Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 01 năm 2016

 

Giá mía tăng 30 ngàn đồng/tấn

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Theo nhà máy đường Biên Hòa – Trị An, từ ngày 1-1-2016, nhà máy tăng thêm 30 ngàn đồng/tấn mía. Theo đó, giá mía 10 chữ đường thu mua trên xe tại ruộng cho nông dân là 920 ngàn đồng/tấn, tương đương gần 1,2 triệu/tấn mía thu mua tại nhà máy. Dự kiến, từ sau Tết Nguyên đán 2016, để chia sẻ khó khăn với nông dân thu hoạch mía muộn hơn, nhà máy tiếp tục tăng thêm 20 ngàn đồng/tấn mía thu mua tại ruộng.

 

 

Thu hoạch mía tại xã Trị An

 

Năm nay, năng suất mía bình quân trồng trên địa bàn Đồng Nai đạt 60 tấn/hécta, tăng nhẹ so niên vụ trước, riêng diện tích mía trồng theo mô hình cánh đồng mẫu tại xã Trị An đạt năng suất từ 90 - 95 tấn/hécta. Niên vụ 2015 - 2016, nhà máy Biên Hòa – Trị An có thể đạt sản lượng chế biến từ 210 - 230 ngàn tấn mía, giảm nhẹ so với niên vụ trước do diện tích mía trên địa bàn tỉnh giảm hơn so với mọi năm.

 

Bình Nguyên

 

Hiệu quả mô hình trồng ớt vụ đông

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

 

Vụ đông năm nay, Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với xã Đức Minh thực hiện mô hình trồng ớt tại thôn Đạm Thủy Bắc, với diện tích 1ha gồm 2 hộ tham gia (mỗi hộ 5.000m2). Mô hình sử dụng giống ớt F1 C1102 và AD79 Thái Lan. Thời gian gieo ươm hạt từ ngày 11 - 18.8.2015 và đợt 2 từ ngày 15 - 20.8.2015.

 

 

Các đại biểu tham quan mô hình trồng ớt vụ đông tại thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức). Ảnh: N.K

 

Thời gian trồng từ ngày 13 - 16.9.2015, với lượng giống gieo ươm từ 7,5 - 8,5 gram cho 1 sào (500m2). Trung tâm Khuyến nông Mộ Đức đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng ớt và hỗ trợ 100% giống cùng với 50% vật tư, phân bón. Các hộ tham gia mô hình đã đầu tư thêm vốn và cố gắng thực hiện đúng quy trình sản xuất. Nhờ làm theo đúng quy trình kỹ thuật của khuyến nông hướng dẫn và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cây ớt sinh trưởng thuận lợi. Hiện tại ớt đang cho thu hoạch rộ; dự kiến thu hoạch đến tháng 3.2016.

 

Ông Ngô Thành, người trực tiếp tham gia mô hình cho biết: Trên diện tích ớt của ông đã trồng và đang thu hoạch năng suất thực thu trọn chu kỳ ước đạt 700kg/sào. Với giá hiện tại dao động từ 20.000 - 30.000đồng/kg, doanh thu tối thiểu đạt 14 triệu đồng/sào. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 4 triệu đồng/sào và lãi 40 triệu đồng/ha với thời vụ 3 tháng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.

 

Ngày 24.12.2015, Trung tâm khuyến nông huyện Mộ Đức đã tổ chức tổng kết mô hình này tại thôn Đạm Thủy Bắc (xã Đức Minh). Tất cả đại biểu và nhân dân sau khi trực tiếp đến tham quan mô hình tại đồng ruộng đã có chung một nhận xét: Đây là mô hình trồng ớt vụ đông ở vùng đất cát ven biển đạt hiệu quả rất tốt. Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: Mô hình đã mở ra cho bà con nông dân Mộ Đức một hướng đi mới, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng quỹ đất cát vùng ven biển hiện còn rất lớn. Huyện sẽ cùng với các xã tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định, để khuyến khích bà con nông dân yên tâm sản xuất, nhân rộng mô hình trồng rau vụ đông với quy mô ngày càng lớn hơn.

 

NGUYỄN KHÂM

 

Nghệ An: Nông dân Diễn Châu xuống đồng sản xuất lạc xuân

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Vụ xuân này, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cơ cấu trên 3.000 ha lạc, chủ yếu các lạc sen truyền thống và một số ít giống L14, L20. Hiện nông dân đang xuống đồng sản xuất lạc xuân đúng qui trình kỹ thuật.

 

 

Những năm gần đây, người dân Diễn Châu sử dụng cơ giới hóa để làm đất trồng lạc, việc làm đất bằng máy sẽ giảm được sức lao động đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất được khoảng 5 đến 7 ngày. Trong ảnh: Áp dụng kỹ thuật cấy rãnh gieo lạc bằng máy nhỏ ở Diễn Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Cảnh Yên

 

 

Qua 3 ngày gieo trồng từ ngày 1/1/2016 đến 4/1/2016, bà con đã gieo trồng được tới gần 50% diện tích, chủ yếu là giống lạc truyền thống sen thắt. Công việc gieo lạc phải thực hiện thủ công đảm bảo khoảng cách gieo từng hạt lạc.

 

 

Sau khi gieo lạc, bà con phủ ni lông để chống rét, giữ ẩm cho lạc, bảo vệ khỏi chuột bọ phá hại. 90% diện tích lạc xuân ở Diễn Châu đểu được phủ nilon.

 

 

Chị Nguyễn Thị Ba - một nông dân Diễn Thành cho biết: Do là vùng đát cát ven biển dễ bị hạn hán, gió lào vào cuối vụ lá lạc thường bị cháy nên bà con tranh thủ gieo sớm để né tránh hạn hán. Bên cạnh đó thì gieo sớm để phục vụ lạc tươi cho khu du lịch biển vào mùa. Việc phủ ni lông cũng cần phải đúng qui trình kỹ thuật và sau khi phủ xong chèn đất hai bên luống lại để ni lông khỏi bay.

 

 

Dự kiến đến giữa tháng 1/2016, Diễn Châu sẽ khép kín toàn bộ diện tích lạc xuân. Toàn bộ lạc sau khi gieo đều được phủ nilon.

 

 

Năm 2015, lạc Diễn Châu được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi đầu tư cho vụ xuân 2016. Trong ảnh, bà con xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) chăm sóc lạc. Ảnh: Trần Cảnh Yên.

 

Mai Giang

 

Sóc Trăng dẫn đầu trồng lúa thơm cho hiệu quả cao

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2015 tỉnh này có gần 120.000ha đất trồng lúa thơm và trở thành địa phương có diện tích trồng lúa thơm nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Đây là kết quả từ việc thực hiện đề án “Phát triển sản xuất lúa đặc sản” trong 4 năm qua với tổng kinh phí đầu tư hơn 11,6 tỷ đồng. Trong đó, các giống lúa thơm ST vẫn là chủ lực, kế đến là lúa Tài Nguyên mùa và một số lúa thơm nhẹ khác.

 

Được biết, các giống lúa thơm này đã được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh, nhất là các giống lúa ST. Cụ thể, nông dân bán lúa ST5 trên thị trường giá cao hơn so với lúa thường từ 500 - 700 đồng/kg, lúa ST20 giá cao hơn từ 1.200 - 1.500 đồng/kg, giống lúa Tài Nguyên mùa giá cao hơn từ 1.000 - 1.200 đồng/kg (tùy thời điểm). Trong đó, giá xuất khẩu một số giống lúa ST đã vượt ngưỡng 600USD/tấn, cao hơn mặt bằng bình quân khoảng 200USD/tấn.

 

Đặc biệt, nông dân đã thực hiện mô hình áp dụng các biện pháp sinh học bảo vệ thực vật (BVTV); cánh đồng mẫu theo hướng VietGAP... Các mô hình áp dụng tổng hợp các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa đặc sản và quản lý dịch hại theo hướng bền vững giúp giảm nguy cơ về thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và tạo sản phẩm an toàn...

 

Cao Phong

 

Một số giải pháp xử lý ngộ độc mặn cho cây lúa

 

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

Phòng ngừa ngộ độc mặn được thực hiện ngay từ đầu vụ, vì giai đoạn mạ cây lúa rất mẫn cảm với độ mặn.

 

 

Lúa bị cháy lá do ngộ độc mặn

 

Các giống lúa chịu mặn hiện nay, thông thường chịu được độ mặn khoảng 3 - 4‰, một số giống chịu được cao hơn như: Một Bụi Đỏ chịu được độ mặn 6‰ này được tính là độ mặn trong đất. Do đó nếu đất ngọt mà có nước mặn xâm nhập vào cũng không ảnh hưởng đáng kể đến cây lúa nếu như không để ruộng lúa bị khô. Do vậy cần giữ mực nước ngọt 3 - 5cm trên mặt ruộng, nếu ruộng khô, nước ruộng bay hơi làm nước mặn sẽ theo các mao dẫn dâng lên, làm tăng dần độ mặn của đất dẫn tới cây lúa sẽ bị ngộ độc mặn.

 

Khi thấy nước có nguy cơ cạn trên ruộng lúa ở nền đất nuôi tôm, nếu không có mưa hoặc không có nước ngọt, có thể tiến hành đưa nước có độ mặn 5 - 6‰ vào ruộng để tránh độ mặn xâm nhập vào trong đất khi ruộng bị khô cạn, nhưng lưu ý khi đưa nước mặn vào phải đưa liên tục 2 – 3 ngày sau đó bơm ra đưa nước khác vào, vì nếu để lâu nước bốc hơi và độ mặn lại tiếp tục tăng lên gây hại cho cây lúa.

 

* Biểu hiện ngộ độc mặn

 

Có 2 triệu chứng ngộ độc mặn gây ra trên cây lúa:

 

- Biểu hiện trực tiếp: các độc chất Na+ sẽ làm cho chóp lá bị cháy, do khi cây lúa hút nước mặn thải ra ở chóp lá sẽ đọng lại những độc chất Na+ (muối), dưới tác động của ánh nắng mặt trời sẽ làm cho lá lúa bị cháy từ chóp lá.

 

- Biểu hiện gián tiếp: Na+ trong đất và nước sẽ làm cho rễ cây lúa không hút được nước, dẫn tới không hút được đạm và kali, do đó khi bị ngộ độc mặn cây lúa sẽ thiếu đạm và kali.

 

Vào giai đoạn lúa trỗ, quan sát thấy 2 vỏ trấu màu trắng, không có hạt do không thụ phấn được là biểu hiện cây lúa bị ngộ độc mặn.

 

* Phòng ngừa ngộ độc mặn

 

- Thăm đồng thường xuyên và củng cố đê bao ngăn mặn. Vào thời điểm triều cường từ biển vào rất mạnh, nếu bờ đê giữ không tốt thì mặn sẽ xâm nhập vào, nên phải củng cố đê bao thật tốt. Nếu để ruộng khô nứt nẻ thì nước mặn sẽ xâm nhập theo những kẽ nứt nẻ đó vào ruộng lúa.

 

- Đối với vùng luân canh tôm - lúa, sau khi thu hoạch lúa xong, chuẩn bị nuôi tôm không để đất khô nứt nẻ quá vì như vậy nước mặn sẽ thẩm thấu dần theo các vết nứt xâm nhập lên tầng đất mặt.

 

- Khuyến cáo nông dân kinh nghiệm để kiểm tra độ mặn trong đất: tiến hành đào một hay vài hố trên ruộng lúa trước khi xuống giống, sau khi tháo hết nước trên ruộng, múc hết nước từ hố ra, để cho nước trong đất rỉ ra hố và dùng dụng cụ đo độ mặn để xác định độ mặn, nếu độ mặn còn 1 – 2‰ thì chưa nên xuống giống bởi vì khi hạt giống đang nảy mầm, gặp độ mặn thì mầm lúa sẽ bị quăn lại.

 

- Nếu đất mặn không bị phèn thì bón Ca(SO4)2, ở đồng bằng sông Cửu Long thông thường là mặn kèm theo phèn nên tốt nhất là bón vôi nung, liều lượng 30 - 50 kg/1.000m2, khi làm đất bón vôi, đưa nước vào ruộng cho vôi hòa ra đẩy mặn đi sau đó tháo nước ra, rồi đo độ mặn, nếu độ mặn dưới 1‰ thì mới an toàn để tiến hành chuẩn bị cho việc gieo sạ.

 

- Phòng ngừa ngộ độc mặn được thực hiện ngay từ đầu vụ, vì giai đoạn mạ cây lúa rất mẫn cảm với độ mặn. Trong giai đoạn cây lúa làm đòng, trỗ nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hạt lúa, ngộ độc mặn nặng sẽ dẫn đến thất thu. Biện pháp giải độc mặn cho cây lúa giai đoạn này là có thể theo dõi triều cường đưa nước ngọt vào cứu lấy cây lúa.

 

* Kinh nghiệm theo dõi triều cường để đưa nước ngọt vào giải độc mặn cho cây lúa

 

Ở đồng bằng sông Cửu Long nước trong nội đồng là nước ngọt, khi nước ròng thì nước từ trong nội đồng đi ra biển là nước ngọt, khi triều cường dâng lên, nước từ biển đi vào nội đồng là nước mặn, nên bà con cần theo dõi đến khi nước ròng thì múc nước lên đo độ mặn, nếu độ mặn dưới 1 – 2‰ thì đưa máy bơm nước vào ruộng, khi triều cường lên lại đo độ mặn nếu độ mặn cao hơn thì ngừng đưa nước vào ruộng.

 

Lưu ý: Nước mặn nặng và nằm ở tầng dưới, nước ngọt nằm ở tầng trên, nên khi bà con múc nước ở tầng trên lên đo độ mặn, mà đưa máy bơm sâu xuống lấy nước thì sẽ bơm nước có độ mặn hơn nước ở tầng trên.

 

Võ Thị Ngọc Thanh - Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL (Theo PGS. TS. Nguyễn Bảo Vệ - Nguyên giảng viên Khoa nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ)

 

Triển vọng từ mô hình trồng cao su và nuôi bò dưới tán rừng nghèo

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Dự án trồng cây cao su và nuôi bò trên đất rừng nghèo của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đang phát huy hiệu quả tích cực. “Cơ ngơi” sau 5 năm đầu tư vào lĩnh vực này là rừng cao su xanh tốt đang vào thời kỳ cho mủ, trang trại chăn nuôi bò sinh sản dưới tán rừng lên đến gần 3.000 con.

 

Bạt ngàn cao su...

 

Trong khi nhiều diện tích rừng chuyển sang trồng cao su bị rơi vào cảnh phát triển èo uột, kém hiệu quả thì dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo được giao cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo đang mở ra nhiều triển vọng phủ xanh rừng nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sau 5 năm, kể từ năm 2010, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk chính thức đưa cây cao su lên trồng trên đất rừng nghèo kiệt tại Ea H’leo, đến nay cao su đang phát triển hơn cả mong đợi, bước đầu đã cho thu hoạch. Ông Đỗ Thái Cơ, Tổng Giám đốc Công ty khẳng định, cao su đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống và sinh trưởng cao, hiện nay một số diện tích đã bảo đảm cho khai thác mủ, nhờ đó, đời sống của người lao động đang có những chuyển biến tích cực.

 

 

Một vườn cao su tại nông trường của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk.

 

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để phát triển cây cao su tại xã Ea H’leo; đến nay đã có tổng cộng 2.200 ha cao su với quy mô hai nông trường sản xuất. Canh tác trên vùng đất khó, khô cằn, thời tiết lại khá khắc nghiệt, để giữ nước cho cây trong mùa khô, năm 2012 công ty đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu và đưa vào công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp nước dễ thẩm thấu vào cây - bước đi tưởng chừng như “nghịch lý” trong giới trồng cao su lại phát huy hiệu quả không ngờ. Nhờ đó, cây đã cho mủ trước thời hạn so với lộ trình đề ra; đến nay, một số vườn cao su đã cho thu hoạch với chất lượng mủ không kém gì cao su ở vùng Đông Nam Bộ.

 

Việc phát triển cây cao su tại đây đã tạo công ăn việc làm cho 100 lao động địa phương làm việc thường xuyên và 300 lao động thời vụ, trong đó, có hơn 60% là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Đơn vị cũng đã đầu tư nhà làm việc, sân thể thao, khu nhà ăn, nhà ở công nhân, sân bãi, kéo đường điện, đưa nước về cho bà con… với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Để ổn định chỗ ở, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác, cứ hai vợ chồng làm công nhân thì được công ty xây dựng cho một căn nhà cấp 4 trị giá 60 triệu đồng và tính đến thời điểm này đã có 51 mái nhà mọc lên. Từ Quốc lộ 14, đường rẽ vào nông trường cao su của Hoàng Anh nay đã được trải nhựa thẳng tắp, hai bên đường rừng cao su bạt ngàn ôm lấy “làng công nhân”. Điện kéo về tận ngõ, cánh rừng nghèo hoang vắng ngày nào giờ đã là một “làng xanh” đầy sức sống, bạt ngàn của cao su.

 

... Và triển vọng từ dự án nuôi bò dưới tán rừng

 

Đi dọc theo nông trường của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk rất dễ thấy từng đàn bò ung dung gặm cỏ dưới tán rừng. Trước biến động của giá mủ cao su, để ổn định sản xuất, tháng 4-2015, đơn vị quyết định mở rộng ngành nghề, và nuôi bò dưới tán rừng là lựa chọn tối ưu để tận dụng quỹ đất rừng nghèo, có nguồn phân để bón cho cây trồng, quan trọng hơn việc trồng cỏ nuôi bò đã hạn chế đáng kể tình trạng rữa trôi, xói mòn đất. Mô hình được đánh giá là tận dụng tốt quỹ đất đai, đồng cỏ, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.

 

 

Trang trại chăn nuôi bò sinh sản tại Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk.

 

Tính đến nay, công ty đã đầu tư gần 90 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, con giống, đồng cỏ, xưởng chế biến thức ăn… Trên diện tích 355 ha, xung quanh được đơn vị rào chắn cẩn thận để nuôi bò dưới tán rừng với đàn bò sinh sản gần 3.000 con. Đây được coi là một trong những đàn bò có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Lắk tính đến thời điểm hiện nay. Theo ông Đỗ Thái Cơ thì giống bò này được nhập từ Úc, giá thành cao nhưng trọng lượng lớn, khả năng sinh sản và sức đề kháng tốt. Bên cạnh nguồn thức ăn tự nhiên, trên diện tích 280 ha đất, công ty tiến hành trồng cỏ để chủ động được nguồn thức ăn cho bò, riêng nguồn phân bò thì được ủ thành phân hữu cơ để bón cho cao su và cỏ. Để bảo đảm đàn bò phát triển khỏe mạnh, không bị lây nhiễm bệnh thì mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh ở đây được thực hiện đầy đủ, công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại được làm thường xuyên và nghiêm ngặt. Việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã giúp đàn bò phát triển tốt, sinh sản nhanh. Lứa bê đầu tiên gần 200 con ra đời là tín hiệu khả quan để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Theo hướng phát triển này, đến năm 2017, dự án bò của Hoàng Anh Đắk Lắk tại huyện Ea H’leo sẽ có 3.550 con bò sinh sản, 72.000 con bò thịt và 28.000 bò sữa.

 

Với sự chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su và nuôi bò có thể nói, mô hình nông lâm kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi này của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, bảo đảm tính bền vững; vừa bảo vệ, cải tạo rừng, vừa hình thành lên điểm dân cư mới, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đỗ Lan

 

Sông Hinh (Phú Yên): Giống mía KK3 ước đạt năng suất 120 tấn/ha

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

Ông Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, cho biết niên vụ mía 2015 - 2016, trung tâm triển khai mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp với diện tích 5ha tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh).

 

Giống mía trồng trong mô hình là KK3 có nguồn gốc từ Thái Lan, hiện nay cây mía ở giai đoạn 9 tháng tuổi, đạt 12 lóng. Ước tính năng suất mía của các hộ tham gia mô hình đều đạt trên 120 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với năng suất mía của các ruộng đối chứng ngoài mô hình.

 

Ngoài ra, mô hình còn áp dụng phương pháp trồng mía bằng máy, khoảng cách trồng hàng đơn từ 1 - 1,2m. Phương pháp này tiết kiệm được chi phí công trồng 2 triệu đồng/ha so với phương thức trồng thủ công truyền thống. Hơn nữa, việc trồng mía bằng máy giúp rút ngắn thời gian, nhờ vậy độ ẩm đất đồng đều trên toàn ruộng, mía mọc đều và sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại.

 

LÊ TRÂM

 

Trung tâm giống đầu tư lò sấy lúa hiện đại nhất ÐBSCL

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau Phạm Văn Mịch cho biết, trung tâm (nằm trên địa bàn ấp 14, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) vừa trang bị một lò sấy lúa giống đảo chiều, với mức đầu tư trên 200 triệu đồng. Lò có công nghệ hiện đại, tự động hoàn toàn, công suất sấy khô 15 tấn lúa giống/ngày. Khi đưa lò vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thấy rõ, do rút ngắn được thời gian phơi sấy, giảm công lao động, đặc biệt, không còn lượng lúa giống bị ẩm ướt như những năm trước đây.

 

Đây là loại lò sấy lúa hiện đại nhất hiện nay của Việt Nam sản xuất, lần đầu tiên đưa vào sử dụng ở khu vực ĐBSCL./.

 

Huy Toàn

 

Mất mùa, mãng cầu xiêm sẽ khan hiếm trong dịp Tết?

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Mãng cầu là loại trái cây không thể thiếu trên mâm ngũ quả của người dân Nam bộ trong những ngày xuân về, nên nhu cầu mãng cầu xiêm trong những ngày cận Tết thường tăng, giá cả cũng tăng theo. Tuy nhiên, vụ mãng cầu xiêm Tết Nguyên đán năm 2016 ở vùng chuyên canh huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) lại mất mùa, sản lượng giảm mạnh nên dự báo mãng cầu xiêm trong những ngày cận Tết năm nay sẽ khan hiếm, giá cả cao hơn mọi năm.

 

Ông Trần Văn Ngon, nông dân trồng mãng cầu xiêm ở xã Tân Phú, cho biết, năm nay mưa đến muộn nhưng lại kết thúc sớm so với mọi năm nên vụ mãng cầu xiêm Tết cho năng suất không cao. Gia đình ông đã dùng nhiều biện pháp kỹ thuật xử lý cây mãng cầu xiêm nhưng mãng cầu vẫn không ra hoa hoặc ra hoa rất ít, không đúng vào dịp Tết. Ở địa phương này, không chỉ gia đình của ông Ngon mà hầu như đa số bà con trồng mãng cầu xiêm tại huyện Tân Phú Đông đều bị trễ vụ Tết, sản lượng giảm hơn 50% so với Tết Nguyên đán năm 2015.

 

"Năm nào cũng vậy, bà con trồng mãng cầu xiêm của chúng tôi rất kỳ vọng vào vụ Tết do giá vụ này thường cao hơn rất nhiều so với ngày thường, thị trường tiêu thụ rất mạnh. Điều đáng chú ý, thị trường mãng cầu chưng Tết không cần mãng cầu già mà chỉ chuộng những trái còn non để chưng trên mâm ngũ quả lâu hơn. Do đó, vào thời điểm này, nông dân trồng mãng cầu xiêm có thể tỉa bớt những trái đẹp còn non để cung cấp cho người chưng mâm ngũ quả, vừa có thêm thu nhập sắm sửa cho ba ngày Tết, vừa giúp cho những trái mãng cầu xiêm còn lại to, đẹp hơn", ông Ngon chia sẻ.

 

 

Năm nay, mãng cầu xiêm mất mùa, nên dự báo giá sẽ cao hơn mọi năm. (Ảnh chụp tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).

 

Ông Lê Văn Ba, nông dân trồng mãng cầu xiêm trên diện tích hơn 4.000 m2 ở xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông) cũng cho biết, vụ mãng cầu Tết năm 2015, gia đình ông thu được hơn 15 triệu đồng nhờ bán cho thương lái cung cấp cho thị trường chưng trên mâm ngũ quả trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, dù áp dụng nhiều biện pháp xử lý như các năm trước nhưng số lượng cây mãng cầu xiêm ra hoa rất ít và trễ hơn so với mọi năm nên coi như năm nay không có mãng cầu bán Tết. Đối với số cây mãng cầu cho trái sau Tết, giá cả thường thấp hơn vụ Tết, thậm chí còn có thể bị thương lái ép giá do thu hoạch nhiều.

 

Theo nhiều nông dân trồng mãng cầu xiêm ở huyện Tân Phú Đông, thông thường phải mất từ 5 - 6 tháng kể từ khi ra hoa mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng hiện nay hầu hết các vườn mãng cầu xiêm mới trong giai đoạn ra hoa, số ít cho trái non phải 3-4 tháng nữa mới cho thu hoạch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời tiết thất thường gây ảnh hưởng đến sự ra hoa, kết trái của mãng cầu xiêm. Hơn nửa, vụ mãng cầu xiêm năm nay kết thúc muộn hơn so với mọi năm, kéo theo vụ mãng cầu xiêm Tết năm nay cũng trễ hơn.

 

Theo ông Trần Minh Mẫn, Tổ trưởng Tổ hợp tác mãng cầu xiêm huyện Tân Phú Đông, mặc dù vụ mãng cầu xiêm năm nay không kịp tỉa bớt trái bán thị trường chưng Tết nhưng bà con nông dân cần phải chủ động loại bỏ bớt những trái xấu để bảo vệ cây, tránh ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ cây. Bên cạnh đó, bà con cũng cần phải chủ động nguồn nước để bảo vệ vườn mãng cầu xiêm vượt qua mùa khô hạn thời điểm sau Tết.

 

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phú Đông, mãng cầu xiêm được ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương xác định là loại cây trồng chủ lực ở huyện cù lao Tân Phú Đông. Đến nay, toàn huyện có hơn 800 ha mãng cầu xiêm, tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh… Ngày 30-7-2015, Tổ hợp tác (THT) Kinh tế mãng cầu xiêm xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên diện tích trồng mãng cầu xiêm gần 13,2 ha/25 hộ. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nhằm phát triển bền vững nghề trồng mãng cầu xiêm ở địa phương này.

 

Trước những diễn biến của nguồn cung mãng cầu tại huyện Tân Phú Đông có thể dự đoán lượng mãng cầu xiêm vụ Tết Bính Thân 2016 sẽ giảm mạnh, giá cả tăng cao hơn năm ngoái. Do đó, dù mãng cầu xiêm trễ vụ Tết nhưng hy vọng với giá cao sẽ giúp nông dân trồng mãng cầu xiêm có được thu nhập khá, giúp họ đón một cái Tết cổ truyền thật đầm ấm, sung túc.

 

THÀNH CÔNG

 

Lục Ngạn: Năng suất cam tăng nhờ phân bón mới

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) phối hợp với Công ty Phân bón Việt - Nhật tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình sử dụng phân bón NPK do Công ty sản xuất trên cây cam Vinh, cam Đường Canh tại xã Tân Quang (Lục Ngạn).

 

 

Vườn cam Đường Canh sử dụng phân bón NPK Việt - Nhật của gia đình ông Trần Khắc Năm thôn Trường Sinh, xã Tân Quang.

 

Sau 1 năm thử nghiệm cho thấy, cam sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, quả tròn đều, mã đẹp, mọng nước, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất ước đạt gần 30 tấn/ha, tăng gấp đôi so với sử dụng phân bón thông thường.

 

Kết quả bước đầu của mô hình là cơ sở để các hộ dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn áp dụng nhân rộng. Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty trình diễn mô hình sử dụng phân bón NPK Việt - Nhật trên một số đối tượng cây trồng khác.

 

Ngọc Tâm

 

Tiền Giang: Mở rộng diện tích chuyên canh dứa (khóm) nguyên liệu lên trên 16.000 ha

 

Nguồn tin: Tiền Giang

 

Hiện nay, Tiền Giang đã mở rộng diện tích chuyên canh dứa nguyên liệu tại huyện Tân Phước trong vùng Đồng Tháp Mười lên trên 16.000 ha, tăng hơn gần 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước, cho sản lượng hàng năm khoảng 300.000 tấn quả, phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

 

 

Thu hoạch khóm ở Tân Phước.

 

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, dứa là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thiên nhiên khắc nghiệt Đồng Tháp Mười (Tiền Giang). Trong năm vừa qua, giá dứa luôn đứng ở mức cao, từ 4.000 đ/kg đến 6.000 đ/kg tùy theo thời điểm, lúc trái vụ, hút hàng, giá dứa lên trên 8.000 đ/kg. Với mức năng suất bình quân 19 - 20 tấn/ha, những nông dân sản xuất giỏi đạt đến 30 tấn/ha, mỗi ha dứa cho giá trị sản lượng 80 triệu đồng đến 120 triệu đồng, trừ chi phí, bà con còn lãi 40 - 50%.

 

Nhờ cây dứa, nhiều nông dân vào khai hoang, lập nghiệp đã có cuộc sống ổn định. Điển hình như ông Nguyễn Thành Hiển, nông dân giỏi tiêu biểu của huyện Tân Phước. Gia đình ông khai hoang trồng 3 ha dứa tại xã Phú Mỹ. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, xử lý cho trái theo ý muốn, mỗi năm ông đạt sản lượng 60 tấn quả, thu lợi nhuận ròng từ 180 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.

 

Hiện nay, 100% diện tích dứa chuyên canh đều có đê bao ngăn lũ bảo vệ, đảm bảo phòng tránh thiên tai, chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như thuận tiện để áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP.

 

Nhờ vậy, huyện Tân Phước đã kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 20% năm 2014 xuống còn 16,4% hiện nay. Đặc biệt có xã Tân Hòa Thành là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015.

 

Mộng Tuyết

 

Hiểu đúng về chất làm chín trái cây Ethephon

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Buổi tọa đàm “Đánh giá đúng chất làm chín trái cây Ethephon và vấn đề công nghệ sinh học đối với ngành nông sản chế biến” do Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại Việt Nam và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tuần qua tại TPHCM đã làm rõ hơn vai trò, tác dụng cũng như để minh oan hoạt chất làm chín trái cây Ethephon.

 

Sự nhầm lẫn đáng tiếc

 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng không có sự bàn cãi về công dụng hữu ích của Ethephon trong việc làm chín trái cây để tạo ra lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường và xuất khẩu. 20 năm trước, dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Cộng hòa Liên bang Nga vào Việt Nam” đã được tiến hành và hội đồng khoa học đánh giá, thống nhất đưa chất Ethephon vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, không phải là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

 

GS-TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký các ngành sinh học Việt Nam, giải thích rõ hơn: Khác với các chế phẩm hóa học, Etylen là chất điều tiết sinh trưởng được sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh và đều, không độc hại, không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản và môi trường.

 

Tiến sĩ khoa học Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học Nhiệt đới, tác giả Dự án cấp Nhà nước “Sản xuất thử nghiệm Ethephon - Viện Khoa học công nghệ Việt Nam” năm 2006, cho biết Ethephon đã và đang mang lại nhiều giá trị lớn cho ngành nông nghiệp thế giới, trong đó có Việt Nam. Ethephon được sử dụng ở tất cả các nước, góp phần đáng kể cho nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa: Điều khiển quá trình ra hoa kết trái cây trồng theo ý muốn như rải vụ và trái vụ, không để trái cây chín tập trung thời gian ngắn, dễ bị rớt giá; phục vụ cho xuất khẩu quanh năm (như xoài, nhãn, thanh long…); sử dụng hiệu quả thành tựu cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chống thất thoát, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trái cây có khả năng cạnh tranh được với trái cây của các nước trong khu vực… Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón (số 36/2010/TT-BNNPTNT). Trong ngành cao su, chất này còn có tác dụng tăng sản lượng mủ lên 30% - 40%.

 

 

Nông sản không bị ảnh hưởng đến chất lượng khi sử dụng Ethephon hợp lý (Ảnh: Cao Thăng)

 

Là doanh nhân đi đầu về chế biến và xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cho rau quả, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa gắn với xuất khẩu, không thể không ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không thể chờ từng trái cây chín để sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối. Thái Lan, Đài Loan đã đi trước Việt Nam cũng từ việc sử dụng hiệu quả chất Ethephon để tạo ra sự đồng đều của trái, cả về kiểu dáng và độ chín. Hơn 75% chuối các nước nhiệt đới xuất khẩu đến quốc gia vùng ôn đới sử dụng Ethephon để dễ dàng cho việc vận chuyển.

 

Nhúng hay phun chỉ là cách áp dụng

 

GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp, cho biết khoa học đã chứng minh tác động của Ethephon đến các quá trình sinh trưởng khác nhau của cây trồng như: sự phát triển và chín của quả; kích thích sự tiết nhựa (cây cao su), ức chế sinh trưởng, sự ngủ nghỉ của giống; sự phân hóa, sinh trưởng của rễ cây; sự rụng lá; sự ra hoa, sự phân hóa giới tính của hoa (hoa cái của cây họ bầu bí)… Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết thêm, Ethephon được loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa sạch. Điều quan trọng là sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, đúng giai đoạn, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không nên dùng Ethephon ép chín trái cây quá nhanh, 1 - 2 ngày thay vì nên 3 - 4 ngày.

 

Với Ethephon, những đại lý hay chủ cơ sở nhỏ và vừa không có điều kiện xây dựng nhà xử lý bằng cách phun (xông) khí Ethephon mà dùng chất lỏng để nhúng trái cây vào. Theo GS-TS Nguyễn Lân Hùng, việc nhúng hay phun chỉ là phương pháp, áp dụng đều được. Người trồng sầu riêng hay trái cây khác ở Thái Lan cũng nhúng Ethephon để trái chín đều. Theo ông Tạ Minh Tuấn (Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Vinafruit), do đi sau nên nhà kinh doanh Việt Nam thường hay tìm hiểu cách làm của Thái Lan, Đài Loan để áp dụng. Nhưng trong bối cảnh mọi người lo sợ về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi trái cây Trung Quốc cũng đã “nhúng” không phải chất Ethephon mà là hóa chất bảo vệ thực vật (như thuốc diệt nấm hay diệt cỏ thuộc nhóm độc, phân hủy chậm) trước khi bán sang Việt Nam đã gây ra sự phản cảm nếu không được giải thích rõ ràng. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - SOFRI) cho rằng có sự hiểu sai khi đánh đồng chất điều hòa sinh trưởng Ethephon với hóa chất bảo vệ thực vật, hay do tình trạng nhập lậu hàng trôi nổi từ Trung Quốc, nhãn mác tự dán ghi chất thúc chín trái cây. Một số doanh nghiệp ghi không đúng chức năng của Ethephon, hoặc trộn với hóa chất khác và quảng cáo có thể dùng nhiều mục đích như phân bón lá, giấm chín (thúc chín) trái cây... để bán. Vì vậy, Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị, nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng, tránh tạo ra tâm lý xa lánh hàng Việt, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Cần phân biệt Ethylen và Acetylen. Acetylen chính là đất đèn mà nông dân thường dùng để làm chín trái cây, trong đất đèn có chứa arsenic và phosphorus, khi gặp nước đất đèn tạo mùi hôi khó chịu, dễ cháy, nổ. Đất đèn cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây nhức đầu, chóng mặt… bị nhiều nước cấm sử dụng.

 

Một trong những chất tham gia vào quá trình làm chín trái cây trong tự nhiên là Ethylen, một hormone thực vật dạng khí. Hormone sinh trưởng tự nhiên này được hình thành ngay từ trong cây, làm già hóa và rụng hoa quả, gây chín. Lợi dụng đặc tính này, nhà khoa học sản xuất chất ethylen nhân tạo để xử lý làm cho trái cây mau chín. Ethephon trong thương mại có nhiều tên khác nhau tùy theo hãng sản xuất. Trong thực vật, Ethephon kết hợp với nước sẽ chuyển hóa thành khí ethylen.

 

CÔNG PHIÊN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop