Bắc Giang: Tân Yên xây dựng vùng sản xuất ổi hàng hóa
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Cùng với các loại cây ăn quả có tiếng như vải thiều sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã đưa giống ổi lê Đài Loan vào trồng trên diện rộng. Thực tế sản xuất cho thấy, cây ổi rất phù hợp với đồng đất nơi đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cách đây chừng 3 năm, ông Trần Đình Long, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa trồng mấy trăm cây ổi lê Đài Loan trên diện tích 2 sào. Nhận thấy cây ổi dễ trồng, ít sâu bệnh lại cho quả quanh năm nên ông vừa làm, vừa mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 1 ha ổi. Nhờ chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật, vườn ổi sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất khá.
Ông Trần Đình Long (bên phải) trong vườn ổi của gia đình.
Theo ông Long, sau khi thu hoạch trái ổi ở cành nào, ông cắt tỉa cành đó luôn để cây tập trung nuôi trái khác và đâm nhánh cho ra trái mới. Vì thế, có cây ổi nhiều năm tuổi nhưng tán vẫn thông thoáng và năng suất cao. Đặc biệt, ông Long còn điều chỉnh cho ổi thu hoạch nhiều hơn vào dịp Tết Nguyên đán để tăng giá trị sản phẩm.
Đến nay, không chỉ gia đình ông Long, hàng chục gia đình trong thôn và các thôn lân cận của xã Phúc Hòa đã trồng mới gần 50 ha ổi, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Với giá ổi như hiện nay, từ 10-15 nghìn đồng/kg, bình quân 1 sào ổi mang lại cho người dân thu nhập từ 30-35 triệu đồng/sào/năm.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT), đến nay toàn tỉnh có hơn 400 ha ổi, tập trung nhiều ở các huyện: Tân Yên, Lục Ngạn, Yên Thế và Hiệp Hòa.
Để mở rộng quy mô, hiện nay ông Long và một số thành viên trong thôn đang hoàn tất thủ tục đề nghị thành lập Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ ổi Phúc Hòa. Ông Vi Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: “Địa phương luôn khuyến khích bà con liên kết với một số doanh nghiệp để cây ổi phát triển ổn định và bền vững”.
Đến nay không chỉ có Phúc Hòa mà nông dân các xã Cao Thượng và Hợp Đức đã phát triển cây trồng này, đưa diện tích ổi toàn huyện đạt hơn 200 ha. Trong đó, hơn 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích ổi trên những chân đất vàn cao khó khăn về nước tưới.
Sản xuất ổi ở Tân Yên hiện nay đã được quy hoạch thành vùng. Trên cơ sở đó, bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết trong khâu tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Được biết, nhằm khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, hướng tới sản xuất hàng hóa, những năm qua, huyện Tân Yên đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lồng ghép tập huấn về các kỹ thuật trồng cây ăn quả, giới thiệu các giống cây mới cho bà con.
Riêng với cây ổi, cùng với việc khảo sát, định hướng và lựa chọn vùng sản xuất, huyện đã hỗ trợ người dân 30 vạn cây giống, hàng chục tấn phân bón và tổ chức nhiều lớp tham quan, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tân Yên cho biết: Nằm trong chương trình phát triển các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh những loại cây chủ lực như: Vải thiều sớm, vú sữa… cây ổi đang được xem là thế mạnh của một số địa phương trong huyện.
Việc phát triển cây trồng này được lồng ghép với các chương trình dự án như: Nông thôn mới, nông thôn miền núi… Trong đó, đặc biệt khuyến khích hỗ trợ các mô hình trồng từ 10 ha trở lên theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến thời điểm này, huyện đã hoàn tất các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp thương hiệu “Ổi lê Tân Yên”.
Với lợi thế về đất đai, thời tiết thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, từ những cơ chế chính sách ưu đãi, sự quan tâm đầu tư về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu cũng như sự nỗ lực, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, cây ăn quả nói chung và cây ổi nói riêng sẽ là điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện, qua đó đóng góp tích cực vào KT-XH của địa phương.
Ngọc Hân
Sóc Trăng: Nông dân vùng dự án liên kết sản xuất
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Nhờ có Dự án VnSAT mà đã tạo sự đoàn kết thống nhất hơn đối với nông dân Sóc Trăng trong việc áp dụng quy trình canh tác lúa đã được dự án triển khai. Qua đó, toàn bộ diện tích trồng lúa của hộ dân tham gia tại cánh đồng mẫu lớn cho năng suất lúa tăng từ 5% đến 10% so với trước đây, chi phí sản xuất giảm 20% và tăng lợi nhuận 20%...
Đó là những lời chia sẻ ngắn gọn của hầu hết thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, ấp An Hưng, xã Long Đức (Long Phú) trong lúc trao đổi cùng chúng tôi về lợi ích Dự án VnSAT đem đến cho thành viên HTX và bà con nông dân trồng lúa trên địa bàn xã Long Đức. Ông Phạm Thanh Trường, ở ấp An Hưng, xã Long Đức bộc bạch: “Trước khi trở thành thành viên HTX, tôi đã tham gia tổ hợp tác (THT) nông nghiệp hơn 2 năm qua. Vào THT tôi được các ngành chuyên môn tập huấn các lớp IPM nên việc sản xuất lúa thuận lợi hơn nhiều và thay đổi tập quán làm lúa theo cách thức truyền thống. Nhờ vậy, năng suất lúa tăng lên đáng kể, kéo theo đó là thu nhập tăng cao theo từng vụ mùa, bà con nông dân có tinh thần đoàn kết cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp việc chọn các loại giống được tốt hơn qua các mùa vụ”.
Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cùng thành viên đi thăm đồng.
Cũng theo lời tâm sự của ông Trường, đặc biệt là khi có Dự án VnSAT đã triển khai các lớp tập huấn “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, đến THT và địa phương vận động liên kết các THT thành HTX thì hoạt động HTX ngày một phát triển hơn. Ông Trường cho biết thêm: “Đơn cử HTX chỉ mới thành lập 2 năm, nhưng theo đánh giá của ngành chuyên môn, HTX đạt loại khá, chứng tỏ một điều rằng tất cả thành viên đều hăng hái sản xuất bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật do Dự án VnSAT triển khai để tăng thu nhập và đưa HTX phát triển vững mạnh…”.
Tiếp lời ông Trường, ông Huỳnh Văn Giai, ở ấp An Hưng, xã Long Đức chia sẻ: “Tôi có diện tích đất 13 công, phải nói khi tham gia HTX và áp dụng kỹ thuật canh tác do Dự án VnSAT hướng dẫn, năng suất lúa tăng lên 5% - 6% so với trước khi còn làm trong THT, chi phí đầu tư giảm 500.000 đồng/công, về lượng giống gieo sạ chỉ còn 10kg/công (trước đây 25kg - 30kg/công), giảm 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng phân bón. Điều làm tôi tâm đắc nhất khi được Dự án VnSAT tập huấn đó là áp dụng cách sạ hàng cho cây lúa, mới bắt đầu ai cũng lo lắng, ngán ngại nhưng qua một vài vụ canh tác thấy rõ ràng lợi ích trước mắt của việc sạ hàng là cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh tấn công trên lúa, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng trên lúa kèm theo đó năng suất lúa cao, chất lượng lúa tốt, bán được giá hơn so với bên ngoài…”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi Trương Văn Hùng cho biết: “HTX hình thành trên cơ sở xác nhập 13 THT của các ấp trên địa bàn xã, với diện tích đất sản xuất 608ha, có 538 thành viên tham gia. Tất cả thành viên trong HTX đều phấn khởi khi trở thành thành viên HTX, bởi sẽ thuận lợi hơn trong quá trình canh tác lúa, nhất là được các dự án, chương trình của địa phương, của các cấp, các ban ngành hỗ trợ. Riêng Dự án VnSAT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong khâu sản xuất lúa đã góp phần giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Chính nhờ áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, chất lượng lúa của toàn HTX được nâng lên đáng kể, hạt gạo đạt chất lượng. Cùng với đó là HTX dùng các giống lúa chất lượng cao nên hàng năm đều có doanh nghiệp đến bao tiêu lúa đầu ra theo từng vụ và có hơn 80% diện tích lúa của HTX được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, giá mua của doanh nghiệp cao hơn giá thị trường từ 50 đồng - 100 đồng/kg. Tới đây, HTX sẽ tiếp tục quy trình sản xuất lúa do Dự án VnSAT triển khai để duy trì chất lượng lúa sau thu hoạch, được doanh nghiệp bao tiêu 100% sản phẩm lúa sau thu hoạch”.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức Lê Trường Giang cho biết: “Toàn bộ diện tích sản xuất lúa của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi đều nằm trong vùng quy hoạch cánh đồng lớn của huyện. Do vậy địa phương rất quan tâm trong việc sản xuất lúa đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, Dự án VnSAT đã góp phần lớn trong việc giúp địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ đến HTX sản xuất lúa được tốt hơn. Ngoài hỗ trợ các lớp tập huấn, Dự án VnSAT còn hỗ trợ HTX xây dựng nhà kho trong thời gian tới, có nhà kho sẽ tạo điều kiện để HTX dự trữ lúa trong các tháng mùa mưa cũng như làm dịch vụ thu mua lúa theo định hướng tới của HTX…”.
Thúy Liễu
Thanh niên khởi nghiệp làm giàu từ nuôi trùn quế
Nguồn tin: VOV
Trùn quế hay còn gọi là giun quế được nuôi thương phẩm đã giúp một thanh niên khởi nghiệp vươn lên làm giàu.
Đó là mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Công Vinh, 34 tuổi, ở ấp Lương Phú A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - người đi đầu với mô hình độc, lạ cho thu nhập cao.
Anh Nguyễn Công Vinh vốn là kỹ sư công nghệ thông tin nhưng rất say mê sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, anh rời đất Sài thành về thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An để thuê đất nuôi trùn quế thử nghiệm. Thấy mô hình này hấp dẫn, sau đó, anh quyết định về ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, thuê 3 ha đất vườn của người dân để mở trang trại nuôi trùn quế theo mô hình khép kín.
Trang trại trùn quế do anh Nguyễn Công Vinh khởi xướng.
Bên cạnh việc xây chuồng nuôi trùn quế bán con giống, con thịt, bán phân, anh còn trồng vườn dừa xiêm, dừa dứa bón phân trùn. Dưới mương, nuôi các loại cá: diêu hồng, cá bống tượng để tận dụng trùn quế làm thức ăn… Ở thời điểm này, đầu ra từ con trùn quế và phân trùn rất hút hàng.
Đối với con trùn quế (loại thịt) anh cung ứng cho các cơ sở nuôi thủy sản, gia cầm hay chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, chế biến dược liệu; trùn quế giống bán cho các hộ nuôi. Riêng phân trùn quế rất hữu ích để nhà nông bón cho cây trồng theo tiêu chuẩn GAP.
Sau 40 ngày thả giống, con trùn quế sẽ cho thu hoạch với giá trùn thịt là 50.000 đồng/kg, trùng giống 15.000 đồng/kg và phân trùn giá từ 3-4,5 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, phân trùn quế đầu ra rất dễ dàng, nhất là phục vụ cho các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL. Thành công nối tiếp thành công, cuối năm 2017, anh Nguyễn Công Vinh và các cộng sự đã thành lập Công ty cổ phần trang trại sạch, chuyên sản xuất kinh doanh trùn quế và các sản phẩm từ trùn quế. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người thanh niên này đã điều hành đưa doanh nghiệp càng phát triển.
Trùn quế (loại thịt) hiện rất hút hàng.
Hiện tại, Công ty cổ phần trang trại sạch có đến 14 ha nuôi trùn quế khép kín ở các tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh; đồng thời đang đầu tư nhân rộng ở tỉnh Bến Tre, Cà Mau. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này, sản xuất 5 tấn trùn thịt, 50 tấn trùn giống và hơn 500 tấn phân trùn quế. Từ mô hình nuôi trùn quế kết hợp trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, mỗi tháng Công ty cổ phần trang trại sạch do anh Nguyễn Công Vinh điều hành, cho lãi trên 500 triệu đồng. Năm 2018, nguồn lợi nhuận của công ty đạt trên 6 tỷ đồng.
Ngoài việc nuôi 3 trang trại trùn quế, công ty còn hợp đồng, bao tiêu sản phẩm trùn quế và phân trùn quế với hơn 300 hộ dân vùng ĐBSCL. Đề cập đến mô hình chăn nuôi trùn quế.
“Con trùn quế này là móc xích rất quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp sạch, mình đã tìm hiểu và thấy được tầm quan trọng đó nên đầu tư nuôi trùn quế. Sản phẩm trùn quế không bỏ gì hết phục vụ nền nông nghiệp sạch. Con trùn quế để nuôi thành công rất dễ chỉ cần nắm được những kỹ thuật cơ bản và mình chịu khó làm cho đúng kỹ thuật là mình sẽ nuôi được chắt chắn. Nông dân ai cũng nuôi được hết” - anh Nguyễn Công Vinh chia sẻ.
Ông Võ Văn Hùng, một nông dân ở thành phố Tân An, tỉnh Long An đã đến tham quan trang trại nuôi trùn quế khép kín của doanh nghiệp anh Nguyễn Công Vinh, tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang rất tâm đắc và khen ngợi mô hình độc đáo.
“Tôi rất hài lòng với mô hình này. Tôi thấy mô hình này rất sạch, kỹ thuật nuôi tiêu chuẩn. Mô hình này có thể nhân rộng, phát triển tốt. Tới đây, tôi có thể học theo mô hình này” - ông Võ Văn Hùng nói.
Hiện tại, hoạt động sản xuất trùn quế của Công ty cổ phần trang trại sạch rất sôi động. Các khâu nuôi trùn, sản xuất phân trùn quế đều “liên hoàn” giảm thiểu công lao động. Riêng anh Nguyễn Công Vinh thì rất bận rộn với công việc điều hành hoạt động của doanh nghiệp cũng như tư vấn, hướng dẫn cho các nông dân nuôi trùn quế.
Ngoài việc cung cấp sản phẩm trùn quế, phân trùn quế cho ngành nông nghiệp, mô hình chăn nuôi này còn tiêu thụ rất lớn lượng phân gia súc để làm thức ăn cho trùn quế nên góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Anh Nguyễn Công Vinh cho biết, hướng tới sẽ nhân rộng mô hình để phục vụ xuất khẩu: “Tới đây, tôi sẽ nhân rộng mô hình cho bà con và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Khi đủ sản lượng sẽ xuất khẩu sang nước ngoài. Đầu tiên mình sẽ xuất sang Campuchia, Lào và kế đến xuất sang Hàn quốc.”
Mô hình nuôi trùn quế thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế- xã hội rất cao. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ đã phát triển trở thành một doanh nghiệp có quy mô lớn ở vùng ĐBSCL và đang được nông dân trong vùng nhân rộng. Với ý chí quyết tâm và tinh thần ham mê lao động sản xuất, anh Nguyễn Công Vinh đã thể hiện được sức trẻ của mình trên con đường khởi nghiệp - làm giàu./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Cá heo trôi vào bờ biển Cửa Đại
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Sáng 5-11 người dân trong lúc thả lưới ven bờ đã phát hiện một con cá heo dài hơn 1 mét, nặng khoảng 2 tạ trong tình trạng đuối sức bị mắc cạn gần trạm hải đăng Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cách hướng đông khoảng 100m.
Đồn Biên phòng Cửa Đại đã phối hợp với ngư dân địa phương tiến hành cứu hộ, dìu cá trở lại biển
Nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa Đại đã phối hợp với ngư dân địa phương tiến hành cứu hộ, dìu cá đưa trở lại biển.
Lúc này nước biển rất đục, sóng lớn nên việc cứu hộ rất khó khăn, đến khoảng 8 giờ thì cá heo được đưa ra biển thành công, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện quay trở lại.
Theo nhận định ban đầu, có thể cá bị dính vào lưới của ngư dân nên bị yếu và bị sóng đánh dạt vào bờ.
Từ đầu năm đến nay cá heo đã 3 lần bơi vào bờ biển Cửa Đại, tuy nhiên đây là lần đầu tiên cá heo bị mắc cạn không thể trở ra biển được.
NGỌC PHÚC
Hiếu Giang tổng hợp