băn khoăn, thậm chí là phản đối khá quyết liệt. Cùng với đó, bạn bè, hàng xóm, láng giềng cũng khuyên can nhưng Quyền Anh đã hạ quyết tâm là theo đến cùng. Anh mạnh dạn vay 40 triệu đồng thêm vào phần vốn dành dụm được để xây dựng khu nuôi nhốt, mua lồng nuôi, máy ấp trứng và 100 đôi bồ câu sinh sản giống Pháp. Ít lâu sau, anh vay thêm được tiền, mua tiếp 200 đôi giống và đầu tư thức ăn chăn nuôi.

Quyền Anh kể rằng, nuôi bồ câu thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng trên thực tế lại khác. Rủi ro đầu tiên là sau 3 tháng, 50 đôi bồ câu bố mẹ bị chết không rõ nguyên nhân. Số còn lại tuy bắt đầu cho ra những lứa trứng đầu tiên nhưng do thiếu kinh nghiệm ấp máy nên trứng không nở, tỷ lệ trứng thối, hỏng nhiều. Suốt 3 tháng ròng, lãi chưa thấy đâu nhưng số tiền nợ đã lên tới 180 triệu đồng, áp lực ngày càng đè nặng lên chàng trai mới hơn 20 tuổi.

Cú trượt ngã đầu đời chỉ làm Quyền Anh thêm quyết tâm và nỗ lực hơn cho con đường mình đã chọn. Anh dành nhiều thời gian hơn để dạo trên các trang thông tin internet, đọc tài liệu, sách, báo về tập tính của loài bồ câu, cách nhận biết các loại bệnh và phòng, chữa bệnh trên chim nuôi.

Mỗi ngày trôi qua anh tích lũy cho mình những bài học quý giá từ tất cả các khâu chăm sóc, phân chia tỷ lệ thức ăn, vệ sinh chuồng trại, theo dõi nhiệt độ và sự sinh trưởng, các biểu hiện bất thường trên đàn chim. Ngoài thời gian ăn, ngủ và sinh hoạt bình thường, anh ở lỳ trong khu nuôi, quan sát “nhất cử, nhất động” của từng chú chim và ghi chép đầy đủ vào sổ sách để tổng hợp thành kinh nghiệm một cách hệ thống. Tự mình học hỏi và rút kinh nghiệm chưa đủ, anh còn lặn lội đến nhiều các cơ sở lớn nuôi bồ câu ở một số tỉnh, thành để trao đổi và hỏi thêm “bí kíp” nghề để ứng dụng vào cơ sở của mình. Những gì thu được là số lượng chim bố mẹ bị chết giảm dần cho đến tháng thứ 7 thì tỷ lệ sống sát con số 100%. Nhờ làm chủ công nghệ ấp trứng nên tỷ lệ ấp thành công đạt trên 95%. Những lứa chim thịt đầu tiên được xuất bán trong niềm vui vô bờ, bạn bè đến chúc mừng thành quả và bố mẹ anh ngày càng đặt niềm tin vào mô hình.

Đến nay, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của Quyền Anh xuất ra thị trường đều đặn từ 800 đến 1.200 con chim bồ câu thịt mỗi tháng, giá bán 160.000 đồng/cặp. Ngoài ra, ông chủ 9X Quyền Anh còn cung cấp ra thị trường hơn 1.000 đôi giống bồ câu sinh sản mỗi tháng, nhờ đó mà cơ sở của anh ngày càng được nhiều người biết tới. Từ 100 cặp bồ câu ban đầu, đến nay mô hình duy trì 1.100 cặp giống. Nhiều nhà hàng nổi tiếng tại thành phố Lào Cai và các huyện đã đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Việc sản xuất, kinh doanh ổn định nên tính ra mỗi năm, anh thu lãi từ mô hơn 300 triệu đồng.

Mô hình có thể chưa lớn nhưng đó là thành công đáng khen ngợi ở chàng trai 22 tuổi. Điều đáng nói là ý chí của anh chưa dừng lại ở đó. Từ lâu, anh đã nghĩ tới việc đầu tư mở rộng cơ sở và tích cực ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Với bản tính rộng lượng, dễ bề sẻ chia, đồng cảm, anh không ngần ngại hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp cho nhiều hộ trên địa bàn. Anh còn hỗ trợ một phần con giống cho 2 hộ gia đình trẻ khác làm cơ sở khởi nghiệp và nhận bao tiêu sản phẩm cho những hộ này.

Trò chuyện với phóng viên, anh Quyền Anh mong gửi lời nhắn tới các bạn trẻ đang có tinh thần khởi nghiệp rằng: “Nếu có ước mơ, lý tưởng thì hãy nuôi dưỡng nó bằng lòng quyết tâm và sự kiên trì ở mức cao nhất. Hãy cứ lạc quan rằng, vấp ngã, thử thách chỉ là tấm thảm lót đường dẫn đến thành công mà thôi”.

Chị Lâm Thị Mỹ Hảo, Bí thư Đoàn thanh niên xã Xuân Quang khi nói về mô hình chăn nuôi của Quyền Anh cho biết, thời gian qua, Đoàn xã luôn lấy tấm gương chàng trai 22 tuổi làm ví dụ cho các buổi sinh hoạt của thanh niên có chủ đề về phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp và công tác phong trào. Điều đó rất xứng đáng ở Quyền Anh, chàng thanh niên có nhiều hoài bão và lòng quyết tâm, nghị lực vượt khó.

HỮU HUỲNH

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá dê tăng mạnh, người nuôi lãi lớn

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thông tin từ các hộ nuôi dê trên địa bàn tỉnh cho biết, thời gian gần đây, giá dê hơi liên tục tăng cao. Hiện nay, thương lái đang thu mua dê đực (loại 1) với giá từ 145 - 150 ngàn đồng/kg, dê cái giá từ 110 - 125 ngàn đồng/kg, tăng 25 - 35 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Với giá bán này, mỗi con dê cho lãi từ 1,4-1,6 triệu đồng/năm.

Theo các hộ nuôi dê lâu năm tại xã Long Phước, TP. Bà Rịa, giá dê trong năm thường có sự thay đổi theo chu kỳ. Thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 (âm lịch), giá dê tăng cao hơn so với giai đoạn từ tháng 11 đến tháng Giêng năm sau, với mức chênh lệch từ 10 - 20 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, người tiêu dùng chuyển sang các loại thịt khác thay thế, trong đó có thịt dê. Ngoài ra, gần đây thịt dê được thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, thương lái thu mua dê để xuất đi Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá tăng cao.

KIM HỒNG

Đăng ký bảo hộ các giống cây ăn quả chỉ đạt khoảng 5% tổng số đơn

Nguồn tin: Bào Hà Nội Mới

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện bảo hộ giống cây trồng hiệu quả góp phần tạo ra nhiều giống cây trồng mới có đặc tính tốt, phục vụ sản xuất, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đến nay, vì nhiều lý do, việc đăng ký bảo hộ giống cây ăn quả mới rất hạn chế, đạt khoảng 5% trong tổng số đơn đăng ký. Trong khi đó, các cây lương thực (lúa, ngô...) đạt gần 70% trong tổng số đơn đăng ký bảo hộ.

Việc bảo hộ giống cây trồng hay bảo hộ quyền tác giả giống cây trồng nói chung, bảo hộ giống cây ăn quả nói riêng, là cơ chế bảo hộ quyền độc quyền cho tổ chức, cá nhân đã bỏ công sức, tiền của để chọn tạo hoặc phát hiện, phát triển một giống cây trồng mới nào đó. Nhờ cơ chế này, tác giả giống cây trồng có cơ hội thu lại chi phí trong quá trình tạo giống mới để tái đầu tư cho việc chọn tạo các giống tiếp theo... Chính vì vậy, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi tình trạng thờ ơ đăng ký bảo hộ là rất cần thiết.

BẠCH THANH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop