Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 10 năm 2019

Tái cơ cấu nông nghiệp cần liên tục và ‘thức thời’ hơn

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Nếu tái cơ cấu nông nghiệp chỉ giải quyết các vướng mắc của chúng ta mà chậm với các yêu cầu của thời đại về công nghệ, thị trường… thì rất phiến diện và sẽ không thành công.

Nuôi cá sạch tại Tuyên Quang giúp người dân phát triển kinh tế - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến tháng 10/2019, đã có 4.554 xã (51,16%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, quá nửa khu vực nông thôn Việt Nam đã là NTM (tính theo số xã đạt chuẩn), mặt bằng bình quân nông thôn cả nước đã đạt 80,3% chuẩn NTM (tính theo số tiêu chí/xã 15,32/19). Xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo cần cách tiếp cận và mục tiêu như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của nông dân và nông nghiệp?

Đây là câu hỏi được đặt ra và thảo luận tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng NTM” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5/10.

Tốc độ phát triển nông thôn còn chậm

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, bên cạnh 2 mục tiêu cơ bản là số xã đạt chuẩn NTM và số tiêu chí NTM bình quân một xã đã vượt kế hoạch năm 2020 từ tháng 6/2019 thì kết quả xây dựng NTM cũng có rất nhiều điểm sáng. Tuy vậy, theo Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM (Bộ NN&PTNT) giai đoạn 2010 – 2020 vẫn tồn tại một số hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối với đô thị. Chiến lược phát triển bao trùm, trong đó có chiến lược đô thị hóa gắn với xây dựng NTM chưa được thể chế hóa. Vì thế, chưa thể khắc phục tình trạng gia tăng ngăn cách, chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, liên kết vùng, khu kinh tế động lực, với đô thị hóa và toàn cầu hóa. Kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng kinh tế tổng hợp, kết nối với kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, chưa đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất còn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa cao. Giá trị gia tăng còn thấp, chất lượng và thương hiệu nông sản chưa tương xứng với vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu. Chương trình OCOP mới chỉ bắt đầu và tạo động lực chủ yếu cho dòng sản phẩm chủ lực cấp địa phương.

Ngành nông nghiệp vẫn còn chậm chạp trong phát triển kinh tế hộ chuyển dịch lên quy mô lớn, trang trại, doanh nghiệp. Phần lớn hộ nông dân (trên 70%) có quy mô sử dụng đất nông nghiệp dưới 2 ha. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cản trở quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tuy tăng nhanh, nhưng còn rất ít, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực thấp. Chủ thể chính ở nông thôn vẫn là nông dân, phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ có một số ít có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Công nghiệp chế biến chưa đủ đa quy mô công suất, đa tầng công nghệ, hoặc chưa đủ linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nguồn cung lớn, thay đổi theo mùa vụ, nhiều bất thường của sản xuất nông nghiệp. Công tác thị trường còn yếu, kém. Hạ tầng logistic chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện nghiên cứu thể chế nông nghiệp, thu nhập và đời sống người dân cải thiện còn chậm, chưa đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa. Phân hóa nông thôn, chênh lệch thu nhập ở nông thôn tiến triển mạnh.

“Nông thôn đã phát triển nhưng tốc độ phát triển của thành thị còn mạnh mẽ hơn. Chúng ta từng nghĩ nâng cao học vấn khu vực nông thôn sẽ cải thiện đời sống khu vực này nhưng thực tế những người càng học cao đa số lại tìm cách lập nghiệp ở thành thị, vì vậy, vẫn chưa thực sự rút ngắn được khoảng cách nông thôn và thành thị. Cơ hội dành cho những người dân nông thôn vì thế cũng không thể nhiều như ở thành thị”, TS. Đặng Kim Sơn nhận định.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cần xác định chủ thể và động lực phát triển thức thời

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Xây dựng NTM trong giai đoạn tới có vai trò tích cực, tác động mạnh mẽ hơn lên xu thế phát triển nông nghiệp. Thông qua thúc đẩy tái cơ cấu ngành, tạo điều kiện phát triển sản xuất theo chiều sâu, đảm bảo sinh kế và thu nhập của người dân. Xây dựng NTM sẽ tiếp tục tác động tích cực đến biến đổi toàn diện làng xã, nông thôn Việt Nam, cả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cấu trúc dân cư, chuyển dịch lao động, kiến trúc, cảnh quan, môi trường, quản lý xã hội và phát triển văn hóa…”.

Tại hội thảo, TS Trần Đình Thiên đã có những khuyến nghị về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.

Theo TS Thiên, việc tái cơ cấu nông nghiệp cần thực hiện liên tục và “thức thời” hơn nữa. “Hàng ngày, hàng giờ cấu trúc thị trường, quy mô thị trường đang thay đổi. Nếu tái cơ cấu chỉ giải quyết các vướng mắc của chúng ta mà chậm với các yêu cầu của thời đại về công nghệ, thị trường… thì rất phiến diện và sẽ không thành công”. TS Trần Đình Thiên nhìn nhận

Theo mục tiêu tổng quát xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ xây dựng NTM để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa.

Cùng với đó, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần rà soát đánh giá kỹ hơn về NTM để nâng cao đời sống của nông dân. Sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đỗ Hương

Nghệ An: Hồng Nam Đàn mất mùa, nhiều nhà vườn thất thu lớn

Nguồn tin: Báo Công Thương

Vụ hồng năm nay do nắng nóng kéo dài nên sản lượng quả tươi chỉ còn 10% so với các năm trước, nên nhiều nhà vườn ở Nam Xuân, Nam Anh, (Nam Đàn, Nghệ An) thất thu nặng.

Theo bà con trồng hồng ở Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn), năm nay, khí hậu biến đổi, nắng hạn kéo dài, độ ẩm trong đất không còn, nước khe, suối ở các vườn đồi cạn kiệt, không có nước tưới nên cây hồng cằn, không ra hoa, đậu quả. Năm trước, được mùa hồng, quả sai trĩu nhưng lại rớt giá, khó tiêu thụ, người dân để mặc hồng chín nẫu trên cây không thu hái. Do cây phải vắt kiệt sức nuôi quả trong thời gian dài khiến năm nay cây không đủ sức sinh trưởng.

Do mất mùa nên nhiều nhà vườn ở Nam Xuân, Nam Anh thất thu nặng

Thêm một lý do nữa là mùa đông năm 2018 ấm hơn, nhiệt độ cao hơn, thời gian lạnh rất ít, do đó, từ trong năm (tháng Chạp) hồng đã đâm chồi nảy lộc, không có thời gian “ngủ đông” (bình thường, đến tháng 2 âm lịch hồng mới ra lá non) trong khi thời gian nuôi cành, lá kéo dài nên cây hồng không cho quả.

Ông Hồ Viết Chuyên và các hộ trồng hồng ở xã Nam Anh cho biết, “năm nay coi như mất trắng mùa hồng. Hơn 100 gốc hồng chỉ có 10 cây cho quả lơ thơ còn lại toàn lá”. Mùa này năm trước, mỗi gốc hồng bình quân cho thu hoạch khoảng 1,5- 2 tạ quả, cả vườn hồng khoảng 15 tấn quả tươi, tính thành tiền khoảng 150 - 200 triệu đồng. Năm nay mất mùa nên nhiều nhà vườn mất trắng.

Tại các vùng coi như thủ phủ trồng hồng ở Nam Anh huyện Nam Đàn, hơn 100ha hồng không có quả, lượng cây có quả tươi chỉ chiếm khoảng 5-10%, 300 hộ trồng hồng ở xã thất thu hàng tỷ đồng. Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh - cho biết: “Hồng là cây trồng chủ lực, cây hàng hóa đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở xã Nam Anh. Hồng mất mùa khiến người dân thất thu lớn, ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng”.

Người dân buồn rầu với vụ hồng thất thu

Trên 50ha diện tích hồng ở xã Nam Xuân cũng cùng cảnh ngộ như xã Nam Anh. Ông Nguyễn Hữu Thuận, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết: “Trên địa bàn xã Nam Xuân có 100 hộ trồng hồng, chỉ một vài hộ trồng rải rác trong vườn thì có quả còn lại trên đồi mất trắng, sản lượng chỉ đạt khoảng 5% so với năm trước”.

Chị Trần Thị Hoa, tiểu thương chuyên thu mua hồng quả, xã Nam Anh nói: “Năm nào tôi cũng mua cả tấn hồng, phải thuê cả chục nhân công vừa đi hái hồng, vừa thu mua, vừa ngâm, vớt hồng với tiền công 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Năm nay, hồng mất mùa, mỗi ngày lùng khắp xã cũng chỉ mua được vài yến đến 1 tạ nên hai vợ chồng tự túc, không thuê người”. Do lượng hồng thu mua năm nay chỉ đủ để bán cho khách lẻ, các đơn hàng lớn ngoại tỉnh đành khất sang mùa sau nên theo chị cũng rất dễ “mất mối” làm ăn do không đảm bảo nguồn cung ổn định…

“Rút kinh nghiệm từ việc mất trắng mùa hồng năm nay, xã khuyến cáo bà con không kéo dài thời gian thu hoạch, ảnh hưởng đến vấn đề sinh trưởng của cây trong các mùa sau. Đồng thời, cố gắng tìm đầu ra ổn định cho hồng quả, không để hồng tồn đọng. Theo đó, bên cạnh đề án phát triển du lịch cộng đồng từ các vườn hồng Nam Anh thì việc chọn hồng làm sản phẩm chủ lực tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", huyện sẽ xây dựng kế hoạch kêu gọi, khuyến khích đầu tư dây chuyền công nghệ, chế biến sâu các sản phẩm từ hồng quả: hồng ép dẻo, hồng sấy giòn, mứt hồng…, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết được vấn đề đầu ra ổn định cho cây hồng Nam Anh”, ông Hồ Viết Sỹ cho biết.

Hoàng Trinh

Nông dân Nguyễn Minh Truyền thực hiện mô hình tưới tự động cho rau màu

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Nhằm tiết kiệm nguồn nước cũng như công chăm sóc rau màu và đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã chủ động đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động để tưới cho rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Minh Truyền, ngụ ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 7 công rau xà lách, giúp tiết kiệm nước, công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng vườn rau.

Vườn rau xà lách của anh Nguyễn Minh Truyền cho năng suất cao hơn nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tự động.

Anh Truyền cho biết, gia đình anh buôn bán rau tại chợ Mỹ Tho, đồng thời bỏ mối rau cho các tiểu thương, do đó, để có đủ nguồn rau cung cấp cho thị trường, cách đây hơn một năm, anh đã đầu tư trên 01 tỷ đồng mua 7 công đất để trồng rau xà lách và tự lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Vì nguồn nước mặt hiện nay bị ô nhiễm khá nhiều, chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho rau, hạn chế sâu bệnh, anh đào giếng và sử dụng nguồn nước ngầm để tưới cho rau. Theo đó, hệ thống đường ống nước được lắp đặt cố định dưới mặt đất theo khoảng cách cần thiết, anh chỉ mở khóa là béc tự động phun nước tưới cho rau. Sử dụng hệ thống tưới nước tự động này, anh chỉ mất khoảng gần 1 giờ tiếng là vườn rau 7.000m2 có đủ nước để sinh trưởng và phát triển tốt, không tốn công nhiều, lại có thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần thỉnh thoảng đi kiểm tra hệ thống.

Anh Truyền cho biết: "Bản thân gắn bó với nghề nông, sau khi có đầu ra ổn định cho rau xà lách, anh học hỏi nhiều kỹ thuật tiên tiến trên báo đài, từ đó mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau an toàn, sử dụng hệ thống tưới nước tự động vừa tiết kiệm chi phí, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Tuy chi phí đầu tư cho hệ thống tưới tự động không nhỏ nhưng năng suất rau đạt yêu cầu, bán được giá, thu lãi cao".

Để đảm bảo cung cấp rau kịp thời cho thị trường, mỗi lứa rau anh Truyền trồng cách nhau 1 tuần. Bên cạnh việc tuân thủ nguồn nước tưới phải sạch, anh còn sử dụng phân hữu cơ bón lót và thuốc bảo vệ thực vật đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm đảm bảo rau sạch cho người tiêu dùng. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất giữa các luống rau và nguồn phụ phẩm của rau xà lách, anh đào ao nuôi các loại cá như cá tra, cá phi, cá chép… vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa tăng thêm thu nhập.

Nhận xét về mô hình trồng rau của anh Truyền, anh Nguyễn Minh Luân - cán bộ nông nghiệp xã Bình Phục Nhứt cho biết: "Xã Bình Phục Nhứt có diện tích trồng rau màu lớn nhất huyện Chợ Gạo, mô hình trồng rau xà lách của anh Truyền đang mở ra hướng phát triển cho rau an toàn, xã đang vận động, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay".

Trong điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nguồn nước mặt bị ô nhiễm thì việc anh Truyền chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tự động là một mô hình có hiệu quả, một giải pháp hữu ích đối với sản xuất nông nghiệp. Việc phun tưới tự động không những giúp nông dân đỡ tốn công lao động, tiết kiệm chi phí vật tư mà quan trọng hơn là còn tiết kiệm được một phần không nhỏ nguồn nước tưới. Đặc biệt, việc phun tưới tự động giúp các loại cây trồng thẩm thấu dòng nước từ từ, nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển tốt, an toàn, hạn chế sâu bệnh và đạt năng suất cao.

Bình Yên - Ngọc Xuyên

Vĩnh Phúc: Sông Lô chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Xác định rõ những khó khăn cũng như lợi thế của một huyện miền núi, thuần nông, với định hướng phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Gia đình ông Đào Tiến Phong ở thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu (Sông Lô) nuôi rắn hổ mang cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng/năm

Theo thống kê, huyện Sông Lô hiện có hơn 11.100 ha đất nông nghiệp; trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 7.000 ha, đất trồng lúa hơn 3.600 ha, đất rừng phòng hộ hơn 1.000 ha, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 150 ha.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn huyện. Đặc biệt, ngành chăn nuôi của huyện đã có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Những năm 2016 - 2017 huyện gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân có đàn lợn quy mô trung bình trở lên phải nuôi cầm chừng, thậm chí phải phá chuồng để chuyển hướng đầu tư chăn nuôi con khác do giá thịt lợn sụt giảm.

Đến cuối năm 2017, một số xã đã vực dậy ngành chăn nuôi. Hiện, trên địa bàn huyện vẫn duy trì nhiều mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô lớn ở các xã: Nhân Đạo, Đồng Quế, Lãng Công, Hải Lựu...

Bên cạnh đó, một số xã trên địa bàn huyện đang triển khai mô hình trình diễn và nuôi thử nghiệm gà theo hướng an toàn sinh học bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như các xã: Đồng Thịnh, Lãng Công, Đồng Quế với quy mô trung bình từ 2.000 - 3.000 con/hộ.

Đặc biệt, phải kể đến mô hình chăn nuôi bò vỗ béo ở các xã: Hải Lựu, Bạch Lưu, Cao Phong, Đồng Thịnh, Quang Yên. Hai xã Bạch Lưu và Hải Lựu tuy mới phát triển và nhân rộng mô hình này, song đã có những gia đình mạnh dạn đầu tư, nuôi tới 80 con bò khung để vỗ béo, cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi rắn thương phẩm, rắn sinh sản ở xã Bạch Lưu cũng được đánh giá là mô hình mang lại thu nhập cao cho người dân. Năm 2011, toàn xã có khoảng 90 hộ nuôi rắn, đến nay đã tăng lên hơn 200 hộ. Các hộ chăn nuôi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, nâng cao kỹ thuật chăm sóc và ấp nở trứng rắn để chủ động nguồn con giống, cho thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Chú trọng đầu tư cho các địa phương có địa thế trũng, có thể phát huy thế mạnh sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Chi cục Thủy sản triển khai, nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp quy mô trên 14 ha tại các xã: Đôn Nhân, Hải Lựu, Nhạo Sơn, Tân Lập, Lãng Công... góp phần nâng cao hiệu quả và quy mô của ngành chăn nuôi thủy sản của huyện với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 900 ha, sản lượng khai thác bình quân mỗi năm đạt từ 1.400 - 1.500 tấn.

Cùng với đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi, UBND huyện Sông Lô tăng cường thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt, tạo động lực để người dân đẩy mạnh sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai và duy trì một số mô hình trồng cây ăn quả quy mô tập trung cho hiệu quả kinh tế ổn định, như: Mô hình trồng ổi ở xã Đôn Nhân với diện tích 7 ha, cho thu lãi bình quân từ 180 - 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng, thâm canh bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc với diện tích 25 ha, tập trung tại các xã Quang Yên, Lãng Công, Đồng Quế, Đồng Thịnh, Cao Phong, Thị trấn Tam Sơn cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm; mô hình trồng na dai tại hai xã Đồng Quế, Đồng Thịnh trên quy mô diện tích 5 ha...

Phát triển sản xuất nông nghiệp ở một huyện miền núi nghèo, trong điều kiện đất đai vẫn còn nhiều hạn chế thực sự là vấn đề rất khó đối với Sông Lô. Tuy nhiên, những mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế cho thấy sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây.

Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đời sống, nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn, giảm nghèo bền vững. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%.

Bài, ảnh Việt Sơn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop