Hơn 500 gian hàng sản phẩm nông nghiệp ‘hội tụ’ tại Cần Thơ
Nguồn tin: Báo Công Thương
Sáng 6/11, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Doãn Thị Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2019 là hoạt động quan trọng nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia năm 2019 do Bộ Công Thương và UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo thực hiện. Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam là hoạt động XTTM chuyên ngành nông nghiệp được tổ chức tại TP. Cần Thơ từ năm 2004 đến nay. Năm 2019, Hội chợ có quy mô 500 gian hàng của 300 DN trong và ngoài nước trưng bày và giới thiệu các sản phẩm mới, thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, các dự án kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất kinh doanh.
“Hội chợ sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh XTTM quan trọng tạo điều kiện cho các địa phương, các tổ chức kihh tế, các DN tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, giao lưu và ký kết nhiều hợp đồng thương mại có giá trị, tạo cơ hội cho việc xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu nông thủy sản nhằm mở rộng, phát triển xuất khẩu, giao lưu thương mại, kích cầu người tiêu dùng, thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của các DN Việt Nam”, bà Thủy nhấn mạnh.
Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: ĐBSCL với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia. Giá trị sản xuất nông nghiệp dẫn đầu cả nước, chiếm 33,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn quốc. Tuy nhiên, theo ông Nam, việc phát triển nền nông nghiệp ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn như biến đổi khí hậu, tiêu thụ hàng hóa nông sản còn nhiều bất cập, giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định…
“Trong thời gian tới các DN cần áp dụng các khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng an toàn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ
Chị Nguyễn Thị Thanh Tú - Đại diện Công ty TNHH TMDV DTC - cho biết: đây là lần thứ 4 công ty tham dự hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại TP. Cần Thơ. Tham gia hội chợ lần này công ty muốn giới thiệu sản phẩm máy tách màu gạo DTC mới nhất, có nhiều chức năng mới với công suất vượt trội so với các dòng máy khác trên thị trường, máy hoạt động 10-14 tấn/giờ, phận loại tốt những phế phẩm khó... Hy vọng thông qua hội chợ, những sản phẩm mới có nhiều tính năng vượt trội của công ty sẽ đem lại nhiều giải pháp mới cho các nhà máy lúa gạo hiện tại, giúp tăng năng suất, chất lượng thành phẩm gạo đẹp hơn.
Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên giới thiệu sản phẩm hữu cơ
Chị Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng truyền thông Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên - chia sẻ: Đây là lần đầu tiên công ty tham gia và tiếp cận thị trường Cần Thơ, mong muốn của DN là làm thế nào để tiếp cận những sản phẩm sạch, lành từ tự nhiên do công ty sản xuất. Trong thời gian tới công ty mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm xanh, sạch, không có chất độc hại đến người tiêu dùng ở Cần Thơ qua đó kết nối các nhà phân phối đại lý ở Cần Thơ nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung.
Các sản phẩm tham dự hội chợ có nhiều chức năng mới đem lại hiệu quả năng suất cao nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật
Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2019 mang ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực trong việc đẩy mạnh sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, gắn kết giữa đơn vị -địa phương, các DN – người tiêu dùng cùng các nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác kinh doanh. Đây thực sự là cầu nối hiệu quả, là kênh XTTM quan trọng để để các tổ chức kinh tế, DN mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, giao lưu và kế kết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam.
Bên cạnh Hội chợ còn có nhiều họat động bên lề như: chương trình giới thiệu “ Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nông dân”, hoạt động đón tiếp các đoàn HTX, Hội nông dân các tỉnh, chương trình XTTM và quảng bá sản phẩm của các DN tham gia hội chợ nhằm cảm ơn người tiêu dùng…
Hoàng Tỷ
Trồng bưởi da xanh ruột hồng cho thu nhập 80 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Ông Trịnh Thanh Sang, một nông hộ đang rất thành công với bưởi da xanh ruột hồng ở huyện Phụng Hiệp.
Bưởi da xanh ruột hồng là một trong những cây ăn trái được nông dân huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) ưa chuộng trong phong trào chuyển đổi cây trồng. Bưởi da xanh ruột hồng rất dễ trồng, sau 3 năm trồng sẽ cho thu hoạch. Đặc điểm nổi bật của bưởi da xanh ruột hồng là màu quả lúc nào cũng có màu xanh thẫm, chỉ khi chín thì hơi ngả sang màu vàng. Ruột bưởi luôn có màu hồng đỏ, múi rất dễ tách và ăn giòn, ngọt, không hột, hàm lượng vitamin cao, nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính vì thế, giá bán luôn ổn định từ 30.000-60.000 đồng/kg tùy thời điểm. Trung bình 1.000m2 trồng được từ 30-40 cây, năng suất đối với cây 6 năm tuổi dao động từ 100-120kg/cây/năm. Với giá bán tùy thời điểm, trừ hết chi phí mỗi cây bưởi cho thu nhập 2,5-3 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 80 triệu đồng/công.
Tin, ảnh: DUY KHÁNH
Vươn lên từ mô hình cây ăn trái tổng hợp
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình cây ăn trái tổng hợp của anh Cao Văn Chinh, sinh năm 1981, ở ấp Phú Bình, xã An Lập là một điển hình.
Anh Chinh bên vườn cây ăn trái của gia đình. Ảnh: HỒNG NGA
Năm 1999, anh Chinh lập gia đình và sinh sống tại xã An Lập. Khi ra ở riêng, vợ chồng anh được cha mẹ vợ cho một nền nhà 80m2. Hàng ngày, vợ anh bán nước mía, còn anh đi làm mướn. Khi đó, ai thuê làm việc gì anh cũng làm, từ dãy cỏ đến cả đào gốc cây.
Ngoài thời gian đi làm mướn, chủ nhật được nghỉ anh tự mày mò học hỏi các mô hình trồng cây ăn trái. Sau thời gian tích góp được một số vốn nhỏ anh mua 3 sào đất để trồng măng cụt. Anh chia sẻ, nhờ chịu khó học hỏi từ sách vở, kinh nghiệm từ những người đi trước, được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… nên vườn măng cụt của gia đình ra trái nhiều, thơm ngon. Thời gian gần đây, thị trường, giá măng cụt ổn định nên gia đình anh có thu nhập khá.
Tích lũy được số vốn kha khá, vợ chồng anh mua thêm đất để trồng mít. Sau một thời gian trồng, nhận thấy trên địa bàn có khí hậu phù hợp với cây ăn trái, anh quyết định trồng thêm các loại cây ăn trái khác để khi mất mùa hay mất giá cây này thì có cây khác thế vào.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái, anh Chinh cho biết trồng cây ăn trái không quá nặng nhọc nhưng lại nhiều việc, như bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh... Anh sử dụng phân bón hữu cơ cho cây. Anh không làm cỏ, vì theo anh dòng đời cây ngắn, nên thay vì tốn công làm cỏ anh để cỏ tự mọc và tự hủy, vừa không làm mất độ dinh dưỡng của đất vừa để có xác cỏ làm phân.
Các loại cây ăn trái, đặc biệt là cam, chanh rất dễ nhiễm các bệnh nhện đỏ, sâu vẽ bùa gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Vì vậy, thời điểm cây lên lộc non, bói quả rất quan trọng, người trồng phải chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây. Điểm đáng chú ý, anh Chinh tự chế ra loại thuốc trừ sâu hỗn hợp vừa hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lại thân thiện với môi trường. Đặc biệt, anh chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây.
Với hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh Chinh có thể thấy, mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của các gia đình nông dân trong và ngoài huyện Dầu Tiếng.
Đến nay, gia đình anh Chinh đã có 6 ha cây ăn trái tổng hợp, trong đó gồm 700 cây cam, 600 cây sầu riêng (20 cây đã cho thu hoạch), 120 cây măng cụt, 300 cây chanh, 40 cây chuối và 200 cây mít Thái. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, với thu nhập hàng năm trên 2 tỷ đồng. Có thu nhập ổn định, vợ chồng anh đã xây nhà cửa khang trang, hai người con được học hành đàng hoàng.
HỒNG NGA
Quả tươi Hữu Lũng (Lạng Sơn): Đảm bảo ‘sạch’ khi tiêu thụ trên thị trường
Nguồn tin: Báo Lạng Sơn
Hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) có khoảng 4.700 ha cây ăn quả các loại. Thời gian qua, để sản phẩm cây ăn quả tiêu thụ trên thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện tập trung phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cáo uy tín, thương hiệu trên thị trường.
Những năm trước đây, gia đình ông Nông Đức Minh, thôn Trục Bây (xã Yên Sơn) khó khăn trong tiêu thụ quả na. Nguyên nhân do việc trồng, chăm sóc theo hướng truyền thống nên quả na không to, tròn đều. Năm 2019, gia đình ông trồng na theo tiêu chuẩn Vietgap. Theo đó, từ đất trồng, nguồn nước tưới phải đảm bảo không ô nhiễm; phân bón sử dụng nằm trong danh mục theo quy định, và không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý; sử dụng các biện pháp chăm sóc, bẫy bả ruồi vàng,… hạn chế, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân xã Nhật Tiến chăm sóc vườn bưởi
Ông Minh cho biết: Khi trồng theo hướng Vietgap, tất cả quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được ghi chép vào sổ theo dõi, sau đó được cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn – đảm bảo an toàn thực phẩm khi tiêu thụ trên thị trường. Từ khi trồng theo hướng Vietgap, việc tiêu thụ na thuận lợi hơn trước rất nhiều, thương lái chủ động đến tận vườn đặt mua, với giá cả cao hơn so với trước đây.
Không chỉ gia đình ông Minh, nhiều hộ khác trong thôn trồng na theo hướng Vietgap. Hiện toàn xã Yên Sơn có trên 250 ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích cây na là 220 ha. Ông Vy Văn Đua, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: Để đảm bảo sản phẩm quả tươi đạt tiêu chuẩn an toàn, xã triển khai trồng na theo hướng Vietgap (hiện đã có 25 ha na theo Vietgap). Những diện tích chưa triển khai theo hướng Vietgap, xã tổ chức vận động các hộ trồng ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhật Tiến là xã có số lượng cây ăn quả nhiều của huyện với gần 350 ha. Trong đó, cây na chiếm khoảng 100 ha, cây bưởi trên 100 ha, ngoài ra có táo đại, cam,… Để đảm bảo sản phẩm quả tươi đạt tiêu chuẩn an toàn, xã triển khai 100% các hộ dân trồng cây ăn quả ký cam kết sản xuất an toàn theo quy định. Cùng với đó, trên địa bàn có 25 ha bưởi, trên 10 ha táo đại được trồng theo hướng Vietgap. Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để quả tươi đảm bảo khi bán trên thị trường, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn. Qua đó, 100% diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn đều được áp dụng trồng theo tiêu chuẩn an toàn, các mô hình Vietgap ngày càng được người dân áp dụng và mở rộng.
Hiện toàn huyện Hữu Lũng có khoảng 4.700 ha cây ăn quả các loại, trong đó, cây na có diện tích khoảng 1.500 ha, nhãn 403 ha, vải 1.200 ha, bưởi 450 ha, dứa 130 ha, táo 120 ha,… Để sản phẩm quả tươi đảm bảo an toàn khi tiêu thụ trên thị trường, huyện phối hợp triển khai các mô hình trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, globalgap, tổ chức cho người dân thực hiện ký cam kết sản xuất theo tiêu thuẩn an toàn. Đồng thời, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn quả cho người dân. Qua đó, đến nay, toàn huyện có 35 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn Globalgap, 170 ha na Vietgap; 25 ha bưởi, 30 ha dứa, trên 100 ha táo đại theo tiêu chuẩn Vietgap; những diện tích cây ăn quả còn lại, huyện vận động các hộ trồng ký cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, trên 90% diện tích cây ăn quả đều được các hộ dân ký cam kết thực hiện sản xuất an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó, đảm bảo các sản phẩm quả tươi trên địa bàn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện triển khai mở rộng thêm diện tích trồng theo tiêu chuẩn Vietgap và Globalgap.
ĐỖ HOẠT
Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020: Gieo sạ đúng lịch thời vụ để ‘né’ hạn, xâm nhập mặn
Nguồn tin: Báo Long An
Năm nay lũ thấp, nước thượng nguồn đổ về hạ nguồn sông Mekong với lưu lượng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này có khả năng dẫn đến thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn xảy ra vào những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Ngay thời điểm này, Long An chủ động ứng phó với tình trạng bất lợi trên và khuyến cáo nông dân gieo sạ vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2019-2020 đúng lịch thời vụ để hạn chế sâu, bệnh, xâm nhập mặn.
Kết thúc gieo sạ đợt 1
Hiện nước rút nhanh, ở một số nơi, nông dân đã xuống giống đợt 1 theo lịch thời vụ với diện tích trên 19.150ha, tập trung ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Mộc Hóa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường và chuẩn bị làm đất xuống giống đợt 2, 3.
Nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa Đông Xuân
Tại thị xã Kiến Tường, một số nơi không bị ảnh hưởng của lũ, lũ rút sớm, nông dân đã xuống giống đợt 1 trên 2.300ha. Ông Nguyễn Văn Boi, ngụ xã Bình Tân, nói: “Vụ ĐX 2019-2020, gia đình sản xuất hơn 3ha lúa, đã xuống giống hơn nửa diện tích. Ngay từ đầu vụ, nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn gieo sạ theo khuyến cáo. Năm nay lũ thấp nên phù sa ít, vì vậy nông dân chuẩn bị rất kỹ từ trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ bởi đây là những nơi tồn lưu, tích lũy mầm dịch bệnh, đồng thời hạn chế ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy; cày bừa trục kỹ, tu sửa bờ bọng để có thể chủ động nguồn nước khi vào vụ, hạn chế cỏ dại đến bón lót phân lân, phân vôi, phân hữu cơ,... giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ”.
Tại huyện Mộc Hóa, nông dân gieo sạ trên 600ha. Anh Trần Văn Miếng, ngụ xã Bình Thạnh, cho biết: “Lũ rút dần, tôi đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ đợt 2, đợt 3 để né rầy. Hy vọng, vụ này được mùa, trúng giá”. Còn ông Nguyễn Văn Tú, ngụ cùng địa phương, chia sẻ: “Nếu lũ lớn, nông dân đỡ tốn chi phí diệt cỏ, ốc bươu vàng, rầy nâu, giảm khoảng 200.000-300.000 đồng/0,1ha. Năm nay, lũ thấp, gia đình tôi phải mua thêm phân bón, thuốc để vệ sinh đồng ruộng”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam, ngành nông nghiệp huyện phối hợp địa phương tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, đây là thời điểm thời tiết thuận lợi vì nước lũ rút; theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, rầy nâu tại chỗ, kết hợp với chế độ thủy văn để bố trí thời vụ cụ thể cho địa phương; tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng. Thời gian cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần, không để tình trạng trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không gieo sạ trước khi rầy di trú đến và để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng; sử dụng giống xác nhận, sạch bệnh, có sức sống mạnh, độ nẩy mầm cao, xử lý hạt giống ngăn ngừa bệnh lúa von, đạo ôn.
Để sản xuất vụ ĐX 2019-2020 đạt hiệu quả, kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khuyến cáo địa phương cần hướng dẫn một số kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cụ thể là canh tác lúa theo “1 phải, 6 giảm”. Theo đó, điều đầu tiên là việc vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất ít nhất từ 2-3 tuần giữa 2 vụ lúa để tăng độ khoáng hóa, làm đất tơi xốp, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy rơm, rạ, nhằm tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ; nên chọn giống cấp xác nhận và cần xử lý hạt giống để loại bỏ lừng lép trước khi gieo sạ, áp dụng phương pháp sạ thưa và tuân thủ theo lịch khuyến cáo né rầy cho từng cánh đồng; bón phân theo nhu cầu của lúa và các thời điểm xung yếu, đặc biệt là bón đúng liều lượng, không bón thừa phân đạm; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ưu tiên sử dụng các thuốc gốc sinh học ít ảnh hưởng đến thiên địch; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ và rút nước giữa vụ; đưa cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Nông dân tập trung gieo sạ lúa Đông Xuân đúng lịch thời vụ
Chủ động phòng, chống xâm nhập mặn
Năm nay, lũ thấp, lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong mang về Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với những năm trước. Trong khi đó, dự báo lượng mưa năm nay sẽ cơ bản kết thúc vào tháng 11-2019, có lưu lượng cũng chỉ tương đương trung bình nhiều năm. Chính những yếu tố nêu trên, mùa khô 2019-2020, mặn sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng khả năng sẽ ít nguy hiểm so với mùa khô 2015-2016. Cụ thể, từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng sâu vào đất liền đến 20-30km, tính từ vùng cửa sông. Đến tháng 01 và 02-2020, ranh mặn 4 gram/lít xâm nhập sâu vào đất liền từ 40-67km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn mùa khô 2015-2016 từ 6-27km. Với dự báo trên, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước, khô hạn diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là sẽ gây ra rủi ro cho vụ sản xuất lúa ĐX 2019-2020 tại khu vực cách biển từ 40-60km. Do đó, ngay từ bây giờ, các địa phương trong vùng cần có giải pháp phòng tránh hạn, mặn sắp tới.
Tại Long An, mực nước so cùng kỳ năm 2018 thấp hơn từ 0,02-1,03m. Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đề nghị UBND các huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, trong đó, xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Các địa phương bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống vụ ĐX 2019-2020 đúng lịch thời vụ; về cơ cấu giống ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên đo độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm kịp thời nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến, tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt./.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Nam bộ từ nay đến cuối năm 2019, mực nước sông Mekong xuống dần, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm. Trong mùa khô 2019-2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2018-2019.
Huỳnh Phong
Gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy cho năng suất 60-62 tạ/ha
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Ngày 5-11, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo: "Giải pháp thúc đẩy sản xuất mạ khay, mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy".
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy tại 5 điểm của 4 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa, Đông Anh. Các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí mua 50% giống lúa, 50% giá thể gieo sạ và 50% khay nhựa gieo mạ. Kết quả, lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 60-62 tạ/ha; chi phí gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy so với gieo mạ, cấy lúa bằng tay giảm 3,8-5,4 triệu đồng/ha. Mặt khác, gieo mạ khay, cấy bằng máy ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại, năng suất lúa cao hơn 10-15% so với cấy bằng tay...
Từ kết quả này, Sở NN& PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy... để khuyến khích mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy.
QUỲNH DUNG
Phú Yên: Nông dân gặp khó khi thu hoạch sắn sau mưa bão
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) thu hoạch sắn sau ảnh hưởng mưa bão. Ảnh: HOÀI NAM
Tại Phú Yên, ảnh hưởng bão số 5, sắn trồng trên vùng gò đồi huyện Đồng Xuân ngã đổ tróc gốc; còn sắn trồng ở vùng hạ du sông Kỳ Lộ đoạn qua huyện Tuy An bị ngập lụt, có nguy cơ thối củ.
Những ngày qua, nông dân khẩn trương thu hoạch sắn, nhưng thời tiết tiếp tục có mưa to nên việc vận chuyển sắn từ gò, soi ra đường lộ gặp nhiều khó khăn.
Thu hoạch sắn ngã đổ
Theo UBND huyện Đồng Xuân, bão số 5 làm ngập lụt, ngã đổ 120ha sắn, thiệt hại trên 70%, tập trung ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam, Xuân Long và thị trấn La Hai.
Tại xã Xuân Quang 3, gió bão làm ngã đổ trên 20ha sắn ở vùng gò đồi. Ông Mạnh Văn Hiệp, nông dân đang nhổ sắn ngã đổ, nói: Sắn ở khu vực này bị gió quật tróc gốc ngã xếp lớp. Sau bão, tôi tranh thủ nhổ sắn liền, chứ nếu để vài ngày sau sắn sẽ bị thối củ. Theo ông Hiệp, nhà ông trồng rải vụ, đến thời điểm này sắn chưa được 9 tháng tuổi; nếu đúng thời vụ thì gần Tết Nguyên đán mới thu hoạch, khi đó bán sắn có tiền trang trải dịp Tết.
Những ngày qua, nông dân xã Xuân Phước cũng khẩn trương thu hoạch sắn bị ngã đổ. Ông Nguyễn Văn Cường, vác cây sắn chất đống ra bờ cho hay: Tôi trồng 2 sào sắn, bão vào quật ngã đổ hết cả. Sắn nhà tôi mới trồng 8 tháng nên khi chở đến Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân lấy chữ bột thì chỉ đạt 15% độ bột. Tôi không đồng ý nên đề nghị lấy mẫu ngẫu nhiên thử lại được 17% độ bột, hai mẫu cộng lại chia 2 được 16% độ bột, nhà máy mua 1.200 đồng/kg. So với thời điểm đầu năm, sắn 2.500 đồng/kg thì nông dân thất thu một nửa, đó là chưa kể sắn non nhẹ ký.
Diện tích sắn nằm ven tuyến ĐT641 thuộc khu phố Long An (thị trấn La Hai) và khu vực soi Gò Cà (xã Xuân Long), gió bão làm sắn gãy đọt tróc gốc. Nông dân Bùi Văn Tấn ở xã Xuân Long đang thu hoạch sắn cho hay: Sắn ngã đổ, tôi nhổ xong rồi đẩy xe rùa vô đường lộ mới chất lên xe tải chở đến nhà máy. Vùng này sắn trồng đến nay củ còn non, khi nhổ đất lún, không có đường xe vào nên phải tăng bo.
Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, sau mưa bão, về sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh công tác thu hoạch các loại cây trồng cạn, trong đó có cây sắn. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo Phòng NN-PTNT hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc mía, sắn mới trồng và sắn non, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cuối vụ.
Nước lụt uy hiếp vùng sắn ven sông
Bão số 5 vừa qua, bờ sông Kỳ Lộ qua xã Xuân Sơn Nam đoạn từ thôn Tân An đến thôn Tân Phú và đoạn thôn Tân Hòa bị sạt lở với chiều dài 3km, khối lượng đất sạt lở khoảng 9.000m3. Diện tích bị sạt lở là vùng đất soi ven sông, nơi đó nông dân chủ yếu trồng sắn. Ông Bùi Văn Thân ở thôn Tân Hòa chia sẻ: Nhà tôi trồng 2 sào sắn ven sông Kỳ Lộ vừa rồi nước ngập, đất bị sạt lở đổ sập xuống sông, vụ sắn năm nay coi như trắng tay.
Ông Lê Mến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam cho hay: Ảnh hưởng bão số 5 vừa qua, bờ sông Kỳ Lộ chảy qua xã bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nước sông dâng cao, dòng sông tiếp tục xâm thực uy hiếp vùng đất ven sông. Địa phương kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống kè Xuân Sơn Nam để giảm thiểu xói lở đất nông nghiệp của người dân.
Sau bão số 5, trời tiếp tục mưa to, vùng trồng sắn ven sông Kỳ Lộ thuộc các xã An Định, An Dân (huyện Tuy An) cũng bị ngập lụt, sắn đang thời kỳ ra củ non nên người dân thiệt hại không nhỏ. Bà Trần Thị Hiền ở xã An Định nói: Đám sắn nhà tôi trồng ven sông Kỳ Lộ, đến nay mới 5 tháng tuổi. Sắn vừa ra củ non thì bị ngập lụt, lứa củ đó sẽ thối, phải chờ ăn lứa củ nhỏ ra sau. Sắn bị ngập như vậy, cuối vụ năng suất chắc chắn giảm nhiều so với trước đây.
Còn theo ông Trần Văn Tấn, một nông dân trồng sắn ở xã An Dân, ảnh hưởng bão, gió quật qua quật lại làm sắn lỏng gốc, giờ ngập lụt, đất lún đi ngập đến bắp chân nên không nhổ sắn được. Trước đây sau đợt lụt, trời nắng lại ráo đất, rễ sắn phát triển. Còn năm nay bão số 5 vừa tan, tiếp đến bị ảnh hưởng vùng thấp và có khả năng thành áp thấp nhiệt đới, rồi mạnh lên thành bão số 6, trời mưa to ngập lụt liên tục nên cây sắn thối rễ chết nọc.
Theo Sở NN-PTNT, đợt bão số 5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh diện tích lúa vụ mùa và cây trồng cạn ngập úng, ngã đổ 170ha; sắn bị ngập, ngã đổ hơn 150ha ở dọc sông Kỳ Lộ. “Những ngày qua, các địa phương tập trung khắc phục thiên tai sau bão như thu hoạch cây trồng cạn, tháo nước vùng đất bị ngập úng để bộ rễ cây trồng phát triển. Cùng với đó, người dân tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động các phương án đối phó khi có thiên tai lũ lụt xảy ra”, TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT nói.
MẠNH HOÀI NAM
Để phế phẩm nông nghiệp phát huy giá trị kinh tế
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Rơm, rạ, trấu, mùn bã mía… là phế phẩm nông nghiệp. Từ lâu, các phế phẩm này được nhà nông ở ĐBSCL xem là sản phẩm thừa, thường đốt bỏ hoặc vứt bừa bãi ra sông rạch hay khu dân cư. Cách làm này vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Thời gian gần đây, nhiều loại phế phẩm nông nghiệp không còn bỏ đi mà được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường...
Gặp khó với phế phẩm nông nghiệp
ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước. Hằng năm, ngoài nông sản chính thu được, trong quá trình sản xuất và chế biến cũng thải ra một lượng phế phẩm nông nghiệp rất lớn. Hiện nay, ngành chức năng vẫn chưa thể thống kê chính xác được số liệu phế phẩm nông nghiệp thải ra. Tuy nhiên, theo ước tính của các nhà chuyên môn, tổng số lượng có thể tương đương hoặc nhiều hơn so với số lượng nông sản chính mà nhà nông thu được; ước mỗi năm khoảng trên 50 triệu tấn. Đây thật sự là nguồn nguyên liệu rất phong phú, dồi dào mà từ lâu chưa được người sản xuất thật sự quan tâm.
Sử dụng rơm rạ phục vụ sản xuất nấm rơm ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: Văn Cộng
Từ lâu, đốt đồng là hình ảnh hết sức quen thuộc của bao thế hệ nông dân. Thế nhưng, việc đốt đồng ngày càng bộc lộ rõ nhiều tác động không tốt cho tài nguyên đất, nguồn nước, sức khỏe cộng đồng dân cư và cả môi trường khí hậu toàn cầu. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, đốt rơm rạ là cách làm không hiệu quả. Bởi đốt rơm, phần dinh dưỡng trả lại cho đất sẽ không còn bao nhiêu. Chẳng những vậy, cách xử lý này sẽ làm cho đất trồng bị biến chất và trở nên chai cứng, khô cằn. Mặt khác, nếu bỏ ngoài đồng hoặc trên kinh rạch sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thêm trầm trọng.
Kỹ sư Võ Quốc Trung, Trưởng Phòng Kỹ Thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đốt rơm rạ sẽ làm ô nhiễm môi trường, tăng khí CO, CO2, làm tăng phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, rơm rạ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí thì khí CH4 cũng phát thải ra nhiều hơn, tức là độc chất hữu cơ phóng thích ra nhiều hơn và nó sẽ làm cho môi trường đất, môi trường nước trở nên ô nhiễm…
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại Học Cần Thơ, chia sẻ: Nếu bà con sản xuất ra 1ha được 7 tấn lúa, thì bà con có 7 tấn rơm rạ. Trong 7 tấn rơm rạ này tôi tính ra lượng dinh dưỡng chứa trong rơm rạ nếu như chúng ta sử dụng nó để làm phân hữu cơ trả lại cho đồng ruộng, thì dinh dưỡng chứa trong đó tương đương 2 bao Urê, cộng 1 bao lân, cộng 4 bao Kali. Vậy 7 tấn rơm rạ chúng ta có 7 bao phân mình thường gọi là NPK. Như vậy, một héc-ta lúa sau khi thu hoạch nếu rơm rạ bị đốt đi là nhà nông đã lãng phí khoảng 350kg phân NPK.
Với sản lượng trên 25 triệu tấn lúa mỗi năm, sau khi xay xát, vùng châu thổ Cửu Long sẽ thải ra trên 1,5 triệu tấn trấu. Trước đây, trấu được xem là chất thải gây rất nhiều khó khăn cho các nhà máy chế biến lúa gạo. Do giá trấu thấp nên phế phẩm này thường được các doanh nghiệp đốt bỏ hoặc đổ ra sông rạch, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng.
Ở ĐBSCL, diện tích trồng mía gần 65.000ha. Với sản lượng hằng năm khoảng 5,2 triệu tấn mía nguyên liệu, mỗi năm, các nhà máy chế biến cũng thải ra hàng triệu tấn mùn, bã mía. Từ lâu việc xử lý chất thải này cũng là vấn đề nan giải cho các doanh nghiệp...
Tìm giải pháp
Việc đưa máy cuốn rơm vào hoạt động được xem là một bước tiến mới trong cơ giới hóa thu gom rơm. Nhiều nông dân cho biết, trung bình 1ha lúa sau thu hoạch sẽ thu được từ 150-160 cuộn rơm; mỗi cuộn có giá khoảng 28.000 đồng mà hiện nay vẫn không đủ bán.
Những năm gần đây, nhờ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp mà đàn trâu, bò ở các địa phương như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang không ngừng tăng nhanh; theo ước tính với tổng đàn khoảng 1 triệu con. Sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho vật nuôi không chỉ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cỏ do diện tích chăn thả bị thu hẹp, mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Mặt khác nông dân đã biết tận dụng rơm rạ để trồng nấm, nhiều nhất là nấm rơm. Ông Phan Bá Nghi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: 2 năm trở lại đây, khi có nguồn rơm nguyên liệu ổn định và nhu cầu nấm sạch trên thị trường ngày càng tăng cao, ông đã mạnh dạn đầu tư vốn liếng, công sức để xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Với phương pháp cải tiến, nấm sạch được trồng trong nhà kín và ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến từ khâu ủ, cấy meo, chăm sóc cho đến thu hoạch. Nhờ đó mà năng suất, chất lượng sản phẩm nấm không ngừng tăng cao, đáp ứng được nhu cầu khó tính của khách hàng gần xa. Bình quân mỗi năm, cơ sở trồng nấm của ông Nghi sử dụng gần 500 tấn rơm nguyên liệu để sản xuất trên 100 tấn nấm sạch thương phẩm, mang lại lợi nhuận hàng tỉ đồng. Đó là chưa kể đến hàng trăm tấn phân hữu cơ được tận dụng từ bã rơm sau khi thu hoạch nấm.
Về phụ phẩm trấu, ông Đoàn Thái Trung Phó Giám đốc Công ty XNK Lương thực - Thực phẩm Miền Tây, cho biết: Trước đây chưa có công nghệ sản xuất củi trấu thì những khó khăn như kho chứa mình phải xây cho rộng, phải đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ nữa, vì đó là những chất dễ cháy.
Trước những khó khăn đó, một số doanh nghiệp kinh doanh - chế biến lương thực đã đầu tư công nghệ xử lý trấu thành củi trấu. Giải pháp sản xuất củi trấu nén đã góp phần giúp cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về mặt bằng kho chứa và tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, các cơ sở xay xát cũng có thể sử dụng củi trấu làm nhiên liệu đốt cho lò sấy lúa nhằm tiết kiệm chi phí, hoặc bán cho các đơn vị sản xuất khác có nhu cầu sử dụng chất đốt này, vừa tăng thêm lợi nhuận vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở địa phương.
Ông Huỳnh Chí Cường, Phó Giám đốc Công ty Ân Thịnh Điền, cho biết: Tập đoàn Lộc Trời cũng đã định hướng được chiến lược hữu cơ sinh học trong tương lai. Kết hợp với nhà máy mía đường sử dụng nguồn bã bùn mía này sản xuất phân hữu cơ và đặc biệt là sản phẩm phân hữu cơ khoáng. Ưu điểm thứ nhất là để giải quyết được ô nhiễm môi trường từ nước thải, đến các mùi hôi phát ra từ bã bùn mía này. Thứ hai, sử dụng bã bùn mía làm phân hữu cơ cung cấp lại cho bà con sử dụng theo hướng canh tác nông nghiệp bền vững.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện nay nguồn than bùn; nguyên liệu chính để sản xuất phân bón hữu cơ đang ngày càng suy giảm, thì việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, mùn bã mía để sản xuất phân hữu cơ sẽ giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng, giảm phát khí thải nhà kính và đặc biệt phù với canh tác nông nghiệp trong điều kiện tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của Việt Nam rất cao, khoảng 13 triệu tấn/năm, trong khi đó công suất của các nhà máy sản xuất phân hữu cơ rất thấp, chưa đến 1 triệu tấn mỗi năm. Do đó, việc khai thác nguồn nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp được coi là hướng đi quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch hiện nay. Xử lý phế thải trong nông nghiệp vẫn là vấn đề quan tâm của các ngành chức năng và cần có nhiều nghiên cứu tiếp tục. Thế nhưng hiện nay, việc sử dụng các chất thải này một cách hợp lý được xem giải pháp hữu hiệu, không chỉ tạo thêm nhiều sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần tăng thêm chuỗi giá trị của nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
HUY HIẾU
Tận dụng nguồn thức ăn trong vườn, nuôi dê tăng thu nhập
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Tận dụng nguồn thức ăn trong vườn, hộ bà Nguyễn Thị Ánh Thùy, ở thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã đầu tư, phát triển đàn dê và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Sau thời gian chăm sóc vườn tiêu hơn 1.000 trụ đang cho thu hoạch, bà Nguyễn Thị Ánh Thùy, ở thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) nhận thấy việc cắt tỉa lá các trụ tiêu sống trong vườn có thể tận dụng để chăn nuôi dê. Tháng 6/2019, gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại với quy mô khoảng 150 m2 và mua 25 con dê giống, 31 con dê thịt về nuôi. Tất cả số giống dê này đều được gia đình bà Thùy nhập từ trại giống của Công ty bò sữa Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chuồng nuôi dê được gia đình hộ bà Thùy đầu tư bài bản
Mô hình nuôi dê hộ bà Thùy được đầu tư khá bài bản, chuồng nuôi được chia thành các khu theo các loại dê như dê thịt, dê sinh sản, dê con, dê vỗ béo… Để chủ động lượng thức ăn cho dê, gia đình còn tận dụng diện tích giữa các luống tiêu để trồng cỏ và dành khoảng 3 sào đất để trồng cỏ mật làm thức ăn cho dê. Cỏ, lá cây sau khi cắt được cho vào máy băm thức ăn để tiện cho dê ăn. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng chè, đinh lăng, cây mật gấu… để cho dê ăn định kỳ mỗi tháng nhằm phòng bệnh.
Thức ăn cho dê từ cỏ, các loại lá cây trong vườn
Bà Thùy chia sẻ, trước khi đầu tư nuôi dê, vợ chồng bà đã đi thăm quan học hỏi nhiều mô hình nuôi dê ở nhiều tỉnh khác. Qua đó, rút ra được nhiều kinh nghiệm là nuôi dê phải chú trọng đến vấn đề giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại, cách phòng chống dịch bệnh... Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, nên chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và phòng các loại bệnh cho dê là được.
Thức ăn cho dê từ cỏ, các loại lá cây trong vườn
Hằng ngày, bà Thùy cho dê ăn 3 lần vào buổi sáng, trưa và chiều, thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây. Dê là loại vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi con dê sinh sản từ 1 đến 3 con một lần sinh, mỗi năm dê sinh sản 2 đợt. Theo tính toán của bà Thùy, dê giống từ 2 - 3 tháng tuổi có cân nặng 16 - 25 kg/con là có thể xuất chuồng, giá dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg. Còn dê thịt là từ 4 - 5 tháng trở lên và có giá bán từ tầm 120.000 đồng/kg. Ngoài việc lấy thịt, phân dê còn được nhiều người sử dụng để bón cho cây trồng. Riêng gia đình bà thì phân dê được sử dụng để bón cho cây tiêu, cây ăn quả trong vườn và bón cho cỏ để làm thức ăn cho dê.
Trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho dê
Hiện đàn dê của gia đình bà Thùy có hơn 62 con, có đầu ra tương đối ổn định, có thu nhập tăng thêm vào tầm 20 triệu đồng/tháng.
Bài, ảnh: Đức Hùng
Cân nhắc kỹ khi tái đàn heo
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Hiện nay bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) đang tạm lắng, song ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tính toán kỹ khi quyết định tái đàn, vì rủi ro rất cao khi chưa kiểm soát được nguồn lây nhiễm bệnh.
Hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi tạm lắng nhưng còn diễn biến khó lường. Trong ảnh: Siết chặt quản lý đàn heo thông qua hoạt động giám sát, kiểm dịch.
Dịch bệnh tạm lắng
Đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, sau khoảng 5 tháng xảy ra ổ dịch ASF đầu tiên trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống dịch đã được sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nên hiện tại dịch bệnh đã tạm lắng nhưng vẫn chưa được khống chế và còn diễn biến khó lường.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, tính đến cuối tháng10, số lượng tiêu hủy chiếm trên 9% tổng đàn heo trong tỉnh (so với số liệu tổng đàn thống kê 1/4/2019).
Cụ thể, toàn tỉnh tiêu hủy gần 34.400 con heo nhiễm bệnh ASF, trọng lượng trên 2.000 tấn của trên 1.300 hộ thuộc 104 phường- xã. Hiện có 59 xã- phường có ổ bệnh ASF qua 30 ngày.
Kể từ khi xuất hiện ổ dịch ASF đầu tiên, ngành chuyên môn thống kê được một số trung gian lây nhiễm dịch hại chủ yếu như lây truyền qua thức ăn chăn nuôi, các lò giết mổ, các loại côn trùng, tụ điểm dân cư, nguồn nước mặt. Đặc biệt, việc cố tình giết mổ, tiêu thụ, bán chạy heo bệnh làm cho dịch bệnh phát tán nhanh.
Thống kê tiêu hủy heo bệnh ở các địa phương cho thấy các trại chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi trong chuồng hở, nuôi xen lẫn với khu dân cư, heo bị nhiễm dịch sớm, lây lan nhanh, chết nhiều. Các trại chăn nuôi khép kín, xa khu dân cư, tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn sinh học, heo ít bị chết dịch, nhiều trại không nhiễm dịch.
Theo đó, tại một số địa phương, vì lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ít hộ chăn nuôi đã “treo chuồng”, ngưng tái đàn để hạn chế rủi ro.
Đồng thời, cũng sửa chữa, nâng cấp lại chuồng trại, dần theo hướng chăn nuôi an toàn khép kín để hạn chế bệnh trên gia súc và không để bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm.
Cô Mai Thị Đồng (xã Bình Phước- Mang Thít) cho hay: “Nhờ hạn chế người ra vô chuồng, không cho heo ăn thức ăn thừa nên đàn heo của tui “tai qua nạn khỏi”, mới bán xong, cũng có lời do giá heo đang lên nhưng tôi không vội tái đàn mà sửa lại chuồng cho khép kín hơn. Khi nào thấy dịch bệnh lắng xuống mới dám nuôi tiếp”.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tái đàn heo đề phòng chống bệnh ASF, thời gian qua, Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng trong việc tái đàn vì nguồn vi rút vẫn còn lưu hành và vẫn rất có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Cẩn trọng việc tái đàn
Người chăn nuôi cần thận trọng và chắc chắn khi tái đàn heo.
Theo ngành chức năng, việc tái đàn heo được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện theo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh ASF trên địa bàn tỉnh, khi nông hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Thời điểm tái đàn sau dịch được quy định là sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh ASF, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100%.
Việc tiếp nhận heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm nằm trong vùng dịch phải là cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định.
Trước khi tiếp nhận heo, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý.
Đối với trường hợp vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm ra, vào vùng dịch trong địa bàn cấp tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF.
Trường hợp heo có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh ASF, heo phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định, đồng thời thực hiện thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển heo về địa phương.
Trường hợp không thực hiện đúng theo quy định, cơ quan thú y có quyền từ chối việc tiếp nhận heo vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long có hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo nông hộ để phòng chống bệnh ASF.
Theo đó, chuồng trại nuôi heo phải tách biệt với nhà ở và khu dân cư, nên có ô chuồng nuôi cách ly nuôi heo mới nhập hoặc heo bị bệnh, có khu vực thu gom và xử lý chất thải. Nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8- 1m) để giảm thiểu heo giữa các ô chuồng tiếp xúc nhau. Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng hoặc ô chuồng. Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín.
Heo giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Heo nhập ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch, trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Trước khi nhập, heo phải được tiêm phòng bệnh dịch tả heo cổ điển, lở mồm long móng. Chuồng đã có bệnh ASF nếu nuôi lại thì nên nuôi từ 5- 10 con khoảng hơn 1 tháng.
Thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, không bị hư hỏng, mốc. Lưu ý là không nên sử dụng thức ăn cặn, thức ăn thừa. Nguồn nước cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn. Nếu sử dụng nước giếng khoan hoặc nước sông phải có bể chứa và sát trùng nước bằng Cloramin B loại viên, mỗi viên 0,25g cho 25 lít nước. Nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho heo.
Chăm sóc nuôi dưỡng áp dụng phương thức quản lý “cùng vào- cùng ra” theo thứ tự ưu tiên dãy chuồng, ô chuồng, có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng. Có thể chăn nuôi theo hướng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học trong nước uống. Chăn nuôi an toàn sinh học cũng cần đảm bảo về vệ sinh chăn nuôi, kiểm soát người ra, vào chuồng nuôi, kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị dụng cụ chăn nuôi, xử lý chất thải và quản lý tốt dịch bệnh.
Bài, ảnh: THÀNH LONG- THẢO NGUYÊN
Hiếu Giang tổng hợp