Trồng bắp nếp lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Xã Tân Bình là địa phương trồng bắp nếp nhiều nhất ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Nhiều nông hộ nơi đây đã vào vụ thu hoạch với giá bán khoảng 25.000 đồng/chục. Cây bắp có thời gian sinh trưởng ngắn chỉ vào khoảng 64 ngày sẽ cho thu hoạch. Theo nhiều nông dân trồng bắp cho biết, cây bắp dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và có thể trồng xen với các loại cây trồng khác nên được nhiều nông hộ lựa chọn để sản xuất. Trung bình mỗi công bắp với giá bán hiện nay cho lợi nhuận từ trên 3 - 4 triệu đồng/công. Hiện huyện Phụng Hiệp có khoảng 120ha bắp, riêng xã Tân Bình hiện có hơn 30ha đang vào vụ thu hoạch.
THANH DUY
Đồng Nai: Khấp khởi mùa nấm Tết
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Các làng trồng nấm ở Long Khánh, Xuân Lộc, Suối Nho (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai)... đang rộn ràng vào vụ. Thị trường đầu năm nhiều loại nấm nghịch vụ nhưng trúng cả mùa và giá. Các loại nấm mèo, bào ngư cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, giá cũng khởi sắc hơn sau giai đoạn dài giá thấp.
Nông dân trồng nấm rơm phấn khởi vì được mùa, trúng giá. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch nấm rơm tại huyện Định Quán.
Do nhu cầu về các mặt hàng nấm cung cấp cho thị trường tết tăng cao, các thương lái đang đổ về các làng trồng nấm để gom hàng. Đặc biệt là nấm rơm của Đồng Nai có hình thức đẹp, chất lượng ngon nên được thị trường rất ưa chuộng.
* Nấm rơm nghịch vụ được mùa
Bà Lê Thị Mộng Tuyền, nông dân trồng nấm rơm tại xã Suối Nho, nhận xét: “Tuy thời điểm này nấm rơm đang làm nghịch vụ nhưng thời tiết rất thuận lợi cho nấm phát triển. Nhà tôi có khoảng 300m2 nhưng thu 3 - 4 ngày được cả trên 1 tấn nấm”. Theo bà Tuyền, lợi nhuận từ trồng nấm rơm cao hơn nhiều lần so với các cây hoa màu khác, nên vài năm trở lại đây rất nhiều nông dân trong xã chuyển qua trồng nấm rơm, trong đó không ít hộ chuyên làm nấm mèo chuyển sang nấm rơm vì thời gian qua nấm mèo thường xuyên rớt giá.
Ông Lại Văn Sỹ, chủ vựa thu mua nấm tại xã Suối Nho, cho biết mùa tết nấm rơm thường bán được với giá cao nên vụ nghịch vẫn thu hút nhiều nông dân đầu tư làm. Sản lượng nấm rơm cũng tăng rất nhanh qua từng năm, nhưng do xu hướng ăn chay đang tăng nhanh nên đầu ra cho sản phẩm này vẫn rất tốt. Chỉ riêng tại xã này đã có gần chục đại lý thu mua nấm rơm cung cấp từ các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh đến các chợ lẻ. “Nấm rơm Đồng Nai có mẫu mã đẹp, nấm chắc, ngọt thịt nên được thị trường ưa chuộng, thường có giá bán cao hơn những vùng khác” - ông Sỹ nói.
Đồng Nai hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm rơm, như: sẵn nguồn nguyên liệu sản xuất để làm các bịch phôi tận dụng được nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa... Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết: “3 năm trở lại đây, diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn xã mở rộng rất nhanh. Hiện mỗi năm toàn xã làm được khoảng 90 hécta nấm rơm, riêng vụ đông - xuân này đã đạt diện tích 60 hécta. Tuy diện tích tăng nhanh nhưng vẫn bán được giá tốt nên đây đang là mô hình kinh tế đứng hàng “tốp” về lợi nhuận tại địa phương”.
* Nấm mèo nhích giá
Vụ tết năm nay được cho là khá thuận lợi cho nông dân trồng nấm vì thị trường tiêu thụ nấm bắt đầu “ấm” lên. Theo đó, khoảng nửa tháng trở lại đây, giá các loại nấm mèo, nấm bào ngư, nấm sò... đang tăng lên, tuy nhiên thị trường nấm vẫn chứa nhiều rủi ro.
Nông dân trồng nấm mèo tại huyện Định Quán lo sản lượng thu hoạch giảm do ảnh hưởng bất lợi bởi thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Khánh (TX.Long Khánh), cho hay do suốt một thời gian dài giá thấp, sản lượng nấm mèo vụ này giảm khoảng 25% so với cùng kỳ mọi năm. Nhưng nguồn hàng trong dân vẫn dồi dào cung cấp cho thị trường. Sản lượng nấm mèo giảm còn do nhiều hộ sản xuất chuyển sang làm nấm rơm, nấm linh chi vì nhu cầu thị trường về các mặt hàng nấm này trong dịp tết tăng cao. Ông Hòe nói: “Tôi vừa đưa các sản phẩm nấm của Long Khánh tham gia một hội chợ tại TP.Hồ Chí Minh. Người tiêu dùng rất thích và đánh giá cao sản phẩm nấm của địa phương về cả mức giá và chất lượng. Điều bất hợp lý vẫn tồn tại bao năm nay là giá nông dân làm ra thấp nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại bị đẩy lên quá cao; khâu trung gian ăn quá nhiều lợi nhuận trong khi mọi rủi ro thì nông dân gánh”.
“Ông Nguyễn Xuân Trọng Tháp, nông dân có hơn 15 năm kinh nghiệm trồng nấm mèo tại huyện Định Quán, chia sẻ: “Những năm trước, nấm mèo cho lợi nhuận đứng đầu so với các cây trồng khác. Vài năm trở lại đây, giá nấm mèo quá bấp bênh, nhiều trại nấm quy mô lớn còn cố gắng giữ nghề, còn nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ đều chuyển sang trồng cây khác. Vụ tết năm nay, giá có nhích nhẹ nhưng nhiều hộ trồng nấm vẫn rất lo lắng sản lượng thu hoạch vụ này sẽ giảm do thời tiết không thuận”.
Bình Nguyên
Xuất khẩu 2016: Mở rộng thị trường gạo cao cấp
Nguồn tin: Báo Công Thương
Năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu (XK) gạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường là mục tiêu hàng đầu của ngành hàng này.
Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo là yêu cầu cấp thiết
Hoàn thành mục tiêu năm 2015
Theo VFA, tình hình XK gạo đầu năm 2015 tương đối ảm đạm. XK gạo 3 quý đầu năm ở mức thấp do thiếu hợp đồng gối đầu từ cuối năm 2014. Hợp đồng ký mới đầu năm 2015 cũng giảm do nhu cầu thị trường châu Á – thị trường trọng điểm của gạo Việt Nam sụt giảm. Tuy nhiên, thị trường diễn biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm 2015, nhất là trong quý IV do các doanh nghiệp ký được số lượng lớn hợp đồng từ thị trường tập trung (hơn 1,45 triệu tấn gạo), giúp XK gạo cả năm 2015 hoàn thành mục tiêu đề ra. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Kim ngạch XK gạo của nước ta đạt khoảng 6,7 triệu tấn trong năm 2015. Lúa gạo hàng hóa trong dân được tiêu thụ hết và giữ giá ổn định, bảo đảm mức lãi định hướng cho nông dân trồng lúa.
Cơ cấu và chủng loại gạo XK đã có sự thay đổi đáng kể khi hầu hết tỷ lệ gạo trắng đều sụt giảm, đặc biệt là gạo trắng cấp thấp. Trong khi đó, gạo thơm và nếp tăng mạnh. Gạo thơm tăng vượt mức từ 3,6% trong năm 2010 lên gần 23% trong năm 2015. Gạo đồ và gạo Japonica cũng đang là loại gạo được thị trường ưa chuộng. Điều này tạo sự đột phá trong cơ cấu chủng loại và chất lượng gạo XK Việt Nam.
Châu Á, châu Phi và châu Mỹ vẫn là 3 khu vực thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. XK gạo sang châu Á chiếm gần 75% trong năm 2015. Châu Phi là khu vực thị trường lớn thứ 2. Thị trường này chủ yếu nhập khẩu gạo thơm từ Việt Nam. Điều này phần nào giúp bù đắp cho lượng gạo trắng và gạo chất lượng thấp đang giảm mạnh do sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ và Thái Lan. Châu Mỹ - thị trường lớn thứ 3 tương đối ổn định với Cuba chiếm thị phần lớn nhất. Mỹ, Mexico, Haiti đã có sự phát triển thị phần đáng kể trong những năm gần đây.
Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo
Nhận định về tình hình XK gạo trong năm 2016, VFA cho rằng, XK gạo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt. Đơn cử như Thái Lan, do lượng tồn kho gạo cũ lớn buộc phải bán ra và chất lượng giảm nên Thái Lan bán giá rất thấp so với mặt bằng giá chung của thị trường quốc tế và thấp hơn gạo Việt Nam cùng loại khoảng hơn 40 USD/tấn.
Định hướng của ngành lúa gạo trong năm 2016 là duy trì và củng cố phân khúc thị trường gạo trung bình và cấp thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh có sẵn về giá thành sản xuất và cước vận chuyển gần, gồm có thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó thiết lập và về lâu dài mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu. Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng thực hiện tăng cường liên kết và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo cao cấp. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, giúp hoạt động XK gạo phát triển bền vững trong thời gian tới.
VFA kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hoặc hàng có chất lượng không bảo đảm quy định, ảnh hưởng đến chất lượng gạo XK.
Phương Lan
Canh tác lúa theo tiêu chí “Cánh đồng lúa bốn tốt”
Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM
Qui trình canh tác lúa theo tiêu chí “Cánh đồng lúa bốn tốt” cho vùng đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng của “Quy trình thâm canh tổng hợp lúa chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long” và giải pháp “Ba giảm, ba tăng” có bổ sung thêm một số biện pháp kỹ thuật mới.
“Cánh đồng lúa bốn tốt” được Viện lúa ĐBSCL nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để xây dựng mô hình theo hướng tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, tăng lợi nhuận và bền vững môi trường. Mô hình được nghiên cứu và triển khai theo dõi từ năm 2010.
Nội dung chủ yếu của qui trình canh tác “Cánh đồng lúa bốn tốt” bao gồm:
1. Đất tốt: là đất không có các yếu tố hạn chế cản trở tới sinh trưởng, phát triển của cây lúa từ khi gieo sạ tới khi thu hoạch.
Yếu tố hạn chế: thường gặp là điều kiện đất đai, thời tiết
- Nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, chất lượng nước tưới và ánh sáng kém, pH thấp do đất có thời gian khô nứt tạo điều kiện cho không khí lọt sâu vào trong lòng đất, oxi hóa khử tầng phèn tiềm tàng tạo thành tầng phèn hoạt động.
- Mầm mống bệnh hại của vụ trước còn lưu tồn trong đất làm chết mầm mạ non.
- Sau thu hoạch một lượng lớn rơm rạ thường được vùi lại trong ruộng trong điều kiện yếm khí dễ phân hủy tạo thành các acid hữu cơ và các khí độc gây ngộ độc cây.
- Để phân giải hữu cơ, nhóm vi sinh vật trong đất đã sử dụng một lượng khá về N và P, gây ra sự tranh chấp quyết liệt về dinh dưỡng cây trồng.
- Khi thời tiết mưa cùng với ánh sáng không thuận lợi lúc lúa trổ ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ phấn dẫn đến tỷ lệ hạt lép cao và số hạt chắc/bông thường thấp hơn so với vụ Đông Xuân.
Giải pháp khắc phục yếu tố hạn chế
-Xác định được yếu tố hạn chế trong đất, áp dụng các giải pháp thích hợp để làm cho đất khỏe.
-Làm đất kỹ, trang bằng mặt ruộng để thuận lợi cho quản lý nước, tạo điều kiện cho hạt mọc đều, khỏe.
-Nếu đất có mầm mống bệnh hại thì cần xử lý hạt giống và xử lý đất trước khi sạ để đảm bảo an toàn cho ruộng lúa ngay từ giai đoạn đầu.
2.Giống tốt: giống phải thích hợp với từng mùa vụ và điều kiện thổ nhưỡng cho vùng trồng.
Sử dụng giống xác nhận, thích hợp với mùa vụ và điều kiện sinh thái của vùng canh tác, giống phải kháng được bệnh đạo ôn, rầy nâu, chống chịu được với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với hàm lượng amylose <25.
3.Chăm sóc cây lúa tốt:
- Phòng trừ cỏ dại và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ bằng các biện pháp tổng hợp, luân phiên sử dụng thuốc hóa học để hạn chế việc cỏ dại hoặc ốc bươu vàng kháng thuốc.
- Bón phân theo nhu cầu của cây và nâng cao hiệu quả phân bón. Bón phân theo phương pháp từng vùng chuyên biệt, với kỹ thuật ô khuyết sẽ giúp xác định khá chính xác loại và lượng phân cần bón, sử dụng bảng so màu lá để quyết định lượng phân. Tuân thủ nguyên tắc 6 đúng khi bón: đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp, đúng loại đất, đúng mùa vụ.
- Ứng dụng kỹ thuật tưới khô – ngập xen kẽ để nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Chủ động rút cạn nước ruộng vào một số giai đoạn trừ 2 giai đoạn phân hóa đòng và giai đoạn trổ.
- Phòng trừ sâu bệnh và rầy nâu theo IPM. Sử dụng giống kháng bệnh và rầy nâu, áp dụng chế độ canh tác hợp lý, không sạ dày, không bón thừa phân N, kết hợp thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện dịch hại sớm để ngăn ngừa kịp thời và hiệu quả, áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Sử dụng thuốc có độ an toàn cao với hệ thiên địch cũng như môi trường, luân phiên sử dụng thuốc hóa học để tránh hiện tượng sâu, bệnh hại kháng thuốc.
4. Sản phẩm tốt và môi trường tốt:
- Thu hoạch đúng độ chín, sử dụng máy gặt đập liên hợp để giảm chi phí, tránh phơi trực tiếp trên nền xi măng vì tăng tỉ lệ gạo gẫy.
- Sử dụng giống đạt chuẩn cùng với gói kỹ thuật tốt nên sản phẩm sẽ đồng nhất và chất lượng tốt hơn.
- Hạn chế đốt rơm rạ, giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới nên giảm lượng khí thải nhà kính góp phần cải thiện môi trường.
Hiệu quả:
Khi ứng dụng qui trình canh tác “cánh đồng lúa 4 tốt” tiết giảm được nhiều chi phí so với mô hình canh tác theo kiểu truyền thống cụ thể:
- Giống: tiết kiệm được 80 - 100kg giống/ha tương đương 720.000 - 900.000 đ/ha.
- Phân bón: tiết kiệm được 85 - 115kg/ha các loại phân, tương đương 905.435 - 1.225.000 đ/ha.
- Giảm 2 lần phun thuốc tương đương với 720.000 đ/ha.
- Năng suất lúa tăng 200 - 500kh/ha tương đương 1.000.000 - 2.500.000 đ/ha.
Như vậy tổng chi giảm 2.665.000 đ/ha, lợi nhuận tăng 3.665.000 đ/ha.
Với hiệu quả mà mô hình “Cánh đồng lúa 4 tốt” mang lại, mô hình này không chỉ ứng dụng cho riêng vùng ĐBSCL mà còn có thể xem xét mở rộng ở các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL để phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Như Hạnh (Theo Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long)
Thừa Thiên Huế: Giống cây lâm nghiệp: Từ gieo hạt đến cấy mô
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Kết hợp giữa kinh nghiệm với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, những năm gần đây, doanh nghiệp và người dân đã tạo ra nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bước chuyển biến
Ông Phan Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Nam Hòa chia sẻ: Khi phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế “manh nha”, cũng là lúc đơn vị tổ chức sản xuất cây giống để cung ứng nhu cầu trồng rừng. Mấy năm đầu chưa có kinh nghiệm, đơn vị chủ yếu sản xuất bằng phương pháp hữu tính (sử dụng hạt để gieo trồng), nguồn giống chất lượng thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Tiếp đó, đội ngũ kỹ sư của công ty nghiên cứu sản xuất thành công việc nhân giống keo hom, với nhiều ưu điểm hơn. Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 700 ngàn đến 1 triệu cây giống, phục vụ nhu cầu trồng rừng của đơn vị và bán tại một số tỉnh lân cận. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn.
Sản xuất giống tại Công ty TNHH NN 1 TV Lâm nghiệp Tiền Phong
Một trong những đơn vị tiên phong và có nhiều đột phá trong sản xuất giống lâm nghiệp là Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong. Cách đây mấy năm, công ty đã đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống, với trang thiết bị công nghệ hiện đại, nghiên cứu thành công phương thức cấy mô. Mỗi năm, đơn vị sản xuất từ 2 đến 2,5 triệu cây giống keo lai hom và khoảng 1 triệu cây nuôi cấy mô. Giống keo nuôi cấy mô thường lên thẳng, ít phân cành, có rễ chắc chắn, chịu được gió nên chỉ trồng thưa, giảm công chăm sóc. Sử dụng giống cây nuôi cấy mô tuy chi phí tăng khoảng vài triệu đồng/ha, nhưng năng suất, chất lượng cây trồng đều vượt trội, thu nhập tăng vài chục triệu đồng/ha, được người dân đón nhận.
Đáp ứng nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh, mỗi năm công ty sẽ sản xuất thêm khoảng 1 triệu giống cây nuôi cấy mô. Việc sản xuất thành công giống nuôi cấy mô, khẳng định bước chuyển biến về áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu trong phát triển rừng trồng. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm giống nuôi cấy mô cao, chưa phổ biến nên phần lớn người dân vẫn dựa vào giống hom.
Nâng cao hiệu quả cây trồng
Theo tính toán của bà Lê Thị Thúy Nga, cán bộ Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, cây ngoài rừng (tự nhiên) đối với giống keo lai hom có tốc độ sinh trưởng từ 20 đến 25 m3/ha/năm, nhưng với giống cấy mô có tốc độ sinh trưởng trên 35 m3/ha/năm… Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, hiệu quả trồng rừng kinh tế hằng năm được nâng lên. Nếu như trước đây, mỗi ha cho nhu nhập vài chục triệu đồng thì mấy năm gần đây, mỗi ha trồng giống keo hom cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Nếu sử dụng giống nuôi cấy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, mỗi ha có thể thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm-Lê Văn Hóa cho biết, chất lượng nguồn giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao. Đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây lâm nghiệp cho gần 20 triệu cây, trong đó chỉ trên 1,1 triệu đồng cây mầm bằng phương pháp nuôi cấy mô. Điều đó cho thấy, giống nuôi cấy mô chất lượng cao chỉ mới đáp ứng phần nhỏ diện tích sản xuất toàn tỉnh. Ưu thế của việc trồng giống nuôi cấy mô đã thấy rõ, nhưng khó khăn lớn đối với các lâm trường là kinh phí đầu tư công nghệ, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Một bộ phận người dân vẫn chưa thấy rõ ưu điểm của giống nuôi cấy mô, chủ yếu sử dụng giống keo hom...
Vậy nên, ngoài Công ty TNHH NN 1 thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong, các đơn vị khác cần được đầu tư kinh phí, công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật để tăng cường sản xuất giống lâm nghiệp nuôi cấy mô, đáp ứng yêu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các địa phương, ban ngành cần tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng, sử dụng giống nuôi cấy mô đưa vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2015, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên 20 triệu cây giống lâm nghiệp; trồng mới 5.657ha rừng, đạt tỷ lệ 95% (trong đó, rừng phòng hộ 1.364,9 ha, rừng sản xuất 4.258,4ha, trồng thay thế 33,7ha). Công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh đạt 100% so với kế hoạch. Theo kế hoạch, toàn tỉnh chuẩn bị trên 22 triệu cây giống lâm nghiệp để trồng mới năm 2016…
Hoàng Triều
Long An: Rau, củ, quả... vào vụ Tết
Nguồn tin: Báo Long An
Để phục vụ thị trường tết, nhà nông sản xuất rau, củ, quả… đang tất bật vào mùa.
Tất bật vào vụ tết
Thời điểm này, siêu thị Co.opMart Tân An (Long An) tích cực chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường các chương trình hợp tác với nhà sản xuất, nhà cung cấp để có nguồn hàng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của khách hàng vào dịp Tết Bính Thân 2016. Bên cạnh các mặt hàng khác, siêu thị cũng tập trung vào nhóm hàng rau, củ, quả… Bình quân mỗi ngày, siêu thị cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau, củ, quả các loại và những ngày cận tết, số lượng này sẽ tăng lên.
Chanh được trồng nhiều để phục vụ tết. Ảnh: Duy Bằng
Giám đốc siêu thị Co.opMart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh cho biết: “Để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu người tiêu dùng, không chỉ ngày tết mà ngay cả những ngày thường, chúng tôi luôn chuẩn bị nguồn hàng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi chú trọng công tác kiểm nghiệm tại nguồn, tại kho và kiểm tra ngẫu nhiên tại các sạp - do đội ngũ quản lý chất lượng chuyên nghiệp; ưu tiên nhập hàng từ những nhà cung cấp có chứng nhận trong chuỗi an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP… Co.opMart Tân An ước tính tổng lượng hàng hóa chuẩn bị năm nay tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 25 - 30% so với ngày thường, trong đó, mặt hàng rau, củ, quả chiếm khoảng 15%”.
Theo ghi nhận của chúng tôi đến thời điểm này, tại các chợ, tiểu thương bắt đầu đặt hàng từ những đầu mối để có đủ nguồn hàng phục vụ tết. Chị Nguyễn Thị Một, tiểu thương chợ Bàu Trai, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa cho biết: “Tôi buôn bán đồ hàng bông đã nhiều năm ở chợ. Tôi thấy, tết nào cũng vậy, ngoài những thực phẩm khác như thịt, cá, bia, rượu thì người mua vẫn chọn những loại rau, củ, quả cần thiết hàng ngày. Bên cạnh những loại rau ăn lá, rau gia vị thì dưa leo, khổ qua, mướp, bí… có sức tiêu thụ mạnh."
Khổ qua là mặt hàng nằm trong nhóm rau củ tiêu thụ nhiều trong dịp tết
Nhu cầu mua đồ hàng bông của người dân chỉ thực sự “rộ” lên vào khoảng 27, 28 tết. Ngày cuối năm, chắc chắn gia đình nào cũng có nồi khổ qua dồn thịt để cúng rước ông bà. Với tâm lý mong muốn mọi vận rủi, những điều không may qua đi, để gia đình đón một năm mới với nhiều may mắn và an lành. Khổ qua là mặt hàng nằm trong nhóm… cháy hàng trong mỗi dịp tết. Có năm, do khan hiếm hàng, khổ qua lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Nông dân phấn khởi
Về Đức Huệ vào những ngày cuối năm, nông dân nơi đây đang tất bật chuẩn bị những mặt hàng nông sản nhằm phục vụ nhu cầu thị trường mùa tết. Đức Huệ không phải là vùng chuyên cung cấp rau quả nhiều như ở Đức Hòa, nhưng thời điểm cận tết, nông dân cũng tập trung sản xuất những loại rau màu như ớt, chanh…
Chăm sóc rau màu phục vụ tết. Ảnh: Hữu Tuấn
Ông Nguyễn Văn Vinh, nông dân ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông cho biết: "Tôi có khoảng 1ha ớt để phục vụ tết. Mọi năm, khoảng từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 dương lịch là tôi bắt đầu trồng, hiện nay, ớt đang cho thu hoạch và sẽ kéo dài đến sau tết. Thường thì vụ này tôi có lãi hơn 30 triệu đồng nên rất phấn khởi”.
Anh Nguyễn Văn Luyến, nông dân ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa cho biết thêm: “Gia đình tôi có 0,5ha đất, chuyên trồng các loại dưa leo, bí đao, khổ qua, cà chua, cà tím… Tùy vào từng vụ, nhưng thời điểm cận tết, tôi chỉ trồng khổ qua, dưa leo. Đây là loại cây trồng có thời gian thu hoạch khoảng 35 - 40 ngày đối với dưa leo, khoảng 45 - 60 ngày với khổ qua, vì thế nông dân chúng tôi thường “canh” thời điểm gieo hạt để thu hoạch sao cho “trúng” dịp tết. Mấy năm trước, những ngày giáp tết, thương lái đến thu mua khoảng 1 đến 1,2 tấn khổ qua/ngày”.
Nếu như các huyện vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc được xem là “lãnh địa” của các loại rau màu, rau ăn lá, rau gia vị thì các huyện vùng thượng Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức không có một… sản phẩm chủ lực nào nổi bật. Những sản phẩm rau, củ, quả hầu như được nông dân sản xuất một cách rải rác, thiếu tập trung. Tuy vậy, nhằm phục vụ thị trường tết, không khí sản xuất của nông dân cũng nhộn nhịp không kém những người trồng rau các huyện vùng hạ…
Khóm son, loại trái cây thu hút trong dịp tết để chưng mâm ngũ quả. Ảnh: Thu Ngân
Rời Đức Hòa, Đức Huệ, chúng tôi ngược về Bến Lức, thẳng đến xã vùng sâu Thạnh Lợi, 2 bên đường là những ruộng khóm xanh tốt, xen lẫn là một vài ruộng trồng khóm son.
Bà Nguyễn Thị Gái, ấp 3, xã Thạnh Lợi, một nông dân trồng khóm son để phục vụ cho nhu cầu thị trường tết cho biết: “Mỗi năm khóm son chỉ cho một vụ trái duy nhất, nên nông dân phải… chăm sóc sao cho khoảng 23 đến 27 tết là thu hoạch để phục vụ nhu cầu của người dân. Năm qua, với giá bán cho thương lái mỗi trái khoảng 12.000 đến 15.000 đồng tại ruộng, với 0,5ha đất trồng khóm son, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi còn lãi khoảng 80 triệu đồng, hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng khóm thường. Tôi đang định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng khóm son để phục vụ thị trường tết hàng năm, tuy nhiên vẫn còn đang lo ngại đầu ra, nếu ai cũng trồng ồ ạt, sợ không tiêu thụ được”./.
Hoàng Lê
Singapore bác thông tin khoai lang Việt Nam chuyển màu xanh do dioxin
Nguồn tin: VOV
Phía Singapore khẳng định chất độc da cam không phải là tác nhân khiến khoai lang chuyển sang màu xanh.
Theo The Straits Times, ngày 11/1, Cơ quan Nông sản và Thú y Singapore (AVA) khẳng định khoai lang chuyển sang màu xanh vẫn an toàn khi sử dụng, đồng thời bác bỏ thông tin lan truyền cho rằng các loại rau củ nhập khẩu từ Việt Nam là độc hại.
Trước đó, một số thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook cho biết, khoai lang giống Nhật Bản trồng tại Việt Nam được nhập khẩu vào Singapore chuyển sang màu xanh khi được cất giữ trong tủ lạnh qua đêm và được đặt trong lò vi sóng.
Đoạn thông tin không chính xác lan truyền trên mạng về khoai lang Việt Nam (Ảnh: The Straits Times)
Đoạn thông tin còn trích lời một bác sĩ giấu tên nói rằng khoai lang được trồng trong đất bị ô nhiễm bởi chất độc da cam. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ sử dụng chất độc da cam để khai quang rừng. Loại chất độc này đã khiến nhiều em bé Việt Nam được sinh ra với dị tật nghiêm trọng.
AVA khẳng định: "Chúng tôi muốn đảm bảo với công chúng rằng, chất độc da cam không phải là tác nhân khiến khoai lang chuyển sang màu xanh”.
Theo cơ quan này, khoai lang có chứa flavonoid (một loại chất chống oxy hóa) và các sắc tố tan trong nước có thể gây ra những thay đổi màu sắc.
"Màu xanh có thể do sự xuất hiện tự nhiên, khi các sắc tố tan trong nước khoai lang được nấu chín và tiếp xúc với không khí. Nếu khoai lang được nấu chín, xử lý và lưu trữ đúng cách, công chúng nên yên tâm về an toàn thực phẩm”, AVA cho hay.
Theo AVA, thực phẩm nhập khẩu, bao gồm khoai lang, thường xuyên được kiểm tra về hóa chất và các hình thức ô nhiễm khác như kim loại nặng, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc.
Cơ quan này khẳng định: “Bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi đều không được phép bán tại Singapore”./.
Minh Dương/VOV.VN
Trà Vinh: Trồng hơn 2.000 ha dưa hấu Tết
Nguồn tin: Trà Vinh
Vụ dưa hấu tết năm nay, nông dân ven biển tỉnh Trà Vinh đã gieo trồng được hơn 2.000 ha, giảm hơn 30% diện tích so với năm trước; tập trung nhiều ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Thu hoạch dưa hấu
Các giống dưa hấu được trồng nhiều là dưa An Tiêm, Sugas 100, Hắc Mỹ Nhân, Thanh Mỹ Nhân, Phù Đổng và dưa ghép bầu để chưng trong những ngày tết. Hiện nay bà con đã bắt đầu thu hoạch, cho năng suất trên 4 tấn/công, với giá hiện nay là 4.000 đồng/kg, nông dân thu vào hơn 16 triệu đồng/công đất trồng dưa hấu. Đa số các hộ nông dân đều sử dụng màng phủ nông nghiệp, diệt được cỏ dại, ít tốn nước tưới tiêu và giảm được chi phí trong sản xuất.
Theo một số hộ nông dân cho biết, khả năng trong dịp tết năm nay dưa hấu sẽ ít được tiêu thụ hơn so với các năm trước, do hiện nay nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên dưa hấu trồng được quanh năm./.
Nguyễn Tân
Triển vọng cây cam V2 tại Bảo Thắng (Lào Cai)
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Cam V2 có nguồn gốc từ Malaysia, được đưa vào trồng tại huyện Cao Phong (Hòa Bình) cách đây gần mười năm và trở thành “cây tỷ phú”, giúp người dân nơi đây làm giàu. Nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây này, cách đây 3 năm, Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ đã phối hợp với huyện Bảo Thắng triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển giống cam Valencia2 (V2) trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai”.
Chúng tôi đến xã Phố Lu đúng lúc ngành chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh hại trên cây cam V2 cho người dân trên địa bàn. Buổi tập huấn đã thu hút hơn 30 hộ dân, đại diện cho hơn 200 hộ trồng cây cam V2 tại các xã trong vùng dự án, gồm Phố Lu, Thái Niên, Xuân Quang, Sơn Hải, Gia Phú.
Cán bộ nông nghiệp huyện Bảo Thắng kiểm tra mô hình trồng cam V2.
Trò chuyện với ông Nguyễn Duy Nhượng, thôn Tân Lập, xã Sơn Hải - người dành nhiều công sức và tâm huyết với cây cam V2 trong 3 năm qua, chúng tôi được biết, toàn xã có khoảng 10 ha cây cam V2, thì riêng gia đình ông Nhượng đã có gần 2 ha, với hơn 1.000 cây. Đây cũng là mô hình trồng cam V2 lớn nhất huyện Bảo Thắng tính đến nay. Gia đình ông Nhượng tham gia trồng cây cam V2 từ tháng 11/2014, đến nay, 50 cây cam trồng đợt đầu đã ra hoa. Cam V2 được người dân ví là “cây nhà giàu”, bởi đòi hỏi phải được chăm bón với chế độ khá đặc biệt và đúng kỹ thuật (phải thường xuyên theo dõi độ pH của đất, kiểm tra sự sinh trưởng của cây để kịp thời phòng, trừ sâu, bệnh hại). Nếu phát hiện bệnh muộn, phải chặt bỏ ngay để không lây lan sang cây khác. “Khi bắt tay vào trồng cây cam V2 trên quy mô lớn, nhiều người khuyên tôi nên cân nhắc, vì đây là cây trồng mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên tôi nghĩ, muốn giàu thì phải liều. Năm 2016, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm hơn 100 cây cam V2” - ông Nhượng chia sẻ.
Một số hộ dân tại thôn Báu, xã Thái Niên - địa bàn trồng cam V2 với quy mô tập trung ngay từ đợt đầu triển khai dự án cho biết, hiện cây cam V2 phát triển tốt, ít sâu bệnh, 1/3 diện tích cam V2 (3 năm tuổi) đã cho quả bói. Tuy mẫu mã của lứa quả đầu tiên chưa đẹp, nhiều quả bị nám vỏ, do khâu chăm sóc chưa tốt, nhưng cây cam V2 vẫn mang đến hy vọng cho các hộ dân nơi đây. Ông Lù A Păn, thôn Báu trồng 50 cây cam V2 trong đợt đầu và có khoảng1/4 trong số này cho ra quả bói. Tuy không sai quả như cam Cao Phong mà ông Păn từng đi tham quan, nhưng ông nhận thấy, cam cũng ngọt và mọng nước không kém “quê gốc”.
Cam V2 là cây có giá trị kinh tế cao, tại huyện Cao Phong, quả cam có giá bán từ 60.000 - 65.000 đồng/kg; 1 ha cam trồng 7 năm tuổi, nếu đạt năng suất tốt, có thể cho nguồn thu tới 7 tỷ đồng. Tại Bảo Thắng, dự án đang trong giai đoạn thực nghiệm và đã có thành công bước đầu, mang lại cho người dân địa phương hy vọng làm giàu từ cây trồng này.
Ông Đỗ Trung Tá, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh cho biết: Trước khi thực hiện dự án tại huyện Bảo Thắng, đơn vị đã tổ chức khảo sát các yếu tố có liên quan, như thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ sản xuất của người dân. Sau 3 năm triển khai, đến nay, cây cam V2 tại Bảo Thắng đã sinh trưởng tốt, hầu hết diện tích cây 3 năm tuổi đã cho vụ quả đầu tiên, không ngoài kết quả tính toán của cơ quan chuyên môn. Quả cam V2 tại Bảo Thắng có chất lượng khá cao, tương đương với chất lượng sản phẩm tại huyện Cao Phong, Hoà Bình. Tuy nhiên, ông Tá cũng cho biết, một số diện tích cam chậm phát triển, quả xấu là do người sản xuất đã không tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, bảo vệ thực vật như cơ quan chức năng khuyến cáo và điều này hoàn toàn có thể khắc phục được.
THẾ HOÀN
Nông dân trồng thanh long bất an vì bị trộm bóng đèn
Nguồn tin: VOV
Nhiều hộ trồng thanh long ở Bình Thuận đã bị kẻ gian lấy cắp hàng trăm bóng đèn chong cho thanh long ra hoa nghịch vụ.
Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa chong đèn thanh long cho ra hoa nghịch vụ, tình trạng mất trộm bóng đèn compact lại xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đang là điểm nóng của tình trạng này, khiến cho nông dân ở đây lo lắng, mất ăn mất ngủ canh chừng vườn thanh long.
Vườn nhà anh Nguyễn Cao Nguyên ở thôn Phú Hưng, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam có gần 400 trụ thanh long đang chong đèn cho ra hoa nghịch vụ với 720 bóng compact. Ngày 6/1 vừa qua, trong lúc anh Nguyên không có mặt ở vườn, kẻ trộm đã đột nhập lấy đi 220 bóng compact cùng với đuôi đèn, thiệt hại cho gia đình gần 10 triệu đồng.
“Kẻ gian lấy cắp một cách chuyên nghiệp vì hầu hết các bóng đèn bị mất ở phía trong những cây thanh long. Khi chủ vườn bật đèn và nhìn từ phía ngoài vẫn thấy có ánh sáng, nhưng phía ở trong đèn đã bị lấy cắp”, anh Nguyên cho biết.
Người dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam lo lắng vì liên tiếp xảy ra mất trộm bóng đèn compact kèm đuôi có giá khoảng 40.000 đồng/cái.
Trước đó, hàng chục hộ dân khác ở xã Hàm Mỹ cũng liên tục bị mất bóng đèn compact chong đèn thanh long.
Bị mất gần 100 bóng compact, ông Đặng Thanh Quang ở thôn Phú Hưng cho biết: “Năm nay nạn ăn cắp bóng đèn lại rộ lên gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Khi mất bóng đèn ngoài việc ảnh hưởng đến pha điện cung cấp, chi phí mua bóng đèn thay thế, lớn hơn nữa là thanh long sẽ không ra hoa, thiệt hại không thể tính được”.
Tình trạng mất cắp bóng đèn thanh long đã từng xảy ra nhiều năm trước, trong vòng 1 tháng trở lại đây lại rộ lên với tần suất dày đặc, xảy ra cả ban ngày lẫn ban đêm. Nhiều người phải mất ăn mất ngủ canh chừng vườn thanh long vì lo sợ bị mất trộm.
Ông Nguyễn Minh Hương, người dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, người dân rất hoang mang, không yên tâm làm ăn khi bóng đèn mất quá nhiều. Đề nghị cơ quan chức năng nên triệt phá những điểm tiêu thụ bóng đèn của kẻ gian ăn cắp được.
Diễn biến mới nhất là vừa qua, một đối tượng trong lúc gỡ trộm bóng đèn tại vườn nhà ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ đã bị người dân phát hiện. Đối tượng vội vàng nhảy qua mương nước làm rơi một chiếc ví, trong đó có một số giấy tờ liên quan đến nhân thân của đối tượng.
Tuy nhiên, khi công an xã gửi giấy triệu tập, đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương./.
Việt Quốc/VOV - TP HCM
Trồng dưa hấu không hạt ngày Tết
Nguồn tin: Báo Long An
Vụ dưa hấu tết năm nay, nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trồng 102ha, tập trung nhiều nhất tại xã Mỹ Lộc (70ha), Phước Hậu (20ha), Phước Lâm (12ha). Phần lớn, nông dân trồng loại dưa không hạt Mặt trời đỏ.
Nông dân xã Mỹ Lộc trồng dưa hấu tết.
Là người có kinh nghiệm về trồng dưa hấu tại xã Mỹ Lộc, anh Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Lộc Trung thông tin, năm nào cũng vậy, cứ độ cuối năm là gia đình anh chuẩn bị trồng dưa hấu tết. Không chỉ trồng tại xã Mỹ Lộc, anh còn mướn đất trồng thêm ở xã Phước Hậu.
Mùa dưa năm nay, gia đình anh trồng 8ha, trong đó, có 6ha dưa hấu và 2ha dưa gang. Năm trước, cuối vụ gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng/ha. Hiệu quả từ việc trồng dưa hấu đem lại không chỉ giúp gia đình anh có cuộc sống sung túc mà còn đem về cho anh danh hiệu nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Mới đây, anh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi.
“Hiện nay, dưa hấu của gia đình tôi đang trong giai đoạn bấm ngọn, tỉa chèo. Do diện tích trồng tương đối lớn nên mỗi vụ phải mướn vài chục lao động mới làm xuể” - anh Sơn nói.
Một nông dân khác cũng thường xuyên trồng dưa hấu vào mùa tết là anh Lưu Hoàng Minh, ngụ ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc cho biết, vụ dưa này anh trồng được hơn 2ha. Hiện dưa được hơn 1 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Anh cùng những nông dân ở xã thỏa thuận với một số công ty đặt cọc mua với giá dao động từ 7.000 - 7.500/kg.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn cho biết, vụ dưa hấu tết năm nay, nông dân trong huyện trồng 102ha, giảm so với niên vụ 2014 - 2015 là 3ha, tập trung nhiều nhất tại xã Mỹ Lộc với diện tích 70ha, Phước Hậu 20ha và Phước Lâm 12ha. Phần lớn, nông dân trồng loại dưa không hạt Mặt trời đỏ. Vụ dưa năm trước năng suất trung bình 25 tấn/ha, người dân có lãi từ 75 - 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, liên tục nhiều năm nay, đầu ra dưa hấu vẫn chưa ổn định do chưa bao tiêu được sản phẩm, nông dân đều tự thỏa thuận và bán cho thương lái./.
Thanh Nga
Trồng Dưa lê chưng Tết cho thu nhập cao
Nguồn tin: Trà Vinh
Đó là mô hình của hộ anh Nguyễn Văn Tài ở ấp Khoán Tiều, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Gia đình anh có 4 công đất giồng cát, mấy vụ trước chuyên trồng các loại rau màu như: Dưa hấu, Bí đỏ… Vụ màu Tết Nguyên đán Bính thân 2016 này, anh chuyển sang trồng Dưa lê chưng tết. Sau 2 tháng trồng gia đình ước thu hoạch cho năng suất trên 2 tấn/công, bình quân mỗi trái nặng từ 1 - 1,2/kg, với giá được bao tiêu toàn bộ sản phẩm là 9.500 đồng/kg, gia đình thu vào hơn 19 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/công, cao gấp 3 lần so với trồng các loại rau màu khác.
Mô hình trồng Dưa lê của hộ anh Tài
Anh Tài cho biết: Dưa lê rất dễ trồng giống như trồng dưa hấu nhưng phải chăm sóc thường xuyên, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình xử lý như đất được lên liếp cao 30 - 35 cm, trên liếp được phủ một lớp ni lông để giữ được độ ẩm trong đất, hạn chế cỏ mọc và thực hiện biện pháp treo trái từ khi trái còn nhỏ, để tránh trái tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nhằm hạn chế sâu bọ xâm hại.
Ông Lê Minh Nguyện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long Hòa cho biết: Mô hình trồng Dưa lê của gia đình anh Nguyễn Văn Tài đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn xã, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Nguyễn Tân
Chuối rớt giá, ế ẩm
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Từ 10.000 đồng/kg, lúc rẻ cũng 7.000 đồng nhưng bây giờ chuối quả tươi chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg mà thương lái cũng chẳng thiết tha như trước…
Trồng chuối quá “chuối”
“Mấy năm trước, thời điểm ở xã chúng tôi bắt đầu chuyển sang trồng chuối theo kiểu hàng hóa, tập trung và quy mô lớn, đầu tư bài bản thì 1kg chuối quả bán tới 12.000 - 13.000 đồng, ai cũng dồn sức vào chuối nhưng vài tháng nay giá chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/kg, giảm tới 6 lần mà cũng không doanh nghiệp nào muốn mua”, anh Nguyễn Văn Khương, một chủ hộ trồng hơn 2.000 gốc chuối ở xã Liên Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) than vãn về tình trạng giá chuối xuất khẩu rớt giá không phanh như hiện nay.
Anh Khanh cho biết thêm, thời vàng son không chỉ trái mà cả hoa và lá đều có giá, bao nhiêu cũng không đủ cung cấp cho tiểu thương đặt hàng. Bây giờ giá quá rẻ, các trang trại đều cắt giảm người làm, không thiết tha đầu tư nữa.
Từ 10.000 đồng/kg, lúc rẻ cũng 7.000 đồng nhưng bây giờ chuối quả tươi chỉ còn hơn 2.000 đồng/kg mà thương lái cũng chẳng thiết tha như trước…
Câu chuyện ở tỉnh Vĩnh Phúc chỉ là một thí dụ nhỏ về tình hình chuối rớt giá, nông dân đang phải chặt bỏ, đem cho trâu, bò, heo ăn để chuyển sang trồng cây khác có giá trị kinh tế hơn. Ở nhiều nơi, bao gồm cả các tỉnh ở miền Trung như Quảng Trị, Phú Yên và các tỉnh Nam bộ... nhiều tháng nay, giá chuối cũng rớt thê thảm như vậy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có lẽ nơi khởi điểm phong trào trồng chuối xuất khẩu là xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai). Năm 2000, một doanh nghiệp tư nhân đã thuê hơn 100ha đất rừng của bà con để đầu tư trồng chuối cấy mô xuất sang Trung Quốc. Sau đó, diện tích chuối vượt khỏi phạm vi trang trại của công ty, lan ra cả xã Bản Lầu và nhiều xã khác của huyện Mường Khương, Bát Xát... Đi dọc sông Hồng, chỗ nào cũng bạt ngàn đồi chuối, dứa.
Theo Bí thư Đảng ủy xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) Nguyễn Hồng Sơn, ở đây nông dân đã từng làm giàu nhờ chuối, mua được xe máy, xây nhà khang trang nên bà con đều đua nhau trồng, hộ ít cũng 2 - 3ha, nhiều tới 10ha. Địa phương không khuyến khích nhưng bà con vẫn trồng tự phát. Còn tại xã Bản Lầu là vựa chuối lớn nhất tỉnh Lào Cai với tổng diện tích gần 500ha, năm 2015 thu sản lượng hơn 9.000 tấn trái để xuất sang Trung Quốc nhưng hiện giá chuối đang rớt xuống mức kỷ lục từ trước tới nay, làm bà con nông dân thua lỗ nặng, không thể tái đầu tư. Không ai nghĩ rằng trồng chuối có thể làm giàu như ở tỉnh Hưng Yên, đã xuất hiện rất nhiều tỷ phú, có người thu gần 4 tỷ đồng/năm nhờ chuối cấy mô, chuối tiêu hồng. Vậy mà hiện nay, hàng vạn hécta có nguy cơ phải phá bỏ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, từ năm 2011 đến nay, giá chuối bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Thị trường tiêu thụ nội địa rất yếu nên mục tiêu trồng chuối cấy mô là để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng hiện tại Trung Quốc cũng bắt đầu trồng rất nhiều chuối, dẫn tới cung vượt cầu. Thêm chính sách tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc gần đây có biến động nên tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Tại cửa khẩu Kim Thành và cửa khẩu quốc tế Lào Cai, từ giữa tháng 7-2015 đến nay bỗng trở nên vắng lặng một cách lạ lùng, khác hẳn mọi năm.
Điều tiết quy hoạch
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay ở Việt Nam đang trồng khoảng 30 loại chuối khác nhau và loại chuối trồng ở một số nơi như Lào Cai là chuối cấy mô có diện tích khoảng hơn 1.000ha. Tính chung các loại chuối thì cả nước hiện có 128.000ha, chiếm tới 19% tổng diện tích cây ăn trái, được trồng ở khắp 3 miền. Theo các chuyên gia nông nghiệp, chuối là cây rất dễ trồng, trong khi chúng ta lại không có quy hoạch cụ thể nên trồng cây nào, diện tích bao nhiêu là vừa, hoặc chỉ quy hoạch mang tính cục bộ, trên phạm vi mỗi địa phương nên những năm qua, diện tích tăng lên quá nhanh, dẫn tới dư thừa và giá rớt xuống.
Mặc dù, theo Hiệp hội Các nhà trồng chuối và xuất khẩu Philippines (nơi chuối đang dẫn đầu nhóm trái cây xuất khẩu của nước này), những năm tới Việt Nam có thể cạnh tranh và vượt Philippines về thị phần nhưng các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng, cần phải đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc vào một đầu mối xuất khẩu. Bên cạnh đẩy mạnh dự báo và thăm dò thị trường cũng cần tiến hành kết nối quy hoạch giữa các địa phương với nhau theo hướng địa phương nào có lợi thế về nông sản gì thì nên khai thác giá trị của đặc sản đó, tránh chạy theo phong trào. Tương tự như chuối, dưa hấu do trồng phá vỡ quy hoạch và không có dự báo thị trường tốt nên năm nào cũng đến hẹn lại ùn tắc, bị ép giá.
Phúc Hậu