Kiểm tra tỷ lệ lúa giống nẩy mầm trước khi ngâm ủ
Nguồn tin: Long An
Thông thường, lúa giống đều có thời gian tồn trữ từ 3 - 8 tháng, trong thời gian này hạt giống tự nhiên hút ẩm nên ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ nẩy mầm. Do đó, bà con nông dân cần kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm trước khi gieo để đảm bảo chất lượng lúa giống và mật độ gieo trồng thích hợp.
Để kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống trước khi ngâm ủ, chúng ta có thể thực hiện theo 2 cách sau:
- Cách thứ nhất: Chuẩn bị sẵn 8 miếng khăn giấy ướt (thường có bán ở các tiệm tạp hóa), túi ni-lông, dây cột túi. Lấy khoảng 1kg giống chia đều trong các bao lúa giống, rồi lấy 4 phần trong 1kg giống này, mỗi phần 100 hạt. Sau đó, đặt 1 lớp khăn ướt lên bàn và trãi đều 100 hạt giống lên khăn giấy đó, rồi dùng 1 khăn ướt khác đậy phủ lên, gấp mép khăn phần dưới cùng sau đó cuốn tròn lại. Thực hiện tương tự cho 3 phần lúa còn lại. Sau khi đặt hạt vào các lớp khăn giấy, cho toàn bộ vào túi ni-lông và cột kín lại để giữ ẩm (không cần phải tưới thêm nước). Sau 5 ngày có thể đánh giá tỷ lệ nẩy mầm bằng cách đếm số hạt không nẩy mầm để suy ra tỷ lệ % hạt nẩy mầm, thí dụ có 10 hạt không nẩy mầm thì thì tỷ lệ nẩy mầm là 90%. Đối với yêu cầu về chất lượng lúa giống thì tỷ lệ nẩy mầm ít nhất 80% là đạt yêu cầu.
- Cách thứ 2: Lấy mẫu như cách thứ nhất, sau đó dùng túi vải hoặc túi lưới bỏ lượng hạt giống khoảng 100 gram vào túi. Sau đó ngâm 24 - 36 giờ, vớt lên rửa sạch rồi ủ đủ ấm trong 36 - 48 giờ. Kết thúc thời gian ngâm ủ có thể kiểm tra đánh giá tỷ lệ nẩy mầm tương tự như cách thứ nhất.
Nếu lô giống không đạt tỷ lệ nẩy mầm, bà con không nên sử dụng để gieo sạ. Nếu vì lý do nào đó bà con nông dân vẫn sử dụng để gieo sạ thì cần tăng thêm lượng lúa giống. Tuy nhiên, khi lô lúa giống có tỷ lệ nẩy mầm dưới 80 % thì sức sống của cây mầm cũng không mạnh, tốt nhất là loại bỏ vì nếu gieo trồng thì ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến năng suất sau này./.
Trung tâm Khuyến nông Long An
An Giang: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nấm rơm từ giá thể với lục bình
Nguồn tin: An Giang
Mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Ngô Quốc Dũng ở ấp Mỹ Hóa 2, xã Tân Hòa khác với cách trồng nấm rơm truyền thống, sau khi được cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Phú Tân, tỉnh An Giang hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng cách làm mới, anh Dũng đã bố trí 3 nghiệm thức trên diện tích 400m2 hoàn toàn ngẫu nhiên và thực hiện theo quy trình trồng nấm rơm để so sánh hiệu quả và năng suất trồng nấm rơm bằng nguyên liệu rơm và lục bình. Vụ Thu Đông năm 2015, Khi thực hiện trồng ngoài trời, Với khoảng 1.086,6kg lục bình khô và 120 bịt meo, vôi, men dinh dưỡng, thuốc trừ bệnh, phân bón.
Ông Ngô Quốc Dũng thực hiện nghiệm thức 1, sử dụng 100% rơm từ máy gặt đập liên hợp, nghiệm thức 2 sử dụng 1/2 rơm và 1/2 lục bình, nghiệm thức 3 sử dụng 100% lục bình. Sau khi ủ rơm, ủ lục bình và chất thành dòng, khoảng 20 ngày sau ông bắt tay vào thu hoạch nấm rơm, năng suất thu hoạch nấm rơm theo từng nghiệm thức cho thấy: năng suất trồng nấm rơm cao nhất vẫn từ nguyên liệu lục bình ở nghiệm thức 3 đạt 87,88kg cao hơn gấp 3,7 lần so với năng suất ở nghiệm thức 1 chỉ đạt 23,52kg, còn năng suất ở nghiệm thức 2 là 54,88kg cao hơn gấp 2,3 lần so với năng suất ở nghiệm thức 1.
Tương tự với cách làm như trên, anh Dũng thực hiện trồng nấm rơm trong nhà, với 3 lần lặp lại, tương ứng với 3 nghiệm thức: nghiệm thức 1, sử dụng 100% rơm từ máy gặt đập liên hợp, nghiệm thức 2 sử dụng 1/2 rơm và 1/2 lục bình, nghiệm thức 3 sử dụng 100% lục bình. Sau khi ủ rơm, ủ lục bình và chất thành dòng, khoảng 20 ngày sau ông bắt tay vào thu hoạch nấm rơm, năng suất thu hoạch nấm rơm theo từng nghiệm thức cho thấy: Năng suất trồng nấm rơm từ nguyên liệu lục bình ở nghiệm thức 3 đạt năng suất cao nhất 92,62kg cao hơn gấp 3,5 lần so với năng suất ở nghiệm thức 1 chỉ đạt 26,6 kg, tương tự năng suất ở nghiệm thức 2 đạt 60,48kg cao hơn gấp 2,3 lần so với năng suất ở nghiệm thức 1. Về hiệu quả kỹ thuật cho thấy năng suất trồng nấm rơm ở các nghiệm thức khi trồng trong nhà cao hơn so với trồng ngoài trời. Nói về năng suất của mô hình trồng nấm rơm từ rơm phối trộn với lục bình, ông Ngô Quốc Dũng chia sẽ thêm: “năng suất trồng nấm rơm từ nguyên liệu lục bình hoặc phối trộn lục bình với rơm cao hơn nhiều so với khi trồng nấm rơm hoàn toàn bằng rơm.
Do đó, lợi nhuận khi trồng nấm rơm trong nhà cao hơn so với lợi nhuận trồng nấm rơm ngoài trời.” Mô hình trồng nấm rơm theo công nghệ mới của ông Ngô Quốc Dũng, đề nghiên cứu, so sánh năng suất và hiệu quả mô hình trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm và rơm phối trộn với lục bình ở xã Tân Hòa do kỹ sư Lương Mỹ Phương – trạm khuyến nông huyện Phú Tân làm chủ nhiệm đề tài, nhằm chọn nguồn giá thể trồng nấm rơm, vừa tăng thêm hiệu quả kinh tế cho nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường. Qua kết quả cho thấy lục bình được dùng làm giá thể để trồng nấm rơm, có khả năng giữ được độ ẩm lâu giảm công tưới, tốn ít meo nấm hơn, chất lượng nấm ngon hơn , giòn hơn so với nấm rơm truyền thống lại giàu dinh dưỡng không độc tố, việc trồng nấm trên giá thể lục bình có năng suất cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng trên rơm. Là người chủ nhiệm đề tài Kỹ sư Lương Mỹ Phương - Trạm khuyến nông Phú Tân cho biết thêm: “Nguyên liệu lục bình được người nông dân thực hiện mô hình tận dụng nguồn lao động nhà đi gom, vớt và phơi khô.
Vì thế, giá thành nguyên liệu lục bình có giảm nhiều hơn so với nguyên liệu lục bình khi thu mua từ người khác. Giá thành nguyên liệu rơm thấp ( chỉ có 150.000 đồng/công, trong khi đó giá mua ở ngoài dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/công) là do người nông dân thực hiện mô hình tận dụng công lao động nhà đi thu gom rơm. Lợi nhuận trồng nấm rơm cao cũng do chi phí lao động như các quá trình: ủ rơm, đảo rơm, chất mô, tủ rơm áo…người nông dân thực hiện mô hình cũng tận dụng công lao động nhà của chính mình.” Tuy nhiên do mô hình thực hiện vào vụ Thu Đông nên gặp thời tiết không thuận lợi trong quá trình thực hiện mô hình: gặp mưa bão liên tục trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu lục bình thế nên lượng lục bình hao hụt khá nhiều chiếm khoảng 30%, trong giai đoạn ra tơ sau khi chất mô đến lúc hình thành nụ nấm gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, đến khi giai đoạn ra quả thể bắt đầu từ ngày 14/11/2015 đến ngày 21/12/2015 thì lại gặp thời tiết lạnh và của áp thấp nhiệt đới cũng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất nấm rơm.
Ngoài sản xuất nấm rơm theo lối truyền thống, nông dân cần thay đổi cách làm hiện đại hơn trong sản xuất, thông qua sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu có sẵn trong nông nghiệp gắn với ứng dụng kỹ thuật mới làm tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Từ kết quả thu được tại các mô hình điểm, thời gian tới, trạm khuyến nông huyện Phú Tân sẽ tổ chức các lớp tập huấn dạy nghề, hướng các quy trình kỹ thuật về cách trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm và lục bình, nhằm giới thiệu cho nông dân trên địa bán huyện để nhân rộng mô hình, góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế cho người trồng nấm rơm, đồng thời liên kết với đại lý để thu mua nấm rơm cung ứng cho thị trường ngoài huyện đảm bảo đầu ra cho nông dân..
Đề tài so sánh năng suất và hiệu quả mô hình trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm và rơm phối trộn lục bình là tín hiệu tốt cho nông dân đang có dự định trồng nấm rơm. Thời gian tới rất cần ngành chức năng chuyển giao khoa học và công nghệ và xây dựng mô hình trồng nấm, giúp người nắm bắt được quy trình kỹ thuật làm cơ sở quan trong cho việc định hướng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng nấm rơm từ nguyên liệu lục bình và rơm phối trộn với lục bình song song với mô hình truyền thống là trồng nấm rơm hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm, vì năng suất trồng nấm rơm từ nguyên liệu lục bình cao hơn gấp 3,5 - 3,7 lần so với trồng nấm rơm hoàn toàn bằng nguyên liệu rơm.
Vừa giảm được chi phí khi trồng nấm rơm nếu như ta tận dụng lao động nhà để thu gom vớt và phơi khô nguyên liệu lục, vừa đem lại kinh tế cho gia đình cũng như góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại địa phương và vừa tăng thêm nguồn lợi ích bảo vệ môi trường tránh được những tác hại xấu do lục bình đem lại cho chúng ta./.
Lê Giàu
Hẩm hiu... thân phận cà phê
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Tại một số xã ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), thời điểm này, bên cạnh các sân phơi đầy ắp những hạt cà phê vừa thu hoạch là những gốc cà phê bị chặt bỏ, bứng gốc. Hình ảnh này khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối loại cây trồng đã gắn bó với người dân Khánh Sơn hơn 20 năm qua.
Phá bỏ cà phê để trồng cây khác
Ở xã Sơn Bình, chúng tôi bắt gặp không ít vườn cà phê đã bị đốn hạ. Ông Văn Tấn Đạt (thôn Liên Hòa) đang cùng nhân công chặt hạ 0,4ha cà phê vừa mới thu hoạch để kịp dọn vườn trồng sầu riêng và bưởi da xanh. Nhớ lại thời hoàng kim của cây cà phê trên đất Khánh Sơn, ông kể: “Trước đây, người dân Khánh Sơn chủ yếu trồng bắp, mì, lúa nước, lúa rẫy... Những cây trồng này chưa đủ giúp người dân vượt qua cái đói lúc giáp hạt, nói gì đến chuyện làm giàu. Từ năm 1994, khi cây cà phê được đưa về trồng thử nghiệm ở Khánh Sơn, chỉ 4 năm sau đã cho thu hoạch, nhờ giá bán cao nên nhiều gia đình đã đổi đời từ loại cây này. Cũng từ đó, cây cà phê bắt đầu khẳng định được vị trí trên đất Khánh Sơn. Người người đua nhau trồng cà phê, nhà nhà đầu tư cho cây cà phê, chẳng mấy chốc diện tích cà phê tăng lên hàng trăm hecta”.
Đề cập đến chuyện chặt bỏ loại cây này, ông Đạt cho hay: “Cây cà phê đã gắn bó với chúng tôi mấy chục năm nay. Gia đình tôi xây được nhà, mua được xe cũng nhờ loại cây này. Tuy nhiên, cà phê trồng ở Khánh Sơn chủ yếu là cà phê vối. Ngót 20 năm, cây cà phê nay đã bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp, trong khi việc đầu tư đòi hỏi vốn lớn, nhiều công chăm sóc nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Nhiều gia đình ở Sơn Bình và các xã lân cận đã quyết định phá bỏ cà phê”.
Người dân bứng gốc cà phê tại Sơn Bình
Khi chúng tôi đến, ông Lê Anh Quang (thôn Liên Hòa), cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình cũng đang cùng người nhà chặt bỏ vườn cà phê. Gia đình ông có 2ha cà phê. Cách đây 6 năm, ông trồng xen cây sầu riêng vào giữa vườn cà phê, nay sầu riêng đã cho thu hoạch, ông quyết định phá bỏ toàn bộ cà phê để sầu riêng phát triển. Ông còn đưa vào trồng một số loại cây ăn quả khác như: bưởi da xanh, quýt đường trên diện tích này. Theo phân tích của ông, đầu tư trồng bưởi da xanh, quýt đường hay hồ tiêu chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn như cây bưởi da xanh đầu tư 1ha chỉ khoảng 20 triệu đồng, đến khi thu hoạch cho hơn 20 tấn quả, với giá bán 27.000 đồng/kg, nông dân bỏ túi hơn 500 triệu đồng/năm. Trong khi 1ha cà phê chỉ được 2 tấn nhân, với giá bán 31.000 đồng/kg, nông dân chỉ thu được hơn 60 triệu đồng.
Cũng theo ông Quang, tại Sơn Bình, phong trào chuyển đổi từ cà phê sang các loại cây trồng khác đã diễn ra mấy năm gần đây, nhưng ồ ạt nhất vào năm 2015 với gần 30ha trong tổng số 135ha cà phê của xã. Một số xã khác như: Sơn Hiệp, Sơn Lâm, tình trạng chặt bỏ cà phê cũng đang diễn ra, tuy không ồ ạt bằng Sơn Bình nhưng theo ước tính diện tích phá bỏ cũng lên đến hàng chục hecta.
Nhiều người dân cho rằng đây là đợt thu hoạch cà phê cuối cùng
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều nông dân cho rằng, trước đây, ở Khánh Sơn cà phê là số 1. Nhưng bây giờ, hồ tiêu và các loại cây ăn quả như: sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh... đã khẳng định được hiệu quả thì việc thay thế cà phê bằng các loại cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao, giúp nông dân địa phương làm giàu là điều hợp lý. Gia đình ông Phạm Hồng Tuyến (thôn Liên Hòa) là một trong những hộ tiên phong chặt bỏ cà phê để trồng hồ tiêu. Ông cho hay: “Cách đây 3 năm, tôi đã quyết định phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu. Hiện nay, trong vườn tôi trồng 300 trụ hồ tiêu, 40 trụ đã cho thu hoạch. Năm nay, gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 500kg hạt tiêu khô. Giá bán hạt tiêu khô hiện nay rất cao, đại lý thu mua tận nhà giá 220.000 đồng/kg. Hiệu quả cây hồ tiêu mang lại lớn nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng 300 trụ nữa”. Chúng tôi được biết, không ít hộ trong thôn cũng đang chuyển sang trồng hồ tiêu.
Cần cải tạo, chuyển đổi giống thay vì chặt bỏ ồ ạt
Theo ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, hiện nay, địa phương có hơn 180ha cà phê, chủ yếu được trồng từ những năm 1994 - 1997. Ở Sơn Lâm không có tình trạng người dân ồ ạt chặt bỏ cà phê, nhưng việc chuyển đổi vẫn âm thầm diễn ra ở một số hộ người Kinh có điều kiện kinh tế. Thực tế ở Sơn Lâm, diện tích đất phù hợp để phát triển cây ăn quả không nhiều, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, chưa có cây trồng nào đủ sức thay thế. “Vấn đề đặt ra đối với địa phương là khuyến khích người dân cải tạo vườn cà phê, thay đổi giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng”, ông Nguyên chia sẻ.
Người dân chuyển sang trồng bưởi da xanh
Trao đổi với ông Lê Anh Quang, chúng tôi được biết, Sơn Bình là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây ăn quả và hồ tiêu. Tuy nhiên, địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên chuyển đổi những diện tích cà phê đã thoái hóa, năng suất thấp. Những diện tích cà phê giống mới cần được tập trung đầu tư, chăm sóc, bởi có đầu tư thì cây cà phê mới cho hiệu quả. Điều khiến ông Quang lo lắng là hiện nay, do diện tích hồ tiêu, quýt đường, bưởi da xanh còn ít nên giá bán cao, tiêu thụ dễ dàng. Đến khi diện tích tăng nhanh, đầu ra lớn thì tính hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, những cây trồng này còn mới, kinh nghiệm sản xuất, cách phòng trừ dịch bệnh của người dân chưa nhiều nên tiềm ẩn rủi ro.
Trên địa bàn huyện Khánh Sơn hiện nay có gần 600ha cà phê, trong đó phần lớn diện tích đang cho thu hoạch. Năm nay, nắng hạn đã khiến một số diện tích cà phê trên địa bàn bị ảnh hưởng, chủ yếu do cây mất sức, cho quả nhỏ, chậm phát triển. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn là giống cũ, già cỗi (chiếm 70%) nên năng suất đạt thấp. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn, những năm qua, nông nghiệp Khánh Sơn có sự chuyển mình theo hướng nông nghiệp hàng hóa, huyện định hướng sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có cây cà phê. Đối với cây trồng này, định hướng của huyện là duy trì diện tích khoảng 500ha; chú trọng chuyển đổi giống mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. “Chúng tôi khuyến cáo người dân không ồ ạt phá bỏ cây cà phê để chuyển đổi sang các cây trồng khác, chỉ khuyến khích người dân cải tạo, chuyển đổi giống cà phê đã thoái hóa sang những giống mới năng suất cao hơn. Ở một số khu vực không phù hợp để phát triển cà phê thì khuyến khích người dân chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Hiếu nói.
Phát biểu trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới cần được gắn kết chặt chẽ với thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Những cây trồng, sản phẩm nông sản nào xuất khẩu được thì nhất thiết phải tái cơ cấu để đầu tư, phát triển bền vững”.
Rõ ràng, cây cà phê đã khẳng định được vị thế của mình trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, việc cải tạo lại các vườn cà phê, chuyển đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê ở Khánh Sơn cần được làm ngay. Việc người dân chặt bỏ cà phê để chuyển sang cây trồng khác sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương, không những thế còn tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.
HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG
Nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm được ứng dụng
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Bình Thuận là một trong những vùng đất khô hạn nhất nước, đặc biệt vào thời điểm mùa khô. Do đó, việc sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước vô cùng quan trọng. Thời gian qua, một số mô hình đã được ứng dụng hiệu quả, nhất là mô hình tưới tiết kiệm trên cây thanh long.
Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước của trung tâm.
Điển hình, phải kể đến các mô hình tưới phun mưa tiết kiệm nước, mô hình tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, mô hình tưới kết hợp giữa tưới gốc và tưới cành cho cây thanh long... Đặc biệt, trong các năm qua, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận (trung tâm) đã thực hiện một số đề tài, dự án, mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, một số mô hình đạt hiệu quả cao như trồng rau an toàn, kết hợp tưới phun tiết kiệm nước trên địa bàn TP. Phan Thiết; mô hình tưới phun tiết kiệm nước trong sản xuất thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc; tưới nhỏ giọt cho cây thanh long bằng năng lượng mặt trời…Các mô hình này đã và đang góp phần đáng kể trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây thanh long, giúp người dân tiết kiệm nước tưới, giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng. Theo đại diện trung tâm, khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trên cây thanh long sẽ tiết kiệm 30 - 40% lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống. Cùng với đó, giảm thời gian, công tưới, tiết kiệm điện năng, giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV, góp phần hạn chế sự phát triển cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh. Mặt khác, khắc phục được hiện tượng rửa trôi đất, không tạo nên váng đất đọng trên bề mặt và không phá vỡ cấu tượng đất. Phương pháp tưới nhỏ giọt còn tạo độ ẩm liên tục kích thích tạo rễ non của cây thanh long ra sớm hơn, năng suất tăng 8 - 11% so với tưới truyền thống…
Cùng các mô hình do trung tâm thử nghiệm, ứng dụng, hiện nay ông Nguyễn Văn Hai (DNTN Tuấn Loan - TP. Phan Thiết) đã chế tạo hệ thống tưới gốc và ngọn cho cây thanh long. Theo ông Hai, hệ thống bao gồm máy bơm dùng để hút nước từ nguồn nước qua ống hút rồi đẩy vào ống dẫn chính, đến ống dẫn nhánh và tưới từng trụ. Nước trước khi đi vào ống dẫn chính được loại bỏ rác và tạp chất nhờ bộ phận lọc, ống dẫn chính trung chuyển nước tới các ống nhánh, các ống nhánh được chôn dưới đất tiếp tục trung chuyển nước tới các ống tưới để tưới nước cho cây muốn tưới theo thiết kế. Ống tưới bằng nhựa được bố trí sát trụ và đi theo 2 nhánh, 1 nhánh tưới gốc và 1 nhánh lên ngọn để tưới ngọn, cuối hệ thống đường ống bố trí van xả cặn nhằm thải tạp chất của hệ thống. Ở nhánh tưới gốc, ống tưới được thiết kế uốn vòng quanh thân cây một vòng tròn và cách gốc cây khoảng 30 - 50cm, trên vòng tròn khoét các lỗ nhỏ hướng xuống dưới gốc cây nhằm tạo đường nước tưới gốc. Đáng chú ý, hệ thống này sử dụng ống nhựa PVC, lắp đặt đơn giản nên giá thành đầu tư thấp, người nông dân ai cũng có thể lắp đặt và sử dụng được.
K. Hằng
Bắc Giang: Xây dựng 50 vùng sản xuất rau an toàn
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Theo Đề án hỗ trợ vùng sản xuất rau an toàn vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh có 50 vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 6 nhà lưới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Các xã có truyền thống sản xuất rau màu của một số huyện như: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên, TP Bắc Giang, Lục Nam, Yên Dũng và Yên Thế sẽ được lựa chọn xây dựng vùng chuyên canh.
Đề án do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì với tổng kinh phí thực hiện gần 20 tỷ đồng, trong đó hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh còn lại là vốn đối ứng của người dân.
Trịnh Lan
Lào Cai: Sẽ mở rộng diện tích cây tam thất lên 50 ha tại Si Ma Cai
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Theo thống kê, tính đến hết năm 2015, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã có 7,4 ha cây tam thất, trong đó xã Nàn Sán có 2,3 ha; xã Mản Thẩn có 4,2 ha; xã Sán Chải có 0,9 ha. Giai đoạn 2015 – 2020, huyện Si Ma Cai sẽ nâng diện tích cây tam thất lên 50 ha.
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) sẽ nâng diện tích trồng tam thất lên 50 Ha.
Việc mở rộng diện tích cây tam thất nằm trong đề án “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng huyện Si Ma Cai giai đoạn 2015 – 2020”. Ngoài việc mở rộng diện tích tại 3 xã Mản Thân, Sán Chải, Nàn Sán, huyện Si Ma Cai chủ trương trồng thêm cây tam thất tại một số xã khác theo lộ trình từng năm, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tam thất cũng như cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Xuân Cường
Chọn bưởi da xanh xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn trái tại ĐBSCL
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Tập đoàn Lộc Trời và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã ký kết thực hiện đề án “Chuỗi giá trị trên cây ăn trái” tại ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, an toàn và chất lượng.
Theo đó, bưởi da xanh là cây trồng được chọn thí điểm thực hiện xây dựng chuỗi giá trị trong 2016 tại 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long với quy mô khoảng 100 - 120 ha/mô hình.
Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, đề án sẽ mở rộng chuỗi giá trị sang một số loại cây trồng khác như: xoài, thanh long, nhãn và một số cây chủ lực ở ĐBSCL.
Mục tiêu của đề án nhằm tiến tới tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, xây dựng thương hiệu và thu mua để tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
HOÀNG MINH
Tiền Giang: Mùa vú sữa… "lạt"
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Dù đã cuối tháng 11 âm lịch nhưng lượng vú sữa từ vườn đổ về chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim vẫn chưa tăng mạnh. Dù vậy, giá vú sữa vẫn không cao khiến cho nhà vườn kém vui.
Nhiều nhà vườn cho biết, năng suất vú sữa năm nay không cao.
Mọi năm, vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch là vườn vú sữa Lò Rèn của chú Nguyễn Văn Hòa, ấp Mỹ, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã bắt đầu cho thu hoạch đến Tết Nguyên đán, nhưng năm nay đã cuối tháng mà vườn vú sữa vẫn chưa hái bán được bội nào.
Đã vậy, năng suất trái vụ này cũng giảm hơn mọi năm. “Thời gian gần đây, qua từng năm, cây vú sữa xuống sức thấy rõ, năng suất giảm dần, cỡ trái cũng nhỏ hơn dù cách chăm sóc, lượng phân bón cung cấp vẫn như trước. Vụ mùa năm nay, vú sữa cho trái giảm khoảng 20 - 30% so với năm rồi” - chú Hòa cho biết.
Cho trái muộn, năng suất thấp cũng xảy ra tại vườn vú sữa của anh Huỳnh Văn Lộc, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy). Anh Lộc cho biết, năm nay vú sữa cho trái khá muộn, lượng trái trên cây cũng không nhiều bằng mọi năm. Do thời tiết năm 2015 diễn biến bất thường đã làm cho lá, bông vú sữa đổ nhiều nên năng suất trái năm nay giảm hơn năm rồi khoảng 20% và cho trái cũng muộn hơn mọi khi.
Anh Lộc chia sẻ: “Mọi năm vào thời điểm này, vườn vú sữa của tôi mỗi ngày hái 20 bội trở lên nhưng năm nay mỗi ngày chỉ hái được 1 bội. Từ đầu vụ đến giờ, vườn vú sữa của tôi chỉ mới bán được gần 200kg”.
Dù chỉ mới bắt đầu thu hoạch nhưng anh Lộc ước tính, với 45 gốc vú sữa đang cho trái của vườn nhà trong vụ này chỉ thu hoạch được khoảng 20 tấn so với năm rồi 25 tấn. “Vườn vú sữa của tôi được nhiều người đánh giá “sung” nhất, nhì trong vùng còn như thế thì những vườn khác năng suất có thể còn thấp hơn” - anh Lộc cho biết.
Không chỉ kém vui do năng suất thấp, nhà vườn trồng vú sữa ở huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành còn đang “sốt ruột” về giá. Theo nhận định của nhiều nhà vườn, tuy chỉ mới bắt đầu bước vào đợt thu hoạch rộ nhưng giá vú sữa đã khá thấp, càng tăng thêm áp lực lên nhà vườn.
“Hiện nay, giá vú sữa Lò Rèn loại tốt khoảng 37.000 đồng/kg, giá bán xô từ 24.000 - 28.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi trên 50.000 đồng/kg đối với loại tốt và khoảng 36.000 đồng/kg đối với hàng xô. Trong khi đó, việc nắng nóng kéo dài đã làm cho chi phí bơm tưới, phân bón tăng thêm. Với tình hình này, chúng tôi không biết vụ vú sữa năm nay có lời bao nhiêu” - nhiều nhà vườn bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Ngàn, Giám đốc Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết, tình trạng vú sữa giảm năng suất không chỉ xảy ra ở một số cây hay một số vườn vú sữa đơn lẻ, mà xảy ra ở rất nhiều vườn trong vùng.
Nguyên nhân là do những năm gần đây bệnh khô cành, thối rễ trên cây vú sữa chiếm tỷ lệ cao nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả làm cho cây suy kiệt dần, kết hợp với thời tiết năm 2015 diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến khả năng cho trái của cây vú sữa.
Còn vì sao giá vú sữa đầu vụ năm nay thấp, ông Ngàn cho rằng, thời gian gần đây diện tích trồng vú sữa phát triển mạnh ở các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang… và thường thu hoạch khá sớm (khoảng tháng 10 và 11 âm lịch) nên đã kiềm giá vú sữa đầu vụ năm nay.
Đã cuối tháng 11 âm lịch, lượng vú sữa thu hoạch vẫn chưa nhiều.
Mặt khác, trong tháng qua, thời tiết Hà Nội khá lạnh nên nhu cầu tiêu thụ vú sữa nói riêng, trái cây nói chung ở thị trường này không mạnh nên càng đẩy giá vú sữa xuống thấp hơn. “Mấy năm trước, vườn vú sữa nào cho thu hoạch đầu vụ đều bán được giá cao và cho lợi nhuận khá. Nhưng với tình hình hiện nay, không biết nhà vườn còn lời bao nhiêu, dù hiện tại giá vú sữa đang có xu hướng tăng trở lại do vú sữa ở các tỉnh, thành lân cận đã hết vụ” - ông Ngàn bày tỏ.
Vú sữa là cây trồng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh ta, được trồng tập trung với diện tích và sản lượng lớn ở huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành. Những năm gần đây, tình hình bệnh khô cành, thối rễ gây hại trên cây vú sữa lây lan ra diện rộng, cùng với tác động của thời tiết bất thường trong năm qua đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và làm giảm năng suất của cây. Thêm vào đó, giá vú sữa vụ mùa những năm qua khá bấp bênh. Thế nên thời gian gần đây, diện tích cây vú sữa giảm đáng kể trên địa bàn tỉnh và mất dần ưu thế so với các loại cây trồng khác.
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành cho biết, ngoài khả năng làm giảm năng suất trái, bệnh khô cành, thối rễ còn ảnh hưởng đến chất lượng trái (trái nhỏ hơn) của cây. Cộng với nắng nóng kéo dài, mưa ít trong năm 2015 đã ảnh hưởng mạnh đến khả năng cho trái và chất lượng trái. Thêm nữa, giá vú sữa đến thời điểm này cũng thấp hơn năm rồi do đụng phải lượng vú sữa chín sớm đến từ các tỉnh, thành trong vùng mới phát triển trong những năm gần đây càng gây bất lợi cho nhà vườn.
Với tình hình này, không chỉ năm nay mà khả năng những năm tới, nhà vườn trồng vú sữa sẽ tiếp tục gặp khó khăn do bệnh khô cành, thối rễ chưa được ngăn chặn hiệu quả; diện tích trồng vú sữa ở các tỉnh, thành trong khu vực tiếp tục tăng; biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Hiện nay, lòng tin của nhà vườn đối với cây đặc sản vú sữa đang xuống rất thấp. Để giữ vững và phát triển cây ăn trái đặc sản, khôi phục vùng chuyên canh cây trồng này, chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp ngăn chặn hiệu quả việc lây lan của bệnh khô cành, thối rễ. Có như thế nhà vườn mới có thể tiếp tục gắn bó với cây ăn trái đặc sản này” - ông Hòa đề nghị.
Vú sữa nâu rớt giá mạnh
Theo nhiều nhà vườn, những năm trước giá vú sữa nâu vào thời điểm đầu vụ cao nhất có thể lên đến 50.000 đồng/trái. Nhiều người chuyển sang trồng giống vú sữa này. Nhưng hiện nay, giống vú sữa nâu đang rớt giá rất mạnh, thậm chí có thương lái còn không mua loại vú sữa này.
Hiện tại, giá vú sữa nâu loại tốt khoảng 17.000 đồng/kg, còn những loại nhỏ hơn chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg. “Tôi vừa mới bán 10 trái sữa nâu (nâu đậm) chỉ với 10.000 đồng. Tình hình này chắc phải đốn vú sữa nâu thôi” - một nhà vườn ở xã Kim Sơn (huyện Châu Thành) cho biết.
N.VĂN
Giá dưa hấu giảm còn 3.000 đồng/kg
Nguồn tin: VOV
Giá dưa hấu được thương lái mua tại ruộng chỉ còn từ 2.600 - 3.000 đ/kg khiến người trồng dưa tại Bến Tre không có lãi.
Hiện nay, giá dưa hấu được thương lái mua tại ruộng chỉ còn từ 2.600 - 3.000 đ/kg khiến hàng trăm hộ thu hoạch dưa hấu sớm tại Bến Tre không có lãi, trong khi tết đang cận kề.
Đối với dưa hấu loại 2, loại 3 chỉ từ 1.200đ – 1.600đ/kg và rất khó bán. Với mức giá này nếu ruộng dưa nào đạt năng suất từ 25 tấn/ha trở lên thì nông dân có thu hồi được chi phí đầu tư hoặc lấy công làm lời. Đây là vụ dưa hấu tết thứ hai liên tiếp có giá thấp hơn 3.000 đồng/kg, làm cho đời sống của hàng trăm hộ dân vùng ven biển của tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn vì không còn vốn tái sản xuất và trả nợ tiền vật tư.
Toàn tỉnh Bến Tre có gần 800ha chuyên canh dưa hấu. tập trung các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú và xã Bảo Thuận, An Thủy, huyện Ba Tri; sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn.
Do dưa hấu là mặt hàng nông sản không để lâu ngày được, cộng với việc trên địa bàn chưa có doanh nghiệp ký kết tiêu thụ, nên đầu ra cho loại nông sản này phụ thuộc vào thương lái hoàn toàn.
Theo ông Đặng Văn Hồng, Chủ tịch Hội nông dân xã An Thủy, huyện Ba Tri, vụ dưa này nông dân vất vả nhất là về giá cả. Hiện giá dưa ngay chỗ đưa hàng lên xe chỉ có 2.600đ/kg. Với mức giá này sau khi trừ đi chi phí, công chăm sóc hơn 2 tháng trời thì nông dân không có lời./.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Bưởi da xanh hút hàng
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Trong khi hàng loạt trái cây như cam, quýt, xoài, mít… liên tục rớt giá khi vào mùa thu hoạch, thì riêng cây bưởi da xanh luôn ổn định ở mức cao, nhất là mỗi dịp xuân về.
Theo các nhà vườn trồng bưởi ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện giá bưởi da xanh tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, tỷ lệ đậu trái thấp, sản lượng giảm, trong khi nhu cầu hàng tết tăng cao đã đẩy giá bưởi tăng mạnh. Hiện nay, bưởi da xanh loại I có giá 45.000 đồng/kg, loại II có giá từ 35.000 - 38.000 đồng/kg. Huyện Phụng Hiệp hiện có khoảng 141ha bưởi, trong đó bưởi da xanh chiếm trên 40%.
THANH DUY