Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 01 năm 2016

Thu nhập 60 triệu đồng/năm từ trồng rau

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Những ngày này trên cánh đồng rau xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhộn nhịp với hoạt động chăm sóc rau phục vụ Tết.

 

 

Xã Tân Sơn trồng rau màu từ năm 1980. Chủ lực vẫn là các loại cây lấy quả như: Mướp đắng, dưa leo, đậu leo, cà chua, cà dừa và các loại rau: cải bắp, rau cải, rau gia vị, hành củ… với tổng diện tích trên 200 ha, tập trung chủ yếu ở các xóm 4, 5 và xóm 6. Bình quân mỗi gia đình thu nhập 30 đến 40 triệu đồng/ năm, có hộ từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

 

 

Thu hoạch rau mùi ở xóm 4. Cũng như các loại rau củ quả khác, rau mùi được thương lái đến thu mua tại đồng ruộng.

 

 

Chị Nguyễn Thị Liên ở xóm 5 thu hoạch đậu leo. Gia đình chị chủ yếu trồng đậu leo và mướp đắng, bình quân mỗi năm thu nhập trên dưới 20 triệu đồng từ hai loại quả này.

 

 

Chị Lê Thị Thương ở xóm 4 xã Tân Sơn thu hoạch vụ mướp đắng cuối. Sau thu hoạch, gia đình chị sẽ bắt tay vào vụ mướp đắng mới.

 

 

Chị Minh Dân ở xóm 6 đang chăm sóc vườn bắp cải sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết nguyên đán sắp tới.

 

 

Chị Đỗ Thị Hà chăm sóc vườn cà để phục vụ hàng Tết. Vườn cà gia đình chị đã được các thương lái đặt mua.

 

 

Ở Tân Sơn từ sáng sớm tinh mơ đến chiều tối, người dân tập trung sản xuất trên đồng. Cánh đồng mẫu lớn góp phần xây dựng thương hiệu rau sạch của xã và đem lại thu nhập cao cho người dân.

 

 

Ở Tân Sơn, lúc nào cũng có rau, quả gối vụ. Vì thế, thu hoạch hết lứa này người dân trồng mới những vụ tiếp theo. Trong ảnh: bà con đang trồng mới rau xà lách phục vụ Tết.

 

 

Cà chua phục vụ Tết.

 

 

Vườn đậu leo xóm 6 xã Tân Sơn sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết.

 

 

Ở Tân Sơn không chỉ trồng rau ở trên cánh đồng mà trước vườn nhà đều dành trồng rau xanh quanh năm.

 

Thu Hương

 

Long An: Diện tích bắp bao tiêu sản phẩm tại Đức Hòa giảm mạnh

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Ông Nguyễn Hoàng Tân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết, vụ đông xuân 2015 - 2016, diện tích bắp bao tiêu sản phẩm tại huyện Đức Hòa giảm mạnh. Toàn huyện chỉ có 20ha bắp bao tiêu được trồng tại ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc.

 

 

Bắp giống bao tiêu sản phẩm đang vào giai đoạn bón thúc lần 2.

 

Những năm trước, mỗi năm có từ 2 - 3 công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bắp lai và bắp giống, với tổng diện tích vài trăm hécta. Năm nay, chỉ duy nhất Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam ký kết với nông dân giống VN10. Mỗi hécta bắp, người dân được hỗ trợ bắp giống, cho mượn 4 triệu đồng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… và được hướng dẫn kỹ thuật. Giá bắp được ấn định trước 8.500 đồng/kg bắp tươi nguyên cùi nên nông dân không phải lo đầu ra.

 

Được biết, mô hình trồng bắp bao tiêu sản phẩm xuất hiện tại huyện Đức Hòa gần 20 năm qua. Dù được ngành chức năng và nông dân đánh giá cao về hiệu quả kinh tế nhưng mô hình chưa có sự liên kết, phối hợp bền vững./.

 

CTV Hồng Thắm

 

Trên 21.000ha cây trồng chịu ảnh hưởng hạn hán

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Theo tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, hiện nay, do nguồn nước thiếu hụt nên một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ dự kiến phải dừng sản xuất vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

 

Cụ thể, Quảng Ngãi dừng sản xuất 120ha lúa; Phú Yên dừng sản xuất 170ha lúa; Khánh Hòa dừng sản xuất kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng 4.218ha lúa thuộc khu tưới hồ Đá Bàn và một số đập dâng thuộc thị xã Ninh Hòa; Ninh Thuận dừng sản xuất 5.823ha (2.787ha lúa và 3.036ha cây màu); Bình Thuận dừng sản xuất 15.833ha.

 

Cùng với đó, do lũ năm 2015 ở mức thấp nên mặn xuất hiện sớm trong mùa khô. Diễn biến mặn xâm nhập trên hệ thống sông cho thấy mặn xâm nhập sớm so với cùng kỳ năm 2014 khoảng 45 ngày và so với trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng hai tháng. Từ ngày 27 - 28/12, độ mặn trên dòng chính của các cửa sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt đỉnh sau đó giảm dần theo triều, các địa phương tranh thủ lấy nước vào hệ thống để phục vụ sản xuất...

 

Lâm Nguyễn

 

Trồng nhiều giống khoai lang để tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Chiều 4-1, ông Huỳnh Văn Quân, Phó giám đốc HTX Khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Nhiều ngày qua, khoai lang tím Nhật ở vùng ĐBSCL duy trì mức giá rất cao từ 820.000 - 860.000 đồng/tạ (1 tạ = 60kg), đây là mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên do hiện thời là vụ nghịch nên sản lượng khoai lang tím Nhật không còn bao nhiêu và số lượng nông dân trúng giá đợt “sốt” khoai lần này không nhiều.

 

 

Nông dân ĐBSCL trồng nhiều giống khoai để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

 

Theo ông Quân, qua khảo sát mới đây tại một số vùng trồng khoai lang xuất khẩu ở ĐBSCL, nhiều nông dân bắt đầu trồng khoai trở lại. Một ghi nhận về sự “chuyển hướng” rất đáng mừng là trải qua các bài học bị thương lái Trung Quốc “ép giá”, vì vậy dù khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hút hàng – giá cao, nhưng nông dân không ào ạt trồng giống khoai này, bởi đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, diện tích trồng khoai lang tím Nhật chỉ tăng nhẹ, thay vào đó nhiều nông dân chuyển sang trồng giống khoai lang trắng, khoai sữa, khoai bí… để tiêu thụ nội địa, với giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/tạ. Các giống khoai này có giá ổn định ở mức vừa phải và đảm bảo nông dân có lãi dù ít, nhưng bền vững…

 

NGUYỄN THANH

 

Vĩnh Long: Đề phòng sinh vật gây hại lúa Đông Xuân

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Trong tuần, rầy nâu trên đồng ở tuổi trưởng thành. Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh cần duy trì mực nước trên ruộng thích hợp hạn chế rầy chích hút thân cây lúa. Khi rầy trưởng thành xuất hiện với mật số cao cần can thiệp ngay bằng thuốc chết nhanh (hoạt chất Fenobucard) và khi rầy cám xuất hiện mật số cao 3 con/tép, rầy tuổi 2 - 3 cần phun xịt thuốc (hoạt chất Buprofezin) kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”.

 

Điều kiện khô hạn và giai đoạn lúa thích hợp cho chuột gây hại mạnh, đặc biệt trên những mảnh ruộng gần chân vườn, rẫy. Phòng trị chuột dùng bã mồi thuốc chuột, bắt chuột bằng tay hoặc đưa nước vô ruộng che chắn gốc lúa, hạn chế chuột tấn công.

 

Ban đêm ẩm độ cao, sáng sớm có sương mù thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, chú ý bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trổ. Khuyến cáo bà con nên phun ngừa đạo ôn cổ bông trước trổ và sau khi lúa trổ đều, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.

 

Để phòng trị bệnh đạo ôn, bà con không để ruộng khô nước, phun thuốc đặc trị đạo ôn kịp thời, ngưng bón phân đạm, không pha chung với phân bón lá và phun lặp lại 7 - 10 ngày sau đó, còn đối với đạo ôn cổ bông bắt buộc phải phun ngừa 2 lần, trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều.

 

Sâu cuốn lá sẽ phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- làm đòng, những ruộng sạ dày ruộng lúa rậm rạp, lá xanh đậm do bón thừa phân đạm sẽ bị gây hại nặng.

 

Ngoài ra, giai đoạn lúa cũng thích hợp cho cháy bìa lá, đốm vằn sẽ xuất hiện và gây hại ở mức nhẹ trên lúa vụ Đông Xuân.

 

Vụ lúa Đông Xuân, đã xuống giống 61.177ha, lúa chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ, trà lúa xuống giống sớm bước vào giai đoạn thu hoạch (gần 3.000ha), sinh vật hại có chiều hướng giảm.

 

L.SƠN

 

Đơn Dương (Lâm Đồng): Khuyến cáo người dân không trồng đại trà cây mắc ca

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

UBND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) vừa đưa ra khuyến cáo người dân trong huyện không trồng cây mắc ca bằng mọi giá, thậm chí là không trồng đại trà loại cây này. Tại một văn bản, UBND huyện Đơn Dương nêu rõ là “điều kiện đất đai trên địa bàn huyện không phù hợp trồng cây mắc ca nên khuyến cáo nhân dân không phát triển đại trà”.

 

Hiện, trên địa bàn huyện Đơn Dương được hỗ trợ một số mô hình trồng cây mắc ca với diện tích 20ha. Các mô hình được hỗ trợ này tập trung ở xã Tu Tra; chủ yếu sử dụng đất ven núi, xen canh với cây dài ngày. Trong thực tế, tại huyện Đơn Dương cũng đã có một số hộ dân trồng cây mắc ca từ nhiều năm trước và loại cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo UBND huyện Đơn Dương, để trồng cây mắc ca một cách bài bản, cần có sự khảo sát, thử nghiệm... thật khoa học thì mới có thể phát triển đại trà loại cây trồng này trên đất Đơn Dương.

 

Dự kiến trong quý I năm 2016, huyện sẽ tổ chức tổng kết chương trình hỗ trợ trồng mắc ca trên địa bàn huyện để rút kinh nghiệm.

 

K.D

 

Triển vọng từ mô hình trồng dâu, nuôi tằm

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Mô hình trồng dâu, nuôi tằm được Công ty TNHH Hoàng Mai NMC (TP. Nha Trang) chuyển giao, thử nghiệm tại xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh) cho hiệu quả khả quan, hứa hẹn nhiều triển vọng.

 

Bà Nguyễn Thị Thùy Vy (thôn 5), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Gia đình tôi đang trồng 3 sào (1.000m2/sào) giống dâu S7 CB, trên chân đất màu có nước tưới mà trước đây trồng nhiều loại cây nhưng kém hiệu quả. Bình quân 1 sào cây dâu đầu tư 5 - 6 triệu đồng, sau 5 - 6 tháng vườn dâu đã đủ lá nuôi 1 hộp tằm giống. Giống tằm được công ty chuyển giao là giống cao sản, cứ 12 - 15 ngày thu hoạch 1 lứa kén, sản lượng 50kg (giá 110.000 đồng/kg kén), doanh thu đạt 5,5 triệu đồng”.

 

 

Thu hoạch kén tằm tại xã Diên Đồng

 

Theo bà Vy, giống dâu S7 CB do Công ty TNHH Hoàng Mai NMC cung cấp cho năng suất cao, trồng nhàn mà không lo thiếu thức ăn cho tằm; thỉnh thoảng phun xịt sâu bệnh và bón phân chuồng là ruộng dâu phát triển tốt. Theo đó, khoảng 15 ngày thu một lứa kén, tính ra một công lao động vừa trồng dâu vừa nuôi tằm có thu nhập 2 triệu đồng/sào/người/tháng. Một năm có thể nuôi 10 - 15 lứa.

 

Tại xã Diên Đồng có 5 hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích 3ha. Hiện nay, xã đã có chủ trương phát triển cây dâu tại các bãi bồi ven sông nhằm thay thế những diện tích cây trồng kém hiệu quả. Ông Hoàng Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng cho biết: “Qua tham quan một số mô hình tại tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi thấy nông dân trồng dâu, nuôi tằm rất nhàn lại cho thu nhập cao. Không chỉ có giống dâu, giống tằm mới, các thiết bị phục vụ nghề nuôi tằm do Công ty TNHH Hoàng Mai NMC chuyển giao cũng rất tiện lợi, thị trường rộng mở nên không còn băn khoăn... Nếu làm tốt, một lao động nông nghiệp bình quân có thể sản xuất 3 - 4 sào dâu, thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng…”.

 

Theo ông Trịnh Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mai NMC, xã Diên Đồng và nhiều địa phương trong tỉnh có thể phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm bởi khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng khá phù hợp. Năng suất dâu đạt 1,5 - 1,7 lần so với tại Lâm Đồng, nuôi tằm cũng thuận lợi hơn nhiều vùng miền khác. Hiện nay, Công ty đã sản xuất đồng bộ máy móc, vật tư phục vụ nghề nuôi tằm.

 

Hiện tại, 2 giống dâu cao sản là VA201 và S7CB mà Công ty chuyển giao, năng suất đạt 35 - 40 tấn/ha/năm đối với S7CB, 25 - 30 tấn/ha/năm đối với VA201. Các giống dâu này được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng sản xuất, được nhân rộng đại trà tại các vùng trồng dâu. Giống tằm được lấy từ TP. Ngọc Lâm (Trung Quốc), ở Việt Nam cũng đã sản xuất thành công, không lo đối tác ngưng cung cấp giống.

 

Theo kế hoạch, khi diện tích còn ít (dưới 50ha), sản phẩm kén làm ra bao nhiêu sẽ được Công ty TNHH Hoàng Mai NMC bao tiêu, bán trực tiếp cho các nhà ươm (tơ) tại Lâm Đồng; bình quân 1 nhà ươm tiêu thụ 20 - 40 tấn kén/tháng. Khi diện tích mở rộng, Công ty sẽ xây dựng các nhà ươm trong khu vực để tiêu thụ kén cho dân. Hàng tơ lụa là mặt hàng quý, giá trị cao đang được tiêu thụ rộng rãi tại Trung Quốc và các nước Trung Đông. Vì thế, mô hình trồng dâu, nuôi tằm đang mở ra một cơ hội mới cho nông dân.

 

Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh: Triển vọng của mô hình trồng dâu, nuôi tằm rất lớn, có thể tăng thu nhập, giải quyết lao động, việc làm nông thôn. Tuy nhiên, không phải đất nào cũng có thể trồng dâu. Vùng nào nê nước cây dâu sẽ bị vàng lá. Vì vậy, huyện đã giao cho Phòng Kinh tế phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Mai NMC nghiên cứu xem xét đất trồng dâu, xây dựng mô hình thử nghiệm tại Diên Đồng để từ đó nhân rộng đại trà. Hiện nay, Công ty đã thành lập Xí nghiệp Dâu tằm tơ đặt tại xã Diên Đồng.

 

P.L

 

Cam xã đoài ở Vũng Môn

 

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

 

Thưởng thức cam Xã Đoài ở Vũng Môn (phường Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) tôi mới thấm thía những câu thơ được học từ thuở vỡ lòng của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam nơi cửa trước/ Hương bay vào nhà trong.

 

 

Bà Nguyễn Thị Mộng bên một cây cam cho quả bói

 

Ngày Tết, cam Xã Đoài ở Vinh được đặt mua với giá 70 - 100 nghìn đồng/trái nhưng vẫn khan hiếm. Để bảo tồn giống cam này, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã tuyển chọn cây đầu dòng cam Xã Đoài và đang bảo tồn tại Viện ở Nghi Kim, TP Vinh… Vườn cam Xã Đoài của vợ chồng ông Tôn Thất Huyên ở Vũng Môn hương vị chẳng thua kém giống cam ở Vinh, chỉ khác là cam cho thu hoạch sớm hơn 2 tháng. Để có được vườn cam quý này, vợ chồng ông đã bám trụ gần 20 năm trên vùng đồi sỏi đá chăm bón, nâng niu từng nhành cam…

 

“Chắc không tưởng tượng được cảnh mò mẫm dưới trăng lọc từng rổ đá đổ đi, chăm bón từng ô đất suốt mấy năm đằng đẵng mô. Đồi cam quý hơn 100 gốc ni là tâm huyết thời trẻ của chồng tui”, bà Nguyễn Thị Mộng - vợ ông Huyên mở lời không quên mời khách nếm thử thành quả chăm bón giống cam quý.

 

Quả cam vàng tươi nguyên cuống nằm trên dĩa đầy sức hấp dẫn, bổ nhát dao đầu tiên, mùi thơm tỏa khắp nhà, nước cam màu vàng sánh; đưa cam vào miệng, vị ngọt, độ giòn như đánh thức từng tế bào vị giác. Quả thật trong đời tôi chưa khi nào thưởng thức loại cam nào ngon đến thế. “Giá cam bán ra trên thị trường 50 - 60 nghìn đồng một cân (4 - 5 quả) nhưng không có nhiều. Mỗi ngày chồng tôi chỉ hái những trái chín bỏ giá sỉ cho thương lái đặt hàng. Ngay cả người trong làng muốn mua cũng phải dặn trước”, bà Mộng khoe.

 

Để thăm đồi cam, chỉ có cách liều mình ngồi trên tấm xốp kéo dây cước qua phía bên kia bởi nhà không sắm thuyền. Ông Huyên cho hay: “Gần 20 năm trước, tui chiết giống từ mấy cây cam Xã Đoài ở vườn ba tui mang lên trồng như một cách để bảo tồn nguồn gen quý. Gia đình chỉ bón phân chuồng, ủ bổi, vỏ đậu chứ không dùng hóa chất nào khác. Gần đến mùa thu hoạch phải dùng lưới bao trái, tránh ruồi đục quả. Chăm loại cam ni như chăm con mọn, chúng không chịu được úng, nếu bị bệnh sâu vẽ bùa, xì gôm… phải nhổ bỏ, tránh lây lan”.

 

 

Cam Xã Đoài quả to, thơm, ngọt.

 

Bao nhiêu người đến vùng này nuôi mộng làm giàu không chịu nổi gian khổ đã dứt áo ra đi, riêng ông Huyên vì mê cam mà kiên trì bám trụ Vũng Môn. Ngoài cam Xã Đoài, ông còn trồng thêm giống cam khác, kết hợp chăn nuôi… Đang xây dựng cơ ngơi khang trang để các con ăn học thuận tiện ở tổ 11 phường Hương Hồ nhưng ông Huyên bảo xong việc là sẽ lên trang trại chăm đồi cam. Vụ cam Xã Đoài vừa rồi cho thu hoạch hơn 1 tấn, song cung không đủ cầu. “Giống cam Xã Đoài ở Hương Hồ hầu như không còn. Tui dự định nhân rộng vườn cam nhưng chỉ e không đủ sức”, ông Huyên ao ước.

 

“Giá ông Huyên “điều chỉnh” được mùa thu hoạch cam Xã Đoài ở Vũng Môn đúng dịp Tết chắc sẽ hốt bạc. Về lâu về dài, nếu nhân rộng giống cam Xã Đoài và canh tác theo phương pháp an toàn phục vụ người tiêu dùng thì tốt biết mấy”, ông Hồ Văn Hóa, Chủ tịch Hội Nông phường Hương Hồ không giấu niềm mong về giống cây từng là đặc sản một thời nơi đây khi chia tay tôi.

 

Linh Tuệ

 

Thu hoạch xoài bán Tết trúng mùa, được giá

 

Nguồn tin: Trà Vinh

 

Vụ xoài Tết Nguyên đán Bính thân 2016 này, với diện tích trên 48,32 ha, nông dân ở ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã bắt đầu thu hoạch, cho năng suất trên 2,5 tấn/công, với giá bán trên 13.000 đồng/kg, nông dân thu vào hơn 32,5 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận trên 22,5 triệu đồng/công.

 

 

Thu hoạch xoài cát chu

 

Theo các hộ nông dân trồng xoài ở địa phương cho biết: Đây là giống xoài cát chu rất thích hợp với vùng đất này nên cho năng suất cao, vụ tết năm nay bà con thu hoạch vừa trúng mùa được giá, nông dân rất phấn khởi.

 

Ông Nguyễn Lê Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Mấy năm trước do tình hình bệnh chổi rồng trên cây nhãn gây hại làm bà con nhà vườn thất thu rất nhiều, nhiều nhà vườn ở địa phương đã chuyển đổi sang cây trồng mới này và đã mang lại hiệu quả cho kinh tế nông hộ. Chúng tôi đang vận động bà con chuyển đổi sang cây trồng này và sắp tới sẽ tiến hành thành lập Hợp tác xã để đảm bảo đầu vào, đầu ra cho bà con an tâm sản xuất./.

 

NGUYỄN TÂN

 

Sản xuất và tiêu thụ cam Canh bền vững: Nâng giá trị từ sản phẩm an toàn

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Cam Canh không chỉ là đặc sản nổi tiếng của Hà Nội mà còn là một trong những loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu.

 

Tuy nhiên, để sản xuất và tiêu thụ cam Canh bền vững, người nông dân rất cần sự chung tay hỗ trợ của 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và DN.

 

Giàu lên nhờ trồng cam

 

Những ngày cuối năm, xã Kim An, huyện Thanh Oai tấp nập chẳng khác gì ngày hội. Bởi đây là khoảng thời gian cam Canh chín rộ, rất nhiều thương lái đến tận vườn thu mua với số lượng lớn. Ông Lê Xuân Long, ở thôn Ngọc Liên, chủ vườn cam hơn 2 mẫu chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 20 tấn cam, với giá bán 50.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, thu lãi 500 triệu đồng”. Tương tự, ông Mai Văn An, ở thôn Tràng Cát chỉ có 3 sào cam nhưng cũng cầm chắc 100 triệu đồng tiền lãi.

 

 

Mô hình trồng cam tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc

 

Manh nha từ năm 2001 với 2 hộ, đến nay, diện tích cây cam Canh của xã Kim An đã tăng lên 60ha với hơn 200 hộ trồng. Ông Đoàn Văn Huỳnh – Chủ tịch UBND xã cho biết, trồng cam cho thu lãi cao, trung bình từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có vườn cho thu lãi 1 tỷ đồng/ha/năm nên người dân địa phương rất thích “làm” cam. Từ năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội về mặt kỹ thuật thâm canh nên năng suất và chất lượng cam đã tăng lên đáng kể. Năm 2015, sản lượng cam của Kim An đạt xấp xỉ 1.000 tấn, ước tính cho thu nhập 50 tỷ đồng.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trước đây cam Canh chủ yếu trồng ở huyện Từ Liêm (cũ) nhưng hiện đã được phát triển mạnh tại các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức... với tổng diện tích 747ha, sản lượng hàng năm đạt gần 7.000 tấn. Mặc dù được đánh giá là loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao nhất hiện nay, song tình hình sản xuất và tiêu thụ cam trên địa bàn TP vẫn còn gặp không ít khó khăn.

 

Gỡ “nút thắt”

 

Cam là loại cây ăn quả dễ bị nhiễm bệnh nên đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khoa học và tỉ mỉ. Theo các chủ vườn, cây cam dễ bị nhiễm bệnh vàng lá nhất nhưng bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị. Thêm vào đó, việc nông dân nhân giống bằng phương pháp ghép mắt theo kinh nghiệm cũng là nguyên nhân khiến cây giống không đảm bảo chất lượng và thường xuyên bị nhiễm bệnh. Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho rằng, Thanh Oai rất khó có được bộ giống cam Canh đạt yêu cầu vì hiện nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có cây cam nào được công nhận là cây đầu dòng.

 

Một yếu tố khác là sự biến đổi bất thường của thời tiết khiến nhiều chủ vườn đứng ngồi không yên. “Hơn chục năm “làm” cam, tôi chưa thấy năm nào như năm nay, tháng 10 âm lịch mà trời vẫn nắng to, nhiệt độ vẫn cao đến 35oC khiến cam nảy lộc trái mùa. Hiện tượng này đồng nghĩa với việc sang tháng 2, cam không ra hoa nữa” – ông Mai Văn An, thôn Tràng Cát lo lắng. Để hạn chế tối đa những rủi ro do thời tiết gây ra, Sở NN&PTNT cần hỗ trợ nông dân về tập huấn kỹ thuật chuyên sâu để ứng biến kịp thời. Đáng chú ý, mặc dù nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An” đã được công bố một năm nay nhưng địa phương vẫn chưa xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện, các hộ gia đình chủ yếu tiêu thụ cam qua kênh bán buôn cho thương lái nên giá trị chưa cao.

 

Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, hiện nay, sản lượng quả của Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường, do đó để cạnh tranh được những sản phẩm ở nơi khác mang về, sản phẩm quả của Hà Nội phải hơn hẳn về chất lượng và đảm bảo an toàn. Khi sản phẩm an toàn chắc chắn giá trị hàng hóa sẽ cao. Để làm được điều này, nông dân cần liên kết thành các tổ, nhóm để hỗ trợ, kiểm soát nhau trong sản xuất, như vậy sản phẩm cam mới an toàn và giữ vững được thương hiệu.

 

Với sự hỗ trợ đắc lực của Sở NN&PTNT, trong tháng 12/2015, Công ty CP Nhất Nam đã ký hợp đồng cam kết với HTX Nông nghiệp Kim An tiêu thụ 40 tấn cam Canh để cung ứng cho chuỗi siêu thị Fivimart trên địa bàn TP.

 

Ánh Ngọc

 

Gian nan phòng, chống dịch Greening

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Hơn 1 năm qua, kể từ ngày tỉnh công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) gây hại đến nay, diện tích cam sành vẫn tiếp tục được người dân ở các địa phương trồng mới nhiều thêm, nên khiến cho công tác phòng, chống dịch của ngành chuyên môn Hậu Giang gặp không ít khó khăn, trở ngại.

 

 

Ước khoảng trên 3.100ha cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh đã bị người dân đốn hạ.

 

Vẫn vô tư trồng mới

 

Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn Hậu Giang, trong khi dịch bệnh Greening trên cam sành chưa thể dập tắt, nhất là sau khi công bố dịch, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí tiêu hủy cho người dân có vườn cam sành bị thiệt hại trên 70% nhưng đến nay, diện tích trồng mới ngày càng nhiều thêm. Cụ thể, đã có hơn 3.230ha cam sành được người dân ở các địa phương trồng mới, riêng huyện Châu Thành hơn 2.870ha, nâng tổng số diện tích trồng cam sành trên toàn tỉnh lên con số hơn 11.300ha. Từ đó gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và khống chế dịch bệnh Greening của tỉnh.

 

Đến nay, tổng diện tích cam sành ở thị xã Ngã Bảy bị nhiễm bệnh Greening ước khoảng 320ha. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết vì giá trị kinh tế cao nên người dân chưa mạnh dạn chặt bỏ vườn cam bị bệnh nặng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Mặt khác, họ chưa mặn mà với kinh phí hỗ trợ tiêu hủy 500.000 đồng/ha. “Có lúc giá cam sành trên 30.000 đồng/kg nên chỉ cần 2kg cam đã vượt xa mức hỗ trợ 50.000 đồng/công rồi. Nên người dân thường chọn cách giữ lại vườn để tiếp tục thu hoạch được đến đâu thì hay đến đó”, ông Trí phân tích.

 

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng rất khó khống chế mầm bệnh do người dân cứ ồ ạt mở rộng diện tích. Đáng nói là công bố dịch nhưng không theo Luật Bảo vệ thực vật, mà chỉ thông qua văn bản là chính, còn việc áp dụng các biện pháp cách ly, dập dịch lại rất khó thực hiện. “Chẳng lẽ giờ đi đốt, hay phun thuốc diệt rầy chổng cánh cùng lúc hàng ngàn héc-ta cam sành nhiễm bệnh. Sở dĩ Hậu Giang công bố dịch là nhằm vận dụng chính sách hỗ trợ, góp phần “an ủi”, khuyến khích người dân phá bỏ vườn cam bị thiệt hại nặng để chuyển sang cây trồng có giá trị khác”, ông Thể khẳng định.

 

Ngành chuyên môn băn khoăn

 

Thực tế, các cơ quan chuyên môn đều nhận định rằng tác nhân truyền bệnh chính là do rầy chổng cánh tồn tại trên các vườn cây già cỗi và bị nhiễm bệnh Greening không được người dân chăm sóc, cải tạo kịp thời nên đã nhanh chóng lây truyền từ cây này sang cây khác, vườn này sang vườn khác. Vì vậy, tiêu hủy được xem là một trong những giải pháp quan trọng để cách ly dịch bệnh. Thế nhưng thời gian qua, nhà vườn chưa mấy quan tâm đốn hạ vườn cam bị bệnh nặng. Từ đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho một số công ty triển khai các hoạt động “chui” như tiếp thị phân bón lá, hay giới thiệu biện pháp phòng trị bệnh bằng cách chích thuốc vào cây.

 

Cũng theo ông Thể, tuy có giá từ bốn, năm trăm ngàn đồng, thậm chí lên đến bạc triệu nhưng người dân vẫn chấp nhận mua phân, thuốc về xử lý cho vườn cam bị bệnh của gia đình mình. Vì tất cả đều ngộ nhận rằng nó có thể giúp cây vượt qua vàng lá gân xanh. Chứ họ không nghĩ đây là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị như những lời quảng cáo vượt quá công năng của các công ty. Song, rất khó xử lý. Đáng nói là hiện nay, nguồn giống đạt chất lượng sạch bệnh không đủ cung ứng cho nhu cầu chuyển đổi, trồng mới nên người dân chủ yếu sử dụng giống không rõ nguồn gốc, mua trôi nổi của thương lái vận chuyển bằng ghe đến từ các nơi khác.

 

Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao công tác dập dịch của tỉnh không thể đạt được kết quả cao như mong muốn. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, thừa nhận ngành đang rất băn khoăn trước tình trạng dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn nhưng người dân trồng mới thêm hàng ngàn héc-ta cam sành. Điều này càng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Cho nên, cơ quan chuyên môn các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân sau khi đốn bỏ thì cần chuyển đổi sang cây trồng khác, đảm bảo thời gian cách ly mầm bệnh, tránh bị thiệt hại nặng hơn.

 

Thời gian qua, không chỉ thị trường khá ổn định mà giá cam sành thường xuyên giữ ở mức cao. Đôi lúc, giá cam sành đã vượt mốc 30.000 đồng/kg nên điệp khúc “trồng, chặt” cứ lặp đi lặp lại tại nhiều địa phương có diện tích cam sành lớn của tỉnh như huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy cũng là chuyện dễ hiểu.

 

Tính đến thời điểm này, diện tích cam sành đang bị nhiễm bệnh Greening trên địa bàn tỉnh khoảng 2.019ha, với diện tích bị thiệt hại nặng gần 290ha. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm công bố dịch cách đây hơn 1 năm thì diện tích nhiễm loại bệnh nguy hiểm này đã giảm hơn 4.700ha, trong đó, diện tích bị thiệt hại nặng, tỷ lệ trên 70% đã giảm bớt 1.600ha. Hiện người dân đã đốn bỏ khoảng 3.100ha vườn cây bị bệnh, kể cả trên 1.660ha đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái khác như chanh không hạt, cam xoàn, cam mật.

 

NGUYỄN GIA

 

Đồng Nai: Trái cây Tết sốt giá sớm

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Thời điểm hiện nay, thương lái đang đổ về các nhà vườn để đặt hàng trái cây cung cấp cho thị trường Tết. Năm nay do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, năng suất trái cây nhiều nơi bị ảnh hưởng nên một số loại trái cây tết “sốt” giá sớm. Hiện giá bưởi đường lá cam bán lẻ ra thị trường đã lên đến cả triệu đồng/chục; bưởi da xanh ruột hồng có mức 55 ngàn đồng/kg, tăng từ 10 - 15 ngàn đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Nông dân huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) phấn khởi vì bưởi Tết trúng giá.

 

Tuy nhiên với việc chủ động chuẩn bị nguồn hàng của các thương lái, doanh nghiệp, siêu thị, thị trường Tết Nguyên đán 2016 vẫn dồi dào nguồn hàng phục vụ khách mua.

 

* Ồ ạt gom bưởi tết

 

Trong dòng hàng cây có múi cung cấp ra thị trường tết năm nay, bưởi đường lá cam Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang đứng tốp đầu về mức giá “sốt”. Theo phản ánh của một số thương lái, vụ tết năm nay năng suất bưởi của nhiều nhà vườn giảm nên không dễ đặt hàng dù giá bưởi tăng cao. Hiện giá bưởi bán tại vườn lên đến 500 - 600 ngàn đồng/chục, tăng khoảng 200 ngàn đồng/chục so cùng kỳ năm ngoái nhưng nhiều nông dân vẫn treo hàng chờ thời điểm giá cao hơn.

 

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi tại Tân Triều, cho biết: “Gần đây thương lái đổ xô về vườn tranh nhau đặt mua mão cả vườn với giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều nông dân chưa muốn bán vì giai đoạn này giá bưởi đang tăng hàng ngày, hàng tuần”. Chính vì vậy, vườn bưởi đường lá cam rộng hơn 2 hécta cũng được ông Sơn giữ lại để bán cho khách lẻ. Theo ông Sơn, riêng dòng sản phẩm bưởi “độc” chưng tết là các cặp bưởi hồ lô, ông chỉ tăng thêm từ vài trăm đến 1 triệu đồng/cặp, chủ yếu bù vào chi phí nhân công vì dòng hàng này làm theo đơn đặt hàng trước.

 

Ngoài mặt hàng bưởi, các loại trái cây được tiêu thụ mạnh trong dịp tết, như: xoài, mãng cầu, thanh long... cũng đang được thương lái quan tâm đặt hàng. Giá bán cũng có chiều hướng tăng lên vì cung không đủ cầu. Ông Đào Văn Thành, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Năm nay gần 90% diện tích xoài ở địa phương mất mùa. Khoảng nửa tháng trước, thương lái về tận vườn thu gom xoài Đài Loan để xuất sang Trung Quốc với giá 47 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện giá giảm chỉ còn một nửa nên thường đến giờ chót mới biết trái xoài vụ tết có trúng giá vì hiện biến động rất thất thường”.

 

* Không lo thiếu hàng

 

Thường khoảng nửa tháng trước tết, thương lái mới vào vườn cắt bưởi đóng hàng đi Hà Nội rồi mới thu hoạch cung cấp cho các thị trường phía Nam. Chính vì vậy, thị trường trái cây thường biến động rất mạnh vào giờ chót. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thương lái, giá bán trái cây tết năm nay diễn biến khó lường hơn mọi năm nhưng nguồn hàng vẫn dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu khách mua. Ông Nguyễn Thanh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH rượu bưởi Nhân Hòa (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn nguồn trái bưởi và rượu bưởi đảm bảo hàng phục vụ thị trường tết. Năm nay, doanh nghiệp sẽ cung cấp ra thị trường 10 ngàn lít rượu bưởi với mức giá tương đương tết năm ngoái. Riêng mặt hàng trái bưởi tươi biến động tùy theo thị trường”.

 

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Trang Trại Xanh Quỳnh Như (TP.Biên Hòa), nhận xét: “Một vài năm trở lại đây, thị trường bưởi tết có hiện tượng bị làm giá. Cụ thể tết năm ngoái, giá bưởi bị đẩy lên hơn 2 triệu đồng/chục, người tiêu dùng giảm mua. Trong khi đó, không ít nhà vườn, thương lái kìm hàng chờ giá “sốt” đến đỉnh mới bán nên xảy ra hiện tượng bưởi dội chợ khiến nhiều nông dân, thương lái trữ hàng bị thua lỗ”.

 

Hiện các siêu thị trên địa bàn tỉnh, như: BigC, Co.opMart… đều đã sẵn sàng nguồn trái cây, rau củ tươi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2016. Các đơn vị này đều cam kết đảm bảo nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định phục vụ khách mua. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị BigC, cho biết tết năm nay sản lượng trái cây, rau củ BigC cung cấp ra thị trường tăng từ 15 - 20% so với tết năm ngoái. Do siêu thị chủ động chuẩn bị hàng tết từ vài tháng trước nên hiện hàng hóa tết đều đã sẵn sàng phục vụ khách với cam kết giữ ổn định giá.

 

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop