Làm giàu từ mô hình xen canh
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Năm 2010, thấy vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất thấp, cựu chiến binh Võ Văn Đại (tổ dân phố Đạt Hiếu 3, phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã bàn với vợ tái canh vườn cây.
Vườn ươm bơ Booth của gia đình ông Đại
Sau khi dự các lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình trồng cây xen canh có hiệu quả kinh tế cao, ông Đại nhận thấy cây bơ rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên lại dễ chăm sóc nên đã đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Ea Kmat để mua 50 cây bơ Booth về trồng xen với cây cà phê. Đến nay, ông đã trồng được 160 cây bơ Booth xen canh cà phê trên diện tích 7 sào, trong đó 50 cây đang cho thu hoạch. Theo ông Đại, cây bơ Booth rất dễ chăm sóc, cây thấp tán rộng tạo bóng mát, độ ẩm cho cà phê, hai loại cây lại cùng thời điểm thu hoạch nên thuận lợi trong việc tưới nước, bón phân. Ông Đại tính toán: “Nếu độc canh cà phê thì lợi nhuận hằng năm không đáng kể. Trong khi trồng xen cây bơ, sản lượng cà phê không giảm, lại có thêm nguồn thu mới. Vụ mùa năm 2015, ngoài 1 tấn cà phê, gia đình tôi còn có thêm nguồn thu nhập từ 50 cây bơ đang cho thu hoạch với thu nhập hơn 300 triệu đồng trong khi vốn đầu tư thì không đáng kể”. Hiện nay ông Đại còn trồng xen thêm 150 cây bơ Booth trên diện tích 8 sào cà phê của gia đình.
Nắm bắt được xu hướng phát triển của cây bơ Booth, ông Đại còn tự mày mò tìm hiểu ươm và chiết giống loại bơ này. Lúc đầu ông đặt mua hạt cây bơ thường về ươm giống và tiến hành ghép chồi cây bơ Booth có sẵn trong vườn, do thiếu kinh nghiệm nên cây chết hàng loạt. Không nản lòng, ông tìm hiểu thêm ở các vườn ươm xung quanh và đã thực hiện thành công mô hình vườn ươm cây giống cung cấp cho người dân địa phương và các vùng lân cận với giá bình quân 33.000 đồng/cây, chỉ tính riêng trong năm 2015 gia đình ông Đại đã cung ứng ra thị trường hơn 10.000 cây giống, thu về gần 300 triệu đồng.
Không chỉ là làm kinh tế giỏi, ông Đại còn là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu, tham gia nhiệt tình công tác hội, đóng góp tích cực các phong trào tại địa phương, sẵn sàng giúp đỡ hội viên khó khăn về kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm trồng xen canh để nhiều hộ khác học hỏi và làm theo.
Ninh Trang
Mất mùa kiệu
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Năm nay năng suất kiệu giảm mạnh do ít mưa, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh tấn công, sản lượng giảm trên 30%.
Năm nay trồng kiệu thua lỗ
Bà Huỳnh Thị Thu Trang ở xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho hay, bà thuê đất trồng kiệu đã hơn 10 năm. Năm nay năng suất kiệu giảm mạnh do ít mưa, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh tấn công, sản lượng giảm trên 30%.
Vụ này bà Trang trồng hơn 4 sào, kiệu đã gần 5 tháng tuổi nhưng củ rất nhỏ. Mọi năm cho thu hoạch từ 1,4 - 1,7 tấn/sào, bán tại ruộng từ 21 - 25 triệu đồng/sào. Nhưng năm nay giá chỉ từ 18 - 20 triệu đồng/sào. Ước tính chỉ đạt xấp xỉ 1 tấn/sào, giảm nhiều so với năm trước, trong khi đó chi phí đầu tư gần 20 triệu đồng/sào. Với giá bán này bà lỗ từ 3 - 5 triệu đồng/sào.
KIM THAO
Bắc Ninh: 515 ha sản xuất rau an toàn
Nguồn tin: Báo Bắc Ninh
Đến nay, diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn của Bắc Ninh đạt khoảng 515 ha, chiếm 13,5% tổng diện tích rau, năng suất đạt hơn 210tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 10.800 tấn.
Các loại rau được sản xuất theo quy trình an toàn chủ yếu là cà chua, su hào, súp lơ, hành, cải các loại... Trong đó, diện tích sản xuất rau trong nhà lưới có khoảng 5 ha, tập trung tại Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn.
Để góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất về ATTP, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật mới cho người nông dân, tỉnh triển khai xây dựng một số mô hình sản xuất tại các địa phương như: Mô hình trồng khoai tây bằng biện pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ;sản xuất gắn với tiêu thụ rau an toàn theo hướng GAP; sản xuất cà chua an toàn ghép trên gốc cà tím; sản xuất dưa hấu ghép trên gốc bầu… Tuy sản xuất rau an toàn được các tỉnh, các địa phương và người nông dân quan tâm, nhưng do đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nên việc mở rộng quy mô sản xuất cũng như công tác quản lý chất lượng gặp khó khăn.
Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nông nghiệp đến 2025, định hướng 2030. Phấn đấu đến năm 2020 rau an toàn chiếm hơn 70% diện tích rau toàn tỉnh, trong đó có khoảng 30 - 40% diện tích rau được chứng nhận rau an toàn. Trước mắt, chú trọng các vùng sản xuất rau truyền thống, vùng ven đô thị và KCN tập trung như: xây dựng vùng sản xuất rau xanh an toàn ở thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành, vùng cà rốt an toàn ở Lương Tài, Gia Bình; vùng khoai tây an toàn ở Quế Võ, Yên Phong; vùng hành tỏi, dưa bầu, bí ở Gia Bình, Lương tài.
T.U
Thanh Hóa: Hiệu quả mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Ba kích từ lâu đã được coi là cây dược liệu quý, có tác dụng bổ trí não, trợ dương, mạnh gân cốt… Tại Thanh Hoá, cây ba kích trước đây thường được khai thác trong tự nhiên, ngoài ra có một số hộ nông dân trồng nhưng với diện tích nhỏ, manh mún, lại thiếu cây giống tốt và kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho người nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng đất đai của địa phương, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý một cách bền vững. Năm 2015, bằng nguồn kinh phí khuyến nông địa phương, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hà Trung triển khai mô hình “Trồng cây ba kích dưới tán rừng” tại xã Hà Ninh, huyện Hà Trung với quy mô 3,5 ha, 15 hộ tham gia. Mô hình được triển khai trong 8 tháng (tháng 4 đến tháng 12). Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% tiền giống, 50% vật tư. Giống trồng trong mô hình là giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô ươm trong bầu PE, cây giống đồng đều, chiều cao đạt từ 30cm trở lên.
Để thực hiện mô hình thành công, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện và chính quyền địa phương tiến hành chọn được 15 hộ nông dân có đủ điều kiện tham gia, tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.
Xác định đây là mô hình mới, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện, các hộ chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên bám sát mô hình, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, qua đó các khâu kỹ thuật trong mô hình được thực hiện đúng yêu cầu, mật độ trồng đảm bảo 2.000 cây/ha, chăm sóc, bón phân đầy đủ đúng thời điểm.
Đến nay, qua 8 tháng triển khai cho thấy, cây ba kích trong mô hình sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%. Các hộ tham gia mô hình đã tin tưởng, nắm được kỹ thuật trồng cây ba kích dưới tán rừng, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả.
Theo ý kiến của cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương và các hộ nông dân thực hiện mô hình, trồng thâm canh cây ba kích dưới tán rừng là mô hình dễ làm, phù hợp với điều kiện tự nhiên và phương thức canh tác trên địa bàn xã Hà Ninh. Mô hình đã góp phần tìm ra cây trồng phù hợp giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Với giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay, đây là mô hình hứa hẹn sẽ đem lại hiêu quả, góp phần phát triển kinh tế vườn rừng, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo cho các hộ nông dân./.
Nguyễn Trọng Minh - Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa
Nghệ An: Rau ngót ở xã Nam Thái (Nam Đàn) thu nhập 230 triệu đồng/ha
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Hiện tại ở Nam Thái 100% diện tích đất sản xuất có thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó có gần 100 ha cho thu nhập 80 triệu đồng trở lên.
Nam Thái (Nam Đàn - Nghệ An) là xã vùng bán sơn địa, có trên 800 hộ dân, thu nhập chính chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kinh tế vườn đồi. Với địa hình và tính chất đất của xã rất thích hợp với trồng cây bông ngót. Loại cây này có đầu tư ban đầu thấp, chỉ gieo một lần và cho thu nhập nhiều lứa trong năm.
Chị Nguyễn Thị Tâm ở xóm 5 trồng gần 2 sào bông ngót, hiệu quả vượt trội so với các loại cây trồng khác.
Với hiệu quả đó, ban đầu chỉ trồng điểm 5 ha tại xóm 5 và 6 nhưng hiện đã nhân rộng khắp địa bàn xã với tổng diện tích 15 ha. Nhiều hộ đã đầu tư hệ thống tưới tự động để nâng cao năng suất và nâng chất lượng cây trồng. Tính ra 1 ha rau ngót đạt nguồn thu 230 triệu đồng/năm.
Ngoài cây rau ngót, về Nam Thái vườn nhà nào cũng trồng cây ăn quả: táo, hồng, quýt... nhiều nhất là quýt.
Ông Lê Văn Khôi ở xóm 6 sau khi thực hiện chủ trương của xã cải tạo vườn tạp, trồng hơn 100 gốc quýt, 2 sào rau ngót, một ít diện tích chè xanh. Do các loại cây trồng hợp với thổ nhưỡng, đất đai nên từ 100 gốc quýt, 2 sào rau ngót, gia đình ông mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Gốc quýt này đã có người đặt mua 4 triệu đồng chơi dịp tết nguyên đán Bính Thân.
Ngoài cải tạo vườn tạp, chăn nuôi ở Nam Thái phát triển nhanh, nhất là dê. Đến nay trên địa bàn có hơn 400 con tận dụng được nguồn thức ăn phong phú trên địa bàn. Từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình NTM, xã Nam Thái xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản với tổng quy mô 50 con, 12 hộ thực hiện. Trong ảnh: Mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình anh Nguyễn Nam Tiến ở xóm 4, Nam Thái.
Thu Huyền
Tiền Giang: Giàu lên nhờ trồng chuyên canh bưởi da xanh
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Trở lại thăm hộ chú Mai Đức Hiền ở ấp Xuân Sắc, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy lần này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi căn nhà lá ngày nào, nay được thay bằng ngôi nhà tường khang trang cùng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Hỏi ra mới biết có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ vào 4 công (4000m2) vườn chuyên canh bưởi da xanh.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, chú Hiền cho biết : Trước đây, trên diện tích ấy gia đình chú làm hoài mà không khá, bởi đây là mảnh vườn tạp cây gì cũng có nên thu nhập đạt được chẳng bao nhiêu. Kinh tế gia đình chú dạo ấy vô cùng khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học, vợ chồng chú phải đi làm thuê, làm mướn cho bà con trong ấp, những lúc rãnh rỗi thì đi mò cua, bắt ốc nhằm cải thiện bữa ăn gia đình.
Qua những chuyến tham quan thực tế các mô hình chuyên canh cây ăn trái do Trạm Khuyến nông huyện Cai Lậy tổ chức, chú nhận thấy cây bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế khá, đầu ra ổn định và tương đối dễ trồng. Thế là năm 2003 chú mạnh dạn phá bỏ mảnh vườn tạp, thuê nhân công đào mương, xẻ liếp lập vườn trồng chuyên canh bưởi da xanh. Trong những năm đầu, để lấy ngắn nuôi dài chú thường tận dụng những khoảnh đất trống trồng xen chuối cau kiếm thêm thu nhập. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, ham tìm tòi, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện chuyển giao cũng như thường xuyên theo dõi các chương trình Bạn nhà nông trên sóng truyền hình, chú đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hay đem áp dụng vào thực tế sản xuất một cách bài bản nên vườn bưởi của chú luôn phát triển như ý muốn, tàn lá xanh mượt.
Năm 2007 bưởi bắt đầu cho trái vụ đầu tiên. Vụ đó chú thu hoạch được hơn 3 tấn trái, bán với giá 24.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 70 triệu đồng.
Mặc dù nguồn thu nhập mà cây bưởi da xanh mang lại cũng tương đối khá nhưng chú vẫn thấy chưa hài lòng bởi bưởi thu hoạch chính vụ giá cả thường bấp bênh. Chính vì vậy mà chú đã áp dụng các biện pháp kĩ thuật điều khiển cho cây bưởi ra trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao.
Theo đó, vào đầu tháng 8 âm lịch, chú bón phân đón ra hoa cho cây với loại phân có hàm lượng lân và kali cao theo công thức NPK 7 – 17 – 12, khi cây đã bắt phân, chú tiến hành ngắt lá trên cành nhện (cành già ), đồng thời phun thêm các loại thuốc kích thích ra hoa. Với cách áp dụng như trên, vụ bưởi nghịch nào chú cũng trúng mùa, được giá. Tính ra mỗi năm bưởi nghịch vụ mang về cho gia đình chú nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Có vốn, chú đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất, đặc biệt chú đã trang bị được hệ thống tưới phun tự động giúp tiết kiệm lượng nước tưới, chi phí và công lao động, gia tăng hiệu quả tưới tắm so với tưới ống ngoài ra, chú còn tích lũy vốn mua thêm được 3 công (3000m2) đất, tiếp tục đầu tư trồng chuyên canh bưởi da xanh, hiện mảnh vườn ấy cũng đã cho thu hoạch được ba vụ trái. Những năm gần đây, nhận thấy bưởi tết thường “sốt giá” nên chú đã áp dụng xử lý bưởi ra hoa bán vào dịp tết đối với 3 công vườn nói trên. Hiện tại vườn bưởi ấy đang cho trái xum xuê, ước tính cho năng suất trên 5 tấn trái, dự tính sẽ cho thu hoạch vào dịp tết nguyên đán năm nay, hứa hẹn sẽ cho chú một mùa vụ bội thu nữa.
Chú Hiền đang chăm sóc bưởi da xanh
Qua nhiều năm gắn bó với cây bưởi da xanh, chú chia sẻ bưởi rất ưa bóng râm, với những vườn bưởi có bóng râm trái ít bị nám nắng, màu sắc bóng đẹp, cây lại hạn chế được hiện tượng vàng lá. Bởi thế cho nên trong vườn chú luôn bố trí trồng xen các loại cây như so đũa, chuối, cau với mật độ thích hợp nhằm tạo bóng mát cho cây. Bên cạnh việc bón cân đối phân NPK, chú luôn chú trọng bón đầy đủ phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục cho cây, nhất là giai đoạn sau thu hoạch. Hằng năm vào tháng 2 - 3 âm lịch chú còn vét bùn bồi mô liếp với lớp bùn dày 2 - 3cm nhằm cung cấp thêm dưỡng chất, tạo độ tơi xốp cho cây. Nhờ vậy mà vườn bưởi nhà chú tuy đã trên 10 năm tuổi nhưng vẫn còn phát triển khá sung mãn, cho năng suất cao và duy trì tuổi thọ lâu bền.
Nói về khâu quản lí sâu bệnh, chú cho biết đối tượng đáng ngại nhất trên cây bưởi hiện nay là sâu đục trái. Để hạn chế chúng chú dùng các loại thuốc có gốc sinh học phun phòng ngừa, đồng thời dùng túi bao trái khi bưởi to bằng quả cam, thường xuyên vệ sinh vườn tược để tiêu diệt nhộng trong đất, chú còn nuôi kiến vàng trong vườn để chúng ăn trứng sâu, rầy…
Từ một nông dân thuộc diện nghèo khó, nhờ cây bưởi da xanh mà gia đình chú đã vươn lên khấm khá. Các con chú đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Điều đáng quý ở chú là khi đã có của ăn, của để, chú luôn nhớ về thuở hàn vi được bà con hết lòng cưu mang, đùm bọc. Vì vậy mà chú luôn quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo trong ấp như hỗ trợ cây giống, phân bón, tặng tập vở, học phí cho học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện đến trường. Ngoài ra, chú còn tự bỏ tiền túi ra trải đá những con đường, bắt những cây cầu bê tông giúp cho bà con thuận tiện trong việc đi lại cũng như vận chuyển vật tư, nông sản hàng hóa. Không chỉ có thế, chú còn đi tiên phong trong việc hiến đất làm đường, xây trường học nhằm hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới của địa phương. Năm 2014 chú vinh dự được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Dương Trọng Viễn - Câu lạc bộ khuyến nông xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang
Cây bưởi cổ thụ cao hơn 5m giá “nghìn đô” ở Hưng Yên
Nguồn tin: Dân Việt
Với chiều cao hơn 5m, cây bưởi cổ thụ sai trĩu quả ở một nhà vườn tại thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) đã được khách mua trả giá 50 triệu đồng.
Anh Chương - chủ nhà vườn sở hữu cây bưởi quý này cho biết, cây bưởi trên đã hơn 50 tuổi, được anh "thửa được" từ một làng ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) hồi năm 2013. Sau quá trình kỳ công chăm sóc cắt tỉa, đến năm nay bưởi mới cho nhiều quả và đã được một vị khách quen của anh là lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân về xây dựng ở Hà Nội đặt mua với giá 50 triệu đồng.
Cận cảnh cây bưởi cổ thụ trị giá 50 triệu đồng của anh Chương
Cây có thể dáng đẹp, sai trĩu quả
Theo anh Chương, cây bưởi cổ thụ này có giá cao vượt trội là nhờ có dáng thế 3 đẹp, quả sai đều đẹp. “Dù đã bán cho khách nhưng tôi vẫn còn tiếc, vì để đến cận ngày sẽ được giá cao hơn nhiều” – anh Chương chia sẻ.
Gia đình anh phải làm hàng rào thép và thắp bóng điện sáng để trông coi cây cho khách
Cây bưởi cổ thụ nhìn xa cao vượt trội, nổi bật nhất trong vườn của anh Chương
Ngoài ra, vườn của anh Chương còn hàng trăm cây bưởi cảnh khác đều đẹp, có giá tiền từ 2 đến 40 triệu đồng/cây
Cận cảnh một cây bưởi có giá trên 10 triệu đồng
Anh Chương cho biết, đến thời điểm này vườn của anh và các nhà vườn khác trong thị trấn cũng đã đón nhiều khách và bán được khá nhiều bưởi cảnh
Hiện, khách mua đã đặt tiền cho anh Chương, nhờ gia đình anh trông coi, chăm sóc đến cận ngày mời về lấy. “Do cây có giá tiền cao nên việc chăm sóc, trông coi cũng rất vất vả, không cẩn thận là bị mất trộm ngay” – anh Chương tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Minh, một chủ nhà vườn trồng bưởi, cam cảnh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho rằng, chuyện một cây bưởi cổ thụ lâu năm, cao và nhiều quả có giá cao là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều cây thế đẹp còn có giá hàng trăm triệu đồng vẫn có nhiều khách đại gia sẵn sàng bỏ tiền ra mua về chơi Tết.
Trần Quang
Hướng đi mới cho cây chuối tiêu hồng ở Hưng Yên
Nguồn tin: Nhân Dân
Vườn chuối tiêu hồng của gia đình ông Nguyễn Văn Tuần, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Giá chuối giảm mạnh khiến cho hàng nghìn hộ trồng chuối ở Hưng Yên gặp khó khăn. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của cây chuối tiêu hồng cần hướng đi mới để các vùng trồng chuối phát triển bền vững, hiệu quả.
Khó khăn đầu ra cho cây chuối
Đến vùng trồng chuối nằm ven sông Hồng thuộc xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi nông dân đang từng ngày mong chờ giá chuối lên vào dịp tết Nguyên đán Bính Thân, ông Nguyễn Văn Tuần chủ vườn chuối tiêu hồng rộng 3 mẫu, ở thôn Toàn Thắng, ngậm ngùi nói: Chưa năm nào giá quả chuối lại thấp như năm nay; ngay từ đầu vụ giá chuối đã giảm mạnh, giao động khoảng 2.000 đồng/1kg. Đến thời điểm này, giá chuối mới được hơn 3.000 đồng/1kg, chưa bằng một nửa so với giá chuối năm trước. Giá chuối giảm mạnh làm gia đình tôi thất thu cả trăm triệu đồng.
Trưởng thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, Ngô Văn Đán cho biết: Gần chục năm nay, cây chuối tiêu hồng mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân thôn Năm Mẫu, tới 300 triệu đồng/ha, nên phần lớn diện tích đất canh tác của thôn trồng chuối tiêu hồng; nông dân trong thôn còn thuê đất ở các xã vùng bãi ven sông Hồng trong tỉnh để trồng chuối. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường đầu ra cho quả chuối không ổn định, giá xuống thấp, nhiều hộ đã phá bỏ cây chuối chuyển sang trồng cây khác, vì thế diện tích trồng chuối ở thôn Năm Mẫu đã giảm gần 50%, nếu giá còn thấp như hiện nay diện tích trồng chuối sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Tại xã Hùng An, huyện Kim Động là nơi có nhiều hộ nông dân ở vùng đất bãi mới chuyển đổi sang trồng chuối, anh Nguyễn Đắc Quân, thôn Tả Hà, tâm sự: Gia đình tôi trồng hơn 6 mẫu chuối tiêu hồng vào thời điểm thu hoạch rộ, quả đẹp mới bán được 2.000 đồng/kg, còn những buồng quả nhỏ mẫu mã xấu chỉ bán được hơn 1 nghìn đồng /kg. Trung bình một sào chuối phải đầu tư 3 triệu đồng gồm tiền thuê đất, mua phân bón, thuốc BVTV nhưng chỉ thu về được 2,8 - 3 triệu đồng. Tôi còn khoảng 300 - 400 buồng chuối, dự kiến bán và dịp Tết Nguyên đán, hy vọng giá cao hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có gần 2.000 ha chuối được trồng chủ yếu ở vùng bãi thuộc các xã ven đê huyện Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên; trong nhiều năm, cây chuối là cây trồng hiệu quả, đã mang lại nguồn thu nhập lớn, từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ chuối của tỉnh Hưng Yên chủ yếu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ở dạng quả tươi.
Thời gian gần đây, lượng chuối tiêu thụ trong nước tăng không nhiều, xuất khẩu chuối tiểu ngạch khó khăn, giảm dần; trong khi đó, nhiều nơi nông dân đã tự phát chuyển đổi sang trồng chuối, dẫn đến sản lượng chuối tăng mạnh, cung vượt cầu, giá chuối giảm mạnh, từ 30% đến 50% (tùy theo thời điểm), làm nhiều hộ trồng chuối lao đao.
Hướng đi mới cho người trồng chuối
Trong bối cảnh nhiều nơi nông dân đổ xô trồng chuối tự phát, anh Phạm Năng Thành, ở xã Đại Tập huyện Khoái Châu đã chuyển đổi phương thức canh tác, trồng chuối theo quy trình VietGAP. Anh chia sẻ: Gia đình tôi trồng 20 ha chuối tiêu hồng theo quy trình VietGAP: lấy mẫu đất, nước phân tích những chỉ số tác động đến cây trồng; lựa chọn nguồn cây giống sạch bệnh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV với liều lượng hợp lý, bao quả bằng túi nilon để hạn chế sự xâm hại của côn trùng và ảnh hưởng của thời tiết... có ghi chép nhật ký trong suốt quá trình sản xuất, từ khâu chọn giống đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản theo đúng quy trình nên sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng tốt, mã vỏ đẹp. Tôi trồng chuối rải vụ để tránh áp lực về thời vụ, trong đó phần lớn thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau nên giá bán cao, trung bình khoảng 300 nghìn đồng/buồng.
Anh Thành còn liên kết với hàng chục hộ nông dân trong xã trồng chuối theo quy trìnhVietGAP, tổ chức thu mua chuối của các chủ vườn để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang một số nước như Nga, Trung Quốc... với giá cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản phẩm thông thường nên các hộ trồng chuối trong khối liên kết vẫn cho thu nhập khá.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu Trần Văn Đạt cho biết: Hướng đi mới của các vùng trồng chuối ở huyện Khoái Châu là chất lượng, hiệu quả; do vậy, UBND huyện đang chỉ đạo đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất chuối theo quy trình VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể chuối tiêu hồng Khoái Châu, khuyến khích các hộ nông dân liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ chuối.
Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, Vũ Đức Sơn nhận định: Thị trường Đài Loan, Hàn Quốc... có nhu cầu chuối rất lớn, giá cao; vấn đề đặt ra là nông dân có sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào được những thị trường này không? Do vậy để các vùng trồng chuối ở Hưng Yên phát triển bền vững, hiệu quả ngành nông nghiệp và các địa phương cần qui hoạch lại vùng trồng chuối, hỗ trợ nông dân chuyển hướng sản xuất từ quảng canh sang thâm canh cao, theo quy trình VietGap, bảo đảm sản phẩm sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã....Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chuối tiêu hồng; khuyến cáo nông dân trồng rải vụ để tránh áp lực về thời vụ và dư thừa sản phẩm; xây dựng liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến để hình thành các vùng sản xuất chuối chất lượng cao, có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu; thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến chuối...
PHẠM HÀ
Khóm Cầu Đúc giá cao kỷ lục
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Những ngày này nông dân trồng khóm trên địa bàn xã Tân Tiến và Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (Hậu Giang) tất bật thu hoạch cuối vụ mùa khóm nghịch.
Khóm Cầu Đúc hút hàng
Điều họ phấn khởi nhất là khóm năm nay được mùa, giá cũng tăng đến mức kỷ lục.
Khóm loại 1 từ 2 - 2,2 kg/trái được thương lái mua tại rẫy với giá 10.000 - 11.000 đồng, khóm từ 1kg trở lên có giá dao động từ 8.000 - 9.000 đồng/trái. Khóm trái nhỏ cũng ở mức 6,500 đồng/trái, tăng khoảng 2-3 lần so với các năm.
Với mức giá này sau khi trừ chi phí nông dân có thể thu lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/năm/ha. Ngoài giá khóm tăng cao, người trồng còn phấn khởi bởi điều kiện thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ khóm to đạt khoảng 80%.
Đang lựa khóm chuẩn bị giao cho thương lái tại rẫy, ông Trang Văn Siêu, ở ấp Thạnh An, có 3 ha khóm, bộc bạch: “Không ai ngờ giá khóm nghịch vụ năm nay cao như vậy. Bởi, vào mùa thuận (tháng 3 - 4) giá chỉ có 5.000 - 6.000 đồng/trái, nhưng khoảng một tháng nay, giá tăng lên vùn vụt và đang ở mức ngất ngưởng. Chính vì vậy, hộ nào có khóm bán trong lúc này đều trúng đậm”.
Để bán khóm được giá cao, nhiều năm nay, ông chọn cách để khóm rải vụ, trong đó tập trung vào mùa nghịch nên năm nào cũng có lợi nhuận cao. Vào đầu tháng 8 năm nay, ông Siêu đã thu hoạch xong một lứa khóm nghịch vụ, với sản lượng 8.000 trái, bán giá 7.000 đồng/trái, lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Cứ tưởng đây là mức giá cao nhất, nhưng không ngờ hôm nay thu hoạch lứa cuối (khoảng 1.000 trái), giá bán tăng lên 10.000 đồng/trái.
Cùng niềm vui trên, chị Huỳnh Thị Thủy ở ấp Thạnh Quới, cho biết: “Khóm mùa nghịch thường bán được giá hơn mùa thuận vì sản lượng ít, trong khi nhu cầu tăng. Đặc biệt, từ trước đến giờ, người trồng khóm nơi đây chưa bao giờ bán được giá cao như năm nay. Điều này khiến bà con ai nấy đều phấn khởi, người nào cũng mong khóm mau chín để thu hoạch”.
Theo chị Thủy, nếu khóm giữ được mức giá ổn định như lúc này, thì người trồng khỏe vô cùng, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại cây ăn trái khác.
Khóm được mùa không chỉ nhà vườn mừng mà thương lái cũng phấn khởi. Theo các tiểu thương, chưa năm nào khóm được mùa được giá như năm nay. Dù số lượng tăng nhưng vẫn không đủ bán.
Anh Phan Văn Hiệp, thương lái thu mua khóm trên địa bàn TP Vị Thanh cho biết: "Một ngày tôi thu mua khoảng 5 tấn, thời điểm gần tết lên 7 tấn, khóm năm nay trái to cao nên hút hàng. Mấy năm trước giá khóm 6.000 - 7.000 đồng là đã cao năm nay giá tăng đến không ngờ. Mặc dù số lượng nhiều, giá cao vẫn không đủ bán”.
Khóm Cầu Đúc là một trong những cây trồng chủ lực của Hậu Giang và quen thuộc với người tiêu dùng nhờ vị ngọt thanh. Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, thị vàng sậm, ít nước, ăn giòn, ngọt và có thể giữ được 10 - 15 ngày.
Được biết, xã Hỏa Tiến là vùng đất nhiễm phèn và bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, ngoài cây khóm thì rất ít cây trồng khác thích nghi. Chính vì vậy, nhiều nông dân nơi đây chọn cây khóm để phát triển kinh tế gia đình.
NGỌC THẢO
Làm giàu từ mô hình xen canh
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Năm 2010, thấy vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất thấp, cựu chiến binh Võ Văn Đại (tổ dân phố Đạt Hiếu 3, phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã bàn với vợ tái canh vườn cây.
Vườn ươm bơ Booth của gia đình ông Đại
Sau khi dự các lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình trồng cây xen canh có hiệu quả kinh tế cao, ông Đại nhận thấy cây bơ rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên lại dễ chăm sóc nên đã đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Ea Kmat để mua 50 cây bơ Booth về trồng xen với cây cà phê. Đến nay, ông đã trồng được 160 cây bơ Booth xen canh cà phê trên diện tích 7 sào, trong đó 50 cây đang cho thu hoạch. Theo ông Đại, cây bơ Booth rất dễ chăm sóc, cây thấp tán rộng tạo bóng mát, độ ẩm cho cà phê, hai loại cây lại cùng thời điểm thu hoạch nên thuận lợi trong việc tưới nước, bón phân. Ông Đại tính toán: “Nếu độc canh cà phê thì lợi nhuận hằng năm không đáng kể. Trong khi trồng xen cây bơ, sản lượng cà phê không giảm, lại có thêm nguồn thu mới. Vụ mùa năm 2015, ngoài 1 tấn cà phê, gia đình tôi còn có thêm nguồn thu nhập từ 50 cây bơ đang cho thu hoạch với thu nhập hơn 300 triệu đồng trong khi vốn đầu tư thì không đáng kể”. Hiện nay ông Đại còn trồng xen thêm 150 cây bơ Booth trên diện tích 8 sào cà phê của gia đình.
Nắm bắt được xu hướng phát triển của cây bơ Booth, ông Đại còn tự mày mò tìm hiểu ươm và chiết giống loại bơ này. Lúc đầu ông đặt mua hạt cây bơ thường về ươm giống và tiến hành ghép chồi cây bơ Booth có sẵn trong vườn, do thiếu kinh nghiệm nên cây chết hàng loạt. Không nản lòng, ông tìm hiểu thêm ở các vườn ươm xung quanh và đã thực hiện thành công mô hình vườn ươm cây giống cung cấp cho người dân địa phương và các vùng lân cận với giá bình quân 33.000 đồng/cây, chỉ tính riêng trong năm 2015 gia đình ông Đại đã cung ứng ra thị trường hơn 10.000 cây giống, thu về gần 300 triệu đồng.
Không chỉ là làm kinh tế giỏi, ông Đại còn là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu, tham gia nhiệt tình công tác hội, đóng góp tích cực các phong trào tại địa phương, sẵn sàng giúp đỡ hội viên khó khăn về kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm trồng xen canh để nhiều hộ khác học hỏi và làm theo.
Ninh Trang
Trồng dưa hấu trên bờ ruộng cho thu nhập cao
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Vụ Đông xuân này, một số nông dân ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang tận dụng bờ mẫu ruộng lúa để trồng dưa hấu bán tết. Đây là mô hình được duy trì từ hơn 3 năm qua.
Theo người dân thì đây cũng là hình thức trồng hoa sinh thái, ngoài thu hút côn trùng có lợi, xua đuổi sâu rầy hại lúa vừa có thêm khoản thu nhập. Kỹ thuật trồng dưa trên bờ ruộng cũng giống như trồng trên đất liếp, chỉ có khác là tốn công bắc giàn xuống ruộng cho dưa ra trái giống như các loại bầu, bí, khổ qua... Khi xuống giống lúa khoảng 1 tháng là có thể trồng dưa và chỉ sau 2 tháng là cho thu hoạch cùng đợt với cây lúa. Trung bình 1.000m2 bờ mẫu trồng được khoảng 1.000 dây dưa và thu hoạch gần 2,5 tấn dưa/vụ.
THU HIỀN
Nghệ An: Nông dân xã Minh Thành thu 6 tỷ đồng vụ cam Tết
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Năm 2015, mặc dù thời tiết bất thuận, nhưng nhờ tuân thủ và áp dụng tốt KHKT bà con nông dân ở xã Minh Thành – Yên Thành (Nghệ An) có mùa cam được mùa, được giá.
Minh Thành hiện có 40 ha cam, với 400 hộ dân trồng cam. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Trần Khánh Tùng - Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho biết, cây cam có mặt ở vùng đất này đã 200 năm nay. Nhiều năm trở lại đây, cây cam trở thành cây chủ lực của địa phương, không chỉ là cây thoát nghèo mà còn là cây làm giàu của rất nhiều hộ dân trong xã.
Năm nay, cam được giá, thương lái vào thu mua tận vườn. Mỗi gốc cam có thể cho doanh thu đến 5 triệu đồng.
Giá cam hiện đang giao động từ 40 - 50 ngàn đồng/kg, dịp Tết có thế lên đến 120 - 150 ngàn đồng. Nông dân trồng cam Yên Thành rất phấn khởi vì một vụ cam bội thu.
Cam Minh Thành nổi tiếng với chất lượng cam ngon, vỏ mỏng, vị ngọt. Mùa Tết năm nay, Minh Thành ước thu khoảng 6 tỷ đồng từ cam.
Anh Tuấn - Phan Hiền (Đài Yên Thành)
Vĩnh Phúc: Bưởi Diễn Yên Lạc được mùa, được giá
Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc
Những năm gần đây, bưởi Diễn trở thành cây đặc sản của các địa phương ven sông Hồng, trong đó có huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Năm nay, bưởi không những được mùa mà còn được giá, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân.
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Vũ Văn Thâu, thôn Bình Lâm, xã Tam Hồng (Yên Lạc) cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng/năm. Ảnh Khánh Linh
Đến các xã ven sông Hồng của huyện Yên Lạc trong những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả, vui tươi của những người dân đang khẩn trương thu hoạch những trái bưởi vàng ươm. Liên Châu là địa phương có diện tích trồng bưởi lớn nhất của huyện, trên 70 hộ với gần 2.000 gốc, trong đó, 15 hộ trồng đã cho thu hoạch. Bưởi Diễn được các thương lái đến thu mua ngay tại vườn và được tiêu thụ tại các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Năm nay, mặc dù khí hậu thất thường gâyảnh hưởng đến sự phát triển của cây, nhưng nhờ quá trình chăm sóc cẩn thận trước và sau thu hoạch nên bưởi Diễn được mùa, cho quả có màu vàng tươi, cùi mỏng, múi ráo và mọng nước. Thăm mô hình trồng bưởi Diễn kết hợp với mô hình kinh tế VAC của ông Doãn Văn Giáp (thôn Thụ Ích 4, xã Liên Châu) rộng hơn 2 ha, ông Giáp cho biết: “Vụ bưởi năm nay hơn hẳn mọi năm, bưởi trồng không bị sâu bệnh, cho nhiều trái. Nhà có gần 300 gốc, mỗi gốc trung bình đậu 50 quả. Năm ngoái, giá bán tại vườn cũng chỉ 15 - 20 nghìn đồng/quả, nhưng năm nay tăng lên gấp rưỡi, hiện giá bán tại vườn dao động từ 20 – 30 nghìn đồng/quả. Dự kiến cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm”. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Liên Châu, sản lượng bưởi năm nay cao hơn khoảng 10 - 15% so với năm trước.
Mô hình trồng bưởi Diễn ở xã Hồng Phương cũng có bước phát triển khá. Hồng Phương hiện có 5 ha diện tích trồng bưởi Diễn, trong đó, 2 ha đã cho thu hoạch.Vào thăm vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Quốc ở thôn Phú Phong, anh phấn khởi cho biết: “Trước đây, đất vườn của gia đình để trống không biết làm gì, thấy lãng phí và nhờ có chủ trương của xã trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, năm 2010, tôi quyết định cải tạo lại vườn trồng hơn 80 gốc bưởi. Vườn bưởi Diễn nhà tôi giống tốt, chăm sóc cẩn thận nên cho trái ngon, năm nay, nhiều khách hàng đã đặt mua làm quà biếu với giá 25 - 40 nghìn đồng/quà, dự kiến năm nay vườn bưởi sẽ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng".
Bưởi Diễn là đặc sản nổi tiếng được nhiều người lựa chọn vừa để ăn vừa làm quà biếu Tết. Hiện nay, giá bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 35 - 50 nghìn đồng/quả. Tùy thuộc vào loại, kích cỡ và mẫu mã. Trước đây, loại quả này chỉ được dùng để tiến vua, có nguồn gốc từ làng Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), do quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng bưởi bị thu hẹp. Nhận thấy thổ nhưỡng ven sông Hồng cho cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, nên Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ Khoa học – Công nghệ) đã giúp đỡ nông dân các xã ven sông Hồng đưa cây bưởi vào trồng thử nghiệm.
Trong khi các nông sản khác rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” thì cây bưởi vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình trồng bưởi, từ yếu tố khắc nhiệt của thời tiết đến thị trường tiêu thụ. Để người nông dân yên tâm sản xuất, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, bằng các biện pháp thiết thực, định hướng cơ cấu cây trồng, cũng như định hướng bao tiêu sản phẩm nông sản bền vững.
Kim Hiền
Dự án nhỏ - Hiệu quả lớn
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Kết quả nghiên cứu thành công của dự án “Ứng dụng VietGAP trên chanh không hạt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang” do kỹ sư Ngô Minh Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, làm chủ nhiệm đã để lại hiệu quả tích cực là giúp cho nhiều nông dân Hậu Giang khá lên với cây chanh không hạt.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá cao hiệu quả ứng dụng của dự án.
Từ năm 2009, dự án thực hiện ở vườn chanh của 13 hộ thành viên Hợp tác xã chanh không hạt Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành. Sau hơn 3 năm nghiên cứu, dự án đã đưa sản phẩm chanh không hạt của các hộ tham gia được công nhận chuẩn VietGAP cho 17,2ha chanh tham gia dự án. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thật cho biết: Các thành viên đã được hướng dẫn cách cắt tỉa quả và bón phân hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, cách chăm sóc cho quả to, da bóng. Chanh không hạt của Hợp tác xã được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg.
Cuối năm 2012, dự án còn hướng dẫn cho nông dân tiến tới trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 13ha để đáp ứng chất lượng nhập khẩu ở một số nước. Mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp cho 100ha chanh của hơn 80 thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Phước ở Hậu Giang có được thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước. Từ đó, sản phẩm được tiêu thụ lâu dài ở hệ thống siêu thị Co.opMart và bán cho các công ty và xuất khẩu sang một số nước ở Trung Đông, châu Âu với giá khoảng 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo mùa. Với giá cả và hợp đồng bao tiêu dài hạn, thành viên trồng chanh ở HTX luôn yên tâm sản xuất và làm ăn có lời. Bởi, chi phí đầu tư cho mô hình trồng chanh không hạt vẫn bằng với mô hình bình thường nhưng vì giá bán cao và sản lượng nhiều hơn. Từ đó, tổng thu cao hơn 2 lần, lợi nhuận thu về gấp 3 lần.
Hiệu ứng của dự án còn kéo dài đến hiện tại. Được biết, trong năm 2015, HTX tiếp tục cung ứng cho Công ty The Fruit Republic khoảng 700 tấn chanh để xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Ngoài ra, các thành viên HTX còn sản xuất cây giống để bán cho các trại giống và người trồng trong toàn tỉnh với số lượng khoảng 100.000 cây mỗi năm. Cây chanh không hạt của HTX còn “bén rễ” ở tận nước Lào, Campuchia. Theo các thành viên HTX từng tham gia dự án, với cây chanh không hạt, mỗi thành viên có thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ từ diện nghèo đã vươn lên khá giả. Chanh không hạt là một trong những cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất của tỉnh. Ông Trần Văn Tư, thành viên thoát nghèo nhờ chanh không hạt của HTX, chia sẻ: “Tôi cũng nhờ chanh không hạt dù chỉ với 4 công đất mà thoát nghèo mấy năm nay”.
Theo ông Ngô Minh Long, chủ nhiệm dự án thì chanh đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP không chỉ giúp người trồng thay đổi tập quán chăm sóc theo hướng khoa học, ổn định đầu ra. Đây là thành công lớn của dự án vì không chỉ đạt được mục tiêu đề ra ban đầu mà còn giúp nông dân Hậu Giang nói chung, huyện Châu Thành nói riêng từng bước khấm khá. Sắp tới, về góc độ ngành nông nghiệp, sẽ tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã Thạnh Phước, người dân trồng chanh không hạt về kỹ thuật chăm sóc, cách chọn cây giống, bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập người dân và tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, kết quả của dự án rất thiết thực, ứng dụng ngay trong thực tế là giúp cho người trồng chanh, người dân tham gia dự án hưởng lợi lớn từ sản phẩm chanh VietGAP, GlobalGAP. Hơn nữa, thành công lớn nhất là đã tạo được mối liên kết 4 nhà thông qua mô hình trồng chanh không hạt, đáp ứng đúng theo mong đợi của người dân và chủ trương của tỉnh đề ra. Sức mạnh từ mối liên kết 4 nhà đã giúp cho Hậu Giang có thêm thương hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang” với chất lượng, sản lượng cung cấp ổn định; doanh nghiệp có nơi thu mua đủ đáp ứng nhu cầu; người dân cũng giàu có và gắn bó với nông nghiệp. Nền nông nghiệp Hậu Giang tương lai sẽ ngày càng phát triển bền vững.
TRÚC LINH