Tin nông nghiêp ngày 09 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 09 tháng 11 năm 2019

Nông nghiệp đô thị đi vào chiều sâu

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Nông nghiệp đô thị hiện đã trở thành xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị và đầu tư cho nông nghiệp đô thị ở TP Vĩnh Long vẫn nằm trong xu thế đó.

Mô hình lan cắt cành cuả anh Lâm Quốc Hưng ngày càng mở rộng theo hướng hiệu quả và bền vững.

Phù hợp nông nghiệp công nghệ cao

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh nên đất sản xuất ngày càng thu hẹp. Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương, cũng như các hộ dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, bằng cách thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị, giúp bà con nông dân chuyển nghề cho phù hợp với quá trình đô thị hóa nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nông sản cho nhu cầu tiêu dùng.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đô thị và ven đô thị. Nhiều hộ nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn có cơ hội làm giàu bằng cách tận dụng không gian hẹp cho phù hợp.

Hiện tại, trên địa bàn TP Vĩnh Long đã và đang phát triển nhiều mô hình nông nghiệp đô thị được đầu tư bài bản và hiệu quả như: mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Tân Hòa, mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở xã Trường An, mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản trong ao hồ tại xã Tân Ngãi, mô hình trồng cam sành tại Tân Hòa, mô hình trồng hoa huệ trâu ở xã Trường An… Theo đánh giá từ Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu. Trong đó có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Một lãnh đạo của Phòng Kinh tế cho rằng, các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm công lao động và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây được xem là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị như hiện nay.

Nông dân làm cho thu nhập cao

Hiện nay, các mô hình nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ cao đang phát triển khá mạnh ở các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Trên địa bàn TP Vĩnh Long cũng đã triển khai nhiều mô hình và đã cho kết quả khả quan, tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Theo Trưởng Phòng Kinh tế- Võ Hữu Xuân, hiện nhiều mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ cao so với trồng lúa cho hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Và hiện nay các mô hình này cũng đang phát triển mạnh trên địa bàn xã ở TP Vĩnh Long.

Bà Trần Lệ Xuân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An- chia sẻ, mấy năm gần đây, các mô hình nông nghiệp đô thị, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao được bà con nông dân quan tâm và định hướng phát triển bền vững, lâu dài. “Trên địa bàn có nhiều mô hình hay, giúp ổn định kinh tế gia đình. Trong đó, phải kể đến các mô hình trồng cam sành, hoa lan, kiểng cổ, chăn bò sinh sản, trồng nấm bào ngư… Người dân càng quan tâm đến các mô hình nông nghiệp này chứng tỏ nó phù hợp với diện tích cũng như trình độ của người dân đô thị”- bà chia sẻ.

Điển hình như mô hình trồng hoa lan cho nguồn thu nhập khá và ổn định cho người dân. Hộ ông Nguyễn Tấn Nhã (Phường 3) là một trong những hộ nông dân được hỗ trợ cây lan giống. Thời gian qua, mô hình này cho nguồn thu nhập ổn định so với diện tích đất ở đô thị vừa hẹp, vừa khó canh tác.

“Hiện tại, người trồng hoa lan không phải cắt cành mang ra chợ nữa mà thương lái tìm đến tận vườn. Qua đó có thể thấy thị trường hoa lan ổn định và có thể nhân rộng để phát triển kinh tế cho người dân ở vùng đô thị”- ông Nhã chia sẻ. Cũng theo ông, ngoài số lượng cây lan giống được cấp, trong quá trình trồng và chăm sóc, bản thân tự rút ra được kinh nghiệm nên mạnh dạn đầu tư thêm nhiều giống lan mới cả trong và ngoài nước. Trong đó có khá nhiều giống lan có giá trị kinh tế rất cao, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người chơi lan.

“Nếu chịu khó học tập kinh nghiệm, mày mò nghiên cứu thì nghề trồng lan có thể nói là thú vui, cũng là nguồn thu nhập không nhỏ, nhất là cho người dân ở đô thị thường có diện tích đất nhỏ…”- ông Nhã cho biết. Trong khi đó, từ 200m2 được hỗ trợ ban đầu, hiện nay anh Lâm Quốc Hưng (xã Trường An) đang đầu tư thêm khoảng 300m2 nữa để mở rộng diện tích trồng hoa lan. “Mô hình trồng hoa lan cắt cành cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, lại phù hợp với điều kiện hộ gia đình đô thị”- anh Hưng chia sẻ. Mô hình của anh Lâm Quốc Hưng cũng là điểm đến tham quan không thể thiếu khi đến với nông nghiệp công nghệ cao ở xã Trường An. Bản thân anh cũng là một nông dân sản xuất giỏi điển hình ở địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY

Vườn dâu tây ‘lưu động’ bên đường phố

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Bên đường Hùng Vương, Đà Lạt có vườn dâu tây “lưu động” và sử dụng trục quay ròng rọc để mỗi ngày thích ứng với các biện pháp kỹ thuật chăm sóc mới, vừa tiết kiệm tối đa diện tích đất và công lao động, vừa tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Đây sẽ là một địa điểm du lịch canh nông đầy tiềm năng...

Vườn dâu tây treo “lưu động” bên đường phố Hùng Vương, Đà Lạt đạt mật độ 50.000 cây/2.500 m2. Ảnh: V.Việt

Đầu tháng 10/2019, phóng viên khá bất ngờ khi lần đầu tiên tiếp xúc với vườn dâu tây “lưu động” trong nhà kính chỉ cách mặt tiền đường phố Hùng Vương, Đà Lạt hơn 150 m, thuộc Hẻm 64, có thể đậu xe ô tô sát ngay sân một khách sạn liền kề. Lúc này mới đầu giờ buổi sáng, người chủ vườn và người lao động cùng thao tác nhẹ nhàng những chiếc tay quay kéo từng luống dâu tây lên cao, xuống thấp với đường kính khoảng 1,2 m, tạo lối đi thuận lợi trong việc thu hoạch. Nếu tính từ mặt đất lên đến độ cao nhất của luống dâu “lưu động” thì khoảng cách hơn 2,2 m. Nhìn bao quát một vườn dâu “lưu động” vẫn xanh ngát màu cây lá trải dài, bên trong chen chúc những chùm trái chín đỏ, phóng viên tìm hiểu thì người chủ vườn cho biết “đây là vụ mùa thử nghiệm đầu tiên, thu hoạch bán ra đạt khoảng 5 triệu/ngày mùa mưa và 10 triệu/ngày mùa khô. Đây là mức doanh thu khá cao so với kế hoạch đặt ra...”.

Chủ vườn dâu “lưu động” bên đường phố Hùng Vương này không ai khác chính là anh Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1975), một người đã thành công về chuyên canh dâu tây NewZealand trên giá thể xơ dừa từ 5 năm trở lại đây với thương hiệu “Dâu tây Tùng Nguyên Đà Lạt”. Đó là hơn 2.000 m2 diện tích vườn dâu khu vực Tây Hồ, Phường 11 và 5.000 m2 ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, đạt lợi nhuận trung bình mỗi năm trên dưới 2 tỷ đồng. Nhưng đây chỉ mới dừng lại ở quy trình sản xuất dâu tây treo cố định cách mặt đất hơn 1 m, mật độ khoảng 12 cây/m2. Với tinh thần không ngừng tìm tòi, nghiên cứu trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau cũng như tích cực tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với những doanh nghiệp, hộ gia đình trồng dâu tây hiệu quả cao trong thành phố Đà Lạt, nông dân Nguyễn Thanh Trúc đã mạnh dạn tự thiết kế và lắp đặt giàn dâu tây “lưu động” đi vào sản xuất từ đầu năm 2019 bên đường phố Hùng Vương, Đà Lạt, tổng diện tích gần 2.500 m2 vừa nêu. Trong đó mật độ trồng dâu tây tăng lên 22 cây/m2.

Về quy trình sản xuất dâu tây VietGAP, thương hiệu “Tùng Nguyên Đà Lạt” với kỹ thuật treo cố định và treo “lưu động” đều thực hành chăm sóc trên giá thể xơ dừa trên giàn cách ly mặt đất; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giữ lại 70% lượng nước trên máng, 30% lượng nước còn lại để thoát tự do xuống dưới mặt đất giữ độ ẩm cần thiết. Nhưng khác nhau ở một phần luống dâu gắn ròng rọc kéo “lưu động” lên cao, mở ra khoảng trống cho nông dân chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, tính riêng diện tích gần 2.500 m2 dâu tây treo “lưu động” bên đường phố Hùng Vương, Đà Lạt đạt tổng số 50.000 cây xuống giống trồng và thu hoạch. Như vậy dâu tây treo “lưu động” canh tác nhiều hơn 20.000 cây so với dâu tây treo cố định trên cùng diện tích 2.500 m2 nhà kính này.

Theo chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc, tổng mức đầu tư trồng dâu tây trên diện tích 2.500 m2 nhà kính treo cố định hơn 1 tỷ đồng, trong khi treo “lưu động” lên đến 1,8 tỷ đồng, bù lại hạch toán hiệu quả kinh tế vượt trội hơn nhiều. Cụ thể, mỗi năm tăng thêm 20.000 cây dâu tây treo “lưu động” trên 2.500 m2, mỗi cây thu hoạch bình quân khoảng 0,5 kg, nhân khoảng 200.000 đồng/kg, kết quả thu nhập với giá trị gia tăng tính bằng đơn vị tỷ đồng.

Dự kiến trong năm tới, chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc đúc kết kinh nghiệm từ vườn dâu tây treo “lưu động” bên đường phố Hùng Vương để tiếp tục áp dụng trên tổng diện tích hơn 7.000 m2 ở 2 vườn dâu đang treo cố định ở khu vực Tây Hồ, Phường 11 và thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Đồng thời chỉnh trang lại hệ thống đường giao thông nội bộ vườn treo “lưu động” ở đường phố Hùng Vương, Đà Lạt để đón khách tham quan check in, hái dâu thưởng thức tại chỗ, góp phần tạo sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn “kết tinh kỳ diệu từ đất lành”...

VĂN VIỆT

Lục Ngạn (Bắc Giang): Tiêu thụ hơn 21 nghìn tấn cam, bưởi

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay toàn huyện canh tác hơn 2,2 nghìn ha bưởi, trong đó bưởi ngọt hơn 1,7 nghìn ha, da xanh 537 ha; hơn 4,1 nghìn ha cam, trong đó cam lòng vàng hơn 1,9 nghìn ha, cam ngọt hơn 2,1 nghìn ha. Tổng sản lượng cam ước đạt hơn 41,8 nghìn tấn, bưởi hơn 15,1 nghìn tấn.

Người dân xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) thu hoạch cam lòng vàng.

Tính đến ngày 5-11, nông dân trong huyện đã bán hơn 12,8 nghìn tấn bưởi da xanh; hơn 8,36 nghìn tấn cam lòng vàng.

Hiện bưởi da xanh được thu mua tại vườn, giá cao nhất từ 41-42 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 1 nghìn đồng/kg so với tuần trước; cam lòng vàng có giá bán từ 10-13 nghìn đồng/kg tương đương so với đầu vụ năm ngoái.

Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm nay sản lượng quả từ cây có múi trên địa bàn huyện tăng gần 8 nghìn tấn so với năm ngoái. Bà con nông dân tiêu thụ thuận lợi.

Hiện các chủ vườn đã cơ bản bán xong bưởi da xanh; cam lòng vàng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cho nên lượng tiêu thụ chưa tăng đột biến.

Người dân xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) thu hoạch cam lòng vàng.

Để tiếp tục giúp bà con nông dân tiêu thụ hàng hóa, UBND huyện Lục Ngạn đang khẩn trương chuẩn bị khai mạc Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2019 (Hội chợ diễn ra từ ngày 29-11 đến hết ngày 1-12-2019 tại khu vực Quảng trường trung tâm huyện).

Qua đây nhằm tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện kết nối giữa “4 nhà” gồm: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý trong việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là các loại trái cây ra thị trường trong, ngoài nước.

Riêng đối với diện tích bưởi Diễn, cam ngọt chưa cho thu hoạch. Cơ quan chuyên môn huyện tiếp tục chỉ đạo nông dân chủ động chăm sóc theo đúng quy trình an toàn, bảo đảm chất lượng. Trong đó, các chủ vườn chú ý phòng trừ bệnh greening và sâu vẽ bùa, ruồi vàng gây hại.

Minh Hương

Nhà vườn Hậu Giang 'vẽ' chữ trên trái xoài chờ tết bán

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Không những xử lý cho cây xoài ra trái đúng dịp tết, các nhà vườn tại Hậu Giang còn tạo chữ thư pháp kiểu Phúc - Lộc- Thọ - Tài để bán có giá hơn.

Thời điểm này, nhiều nhà vườn tại Hậu Giang đang tất bật xử lý vườn cây ăn trái để bán Tết Nguyên đán Canh Tý như bưởi hồ lô, xoài thư pháp… Đơn cử như ông Bùi Văn Thức, ấp Phú Hòa, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã xử lý ra hoa hơn 800 gốc xoài Đài Loan chờ bán tết.

Tiếp đó, ông sẽ tạo chữ thư pháp trên trái xoài với chữ: Phúc - Lộc - Thọ - Tài với chữ vàng mình xanh, chữ xanh mình vàng và chữ đỏ mình vàng.

Ông Thức cho biết: tỉ lệ xử lý thành công xoài thư pháp khoảng 60% và mất khoảng 15-20 ngày để xoài có được chữ trên trái. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nếu gặp mưa hay sương mù thì tỉ lệ xoài không đạt rất cao về độ căng bóng và độ nét của chữ thư pháp.

Ông Bùi Văn Thức và những trái xoài thư pháp do ông tạo ra - Ảnh: LÊ DÂN

Xoài thư pháp có bộ Tứ Tấn Tài (4 trái), bộ Tam Tấn Lộc (3 trái) và bộ Tài Lộc (2 trái). Dự kiến, ông Thức sẽ cung cấp khoảng 500- 600 trái xoài thư pháp ra thị trường với giá xoài chữ đỏ 250.000 đồng/trái (giá sỉ) và 450.000 đồng/trái (giá lẻ). Xoài thư pháp chữ vàng mình xanh và chữ xanh mình vàng có giá 270.000 đồng/trái.

"Nếu có đơn đặt hàng nhiều thì vườn của tui có thể cung ứng khoảng 3.000 trái nhưng nếu cần nhu cầu lớn hơn tui sẽ liên kết với các nhà vườn khác" - ông Thức nói.

LÊ DÂN

Hậu Giang: Giá tiêu ở mức thấp

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo nhiều hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giá tiêu hạt phơi khô được thương lái thu mua hiện tại chỉ 47.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với vụ tiêu năm trước và giảm khoảng 5 lần khi giá tiêu lên đỉnh điểm vào những năm trước. Nguyên nhân giá tiêu giảm mạnh được cho là ảnh hưởng từ xuất khẩu, nguồn cung đã vượt cầu.

Giá tiêu thấp, người trồng khó có lợi nhuận.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 90ha tiêu được nông dân trồng ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A, thành phố Vị Thanh… Phần lớn nông dân hiện nay không bán thẳng sản phẩm cho đại lý thu mua, nhà máy chế biến hoặc doanh nghiệp xuất khẩu mà bán cho thương lái. Đặc biệt, đa số hộ trồng tiêu thường bán sản phẩm sau khi thu hoạch để tái đầu tư sản xuất.

Tin, ảnh: H.THU

Tín hiệu vui từ ‘vương quốc’ khoai lang ở miền Tây

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi về huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - nơi được mệnh danh là “vương quốc” khoai lang ở miền Tây. Câu chuyện khoai lang xuất khẩu đi chính ngạch được nông dân bàn tán xôn xao. Đây được xem là cơ hội để khoai lang Bình Tân không còn chịu cảnh “được mùa, mất giá” và trên đường hướng ra thị trường thế giới.

Vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây

Nằm ven sông Hậu với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, hàng chục năm qua, người dân huyện Bình Tân đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang khoai lang đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy có lúc giá khoai lang lên xuống thất thường làm nhiều nông dân lo lắng, nhưng thực tế cho thấy, cây khoai lang vẫn phù hợp với vùng đất này và giúp nhiều hộ khá lên nhanh chóng. Dần dần, khoai lang trở thành cây trồng chủ lực, diện tích liên tiếp tăng, biến Bình Tân trở thành “vương quốc” khoai lang ở miền Tây.

Nông dân Bình Tân chăm sóc khoai lang.

Ông Đào Minh Trọn (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) kể, trước đây, bà con vùng này chủ yếu làm lúa và hoa màu. Sau ngày đất nước thống nhất, một số hộ dân bắt đầu tìm giống khoai lang về trồng rồi nhiều hộ học theo. Từ đó, Bình Tân trở thành vùng chuyên canh khoai lang lúc nào không hay. “Có lẽ do hợp thổ nhưỡng nên khoai lang trồng ở Bình Tân phát triển rất tốt, năng suất cao. Cứ thế, hộ này chỉ cho hộ kia, vùng khoai tăng dần diện tích và có thể nói nơi đây đang trở thành vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây”- ông Trọn nói.

Ông Trọn cho biết thêm, gia đình ông vừa thu hoạch 1,2ha khoai lang tím Nhật xong là có thương lái đến tận ruộng thu mua. Sau khi tính toán, trừ hết chi phí, vụ này ông lời gần 100 triệu đồng. “Vùng đất này thuận lợi cho việc trồng khoai lang. Do giống khoai tím Nhật cho năng suất cao, phù hợp xuất khẩu nên rất nhiều bà con nông dân chuyển sang trồng giống khoai này. Vụ khoai tới, tôi xin đăng ký với ngành nông nghiệp địa phương trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã số vùng trồng để đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp gia đình tăng thêm thu nhập”- ông Trọn nói.

Vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân có diện tích khoảng 13.000ha, tập trung tại các xã Thành Đông, Thành Trung, Nguyễn Văn Thảnh; năng suất khoai lang bình quân khoảng 50 - 60 tạ/công (1 tạ là 60kg), tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn khoai/năm. Hiện nông dân Bình Tân chủ yếu trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ có một số ít trồng các loại khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Ước tính mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai lang được thương lái mua để xuất khẩu, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm 70 - 80%.

Xây dựng vùng trồng chất lượng

Thời gian qua, việc khoai lang chưa được xuất khẩu bằng đường chính ngạch khiến giá khoai giảm sâu, nông dân không lời thậm chí thua lỗ. Việc khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã có những tác động tích cực góp phần đưa giá khoai lang tăng khoảng 200.000 -220.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi và đang ở mức từ 480.000 - 510.000 đồng/tạ. Giá này, nếu nông dân không phải thuê đất, sẽ lời từ 5 - 7 triệu đồng/công. Riêng khoai được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP có giá từ 550.000 - 560.000 đồng/tạ, chẳng những lời khá hơn mà các thương lái còn tự tìm đến để mua hàng.

Không chỉ có thị trường Trung Quốc, khoai lang Bình Tân đang có cơ hội lớn để vươn ra thị trường thế giới.

Từ thực tế thị trường cho thấy, sản xuất khoai lang đảm bảo chất lượng sẽ không lo đầu ra. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) khoai lang Bình Tân, cho biết: HTX có 10 xã viên trồng 60ha khoai lang theo hướng an toàn nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu. Gần đây thị trường Trung Quốc nhập hàng khoai lang khá mạnh, giá tăng cao hơn trước nhưng cũng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. Từ đó, HTX xây dựng vùng trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP và có mã số vùng trồng tạo vùng nguyên liệu lớn, khi có đơn hàng là có thể xuất khẩu sang Trung Quốc kịp thời.

Ông Trịnh Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Trung, cho biết vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) triển khai mô hình sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây khoai lang. Mô hình được thực hiện tại xã Thành Trung trên diện tích 50ha, với 64 hộ nông dân tham gia. Bà con nông dân tham gia mô hình này được dự án hỗ trợ đầu tư 30% vật tư nông nghiệp. Các khoản khác được hỗ trợ hẳn 100% gồm: xây dựng điểm pha thuốc BVTV, mua đồ bảo hộ lao động phun xịt thuốc, tủ thuốc y tế, tập huấn, đào tạo kiểm tra viên nội bộ, phân tích mẫu đất, nước và phí chứng nhận VietGAP.

Theo Chi cục Trồng Trọt và BVTV Vĩnh Long, mô hình hướng đến tập huấn nông dân nhận biết danh mục các sản phẩm thuốc BVTV là chất cấm ở thị trường Trung Quốc. Nông dân thực hiện ghi chép sổ tay, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định. Mặc quần áo bảo hộ bảo vệ sức khỏe bản thân. Một điểm quan trọng của mô hình là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Thông qua phần mềm, thương lái có thể xem và biết được các giai đoạn sinh trưởng, người trồng, diện tích của cây khoai lang các nơi trên địa bàn. Thực hiện quản lý dịch hại trên cây khoai lang và thực hiện cấp mã số vùng trồng cho khoảng 200ha trong năm nay.

Cơ hội vươn ra thế giới

Cây khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực của Vĩnh Long. Để cây khoai lang phát triển bền vững, đem lại thu nhập khá cho người trồng là điều mà các ngành, các cấp hết sức quan tâm. Vừa qua, việc hợp tác song phương giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước thay đổi lớn. Trong đó, xu hướng nông sản nhập khẩu vào thị trường hai bên phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu chính ngạch, nông sản đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, đã mở ra cơ hội cũng như thách thức lớn cho khoai lang Bình Tân.

Ông Hồ Nhã Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Tân Thành, cho biết từ khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá khoai lang có chiều hướng tốt hơn. Địa phương đang kết hợp với ngành nông nghiệp tỉnh đăng ký trồng thử 30ha khoai lang tím Nhật theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng. “Tuy nhiên, để phát triển bền vững cho cây khoai lang, chúng ta không chỉ xuất thô mà phải làm những sản phẩm khác như: bột khoai, rượu khoai, khoai lang sấy khô… nhằm gia tăng giá trị củ khoai, tất cả đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường”- ông Tuấn đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, nhận định: Trung Quốc là thị trường truyền thống nhưng đã không còn dễ tính. Những năm qua, nền kinh tế nước này không ngừng phát triển với tốc độ cao, vì vậy nhu cầu sản phẩm giá rẻ đã không còn là lựa chọn của người tiêu dùng nước này. Vấn đề lớn nhất mà thị trường này quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản.

Cũng theo ông Liêm, Chi cục Trồng trọt và BVTV đang xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Khâu quan trọng là hướng nông dân vào HTX để sản xuất theo cùng quy trình, tạo ra sản phẩm đồng nhất. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn khoai lang là mô hình kiểu mẫu với diện tích hơn 30ha của HTX nông nghiệp Thành Đông. Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP. Sản phẩm từ mô hình luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợi nhuận cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5 - 2 lần do giảm lượng phân bón, thuốc BVTV và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại một. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng xây dựng chuỗi giá trị trên cây khoai lang, chú trọng đến quảng bá thương hiệu sản phẩm, chuẩn bị bao bì, bảo quản sau thu hoạch.

Những động thái tích cực để đưa khoai lang đi chính ngạch vào Trung Quốc đang được triển khai cùng với việc nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân - Bình Tân Sweet Potatoes” được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận đã mở thêm cơ hội cho khoai lang Bình Tân. Giờ đây, không chỉ thị trường Trung Quốc mà khoai lang Bình Tân đang có cơ hội lớn để vươn ra thị trường thế giới.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Phú Thọ: Mở rộng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Thu hoạch chè bằng tay ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) phục vụ yêu cầu chế biến chè xanh an toàn, chất lượng cao.

Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè xanh Phú Thọ nhằm tạo dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập cho người trồng chè từ lâu đã được tỉnh quan tâm, chú trọng, nhiều giải pháp đưa ngành chè Phú Thọ phát triển theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đã được thực hiện tại các vùng chè trên toàn tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị từ sản xuất chè nói chung và sản xuất chè xanh nói riêng.

Hiện nay, dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) đang được triển khai nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Hợp phần 3 dự án hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc dự án thành phần cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện 4 mô hình, trong đó có mô hình chè xanh chất lượng cao theo hướng VietGAP tại xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn với quy mô trên 19ha.

Năm 2019, quy mô mở rộng mô hình trên cơ sở 380ha chè sẵn có tại 6 huyện với tổng kinh phí trên 4,7 tỷ đồng.

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ người dân thâm canh chè, hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; mở 16 lớp tập huấn và 12 lớp thực hành trên đồng ruộng nhằm nâng cao năng lực, kỹ thuật, liên kết sản xuất; xây dựng 125 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ thiết bị chế biến chè cho cơ sở chế biến; cấp phát tờ rơi tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất chè an toàn... Thông qua mô hình nhằm nâng cao nhận thức về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân và cán bộ cơ sở; chuyển giao kỹ thuật sản xuất cây chè an toàn trên địa bàn triển khai dự án, nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp, sản xuất an toàn; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư nông nghiệp.

Võ Miếu là một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện Thanh Sơn. Trước năm 2001 diện tích chè ở Võ Miếu mới có hơn 100ha, chủ yếu là chè giống cũ, năng suất thấp, nhưng từ khi cây chè được xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo bền vững thì diện tích chè trong xã đã tăng lên nhanh chóng. Nhiều năm nay cây chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân trong xã, không chỉ góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây. Một trong những hộ làm giàu từ cây chè là hộ ông Lê Văn Thành ở khu Thanh Hà bộc bạch: “Hiện nay gia đình tôi đang áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến nên có thể kiểm soát được chất lượng chè, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi năm gia đình cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 30 tấn chè khô, trong đó có hơn 10 tấn chè chất lượng cao”.

Cũng giống như chè xanh Võ Miếu, người trồng chè ở các làng nghề, HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè xanh theo hướng an toàn đều khẳng định giá bán sản phẩm từ nguyên liệu thô (chè búp tươi) hay chè thành phẩm đều tăng và ổn định so với trước đây. Sản phẩm chè xanh của các làng chè như Hoàng Văn, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn; Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ; HTX chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn… có giá bán bình quân từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng/kg.

Các hoạt động triển khai của dự án đã giúp người dân vùng chè áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và biện pháp canh tác an toàn. Về tổ chức sản xuất, đã có sự đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, liên kết trong sản xuất, nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè gắn với xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất chè an toàn để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Thực hiện trồng mới, trồng lại, trồng thay thế chè giống cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh. Nhiều mô hình canh tác tiên tiến được ứng dụng và triển khai có hiệu quả, mở rộng diện tích sản xuất chè theo quy trình an toàn đạt gần 3.200ha.

Việc sản xuất chè xanh theo quy trình VietGAP đã giúp người trồng chè có được thị trường tiêu thụ ổn định, giá thành cao hơn so với sản xuất chè truyền thống. Bà Nguyễn Thị Nữ ở làng chè Hoàng Văn, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn cho biết: Với gần 1ha chè trồng, chăm sóc và chế biến theo quy trình VietGAP, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 130 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với trước.

Là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn trong cả nước, trong những năm qua, cây chè đã góp phần không nhỏ trong quá trình xóa đói giảm nghèo cho bà con ở các huyện trung du, miền núi. Tuy nhiên, lợi thế và giá trị của chè Phú Thọ, đặc biệt là chè xanh vẫn chưa được khai thác hết, một phần do tập quán sản xuất; một phần do công nghệ, thiết bị chế biến còn lạc hậu. Với dự án WB7 được triển khai sẽ tạo tiền đề cho việc nhân rộng diện tích trồng, chế biến chè xanh theo hướng an toàn, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người trồng chè.

PHAN CƯỜNG

Bắc Giang: Giá lợn hơi tăng kỷ lục, 72 nghìn đồng/kg

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Mấy ngày qua, giá lợn hơi, lợn giống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.

Người dân thôn Sấu, xã Liên Chung (Tân Yên) tích cực vỗ béo cho lợn trước khi xuất bán.

Theo đó, từ ngày 4-11 đến nay, sau khi giá lợn hơi trong tỉnh giữ lâu ở mức 64 nghìn đến 65 nghìn đồng/kg thì đến ngày mùng 5,6,7- 11 liên tục tăng, mỗi ngày thêm từ 1 đến 3 nghìn đồng/kg, cán mốc 72 nghìn đồng/kg vào sáng nay (7-11), lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Được biết, giá lợn hơi cao nhất ở các năm 2011 là 50 nghìn đồng/kg; năm 2015 là 56 nghìn đồng/kg.

Ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Hải Thịnh (Hiệp Hòa) cho biết, mỗi ngày cơ sở chăn nuôi này xuất bán ra thị trường khoảng 30 con lợn thương phẩm.

Với giá như hiện tại, trung bình một tạ lợn hơi, người nuôi sẽ có lãi hơn 3 triệu đồng. Hiện giá lợn móc hàm cũng ở mức từ 85 đến 90 nghìn đồng/kg; giá thịt bán lẻ trung bình từ 100 nghìn đến 110 nghìn đồng/kg.

Cũng theo ông Hưng, giá lợn hơi tăng mạnh khiến giá lợn giống tăng theo. Hiện giá lợn xách tai ở mức 1,7 triệu đồng/con, cao hơn cách đây 2 tháng khoảng 500 nghìn đồng/con.

Ông Lương Đức Kiên, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, sở dĩ giá lợn hơi tăng cao là do vừa qua ngành nông nghiệp khuyến khích người chăn nuôi tăng trọng lượng lợn trước khi xuất bán. Ví dụ nếu lợn đang đạt trọng lượng 1 tạ/con thì nuôi lên 1,2 đến 1,3 tạ/con mới xuất bán.

Mục đích của việc làm này để tăng sản lượng thịt lợn trong khi đàn lợn đang sụt giảm (khoảng 6 triệu con) do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Điều này vô hình chung làm cho thị trường lợn thịt khan hiếm tạm thời.

“Dự báo trong thời gian tới, người dân không nên quá lo lắng bởi từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn vẫn đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng”, ông Kiên khẳng định.

Thế Đại

Người nuôi thỏ yên tâm về đầu ra

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Năm 2011, ngay sau khi xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình nông nghiệp mới đã được bà con nông dân triển khai. Trong số này, mô hình nuôi thỏ thịt sau thời gian dài biến động hiện đã dần ổn định nhờ thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Là một trong số không nhiều hộ chăn nuôi hiện còn giữ lại mô hình nuôi thỏ thịt ở địa phương, anh Tô Thanh Đạt (thôn Thiện Bình, xã Thiện Nghiệp) cho biết hiện đầu ra con nuôi này đã ổn định. Với quy mô trại nuôi khoảng 200 con lớn nhỏ, hàng tháng, anh đều có thỏ thịt để giao cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Phan Thiết. Khi đầu ra được đảm bảo, anh Đạt dự định mở thêm 2 khu chuồng nuôi thỏ mới, với quy mô khoảng hơn 100 con nữa. Bên cạnh đó, để chủ động được nguồn thức ăn, nhất là vào những mùa khô khi cây cỏ, thức ăn ngoài tự nhiên thiếu hụt, anh Đạt đã sáng chế ra chiếc máy trộn cám viên. Nguồn cám viên kết hợp từ cám bột xay nhuyễn với rau cỏ sẵn có giúp anh chủ động thức ăn cho thỏ quanh năm. “Nuôi con này chỉ cực lúc ban đầu về đầu tư chuồng trại. Về con giống thì mình có thể mua 1 con nọc ở các tỉnh khác về, còn thỏ cái thì mình có thể gầy từ từ. Ở trại mình thì 1 tháng cả thỏ con lẫn thỏ thịt trại xuất bán vài ba lần, 1 lần khoảng 1 tạ thịt” - anh Đạt chia sẻ.

Phong trào nuôi thỏ lấy thịt xuất hiện tại xã Thiện Nghiệp vào năm 2011, khi địa phương này phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Thời điểm mới triển khai, nhiều hộ ồ ạt đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ Thiện Nghiệp thành lập sau đó 3 năm, tiếp nhận 10 hội viên tham gia để chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ. Hộ nuôi nhiều thì đầu tư chuồng trại, nuôi đến hơn 200 con, hộ ít cũng nuôi từ 50 con trở lên. Bên cạnh thành viên tổ hợp tác cũng còn nhiều hộ chăn nuôi với quy mô hàng chục con. Tuy nhiên, do chưa chú trọng được đầu ra mà chỉ phát triển chăn nuôi nên sau đó dẫn đến việc cung vượt quá cầu. Không tìm được đầu ra khiến giá thịt thỏ bắt đầu giảm, trong khi lượng thỏ đến tuổi xuất chuồng vẫn tồn đọng còn nhiều khiến cho các hộ nông dân bắt đầu buông dần.

Trước những khó khăn trên, Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp phối hợp với Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ và các hộ nông dân tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ năm 2016 đến nay, các đơn đặt hàng cho nguồn thỏ thịt liên tục hộ chăn nuôi thỏ của xã Thiện Nghiệp. Bên cạnh các địa chỉ quen thuộc là nhà hàng, quán ăn ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né thì người nuôi đã chủ động tìm thêm thị trường đầu ra từ các đơn hàng tiệc cưới, giúp ổn định về sản lượng thỏ tiêu thụ, không còn tình trạng thỏ thịt đúng tuổi nhưng chưa thể xuất chuồng. Bên cạnh đó, nhiều quán ăn tại trung tâm TP. Phan Thiết cũng ngày càng ưa chuộng thực đơn thịt thỏ, cũng đã góp phần làm phong phú thị trường đầu ra. Bên cạnh đầu ra thị trường thỏ thịt được mở rộng thì giá bán của con nuôi này cũng giữ ở mức ổn định. Hiện nay, thịt thỏ được thu mua với mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, đối với thỏ giống mức giá là 120.000 đồng/kg. “Về mô hình nuôi thỏ, qua thời gian triển khai trong tổ hợp tác cũng rút ra được những kinh nghiệm, áp dụng khoa học để nâng cao hiệu quả. Thời gian đến, hội sẽ vận động hội viên tiếp tục duy trì mô hình, và có thể nhân rộng ở một số thôn khi thị trường được mở rộng hơn nữa” - anh Nguyễn Minh Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết.

CHÂU TỈNH

Phú Thọ: Hướng đi mới cho chăn nuôi phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Trang trại chăn nuôi gà sạch của bà Nguyễn Ngọc Lan, khu 1, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì.

Những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh Phú Thọ đã từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ... với sự tham gia của nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi còn bộc lộ một số hạn chế như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm tỷ trọng cao nên khó kiểm soát về dịch bệnh và môi trường. Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát như cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn… Kiểm soát xử lý môi trường chưa thường xuyên nên ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng nghiêm trọng. Năng suất hiệu quả chăn nuôi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu liên kết, chưa tạo dựng được thương hiệu, đầu ra không ổn định, chủ yếu bán sản phẩm thô cho thương lái, giá thành sản xuất khá cao, sức cạnh tranh kém. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã bùng phát và lây lan trên địa bàn 63/63 tỉnh, thành; trên địa bàn tỉnh đến tháng 9/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 216 xã thuộc 13/13 huyện, làm trên 50 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy, ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Bệnh hiện chưa có vác xin và phác đồ điều trị hiệu quả nên đã gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi cũng như ngân sách Nhà nước và làm cho sản xuất chăn nuôi lợn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Song qua đó, là dịp để chúng ta nhìn nhận lại, có định hướng mới cho sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Vậy, hướng đi nào để chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường. Để làm được điều này sản xuất chăn nuôi của tỉnh cần tập trung.

Xác định vật nuôi chủ lực, đặc trưng thế mạnh của tỉnh; thận trọng trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Trước diễn biến phức tạp của DTLCP có nhiều quan điểm cho rằng cần giảm chăn nuôi lợn chuyển đổi sang chăn nuôi bò thịt và các vật nuôi khác... Tuy nhiên chúng ta cần xác định rõ và thận trọng về quan điểm này, bởi có 2 lý do: (1) Mục tiêu sản xuất là để phục vụ nhu cầu thị trường, bám theo nguyên lý cung cầu, mà hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn chiếm trên 70% cơ cấu sử dụng thịt các loại, thịt lợn là nhu cầu hàng ngày trong cơ cấu bữa ăn của người dân; (2) Trước biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay thì việc xuất hiện các bệnh mới hoặc các bệnh cũ nhưng có những biến chủng mới rất có thể sẽ xảy ra thường xuyên và trên các đối tượng vật nuôi; thực tế trong giai đoạn gần đây bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng... virut có biến chủng mới, có độc lực cao, phác đồ điều trị cũ không hiệu quả, đã gây chết hàng loạt vật nuôi..... nên trong thời gian tới chúng ta không thể khẳng định được là đối với con bò, con gà hoặc các vật nuôi khác thì sẽ không có dịch bệnh tương tự như bệnh DTLCP... Vì vậy, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề phức tạp về dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Từ những lý do trên đối với Phú Thọ trong thời gian tới cần xác định vật nuôi chủ lực theo thứ tự ưu tiên là: Con lợn, gà, bò và các loại vật nuôi đặc trưng như gà nhiều cựa; dê; vịt; thỏ... tại các vùng có tiềm năng, lợi thế. Đối với chăn nuôi lợn định hướng phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, khép kín từ lợn nái sinh sản đến lợn thịt, chủ động sản xuất con giống tại chỗ.

Dự kiến năm 2020, phát triển đàn lợn đạt 730 nghìn con (lợn nái 86,5 nghìn con); đàn gia cầm đạt 14,9 triệu con (gà 13 triệu con); đàn bò đạt 117,04 nghìn con; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 175,6 nghìn tấn. Sản lượng trứng đạt 430 triệu quả. Đến năm 2025 dự kiến đàn lợn đạt khoảng 860 nghìn con, đàn gia cầm 15 triệu con, đàn bò 117 nghìn con. Sản lượng trứng đạt 430 triệu quả. Tập trung ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, giảm giá thành sản xuất nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm. Khuyến khích việc áp dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại chăn nuôi: Chuồng lạnh, chuồng kín, tự động hóa các công đoạn chăm sóc nuôi dưỡng (cho ăn, cho uống, phòng bệnh…) để giảm chi phí nhân công, nâng cao năng năng suất, chất lượng... giảm giá thành sản xuất. Sử dụng máy móc, thiết bị và các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, giải quyết ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập từ sản phẩm phụ của chăn nuôi (máy tách, ép phân, bể bioga, đệm lót sinh học, nuôi giun...).

Áp dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn để tăng tỷ lệ tiêu hóa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khuyến khích việc áp dụng công nghệ để tự phối trộn thức ăn từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm chi phí giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng các loại thức ăn thảo dược, chế phẩm sinh học trong khẩu phẩn ăn của vật nuôi, giúp nâng cao sức đề kháng, giảm dịch bệnh. Đẩy mạnh phát triển vùng trồng cỏ thâm canh tại các địa phương có quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao. Ứng dụng quy trình thực hành sản xuất chăn nuôi tốt, chăn nuôi an toàn sinh học (phải có biện pháp kiểm soát được người và phương tiện ra vào trang trại, kiểm soát được vật chủ trung gian; thức ăn, nước uống và nước sử dụng trong chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, không nhiễm mầm bệnh; định kỳ hàng ngày, hàng tuần thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, vật tư, dụng cụ chăn nuôi…; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin và thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho đàn vật nuôi,...).

Khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chế biến thực phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ đủ điều kiện theo quy định, hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt và sản phẩm từ thịt,...

Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản lý các hoạt động chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc bằng tem gắn mã QRCode; thông tin, giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở nhằm sớm phát hiện dịch bệnh, có biện pháp bao vây xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan rộng; áp dụng các biện pháp KHKT vào công tác chẩn đoán, cảnh báo dịch bệnh. Chủ động tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi. Xác định doanh nghiệp có vai trò đầu tầu, là chủ trì thúc đẩy tổ chức liên kết sản xuất với người nông dân theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2020, triển khai ít nhất 4-5 liên kết sản xuất chăn nuôi tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ, Thanh Ba.

Hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực đầu tư sản xuất theo quy hoạch nhằm phát triển chăn nuôi tập trung, tăng quy mô tạo ra số lượng sản phẩm lớn, gắn với thị trường tiêu thụ tạo sự ổn định cho đầu ra và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Phát triển chăn nuôi theo hướng giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng tỷ lệ chăn nuôi tập trung. Năm 2020, tổng đàn lợn chăn nuôi tập trung đạt 55,4% (tăng 7,7%); tổng đàn gà chăn nuôi tập trung đạt 28,1% (tăng 4,4%) tổng đàn bò chăn nuôi tập trung đạt 6,7% (tăng 2%). Đến năm 2025, dự kiến tăng tỷ lệ tổng đàn vật nuôi theo phương thức chăn nuôi tập trung (đàn lợn trung bình 5%/năm, đàn gà 4%/năm, đàn bò 3%/năm).

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tạo sự chủ động cho người chăn nuôi, đồng thời giảm chi phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động liên quan đến chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y. Đẩy mạnh công tác dự tính dự báo về thị trường, xác định nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường để có cảnh báo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường về sản lượng và chất lượng. Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, kế hoạch, tăng tỷ lệ chăn nuôi quy mô trang trại, dừng hoạt động hoặc yêu cầu các trang trại di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Ban hành quy định về điều kiện để quản lý hoạt động chăn nuôi.

Tổ chức thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, từng bước dừng hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi tự phát, không đảm bảo điều kiện theo quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên hy vọng chăn nuôi tỉnh Phú Thọ sẽ phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh... sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Từ Anh Sơn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop