Tự phát trồng thanh long ruột đỏ: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Thanh long là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Những năm gần đây, lượng thanh long, cả ruột trắng và ruột đỏ, được xuất khẩu ngày một tăng. Do giá thanh long ruột đỏ cao hơn nên nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ các vườn thanh long ruột trắng để trồng loại ruột đỏ. Khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, việc phát triển trồng thanh long ruột đỏ ồ ạt tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có định hướng thị trường.
Phát triển trồng thanh long ruột đỏ ồ ạt được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Ngũ Hiệp
Diện tích thanh long ruột đỏ tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản xuất thanh long tập trung tại Bình Thuận, Tiền Giang và Long An với diện tích khoảng 30 nghìn héc ta, chiếm hơn 92% diện tích và khoảng 98% sản lượng thanh long cả nước, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung giá trị cao. Tại miền Bắc, hiện có 21 tỉnh, thành phố trồng loại cây này nhưng rải rác, nhỏ lẻ với tổng diện tích trên 1.000ha. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Vài năm gần đây, tại "thủ phủ thanh long" Long An và Tiền Giang, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ cây thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ. Nguyên nhân chính là do nông dân thấy cây thanh long ruột trắng trồng lâu năm, dễ nhiễm bệnh, năng suất thấp, trong khi giá thanh long ruột đỏ luôn cao hơn so với thanh long ruột trắng. Kiểm tra tình hình sản xuất thanh long tại một số địa phương cho thấy, có vườn thanh long ruột trắng diện tích trên 1ha đã gần 10 năm tuổi cũng bị chặt bỏ. Khi được Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT hỏi về việc phát triển thanh long ruột đỏ, ông Võ Văn Thông ở Ấp 5, xã Phướng Tân Hưng, huyện Châu Thành (Long An) đã thẳng thắn cho biết: Gia đình ông trồng khoảng 1ha thanh long ruột trắng gần 3 năm nay, giữa năm 2015 ông vẫn quyết định phá bỏ để trồng thanh long ruột đỏ vì chi phí sản xuất thấp và bán được giá cao hơn.
Tại diễn đàn bàn về định hướng phát triển cây thanh long mới đây do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, ông Võ Văn Vấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Long An) cũng cho biết: Gần đây nhiều nông dân đã chặt bỏ cây thanh long ruột trắng và chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ vì bán được giá cao. Do vậy, diện tích thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện đang tăng mạnh và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Theo ông Vấn, hiện toàn huyện có khoảng trên 6.400ha thanh long, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm 3.300ha. Hầu hết thanh long của tỉnh đều chỉ xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, dù giá thanh long ruột trắng giảm nhưng người trồng thanh long vẫn có lãi. Việc phát triển tự phát thanh long ruột đỏ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên các tỉnh, thành phố cần có chiến lược và định hướng thị trường cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhận định, tuy giá thanh long ruột đỏ tăng cao, nhưng các địa phương nên vận động nông dân không nên ồ ạt chuyển đổi. "Thực tế thanh long ruột trắng vẫn đang cho thu nhập tốt, trong khi thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ không có gì bảo đảm tính bền vững nên người dân cần phải cân nhắc kỹ…" - ông Hòa khuyến cáo.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: Các địa phương cần rà soát quy hoạch trồng thanh long trên địa bàn, xác định cụ thể diện tích phân bổ đến xã, thị trấn; gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; tăng cường công tác quản lý chỉ đạo phát triển thanh long theo đúng quy hoạch, không phát triển tràn lan, theo phong trào… Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại phù hợp, bảo đảm yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Đỗ Minh
Vĩnh Long: Sầu riêng đầu mùa rớt giá
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo một số tiểu thương, tuy chỉ mới vào đầu mùa nhưng giá sầu riêng giảm mạnh so với 2 tháng trước.
Nhiều tiểu thương cho biết, không những giá giảm mà khách mua sầu riêng cũng ít
Cụ thể, sầu riêng Ri 6 loại 1 giá 45.000 - 55.000 đ/kg, sầu riêng sữa 45.000 - 50.000 đ/kg, sầu riêng khổ qua xanh 15.000 - 20.000 đ/kg... sức mua cũng chỉ tăng nhẹ. Hiện lượng sầu riêng tại vườn cũng không còn nhiều, khoảng tháng 4 âl mới rộ. Nhiều vườn sầu riêng ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) bị ảnh hưởng hạn mặn nên năng suất, chất lượng cũng giảm.
Chị Võ Thị Cẩm Hồng- tiểu thương bán sầu riêng Chợ Vĩnh Long cho biết: Mọi năm giá sầu riêng đầu mùa luôn ở mức cao, có khi lên đến 80.000 - 85.000 đ/kg, thương lái tranh nhau đặt cọc với nhà vườn. Năm nay giá sụt mạnh, chất lượng trái cũng không bằng mọi năm, mỗi ngày bán được khoảng 100 kg, giảm hơn năm trước 40%.
Theo nhiều chủ vựa, sầu riêng rớt giá do thương lái Trung Quốc hạn chế nhập hàng.
THẢO NHI
Vườn cây trái xác xơ vì hạn, mặn
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Vườn cây ăn trái là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, thế nhưng hiện nay hạn hán và xâm nhập mặn tấn công trên diện rộng khiến nhiều diện tích vườn bị rụng bông, không đậu trái, khô héo lá… nguy cơ thiệt hại rất lớn. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và người dân đang dồn sức bảo vệ vườn cây ăn trái trước cơn đại hạn…
Trắng tay vì mất mùa
Có mặt ở “vương quốc trái cây” huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ dân phập phồng lo âu khi nước mặn uy hiếp vườn cây ăn trái. Ông Nguyễn Văn Qui, ngụ ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, chua chát nói: “Mấy chục năm chuyên canh cây ăn trái nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng nước mặn bao vây nhiều như năm nay. Dù đã được ngành nông nghiệp thông báo tình hình mặn xâm nhập sâu, nhưng do đê bao bị rò rỉ, điều kiện dự trữ nước ngọt khó khăn nên vườn chôm chôm của gia đình bị nước mặn tràn vào làm cháy lá tùm lum. Hiện tại nhiều cây bị suy kiệt và không đậu trái”.
Nông dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tận dụng nguồn nước còn lại để tưới vườn cây
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết qua khảo sát mới nhất ghi nhận đã có khoảng 8.000/8.600ha vườn cây ăn trái đặc sản của huyện đã bị nhiễm nước mặn. Đây là lần đầu tiên vườn cây ăn trái ở huyện Chợ Lách bị hạn, mặn hoành hành nặng nhất.
Tại Trà Vinh, hàng loạt hộ canh tác vườn cũng kêu than vì bị nước mặn bao vây. Ông Đỗ Văn Tài, Giám đốc HTX Trái cây Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tiết lộ: “Hàng trăm hécta măng cụt đặc sản của người dân cồn Qui bị rụng hết trái non do nước mặn tràn vào. Trong gần 1.300ha vườn của xã An Phú Tân, đến nay khoảng 80% diện tích bị nước mặn vây chặt, do đó ngoài chuyện thiệt hại về sản lượng trái thì người dân canh cánh nỗi lo cây sẽ chết trong thời gian tới”. Len lỏi vào các vườn bưởi da xanh và bưởi Năm Roi ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nhiều nông dân cũng khốn đốn trước cơn hạn, mặn.
Ông Đoàn Minh Sở, chủ của 4ha bưởi ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, nói trong cay đắng: “Bưởi da xanh đang được thương lái tìm mua với giá cao từ 50.000 đồng/kg trở lên, còn bưởi Năm Roi khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg… nhưng nông dân ngậm ngùi nhìn vườn bưởi xác xơ vì hạn, mặn tấn công; cộng với đợt sương muối vừa ập đến làm rụng trái tràn lan. Vụ này xem như ngậm trái đắng”.
Tập trung đối phó
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết: “Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách đã thành lập 3 điểm đo độ mặn miễn phí để hỗ trợ bà con làm vườn và hoa kiểng. Bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 lượt hộ đem mẫu nước đến đo độ mặn. Tại đây, sẽ có cán bộ kỹ thuật tư vấn về việc bảo vệ vườn cây, không tưới cho cây khi độ mặn vượt quá 2‰ trở lên…”.
Tiến sĩ Liêm lo âu, hiện độ mặn trên nhiều con sông ở huyện Chợ Lách đã vượt ngưỡng 6‰, còn bình quân chung là 2,5‰. Đặc biệt, nước mặn theo những con rạch, kênh mương tấn công sâu vào nội đồng sẽ gây khó khăn về lâu dài cho vườn cây ăn trái. Giải pháp lúc này là vận động nông dân tiết kiệm nước, áp dụng đậy gốc, che mát vườn cây, hái bỏ trái nhằm giảm nhẹ cho cây; tận dụng tối đa thời điểm độ mặn giảm để lấy nước ngọt dự trữ…
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, lưu ý: “Do hạn, mặn còn kéo dài, vì thế nhà vườn không nên xử lý cho cây ra hoa trong giai đoạn này bởi không đủ nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, cần tỉa cành, tạo tán; tăng cường bón phân hữu cơ, kali và phân lân cho cây; có thể phun phân bón lá giúp cây tăng sức đề kháng và khả năng chịu hạn để chống chọi với nhiễm mặn… Về lâu dài, tăng cường nghiên cứu chọn giống cây thích hợp với điều kiện bất lợi của hạn, mặn ngày càng phức tạp”.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, việc bảo vệ hơn 60.000ha vườn cây ăn trái của tỉnh đang được ngành chuyên môn tập trung cao độ, bởi cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao và nếu bị thiệt hại sẽ mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Vì vậy, cán bộ chuyên môn đang theo dõi độ mặn thường xuyên để có cách ứng phó. Những khi độ mặn giảm thì thông báo ngay để người dân chủ động lấy nguồn nước ngọt bơm vào ao, mương... Đặc biệt, khi Trung Quốc và Lào xả đập thủy điện, dự kiến nước ngọt sẽ về đến ĐBSCL đầu tháng 4 này. Do đó, cần tận dụng tối đa nguồn nước ngọt để cung cấp cho cây trồng, bởi hạn, mặn còn kéo dài đến tận tháng 6...
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong tháng 4- 2016, các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu ở phạm vi cách biển từ 25 - 40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp. Vì vậy, các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt càng nhiều càng tốt nhằm dự trữ sử dụng cho vườn cây ăn trái, rau màu… đến tháng 6, tháng 7; trong đó, chú ý mở các cống ở vùng ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít… vào thời điểm nước ngọt xuất hiện (thường khi mực nước vừa và thấp).
Huỳnh Phước Lợi
Bưởi da xanh “gồng mình” chịu mặn
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Nhiều người đang sử dụng nước tưới bằng giếng khoan tầng nông cứu vụ bưởi năm 2016.
Thời gian gần đây, bưởi da xanh nổi lên như một đặc sản của Bến Tre. Diện tích của loại cây này tăng lên rất nhanh, đã lấn át diện tích các cây trồng khác. Nhưng trước cơn hạn mặn gay gắt hiện nay, sản lượng của cây trồng này hiện đã mất hơn 70% và theo nhiều nông dân, khả năng họ phải nhổ bỏ, trồng lại là rất cao.
Trong khi đó, rất nhiều người vì nuôi hy vọng cứu cây bằng cách khoan giếng tìm nước ngọt tầng nông để tưới nhưng xem ra dùng cách này chẳng khác gì “mò kim đáy biển”. Để cứu 8 công bưởi da xanh của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Sốt (ấp Tân Long 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) đã thuê thợ khoan đến 2 lần (mỗi lần khoảng 3 triệu đồng) nhưng vẫn chưa tìm được nguồn nước ngọt ưng ý. Ông Sốt tâm tư: “Dù biết rằng nếu khai thác cạn nước tầng nông ngọt thì nước mặn đương nhiên vào chiếm chỗ và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng bí quá phải làm thôi!”. Ngoài ông Sốt, có đến 7 hộ khác ở ấp Tân Long 1 cũng khoan giếng tìm nước tầng nông nhưng đều không tìm được mạch nước ngọt, nếu có cũng khai thác vài ngày là cạn.
Cạnh bên vườn ông Sốt, ông Nguyễn Văn Múp như ngồi trên đống lửa vì 2 công bưởi (1 công đang cho trái, 1 công mới trồng) cũng đang ủ rũ sau từng ngày trôi qua. “Trời thì nắng như thiêu, dưới mương thì mặn như muối! Từ Tết đến nay không có nước tưới nên tôi ủ gốc mong sao chúng vượt qua đợt hạn mặn khủng khiếp này. Bưởi mà chết chắc gia đình tôi điêu đứng! Thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi đã thu trái nghịch vụ khoảng 10 triệu đồng, nay trắng tay đã đành mà buồn thêm là những lá bưởi đã ngả màu úa nhiều rồi” - ông Múp lặng buồn. Và ngoài cách ủ gốc chờ hết mặn, 36 hộ dân với tổng diện tích khoảng 20ha thuộc Tổ hợp tác bưởi da xanh xã Tân Thành Bình đã cắt bỏ khoảng 70% trái non để giữ sức cho cây.
“Cái đà này kéo dài khoảng 2 tháng nữa như dự báo thời tiết trên đài chắc là vườn bưởi sẽ “xong phim”. Vì khi ấy mưa xuống, cây sẽ rụng lá, nên dù có trổ hoa cũng chẳng hiệu quả gì. Trước mắt, việc cắt bỏ trái non để nuôi cây sẽ dẫn đến cuối năm 2016 người trồng bưởi xem như không có thu nhập. Theo kinh nghiệm của tôi, ai muốn theo cây bưởi da xanh này thì phải mất thêm 3 năm trồng mới có thu hoạch tiếp” - ông Đồng Văn Ba, người có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng bưởi da xanh tại xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc nói.
Cũng theo nhiều người trồng bưởi ở các địa phương như Châu Thành, Mỏ Cày Nam, TP. Bến Tre, Chợ Lách… loại cây này vốn rất khó chăm sóc và khi bị nhiễm phèn, mặn thì hầu như phải nhổ bỏ vì dưỡng lại sẽ rất khó khăn, mà nếu có thành công thì năng suất trái sẽ giảm rất nhiều.
Ông Đàm Văn Hưng - chủ vựa trái cây Hương Miền Tây (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) cho biết, hiện các vườn nhận vựa này bao tiêu thông báo nước mặn đã cắt mất 60 - 70% trái của họ. “Nhà vườn đã chọn phương án cắt bỏ trái non, đồng thời ủ gốc chờ nước ngọt là một việc làm cần thiết trước cơn thiên tai hạn mặn gay gắt hiện nay - cách làm này là niềm hy vọng duy nhất để có thể cứu cây bưởi. Tuy nhiên, về lâu dài, không có cách ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả thì khả năng thiệt hại bưởi da xanh ở Bến Tre là rất cao” - ông Hưng phân tích. Cũng theo ông Hưng, cùng thời gian này năm trước, cơ sở thu mua khoảng 40 tấn trái/ngày nhưng nay chỉ thu khoảng 12 tấn trái/ngày. Không có nguồn bưởi, cơ sở phải tạm cắt giảm 50 lao động và 1/2 đầu xe vận chuyển trái cây ra Bắc.
Giải pháp công trình ngăn mặn cho đến lúc này xem như không còn kịp nữa, bà con chỉ còn biết ủ gốc cây, “gồng mình” chờ qua hạn mặn và kỳ vọng các giải pháp phòng, chống hạn mặn lâu dài sẽ được thực hiện hoàn thành sớm ngày nào tốt ngày ấy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện hơn 6 ngàn héc-ta bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh đang chống chọi với hạn mặn và loại cây này chỉ có khả năng chống chịu được trong điều kiện độ mặn từ 2 - 3%o. Trong khi đó, độ mặn 4%o đã xâm nhập cách các cửa sông chính từ 48 - 70km, độ mặn từ 3%o trở lên đã ở khá lâu trong các kênh nội đồng (ngoại trừ 2 xã Vĩnh Bình và Phú Phụng của huyện Chợ Lách).
Việt Phương
Tìm hướng đi cho thanh long Bình Thuận
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Hai năm trở lại đây, sản xuất thanh long của tỉnh Bình Thuận đối mặt với nhiều thách thức. Giá cả bấp bênh, cộng thêm tình hình sâu bệnh hoành hành khiến nông dân gặp không ít khó khăn…
Mất dần lợi thế
Nổi rõ nhất là giá cả thanh long gần đây suy giảm rõ rệt so những năm trước. Tình hình sâu bệnh gây hại diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là bệnh đốm nâu bùng phát trên diện rộng, khó kiểm soát. Mặt khác, hiện áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu, nhất là về mặt chất lượng, mẫu mã và giá cả. Trong bối cảnh nhiều tỉnh trong và ngoài nước đang phát triển thanh long diện tích lớn, điển hình là Trung Quốc hiện trồng trên 20.000 ha.
Thống kê đến năm 2015, diện tích thanh long của tỉnh là 26.026 ha, tập trung ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… sản lượng gần 500.000 tấn. Hiện toàn tỉnh có trên 9.000 ha/9.855 hộ/432 cơ sở được chứng nhận VietGAP, 262 ha chứng nhận GlobalGAP và 54 cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế. Trong 2 tháng đầu năm 2016, diện tích thanh long tiếp tục phát triển mới 28,5 ha, tập trung ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. Nhưng năng suất và hiệu quả sản xuất giảm hơn (năm 2014 là 223,68 tạ/ha; năm 2015 là 219,93 tạ/ha). Nguyên nhân chủ yếu do nấm bệnh trên thanh long năm 2015 vẫn tiếp tục gây hại mạnh trong mùa chính vụ, nhiều lứa trái nông dân phải tỉa bỏ hoàn toàn…
Mặc dù diện tích thanh long an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 9.000 ha, nhưng thật sự chưa an toàn, còn mang tính hình thức. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên cây thanh long vẫn còn xảy ra, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về an toàn thực phẩm và phục vụ xuất khẩu ở các thị trường khó tính. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung thanh long chưa được đầu tư bài bản, thiếu quy hoạch về điện, thủy lợi. Nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước xảy ra, nhiều vườn thanh long đã giảm năng suất rõ rệt. Hệ thống điện phục vụ sản xuất thanh long trái vụ trong các vùng sản xuất thanh long tập trung còn thiếu. Mặc dù có nhiều tổ chức nông dân như nhóm liên kết, tổ liên kết, hợp tác xã, liên minh sản xuất thanh long được thành lập và đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa hình thành liên liết để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thanh long ổn định. Hộ trồng thanh long chủ yếu vẫn bán sản phẩm qua thương lái, nên thường bị ép giá và chất lượng, nhất là vào chính vụ…
Cần nhiều giải pháp tháo gỡ
Trước những khó khăn, thách thức về tình hình sản xuất, thu mua, tiêu thụ thanh long thời gian qua, mới đây Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, bàn về vấn đề sản xuất, tiêu thụ thanh long trên địa bàn. Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu lên những vấn đề đáng lo ngại liên quan đến trái thanh long Bình Thuận. Nhất là sản xuất thanh long chưa gắn với thị trường tiêu thụ; sản xuất thanh long VietGAP có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chế biến thanh long chưa đồng bộ; hoạt động của Hiệp hội Thanh long còn lỏng lẻo… Do đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, các sở ngành liên quan cần tăng cường công tác quản lý diện tích thanh long theo quy hoạch được duyệt; tiếp tục kiên trì chỉ đạo sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó chú trọng đến chất lượng, không chạy theo số lượng. Hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ thanh long; tổ chức lại lực lượng thu mua. Trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp gắn kết với các tổ chức nông dân; nâng cao vai trò của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận để tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hội viên trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác khuyến nông, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; ứng dụng các thành tựu mới để hạ giá thành sản phẩm...
Về phía UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho rằng, cần xác định đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm chi phí sản xuất của người dân. Đó là đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định phục vụ chong đèn thanh long trái vụ trong vùng quy hoạch. Phát triển hệ thống thủy lợi bền vững cho vùng sản xuất thanh long, đảm bảo nguồn nước tưới hợp lý. Triển khai quyết liệt, triệt để hơn nữa phòng, chống bệnh đốm nâu trên thanh long để mọi người tự giác thực hiện, không để bùng phát thành dịch. Lấy biện pháp phòng bệnh là căn cơ, gắn với ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành. Có giải pháp giữ gìn, bảo vệ và phát huy chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” đối với sản phẩm thanh long. Riêng vấn đề phát triển thị trường tiêu thụ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, cần phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, tiếp cận và sử dụng các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm. Triển khai thực hiện tốt chương trình hợp tác, liên kết giữa Bình Thuận với các khu vực, tỉnh bạn…
Kiều Hằng
Giá cà phê tăng mạnh
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Theo Bộ NN&PTNT, hiện giá cà phê trong nước tăng mạnh theo xu hướng tăng của giá cà phê thế giới.
Giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 3.200 - 3.300 đồng/kg lên 32.800 - 33.400 đồng/kg. Kinh doanh cà phê nội địa Việt Nam được đẩy mạnh trong khi các nhà doanh nghiệp không vội xuất khẩu.
3 tháng đầu năm 2016, cả nước xuất khẩu 479 nghìn tấn cà phê với giá trị 808 triệu USD, tăng 30,2% về khối lượng và tăng 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 1.711 USD/tấn. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Ngọc Quỳnh
Hiệu quả bước đầu từ phần mềm Quản lý cây lúa
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Giảm chi phí trong sản xuất lúa là yếu tố quan trọng mang lại lợi nhuận cho nông dân. Chính vì vậy, trong vụ lúa thu đông 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thí nghiệm đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa làm theo khuyến cáo qua phần mềm Quản lý cây lúa, đến nay đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Cán bộ khuyến nông thường xuyên thăm đồng để đưa ra khuyến cáo cho nông dân tham gia mô hình
Phần mềm Quản lý cây lúa do Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) phát triển từng được chạy thử nghiệm và phát hành tại Philippines, Indonesia và Bangladesh... Hiện nay, phần mềm này đang được nghiên cứu để phát triển tại Việt Nam. Tại tỉnh Đồng Tháp, phần mềm Quản lý cây lúa được triển khai thí điểm tại 3 huyện: Lấp Vò, Thanh Bình và Cao Lãnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, phần mềm Quản lý cây lúa được thiết kế cho cán bộ khuyến nông thu thập thông tin từ nông dân, sau đó cung cấp cho họ nội dung hướng dẫn về cách bón phân cụ thể theo từng địa phương, giống lúa, năng suất, điều kiện canh tác. Ứng dụng này là tiến bộ mới trong công nghệ thông tin nhằm cung cấp cho nông dân sản xuất nhỏ kiến thức cần thiết và sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Nông dân khi tham gia mô hình được tập huấn hướng dẫn thao tác sử dụng sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa, nắm vững những yêu cầu thực hiện mô hình. Đặc biệt, nông dân phải tuân thủ đúng như bản in khuyến cáo về lượng giống gieo, thời kỳ và liều lượng phân bón... Hàng tuần, nông dân cùng với cán bộ khuyến nông thăm đồng ghi nhận những nội dung đã thực hiện và so sánh sinh trưởng giữa ruộng thí nghiệm và đối chứng.
Nhiều dẫn chứng cho thấy, việc phòng trừ sâu, bệnh bằng biện pháp hóa học trong một thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại, vì khi nông dân muốn đạt được hiệu quả trừ sâu, bệnh hàng năm cần phải tăng nồng độ thuốc. Sau thời gian lâu dài, sâu, bệnh trở nên quen thuốc và sẽ kháng thuốc. Mặt khác, khi nông dân muốn tiêu diệt được sâu bệnh phải tăng liều hoặc thay đổi các loại thuốc có nồng độ cao hơn sẽ rất tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường. Không những thế, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trên đồng ruộng dẫn đến mất cân bằng sinh thái, đó là chuỗi mắt xích liên quan giữa cây trồng, sâu hại và thiên địch.
Trên thực tế, những cánh đồng được chọn thí điểm phần mềm Quản lý cây lúa bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Nhờ đó, nông dân biết thực hiện các biện pháp quản lý theo nguyên tắc cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu tối đa sử dụng chất hóa học vào đồng ruộng, giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Là một trong những hộ tham gia mô hình thí điểm phần mềm Quản lý cây lúa, ông Phạm Thắng Thời ngụ ấp Tân An, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò cho biết: “Những năm gần đây, năng suất và giá thành lúa rất bấp bênh nên nông dân chỉ có thể giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận. Cây lúa trong quá trình sinh trưởng sẽ đẻ lá và đẻ nhánh lại nên mình cũng không ngại sâu cuốn lá hay bù lạch tấn công. Từ lúc làm đồng trở đi, nông dân chỉ cần theo dõi đồng ruộng xem có loại dịch hại lạ nào tấn công để tính cách phòng trị. Nếu từ đầu đến cuối vụ, sử dụng ít thuốc sâu, lượng thiên địch phát triển tốt thì đủ để tiêu diệt các loại sâu rầy. Nhờ vậy mà chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng lên”.
Phần mềm Quản lý cây lúa là một chương trình tiến bộ hiện nay, dựa trên mối quan hệ của các quy luật sinh thái đồng ruộng, góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Sơn ngụ ấp Bình Hiệp A, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò chia sẻ: “Theo qui trình sản xuất truyền thống, việc sử dụng giống, phân bón chủ yếu qua kinh nghiệm chứ không có sự tính toán kỹ lưỡng. Qua tham khảo, tôi thấy phần mềm Quản lý cây lúa thật sự hữu ích. Thực tế, khi tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông hỗ trợ về cách sử dụng giống, phân bón, điều chỉnh lượng nước ngập khô xen kẽ trong vụ sản xuất. Kết quả cho thấy cây lúa phát triển khá đồng đều, lượng sâu bệnh cũng giảm đi nhiều, năng suất từng vụ khá ổn định. Quan trọng hơn hết là giá thành sản xuất giảm hơn 10%”.
Phấn khởi với những hiệu quả bước đầu của mô hình thí điểm, ông Nguyễn Thanh Giang ngụ ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung tâm sự: “Tôi và các hộ được tham gia mô hình thí điểm rất phấn khởi vì mô hình mang lại lợi ích tốt cho đồng ruộng. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt những kiến thức trong quá trình canh tác cho bà con ở trong vùng để hạn chế thấp nhất vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm đi lượng phân bón, tăng lợi nhuận, nâng cao năng suất”.
Khánh Phan
Tây Ninh: Nông dân trồng đậu phộng được mùa, trúng giá
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016, nông dân rất phấn khởi vì cây đậu phộng được mùa, trúng giá.
Nông dân xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh thu hoạch đậu phộng.
Vụ sản xuất Đông Xuân 2015 - 2016, các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bàng, Tân Châu, Châu Thành (Tây Ninh) đã trồng được khoảng 3.400ha đậu phộng. Hầu hết diện tích này đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 4 - 5 tấn/ha, nông dân rất phấn khởi vì cây đậu phộng được mùa, trúng giá.
Ông Trần Văn Sớt, 54 tuổi, ngụ ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, ông xuống giống được 1,6ha đậu phộng. Với kinh nghiệm chăm sóc nhiều năm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hợp lý, cộng với việc khai thác, sử dụng nguồn nước thủy lợi Dầu Tiếng tưới cho cây đậu phộng kịp thời, hiệu quả, ông Sớt thu hoạch được 6 tấn đậu khô (đạt 4 tấn/ha). Với giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 50 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa.
Phơi đậu trước khi xuất bán cho thương lái.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sơn, 37 tuổi, ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cũng rất phấn khởi cho hay, nhờ thu hoạch đậu phộng sớm nên anh bán được giá 21.500 đồng/kg. Với 4ha đậu phộng, vụ này anh Sơn thu lãi trên 130 triệu đồng. Anh Sơn cho biết, nếu giá cả ổn định như hiện nay, vụ Hè Thu tới, anh sẽ tiếp tục trồng đậu phộng với diện tích mở rộng lên 6ha.
Tân Phạm
Quá khó cho người tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên
Nguồn tin: VOV
Để được vay vốn tái canh cây cà phê, người dân phải cải tạo đất 2 năm sau khi phá bỏ cà phê thì mới được vay vốn là quy định không hợp lý.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, ĐBQH đoàn Đắk Lắk, từ hơn 4 năm nay giá cà phê trên thị trường nội địa ngày một xuống dần. Sau khi giá cà phê chạm đỉnh trên 50.000 đồng/kg, nay đã có lúc dưới 30.000 đồng/kg. Mới đây có dịp tăng nhẹ lại nhưng chưa ai dám đảm bảo rằng giá sẽ ổn định và tốt hơn. Trong khi đó, giá hồ tiêu cũng đang giảm không phanh, từ trên 200.000 đồng/kg thì đến nay chỉ còn 130.000 – 140.000 đồng/kg.
Bà Huệ cho biết, do giá cà phê không ổn định và giảm thấp, hiện nay ở Tây Nguyên nhiều nơi đang chặt bỏ cây cà phê - một cây trồng chiến lược để thay thế cây chanh dây hoặc những loại cây khác để chạy theo cơn sốt thị trường nhất thời sẽ là điều rất đáng lo ngại.
Thực tế là đầu và giữa năm 2015 giá chanh dây với mức 54.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân chặt cà phê trồng chanh dây thì nay giá chanh dây tuột xuống chỉ còn có 10.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thực tế triển khai chính sách tái canh cho cây cà phê ở Tây Nguyên hiện nay đang bất cập, do phải tuân thủ một số điều kiện khiến cho nông dân rất khó tiếp cận được nguồn vốn này.
Cụ thể là gói vốn vay cho chương trình này là 17.000 tỷ đồng được giao cho Ngân hàng NN&PTNT, nhưng điều kiện để được vay là người dân phải cải tạo đất 2 năm sau khi phá bỏ cà phê thì mới được vay vốn. Điều này rất khó cho nông dân, vì khi muốn tái canh cây cà phê, trong 2 năm đầu phải cải tạo đất, cộng với 3 năm kiến thiết cơ bản nên 5 năm sau mới có thu hoạch. Như vậy trong 5 năm sau tái canh, người nông dân không biết lấy gì để sống.
Thêm vào đó, điều kiện để tái canh cần phải có xét nghiệm về tuyến trùng, nấm trong đất, nguồn giống phải được cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT hoặc các Sở NN&PTNT công nhận thì mới được tiếp cận vốn vay.
Từ những thực tế trên, bà Huệ khẩn thiết đề nghị nhà nước cần đưa ra phương sách kịp thời để cứu cây cà phê vùng Tây Nguyên, nơi người nông dân đang phải đau lòng chặt bỏ./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Long An: Hết lo giá mía đến lo hạn, mặn
Nguồn tin: Báo Long An
Niên vụ 2015 - 2016, diện tích trồng mía toàn tỉnh Long An ước đạt 10.829ha, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa và Thủ Thừa. Đến nay, thu hoạch 8.993ha, năng suất ước đạt 724 tạ/ha, sản lượng 651.068 tấn. Giá mía năm nay tương đối ổn định, bán tại ruộng từ 550.000 - 600.000 đồng/tấn. Với giá này, nông dân trồng mía có lãi hơn so với những năm trước. Chưa kịp mừng vì giá mía ổn định, nông dân lại lo cho vụ tới khi tình hình hạn, xâm nhập mặn còn kéo dài.
Giá mía ổn định bù đắp phần nào nỗi gian nan, vất vả của người trồng mía
Giá mía ổn định
Mía là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm gần đây, giá mía liên tục giảm làm cho diện tích mía giảm còn khoảng 10.829ha (giảm hơn 1.400ha so với cùng kỳ). Niên vụ mía năm nay, người dân vui mừng vì giá mía tăng hơn những năm trước khoảng 200.000 đồng/tấn.
“Năm nay, giá mía được 600.000 đồng/tấn nên ai cũng mừng, coi như vụ này có lãi” - bà Nguyễn Thị Lùn, ở thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa cho biết. Theo bà Lùn, vụ này, gia đình bà chỉ trồng 5 công mía thay vì 1ha như những năm trước, nên tiền lãi cũng chẳng nhiều. Còn ông Trần Văn Thành, ngụ cùng địa phương, không khỏi tiếc nuối bởi liên tiếp 2 năm 2013, 2014, giá mía nguyên liệu giảm sâu, chỉ ở mức 450.000 đồng/tấn khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải chuyển sang cây trồng khác.
Thời điểm hiện nay, người trồng mía trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch với tâm trạng phấn chấn xen lẫn nuối tiếc vì giá mía tương đối ổn định. Ông Nguyễn Văn Thu, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức cho biết: “Gia đình trồng mía được khoảng 20 năm, lúc trước, trồng 10ha nhưng nay giảm xuống còn 8ha. Một hecta mía thu về được khoảng 75 - 80 tấn, sau khi trừ tất cả chi phí, mía gốc, nông dân lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.
Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - Ngô Tấn Thời cho biết: Giai đoạn 1996 - 2000 là thời điểm cây mía phát triển cực thịnh với diện tích khoảng 2.200ha, trong khi đất nông nghiệp toàn xã chỉ khoảng 2.400ha. Hiện nay, diện tích mía ở xã giảm còn 1.500ha do thị trường bấp bênh, tốn nhiều công sức, chi phí cao, thuê nhân công khó khăn.
Nỗi lo hạn, mặn
Bước vào vụ sản xuất mía 2015 - 2016, nhiều nông dân vui mừng vì giá ổn định nhưng lại lo lắng cho niên vụ tới trước tình hình xâm nhập mặn.
Ông Trần Thanh Phong, xã Lương Bình, huyện Bến Lức cho biết: “Diện tính mía của gia đình tôi vừa mới thu hoạch xong, nhưng tôi rất lo tình hình hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Theo dự báo, nước mặn còn tiếp tục ảnh hưởng với nồng độ cao trong thời gian tới vì đang vào cao điểm mùa khô”.
Đang vô đất cho 4 công mía của gia đình, ông Lê Văn Bảy, ngụ xã Lương Bình cho biết: “Đợt này, nước mặn lấn sâu làm nhiều diện tích lúa, cây trồng khác bị ảnh hưởng. Riêng cây mía thì chưa bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên thời gian tới, nếu hạn, mặn kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người trồng mía”.
Không riêng gì người dân trên địa bàn huyện Bến Lức, người dân trồng mía tại các địa phương khác như: Đức Huệ, Thủ Thừa cũng đang rất lo lắng về ảnh hưởng xâm nhập mặn kéo dài.
Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Nguyễn Hữu Lợi, năm nay, Thủ Thừa trồng 1.441ha mía (kế hoạch 1.500ha), tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Thành, Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa. Đến nay, nông dân thu hoạch 1.150ha. Mặc dù mía là cây chịu hạn tốt nhưng nông dân không khỏi lo lắng trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Trước tình hình trên, phòng nông nghiệp phối hợp các ngành chức năng thường xuyên đo độ mặn để kịp thời thông tin cho nông dân lấy nước. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn còn hướng dẫn nông dân cách chăm sóc mía, tăng cường bón vôi, lân, phân bón lá, phân kali nhằm giảm tác hại của hạn, mặn trong thời gian tới để mía phát triển”./.
Lê Huỳnh - Thanh Mỹ
Ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, ớt chết hàng loạt
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Nhiều hộ trồng ớt thuộc địa bàn xã Phong Mỹ, Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang rất lo lắng vì cây ớt bị chết hàng loạt. Anh Dương Văn Tùng ngụ ấp 3, xã Phong Mỹ cho biết, vụ hè thu này gia đình canh tác hơn 5 công ớt, nhưng mới hái được 2 lứa thì cây ớt cứ héo úa và chết dần. Đến thời điểm này ruộng ớt của anh bị chết trên 70% diện tích.
Nông dân lo lắng vì cây ớt chết hàng loạt
Theo Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, vụ hè thu năm 2016, toàn huyện xuống giống hơn 175ha ớt, tập trung ở các xã Phong Mỹ, Tân Nghĩa và Phương Trà. Trong đó, có hơn 50ha ớt đang giai đoạn 100 - 130 ngày tuổi bị ảnh hưởng. Nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết khô hạn, thiếu nước, ớt bị bệnh thán thư và bọ trĩ tấn công. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân có biện pháp phòng trị.
Thành Sơn