Điều được giá lại mất mùa
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Ia Grai là một trong những huyện có diện tích điều lớn của tỉnh Gia Lai, với 5.256 ha. Hiện nay, nông dân trong huyện đang tất bật bước vào mùa thu hoạch điều, thế nhưng điệp khúc "mất mùa, được giá" lại khiến nhiều nông dân phải thở dài, tiếc nuối.
Nông dân thu hoạch điều trong tâm trạng tiếc nuối. Ảnh: Ngọc Thu
Hiện nay, giá hạt điều tươi được các thương lái mua ở mức 29.000 - 31.000 đồng/kg. Giá điều tăng cao so với mọi năm nên nhiều hộ nông dân bị mất mùa điều tỏ ra rất tiếc nuối. Thương lái Lê Thị Nguyệt (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết: “Năm ngoái, giá hạt điều tươi ở mức 24.000 - 26.000 ngàn đồng/kg thì tôi đi thu mua điều được rất nhiều, người trong rẫy cứ chở từng bao điều 100 kg ra chỗ tôi bán nườm nượp. Năm nay, giá điều lên cao, tôi thu mua với giá 30,6 ngàn đồng/kg điều tươi thì cả ngày ngóng mãi mới thấy nông dân chở được mấy bao điều đến bán”.
Gia đình chị Lại Thị Tuyết (thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) trồng được 2 ha điều. Năm ngoái, gia đình chị thu hoạch được trên 2 tấn hạt điều. Năm nay, gia đình chị bị mất mùa điều, sản lượng sụt giảm trên 30%. Chị Tuyết buồn bã nói: “Do thời tiết biến động, nhất là trong lúc điều đang ra hoa gặp trúng đợt gió lạnh nên vườn điều nhà tôi không kết trái được nhiều. Năm trước, vườn nhà tôi cho sản lượng cao thì giá hạt điều lại thấp, năm nay mất mùa thì giá lại cao. Chỉ hy vọng mùa điều sau đừng mất mùa và giá hạt điều đừng lên xuống thất thường cho nông dân bớt khổ”.
Cảnh mua bán cũng kém sôi động hơn mọi năm. Ảnh: Ngọc Thu
Gia đình chị Bùi Thị Hường (thôn 1, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) có 2 ha điều nhưng năm nay chỉ thu được khoảng 1 tấn hạt. Chị Hường chia sẻ: “Vụ thu hoạch năm ngoái, gia đình tôi còn thuê thêm người để hái, năm nay mất mùa nên mình tự thu hoạch. Thấy giá hạt điều lên cao mà không có để bán, tôi thấy tiếc quá”.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết, ước tính năng suất điều của huyện năm nay giảm 20%. Do ảnh hưởng của đợt gió lạnh Tết Âm lịch vừa qua cộng thêm một số vùng có mưa nhỏ khiến vườn điều cho trái không đồng đều. Thời tiết thay đổi là nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa điều năm nay.
Cũng theo ông Hưng, để đảm bảo chất lượng hạt điều, nông dân cần lựa chọn giống cây trồng đảm bảo, trồng đúng quy cách, kỹ thuật đã được tập huấn. Ngay từ đầu vụ, nông dân cần tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh và khi thu hái trái phải đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng hạt điều.
Ngọc Thu
Lúa được bao tiêu lời từ 2,5 - 3 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Theo ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, vụ Đông xuân 2015 - 2016, Công ty Xuất khẩu Lương thực - Thực phẩm miền Tây, DNTN Công Bình đã thực hiện ký kết bao tiêu hơn 370ha lúa và nếp chùm tại xã Vị Thanh và xã Vị Thắng cho nông dân. Trong đó, Công ty Xuất khẩu Lương thực - Thực phẩm miền Tây bao tiêu giống OM 5451 cho 192ha lúa thuộc HTX Vị Thanh và HTX Vị Thanh 2 với giá 4.700 đồng/kg, cao hơn thị trường 100 đồng. Còn lại Công ty Công Bình bao tiêu lúa giống RVT giá 6.100 đồng/kg, nếp chùm 5.700 đồng/kg. Ngoài ra, công ty hỗ trợ cho mượn giống và tiền mua phân thuốc sản xuất. Theo nông dân thì năng suất tuy có giảm nhưng vẫn đạt từ 9 - 10 tấn/ha, từ bằng tới cao hơn các diện tích bên ngoài. Hiệu quả rõ nhất là trong vụ lúa Đông xuân nông dân có lợi nhuận từ 2,5 - 3 triệu đồng/công, cao hơn từ 1 - 1,5 triệu đồng/công so với diện tích không được bao tiêu.
THU HIỀN
Cà phê "vang bóng một thời" bị chặt bỏ làm củi
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Cà phê đã từng là cây chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế trên đất Nghĩa Đàn (Nghệ An) trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây loại cây này đã mất dần chỗ đứng, diện tích sụt giảm mạnh theo từng năm. Hiện tại, cây cà phê Phủ Quỳ dường như chỉ còn là loài cây “vang bóng một thời”…
Năm 2008 huyện Nghĩa Đàn vẫn còn 535 ha diện tích trồng cà phê. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 181 ha nằm rải rác trên các sườn đồi hoặc trồng xen cao su.
Người dân tiến hành chặt bỏ cà phê tại xóm Phú Hòa (xã Nghĩa Phú). Diện tích tiếp tục bị phá bỏ trong thời gian tới. Được biết, giai đoạn từ 2001 - 2005, nhờ được đầu tư vốn vay AFD của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã có dự án trồng cà phê tại một số diện tích đồi của huyện Nghĩa Đàn nhưng sau đó dự án này thất bại hoàn toàn.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là bởi sâu bệnh (đặc biệt là sâu đục thân) phát triển mạnh khiến cây cà phê lao dốc nhanh về năng suất và chất lượng. Nhiều diện tích thậm chí mất trắng.
Trên địa hình đồi núi, cây cà phê thiếu nước tưới, nhất là vào thời điểm ra hoa, kết trái khiến không thể đậu quả, nếu có cũng chỉ lèo tèo, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình thâm canh chưa được chú trọng khiến cây phát triển không đúng chu kỳ sinh trưởng. Thời điểm này một số cây đã ra hoa – sớm hơn 1 tháng so với thông thường.
Vì không mang lại hiệu quả kinh tế, nên nhiều hộ dân chặt bỏ cây cà phê. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Đức Toản, xóm Phú Hòa, xã Nghĩa Phú đã chặt bỏ hoàn toàn 1 ha cà phê.
Số sản phẩm thu được từ vụ thu hoạch vừa qua của gia đình ông Toản được đóng gói sơ sài và cũng không hy vọng sẽ tiêu thụ được.
Cà phê không có người mua nên mốc meo
Người dân cho biết, trước đây cà phê được Công ty TNHH Một thành viên cà phê, cao su Nghệ An (đóng tại Thị xã Thái Hòa) thu mua nhưng vài năm trở lại đây công ty này không thu mua nữa. Do không tìm thấy đầu ra người dân buộc phải phá bỏ diện tích cà phê và tìm cây trồng khác thay thế. Trong ảnh là số cà phê của ông Nguyễn Đức Toản chất đống do không bán được.
Hiện tại, đa phần diện tích phá bỏ được người dân chuyển đổi sang cây trồng có múi. Tại Nghĩa Phú – địa phương có nhiều diện tích trồng cà phê nhất Nghĩa Đàn đã chuyển đổi hơn 30 ha cà phê sang trồng cam, chanh và quýt. Diện tích cà phê giảm còn 47 ha.
Đ.Cường – T.Quỳnh
Gia Lai: Mì mất mùa, mất giá
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Thời tiết khô hạn đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nhiều cây trồng trên địa bàn tỉnh, làm cho năng suất các loại cây trồng giảm mạnh, đặc biệt là cây mì. Cùng với đó, giá mì hiện đang ở mức rất thấp khiến không ít các hộ dân lâm vào cảnh thua lỗ và nợ nần.
Sau khi xuống giống, gần 1 ha mì của gia đình anh Nay Kni (ở buôn Bát, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai) bị chết do thiếu nước. Anh Kni đành phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền của thương lái để đầu tư trồng lại. Thế nhưng, trời không chiều lòng người, tình trạng nắng hạn kéo dài, mùa mưa năm 2015 đến muộn và lượng mưa tương đối thấp, có những thời điểm không có mưa nên cây mì phát triển chậm và cho củ nhỏ. “Gia đình tôi vay 10 triệu đồng để đầu tư mua giống, cày đất, mua phân bón… chưa kể công chăm sóc. Tuy vậy chỉ thu được 3 tấn mì khô, với giá bán hiện tại chỉ được 2,4 ngàn đồng/kg (giảm khoảng 1 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước), thu về được khoảng 7 triệu đồng thôi, không đủ để trả nợ”-anh Kni than thở. Không đủ tiền trả nợ, anh Kni còn gánh thêm khoản tiền lãi mỗi tháng thêm 400 ngàn đồng (tính từ tháng 5-2015 đến nay), cuộc sống của gia đình 5 miệng ăn vốn đã khó khăn nay càng khốn khó.
Tương tự, 1,7 ha mì của hộ gia đình anh Vũ Văn Quynh (ở thôn Tân Lập, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cũng giảm năng suất so với vụ trước. Anh Quynh cho biết: “Với diện tích này, vụ trước gia đình tôi thu được hơn 17 tấn khô thì vụ này thu chưa được 10 tấn khô, giảm trên 40%. Trong khi đó, giá mì mà các đại lý trên địa bàn huyện Krông Pa thu mua chỉ là 2,4 ngàn đồng/kg khô, cộng với giá thuê nhân công khá cao (140 ngàn đến 150 ngàn đồng/ngày), sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ mà thôi”.
Tình cảnh của các hộ gia đình anh Kni, anh Quynh cũng là tình cảnh chung của người trồng mì trên địa bàn các huyện như Ia Pa, Chư Prông, Phú Thiện... Vụ mì này cũng không đem lại niềm vui trọn vẹn cho hộ gia đình ông Nông Văn Lân (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ông Lân buồn bã cho biết: “Mấy năm nay, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, nhân công tăng nhưng giá mì liên tục giảm. Nếu hai năm trước, giá mì khô dao động từ 4 ngàn đến 5 ngàn đồng/kg thì 2 năm nay luôn ở mức dưới 3 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ còn 2,4 ngàn đồng/kg. Hộ nào càng làm nhiều càng lỗ nhiều, hộ nào làm ít lỗ ít, hộ nào may mắn thì không bị lỗ nhưng lãi cũng chẳng được bao nhiêu”.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết, trong năm 2015, diễn biến thời tiết trên địa bàn huyện Krông Pa bất lợi, mùa mưa đến muộn với lượng mưa khá thấp (chỉ đạt chưa tới 900mm, thấp hơn so với mức trung bình 400mm) và lượng mưa phân bố không đều, làm cho nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng. Trong đó, khoảng 12 ngàn ha mì của huyện bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện nay, người dân trên địa bàn đã thu hoạch được khoảng 65% diện tích, năng suất bình quân đạt khoảng 17 tấn tươi/ha (khoảng gần 7 tấn khô/ha), giảm từ 20% đến 30% so với vụ trước.
Ngoài ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, việc nông dân tự chọn lọc giống kém chất lượng cùng kỹ thuật canh tác còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến mì giảm năng suất. Đồng quan điểm, ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cũng nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mì mất mùa là do tình hình nắng hạn trong năm qua đã làm cho cây mì không phát triển hoặc chậm phát triển dẫn đến năng suất giảm so với năm trước…
Quang Tấn - Hồng Thương
Đơn Dương (Lâm Đồng): Bắp sú tăng giá cao nhất từ trước đến nay
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, do thị trường các tỉnh miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh và kể cả các tỉnh miền Đông Nam bộ đã và đang tiêu thụ mạnh các loại nông sản, vì vậy giá cả một số mặt hàng rau thương phẩm ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) tăng cao, đặc biệt là bắp sú, cải thảo, cải dưa, cà chua và hành tây.
Hiện nay, thương lái mua bắp sú tại vườn có giá từ 10 ngàn đồng đến 12 ngàn đồng/cây, cải thảo giá 6 ngàn đồng/cây, hành tây 11 ngàn đồng/kg, cà chua 10 ngàn đồng/cây, giá tăng gấp 2 lần so với các tháng trước tết. Riêng bắp sú có giá cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều hộ nông dân ở thị trấn Thạnh Mỹ và xã Lạc Lâm bán 1 vụ bắp sú lên đến 350 triệu đồng. Ngoài ra còn có hàng trăm hộ nông dân bán 1 vụ hành tây, bắp sú và cà chua lên đến hàng trăm triệu đồng.
NGỌC THANH
Ông Võ Văn Nam: Làm giàu nhờ cây vú sữa
Nguồn tin: Tiền Giang
Ông Võ Văn Nam, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được nhiều người biết đến bởi sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn, mang lại cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Nam bên cây vú sữa sai trái.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, lão nông gần 70 tuổi - Võ Văn Nam kể, trước đây, gia đình chủ yếu trồng một số loại cây có múi như cam, bưởi, quýt... tuy nhiên, sau thời gian canh tác, thành quả mà gia đình ông đạt được không nhiều, năm nào nếu được mùa lại rớt giá, kinh tế gia đình rơi vào khó khăn. Khi đó, phong trào trồng vú sữa bắt đầu xuất hiện tại địa phương, ông bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật canh tác, thị trường tiêu thụ và chuyên tâm đầu tư vào loại cây ăn trái mới này.
Vừa nói chuyện, ông vừa chỉ sang vườn vú sữa bạt ngàn đang cho trái xum xuê, trĩu cành và nói: "Nhờ nó mà tôi nuôi các con khôn lớn nên người, cất được nhà, sắm được chiếc xe máy, mua được cái tivi...".
Ông Nam cho biết: "Vú sữa là loại cây dễ trồng, thích nghi với vùng đất cao, nơi có mực nước phù sa lên xuống, nhưng người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ lúc chọn giống, lên liếp cho tới lúc bón phân, hái trái. Vú sữa sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái và từ ngày vú sữa ra hoa cho đến khi chín mất khoảng 8 - 9 tháng, 1 năm chỉ cho 1 vụ trái, nhưng kéo dài đến vài tháng. Nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất năm sau sẽ cao gấp đôi năm trước".
Năm nay, vú sữa loại 1 được gia đình ông Nam bán cho thương lái giá 16.000 - 18.000 đồng/kg, 2 ngày hái 1 lần, mỗi lần từ 200 - 300kg. Nếu vú sữa Lò Rèn đầu mùa, giá không dưới 30.000 đồng/kg. Vú sữa càng lâu năm, tàng càng lớn, trái càng nhiều.
Gắn bó với cây vú sữa đã hơn 20 năm, ông Nam đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh để bảo vệ vườn vú sữa. Ông chia sẻ: "Trước khi trồng cây giống, cần xử lý đất bằng vôi bột trong nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Khi bón phân đạm, lân, kali, nên tưới liên tục trong giai đoạn đầu để phân thấm đều vào gốc cây, hạn chế thất thoát. Sau mỗi vụ thu hoạch cần cắt tỉa bớt nhánh, xử lý đúng kỹ thuật, giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng, để mùa sau trái sai, to và có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, chú ý phun thuốc để ngừa ruồi và sâu đục trái, đây là 2 loại sâu gây hại nặng đối với trái vú sữa".
Ngoài ra, ông Nam còn tận dụng đất trống trồng xen canh thêm bưởi da xanh ruột hồng. Hiện tại, bưởi đang cho thu hoạch, chỉ tính riêng đợt Tết Nguyên đán 2016, ông thu hơn 40 triệu đồng từ bưởi. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, vườn bưởi và vú sữa mang về cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nam còn là một hội viên nông dân tích cực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng vú sữa cho bà con, hỗ trợ cây giống vú sữa, bưởi với giá rẻ, cho bà con có hoàn cảnh khó khăn mượn tiền không tính lãi. Ông luôn là người xung phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), vận động bà con hiến đất làm cầu, đường, tạo sự khang trang, đổi mới trong xóm làng.
Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, các con khôn lớn nên người là thành quả của bao năm miệt mài lao động của ông Võ Văn Nam. Nhiều năm liền, ông được công nhận là "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp huyện, tỉnh.
Ông Triệu Văn Tiết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Kim nhận xét: "Anh Nam là một nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả và có những hướng đi đúng đắn. Từ đó, giúp nhiều hộ nông dân khác chuyển đổi, đầu tư vào những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình vú sữa xen canh bưởi da xanh của anh được Hội Nông dân xã chọn làm mô hình điểm để nông dân các xã bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm hàng năm. Ngoài ra, anh luôn tiên phong trong phong trào xây dựng NTM, phát huy tính "dân vận khéo" trong công tác vận động. Nhiều tuyến đường, cây cầu được xây dựng nên cũng nhờ sự vận động của anh Nam".
Minh Toàn
Huyện Mang Yang (Gia Lai): Ồ ạt chặt cà phê trồng chanh dây
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Một vài năm trở lại đây, khi giá cả chanh dây tăng vọt, người dân huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai ồ ạt phá cây cà phê để trồng chanh dây. Việc chặt cây công nghiệp lâu năm để chạy theo giá cả thị trường đang phá vỡ cơ cấu cây trồng huyện Mang Yang và tiềm ẩn những rủi ro.
Trong thời gian qua, bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân vẫn phá bỏ nhiều diện tích cà phê và một số loại cây khác để trồng cây chanh dây. Thấy nhiều hộ dân trong xã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ cây chanh dây, trong khi giá cà phê ngày càng xuống thấp (hiện tại khoảng 30.000 đồng/kg hạt nhân), gia đình ông Nguyễn Văn Thức (thôn DGơr, xã Đak Djrăng) đã quyết đinh chặt 300 gốc cà phê để chuyển sang trồng chanh dây. Năm ngoái giá cà phê xuống thấp, thêm nữa lại hạn hán mất mùa khiến hơn 1.500 gốc cà phê của gia đình ông Thức chỉ thu được 4 tấn nhân, trừ chi phí đầu tư, tính ra không có lãi. Ông cho biết: “Cà phê phải 1 năm mới thu được một lần trong khi 1 kg cà phê tươi chỉ có 7 ngàn đồng. Còn chanh dây thì khác, chỉ 6 tháng là được thu mà 1 kg chanh tươi bán được những 20 ngàn đồng, quá lời so với cà phê. Bởi vậy năm nay tôi quyết định chặt bớt cà phê để chồng chanh dây. Cà phê rớt giá mãi muốn người nông dân chung thủy với nó cũng khó”.
Gia đình ông Nguyễn Thiệp (thôn Tân Phú, xã Đak Djrăng) có vườn cà phê đang cho thu hoạch. Vừa qua, ông Thiệp quyết định thuê người đào bỏ vườn cây này để lấy đất trồng 300 gốc chanh dây. Nói về việc phá cà phê trồng chanh dây, ông Thiệp lý giải: “Gia đình tôi bắt đầu trồng cà phê từ năm 1995, đến nay cây cà phê cũng già cỗi lại thêm khí hậu khiến cây trồng không còn năng suất, hơn nữa giá cả lại giảm nên gia đình tôi quyết định chặt cà phê để lấy đất trồng chanh dây”.
Ông Nguyễn Bá Tấn-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng nhận định: “Đây là tình trạng bất thường. Chúng tôi không khuyến khích bà con trồng chanh dây, bởi lo ngại chưa biết giá chanh dây rớt chừng nào, đến lúc đó chỉ có người nông dân chịu khổ. Chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con trong nhiều cuộc họp nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này xảy ra”.
Bà Sen, một thương lái chuyên thu mua quả chanh dây trên địa bàn huyện Mang Yang cho biết, trung bình một ngày gia đình bà mua 2 - 3 tấn. Sau đó mang về sơ chế, bỏ vào thùng đóng gói rồi xuất bán sang Trung Quốc. “Giá chanh dây cũng lên xuống thất thường lắm. Có lúc giá xuống chỉ 8.000 đồng/kg nhưng hiện nay là trên 20.000 đồng/kg. Nếu người ta không mua nữa thì tôi cũng dừng thu mua, còn bà con khi đó không có chỗ bán thì quay lại trồng cây cà phê hay chuyển qua trồng cây khác”-bà Sen cho biết thêm cây chanh dây có lợi cho sức khỏe nên được dùng làm nước giải khát làm gia vị.
Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho biết, cây chanh dây xuất hiện và được trồng trên địa bàn mới 3 năm nay. Chỉ tính riêng từ năm 2016, diện tích trồng chanh dây đã tăng thêm 50 ha, nâng tổng diện tích chanh dây lên 180 ha và đang có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo ông Cơ, nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi trồng chanh dây là vì đây là cây “siêu lợi nhuận” khi đầu tư 100 triệu đồng/ha, thu hoạch bình quân cũng được khoảng 1,5 tỷ đồng. Một nguyên nhân khác người dân ít mặn mà với việc tái canh cây cà phê là vì hạn hán và giá đang giảm mạnh.
Nguyễn Nhật
Xây dựng thương hiệu thanh long Bình Thuận
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Ông Bùi Đăng Hưng (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận) kể rằng: có lần ông đưa thanh long Bình Thuận sang Canada chào bán, nhưng khách hàng từ chối mua, nói là đã có đối tác ở Trung Quốc cung cấp thanh long rồi. Hỏi đối tác nào, thì ra đó là 1 doanh nghiệp Trung Quốc vẫn mua thanh long Bình Thuận về, dán tem nhãn của họ vào xuất khẩu sang Canada…
Câu chuyện trên cho thấy thanh long Bình Thuận chưa có thương hiệu rõ ràng trên thị trường, nên còn bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí từng rất trăn trở khi ông đến siêu thị ở nhiều nước thấy thanh long bày bán, nhưng không ai biết thanh long đó xuất xứ từ Bình Thuận (Việt Nam).
Còn ở trong nước, người tiêu dùng không phân biệt được thanh long Bình Thuận với thanh long các tỉnh khác. Cán bộ làm thủ tục xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Tam Thanh – Pò Chài cho biết: tất cả xe container chở thanh long xuất khẩu qua đây từ trước đến nay đều kê khai nguồn gốc là thanh long Bình Thuận. Trong khi nguồn thanh long qua cửa khẩu này gồm các tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai…
Chính vì lẽ đó, Đề án dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long ra đời, chủ nhiệm đề án là ông Bùi Đăng Hưng (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội thanh long), đơn vị chủ trì thực hiện là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, kinh phí còn lại do các doanh nghiệp đóng góp.
Ban đầu, đề án tưởng chừng đơn giản, chỉ cần in tem và dán tem lên quả thanh long là xong. Nhưng khi triển khai thực hiện mới thấy khó, đầu tiên là doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên từ chối tham gia vì ngại tốn tiền, tốn công (in tem, dán tem).
Khi doanh nghiệp đã “thông” thì đến lượt khách hàng, đối tác nhập thanh long không đồng ý dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”, mà họ muốn dùng tem nhãn của họ như trước đây. Doanh nghiệp nếu không thuyết phục được khách hàng thì đành chịu, vì khách hàng là thượng đế.
Hiệp hội thanh long Bình Thuận sau hơn 2 năm tích cực thực thi đề án, đã vận động được 6 doanh nghiệp tham gia, gồm: DNTN Rau quả Bình Thuận, Công ty TNHH thương mại Hưng Loan, Công ty TNHH Phương Giang, HTX thanh long Phú Hội, HTX thanh long Hàm Thạnh, trang trại Kim Hải. Tổng cộng 40 triệu com tem đã in, cấp cho doanh nghiệp dán lên quả thanh long khi đưa ra thị trường.
Quả thanh long dán tem “Bình Thuận” đã có mặt trong các siêu thị Lotte Mart, Big C, Co.opmart, Citimart, các chợ đầu mối ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và ở nước ngoài như: Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Đu Bai, Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Malaisia, Nhật Bản…
Người bán lẻ và người tiêu dùng bắt đầu nhận biết được dấu hiệu thanh long Bình Thuận qua con tem. Người tiêu dùng ở Hà Nội và siêu thị đã lựa chọn thanh long có dán tem “Bình Thuận” để mua. Đối với một số thị trường xuất khẩu như: Singapore, Malaisia, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản người tiêu dùng chỉ lựa chọn thanh long “dán tem” Bình Thuận. Xin nói thêm là để được dán tem chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” phải là thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hoặc GlobalGap.
Nay thì đề án đã kết thúc và được nghiệm thu. Nhiều người băn khoan là “hậu” đề án sẽ như thế nào? Khi nhà nước không còn hỗ trợ kinh phí, doanh nghiệp có còn dán tem thanh long hay là bỏ luôn? Đáng mừng là khi được hỏi điều ấy, 5/6 doanh nghiệp đã tham gia đề án cho biết: Dù nhà nước không hỗ trợ kinh phí thì doanh nghiệp vẫn tự in tem, dán tem khi đưa thanh long ra thị trường, vì đó là vấn đề sống còn của họ. Điều đó có nghĩa họ đã nhận thức được lợi ích của việc sử dụng chỉ dẫn địa lý nên tự giác thực hiện.
Hy vong việc dán tem “Bình Thuận” trên quả thanh long sẽ lan rộng ra nhiều doanh nghiệp nữa, bởi việc xây dựng 1 thương hiệu rất lâu dài, bền bỉ, nhưng khi đã thành công rồi thì giá trị vô cùng lớn.
Đặng Dũng
Xã Ba Cụm Nam (Khánh Sơn, Khánh Hòa): Trồng thành công giống bưởi da xanh
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Qua một thời gian trồng thí điểm giống bưởi da xanh, đến nay, một số hộ ở xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã có thu nhập từ loại cây trồng này.
Theo các hộ, sau 3 đến 4 năm xuống giống và chăm sóc, mỗi cây cho sản lượng thu hoạch 50 đến 70kg. Hiện tại, thương lái thu mua trái bưởi ngay tại vườn với giá khoảng 25.000 đồng/kg, mỗi cây bưởi có thể mang lại cho nông dân nguồn thu từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Do mới trồng với số lượng ít, nhỏ lẻ tại một số hộ nên hiện nay, sản lượng bưởi da xanh không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Được biết, thực hiện chính sách hỗ trợ nhân dân sản xuất theo chương trình nông thôn mới, năm 2015, xã Ba Cụm Nam đã hỗ trợ nông dân cây giống để mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh.
Đinh Luận
Giá cam nghịch vụ tăng mạnh
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Cam xoàn và cam mật nghịch vụ hiện đang tăng mạnh và đứng ở mức cao, trong đó cam xoàn loại I được thương lái mua tại vườn với giá dao động 40.000 - 45.000 đồng/kg...
Thu hoạch cam nghịch vụ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Nguyên Hãn
Nhiều nhà vườn tại Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết giá cam xoàn và cam mật nghịch vụ hiện đang tăng mạnh và đứng ở mức cao, trong đó cam xoàn loại I được thương lái mua tại vườn với giá dao động 40.000 - 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước, loại cam mật có giá 20.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg.
Theo các nhà vườn, cam mùa nghịch là kết quả ứng dụng kỹ thuật rải vụ, với mục đích giảm áp lực thu hoạch chính vụ có thể dội chợ, giảm giá...
Theo Phòng NN&PTNT Lai Vung, ngoài cây quýt hồng đặc sản, cam xoàn và cam mật cũng được địa phương chọn là cây trồng tiềm năng. Hiện toàn huyện có khoảng 900ha, tăng gần gấp 5 lần so với năm 2010.
T.NHƠN - NG.HÃN