Trồng mới, thâm canh, cải tạo được 1.521ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Sở NN&PTNT Hà Nội vừa rà soát kết quả thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao triển khai trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, thông qua đề án này, thành phố đã trồng mới, thâm canh, chăm sóc, ghép cải tạo được 1.521ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao.
Về hiệu quả kinh tế, các mô hình thâm canh bưởi Diễn cho thu nhập bình quân từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm; cam Canh từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm; nhãn chín muộn từ 400 đến 800 triệu đồng/ ha/năm; chuối 190 triệu đồng/ ha/năm; đu đủ 140 triệu đồng/ ha/năm... Theo tính toán, năng suất của các mô hình trên đều tăng từ 20 đến 25% so với trước khi thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao…
SƠN TÙNG
Khám phá vườn cây OCOP ở Hòa Ninh
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Gần mười năm quyết định phá thế độc canh cây cà phê, Trang trại Huỳnh Điểu ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh đã tạo ra đa dạng sản phẩm OCOP đặc trưng của Lâm Đồng.
Sầu riêng Thái Lan xen canh cà phê giá trị cao ở xã Hòa Ninh, Di Linh.
Khám phá vườn cây OCOP ở xã Hòa Ninh, phóng viên ghi nhận sự chủ động, sáng tạo chuyển đổi đa canh của chủ trang trại đã nâng giá trị gia tăng trên mỗi luống đất, hàng cây hàng năm...
Đầu tháng 8/2019 vừa qua, tại khu vực trưng bày sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) ở Trung tâm Hành chính Lâm Đồng nhân tổng kết mười năm xây dựng nông thôn mới, sản phẩm trái bơ Mỹ ghép gốc giống bơ địa phương xã Hòa Ninh, huyện Di Linh với hình dáng căng tròn, phần “cơm” bên trong vàng ươm cô đặc hấp dẫn, đã được lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại biểu các cấp, ngành trong tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, đánh giá cao về tinh thần dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, sáng tạo của nông gia 7X, anh Huỳnh Điểu.
Phóng viên thêm một lần nữa tiếp cận trang trại cây trái bốn mùa, trong đó có trái bơ Mỹ của chủ nhân Huỳnh Điểu một ngày cuối tháng 8/2019. Gặp ngày đang mưa, vườn cây trái Huỳnh Điểu tọa lạc bên đường nhựa lớn thuộc Thôn 14, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh càng trở nên xanh tươi hơn. Ngay ở đầu khu vườn đã được tiếp xúc cận cảnh những hàng cây bơ Mỹ sum suê từng chùm trái từ gốc đến ngọn, chiều cao khoảng năm mét. Dưới tán cây bơ trải dài những luống cà phê đang giăng mắc từng hàng trái xanh bằng đầu chiếc đũa. Chủ vườn Huỳnh Điểu chia sẻ: “Tổng cộng diện tích của trang trại chúng tôi gần 3 ha. Trong đó, gốc cây cà phê đã trên dưới 20 năm tuổi, đạt tỷ lệ 100% đều ghép cải tạo kết hợp với trồng mới cây ghép. Còn gốc cây giống bơ địa phương ghép với chồi bơ Mỹ bắt đầu tiến hành từ năm 2010…”.
Tính trong mười năm vừa qua, bình quân thu hoạch từ tầng cây thấp nhất của Trang trại Huỳnh Điểu là cây cà phê ghép với năng suất từ 5 - 7 tấn nhân/năm. Đây là kết quả sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm tại trang trại từ chọn tạo, ươm ghép giống mới đến chăm bón và thu hoạch, đưa ra thị trường tiêu thụ. Vận dụng kinh nghiệm ghép chồi cà phê cao sản, chủ nhân Huỳnh Điểu tiếp tục ươm hạt, ghép gốc cây giống bơ địa phương với chồi giống bơ Mỹ chất lượng cao. Đầu tiên trồng xen canh vài chục cây bơ Mỹ giống ghép các loại, một năm sau phân tích kết quả và quy trình kỹ thuật phù hợp để nhân rộng đến nay lên đến 600 cây. Rồi ba năm kế tiếp, bơ ra trái bói, thu hoạch bình quân đến 50 kg/cây. Đến năm tuổi thứ tư trở đi thì ổn định năng suất bơ Mỹ (chủ yếu gồm các giống booth, pinkerton, reed, zutano) với trên 100 kg/cây, chủ nhân Huỳnh Điểu quyết định xen canh thêm tầng cây ăn trái che bóng, chắn gió và ngăn mưa bên trên tầng cây cà phê, đó là sầu riêng, mắc ca, măng cụt, thanh long, bưởi da xanh…
Hạch toán trong thời điểm tháng 8/2019, giá bơ Mỹ bán tại trang trại Huỳnh Điểu trên dưới 50.000 đồng/kg. Nếu nhân với sản lượng phần lớn mỗi cây thu 100 kg thành doanh thu 5 triệu đồng. Và nhân tiếp sản lượng 600 cây bơ Mỹ đang thu hoạch thì doanh thu vượt trội lên hơn 3 tỷ đồng. Chia sẻ kỹ thuật trồng cây ăn trái OCOP xen canh với cà phê, chủ nhân Huỳnh Điểu cho biết mật độ trồng cây cách cây từ 6 m đến 9 m đối với cây sầu riêng, mắc ca và bơ. Từng loại cây ăn trái sau khi thu hoạch cần tập trung cắt cành, tỉa tán. Khi thời tiết chuyển mùa phải áp dụng các biện pháp sinh học để xua đuổi côn trùng, phòng trừ nấm bệnh phát sinh…
Cũng đến thời điểm cuối tháng 8/2019, bên cạnh cây bơ Mỹ, chủ nhân Huỳnh Điểu đã ổn định cơ cấu vườn cây OCOP đang thu hoạch xen canh trên diện tích 3 ha cà phê trang trại của mình ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh gồm 25 cây sầu riêng Thái Lan (năng suất 300 kg/cây); giàn cây thanh long chiều dài 800 m, chiều cao 3 m (sản lượng 1.000 kg/năm); 20 cây mắc ca (năng suất 10 kg/cây/năm)...Và nhân với giá thành từng loại cây ăn trái này từ 30 - 80.000 đồng/kg, cộng với doanh thu bơ Mỹ, cà phê, chủ nhân Huỳnh Điểu có thêm một năm lợi nhuận đột phá từ vườn cây OCOP ở đây.
Kinh nghiệm trên diện tích 3 ha của Trang trại Huỳnh Điểu ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh cho thấy việc xen canh cây ăn trái OCOP không những ổn định thu nhập quanh năm mà còn thực hiện chức năng che bóng, chắn gió, hạn chế thiệt hại cho cây cà phê trong cả mùa mưa bão và mùa nắng hạn, góp phần cân bằng môi trường sinh thái cho các loại cây trồng. Bởi vậy từ tháng 9/2019, Trang trại Huỳnh Điểu phát triển đa canh với 100 cây mắc ca trồng mới. Và cũng trên diện tích trang trại này, dự kiến đến tháng 9/2020, chủ nhân Huỳnh Điểu tiếp tục bước vào thu hoạch vụ mùa đầu tiên gồm 45 cây sầu riêng Thái Lan, 200 cây bơ Mỹ…
VĂN VIỆT
Trồng ổi nữ hoàng cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/công/năm
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Là giống ổi mới, giòn, ngọt, ruột nhỏ, ít hạt, trái to… nên thời gian gần đây ổi nữ hoàng được nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) chọn trồng. Năm nay, ổi nữ hoàng không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá, nên người trồng đạt lợi nhuận cao.
Trồng ổi nữ hoàng đạt lợi nhuận cao.
Ổi nữ hoàng dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chỉ sau 8 tháng trồng là cho trái quanh năm. Do tán cây tương đối nhỏ, nên 1.000m2 đất có thể trồng được từ 150-170 cây. Đối với cây 3 năm tuổi, mỗi cây cho năng suất khoảng 40-50kg/năm, tương đương khoảng 7 tấn/công, cao hơn 1 tấn so với ổi lê. Khoảng một tháng nữa nông dân Phụng Hiệp mới vào vụ thu hoạch rộ ổi nữ hoàng, nhưng hiện nay thương lái đã vào tận vườn đặt cọc thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Với giá bán này, trừ hết chi phí nhà vườn trồng ổi nữ hoàng thu nhập hơn 30 triệu đồng/công/năm, cao hơn 5 triệu đồng so với trồng ổi lê.
Tin, ảnh: DUY KHÁNH
10 loại cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành tiêu chuẩn xuất vườn ươm đối với 6 loại cây công nghiệp (điều ghép, ca cao ghép, cà phê ươm hạt, cà phê ghép, chè ươm hạt, chè cành) và 4 loại cây ăn quả (bơ ghép, sầu riêng ghép, măng cụt, chuối La Ba) trên địa bàn.
Trong đó quy định giống cây công nghiệp lên đến 10 tiêu chuẩn xuất vườn như tuổi cây, chiều cao cây tính từ mặt bầu, số cặp lá mới, đường kính gốc, vết ghép, chiều dài cành ghép, huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn, số cặp lá hoàn chỉnh, kích thước bầu đất, sâu bệnh hại.
Giống cây ăn quả phải đạt cao nhất đến 11 tiêu chuẩn xuất vườn gồm: tuổi cây làm gốc ghép, đường kính gốc ghép (đo phía dưới vết ghép 2 cm), số cành, số tầng lá, chiều cao (đo từ mặt bầu đến đỉnh chồi cao nhất), đường kính cành ghép (đo từ phía trên vết ghép khoảng 2 cm), kích thước bầu đất, vết ghép, vị trí ghép, bộ rễ, huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn, sâu bệnh hại.
VĂN VIỆT
Thờ ơ với truy xuất nguồn gốc nông sản
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Sau gần 2 năm phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc nông sản trên thị trường Hà Nội, thực tế đã xuất hiện những bất cập, do người tiêu dùng thờ ơ, còn các đơn vị sản xuất chưa mặn mà...
Chỉ với một điện thoại thông minh có phần mềm quét mã, người tiêu dùng có thể nhận diện được nguồn gốc nông sản.
Tại một số siêu thị: Big C, Vinmart, Metro… và các cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố, nhiều mặt hàng nông sản đã được dán các loại tem truy xuất nguồn gốc. Song, rất ít người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) để truy xuất nguồn gốc thông tin về nhà sản xuất, quy trình chăm sóc, mà chỉ quan tâm thời hạn sử dụng của sản phẩm.
Bà Đinh Thị Thu Hà ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Nông sản bán trong siêu thị, cửa hàng tiện ích có dán tem truy xuất, vì vậy mỗi lần mua sản phẩm tôi đều tìm kiếm nguồn gốc nông sản thông qua tem có mã QRcode. Thế nhưng việc này chỉ áp dụng được một thời gian, bởi mỗi lần lựa chọn sản phẩm phải đưa điện thoại lên chụp ảnh, rồi tra cứu mất nhiều thời gian, bất tiện, nên không dùng nữa...”.
Trong khi nhiều người tiêu dùng còn thờ ơ với việc tra cứu nguồn gốc nông sản thông qua mã QRcode, thì người sản xuất cũng không mấy mặn mà. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh cho biết: Năm qua, hợp tác xã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, nhưng chỉ kéo dài được khoảng 3 tháng là phải dừng lại, do người dân chưa quen với việc ghi chép lưu trữ hồ sơ liên quan tới quá trình sản xuất. “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc khiến chi phí sản xuất tăng. Vì vậy, sau thời gian thử nghiệm và thấy người tiêu dùng không quan tâm quét mã QRcode nên hợp tác xã dừng triển khai và chỉ thực hiện dán tem thông thường”, ông Trịnh Văn Vĩnh cho hay.
Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, sau gần 2 năm triển khai duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc nông sản, đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.077 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho 236 doanh nghiệp, với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 4.000 sản phẩm. Tuy nhiên, việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản còn bất cập. Nguyên nhân, một phần do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, nhưng mấu chốt là do cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa nhận thức được lợi ích và hiệu quả của việc dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Hơn nữa, nhiều cơ sở sản xuất ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm và không muốn sản phẩm bị kiểm soát chặt chẽ...
Để thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành: Các sở, ngành sớm nghiên cứu tham mưu UBND thành phố Hà Nội có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản chi phí ban đầu; tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ của doanh nghiệp làm nhiệm vụ dán tem, thực hiện đưa thông tin lên máy chủ để nhập dữ liệu...
Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước để thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã Qrcode cho nông sản.
NGỌC QUỲNH
Vĩnh Long: Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi dê
Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM
Trong một lần xem tivi, vợ chồng ông Lương Thiện Nghệ ở khóm 3, thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thấy mô hình chăn nuôi dê cho thu nhập cao. Vậy là vợ chồng ông tìm hiểu kỹ thuật nuôi dê từ những người làm trước ở địa phương, trên internet và quyết định đầu tư nuôi.
Nhận thấy dê ưa sạch, ít dịch bệnh nên ông đã làm chuồng nuôi theo kiểu nhà sàn, ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Chuồng dê có thể làm bằng tre hoặc gỗ, chiều ngang 1,8m, dài 2,5 m, sàn chuồng cách mặt đất 0,6-0,8 m để dê không chui qua. Nền chuồng phải phẳng, nhẵn để dễ vệ sinh, có rãnh để thoát phân và nước tiểu. Ông còn trồng thêm cỏ, chuối, so đũa để chủ động nguồn thức ăn cho dê.
Ông Nghệ chia sẻ thêm, dê rất nuôi, sinh sản rất nhanh, cứ 6 tháng đẻ 1 lứa, mỗi lứa đẻ 1-2 con, trung bình mỗi con dê có thể sinh từ 15-17 lứa và dê nuôi 6-8 tháng có thể xuất bán. Hiện nay gia đình ông cứ 8 tháng sẽ xuất bán 1 lần khoảng 20 con dê thịt với giá bán 140.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí gia đình ông còn lãi trên 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra ông còn tận dụng nguồn phân dê để bón lại cho cỏ và vườn cây ăn trái giúp tiết kiệm chi phí phân bón mà cây lại phát triển tốt. Khi không bón cho vườn cây ăn trái ông có thể bán phân dê cũng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Nhờ siêng năng, chịu khó nên đàn dê của ông phát triển rất nhanh. Chỉ sau 4 năm đã tăng lên 32 con dê cái và hàng chục con dê thịt, dê giống. Việc chăn nuôi của vợ chồng ông đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình./.
Nuôi dê mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Nghệ
Ngọc Đồng - Trạm Khuyến nông Tam Bình, Vĩnh Long
Nuôi gà Lạc Thủy trên nền đệm lót sinh học
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, Trung tâm đã xây dựng mô hình “Nuôi gà Lạc Thủy trên nền đệm lót sinh học” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, 5 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh đã nuôi xấp xỉ 2 ngàn gà giống Lạc Thủy/hộ trên nền đệm lót trấu trộn cùng men vi sinh. Gà Lạc Thủy là giống gà nguồn gốc từ tỉnh Hòa Bình, có mã đẹp, thịt ngon, kỹ thuật chăm sóc dễ dàng, đặc biệt thích hợp với nơi có khí hậu mát mẻ. Nuôi trên đệm lót sinh học giúp giữ môi trường sạch sẽ, giảm thiểu mùi hôi phát tán, đồng thời giúp gà khỏe mạnh. Đến thời điểm hiện tại, cả 5 mô hình đều cho kết quả tốt, tỷ lệ sống cao, gà phát triển nhanh cho thấy sự phù hợp của giống gà Lạc Thủy với vùng đất Di Linh.
D.QUỲNH
Hiếu Giang tổng hợp