Vụ đông 2015, Anh Sơn (Nghệ An) có 470 ha ngô đông trên đất 2 lúa. Hiện nông dân đang ra đồng thu hoạch, ước năng suất đạt 55 tạ/ha.

Nông dân Tường Sơn thu hoạch ngô đông trên đất 2 lúa.
Ngô đông trên đất 2 lúa được gieo ở Tường Sơn, Tào Sơn, Đức Sơn... Hiện nông dân đang tập trung thu hoạch. Theo ông Nguyễn Đình Đăng – Trưởng phòng nông nghiệp huyện, vụ đông năm 2015, Anh Sơn sản xuất 3.200 ha ngô trong đó 470 ha trên đất hai lúa. Năng suất ngô trên đất lúa ước đạt 55 tạ/ha. Dự kiến trong tháng 1 huyện Anh Sơn sẽ chỉ đạo bà con thu hoạch xong diện tích ngô đông trên đất lúa để chuyển sang sản xuất vụ lúa xuân.
Huyền Trang – Thái Hiền (Đài Anh Sơn)
Hiệu quả cao từ đậu tương vụ Đông
Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị
Với đặc điểm dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, cây đậu tương đã giúp người dân tăng thêm thu nhập và đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm của xã Hợp Tiến (Mỹ Đức - Hà Nội).
Không để ruộng hoang
Hợp Tiến là xã thuần nông, với 561ha diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Thu nhập của người dân chủ yếu trông vào 2 vụ lúa. Để nâng cao thu nhập, bà con đã làm thêm vụ Đông và chọn cây đậu tương là cây trồng chủ lực. Qua thực tế sản xuất nhiều năm, vụ Đông ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Việc trồng đậu tương vào vụ Đông đã góp phần tăng giá trị trên một diện tích đất canh tác và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Kiểm tra sản xuất đậu tương tại huyện Mỹ Đức.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, người dân xã Hợp Tiến hối hả cho kỳ thu hoạch vụ Đông. Vừa thoăn thoắt cắt những cây đậu tương quả sai như bện, chị Lê Thị Thoan, thôn Phú Liễn phấn khởi cho biết, đậu tương là cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc và làm đất như nhiều loại cây trồng khác: “Năm nay, thời tiết thuận nên đậu tương được mùa lắm, quả vừa sai lại chắc hạt. Nhiều hộ trong thôn trồng vài mẫu, mỗi vụ thu về vài chục triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Hà Tuyển – Chủ tịch HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, những năm gần đây, xã chọn cây đậu tương làm cây trồng chủ lực cho vụ Đông. Qua thực tế, chủ trương này đã phát huy được hiệu quả kinh tế. Do phù hợp với đồng đất nên cây đậu tương phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất trung bình 65kg/sào. Với giá trung bình bán tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 500.000 đồng/sào. Trồng đậu tương vụ Đông vừa không bỏ hoang ruộng lại cải tạo được chất đất cho những vụ sau.
Để tạo điều kiện canh tác vụ Đông thuận lợi, xã Hợp Tiến đã tiến hành phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy, tiến hành nạo vét kênh mương đề phòng ngập úng. Đồng thời, xây dựng quy trình kỹ thuật, tổ chức chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Tăng thêm thu nhập
Vụ Đông năm 2015, theo thống kê, toàn xã gieo trồng được 455,2ha đậu tương, chiếm trên 90% diện tích đất canh tác, sản lượng ước đạt hơn 900 tấn. Sản xuất đậu tương vụ Đông đã đem lại hiệu quả thiết thực và ổn định, tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Ông Tuyển cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, vụ Đông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Trạm Khuyến nông Mỹ Đức và Ban quản trị HTX Nông nghiệp Hợp Tiến triển khai trồng thí điểm mô hình đậu tương ĐT26 với diện tích 10ha. Giống đậu tương mới này cho hiệu quả kinh tế cao hơn giống đậu tương truyền thống, với năng suất trung bình đạt khoảng 75 kg/sào. Từ thành công này, mô hình sẽ được nhân rộng trong những vụ tiếp theo.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, nông dân chủ yếu bán cho các lái buôn, nên giá đậu bấp bênh, không ổn định, ảnh hưởng tới tâm lý người sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo lợi ích của người nông dân, địa phương cần tích cực tìm và ký kết đầu ra ổn định cho sản phẩm, không để tư thương ép giá. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời để Nhân dân mở rộng diện tích đậu tương. Có như vậy, cây đậu tương mới thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong vụ Đông ở Hợp Tiến.
Nguyễn Nga
Khánh Hòa: Phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm
Nguồn tin: Đài PT-TH Khánh Hòa
Chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi đối với vùng nông thôn là mục tiêu quan trọng mà Khánh Hòa đang thực hiện. Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, vừa qua, Công ty TNHH Hoàng Mai NMC đã triển khai mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại xã Diên Đồng, huyên Diên Khánh. Hiệu quả bước đầu được đánh giá là hết sức khả quan.

Ảnh: Hữu Thiện
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm được thực hiện tại xã Diên Đồng cách đây vài tháng. Sau nhiều lần vận động, học tập tham quan các mô hình tại Lâm Đồng, đến nay, cả xã có 5 hộ tham gia, với tổng diện tích trồng dâu là hơn 3 ha. Theo các hộ dân, việc tham gia mô hình này khá thuận lợi, mang lại thu nhập nhanh và ổn định. Công ty sẽ chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, con giống, đồng thời, thực hiện thu mua sản phẩm toàn bộ cho bà con nông dân. Theo đó, khoảng 15 ngày thu một lứa kén, tính ra một công lao động vừa trồng dâu vừa nuôi tằm, bà con có thu nhập 2 triệu đồng/sào/người/tháng. Một năm có thể nuôi 10 - 15 lứa.

Đây là nguồn thu khá tốt đối với bà con nông dân tại khu vực này, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng địa phương. Khi mà các loại cây xoài, mía, mỳ đang cho thu nhập rất bấp bênh. Điều kiện thời tiết, khí hậu tại Khánh Hòa rất phù hợp để phát triển mô hình này. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm và hình thành xí nghiệp để thu mua cho người dân./.
Minh Tuệ
Vị thế mới cho xuất khẩu trái cây
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 2,2 tỉ USD, tăng 47% so năm 2014, mức tăng trưởng ngoạn mục. Điều đáng mừng là nhiều loại trái cây như nhãn, vải, xoài, thanh long, bưởi da xanh... được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... ngày càng nhiều, tạo vị thế mới cho trái cây Việt Nam. Phóng viên có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, về những triển vọng của xuất khẩu trái cây.

Bưởi da xanh đang được các nước ưa chuộng.
Thưa ông, là một người công tác trên 20 năm trong ngành trái cây, ông có nhận định gì khi lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của nước ta đã vượt ngưỡng 2 tỉ USD?
- Tôi rất vui mừng về thành quả này, bởi nó tạo bước đột phá về sản xuất và xuất khẩu trái cây. Cần thấy rằng, xuất khẩu rau quả của nước ta liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua. Nếu như năm 2012, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kim ngạch 826 triệu USD thì đến năm 2014 tăng lên 1,5 tỉ USD, và năm 2015 về đích khoảng 2,2 tỉ USD. Điều này cho thấy xuất khẩu rau quả đang có bước đi khá ổn định và phát huy tốt những lợi thế mà chúng ta có. Đặc biệt, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã vào thị trường các nước khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand… từ đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Sở dĩ trái cây nước ta xuất sang các thị trường khó tính ngày càng nhiều là vì ứng dụng thành công các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất rải vụ trên cây cam, quýt đường, chôm chôm, sầu riêng, nhãn… rất hiệu quả, đã giúp cho nhiều nông dân ĐBSCL có thu nhập cao. Tôi ví dụ như cây lúa chỉ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha/năm thì cây bưởi da xanh, thanh long, sầu riêng, nhãn, quýt… mang về lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Một trong những điểm mạnh của trái cây Việt Nam là có nhiều giống ngon. Vậy chúng ta đang phát huy lợi thế này như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta có nhiều giống trái cây ngon như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, quýt đường, cam sành, thanh long đỏ, nhãn xuồng cơm vàng, vú sữa Vĩnh Kim, măng cụt, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri-6… Ngoài ra, còn có đu đủ tím, khóm Queen… cũng là những trái cây độc đáo. Trên thực tế, những năm qua ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân… đã khai thác tối đa lợi thế của các loại trái cây ngon để gia tăng xuất khẩu và đạt được những kết quả nhất định; nhờ đó người tiêu dùng trên thế giới ngày càng ưa chuộng các loại trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản hiện nay là chưa xây dựng được những vùng chuyên canh trái cây quy mô lớn, nên nhiều lúc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu dài hạn với số lượng lớn. Tôi lấy điển hình như xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh, nếu nông dân ĐBSCL có trồng bao nhiêu thì cũng không đủ xuất khẩu, bởi vì quá ngon so với các giống cùng loại của các nước lân cận.
Vì sao đến nay việc sản xuất trái cây ở ĐBSCL vẫn còn ở dạng manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn kết tốt giữa nông dân và doanh nghiệp?
- Lâu nay chúng ta đề cập đến mô hình HTX, nhưng HTX ở ta mang lại hiệu quả chưa cao như các HTX ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Việc sản xuất và lưu thông phân phối trái cây cũng chưa theo chuỗi giá trị, từ đó bị cắt khúc nhiều công đoạn. Cụ thể, nông dân bán trái cây tại vườn với giá không cao nhưng người tiêu dùng phải mua với giá quá cao, bởi phải qua quá nhiều khâu “trung gian”. Nếu chúng ta làm tốt được “chuỗi giá trị” sẽ khắc phục được việc này và cũng tránh được cảnh được mùa mất giá.
Sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ chưa nhiều. Hiện nay dù nước ta có nhiều công ty xuất khẩu trái cây nhưng lại thiếu những doanh nghiệp xuất khẩu có thương hiệu trên thế giới.
Để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì?
- Cần tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp theo tình hình mới. Chúng ta có thể học hỏi mô hình HTX ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. HTX ở Nhật Bản được nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động như xây nhà đóng gói, trụ sở làm việc, các mô hình sản xuất tiên tiến. Ngoài ra, HTX còn có siêu thị để giúp các xã viên tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, HTX sẽ lo từ đầu vào đến đầu ra cho xã viên. Cần thấy rằng, HTX là giải pháp duy nhất để phát triển vùng sản xuất lớn, chất lượng trái cây đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bởi được cán bộ quản lý chặt. Làm được việc này thiết nghĩ Nhà nước nên quy hoạch, tạo cơ chế hỗ trợ sản xuất trái cây theo mô hình HTX kiểu mới, nhằm sản xuất cùng một mặt hàng, theo cùng một quy trình.
Đối với doanh nghiệp thì Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất theo hợp đồng với nông dân. Phấn đấu trong 10 năm tới sẽ có vài thương hiệu xuất khẩu trái cây Việt Nam có tiếng, có uy tín trên thế giới. Theo tôi không nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp cùng xuất khẩu một mặt hàng, sẽ dễ dẫn tới cạnh tranh lẫn nhau, giảm giá xuất… Nên theo mô hình xây dựng một công ty đủ mạnh để lo xuất khẩu 1 hoặc 2 loại trái cây đặc sản thôi, nhưng phải làm bài bản từ tổ chức sản xuất, đến thu mua, đóng gói, xuất khẩu… giống như các công ty ở New Zealand. Trước mắt, nên bắt đầu từ những công ty xuất khẩu thanh long, xoài cát chu, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm… được vậy thì tới đây bức tranh xuất khẩu trái cây sẽ phát triển mạnh hơn, nông dân sẽ giàu lên từ chính những vườn cây đặc sản của mình.
Trong chuỗi liên kết “4 nhà” của trái cây thì Nhà nước nên giữ vai trò nhạc trưởng tích cực hơn để hình thành vùng chuyên canh lớn, từ đó đưa trái cây vào siêu thị, đẩy mạnh xuất khẩu... Nếu thiếu vai trò tích cực của Nhà nước thì khó phát triển vùng chuyên canh lớn và HTX trái cây kiểu mới cũng gặp khó…
Xin cảm ơn ông!
HƯNG TÂN thực hiện
Lào Cai: Nông dân Mường Khương thu hơn 8 tỷ đồng từ trồng quýt
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Mường Khương (Lào Cai), kết thúc vụ quýt năm 2015, nông dân huyện Mường Khương thu hoạch được 540 tấn quả, tăng 180 tấn so với năm 2014, mang lại nguồn thu 8,1 tỷ đồng.

Quýt Mường Khương được tiêu thụ ngay tại vườn.
Năm 2015, huyện Mường Khương có 45 ha quýt cho thu hoạch, tăng 15 ha so với năm 2014, năng suất trung bình đạt 120 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 540 tấn.
Diện tích quýt cho thu hoạch chủ yếu tại các xã Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ và thị trấn Mường Khương.
Với giá bán bình quân trên thị trường là 15 nghìn đồng/kg, quả quýt đã mang lại nguồn thu 8,1 tỷ đồng cho nông dân.
Đến nay, huyện Mường Khương có 217 ha quýt, khoảng 5 năm trở lại đây, cây quýt đã trở thành cây trồng chủ lực giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Khương nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
ĐỨC TOÀN
Hốt gọn băng trộm thanh long nghịch mùa
Nguồn tin: Người Lao Động
Thấy giá thanh long nghịch mùa tăng cao, 4 tên đạo chích thành lập băng trộm chuyên đột nhập vườn thanh long cắt trái, khiến không ít nhà vườn kêu trời
Sáng 7-1, ông Nguyễn Minh Châu, Bí thư xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cho biết công an và dân phòng xã này sau 1 thời gian theo dõi đã hốt trọn băng trộm 4 tên chuyên “ăn hàng thanh long” trên địa bàn xã và các xã giáp ranh của huyện
Trước đó, khi mật phục tại vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Minh (SN 1968) công an và dân phòng xã phát hiện 4 đối tượng đi trên 2 xe máy lẻn vào cắt trái nên tổ chức vây bắt.
4 đối tượng bị bắt gồm Phạm Kim Ngọc (SN 1997), Ngô Tân Dương (SN 1997), Ngô Tân Lộc (SN 1999) và Tạ Nguyễn Đức Trọng (SN 1998) cùng ngụ ấp Bào Dài, xã Thanh Phú Long cùng tang vật là 40kg thanh long ruột đỏ.
Qua làm việc, băng trộm khai nhận do thấy thanh long nghịch mùa giá tăng cao, hái trộm thanh long tại vườn lại dễ, ít bị chủ vườn phát hiện nên lên kế hoạch trộm cắp kiếm tiền xài tết.
Theo ông Minh chủ vườn, giá thanh long ruột đỏ hiện nay lên đến 65.000 đồng/kg và chỉ cần 30 phút bọn trộm có thể cắt được cả trăm kg, kiếm được bạc triệu nên chúng liều lĩnh ra tay.
H.Minh
Hậu Giang: Đa dạng trái cây “độc” ngày Tết
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện người trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang chuẩn bị nhiều sản phẩm trái cây tạo hình có kiểu dáng độc đáo, ấn tượng, ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2016 này.

Ông Nguyễn Hữu Lộc, ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang kỳ vọng vườn đu đủ vàng sẽ cho lợi nhuận cao trong đợt Tết này.
Khi thị trường “trái cây độc” chưng tết ngày càng hút hàng, đòi hỏi mỗi năm nhà vườn luôn phải tìm tòi sáng tạo ra nhiều sản phẩm tạo hình có kiểu dáng mới, mẫu mã đẹp. Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, ông Nguyễn Hữu Lộc, ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, đã mạnh dạn trồng gần 800 gốc đu đủ vàng với mong muốn làm phong phú thêm cho mâm ngũ quả ngày tết.
Tâm sự về ý tưởng trồng loại đu đủ màu vàng này, ông Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ: “Theo phong tục của người dân Việt Nam, ngày tết thì nhà nào cũng chọn trái cây để chưng cho mâm ngũ quả, một số loại không thể thiếu như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài… Năm nay tôi chọn đu đủ vàng để trồng, bởi có màu sắc bắt mắt nên tôi tin nó sẽ được chấp nhận trên thị trường tết. Ước tính vườn cây này sẽ cho khoảng 14 - 15 tấn trái vào thời điểm xuất bán nửa đầu tháng 12 âm lịch”.
Cũng theo ông Lộc, đây là loại trái chỉ dùng để chưng nên người tiêu dùng sẽ chú trọng nhiều về ngoại hình, do vậy khâu chăm sóc phải thật kỹ lưỡng để trái đu đủ được tròn trịa, bóng đẹp. Hiện, vườn cây nhà ông đang trĩu quả, vẻ bề ngoài bắt mắt với màu vàng óng đang thu hút thương lái các tỉnh khác đến tham quan, chào giá.
Việc tạo ra những sản phẩm “độc” ngày tết đã trở thành xu thế của nhiều nhà vườn trong vài năm trở lại đây. Sau quá trình trồng thử nghiệm ban đầu vài chục trái, hiện ông Võ Hồng Quốc, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Xuân, huyện Châu Thành, đang chăm sóc kỹ lưỡng 200 trái dưa hấu hồ lô sau vườn để chuẩn bị đưa ra phục vụ thị trường tết. Hiện ruộng dưa của ông đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vào khuôn tạo hình. Đây được xem là một trong những công đoạn quyết định chất lượng trái. Từ sức hút của sản phẩm này vào năm trước, ông Quốc dự đoán đây cũng là một trong những loại “hàng độc đắt khách” ở mùa tết này.
Ông Quốc tâm sự: “Các sản phẩm tạo hình luôn đòi hỏi cao ở vẻ bề ngoài, nhưng yếu tố thời tiết khoảng 10 ngày nay làm tôi rất lo ngại. Riêng dưa hấu hồ lô này rủi ro cao hơn bưởi và đào tiên hồ lô, bởi thời tiết oi bức như lúc này nếu chăm bón không kỹ, dưa thiếu nước thì trái rất dễ nứt, chưa kể bị héo dây hay sâu bệnh tấn công. Một khi chất lượng trái bị ảnh hưởng sẽ cho ra sản phẩm không như ý dẫn đến thất thu”.
Giống như ông Quốc và ông Lộc, những ngày này, ông Võ Trung Thành cùng với những thành viên trong Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, cũng đang tất bật chăm sóc cho khoảng 10.000 trái bưởi có hình hồ lô tài lộc, tài lộc lửng, bàn tay phật. Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc trên, năm nay, ông Thành chọn thử nghiệm khoảng 1.000 trái bưởi hồ lô cho vào khuôn tạo hình bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kết quả cho tỷ lệ đạt khoảng 40%. Hiện, bưởi hồ lô tạo hình bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang vang danh trên thị trường và có giá bán khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/trái. Sản phẩm trái cây nghệ thuật này được du khách trân trọng và đặt cho cái tên khác là “bưởi chủ quyền”.
Chia sẻ về ý tưởng mới, ông Thành cho biết: “Tôi luôn trăn trở việc làm thế nào để mẫu mã ngày càng đa dạng hơn mà phải mang tính nghệ thuật cao, đồng thời có dấu ấn riêng. Khi sản phẩm đến tay khách hàng trong và ngoài nước thì chỉ cần nhìn vào trái bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là người ta nghĩ ngay đến Việt Nam, biển đảo Việt Nam và niềm tự hào về dải đất hình chữ S trù phú, giàu sản vật”.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, cho hay: “Đến giờ này, nhà vườn trên địa bàn huyện đã sẵn sàng phục vụ thị trường trái cây tết nói chung và thị trường “trái cây tạo hình” nói riêng. Về chất lượng hàng hóa, tôi đánh giá là đạt về mẫu mã, phong phú về kiểu dáng. Hiện các sản phẩm bưởi tạo hình trong huyện đã được các điểm thu mua ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tìm đến ký kết hợp đồng thu mua”.
Vùng đất Châu Thành được xem là “vựa trái cây” lớn của tỉnh, những năm gần đây, nhà vườn trong huyện luôn sáng tạo ra nhiều sản phẩm trái cây tạo hình độc đáo như: đào tiên hồ lô, bưởi hồ lô, bưởi bàn tay phật, bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… những sản vật này không chỉ vang danh ở thị trường trong khu vực ĐBSCL mà còn nổi tiếng khắp cả nước. Từ việc đa dạng nhiều loại trái cây có hình dáng “độc” như trên của các nhà vườn, người tiêu dùng đã có thêm nhiều mặt hàng chưng tết phong phú và cũng có thể làm những món quà biếu tặng thật ý nghĩa trong những ngày tết đến xuân về...
NGUYỄN HẰNG