Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 03 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 03 năm 2016

Hậu Giang: Giá lúa tăng 300 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

So với thời điểm tháng 2 thì giá lúa Đông xuân 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong những ngày đầu tháng 3 này đang tăng khoảng 300 đồng/kg, trong đó tăng mạnh nhất là các giống lúa hạt dài như: OM 5451 và OM 4900. Cụ thể, hiện thương lái mua lúa tươi, cắt máy tại ruộng với hai loại giống trên có giá từ 4.900 - 5.000 đồng/kg, riêng giống lúa IR 50404 cũng đang tăng nhẹ và ở mức 4.400 - 4.500 đồng/kg. Theo nhận định của nông dân, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên năng suất lúa chỉ đạt 1 tấn/công (công 1.300m2), giảm khoảng 200kg/công so với cùng kỳ, nhưng bù lại bán được giá cao, cho nguồn thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Giá lúa tăng khiến người dân đang thu hoạch rất phấn khởi. Ảnh: TUẤN PHÁT

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 45.000ha trong tổng số gần 80.000ha đã xuống giống, năng suất bình quân đạt hơn 7,3 tấn/ha.

TUẤN PHÁT

Những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ra đời từ năm 2008, sản xuất rau VietGAP đã nhanh chóng thâm nhập vào những vùng nông nghiệp Lâm Đồng, mang đến lợi nhuận vượt trội cho người nông dân. Đến nay, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu mở rộng diện tích rau VietGAP. Tuy nhiên, lộ trình phía trước đang đối diện với nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Rau VietGAP Lâm Đồng đang thu về lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng/ha/năm

Dẫn đầu diện tích VietGAP cả nước

Theo ông Phạm Văn Hội (Trung tâm Sinh thái nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam), từ năm 2012 đến nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu nhanh chóng khôi phục và mở rộng, đã tạo cơ hội cho người nông dân phát triển thêm nhiều diện tích và các loại rau đạt giá trị lợi nhuận cao hơn, trong đó có diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng ở tỉnh Lâm Đồng, đến đầu năm 2016 đã chiếm vị trí “số 1” trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rau VietGAP. Cụ thể, diện tích rau VietGAP ở 4 tỉnh dẫn đầu cả nước gồm: Lâm Đồng hơn 1.300ha, Vĩnh Phúc 400ha, thành phố Hồ Chí Minh gần 270ha và Hải Dương hơn 130ha. Đánh giá chung về kết quả sản xuất rau VietGAP ở Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nói thêm: “Đặc trưng rau VietGAP ở vùng cao nguyên Lâm Đồng là có thể sản xuất quanh năm với đa chủng loại khác nhau, đạt chất lượng tươi ngon, đồng đều, thời gian bảo quản dài. Sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng phần lớn đã hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp nên đảm bảo ổn định thị trường đầu ra. Hàng năm xuất khẩu rau VietGAP sang các nước Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… chiếm tỷ lệ từ 3 - 5% sản lượng rau toàn tỉnh…”.

Khảo sát của phóng viên tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ gia đình sản xuất rau VietGAP ở Đà Lạt và các vùng phụ cận cho biết, lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất rau VietGAP trong 3 năm gần đây đạt trung bình khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có không ít diện tích trồng dâu tây Newzealand, các giống cà chua của châu Âu, châu Mỹ, các loại rau baby, rau thơm châu Âu… đạt lãi trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Để sản xuất trên 1ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn vốn đầu tư khá lớn (từ 1,5 - 2 tỷ đồng xây dựng nhà kính, hệ thống tưới nước và bón phân tự động, chưa kể giá trị về đất), kỹ thuật canh tác hiện đại, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước, chi phí phân tích mẫu đất, nước và sản phẩm còn khá cao. Mặt khác, hiệu lực của Giấy Chứng nhận VietGAP chỉ trong vòng 2 năm, giám sát định kỳ 1 năm/lần… nên đã gây không ít khó khăn cho người nông dân khi tiếp cận sản xuất. Chi tiết hơn, bà Cao Thị Làn (Khoa Nông lâm - Trường Đại học Đà Lạt) phân tích hàng loạt khó khăn trong phát triển rau VietGAP Lâm Đồng gồm: quy trình sản xuất với quá nhiều chỉ tiêu kỹ thuật khắt khe; chi phí sản xuất tăng cao hơn từ 10 - 15% so với chi phí sản xuất truyền thống; giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân phân phối chưa có liên hệ chặt chẽ… Kế đến vẫn còn nhiều diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không theo mùa vụ, khó kiểm soát; phải ghi chép nhật ký sản xuất từ khâu chuẩn bị đất đến thu hoạch, dán mã vạch; phải phân lô, mã hóa các lô sản xuất; một bộ phận thị trường còn chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm rau VietGAP và rau không VietGAP…

Trong những khó khăn về sản xuất rau VietGAP ở Lâm Đồng nêu trên, ông Phạm Văn Hội đã nhận diện 3 nút thắt chính cần tháo gỡ đó là: Người sản xuất rau không VietGAP vẫn còn thiếu thông tin và kỹ thuật sản xuất rau VietGAP để chuyển đổi quy trình; người tiêu dùng thường thiên về khía cạnh “tiêu cực” của thông tin (khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một vài trường hợp rau không an toàn đánh tráo rau an toàn, thay vì nhận định thị trường rau an toàn đã được kiểm soát, thì người tiêu dùng lại chuyển sang nghi ngờ “rau an toàn chưa chắc đã an toàn” (!)); các đầu mối thu mua rau VietGAP không thể hiện được vai trò kiểm soát mức độ an toàn của sản phẩm trước khi phân phối đến người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để tháo gỡ những nút thắt trong sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng, điều cần thiết bây giờ là quy hoạch và thực hiện đầy đủ quy hoạch vùng sản xuất VietGAP của Đà Lạt và các vùng phụ cận, kiên quyết không cho phép sản xuất rau không VietGAP ở những vùng quy hoạch rau VietGAP. Tiếp theo cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế doanh nghiệp, đào tạo nguồn lực, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất rau VietGAP Lâm Đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình VietGAP; xây dựng và ban hành quy trình canh tác đối với từng loại rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất VietGAP. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng các hình thức tổ chức hội chợ, triển lãm, liên kết giới thiệu sản phẩm rau VietGAP của Lâm Đồng đến nhiều thị trường trong nước và nước ngoài.

VĂN VIỆT

Nông dân "bẻ kèo", gần 70.000 tấn mía bị bán ra ngoài

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Vụ ép 2015 - 2016, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) gặp nhiều bất thuận do nguyên liệu thuộc vùng quy hoạch của nhà máy bị bán ra ngoài.

Bắt đầu từ ngày 10/12/2015, dự tính kết thúc vào cuối tháng 3/2016, vụ ép này NASU có trên 21.000 nông dân tham gia. Tuy nhiên, do cạnh tranh cây trồng cũng như ảnh hưởng của một số dự án khác trên địa bàn nên diện tích mía năm nay thấp hơn so với quy hoạch, đạt 14.234 ha, giảm so với vụ ép trước gần 3.000 ha. Địa phương có diện tích giảm mạnh là Quỳ Hợp (giảm 1.244 ha), Nghĩa Đàn (1.032ha)…

Nông dân Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn thu hoạch mía

Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, vào các vụ trồng mía hàng năm (vụ xuân, vụ thu) NASU đều ban hành và thực hiện các chính sách cho vay và hỗ trợ nông dân để trồng mía theo vùng quy hoạch. Trong vụ ép 2015 - 2016, NASU đã hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân gần 2 tỷ đồng và cho vay gần 92 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay với Công ty TNHH mía đường Nghệ An là không chỉ diện tích giảm, vùng mía quy hoạch cho nhà máy và do công ty ký hợp đồng đã bị bán ra ngoài.

Đến nay, trên 80% diện tích mía ở Nghĩa Đàn đã được thu hoạch

Tại xã Nghĩa Hội, ông Trần Văn Thông – Nhóm trưởng ở xóm Đông Hội 2 cho biết, nhóm ông có 120 hộ, diện tích 90 ha. Đến thời điểm này, 90% diện tích đã được người dân đã thu hoạch, đến 12/3 sẽ thu hoạch xong. Năng suất bình quân đạt khá cao, khoảng 60 tấn/ha. Ông cũng thừa nhận có tình trạng bán mía ra ngoài, và cho rằng lý do là NASU mua giá thấp hơn so với tư thương.

Cân mía tại nhà máy NASU

Theo ông Ngô Văn Tú - Phó giám đốc công ty NASU, các tư thương đã sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau mua mía của nông dân đã ký hợp đồng với NASU đưa sang Tân Kỳ bán cho nhà máy đường Sông Con. Tình trạng này làm thất thoát và mất ổn định trong vùng nguyên liệu của nhà máy, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ đã đầu tư cho nông dân. Hiện còn trên 22 tỷ đồng cho vay vụ ép 2015 - 2016 chưa thu được, trong khi các năm trước thu trung bình 99%.

Không chỉ năm nay mà các niên vụ trước NASU cũng đối mặt tình trạng thất thoát vùng nguyên liệu mía, cụ thể: Vụ 2012 - 2013 thất thoát 27.400 tấn; 2013 - 2014 thất thoát 20.263 tấn, 2014 - 2015 là 33.820 tấn và vụ 2015 - 2016 đã mất khoảng 70.000 tấn.

Thu Huyền

Nông dân còn thờ ơ với cơ giới hóa nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Thế nhưng, hiện nay nhiều nông dân Bạc Liêu vẫn còn sản xuất thủ công từ khâu cải tạo đất đến thu hoạch lúa. Và chuyện thất thoát sau thu hoạch, giảm lợi nhuận là điều hiển nhiên.

* Nông dân xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) làm đường thoát nước mặt ruộng bằng phương tiện thô sơ. Ảnh: P.Đ

* Ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), nông dân dùng sức kéo của trâu để san bằng mặt ruộng. Ảnh: P.Đ

Trồng lúa theo kiểu thủ công

Trồng lúa là một trong những thế mạnh của ngành Nông nghiệp tỉnh, nhưng lâu nay, không ít nông dân vẫn còn sản xuất thủ công theo tập quán truyền thống. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi. Phần lớn nông dân vẫn còn thờ ơ với các máy móc trong khâu gieo sạ. Thay vì sử dụng máy sạ hàng, máy gieo hạt trên diện rộng thì nông dân vẫn dùng phương pháp sạ tay truyền thống.

Ông Bùi Văn Quí (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) nói: “Từ trước đến nay, nông dân ở đây sạ tay và không ai dùng máy gieo sạ hàng. Họ cho rằng máy sạ hàng sạ lúa rất thưa, cho năng suất thấp. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc sẽ tăng thêm chi phí mà chưa biết hiệu quả đến đâu, đặc biệt là đối với những hộ ít đất sản xuất”. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì sạ tay vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí (vì tiêu tốn một lượng lớn lúa giống).

Trên thực tế, số lượng máy móc, trang thiết bị phục vụ cho 3 khâu chính của nông nghiệp là trước, trong và sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Theo thống kê mới nhất từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có 2.478 máy làm đất, 158 lò sấy lúa. Đặc biệt, trong khâu thu hoạch lúa, với 240 máy gặt đập liên hợp thì chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của nông dân. Vì thế cứ đến mùa thu hoạch, bà con phải chờ vào lượng máy gặt đập từ các tỉnh khác đến. Theo ông Dương Chí Thanh (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh): “Trong sản xuất lúa, nông dân còn hạn chế việc tiếp cận máy móc, nhất là khâu gieo hạt và chế biến. Phần lớn lúa sau thu hoạch đều được bà con bán tươi nên giá thành rất thấp. Nếu có phơi sấy thì chất lượng lúa cũng chưa cao”.

Nông sản thất thoát

Vấn đề giảm thất thoát trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản chất lượng cao được các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến (như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ…) quan tâm. Việt Nam là một trong những vựa lúa xếp loại lớn nhất, nhì thế giới, song công nghệ thu hoạch lúa vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, đánh giá: “Tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch nông sản của chúng ta hiện nay dao động từ 10 - 12% (tùy theo từng vụ lúa), và tỷ lệ này vẫn nằm ở mức cao. Cứ 100kg lúa, sau khi qua các khâu gặt đập, làm khô, vận chuyển, bảo quản, xay xát sẽ bị thất thoát từ 10 - 12kg. Người Mỹ khi thu hoạch lúa mì thì sẽ chế biến thành bột mì ngay trên cánh đồng; hay máy thu hoạch ngô của họ có thể đóng gói hạt ngô sấy khô ngay trên rẫy… Họ làm được như vậy vì máy móc hiện đại, rút ngắn từ khâu thu hoạch đến chế biến chỉ trong một công đoạn. Từ đó cho thấy chúng ta cần đầu tư máy móc cho nông nghiệp nhiều hơn nữa”.

Còn ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho rằng: “Những giải pháp mà nông dân có thể áp dụng để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch gồm: tập trung cải tạo đất làm phẳng mặt ruộng; chọn giống lúa cứng cây ít đổ ngã; bón phân cân đối theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng nhiều máy móc vào sản xuất; đẩy mạnh hợp tác làm ăn tập thể và liên kết với các nhà khoa học”.

Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, trong tương lai, nông nghiệp công nghệ cao sẽ giữ vai trò quan trọng. Thiết nghĩ, ngành quản lý cần có những giải pháp kịp thời đưa nông nghiệp phát triển theo hướng từng bước hiện đại hóa. Bởi, việc làm này không chỉ phản ánh trình độ sản xuất, mà hơn hết là giúp nông dân làm ra nông sản sạch, tăng năng suất và giảm chi phí, cho lợi nhuận cao.

PHẠM ĐOÀN

Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP: Cần nhiều nỗ lực

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) là hướng phát triển tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và là “chìa khóa” để nông sản của tỉnh nhà bước vào hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu.

Một cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Hòa Lợi, TX. Bến Cát. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ tháng 1-2008. Tại Bình Dương đến nay, riêng đối với cây rau, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình đầu tư hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa được thực hiện; trong đó ưu tiên cho chương trình sản xuất mở rộng và phát triển vùng sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy vậy, hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân là do các mô hình, chương trình chưa tính đến hiệu quả kinh tế theo định hướng thị trường và chưa tính đến khả thi khi người dân tách khỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó dẫn đến mô hình sử dụng vốn ngân sách có sẵn không thực sự đặt ra mục đích hiệu quả kinh doanh. Riêng đối với mô hình sản xuất trong nhà lưới, còn những hộ dân thực hiện mô hình này chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác; thiếu năng động, nhạy bén trong việc ứng dụng và tìm kiếm các loại rau, củ, quả thị trường cần ở từng thời điểm, từng mùa vụ...

Theo bà Lưu Đình Lệ Thúy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản tỉnh, một nút thắt cần sớm được tháo gỡ là sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện chưa có kênh tiêu thụ riêng, đồng thời chưa xây dựng được độ tin cậy cho người tiêu dùng. Điều cần làm trước mắt là phải tăng cường liên kết để xây dựng kênh tiêu thụ bảo đảm ổn định giá cả và đầu ra sản phẩm; đồng thời xây dựng khu bán sản phẩm VietGAP riêng, có quảng cáo bằng trực quan sinh động để người dân nâng cao nhận thức trong việc trồng cũng như tiêu dùng…

Với những chính sách khuyến khích của tỉnh và nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại đạt chuẩn VietGAP. Hy vọng đây sẽ là tiền đề tốt, một “cú hích” cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trang trại để cùng thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ có sức cạnh tranh cao và hướng ra thị trường ngoài nước.

THOẠI PHƯƠNG

Gần 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 994.000 ha lúa xuống giống tại ĐBSCL.

Diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ảnh VTV.

Cụ thể, diện tích trồng lúa bị thiệt hại trực tiếp hiện lên tới gần 140.000 ha. Các tỉnh có diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất do hạn hán và xâm ngập mặn là Cà Mau với gần 50.000 ha. Tiếp đó là Kiên Giang với trên 34.000 ha, Bến Tre là trên 13.000 ha, Bạc Liêu và Trà Vinh là trên 11.000 ha.

Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện đã ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh ở khu vực này.

Hiện các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán và xâm ngập mặn.

Cũng theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại do hạn hán và xâm ngập mặn tại khu vực ĐBSCL ước tính khoảng 215 tỉ đồng.

Đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh

Trước tình hình hán hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng này, những ngày qua, các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.

Sáng 5/3, hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) bắt đầu xả nước để đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Đây là đợt xả nước lần thứ 5 và đợt xả nước có thời gian dài nhất là sáu ngày (144 giờ), kể từ đầu năm 2016. Mục đích của việc xả nước lần này là để phục vụ cho việc đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn.

Để khắc phục tình trạng nước máy nhiễm mặn, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre đang mở rộng, nâng công suất Trạm bơm Cái Cỏ, đồng thời đắp đập tạm ngăn mặn trên rạch Bến Rớ, đều thuộc địa bàn xã Quới Thành (huyện Châu Thành), nhằm tạo ra nguồn nước ngọt thô ổn định để xử lý và cung cấp nước ngọt cho người dân. Dự kiến, cả hai công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 15/3.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương theo dõi độ mặn trên khắp các vùng bị ảnh hưởng để kịp thời khuyến cáo bà con nông dân lấy nước, trữ nước cứu lúa, hạn chế thiệt hại. Đồng thời tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương; lắp đặt, vận hành trạm bơm dã chiến; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; khuyến cáo nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước, không xuống giống ở những khu vực không có nguồn nước tiếp ngọt…

Hai tháng qua, hơn 68.990 người ở vùng nông thôn tỉnh Trà Vinh phải chịu cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt gay gắt. Tỉnh đã dành nguồn kinh phí để hỗ trợ cho dân mua phương tiện chứa nước và hóa chất xử lý nước (PAC). Về lâu dài, tỉnh Trà Vinh đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 325 tỉ đồng để thực hiện các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho dân các vùng nông thôn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hằng năm.

Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả của hạn hán. Hiện, tỉnh đã triển khai 78 dự án thủy lợi; trong đó có 23 dự án do cấp tỉnh làm chủ đầu tư, 55 dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các dự án thủy lợi trong tỉnh được bố trí gần 350 tỉ đồng.

Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ hỗ trợ 31,5 tỉ đồng triển khai thực hiện các phương án chống hạn và khôi phục sản xuất ở những vùng bị thiệt hại nặng. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các phương án chống hạn trên cơ sở phát huy nội lực; đồng thời vận động nông dân dồn sức chống hạn để cứu các loại cây trồng trên những chân ruộng của mình.

Thực hiện mô hình tưới ngập khô xen kẽ và ứng phó với tình trạng khô hạn, tỉnh Bạc Liêu tổ chức 16 điểm trình diễn trên diện tích 650 ha với 600 hộ nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt hơn 7 tấn/ha vụ thu đông, tăng hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng lúa ngoài mô hình, lợi nhuận tăng thêm 6,2 triệu đồng/ha.

Trước tình trạng nước mặn xâm nhập sâu hạ lưu các con sông ở huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), Chi nhánh thủy lợi huyện Hậu Lộc đã chủ động bơm nước ngọt từ các trạm bơm Châu Lộc, Đại Lộc, đẩy nước về các trạm bơm nội đồng. Hiện, chi nhánh vận hành 25 trạm bơm, cung ứng đủ nước tưới cho hơn 7.000 ha lúa vụ chiêm xuân trong huyện.

43.000 ha rừng báo cháy, Cà Mau lập gần trăm chòi canh lửa

Hơn 43.000 ha rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) đang có cấp báo cháy tăng theo từng ngày, cơ quan chức năng cùng người dân phải căng mắt canh giữ rừng.

Đến ngày 6/3, có hơn 2.500 ha rừng báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm và hơn 2.000 ha báo cháy cấp nguy hiểm.

Ban Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ điều động 7 tổ máy với lực lượng chuyên nghiệp vào "điểm nóng" cháy rừng. Hơn 77 chòi canh lửa được dựng lên khắp rừng U Minh Hạ. Trên 500 hộ dân sống dưới tán rừng cũng được huy động, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cũng vừa tăng cường thêm 4 tổ máy bơm vào làm nhiệm vụ canh lửa rừng tràm U Minh Hạ. Các máy bơm có công suất lớn, có đầy đủ trang thiết bị chữa cháy, sẵn sàng làm nhiệm vụ tại nơi được phân công và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng lân cận, hoạt động từ nay đến hết mùa khô 2016.

Nhằm bảo vệ an toàn rừng tràm U Minh Hạ trước tình hình khô hạn gay gắt như hiện nay, tỉnh Cà Mau tạm dừng tổ chức vào rừng lấy mật ong, săn bắt và các hình thức khác. Đồng thời không tiếp nhận người ngoài vào rừng khi chưa có sự đồng ý của cán bộ kiểm lâm.

Anh Kiên (tổng hợp)

Trồng khoai môn: Cách làm sáng tạo của nông dân vùng hạn mặn

Nguồn tin: Tiền Giang

Trước tình hình hạn mặn gây nhiều thiệt hại trong mùa khô 2015 - 2016, Tiền Giang khuyến khích nông dân chuyển từ trồng lúa sang rau màu theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế như trồng khoai môn trên ruộng lúa của ông Phan Ngọc Luân, ngụ ấp Bình Hưng, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.

Khu vực ấp Bình Hưng, thị trấn Vĩnh Bình, nơi gia đình ông Luận đang sinh sống vốn vùng trũng lại xa nguồn cấp nước, chủ yếu lấy nước dự án ngọt hóa Gò Công là kênh Xuân Hòa, nên thường bị ngập úng vào mùa mưa dầm, nhưng lại chịu khô hạn, thiếu nước bơm tát vào mùa khô.

Những năm khô hạn gay gắt, ông Luân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ sang trồng khoai môn trên diện tích sản xuất 1 ha đất trồng lúa. Để thành công, ông Luận đã nghiên cứu tài liệu khuyến nông về cây khoai môn, đồng thời chịu khó tìm hiểu, nắm thêm thông tin từ cán bộ khuyến nông và câu lạc bộ khuyến nông địa phương. Ngoài ra, ông còn học tập kinh nghiệm trồng, thâm canh khoai môn qua những nông dân đi trước.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây đánh giá, ông Luận là nông dân ham học hỏi, chịu khó tìm hiểu và tích cực chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa, để đạt hiệu quả kinh tế cao, gia đình an cư lạc nghiệp.

Ông Phạn Ngọc Luận chia sẻ: Tính trung bình trên 1 công đất (1.000m2) thì chi phí cho cây khoai môn khoảng 7,5 triệu đồng. Khoai môn trồng trên ruộng đạt năng suất bình quân 2 tấn/công đất (20 tấn/ha), giá bán khoảng 13.000 đồng/kg, tổng thu được 26 triệu đồng, thực lãi 18,5 triệu đồng/công đất. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Luận thu lãi 185 triệu đồng."

Năm nay, tình hình diễn biến khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển Nam bộ gây nhiều thiệt hại. Tại các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công hiện đã có hàng ngàn ha lúa Đông xuân 2015 - 2016 bị mất trắng. Trước mắt, các huyện phía Đông tỉnh: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công đã chuyển khoảng 1.600 ha sang trồng rau màu, giúp tiết kiệm nguồn nước bơm tát, mở hướng ra cho sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, Gò Công Tây là địa phương chuyển đổi từ lúa sang màu đối với những vùng sản xuất khó khăn với tổng diện tích gần 400 ha. Đến đầu tháng 3/2016, toàn huyện chỉ có khoảng 30 ha trong tổng diện tích gần 1.000 ha thiệt hại do hạn mặn toàn tỉnh.

Ông Phan Ngọc Luận kiến nghị Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan các cấp tăng cường tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp gắn với các đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đưa cây màu xuống chân ruộng. Tùy vùng, tùy địa bàn có những cây màu chủ lực phù hợp, trong đó khoai môn là một trong những cây trồng kinh tế cần được quan tâm.

Còn theo ông Huỳnh Phước Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh, dù thời tiết và thiên tai năm nay phức tạp, nhưng mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng nói chung và cây khoai môn nói riêng trong vùng ngọt hóa Gò Công đều phát triển tốt, hiệu quả cao. Đây chính là cơ sở khoa học để tỉnh bố trí lại cây trồng, mùa vụ phù hợp, gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu.

Minh Trí

Gia Lai: Dưa hấu “đắng” vì mất mùa mất giá

Nguồn tin: VOV

Năng suất dưa cùng với giá thu mua giảm thấp, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi hộ trồng dưa lỗ hàng chục triệu đồng.

Năm nay, nông dân tỉnh Gia Lai trồng được khoảng 1.000 ha dưa hấu. Nhưng do nắng hạn khốc liệt, quả dưa nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên giá bán sụt giảm từ 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Danh ở thôn 6, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai trồng 2 ha dưa hấu. Do tình hình khô hạn diễn ra khắc nghiệt nên quả dưa hấu nhỏ, năng suất giảm 50%. Sau khi bán 40 tấn dưa cho thương lái, trừ các khoản chi phí, gia đình bà Danh lỗ hàng chục triệu đồng.

“Vụ dưa năm nay thời tiết nắng nóng nên nông dân ở đây ai cũng bị thất thu rất nhiều. Dưa không đạt chất lượng khiến giá mua giảm nên mỗi gia đình trồng dưa lỗ từ 60 – 70 triệu đồng”, bà Danh cho biết.

Hiện đang là thời điểm bà con nông dân ở các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tập trung thu hoạch dưa hấu. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn kéo dài cùng với những đợt lạnh giá thất thường khiến dưa hấu quả nhỏ và năng suất rất thấp, chỉ khoảng 20 - 25 tấn/ha, giảm một nửa so với những năm trước.

Dưa không đạt chất lượng khiến giá mua giảm nên mỗi gia đình trồng dưa ở Gia Lai lỗ từ 60 – 70 triệu đồng.

Cùng với đó, việc tiêu thụ sản phẩm lại rất khó khăn do phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Nếu theo yêu cầu của đối tác chỉ nhập những loại dưa có cân nặng trên 5kg/quả, thì phần lớn sản phẩm dưa hấu ở Gia Lai không đạt yêu cầu. Đồng thời, giá dưa hấu mà các đối tác nước ngoài đưa ra thất thường nên thương lái ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, một thương lái tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, vụ dưa năm nay, từ người trồng dưa đến người buôn dưa đều lâm vào cảnh khó khăn. Người trồng dưa bị mất mùa do nhiều đợt sương lạnh khiến dưa chết nhiều, tới lúc dưa ra trái trời nắng nóng khiến dưa không phát triển. Giá nhập dưa của Trung Quốc cũng đã giảm cũng khiến người buôn thua lỗ nhưng đầu ra chưa hẳn đã hết khó khăn.

Niên vụ dưa năm nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 800 – 1000 ha dưa hấu, trồng tập trung ở các huyện phía Đông và Đông Nam. Thời điểm này, giá dưa hấu bán tại đồng xuống mức rất thấp. Đối với loại dưa có cân nặng trên 5kg mỗi quả, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có giá khoảng 1.500 - 2.300 đồng/kg, còn loại dưa nhỏ hơn, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ bán được từ 300 - 700 đồng/kg. So với năm ngoái, giá dưa đã giảm 3 - 5lần, nhưng cũng rất ít thương lái đến mua. Nông dân cũng không thể mang dưa đi bán vì công thu hái và vận chuyển quá cao.

Ông Phạm Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Sró, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai cho biết, theo tính toán, nếu bán được 2.500 đồng/kg người trồng dưa mới có khả năng hòa vốn, nếu giá thấp hơn chắc chắn bị lỗ. Do vậy các cấp phải có hướng cụ thể trong liên kết, tạo đầu ra ổn định hạn chế khó khăn cho người dân.

Từ câu chuyện mất mùa, mất giá của cây dưa hấu cho thấy, cùng với những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, vấn đề đầu ra cho nông sản đang là điểm yếu. Trong khi đó, một chính sách mang tầm chiến lược để giúp nông dân hạn chế rủi ro là Bảo hiểm nông nghiệp lại còn quá xa lạ với nông dân tại tỉnh Gia Lai.

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, chỉ có một số đối tượng cây trồng, vật nuôi được thí điểm và chỉ được áp dụng tại một số tỉnh thành. Trong đó, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên chưa được triển khai chính sách này. Bà con nông dân trong vùng đang rất cần có chính sách hỗ trợ cụ thể trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai cho rằng, vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay rất là khó khăn. Các loại cây trồng trong huyện như bắp, mì, dưa hấu và các loại rau, đậu giá cả rất bấp bênh, đầu ra không ổn định nên chưa giải quyết được khó khăn cho người nông dân.

“Trong 21 tỉnh thành của cả nước thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Gia Lai chưa được tiếp cận vấn đề này. Nếu có thể bảo hiểm được và bao tiêu được sản phẩm là điều tốt nhất và thiết thực cho bà con nông dân”, ông Hưng chỉ rõ.

Là địa phương có truyền thống trồng dưa hấu lâu năm, nhưng niên vụ này, nông dân tỉnh Gia Lai khó khăn nhất vì vừa mất mùa, vừa mất giá. Tình trạng này chắc chắn sẽ tái diễn, không chỉ đối với dưa hấu mà còn nhiều nông sản khác ở Tây Nguyên cũng vậy, nếu chúng ta chỉ phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu./.

Công Bắc/VOV.VN

Ông Phạm Văn Quới làm giàu nhờ xử lý thanh long nghịch vụ

Nguồn tin: Tiền Giang

Ông Phạm Văn Quới, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang áp dụng thành công các biện pháp khoa học - kỹ thuật trong trồng và xử lý thanh long cho trái nghịch vụ, giúp ông mang về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Quới thu hoạch thanh long.

Ông Quới kể, trước đây, gia đình ông có 1,2 ha đất, chủ yếu trồng 2 vụ lúa/năm, năng suất không cao, chỉ đủ ăn. Nhiều đêm trăn trở và ông quyết chuyển đổi, thay thế cây lúa bằng 1 loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thấy một vài hộ trồng thanh long cho năng suất cao, ông nghĩ ngay đến việc trồng thanh long và thuê người về cải tạo đất. Do chưa có kinh nghiệm, nên lúc đầu ông dùng cây me Tây làm trụ để trồng. Thanh long không cho năng suất cao, do me Tây hút hết chất dinh dưỡng, tàng me rộng không trồng được nhiều thanh long, các loại bệnh tiềm ẩn cao...

Không nản lòng trước những lần thất bại, ông học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng thanh long khác và nhận thấy trồng thanh long bằng trụ xi măng cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu dùng cây me Tây làm trụ, thì 1 công đất chỉ khoảng 70 trụ, trồng bằng trụ xi măng lên đến 100 trụ. Từ đó, ông cải tạo số đất còn lại trồng thanh long bằng trụ xi măng.

Ông cho biết: "Trụ trồng thanh long thích hợp nhất là trụ bằng xi măng, dài khoảng 2,5m, ngang 1 tấc, chôn trụ xuống khoảng 50cm. Mỗi trụ trồng 4 hom thanh long xung quanh, khoảng cách mỗi trụ từ 2,5m - 3m. Sau khi trồng khoảng 1 năm, cây bắt đầu cho trái chiến, mỗi đợt trái từ lúc ra hoa cho đến khi thu hoạch khoảng 2 tháng".

Do ông để thanh long ra hoa và cho trái tự nhiên. Trong khi diện tích trồng thanh long của huyện Chợ Gạo ngày càng tăng, cứ đến mùa thu hoạch đều bị rớt giá. Nhiều lần ông định bỏ cây thanh long và chuyển sang một loại cây mới, nhưng ông nghĩ đến điệp khúc đốn - trồng, thì không bao giờ thoát nghèo, nên ông quyết định gắn bó với cây thanh long cho đến ngày hôm nay.

Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo và tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Quới bắt đầu áp dụng biện pháp xông đèn để thanh long cho trái nghịch vụ, bán được giá cao. Hàng năm, ông tiến hành xông đèn, xử lý 2 vụ, vụ nào cũng bán được giá cao, sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu về gần 200 triệu đồng từ vườn thanh long.

Gắn bó với cây thanh long hơn 10 năm nay, ông Quới chia sẻ: "Thông thường, giá thanh long nghịch vụ cao gấp nhiều lần so với giá thông thường. Trước và sau khi xử lý ra hoa vụ nghịch, phải bón thêm phân hóa học kết hợp phân hữu cơ, để cây khỏe mạnh, nuôi trái tốt, tránh trường hợp để quá nhiều trái trên cây sẽ dễ làm cây mất dinh dưỡng và chất lượng trái không cao. Ngoài ra, người trồng nên thường xuyên cắt tỉa bỏ những nhánh thanh long già, không còn khả năng cho trái, để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe".

Theo ông Quới, sau khi trồng thanh long 2 tuần có thể sử dụng Urea cộng với DAP hoặc NPK 16-16-8 hay 20-20-15 tưới, liều lượng vừa phải và 10 ngày/lần. Tăng cường bón phân chuồng hoai cho cây, trước khi rải phân chuồng nên xới nhẹ xung quanh gốc, cách gốc 15 - 30cm, cho phân đều khắp tán và dùng rơm rạ, cỏ ủ gốc. Khi cây ra hoa và cho trái nên chú ý hàm lượng lân và kali cao để trái khỏe, đẹp. Bệnh đốm trắng rất phổ biến trên thanh long, chính vì thế muốn phòng trừ bệnh này cần phải cắt tỉa cành già, không để vườn quá rậm rạp, khi bệnh xảy ra nên phun ngừa luân phiên các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Propiconazole, Trifloxystrobin, Iprodione, Mancozeb 7 - 10 ngày/lần. Ngoài ra, nên rút râu bông thanh long sớm ở thời điểm 2 - 3 ngày sau trổ và phun ngừa thuốc giai đoạn trái non và trái chuẩn bị thu hoạch, đồng thời phải đảm bảo thời gian cách ly thuốc an toàn.

Từ khi thành công với mô hình trồng và xử lý thanh long cho trái nghịch vụ bán được giá cao, ông Quới đã mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ và sẵn sàng hỗ trợ kinh nghiệm, cách thức chăm sóc cho bà con. Ngoài ra, ông còn là một hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ngôi nhà tường kiên cố, khang trang, đầy đủ tiện nghi là thành quả của bao năm lao động, sáng tạo không ngừng của ông Phạm Văn Quới. Nhiều năm liền, ông được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: "Anh Quới là một nông dân tích cực, tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất giỏi của xã. Anh kiên trì gắn bó với cây thanh long, đôi lúc giá cả bấp bênh, nhưng anh vẫn không nản chí. Anh tích lũy được kinh nghiệm trong việc đón đầu để xử lý thanh long cho trái nghịch vụ, tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, để tự bảo vệ vườn thanh long của mình, cùng nhau vươn lên làm giàu từ cây thanh long".

Minh Toàn

Trồng chanh không hạt

Nguồn tin: Nhân Dân

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã giàu lên nhờ trồng chanh không hạt. Toàn huyện hiện có hơn 4.000 ha diện tích trồng chanh, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình... Riêng ở xã Thạnh Hòa có hơn 1.800 ha, mỗi năm cung cấp hơn 5.400 tấn quả.

Anh Trần Quốc Phúc (ở ấp 3, xã Thạnh Hòa) - một nông dân rất thành công với mô hình trồng chanh không hạt cho biết, gia đình anh hiện có 1.500 gốc chanh không hạt, với diện tích 3,5 ha, đem lại thu nhập khoảng hai tỷ đồng/năm. Vườn chanh của anh Phúc đã được Công ty TNHH một thành viên The Fruit Rebulic Cần Thơ bao tiêu sản phẩm nên đầu ra khá ổn định. Theo kinh nghiệm của anh Phúc, giống chanh này cho trái quanh năm; từ năm thứ ba, đến năm thứ tư, cây bắt đầu sai quả, trung bình mỗi cây có hơn 1.000 quả, khoảng 70 đến 100 kg/cây/năm. Chanh không hạt quả to, 6 đến 7 quả/kg, vỏ mỏng mầu xanh sáng, nhiều nước và vị chua có mùi thơm. Trồng chanh không hạt không phải đầu tư chi phí quá cao, quá trình chăm sóc cũng không khó, khoảng cách trồng cây tốt nhất từ 3,5 đến 4m/cây, mỗi ngày tưới hai cữ nước và khoảng 20 ngày bón 20kg phân NPK + DAP/công chanh. Quản lý sâu bệnh trong vườn tốt để ít phun thuốc, đỡ tốn tiền thuốc BVTV và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để nâng cao chất lượng và ổn định việc tiêu thụ sản phẩm, huyện Bến Lức đã thành lập một hợp tác xã chanh tại Thạnh Hòa và tiếp tục thành lập thêm các HTX chanh ở các xã khác. Đồng thời, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm tỉnh Long An” đến năm 2020. Theo đó, vùng sản xuất chanh sẽ được tập trung tại tám xã của huyện Bến Lức gồm: Lương Hòa, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Tân Hòa, Bình Đức, Lương Bình, Thạnh Đức và An Thạnh, với diện tích đạt khoảng 5.000 ha vào năm 2020. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi từ sản xuất chanh giấy truyền thống có hạt sang chuyên canh chanh không hạt.

HOÀI ANH

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop