Mường Khương (Lào Cai): Trái cây địa phương đắt hàng dịp nghỉ lễ 2/9
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, những loại trái cây đặc sản địa phương như quýt, ổi, hồng ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) rất “đắt hàng”, bởi vậy tại các nhà vườn nhộn nhịp người thu hái.
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên trái cây Mường Khương được mùa, các loại quả quýt, ổi, hồng sai lúc lỉu. Nhu cầu của người mua tăng cao trong dịp nghỉ lễ, nhiều du khách tìm đến tận vườn để tham quan và tự tay hái quả mang về làm quà.
Chủ các nhà vườn phải thuê người thu hái để phục vụ nhu cầu mua trái cây.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngân ở Pphường Phố Mới (thành phố Lào Cai) cho biết: Được nghỉ mấy ngày nên tôi cho con về chơi nhà ông bà nội, biết đến những vườn quả ở gần nhà nên tôi cho các cháu lên chơi, tham quan và mua trái cây sạch về biếu người thân, bạn bè.
Cùng một số người bạn lên Mường Khương chơi trong dịp nghỉ lễ, chị Trần Hồng Hạnh ở thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng), chia sẻ: Thay vì đi Sa Pa, Bắc Hà, chúng tôi lựa chọn lên Mường Khương trong những ngày nghỉ để hưởng trọn sự bình yên, không khí mát lành, thư giãn. Được nhìn thấy những vườn quýt sai trĩu quả, thưởng thức hoa quả sạch ngay tại vườn và tự tay lựa chọn những trái ưng ý nhất về nhà cũng là một niềm vui.
Du khách thích thú vào vườn quýt sai trĩu quả thu hái.
Thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương là một trong những địa điểm trồng nhiều quýt nhất ở huyện Mường Khương; trong những năm gần đây, bà con còn trồng thêm cây ổi để có thêm thu nhập. Cây ổi dễ tính, hợp khí hậu nên rất năng suất và chất lượng được đánh giá ngon, ngọt. Bà Thào Thị Bình, chủ của một vườn quýt, ổi rộng hơn 1ha đang bận rộn cân và tính tiền hoa quả cho khách tại cổng vườn. Bà cho biết: Trong những ngày này vườn quả của gia đình đón nhiều lượt khách đến chơi và mua quả tại vườn, họ rất vui vẻ và thích thú vì được tự tay hái quả mang về làm quà, chụp ảnh làm kỷ niệm.
Hiện nay, các hộ dân trồng quýt ở Mường Khương đang thu hoạch quýt không hạt chín sớm, quả xanh, có vị chua mát, có giá bán tại vườn dao động từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Quả ổi được các gia đình bọc quả từ khi còn nhỏ nên đảm bảo về chất lượng, ổi có giá 20 nghìn đồng/kg. Khoảng hơn 1 tháng nữa Mường Khương sẽ vào vụ thu hoạch quýt ngọt, loại quýt được bảo hộ nhãn hiệu “Quýt Mường Khương”. Các nhà vườn đang tích cực chăm bón để quýt đạt chất lượng tốt nhất, đẹp quả sẽ được giá cao hơn.
Người dân Pao Mao Chải thu hoạch hồng giòn.
Năm nay là năm đầu tiên đồi hồng giòn của những hộ dân ở thôn Pao Mao Chải, xã Dìn Chin được thu hoạch. Anh Phạm Quang Thảo, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương, người đang giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ: Đường đi lên thôn Pao Mao Chải rất khó khăn, để vận chuyển quả xuống thị trấn cũng không dễ dàng, nhưng vì muốn giúp bà con, nên tôi lên tận nơi cùng bà con thu hái. Tôi giới thiệu hoa quả sạch của Mường Khương thông qua mạng xã hội facebook và được mọi người ủng hộ. Những ngày nghỉ lễ nhu cầu mua hoa quả sạch làm quà tăng cao nên khách ở khắp nơi như Hà Nội, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái đều đặt tôi gửi hàng về.
Những sản vật của vùng cao Mường Khương như gạo Séng cù, tương ớt, quýt, ổi, hồng… trở thành những món quà không thể thiếu trong hành trang trở về của nhiều du khách khi đến với vùng đất này trong dịp nghỉ lễ 2/9. Những người dân bản địa mến khách, cần cù, chăm chỉ đang nỗ lực lao động để có thêm những mùa quả ngọt, mang lại thu nhập cho gia đình và giữ gìn thương hiệu cho sản vật quê hương.
PHƯƠNG THẢO
Tây Ninh: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ leo giàn ở Tân Biên
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng đất ở địa phương, ông Nguyễn Văn Chạnh (sinh năm 1961, ngụ ấp 3, xã Trà Vong, tỉnh Tây Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Ông Chạnh cho biết, sau khi học hỏi mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở các tỉnh Long An và Bình Thuận, nhận thấy cây thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2017 gia đình ông bắt tay vào xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ bằng phương pháp leo giàn.
Ông Nguyễn Văn Chạnh bên vườn thanh long ruột đỏ leo giàn của gia đình.
Khác phương pháp trồng truyền thống, phương pháp này không chỉ tiết kiệm diện tích trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch và tránh được gió bão tốt. Bước đầu ông Chạnh mạnh dạn chuyển đổi 2 ha lúa sang trồng thanh long ruột đỏ leo giàn, ông bỏ vốn gần 500 triệu đồng đầu tư đổ cột bê tông cao 1,8 mét làm trụ, mua ống sắt làm giàn, mua hệ thống tưới phun cho cả vườn thanh long và mua phân bón, giống thanh long ruột đỏ về trồng.
Với tính siêng năng, chí thú làm ăn cộng với vốn kiến thức học hỏi kinh nghiệm từ những người quen, bạn bè từ các địa phương khác, ông dốc sức chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây thanh long ruột đỏ. Mật độ trồng 1.500 trụ/ha, tương đương khoảng cách trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 3m. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu khoảng 14 tháng.
Thanh long ruột đỏ cho trái tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, đến nay mô hình thanh long ruột đỏ của ông đã và đang cho hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân 20 tấn/ha/năm, với giá bán dao động khoảng 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư chăm sóc, 1 ha thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Đây là năm thứ 2 vườn thanh long của gia đình ông Chạnh cho thu hoạch mới được 2 lứa và cứ mỗi lứa tiếp theo cho năng suất cao hơn.
Đây là năm thứ 2 vườn thanh long của gia đình ông Chạnh cho thu hoạch.
Dự kiến, vào năm thứ 3, thanh long của gia đình ông bắt đầu cho trái rộ, năng suất bình quân sẽ vào khoảng 40 tấn/1ha, theo giá bán như hiện nay, trừ hết toàn bộ chi phí, gia đình ông thu lợi khoảng 700- 800 triệu đồng/ha/năm. Một điều rất mừng là trái thanh long thu hoạch không phải đưa ra chợ bán lẻ, mà có bao nhiêu cũng không đủ để giao cho các thương lái thu mua.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình ông chủ động cắt, tỉa nhánh phòng trừ sâu bệnh, làm sạch cỏ dại, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho thanh long, nhằm tạo ra những quả thanh long ruột đỏ sạch, chất lượng. Với phương pháp trồng thanh long leo giàn, sản lượng thanh long của gia đình ông Chạnh tăng từ 2-3 lần so với thanh long từng trụ truyền thống và giá bán cũng tăng hơn nhiều so với cách trồng thanh long truyền thống, lợi nhuận tăng khoảng 20 đến 30 lần so với trồng lúa.
Thanh long ruột đỏ là loại cây ăn trái dễ trồng, dễ chăm sóc. Chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó có thể cắt cành giâm làm giống. Một năm, thanh long ruột đỏ cho thu hoạch liên tiếp trong 5 tháng, sản lượng tăng dần trong những năm tiếp theo và đặc biệt tuổi thọ của cây bình quân từ 20-25 năm tùy theo công tác chăm sóc.
Ông Trịnh Huỳnh Tiến- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Vong cho biết, trồng thanh long là mô hình mới, rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây ăn quả thông thường. Xã Trà Vong sẽ tích cực tuyên truyền vận động bà con đến tham quan, học tập kinh nghiệm về cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Chanh.
Hội Nông dân xã cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các mô hình trồng cây ăn quả và cây thanh long ruột đỏ, góp phần tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho các gia đình ở địa phương.
Đức Thịnh
Cư Jút nỗ lực xây dựng vùng trái cây VietGAP
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang xúc tiến xây dựng một số mô hình theo chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nhằm hướng tới việc tạo nên vùng nguyên liệu cây ăn trái an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đến thôn 8, xã biên giới Đắk Wil (Cư Jút) lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh Nguyễn Văn Thuận ban đầu chọn điều làm cây chủ lực để phát triển kinh tế. Gia đình anh đầu tư vào sản xuất thâm canh, nhưng hiệu quả cây điều mang lại chẳng đáng là bao.
Vì thế đến năm 2010, anh Thuận đã quyết định xuống giống gần 2 ha xoài cát và xoài Đài Loan để thay thế vườn điều. Mấy năm sau, loại cây này tỏ ra phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương khi cho năng suất, chất lượng tốt, được người dùng ưa chuộng. Có nguồn thu bước đầu, anh Thuận tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, anh Thuận có khoảng 4 ha đất trồng trái cây, trong đó chủ yếu là xoài, ổi.
Vườn xoài của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận, thôn 8, xã Đắk Wil (Cư Jút) đang trong quá trình tham gia tổ hợp tác sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP
Những năm gần đây, vườn cây của gia đình anh Thuận được thương lái tìm đến tận nơi để mua. Mặc dù lợi nhuận mang về từ vườn trái cây khá ổn, nhưng anh Thuận cho rằng giá bán còn quá thấp so với thực tế thị trường.
“Vào chính vụ thu hoạch, lượng sản phẩm là rất lớn. Trong khi đó, thương lái về vườn chỉ trả giá bằng khoảng 1/2, thậm chí 1/3 giá cả thị trường. Người nông dân như chúng tôi không tìm được đầu ra sản phẩm nên cũng đành chịu cảnh thương lái họ ép giá thôi”, anh Thuận ngậm ngùi.
Mới đây, khi xã Đắk Wil có chủ trương thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Thuận cùng một số hộ dân trồng trái cây trong thôn 8 đã đăng ký tham gia làm thành viên. Theo Trưởng thôn 8 Lê Văn Bính, hiện tại thôn đang rà soát diện tích để sớm trình thủ tục để xã thành lập THT. Dự kiến sẽ có hơn 20 hộ dân với trên 20 ha cây ăn trái đang trong giai đoạn sản xuất tham gia vào mô hình này. Hy vọng khi xây dựng được THT, đầu ra sản phẩm sẽ thuận lợi, giá cả cũng đỡ bấp bênh hơn.
Xã Đắk Wil hiện có trên 110 ha cây ăn trái các loại, tập trung tại thôn 8 của xã. Theo Phó Chủ tịch xã Đắk Wil Nguyễn Minh Tâm, thôn 8 là nơi giao thoa của 2 vùng thổ nhưỡng, có hệ đất sỏi cơm màu đen, rất phù hợp với các loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm tại khu vực này bảo đảm cung cấp cho các loại cây ăn trái. Những năm qua, người dân thôn 8 đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất, chất lượng nên trái cây ở vùng này khá nổi tiếng. Tuy nhiên, thực tế thì cây ăn trái ở địa phương đang trong tình trạng bế tắc đầu ra và giá cả khá bấp bênh. Do đó, nếu xây dựng được mô hình VietGAP, đầu ra của sản phẩm sẽ giảm bớt áp lực. Trái cây của Đắk Wil có thể đi vào trong hệ thống siêu thị, cửa hàng… và mang về lợi nhuận kinh tế cao cho người dân.
Một số vườn mít tại xã Đắk D’rông cũng được huyện Cư Jút hỗ trợ để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP
Ngoài Đắk Wil, huyện Cư Jút đang xúc tiến xây dựng mô hình VietGAP cho khoảng 20 ha mít Thái Lan tại thôn 15, xã Đắk D’rông. Đây là những diện tích trồng chuyên canh, tập trung liền kề và đang trong giai đoạn sản xuất. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút Hồ Sơn, hiện Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam) đã lấy mẫu đất, nước ở khu vực trồng trái cây ở Đắk Wil, Đắk D'rông để phân tích và kết quả bước đầu rất khả quan. Dự kiến đến cuối năm nay, khi vào chính vụ thu hoạch các loại cây ăn trái, Trung tâm này sẽ tiếp tục lấy mẫu phân tích và nếu đạt chất lượng sẽ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, hiện toàn huyện có khoảng 800 ha đất đang trồng cây ăn trái với chủng loại đa dạng và phong phú, trong đó nhiều nhất là mít, xoài và quýt. Diện tích trồng cây ăn trái phân bố rải rác ở các xã, thị trấn nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 xã có điều kiện tự nhiên phù hợp là Đắk D’rông và Đắk Wil. Thời gian gần đây, diện tích trái cây của địa phương có xu hướng tăng do giá tiêu xuống thấp, tình trạng tiêu chết diễn biến phức tạp nên nông dân chuyển đổi cây trồng sang một số loại cây khác như trái cây.
Để hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP cây ăn trái, huyện Cư Jút đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách và kinh phí (khoảng 100 triệu đồng/mô hình). Theo ông Hồ Sơn, mục đích chính của huyện Cư Jút khi xây dựng các mô hình VietGAP là hướng dẫn nông dân sản xuất theo vùng, bảo đảm sản phẩm an toàn. Từ đó, hướng tới việc cấp tem giới thiệu nguồn gốc, đưa các sản phẩm trái cây vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, giúp người trồng nâng cao thu nhập. Ngoài ra, huyện Cư Jút cũng hy vọng xây dựng được các mô hình tham quan, nghỉ dưỡng, tạo ra “vùng đệm” cho du khách khi tham gia tour, tuyến du lịch vùng công viên địa chất núi lửa Krông Nô.
Bài, ảnh: Lê Phước
Khuyến cáo nông dân không nên sản xuất lúa vụ 3
Nguồn tin: Báo Long An
Mặc dù được ngành chuyên môn khuyến cáo không nên sản xuất 3 vụ lúa trong năm nhưng trên thực tế, nhiều nông dân tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An vẫn trồng thêm vụ lúa này.
Vừa thu hoạch lúa Hè Thu, nông dân đã tranh thủ xuống giống
Hiện tại, nhiều nông dân vừa thu hoạch lúa Hè Thu đã tranh thủ trục đất, xuống giống vụ kế tiếp để kịp làm 3 vụ trong năm.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp năm 2019, nông dân không nên sản xuất lúa vụ 3 vì điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, có khả năng xảy ra nắng hạn, mặn xâm nhập, thiếu nước vào cuối vụ, tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, việc sản xuất vụ 3 còn làm cạn kiệt dinh dưỡng đất.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên trồng xen canh cây màu, hoặc trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đạt kết quả cao hơn./.
Kim Khánh
Muôn kiểu đối phó với chuột
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Người dân quây ni lông để đối phó với chuột.
Thời gian qua, chuột gây hại trên đồng ruộng đã trở thành vấn nạn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Bà con nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp đối phó với chuột như: quây nilon, diệt chuột bằng thuốc hóa học, đặt bả sinh học, bắt thủ công, thậm chí dùng điện để diệt chuột. Tuy nhiên những biện pháp này chưa thực sự hiệu quả, thậm chí vừa qua ở xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đã có người thiệt mạng vì người dân dùng điện để bẫy chuột. Vì vậy, ngành chuyên môn và các địa phương cần phải tăng cường giám sát các hình thức diệt chuột của người dân, nghiên cứu đưa ra biện pháp diệt chuột hiệu quả hơn nhằm bảo đảm an toàn, giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân. Phóng viên Báo Thái Bình đã ghi lại một số hình ảnh người dân đối phó với chuột.
Dùng ni lông quây trắng cánh đồng để đối phó với chuột không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tạo rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Người dân xã Việt Thuận (Vũ Thư) rải dây điện để bẫy chuột.
Việc dùng điện để bẫy chuột như thế này rất nguy hiểm, có nguy cơ gây tai nạn chết người.
Người dân xã Đông Quang (Đông Hưng) đào bờ vùng để bắt chuột.
Việc đào thủ công để bắt chuột làm phá vỡ mặt bằng các bờ vùng bờ thửa nếu không có sự giám sát chặt chẽ của người dân và chính quyền địa phương.
Mạnh Cường – Thu Hiền
Trồng sen Nhật kết hợp với nuôi cá rô Tổng Trường cho thu nhập cao
Nguồn tin: Báo Ninh Bình
Những ngày tháng tám, trên khu đầm sen rộng gần 1 ha nằm trên đường Tràng An, gia đình ông Trần Văn Dũng, thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) tất bật với công việc thu hoạch sen và cá.
Mô hình trồng sen Nhật kết hợp với nuôi cá rô Tổng Trường của gia đình ông Trần Văn Dũng. Ảnh: Trường Giang
Ông Dũng cho biết: Sen được trồng từ tháng 2/2018 và sau 4 - 5 tháng là cho thu hoạch. Vào thời điểm chính vụ, gia đình phải thuê, mượn thêm lao động để hỗ trợ công việc thu hoạch đài sen và bóc tách hạt sen. Bình quân cứ 2 - 3 ngày gia đình ông thu hoạch 1 lần sau đó tách hạt sen bán tươi hoặc khô. Thị trường đầu ra của sản phẩm hạt sen tương đối ổn định, đến mùa sen, các công ty dược phẩm, bánh kẹo hoặc các thương lái đến ký hợp đồng và thu mua với giá sen khô khoảng 70.000 đồng/kg, sen tươi 35.000 đồng/kg.
Giống sen được trồng là sen Nhật với các màu hoa: Trắng, hồng, tím; lại được trồng ngay trong vùng du lịch và sát với đường Tràng An nên phục vụ thiết thực cho du khách đến chiêm bái và mua hoa. Những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần du khách đến đông, họ thường dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm và mua hoa với giá 10.000 đồng/bông. Nhiều hộ gia đình có đình, đám hoặc ngày đầu tháng, giữa tháng đã đến đặt và mua hoa. Đây là sản phẩm cho thu nhập chính của mô hình trồng sen-nuôi cá này.
Tuy nhiên, thời gian sen có hoa không dài; hơn nữa việc mua hoa chủ yếu khi bông còn đang dạng nụ, nên khi cần lại không có mà lúc có thì lại thừa. Ông Dũng dự kiến thu hoạch từ sen (đài, hạt và bán hoa) đạt 2,7 triệu/sào, tương đương với 270 triệu đồng/ha. Sen là loại cây dễ trồng, chi phí ban đầu tuy có cao (khoảng 70.000-80.000 đồng/mầm sen giống), nhưng ít sâu bệnh, không tốn công chăm sóc, phù hợp đồng đất địa phương và trồng một lần có thể tiếp tục cho thu hoạch ở 4-5 năm sau tùy từng chất đất, thường thì từ năm thứ 2 trở đi sen sẽ cho năng suất cao hơn. Cũng ở diện tích trên, gia đình còn nuôi thả cá rô Tổng Trường - loại cá đặc sản của vùng đất Cố đô.
Với kinh nghiệm đã có 5 năm nuôi thả loại cá này, nhưng do môi trương nuôi thả kết hợp với trồng sen nên ông Dũng sử dụng phương thức nuôi bán thâm canh, mật độ thả vừa phải và năng suất ước đạt 15 tấn/ha, bán với giá 60.000-80.000 đồng/kg cho thương lái và các nhà hàng.
Gia đình ông Dũng cũng chỉ là một trong hàng chục hộ nông dân ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên thuộc Hợp tác nuôi thả cá rô Tổng Trường (do ông Dũng làm Giám đốc) đã quyết định chuyển đổi diện tích đất trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao, ổn định. Hiện HTX đang có 11 hộ gia đình, quản lý vùng đất gần 7 ha ven đường Tràng An.
Với diện tích thùng đào, thùng đấu thì được trồng sen và nuôi thả cá rô (khoảng 1 ha); diện tích còn lại là ruộng lúa chỉ cấy được vụ đông xuân, vụ mùa bỏ hoang và đang nuôi thả các loại cá trắm cỏ, chép, rô Tổng Trường. Đây đang là hướng đi có nhiều triển vọng cho người nông dân thôn chi Phong nói riêng và xã Trường Yên nói chung.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Với sự hỗ trợ của Huyện (100% giống sen, 50% giống cá) và sự hưởng ứng tích cực của các hộ gia đình tham gia; sau hơn 1 năm, mô hình trồng sen Nhật kết hợp thả cá tại địa phương đã cho thấy năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, góp phần ổn định thu nhập cho người dân, theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị, hiệu quả cao.
Giá trị thu nhập của mô hình ước đạt khoảng 300 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng/ha; cao gấp 4- 5 lần so với trồng lúa. Dưới tán sen là môi trường sống phù hợp của loài cá rô, tạo ra những “Cánh đồng sinh thái” vừa cho giá trị kinh tế lại phục vụ du lịch.
Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, có tính khả thi cao; bởi sen là loại cây trồng có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở ao hồ, thùng đào, thùng đấu, mương ngòi, ruộng sâu cấy lúa kém hiệu quả; cá rô Tổng Trường là loại cá đen, có thể sinh trưởng, phát triển khá tốt trong các đầm sen... Trong các năm tới, xã Trường Yên hướng mở rộng mô hình, trước mắt là các hộ trong khu vực; hỗ trợ người dân trồng sen phát triển thêm các dịch vụ từ sen như du lịch sinh thái, chụp ảnh… để tăng nguồn thu từ trồng sen.
Đinh Chúc
Ninh Thuận: Khẩn trương khống chế dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại huyện Ninh Sơn
Nguồn tin: Báo Ninh Thuận
Ngày 31-8, UBND huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đã công bố dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thị trấn Tân Sơn. Như vậy, sau thời gian dài dịch bệnh được khống chế, tỉnh đã lần đầu tiên xuất hiện DTLCP trên địa bàn.
Xuất hiện đàn lợn bị dịch tả Châu Phi
Ngày 28-8-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp nhận thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Sơn, hộ ông Đỗ Tấn Đức, khu phố 1, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) có lợn bệnh đã qua điều trị nhưng không khỏi, chết rải rác. Qua xác minh và thông tin, theo khai báo từ chủ hộ, ngày 17-8, chủ hộ phát hiện có 2 con lợn nái xuất hiện triệu chứng như sốt, bỏ ăn. Chủ hộ tự điều trị nhưng không khỏi. Đến ngày 20-8, 2 lợn nái trên bị chết, khi chết xuất hiện thêm các triệu chứng như xuất huyết dưới da, hộc máu mũi, miệng. Từ ngày 21 đến 27-8, lợn tiếp tục chết rải rác và được chủ trại chôn trong khu vực đất của trại. Đến ngày 28-8, chủ trại báo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Sơn về tình hình dịch bệnh.
Lực lượng Thú y tiến hành lấy mẫu kiểm soát dịch bệnh tại hộ ông Đỗ Tấn Đức.
Nhận được thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm. Ngày 29-8, Chi cục Thú y vùng VI thông báo kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 29-8), tổng đàn lợn của trại là 354 con được nuôi trong 2 khu chuồng: khu chuồng thứ nhất có 157 con (gồm 30 lợn nái, 1 lợn nọc, 126 lợn cai sữa) và khu chuồng thứ 2 bên cạnh gồm 197 lợn thịt (trong đó lợn trên 70kg là 100 con, lợn dưới 70 kg là 97 con).
Ông Đỗ Tấn Đức cho biết: Ngày 15-8, gia đình có bán 30 con lợn thịt cho thương lái về lò mổ trên địa bàn huyện Ninh Sơn và thương lái đã dùng xe tải và nhân công của lò mổ đã vào trại để bắt lợn. Hai ngày sau, đàn lợn của trại phát bệnh, nên nhiều khả năng bị lây bệnh do mình chủ quan chưa thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào trại.
Sau khi có thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Ninh Sơn, UBND thị trấn Tân Sơn để thống nhất triển khai thực hiện các biện phảp xử lý ổ bệnh DTLCP tại họ ông Đỗ Tấn Đức. Theo đó, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn chết, nhiễm bệnh theo quy định. Ngày 29 và 30-8, đã tiêu hủy 15 con lợn của hộ ông Đức (13 lợn nái và 2 con mới cai sữa) với tổng trọng lượng là 4.276 kg, số lợn này nằm trong cùng 1 dãy chuồng thuộc khu nuôi có lợn chết có kết quả xét nghiệm dương tính, bằng phương pháp chôn tại khu đất rừng bên cạnh. Tổng đàn hiện còn lại là 339 con hiện vẫn bình thường (17 lợn nái, 1 con lợn nọc, 124 lợn con theo mẹ và cai sữa và 197 con lợn thịt).
Chiều 30-8, tại trại nuôi của hộ ông Nguyễn Kế Đăng Trường, kế bên trại của ông Đức cũng có biểu hiện bệnh tương tự và chết với số lượng 13 con, trọng lượng 282 kg. Lực lượng chức năng cũng đã tiếp tục tiêu hủy lợn số lợn bị chết của hộ ông Nguyễn Kế Đăng Trường. Như vậy, đến ngày 30-8, tổng cộng đã tiêu huy 25 con lợn của 2 hộ, với tổng trọng lượng 1.122 kg. Việc xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khẩn trương các biện pháp xử lý ổ dịch
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng và UBND huyện Ninh Sơn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy đinh. Thực hiện tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi hộ có lợn bệnh, hố chôn lợn bệnh và cắm biển báo và giăng dây cảnh báo nơi chôn lấp động vật mắc bệnh và tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng tại thị trấn Tân Sơn.
Cử cán bộ theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh tại hộ có lợn bị bệnh, các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn thị trấn Tân Sơn và các xã xung quanh, vùng có nguy cơ và vùng đệm.
Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới lực lượng chức năng và địa phương tiếp tục tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP. Thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dich, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài. Tổ chức kiểm soát, không để vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dich vùng bị dich uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan Thú y. Tổ chức thường xuyên việc tiêu độc khử trùng. Cụ thể, đối với thị trấn Tân Sơn, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với các xã vùng bị dịch uy hiếp là các xã tiếp giáp với thịt trấn Tân Sơn, như xã Lương Sơn, Quảng Sơn và Hòa Sơn, thực hiện việc tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
Đối với các xã vùng đệm, tiếp giáp vùng bị uy hiếp gồm xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, thực hiện việc tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dich. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân biết để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chăn nuôi an toàn sinh học.
Anh Tuấn
Giá heo hơi tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
So với cách nay hơn 2 tuần, giá heo hơi tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL tăng thêm khoảng 2.000-3.000 đồng/kg nhưng vẫn còn thấp hơn khoảng 12.000-13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Hiện giá heo con loại 9-12kg/con tại nhiều nơi có giá khoảng 800.000-1.000.000 đồng/con nhưng khó bán do ít người mua.
Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… giá heo hơi phổ biến từ 37.000-39.000 đồng/kg, tương đương 3,7-3,9 triệu đồng/tạ. Như vậy, trong hơn 1 tháng qua, giá heo hơi tại nhiều địa phương đã tăng tổng cộng trở lại khoảng 6.000-7.000 đồng/kg sau một thời gian giảm thấp do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều người chăn nuôi phải tranh thủ xuất bán đàn heo để tránh bị dịch bệnh. Gần đây, do lượng heo tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương giảm mạnh, giá heo hơi đã tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng giá của heo hơi vẫn còn hạn chế do sức tiêu thụ thịt trên thị trường tại nhiều nơi vẫn còn chậm và heo chủ yếu tiêu thụ nội địa chứ không có xuất khẩu như các năm trước. Theo nhiều hộ dân tham gia chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, với giá bán hiện nay, đa phần người chăn nuôi heo mới phá huề vốn hoặc chỉ có lời 100.000-200.000 đồng/con heo 100kg, chưa hấp dẫn người dân tái đàn phát triển nuôi heo chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020...
Tin, ảnh: VĂN CỘNG
Đồng Tháp: Nước tràn đồng, dân vùng đầu nguồn phấn khởi
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Những ngày cuối tháng 8/2019, nước lũ đã tràn ngập trắng xóa các cánh đồng của huyện đầu nguồn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).
Theo ngành chức năng, mực nước các sông lên nhanh trong những ngày qua là do ảnh hưởng của bão số 4 mang theo lượng mưa lớn cho khu vực đầu nguồn sông Mekong, phía thượng Lào, sau đó đổ về các nhánh sông đồng bằng sông Cửu Long - bổ sung nước tạo nên một mùa lũ muộn. Ngay khi lũ tràn đồng, nhiều ngư dân trên địa bàn các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) tất bật chuyển xuồng, dụng cụ đánh bắt cá mùa lũ đến các cánh đồng ngập nước để mưu sinh. Theo nhiều ngư dân kinh nghiệm với tình hình lũ về muộn như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn so với các năm trước, nhưng cũng giúp cho người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Dự kiến những ngày tới, mỗi ngày nước sẽ tăng thêm 5cm.
Tân Hợp
Hiếu Giang tổng hợp