Trăn trở từ vườn cây trái hữu cơ…
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
HTX Đức Bình ở thôn Đức Bình, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) chuyên sản xuất các loại nông sản hữu cơ là mắc ca, bơ, tiêu, cà phê, na Thái, sầu riêng và các loại đậu đỗ, rau củ... Ông Nguyễn Viết Tiến - Chủ nhiệm HTX Đức Bình đang có nhiều trăn trở về những khó khăn khi theo đuổi mục tiêu sản xuất hàng sạch, hàng bảo đảm sức khỏe cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Viết Tiến có nhiều trăn trở với sản phẩm Organic
HTX Đức Bình có 14 thành viên. Riêng gia đình ông Tiến có 7 sào cây ăn trái, gồm hơn 100 cây bơ booth, hơn 100 cây sầu riêng, 80 cây bưởi, 120 cây mãng cầu và một ít cam canh đang ra quả; ngoài ra, còn có hơn 2 ha cà phê xen sầu riêng và mắc ca, tiêu…
Ông Nguyễn Viết Tiến tâm sự: Đối với chúng tôi, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng là ưu tiên số một; nên theo đuổi phương thức canh tác hữu cơ (Organic) dù là tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn quốc tế lúc nào cũng quan trọng. Chúng tôi đang tiến hành lập thủ tục để xuất hàng Organic của HTX Đức Bình ra thị trường nội địa; sau đó, sẽ thực hiện các bước để xác nhận tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ và sẽ xuất hàng hóa sang các thị trường đó.
Do biết được tác hại của các loại thuốc trừ cỏ và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nên 3 năm nay, HTX Đức Bình không sử dụng các loại thuốc hóa học mà chỉ sử dụng thuốc sinh học. Bên cạnh các sản phẩm đã ổn định theo “quy trình hữu cơ” là cà phê, sầu riêng, mắc ca, tiêu… thì một số loại cây trái canh tác theo quy trình hữu cơ “chưa ra hàng hóa được”.
Chẳng hạn, cây mãng cầu Thái (na Thái) năm nay vừa ra bói mùa đầu tiên. Ông chấp nhận đưa ra thị trường “cào bằng san phẳng” với những loại na khác, vì chưa đủ sản phẩm. Hơn nữa, dù rất hợp với vùng đất Lâm Đồng, nhưng na Thái bị bọ chích hút mà thuốc sinh học không diệt được; nhưng nếu dùng thuốc BVTV thì lại mất tiêu chuẩn Organic. Do vậy, mùa đầu tiên này, ông chưa tìm ra phương thức xử lý bọ chích, nên trái không đẹp, thậm chí là bị nứt; không bóng bẩy, bắt mắt giống như na thương phẩm khác.
Đứng ở góc độ người sản xuất, ông Tiến đang trăn trở về vấn đề này. Mặc dù cam kết là hàng sạch, nhưng mẫu mã không đẹp, sẽ khó được thị trường chấp nhận. Ông đang áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình để khách hàng biết quy trình canh tác của HTX mà đặt hàng, dù sản phẩm không có “mã” đẹp. Ông Tiến khẳng định, ông thật tâm tránh thuốc BVTV, tránh những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và người tiêu dùng.
QrCode là một loại mã đang được nhiều nhà vườn sử dụng hiện nay để xác định quy trình sản xuất của nhà sản xuất; xác định vị trí địa lý của vùng nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm; xác định chất lượng của sản phẩm do đơn vị sản xuất ra và chịu trách nhiệm tới cùng về chất lượng sản phẩm đó.
Tại vườn nhà ông Tiến, cỏ được làm cuốn chiếu. Khi cỏ tốt, ông kéo gom từng đống, nắng thì vun vào gốc cây khiến cỏ bị thiếu nước mà chết, nhưng lại có tác dụng giữ ẩm cho cây. Theo ông Tiến , khó nhất khi theo đuổi mục tiêu Organic là bảo quản vườn cây, đặc biệt từ lúc cây ra hoa đến khi thu hoạch. “Nhưng, vấn đề bây giờ là, chúng tôi chỉ dùng thuốc sinh học, nhưng thuốc sinh học không đạt yêu cầu, thậm chí là thuốc giả, đánh lừa bà con”.
Cơ quan khuyến nông cũng cần hỗ trợ kiến thức xử lý dịch bệnh cho cây trồng. Chứ như vườn bơ nhà ông cũng đã từng bị chết cành vào thời điểm mưa nhiều, nhưng cán bộ khuyến nông không biết cây bị bệnh gì và không biết xử lý như thế nào. Thế là ông phải mày mò, cuối cùng cũng biết cách chữa bệnh cho cây - nhưng rõ ràng rất mất thời gian… Còn chính ông cũng bị lừa khi mua hàng tiếp thị về thuốc BVTV sinh học...
Ông khẳng định: Organic cần phải được đưa vào thành nền tảng kinh doanh theo nguyên lý của các cụ ngày xưa. Nói cho văn vẻ thế, nhưng ngày xưa là cây tự sinh tự lớn. Cơ cấu sản phẩm ngày nay cần năng suất, nên phải bổ sung lượng phân bón và kháng bệnh phù hợp. Có một thực tế là dân thì tin tưởng và mong chờ có sản phẩm sạch, nhưng các công ty phân bón, thuốc BVTV mang danh sinh học chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Bây giờ, người nông dân theo đuổi Organic mong muốn: Họ đã liên kết các hộ dân để cùng nhau làm ra sản phẩm sạch phục vụ cho xã hội; nhưng nếu có sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp, cùng người nông dân giải quyết các vấn đề của mình, như thị trường, phân bón, kiến thức khuyến nông... sẽ tạo niềm tin cho người nông dân theo đuổi quy trình canh tác mình lựa chọn.
HTX Đức Bình áp dụng dán mã QrCode (mã truy suất nguồn gốc) trên tất cả sản phẩm của mình để khẳng định: “Mọi sản phẩm chúng tôi làm ra đều do chúng tôi chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Chúng tôi không chỉ nắm mã code này, mà sẽ bảo vệ, duy trì mã code này và phát triển mã code bằng chính ý thức và các công việc canh tác trên vườn cây hằng ngày. Để khẳng định, chúng tôi luôn chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng” - ông Tiến cho biết.
LÊ HOA
Tuy An (Phú Yên): Trồng thí điểm sầu riêng trên vùng đất đỏ bazan
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) vừa trích ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm mô hình trồng cây sầu riêng trên vùng đất đỏ bazan tại xã An Xuân.
Triển khai mô hình này, huyện chọn gia đình ông Lê Xuân Viện ở thôn Xuân Trung trồng 210 cây sầu riêng, với giống Mong Thong và Ri6 đã 1 năm tuổi trên diện tích 1ha. Tổng kinh phí đầu tư trên 60 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 100% giá trị cây giống, 50% giá trị phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trị giá gần 52 triệu đồng, phần còn lại do gia đình ông Lê Xuân Viện đầu tư.
Đây là mô hình nhằm từng bước xây dựng và tạo vùng nguyên liệu hàng hóa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tại địa phương; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bằng hình thức sản xuất sản phẩm sầu riêng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.
KHẮC NHO
Lâm Đồng: Tái canh cà phê đứng đầu Tây Nguyên
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Cà phê, cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên đang trong giai đoạn thay đổi cơ bản với chương trình tái canh cà phê bền vững. Tái canh đã giúp vùng cà phê Tây Nguyên trẻ hóa, thay đổi hoàn toàn diện mạo. Và, trong số những tỉnh thực hiện tái canh cà phê, Lâm Đồng là tỉnh đạt kết quả tốt nhất. Đây là khẳng định của ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong Hội nghị tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng tái canh cà phê vừa được tổ chức tại thành phố Đà Lạt.
Vườn cà phê tái canh ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm. Ảnh: K.Phúc
Tái canh thay đổi diện mạo cà phê Tây Nguyên
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết tháng 9 năm 2019, diện tích cà phê ước đạt 688,3 nghìn ha. Sản lượng cà phê nhân năm 2018 ước đạt 1.623 triệu tấn, năm 2019 dù chưa bước vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng dự đoán cao hơn năm 2018. Năng suất niên vụ 2018 đạt 2,6 tấn nhân/ha, một con số cao hơn hẳn so với năng suất trung bình cà phê Tây Nguyên. Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến tháng 6/2019 là trên 118 ngàn ha, đạt trên 98% kế hoạch tái canh 120 ngàn ha. Đặc biệt, các diện tích cà phê tái canh thời kỳ đầu bằng giống mới nay đã bước vào giai đoạn sản xuất kinh doanh cho năng suất vượt trội, đẩy năng suất cà phê tiếp tục tăng trong những năm gần đây.
Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020 với mục tiêu đến năm này, Việt Nam ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 600 nghìn ha, trong đó có 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững; năng suất đạt 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Định hướng vùng trọng điểm phát triển cà phê gồm 4 tỉnh ở Tây Nguyên khoảng 530 nghìn ha: Đắk Lắk 190 nghìn ha, Lâm Đồng 150 nghìn ha, Gia Lai 75 nghìn ha, Đắk Nông 115 nghìn ha. Theo đề án, ngành cà phê Việt đã thực hiện tốt mục tiêu đặt ra và vấn đề là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững của ngành cà phê Việt. Mục tiêu đến 2025, tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600 ngàn ha; năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm. Tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, phấn đấu đến 2025 tái canh và ghép cải tạo thêm từ 30-40 ngàn ha.
Chuẩn hóa vườn giống góp phần tạo nên vùng cà phê bền vững. Ảnh: D.Quỳnh
Điểm sáng Lâm Đồng
So với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh có canh tác cà phê, Lâm Đồng đạt kết quả tốt nhất trong tái canh cà phê. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình tái canh cà phê tại Lâm Đồng đã giúp trẻ hóa vườn cà phê già cỗi, diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 31,3 tạ/ha năm 2018; sản lượng 365.923 tấn năm 2012 lên 507.782 tấn năm 2018. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên. Năng suất cà phê Lâm Đồng đã cao hơn năng suất cà phê chung toàn vùng 5 tạ/ha.
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên thử nghiệm thí điểm đăng ký mã số vùng trồng cho 8.500 nông hộ trong vùng cà phê Di Linh. Theo đó, mỗi nông hộ sẽ có một mã số riêng, các đối tác có liên quan có thể nắm được quy trình quản lý vườn cà phê thông qua thông tin vườn cây, tình trạng sinh trưởng, sử dụng giống, hiện trạng quản lý đất, nguồn nước, hệ thống tưới, việc trồng xen canh…, giúp quản lý và truy xuất nguồn gốc. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng đăng ký mã số vùng trồng để cải thiện ngành hàng cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.
Theo kế hoạch, tới năm 2020, Lâm Đồng cần tái canh 48 ngàn ha nhưng tới tháng 9/2019, Lâm Đồng đã tái canh 58 ngàn ha, vượt 127% kế hoạch. Thành tích của Lâm Đồng đạt cao nhất Tây Nguyên, so với các tỉnh lân cận tái canh đạt xấp xỉ 70-80% kế hoạch.
Không chỉ đạt diện tích tái canh, Lâm Đồng canh tác cà phê theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan cũng đạt kết quả tốt. So với các tỉnh Tây Nguyên thường trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cây trồng xen cà phê tại Lâm Đồng được đánh giá là phong phú hơn về chủng loại như mắc ca, bơ, sầu riêng, hồng, cây lâm nghiệp như muồng, sao đen, sưa…, mang lại tính đa dạng sinh học. Hiện diện tích cây che bóng cà phê của Lâm Đồng đạt trên 20 ngàn ha, chiếm 13% diện tích cà phê và đang tiếp tục tăng lên, là tín hiệu đáng mừng của canh tác bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, Lâm Đồng đã thực hiện rất tốt hoạt động tái canh cà phê, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam.
DIỆP QUỲNH
Bà Rịa - Vũng Tàu: Người trồng tiêu thấp thỏm lo mất mùa
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Thời gian gần đây, giá hồ tiêu tiếp tục ở mức thấp kỷ lục, khiến nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, năm nay, bà con trồng tiêu lại thêm một nỗi lo mới, khi loại cây này tại nhiều địa phương rụng bông hàng loạt, tỷ lệ đậu trái thấp gây nguy cơ giảm năng suất.
Tình trạng bông rụng, tỷ lệ đậu trái thấp khiến sản lượng hồ tiêu năm nay ước tính giảm mạnh. Trong ảnh: Nông dân xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc kiểm tra sự phát triển của cây tiêu.
Vườn hồ tiêu hơn 1ha của ông Vũ Văn Tiên (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) đã được trên 5 năm tuổi, đang vào thời kỳ “sung sức” nhất. Theo quan sát của chúng tôi, vườn tiêu của ông phát triển rất tốt, tán rộng, cành lá sum xuê. Tuy nhiên, năm nay, tỷ lệ đậu trái rất thấp, thập chí chưa bằng một nửa so với năm ngoái. Ông Tiên cho biết: “Vườn tiêu được tôi dày công chăm bẵm, quy trình tưới nước, bón phân được tuân thủ kỹ lưỡng nên phát triển tốt, không có sâu bệnh. Tuy nhiên, không biết vì nguyên nhân gì mà vài tháng trước, tiêu ra hoa rồi bỗng nhiên rụng gần hết khiến tỷ lệ đậu trái thấp. Năm ngoái, tôi thu được gần 3 tấn tiêu/ha, dự kiến năm nay chỉ còn 1/3. Giá tiêu xuống thấp, cộng với nhân công thu hái tăng cao nên nhiều khả năng vụ tiêu này tôi thua lỗ hàng chục triệu đồng”.
Tại huyện Châu Đức, vùng trồng tiêu lớn nhất của tỉnh, nhiều bà con nông dân cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Vũ Văn Thường (ấp Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đã có kinh nghiệm 15 năm trồng tiêu. Tuy nhiên, năm nay, 1,5ha tiêu của ông ước tính chỉ cho dưới 2 tấn thay vì gần 5 tấn như vụ trước. Ông Thường cho biết, hồ tiêu là loại cây nhạy cảm, thất thường, tình trạng mất mùa cũng thường xảy ra. Dù vậy, việc bông rụng hàng loạt, năng suất chỉ còn từ 30-50% so với thông thường như hiện nay rất hiếm gặp. Ông Thường nhận định: “Theo tôi, nguyên nhân của việc này là sự biến đổi thất thường của thời tiết. Năm nay mùa mưa đến muộn, thời tiết khô, nóng, độ ẩm thấp nên không thuận lợi cho việc ra bông của hồ tiêu. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến nhiều vườn tiêu có năng suất giảm mạnh”.
Nhiều nông dân nhận định, tình trạng thiếu nhân công thu hái, hạt phải neo lâu trên cây trong vụ trước là một trong những nguyên nhân khiến vụ tiêu năm nay mất mùa. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Phương Đông (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức).
Ngoài năng suất giảm mạnh, bà con nông dân trồng tiêu còn phải đối mặt với một số loại dịch bệnh hoành hành. Ông Trần Bảy (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho biết, vườn tiêu của ông có khoảng 1.000 gốc, trước đây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, đầu mùa mưa vừa qua, bỗng nhiên lá tiêu ngả vàng rồi rụng. Sau đó, khoảng 150 gốc tiêu bị chết phải chặt bỏ, số còn lại cũng không phát triển tốt như trước, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vậy (BVTV) tỉnh, diện tích hồ tiêu của BR-VT hiện nay khoảng 13.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Từ đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có khoảng 200ha hồ tiêu mắc một số loại bệnh như chết nhanh, chết chậm. Cùng với việc thời tiết bất lợi cũng khiến năng suất tiêu giảm mạnh. Thời gian gần đây, giá tiêu đứng ở mức thấp kỷ lục khiến nhiều bà con nông dân lao đao. Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tích cực hỗ trợ nông dân trong công tác phòng trừ dịch bệnh, trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con cách xử lý, cách ly để tránh dịch bệnh lây lan; đồng thời, sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo trong thời điểm khó khăn hiện nay, bà con không nản chí, tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây kỹ lưỡng; đồng thời, chú trọng tham gia các chuỗi liên kết với DN để sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể xuất khẩu ra các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hồ tiêu BR-VT.
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN
Bến Tre: Nông dân Ba Tri trúng vụ hành tím
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Nông dân trồng rau màu ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) thu hoạch vụ hành tím trúng mùa, được giá.
Nông dân thu hoạch hành tím.
Tân Thủy là một trong những xã chuyên trồng rau màu của huyện Ba Tri có diện tích nhiều nhất, với trên 80ha, trong đó có 10ha trồng hành tím.
Giống hành trồng chủ yếu được mua từ huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng so với năm trước.
Bình quân mỗi công đất trồng hành thu hoạch được 1,1 tấn, giá bán từ 24 - 40 ngàn đồng/kg, cao hơn 10 ngàn đồng so với năm 2018. Hầu hết các hộ trồng hành đều có lãi. Riêng các thành viên trong tổ sản xuất rau an toàn có lãi cao hơn.
Để hành trồng đạt năng suất cao, Hội Nông dân xã đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thủy Đặng Văn Nhiều cho biết: “Ngay từ đầu năm, Hội đã phối hợp với UBND xã, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu, đặc biệt là hành tím cho nông dân để áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Hội khuyến cáo bà con nên chủ động xuống giống hành sớm, tránh trùng thời điểm sản xuất của các tỉnh khác để thu hoạch bán được giá. Hội cũng đã giới thiệu cơ sở cung cấp giống hành đảm bảo chất lượng cho nông dân, phối hợp với thương lái tiêu thụ sản phẩm, tránh bị ép giá”.
Tin, ảnh: Trần Xiện
Phú Yên: Ảnh hưởng bão số 5: TX Sông Cầu thiệt hại nặng về nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Ảnh hưởng bão số 5, nước lũ tràn và làm vỡ bờ đìa nuôi thủy sản, hiện người dân đang khắc phục. Ảnh: ANH NGỌC
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, bão số 5 đã gây thiệt hại nặng cho địa phương, ước tổng thiệt hại khoảng 59,4 tỉ đồng.
Về nhà cửa, có 113 nhà bị sập, hư hỏng; 153 nhà bị tốc mái, ước thiệt hại khoảng 3,6 tỉ đồng. Về giao thông và thủy lợi, có nhiều tuyến đường và công trình thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, nước lũ cuốn trôi với khối lượng khoảng 12.500m3 đất đá, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng.
Nặng nhất là thiệt hại về nông nghiệp, có khoảng 150ha cây trồng (lúa, mía…) bị ngập nước, ngã đổ; khoảng 360 tấn muối của gần 90 hộ dân bị ngập nước; có 26 bè nuôi thủy sản (tôm hùm, cá mú, cá bớp) bị hư hỏng, nước lũ cuốn trôi mất; hơn 180 ao đìa nuôi thủy sản với diện tích hàng nghìn ha bị ngập lụt, vỡ bờ, thủy sản nuôi bị nước lũ cuốn trôi; 50 tàu thuyền (chủ yếu thuyền có công suất dưới 20CV) bị chìm, 8 chiếc bị sóng gió đánh vỡ, 2 thuyền và 11 sõng, thúng chai bị trôi mất; ước thiệt hại về lĩnh vực nông nghiệp khoảng 54,2 tỉ đồng…
Người dân ở xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) dọn dẹp, khắc phục nhà cửa bị sập. Ảnh: ANH NGỌC
Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN TX Sông Cầu, địa phương đã tổ chức thống kê, thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và triển khai ứng phó áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão. TX Sông Cầu đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục khẩn cấp đối với các gia đình có nhà bị sập, các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nhằm ổn định đời sống của người dân.
* Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới khu vực giữa biển Đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực Phú Yên sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến cả đợt từ 300-600mm, có nơi trên 600mm. Lúc 8 giờ sáng nay (4/11), mực nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ đạt 102,98m (mực nước thiết kế là 105m), lưu lượng nước về hồ là 615m3/s, vận hành xả lũ là 200m3/s, vận hành chạy máy là 400m3/s, tổng lượng nước về hạ du là 600m3/s.
Để chủ động phòng tránh vùng áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, hướng dẫn các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh. Các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra, nhất là ổn định nơi ăn, chốn ở đối với những hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn, các công trình bị sự cố, đồng thời chủ động ứng phó tình hình mưa lớn có thể xảy ra.
ANH NGỌC
Giá gà tăng mạnh, người chăn nuôi thu lãi lớn
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Gần nửa tháng qua, giá gà thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tục tăng và giữ lâu ở mức cao khiến người chăn nuôi rất phấn khởi.
Mỗi tháng, gia đình ông Lê Văn Mạnh xuất chuồng trung bình 1 nghìn con gà lai chọi thương phẩm. Ảnh: Ông Mạnh chăm sóc đàn gà thương phẩm của gia đình.
Ông Lê Văn Mạnh, thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam) phấn khởi cho biết, gia đình ông vừa xuất bán đàn gà lai chọi thương phẩm 1 nghìn con với giá 60 nghìn đồng/kg.
Trừ các khoản chi phí con giống, cám chăn nuôi, thuốc thú y, sau hơn 3 tháng nuôi, gia đình ông thu lãi hơn 40 triệu đồng. Mỗi con gà lai chọi khi xuất chuồng đạt trọng lượng từ 2,5 đến gần 3 kg.
Được biết, mỗi năm gia đình ông nuôi 1,2 vạn gà lai chọi, hiện trong chuồng vẫn còn hơn 3 nghìn gà thương phẩm chuẩn bị bán trong dịp trước Tết Nguyên đán tới.
Tại huyện Yên Thế, người chăn nuôi rất phấn khởi vì gà được giá, thời tiết thuận lợi, giảm nguy cơ dịch bệnh trên đàn gà. Ông Nguyễn Hồng Hải, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm cho hay, hiện giá gà thương phẩm nói chung trên địa bàn huyện Yên Thế đang cao hơn so với cùng thời điểm tháng trước 10 nghìn đồng/kg và cao hơn so với dịp giữa năm khoảng 15 nghìn đồng/kg.
Cụ thể, gà ri lai, gà lai chọi cùng mức giá 62 nghìn đồng/kg; gà lai Hồ và gà Mía lai giá dao động từ 55- 58 nghìn đồng/kg (sau 3 tháng 20 ngày nuôi). Như vậy, trừ các khoản chi phí, người dân thu lãi từ 35- 40 triệu đồng/1 nghìn gà thương phẩm.
Cũng với các giống gà này nếu nuôi trên 5 tháng, giá đạt mức từ 70 - 80 nghìn đồng/kg (tùy từng giống gà).
Thương lái đến thu mua gà tại chợ đầu mối gia cầm ngã ba Đình Lẻo, xã Liên Sơn (Tân Yên).
Được biết, sở dĩ giá gà tăng cao là do thời tiết đã chuyển sang lạnh khiến người dân ăn gà nhiều hơn, đặc biệt gà lai chọi phù hợp với các nhà hàng chế biến món lẩu.
Bên cạnh đó, do năm nay lượng thịt lợn bị hao hụt lớn do bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến thị trường khan hiếm, người dân mua gà về sử dụng thay cho thịt lợn nhiều hơn năm trước.
Hiện ngành chức năng các địa phương chăn nuôi gia cầm lớn trong tỉnh như: Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa đang tập trung chỉ đạo người chăn nuôi gia cầm chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gà.
Tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng, giữ vững tổng đàn từ đầu vào cho đến khi xuất chuồng.
Đại La
Bà Rịa - Vũng Tàu: Dịch tả heo ‘tấn công’ các trang trại lớn
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau hơn 4 tháng xuất hiện, tính đến hôm nay (4/11), toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện hơn 1.100 ổ dịch tả heo châu Phi, tại 67 địa bàn cấp xã của 7 cấp huyện, thị, thành. Dịch bệnh này đã làm khoảng 36 ngàn con heo với tổng trọng lượng khoảng 2.100 tấn phải tiêu hủy.
Hiện số trang trại mới phát hiện heo mắc dịch tả châu Phi có dấu hiệu giảm dần, chủ yếu heo phát bệnh thuộc các ổ dịch cũ. Tuy nhiên, mối nguy hại từ loại dịch bệnh này chưa thuyên giảm mà có nguy cơ bùng phát trở lại. Nguyên nhân là dịch tả châu Phi đã lan sang 21 trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và lớn (16 trại quy mô từ 200 đến 1.000 con và 5 trại quy mô trên 1.000 con), đồng thời có dấu hiệu lây lan rộng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (đây là địa bàn chăn nuôi trọng điểm, tập trung các trang trại heo giống của nhiều DN lớn).
Cùng với đó, giá heo thịt tiếp tục tăng cao, ở mức trên 65 ngàn đồng/kg nên đã hút người chăn nuôi vỗ béo, xuất bán heo thịt. Cùng với việc heo con, heo choai đang có giá khá rẻ và dễ mua, nên hiện khiến một số trại nuôi, kể cả trong vùng có dịch tăng đàn làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Do đó, ngành chăn nuôi khuyến cáo các trang trại tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, chặt chẽ để bảo vệ đàn heo. Đồng thời, chỉ các trang trại có đủ các yếu tố an toàn mới tái đàn, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, các trại đã có heo mắc bệnh không tăng đàn trong thời điểm này.
QUANG VINH
Đồng Tháp: Người chăn nuôi heo cần thận trọng khi tái đàn
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, mặc dù tình hình dịch tả heo Châu Phi vẫn còn tiếp diễn, nhưng giá heo hơi đang tăng cao (khoảng 6 triệu đồng/tạ) nên nhiều người chăn nuôi tự ý tái đàn, không thông báo cho chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát tình hình dịch bệnh. Trong tuần qua, tình hình dịch tả heo Châu Phi trên cả nước tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 24/10/2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 8.316 đơn vị cấp xã, thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố (tăng 74 xã và 1 huyện so với tuần trước đó), với tổng số heo bệnh, tiêu hủy là 5.714.884 con, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 328.509 tấn (tăng 83.718 con và 3.394 tấn so với tuần trước); ước thiệt hại khoảng 8,8% sản lượng thịt heo của cả nước. Đến nay, chưa có tỉnh nào trên cả nước công bố hết dịch.
Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 24/10/2019, có 6.246 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 122.660 con (chiếm khoảng 47,19% tổng đàn heo của tỉnh), tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 7.996 tấn. Hiện nay, có 60/139 xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thị, thành phố đã qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh nhận định, tình hình dịch bệnh hiện đang có xu hướng giảm, nhưng mức độ giảm chậm và có nguy cơ tăng trở lại nếu điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi (có mưa nhiều và thời tiết lạnh). Tuần qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 4 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh và tiêu hủy, với số lượng khoảng 46 con và khối lượng trung bình là 2,5 tấn/ngày. Tuần trước đó, bình quân mỗi ngày có 4 hộ có heo mắc bệnh, tiêu hủy, với số lượng khoảng 51 con và trọng lượng trung bình là 2,7 tấn/ngày.
Trong bối cảnh dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi ý thức, tự bảo vệ đàn vật nuôi, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; vận động người dân chú trọng việc trữ và xử lý nước bằng benkocid hoặc chlorin trước khi sử dụng trong chăn nuôi. Người nuôi chú ý che chắn tránh mưa tạt, gió lùa và thắp đèn sưởi ấm cho gia súc vào ban đêm, gia súc sẽ không bị cảm lạnh và đủ sức đề kháng chống chịu lại bệnh tật và không tái đàn khi chưa có công bố hết dịch...
Mỹ Lý
Hiếu Giang tổng hợp