Hậu Giang: Nông dân “đau đầu” với dịch bệnh hại lúa Đông xuân
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nay, thời tiết đang chuyển biến thất thường, ngày nắng, tối có sương mù dày đặc, là điều kiện cho dịch bệnh cháy bìa lá (bạc lá), đạo ôn lá phát tán nhanh trên lúa Đông xuân 2015 - 2016, làm tăng nguy cơ giảm chất lượng và năng suất lúa.
Nông dân ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phun xịt thuốc đặc trị bệnh cháy bìa lá.
Không giấu được nỗi buồn khi nhìn 7 công ruộng bị bệnh đạo ôn lá, anh Trần Thanh Mộng, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Mặc dù, lúa mới phát bệnh là tôi đã mua thuốc về phun xịt liền. Vậy mà không hết. Dường như nấm bệnh đạo ôn đã kháng thuốc mà tôi thường dùng. Vì thế, tôi phải mua thuốc đặc trị khác về phun xịt mới dập được. Đến khi hết bệnh thì lúa đã bị ảnh hưởng khoảng 15%. Cây lúa trở nên còi cọc và phát triển chậm lại, chi phí sản xuất lại tiếp tục tăng lên”. Thực tế, từ đầu vụ tới giờ, anh Mộng ước tính trung bình mỗi công đất ruộng, tiền phân, thuốc đã hơn 1 triệu đồng. Điều quan trọng là chất lượng hạt lúa kém, thương lái thu mua lại tiếp tục có cơ hội ép giá sau này.
Do đa số người dân sống bằng nghề làm ruộng nên rất quan tâm đến năng suất và giá trị hạt lúa. Vì thế, ngay từ đầu gieo sạ, nhiều nông dân chủ động làm đất kỹ lưỡng, diệt trừ cỏ dại để hạn chế mầm mống sâu bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, dịch bệnh hại lúa vẫn cứ tiếp tục diễn ra làm cho họ rối bời với việc đồng áng. Ông Nguyễn Văn Mười, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tâm sự: “Không năm nào như năm nay, nạn chuột cắn phá chưa vơi thì bệnh đạo ôn lá lại tiếp tục bộc phát. Hiện tại, 20 công lúa nhà tôi, lốm đốm nhiều chỗ lá lúa ngả màu nâu vàng. Tôi tính riêng bệnh đạo ôn lá thôi đã làm ảnh hưởng khoảng 10% năng suất lúa rồi”.
Theo những người làm ruộng lâu năm, bệnh đạo ôn gây hại ở tất cả giai đoạn phát triển của cây lúa. Đặc biệt, bệnh tấn công mạnh nhất là lúc cây lúa trong giai đoạn mạ cho đến chín. Cụ thể, bệnh phát tán chủ yếu ở lá, lóng thân, cổ bông và hạt. Có thể nói rằng, năm nào, bệnh đạo ôn cũng xảy ra nhưng sức ảnh hưởng của chúng lại không nhỏ. Bởi, khi lúa phát bệnh mà bà con không kịp thời trong việc phun xịt thuốc điều trị thì năng suất lúa có thể bị ảnh hưởng từ 20-30% tùy theo mức độ bệnh. Nếu bệnh nặng có thể bị mất trắng.
Năm nay, do nông dân gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016 không đồng loạt nên sinh vật gây hại trên lúa cũng đa dạng đối tượng như: ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, rầy nâu, chuột... Còn trên các trà lúa đang chuẩn bị làm đòng và trong giai đoạn trổ bông thì bệnh cháy bìa lá bùng phát mạnh. Ông Hồ Văn Trung, ở ấp 4, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Hiện 8 công ruộng của tôi đang chuẩn bị làm đòng thì mắc phải bệnh cháy bìa lá. Bệnh này phát triển nhanh, chỉ mới hai, ba ngày là mảnh ruộng bị vàng lá rất nhiều. Trước mắt, tôi chỉ biết mua thuốc về phun xịt để hạn chế mầm bệnh lây lan, chứ chẳng biết làm sao hết”. Hiện, không chỉ có đất của ông Trung mà những mảnh ruộng lân cận cũng bị nhiễm bệnh cháy bìa lá khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân gieo sạ lúa với mật độ dày. Điều đáng nói là bà con đã quá tay trong việc bón phân “rước” đòng đòng, dẫn đến thừa đạm nên bệnh phát sinh nhanh và càng trở nặng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh cháy bìa lá là do vi khuẩn “Xanthomonas oryzae” gây ra, chúng tồn tại trong nước, lưu lại trong ruộng và các gốc cỏ dại... Bệnh tấn công tập trung chủ yếu ở bộ phận chót lá, sau đó lan truyền nhanh khi các lá lúa cọ sát vào nhau. Màu lá lúa sẽ chuyển biến xấu đi nếu gặp thời tiết âm u, độ ẩm cao và mưa nhiều. Còn nguyên nhân gây ra bệnh đạo ôn lá bởi nấm “Pyriccularia oryzae, hay P. grisea”. Đây là bào tử nấm rất nhỏ nên có thể theo gió bay cao, bay xa, vì thế, bệnh dễ phát triển trên diện rộng.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nhận định: Hiện nay, thời tiết ban ngày nhiệt độ cao, ban đêm xuống thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá xuất hiện. Đáng lo ngại nhất là bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát triển. Để phòng trừ dịch bệnh, bà con bón phân cân đối và không nên bón phân sau khi lúa trổ. Nếu phát hiện bệnh đạo ôn lá, cũng như bệnh cháy bìa lá thì mua thuốc đặc trị riêng cho từng bệnh về phun xịt kịp thời. Riêng bệnh đạo ôn lá, mọi người cần giữ nước trong ruộng để hạn chế lây lan. Còn bệnh cháy bìa lá phải tháo nước ra cho ruộng khô, nhằm cắt ngang mầm bệnh. Ngoài ra, nhằm đạt hiệu quả trong việc điều trị bệnh, bà con cần phun xịt vào lúc trời sáng khi sương trên lá đã khô, tốt nhất vào khoảng 3 giờ chiều. Làm thế, thuốc sẽ lưu dẫn nhanh, mạnh. Ngoài ra, lúa đang trong giai đoạn làm đòng, và trổ bông thì nông dân cần phải phun xịt thuốc ngừa đạo ôn cổ bông 2 lần. Lần 1 khi lúa vừa chuẩn bị trổ bông và cách 10 ngày sau thì phun xịt lần tiếp theo để bảo vệ năng suất lúa được tốt hơn.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện lúa bị bệnh đạo ôn lá gần 3.000ha, chiếm tỷ lệ bệnh khoảng 10%, chủ yếu trên các trà lúa đẻ nhánh, làm đòng và bệnh cháy bìa lá bắt đầu xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
CHÍ CÔNG
Kbang (Gia Lai): Bí đỏ mất mùa, mất giá
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Dù mới bước vào mùa thu hoạch nhưng giá thu mua bí đỏ các nhà vườn tại Kbang (Gia Lai) xuống rất thấp. Không những thế, thương lái còn khá khắt khe phân loại để ép giá.
Mất mùa, mất giá
Vừa thu hoạch vựa bí đỏ xuống giống từ ngày 6-9 Âm lịch, ông Bùi Minh Lập (thôn 7, xã Đông, huyện Kbang) tính sơ đã thấy lỗ gần chục triệu đồng, chưa kể công cán. “Năm nay làm ăn khó quá, phần nào nhà tui ráng lo được thì lo chứ không dám thuê mướn, vậy mà vẫn lỗ”-ông Lập nói. Theo tính toán của ông, chi phí đầu tư trồng 1,4 ha bí đỏ đã tới 40 triệu đồng, nhiều gần gấp đôi các năm trước. Phần vì thời tiết năm nay khắc nghiệt, trời mưa ít nên người trồng phải tốn thêm chi phí tưới nước, phần vì sâu bệnh gây hại nhiều khiến vừa tốn công, vừa tốn tiền mà hiệu quả không cao.
“Bí nhiễm bệnh quăn lá, vàng lá dữ quá. Mấy bệnh này đều không có thuốc trị nên chúng tôi phát hiện là nhổ bỏ. Có cây chăm thì tới đợt ra trái nhỏ rồi đột nhiên héo quăn lại, trái không lớn nổi nữa”-ông Lập chia sẻ thêm. Cùng thửa ruộng này và cùng trồng giống bí Suprema của Công ty Hai mũi tên đỏ nhưng vụ bí đỏ năm trước, nhà ông thu được 25 tấn, giá bán tới 6.000 đồng/kg, lời ngót nghét trăm triệu. Năm nay, vựa bí cho thu chừng 10 tấn, giá dao động 3.000 - 3.500 đồng/kg bí loại I (loại trọng lượng đạt trên 3,5 kg/quả), 1.700 đồng/kg với loại bí “hàng xả” (tức loại nhỏ dưới 3,5 kg/quả) và với loại bí nhỏ hơn, chỉ vài trăm đồng/kg… Với mức giá này, nhà ông Lập chỉ thu về chưa đầy 30 triệu đồng. So với tiền đầu tư đã lỗ chục triệu đồng, đó là chưa kể công cán…
Những hộ có sẵn đất trồng bí như hộ ông Lập đã thua lỗ, với các hộ phải đi thuê đất để trồng bí thì còn chua chát hơn. “Nhà tôi thuê 1,7 ha đất đã tốn mất 15 triệu đđồng. Hôm rồi thu được 10 tấn bí loại tuyển và 3 tấn “hàng xả”, thu về tròn 40 triệu đồng, trong khi chi phí đã trên 50 triệu đồng”-anh Đặng Ngọc Huân (thôn 8, xã Đông, huyện Kbang) than thở. Vậy là, sau gần 3 tháng vất vả một nắng hai sương, người trồng bí vừa mất công, lại mất của do bí mất mùa, mất giá.
Vì sao bí mất giá?
Giá thu gom rẻ, thương lái còn nâng lên đặt xuống, phân loại rất khắt khe khi mua. “Bí tuyển phải đạt trọng lượng lớn, vỏ đẹp, nhẵn đều. Nếu chẳng may vẹo vọ hay có vết sần nào sẽ bị loại xuống loại hàng xả ngay. Bí nhỏ nữa thì chỉ có giá vài trăm đồng/kg. Giá thấp quá nên nhiều hộ không buồn bán, để đó đem về cho bò hay bán rẻ cho các hộ chăn nuôi nấu cho gia súc ăn”-anh Huân nói thêm.
Bí đỏ là một trong những loại cây trồng được bà con xã Đông, Tơ Tung, thị trấn Kbang… của huyện Kbang đưa về gieo trồng từ nhiều năm nay. Do lợi nhuận khá lớn, có thể trồng xen canh, không tốn nhiều công và vốn đầu tư nên diện tích tăng mạnh trong vài năm gần đây. Theo thống kê, xã Đông có diện tích bí đỏ lớn nhất huyện Kbang với khoảng 220 ha bí đỏ (tăng 60 ha so với vụ bí đỏ năm trước). Ông Phạm Ngọc Thạch-Chủ tịch UBND xã Đông, cho biết, nhờ hiệu quả kinh tế mang lại nên bí đỏ được xác định là một trong những cây trồng chủ lực hàng năm của xã. “Vì mới bắt đầu vào vụ nên chúng tôi chưa thể đánh giá chính xác năng suất và sản lượng bí đỏ năm nay. Tuy nhiên, cả năng suất và giá cả đều giảm so với trung bình các vụ trước. Nguyên nhân là do yếu tố thời tiết bất lợi khô hạn kéo dài, lượng mưa thấp, sâu bệnh phát triển và gây hại nhiều”-ông Thạch chia sẻ.
Theo tìm hiểu tại một số vựa thu gom, giá bí đỏ vụ này thấp là do trùng với vụ bí đỏ của nhiều vùng khác, đặc biệt là tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Một phần bí đỏ của nông dân Gia Lai xuất tới các tỉnh miền Bắc, miền Trung, tuy nhiên, nguồn cung dồi dào đã khiến giá bí đỏ tụt giảm mạnh.
Lê Hòa
Vùng rau "ít đụng hàng" ở Suối Nho (Đồng Nai)
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Về thăm xã Suối Nho (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mùa nào cũng thấy những vườn rau hẹ xanh tốt, sum suê. Chỉ trồng 1 lần nhưng rau hẹ cho thu hoạch kéo dài từ 2 - 3 năm mới phải trồng lứa mới nên rau hẹ mang lại lợi nhuận cao, nông dân đua nhau mở rộng diện tích.
Nhờ lợi nhuận tốt, đa số nông dân trồng hẹ tại xã Suối Nho đều đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tự động trong vườn rau.
Vì đây là vùng chuyên canh cây rau “ít đụng hàng” nên dù diện tích nhanh chóng được mở rộng, đầu ra cho rau hẹ vẫn ổn định. Suối Nho đang xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển bền vững bằng uy tín về chất lượng.
* Cây rau làm giàu
Ông Nguyễn Văn Liệu, người đầu tiên đưa giống hẹ về Suối Nho, so sánh: “Rau hẹ trồng 1 lần có thể cho thu hoạch từ 2 - 3 năm, với đất mới có thể thu đến 4 năm. Trung bình 35 ngày rau hẹ thu một lần, năng suất từ 2 - 3 tấn/sào/lần thu hoạch; vườn chăm sóc tốt có thể đạt hơn 3 tấn/sào. Với mức giá bán trung bình khoảng 3.500 đồng/kg, 1 sào rau hẹ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm”.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, nông dân tại xã Suối Nho, cho hay: “Thu nhập của gia đình tôi đều dựa vào 4 sào rau hẹ. Vài năm trước, diện tích này được gia đình tôi trồng tiêu và năm nay chuyển sang trồng hẹ. Cây rau này tháng nào cũng thu, có đợt giá bán ra thấp thì đồng lời chỉ giảm chứ không mất trắng như nhiều cây trồng khác”.
Chia sẻ về hiệu quả của cây rau đang giúp nhiều nông dân làm giàu này, bà Lê Thị Hồng kể: “Nhà tôi trồng 1 hécta hẹ, năm nào giá cao, tiền thu về như trúng số. Thấy cây hẹ cho lợi nhuận tốt, nhà nhà đua nhau trồng hẹ nên có năm gia đình tôi bán được 100 triệu tiền rau giống. Rất nhiều nông dân trồng rau ở vùng này giàu lên, khá lên từ cây hẹ”.
* Xây dựng vùng rau an toàn
Tuy diện tích hẹ nhanh chóng được nhân rộng, nhưng nông dân Suối Nho hiện không phải lo lắng về đầu ra. Riêng tại địa phương đã có cả chục đại lý tổ chức thu mua tại ruộng cho nông dân. Ông Trịnh Văn Nhượng, Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Nho, nhận xét vài năm trở lại đây diện tích trồng rau hẹ phát triển rất nhanh. Toàn xã có khoảng 70 hécta trồng rau màu, cây chủ lực vẫn là rau hẹ. Vì cây hẹ ưa đất mới nên sau 2-3 năm trồng rau này, nông dân thường chuyển sang làm 1 vụ đậu hoặc rau màu khác, sau đó mới quay lại trồng đợt hẹ mới.
Vùng rau này hiện tại không chỉ mang lại thu nhập cao cho người trồng mà tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Ở xã có hẳn đội ngũ hàng trăm lao động thời vụ chuyên làm các việc thu hoạch, nhặt rau hẹ... tại các đại lý thu mua. Công việc cũng nhẹ nhàng nên nhiều người già, trẻ em cũng tham gia kiếm thêm thu nhập, cải thiện điều kiện sống của gia đình.
Hiện tại, nông dân đã liên kết lại thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Suối Nho. Dù mới thành lập được gần nửa năm nay, nhưng hợp tác xã đã tổ chức tiêu thụ được khoảng 10 tấn hẹ/ngày. Ngoài các chợ đầu mối, hợp tác xã đã liên kết, cung cấp hẹ tươi cho các cơ sở chế biến nên đảm bảo đầu ra với giá ổn định cho xã viên. Hợp tác xã đang mở rộng liên kết thêm với nhiều doanh nghiệp theo hướng hợp tác đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo mô hình cánh đồng lớn.
Lê Quyên
Sóc Trăng mở rộng sản xuất lúa đặc sản
Nguồn tin: VOV
Đề án Phát triển lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2012 - 2015 được triển khai tại 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm.
Nhằm nâng cao được chất lượng, giá trị lúa gạo trong sản xuất, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay, đề án này đã phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển ổn định, bền vững các vùng sản xuất lúa tập trung, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập và lợi nhuận cho nông dân, đóng góp lớn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Đề án Phát triển lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2012 - 2015 được triển khai tại 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm. Đây là vùng sản xuất thích hợp cho phát triển lúa thơm đạt chất lượng cao và cũng là các địa phương có phong trào sản xuất lúa thơm ST và lúa Tài nguyên mùa khá thành công.
Theo ngành chức năng diện tích các loại lúa thơm, lúa đặc sản tại địa phương không ngừng tăng lên, từ hơn 66 nghìn ha vào năm 2012 tăng gần 127 nghìn ha trong năm 2015. Riêng tại 4 huyện của vùng Đề án là hơn 100 nghìn ha diện tích lúa đặc sản được người dân sản xuất. Cùng với đó là số mô hình cánh đồng mẫu, tổ hợp tác, hợp tác xã tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm mới bắt đầu triển khai đề án. Điều này chứng minh, đề án đã tác động và tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân trong canh tác lúa có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt gắn thị trường tiêu thụ.
Anh Phạm Văn Tòng, nông dân ở phường 1, thị xã Ngã Năm, cho hay: “Làm lúa thường không có người bao tiêu, giá cả bắp bênh nên mới chuyển sang làm lúa đặc sản có người bao tiêu, giá cả cũng ổn định hơn, an tâm sản xuất hơn”.
Thực tế, sự chủ động trong triển khai thực hiện nhiều mô hình cánh đồng mẫu tổ chức sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, có chất lượng để cung ứng cho thị trường, giúp nông dân tiêu thụ luá được thuận lợi và sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Theo người dân trực tiếp sản xuất thì giá trị thị trường của các loại lúa cao sản thời gian qua thường cao hơn lúa thường từ vài trăm đến 1.000 đồng mỗi kg lúa tươi.
Tuy nhiên quá trình triển khai mô hình cách đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa đặc sản theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua cho thấy trong hợp tác sản xuất lúa giữa các bên vẫn còn một số bất cập, trong đó, khó khăn nhất là vấn đề tiêu thụ lúa gạo. Đó là khi thị trường biến động lớn, do chạy theo lợi nhuận, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều thường xé rào, phá vỡ hợp đồng không thu mua hoặc là bán cho các đối tác có giá trị cao hơn; hoặc là nông dân sản xuất lúa đến khi thu hoạch thì không có đầu ra.
Khắc phục các yếu kém trên, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cho biết sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông dân – doanh nghiệp để đầu ra có nơi tiêu thụ ổn định, đặt hàng sản xuất lúa gạo theo yêu cầu thị trường để tiêu thụ hết lúa nguyên liệu, đảm bảo giá lúa có lãi, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến doanh nghiệp và nông dân đều có lợi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định vùng sản xuất cho từng giống lúa phù hợp và ổn định lâu dài, lựa chọn phát triển một số giống lúa chất lượng cao phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục tổ chức sản xuất lúa đặc sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng các vùng chuyên canh, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng.
Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Bây giờ, phải phân khúc ra, doanh nghiệp yêu cầu giống gì thì đáp ứng giống đó. Đồng thời, đảm bảo chất lượng giống, để khi họ thu mua sẽ rất an tâm. Từ từ từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu. Chúng tôi sẽ làm từ từ có chỉ dẫn địa lý, vùng này sẽ chuyên sản xuất giống này, vùng kia sản xuất giống kia. Ngay cả thương lái cũng biết vùng để học mua, thì như vậy khâu tiêu thụ lúa của người dân sẽ dễ dàng”.
Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát triển mở rộng vùng đề án thêm 3 huyện là Long Phú, Châu Thành và Mỹ Tú để nâng tổng số địa phương tham gia sản xuất lên 7 huyện; đồng thời phấn đấu đạt sản lượng lúa đặc sản 0,8 triệu tấn/năm từ nay đến năm 2020./.
Thạch Hồng/VOV- ĐBSCL
Phù Mỹ (Bình Định): Nhộn nhịp mùa kiệu Tết
Nguồn tin: Báo Bình Định
Ông Ngô Ðình Ba, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết: Năm nay toàn huyện sản xuất trên 730 ha kiệu, tăng hơn so với năm ngoái; năng suất bình quân kiệu lá ước đạt 850 kg/sào, giảm 150 kg/sào; kiệu củ 350 kg/sào, giảm 50 kg/sào so với năm ngoái; nhưng với giá khá cao, người trồng kiệu ở Phù Mỹ có lãi khá.
Nông dân thôn Trực Đạo - xã Mỹ Trinh thu hoạch và cân kiệu lá cho thương lái.
Từ hơn nửa tháng qua, nông dân huyện Phù Mỹ đã vào mùa kiệu Tết. Bà Lê Thị Hương - ở thôn Trực Đạo, xã Mỹ Trinh, một trong 2 xã có diện tích kiệu nhiều nhất huyện, đang thu hoạch kiệu, bộc bạch: “Năm 2015 thời tiết bất lợi với cây kiệu, nắng hạn nhiều mà mưa muộn nên năng suất kiệu giảm. Bà con ở đây đã thu hoạch, bán kiệu Tết được nửa tháng rồi, giá bình quân 7.000 đồng/kg kiệu lá, có nhích hơn so giá năm ngoái, nếu cứ giữ như vậy thì năm nay ăn Tết vui”.
Bà Trần Thị Hoa, cũng ở thôn Trực Đạo, cho biết thêm: “Như năm ngoái nhà tui thu xấp xỉ 1 tấn kiệu lá/sào; năm nay trồng 8 sào, chắc cũng được 7 tấn. Chỉ mong giá kiệu ổn định từ đầu đến cuối vụ để bà con nông dân trồng kiệu như chúng tui ăn Tết vui hơn, đủ đầy hơn”.
Mỹ Hòa là xã diện tích kiệu nhiều nhất huyện Phù Mỹ. Người trồng kiệu ở đây đã thu hoạch rộ, tranh thủ lấy đất trồng đậu phụng vụ Đông Xuân. “Mặc dù năng suất không bằng năm ngoái, song với giá kiệu khá cao như mười mấy ngày qua là tốt rồi” ông Nguyễn Văn Khẩn - ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hóa, vừa bán xong 2 sào kiệu củ thu về 15 triệu đồng, trừ chi phí cầm chắc lãi 8 - 9 triệu đồng - vui vẻ nói.
Còn tại thôn Tân An - xã Mỹ Quang, người trồng kiệu cũng đang rộn ràng thu hoạch, nhất là trên những chân ruộng chuẩn bị xuống giống cây ớt vụ Xuân. Anh Nguyễn Ngọc Thái, đang nhổ kiệu trên ruộng, tâm sự: “Như mọi năm, năm nay tui trồng 1 mẫu, bán kiệu lá cũng được hơn 2 sào rồi, năng suất giảm một ít so với năm ngoái, nhưng giá bán 6.000 - 7.000 đồng/kg, nói chung cũng ổn định. Riêng năm ngoái, trồng 1 mẫu kiệu, tui thu về hơn 60 triệu đồng”.
Khác với các chân đất gò đồi tại Mỹ Trinh, các cánh đồng kiệu trên diện tích gò đồi tại thôn Tân An năm nay dù thời tiết có bất lợi nhưng năng suất không giảm hơn so với năm ngoái, củ kiệu lại to, tròn, đẹp. Bà Trần Thị Thanh, đang nhổ kiệu bán cho thương lái, cho hay: 3 sào kiệu này tui bán nguyên đám, với giá 24.000 đồng/kg kiệu củ. Thương lái đã đến xem kiệu và thống nhất giá cả rồi, giờ gia đình tui nhổ củ, chặt lá là có xe của thương lái đến vận chuyển đi. 3 sào kiệu này tui thu về khoảng 25 triệu đồng”.
Hiện nay, tại các địa điểm Gò Cao - ngã tư Hội Phú (xã Mỹ Hòa), ngã ba dốc Mã Đá (thôn Trà Lương) ngã tư cây xăng dầu thôn Trực Đạo (xã Mỹ Trinh), ngã ba trung tâm chợ huyện… không khí mua bán kiệu đã nhộn nhịp hẳn lên. Các xe vận chuyển kiệu lớp vào TP Hồ Chí Minh, lớp ra Đà Nãng, Huế… mang theo niềm vui của người trồng kiệu Tết ở đất kiệu Phù Mỹ.
Nhà ông Nguyễn Hữu Chí, ở thôn Trung Thành 1 - xã Mỹ Quang, là một điểm thu mua kiệu, có nhiều nông dân đang cân bán kiệu củ. Ông Chí cho biết, trong mấy ngày qua giá kiệu củ vẫn giữ ổn định. Riêng đối với kiệu tốt, củ to, tròn, chắc, giá có nhích hơn năm ngoái 1 đến 2 giá, bình quân từ 26.000 - 28.000 đồng/kg, kiệu cỡ trung 22.000 - 23.000 đồng/kg, riêng kiệu nhỏ thì giá sụt hơn so với những ngày đầu vụ thu hoạch, khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Trao đổi về giá cả kiệu củ trong thời gian tới, ông Chí chia sẻ: Giờ không đoán trước được, nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề mua bán kiệu của tui, dự kiến đối với kiệu củ lớn đẹp, chắc, giá vẫn sẽ giữ ổn định, có khi tăng nhẹ ở cuối vụ.
TRỌN – LỘC