Đắk Nông: Để hồ tiêu không lao đao
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Giá cả liên tục lao dốc và dịch bệnh bùng phát mạnh đã khiến cho nông dân sản xuất hồ tiêu tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn. Trong bối cảnh này, ngành chức năng đang khẩn trương triển khai các giải pháp để hỗ trợ, giúp người dân sớm thoát khỏi khủng hoảng...
Tiếp tục khủng hoảng
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông, đến hết tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh đã có 6.651 ha hồ tiêu bị chết, chiếm 19,2% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh (34.552 ha). Hồ tiêu chết khiến nhiều nông dân mất một khoản tiền lớn, chông chênh và không dễ chuyển đổi sản xuất.
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có gần 7.000 ha hồ tiêu bị chết
Hiện nay, giá hồ tiêu đã ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua, với khoảng 37.000 đồng/kg. Với giá cả như hiện nay, những hộ gia đình độc canh cây hồ tiêu hoặc sản xuất hồ tiêu theo cách truyền thống đều gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thu không đủ chi.
Ông Nguyễn Văn Thắng, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song), phân tích: “Hiện nay, bình quân 1 ha hồ tiêu, người dân thu về khoảng 3 tấn hạt. Với giá cả như hiện nay, 3 tấn hồ tiêu mang lại cho người dân tầm 110 triệu đồng. Chi phí để sản xuất được 1 kg hồ tiêu tốn kém khoảng 32.000 đồng. Như vậy, 3 tấn hồ tiêu người dân tốn gần 100 triệu đồng chi phí đầu tư, công cán. Với 1ha đất sau khi trừ chi phí đầu tư, thuê mướn chỉ thu về được hơn 10 triệu đồng lợi nhuận thì không bỏ bèn gì, thậm chí không đủ ăn”.
Với người vay ngân hàng đề trồng cây hồ tiêu thì hệ lụy còn nặng nề hơn. Anh Nguyễn Văn Thiện, ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Gia đình tôi vay 200 triệu đồng để phát triển cây hồ tiêu với lãi suất 10%/năm. Như năm nay gia đình tôi ước chừng thu về được hơn 3 tấn tiêu, với giá cả như hiện nay thì chỉ thu về được trên 110 triệu đồng. Chi phí đầu tư, phân bón chăm sóc cộng thêm tiền lãi ngân hàng nữa đã khiến cho gia đình thu không đủ chi. Để duy trì vườn tiêu vợ chồng tôi cố gắng lấy công làm lãi để có tiền trả nợ ngân hàng”.
Một số phương án "giải cứu"
Giá hồ tiêu hiện nay đã ở mức rất thấp, gần bằng với chi phí đầu tư sản xuất. Nguyên nhân là hạt tiêu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn mà cơ bản là do nguồn cung vượt quá so với cầu. Diện tích trồng tiêu hiện nay đã vượt quy hoạch. Nhiều diện tích tiêu được trồng ở các vùng không phù hợp, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Trong khi việc tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu đối với hạt tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành. Vì thế, các ngành chức năng khuyến cáo người dân nên giảm diện tích ở những nơi không phù hợp. Bên cạnh đó, đối với những hộ độc canh cây hồ tiêu cũng cần tính toán xen canh hoặc tiến hành thu hẹp diện tích để đa canh, đa cây nhằm ổn định sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông phù hợp với cây hồ tiêu. Hồ tiêu cũng là loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, có chu kỳ phát triển dài. Do đó, với vai trò của mình, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu, đề xuất những phương án để ngành hồ tiêu thoát khỏi khủng hoảng hiện nay.
Trước hết, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân các địa phương nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích tiêu hồ tiêu đã bị chết hoặc không có khả năng phục hồi để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.
Trước mắt, người dân nên trồng các loại cây ngắn ngày như: đậu, đỗ, ngô, khoai, các loại rau... để tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo đề xuất các bộ, ngành xem xét có chính sách đặc thù với tỉnh Đắk Nông để hỗ trợ thiệt hại cho nông dân trồng hồ tiêu theo quy định.
Về lâu về dài, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã xây dựng phương án chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị chết hoặc trồng ở những nơi không phù hợp sang trồng các loại cây khác như cà phê, điều, cây dược liệu, cây ăn quả, chanh dây...
Ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích người dân sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, tiết kiệm chi phí sản xuất. Các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận.
Các địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Địa phương cũng cần kiên trì vận động, hướng dẫn nông dân tích cực tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu liên kết với doanh nghiệp để đầu tư vật tư đầu vào, thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.
Bài, ảnh: Phan Tuấn
Kon Tum: Thấp thỏm vụ thu hoạch cà phê mới
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Thời điểm này, niên vụ cà phê 2019 - 2020 đã bắt đầu. Tuy nhiên, điều đáng nói là, giá cà phê đang ở mức rất thấp khiến người trồng không khỏi thấp thỏm lo lắng.
Các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang rục rịch bước vào vụ thu hoạch cà phê. Ở một số nơi, người trồng cà phê đã chọn hái đợt quả chín bói. Thế nhưng, thị trường cà phê lại khá ảm đạm, vì giá cả mặt hàng này duy trì ở mức thấp trong thời gian qua. Hiện, giá cà phê nhân xô trên thị trường tỉnh ta dao động quanh mức 30,5 - 31 triệu đồng/tấn - mức giá thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
“Bức tranh giá cả” không mấy sáng sủa, khiến không khí chuẩn bị thu hoạch cà phê ở các vùng có diện tích cây cà phê lớn như: Đăk Hà, Đăk Tô, thành phố Kon Tum… không rộn ràng như các năm trước.
Anh Nguyễn Văn Yên (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) cho biết: Thông thường, vào đầu mùa vụ thu hoạch, giá cà phê ở ngưỡng cao hơn lúc chính vụ, khoảng từ 42 - 44 triệu đồng/tấn, có khi lên tới 46 - 47 triệu đồng/tấn. Vì thế, người nông dân rất phấn khởi, háo hức mỗi khi vào vụ thu hái. Năm ngoái, thời điểm này, giá cả cũng xuống thấp, nhưng vẫn được 36 - 37 triệu đồng/tấn chứ chưa khi nào khởi động vụ thu hoạch mới lại thấp như năm nay.
Ông Hồ Văn Hoài (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mọi năm, vào thời điểm này, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cà phê, nhưng năm nay, phần vì vườn cà phê còn nhiều quả xanh, tôi đợi quả chín thêm chút nữa mới thu hoạch, phần vì giá cả thị trường thấp quá, thấy nản nên chưa muốn thu hoạch. Mặt khác, năm nay, các thương lái cũng khá dè dặt trong việc thu mua dù giá cà phê ở mức chạm đáy, khiến những hộ trồng cà phê như tôi không khỏi lo lắng, vì không biết lúc thu hoạch có dễ bán không, tư thương có ép giá không…
Giá cà phê xuống thấp khiến người dân lo lắng. Ảnh: NT
Theo những người trồng cà phê lâu năm, nhìn vào diễn biến giá cả từ vụ cà phê trước đến giờ, người dân không hy vọng nhiều vào việc giá cà phê có thể “đảo chiều”. Nếu mức giá này tiếp tục được duy trì thì vụ mùa này người nông dân chắc chắn sẽ không có lãi là bao, thậm chí thua lỗ.
Chưa hết, nhiều chủ vườn còn lo ngại dù giá cà phê xuống thấp, nhưng chi phí nhân công thu hoạch thì không bao giờ hạ xuống mà thậm chí vào đợt thu hoạch rộ còn có nguy cơ tăng lên. Như vậy, người trồng cà phê sẽ “thiệt đơn thiệt kép”.
Anh Nguyễn Văn Yên tính toán: Như vụ cà phê vừa rồi, giá thuê nhân công bình quân là 90.000 đồng/tạ cà phê tươi, tính hết các khoản chi phí từ tiền công, ăn uống, mua bao bạt… cũng vào gần 20 triệu đồng/ha. Năm nay, với giá bán cà phê như thế này mà giá nhân công vẫn như năm ngoái thì không cần tính kỹ cũng đủ biết các chủ vườn nắm chắc mức thua lỗ.
Giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo, bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, rồi thu hái, phơi phóng…
Theo một số nông dân, nếu tình hình giá cả cà phê xuống thấp tiếp tục kéo dài thì buộc họ sẽ phải chuyển hướng sản xuất sang trồng các loại cây khác chứ không theo đuổi việc trồng cây cà phê.
Rõ ràng, giá cả, đầu ra ổn định là điều mà người nông dân luôn ước mơ để có thể gắn bó với bất kỳ loại cây trồng nào. Vì vậy, giá cả bấp bênh khiến không ít nông dân không khỏi nao núng và tính đến việc thay đổi cây trồng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 21.000 ha cà phê, để góp phần giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, chính quyền và doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm; khuyến cáo người dân bình tĩnh, không nên vội vã chặt bỏ vườn cây hoặc chán nán bỏ bê làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê của vụ sau. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần có định hướng quy hoạch phát triển vùng trồng cà phê cho phù hợp để tránh tình trạng mở rộng diện tích một cách ồ ạt, đến khi mất mùa, mất giá thì lại thi nhau phá bỏ.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng cà phê bằng cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín theo tiêu chuẩn, sản xuất theo phương thức an toàn được xem là một trong những giải pháp giúp tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm cà phê đang rớt giá hiện nay.
Ngọc Thắng
Giá cà phê xuất khẩu thấp nhất 10 năm qua
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Giá cà phê xuất khẩu trong giai đoạn hiện tại đang ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây, với khoảng 1.200 USD/tấn, đã tạo khó khăn cho các doanh nghiệp, nông dân. Giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu đã xuống dưới 30.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 1,25 triệu tấn cà phê với kim ngạch gần 2,2 tỷ USD, giảm 12,5% về số lượng và kim ngạch giảm 20,9% so với cùng kỳ 2018. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê đều gặp khó khăn, giảm số lượng xuất khẩu.
Nhận định tình hình giá cà phê vẫn còn xu hướng giảm trong thời gian tới, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cân nhắc, tính toán thận trọng trong kinh doanh, hạn chế bán trừ lùi xa, tăng cường mua bán ngay, chốt giá trước khi giao hàng.
Hiệp hội kiến nghị ngân hàng giãn nợ cho nông dân ở vụ cũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn tối đa trong 6 tháng để tạm trữ cà phê trong thời gian đầu vụ thu hoạch rộ vào tháng 12-2019.
THANH HẢI
Trồng nhãn Ido ứng dụng công nghệ cao kết hợp trồng lúa thông minh
Nguồn tin: Báo An Giang
Nông dân Nguyễn Thành An (sinh năm 1960, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Tuyến, Tri Tôn, tỉnh An Giang) được xem là người tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng nhãn Ido trên vùng đất phèn. Việc trồng nhãn Ido đạt hiệu quả cao không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, mà còn giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Nguyễn Thành An đã có cuộc sống khấm khá hơn
Thành công từ cây nhãn Ido
Đến thăm vườn nhãn Ido rộng 5ha của ông Nguyễn Thành An, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vùng đất nhiễm phèn trước kia đã trở thành vườn nhãn xum xuê cây trái. Thành công của ngày hôm nay đến từ sự cần cù, siêng năng cũng như việc mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ với chúng tôi, ông An cho biết, những năm qua, tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân gặp khó khăn về giá cả, đầu ra, điệp khúc “trúng mùa mất giá” diễn ra, thường xuyên. Có những năm các công ty không mua hết lượng lúa hàng hóa của nông dân, hoặc có mua thì tiến độ rất chậm. Lợi dụng tình hình này, thương lái thường “ép” giá bà con nông dân, làm người nông dân gặp rất nhiều bất lợi, lợi nhuận thu được từ cây lúa thấp… “Từ thực tế đó, cùng với những trăn trở về sự chuyển dịch cây trồng, năm 2016-2017, tôi mạnh dạn thực hiện theo chủ trương của địa phương, chuyển đổi 1,5ha đất từ trồng lúa sang trồng cây nhãn Ido. Ngay vụ nhãn đầu tiên, thương lái đã vào tận vườn thu mua với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 150 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi tiếp tục cải tạo ruộng đất để phát triển mô hình trồng cây nhãn Ido. Đến nay, tổng diện tích trồng nhãn của tôi là 5ha” - ông An chia sẻ.
Trồng nhãn Ido trên đất lúa, ông An lên líp mặt mương 4m và chân bờ 5m, mặt bờ còn lại 4m, cách cây 5m, 1ha trồng được 210-220 cây nhãn. Nhãn Ido phát triển rất nhanh, kháng sâu bệnh tốt. Nếu chăm sóc kỹ, trong 2 năm cây cho trái chiến, năng suất mỗi cây khoảng 20kg. Đến năm thứ 5, mỗi cây cho năng suất bình quân 80-100kg. “Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây nhãn Ido, tôi đã vận động được 4 hộ xung quanh mở rộng thêm diện tích 8,35ha. Đồng thời, thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn trái với diện tích 13,35ha, trong đó có sự tham gia của 16 thành viên, thời gian trồng đến thời điểm hiện nay khoảng hơn 1 năm” - ông An chia sẻ.
Canh tác lúa thông minh
Bên cạnh việc trồng cây nhãn Ido, ông Nguyễn Thành An còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa thương phẩm ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến). Bản thân ông tham gia Dự án “Nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất lúa gạo bền vững gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”. Trong quá trình thực hiện dự án, ông An được tham gia nhiều lớp tập huấn về sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP; tập huấn về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân; được hỗ trợ tiêu thụ lúa, gạo theo chuẩn SRP… Nhờ mạnh dạn áp dụng các phương pháp được các nhà khoa học, các chuyên gia hướng dẫn như: sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học; bón phân cân đối ưu tiên cho các loại phân vi sinh, phân hữu cơ… đã giúp ông An giảm chi phí sản xuất rất lớn, lợi nhuận từ đó tăng đáng kể, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng lúa, gạo trên thị trường và có được những định hướng phát triển lâu dài theo hướng bền vững.
Không những là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương, ông An còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân lân cận về kỹ thuật làm vườn cũng như truyền đạt kinh nghiệm trong sản xuất lúa. Nhờ sự giúp đỡ của ông An, nhiều hộ dân đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ngày càng khấm khá hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, ông An và gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện, đóng góp cho các nguồn quỹ xã hội ở địa phương mỗi năm trên 30 triệu đồng.
Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Thành An được Hội Nông dân tỉnh xét và công nhận danh hiệu nông dân giỏi cấp tỉnh 9 năm liền. Gia đình ông An vinh dự được công nhận gia đình văn hóa từ năm 2001 và hàng năm đều được công nhận gia đình văn hóa, hiện nay là gia đình văn hóa tiêu biểu.
ĐỨC TOÀN
Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi đúng đắn
Nguồn tin: Báo Long An
Đến nay, toàn tỉnh Long An có trên 11.800ha thanh long, tăng trên 12% so với năm 2017, trong đó, huyện Châu Thành có khoảng 9.100ha.Trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
Nông dân được lợi
Hiện nay, người trồng thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành rất phấn khởi vì nhiều mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC đang mang lại lợi nhuận cao. Tiêu biểu tại Tổ hợp tác (THT) Thanh long ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới sản xuất theo hướng công nghệ cao rất hiệu quả. THT ấp Bình Xuyên được thành lập năm 2017. Đến nay, THT có 34 thành viên tham gia với diện tích sản xuất khoảng 15ha. Đây là mô hình THT sản xuất theo công nghệ cao và liên kết với nhà vườn sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP để xuất khẩu, thông qua các hợp đồng cụ thể. Phía THT có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất GAP, bảo đảm trái thanh long đạt an toàn sinh học, không có dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân sản xuất thanh long ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao
Dù giá cả trái thanh long có dao động theo mùa nhưng THT Thanh long ấp Bình Xuyên luôn bán được sản phẩm của thành viên cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi giá trái thanh long ở thị trường “rớt” quá thấp, THT vẫn bán được sản phẩm với giá sàn 10.000 đồng/kg. Với những ưu điểm trên, nhà vườn an tâm gắn bó với THT và mỗi hécta thanh long của các thành viên đạt lãi trên 200-300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Siêm - đại diện THT Thanh long ấp Bình Xuyên, cho biết: “Nông dân tham gia THT được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng công nghệ cao, tiêu chuẩn GAP: Sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, tưới nước tiết kiệm, trồng thanh long bằng giàn,…, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất và đầu ra tương đối ổn định. Mới đây, trái thanh long có giá 5.000-6.000 đồng/kg, không ai mua nhưng thành viên THT vẫn bán được với giá 10.000 đồng/kg.Lợi rất nhiều, quanh năm suốt tháng mình không lo sợ giá thấp.Khâu chăm sóc rất quan trọng, nếu chăm sóc trái đẹp, đúng tỷ lệ thì bán được giá trên 10.000 đồng/kg.Hơn nữa, năng suất thanh long của chúng tôi luôn cao hơn vùng lân cận”.
“Ngoài các thành viên là nhà vườn ở ấp Bình Xuyên, còn có nhiều thành viên ở các ấp khác trên địa bàn xã Bình Quới tham gia THT.Từ khi thành lập đến nay, THT không ngừng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và trở thành một trong những đơn vị kinh tế hợp tác phát triển một cách bền vững ở địa phương. Hiện nay, chúng tôi vẫn tập trung sản xuất ƯDCNC theo sản phẩm sạch - GAP để đạt quy hoạch của huyện là 30ha thanh long ƯDCNC ấp Bình Xuyên. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập hợp tác xã và tìm kiếm khách hàng, xây dựng kho và phát triển thêm thành viên.Hiện tại, mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC này có nhiều lợi thế nhưng do chưa có nhà kho nên thành viên chưa dám mở rộng nhiều” - ông Siêm chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Phan Đại Bảo cho biết: Hiện nay, địa phương phát triển trên 100ha thanh long sản xuất ƯDCNC và nhờ các THT trên địa bàn mà mô hình trồng thanh long theo hướng GAP được phổ biến và ngày càng nhân rộng trong nhà vườn, từ đó giúp mô hình sản xuất trái thanh long đạt hiệu quả. Bởi, trái thanh long thực hiện theo chuẩn GAP xuất khẩu mạnh, người dân không bị ảnh hưởng bởi “cung vượt cầu”. Hiện địa phương có 7 THT.Tới đây, địa phương sẽ vận động các THT duy trì và mở rộng, vận động người trồng thanh long tham gia thực hiện mô hình GAP để bảo đảm đầu ra. Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng rất quan tâm, hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất này; đồng thời, tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân áp dụng vào sản xuất” - ông Bảo cho biết thêm.
Nông dân sản xuất thanh long ngày càng hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao
Chủ trương đúng đắn
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, tỉnh đang thực hiện Đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ƯDCNC 2.000ha đến năm 2020 tại huyện Châu Thành. Mục tiêu của đề án là phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, ƯDCNC nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long, là cơ sở vững chắc để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế. 4 năm qua, tỉnh triển khai thực hiện đề án được 2.082,05ha với khoảng 3.465 hộ tham gia, đạt 104,1% kế hoạch; đồng thời, xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, nhiều nông dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP đã tự nguyện đăng ký tham gia và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng việc nâng giá trị sản phẩm thanh long và nhu cầu xuất khẩu; góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng; làm tăng năng suất và chất lượng đối với sản phẩm thanh long. Kết quả cho thấy, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân từ 2,5-5 triệu đồng/ha.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết: “Thời gian tới, để nông dân sản xuất thanh long đạt hiệu quả hơn, huyện tăng cường chỉ đạo các xã đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành THT và hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào cây thanh long, nhất là thanh long xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu, nâng cao giá trị trái thanh long Việt Nam. Ngoài ra, huyện sẽ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất thanh long, hình thành các cơ sở bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thanh long.Huyện sẽ phối hợp Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm tại một số nước. Đặc biệt, huy động sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất - tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và tính bền vững trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo mô hình ƯDCNC, bảo đảm vệ sinh và chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP”./.
Huỳnh Phong
Phú Yên: Ảnh hưởng bão số 5: TX Sông Cầu thiệt hại nặng về nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Ảnh hưởng bão số 5, nước lũ tràn và làm vỡ bờ đìa nuôi thủy sản, hiện người dân đang khắc phục. Ảnh: ANH NGỌC
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, bão số 5 đã gây thiệt hại nặng cho địa phương, ước tổng thiệt hại khoảng 59,4 tỉ đồng.
Về nhà cửa, có 113 nhà bị sập, hư hỏng; 153 nhà bị tốc mái, ước thiệt hại khoảng 3,6 tỉ đồng. Về giao thông và thủy lợi, có nhiều tuyến đường và công trình thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, nước lũ cuốn trôi với khối lượng khoảng 12.500m3 đất đá, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng.
Nặng nhất là thiệt hại về nông nghiệp, có khoảng 150ha cây trồng (lúa, mía…) bị ngập nước, ngã đổ; khoảng 360 tấn muối của gần 90 hộ dân bị ngập nước; có 26 bè nuôi thủy sản (tôm hùm, cá mú, cá bớp) bị hư hỏng, nước lũ cuốn trôi mất; hơn 180 ao đìa nuôi thủy sản với diện tích hàng nghìn ha bị ngập lụt, vỡ bờ, thủy sản nuôi bị nước lũ cuốn trôi; 50 tàu thuyền (chủ yếu thuyền có công suất dưới 20CV) bị chìm, 8 chiếc bị sóng gió đánh vỡ, 2 thuyền và 11 sõng, thúng chai bị trôi mất; ước thiệt hại về lĩnh vực nông nghiệp khoảng 54,2 tỉ đồng…
Người dân ở xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) dọn dẹp, khắc phục nhà cửa bị sập. Ảnh: ANH NGỌC
Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, địa phương đã tổ chức thống kê, thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và triển khai ứng phó áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão. TX Sông Cầu đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục khẩn cấp đối với các gia đình có nhà bị sập, các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nhằm ổn định đời sống của người dân.
* Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới khu vực giữa biển Đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực Phú Yên sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến cả đợt từ 300-600mm, có nơi trên 600mm. Lúc 8 giờ sáng nay (4/11), mực nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ đạt 102,98m (mực nước thiết kế là 105m), lưu lượng nước về hồ là 615m3/s, vận hành xả lũ là 200m3/s, vận hành chạy máy là 400m3/s, tổng lượng nước về hạ du là 600m3/s.
Để chủ động phòng tránh vùng áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, hướng dẫn các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh. Các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra, nhất là ổn định nơi ăn, chốn ở đối với những hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn, các công trình bị sự cố, đồng thời chủ động ứng phó tình hình mưa lớn có thể xảy ra.
ANH NGỌC
Làm giàu từ nuôi bò lai Sind
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Sau 15 năm nuôi bò lai Sind, gia đình ông Trần Ngọc Anh (làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng năm gần 300 triệu đồng.
Năm 2004, nhận thấy nuôi bò lai Sind có giá trị kinh tế cao, ông Trần Ngọc Anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con bò lai Sind (mỗi con trị giá 15 triệu đồng) về nuôi. “Trước đó, gia đình tôi chỉ nuôi giống bò địa phương nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, tôi đã tìm đến một số trang trại bò giống trong và ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò lai Sind-giống bò khi ấy mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương khác”-ông Anh kể.
Ông Trần Ngọc Anh (làng Grang, xã Ia Phìn) chăm sóc đàn bò lai Sind của gia đình. Ảnh: T.D
Ông Hoàng Xuân Thanh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phìn: “Mô hình nuôi bò lai Sind của gia đình ông Trần Ngọc Anh đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Học tập cách làm của ông Anh, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi giống bò này để phát triển kinh tế, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.
Theo ông Anh, bò lai Sind là kết quả tạp giao giữa bò Red Sindhi hoặc bò Sahiwal với bò vàng Việt Nam. Tỷ lệ máu của bò lai Sind thay đổi rất lớn giữa các cá thể, do đó mà ngoại hình và sức sản xuất cũng thay đổi tương ứng. Bò lai Sind lúc trưởng thành đạt trọng lượng 350-450 kg/con; có thể phối giống lần đầu lúc 18-24 tháng tuổi; khoảng cách giữa các kỳ sinh sản khoảng 15 tháng. Đặc biệt, giống bò này chịu đựng kham khổ tốt, khả năng chống bệnh tật cao, thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm…
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn bò của gia đình ông luôn sinh trưởng và phát triển tốt, sinh sản được nhiều bê con. Bà Hồ Thị Thanh (vợ ông Anh) cho biết: “Vợ chồng tôi quyết định không đầu tư vào cà phê hay các cây trồng khác nữa mà chỉ tập trung trồng 2 sào cỏ, 5 sào lúa để phục vụ cho việc chăn nuôi đàn bò lai Sind. Từ 5 con bò giống, mấy năm sau, đàn bò đã được nhân lên gấp 3 rồi gấp 5, gấp 6 lần. Vợ chồng tôi rất phấn khởi vì mình đã đi đúng hướng”. Cứ như vậy, có thời điểm, đàn bò của vợ chồng ông Anh lên tới 35 con, trong đó có 20 con bò sinh sản và 15 con bò vỗ béo. Mỗi năm, gia đình ông có nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng từ bán bê con và bò thịt. Ngoài ra, gia đình ông còn tận dụng phân bò để bón cho cây trồng, giúp tiết kiệm một khoản đáng kể chi phí phân bón.
Ông Anh chia sẻ: “Để bò lai Sind khỏe mạnh, một ngày, tôi cho chúng ăn 3 lần vào sáng, trưa và tối. Tôi cũng thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và cơ thể bò. Việc tẩy uế định kỳ khu vực xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom xử lý chất thải, diệt ruồi, muỗi, gián, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò cũng là việc hết sức quan trọng. Đối với bò đang trong độ tuổi sinh sản, ngoài khẩu phần ăn là cỏ, rơm… thì cần cho ăn thêm củ quả tươi hoặc tinh bột để chúng tăng khả năng tiết sữa nuôi con”. Cũng theo ông Anh, trong thực tế, bò lai Sind chỉ nuôi khoảng 6 tháng sẽ đạt trọng lượng 100-120 kg/con và có thể bán được. Trong khi đó, nuôi bò địa phương phải mất hơn 1 năm mới có thể xuất bán, trọng lượng lại đạt thấp. Với bò lai Sind khoảng từ 6 tới 15 tháng tuổi, gia đình ông đã bán được với giá 15-20 triệu đồng/con. Chia sẻ về dự định, vợ chồng ông Anh cho biết sẽ nhân rộng mô hình nuôi bò lai Sind nhốt chuồng và nuôi thêm giống bò BBB để nâng cao thu nhập cho gia đình.
TRẦN DUNG
Phấn đấu năm 2030, ngành chăn nuôi xuất khẩu 15-30% sản phẩm chăn nuôi
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần.
Sáng 2-11, Bộ NN-PTNT cho biết, sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 5-6%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, thay thế nhập khẩu và bước đầu cho xuất khẩu một số sản phẩm như mật ong, lợn sữa, lợn thịt, trứng muối, trứng cút, thịt gà, các sản phẩm sữa và thức ăn chăn nuôi.
Trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi đã có 77 tiến bộ kỹ thuật được công nhận, trong đó có 4 dòng, giống lợn mới, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 6 dòng vịt mới, 2 tổ hợp lai đà điểu, 1 tổ hợp bò lai hướng thịt, 4 giống tằm đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với quy mô lớn và có hiệu quả kinh tế cao. Góp phần rất quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho khoảng 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần, trứng tăng 2,3 lần, sữa tươi tăng 3,6 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2018 đạt 32%, thấp hơn so với mục tiêu của chiến lược đặt ra là 38%, khả năng khó đạt mục tiêu 42% vào năm 2020. Chiến lược đề ra đến năm 2020 là sản lượng thịt sản xuất khoảng 7,8 triệu tấn thịt hơi (5,5 triệu tấn thịt xẻ) sẽ khó đạt được như mục tiêu. Tuy nhiên, sản lượng trứng 13,8 tỷ quả và sản lượng sữa tươi 1 triệu tấn đến năm 2020 thì về cơ bản có thể đạt được.
Ngành chăn nuôi phải phát triển trang trại theo mô hình an toàn sinh học để đảm bảo cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập và hướng tới xuất khẩu
Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, ông Nguyễn Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) xác định, bắt đầu từ năm 2020, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, với hàng rào thuế quan bằng 0%, nhiều sản phẩm chăn nuôi nước ngoài sẽ nhập khẩu vào thị trường trong nước. Trong bối cảnh này, thị trường chính là yếu tố quyết định. Do vậy, ngành chăn nuôi phải phát triển, để sản phẩm cạnh tranh ngay trên được thị trường trong nước. Chính phủ đưa ra chính sách kiến tạo, còn doanh nghiệp, hiệp hội tổ chức liên kết với nông dân để ngành chăn nuôi phát triển.
Đến 2020, ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu; kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường; phúc lợi động vật… Trước tiên là đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Đến 2030, ngành chăn nuôi phải xuất khẩu được từ 15-30% các sản phẩm chăn nuôi.
THANH HẢI
Hiếu Giang tổng hợp