Xây dựng thương hiệu nông sản Đông Nam bộ
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Đông Nam bộ là vùng đất giàu tiềm năng để tạo ra các mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị cao, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết nối với các vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đủ sức cạnh tranh trên thị trường phụ thuộc rất nhiều vào việc tận dụng lợi thế của công nghệ, xây dựng thương hiệu nông sản, hướng tới sự phát triển bền vững.
Vườn nhãn Ido ở Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh)
Nâng tầm giá trị nông sản bằng công nghệ
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 3.400ha cây ăn trái như nhãn, bưởi, sầu riêng, mãng cầu… được chuyển đổi từ các cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp hơn như cao su, mì, mía. Trong đó, nhiều diện tích vườn cây ăn trái được áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Điểm nhấn lớn nhất của nông sản Tây Ninh là việc trái mãng cầu trở thành sản phẩm nổi bật, đã có chỉ dẫn địa lý, có giá trị cạnh tranh cao cả về diện tích lẫn năng suất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu một loạt các sản phẩm khác như bưởi da xanh, xoài, mít... Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các sản phẩm này sắp tới sẽ được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 2-3 thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.
Tại Bình Phước, hiện có 21 hợp tác xã (HTX) và hơn 100 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực trồng cây ăn trái với diện tích trên 10.000ha, tăng 637ha so với năm 2018. Do diện tích đất phù hợp để trồng cây ăn trái manh mún, nên nhà nông cần tìm hiểu thông tin, nhu cầu thị trường, liên kết tạo cánh đồng lớn nhằm sản xuất ra sản phẩm đồng nhất, có sản lượng đủ lớn để xây dựng thương hiệu.
UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở KH-CN triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể, quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm gà thả vườn và nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long. Sau hơn 2 năm thực hiện, 2 sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho chủ sở hữu là Hội Nông dân xã Thanh Lương (thị xã Bình Long). Theo đó, 31 hộ nông dân trồng nhãn và 32 hộ dân nuôi gà của Thanh Lương được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này.
Việc được công nhận nhãn hiệu tập thể bước đầu khẳng định thương hiệu và giá trị của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại các địa phương. Đồng thời mở rộng quy mô, tăng đầu tư vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Liên kết sản xuất theo chuỗi
Ngành chức năng 2 tỉnh trên đang chú trọng hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá, phát triển thị trường; đồng thời định hướng nhà vườn liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tại Tây Ninh, việc hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi gia tăng giá trị sản phẩm đang được nhân rộng. Đến nay, Công ty cổ phần Lavifood đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân các huyện với diện tích 224ha cây ăn trái. Doanh nghiệp này cũng đang phối hợp với UBND huyện Dương Minh Châu xây dựng đề án liên kết sản xuất tiêu thụ rau củ quả với diện tích 3.000ha.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp, có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn. Đến nay, nhiều mô hình chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái đang mang lại hiệu quả kinh tế cao: Sản xuất mãng cầu VietGAP với diện tích hơn 200ha, bưởi da xanh hơn 1.000ha, chuối già xuất khẩu 380ha, 38 mô hình sản xuất rau an toàn, 33 trang trại trồng rau nhà kính và 90ha sản xuất hoa lan.
Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2020 có 157 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp; hơn 50% HTX nông nghiệp đăng ký hoạt động hiệu quả; thành lập mới 73 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả và phấn đấu có 16 HTX ứng dụng công nghệ cao…
Từ đó, ngành nông nghiệp đang tiến hành rà soát các sản phẩm chủ lực theo định hướng cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
HOÀNG BẮC
Bố Trạch (Quảng Bình): Trồng ổi theo hướng VietGap cho thu nhập cao.
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Nhờ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ nên trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Mô hình trồng ổi được cấp giấy chứng nhận VietGAP với thương hiệu ổi sạch Tâm An ở Lý Trạch.
Năm 2017, hộ anh Nguyễn Ngọc Cương (thôn 7, xã Lý Trạch) đã chuyển đổi gần 1,5ha diện tích đất kém hiệu quả sang trồng hơn 900 gốc ổi với các loại giống; tập trung chủ yếu là giống ổi nữ hoàng, ổi ruột đỏ.
Mô hình trồng ổi này được áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP; việc phòng trừ sâu bệnh được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học và chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây nhằm đạt năng suất, chất lượng cao. Bình quân mỗi ha trồng ổi cho thu hoạch từ 40-50 tấn ổi/năm, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay, mô hình trồng ổi của anh Nguyễn Ngọc Cương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP với thương hiệu ổi sạch Tâm An.
Huyện Bố Trạch cũng đang khuyến khích nhân rộng mô hình nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hương Trà
Trái đu đủ rớt giá
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Thu hoạch đu đủ tại một hộ dân ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Nông dân trồng đu đủ tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL lo lắng vì giá trái đu đủ giảm hơn 50% so với cách nay vài tháng và hiện đang ở mức rất thấp.
Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, hiện đu đủ được nhiều nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua chỉ còn ở mức 3.000-4.000 đồng/kg, trong khi trước đó có nhiều thời điểm có giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.
Giá đu đủ giảm mạnh do thời gian qua nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng và nguồn cung trái đu đủ cũng đang tăng do bước vào thuận mùa cho trái. Thời điểm này, đu đủ ít bị hư và đổ ngã do mưa lũ như các tháng trước. Trong khi đó, hiện trái đu đủ chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô chứ chưa chế biến được các sản phẩm có thể để lâu nên rất dễ gặp cảnh dư thừa, dội chợ.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG
Sóc Trăng: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nhãn hiệu lúa gạo đặc sản của tỉnh
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Ngày 3-12, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức hội thảo “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nhãn hiệu lúa gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng”. Đến dự có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Huỳnh Ngọc Vân, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, các hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh.
Theo đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Sóc Trăng có 7 huyện, thị được tập trung, tăng cường phát triển lúa đặc sản là Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm. Đến nay, diện tích gieo trồng lúa đặc sản hơn 150.130ha, chiếm hơn 42% diện tích canh tác, vượt 19% so với chỉ tiêu kế hoạch đề án đặt ra với sản lượng 800.000 tấn và các giống lúa đặc sản được sử dụng chính trong sản xuất là ST, lúa Tài nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ. Đồng thời, đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản Sóc Trăng được thực hiện đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đại biểu tham gia thảo luận xoay quanh các nội dung trọng tâm như: cách xây dựng thương hiệu gạo thơm riêng cho tỉnh, ưu thế cạnh tranh của sản phẩm gạo, cách bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu, cách khai thác quyền sở hữu trí tuệ, cách tạo lợi thế của sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường…
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Vân cho biết: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý rất cần thiết để sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể có danh tiếng, chất lượng hoặc các đặc tính riêng biệt, đặc thù do điều kiện tự nhiên hoặc con người của vùng địa lý đó quyết định. Việc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được Nhà nước bảo hộ đồng nghĩa với người tiêu dùng được bảo đảm rằng sản phẩm có nguồn gốc địa lý tại vùng địa lý nhất định và có chất lượng, danh tiếng hoặc những đặc tính riêng, khác với các sản phẩm cùng loại ở các vùng khác và qua hội thảo giúp người sản xuất lúa gạo đặc sản trong tỉnh hiểu biết hơn về các giải pháp để bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng và quảng bá thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần đưa hạt gạo đặc sản Sóc Trăng ngày càng phát triển và cạnh tranh hơn nữa trên thị trường”.
Thúy Liễu
Niềm vui trên cánh đồng VietGAP
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Vụ lúa - tôm năm nay, bà con nông dân xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau thực hiện mô hình trồng lúa VietGAP được 130 ha. Hiện lúa đang vào thời kỳ đỏ đuôi, bà con chuẩn bị thu hoạch, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Trong số này có 41 hộ thực hiện canh tác theo chuẩn VietGAP với diện tích 80 ha và 33 hộ canh tác theo hướng VietGAP với diện tích 50 ha.
Ông Lâm Văn Trắng, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, phấn khởi cho biết: “Bà con ở đây được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất IPM, bà con hết sức phấn khởi bởi vụ này lúa phát triển tốt”.
Thời tiết năm nay thuận lợi, lúa phát triển tốt, hứa hẹn năng suất cao.
Các giống lúa được bà con canh tác trong vụ mùa năm nay là OM 5451, OM 6162, ST 24 và được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ ở tất cả các khâu từ làm đất, xử lý quy trình, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón một cách cân đối, hiệu quả, theo mô hình 3 giảm, 3 tăng.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản ấp Ông Muộn Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ: “Làm lúa VietGAP có nhiều cái lợi: Thứ nhất là an toàn thực phẩm, thứ hai là bảo vệ môi trường, thứ ba là an toàn lao động, thứ tư là truy xuất nguồn gốc, vì vậy bà con rất phấn khởi thực hiện. Thời tiết năm nay cũng khá thuận lợi, lúa rất tốt, hứa hẹn năng suất cao".
Thực hiện mô hình này do hạn chế sử dụng phân vô cơ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật nên giảm chi phí khoảng 30% so với phương thức canh tác truyền thống. Hiện các trà lúa được 75-80 ngày tuổi đang ở vào thời kỳ đỏ đuôi, khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch, năng suất ước đạt hơn 6 tấn/ha.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản ấp Ông Muộn Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Bà con hiện rất phấn khởi vì mô hình này đem lại năng suất cao, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm Mạc Ngọc Truyền thông tin: “Ngay từ đầu vụ, Hội Nông dân xã hướng dẫn bà con thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sắp tới, Hội Nông dân liên hệ một số công ty, đặc biệt là Công ty Ngọc Quang Phát ở Cần Thơ xuống ký hợp đồng để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân”.
Kết quả này sẽ là cơ sở để TP Cà Mau triển khai nhân rộng sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn trong thời gian tới, hướng đến liên kết sản xuất quy mô lớn theo hình thức kinh tế hợp tác xã, xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu của tỉnh. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
Ninh Hải
Nuôi thành công rong nho Nhật Bản tại Lý Sơn
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi
Rong nho biển được nuôi tại Lý Sơn
Rong nho biển vừa được nuôi thành công tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có nguồn gốc tại Nhật Bản, mô hình hứa hẹn là nghề mới cho người dân và bổ sung nguồn rong biển cho huyện đảo.
Mô hình nuôi rong nho biển được Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) triển khai thực hiện trong hai năm (2018 – 2019). Rong nho được nuôi bằng nước biển trong 5 bể xi măng với diện tích 50m2. Trang thiết bị nuôi gồm vỉ lưới, máy sục khí và hệ thống xả thải. Phương pháp nuôi rong nho khá đơn giản, rong được cho vào trong vỉ lưới đặt trên nền đáy bể đã có cát. Vỉ lưới được xếp thành 2 hàng dọc theo bể, mỗi hàng 5 vỉ.
Qua 6 đợt nuôi, rong phát triển tốt, thân rong cao 5cm có màu xanh sáng bóng, mềm và mọng nước. Mỗi tháng cung cấp trên 100kg rong nho thành phẩm cho huyện đảo.
Ông Đỗ Anh Duy - Viện Nghiên cứu Hải sản, cho biết quy trình thực hiện mô hình này tương đối đơn giản, yêu cầu đầu tiên là nguồn nước phải đảm bảo mặn cao và ổn định từ 30-34%, thứ 2 là vị trí nuôi trồng, tốt nhất là xây bể ven biển để thuận tiện cho việc bơm cấp và thay nước biển để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho rong nho sinh trưởng và phát triển, thứ 3 là nuôi rong nho không đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như công chăm sóc và quản lý.
Theo ông Duy, ở Việt Nam loài rong nho này đã phát hiện phân bố tự nhiên ở đảo Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc, Lý Sơn nhưng các dạng này không được nuôi trồng do kích thước nhỏ. Rong nho đang nuôi trồng ở Lý Sơn có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hiện nay, nghề nuôi trồng rong nho biển đang phát triển rộng rãi tại khu vực tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên do chúng có tốc độ tăng trưởng cao, điều kiện môi trường sống phù hợp với địa phương ven biển và có giá trị xuất khẩu lớn. Rong nho có giá trị kinh tế và dinh dưỡng rất cao, vì trong rong nho có khoáng vi lượng, vitamin, axit amin...rất có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, mô hình này có triển vọng rất lớn và phát triển mạnh tại các huyện đảo.
Mô hình nuôi rong nho biển trong bể xi măng thành công mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân Lý Sơn, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề, thay thế các phương thức canh tác không hiệu quả. Bởi rong nho dễ nuôi, tốc độ phát triển nhanh, chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu trên 120 triệu đồng để xây bể, trang thiết bị hỗ trợ.... Rong nho giống có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Thời gian thu hoạch ngắn, chỉ từ 30 – 40 ngày, những lần thu hoạch tiếp theo cách nhau 10-15 ngày.
Ông Nguyễn Đình Trung – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, cho biết hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi rong nho biển đem lại rất cao, nếu một hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình với diện tích khoảng 50m2, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. “Viện nghiên cứu Hải sản chuyển giao cho huyện, Trung tâm là đơn vị tiếp nhận và sẽ nhân rộng mô hình này cho người dân tham gia; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân xây bể và chăm sóc rong nho và tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Trung nói.
Sau khi mô hình đạt hiệu quả, một nhà hàng trên đảo Lý Sơn cũng đã đăng ký nhận mô hình này tiếp tục đầu tư phát triển. Bà Nguyễn Thị Kim Vương, nhà hàng Hải Âu Lý Sơn chia sẻ: “Là hộ kinh doanh trực tiếp tham gia mô hình nuôi rong nho biển của Viện Nghiên cứu Hải sản thì thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả rất cao, mặc dù người dân và du khách chưa biết đến nhiều về loại rong nho này, nhưng khi đến đảo và được thưởng thức món rong biển này thì đều hài lòng”.
Trong những năm gần đây, lượng du khách ra đảo Lý Sơn tham quan và thưởng thức sản vật biển rất nhiều. Tuy nhiên, rong biển trên đảo Lý Sơn ngày khan hiếm. Do đó, việc đưa một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như rong nho ra Lý Sơn, một mặt sẽ cung cấp nguồn rau xanh phục vụ cho du khách, một mặt phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hữu Danh
Nông nghiệp Đồng Tháp: Mạnh dạn thay đổi để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Kết thúc năm 2019, nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 42.828 tỷ đồng, tăng 3,64% so với năm 2018 trong bối cảnh nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, xuất khẩu. Đây được xem là kết quả rất đáng phấn khởi của tỉnh trong năm qua.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo đến người nông dân
Thế nhưng, trong kết luận về định hướng của ngành nông nghiệp thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh về cái bẫy “bằng lòng với kết quả hiện có” và tầm quan trọng của việc phải thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo đến người nông dân.
Nông nghiệp nhiều khởi sắc
Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm qua là người nông dân đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như các mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình... Các mô hình này đã giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích.
Bên cạnh việc mở rộng sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái thì các mô hình sản xuất sạch, an toàn để nâng cao giá trị nông sản tiếp tục được nhân rộng. Trong đó, ngành hàng xoài đã từng bước được áp dụng như: Cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu. Hiện sản phẩm Xoài Cao Lãnh đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế hợp tác và Hội quán đã góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của ngành nông nghiệp. Thông qua mô hình Hội quán đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; nổi bật còn là mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã (HTX) mới.
Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh đã có 17 HTX được thành lập từ 18 Hội quán. Trong đó, có một số Hội quán đã xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản thành công như: Đông Tân Hội quán (TP.Cao Lãnh) đã xây dựng thành công mô hình “Cây cam nhà tôi” và liên kết bán được 40 cây cam, với số tiền trên 400 triệu đồng; Minh Tâm Hội quán (huyện Cao Lãnh) đã xây dựng và bán ra hơn 224 “Cây xoài nhà tôi” với tổng số tiền trên 830 triệu đồng; Canh Tân Hội quán (huyện Châu Thành) xây dựng và kết nối thành công việc tiêu thụ nhãn với các doanh nghiệp (DN)...
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn do áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa gạo, trái cây, thủy sản... Đặc biệt, vấn đề thị trường Trung Quốc đang siết chặt xuất khẩu chính ngạch với những điều khoản khắt khe hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc sản phẩm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng...
Phải mạnh dạn thay đổi bởi “Ngoài kia gió đang thổi”
Theo Bí thư Lê Minh Hoan, kết quả trong năm qua là sự cố gắng rất lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không được bằng lòng với những kết quả hiện có mà phải thay đổi một cách mạnh mẽ, từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng, bởi “ngoài kia gió đang thổi”...
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, sự thay đổi của thế giới nhanh đến mức, cái mới vừa hình thành thì đã có cái mới thay thế, sản phẩm này vừa hình thành thì đã có sản phẩm khác thay thế. Chính vì vậy, nếu cứ “đủng đa đủng đỉnh” thì sẽ thất bại. Thay đổi từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp là lấy chất lượng thay cho sản lượng và phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, tư duy này phải thấm nhuần từ lãnh đạo các cấp đến DN, HTX, nông dân thì mới có sự thay đổi lớn. Trước tiên, nhà quản lý phải phân tích cho người nông dân hiểu rõ cái nào đúng, cái nào hợp lý để nông dân nhận ra điểm yếu và chưa đúng mà mạnh dạn thay đổi. Đồng thời để có sự thay đổi trong nông nghiệp, đội ngũ lãnh đạo phải có trách nhiệm kết nối những thành phần trong chuỗi liên kết lại với nhau, cùng tạo ra một sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngành hàng xoài từng bước được cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - ủy viên Ban chấp hành Hiệp Hội nông nghiệp số Việt Nam thông tin, truy suất nguồn gốc là chương trình mục tiêu quốc gia của Trung Quốc trong thời gian tới. Theo đó, họ đặt ra hai mục tiêu, thứ nhất yêu cầu tất cả các nhà cung cấp nông sản vào nước này phải đảm bảo vấn đề truy suất nguồn gốc. Thứ hai, Trung Quốc sẽ định vị toàn cầu nguồn gốc tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào nước của họ. Chính vì thế, thời gian tới đây, họ chỉ cần nhìn vào định vị này có thể kiểm soát được việc tuân thủ xây dựng mã vùng của các nước nhập khẩu vào thị trường của họ, do đó chúng ta phải nghiêm túc, tự giác thực hiện tốt mới tiến bộ được.
Theo bà Thành Thực, quy định về truy xuất nguồn gốc là cơ hội lớn nhất chưa từng có để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đầu tiên là thay đổi tư duy của người sản xuất rồi đến người quản lý hành chính nhà nước. Bà Thực khẳng định, mất thị trường Trung Quốc trong thời điểm này thì nông sản Việt Nam cực kỳ khó khăn, nếu Trung Quốc mất nguồn cung nông sản từ Việt Nam thì không sao cả, vì họ có rất nhiều lựa chọn.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, Đồng Tháp cấp được 400ha mã vùng/29.600ha cây ăn trái, đạt 1,35%, nếu tính tổng trên diện tích trồng trọt là 250.000ha là chỉ đạt 0,16%. Tuy nhiên, trong kế hoạch năm 2020, Đồng Tháp đưa ra chỉ tiêu thành lập 49 HTX, như vậy theo bà Thành Thực sẽ không đủ cho việc thành lập các tổ nhóm cho việc truy suất nguồn gốc. Bởi vì, tối thiểu phải xây dựng được mã vùng mã xưởng phù hợp với ít nhất 50% diện tích cây ăn trái mà Đồng Tháp muốn xuất khẩu đi Trung Quốc.
Truy suất nguồn gốc là vấn đề không hề mới và chúng ta đã, đang làm trong thời gian qua, đó là từng bước áp dụng các tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP, các yêu cầu truy suất quy định trên tem... đây là các quy định không hề mới. Để làm được điều này, cần phải có sự thay đổi tư duy một cách toàn diện từ các cấp lãnh đạo đến toàn thể nhân dân mới có thể thành công. Theo đó, lãnh đạo phải vận dụng toàn bộ trí tuệ, thiết bị, công nghệ cho việc thay đổi, còn nông dân phải đồng lòng cùng làm với Nhà nước trong “cuộc cách mạng” này. “Bởi nếu chỉ một phía thì không bao giờ thành công và doanh nghiệp chúng tôi cũng sẽ không chờ được, các nước xuất khẩu cũng không chờ được... nếu các bạn không làm các bạn sẽ thất bại” - bà Thành Thực khẳng định.
Tâm đắc với những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của tỉnh và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chính vì vậy, các ngành cần mạnh dạn đặt mục tiêu cao hơn để cùng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Để làm được điều này, trước tiên, chúng ta phải thay đổi tư duy sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Đây là nguyên tắc về quy luật cho sự phát triển.
Chủ tịch Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự rà soát ở ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách để vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, ngành nông nghiệp phải hỗ trợ, định hướng, đào tạo để nông dân chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng nhanh với sự thay đổi này. Trước mắt là xây dựng và triển khai kế hoạch đăng ký mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Ngành công thương phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng cường tiếp cận các kênh bán lẻ, bán hàng online, tập huấn thiết kế bao bì, nhãn hiệu, hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu.
Đồng Tháp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng. Các Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết cũng là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Vấn đề còn lại là bà con nông dân phải chủ động thay đổi để thích ứng với các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhằm cải thiện thu nhập từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. “Cán bộ nông nghiệp, chính quyền các địa phương cũng phải “sống cùng với nông dân” để cùng làm một cuộc cách mạng nông nghiệp mới. Theo đó, đội ngũ này phải cùng HTX, Hội quán truyền đạt những hiểu biết, những thay đổi của thế giới đến người nông dân để từ đó họ mạnh dạn thay đổi tư duy, sản xuất nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, trước hết là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương tâm huyết chia sẻ.
Mỹ Nhân
Thu nhập ổn định nhờ con dê
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Do ảnh hưởng của tình hình dịch tả heo Châu phi nên nhiều hộ dân đã tìm hướng chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp. Với giá cả hấp dẫn, chi phí chăn nuôi thấp và đặc biệt khả năng kháng bệnh tốt nên nhiều nông dân trên địa bàn TP. Sóc Trăng đã chuyển đổi sang nuôi dê nhốt chuồng để đảm bảo an toàn và có nguồn thu nhập ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Sóc Trăng nói riêng, mô hình nuôi dê ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ. Chú Nguyễn Văn Phú, ở Khóm 5, Phường 8 (TP. Sóc Trăng) gắn bó với mô hình nuôi heo khoảng 25 năm nhưng thời gian gần đây do tình hình dịch bệnh nhiều, chi phí thức ăn tăng cao, nuôi heo không có lời. Cách đây 3 năm, khi tham gia tổ hợp tác nuôi dê của Phường 8, chú có điều kiện nghiên cứu và tìm hiểu những mô hình nuôi dê hiệu quả. Từ đó, chú quyết định chuyển hẳn sang chăn nuôi dê nhốt chuồng. Hiệu quả kinh tế từ nuôi dê mang lại nên chú mạnh dạn mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn. Chú Phú chia sẻ: “So với nuôi heo thì nuôi dê giá cả ổn định, ít công chăm sóc bởi dê là con vật ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà, đặc biệt dê hiếm khi mắc bệnh. Vì vậy, nuôi dê chỉ mất công cắt cỏ, không phải bỏ tiền mua thức ăn cho dê nên chi phí thấp, không sợ lỗ. Khi dê sinh sản thì dê cái để gây đàn, còn dê đực nuôi bán, cứ như vậy đàn mỗi năm một tăng và có bán thường xuyên”.
Mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ.
Cũng theo chú Phú, để chăn nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao và ổn định, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Do đặc tính dê thích sống ở những nơi cao ráo, thoáng mát nên chuồng trại cũng phải xây dựng cao so với mặt đất. Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh nhưng trong quá trình nuôi cũng phải đúng kỹ thuật. Với giá thị trường hiện nay, mỗi năm gia đình chú Phú cũng bán được khoảng mấy chục con dê thương phẩm, lời vài chục triệu đồng. Đây là mức thu nhập ổn định so với nhiều mô hình chăn nuôi khác hiện nay.
Những năm trước, do hoàn toàn phụ thuộc thương lái nên đầu ra không ổn định, giá bán dê thương phẩm thường ở mức thấp. Nhưng gần đây, các hộ nuôi dê đã liên kết lại thành lập Tổ hợp tác Nuôi dê Phường 8 nên việc tiêu thụ được thuận lợi hơn. Nhờ đầu ra ổn định, giá cả tương đối tốt nên mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn TP. Sóc Trăng nói chung và các thành viên nuôi dê của tổ hợp tác Phường 8 nói riêng đã mở rộng quy mô chăn nuôi và giàu lên từ con vật này. Anh Ngô Minh Tài - Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi dê Phường 8 cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập đầu năm 2018, với 11 thành viên. Tham gia vào tổ hợp tác, các hộ chăn nuôi dê được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cách phòng, trị bệnh cho đàn dê. Đầu ra tương đối ổn định. Hiện cung không đủ cầu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt dê trên thị trường ngày càng lớn. Hiện tại, gia đình tôi có 27 con dê cái và 29 con dê thương phẩm chuẩn bị xuất bán. Theo tôi, nuôi dê nhốt chuồng không khó, chỉ cần phòng dịch bệnh tốt, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và theo dõi quản lý tốt đàn dê. Đảm bảo nguồn thức ăn đủ thì 1 năm dê đẻ hai lứa, từ lúc đẻ đến 6 tháng có thể xuất bán với trọng lượng 28kg đến 32kg/con. Với giá bán ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng lời trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng”.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng Mai Quốc Ngưng cho biết: “Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang rất phát triển do nhu cầu thị trường ngày càng lớn nên nhiều nông hộ có xu hướng tăng đàn, chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp. Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê phát triển bền vững, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con cũng như triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê để đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đàn dê giống, tăng quy mô tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, đặc biệt định hướng tiêu thụ cho bà con, giúp nông hộ chăn nuôi dê trên địa bàn phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng”.
K. Thoa
ADM đưa nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 5 vào hoạt động
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Tập đoàn Archer Daniels Midland (ADM) vừa khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu Công nghiệp Hòa Mạc (tỉnh Hà Nam). Đây là nhà máy thứ 5 của ADM chuyên về dinh dưỡng vật nuôi tại Việt Nam.
Nhà máy được trang bị các công nghệ hiện đại như: vận chuyển nguyên liệu thô trong hệ thống ống kín bằng khí nén, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, điều khiển hoàn toàn tự động, lò hơi sinh khối cung cấp nguồn năng lượng tái tạo.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 4,6ha, gồm 1 khu sản xuất, 3 kho dự trữ nguyên liệu thô và thành phẩm, khu văn phòng và khu xuất hàng; sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi heo, thỏ và gia cầm.
ĐĂNG LÃM
Nuôi gia cầm từ... chuồng heo bỏ trống
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Thời gian gần đây, khi mà bệnh dịch tả heo Châu Phi hoành hành, nhiều hộ nuôi heo tận dụng chuồng trại bỏ trống để nuôi gia cầm, nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư chuồng nuôi, góp phần bù đắp thu nhập khi chưa thể tái đàn heo vào thời điểm này.
Sau khi thua lỗ vì đàn heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, anh Lê Tấn Đạt (ở ấp Mướp Sát, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi vịt xiêm.
Để cải tạo chuồng nuôi, anh Đạt vệ sinh sạch sẽ toàn bộ nền, tường chuồng nuôi, sau đó để khô, quét nước vôi và phun thuốc sát trùng. Sau đó, anh Đạt mua lưới nhựa để làm sàn và chuẩn bị máng ăn, máng uống, đèn sưởi,... trước khi nhập vịt giống về nuôi.
Theo anh Đạt, vịt xiêm giống không chuẩn sẽ bị trùng huyết, thoái hóa nên khi nuôi sẽ không hiệu quả. Do đó, anh Đạt chọn mua giống ở cơ sở cung cấp giống có uy tín ở tỉnh Tiền Giang và được cơ sở này “bao” chất lượng với giá 25.000 đ/con vịt xiêm giống.
Sau khoảng 2,5 tháng nuôi, vịt xiêm của anh đạt trên 2,5kg mỗi con, với giá bán vịt xiêm thịt 56.000 đ/kg, anh Đạt lời khá, bù đắp phần nào lỗ lã do heo bị bệnh.
Việc chuyển đổi chăn nuôi đòi hỏi người dân phải áp dụng kỹ thuật mới, an toàn nhằm hạn chế dịch bệnh và rủi ro thị trường.
Là người có nhiều năm chăn nuôi gia cầm, bên cạnh mô hình chăn nuôi gà thả vườn, lâu nay anh Dương Hoàng Giang (ấp Rạch Ngay, xã Trung Hiệp) cũng đầu tư nuôi vịt xiêm. Anh Giang cho biết, tuy nuôi số lượng không nhiều, mỗi lứa từ 30- 50 con, nhưng hiệu quả kinh tế loại thủy cầm này mang lại khá cao.
Theo kinh nghiệm của anh Giang, vịt xiêm được anh nuôi ở một khu riêng, tách biệt với gà để tránh dịch bệnh xâm nhiễm.
Vịt xiêm có cái khó là không thể nuôi cố định một chỗ lứa này qua lứa khác mà phải luân chuyển qua chỗ khác khoảng 3 lứa rồi mới quay lại để hạn chế dịch bệnh.
Cũng theo anh Giang, nhiều hộ ở ấp Rạch Ngay tận dụng chuồng trại nuôi heo để thả vịt xiêm, tiết kiệm chi phí, nhưng kinh nghiệm cho thấy vịt xiêm nuôi trên nền cát vẫn là tốt nhất. Loài thủy cầm này cũng cần nước để tắm nhưng nhu cầu nước của vịt xiêm lại ít hơn so với vịt tàu.
Bên cạnh giống vịt xiêm đen thì hiện nay nhiều hộ cũng chọn nuôi giống vịt xiêm Pháp. Loại này nuôi khoảng 80 ngày đạt 2,7kg, là có thể xuất bán nên tính ra nuôi vịt xiêm nhanh hơn nuôi gà. Riêng vịt xiêm đen thì có thể xuất chuồng sớm hơn 5- 10 ngày, nghĩa là nuôi khoảng 70- 75 ngày.
Chuồng nuôi heo của anh Lê Tấn Đạt đã được cải tạo để nuôi vịt xiêm.
Có thời điểm giá vịt xiêm lên tới đỉnh 70.000 đ/kg mà người nuôi vẫn không có lứa để bán. Giờ thì vịt xiêm đã được nuôi với số lượng nhiều nên không còn hút hàng như trước.
Hiện giá bán vịt xiêm đen ở mức 56.000 đ/kg. Tuy vậy, theo anh Giang, nếu nuôi vịt xiêm thành công với quy mô như nuôi gà thả vườn thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, nông dân mau làm giàu, một lời một.
Đánh giá của UBND huyện Vũng Liêm, mô hình nuôi vịt xiêm tại địa phương đang là giải pháp để tận dụng chuồng trại chăn nuôi heo hiệu quả trong khi chưa thể tái đàn heo do bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Theo đó, người nuôi vịt xiêm Pháp bình quân 3 tháng xuất bán 1 lần, trọng lượng 3kg/con, tỷ lệ hao hụt 5%. Giá bán dao động từ 53.000- 55.000 đ/kg, chi phí khoảng 40.000 đ/kg, lợi nhuận từ 13.000- 15.000 đ/kg. Như vậy, với quy mô nuôi 1.000 con thì lợi nhuận đạt từ 37- 42 triều đồng, hiệu quả kinh tế mang lại là khá cao.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trước tình trạng khủng hoảng chăn nuôi heo do bệnh dịch tả heo Châu Phi, việc chuyển sang chăn nuôi vật nuôi khác là cần thiết và trong nỗ lực tìm nguồn thực phẩm thay thế cũng như bù đắp sự sụt giảm của ngành chăn nuôi heo, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đòi hỏi người chăn nuôi phải có kinh nghiệm, kiến thức, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới an toàn, nhằm hạn chế dịch bệnh và rủi ro thị trường khi số lượng tăng ồ ạt, cung vượt cầu.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Hiếu Giang tổng hợp