Nông dân không thiết tha tái đăng ký chứng nhận VietGAP
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh ưu tiên hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các mặt hàng nông sản: rau, củ, trái cây. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nông dân, địa phương không còn mặn mà với việc tái đăng ký chứng nhận VietGAP.
Thu hoạch mãng cầu (ảnh chụp tại HTX mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh).
Vào năm 2017, các xã viên hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Rỗng Tượng (huyện Gò Dầu) háo hức đăng ký thực hiện chương trình canh tác theo VietGAP với mong muốn đầu ra của nông sản được thuận lợi hơn, có giá bán cao hơn. Sau vài năm thực hiện, rau VietGAP vẫn chưa có kênh tiêu thụ riêng, vẫn phải bán ra thị trường theo truyền thống, nên đến nay, nhiều xã viên đã không còn mặn mà với việc tái đăng ký chứng nhận VietGAP.
Đại diện HTX rau Rỗng Tượng cho biết: “Chứng nhận VietGAP chỉ sử dụng được trong 3 năm và sau đó phải thực hiện việc tái đăng ký. Sau đó, chúng tôi vận động xã viên đóng góp tiền để tái đăng ký chứng nhận thì nhiều nông dân không còn mặn mà. Vì chi phí thì cao nhưng đầu ra của sản phẩm cũng không cao so với các loại rau củ trồng thông thường. Nông dân không có lợi ích gì thì họ đâu có thiết tha tái đăng ký chứng nhận làm chi”.
Theo một nhân viên của Tổ chức chứng nhận NHO-QSCERT (tại Cần Thơ) trong một buổi làm việc tại Tây Ninh, chi phí cấp giấy chứng nhận nông sản GAP thường tuỳ từng trường hợp, nếu là mô hình sản xuất tái chứng nhận thì chi phí sẽ giảm. Ngược lại, nếu có gián đoạn và “xé lẻ” ra từng hộ thành nhiều giấy chứng nhận ở nhiều nơi thì chi phí đội lên. Vì vậy, khi bà con canh tác VietGAP cần tham khảo thật kỹ các mô hình đã thành công, tổ chức sản xuất tập trung và tái chứng nhận khi giấy chứng nhận gần hết hạn thì sẽ tốn ít chi phí để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.
Cuối năm 2015, Tổ hợp tác (THT) sản xuất mãng cầu Suối Đá (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) được Nhà nước hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho 8 hộ thành viên với 22,7 ha mãng cầu ta.
Đến năm 2018, khi giấy chứng nhận này hết hạn, nông dân phải bỏ “tiền túi” để đăng ký tái chứng nhận VietGAP thì 7/8 thành viên không đăng ký thực hiện, mà quyết định sản xuất theo cách truyền thống như trước.
Anh Trần Trung Kiên, Tổ trưởng THT mãng cầu Suối Đá cho biết, giá trọn gói của phí tái chứng nhận VietGAP khoảng 20 triệu đồng. Trung bình mỗi thành viên sẽ đóng khoảng 2,5 triệu đồng. Giấy chứng nhận có giá trị trong 3 năm. Sau đó, hầu hết thành viên đều không tái đăng ký. Vì giá mãng cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được bán ra không khác gì giá của mãng cầu sản xuất theo kiểu truyền thống. Do người trồng không muốn phải tốn thêm chi phí và thực hiện quy trình sản xuất phức tạp hơn, cực hơn phương pháp sản xuất cũ.
Anh Kiên cho biết thêm, anh đã cố gắng thuyết phục các thành viên tái đăng ký chứng nhận VietGAP để họ cùng tham gia giữ thương hiệu mãng cầu Suối Đá nói riêng và mãng cầu Tây Ninh nói chung, nhưng họ cương quyết từ chối. “Riêng tôi vẫn quyết tâm sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước đưa trái mãng cầu của Tây Ninh đến với đông đảo người dân, du khách và ra thế giới. Tôi bỏ tiền đăng ký chứng nhận VietGAP cho 10 ha mãng cầu của gia đình mình".
Không riêng gì hoa màu, mãng cầu mà nhiều loại cây trồng khác như bưởi, nhãn… giá bán chưa phù hợp với chất lượng và quy trình sản xuất, nên đa phần nông dân không mặn mà với việc đăng ký chứng nhận VietGAP hoặc tái chứng nhận VietGAP.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra theo... quy trình ngược. Nhà nước hỗ trợ phần lớn chi phí để khuyến khích nông dân làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các sản phẩm rồi… chờ cơ hội thị trường đến chứ không phải có đơn đặt hàng rồi mới đầu tư sản xuất. Thêm vào đó, công tác quy hoạch vùng sản xuất VietGAP chưa được hoàn thiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất chưa được đáp ứng; chính sách khuyến khích chưa đủ sức thu hút để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất VietGAP…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt GAP cho hơn 885 ha diện tích trồng cây ăn quả, hơn 1.986 ha lúa; hỗ trợ chứng nhận sản xuất rau chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 141,50 ha tại 8/9 huyện, thành phố. Đã có chủ trương phê duyệt gói thầu, đang tiến hành lập hồ sơ mời thầu để tiến hành triển khai cho nông dân đăng ký theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Việc xây dựng mô hình VietGAP tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng còn khá nhiều hạn chế, bất cập đã đẩy tình trạng canh tác theo quy trình VietGAP dễ “chết yểu” khi hết thời gian “tiếp sức” của Nhà nước.
Vì vậy, thiết nghĩ, trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ nông dân trong thời gian đầu chứng nhận VietGAP; đầu tư hạ tầng cho vùng canh tác VietGAP; doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường khi hợp tác phát triển trái cây VietGAP… Đồng thời, nông dân cũng cần có trách nhiệm trong việc tích cực tìm đầu ra sản phẩm, thay đổi thói quen sản xuất và đóng chi phí tái chứng nhận khi hết thời gian hỗ trợ của Nhà nước.
Vũ Nguyệt
Thị trường ‘dễ tính’ chỉ là thứ ‘bùa mê’!
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Từng là thị trường dễ tính, giờ đây Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các thương vụ, chi nhánh thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc và tại Việt Nam, để kiểm tra và thẩm định thông tin, chọn lựa đối tác phù hợp, có uy tín.
Thận trọng của người bán
Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên, TP Cần Thơ, điều đáng cân nhắc là Trung Quốc phá giá đồng NDT ảnh hưởng mọi thứ và thực ra mua bán tùy vào mối quan hệ nên khi bạn hàng không đặt hàng thì mình có lý do tạm dừng để “nghe ngóng” tình hình. Gạo là điểm yếu nhất so với trái cây vì không có vùng nguyên liệu, không dễ truy xuất nguồn gốc. Đối với trái cây, khó nhất đang dồn về chành vựa vì không thể đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc.
“Hồi đầu năm, có mấy đoàn doanh nghiệp Trung Quốc tới xem vùng trồng và nói rằng hàng này đi chính ngạch”-ông Nguyễn Thành Quý, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Từ đó, giá mua 10.000 đồng/kg khoai tím Nhật, nhưng số lượng đi chính ngạch chừng 10-15%, còn lại đi tiểu ngạch, tiêu thụ nội địa và số ít ỏi đi các thị trường khác. Họ yêu cầu về kích cỡ, sơ chế, khoai đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Giá dao động từ 9.000-10.000 đồng/kg (khoai tím Nhật); khoai đỏ, khoai sữa các loại chỉ bằng 80% giá khoai tím Nhật.
Ông Ngô Văn Tua, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Đông, ấp Thành Tân, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tháng trước, có một đoàn Campuchia qua đây đặt mua khoai lang, điều kiện dễ chịu hơn Trung Quốc. Họ khoái rẻ và mua cả khoai tím Nhật, khoai đỏ và khoai sữa. Một số đối tác từ Thái Lan, DuBai, Maylaysia cũng tới đây tìm hiểu vùng trồng để mua hàng, nhưng chưa mạnh bạo bằng Trung Quốc và Campuchia”.
Theo ông Tua, lúc thị trường Trung Quốc hút hàng, giá bán khoai tím Nhật ở mức 9.000 đồng/kg. Với năng suất 22 tấn/ha, nông dân có lời từ 120-150 triệu đồng/ha. Nhưng cơ hội chỉ ngắn hạn. Cuối năm ngoái, giá khoai rớt xuống còn 3.800-4.000 đồng/kg (230.000-250.000 đồng/tạ), nông dân bị lỗ. Ai nấy ao ước phải chi có doanh nghiệp nào đó có đủ năng lực tài chính để đứng ra thu gom hay có một nhà máy chế biến nào thích ứng quy mô vùng trồng 9.000-10.000ha thì dân mình đâu mãi bán khoai thô, chành vựa đâu phải bán qua Lào theo đường tiểu ngạch, chi phí chiếm hơn 1/3 doanh số.
Quyền của người mua
Quả vải phải cắt cuống chỉ còn lại dưới 15cm, bỏ lá, thùng đựng trái vải cao không quá 38cm, phải có nhãn mác ghi rõ thông tin về sản phẩm, cơ sở đóng gói, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu; dưa hấu phải dán mã truy xuất nguồn gốc (QR code), không được lót rơm, rạ… vì có nguy cơ lây lan những loại dịch bệnh, vi sinh gây hại; chuối phải đóng thùng có nhãn mác, trái mít phải bao gói bằng giấy kraft sạch sẽ với đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Gạo phải đảm bảo thời gian xông trùng đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; phương tiện vận tải từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được gắn chip điện tử, trở về không được tháo ra… Từng đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả, chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, Trung Quốc đang siết chặt thương mại biên giới sau khi sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm động thực vật vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Có thể nhìn thấy nhiều vấn đề đặt ra ở cả hai chiều xuất-nhập khẩu: Từ ngày 20-8, Trung Quốc cấp C/O theo mẫu mới (Form E) cho hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam và yêu cầu thực hiện ngay, nhưng so với mẫu C/O được quy định tại Thông tư 12/2019/TT-BCT ngày 30-7-2019 của Bộ Công thương Việt Nam về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thì (phụ lục II theo Thông tư 12/2019/TT-BTC) có một số điểm khác biệt so với mẫu C/O hiện hành. Do vậy, các đơn vị hải quan cửa khẩu không có căn cứ để chấp nhận các C/O mẫu mới do doanh nghiệp cung cấp.
Đến 25-8, Bộ Công thương mới thông báo với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chấp nhận C/O mẫu E mới theo thỏa thuận giữa các nước thành viên ACFTA (theo thông báo mới đây của Trung Quốc và ASEAN).
Mãng cầu xiêm được giá do gia tăng xuất khẩu trái tươi và chế biến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong ảnh: Thương lái thu mua mãng cầu xiêm của nông dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CỘNG
Thông tư 12/2019/TT-BCT của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 12-9-2019. Do đó, doanh nghiệp muốn thông quan lô hàng thì phải nộp thuế trước và nợ C/O, khi quy định có hiệu lực DN sẽ nộp bổ sung C/O theo quy định để được hoàn thuế, hưởng ưu đãi thuế.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Trung Quốc đang than khó. Ngược lại các chuyến hàng xuất khẩu đang rơi vào ùn tắc khi hàng rào tiểu ngạch vào Trung Quốc đóng kín cửa từ 1-5.
Hồi tháng 1-2019, Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả nhập từ Việt Nam theo phần “Phụ lục” có ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng ký, hàng hóa có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam và đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Đối với cửa xuất khẩu chính ngạch, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất vào Trung Quốc là: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Các mặt hàng trái cây tươi phổ biến khác: Sầu riêng, mảng cầu (na), bưởi, chanh leo, dừa, mận… Nếu không phải từ các nhà vườn, cơ sở được công nhận, tem nhãn không có chữ Trung Quốc đầy đủ theo yêu cầu truy nguồn gốc, xuất xứ; Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép thông quan.
Để có tem truy xuất nguồn gốc (không phải nhãn hàng hóa), doanh nghiệp phải đăng ký với các cơ quan thực thi về hoạt động thông tin truy xuất nguồn gốc rồi mua tem nhãn trên cơ sở xác nhận mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Bao bì phải đúng với sản phẩm bên trong, không được ghi sản phẩm này nhưng chứa loại khác. Mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc cần thực hiện theo hợp đồng như thông lệ thương mại quốc tế.
Đối với mặt hàng tôm, cá ướp lạnh (ướp đá) không được phép thông quan mà phải chuyển sang hình thức cấp đông. Các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm, cấp mã cơ sở nuôi, ao nuôi… vào Trung Quốc sẽ được thực hiện chặt chẽ như các thị trường chuẩn mực.
Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) của Trung Quốc được xem là người cung cấp tem nhãn truy xuất cho doanh nghiệp làm hàng xuất sang nước này.
Bất ngờ nhưng không lạ lẫm
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), việc xử lý nhanh chóng, thông suốt, rốt ráo những hồ sơ cho 7 loại trái cây (sầu riêng, dừa, khoai lang, thạch đen…) đang được hoàn thiện để xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Cục BVTV cũng cảnh báo Trung Quốc hiện có 35.000ha thanh long trồng mới ở Quảng Tây và đảo Hải Nam và điều đó có thể giải thích vì sao hiện nay giá thanh long chỉ ở mức 10.000 đồng/3kg?
Nguồn sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng phải đáp ứng yêu cầu vô cùng chi tiết từng lô sản xuất, người vắt sữa, quy cách, đóng gói… Cục Chăn nuôi đang xây dựng các hình mẫu bò sữa an toàn tại Tây Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng… theo Cục Chăn nuôi, việc giám sát 13 trang trại (60.000 con) của 5 doanh nghiệp: TH True milk, Vinamilk, Hà Nội Milk, Sữa Mộc Châu, Nutifood đảm bảo an toàn dịch bệnh phải tuyệt đối không có 3 loại bệnh nguy hiểm lở mồm long móng, lao bò và nhiệt thán.
Ngay sau khi được phía Trung Quốc chấp nhận, Cục Chăn nuôi sẽ cập nhật danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên website của Cục (www.ppd.gov.vn). Hiện nay, Cục BVTV đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tại 42 tỉnh, thành trên cả nước cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành, vẫn còn 21 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng; 33 tỉnh, thành chưa có mã số cơ sở đóng gói được cấp để xuất khẩu các loại trái cây sang Trung Quốc.
Theo Tổng cục Thủy sản, việc đánh mã số vùng nuôi, chỉ mới đạt 5.200/5.400ha ao nuôi cá tra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đôn đốc để 1 tháng nữa phải hoàn thành việc đánh mã số vùng nuôi vì không chỉ ở vùng nuôi cá tra mà cả vùng nuôi tôm cũng tiến hành chậm so tốc độ mở rộng diện áp dụng truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc đối với các mặt hàng thủy-hải sản.
Thị trường dễ tính chỉ là thứ bùa mê. Thực ra, những tiêu chuẩn kỹ thuật từ Trung Quốc có nhiều tình huống bất ngờ, nhưng không lạ lẫm. Tất cả đã được kể lại hoặc thông báo ở đâu đó trong suốt 10 năm nay, nhưng người sản xuất trong nước chỉ nghe thương lái nói về thị trường dễ tính và không chịu thay đổi. Do đó khi cánh cửa tiểu ngạch đóng lại và trước mặt là cửa ải chính ngạch với đầy thách thức, nếu đã quen làm hàng xuất sang các nước phát triển thì giờ đây tiêu chuẩn kỹ thuật không có gì bất ngờ.
Vấn đề đặt ra là biết rồi thì thay đổi thế nào? Làm sao số đông nhà cung cấp kịp thời nắm được thông tin thay đổi từ thị trường, pháp lý, tiêu chuẩn và hiểu được văn hóa ở các quốc gia nhập khẩu, không chỉ ở thị trường “khi nóng- khi lạnh” như Trung Quốc mà ở nhiều thị trường khác nữa.
Châu Lan
Hướng bền vững cho cây cam sành trên đất lúa
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Một vườn cam sành trên đất lúa vừa xuống giống hơn tháng ở xã Hiếu Thành.
Trong 7 năm từ khi cây cam sành được trồng trên địa bàn Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) đến nay (2012- 2019), diện tích đã tăng từ hơn 10ha lên gần 883ha và được dự báo sẽ còn tăng. Chiếm đa số là cam sành trên đất lúa.
Trước sự phát triển ồ ạt cây trồng này, nhiều vấn đề về diện tích, sản lượng, hiệu quả kinh tế, đầu ra... được đặt ra quanh cây cam sành, nhằm định hướng cây cam sành phát triển bền vững.
Diện tích cam sành tăng vọt
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2012, cam sành được xuống giống đầu tiên ở xã Hiếu Nghĩa với diện tích 10,6ha. Diện tích sau đó tăng dần qua các năm, đến năm 2015 đã đạt hơn 290ha.
Nhưng gia tăng mạnh nhất là 2 năm 2016- 2017 khi tổng diện tích trồng cam sành đã lên hơn 503ha, rồi trên 883ha ở 16 xã trong huyện. Trong đó, Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành là 2 xã có cây cam sành chiếm cao nhất với lần lượt khoảng 626ha và hơn 230ha.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, trong tổng diện tích cam sành, số trồng trên đất lúa chiếm tỷ lệ rất lớn với 85,9% và có xu hướng tăng thêm, 14,1% còn lại là cam sành trồng xen với bưởi da xanh.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, về cây cam sành giống hiện nay, qua khảo sát có trên 50% nông dân chọn mua cây giống từ vườn cây do các hộ nông dân khác sản xuất để trồng, nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre. Đáng chú ý có tỷ lệ hộ sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ (trên 36%) trong khi số hộ sử dụng giống mua từ các cơ sở sản xuất kinh doanh ít (hơn 12%).
Các năm qua, việc bén rễ và hình thành vùng trồng cam sành ở huyện đã đặt ra nhiều vấn đề quanh canh tác cây cam. Do chạy theo lợi nhuận, chu kỳ khai thác nhanh dẫn đến các hộ nông dân thường xử lý cho cây ra hoa rất sớm (12-17 tháng tuổi).
Đồng thời do quy trình xử lý ra hoa nên nông dân phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều (5-9 lần). Về chất lượng trái cam sành, theo ngành chức năng, qua đánh giá các chỉ tiêu bằng phương pháp cảm quang và phân tích các chỉ tiêu chính như trọng lượng trái, đường kính trái, độ dày vỏ, màu sắc vỏ trái, số múi mỗi trái, màu sắc múi cam... cho thấy chất lượng trái cam sành ở huyện (lấy mẫu đại diện một xã) nhìn chung chưa đạt yêu cầu.
Do trồng trên đất lúa chiếm đại đa số để có lúc nhiều người ví von “cam ruộng”, nên độ rộng của liếp trồng có khuynh hướng ngày càng giảm so với cam trồng trên đất vườn và mật độ trồng vì thế cao 2-3 lần so khuyến cáo.
Cây cam sành có chu kỳ khai thác ngắn (3-5 năm), đáng chú ý khi có hộ dân sau khi khai thác xong tiếp tục trồng lại cam sành do đã có hiệu quả từ chu kỳ đầu và cũng do chưa định hướng được phải trồng cây gì để thay thế cây cam sành khi phá vườn cam già cỗi.
Bên cạnh đó, vẫn còn nông dân trồng cam sành tự phát, không theo quy hoạch gây khó cho quản lý thủy lợi; tình trạng cung vượt cầu dẫn đến giá cả bấp bênh; tổ chức sản xuất cung ứng cho thị trường thông qua hợp tác xã vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn... là những rào cản đã đang đặt ra cho vùng cam sành ở nhiều xã trong huyện.
Hiệu quả và định hướng cho cam sành đất lúa bền vững
Ngày 30/8, Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm có hội nghị định hướng phát triển cây ăn trái bền vững cho vùng sản xuất cam sành trên đất lúa. Kết quả thống kê hiệu quả kinh tế cây cam sành đem lại gấp 8-9 lần trồng lúa trong một năm cùng khu vực.
Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, ước tính với đầu tư 1ha lúa trong 1 năm hơn 71 triệu đồng, mức đầu tư này với diện tích trồng cam sành (từ năm 2-3) tương tự là 345 triệu đồng.
Với năng suất 70 tấn mỗi ha, giá bán 10.000 đ/kg, cây cam sành cho thu nhập 700 triệu đồng; trừ chi phí, người trồng cam đã thu lợi nhuận 355 triệu đồng. Còn trồng lúa, với năng suất, giá bán, tổng thu rồi trừ chi phí đầu tư, nông dân lời khoảng 39 triệu đồng.
Anh Lương Thái Bình (ấp Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa) trồng 4 công cam sành từ tầm 5 năm trước. Năm thứ nhất anh đầu tư hơn 50 triệu đồng mỗi công đất trồng cam, xử lý cho trái sớm, anh thu hoạch 5,6 tấn/công tầm cấy, giá bán (tại thời điểm đó 25.000 đ/kg), doanh thu hơn 141 triệu đồng, lời hơn 90 triệu đồng. Năm thứ hai là vụ chính, cộng chi phí sản xuất ít lại, vụ cam cho doanh thu hơn 146 triệu đồng, anh lời hơn 127 triệu đồng.
Đầu tư và lợi nhuận các năm thứ 3, 4, 5 giảm dần do chu kỳ cây cam, bình quân lợi nhuận mỗi công đất trồng cam trong 5 năm của anh Bình là hơn 88 triệu đồng. “Hiệu quả giữa trồng cam sành gấp 10 lần trồng lúa”- anh Bình cho biết.
Theo ông Phan Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa, xã này có diện tích trồng cam sành nhiều nhất huyện và nông dân có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, vấn đề giải quyết đầu ra là đáng quan tâm, hiện nay xã chưa có doanh nghiệp tổ chức thu mua và bà con chủ yếu bán qua thương lái. Toàn huyện ước có 95% nông dân bán cam qua trung gian rồi chuyển tiêu thụ các tỉnh.
Dẫu giá cam sành 1-2 năm nay xuống thấp, bà con vẫn đạt lợi nhuận rất khá trên cây trồng này.
Ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- cho biết: Hiện nay trên địa bàn 3 xã có cam sành nhiều, một số diện tích vào giai đoạn già cỗi buộc phá bỏ và người dân cần định hướng để chọn giống cây mới. Khi định hướng tốt hơn, huyện sẽ chỉ đạo thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp.
Theo ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, xét về khoa học và tính bền vững, thì cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nông dân với ứng dụng khoa học kỹ thuật (đất, nước, xử lý ra hoa, đậu trái) trong canh tác cây cam; bên cạnh sự đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm của nông dân được đánh giá rất cao.
Việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cam sành đã mang lại lợi nhuận cao cho bà con, phù hợp định hướng chuyển đổi cây trồng vật nuôi và cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh. Và để phát triển bền vững, đã đến lúc cần tính đến vùng nguyên liệu tập trung, có doanh nghiệp chế biến, liên kết tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho hàng hóa nông nghiệp...
Đề xuất hướng bố trí cơ cấu cây ăn quả trong vùng trồng cam sành trên đất lúa
Căn cứ vào định hướng quy hoạch của bộ và ngành chức năng tỉnh và thực tế sản xuất, Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm đề nghị bố trí sản xuất một số cây ăn quả sau chu kỳ khai thác cam sành, như sau: một số loại cây trồng lâu năm (xoài cát núm, xoài Đài Loan), cây có múi (bưởi da xanh, chanh không hạt, quýt đường...), thanh long, dừa. Bên cạnh đó, bà con có thể trồng mãng cầu, ổi, một số rau màu trong thời gian xử lý đất hoặc đất còn trống trước khi trồng lại cây ăn trái khác.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Trái ổi xuất ngoại
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Từ một thanh niên đi làm thuê cho Công ty ổi Đài Loan, sau 8 năm, anh Trần Trung Kiên tích lũy vốn mua được 1,5 ha đất tại ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đầu tư trồng cao su. Khi cây cao su cho khai thác cũng là lúc giá “vàng trắng” lao dốc không phanh. 3 năm trước, anh Kiên phải cưa hạ vườn cao su bước vào năm thứ 7 để tái đầu tư trồng ổi Đài Loan. Ngày anh cưa hạ vườn cao su, người dân xung quanh ai cũng nói anh Kiên là “thằng điên”. Thế nhưng sau 3 năm đầu tư trồng ổi Đài Loan, 1,5 ha của anh hiện cho thu nhập ổn định bình quân 160 triệu đồng mỗi năm. “Với giá mủ cao su như hiện nay, mỗi hécta ổi có thể cho thu nhập bằng 3 ha cao su. Tuy nhiên, cứ 3 người trồng ổi thì 2 người thất bại” - nhà nông Trần Trung Kiên cho hay.
Từng trái ổi của nhà nông Trần Trung Kiên được bao bọc và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nông nghiệp sạch (ảnh lớn). Sản phẩm ổi của nhà nông Trần Trung Kiên được đóng gói theo mẫu mã bao bì của đối tác để xuất khẩu (ảnh nhỏ)
Sau khi cưa hạ cao su, nguồn thu từ việc bán thân gỗ chỉ đủ tái đầu tư cho phần khoan hố và cây giống. Để có vốn đầu tư giếng khoan và hệ thống tưới tự động cho vườn ổi, anh Kiên phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội 62 triệu đồng. Anh Kiên cho biết: Giống ổi chiết cành sau 6 tháng trồng và chăm sóc sẽ cho thu bói. Tuy nhiên, để đảm bảo vườn cây phát triển bền vững cần phải đợi ít nhất 8 tháng. Cây ổi được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm sẽ cho năng suất bình quân dao động từ 15-20kg/cây. Mật độ tốt nhất cho mỗi hécta ổi được thiết kế hàng cách hàng, cây cách cây 5m. Với cách trồng như thế, mỗi hécta sẽ trồng được 500 cây.
Thị trường giá ổi giống Đài Loan trong những năm qua ổn định ở mức 15-18 ngàn đồng/kg. Với giá cả và năng suất của vườn ổi như thế, mỗi hécta ổi sẽ cho thu nhập thấp nhất cũng được 112,5 triệu đồng/năm. 80% sản lượng ổi của gia đình anh Kiên bán cho Công ty Kiến Vàng ở thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Ý và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Những thời điểm hút hàng, anh Kiên phải thu mua ổi ở các nhà vườn thuộc xã Quang Minh mới đủ lượng hàng cho đối tác.
Nhà nông Trần Trung Kiên cho biết: “Điều quan trọng nhất để trồng ổi thành công là thị trường đầu ra cho loại cây trồng này. Muốn có đầu ra ổn định và xuất khẩu không còn cách nào khác là quy trình chăm sóc phải đảm bảo sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm. Mỗi lô hàng của tôi trước khi nhập vào công ty phải trải qua công đoạn lấy mẫu kiểm tra dư lượng tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật rất nghiêm ngặt. Chỉ cần một lần không đạt chuẩn là sẽ mất uy tín dẫn đến mất đối tác làm ăn. Đó cũng là một trong những lý do hàng đầu để trả lời cho câu hỏi tại sao nhiều nhà vườn trồng ổi nhưng rất ít người thành công”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Minh Trần Văn Đăng cho biết: Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã hiện có gần 1.700 ha, trong đó diện tích cây cao su 1.473 ha, 227 ha còn lại là các loại cây trồng khác như hồ tiêu, điều, ổi, chôm chôm, lúa... Trồng ổi trên địa bàn xã hiện chỉ có 7 hộ với tổng diện tích chưa tới 5 ha. Tất cả hộ trồng ổi trên địa bàn xã Quang Minh đều là những công nhân đã trải qua thời gian chăm sóc trang trại ổi cho Công ty ổi Đài Loan trên địa bàn xã. Không chỉ tích lũy được kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, họ còn có cơ hội để giao thương tìm đầu ra cho cây ổi của mình. Nhờ sự năng động mà hầu hết các nông hộ trồng ổi trên địa bàn xã Quang Minh khá thành công.
Đông Kiểm
Trồng cây ăn quả trên đất dốc cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm
Nguồn tin: VOV
Trồng cây cho thu nhập cao đã khẳng định ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm của chàng trai dân tộc Thái ở tỉnh miền núi Sơn La.
Gia đình anh Lò Văn Thương, dân tộc Thái ở Tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nhờ trồng các loại cây ăn quả đã cho thu nhập hơn 500 triệu mỗi năm và tạo việc làm cho gần 10 lao động thời vụ tại địa phương.
Trước đây kinh tế gia đình anh Thương rất khó khăn, chủ yếu nhờ làm nương rẫy, thu nhập không đáng kể, tình trạng đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Sau khi lập gia đình, anh và vợ đi làm đủ mọi nghề như sửa chữa điện, làm thuê cho công ty cao su…, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn.
Nhận thấy khí hậu và đất đai ở Mường Bú thuận lợi, gia đình anh quyết định vay vốn ngân hàng và anh em trong gia đình trồng các loại cây ăn quả. Thời gian đầu, anh chỉ trồng trên 1,2 ha các loại cây như táo ta, mít, xoài, chuối… đến năm 2014, vườn cây của anh bắt đầu phát triển ổn định và cho thu nhập cao hơn, anh và vợ đã quyết tâm tập trung vào chăm sóc và mở rộng vườn cây của mình.
Anh Thương đang chăm sóc vườn cây của mình.
Hiện nay, anh đã khai thác được nhiều khu đất bị bỏ trống, diện tích trồng cây ăn quả lên đến 6,4 ha với 1.300 gốc táo, hơn 600 gốc mít, 600 gốc xoài, hơn 400 gốc mận và hơn 2.000 gốc chuối và một số loại cây ăn quả khác.
Nhận thấy cây trồng chưa quen với khí hậu và địa hình ở đây, anh Thương đã tự đi học hỏi những nơi phát triển cây ăn quả về cách phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc vườn cây, kỹ thuật chiết ghép giúp cây trồng phát triển và ổn định hơn.
Cùng với đó anh Thương áp dụng công nghệ tưới vách ngăn tự động và kết hợp bón phân vi sinh chùn quế. Càng ngày, vườn cây ngày càng phát triển và cho thu nhập cao, sản phẩm cây ăn quả của anh đã được đưa đến 14 tỉnh phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hưng Yên…. Đặc biệt hơn là sản phẩm chuối của anh đã được xuất khẩu gần 50 tấn sang thị trường Trung Quốc. Nhờ vườn cây ăn quả, gia đình anh đã thu nhập được hơn 500 triệu mỗi năm.
“Trước kia hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn. Sau khi tìm hiểu, thăm quan mô hình trồng cây điển hình của các nhà vườn ở các tỉnh lân cận, tôi nhận thấy có thể cải tạo vườn tược, phát triển mô hình trồng cây trên đất dốc sẽ ổn định hơn về mặt kinh tế. Sau vài năm thành công, nay cuộc sống của gia đình đã khấm khá hơn, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ”, anh Thương chia sẻ.
Đảm nhiệm vai trò là chi hội trưởng chi hội nông dân tiểu khu 2 Mường Bú, anh Thương không những phát triển kinh tế cho gia đình mà còn tuyên truyền, vận động bà con trong tiểu khu về phát triển cây ăn quả trên đất dốc và tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động thời vụ của địa phương.
Ông Tòng Văn Long, Trưởng tiểu khu 2 cho biết, mô hình của anh Thương hiện nay đang là mô hình điểm của Tiểu khu 2. “Không chỉ thành công cho gia đình, anh Thương còn nhân rộng việc tuyên truyền giúp hội nông dân và nhiều người đã tham gia mô hình này. Tiểu khu trước đây có tới 45% hộ nghèo nhưng bằng việc phát triển các mô hình kinh tế, đến nay tiểu khu chỉ còn 9/150 hộ dân thuộc diện hộ nghèo”, ông Long cho hay.
Con số 500 triệu đồng thu nhập mỗi năm đã khẳng định cho ý chí quyết tâm dám nghĩ, dám làm và xóa nghèo của chàng trai dân tộc Thái ở tỉnh miền núi Sơn La. Mô hình cây ăn quả trên đất dốc sẽ được bà con nơi đây mở rộng phát triển để đem lại cuộc sống khấm khá hơn./.
Đắc Thanh/VOV-Tây Bắc
Trồng mới 357ha chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Thực hiện Đề án sản xuất chè sạch, an toàn giá trị kinh tế cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố trồng mới được 357ha chè. Trong đó, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội trồng mới 182ha, các huyện trồng mới 175ha tại vùng đồi gò các xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Yên Bài, Ba Trại, Thuần Mỹ, Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng tốt.
Ảnh minh họa
Kết quả thực hiện Đề án trên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu giống trong sản xuất chè của nông dân từ các giống có năng suất, chất lượng kém sang các giống mới năng suất, chất lượng cao… Qua đánh giá chất lượng sản phẩm, năng suất trong các mô hình sản xuất chè sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn chè ngoài mô hình là 12%.
BẠCH THANH
Đắk Lắk: Nông dân Ea Súp lo lắng vì năng suất và giá ngô thấp
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng được gần 4.000 ha ngô, tập trung chủ yếu tại các xã Cư M’lan 600 ha, Ea Rốk 650 ha, Ea Lê 320 ha, thị trấn Ea Súp 550 ha… Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên sản lượng ngô bị giảm mạnh so với với niên vụ trước.
Theo nông dân trồng ngô ở huyện Ea Súp, sản lượng ngô năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ bởi vào thời điểm ngô phơi màu thì nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn khiến trái không to, hạt ngô không đều. Nhiều diện tích ngô do ảnh hưởng của thời tiết nên xuất hiện tình trạng ngô ra 3 trái dẫn đến sản lượng thấp. Đến thời kỳ ngô chuẩn bị thu hoạch thì lại có mưa kéo dài nên xuất hiện hạt ngô bị nấm mốc và mọc mầm; năng suất ngô giảm hẳn, ước chỉ đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha, giảm khoảng 1 - 1,5 tấn/ha so với vụ trước. Bên cạnh đó, giá ngô đang giảm mạnh, từ mức 3.800 - 4.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ đến nay chỉ còn 2.800 - 3.000 đồng/kg đối với ngô tươi, giảm 800 - 1.000 đồng/kg.
Thương lái cân ngô vừa thu mua.
Năng suất thấp, giá cũng thấp khiến nhiều nông dân lo lắng. Như gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (thị trấn Ea Súp) đang băn khoăn không biết làm thế nào với hơn 2 ha ngô lai của gia đình đã tới thời kỳ thu hoạch. Bởi lẽ, thu hoạch về phải chấp nhận bán giá thấp vì không thể phơi khô chờ giá lên khi thời tiết đang chuyển mưa nhiều; còn nếu không thu hoạch cứ để phơi trên cây thì nấm mốc phát sinh, hạt rất dễ nảy mầm ảnh hưởng đến chất lượng ngô thương phẩm. Tính theo giá hiện nay, với 2 ha ngô, gia đình chị chỉ có thể thu được hơn 15 triệu đồng, thấp hơn hẳn so với mọi năm trong khi đó nếu trừ chi phí sản xuất chi trả cho các đại lý, cơ sở thu mua khi ứng trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu… thì gia đình chị chẳng còn lãi bao nhiêu. Tương tự như chị Nhung, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài (thôn 6, thị trấn Ea Súp) vừa thu hoạch xong 3 ha ngô song chưa biết nên bán hay để lại do giá quá thấp, ngô lại khó bảo quản vì không có máy sấy trong khi mưa nhiều không phơi được.
Theo nhận định, giá ngô sẽ tiếp tục xuống thấp do mưa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng trái. Kèm theo đó mưa lớn khiến cho các tuyến đường lưu thông vào các xã bị hư hỏng nặng, dẫn đến việc các thương lái hạ giá mua để bù vào chi phí thuê xe chở ra. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi khiến nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn trong chăn nuôi giảm cũng là nguyên nhân khiến giá ngô xuống thấp.
Trang Vũ
Quảng Trị: Nỗ lực phục hồi vườn cà phê già cỗi
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Với mục tiêu phát triển sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hướng Hóa, trong hai năm 2018, 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với dự án EMEE triển khai mô hình cưa đốn phục hồi vườn cà phê già cỗi trên cây cà phê chè tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Sau hơn một năm triển khai thực hiện mô hình đã mang lại những kết quả rất khả quan.
Vườn cà phê chị Minh
Gia đình chị Trần Thị Minh ở thôn Doa Cũ, xã Hướng Phùng có 0,5 ha vườn cà phê chè đã có thời gian kinh doanh 13 năm, do vườn cà phê đã già cỗi nên sức đề kháng của cây yếu, sâu bệnh nhiều, năng suất giảm dần. Gia đình chị định phá bỏ trồng mới nhưng chi phí cho việc này khá tốn kém. Được chương trình chọn làm mô hình trình diễn, gia đình chị đã nhiệt tình tham gia. Khi áp dụng kĩ thuật mới “cưa đốn” vào vườn cà phê, cán bộ kĩ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn bắt tay chỉ việc từng công đoạn. Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cưa đốn nhằm cải tạo làm “trẻ hóa” cơ bản vườn cây cà phê già cỗi. Vườn cà phê có thể tiến hành cưa đốn là vườn có độ tuổi từ 10-12 năm trở đi, bộ rễ còn khỏe, nhưng năng suất thấp. Thời gian cưa đốn thường tiến hành trong tháng 1- 2 hằng năm. Áp dụng kĩ thuật cưa đốn, cây cà phê già cỗi được cưa toàn bộ thân chỉ để lại đoạn gốc cách mặt đất 15 - 20 cm. Mặt cắt xiên 45 độ theo hướng Nam nhằm tránh các hướng gió mùa Đông Bắc và Tây Nam. Sau khi cưa xong cần thu dọn sạch vườn cây, rải vôi khử trùng, cuốc toàn bộ mặt đất trong vườn cách gốc cây cà phê khoảng 30 cm nhằm cắt đứt rễ già, tạo rễ mới phát triển. Sau khi cưa đốn phải tăng cường bón phân vào các thời điểm đầu mùa mưa (tháng 4 - 5), giữa mùa mưa (tháng 7 - 8) và cuối mùa mưa (tháng 10 - 11) để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cây, giúp cây phát triển tốt.
Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kĩ thuật và sự ham học hỏi của chị Minh, đến nay sau 13 tháng triển khai vườn cây cà phê của gia đình chị Minh đã sinh trưởng tốt, chiều cao cây bình quân 1,4 mét; bộ tán rộng và đường kính khoảng 1,2 mét, cây có sức sống cao, bộ lá xanh và cho 8-12 cặp cành cấp 1, không có tình trạng sâu bệnh xảy ra. Hiện nay cây cà phê đã bắt đầu cho quả bói và tỉ lệ quả cao, dự kiến cho năng suất thu bói trong lứa đầu sẽ đạt 6-8 tấn/ha, qua năm thứ 3 năng suất sẽ cao hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê, chị Minh cho biết: “Tôi thấy đây là một kĩ thuật hay, áp dụng kĩ thuật này cây cưa đốn có bộ rễ hoàn thiện ngay từ đầu, đã quen với đất nên cây vẫn phát triển tốt. Ngoài ra, trong quá trình phục hồi vườn cà phê gia đình tôi đã áp dụng các kĩ thuật trồng xen canh cây hoa màu ngắn ngày để tăng thu nhập và cung cấp dinh dưỡng cho vườn cà phê, sử dụng các phế phụ phẩm của cây trồng xen làm phân bón bón lại cho cây cà phê. Vụ vừa rồi gia đình tôi đã thu được 3 triệu đồng từ việc trồng lạc xen vào cà phê”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng Hà Ngọc Anh Dũng cho biết, chính quyền địa phương đánh giá rất cao về hiệu quả mang lại từ mô hình cưa đốn phục hồi vườn cà phê già cỗi trên cây cà phê chè. Thông qua việc triển khai mô hình đã giúp cho địa phương, đặc biệt là nông dân, canh tác cà phê tại xã Hướng Phùng nhìn nhận và khẳng định được hiệu quả của kĩ thuật cưa đốn phục hồi vườn cà phê già cỗi. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền, vận động nông dân đến tham quan, học tập và áp dụng vào các vườn cà phê già cỗi, nhằm nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế.
Phan Việt Toàn
Khởi nghiệp từ gà
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Chàng trai trẻ Nguyễn Đình Dũng (A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã biến đất vườn thành trang trại gà với quy mô hơn 25 ngàn con/năm.
Nguyễn Đình Dũng thu lãi gần nửa tỷ đồng mỗi năm từ trang trại gà
Nghỉ phép đi xem… gà
Ý tưởng nuôi gà xuất hiện từ năm 2014, khi ấy Nguyễn Đình Dũng đang tham gia đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92. Mong muốn khởi nghiệp, Dũng liên tục tìm tài liệu, học hỏi từ các mô hình làm giàu. Sau nhiều trăn trở, chàng trai trẻ chọn cách nuôi gà để khẳng định bản thân.
Tận dụng thời gian nghỉ phép, Đình Dũng ra Quảng Bình nhờ bà con dẫn đến những trang trại gà để học hỏi. Lúc trở lại đơn vị, suy nghĩ kỹ càng, chàng trai A Lưới mạnh dạn gọi điện về nhà, vận động ba mẹ giúp xây trước chuồng gà.
“Chuồng gà đầu tay của mình rộng 80m2, được xây bằng tiền tích góp bao nhiêu năm. Mình cứ tưởng chừng ấy tiền là đủ, nào ngờ chẳng mấy chốc hết vèo”, Dũng nói. Khi đã về nhà, chàng trai A Lưới “nhắm mắt” bán chiếc xe máy gắn bó hơn 6 năm trời để theo đuổi đam mê. Lứa đầu tiên, Nguyễn Đình Dũng nuôi gà ri, sau ba tháng thu lãi 7 triệu đồng.
Liên tiếp hai năm sau đó, những sự cố ập đến. “Giai đoạn 2016-2017 là thời kỳ đen tối nhất của trại gà. Nhiều lúc mình muốn buông tay, vứt bỏ hết để làm nghề chi cũng được, chứ không theo con gà nữa”, Dũng nói.
Năm 2016, Dũng vay mượn xi măng, vật liệu xây dựng từ người quen để mở rộng trang trại. Dũng nuôi giống gà mới với lời giới thiệu gà nhanh lớn. Nhìn đàn gà phát triển tốt, chàng trai trẻ chủ quan, vô tư bán cho thương lái. Nào ngờ khẩu vị không hợp gu (do thịt gà bở), khách hàng quay lưng, thương lái cũng “ngó lơ” trang trại của Dũng.
Năm 2017, khi Dũng tìm kiếm được giống gà phù hợp, và dần lấy lại niềm tin từ khách hàng, những món nợ lại đến hạn. Vật liệu xây chuồng, thức ăn, giống gà, tất cả chỉ trông chờ vào lứa gà chưa đủ tiêu chuẩn để bán. Tết năm ấy không đồ mới, không sắm sửa, Dũng cũng chẳng ra khỏi nhà. Chàng trai trẻ chỉ mong tết qua thật nhanh để trả hết nợ nần.
Đầu tư
Nguyễn Đình Dũng đang sở hữu 4 trại gà với tổng diện tích chuồng 830m2. Gà được nuôi trên đệm lót sinh học, có vườn, hệ thống nước uống tự động.
“Bồn chứa là cách mình chủ động hơn khi chăn nuôi. Mức chứa nước đủ dùng cho gà lớn từ 2-3 ngày, gà nhỏ từ 5-7 ngày. Nếu cúp điện thì hệ thống vẫn vận hành bình thường. Toàn bộ hệ thống trị giá hơn 50 triệu đồng nhưng mình thấy rất xứng đáng. Không chỉ giúp chuồng trại sạch sẽ hơn, sức lao động cũng được tiết kiệm đáng kể. Bây giờ chỉ cần một nhân công là đủ cho 4 trại”, Dũng cho biết.
Nguyễn Đình Dũng đang nuôi giống gà lai đá. Trọng lượng khi xuất chuồng đạt 1,7 – 1,8 kg/con, giá bán trung bình 65 – 70 nghìn đồng/kg. Chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Hàng năm, doanh thu từ trại gà lên đến hơn 3 tỷ đồng, “ông chủ nhỏ” thu lãi gần nửa tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hương Phong nhận xét: Trên địa bàn xã có ba mô hình thanh niên lập nghiệp đáng chú ý, đó là trồng nấm tuyết, nuôi gà, cá hỗn hợp và nuôi gà tập trung. Trong đó, trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Đình Dũng rất đáng để các đoàn viên nêu gương, học hỏi.
Những khó khăn đã tôi luyện nên một Nguyễn Đình Dũng giàu nghị lực, quyết tâm. Chàng trai A Lưới còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn. “Đình Dũng là thanh niên tiêu biểu được Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện A Lưới giới thiệu xét trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2019”, ông Thái thông tin.
Bài, ảnh: Mai Huế
Heo hơi sốt giá, lo thiếu nguồn cung mùa Tết
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Trong tháng 8 vừa qua, giá heo hơi liên tục leo thang, tại một số tỉnh miền Bắc đã đạt mức trên 50 ngàn đồng/kg, tăng gấp đôi, gấp ba so với giai đoạn heo “dội chợ” do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Dự báo từ nay đến cuối năm, heo hơi sẽ có những đợt sốt giá mới do nguồn cung khan hiếm Trong ảnh: Thương lái tại huyện Thống Nhất đưa heo đi tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh
Riêng tại Đồng Nai, giá heo bán tại các trại đang dao động từ 40-42 ngàn đồng/kg, tăng hơn 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước.
Dự báo, giá heo sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới, nhất là vào Tết Nguyên đán năm 2020 vì nguồn cung ngày càng thiếu hụt.
Tổng đàn giảm mạnh
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh hiện chỉ còn trên 1,85 triệu con, giảm hơn 650 ngàn con so với cách đây 4 tháng khi chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Trong đó, tổng đàn nái hiện chỉ còn khoảng 230 ngàn con, giảm cả 100 ngàn con so với hồi đầu năm.
Tổng đàn heo của tỉnh vẫn tiếp tục đà giảm mạnh. Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết: “Hiện tổng đàn heo của huyện còn 146 ngàn con, giảm trên 100 ngàn con so với hồi đầu tháng. Trong đó, tổng số heo tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi của huyện là trên 67 ngàn con. Với tình hình dịch bệnh tiếp tục lan nhanh như hiện nay, tổng đàn heo của huyện có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, người nuôi đổ xô bán heo ra thị trường để chạy dịch. Trong đó, đàn nái giảm rất mạnh do dịch tả heo châu Phi lây lan trên đàn nái rất nhanh. Dịch tả heo châu Phi vẫn tiếp tục lan nhanh như hiện nay thì phải tính đến chuyện mất nhiều năm người chăn nuôi mới quay lại tái đàn.
“Giá heo liên tục leo thang trong vài tuần nay đã cho thấy cán cân cung - cầu của mặt hàng thịt heo đang dần mất cân đối. Nhưng phải vài tháng tới, nhất là vào mùa Tết Nguyên đán năm 2020 thì thị trường heo hơi mới tăng mạnh về giá vì nguồn cung heo lúc đó mới thật sự khan hiếm” - ông Đoán nói.
Tết lo thiếu thịt heo
Cùng nỗi lo về sự thiếu hụt nguồn thịt heo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Giang Phát Vũ Văn Tư (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đưa ra dự báo: “Giá heo hơi sẽ tiếp tục giữ đà tăng do nguồn cung ngày càng giảm. Thị trường trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020, giá heo hơi có thể vượt qua mức 60 ngàn đồng/kg, thậm chí trên 70 ngàn đồng/kg vì lúc ấy nguồn cung thật sự khan hiếm”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, gần đây, giá heo miền Bắc tăng lên từng ngày do có thông tin Trung Quốc đang quay lại thu gom mặt hàng heo hơi. Mức tiêu thụ bình quân hiện nay tại Đồng Nai là từ 10-13 ngàn con/ngày. Nhưng hiện việc tái đàn chủ yếu nằm ở 75% các trang trại chăn nuôi công nghiệp nên thời gian tới sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn heo. Sở Công thương đang xem xét kế hoạch bình ổn giá heo cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2020 và các giải pháp tăng nguồn cung gia cầm và thủy sản để bù vào sự thiếu hụt của mặt hàng thịt heo.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh nhận xét: “Qua rà soát, phần lớn ổ dịch tả heo châu Phi tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh. Tuy nhiên, giá heo đang tăng cao là tín hiệu tốt để người chăn nuôi tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch để bảo vệ đàn”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, toàn tỉnh có trên 309 ngàn con heo bị tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi (chiếm gần 20% tổng đàn hiện nay). Mục tiêu chính hiện nay là các địa phương phải giữ được những vùng chăn nuôi trọng điểm nơi tập trung tổng đàn lớn chưa bị dịch tấn công. UBND tỉnh sẽ sớm có văn bản gửi ngành ngân hàng về việc thực hiện chỉ đạo sẽ khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho người chăn nuôi vay tái sản xuất.
Bình Nguyên
Hiếu Giang tổng hợp