TP.Cần Thơ: Nông dân Ô Môn tích cực gieo trồng cây mè trên chân ruộng lúa
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2015 - 2016, nông dân tại các phường trên địa bàn quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) đã và đang tích cực phát triển gieo trồng cây mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu 2016.
Nông dân tại phường Long Hưng gia cố lại bờ ruộng để thuận tiện cho chăm sóc, tưới nước ruộng mè.
Theo Phòng Kinh tế quận Ô Môn, tính đến những ngày đầu tháng 3-2016, nông dân tại các phường trên địa bàn quận Ô Môn đã xuống gieo trồng được gần 2.000ha mè trên chân ruộng lúa. Vụ hè thu năm 2016 quận có kế hoạch gieo trồng 2.650ha mè trên chân ruộng lúa, tăng hơn 30ha so với năm trước. Thời gian qua, trồng mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu đã khẳng định hiệu quả, giúp nhiều nông dân có thu nhập cao gấp đôi so với sản xuất lúa nên nông dân tại nhiều phường trên địa bàn quận, nhất là phường Thới Long và Long Hưng, tích cực phát triển trồng mè. Đặc biệt, năm nay tình hình nắng hạn được dự báo sẽ diễn biến gay gắt hơn mọi năm nên nhiều nông dân cũng quan tâm chuyển đổi lúa sang trồng mè trong vụ này để tiết kiệm chi phí nước tưới.
Văn Công
Phù Mỹ (Bình Định): Dưa leo được mùa, được giá
Nguồn tin: Báo Bình Định
Về các xã Mỹ Châu, Mỹ Trinh, Mỹ Phong… của huyện Phù Mỹ (Bình Định) trong những ngày này, chúng tôi vui cùng niềm vui của bà con nông dân trồng dưa leo. Ðang thời điểm thu hoạch, cứ thống nhất giá xong là thương lái hái, cân, thanh toán tại chỗ với giá cao. Nụ cười cứ tươi rói trên môi cả người mua lẫn người bán.
Anh Trung thu hoạch dưa leo. Ảnh: XUÂN LỘC
Vừa hái bán xong mấy luống dưa leo cuối cùng, vợ chồng anh Nguyễn Công Minh, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, phấn khởi bộc bạch: “Nhà trồng 1 sào dưa trên đất gò từ đầu tháng Chạp, sau 1 tháng 10 ngày đã hái bán lứa đầu tiên. Thu hoạch liên tục được 20 ngày rồi, bán cho thương lái, thu về gần 14 triệu đồng. Giá dưa leo vụ này cao lắm, có lúc bán được đến 18.000 đồng/kg, thấp nhất cũng 6.000 đồng/kg; vụ này năm ngoái chỉ bình quân 2.000 - 3.000 đồng/kg. Chi phí tất cả không quá 2 triệu đồng/sào, lãi hơn 10 triệu đồng là cái chắc”.
Cũng tại Trà Lương, chúng tôi gặp vợ chồng anh Võ Đình Trung đang hái dưa leo cho thương lái đã hẹn đầu giờ chiều đến cân. Anh Trung cười tươi: “Trúng đậm rồi chú ơi. 10 ngày rồi, cứ mỗi ngày thu về 1 triệu, là chục triệu rồi đó, mà dưa leo vẫn còn xanh mướt tận lá chân. Nếu giá ổn như từ Tết đến giờ thì 1 sào cầm chắc 20 triệu. Mấy năm trước được mùa thì mất giá; năm nay mừng quá, dưa leo vừa được mùa lại được giá cao. Gần một tháng nay, thương lái đổ xô mua cân ngay tại ruộng dưa. Nhà tui bán bình quân 12.000 - 15.000 đồng/kg. Nghĩ lại mấy năm trước, có khi giá chỉ 500 - 700 đồng/kg dưa leo, bán không hết, bỏ cho bò ăn. Còn bây giờ, cầm tiền trong tay rồi mà cứ tưởng trong mơ vậy. Thu hoạch xong, tui tiếp tục trồng dưa leo vụ Hè Thu, chứ không trồng ớt như mọi năm”.
Còn ở xã Mỹ Châu, đất này đã từ lâu nổi tiếng trồng đậu phụng với diện tích nhiều nhất huyện, nhưng bây giờ cây đậu phụng đã nhường chỗ cho mùa dưa leo trúng đậm chưa từng có. Ông Phạm Bính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Châu, cho biết: Mừng thiệt, vụ dưa leo Đông Xuân này bà con trong xã trồng 7 - 8 ha, hầu hết chuyển từ đất đậu phụng, đất lúa chân cao thiếu nước, năng suất bấp bênh. Hàng trăm hộ thu trên dưới 20 triệu đồng/sào dưa leo. Một số hộ trồng 5 - 6 sào dưa leo trở lên, như hộ ông Đặng Văn Hạnh, ở thôn Quang Nghiễm, hộ ông Đặng Văn Thành, ở thôn Vạn Lương đã thu lãi hàng trăm triệu đồng...
“Thấy người trồng dưa phấn khởi mình cũng phấn khởi theo. Dưa leo mua ở đây đưa đi tiêu thụ phần lớn ở các tỉnh miền Bắc. Họ mua giá cao, thì tụi em mua của bà con nông dân với giá cao, có thời điểm giá lên tới 16.000 - 18.000 đồng/kg, kéo dài suốt cả tuần; còn bình quân 12.000 - 13.000 đồng/kg”- chị Thu Hà, một trong những thương lái lớn ở Mỹ Phong, chuyên mua gom dưa leo ở các vùng dưa trọng điểm trong huyện, cho biết như vậy.
XUÂN LỘC
Diệt bèo bằng thuốc, nguy cơ ô nhiễm đất
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Bèo lục bình xâm lấn vào nội đồng, gây khó khăn, tốn kinh phí xử lý khi nông dân sản xuất vụ đông xuân. Để diệt thực vật ngoại lai gây hại này, một số địa phương ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dùng thuốc cháy, chất khai hoang bơm thẳng vào ruộng gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước…
Bèo vẫn ken dày, chất ứ trên nhiều xứ đồng, ruộng bỏ hoang
Sản xuất khó khăn
Vụ đông xuân năm nay, huyện Quảng Điền đưa vào sản xuất gần 4.300 ha lúa. Do năm nay không có lũ nên bèo lục bình “án ngự” trên nhiều đồng ruộng, kênh hói.
Tại hai HTX NN Thống Nhất và Tam Giang (xã Quảng Thái), vụ đông xuân năm nay đưa vào gieo cấy 345 ha lúa thì có đến 50 ha bị bèo lục bình tấn công vào trong đồng ruộng, gây khó khăn cho sản xuất. Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX NN Thống Nhất cho biết: “Bước vào mùa vụ, ngay khâu làm đất, bà con xã viên cũng như HTX đau đầu vì bèo lục bình có mặt khắp mọi nơi, ken dày trên ruộng. 1 sào bèo vớt lên cả 10 tấn, chở đầy xe tải”.
Bèo nhiều còn do phía đập Cửa Lác nò sáo dày đặc ngăn không cho bèo thoát đi nơi khác nên chúng sinh sôi trên ruộng đồng. Toàn HTX Thống Nhất có 35 ha ruộng ở các thôn Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng bị bèo chen kín. HTX đã bỏ kinh phí 30%, còn lại các xã viên huy động ngày công, máy cắt, thuốc để diệt bèo.
Xử lý bèo lục bình bằng thuốc diệt cỏ, chất khai hoang, gây nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước
Theo tính toán của nông dân, các xứ đồng ở Quảng Thái đa số là ruộng ngập nước, gần đầm phá nên năng suất thấp, chỉ đạt 2 - 2,2 tạ/sào. Trong khi đó, để xử lý một sào bèo nhật bản phải mất 500 nghìn đồng (1 tạ thóc) chi phí thuê máy cắt, bơm thuốc diệt, cày lật lấp bèo.
Ông Hồ Thiệm (thôn Đông Hồ), một nông dân cho biết: “Tui làm 10 sào lúa, từ khi khâu làm đất đã tốn chi phí máy cắt 60 nghìn đồng/sào, 100 nghìn đồng tiền thuốc, 300 nghìn đồng tiền cày để diệt bèo. Vào đầu vụ chi phí đã chừng ấy, cộng thêm tiền thuốc, phân, giống thì nông dân cầm chắc… lỗ. Biết lỗ nhưng cũng phải làm, bởi không xử lý bèo không chỉ bỏ hoang ruộng vụ này mà vụ sau cũng không sản xuất được”.
Tại HTX Tam Giang, năm nay đưa vào sản xuất 230 ha thì có 15 ha ruộng bị bèo phủ kín ở hai thôn Trung Làng và Tây Hoàng. Dù đã huy động nhân lực cùng kinh phí mấy chục triệu đồng, nhưng đến nay vẫn còn 1,5 ha ở xứ đồng Trung Làng bỏ hoang do bèo chen kín.
Tương tự, tại HTX Tín Lợi (xã Quảng Lợi) cũng có 60 ha ruộng bị bèo xâm lấn, địa phương phải tốn mấy chục triệu đồng diệt bèo mới tiến hành khâu làm đất, sản xuất được.
Nguy cơ ô nhiễm
Bèo dày đặc và hầu hết các diện tích đều nằm xa cầu cống, bờ phá, không thể dùng biện pháp thủ công, lợi dụng thủy triều lên đẩy bèo ra ngoài ruộng, các hộ dân phải sử dụng thuốc cháy, chất khai hoang diệt bèo.
Ông Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX NN Thống Nhất thừa nhận: “Có 15 ha bà con xã viên HTX phải sử dụng thuốc diệt cỏ pha với nồng độ cao để bơm sau khi đã dùng máy cắt. Mỗi sào phải tiến hành bơm hai lần mới diệt hết bèo. Cá biệt, có hộ sử dụng thuốc khai hoang. HTX luôn khuyến cáo bà con không được sử dụng loại thuốc này trong sản xuất”.
Theo các hộ dân, những loại thuốc bà con mua sử dụng diệt cỏ được bán ở các đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Thông thường, hằng năm khi bước vào vụ mới, bà con bơm thuốc diệt cỏ trên các triền đê, ô dường để vệ sinh đồng ruộng, thuận lợi sản xuất. Năm nay, do bèo sinh sôi, các biện pháp diệt thủ công không hiệu quả nên buộc người dân phải bơm thuốc thẳng vào ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước rất lớn.
“Đối với diện tích dùng thuốc diệt cỏ, chất khai hoang, phải bơm từ khâu làm đất trước 15 - 20 ngày trước khi xuống giống. Nếu không, cây lúa sẽ chết, có lên được thì cũng quăn lá”, ông Hai thận trọng cho biết.
Ông Phan Nông, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay: “Trước đây chúng tôi có thử nghiệm một số loại thuốc diệt bèo trên diện tích nhỏ nhưng không hiệu quả nên khuyến cáo đến bà con sau khi cắt, cày lật thì sử dụng vôi diệt bèo. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số bà con sử dụng thuốc cháy, chất khai hoang hàm lượng lớn để diệt bèo ảnh hưởng đến chất đất, nguồn nước”.
Hiện, trên địa bàn xã Quảng Thái vẫn còn khoảng 250 ha diện tích đầm phá của hai chi hội nghề cá Trung Làng và Lai Hà bị bèo phủ kín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Các HTX như Tam Giang, Tín Lợi bà con nông dân cũng sử dụng thuốc diệt cỏ, bơm với nồng độ cao. Bởi, theo nhiều hộ dân, đây là biện pháp duy nhất “tận diệt” được bèo.
Ông Phạm Minh Tư - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Điền cho biết: “Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu rõ về mặt tiêu cực của các loại thuốc Bảo vệ thực vật, trong đó có việc hạn chế việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ trên đồng ruộng. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay bèo xuất hiện nhiều nên việc bà con sử dụng các loại thuốc diệt cỏ với nồng độ lớn, lâu dài làm ô nhiễm đất, ảnh hưởng nguồn nước là khó tránh khỏi”.
Nguyễn Khánh
Hậu Giang: Trồng ớt thu nhập 20 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện cây ớt đang là cây trồng được một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chọn trồng nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thực tế, tại một số chợ huyện trong tỉnh, ớt chỉ thiên, ớt sừng vàng được bán dao động từ 15.000 - 40.000 đồng/kg, tùy loại. Còn các thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 6.000 - 20.000 đồng/kg, giảm vài ngàn đồng/kg, so với thời gian trước tết. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân trồng ớt ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, đặc tính cây ớt dễ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật thì năng suất rất tốt và cây cho thu hoạch trái kéo dài nên sau khi trừ chi phí sản xuất sẽ thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/công.
CHÍ CÔNG
Lâm Đồng: 100% diện tích rau, dâu tây VietGAP không sử dụng thuốc ngoài danh mục
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, dâu tây đến hết năm 2016. Theo đó, Chi cục thông qua kế hoạch thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất từ 1 - 2 lần về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, thực hiện thời gian cách ly của thuốc, dư lượng thuốc trên sản phẩm, thu gom và tiêu hủy bao bì; đảm bảo 100% tổ chức, cá nhân sản xuất rau, dâu tây theo tiêu chuẩn VietGAP không sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng; chỉ sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4) có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; 100% lô hàng sản xuất tại cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn được lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa đi tiêu thụ.
Được biết, trong năm 2015, Chi cục Bảo vệ thực vật đã lấy phân tích 600 mẫu rau trên 600 lô hàng (hơn 336 tấn) và 80 mẫu dâu tây trên 80 lô hàng (hơn 6,8 tấn) tại các cơ sở sản xuất theo VietGAP, kết quả đều trong giới hạn an toàn.
VŨ VĂN
An Giang: Mô hình công nghệ sinh thái kết hợp “1 phải, 5 giảm”
Nguồn tin: Báo An Giang
Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) Châu Phú (An Giang) đang triển khai mô hình công nghệ sinh thái kết hợp “1 phải, 5 giảm”. Đây là bước đi tiên phong, mở ra hướng ứng dụng mới, giúp nông dân thuận lợi và đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện “1 phải, 5 giảm”.
Xu hướng tiết kiệm chi phí sản xuất đang được nông dân quan tâm, nhất là trong điều kiện giá lúa biến động liên tục những năm gần đây. Nắm bắt được nhu cầu của nông dân, Chi cục BVTV tỉnh đã triển khai mô hình “1 phải, 5 giảm” ở huyện Châu Phú và Tịnh Biên. Qua khảo sát, những mô hình này đang thu được nhiều kết quả khả quan, giúp nông dân giảm được chi phí phân bón, thuốc BVTV, lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Trên địa bàn huyện Châu Phú, ngoài việc ứng dụng mô hình “1 phải 5 giảm”, Trạm BVTV huyện còn thực hiện kết hợp thêm việc ứng dụng công nghệ sinh thái. Trưởng trạm BVTV Châu Phú Hồ Đăng Long giải thích: “Thực tế, đây là sự kết hợp giữa mô hình “1 phải, 5 giảm” và “ruộng lúa bờ hoa”. Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” đã trở nên quen thuộc với nông dân và khi ứng dụng sẽ giúp họ dễ dàng giảm sử dụng thuốc BVTV. Với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), mô hình đang cho thấy những hiệu quả bước đầu”.
Tham quan mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái
Mô hình được ứng dụng trên ruộng của ông Nguyễn Văn Mén (ngụ xã Bình Long), với diện tích 12.000m2. Không khó để nhận biết ruộng của ông Mén bởi những hàng dài hoa sao nháy và hướng dương, hoa cúc đang khoe sắc. Ông Mén chia sẻ: “Qua việc ứng dụng mô hình, tôi thấy lúa vẫn phát triển tốt khi hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Được cán bộ Trạm BVTV huyện hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn áp dụng, mà không ngần ngại. Xem báo, đài thấy nhiều nơi đã thành công với 2 mô hình này nên tôi cũng muốn học hỏi theo”. Hiện, ông Mén đã thực hiện đúng theo quy trình là đảm bảo lúa hơn 40 ngày tuổi mới phun thuốc BVTV.
Giải thích lý do của việc kết hợp 2 mô hình trên, ông Hồ Đăng Long cho biết: “Hoa trồng trên bờ ruộng sẽ thu hút một số loại thiên địch như: Ong ký sinh trên sâu rầy, một số loại nhện, bọ rùa... Những sinh vật này sẽ tiêu diệt sâu rầy, khi đó người nông dân không cần tốn chi phí cho việc phun thuốc BVTV. Mặt khác, mô hình này sẽ bảo vệ sức khỏe người nông dân, thân thiện với môi trường, đó là lý do chúng tôi gọi đây là công nghệ sinh thái”.
Hiện nay, ông Mén đang sử dụng giống lúa OM.4218 xác nhận. Đến thời điểm hiện tại, ông Mén đã tiết kiệm được chi phí sản xuất khoảng 200.000 đồng/công bởi các khoản giống, thuốc BVTV đều đã giảm. Nếu ứng dụng tốt mô hình, ông Mén có thể giảm thêm chi phí bón phân hóa học, giảm thất thoát sau khi thu hoạch và đảm bảo lợi nhuận cao khi mùa vụ kết thúc. Trước đây, ông Mén cứ thấy có sâu rầy là mang bình đi phun thuốc, bất kể mật độ nhiều hay ít. Hiện nay, ông tuân thủ khá nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật là chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mật độ sâu rầy vượt trên ngưỡng an toàn. Là người trực tiếp tham quan ruộng của ông Mén, anh Nguyễn Văn Dũng, nông dân cùng xã, thật tình: “Thấy mô hình cũng hay nhưng tôi phải đợi xem kết quả vào cuối vụ lúa này. Nếu ông Mén có thể tăng lợi nhuận thì chắc chắc tôi và nhiều nông dân khác sẽ làm theo. Với giá lúa như hiện nay, chỉ có giảm chi phí mới mong đảm bảo lợi nhuận”.
Mô hình “1 phải, 5 giảm” đã cho thấy tác dụng tích cực trong việc giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mô hình này kết hợp công nghệ sinh thái bước đầu sản xuất lúa “sạch”, đảm bảo sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. “Sau khi thí điểm mô hình trên phần ruộng của ông Mén, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục ứng dụng “1 phải, 5 giảm” và công nghệ sinh thái. Hiện nay, mô hình đang được nhiều nông dân quan tâm, mong rằng trong tương lai, bà con sẽ còn “mặn” hơn nữa bởi những lợi ích thiết thực do “1 phải, 5 giảm” mang lại” - ông Long kỳ vọng.
THANH TIẾN
Hiệu quả từ mô hình cây gối vụ
Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị
Việc trồng su su gối với một vụ mướp đã trở thành một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Tự Nhiên (Thường Tín - Hà Nội).
Tăng thu nhập
Tự Nhiên là vùng sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm nổi tiếng như chuối, cam, quýt, mướp, su su… Với tổng diện tích đất nông nghiệp 250ha, hàng năm xã cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn rau, quả các loại, trong đó su su và mướp chiếm phần lớn. Su su bén duyên với đồng đất Tự Nhiên khoảng hơn 10 năm nay. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng, sau thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác, nâng tổng diện tích trồng su su của toàn xã lên 50ha. Để giảm bớt công cải tạo giàn cho những vụ sau và thuận tiện cho quá trình chăm sóc cũng như thu hoạch, người dân đã đầu tư làm hệ thống giàn kiên cố bằng cột bê tông, ống tuýp nước và dây thép.
Anh Nguyễn Văn Kha trong vườn su su của gia đình.
Bên vườn su su xanh mướt sai trĩu quả, anh Nguyễn Văn Kha, đội 10, xã Tự Nhiên chia sẻ, với giá bán trung bình hiện nay từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, mỗi vụ người dân có thể thu được 10 triệu đồng/sào.
Ngoài ra, để tận dụng tối đa diện tích đất, cũng như không bỏ phí thời gian để trống giàn, bà con nông dân đã đưa cây mướp hương vào trồng xen canh gối vụ. Việc xen canh đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2 lần trên cùng một diện tích canh tác. Theo đó, từ đầu tháng 3, người dân sẽ trồng mướp luồn dưới, để đến cuối tháng 3 khi hết vụ su su thì cây mướp cũng kịp leo lên giàn. Nếu được chăm sóc tốt, mỗi vụ cây mướp có thể đạt năng suất 2 tấn/sào, với giá bán bình quân từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi sào cho thu lãi trên 10 triệu đồng. Cộng cả năm, mô hình su su gối vụ mướp của bà con nông dân có thể thu lãi trên 20 triệu đồng/sào. Cùng với su su, cây mướp đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Hướng đến sản phẩm an toàn
Ông Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tự Nhiên cho biết: Nhờ việc nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại cây trồng mới vào sản xuất, những năm gần đây, đời sống của người dân xã Tự Nhiên được cải thiện đáng kể. Việc đưa cây su su vào trồng gối vụ với cây mướp hương thực sự đã mở ra hướng đi mới cho ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, việc trồng và mở rộng diện tích canh tác của người dân vẫn mang tính tự phát, khiến cho diện tích một số loại rau màu, hoa quả ở địa phương vài năm gần đây tăng đột biến. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ phụ thuộc lớn vào thị trường, mà nhu cầu và giá cả thị trường luôn không ổn đinh. Hiện nay, chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chủ yếu người dân phải bán cho các lái buôn, vì vậy thường bị lái buôn ép giá. Vào những lúc chính vụ, su su ra quả rộ, một cân chỉ bán được từ 1.000 – 2.000 đồng, nhưng người dân vẫn phải ngậm ngùi bán đổ bán tháo.
Để mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Đồng thời, cần đầu tư, xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, để từ đó nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân.
Nguyễn Nga
Trắng tay vì trồng ớt
Nguồn tin: Người Lao Động
Những ngày qua, nhiều người dân tại các xã Tường Sơn, Hội Sơn, Long Sơn, Đức Sơn và Vĩnh Sơn ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An rất bức xúc vì đã thu hoạch ớt nhưng không thấy thương lái đến mua. Gặp thời tiết bất lợi, ớt sau khi thu hoạch đã nhanh chóng hư hỏng, nhiều người lâm cảnh trắng tay.
Tổng diện tích ớt được trồng ở những địa phương nêu trên khoảng 30 ha. Theo người dân, Công ty CP Nông nghiệp và Xuất khẩu nông - lâm sản Thanh Hóa là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhưng đợt thu hoạch vừa qua lại không mua ớt của họ.
Doanh nghiệp không thu mua, nông dân ở huyện Anh Sơn, tỉnh Thanh Hóa chặt bỏ ớt đang kỳ thu hoạch
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, cho biết do Công ty CP Nông nghiệp và Xuất khẩu nông - lâm sản Thanh Hóa không mua ớt của người dân nên UBND xã đã tìm một DN khác ở Hà Tĩnh. Tuy vậy, trong 100 tấn ớt vừa thu hoạch chỉ bán được 20 tấn, do bị hư hỏng và không đạt chất lượng.
Trong khi đó, ông Đoàn Công Nhạc, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp và Xuất khẩu nông - lâm sản Thanh Hóa, lại cho rằng công ty không mua ớt là do UBND xã Hoa Sơn tự ý hủy hợp đồng trước. “Chúng tôi đầu tư giống, thuốc trừ sâu, quy trình kỹ thuật cho nông dân Hoa Sơn nhưng UBND xã lại bán sản phẩm cho đơn vị khác. Họ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước. Doanh nghiệp thu mua chỉ chọn loại tốt nên sản phẩm tồn đọng nhiều” - ông Nhạc giải thích.
Hiện nay, Công ty CP Nông nghiệp và Xuất khẩu nông - lâm sản Thanh Hóa còn nợ người dân trồng ớt ở huyện Anh Sơn gần 350 triệu đồng. Lãnh đạo công ty cho biết khi nào bán được sản phẩm mới trả số nợ này.
Đ.Ngọc
Thái Hòa (Nghệ An): Quýt ngọt PQ1 để rụng gốc vì ít người mua
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Với sự hỗ trợ từ UBND thị xã Thái Hòa (Nghệ An), việc trồng cây có múi, nhất là trồng quýt PQ1 được người dân xã Nghĩa Tiến mạnh dạn đầu tư. Đến nay, đã là vụ thứ 2 người trồng quýt ở đây có thu hoạch tuy nhiên năm nay, quýt PQ1 rất khó bán, nhiều vườn quýt để rụng.
Quýt rụng ở vườn nhà ông Hồ Đức Văn, xóm 4 Nghĩa Tiến.
Thời điểm này, gia đình ông Hồ Đức Văn, xóm 4, xã Nghĩa Tiến còn đến hơn nửa diện tích vẫn chưa thể thu hoạch do thương lái không mua. Nếu như vụ trước, 1 kg quýt có giá 20.000 đồng thì ở vụ này 1kg chỉ còn 10.000 đồng nhưng ít người tìm mua. Như vậy, sau khi trừ chi phí người trồng phải chịu lỗ.
Vườn quýt với gần 400 gốc PQ1 của gia đình bà Hồ Thị Thanh cũng đang trong tình cảnh tương tự. Dù đã rất nỗ lực tìm đầu ra nhưng ngoài một số gốc đã được thu hái vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi thì cho đến nay phần lớn các cây trong vườn vẫn sai trĩu quả.
Nghĩa Tiến là địa phương có diện tích đất phù hợp với các loại cây có múi lớn. Bởi vậy, những năm gần đây cùng với sự quan tâm của các cấp, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Riêng với giống quýt PQ1, ngoài 2 ha do UBND thị xã Thái Hòa triển khai thì đến nay các hộ trong dân đã trồng được trên 7ha. Thị trường quýt ngày càng dồi dào nên đây cũng là yếu tố khiến đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn. Bên cạnh đó, màu sắc của quýt PQ1 không bắt mắt chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Thu Trang – Hoàng Long (Đài Thái Hòa)
Ổi tăng giá
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Nhà vườn trồng ổi Đài Loan ở các xã: Mỹ Hiệp, Mỹ Long, Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật chăm sóc và thu hoạch ổi, bán tại chỗ cho thương lái với giá từ 4 - 5 ngàn đồng/kg, tăng gấp 5 lần so với cách đây 2 tháng.
Anh Nguyễn Hữu Cường ở ấp 4, xã Mỹ Long cho biết, anh đang thu hoạch 6 công ổi Đài Loan, năng suất đạt trên 4 tấn trái, hiện thương lái thu mua tại vườn với giá 5 ngàn đồng/kg, thu lãi từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Theo anh Cường, gần 3 tháng trước, giá ổi chỉ 1 ngàn đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến mua nên nhiều hộ bỏ vườn, không xử lý cho ra trái, thời điểm này thị trường Hà Nội có nhu cầu rất lớn, nên dẫn đến hút hàng, ổi tăng giá trở lại”.
Hiện trên địa bàn huyện Cao Lãnh có trên 230ha trồng ổi, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã ven Quốc lộ 30, sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm trên 7.500 tấn.
Thành Sơn
Hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa cây măng cụt
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ vừa thực hiện thành công đề tài “Hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa cây măng cụt tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang”. Đề tài được thực hiện tại thị trấn Rạch Gòi. Qua 12 tháng, đề tài đã hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa măng cụt trong vụ nghịch đạt năng suất và chất lượng cao theo hướng an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Các biện pháp thực hiện là phủ liếp bằng nylon; xử lý hóa chất paclobutrazol, thiourea giúp tăng tỷ lệ ra hoa vụ sớm đạt khoảng 25 - 40%, năng suất trung bình đạt 20 - 30 kg/cây. Ngoài ra, chủ nhiệm đề tài còn đưa ra một số kỹ thuật chăm sóc măng cụt như tỉa cành, tạo tán sau khi thu hoạch, kích thích ra đọt, ra hoa, hạn chế xì mủ và múi trong.
Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện, kết quả nghiên cứu đề tài sẽ là cơ sở để nhà vườn trong và ngoài huyện học tập, tiếp tục đầu tư, phát triển cây măng cụt, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Đề tài được nghiệm thu loại khá.
TRÚC LINH