Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 10 năm 2019

Chạy đua né hạn mặn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Tháng 10-2019, nước lũ đã về nhưng vẫn được xem là lũ nhỏ so với nhiều năm. Nông dân kém vui khi con nước nhỏ, đánh bắt thủy sản ít. Trong khi đó, nông dân cuối nguồn, nhất là vùng ven biển hết sức lo lắng.

Nông dân chuẩn bị xuống giống lúa vụ đông xuân

Bởi nhiều năm qua, sau lũ nhỏ, ĐBSCL sẽ đối diện hạn - mặn khốc liệt. Đây được xem là thách thức lớn cho vụ lúa đông xuân, khi nhiều dấu hiệu cho thấy hạn - mặn sẽ đến sớm hơn trong mùa khô tới đây.

Mở đê lấy phù sa

Trong gần 10 năm trở lại đây, ĐBSCL đã thoát khỏi cảnh “né lũ” khi cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản để thích ứng với lũ. Trong khi đó, lượng nước sông Mê Công đổ về hạ nguồn ngày càng ít đi do các nước xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Lũ nhỏ, tình hình hạn - mặn ở ĐBSCL ngày càng khốc liệt. Nông dân trồng lúa đông xuân và hè thu phải gánh chi phí sản xuất nhiều hơn, nguy cơ rủi ro do thiên tai tăng lên.

“Năm nào nghe báo đài đưa tin có lũ lớn ở đầu nguồn, nông dân ở đây mừng. Vì lũ lớn, nước ngọt nhiều sẽ đẩy được nước mặn. Ngược lại, lũ nhỏ, nông dân ở đây chịu thiệt thòi do hạn mặn gây ra”, nông dân Huỳnh Văn Ba ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nói trong lo lắng. Hiện tại nhiều nông dân ở hạ nguồn sông Cửu Long đang tranh thủ thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3).

“Vụ này, lúa trúng mùa, gần 8 tấn/ha. Lúa bán với giá gần 5.000 đồng/kg, lãi gần 50 triệu đồng. Tính ra, mức lãi này cao hơn vụ hè thu vừa qua, do chi phí đầu tư ít và năng suất lúa cũng đạt hơn”, ông Trần Văn Dương (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cho biết. Điều đáng mừng là các địa phương ở ĐBSCL đã giảm đáng kể diện tích lúa thu đông. Lúc cao điểm, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL lên đến 900.000ha. Giờ các địa phương chỉ còn sản xuất khoảng 650.000 - 700.000ha. Đồng Tháp và An Giang, hai địa phương có hệ thống đê bao khép kín lớn nhất vùng ĐBSCL, lại có diện tích lúa thu đông giảm mạnh. Nên khi bỏ canh tác lúa vụ 3, các địa phương sẽ mở đê lấy nước, dẫn phù sa cho đồng ruộng cũng là cách tích nước ngọt.

Trong những năm gần đây, diện tích gieo trồng các nhóm giống lúa thơm, đặc sản ở ĐBSCL cải thiện đáng kể: Tăng từ 11,4% năm 2015 lên 17,5% vào năm 2018; giống lúa chất lượng cao từ 39,8% năm 2015 lên 41% vào năm 2018. Cụ thể trong vụ hè thu 2019, diện tích giống lúa thơm, đặc sản chiếm 24,8%; nhóm lúa chất lượng cao chiếm 44%, nhóm lúa chất lượng trung bình chiếm 19%, nhóm nếp chiếm 7,2% và các giống còn lại chiếm 50%. Trong thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã tăng cường công tác nghiên cứu để chọn tạo các giống lúa có chất lượng gạo và giá trị dinh dưỡng cao và có kết quả ban đầu rất tốt với giống lúa OM8 và OM9. Đây là hai giống lúa cho gạo ít bạc bụng, cơm mềm dẻo, vị ngọt và có mùi thơm dậm.

ĐBSCL có khoảng 1,7 triệu ha đất lúa, hàng năm ĐBSCL gieo trồng khoảng 4,2 triệu ha lúa (3 vụ/năm). Trong đó, vụ lúa đông xuân với khoảng 1,6 triệu ha được xem là vụ lúa chính trong vùng. “Chúng tôi đã triển khai quyết liệt làm thủy lợi nội đồng, tuyên truyền để nông dân chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng. Khi thuận lợi bơm rút nước, xuống giống nhanh vụ lúa đông xuân”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. Theo ông Hùng, hiện nay Cục Trồng trọt đã yêu cầu các sở NN-PTNT vùng ĐBSCL sẵn sàng phương án xuống giống sớm vụ lúa đông xuân để né hạn - mặn trong mùa khô. Đây là điều hợp lý, vì lũ nhỏ và muộn đã tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập sớm vào Kiên Giang vừa qua.

Giúp nông dân giảm chi phí

“Các tổ hợp tác, HTX, phòng nông nghiệp đã chuẩn bị nguồn giống xác nhận có phẩm cấp cao để cung cấp cho nông dân. Ngoài ra, các biện pháp canh tác kỹ thuật tiến tiến sẽ được triển khai để giúp nông dân áp dụng trên diện rộng. Đây được xem là hai giải pháp căn cơ để giúp nông dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận trong vụ đông xuân”, ông Trần Chí Hùng cho biết.

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc sử dụng công cụ và máy gieo lúa theo hàng, kỹ thuật sạ hàng là một đột phá trong kỹ thuật canh tác lúa đến nay đã được nông dân ĐBSCL ứng dụng khoảng 20% diện tích đem lại hiệu quả rất lớn: giảm 50% lượng hạt lúa giống (từ 200 - 250 kg/ha xuống còn 120 kg/ha). Bên cạnh đó, việc khuyến cáo giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật tăng năng suất là giải pháp chủ lực cho chương trình 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm. Riêng ở Nam bộ có khoảng 700.000ha trồng lúa áp dụng máy sạ hàng, tiết kiệm riêng về lúa giống: 100 kg/ha x 10.000 đồng/kg x 700.000ha = 700 tỷ đồng/năm.

“Để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, rất mong các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận và quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng và gạo chức năng, mặc dù thị phần không lớn, nhưng có giá trị kinh tế rất cao, mà chưa được quan tâm đúng mức” - TS Trần Ngọc Thạch đề xuất.

Ngày 4-10, đập Trà Sư (Tịnh Biên, An Giang) bắt đầu xả lũ nhằm kiểm soát lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên, cung cấp phù sa, tháo chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng và tạo điều kiện cho người dân khai thác thủy sản mùa lũ...

Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Đến thời điểm này mới xả lũ đập Trà Sư là muộn hơn khoảng 1 tháng so với mùa lũ năm 2018; nguyên nhân do lũ năm 2019 về muộn và thấp hơn mọi năm”. Cũng theo ông Khường, thời gian qua các đơn vị thi công đang chặn dòng để thi công 2 cống Trà Sư và Tha La; vì vậy năm nay chỉ xả lũ duy nhất đập Trà Sư.

CAO PHONG

Trên đồng nước lũ

Nguồn tin:  Báo An Giang

Mùa lũ, nhiều người dân tứ xứ có dịp hội tụ về để cùng hòa vào cuộc mưu sinh trên đồng nước. Giữa “đồng không, mông quạnh”, người ta không chỉ bàn nhau câu chuyện về câu, lưới, lọp, lờ… mà ở đó còn mang nét đẹp hiền hòa như con người miền Tây chân chất, dung dị nhưng luôn hào sảng, phóng khoáng.

Mưu sinh trên đồng nước lũ. Ảnh: HỮU HUYNH

Theo từng con nước

Trên đồng Vĩnh Lộc một ngày cuối tháng 9, khi con nước lũ từ thượng nguồn đổ về đầy ắp phù sa. Trong cơn gió lạnh của buổi chiều muộn, thấp thoáng xa xa là những ngư dân đang giong xuồng giăng câu, thả lưới. Sau những ngày chờ đợi, con nước lũ đổ về khiến bà con vùng lũ ai cũng vui mừng khấp khởi. Câu chuyện “sống chung với lũ” đã trở thành “kỹ năng” của người dân bản xứ, bởi mùa lũ chính là mùa mưu sinh, mang lại rất nhiều nguồn lợi và phát triển sinh kế cho người dân. Không chỉ giăng câu, thả lưới, bắt ốc, thu hoạch sản vật từ lũ, người dân đầu nguồn còn triển khai nhiều mô hình như: nuôi tôm càng xanh chân ruộng, trồng rau thủy sinh… để tăng thêm thu nhập.

Thú vị nhất mùa này là được tham gia cùng bà con ra đồng bắt cá, hái bông súng, bông điên điển. Những chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng trên tắc ráng, vỏ composite gắn máy đuôi tôm chạy phăng phăng trên đồng nước. Sau chuyến đi, xuồng ghe tấp nập về bến để mang sản vật lên vựa cân đong, lấy tiền. Từ những vựa này, sản vật mùa lũ được vận chuyển ra các chợ để đến từng bữa cơm gia đình, góp mặt trong thực đơn nhà hàng, quán ăn.

Nói tới đặc sản mùa nước nổi tức thì người ta nghĩ ngay tới con cá linh. Mùa sinh sản của cá linh thường bắt đầu từ tháng 5 (âm lịch). Đây là thời điểm “nước quay”, cá lớn dần theo con nước len lỏi theo các sông, rạch để tỏa vào đồng ruộng. Tám Phú (lão nông sống cố cựu ở đầu nguồn An Phú) kể rằng: “Hồi xưa, cá linh nhiều vô kể. Mỗi năm tới mùa nước nổi chỉ cần đặt lú cặp mé sông vài chục phút là có vài ký cá ăn không hết. Còn nếu cất vó, đặt dớn thì phải thay phiên xúc cá liên tục. Hồi đó, cá linh giá rẻ, không ai bán như bây giờ, (nhiều người ví von “rẻ bèo như cá linh”) nên ăn không hết phải ủ làm nước mắm hoặc làm mắm. Cho tới bây giờ mắm cá linh vẫn là đặc sản trứ danh của vùng lũ”.

Năm nay lũ về muộn, tuy nước về nhiều nhưng cá linh rất ít, những loại tôm, cá khác cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều người cho rằng lũ về trễ nhưng lên nhanh và rút nhanh, nên con cá linh không kịp lớn; mặt khác còn do phía thượng nguồn sông Mekong xây nhiều đập thủy điện ngăn dòng chảy nên lượng cá giảm đáng kể. Đặc biệt là do những cánh đồng ở phía hạ lưu đê bao khép kín, không được xả lũ trong nhiều năm nên cá linh không còn chỗ trú ngụ, sinh sôi nảy nở. Mấy chục năm trong nghề câu lưới, anh Tửng (xã Phú Hội) mới thấy chưa mùa lũ nào kỳ lạ như năm nay. “Tới tháng 9 mới thấy nước lên, rồi lên nhanh trong 2 tuần đã rút xuống nên cá tôm chưa kịp lớn. Mấy tháng trời, dân câu lưới tụi tôi “bó gối” ngồi chờ, nhưng lũ về cũng không mang lại bao nhiêu cá tôm. Nói chung, năm nay lượng tôm, cá rất ít ỏi. Nhiều người phải đi Bình Dương để tìm việc làm” - anh Tửng than!

Không riêng nghề câu lưới, những người đặt lọp cua đồng ở xã Vĩnh Hội Đông cũng có cùng tâm trạng, khi năm nay lượng cua giảm đi rất nhiều. Những vựa cua, ốc ở xã Vĩnh Hội Đông, Khánh An (An Phú) mỗi ngày thu mua vài trăm ký, nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1 tấn. Còn các loại rắn năm nay rất hiếm, nên có giá khá cao. Theo đó, ốc đồng có giá bán 50.000 đồng/kg, cua càng 45.000 đồng/kg, cua cái 27.000 đồng/kg, rắn bông súng và rắn trun 170.000 đồng/kg, rắn ri voi có giá khoảng 400.000 đồng/kg, cao hơn mọi năm.

"Nồi cơm" của dân câu lưới

Khu vực ngoài đê bao thuộc xã Nhơn Hội, Phú Hội, nước ngập trắng đồng là nơi để người dân khai thác lợi thế từ mùa lũ mang lại. Vòng qua bờ đông sông Hậu, vùng sản xuất hơn 9.000ha thuộc 3 xã: Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu không đảm bảo “ăn chắc” vụ 3 (vụ thu đông) nên vào mùa lũ có dịp được làm sạch đồng ruộng, phục hồi dinh dưỡng sau thời gian dài sản xuất, đất đón phù sa giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn vào vụ mùa tới. Đây cũng là nơi ngư dân từ khắp các tỉnh ở miền Tây hội tụ về khai thác nguồn lợi thủy sản. Mặc dù không có thảm thực vật phong phú và rộng lớn như vùng Đồng Tháp Mười, nhưng vào mùa lũ nơi này cũng là “nồi cơm” của hàng ngàn dân câu lưới.

Trên đồng nước lũ ở đầu nguồn An Phú, ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản với rất nhiều loại ngư cụ: câu, lưới, lọp, lờ, lú, xà di… “Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy định mới về đánh bắt thủy sản, nên ngư dân vùng lũ rất thận trọng trong việc khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên. Ngành chức năng địa phương tăng cường tuyên truyền nên những năm qua người dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản, không còn khai thác kiểu tận diệt như: xuyệt điện, cào điện” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết.

Nét đẹp hiền hòa, chân chất như con người miền Tây là trên đồng lũ mênh mông nhưng không bao giờ cô quạnh. Ở đó, những con người tứ xứ nương tựa nhau trong cuộc mưu sinh. Dễ thấy là mỗi chiều sau khi thả lưới xong, những ghe xuồng tụ hội về một góc bờ kênh để nổi lửa nấu bữa cơm tối. Làn khói bếp bay giữa đồng mùa lũ, quyện với mùi cá nướng thơm phức và tiếng cười nói râm ran giữa đồng nước bao la… càng thêm gắn kết những con người tứ xứ. Hơi ấm tình người lan tỏa xa xa.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mặc dù năm nay lũ muộn, không cao, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy ở thượng lưu sông Mekong. Đặc biệt từ tháng 10, diễn biến lũ có thể sẽ thay đổi khi lưu lượng mưa nhiều ở thượng nguồn, cộng với các đập thủy điện phía trên sông Mekong đã tích đầy nước có thể xả bất thường… nên cần tích cực chủ động phòng, chống lũ tăng đột biến.

HỮU HUYNH

Giá nhiều loại cam giảm thấp

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hiện giá trái cam sành, cam mật và cam xoàn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm từ 3.000-4.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng.

Chất lượng trái cam không ổn định cũng là nguyên nhân làm cho giá bị giảm.Trong ảnh: Thu hoạch cam mật tại một hộ dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long... cam mật được nhiều nông dân bán xô cho thương lái với giá chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg; cam sành bán xô với giá 8.000-9.000 đồng/kg; cam xoàn giá khoảng 10.000-12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cam xoàn bán lẻ tại nhiều nơi đang ở mức 20.000-25.000 đồng/kg; cam sành 12.000-17.000 đồng/kg, còn cam mật khoảng 9.000-12.000 đồng/kg. Giá trái cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì bước vào rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu, nhất là cam Navel nhập khẩu từ Úc và Mỹ.

Tin, ảnh: Khánh Trung

Nông dân Hải Dương thu tiền tỷ từ cây bưởi đào

Nguồn tin: VOV

Với 1,5 mẫu đất trồng bưởi đào Thanh Hồng, một gia đình sẽ có thu nhập từ 130 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Mỗi năm mang lại hàng chục tỉ đồng cho người dân xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), những vườn bưởi đào đang là nguồn thu nhập đáng kể, giúp nâng cao thu nhập và đóng góp vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Cây bưởi đào xuất hiện ở vùng đất Thanh Hồng từ khoảng 60 năm trước do những lái buôn trong làng Lập Lễ mua giống nơi xa về trồng. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, trái bưởi đào Thanh Hồng ít hạt, ngọt dịu mới được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Trái bưởi đào Thanh Hồng ít hạt, ngọt dịu đang là loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Trần Văn Dũng, người dân thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng cho biết, mỗi vụ, một gốc bưởi hơn 10 năm tuổi có thể cho từ 700 - 900 quả. Hiện tại, gia đình ông có 1,5 mẫu đất trồng bưởi, năm thời tiết không thuận cũng thu nhập được 130 triệu đồng, năm được mùa thì có thể thu nhập gần 200 triệu đồng từ vườn bưởi.

“Tôi trồng bưởi được hơn chục năm nay, kinh tế gia đình đi lên rất nhiều. Bà con xung quanh xóm này nhà nào cũng thu nhập mỗi vụ từ 50 - 70 triệu đồng trở lên. Vài năm gần đây, nhất là năm nay bưởi được giá và tiêu thụ nhanh”, ông Dũng cho biết.

Xã Thanh Hồng có hơn 2.000 gia đình trồng bưởi với tổng diện tích khoảng 130 ha, trong đó có 40 ha là trồng theo mô hình VietGAP, năng suất bình quân 15 tấn/ha, với giá bán đầu vụ từ 17.000 - 20.000 đồng/quả. Bưởi đào Thanh Hồng đang hút hàng tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Không chỉ trái bưởi mà mỗi năm, hàng vạn cây bưởi giống cũng được bà con xuất bán mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Ngô Bá Trịnh, chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hồng cho biết, từ trồng bưởi, có việc làm và thu nhập, đời sống người dân ổn định là một trong những yếu tố quan trọng để nông thôn phát triển.

“Đối với bà con nông dân xã Thanh Hồng, cây bưởi là cây chủ lực nhất, UBND xã đã có kế hoạch triển khai các vùng tập trung để bao tiêu sản phẩm. Đến nay HTX dịch vụ nông nghiệp đã có hợp đồng với các đơn vị để bao tiêu sản phẩm bưởi đào cho bà con nông dân”, ông Trịnh cho hay.

Giống bưởi đào Thanh Hồng có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất cao ổn định và độ đồng đều quả cao hơn giống bưởi Diễn nên thích hợp để sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, với diện tích đất nông nghiệp trên 500 ha, xã Thanh Hồng vẫn còn tiềm năng mở rộng thêm diện tích giống cây ăn quả đặc sản này, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập của nhân dân./.

CTV Linh Giang/VOV-Đông Bắc

Tỷ phú cam trên đất Đồng Kỳ

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cam sai trĩu quả, anh Nguyễn Văn Thạo, thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) kể, trước đây gia đình có hơn 4 ha vườn đồi, chủ yếu là trồng vải, bạch đàn và một số cây ăn quả khác. Năm 2012, anh bàn với gia đình đưa một số giống cam chất lượng vào trồng thay thế như: Cam Vinh, cam đường Canh.

Lúc đầu do thiếu vốn và chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên anh Thạo chỉ trồng 2 nghìn gốc cam. Sau hơn 3 năm trồng, cam cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi nên anh chuyển toàn bộ hơn 4 ha vải thiều và bạch đàn sang trồng cam đường Canh, đồng thời trồng thêm hai loại cam đang có ưu thế trên thị trường là cam Cara và cam Xoàn.

Mô hình trồng cam của gia đình anh Nguyễn Văn Thạo.

Khi mới bắt tay vào trồng cam, anh gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc. Theo đó, từ số tiền tích lũy của gia đình trong nhiều năm, vay mượn thêm họ hàng và được một số công ty giống cây trồng hỗ trợ, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo đất, mua cây cam. Vườn cây được anh bố trí khoa học với hệ thống tưới tiêu và phun thuốc bằng máy, giảm rất nhiều chi phí và sức lao động.

Năm 2018, gia đình anh thu hoạch hơn 30 tấn cam, thương lái đến tận vườn mua với giá 30 -32 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng. Anh Thạo chia sẻ: “Không nên mua giống trôi nổi, cần phải lựa chọn cây giống tốt, sạch bệnh từ các trại ươm cây giống có uy tín. Khi trồng thường xuyên kiểm tra bộ rễ của cây, theo dõi sự phát triển của màu lá. Bên cạnh đó, việc tỉa cành, bón phân phải đầy đủ, đúng kỹ thuật và phải tưới nước, giữ độ ẩm cho đất”.

Theo tính toán của anh Thạo, từ nay đến cuối năm, gia đình anh thu được 2 - 3 đợt quả, ước thu lãi 600 triệu đồng. Mô hình trồng cam của gia đình anh Thạo thực sự là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bàn xã Đồng Kỳ nói riêng, huyện Yên Thế nói chung. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp đỡ nhiều hộ trong vùng cùng trồng cam. Hiện anh đang là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại cây có múi tỉnh Bắc Giang.

Được biết, hiện vườn cam của anh Thạo đã được Hội Làm vườn Việt Nam chấp thuận trong tháng 10-2019 sẽ đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo, phát triển thành vườn cam mẫu ở Yên Thế.

Trung Hiếu

Đồng Tháp: Nhà vườn chủ động nhiều biện pháp ứng phó với lũ, bảo vệ sản xuất

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện nay, đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa đến một số diện tích trồng cây ăn trái các huyện phía Nam của tỉnh. Nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng, nhà vườn các địa phương tích cực chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, sẵn sàng phương án bảo vệ vườn cây ăn trái.

Nông dân bơm nước để bảo vệ vườn cây ăn trái

Ghi nhận tại khu vực ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung nhiều diện tích vườn cây ăn trái của người dân đang bị “uy hiếp” sau đợt nước lũ dâng cao vào rằm tháng 8 vừa qua. Trước sức ép từ con nước, nhiều nhà vườn tại huyện Lai Vung tích cực gia cố lại các bờ bao, đập dã chiến sẵn sàng ứng phó với đợt nước lũ sắp tới. Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Long Hậu cho biết: “Các đợt lũ lớn năm 2010 - 2011 làm vườn cây ăn trái của gia đình tôi bị thiệt hại nặng. Vì vậy, mấy năm nay, khi thấy con nước chuẩn bị mấp mé bờ, tôi chủ động mua ni-long để gia cố lại bờ bao quanh vườn và sử dụng máy bơm để tiêu thoát nước cho vườn cây”.

Những ngày đầu tháng 9, được sự hỗ trợ của huyện, các xã Tân Phước, Long Hậu thực hiện nâng cấp các đoạn đập dã chiến để bảo vệ vườn cây ăn trái. Do là khả năng chịu ngập nước kém, chỉ cần cây ngập 1 ngày đêm cây sẽ bị chết. Từ kinh nghiệm đó, hàng năm, mỗi khi lũ về là nông dân các địa phương này lại tập trung gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng máy móc bơm rút nước, không để lũ tràn vào vườn.

Cùng nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Sữa ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu cho biết: “Mấy năm trước, nước ít nên nông dân không lo ngập vườn. Tuy nhiên, những ngày qua nước lên khá cao và đổ về nhanh nên tôi phải trực bảo vệ. Gia đình tôi có 5 công quýt đường đang cho trái, bình quân thu nhập cũng hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Do vậy, cả nhà tôi phải túc trực ngoài vườn để canh nước, không để xảy ra tình trạng ngập úng”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung, đến nay tất cả diện tích vườn cây ăn trái của huyện đều nằm trong các khu đê bao khép kín. Bên cạnh đó, nhằm chủ động đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất, huyện chủ động gia cố và nạo vét 7 công trình thủy lợi và duy tu sửa chữa 6 cống...

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Rút kinh nghiệm từ mực nước lũ các năm trước, ngay từ đầu năm 2019, huyện chủ động kiểm tra, duy tu, sửa chữa các hệ thống đê bao, cống... Trong mùa mưa bão, tình hình thủy văn sẽ diễn biến phức tạp, vì vậy huyện tiếp tục kiểm tra các đoạn đê bao xung yếu nhằm đảm bảo an toàn giúp nông dân an tâm sản xuất”.

Châu Thành cũng là huyện có diện tích cây ăn trái khá lớn của tỉnh. Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, từ ngày 25/9 - 2/10/2019, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trường hợp nước lũ tràn bờ và bể bờ bao tại các xã: An Hiệp, Tân Nhuận Đông, Phú Hựu, Hòa Tân. Sau sự cố, các ngành hữu quan và địa phương tổ chức khắc phục.

Bà Trương Thị Xuân Ngân - Phó NN&PTNT huyện Châu Thành cho hay: “Thời gian tới, huyện sẽ tập trung kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao xung yếu. Các xã, thị trấn phân công cán bộ túc trực 24/24 giờ, vận động người dân tích cực tham gia trên tinh thần sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết”.

Khánh Phan

Lúa IR50404 chỉ còn khoảng 80.000 đ/giạ

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nếu thời điểm này năm ngoái giá lúa tươi tại ruộng giống IR50404 từ 4.400- 4.600 đ/kg, thì hiện chỉ còn 4.000đ; giống OM 5451 từ 5.300- 5.500 đ/kg, hiện cũng chỉ khoảng 5.000đ. Lúa rớt giá, năng suất vụ này rất thấp, trung bình 18- 20 giạ/công (1.000m2) nên nông dân gặp nhiều khó khăn.

Theo nhận định, giá lúa giảm không chỉ do ảnh hưởng bởi giá gạo xuất khẩu giảm mà do nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa Thu Đông làm nguồn cung lúa hàng hóa tăng. Ngoài ra, một số nơi gieo sạ lúa chất lượng thấp tăng mạnh nên ảnh hưởng đến giá cả.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, vụ lúa Thu Đông năm nay, cơ cấu giống lúa các giống nhóm chất lượng cao chiếm tỷ lệ 56,62% tổng diện tích xuống giống là 47.395,6ha, giảm 8,74% nhưng các giống chất lượng thấp như: IR50404 và ML202 chiếm tỷ lệ 38,87%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,69%.

NGUYỄN HOÀNG

Hậu Giang: Nguy cơ bị thiệt hại do mía ngập nước

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, nhiều diện tích mía đã đến ngày thu hoạch bị ngập nước và đang có dấu hiệu bị chết cây, từ đó khiến bà con nông dân vô cùng lo lắng.

Nhiều diện tích mía đã đến ngày thu hoạch đang bị ngập nước khiến nông dân lo lắng.

Căn cứ vào dự báo của cơ quan chuyên môn nên trước khi vào vụ ép mía, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh nhận định năm nay nước lũ nhỏ nên không gây áp lực cho vùng mía nguyên liệu phải thu hoạch mía chạy lũ. Do đó, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh có nhà máy đường Phụng Hiệp còn hoạt động trong vụ ép mía năm nay đã đề ra thời gian vào vụ ép là ngày 10-10 tới và thời gian này trễ hơn gần một tháng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một kịch bản mà nhà máy đường không nghĩ tới lại đang xuất hiện là tình hình triều cường đột ngột dâng cao trong thời gian qua, nhất là những ngày gần đây làm ngập hàng ngàn héc-ta mía của bà con nông dân tại vùng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang là huyện Phụng Hiệp

Với vẻ mặt đầy lo lắng vì gần 2ha mía của gia đình đã quá ngày thu hoạch và đang bị ngập nước, bà Nguyễn Thị Thu, ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Tôi đã mất ăn, mất ngủ mấy ngày qua do mía bị ngập nước hơn 10 ngày rồi. Giờ nhiều đọt mía đã chuyển từ màu xanh sang đỏ và xuống lá, trong khi nhà máy đường kêu đợi đến ngày 9-10 mới thu hoạch. Bao nhiêu vốn liếng và nhiều khoản chi phí khác sắp phải trả đều trông chờ vào rẫy mía này, nếu thiệt hại nhiều thì gia đình sẽ gặp không ít khó khăn”.

Cũng theo bà Thu và nhiều hộ trồng mía nơi đây, hầu hết bà con ở cánh đồng mía này chỉ trồng giống mía chín sớm là ROC 16 và hiện mía được hơn 10 tháng tuổi, trong khi giống mía ROC 16 chỉ khoảng 8 tháng là đốn được vì chữ đường (CCS) có thể đạt từ 10 CCS trở lên. Do trồng giống mía chín sớm nên mọi năm chưa đến giữa tháng 8 âm lịch là bà con đã thu hoạch dứt điểm và trồng lại các loại hoa màu để kiếm thêm nguồn thu nhập, đồng thời không phải lo nước lũ. Riêng năm nay, đến thời điểm này mà chưa bán được cây mía nào, hơn nữa toàn bộ diện tích còn ngập nước và khả năng bị thiệt hại.

Ông Lê Văn Thành, Trưởng ấp Long Trường 2, cho biết: Toàn ấp có hơn 90ha mía và đa phần đã đến ngày thu hoạch. Do ảnh hưởng của triều cường dâng cao trong những ngày gần đây nên toàn bộ mía của bà con đều bị ngập nước từ 2-3cm lúc thủy triều lên cao. Trước áp lực mía bị ngập lũ và nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con thì địa phương đề nghị nhà máy đường xem xét sớm thu mua mía cho nông dân.

Ông Phan Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho hay: Triều cường dâng cao trong những ngày qua đã làm ngập nhiều sân trước nhà dân, cũng như lộ giao thông nông thôn, vườn cây ăn trái, mía… từ đó phần nào làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, điều lo lắng trong lúc này của địa phương là toàn xã có 193/290ha mía đã bị ngập nước (độ sâu từ 4-6cm) và hầu hết mía bị ngập đều đến ngày thu hoạch. Trong điều kiện mía bị ngập nước như hiện nay và nếu còn tiếp tục kéo dài khoảng một tuần nữa mà chưa được thu hoạch thì tình trạng mía sẽ bị thiệt hại về năng suất và CCS là khó tránh khỏi.

Hiện nay, không riêng gì xã Long Thạnh mà theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, đến ngày 1-10, toàn huyện ghi nhận có 1.142ha trong tổng số 6.449ha mía đã xuống giống bị ngập nước, chiếm khoảng 21,1% diện tích. Trong đó, các xã có nhiều diện tích mía bị ngập là xã Long Thạnh 193ha, Tân Long 180ha, Hiệp Hưng 239ha, Phương Bình 190ha, Hòa Mỹ 95ha, Hòa An 48ha, các xã có mía còn lại bị ngập từ 20-30ha.

Cùng nỗi lo như những hộ có mía bị ngập, ông Phạm Văn Hai, ở ấp Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ, thông tin: “7 công mía của gia đình tôi được hơn 10 tháng tuổi nhưng hiện chưa có thương lái nào đến hỏi mua, trong khi mọi năm lúc này là bà con ở đây đã bán mía sắp hết rồi. Chưa hết lo chuyện không có người mua mía thì lại tiếp nỗi lo khác là triều cường dâng cao trong những ngày qua đã làm ngập toàn bộ rẫy mía. Càng trăn trở hơn là khu vực này khi nước lên thì rút rất chậm nên tình trạng không có người để bán mía trong lúc này thì tôi và bà con đang đứng ngồi không yên”.

Theo kết quả đo mực nước của cơ quan chuyên môn, đỉnh triều cường xuất hiện vào ngày 30-9 vừa qua trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đạt 1,56m, cao hơn cùng kỳ 0,01m. Riêng những ngày gần đây, tuy mực nước có giảm nhưng vẫn dao động ở mức từ 1,48-1,51m nên gây ngập nhiều diện tích mía ở những vùng trũng thấp. Điều đáng quan tâm là triều cường lên nhanh nhưng rút rất chậm, nhiều rẫy mía bị ứ nước khỏi mặt liếp trong thời gian nhiều ngày nên tạo tâm lý lo lắng cho bà con, nhất là những giống mía chín sớm ROC 16 đã quá ngày thu hoạch.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Trước tình hình nước lũ dâng cao, các giống mía chín sớm đã đạt chữ đường, do đó nhằm giảm áp lực cho người trồng mía, địa phương đề nghị Casuco có kế hoạch vào vụ ép sớm hơn thời gian đã đề ra (ngày 10-10 tới). Đồng thời, tăng cường lực lượng thu hoạch, phương tiện vận chuyển mía về công ty nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng mía, cũng như hoạt động hết công suất ép của nhà máy đường để tiêu thụ mía bị ngập nước của địa phương trong thời gian sớm nhất…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Giá heo hơi ở khu vực Đông Nam Bộ tăng từng ngày

Nguồn tin: VOV

Sáng 7/10 giá heo hơi ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục tăng thêm 2.000 đồng/kg. Một số người chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn.

Tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước thương lái mua heo hơi giá 52.000 đồng/kg, tăng hơn ngày hôm qua 2.000 đồng/kg. Như vậy là từ đầu tháng đến hôm nay, giá heo đã tăng 10.000 đồng/kg.

Trại heo giống ở xã An Thái, huyện Phú giáo, tỉnh Bình Dương.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá tăng cao, nhưng lượng thịt heo trong dân không còn nhiều để bán. Bởi, đợt dịch tả châu Phi vừa qua, đến 80% số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ và trang trại đã nghỉ nuôi nên dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn cung heo thịt trong dịp Tết sắp tới.

Hiện nay, một số người chăn nuôi đã liều tái đàn. Chính vì vậy, giá heo giống cũng tăng cao.

Trại heo ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: "Mấy ngày nay giá heo giống lên 100.000 đồng/kg, trong khi hơn tháng trước giá chỉ 50.000 - 60.000 đồng/kg, gần gấp đôi. Giá thịt heo cũng tăng. Lượng heo nào trên thị trường cũng vẫn đang thiếu hụt”./.

Lệ Hằng/VOV-TP HCM

An Giang: Thanh niên mạnh dạn làm giàu với mô hình nuôi gà nòi thả vườn

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đến xã biên giới Phú Lộc (tỉnh An Giang) hỏi thăm mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Nguyễn Thành Trung, thì bà con nơi đây ai ai cũng đều biết, bởi anh là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thanh niên trẻ có chí hướng làm giàu ở địa phương.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Chăn nuôi - Thú y, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Trung, sinh năm 1993, ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) đã lên Sài Gòn làm việc cho một công ty với mức lương khá ổn định. Tuy nhiên, Nguyễn Thành Trung vẫn luôn ấp ủ ước mơ trở về quê hương để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở quê có nhiều thế mạnh để phát triển chăn nuôi, vào năm 2017, với số vốn của bản thân và gia đình, anh Trung đã trở về quê nhà mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà nòi thả vườn.

Dù có kiến thức về chăn nuôi, song chàng trai trẻ cũng gặp không ít lần thất bại trong thời gian đầu khởi nghiệp, do kinh nghiệm chưa nhiều. Ban đầu, anh tận dụng diện tích đất xung quanh nhà và bờ kênh chưa đến 1.000 m2 để thả khoảng 200 con gà giống. Vì chưa nắm vững kỹ thuật nuôi và chưa chú trọng khâu lựa chọn con giống nên anh Trung thất bại ngay trong lứa gà đầu tiên. Không nản lòng, anh tự tìm tòi học hỏi thêm trên internet và đi đến các địa phương lân cận để có thêm kinh nghiệm thực tế. Từ đó, anh tiếp tục đầu tư tái đàn. Thất bại từ lần nuôi đầu tiên đã cho anh thêm nhiều kinh nghiệm ở lần nuôi sau, giống gà được lựa chọn là gà nòi năng suất cao, khỏe, chống chọi tốt với dịch bệnh. Nhờ nắm vững kỹ thuật nên ngay lứa gà thứ hai với số lượng 300 con đã mang lại hiệu quả. Anh Trung bắt đầu mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi gà với số lượng lớn hơn. Đến nay, anh nuôi khoảng 700 con, với diện tích 4.600 m2, tỷ lệ mái: trống là 10:1.

Anh Nguyễn Thành Trung bên trại gà nòi của gia đình

Theo anh Trung, gà là giống rất dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc dịch bệnh nên cần xác định đúng bệnh để dùng thuốc. Định kỳ bổ sung các chất khoáng, vitamin để phòng bệnh. Ngoài ra, cần phun thuốc sát trùng chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi và phải cách ly con bệnh; thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống; kiểm tra lượng thức ăn, đảm bảo đủ để gà không tranh giành, cắn mổ lẫn nhau. Khâu lựa chọn con giống cũng rất quan trọng để có được chất lượng đàn đạt năng suất. Để có nguồn thức ăn phong phú cho đàn vật nuôi, ngoài thức ăn là gạo, bắp (ngô), anh Trung còn tận dụng mảnh vườn trong gia đình trồng cây chuối sim, vừa tạo bóng mát vừa làm thức ăn cho gà. Nhờ vậy, đàn gà của anh phát triển rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Với vốn khởi nghiệp ban đầu trên 100 triệu đồng nhưng hiện tại cơ sở chăn nuôi của anh Trung đang phát triển, tăng dần uy tín và chất lượng trên thị trường. Bình quân mỗi tháng anh xuất bán hơn 100 con gà thịt với giá bán khoảng 95 ngàn đồng/kg và trên 2.000 con gà giống. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng anh thu lãi trên 12 triệu đồng.

Anh Trung còn cho biết thêm: Ban đầu anh sử dụng máy ấp tự chế và lối ấp giống truyền thống, nhưng chất lượng không đảm bảo, nên anh đã mạnh dạn đầu tư 02 máy ấp trứng tự động, hệ thống điện thắp sáng, xây dựng nhà cho gà đẻ trứng, giúp nâng cao hiệu quả ấp, trung bình mỗi tháng trại của anh đưa vào ấp khoảng 5.000 trứng. Trong giai đoạn ấp gà con, anh Trung luôn theo dõi đàn gà rất cẩn thận, đảm bảo sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng các loại bệnh, như dịch tả, tụ huyết trùng và đặc biệt dịch cúm H5N1. Cùng với đó, vườn thả gà đã được khoanh lưới để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài. Ngoài mô hình nuôi gà nòi thả vườn, anh Trung cũng tận dụng nguồn phân chuồng và trồng cây ăn trái trong vườn để tăng thêm thu nhập.

Với mô hình của mình, hàng tháng anh Trung cũng tạo việc làm ổn định cho 3 lao động ở địa phương, mạnh dạn đứng ra cung cấp con giống cho bà con nông dân trong xã yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi gà, đồng thời sẽ tập trung và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gà nòi thịt năng suất cao đến bà con nông dân.

Với sự cần mẫn, chịu khó trong công việc, luôn tiếp thu học hỏi những kiến thức mới trong chăn nuôi, đến nay cuộc sống của gia đình anh Trung đã vươn lên khá giả và luôn có nguồn thu nhập ổn định. Ông Lê Văn Dũng – Phó chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: “Qua theo dõi và thường xuyên xuống tham quan mô hình của em Trung thì thấy mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng nói hơn là em Trung tuổi đời còn rất trẻ nhưng dám nghĩ dám làm và biết tận dụng cơ hội và điều kiện sẵn có của địa phương mình, biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó còn hỗ trợ cho rất nhiều gia đình ở xung quanh, giúp nhau có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như trong sản xuất. Từ đó địa phương cũng đã mạnh dạn đề nghị đối với các ngành chức năng của thị xã hỗ trợ mô hình của em Trung theo chương trình Nông thôn mới để mở rộng thêm trang trại”.

Với hoài bão, khát vọng lớn của mình, anh Nguyễn Thành Trung sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời xây dựng thương hiệu gà nòi thả vườn trên chính mảnh đất quê hương. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Trung không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, mà còn là một minh chứng cho thấy những người nông dân trẻ đã mạnh dạn tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại xã biên giới, góp phần vào sự phát triển chung của thị xã Tân Châu.

Lê Kiều - Đài Truyền thanh thị xã Tân Châu – An Giang

Giá tổ yến Việt Nam giảm mạnh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Theo bà Trần Bạch Mai (người đầu tiên xây nhà yến xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM), sau sự cố 2 lần phía Trung Quốc phát hiện đường dây chuyển tổ yến từ Malaysia qua Việt Nam để xuất lậu vào Trung Quốc bằng đường biên mậu, giá mua tại nhà yến trong nước bị ảnh hưởng, sụt giảm trên 21%.

Tổ yến thu hoạch và bán tại chỗ chỉ còn 18,5 triệu đồng/kg, so với 1 năm trước là 23 triệu đồng/kg, sau đó giảm còn 21,5 triệu đồng/kg.

Nhưng giá giảm sâu nhất là năm 2013 khi tổ yến bị tai tiếng về việc nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 (tháng 4-2013), lúc đó do tâm lý e sợ, việc giao dịch bị ngưng trệ gần như hoàn toàn nên giá tổ yến giảm xuống còn 16,5 triệu đồng/kg. Từ năm 2010 về trước, 1kg tổ yến tại huyện Cần Giờ giá bán sỉ từ 38 triệu đồng/kg trở lên.

PHIÊU NHIÊN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop