Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 12 tháng 9 năm 2019

'Canh bạc' sầu riêng Musang King

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Mặc dù chưa được kiểm nghiệm nhưng sầu riêng Musang King vẫn được các vựa cây giống đưa về bày bán ồ ạt. Các ngành chức năng đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bất chấp, chuyển đổi diện tích cây trồng để “đánh bạc” với giống cây ngoại nhập này.

Mặc dù chưa được kiểm nghiệm nhưng những năm gần đây sầu riêng Musang King được nhiều người dân lựa chọn trồng

Mua - bán sôi động

Trong những năm gần đây, sầu riêng là cây ăn quả có nguồn thu nhập khá tại Đắk Lắk, Đắk Nông. Nhiều nông hộ phất lên nhờ sầu riêng được mùa, được giá. Bên cạnh những giống sầu riêng cũ như DoNa, Ri6…, hiện nay Musang King là giống sầu riêng được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lựa chọn.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, ngụ thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đầu mùa mưa năm nay ông quyết định phá bỏ gần 1ha cà phê già cỗi để trồng 250 cây sầu riêng Musang King. “Mấy năm nay cà phê, hồ tiêu liên tục mất giá, làm mãi chẳng có lời. Thấy các vùng khác trồng sầu riêng thu về tiền tỷ, tôi ham quá nên cũng liều trồng thử. Nghe nói sầu riêng Musang King là giống mới, tốt nhất hiện nay, có giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng mua giống trồng”, ông Quốc chia sẻ.

Đi dọc theo tuyến đường từ trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) xuống xã Hòa Thắng, dọc hai bên đường nhan nhản các cơ sở, vựa cây giống. Theo ghi nhận, từ đầu mùa mưa năm nay, sầu riêng Musang King được xem là cây giống đắt hàng của các cơ sở này. Trong vai một nông dân cần mua cây giống sầu riêng Musang King, tôi ghé vào một vựa cây giống ở xã Hòa Thắng. “Năm nay, sầu riêng Musang King là cây đắt hàng, từ đầu mùa mưa vừa rồi, tôi nhập về 3.000 cây nhưng bán hết sạch...”, chủ cơ sở hồ hởi giới thiệu. Theo chủ cơ sở này, giống sầu riêng Musang King đa số được nhập từ Bến Tre về. Loại cây giống 2 năm có giá 220.000 đồng/cây, còn loại 1 năm dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/cây.

Về năng suất, nhiều chủ vườn quảng cáo: “Hiện nay trên thế giới, sầu riêng Musang King được xem là vua của các loại sầu riêng. Loại sầu riêng này cơm dày, dẻo, thơm ngon hơn các loại khác và giá rất cao. Ở Malaysia, sầu riêng Musang King được xem là đặc sản của quốc gia”.

Khi chúng tôi hỏi, ở Việt Nam liệu đã có khu vực nào trồng và thành công với loại sầu riêng này? Chủ cơ sở này thừa nhận: “Do giống mới đưa về nước ta trồng một vài năm gần đây nên chưa biết. Nhưng nước ta khí hậu tương tự Malaysia nên trồng không khó. Chỉ cần người dân chịu khó chăm sóc tốt thì năng suất và chất lượng không thua kém”. Ông Nguyễn Bình, chủ vựa cây giống ở xã Hòa Thắng cũng cho biết, từ đầu mùa mưa năm nay, cây giống sầu riêng là loại cây đắt hàng của cơ sở ông. Khi chúng tôi đề nghị tư vấn thêm về giống sầu riêng mới, ông Bình cũng chỉ nói đó là đặc sản ở Malaysia.

Cần thận trọng

Theo Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và cây ăn quả, Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sầu riêng Musang King có nguồn gốc từ Malaysia. Là loại sầu riêng đặc sản của quốc gia này và mang lại lợi nhuận kinh tế cho người trồng. Sầu riêng Musang King du nhập vào Việt Nam khoảng 3 năm gần đây bằng đường tiểu ngạch, được các cơ sở, vựa cây giống tự ý bày bán. Hiện nay ở Việt Nam, loại sầu riêng này đang được các trung tâm nông nghiệp kiểm nghiệm, vì chưa có kết quả nên chưa cấp phép bán.

“Viện đang trồng thử nghiệm giống sầu riêng mới này để đánh giá đặc tính có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng hay không, năng suất có tốt hơn các loại sầu riêng khác hay không. Để đánh giá được những đặc tính trên, cần phải có thời gian dài. Do đó, Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề nghị các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên vội vàng thay đổi diện tích cây trồng cũ bằng sầu riêng Musang King, tránh tình trạng rủi ro kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp”, ông Hoàng Mạnh Cường cho biết.

Bà Nguyễn Thị Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk cũng đánh giá, để cây sầu riêng trở thành cây chủ lực cho nông dân ở Tây Nguyên rất khó, bởi mà thị trường đầu ra chưa ổn định. “Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân nên cẩn trọng. Ngoài ra, chi cục cũng đề nghị các cơ sở cây giống trên địa bàn tỉnh không được bán loại sầu riêng này”, bà Bình thông tin.

ĐÔNG NGUYÊN

ĐBSCL: Trái cây sụt giảm giá do thị trường Trung Quốc không ổn định

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Dưa hấu được bày bán trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Cần Thơ, với giá 7.000 đồng/kg.

Giá trái cây ở các tỉnh ĐBSCL đang sụt giảm mạnh. Thanh long ruột trắng chỉ 5.000-8.000 đồng/kg, dưa hấu 5.000-7.000 đồng/kg, sụt giảm giá đến 50%; dừa xiêm có giá 40.000-50.000 đồng/chục (12 trái) cũng giảm hơn 50%, đây là giá bán tại chợ, còn tại vườn giá thấp hơn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, một trong những nguyên nhân giá trái cây tại ĐBSCL sụt giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc không ổn định. Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc hiện nay không dễ dàng như trước đây. Từ tháng 5-2018, Trung Quốc bắt đầu siết chặt những quy định đối với trái cây Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Trái cây nhập vào Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc như vùng trồng, cơ sở đóng gói. Vì vậy, để trái cây ĐBSCL xuất khẩu được sang Trung Quốc, nhà vườn phải thực hiện đúng những quy định này.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả khoảng hơn 2,6 tỉ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc vẫn là nước đúng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam, chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm nay bị sụt giảm khoảng 5,6%.

Tin, ảnh: HUỲNH BIỂN

Hối hả thu hoạch sắn sau mưa lũ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Mưa lũ những ngày qua, khiến một phần diện tích sắn bị ngập úng, nông dân huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang hối hả thu hoạch sắn, sắn đã bắt đầu xuống lá và có chiều hướng thối củ.

Chị Nguyễn Thị Nhiên ở xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) cho biết, lũ ngập tràn trên những cánh đồng sắn làm cho củ sắn ngâm nước bị thối, hư hỏng nặng. Ngay sau lũ, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân tranh thủ huy động người nhà và thuê người để tiến hành nhổ sắn bán cho thương lái thu mua để nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế.

Tại xã Phong Bình, ông Trần Văn Đước - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “ Diện tích sắn trên địa bàn xã trồng hơn 40ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 30 ha sắn, tranh thủ thời tiết tạnh ráo bà con nông dân đang tích cực ra đồng thu hoạch sắn, được biết một số diện tích sắn được người mua thu gom từ khâu thu hoạch để nhập cho nhà máy tinh bột sắn ”.

Hiện, các thương lái đã đến trực tiếp các cánh đồng sắn để thu mua cho nông dân với giá từ 1.200-1.500 đồng/kg. Vụ sắn năm nay, toàn huyện Phong Điền đưa vào gieo trồng 1.204ha.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo, thời vụ thu hoạch sắn trùng với mùa mưa lũ nên người dân cần theo dõi diễn biến của thời tiết để có những phương án thu hoạch diện tích sắn hợp lý. Để hạn chế thiệt hại do ngập úng, người trồng sắn nên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với nhưng diện tích đã “đúng” tuổi.

Những hình ảnh thu hoạch sắn tại Phong Điền:

Nhiều diện tích sắn ngập úng sau mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Sắn ngâm nước có chiều hướng thối củ. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Nông dân vội vã nhổ sắn. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Nông dân Phong Điền phải dùng thuyền vận chuyển sắn... Ảnh: Văn Bốn

...Huy động nhân lực đưa sắn ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Dùng xe cơ giới vận chuyển sắn. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Ngoài vùng ngập, nông dân Phong Điền cũng thu hoạch diện tích sắn ở vùng đất cao. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Vụ sắn này nông dân Phong Điền gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Bốn

Giá sắn hiện nay khá rẻ: chỉ từ 1.200 - 1500 đồng/kg sắn tươi. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Chuyển sắn lên xe tải trước khi bán cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế. Ảnh: Văn Bốn

Nguyễn Khoa Huy - Văn Bốn (Thực hiện)

Hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm diễn ra từ ngày 11 đến 13-9

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Từ ngày 11 đến 13-9, tại huyện Thường Tín, sẽ diễn ra hội thảo giới thiệu nông sản an toàn và công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất nông nghiệp lần thứ nhất trên địa bàn thành phố.

Hội chợ nông sản, thủ công mỹ nghệ các hợp tác xã tại Hà Nội

Trong khuôn khổ hội thảo, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín, Ban tổ chức bố trí khu trưng bày nông sản, thực phẩm và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Sở NN& PTNT Hà Nội tổ chức ký biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã và các nhà phân phối về hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất; phát triển sản phẩm mới; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các hợp tác xã giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường phân phối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời, các đơn vị được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

NGỌC QUỲNH

Yên Bái: Trao dê giống cho phụ nữ nghèo Nậm Búng

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), Hội Phụ nữ huyện vừa phối hợp trao tặng 320 con dê giống sinh sản của tổ chức phi chính phủ Mỹ (SPIR) cho 80 hội viên phụ nữ nghèo tại 2 thôn Nậm Cưởm, Sài Lương của xã Nậm Búng.

Niềm vui của hộ dân khi nhận dê giống.

Đây là chương trình thuộc dự án hỗ trợ sản xuất ổn định dân cư, giúp các gia đình hội viên phụ nữ nghèo giảm nghèo bền vững, do tổ chức phi chính phủ Mỹ (SPIR) tài trợ.

Mỗi gia đình hội viên phụ nữ nghèo của xã Nậm Búng được hỗ trợ 4 con dê giống sinh sản trị giá trên 30 triệu đồng. Đồng thời, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thuốc thú y, hướng dẫn cách trồng cỏ và cách làm chuồng trại. Tổng kinh phí hỗ trợ của chương trình là trên 1 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ dê giống sinh sản là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, đồng hành cùng phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Minh Chiến (Trung tâm TT&VH Văn Chấn)

Thu nhập ổn định từ nuôi hươu và dê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trong khi hầu hết người dân xung quanh chọn bò là vật nuôi chính để phát triển kinh tế thì gia đình anh Vũ Văn Sơn (ở cụm 5, thôn 10, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại chọn cho mình hướng đi riêng bằng việc đầu tư nuôi hươu sao và dê.

Đầu năm 2013, anh Sơn tìm đến các trang trại nuôi hươu lấy nhung tại huyện Ea Kar, Krông Năng… để học hỏi kinh nghiệm. Qua tham quan thực tế các mô hình nuôi hươu, anh nhận thấy đây là loài vật dễ nuôi, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao nên quyết định mua con giống về nuôi thử. Ban đầu, anh chọn mua một cặp hươu trưởng thành (một con đực và một con cái), với giá hơn 20 triệu đồng/con. Sau 6 tháng chăm sóc, con hươu đực đã cho thu hoạch nhung và mang lại cho gia đình nguồn thu nhập 20 triệu đồng. Đầu năm 2018, anh Sơn tiếp tục đầu tư hơn 120 triệu đồng mua thêm 5 con hươu trưởng thành (2 con đực, 3 con cái) để tăng đàn.

Để chủ động nguồn thức ăn cho hươu, anh đã trồng cỏ VA06. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh Sơn đã tăng lên 12 con (4 con đực lấy nhung, 3 con hươu cái sinh sản và 5 con hươu con từ 1 – 2 năm tuổi). Anh chia sẻ: “Với 12 con hươu, gia đình tôi nuôi nhàn hơn nuôi 3 con bò, mà hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần. Lượng thức ăn cung cấp cho hươu cũng chỉ tương đương cho 3 con bò trưởng thành. Mỗi năm mỗi con hươu cho nhung một lần, nếu giống tốt có thể cho 2 lần. Giữa tháng 4-2019, gia đình tôi đã cắt nhung 2 con hươu đực và bán được 45 triệu đồng. Hiện tại, nhung hươu có giá bán khá cao từ 2,5 – 3 triệu đồng/lạng, cứ sau mỗi đợt cắt nhung là có khách hàng đến đặt trước để mua trực tiếp”.

Anh Sơn bên chuồng nuôi dê của gia đình.

Theo anh Sơn, khâu chọn giống hươu để nuôi rất quan trọng vì nó quyết định sự thành công hay thất bại khi cho nhung. Cần chọn con giống từ những con bố có sức khỏe tốt, năng suất cho lấy nhung mỗi năm 2 lần (từ 0,8 kg/lần/con) trở lên. Nếu hươu đã có sừng thì hai sừng phải tạo thành hình chữ “V”, đỉnh càng rộng càng tốt. Hươu là động vật bán hoang dã, có thể nuôi nhốt trong chuồng trại đơn giản, sức đề kháng cao nên có khả năng chống chịu bệnh tốt, rất phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế nông hộ. Thức ăn cho chúng cũng dễ tìm, chủ yếu là các loại lá, cỏ và rau, củ, quả có sẵn trong nương rẫy… Cũng theo kinh nghiệm của anh Sơn, muốn có được một cặp nhung chất lượng cao, nên bồi dưỡng cho hươu khoảng 1 - 2 tháng trước khi nhung bắt đầu nhú, thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, cung cấp nhiều loại thức ăn như: cây, cỏ, ngô nấu, gạo nếp, các lại cây và lá có nhựa: sung, vả, mít... cho hươu.

Cùng với công chăm sóc hươu, anh Sơn còn đầu tư nuôi dê. Hiện nay, đàn dê của gia đình anh có số lượng 70 con, trong đó 25 con dê sinh sản, 45 con dê lấy thịt. Trung bình 3 - 4 tháng xuất bán một lứa, mỗi lứa khoảng 10 con. Một con dê trưởng thành trọng lượng từ 20 - 25 kg, thương lái mua với giá ổn định từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi năm, chăn nuôi hươu và dê mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Đoàn Dũng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop