Hợp tác xã Trường Gia Phát tiêu thụ 50 tấn hồng Đà Lạt
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Thống kê trong 3 tháng trở lại đây, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Gia Phát (xã Trạm Hành, Đà Lạt) tiêu thụ khoảng 40 tấn trái hồng tươi của 40 nông hộ thành viên trên địa bàn và dự kiến đạt 50 tấn vào cuối năm.
Khách tham quan thưởng thức hồng sấy dẻo của HTX Trường Gia Phát
Hiện HTX Nông nghiệp Trường Gia Phát chế biến các dòng sản phẩm hồng sấy dẻo bằng 2 lò sấy điện và 2 phòng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản. Công suất mỗi lò sấy điện đạt 50 kg hồng dẻo thành phẩm/2 ngày - đêm. Và 2 phòng sấy gió với tổng diện tích 300 m2, đạt công suất khoảng 1.000 kg hồng dẻo thành phẩm/25 ngày. Được biết, thị trường tiêu thụ hồng sấy dẻo của HTX Trường Gia Phát gồm cả bán sỉ và bán lẻ trong nước, giá từ 180-350.000 đồng/kg.
MẠC KHẢI
Mùa cam ‘ngọt’
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Dù tuổi không còn trẻ, nhưng vợ chồng ông Bế Văn Mai (60 tuổi, tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn đầy nhiệt huyết, luôn trăn trở để phát triển kinh tế. Ông Mai đã vượt lên nhiều khó khăn để tìm được giống cây phù hợp cho mùa quả ngọt trên vùng đất gò đồi khô cằn với khí hậu khắc nghiệt.
Trước đây, ông Bế Văn Mai từng “thủy chung” với cây cao su và sự thực, cây “vàng trắng” ấy đã mang lại ấm no cho gia đình ông và nhiều gia đình khác trên vùng đất đồi phía Tây huyện Bố Trạch. Cho đến năm 2013, cơn bão đến và mang đi niềm hy vọng của đa số bà con nơi đây.
Trăn trở, xót xa trước cảnh hơn 17 ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch của gia đình bị gãy đổ trong chốc lát, ông Mai nghĩ, đã đến lúc cần một sự thay đổi.
Ông Bế Văn Mai vui mừng bởi “đất đã không phụ công người”, cho mùa cam ngọt.
Dáng người nhỏ nhắn, ông Mai thoăn thoắt dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cam trĩu quả, say sưa kể: “Năm 2014, tôi “cơm đùm, gạo bới” miệt mài, lặn lội đi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam để tìm hiểu, học hỏi và kiếm loại cây trồng mới phù hợp nhằm thay thế dần diện tích cây cao su. Sau thời gian nắm bắt, tích lũy được kinh nghiệm, sàng lọc về các ưu điểm, nhược điểm của từng loại cây trồng, đem so sánh với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, tôi quyết định lựa chọn giống cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để gieo với nhiều hy vọng. Bắt đầu với số vốn trên 3,5 tỷ đồng vay mượn từ bạn bè, người thân, tôi đã đầu tư hết vào cây cam”.
Với 7 ha đất trồng cao su bị gãy đổ trước đó, hiện nay, gia đình ông Mai đang trồng hơn 3.000 gốc cam các loại, như: cam V2, lòng vàng và cam đường canh. Quy trình kỹ thuật trồng được áp dụng theo hướng VietGAP, bảo đảm cung cấp nguồn cam sạch ra thị trường. Việc phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, để chủ động nguồn nước tưới, ông Mai cũng đào hơn 1ha ao hồ dự trữ nước, đồng thời, đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Đây là loại cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật gieo trồng và quy trình nghiêm ngặt, nên bước đầu tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn. Được chuyên gia ở các tỉnh bạn tư vấn phương pháp chăm sóc, tôi tuân thủ sử dụng các loại thuốc sinh học, phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Đến nay, đất đã không phụ công người, đưa lại hiệu quả như mong đợi với những mùa cam ngọt, được chứng nhận thương hiệu cam an toàn VietGAP”, ông Mai chia sẻ.
Để chủ động nguồn nước tưới vào những ngày nắng nóng, ông Mai đào hơn 1ha ao hồ dự trữ nước.
Để phục vụ tốt cho thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, ông Mai áp dụng phương pháp trồng theo kiểu cuốn chiếu, gối vụ để có cam sạch xuất bán quanh năm. Theo tính toán của ông Mai, nếu thuận lợi, mỗi ha cam trồng sẽ cho thu hoạch từ 30-50 tấn cam quả, mang lại nguồn thu từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
“Nhiều người tiêu dùng và thương lái biết tiếng cam sạch của tôi, nên đến thu mua tận nơi. Chỉ tính riêng từ vụ cam đầu năm 2019 đến nay, vợ chồng tôi đã xuất bán một lượng cam quả ra thị trường trong và ngoài huyện với hơn 30 tấn. Hiện đang vào mùa cam chín, dự kiến thu hoạch khoảng 12 tấn và cuối năm nay sẽ có 15 tấn cam để phục vụ người tiêu dùng đón Tết cổ truyền!”, bà Nguyễn Thị Thành (vợ ông Mai) cho biết thêm.
Đã qua nhiều mùa mưa nắng, những đêm trăn trở lo lắng không ngủ vẫn còn hằn sâu trên gương mặt của người nông dân có tuổi này. Ánh mắt vui mừng, ông Mai cho biết, giống cam Cao Phong không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn là giống cây trồng thích ứng điều kiện thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu nơi vùng đồi Quảng Bình khắc nghiệt.
Mô hình cam sạch của ông Bế Văn Mai đã mở ra phong trào nông dân xây dựng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả ở TT. Nông trường Việt Trung.
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Ông Bế Văn Mai là một nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi và mạnh dạn, vượt khó trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc xây dựng thành công mô hình trồng cam quy mô lớn không chỉ giúp gia đình ông Mai có nguồn thu nhập ổn định mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều người dân địa phương. Thời gian qua, đã có nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm mô hình trồng cam của ông Mai. Với những nỗ lực của ông Mai, huyện đã khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần vượt khó, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế của ông ở địa phương. Hiện huyện Bố Trạch đang khuyến khích nhân rộng một số mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao, như: mô hình trồng tiêu Phú Quý, cam VietGAP!”.
Điển hình làm kinh tế giỏi của ông Mai với mô hình cam sạch VietGAP đã mở ra phong trào nông dân xây dựng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trong đó có cây cam trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung. Mô hình đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, thay thế dần các diện tích cây cao su kém hiệu quả, đặc biệt, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng cao.
Hương Trà
Bình Phước: Đồng Phú sẽ có 720 ha điều sản xuất theo quy trình hữu cơ
Nguồn tin: Báo Bình Phước
UBND huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vừa phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá phát triển vùng nguyên liệu điều hữu cơ thuộc chương trình “Hỗ trợ ngành điều Bình Phước” năm 2019.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện ra quân tập huấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh vườn điều niên vụ 2018-2019
Tổng diện tích trồng điều của huyện Đồng Phú 14.247 ha. Thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển ngành điều Bình Phước”, thời gian qua huyện Đồng Phú đã tư vấn, hỗ trợ 2 hợp tác xã trồng điều chuyên canh đăng ký tham gia chuỗi liên kết điều hữu cơ với diện tích khoảng 800 ha, sản lượng dự kiến liên kết 600 tấn/năm; triển khai hỗ trợ điều tái canh cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2018 và 2019 với 4.576 cây, tương đương khoảng 25 ha; tổ chức cho 175 người tham gia học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây điều và kỹ thuật lai ghép, cải tạo vườn điều; tổ chức thống kê điều bị sâu bệnh đối với 2.414 hộ với diện tích 3.903,7 ha đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, kết quả có 1 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng, 5 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh và nhãn mác hàng hóa, huyện đã lập biên bản xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi tại hội nghị, đa số các ý kiến đều cho rằng: Hiện người trồng điều gặp nhiều khó khăn như thời tiết biến đổi thất thường, sương muối xuất hiện dày, sâu bọ phát triển, làm giảm năng suất cây trồng; việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn quá ít, chưa hiệu quả; giá cả thị trường thiếu ổn định là những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích trồng điều trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp.
Theo kế hoạch, định hướng phát triển ngành điều huyện Đồng Phú đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vẫn là ổn định diện tích hiện có, năng suất bình quân 1-1,2 tấn/ha. Đối với tái canh, trồng mới sử dụng 100% giống điều đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Huyện phấn đấu có ít nhất 720 ha điều sản xuất theo quy trình hữu cơ; hình thành ít nhất 2 cánh đồng lớn đối với cây điều, mỗi cánh đồng từ 100 ha trở lên.
Trường Thịnh
Giá cà phê tăng mạnh
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Sau hai ngày tăng giá đồng loạt thêm 700.000 đồng/tấn ngày 6-11, 300.000 đồng/tấn ngày 7-11, hôm nay 8-11 giá cà phê khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm 400.000 đồng/tấn, lên mức 33,1 - 33,5 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đồng là 33,1 triệu đồng/tấn; Gia Lai, Đắk Nông 33 triệu đồng/tấn, Đắk Lắk 33,5 triệu đồng/tấn. Mặc dù mức giá này vẫn còn thấp so với giá thành sản xuất cà phê nhân xanh nhưng sự tăng giá liên tục đang đem đến kỳ vọng giá niên vụ 2019 - 2020 sẽ khả quan hơn so với niên vụ 2018 - 2019. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi hiện tại người dân Tây Nguyên đang trong chính vụ thu hoạch cà phê với áp lực thiếu nhân công, giá nhân công thu hoạch cao, thời tiết nhiều bất lợi do tác động của biến đổi khí hậu…
Người dân Krông Pắc thu hoạch cà phê
Hiện tại, người dân Đắk Lắk đang tập trung thu hoạch cà phê trên tổng diện tích hơn 203.000 ha.
Thanh Hường
Lâm Đồng: Tiếp đà phát triển đàn bò sữa chất lượng cao
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Nhiều năm trở lại đây, nghề chăn nuôi bò sữa đã dần trở thành một trong những lĩnh vực chủ lực của ngành nông nghiệp, đặt ra vấn đề tiếp tục đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa sao cho chất lượng cao.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn (xã Lạc Xuân) có trang trại chăn nuôi bò sữa lớn nhất huyện Đơn Dương với tổng đàn trên 300 con nên ông mở rộng trang trại, xây dựng hệ thống máy vắt sữa tự động và giàn lạnh để bảo quản sữa. Mỗi ngày gia đình ông thu từ 2-2,5 tấn sữa với giá bán cho công ty 13.000-14.000 đồng/lít. Ảnh: N.Ngà
Những ngày này, nông dân ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) đang phấn khởi vì sữa bò được các doanh nghiệp thu mua với giá cao, dao động từ 12.000-14.000 đồng/lít.
Tại huyện Đơn Dương, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, những hộ chăn nuôi bò sữa hiện nay đều có thu nhập rất ổn định. Thậm chí nhiều hộ chỉ sau 3-4 năm đã trở nên khá giả. Bởi người chăn nuôi ước tính, nếu nuôi một con bò sữa 6 năm đúng kỹ thuật thì chỉ cần hai năm đầu là có thể hoàn vốn, 4 năm còn lại là thời gian thu lợi nhuận. Hơn nữa, hiện nay các công ty sữa có hình thức ứng cám chăn nuôi trả sau bằng sữa, điều này vừa thuận lợi cho người nông dân vừa đảm bảo chất lượng sữa cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các công ty còn thường xuyên hỗ trợ bà con trong công tác chăm sóc sức khỏe đàn bò, đặt các trạm thu mua sữa gần khu vực chăn nuôi rất thuận lợi cho bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Lâm Đồng được đánh giá là địa phương có điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa nên có 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Vinamilk, Công ty Friesland Campina (cô gái Hà Lan) và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đang đẩy mạnh việc liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến sữa tươi, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững.
Bà Lê Thị Bé, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, hầu hết người chăn nuôi đều đạt được các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chế biến trong việc tiêu thụ sữa. Các công ty thu mua, chế biến sữa đặt quy định chỉ ký hợp đồng tiêu thụ sữa đối với những hộ chăn nuôi có quy mô đàn tối thiểu 10-12 con. Do vậy, những hộ dân mới đầu tư, vốn ít, thiếu kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn nên huyện và người dân đang thực hiện các biện pháp về tăng số lượng đàn bò trong những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi theo hướng đầu tư phát triển đàn bò chất lượng để cho ra sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Huyện Đơn Dương xác định bò sữa là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc xây dựng nông thôn mới.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện phát triển đàn bò sữa theo hướng chọn lọc nâng cao chất lượng giống, hỗ trợ người chăn nuôi trong việc lai tạo, phát triển giống thuần Holstein Friesian (HF). Ngành nông nghiệp tỉnh hướng đến nâng tỷ lệ giống thuần trên 95% tổng đàn để tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, đầu tư các trang thiết bị, máy móc để hỗ trợ người dân kiểm nghiệm sữa tươi, xác định nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng sữa để có biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng sữa.
Để nâng cao chất lượng trong chăn nuôi bò sữa, ngành nông nghiệp của Lâm Đồng đang hướng tới việc áp dụng công nghệ thông tin vào xây dựng khẩu phần dinh dưỡng cho bò.
Từ năm 2019, phần mềm tính toán, phân tích khẩu phần ăn cho bò sữa sẽ được ứng dụng đối với các mô hình trình diễn, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi cho các hộ, trang trại bò sữa trên toàn tỉnh.
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp cùng trung tâm nông nghiệp các huyện, TP phố Bảo Lộc và Trung tâm nghiên cứu - Phát triển chăn nuôi gia súc lớn (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) tổ chức tập huấn cho 36 người về quy trình quản lý giống, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Tổ chức 13 lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho nông dân;, nâng cao tay nghề kỹ thuật viên lai tạo giống bò cũng như hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý trang trại bò sữa cho các huyện, thành phố của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn bò sữa khoảng trên 20 nghìn con, với sản lượng sữa trên 76 nghìn tấn/năm.
Dự kiến, đến hết năm 2019, đàn bò sữa của tỉnh tăng lên 21.400 con với sản lượng sữa ước khoảng 80,7 nghìn tấn. Trong đó, huyện Đơn Dương phát triển khoảng 13 nghìn con, Đức Trọng là 4,5 nghìn con và các huyện, thành phố như Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Dinh, Bảo Lộc, Đà Lạt sẽ phát triển đàn từ 100-1.000 con. Hầu hết bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để phục vụ công tác quản lý, tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sữa.
NGỌC NGÀ
Nuôi gà thời công nghệ 4.0
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Khởi nghiệp nuôi gà thịt cách đây 10 năm, từ 2 sào đất và 1.000 con gà, đến nay anh đã có 2 trang trại nuôi gà thả vườn quy mô 60.000 con/lứa. Anh cũng là nông dân nuôi gà thịt lông màu thả vườn có số lượng lớn nhất tỉnh, mỗi năm thu lợi nhuận hàng tỷ đồng. Nửa cuối năm 2019, với số vốn hơn 5 tỷ đồng, anh tiếp tục xây dựng 1 cơ sở ấp trứng công suất ban đầu 60.000 quả trứng/chu kỳ. Đó là hộ nông dân Ngô Việt Tiến, ngụ ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước).
ĐỨNG LÊN TỪ THẤT BẠI
Gia đình anh Ngô Việt Tiến đến sinh sống tại ấp Thanh Bình từ những năm 2005 và mưu sinh bằng nhiều nghề, trong đó có nghề sấy long nhãn. Tuy nhiên, sấy long nhãn bị thất bại sau 2 năm, từ đó anh chuyển qua nuôi gà đẻ, gà thịt, nhưng rồi cũng không thành công. Anh rút ra kinh nghiệm, do chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ thiếu kỹ thuật nên gà hay bị bệnh, con giống không tốt, gà bị chết nhiều, dẫn đến thua lỗ. Trăn trở suy nghĩ một thời gian, anh quyết định tiếp tục nuôi gà nhưng cách làm hoàn toàn thay đổi. Anh cải tạo lại lò sấy nhãn thành chuồng úm gà (úm bằng củi), đồng thời tìm mua loại gà phù hợp, tin cậy, có chất lượng, độ đồng đều cao, mẫu mã đẹp làm con giống chủ lực và anh đã “bén duyên” với gà giống Bình Định.
Nhân viên kỹ thuật tiêm vắc-xin Marek cho gà 1 ngày tuổi tại trại gà của hộ anh Ngô Việt Tiến, ấp Thanh Bình, xã Thanh Lương
Năm 2009, Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long thành lập Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà ấp Thanh Bình. Anh Tiến tiên phong tham gia và làm Chủ nhiệm CLB, đồng thời thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn để đánh giá hiệu quả kinh tế. Hơn 3 tháng nuôi với 1.000 con gà, anh lãi 35 triệu đồng. Số tiền lãi cộng với vay mượn thêm, anh đầu tư nuôi quy mô lớn hơn đến 5.000 rồi 10.000 con/lứa. Năm 2011, anh tham gia lớp học nghề nuôi gà, sau đó là lớp trung cấp thú y và không bỏ sót bất kỳ lớp tập huấn nào. CLB ổn định và phát triển cả về quy mô, số thành viên, anh kiêm luôn công việc cung ứng con giống, thức ăn và thuốc thú y cho các thành viên, hộ dân có nhu cầu.
Nhờ có vốn tích lũy, năm 2012 anh mua đất đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà hiện đại với quy mô 30.000 con/lứa, cùng hệ thống chăm sóc (cho ăn, uống) tự động, đồng thời tham gia chương trình chăn nuôi theo quy trình VietGAHP và an toàn dịch bệnh. Với việc đầu tư đồng bộ, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giá bán ổn định nên hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015, anh tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1 trại nuôi gà với quy mô 30.000 con. Đến năm 2017, anh đã có 2 trang trại ổn định, quy mô 60.000 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa.
THÀNH CÔNG NHỜ CÔNG NGHỆ CAO, CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC
Từ thực tế chăn nuôi, anh Tiến cho rằng, để nuôi gà đạt hiệu quả kinh tế cao thì phải hạ giá thành, sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt chất lượng cao. Vì vậy, cần chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gắn với thị trường tiêu thụ. Một mặt tích cực tham gia học tập kiến thức kỹ thuật trên tất cả kênh, nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường; hơn nữa anh rút kinh nghiệm từ thực tiễn về cách phòng, trị, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, anh đầu tư đồng bộ trong tất cả khâu như con giống, úm, cho ăn, uống... đều tự động, đạt chuẩn quy định. Anh cũng dùng các loại men sinh học để bổ sung, tăng sức đề kháng và giảm tối đa mùi hôi, chích ngừa vắc-xin đầy đủ; cách ly, vệ sinh, phun khử trùng định kỳ. Trang trại của anh đạt tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và chuẩn VietGAHP, là mô hình để người chăn nuôi trong và ngoài thị xã tham quan học tập.
Ngày 25-10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho gà thả vườn Thanh Lương. Đây là tin vui đối với hộ anh Ngô Việt Tiến nói riêng và nông dân nuôi gà xã Thanh Lương nói chung, đồng thời khẳng định được vị trí, thương hiệu gà Thanh Lương trên thị trường.
10 năm qua, anh Tiến đã thành công trong nuôi gà thịt lông màu thả vườn với các giống gà khác nhau; cùng với kỹ thuật, kinh nghiệm được tích lũy, thị trường tiêu thụ khẳng định nên năng suất, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, con giống luôn phải phụ thuộc các công ty cung ứng giống. Có lúc con giống khan hiếm, giá biến động lớn ảnh hưởng giá thành sản xuất. Vì vậy, giữa năm 2019, anh Tiến đã đầu tư 1 cơ sở ấp trứng với quy mô 60.000 trứng/chu kỳ ấp (3 máy, mỗi máy có công suất 20.000 trứng), đồng thời anh chuyển 1 trại từ nuôi gà thịt sang gà đẻ. Ngày 22-10-2019, mẻ gà con đầu tiên đã ra lò và nở đạt 92%. Đây là thành công, cũng là động lực lớn để anh mở rộng quy mô đàn gà và trang bị thêm máy ấp trong thời gian tới. “Thị trường gà giống hiện không ổn định, giá lại cao nên tôi sẽ cố gắng đầu tư thêm máy, nâng công suất lên khoảng 150.000-200.000 gà con/đợt ấp để phục vụ trang trại và người chăn nuôi trong khu vực” - anh Tiến cho biết.
Có thể nói, anh Tiến là điển hình về người nông dân thời công nghệ 4.0. Dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, phù hợp với xu thế và hướng đi của nền nông nghiệp hiện đại.
Nguyễn Thị Hạnh
Hiếu Giang tổng hợp