Hỗ trợ 140 tấn phân cho nông dân bị hạn hán và xâm nhập mặn
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm năm năm thành lập, ngày 8/3, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã hỗ trợ 140 tấn đạm Cà Mau (tương đương 840 triệu đồng) cho nông dân xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và xã Khánh Lâm (huyện U Minh).
Nông dân xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi khi được PVCFC hỗ trợ phân bón. Ảnh: HOÀNG DIỆU
Sự hỗ trợ trên nhằm giúp bà con nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất vụ hè thu năm 2016, là một hoạt động mang ý nghĩa, động viên rất lớn đối với người dân bị thiệt hại hoàn toàn vụ lúa vừa qua do hạn hán và xâm nhập mặn. Qua đó, khẳng định cam kết của PVCFC là một doanh nghiệp luôn đồng hành cùng nông dân.
TL
Sử dụng phế phẩm đệm lót sinh học trong sản xuất gừng
Nguồn tin: Tiền Giang
Việc sử dụng phế phụ phẩm đệm lót sinh học tuy chỉ mới được thực hiên trên địa bàn Tiền Giang trong vài năm gần đây, cụ thể anh Trần Văn Do (ngụ ở ấp Long Bình, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) đã sử dụng phế phẩm đệm lót sinh học (đệm lót sinh học sau quá trình chăn nuôi) để làm nguồn phân bón cho hơn 1500m2 gừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Do nhận thấy, gừng là loại cây ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng… trong khi phế phẩm đệm lót sinh học không chỉ đáp ứng được điều kiện đó, mà còn giữ ẩm rất tốt cho gừng, đặc biệt ở giai đoạn đầu nhất là tháng đầu tiên sau khi trồng. Để sử dụng lại ĐLSH cho việc trồng gừng của mình, anh thực hiện như sau.
Dùng 1 tấn ĐLSH phế phẩm ủ với 1kg nấm Trichoderma. Anh cho biết, nấm Trichoderma có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy thành phân hữu cơ và tăng cường vi sinh vật có lợi cho cây trồng đồng thời ngăn ngừa rất tốt các bệnh thối rễ, lở cổ rễ, thối thân gừng, phòng ngừa các loại bệnh do tuyến trùng hại rễ nên gừng của anh rất ít bệnh.
Sau khi ủ khoảng 20 ngày (đủ thời gian phân hủy hữu cơ), cho hỗn hợp đã ủ lên liếp (rộng khoảng 40cm) rồi bồi thêm một lớp mùn khoảng 20 - 30cm để chuẩn bị trồng gừng.
Khi gừng nhảy con làm củ thường có xu hướng trồi lên, do đó sau khi trồng khoảng 1 tháng bổ sung thêm nguồn đệm lót đã được ủ lên mặt liếp với độ dày khoảng 2 - 3cm.
Với việc sử dụng nguồn đệm lót này, anh chỉ bón phân một lần – 1 bao NPK/1000m2 ở giai đoạn 60 ngày tuổi cho đến khi thu hoạch. Nhờ đó, anh tiết kiệm được trên 1,8 triệu đồng tiền phân so với những vụ trồng gừng trước đó, trong khi năng suất vẫn ổn định (đạt 3,5 tấn/1000m2). Ngoài việc sử dụng đệm lót sinh học trên gừng anh còn sử dụng trên 2 công ớt chỉ thiên vừa xuống giống.
Qua việc sử dụng phế phẩm ĐLSH từ chăn nuôi để trồng gừng của anh Trần Văn Do cho thấy mô hình này giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng thêm thu nhập, ngoài ra còn có lợi ích trong cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Ánh Tuyết – NVKN xã Thạnh Trị
Vì lợi ích của nhà nông
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Từ hiệu quả của những mô hình trồng lúa an toàn và sự hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ bảo vệ thực vật, nông dân ở HTX nông nghiệp Tây An (phường An Hòa, TP Huế) dần thay đổi tập quán sản xuất.
Tỉa dặm lúa trên những cánh đồng nói “không” với thuốc trừ sâu ở HTX Tây An
Từ mô hình trồng lúa an toàn
Là đơn vị hoàn thành sớm việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ đầu năm 2014, đến nay, cái “được” lớn nhất theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Tây An - Nguyễn Trần Bảo Niệm là sự thay đổi về mặt ý thức. Ý thức không chỉ của lãnh đạo mà ngay cả thành viên về cách nghĩ, cách làm và vai trò của HTX cũng được nâng lên.
Nằm ở vùng ven TP Huế, HTX Tây An có diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn so với các HTX NN khác trên địa bàn, với 171 ha, trong đó, có 158 ha trồng lúa. Lâu nay, nhiều nông dân địa phương thường có thói quen dùng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật vô tội vạ cho cây lúa và xem đó như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhận thấy tác hại của những loại thuốc trên với sức khỏe con người cũng như với môi trường, HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân hạn chế và biết sử dụng thuốc đúng cách, chỉ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi cần thiết...
Trước đây, dù được tuyên truyền bằng nhiều cách, nói lớn có, nhỏ có nhưng nhiều bà con vẫn không thay đổi, thích bón phân đa lượng NPK. Nhưng nay thì khác, chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật của HTX Tây An kể. Chúng tôi bắt đầu từ những nhóm hộ thí điểm trên diện tích 10 ha, hướng dẫn bón phân “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón lót, bón phân sớm từ đầu vụ nhằm tăng sức đề kháng cho cây lúa và không sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch. Nhờ đó, trong đợt lạnh vừa qua, những diện tích lúa áp dụng quy trình này đều có sự tăng trưởng và phát triển tốt hơn so với những diện tích chưa áp dụng. Ngoài ra, vào đầu vụ, HTX còn thực hiện việc diệt chuột rất hiệu quả, qua đó, tình trạng chuột phá hoại mùa màng những năm gần đây được hạn chế 100%.
Đang tỉa dặm lúa trên đồng ruộng, anh Lê Văn Xuân, thành viên HTX tranh thủ trao đổi: “Mình là người trực tiếp làm ra sản phẩm nên dù chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng chắc chắn phải đảm bảo an toàn với người sử dụng. Để đạt được điều này, đòi hỏi người làm nông chúng tôi phải tự nâng cao kỹ năng sử dụng nông dược để vừa giảm chi phí thuốc, ít ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giữ được chất lượng nông sản”.
Đến tích cực phục vụ thành viên
Với phương châm lấy lợi ích phục vụ thành viên làm mục tiêu phấn đấu, mỗi vụ, ngoài giải quyết sản xuất kịp thời, HTX còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trình diễn. Theo đó, đa phần thành viên sử dụng các dịch vụ bảo vệ thực vật, thủy lợi, các sản phẩm vật tư, lúa giống... do HTX cung ứng.
Chúng tôi được biết quỹ tín dụng của HTX với “thâm niên” hoạt động hơn 20 năm nay với tổng vốn 800 triệu đồng đã đem lại hiệu quả và lợi ích không nhỏ cho hơn 650 hộ thành viên. Theo Phó Giám đốc HTX thì “Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhằm giúp bà con phát triển sản xuất, đáp ứng kịp thời vụ. HTX cho vay vốn để xã viên đầu tư mua mới hàng chục máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với những hộ đã vay vốn mua máy cày, chúng tôi còn giao diện tích ruộng cụ thể để đảm bảo hộ thành viên có nơi hoạt động”.
Không chỉ chấp hành mọi hướng dẫn, điều hành của HTX trong sản xuất, việc thu nợ của thành viên cũng thuận lợi hơn. Ví như, trước đây, việc thu nợ của xã viên rất vất vả. Bằng nhiều biện pháp nhưng ít xã viên chấp hành. Nhưng hiện nay, chỉ động viên nhưng có đến 99% thành viên trả hết nợ cho HTX, tỷ lệ nợ quá hạn cũng không có, anh Niệm hồ hởi nói.
Sau chuyển đổi, đến nay, HTX NN Tây An có quy mô hoạt động rộng hơn cùng nguồn vốn ổn định; với tổng vốn trên 5 tỷ đồng, trong đó, vốn cho thành viên đóng góp trên trên 700 triệu đồng. Doanh thu của HTX sau chuyển đổi tăng trên 10%. Hàng năm, HTX đều trích lợi nhuận chia cho thành viên hơn 100 triệu đồng.
Liên Minh
ĐBSCL: Củ gừng rớt giá
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Giá gừng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL ở mức rất thấp, nếu so với cách đây hơn 5 tháng (thời điểm nông dân tại nhiều địa phương mới bắt đầu bước vào thu hoạch vụ gừng 2015 - 2016), giá củ gừng hiện giảm thêm ít nhất 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Tại nhiều tỉnh như: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… hiện củ gừng tươi được nhiều nông dân bán cho thương lái chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua. Giá gừng giảm mạnh được cho là do các năm trước gừng có giá ở mức cao, có nhiều thời điểm ở mức từ 25.000 - 50.000 đồng/kg, giúp người trồng gừng có mức lợi nhuận rất hấp dẫn nên nông dân nhiều nơi phát triển diện tích trồng khiến nguồn cung gừng hiện nay tăng mạnh. Trong khi đó, gừng tại ĐBSCL đang chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi nguyên củ, chưa có nhiều nhà máy thu mua sản phẩm phục vụ chế biến. Nhiều nông dân trồng gừng cho biết, năm nay gừng trồng tại nhiều nơi trúng mùa, năng suất có thể đạt từ 6 - 10 tấn/công. Tuy nhiên, với giá bán hiện nay, nhiều nông dân vẫn bị lỗ vốn do trồng một công gừng phải bỏ vốn đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng trở lên.
Văn Công
Đức Linh (Bình Thuận): Tiêu chết hàng loạt, nguyên nhân do đâu?
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Bên cạnh cây cao su, cây tiêu cũng là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân Đức Linh (Bình Thuận). Do giá trị kinh tế khá cao nên nhiều nông dân địa phương đã phát triển mạnh các diện tích trồng tiêu. Tuy nhiên trong thời gian qua trên cây trồng này lại xuất hiện tình trạng chết nhanh, chết chậm khiến cho nông dân hết sức lo lắng. Nguyên nhân vì sao?
Tiêu chết không rõ nguyên nhân
Khoảng 3 năm trở lại đây giá tiêu trên thị trường luôn ở mức cao, có thời điểm hơn 200.000 đồng/kg nên nông dân Đức Linh rất phấn khởi, nhiều hộ trồng tiêu có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Các diện tích trồng tiêu từ đó cũng phát triển mạnh ở địa phương. Đến thời điểm hiện tại toàn huyện Đức Linh có khoảng 10.000 ha tiêu, tập trung nhiều ở các xã Đông Hà, Tân Hà, Trà Tân, Đức Hạnh, Đức Tín… Tuy nhiên, trong thời gian qua trên các diện tích trồng tiêu lại xuất hiện tình trạng tiêu chết nhanh, chết chậm với diện tích khá lớn khiến bà con nông dân hết sức lo lắng. Ông Lê Văn Du – ở xã Đông Hà cho biết: “Gia đình có 1.500 trụ tiêu trên diện tích 1,5 ha, trong đó một nửa diện tích là tiêu từ 7 đến 8 năm tuổi và đã cho thu hoạch nhiều năm. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2014 đến nay đã có 500 gốc tiêu bị chết, gây thiệt hại nặng về kinh tế”. Các diện tích tiêu chết hiện nay đã được trồng mới lại, tuy nhiên ông vẫn rất lo lắng vì sợ cây con bị nhiễm bệnh giống như trước đó. Còn anh Lê Văn Mạnh ở xã Đông Hà cho biết: “Gia đình vay vốn ngân hàng để trồng 3 ha tiêu, đến nay đã được 6 năm. Tuy nhiên 1 sào tiêu hiện nay đã bị chết, giờ đây anh đang lo lắng không biết lấy tiền ở đâu để trả nợ ngân hàng, rồi tiền nuôi con cái ăn học nữa”.
Theo bà con nông dân, biểu hiện của tình trạng tiêu chết chậm là lá vàng từ ngọn, sau đó lan ra cả cây, thối gốc, một vài tháng sau cây chết hẳn. Những diện tích tiêu chết nhanh thì không thể biết được vì cây đang xanh tốt, nhưng chỉ qua đêm là đã héo khô. Nhiều cách phòng trừ, các phương thuốc chữa trị đã được áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả. Nguồn thu chính không còn, không ít gia đang gặp khó khăn, bởi vốn bỏ ra để đầu tư cho cây tiêu không hề nhỏ, bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. Những hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư cây trồng này còn khó khăn hơn và lâm vào cảnh nợ nần. Anh Trần Thanh Minh – cán bộ nông nghiệp xã Tân Hà, Đức Linh cho biết: “5 năm trở lại đây, ở Tân Hà có khoảng 125 ha tiêu của nông dân bị chết, khiến cho nhiều gia đình kiệt quệ kinh tế. Trước tình trạng trên, UBND xã đã chủ động mở nhiều lớp tập huấn, có sự tham gia tư vấn của các kỹ sư nông nghiệp, các nhà khoa học, đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật tư vấn cho bà con nông dân về cách phòng và trừ bệnh, tuy nhiên những dấu hiệu khắc phục bệnh khả quan là rất thấp”.
Giải pháp trồng tiêu sạch
Theo ông Nguyễn Minh Nghị - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết, hiện tượng tiêu chết nhanh, chết chậm đã xảy ra nhiều năm nay ở địa phương. Tính từ năm 2014 đến nay, thống kê có khoảng 600 ha tiêu trên địa bàn Đức Linh bị chết, riêng trong năm 2015 có khoảng 165 ha tiêu chết, nhiều nhất là ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã mời các nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh về tìm hiểu nguyên nhân tiêu chết. Sau khi lấy các mẫu đất, mẫu tiêu thử nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy đa số tiêu bị nhiễm bệnh do dư lượng phân vô cơ, nhất là đạm trong cây trồng này ở giai đoạn phát triển cao hơn mức cho phép. Trong thời gian tới, Đức Linh sẽ áp dụng thử nghiệm trồng tiêu theo hướng sạch, cụ thể từ năm 2016 – 2018 sẽ trồng thử nghiệm khoảng 60 ha, sau đó sẽ nhân rộng mô hình tiêu sạch trên toàn huyện.
So với cây trồng khác, tiêu là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, là cây làm giàu của nhiều nông dân Đức Linh. Trong thời gian chờ thử nghiệm trồng tiêu theo hướng sạch, người dân mong muốn, các cơ quan chức năng sớm tìm ra thuốc đặc trị đối với các diện tích tiêu bị bệnh.
NGUYÊN LÊ
Quảng Ngãi: Nghịch lý nước tưới tiêu
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi
Mưa ít nắng nhiều khiến lượng nước tích tại các hồ chứa thấp. Cây trồng, vật nuôi vì thế cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngay từ cuối vụ đông xuân. Tuy nhiên, ở các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và kênh nhánh, việc sử dụng nước tưới tiêu hiện giờ lại rất lãng phí…
Nơi thừa, chỗ thiếu
Với những địa phương nằm ở đầu kênh chính Thạch Nham hay gần các hồ chứa, người dân ít khi quan tâm đến chuyện cây trồng, vật nuôi thiếu nước. Bởi, khi mở nước Thạch Nham và hồ chứa, những điểm đầu như Phổ Phong, Phổ Nhơn (Đức Phổ, Quảng Ngãi), Hành Thịnh (Nghĩa Hành)... thường xảy ra tình trạng nước chảy… tự do! Thậm chí, có nơi nước trong kênh tràn ra đường, gây ngập. Trong khi đó, người dân ở các địa phương nằm xa kênh, hồ chứa thì phải đi sớm về khuya để chắt chiu nước tưới cho cây trồng, đơn cử như đợt mở nước chống rét cho cây lúa trong thời gian qua.
Việc điều tiết nước thiếu hợp lý khiến nhiều nông dân sản xuất ở xa kênh phải dùng máy bơm nước để đảm bảo tiến độ sản xuất.
“Trời lạnh, không có nước trong ruộng là lúa không sống nổi. Nhưng vì kênh đất, lại ở xa nên lúc nào nước về đồng chúng tôi cũng chậm”, vừa mở bờ dẫn nước, ông Nguyễn Hùng, xã viên HTX Nông nghiệp La Hà, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) vừa chia sẻ. Vì thế, ngay khi nước Thạch Nham được mở, ông Hùng luôn túc trực ngoài đồng để kịp dẫn nước vào ruộng dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ đội dẫn thủy.
Trái với mục tiêu “chống lạnh” cho cây lúa, người dân ở một số địa phương lại dẫn thật nhiều nước vào ruộng để... phòng chuột cắn phá! Khi đề cập đến chuyện diệt chuột, nhiều lão nông cho rằng, địa phương cũng nhiều lần tổ chức ra quân diệt chuột, rồi bã sinh học đặt dày bờ ruộng nhưng rồi chuột vẫn cắn nát lúa!
Theo ông Nguyễn Lập - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, vì thời tiết lạnh kéo dài nên đơn vị phải mở nước Thạch Nham để chống rét cho cây lúa. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu nước phần do nhiều địa phương lơ là việc nạo vét kênh mương ngay từ đầu vụ; phần vì không có đội dẫn thủy nên mạnh ai nấy dẫn nước, khiến nước chảy tự do. “Điều này không chỉ gây lãng phí nước tưới, mà còn “làm khó” người dân có đất canh tác ở xa kênh. Vì để đảm bảo kịp lịch gieo sạ hoặc chống lạnh cho cây lúa, họ phải dùng máy bơm dẫn nước, rất tốn kém”, ông Lập cho hay.
Thiếu đội dẫn thủy
Qua báo cáo của các trạm quản lý thủy nông, phần lớn các địa phương đều “trống” đội dẫn thủy. Theo ông Hồ Văn Xuân-Trưởng trạm Quản lý thủy nông số 2 thì hầu như các HTX NN trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đều không có đội dẫn thủy. Hoặc nếu có thì cũng hoạt động rời rạc, cầm chừng nên hiệu quả mang lại không cao. Nguyên nhân là do các HTX không đủ kinh phí để thành lập đội dẫn thủy cũng như hợp đồng người quản lý, phụ trách.
Tương tự, tại huyện Tư Nghĩa, tình trạng “thu không đủ chi” cũng khiến HTX NN không mặn mà với đội dẫn thủy. Khi đề cập đến nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, lãnh đạo nhiều HTX cho rằng, kinh phí này chỉ để tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương cấp 1, cấp 2, còn các tuyến kênh nhánh thì phải “nhờ” vào nguồn thu từ người dân, với mức 12.000 đồng/sào/vụ. Dù vậy, phần lớn các HTX đều không thực hiện được việc này.
Kinh nghiệm từ HTXNN La Hà
Theo phản ánh của xã viên HTXNN La Hà. Dù ở xa kênh, rồi phần lớn các tuyến kênh dẫn nước phục vụ 220ha lúa ở đây là kênh đất nhưng chưa bao giờ họ rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất hay trễ lịch gieo sạ. Bởi, ngoài việc kịp thời dẫn nước về tận các kênh nhánh, Đội dẫn thủy của HTX còn đảm nhận vệ sinh, nạo vét và tu sửa các tuyến kênh mương nhánh. Hơn nữa, ngay khi Thạch Nham mở nước phục vụ gieo sạ, HTXNN La Hà đã dùng 4 máy bơm để bơm nước, phục vụ nông dân cày ải. Việc gieo sạ 220ha lúa của xã viên vì thế cũng hoàn thành trước lịch thời vụ, dù ở cuối kênh. Sự chu đáo và kịp thời này đã giúp HTXNN La Hà nhận được sự ủng hộ người dân, nhất là với khoản thu phí 12.000 đồng/sào/vụ.
MỸ HOA
Tác hại của việc chọn trụ hồ tiêu không bảo đảm
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Nhiều hộ vì thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật đã lấy các loại tre, nứa, tận dụng cây cao su sống… để làm trụ trồng hồ tiêu. Cách chọn trụ không phù hợp này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây hồ tiêu kém phát triển, dễ bị sâu bệnh.
Mùa mưa năm 2015, gia đình anh Điểu Nauh ở thôn 4, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức - Đắk Nông) đã trồng 400 trụ hồ tiêu. Trước phong trào “nhà nhà trồng hồ tiêu”, anh cũng đã tìm mọi cách xoay xở trồng cho bằng được với hy vọng vài năm nữa kinh tế sẽ đỡ hơn.
Vườn hồ tiêu trồng bằng tre nứa của hộ anh Điểu Nauh ở thôn 4, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) phát triển kém
Anh Điểu Nauh chia sẻ: “Dây hồ tiêu thì tôi chủ yếu đi xin của những người bà con ở tận huyện Đắk Song về trồng. Nhà thiếu vốn nên gia đình huy động mọi người vào rừng chặt tre về làm trụ để hồ tiêu leo”.
Đến thời điểm này, vườn hồ tiêu của anh Điểu Nauh đã có trên 100 trụ bị chết, số còn lại phát triển yếu; cây thấp, lá vàng và ít đọt. Tìm hiểu ra, anh mới biết nguyên nhân ngoài do bón ít phân, thiếu nước tưới thì còn do trụ tiêu bằng tre nên cây khó bám rễ dẫn đến phát triển chậm, bị chết. Thiệt hại về kinh tế thì đã rõ. Gia đình anh chỉ mới thay được hơn 100 trụ gỗ và đang tiếp tục tìm cách để thay thế hết số trụ tre còn lại cho cây hồ tiêu phát triển.
Phong trào trồng hồ tiêu ồ ạt đã dẫn đến giá các loại trụ tăng cao. Một trụ bê tông giá trên thị trường tầm 200.000 đồng, trụ gỗ tốt khoảng 300.000 đồng. Các loại cây sống được trồng để làm trụ hồ tiêu lên đến vài chục ngàn đồng. Như vậy, với diện tích 1 ha cần 1.000 trụ thì mỗi gia đình trồng hồ tiêu riêng tiền trụ gỗ đã lên đến khoảng 200 triệu đồng.
Giá trụ để trồng hồ tiêu tăng cao nên người dân tận dụng nhiều loại cọc, cây tạp nham và không phù hợp với cây hồ tiêu. Ngoài ra, những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp trong khi đó giá hồ tiêu cao nên nhiều hộ dân ở huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Tuy Đức… đã tận dụng cây cao su sống để làm trụ trồng hồ tiêu.
Mùa mưa vừa rồi, gia đình ông Bùi Ngọc Thịnh ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng đã bỏ gần 1 ha cao su và tận dụng chính cây này để làm trụ cho hồ tiêu. Cũng như ông Thịnh, các hộ dân khác trong vùng chặt cành, hãm ngọn cao su để lấy thân làm trụ sống trồng hồ tiêu với mục đích giảm chi phí mua trụ, xây trụ.
Theo những chuyên gia về nông nghiệp thì cây cao su sau khi bị chặt bớt rễ, cắt cành, tỉa ngọn sẽ mất sức rất nhiều và dễ bị nhiễm các loại bệnh xâm nhập thông qua các vết cắt, chặt. Thực tế, nông dân thường chặt cao su vào mùa mưa để nhân tiện trồng hồ tiêu luôn dẫn đến nước mưa thấm vào các vết thương của cây cao su gây nên tình trạng thối tại các vết hở và dễ bị chết. Cây cao su sau khi bị chết sẽ bị tuột lớp vỏ và kéo theo dây tiêu cũng bị rơi xuống.
Cao su còn có đặc điểm thuộc loại gỗ nhẹ, hay bị mối và khi đã khô thường dễ bị đổ ngã. Trong khi đó, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với nấm bệnh, trong đó có nấm phytophthora, tác nhân gây ra bệnh chết nhanh. Bên cạnh đó, cây cao su là cây ưa thoáng ở gốc, nếu cho vào dây tiêu phát triển kín phía dưới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh rất cao.
Do vậy, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó có hồ tiêu. Chú trọng hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu, trong đó cần quan tâm tư vấn nông dân chọn trụ cho cây hồ tiêu phù hợp.
Thanh Nga
Nỗi lo mùa điều!
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Bình Phước là thủ phủ của cây điều với tổng diện tích khoảng 134 ngàn ha, sản lượng điều hằng năm đạt từ 156 - 190 ngàn tấn. Từ loại cây xóa đói giảm nghèo, điều trở thành cây làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên đất Bình Phước. Vụ điều năm 2016, mặc dù giá đầu mùa cao hơn những năm trước nhưng người trồng điều trong tỉnh đang lo lắng, đứng ngồi không yên. Bởi năm nay điều ra trái muộn, khô bông hoặc ra bông không đều trong cùng một vườn cây...
Do ảnh hưởng của thời tiết nên vườn điều của gia đình ông Lưu Thành Huy ở đội 3, ấp 3, xã Đồng Tiến đến nay mới ra bông
Đã vào những ngày đầu tháng 3-2016. Mọi năm vào thời điểm này nông dân thu điều chính vụ, kẻ mua người bán tấp nập, nhưng năm nay trái ngược hoàn toàn, người dân đang hằng ngày mong điều sớm trổ bông kết trái. Theo nhiều người trồng điều trong tỉnh, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino kéo dài, khiến thời tiết thất thường, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, cộng với lúc điều ra bông gặp phải sương muối, trời lạnh bất thường nên ảnh hưởng xấu đến năng suất.
Giá cao nhưng không có điều bán
Chị Phạm Thị Thu ở thôn 12, xã Long Hà (Phú Riềng) cho biết: Gia đình tôi có 2 ha điều, mọi năm vào thời điểm này điều đã rộ và cho thu hoạch gần 2 tạ/ngày. Hiện vườn điều của gia đình nhiều chỗ chưa có trái hoặc có nhưng không đều. Do không có nguồn thu, tôi phải tranh thủ bán nước mía kiếm thêm thu nhập chờ điều chín.
Hiện nhiều hộ trồng điều đều có chung tình trạng là điều ra bông không đồng đều trong cùng một vườn hoặc cháy bông do nắng gắt. Những năm trước thời tiết ổn định, trước tết Nguyên đán đã có điều thu rải rác và qua tết là thời điểm rộ mùa. Nhưng năm nay đã qua tết Nguyên đán gần 1 tháng, người dân hằng ngày vẫn mong điều chín sớm để thu hoạch.
Ông Long Văn Dũng ở đội 1, ấp Phước Tiến, xã Tân Phước (Đồng Phú) chia sẻ: Gia đình tôi trồng 5 ha điều ở 3 rẫy khác nhau. Những năm trước, vào thời điểm này mỗi ngày gia đình phải thuê 2 đến 3 người thu hoạch điều, nhưng năm nay 3 đến 4 ngày mới nhặt một lần cũng chỉ được hơn 30kg/ngày.
Anh Lê Văn Nhất ở đội 6, ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) là chủ một điểm thu mua điều nói: Vụ trước, mỗi ngày tôi thu mua hơn chục tấn nhưng nay số điều thu vào cũng chỉ 2-3 tạ/ngày vì nông dân không có điều bán. Giá điều đang ở mức cao, dao động từ 32 đến 34 ngàn đồng/kg, năm trước chỉ khoảng 28,5 ngàn đồng/kg.
Một vụ điều khó dự đoán!
Đi thăm một số vườn điều ở các huyện Phú Riềng, Bù Đăng và Đồng Phú, chúng tôi hỏi những hộ trồng điều về dự kiến sản lượng thu hoạch năm nay được hay mất mùa thì họ đều có chung câu trả lời: “Vụ điều năm nay không nói trước được, khó đoán lắm!”. Ông Trương Tiến Khương ở thôn 2, xã Đức Liễu (Bù Đăng) có 2 ha điều 7 năm. Đến nay, cả vườn chỉ thu được 20kg/ngày nhưng cũng phải để 2 đến 3 ngày mới có trái nhặt. Nhà ông chỉ có vườn điều là nguồn thu chính nên gia đình chăm sóc rất kỹ nhưng thời tiết khắc nghiệt, cây điều ra bông muộn, gặp phải sương muối làm khô bông, tỷ lệ đậu trái chỉ khoảng 50 - 60%.
Yếu tố kỹ thuật trong chăm sóc chỉ đáp ứng được chất lượng của hạt điều. Ví như việc bón phân, tỉa cành, xử lý sâu bệnh... làm cho hạt điều to, chắc và đẹp hơn. Còn chuyện mất hay được mùa đều phụ thuộc vào thời tiết. Đặc tính của cây điều không phù hợp với địa hình đồi có độ dốc lớn, độ cao trên 600m so với mặt nước biển và khí hậu lạnh cùng nắng nóng cục bộ, sương muối hay vùng có gió mạnh. Khi cây vừa ra bông gặp mưa trái mùa thì coi như mất trắng.
Ông Trương Văn Thạng ở thôn Phú An, xã Phú Trung (Phú Riềng) than vãn: Năm nay, giá mủ cao su giảm sâu, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân nên chúng tôi chỉ còn trông chờ vào cây điều. Gia đình tôi có 2 ha điều được đầu tư và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật (như hướng dẫn của cán bộ khuyến nông) nên rễ điều bén sâu vào lòng đất, cây không bị đổ và cho năng suất cao. Những loại phân bón hay dùng cho cây điều là NPK, phân bò. Vườn cây được làm sạch cỏ và tỉa cành tạo tán thông thoáng để sâu bệnh không có nơi sinh sản. Ngoài ra, mỗi năm ít nhất phải 2 lần phòng trừ sâu bệnh cho cây vào thời điểm cuối mùa mưa và khi thu hoạch xong... Năm nay, không ngờ điều vào mùa chậm, lại ra trái không đồng loạt nên gia đình rất khó dự đoán năng suất sản lượng.
H.Dụng - N.Bích
Sốt giống bơ ngoại
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Bơ Booth, loại cây được du nhập từ Mỹ đang gây sốt tại các tỉnh Tây Nguyên. Ở Đắk Nông, bơ Booth được thương lái thu mua với giá từ 75.000 - 90.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hàng.
Mô hình trồng bơ Booth của anh Phương mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thu hút nhiều nông dân tham quan học hỏi
Lãi cao
Những ngày này, đến bất cứ nơi nào của tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đều nghe người dân bàn tán về việc trồng thành công giống bơ nhập khẩu từ Mỹ có tên gọi là bơ Booth.
Ông Nguyễn Khắc Ngữ ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) chia sẻ, giống bơ Booth và bơ Hass có xuất xứ từ Mỹ, được gia đình ông nhập về từ Úc năm 2003 và trồng trên 10 ha đất của gia đình. Đến nay, vườn bơ của ông Ngữ đã cho thu hoạch được 5 năm.
Ông Ngữ hào hứng cho biết: "Năm 2004, trong một chuyến du lịch thăm người thân ở Úc, tôi mua về 3 cây giống bơ Booth. Trồng giống bơ quý này được 2 năm, tôi bắt đầu lấy chồi ghép với các gốc bơ cũ để cải tạo vườn cây. Từ năm thứ 2, những cây bơ Booth ghép mạnh khỏe đã bắt đầu cho quả, đến năm thứ 5 có cây cho từ 2 - 3 tạ quả/vụ.
“So với cà phê, trồng bơ hiệu quả hơn hẳn do đầu tư ít, thu nhập lại cao hơn trên cùng một diện tích. Trồng bơ Booth thì lợi nhuận càng nhiều hơn do trái vụ, năng suất và giá bán lại cao hơn. Bơ nội địa bình quân khoảng 10.000 đồng/kg thì bơ Booth có giá tại vườn từ 75.000 đồng/kg trở lên”.
Với cây bơ Booth, chỉ cần dọn vườn rồi đào hố vừa phải, bón lót phân chuồng xong đợi khi mùa mưa đến thì xuống giống. Hiện nay, không chỉ tôi mà vườn cây của hơn 10 hộ khác trong vùng đều sinh trưởng mạnh, cành to, khỏe, khả năng phát triển cành, tán khá mạnh, tỉ lệ ra hoa đậu quả cao. Trồng bơ Booth là một cơ hội làm giàu mới cho bà con nông dân, ông Ngữ nói thêm.
Khi thị trường xuất hiện thêm những giống bơ cao sản ngoại nhập khác, ông Ngữ cũng chủ động mua về bổ sung cho vườn của mình thêm bơ Hass được cả thế giới ưa chuộng. Bơ Hass là giống bơ đặc biệt, thích hợp với khí hậu Tây Nguyên. Giống bơ được đưa nguyên cây từ Úc về phát triển rất tốt, cho trái đồng đều, chất lượng hoàn toàn giống với thế giới. Đây là giống bơ độc nhất chỉ có ở trang trại ông Ngữ tại Việt Nam.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Kiến Phương ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong, Đắk Nông) cũng hân hoan trong niềm vui sau sự khởi đầu thành công từ cây bơ Booth.
Anh Phương cho biết: "Hiện gia đình có 3 trang trại, tổng diện tích trên 20 ha, cây trồng chủ yếu là bơ Booth trái vụ. Đến nay, bơ đã đi vào kinh doanh được hơn 2 năm. Đây là kết quả sau nhiều năm gian khổ bám trụ tại vùng đất đầy khắc nghiệt này và đã giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân nơi đây đạt được giấc mơ đổi đời.
Theo anh Phương, toàn bộ trang trại của anh nằm trong khu vực đèo 52, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Đắk Glong và Krông Nô, vốn là một vùng núi cao, khe sâu, với thổ nhưỡng phần lớn diện tích là… đá cháy. Thế nhưng, anh đã không ngại kiên trì động viên mọi người trong xóm cải tạo đất hoang, học hỏi người dân bản địa cách trồng hoa màu, chăn nuôi để ổn định cuộc sống.
Trước khi quyết định chọn cây bơ để thay cho hoa màu, anh đã đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc tại Trung tâm thực nghiệm của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các nhà vườn của tỉnh Đắk Lắk. Có thể nói, cây bơ không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương. Qua hơn 5 năm trồng, bước vào vụ thu hoạch đầu tiên anh đã lấy lại vốn.
Lợi nhuận cả tỷ đồng/ha
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn bơ đang giai đoạn sung sức, anh Phương giải thích, ưu điểm của giống bơ này là cho thu hoạch sau vụ bơ chính khoảng 2 - 3 tháng (từ tháng 8 - 10).
Đặc biệt, loại bơ này quả to và đều, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao, trung bình khoảng 2 quả/kg. Việc đầu tư trồng bơ hiện nay không đòi hỏi nguồn vốn lớn, với 1 ha đất chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng gồm tiền giống, công, phân bón và trong 2 năm đầu thực hiện “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng xen hoa màu là có thể có vườn bơ rồi. Từ năm thứ 5, vườn cây sẽ cho thu lãi lớn, năng suất bình quân đạt trên 80 tấn quả/ha, các năm tiếp theo sẽ tăng cao hơn.
Hiện trang trại của anh Phương đã trồng được 4.000 cây với khoảng cách 7m x 7m, mỗi ha trồng trên dưới 200 cây. Hiện hơn 1.000 cây bơ của anh đã cho trái, cây rất lớn và nhiều trái, rất ít bị sâu bệnh.
Nếu tính ra mỗi cây bơ cho thu hoạch 200kg, mức giá trung bình là 50.000 đồng/kg thì một cây bơ cũng đem về trên 10 triệu đồng. Với 1.000 cây, gia đình thu về cả chục tỷ đồng/năm, tính ra lợi nhuận lên đến cả tỷ đồng/ha. Việc chăm sóc giống bơ nhập ngoại này cũng giống như những cây bơ khác.
Đặc biệt, việc tiêu thụ trái bơ Booth thương phẩm rất thuận lợi. Khi đến mùa thu hoạch, chỉ cần điện thoại là thương lái đánh xe đến tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi ngày có cả chục thương lái khắp nơi kéo về tận vườn lùng sục, thu mua cung cấp cho thị trường.
Còn bây giờ, với gần 20 ha bơ trong vùng đã được anh Phương thu gom hết để đưa đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 40 ha trồng bơ Booth, đây là một đối tượng cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống trong tỉnh.
Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã khảo nghiệm và nhân giống thành công 4 giống bơ nội địa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, gồm giống H1, H2, H3, H4, 2 giống bơ nhập từ Úc và Mỹ lần lượt là giống bơ Booth 7 và giống bơ Hass.
Các dòng bơ nói trên của trang trại có rất nhiều trái, trái có màu xanh đậm, trọng lượng từ 0.5 - 0.7kg/trái. Cơm sáp, dẻo, có màu vàng chanh, hạt nhỏ. Ở độ tuổi 4 - 5 cây bơ cao khoảng 4m, trái trĩu cành. Vào đầu tháng 3 bắt đầu có trái và tới đầu tháng 8 có thể thu hoạch, khi đó bơ mùa đã hết, giá thị trường cao.
Với hướng đi hiệu quả này, tin chắc rằng nền kinh tế nông thôn của tỉnh Đắk Nông nói riêng và của khu vực Tây Nguyên nói chung đang có chuyển dịch mạnh mẽ nhờ cơ cấu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới.
THANH SA
Tưới tiết kiệm nước - Giải pháp cho mùa hạn, mặn
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Nhiều nhà vườn ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã chủ động tưới tiết kiệm, cung cấp lượng nước vừa đủ cho cây trồng nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn có nguy cơ diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới, đây được xem là một cách làm khá hiệu quả.
Anh Trề (thứ 2, bìa phải qua) bên hệ thống tưới phun mưa đang vận hành.
Hiện, xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đối với vườn cây ăn trái của người dân, nhưng cơ quan chuyên môn thị xã Ngã Bảy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân ráo riết triển khai các biện pháp ứng phó trước tình trạng xâm nhập mặn bất thường, hầu như chưa có tiền lệ từ trước đến nay.
Theo sát diễn biến xâm nhập mặn
Chưa bao giờ ông Phạm Văn Cơ, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cảm thấy lo lắng như lúc này. Bởi năm qua, lũ không về nên lượng phù sa bồi đắp cho vườn cây bị thiếu hụt đáng kể và giờ đây ông Cơ lại tiếp tục với nỗi lo hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây. Đồng nghĩa với việc 3.000 gốc cam sành đang cho trái đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng. Hiện mực nước ngoài hệ thống kênh rạch thấp hơn so với cùng kỳ năm vừa qua khoảng 2 - 3 tấc, trong khi cam sành vốn đã chịu khô hạn kém nên không thể thích ứng nỗi khi nước mặn tấn công.
Những ngày qua, ông Cơ luôn tranh thủ khui bọng dẫn nước ngọt vào đầy mương để dự trữ lại và thường xuyên kiểm tra nắp bọng trong, ngoài vườn để tránh thất thoát nước. Trước khi cho nước vào mương vườn, ông Cơ còn chủ động liên hệ với ngành chuyên môn tại địa phương, lẫn thị xã để nắm bắt thông tin kịp thời về diễn biến của tình hình, tránh trường hợp bị ảnh hưởng lâu dài do đưa phải nước mặn vào trong, rồi tưới lên cây trồng. Ông Cơ chia sẻ: “Thay vì trước đây 2 ngày, giờ thì kéo giãn ra 3 ngày mới tưới 1 lần, đồng thời phải sử dụng lượng nước tưới vừa ướt thôi, chứ không phung phí như trước đây nữa”.
Tưới tiết kiệm sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát nước để đề phòng hạn hán gay gắt, nước mặn xâm nhập bất thường và lấn sâu vào hệ thống kênh rạch trên địa bàn. Song, theo ông Cơ, nếu mặn trong 5 - 7 ngày thì được, chứ kéo dài hàng tháng sẽ rất nguy hiểm cho cây trồng, nhất là các loại cây có múi như cam sành. “Trên thực tế, nhà vườn ở đây rất ít kinh nghiệm ứng phó mặn, chưa kể mương vườn chỉ có thể trữ lượng nước tưới chừng 10 ngày, nửa tháng là cùng. Do đó, cần phải có sự can thiệp từ phía Nhà nước trong trường hợp khô hạn, mặn xâm nhập dài ngày”, ông Cơ khẳng định.
Áp dụng hệ thống tưới phun mưa
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, vào giai đoạn cao điểm mùa khô, thời tiết chủ đạo là nắng nóng, lượng nước bốc hơi mạnh thì xâm nhập mặn sẽ càng gay gắt. Khi đó, hệ thống cống, đập thời vụ sẽ được vận hành để ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, trường hợp xâm nhập mặn kéo dài, lượng nước cung cấp cho ruộng, vườn thiếu hụt sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sản xuất là điều khó tránh khỏi. Vì thế, hơn nửa tháng trước, hộ anh Trần Văn Trề, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, đã triển khai lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho 1ha cam sành 7 tháng tuổi do Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy chuyển giao thực hiện.
Bước đầu hệ thống đã mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là giảm chi phí bơm tưới, tiết kiệm được lượng nước ngọt trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn có khả năng đe dọa đối với nhà vườn. Bởi so với tưới bằng máy thông thường, hệ thống phun mưa qua lá, sau đó ngấm từ từ xuống đất nên không hao nước, chưa kể là rút ngắn được thời gian lao động đáng kể. Anh Trề chia sẻ: “Lúc trước mình tưới 4 giờ liền, mất khoảng 2 lít xăng, nhưng giờ giảm xuống còn 2 tiếng đồng hồ và tốn 4kW điện thôi. Được cái nữa là không làm xói mòn đất, gốc rễ của cây”.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, Chủ nhiệm dự án, hệ thống tưới phun mưa giúp nông dân đưa cơ giới hóa vào vườn cam sành. Qua đó, sẽ tiết kiệm nước tưới, hạn chế lượng phân, thuốc hóa học, chống xói mòn nên bảo vệ được môi trường sinh thái mà vẫn giữ độ ẩm, dưỡng chất vừa đủ dưới đất, giúp cây trồng phát triển, thích nghi tốt với thời tiết khô hạn kéo dài. Trước mắt là ứng phó với hiện tượng El Nino đã và đang có những biểu hiện cực đoan, như gây ra tình trạng nắng nóng gay gắt trên địa bàn tỉnh, khiến cho tình trạng xâm nhập mặn diễn biến khó lường hơn.
Nếu như giai đoạn đầu tháng 2 vừa qua, mặn bất ngờ xâm nhập theo hướng sông Cái Côn vào địa bàn thì những ngày gần đây lại thêm hướng kênh Mang Cá. Trước sự bủa vây của nước mặn, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có khuyến cáo nhà vườn chủ động tưới tiết kiệm nước nhằm bảo vệ hàng ngàn héc-ta cam sành là điều hết sức cần thiết vào thời điểm này.
Cập nhật thường xuyên tình hình xâm nhập mặn
Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: Ngành sẽ cập nhật thường xuyên tình hình xâm nhập mặn để thông báo cho bà con nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời. Mặt khác, cho kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập, các nắp bọng, cũng như xúc tiến nạo vét hệ thống kênh dẫn nước nội đồng, kể cả các tuyến kênh tạo nguồn chủ lực để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trước nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo là diễn ra gay gắt trong thời gian tới.
NGUYỄN NGUYỄN
Xã Hợp Đức (Tân Yên, Bắc Giang): Hỗ trợ người dân trồng cây ăn quả
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang thực hiện chương trình hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và nâng cao hiệu quả vườn đồi.
Theo đó, năm 2016, UBND xã trích 60 triệu đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ các hộ dân tăng diện tích trồng 2 loại cây vú sữa và nhãn. Các hộ dân tham gia cải tạo và trồng mới có diện tích từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.
Hiện toàn xã có 150 ha cây ăn quả, trong đó 90 ha vải thiều, 25 ha nhãn, 10 ha vú sữa, còn lại là táo, ổi, chuối. Nhiều hộ dân tiếp tục dồn điền, đổi thửa, cải tạo ruộng vàn cao để trồng nhãn, vú sữa. Dự kiến năm nay xã sẽ trồng mới 10 - 15 ha cây ăn quả.
Nam Hương
Mô hình trồng thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả
Nguồn tin: Tiền Giang
Xã Đồng Sơn (Gò Công Tây, Tiền Giang) có diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả khá cao (174 ha), tập trung ở khu vực ấp Khương Thọ và ấp Ninh Đồng A. Nhằm chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long (dưới chân ruộng) có hiệu quả kinh tế cao, từ tháng 3 - 12/2015 Trạm Khuyến nông huyện Gò Công Tây đã thực hiện mô hình "Trồng thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả" tại ấp Khương Thọ với quy mô 3 ha/7 hộ tham gia.
Ngoài việc chuyển sang trồng thanh long tăng thu nhập, mô hình còn hướng tới việc cải tạo đất và nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng đơn vị diện tích đất bằng giải pháp kết hợp trồng xen canh rau màu.
Trước và trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long và các loại rau màu như: quản lí sâu bệnh hại trên rau màu ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây thanh long, sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học như nấm Trichoderma trong qui trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguyên tắc “4 đúng”, các nguyên tắc trong sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.... Ngoài ra TT Khuyến nông cũng hỗ trợ cho mô hình 30 bao phân bón hữu cơ vi sinh Tribat TMB (trị giá 8,3 triệu đồng - 1,9% tổng kinh phí vật tư của mô hình).
Qua 9 tháng thực hiện, mô hình đạt được những kết quả khá tốt. Chi phí sản xuất của các hộ là từ 18,2 - 21,9 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập từ 17,5 - 47 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, mỗi hộ có được lợi nhuận từ 15 – 26 triệu đồng/ha/vụ. Nhìn chung trong năm đầu thực hiện, lợi nhuận từ rau màu mang lại trên vườn thanh long từ 43,2 - 78,9 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài lợi ích về kinh tế, mô hình còn giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng các biện pháp canh tác và quản lí dịch hại trên thanh long. Về mặt nhận thức, mô hình đã giúp nông dân phá bỏ tập quán độc canh cây lúa, đa dạng hóa đối tượng sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho trên cùng đơn vị diện tích đất. Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, giảm bón phân hóa học, giảm số lần phun thuốc, sử dụng các loại thuốc chuyên dùng cho thanh long, thuốc vi sinh... góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
Qua thực hiện mô hình "Trồng thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả", ông Đỗ Văn Lập - tổ trưởng mô hình đánh giá: Đây là mô hình sản xuất thí điểm mang lại hiệu quả cao cho xã Đồng Sơn - là vùng đất cằn cỗi, nhiễm phèn mặn vào mùa khô, nằm cuối nguồn của hệ thống kênh mương nội đồng của huyện Gò Công Tây.
Thực tế cho thấy, thanh long có khả năng chống chịu hạn hán tốt,thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây giá thanh long tương đối cao, giúp không ít nông dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Nhìn chung, cây thanh long trên vùng đất nghèo Đồng Sơn đang dần khẳng định vị thế của mình, cũng là loại cây cây ăn trái nằm trong vùng qui hoạch của xã. Tuy nhiên, nông dân cần nắm vững qui hoạch sản xuất chung của xã, không ồ ạt chuyển sang trồng thanh long để tránh tình trạng được mùa thất giá.
Võ Thị Mỹ Hạnh