Quảng Trị: Người dân Gio Mỹ lao đao vì mất trắng vụ mướp đắng
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Hàng loạt diện tích cây mướp đắng gần đến kỳ thu hoạch đồng loạt bị thối rễ, vàng lá, quả teo lại không phát triển được do đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua khiến hàng chục hộ dân trồng mướp đắng ở xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) rơi vào tình cảnh mất trắng vụ hoa màu vốn đem lại lợi nhuận cao. Ngoài thiệt hại trước mắt về kinh tế, người dân hiện đang đứng trước nỗi lo thiếu giống cho vụ sau.
Dù phần lớn diện tích trong tổng số hơn 4 sào mướp đắng đã bị hư hỏng nặng, thân bị thối rễ, vàng lá nhưng mấy hôm nay chị Nguyễn Thị Thỉ, ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ vẫn cố gắng mót những quả mướp đắng còn sót lại với hy vọng bán được quả nào hay quả đó. Chị Thỉ buồn rầu nhẩm tính: “Mọi năm với hơn 4 sào mướp, gia đình tôi cũng thu hoạch bán được hơn 50 triệu đồng nhưng năm nay rét đậm kéo dài, chỉ bán được lứa đầu tiên được khoảng 10 triệu đồng. Gia đình tôi trồng vụ này từ tháng 10 năm ngoái nhưng vẫn không kịp “chạy” rét. Cả làng đều thất thu mướp đắng vì thời tiết không thuận”.
Hàng loạt diện tích mướp đắng bị hư hại do rét đậm và sương muối
Cũng giống như gia đình chị Thỉ, hộ anh Nguyễn Văn Cảnh kịp thu hoạch bán được hơn 20 triệu đồng tiền mướp đắng rồi đành bỏ cả vườn gần 5 sào bị hư hại vì rét và sương muối. Bình quân những vụ trước, gia đình anh Cảnh thu được từ 60 - 70 triệu đồng từ trồng mướp, là một trong số những hộ có thu nhập cao nhất thôn nhờ mướp đắng.
Ông Nguyễn Hữu Huề, người sở hữu hơn 4 sào mướp đắng chia sẻ: “Nhiều gia đình gần như mất trắng, chấp nhận bù lỗ tiền phân tro, tiền giống đầu tư cho vụ mướp đắng vừa qua. Bao nhiêu hy vọng trông chờ vào nguồn thu nhập này vậy là thành công cốc. Nhiều nhà xong tết không biết lấy đâu tiền cho con đóng tiền học khi nhập trường”.
Nhiều năm trở lại đây, cây mướp đắng và bí đao được coi là loại hoa màu chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân thôn Lại An, xã Gio Mỹ, thôn có diện tích trồng mướp đắng nhiều nhất trong toàn xã. Hiện toàn thôn có hơn 100 hộ dân trồng mướp đắng theo hướng rau sạch, chăm bón hoàn toàn bằng phân chuồng tự nhiên, tuyệt đối không dùng đến hóa chất. Đợt rét đậm kéo dài cộng với sương muối vừa qua đúng vào thời điểm cây mướp đắng ra hoa, đậu quả khiến hơn 80% diện tích mướp đắng trên địa bàn xã bị thiệt hại nặng. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gio Linh, có khoảng 25 ha diện tích trồng cây mướp đắng, bí đao và một số loại cây hoa màu khác ở các xã Gio Mỹ, Gio Mai, Gio Phong, Gio An bị ảnh hưởng do đợt rét đậm rét hại vừa qua.
Trao đổi về giải pháp hướng dẫn bà con khắc phục thiệt hại trước mắt, ông Nguyễn Văn Thức, Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gio Linh cho biết: “Để khắc phục số diện tích mướp đắng bị hư hại do rét đậm, rét hại và sương muối, chúng tôi khuyến cáo bà con phân loại số bị ảnh hưởng dưới 50% thì trước mắt sử dụng chế phẩm sinh học và các loại phân bón vi lượng giúp cây phục hồi. Đợi khi thời tiết ấm dần lên thì sẽ bổ sung các nguyên tố đa lượng để cây tiếp tục cho ra hoa, đậu quả. Riêng đối với phần lớn diện tích đã hư hỏng nặng, thân bị thối rễ, vàng lá thì chỉ có cách dỡ bỏ cây để không bị lây lan ra diện tích còn lại. Đồng thời chúng tôi cũng gợi ý bà con nên mua giống mới về trồng lại để tránh bỏ không giàn đã làm, lãng phí”.
Mất mùa, thất thu, chịu lỗ phần tiền giống và phân tro đầu tư cho vụ mướp đắng không hiệu quả, nhưng điều bà con đang lo lắng nhất là thiếu giống để tiếp tục làm vụ sau. “ Chúng tôi cũng hy vọng nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua để bà con có điều kiện đầu tư cho vụ sản xuất tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Cảnh, thôn Lại An, xã Gio Mỹ chia sẻ.
THANH TRÚC
Lao đao vì bí đao, dưa hấu
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Những năm trước, quả bí đao trắng và dưa hấu có giá, nên năm nay nông dân Gia Lai đổ xô trồng. Nào ngờ, vào mùa thu hoạch, các loại nông sản này rớt giá không phanh, thậm chí thương lái không thu mua, khiến nhiều người ôm nợ.
Nông sản chất đầy đồng
Niên vụ năm nay, người dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) trồng khoảng 130ha dưa hấu và 40ha bí đao trắng. Thời điểm thu hoạch, giá dưa dao động từ 500 - 2.500 đồng/kg, còn bí đao trắng được dân chào giá 1.000 đồng/kg nhưng không ai mua. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hậu, ở xã Yang Nam, xót xa: “Gia đình tôi trồng 3ha dưa hấu, sản lượng 90 tấn. Nhưng lúc thu hoạch không thấy thương lái đến mua như mọi năm. Bí quá, tôi lựa ra 60 tấn dưa đẹp rồi thuê 3 xe tải chở lên cửa khẩu ở Lai Châu để bán sang Trung Quốc. Tính ra, với giá bán 3.000 đồng/kg và chi phí dọc đường... xem như huề vốn. 30 tấn dưa còn lại, tôi chất đống vứt ngoài đồng”.
Vườn bí đao trắng của anh Mai Công Phụng (thôn 3, xã An Trung, huyện Kông Chro) cũng đang phơi ngoài đồng do không tìm được đầu ra. Anh Phụng cho biết: “Trồng quả này ít tốn công, giá bán mọi năm từ 6.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân hốt bạc. Năm nay tôi trồng 8 sào với kinh phí hơn 10 triệu đồng, ước tính sản lượng hơn 10 tấn. Bây giờ qua mùa thu hoạch nhưng không ai thèm mua nên đành vứt giữa đồng, tầm khoảng nửa tháng tới không ai mua thì coi như bỏ luôn vì bí đao sẽ thối hết”.
Tại thị xã An Khê, nhiều người dân cũng đang ôm nợ vì dưa mất giá. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết, hiện chưa thể nắm chính xác tổng diện tích dưa mà người dân trồng vì ngoài trồng ở địa phương, họ còn đến vùng khác thuê đất trồng. Tuy nhiên năm nay giá rớt thê thảm nên nhiều hộ mất trắng, may mắn chỉ huề vốn.
Hàng tấn bí đao trắng của ông Hơn đã thối rữa, vứt dọc đường.
Cần quy hoạch vùng trồng hợp lý
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho rằng chuyện giá cả tuân theo quy luật thị trường nên địa phương không can thiệp được. Để tránh trường hợp ôm nợ vì nông sản mất giá, ông Uyển khuyến cáo: “Trước khi trồng, người dân cần nắm bắt chặt chẽ thị trường, mức độ tiêu thụ để xác định diện tích trồng phù hợp”.
Còn theo tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tình trạng người dân trồng tự phát là nguyên nhân dẫn đến việc nông sản không bán được. Vì thế địa phương cần quy hoạch vùng trồng hợp lý. Việc quy hoạch phải gắn liền với các loại cây có giá trị, xem có phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước cần có đánh giá cụ thể về cây trồng ở những địa phương đó có thích hợp hay không. Nếu thích hợp nhưng không tiêu thụ được, cái đó thuộc vấn đề quản lý của nhà nước. Ngành chức năng cần hỗ trợ tìm thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
VÕ PHÚC
Đối phó hạn, mặn: Trông cậy vào giống lúa siêu chịu mặn!
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2016, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa của cả nước đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề do khô hạn và xâm nhập mặn kỷ lục trong gần 100 năm qua. Các địa phương đang khẩn trương tìm các giải pháp cấp bách để ứng phó với tình hình ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các giống chống chịu với hạn, mặn được xem là lối ra cho vựa lúa ĐBSCL.
Nông dân Hậu Giang tìm hiểu các giống lúa thích hợp để gieo sạ.
Giống chịu mặn đã sẵn sàng
“Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. ĐBSCL đối diện với những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với những khó khăn do thời tiết gây ra. Trong đó, những giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho nông dân hiện nay là giải pháp thiết thực để hạn chế rủi ro, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định.
Thực tế trong những năm qua, các viện, trường như Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu, chọn lọc và cho ra đời một số giống lúa chịu mặn từ 4‰ - 6‰. Nhiều nơi bước đầu chọn tạo được giống siêu chịu mặn. Các giống này, thu thập từ vùng đất ngập nước ven biển ĐBSCL rồi nghiên cứu. Sau đó, được trồng khảo nghiệm nhiều năm tại trường và theo “đơn đặt hàng” một vài địa phương.
“Đất này trước đây chỉ có thể nuôi tôm hoặc bỏ hoang. Vài năm qua, tôm bị bệnh, dẫn đến thất thu. Giờ đây, nông dân trồng lúa Một Bụi Đỏ chịu mặn luân canh nên có thu nhập, sống ổn. Dù năng suất có thấp hơn chút ít so với lúa ở vùng ngọt nhưng bù lại chi phí sản xuất thấp, dịch bệnh ít. Cảnh đi “vay gạo giao mùa” không còn, do trồng được lúa trên đất phèn mặn”, lão nông Ba Hải (ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết. Được biết, Hồng Dân là một vùng đất ngập mặn, người dân canh tác 1 vụ lúa 2 vụ tôm. Với nhiều ưu điểm vượt trội, nhất là đặc tính chịu mặn tốt, lúa Một Bụi Đỏ luôn nằm trong lựa chọn hàng đầu của bà con nông dân khi chọn giống cho mỗi vụ lúa hàng năm và diện tích liên tục được gia tăng. Diện tích trồng giống Một Bụi Đỏ tại huyện Hồng Dân khoảng 15.000ha, chiếm khoảng 90% diện tích canh tác lúa tại đây. Nhưng do quá trình canh tác làm cho giống lúa Một Bụi Đỏ bị thoái hóa không thuần, cứng cơm, hàm lượng protein thấp. Một nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài “Phục tráng giống lúa Một Bụi Đỏ có chất lượng tốt”. Từ đó, nguồn lúa giống Một Bụi Đỏ được “phục tráng” quay lại trụ vững trên vùng đất phèn, mặn. “Giống lúa “độc” trên nếu trồng trong vùng ngọt sẽ cho năng suất từ 6 - 7 tấn lúa khô/ha, không thua những giống lúa mà bà con nông dân quen trồng, kể cả loại lúa có phẩm chất thấp như IR 50404”, PGS-TS Võ Công Thành (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ) khẳng định.
Cần có chương trình nhân rộng
Theo PGS-TS Nguyễn Công Thành, ở nhiều nước, lúa chịu độ mặn cao nhất là 8‰ vào giai đoạn thu hoạch, những giống lúa của trường có thể chịu được 10‰, riêng ở Cà Mau là 12,7‰. Một số nghiên cứu về lúa trên thế giới chỉ chú trọng vào tính chịu mặn nên khi áp dụng vào vùng đất mặn ở ĐBSCL vốn bị nhiễm phèn đã không thành công hoặc cho năng suất thấp hơn. Giống lúa của Trường Đại học Cần Thơ vừa chịu được mặn vừa chịu được phèn.
Được biết, nhiều giống lúa chống chịu mặn của Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu được sản xuất đại trà ở Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An - là những vùng chịu ảnh hưởng nặng của nước mặn đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân.
Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi một số cây trồng cho phù hợp với điều kiện thiếu nước ngọt như hiện nay. Song, trên diện rộng diện tích đất trồng lúa vẫn chiếm diện tích cao nhất trong sản xuất nông nghiệp của vùng (với khoảng 1,6 triệu héc-ta và mỗi năm sản xuất 3 vụ/4 triệu héc-ta). Chính vì vậy, việc nhiều địa phương đang xúc tiến thực hiện các dự án tạo ra “giống lúa siêu chịu mặn” rất được nông dân hưởng ứng. Đây là những ý tưởng táo bạo rất phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của vựa lúa ĐBSCL.
Theo Cục Trồng trọt, từ hiện trạng sản xuất vụ Đông xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong năm 2016, các địa phương cần tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau: bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè thu 2016 và Mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.
Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: OM 5464, AS 996, OM 2517, OM 5451, OM 6677, OM 576, OM 6976... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.
Vùng bán đảo Cà Mau: ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn. Giống chủ lực: OM 4900, OM 6976, OM 2517, OM 5451, IR 50404...; giống bổ sung: ST5, GKG1, OM 7347, OM 5472, OM 576, OM 5954, Jasmine 85, RVT...
Vùng ven biển Nam bộ: ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình - khá, chịu điều kiện khó khăn. Giống chủ lực: IR 50404, OM 2517, OM 576, AS 996, OM 5451, OM 6976, OM 5472...; giống bổ sung: ST5, OMCS 2000, Jasmine 85, OM 4900, OM 7347, RVT, VD20...
Về lâu dài, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn, mặn, trồng lúa kém hiệu quả. Các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn phổ biến rộng rãi trong toàn vùng ĐBSCL.
CAO PHONG
Gia Lai: Niên vụ tiêu năm 2015-2016: Kẻ khóc, người cười
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Do gặp nhiều yếu tố bất lợi nên niên vụ tiêu 2015-2016, người dân trên địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai)…đứng trước viễn cảnh "kẻ khóc, người cười", người thì phấn khởi nhờ năng suất đạt cao, kẻ thì buồn xo do năng suất giảm mạnh.
Không xảy ra tình trạng “khát” nhân công như những năm trước. Ảnh: Quang Tấn
Thay vì phải chạy đôn chạy đáo để tìm thuê nhân công thu hoạch tiêu thì vụ tiêu này chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) khá thảnh thơi bởi năng suất, sản lượng tiêu giảm khá mạnh. Chị Hồng buồn bã cho biết: “Gần 1.500 trụ tiêu của gia đình dù chỉ mới bước vào thu hoạch năm thứ 4 nhưng đã bị bị xuống cấp nghiêm trọng, số thì còi cọc chỉ loe ngoe vài trái, số thì chết trơ trụi do ảnh hưởng của bệnh vàng lá (chết chậm). Trong khi đó, chi phí đầu tư chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… mà gia đình bỏ ra cao hơn so với năm trước. Với số diện tích này những vụ trước trung bình gia đình thu được khoảng 4 đến 5 tấn tiêu khô thì năm nay chắc chỉ thu được khoảng 1 tấn khô mà thôi”.
Tương tự, niên vụ tiêu năm nay cũng không mang lại tâm lý phấn khởi cho hộ gia đình ông Kpă Hlam (thôn Hố Lâm, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê), khi 1.000 trụ tiêu, thu hoạch năm thứ 3 cho năng suất tương đối thấp. “Tiêu năm nay trái ít lắm, mình mới thu hoạch được gần một nửa diện tích thôi nhưng năng suất rất thấp, mỗi trụ chỉ được khoảng 1 kg khô thôi, giảm trên 60% so với năm trước”-ông Hlam cho biết.
Trái với hộ gia đình chị Hồng, ông Hlam, hơn 1.200 trụ tiêu của gia đình bà Trần Thị Nhị (làng Chư Pố II, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đã bước vào thu hoạch năm thứ 6 nhưng vẫn cho năng suất khá cao. Bà Nhị phấn khởi cho biết: “Dù đã thu hoạch được 6 năm rồi nhưng vườn tiêu của gia đình vẫn cho năng suất khá cao và ổn định, trung bình mỗi trụ mình thu được khoảng 4 kg tiêu khô, ước năm nay gia đình mình thu được khoảng 5 tấn khô”.
Vườn tiêu của hộ gia đình bà Nhị cho năng suất khá cao và ổn định. Ảnh: Quang Tấn
“Để cây tiêu cho năng suất cao và ổn định thì cần đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật, sử dụng nhiều phân hữu cơ để bón cho tiêu. Không nên lạm dụng quá nhiều phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật để “tận thu”, vì như vậy cây tiêu sẽ nhanh già cỗi, xuống cấp, thậm chí dẫn đến tiêu chết”-bà Nhị chia sẻ thêm.
Dù người dân mới chỉ thu hoạch được trên 30% diện tích nhưng viễn cảnh người được, người mất là tình trạng chung của người trồng tiêu trên địa bàn các huyện Chư Sê và Chư Pưh trong niên vụ này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết: Toàn huyện có trên 3.000 ha tiêu (trong đó có khoảng 2.700 ha tiêu kinh doanh), sản lượng hàng năm dao động từ 8.000 tấn đến 10.000 tấn khô. Theo khảo sát của huyện, năm nay năng suất, sản lượng tiêu sẽ giảm nhưng không đáng kể so với năm trước, ước năng suất chỉ đạt từ 3 tấn đến 4 tấn/ha, giảm khoảng 10% đến 20% so với niên vụ trước.
Bệnh vàng lá (chết chậm) đang là vấn đề nhức nhối của người trồng tiêu trên địa bàn các huyện trong những năm qua. Ảnh: Quang Tấn
"Kỹ thuật chăm sóc, đầu tư không đúng mức cùng với việc người dân “tận thu” trong những năm qua đã làm cho cây tiêu kiệt sức, dẫn đến mất mùa là điều tất yếu. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm diễn ra trên địa bàn huyện Chư Sê nói riêng và cả tỉnh nói chung là một trong vấn đề nhức nhối của người trồng tiêu trong những năm qua, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng tiêu trong niên vụ này"-ông Hợp nhận định.
Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh cho biết thì năm nay không có tình trạng “khát” nhân công như những vụ tiêu trước. Người dân chủ yếu sử dụng nhân công là người địa phương và thuê từ các tỉnh Phú Yên, Bình Định, giá nhân công mỗi ngày 140 ngàn đồng/người. Bên cạnh đó, do người dân đã cảnh giác hơn trong việc canh giữ vườn tiêu nhà mình nên tình trạng hái tiêu trộm cũng không còn lộng hành như những năm trước.
Giá tiêu từ trước Tết Nguyên đán đến nay liên tục rớt giá, hiện nay chỉ còn 140 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 80 ngàn đồng/kg so với thời điểm giá tiêu đạt kỷ luật cuối năm 2015.
Quang Tấn
Tăng thu từ vườn cây ăn trái xen tiêu
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Năm 1997, gia đình chị Phan Thị Phỉ ở ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú (Đồng Phú - Bình Phước) trồng 3,5 ha điều. Những năm đầu, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn do năng suất cây trồng thấp. Rồi nhờ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của các hộ dân khác, hướng dẫn của Hội Nông dân xã, năng suất cây trồng từng bước nâng lên. Tuy nhiên, chị nhận thấy nếu trồng độc canh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2005, sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, chị Phỉ đã chuyển gần 3 ha điều sang trồng tiêu và bưởi.
Mỗi năm gia đình chị Phỉ thu hơn 350 triệu đồng từ vườn bưởi da xanh
Để cây tiêu xanh tốt, cho năng suất cao, chị Phỉ đảm bảo chế độ nước tưới và phân bón đầy đủ. Mỗi năm, vườn tiêu cho sản lượng trên 2 tấn. Gần đây tiêu được giá, gia đình chị thu gần 400 triệu đồng/năm. Đối với cây bưởi da xanh, chị dành nhiều thời gian chăm sóc từ lúc trồng cho đến thu hoạch. Đến nay, vườn bưởi nhà chị có 250 cây. Chị Phỉ cho biết: “Khi trồng bưởi, ở chỗ đất trũng phải đắp mô cao và phải đào mương để mùa mưa không gây ngập úng; đồng thời vào mùa nắng, rễ bưởi có thể hút nước dưới mương để nuôi cây. Bưởi da xanh trồng khoảng 3 - 4 năm sẽ cho trái, từ năm thu hoạch thứ 2 trở đi cây cho trái ổn định”. Hiện giá bưởi da xanh dao động từ 30 - 35 ngàn đồng/kg. Mỗi năm gia đình chị Phỉ thu 15 tấn bưởi, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 350 triệu đồng. Tận dụng diện tích đất, chị Phỉ trồng xen thêm cam sành và quýt đường, đến nay đã cho thu hoạch 2 năm, sản lượng cam đạt 8 tấn/năm, quýt hơn 3,5 tấn/năm. Mỗi năm nguồn thu từ cam sành và quýt đường gần 300 triệu đồng.
Để đảm bảo độ ẩm cho cây trồng, gia đình chị đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động gần 4 năm nay với kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhằm tiết kiệm nhân công, tiền điện. Trừ chi phí, vườn cây đa canh 3,5 ha của gia đình chị Phỉ mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Kinh tế ổn định, vợ chồng chị Phỉ có điều kiện lo cho 2 con học đại học và cải thiện mức sống.
Cẩm Nhung
Ninh Hòa (Khánh Hòa): Nông dân lao đao vì mất mùa tỏi
Nguồn tin: Đài PT-TH Khánh Hòa
Sau Tết là thời điểm bà con ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bắt đầu vào vụ thu hoạch tỏi đầu tiên của năm. Khác so với mọi năm, người dân nơi đây đang phải đối diện với một mùa tỏi thua lỗ nặng nề nhất trong hơn chục năm qua.
Ảnh: Trọng Thủy
Thị xã Ninh Hòa có gần 250 hecta tỏi, Vụ tỏi năm 2016, người dân chỉ thu hoạch được khoảng 40 tạ/hecta, giảm ½ so với những năm trước, mà phần lớn tỏi trong số này cũng không đạt được kích cỡ, chất lượng như những vụ trước. Thậm chí, còn có hơn 20 hộ sản xuất bị mất trắng.
Do mất mùa nên giá tỏi vụ này tăng mạnh so với những năm trước, từ 35 đến 40.000 đồng/kg. Tuy giá tăng, nhưng do năng suất sụt giảm nên nhiều nông dân trồng tỏi không có lãi, thậm chí bị lỗ vốn. Nguyên nhân gây mất mùa tỏi được xác định là do sâu bệnh và sương muối bất thường làm cho bà con đối phó không kịp. Mất mùa tỏi khiến cuộc sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn./.
Như Quỳnh
Khánh Hòa: Vú sữa Diên Bình lại rơi vào cảnh mất mùa
Nguồn tin: Đài PT-TH Khánh Hòa
Năm 2016, vú sữa ở xã Diên Bình – huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục mất mùa do thời điểm cây ra hoa gặp mưa nhiều khiến bông rụng, giảm sản lượng. Tuy vậy, giá vú sữa vẫn không cao vì cạnh tranh với vú sữa từ miền Tây Nam Bộ. Nhiều nhà vườn lại thất thu.
Các nhà vườn cả tuần chỉ thu hoạch được 4 - 5 tạ quả - Ảnh Hồng Thái
Sau Tết là thời điểm thu hoạch rộ vú sữa Diên Bình nhưng hiện nay, trên con đường đi vào xã, hầu như không thấy điểm thu mua nào. Từ đầu vụ đến nay, nhiều nhà vườn cả tuần chỉ thu hoạch được 4 - 5 tạ quả, bằng chưa đến 1/3 so với sản lượng các năm trước. Điều đáng nói, tuy mất mùa nhưng giá vú sữa thời điểm này không tăng so với năm ngoái. Giá vú sữa trắng loại 1 mua tại vườn là 25.000 đồng/kg, hàng loại 2 giá 12.000 đồng/kg. Vú sữa tím loại 1 giá mua từ 18.000 đồng/kg, loại 2 giá 12.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ vườn cho biết, vú sữa tiếp tục mất mùa là do thời điểm cây ra hoa, tạo nụ gặp trời mưa nhiều làm bông khó đậu, rụng trái non khiến sản lượng giảm. Nhiều nhà vườn bị ngập úng cục bộ cũng ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng vú sữa.
Minh Thảo
Thu tiền tỷ mỗi năm từ 1 ha cam
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Chỉ với trên 1 ha đất sản xuất nhưng có thể cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm, mô hình trồng cam của gia đình chị Đặng Thị Bích Hạnh ở ấp Hiệp Tân A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh, Bình Phước) đã mang lại hiệu quả kinh tế từ loại cây có múi này.
Vườn cam 3 năm tuổi của gia đình chị Hạnh năm nay đã bước vào vụ thu hoạch chính. Cam trĩu cành, trái to, đều và đẹp. Nhìn vườn cam của gia đình chị, ai cũng mê. Theo những người làm công đi thu hoạch, chỉ sau 10 phút, 2 cây cam trước mắt chúng tôi đã cho 2 giỏ trái đầy ắp với trọng lượng khoảng 40kg, khi mới hái được một phần trái chín trên cây.
Gia đình chị Hạnh thu hoạch cam trong vườn nhà
Chị Hạnh cho biết: Trước đây, vườn cam này vốn dĩ được trồng ca cao nhưng sau đó, ca cao không cho năng suất như mong muốn nên tôi chuyển hẳn sang trồng cam. Giống cam được lựa chọn là loại cam sành trái to, mọng nước và tự tay tôi đi tuyển giống tốt rồi đặt mua từ miền Tây mang về. Năm ngoái, cam đã cho trái bói với năng suất khoảng 30 tấn/ha và tôi đã phải tỉa bớt trái để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt ở những vụ sau. Mùa đầu tiên, mình không nên cho cây mang nhiều trái quá, để dinh dưỡng nuôi cây. Nếu ham trái thì những mùa sau, năng suất sẽ không cao.
Với 1,5 ha đất, hiện 3.000 cây cam của gia đình chị Hạnh đang cho năng suất trên 80 tấn trong mùa vụ năm nay. Theo ước tính, với giá khoảng 24.000 đồng/kg, mùa vụ này, gia đình chị thu hàng tỷ đồng từ vườn cam, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Hơn nữa, cam cũng đang rất hút hàng bởi được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là mùa nắng nóng. Những năm gần đây, cam chưa hề “dội chợ” như một số nông sản khác và thấp nhất cũng đạt 15.000 đồng/kg. Trong khi mùa cao điểm có thể lên đến trên 30.000 đồng/kg.
Nhanh tay cho cam vào đóng thùng để vận chuyển đến các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Hạnh nói: “Đầu ra tiêu thụ cam hiện rất ổn định, có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Nhưng tùy thời điểm, giá cam mắc hay rẻ. Nếu giá cao thì mình cắt nhiều, giá rẻ quá có thể neo trái trên cây, chờ giá cao hơn”.
Đã từng thử sức với nhiều loại cây nhưng khi bắt đầu trồng thử nghiệm cam, chị Hạnh rất yên tâm với loại cây này. Chị nói: “Ngoài việc phải lựa chọn được giống chuẩn, bo ghép sạch bệnh thì hằng tháng còn phải xịt thuốc, bón phân để phòng, chống các loại sâu bệnh. Tuy nhiên, do áp dụng hình thức phun thuốc luân phiên nên khi lứa cam nào đến vụ thu hoạch, gia đình tôi sẽ ngưng phun thuốc trước đó 1 tháng để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng”.
Theo đánh giá của nhà vườn, cam có thể thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, cam là loại cây cần độ ẩm cao, vì vậy để đạt năng suất, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Gia đình chị Hạnh cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước cho toàn bộ vườn cam. Nếu chăm sóc tốt, cây cam có thể cho trái trong vòng 10 năm.
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp nhận định: Đây là mô hình mới tại địa bàn xã nên khi thấy gia đình chị Hạnh trồng thử nghiệm, hội cũng chưa yên tâm. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch, nghe giá cả, nhìn sản lượng thì thấy cam là loại cây có giá trị kinh tế cao, cần được nhân rộng. Thời gian gần đây, hội đã phổ biến mô hình trồng cam để người dân biết, có thể đến tham quan, học hỏi và mở rộng diện tích đối với loại cây trồng có múi nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Cây cam đã dần khẳng định được hiệu quả trong việc phát triển kinh tế của nông dân. Để mô hình này đem lại hiệu quả bền vững, ngành chức năng cần tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật, tìm nguồn cây giống chất lượng cũng như thị trường tiêu thụ ổn định để nhà vườn yên tâm sản xuất.
Hạ Băng
Bắc Ninh: Hiệu quả mô hình trồng bưởi Diễn
Nguồn tin: Báo Bắc Ninh
Tuy mới được đưa vào trồng khoảng 7 - 8 năm nay nhưng nhiều mô hình trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.
Ông Nguyễn Văn Hinh với mô hình trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Hinh, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trong những hộ tiên phong trồng bưởi Diễn ở tỉnh Bắc Ninh. Năm 2005, ông mạnh dạn đấu thầu hơn 5.000m² đất chuyển đổi của địa phương và đầu tư trồng hơn 500 gốc bưởi Diễn. Những năm đầu do ảnh hưởng của khói lò gạch, diện tích bưởi Diễn của nhà ông không đậu được quả. Nhưng với lòng quyết tâm của mình cùng sự ủng hộ của gia đình, ông vẫn kiên trì chăm sóc vườn bưởi theo đúng quy trình kỹ thuật và tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm trồng bưởi Diễn trên sách báo.
Đến năm 2010, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi cây, ông để khoảng 40 - 50 quả. Là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá. Bưởi Diễn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ màu vàng, tôm đều, vị ngọt mát thanh khiết, chín vào dịp Tết Nguyên Đán, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng.
Theo người tiêu dùng đánh giá, quả bưởi to không ngon bằng quả nhỡ nên quả loại 1 từ 0,5 - 0,7kg bao giờ cũng được giá cao hơn. Thấy được khả năng của mô hình này có tính khả thi cao, gia đình ông quyết định mở rộng và trồng thêm 200 gốc nữa. Đến nay với hơn 700 gốc bưởi Diễn, mỗi năm cho gia đình ông thu từ 120 - 130 triệu đồng.
Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi Diễn, ông Hinh cho biết: “Để trồng bưởi Diễn ngon, trước hết người trồng phải chọn mua được loại cây giống chất lượng, được chiết từ cành trung tán, tuyệt đối không lấy cành ngọn tán và cành giữ ở tán dưới. Khi trồng, chú ý phải trồng cách mặt nước ngầm khoảng 50cm bởi đây là loại cây dễ chết vì ngập úng. Hàng năm, sau khi thu hoạch quả phải chăm bón cho cây bằng các loại phân bón lót, nghiền ngô, đỗ tương trộn với phân lân, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây. Đến tháng Giêng, tháng Hai, khi cây ra hoa, đậu quả thì bổ sung thêm phân NPK; khoảng tháng 4 - 5 (âm lịch) thì tỉa bớt quả nhỏ, vẹo… để quả đều trên cây. Từ lúc này đến khi thu hoạch thì phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện ra sâu bệnh và xử lý, đồng thời bổ sung thêm phân bón cho những cây sinh trưởng kém. Trong quá trình trồng, chăm sóc bưởi Diễn nên sử dụng các loại phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, hữu cơ vì các loại phân bón này sẽ tốt cho cây, làm bền cây và tốt cho đất”.
Đến với cây bưởi Diễn muộn hơn, đầu năm 2007 ông Nguyễn Anh Tiệp, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du sau nhiều năm trồng vải thiều hiệu quả không cao, liên tục bị rớt giá, anh đã quyết định chặt bỏ 7 sào trồng vải thiều để thay vào đó gần 1.000 gốc bưởi diễn. Sau 3 năm, vườn bưởi nhà ông bắt đầu cho thu hoạch, cây nhiều nhất có tới 100 quả. Đợt Tết Nguyên Đán 2016 vừa qua, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng, đặc biệt bưởi Diễn rất dễ tiêu thụ, tất cả số bưởi trong vườn được đặt hết trước đó gần 2 tháng.
Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn khá cao so với cây trồng khác, hơn nữa, giống cây này rất thích nghi với điều kiện đất đai ở địa phương, nhu cầu của thị trường còn khá lớn. Song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả như các loại cây trồng khác thì rất cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ khâu quy hoạch cũng như tìm đầu mối tiêu thụ, phát triển cây bưởi Diễn thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, cho nguồn thu nhập ổn định, tạo sự phát triển bền vững.
Trung Nguyên- Công Cường
Mô hình trồng mãng cầu hiệu quả kinh tế tại Cần Giờ (TP.HCM)
Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM
Du lịch tại Cần Giờ (TP.HCM) là ngành đang trên đà phát triển mạnh. Long Hòa là trung tâm du lịch sinh thái được nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, vùng đất này được thiên nhiên ban tặng nên trồng loại cây ăn quả nào cũng có mùi vị ngọt ngào, mặn mà của biển. Một trong loại trái cây nổi tiếng trong đó có xoài cát Hòa Lộc và mãng cầu -na.
Mãng cầu- na Cần Giờ là một trong những loại trái cây có thương hiệu được nhiều ngườii ưa chuộng. Chính vì vậy, Trạm khuyến nông Cần Giờ đã tiến hành triển khai thực hiện mô hình trồng và phát triển cây mãng cầu- na với diện tích mô hình 3,3 ha ven biển trên địa bàn xã Long Hòa. Mô hình được triển khai với mục tiêu phát triển giống mãng cầu -na có trái to và dai. Đây là mô hình góp phần chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao hiệu quả cho nông dân trong vùng.
Khuyến nông TP đã đầu tư 100% giống cây cho bà con nông dân xã Long Hòa. Đã chuyển giao quy trình kỹ thuật như: tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, cách chọn giống cầu, thiết kế vườn trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Sau một năm trồng bà con đã thực hiện đúng quy trình, kết quả cho thấy tỷ lệ sống cây đạt trên 80%, chiều cao cây từ 0,9 – 1m, đường kính tán lá 0,6 - 0,7m, đường kính góc trung bình 3 - 5cm. Mặc dù đây là vùng đất cát pha, bị nhiễm phèn, mặn, nhưng chỉ sau 12 tháng trồng, cây mãng cầu phát triển đều, cây xanh tốt, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, ước tính sau 3 năm trồng, cây mãng cầu sẽ cho trái bình quân 7kg cây/năm lần thứ nhất. Từ năm thứ 4 trở đi, mãng cầu sẽ cho sản lượng ổn định từ 10 - 15kg/năm. Với giá bình quân 20.000 đồng/kg. Năm đầu tiên thu hoạch, bà con nông dân thu được 70 - 80 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu và các khoản chi phí khác 46 triệu đồng/1ha. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình mà còn mang lại hiệu quả xã hội, giúp người trồng mãng cầu nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Mô hình thành công sẽ mang lại thu nhập cho người trồng mãng cầu cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần quan trọng việc thực hiện chuyển đổi và đa dạng hóa cây trồng và tăng thu nhập đời sống cho người dân, góp một phần trong 19 tiêu chí nông thôn mới tại xã Long Hòa nói riêng, tiến tới huyện Cần Giờ đạt huyện nông thôn mới nói chung.
Gái Nhỏ