Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 01 năm 2016

 

Huyện Xuân Lộc (Đồng Nai): Năng suất hồ tiêu tăng gấp đôi

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

 

Nông dân đang giàu lên nhờ cây tiêu

 

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, nông dân trồng tiêu ở Xuân Lộc (Đồng Nai) rất vui vì hồ tiêu năm nay đậu trái cao và ít sâu bệnh gây hại. Tuy qua Tết nông dân mới chính thức bước vào vụ thu hoạch, nhưng theo đánh gía của nông dân trồng tiêu, năng suất năm nay ước đạt từ 7 - 8 tấn/ha, vượt gấp đôi so với vụ tiêu năm trước. Nguyên nhân chính là thời tiết năm nay thuận lợi cho hồ tiêu giai đoạn ra bông đậu trái, ngoài ra giá hồ tiêu tăng cao nhiều năm qua cũng phần nào giúp nông dân đầu tư mạnh và chăm sóc hồ tiêu tốt hơn.

 

Tại xã Suối Cao, một số nông dân còn trữ hạt tiêu hiện vẫn bán được giá 180.000 đồng/kg và dự báo giá tiêu đang có chiều hướng tăng lên. Được biết, hiện Xuân Lộc có trên 3.000ha hồ tiêu, trong đó có 1.755ha đang cho thu hoạch.

 

Lê Tùng

 

Sóc Trăng: Hành tím Trần Đề trúng mùa, được giá

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

 

Từ cuối năm 2015, giá hành tím bán được 30.000 đ/kg nên nông dân trồng hành tím ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng rất phấn khởi vì vụ hành năm nay trúng mùa, trúng giá. Hiện giá hành tím đang ở mức từ 14.000 – 25.000 đ/kg tùy theo chất lượng củ hành.

 

 

Hành tím Trần Đề trúng mùa, được giá.

 

Những năm gần đây, nông dân Trần Đề sử dụng diện tích đất bờ đê, bờ kênh trồng lúa, ao vuông tôm… để trồng hành tím vừa tăng thu nhập, vừa chống xói mòn và giúp cải tạo đất. Đây là hướng đi hiệu quả được huyện nhân rộng, ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề, cho biết: “Hành tím phát triển tốt ở những vùng đất cao và đất pha sét, nên rất phù hợp và phát triển tốt ở những bờ bao vuông tôm trên địa bàn huyện”.

 

Đang tất bật thu hoạch hành tím, ông Thạch Mến cho biết, gia đình ông trồng được 1 công tầm lớn hành tím, năng suất ước đạt 2,5 tấn, thương lái mua 18.000 đ/kg cao hơn 10.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này ông lời hơn 20 triệu đồng, ông Mến chia sẻ: “Trong giai đoạn hành đang xuống củ nếu cho nước nhiều quá củ sẽ bể ra, không được tròn đẹp. Giai đoạn bón phân đón củ cho hành phải phù hợp và cho năng suất cao là giai đoạn hành từ 35 đến 40 ngày tuổi là tốt nhất”.

 

Năm 2015, huyện Trần Đề xuống giống trên 4.000 ha màu các loại, riêng hành tím thì diện tích trồng nhỏ lẻ, rãi rác ở một số vùng đất giồng cát, đất pha sét như: thị trấn Lịch Hội Thượng, xã Trung Bình, xã Lịch Hội Thượng... Riêng xã Lịch Hôị Thượng năm 2015 trồng hơn 71 ha màu, trong đó hành tím là 55 ha. Nhờ chủ động được mùa vụ bà con xuống giống hành tím sớm, cho thu hoạch trước tết nên thường trúng giá cao. Từ hiệu quả của hành tím mang lại, ông Nguyễn Văn Mẫm - Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, cho biết: “Xã cũng khuyến cao bà con nên xuống giống hành tím sớm để cho thu hoạch trước tết. Diện tích hành tím của xã chủ yếu bà con tận dụng ở những vùng đất giồng, bờ sáng, bờ kênh… để tăng thu nhập cho gia đình”. Ông Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tăng cường khuyến cáo bà con chuyển sang trồng màu theo hướng tăng lợi thế từng khu vực, theo từng mùa vụ thích hợp để sản phẩm bán có giá, góp phần tăng thêm kinh tế gia đình, nhất là bà con dân tộc thiểu số”.

 

Những năm gần đây, hành tím là cây trồng được nông dân Trần Đề mở rộng diện tích gieo trồng vào những tháng cuối năm. Với những ưu điểm nổi bật như dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng đất pha sét, đất giồng cát… cho năng suất cao giúp nông dân tăng thu nhập./.

 

Chiêu Linh

 

Hành trình khẳng định thế mạnh rau màu của huyện Châu Thành (Tiền Giang)

 

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

 

Rau là một trong những cây trồng có lợi thế cạnh tranh của Châu Thành. Dù trải qua những thăng trầm nhưng cây rau vẫn được nông dân lựa chọn, gắn bó. Vì thế, phát triển vùng rau bền vững; sản xuất an toàn, GAP là hướng đi mà huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã xác định.

 

 

Rau là cây trồng lợi thế của huyện Châu Thành (Tiền Giang), đang được quan tâm phát triển.

 

1. Theo Phòng NN&PTNT huyện, nghề trồng rau ở Châu Thanh hình thành và phát triển rất lâu đời. Ngay từ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng trồng rau Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương cùng một số khu vực lân cận thuộc huyện Chợ Gạo đã được nhiều người biết đến với tên gọi quen thuộc là vùng rau Bến Tranh, cung ứng rau cho thị trường Sài Gòn.

 

Lúc đó, nông dân trồng chủ yếu các loại cải, hành, hẹ… và thường trồng xen lẫn với diện tích trồng lúa hay xen canh lúa - rau, chứ chưa hình thành nên những vùng chuyên canh rộng lớn theo từng chủng loại như bây giờ.

 

Nghề trồng rau lúc đó cho thu nhập khá tốt, thường cao hơn trồng lúa và là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Theo tài liệu ghi chép, năm 1975, diện tích đất rẫy trên địa bàn huyện Châu Thành là 1.845 ha (trong đó gồm rau ăn lá, rau ăn quả, củ). Nhưng cây rau trong vùng phát triển mạnh từ những năm 1986 trở đi, sau khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế bao cấp. Bởi khi đó người dân trong huyện bắt đầu đẩy mạnh việc đưa cây rau xuống chân ruộng.

 

Lúc này, rau Châu Thành không chỉ cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ra các vùng lân cận. Và sau thời gian phát triển, mở rộng diện tích trồng cũng như chủng loại rau, trên địa bàn đã dần định hình nên 3 vùng sản xuất rau.

 

Đó là vùng Nam Quốc lộ 1A sản xuất 2 vụ lúa - 1 màu với chủ yếu trồng cây đậu nành dưới chân ruộng; vùng hệ Cổ Chi sản xuất tập trung 2 vụ lúa - 1 vụ màu và cây ngắn ngày; còn khu vực Bắc Quốc lộ 1A trũng, bị nhiễm phèn sản xuất chủ yếu cây rau màu xen canh lúa.

 

Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, Châu Thành có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng và phát triển rau màu. Và cây rau màu đã thực sự khẳng định vị thế của cây trồng lợi thế trong huyện. Bởi trước hết, thủy lợi nội đồng đảm bảo nguồn nước ngọt quanh năm cho sản xuất.

 

Ngay cả đối với vùng đất nhiễm phèn cũng thích hợp cho cây rau má phát triển. Một lợi thế nữa mà nhiều nơi khác không có được là nông dân trong huyện có kinh nghiệm trồng rau lâu năm và nơi đây đã hình thành nên những vùng sản xuất rau chuyên canh đặc chủng. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cây rau phát triển mạnh trên địa bàn huyện. Và thực tế, đến nay Châu Thành đã trở thành vùng trọng điểm trồng rau của tỉnh, cây rau được huyện xác định là một trong những cây trồng có lợi thế ưu tiên phát triển.

 

2. Việc xác định lợi thế của cây rau trong cơ cấu kinh tế của huyện là tiền đề cho các ngành, các cấp quan tâm đầu tư, phát triển. Cụ thể, để cây rau phát triển bền vững, năm 2008 Châu Thành đã cho tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau đến năm 2015.

 

Việc quy hoạch này giúp cho việc định hướng phát triển cây rau một cách bài bản; các ngành, các cấp có điều kiện tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai các chương trình, dự án phát triển cây rau; kêu gọi doanh nghiệp gắn kết sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh khâu tiếp thị, xúc tiến thương mại; vận động nông dân liên kết với nhau vào tổ hợp tác, hợp tác xã phù hợp cho từng vùng, từng loại rau.

 

Qua đó, đến nay trên địa bàn Châu Thành đã hình thành nên những vùng rau chuyên canh như vùng ngò gai, húng cây ở Long Định, Long Hưng, Thạnh Phú và 1 phần của Tam Hiệp với diện tích khoảng 400 ha; vùng trồng rau diếp cá ở Nhị Bình khoảng 180 ha; vùng trồng rau tổng hợp gồm dưa leo, khổ qua, bầu, bí, cà chua… ở Tân Lý Đông, Tân Hội Đông, Tân Hương, Thân Cửu Nghĩa với diện tích khoảng 250 ha.

 

Không chỉ thế, nhằm phát huy lợi thế cây rau, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân trên địa bàn huyện; đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là thị trường TP. Hồ Chí Minh, năm 2011, Huyện ủy Châu Thành ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển rau màu.

 

Tiếp theo đó, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết về phát triển rau màu của Huyện ủy đến năm 2015. Bằng nhiều giải pháp, cách làm, đến nay toàn huyện đã thực hiện trên 1.248 ha (Nghị quyết là 885 ha) sản xuất rau theo hướng an toàn, nâng tổng diện tích sản xuất theo hướng này đến cuối năm 2015 trên 1.294 ha trong tổng diện tích canh tác rau màu trên toàn địa bàn huyện 2.150 ha (Nghị quyết là 1.800 ha).

 

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện 3 mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thân Cửu Nghĩa, Long An, Long Hưng và đã được chứng nhận. Tiếp theo đó, nhà sơ chế rau cũng đã được đầu tư.

 

Song, thực tế dù có vùng chuyên canh trồng rau lớn bậc nhất tỉnh nhưng cây rau Châu Thành cũng gặp không ít khó khăn. Đó là giá cả còn khá bấp bênh đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nhiều hộ dân, việc xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau đang gặp khó.

 

Theo ông Hòa, nguyên nhân là do Châu Thành là vùng sản xuất rau lớn theo hình thức chuyên canh với sản lượng lớn, trong khi doanh nghiệp hợp đồng thường chuộng mua nhiều loại rau và số lượng mua không nhiều; năng lực hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn quá yếu kém.

 

Vì thế, thời gian tới, một mặt, huyện đẩy mạnh củng cố Hợp tác xã Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng an toàn, GAP; nỗ lực đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau.

 

Mặt khác, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho các loại rau có lợi thế cạnh tranh; xúc tiến thương mại; xây dựng cánh đồng lớn trên rau... “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị, trên cơ sở vùng nguyên liệu rau hiện có, các trung tâm, viện, trường cần nghiên cứu phát triển việc chế biến rau thành các sản phẩm khác (trên địa bàn có 2 nhà máy chế xuất tinh dầu rau om)” - ông Hòa cho biết.

 

N.VĂN

 

Nhiều địa phương tạm dừng sản xuất vụ Đông Xuân

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), do nguồn nước thiếu hụt, một số địa phương ở Trung Bộ đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, hoặc tạm dừng sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016.

 

Khu vực Trung Bộ cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Hè Thu, đang gieo trồng cây vụ mùa. Do nguồn nước thiếu hụt, một số địa phương có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, hoặc tạm dừng sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016.

 

Trong đó, tỉnh Quảng Nam dự kiến chuyển đổi khoảng 7.053 ha; Quảng Ngãi chuyển đổi khoảng 860 ha và dự kiến dừng sản xuất 120 ha lúa; Phú Yên dự kiến chuyển đổi 364 ha; Khánh Hòa dự kiến chuyển đổi 1.400 ha và dừng sản xuất 4.218 ha lúa; Ninh Thuận dự kiến dừng sản xuất 5.823 ha lúa và Bình Thuận dự kiến dừng sản xuất 15.423 ha lúa.

 

Theo thông tin tổng hợp từ Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), trong tuần, độ mặn tại khu vực ĐBSCL đo được khoảng 4 g/l, tăng so với cùng kỳ năm 2015 từ 0,5 - 1,7 g/l và có phạm vi ảnh hưởng sâu từ 20 - 42km.

 

Các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trên phạm vi toàn quốc trung bình đạt khoảng 80% dung tích thiết kế (DTTK). Trong đó, các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đạt trung bình 82% DTTK, nhiều hồ đã đầy nước; khu vực Bắc Trung Bộ đạt 78%; khu vực Nam Trung Bộ đạt 79%; khu vực Tây Nguyên đạt 89% và khu vực Đông Nam Bộ đạt 76%.

 

Riêng một số hồ thuộc khu vực Trung Bộ có dung tích trữ thấp (dưới 45% DTTK) như: Đá Bàn (Khánh Hòa), Lanh Ra (Ninh Thuận), Sông Sắt (Ninh Thuận), Sông Trâu (Ninh Thuận), Thành Sơn (Ninh Thuận), Đu Đủ (Bình Thuận), Đá Bạc (Bình Thuận) và Đắc Lô (Lâm Đồng).

 

Đỗ Hương

 

Mận An Phước, vú sữa rớt giá mạnh vào dịp cận Tết

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Nhiều nhà vườn ở Lai Vung (Đồng Tháp) đang tất bật vào mùa thu hoạch vú sữa và mận An Phước. Nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết nhà vườn năm nay đều bội thu với vụ trái cây Tết. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch rộ thì giá 2 mặt hàng này lại liên tục “tuột dốc” khiến cho nhiều nhà vườn kém vui.

 

 

Chăm sóc mận

 

Anh Lê Ngọc Giàu ngụ ấp Định Phú, xã Định Hòa, huyện Lai Vung cho biết: So với vụ nghịch, giá mận An Phước hiện giảm còn một nửa, trung bình mận loại I giá từ 6 - 7 ngàn đồng/kg, nhưng nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, mận trúng mùa nên cũng không đến nỗi bị thua lỗ. Nếu sử dụng kỹ thuật nhà lưới (mùng lưới) để ngăn ruồi đục trái thì tỷ lệ mận đạt chuẩn sẽ cao và bán được giá hơn. Nếu nắm vững kỹ thuật thì với mức giá này, trung bình 1.000m2 có thể lãi trên 30 triệu đồng”.

 

Hiện tại, nhiều nhà vườn trồng mận ở huyện Lai Vung đang áp dụng kỹ thuật mùng lưới nhằm hạn chế tình trạng ruồi đục trái gây thiệt hại trên mận. Kỹ thuật không những giúp nhà vườn hạn chế hiệu quả dịch hại ruồi đục trái và còn giúp nông dân thực hiện rải vụ hiệu quả, từ đó lợi nhuận kinh tế được tăng lên đáng kể.

 

Cùng chung nỗi niềm với nhà vườn trồng mận, nhiều nông dân trồng vú sữa cũng không khỏi ngậm ngùi vì giá vú sữa liên tụt rớt mạnh khi vào chính vụ. Phần lớn vú sữa trồng ở Đồng Tháp là loại vú sữa bơ, là giống vú sữa dễ xử lý trái và cho năng suất cao nên được nhiều nông dân chọn trồng. Mặc dù diện tích trồng vú sữa ở Đồng Tháp không nhiều như những loại cây ăn trái khác, song hiện tại là thời điểm mà các tỉnh có diện tích trồng vú sữa quy mô lớn như: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ đang vào mùa thu hoạch rộ nên tình trạng “dội chợ” xảy ra trên diện rộng và ở Đồng Tháp cũng không ngoại lệ.

 

Ông Nguyễn Văn Lành ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, nên vườn vú sữa đậu trái nhiều, không bị dịch bệnh hoặc sâu đục trái phá hại. Hiện tại, thương lái thu mua tại vườn giá chỉ còn 9 ngàn đồng/kg, giảm trên 20 ngàn đồng/kg so với giá đầu vụ”. Theo ông Lành, so với những năm trước thì năm nay giá vú sữa thấp hơn nhưng bù lại năng suất khá cao nên vẫn có lãi.

 

Nếu như giá mận và vú sữa giảm mạnh vào giai đoạn cận Tết thì giá cam xoàn và quýt đường ở Lai Vung đang tăng giá trở lại. Hiện quýt đường loại I bán tại vườn có giá từ 20 - 22 ngàn đồng/kg; cam xoàn loại I giá 32 - 35 ngàn đồng/kg. So với trước đây khoảng 2 tháng, giá hai mặt hàng này tăng nhẹ, trung bình từ 8 - 10 ngàn đồng/kg. Theo dự đoán của nhiều thương lái, do sản lượng quýt đường và cam xoàn cuối năm thấp nên từ đây đến Tết Nguyên đán giá 2 mặt hàng này có thể giữ giá ổn định hoặc tăng nhẹ.

 

Minh Nhật

 

Bến Lức (Long An): Phát triển cây chanh theo hướng bền vững

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An chanh hiện được coi là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong sản xuất chanh, nông dân trong huyện áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP và hướng đến hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

 

 

Chanh trên địa bàn huyện Bến Lức sẽ phát triển theo hướng hàng hóa, có bao tiêu sản phẩm

 

Ông Vũ Ngọc Báo, đại diện hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Thạnh Hòa cho biết, ông bén duyên với cây chanh, nhất là chanh không hạt hơn 10 năm nay bởi loại chanh này có nhiều ưu điểm như trái to, vỏ mỏng, vị chua có mùi thơm, nước nhiều… Để chanh có đầu ra ổn định, ông Báo học hỏi cách trồng chanh theo phương pháp VietGAP. Đến nay, HTX DVNN Thạnh Hòa có hơn 20 thành viên chuyên trồng chanh với diện tích trên 80ha.

 

Ông Báo cho rằng, thuận lợi lớn của các thành viên trong HTX là toàn bộ diện tích tập trung trong đê bao khép kín và nằm trong khu vực quy hoạch trồng cây lâu năm của huyện Bến Lức. HTX có giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm chanh và được Cty TFR Hà Lan tại Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Trong năm 2015, tổng sản lượng chanh mà HTX làm ra khoảng 1.500 tấn, với giá bình quân 14.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng chanh có lãi từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng/ha.

 

Cây chanh có mặt ở xã Thạnh Lợi tuy có phần chậm hơn Thạnh Hòa nhưng đến nay, diện tích chanh ở xã này chiếm phần lớn trong diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã. Và Thạnh Lợi cũng được xem là địa bàn có phong trào chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả trong huyện Bến Lức.

 

Ông Lê Thanh Lưu, ngụ ấp 5, xã Thạnh Lợi cho biết, ông chuyển 1ha trồng mía sang trồng chanh hơn 5 năm nay. Để nông dân chuyển đổi sang trồng chanh hiệu quả, các ngành chức năng ở địa phương mở nhiều lớp tập huấn trồng chanh, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay, ông Lê Thanh Lưu đang áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP và để giảm công lao động, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, ông cũng đầu tư hệ thống phun tưới tự động cho vườn chanh.

 

Ông so sánh, trước kia, mỗi lần tưới chanh trên diện tích 5 công đất, ông phải mất hơn nửa ngày với 2 công lao động và 5 lít dầu. Nay, chỉ cần bật cầu dao điện với thời gian hơn 1 giờ là tưới xong diện tích trên. Ngoài ra, hệ thống phun tưới tự động này cũng giúp nông dân chủ động trong sản xuất, nhất là dễ xử lý, tưới rửa cây trong những ngày có sương muối

 

Vào đầu tháng 11-2015, HTX DVNN Bến Lức có trụ sở làm việc tại ấp 7, xã Lương Hòa cũng được thành lập với 7 thành viên. Ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX cho biết, 7 thành viên của HTX đang sản xuất chanh không hạt trên diện tích hơn 20ha theo hướng VietGAP. Mong muốn của HTX là tập hợp nông dân lại, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và cùng nhau sản xuất chanh theo hướng hàng hóa với đầy đủ các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng cũng như sản lượng. Hiện tại, HTX đang nỗ lực tìm đầu ra cho chanh với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng chanh cho thị trường.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, diện tích trồng chanh trong huyện vượt hơn 3.000ha, chủ yếu tập trung ở các xã ven theo sông Vàm Cỏ Đông như Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi… Ban đầu, cây chanh được trồng theo hướng tự phát, mấy năm nay, cây chanh trở thành cây mũi nhọn kinh tế của huyện cũng như của tỉnh. Hiện nay, sản phẩm chanh ngoài tiêu thụ nội địa còn phục vụ cho xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, nông dân áp dụng kỹ thuật thâm canh, dùng kỹ thuật cắt cành, khống chế bông cho ra trái nghịch mùa để rải vụ tránh tình trạng thu hoạch rộ dẫn đến rớt giá. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đi vào hoạt động trên lĩnh vực thu mua và chế biến chanh phục vụ xuất khẩu. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục là cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và đi đến xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua theo hướng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm./.

 

Mai Hương

 

Hưng Yên: "Chuối tiêu hồng Khoái Châu" đã có thương hiệu

 

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

 

Ngày 12.1, UBND huyện Khoái Châu tổ chức hội nghị công bố quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chuối tiêu hồng Khoái Châu – Hưng Yên”.

 

 

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chuối tiêu hồng Khoái Châu – Hưng Yên” cho UBND huyện Khoái Châu

 

Huyện Khoái Châu có khoảng 500ha chuối tiêu hồng, trồng nhiều ở các xã: Đại Tập, Tân Châu, Tứ Dân, Đông Kết, Đông Ninh… ước tính sản lượng đạt từ 17,5 – 25 nghìn tấn/năm, bình quân thu lãi 250 – 350 triệu đồng/ha/năm. Ngày 15.12.2015, Cục Sở hữu trí tuệ Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chuối tiêu hồng Khoái Châu – Hưng Yên” do UBND huyện Khoái Châu làm đại diện. Tại hội nghị, UBND huyện Khoái Châu đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 20 hộ sản xuất, kinh doanh chuối tiêu hồng trên địa bàn huyện, tạo cơ sở pháp lý cho các hộ sản xuất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm chuối tiêu hồng ở Khoái Châu tiêu thụ thuận lợi trên thị trường.

 

 

Chuối tiêu hồng Khoái Châu

 

Đức Toản

 

Sơn La: Cây chanh leo Mộc Châu đã vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ

 

Nguồn tin: Báo Sơn La

 

Đến với Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu, thị trấn Nông Trường Mộc Châu (Mộc Châu - Sơn La) thăm khu vườn trồng cây chanh leo xanh mướt tràn sức sống cùng tiếng cười, nói vui vẻ, của các xã viên đang hăng say lao động khiến chúng tôi vui lây. Hợp tác xã không còn xa lạ với những người nông dân, nhưng sự ra đời của mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết trực tiếp giữa nông dân với đơn vị thu mua, ổn định đầu ra cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh mới chỉ có vài mô hình. Bên cạnh đó, các đơn vị thu mua sẽ trực tiếp chuyển giao và giám sát kỹ thuật canh tác, để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

 

Các xã viên HTX Chanh leo Mộc Châu chăm sóc cây chanh leo.

 

Anh Nguyễn Minh Thái, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu đưa chúng tôi tới tham quan khu sản xuất rộng gần 5ha của hợp tác xã, chỉ tay vào những giàn chanh leo sai trĩu quả, anh Thái cho biết: Trước đây, khu vườn này trồng su su, 5 năm trở lại đây, su su nhiều dịch bệnh, thị trường bấp bênh. Năm 2014, sau khi thăm quan mô hình trồng chanh leo tại một số địa phương, thấy điều kiện khí hậu Mộc Châu phù hợp để phát triển, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích trồng su su của gia đình sang trồng chanh leo. Vụ đầu tiên, tôi thu hoạch hơn 50 tấn, bán được trên 400 triệu đồng.

 

Từ hiệu quả của gia đình, anh Thái quyết định đưa cây chanh leo phát triển quy mô lớn. Sau gần một năm xây dựng, vận động các hộ tham gia, Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu chính thức ra đời, với 120 hội viên. Hiện nay, tổng diện tích canh tác của Hợp tác xã đạt gần 50 ha tập trung tại xã Tân Lập và tiểu khu 84/85, (thị trấn Nông trường Mộc Châu). Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần chanh leo Nafoods (Nghệ An), với giá thu mua 7.000 đồng/1kg trong vòng 3 năm. Công ty sẽ cung cấp cây giống năm đầu tiên, vật tư nông nghiệp sau đó sẽ trừ dần vào sản phẩm.

 

Anh Nguyễn Minh Tuấn, xã viên tham gia Hợp tác xã Chanh leo Mộc Châu, cho biết: So sánh với 2ha trồng su su, hằng năm cho thu hoạch gần 150 tấn, nếu giá cả ổn định, gia đình thu 300 triệu/năm. Nhưng những năm gần đây, giá su su luôn thất thường, lúc vào chính vụ giá chỉ có 500 đồng/1kg. Nhưng khi tham gia là xã viên của hợp tác xã, gia đình chuyển sang trồng chanh leo. Với 2ha canh tác, sản lượng cho thu hoạch từ 70 - 100 tấn quả, thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng, trồng chanh leo sẽ cho thu nhập gấp đôi trồng su su.

 

Không còn nỗi lo được mùa mất giá, Hợp tác xã chanh leo Mộc Châu đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân xã Tân Lập và tiểu khu 84/85 (thị trấn Nông trường Mộc Châu). Sự ra đời của hợp tác xã kiểu mới giúp người nông dân tránh được các khâu trung gian trong thu mua, không bị tư thương ép giá, sản phẩm nông nghiệp làm ra trực tiếp đến với người tiêu dùng. Hợp tác xã sẽ tập hợp nông dân cùng nhau đóng góp đất sản xuất, sản phẩm được tạo ra trên quy mô lớn, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, nâng cao cuộc sống cho người dân.

 

Cây chanh leo không còn quá xa lạ với người dân, chanh leo được dùng làm thức uống giải khát, có nhiều vitamin, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Chanh leo được trồng từ tháng 11, là cây thân leo, phù hợp khí hậu mát mẻ. Mỗi hố trồng cách nhau 4m, trước khi trồng bón lót một lớp phân chuồng, sau 1 tháng phun thuốc trừ rệp và kiến phòng bệnh chùn ngọn. Khi cây ra quả, tỉa bới lá để quả hấp thụ đủ ánh sáng, tránh sâu bệnh. Cây chanh leo sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, có thể cho thu hoạch 3 năm mà không cần trồng mới.

 

Thanh Tùng

 

Người Trung Quốc núp bóng khách du lịch để mua thanh long

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Ông Nguyễn Văn Thình – Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số trường hợp người Trung Quốc đến đăng ký tạm trú và thuê trọ để thu mua thanh long. Những người này, đi theo con đường visa du lịch.”

 

Cũng theo ông Thình, việc đi theo con đường visa du lịch để thu mua thanh long là sai mục đích. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ thu mua lén lút nên khó phát hiện.

 

Theo nguồn tin của phóng viên, thời gian qua, ngành chức năng huyện Châu Thành đã phối hợp với Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện và lập biên bản cảnh cáo 8 trường hợp người Trung Quốc thu mua trái phép bông, trái thanh long và khảo sát thị trường thanh long trên địa bàn. Những trường hợp này đã buộc rời khỏi địa bàn.

 

Giữa tháng 12-2015, UBND huyện Châu Thành đã ra văn bản gửi các xã, thị trấn về việc quản lý người nước ngoài hoạt động thu mua thanh long trên địa bàn huyện. Theo đó đề nghị các xã, thị trấn phối hợp với công an huyện nắm tình hình về việc người Trung Quốc đang tạm trú trên địa bàn có các hoạt động thu mua bông, trái thanh long. Đồng thời, đề nghị UBND các xã, thị trấn tuyên truyền cho cán bộ, quần chúng nhân dân biết việc người Trung Quốc đi theo con đường du lịch nhưng thu, mua thanh long là sai quy định. Nếu phát hiện những trường hợp trên thì báo ngay cho ngành chức năng biết./.

 

Lê Đức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop