Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 03 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 03 năm 2016

Trồng bắp lai lời trên 10 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên đất liếp, đặc biệt là đất trồng mía, nhiều nông dân ở 3 xã: Bình Thành, Hòa Mỹ và Tân Long của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã chọn cây bắp lai để thay đổi diện tích mía, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân huyện Phụng Hiệp được chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng bắp lai.

Theo nông dân nơi đây cho biết, bắp có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, mỗi năm có thể trồng được 2 vụ bắp và 1 vụ lúa. Theo tính toán của người dân, từ khi đầu tư đến thu hoạch khoảng 1 triệu đồng/công. Đến khi thu hoạch được các thương lái xuống tận nơi để thu mua với giá bắp khô từ 2.200 - 2.500 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, nông dân cũng còn lời khoảng 10 triệu đồng/ha mỗi vụ. Theo thống kê, diện tích bắp lai ở huyện Phụng Hiệp hàng năm vào khoảng 100ha. Được biết, đây cũng là mô hình được huyện Phụng Hiệp vận động bà con chuyển đổi, có tập huấn kỹ thuật, có công ty xuống tận nơi ký hợp đồng bao tiêu với người dân.

THANH DUY

Giá phân bón tăng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sau một thời gian ở mức thấp, gần đây giá nhiều loại phân bón trên thị trường như Urê, DAP, NPK… đã tăng từ 5.000 - 20.000 đồng/bao/50kg so với cách nay 2 tuần.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ hiện ở mức: 340.000 - 350.000 đồng/bao; Urê Ninh Bình và Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) khoảng 330.000 - 335.000 đồng/bao. Giá bán lẻ nhiều loại DAP trên thị trường phổ biến từ 500.000 - 670.000 đồng/bao. Cụ thể, DAP (Úc) có giá khoảng 670.000; DAP (Trung Quốc, loại xanh Hồng Hà) và DAP (Mỹ, loại hạt đen) giá 620.000 - 640.000 đồng/bao. Phân bón NPK 20-20-15 Đầu Trâu có giá khoảng 650.000 - 660.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật giá khoảng 600.000 - 605.000 đồng/bao… Giá phân bón tăng do nhu cầu tiêu thụ phân bón trên thị trường tăng. Gần đây, nông dân tại các địa phương vùng ĐBSCL bước vào vụ sản xuất hè thu 2016 đã làm nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng mạnh. Đặc biệt, trong vụ sản xuất hè thu hằng năm nông dân thường tăng cường lượng bón phân cho cây trồng so với vụ đông xuân và thu đông.

Khánh Trung

Tây Ninh: Nông dân ven sông Vàm trúng mùa lúa Đông xuân

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016, 5 huyện ven sông Vàm Cỏ Đông gieo sạ trên 40.000 ha, năng suất bình quân đạt gần 7 tấn/ha, có vùng đạt trên dưới 10 tấn/ha.

Thu hoạch lúa đông xuân tại ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tính đến ngày 9.3 các huyện ven sông Vàm Cỏ Đông (gồm Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Trảng Bàng, Hòa Thành) đã thu hoạch được khoảng trên 10.000 ha lúa Đông xuân sớm, năng suất bình quân đạt gần 7 tấn/ha, có vùng đạt trên dưới 10 tấn/ha; người trồng lúa tại đây trúng đậm cả về năng suất, sản lượng lẫn giá cả.

Anh Trần Văn Khanh, 31 tuổi, có 8 công lúa tại ven sông Vàm Cỏ Đông (thuộc ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) đang thu hoạch trên đồng bằng máy gặt đập liên hợp cho biết, vụ này anh trúng đậm với năng suất đạt khoảng 1 tấn lúa/công (tương đương 10 tấn/ha). Với giá lúa tươi thương lái mua tại ruộng hiện nay là 4.500 đồng/kg, tăng từ 300 - 400 đồng/kg so với 10 ngày trước, sau khi trừ chi phí anh Khanh thu lãi khoảng 28 triệu đồng/8 công.

Nông dân xã Thanh Điền bán lúa tươi tại ruộng.

Theo một thương lái đang mua gom lúa tại ruộng của nông dân khu vực xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, vụ lúa Đông xuân năm nay ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị thất mùa do ảnh hưởng của nắng hạn, xâm nhập mặn, sản lượng lúa ở đây giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp miền Tây có nhu cầu thu mua lúa để chế biến gạo xuất khẩu cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết từ trước, nên lượng lúa Đông xuân thu hoạch tại các tỉnh miền Đông đưa về cũng được họ thu mua hết; giá cả cũng cao hơn trước.

Vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016 tỉnh Tây Ninh gieo sạ khoảng 45.000 ha, trong đó 5 huyện ven sông Vàm Cỏ Đông chiếm khoảng trên 40.000 ha. Tuy có ảnh hưởng của hiện tượng El nino, nắng hạn kéo dài, nhưng Công ty khai thác công trình thủy lợi Tây Ninh phối hợp với Trạm thủy nông các huyện, thành phố của tỉnh tổ chức trực điều tiết, khai thác hợp lý nguồn nước của hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, kết hợp với các trạm bơm điện vận hành liên tục, bơm nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào, cộng với nguồn nước triều cường (từ sông Vàm Cỏ Đông lên) nên bảo đảm được nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa Đông xuân trong tỉnh đã gieo sạ suốt vụ sản xuất.

Lê Đức Hoảnh

Bình Định: Ớt Vĩnh Hòa được mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Bình Định

Hiện nay, người dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định rất vui bởi cây ớt được mùa, được giá. Giá ớt tươi được các thương lái thu mua tại ruộng từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho thu nhập cao, nên vài năm trở lại đây nhiều hộ nông dân ở xã Vĩnh Hòa đã chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng ớt. Vụ Đông Xuân này, xã Vĩnh Hòa đưa vào trồng gần 20 ha ớt, tập trung chủ yếu ở các thôn Tiên An, Tiên Hòa. Sau thời gian chăm sóc, hiện nay toàn bộ diện tích ớt của nông dân đang trong thời kỳ thu hoạch.

Nông dân Vĩnh Thạnh được mùa được giá ớt. Ảnh: X.DŨNG

Gia đình ông Phạm Minh Thuận, ở thôn Tiên Hòa, trồng 8 sào ớt, hiện mỗi ngày thu hoạch trên 2 tạ ớt tươi, bán được hơn 4 triệu đồng. Ông Thuận nhẩm tính: “Với giá ớt hiện nay, mỗi sào ớt bà con trồng ớt ở Vĩnh Hòa đạt mức lãi ròng không dưới 25 triệu đồng”.

Không riêng gia đình ông Thuận, hàng chục hộ trồng ớt ở xã Vĩnh Hòa cũng rất phấn khởi khi nhắc đến năng suất và giá ớt thời điểm này. Nhờ thời tiết thuận lợi, ớt phát triển khá tốt, cây ớt ít sâu bệnh, trái nhiều, năng suất khá cao, mỗi sào ớt cho 1,7 tấn ớt tươi, giá bán hiện nay dao động từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg ớt tươi; như vậy mỗi sào ớt cho thu nhập trên 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí xong cũng cho lãi ròng 30 triệu đồng/sào. Theo bà con nông dân Vĩnh Hòa, giá ớt năm nay không tăng cao hơn năm ngoái là bao, nhưng nếu giữ ổn định ở mức này thì thu nhập từ cây ớt cao hơn gấp 3 - 4 lần so với tất cả các loại cây trồng khác trên cùng chân đất.

Ớt thu hoạch đến đâu, thương lái mua hết đến đó nên bà con rất phấn khởi. Trồng ớt không mất nhiều vốn, chi phí đầu tư chỉ khoảng 4 đến 5 triệu đồng/sào. Đối với nông dân xã Vĩnh Hòa, tuy ớt không phải là cây trồng chính, nhưng khi được mùa được giá thì cây ớt hiện là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân nơi đây.

Ông Lê Văn Mùi, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Trong thời gian qua, xã Vĩnh Hòa chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều diện tích đất trước đây trồng lúa, trồng mì kém hiệu quả đã được xã khuyến khích chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn có giá trị cao hơn, trong đó có việc mở rộng diện tích trồng ớt và các loại rau màu như dưa leo, khổ qua, đậu... Đặc biệt, cây ớt đã góp phần giúp nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Hòa vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng”.

XUÂN DŨNG

Hà Giang: Thiên tai làm thiệt hại gần 120 tỷ đồng/vụ từ thảo quả

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do rét đậm, rét hại gây ra trong vụ Đông Xuân 2015 – 2016, tính đến ngày 4.3.2016 tổng diện tích cây trồng của tỉnh Hà Giang bị thiệt hại là 6.532,36 ha. Trong đó, diện tích cây thảo quả bị thiệt hại nặng nề nhất là 4.935,6 ha, thiệt hại kinh tế do thất thu trong vụ thu hoạch tới ước lên đến con số khoảng 120 tỷ đồng.

Thảo quả của người dân xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: Minh Sang

Số diện tích thảo quả bị thiệt hại tập trung ở, Yên Minh, Xín Mần, Vị Xuyên và Hoàng Su Phì. Trong đó, huyện Vị Xuyên thiệt hại nhiều nhất là 1.931 ha, Hoàng Su Phì 1.641,7 ha, Xín Mần là 1.128,6ha... Nghiêm trọng hơn là trong tổng số diện tích thảo quả bị thiệt hại có đến 3.436,6 ha thảo quả bị thiệt hại trên 70% (không có khả năng phục hồi); còn lại bị thiệt hại từ 30 – 70%, số diện tích này nếu được chăm sóc tốt thì phải 2 năm sau mới cho thu hoạch lại.

Ngay sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài cuối tháng 1 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các huyện vận động bà con nhân dân khắc phục trồng lại ngay những diện tích đã bị ảnh hưởng và thiệt hại. Đồng thời rà soát cụ thể để có mức hỗ trợ người dân theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg và Thông tư số 33/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Lê Lâm

Người trồng mía kêu cứu vì nhà máy chậm thu hoạch

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Chủ tịch Hội Người trồng mía Tây Ninh cho biết, có những diện tích mía lẽ ra đạt năng suất 100 tấn/ha nhưng do chậm thu hoạch, năng suất chỉ còn 80 tấn/ha. Bình quân mỗi ha mía thiệt hại từ 10 đến 20 triệu đồng.

Mía lưu bãi ở nhà máy đường thuộc Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công.

Ông Nguyễn Quang Hợp - Chủ tịch Hội Người trồng mía (NTM) Tây Ninh cho biết, Hội vừa gửi văn bản đến Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công và Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Tây Ninh về việc đề nghị tăng lượng mía thu hoạch hàng ngày nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân.

Theo Chủ tịch Hội NTM, hiện đã gần cuối vụ thu hoạch, thời tiết nắng nóng gay gắt, do đó nhiều diện tích mía chết khô trên đồng, làm giảm nghiêm trọng sản lượng mía của nông dân.

“Cụ thể, có những diện tích mía lẽ ra đạt năng suất 100 tấn/ha thì do chậm thu hoạch, năng suất chỉ còn 80 tấn/ha. Bình quân mỗi ha mía thiệt hại từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu không được đốn chặt gấp, nông dân sẽ còn thiệt hại nhiều hơn”, ông Hợp nói.

Tình hình thời tiết là vậy, nhưng các nhà máy đưởng trong tỉnh lại giảm lệnh đốn chặt mía của nông dân Tây Ninh, tăng cường thu mua mía ở Long An, khiến nông dân trồng mía bức xúc.

Cũng theo Chủ tịch Hội NTM Tây Ninh, trong vụ chế biến này, nông dân trồng mía đối mặt với không ít khó khăn khiến nhiều người ngao ngán. Trong đó có vấn đề bức xúc đối với kết quả đo chữ đường, vấn đề chậm đốn chặt để mía khô, vấn đề vận chuyển và để mía lưu bãi quá lâu…

Hoàng Thi

Tây Nguyên ứng phó hạn hán diện rộng

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết hiện nay hạn hán đã xảy ra khá nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kom Tum, Lâm Đồng.

Nắng hạn tác động xấu đến sản xuất của người dân Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Thế Phong

Hạn hán khiến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương này ngày càng khan hiếm, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ; mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 15 - 35% (một số khu vực xuống thấp hơn từ 40 - 60%); trên 35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước.

Tính đến cuối tháng 2/2016, toàn vùng đã có khoảng 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất; 1.100 ha lúa có nguy cơ mất trắng và trên 40.000 ha cây trồng thiếu nước tưới (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu).

Dự báo trong 2 tháng tới, nền nhiệt ở Tây Nguyên cao hơn trung bình nhiều năm, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn. Điếu này tác động xấu đến lượng nước trong một số hồ chứa thủy điện lớn ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk…

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực chỉ đạo phòng, chống hạn với nhiều giải pháp. Trước hết là tập trung chỉ đạo gieo trồng sớm so với lịch thời vụ thông thường. Đến cuối tháng 2/2016, toàn vùng đã gieo trồng 104.000 ha cây hằng năm vụ Đông Xuân, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.

Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các vùng khó khăn về nguồn nước (xa sông suối, khai thác nước ngầm hạn chế); tăng công suất các trạm biến áp phục vụ bơm nước từ hệ thống sông chính vào ao, hồ chứa nước; nạo vét tu sửa kênh mương, gia cố chống rò rỉ các hồ chứa.

Ngành nông nghiệp nhiều nơi tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện giải pháp phân phối nước tiết kiệm, giảm số lần tưới để bảo đảm nước luân phiên cho nhiều diện tích cây trồng. Các nhà máy thủy điện vẫn ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn.

Trước mắt, cần tập trung ưu tiên bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những địa bàn khô hạn gay gắt, chính quyền cần huy động phương tiện chở nước đến cấp cho dân; kiên quyết không để người dân thiếu nước dùng hằng ngày và không để trâu, bò chết vì thiếu nước như đã từng xảy ra trong mùa khô 2005.

Cố gắng đến mức cao nhất duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống ở những nơi tập trung đông dân cư. Đối với các nhà máy thủy điện, tuy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát điện nhưng vẫn phải ưu tiên hàng đầu việc xả nước theo đúng lưu lượng quy định, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ du. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.

Huy động tối đa các nguồn lực để chống đói, chống rét cho người nghèo, khắc phục thiếu đói giáp hạt ở các địa bàn nông thôn. Đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần nắm chắc tình hình, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực để cứu đói, không để gia đình nào thiếu đói đứt bữa.

Thế Phong

Giá lúa ĐBSCL tăng vọt, bà con nông dân mừng ra mặt

Nguồn tin: Người Lao Động

Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng tới vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL nhưng bù lại giá lúa đang tăng mạnh có lợi cho nông dân.

Ngày 11-3, theo thông tin từ ngành nông nghiệp một số địa phương như: Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… hiện giá lúa đông xuân đang tăng từ 200 - 300 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm 2015.

Anh Lê Thanh Phong (ngụ xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) xác nhận: “Tôi vừa bán 5 công lúa IR50404 với giá 4.700 đồng/kg, trừ hết chi phí thì thu lời được 6 triệu đồng. Năm nay do hạn hán, và mặn nên nhiều cánh đồng lúa bị mất trắng, thiếu nguồn cung. Hơn nữa, vụ đông xuân cho lúa năng suất và chất lượng cao nhất nên thương lái tranh nhau mua”.

Giá lúa đang có lợi cho nông dân

Bà Lê Thị Tâm Anh (ngụ xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) cũng vui mừng khi vừa bán được 1 ha lúa giá cao. Thương lái đến tận ruộng đặt mua với giá 4.600 đồng/kg lúa IR 50404, với 1 ha lúa, gia đình bà thu lời trên 15 triệu đồng.

Ngoài ra, ở nhiều tỉnh, lúa chất lượng cao cũng bán được giá từ 5.200 - 5.300 đồng/kg (lúa tươi). Tại TP Cần Thơ đã thu hoạch được gần 57.000 ha lúa đông xuân, chiếm khoảng 70% diện tích gieo sạ. Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện nay giá lúa đang nằm trên giá sàn theo nghị định số 109/2010, thị trường lúa diễn ra sôi động và đang có lợi cho nông dân nên chưa đề xuất lên Bộ NN-PTNT thu mua tạm trữ như mọi năm.

Ca Linh

Gần 22ha xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ngày 10-3, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện dự án “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang”.

Sau 2 năm nghiên cứu, dự án đã xây dựng được mô hình ra hoa rải vụ gồm mùa thuận, mùa nghịch, mùa muộn và ra hoa vụ sớm cho nông dân lựa chọn; xây dựng mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP 21,95ha; hướng dẫn nông dân cách bao trái góp phần làm giảm tỷ lệ trái bị sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Dự án còn chuyển giao kỹ thuật xử lý ra hoa, tỉa cành, tạo tán, canh tác xoài rải vụ cho hàng trăm cán bộ kỹ thuật và nông dân trong huyện, giúp nâng cao chuyên môn, kỹ thuật canh tác, chọn lựa phương án sản xuất tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã xét đạt cho kết quả thực hiện của dự án vì những hiệu quả đã mang lại như: xây dựng mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP vượt gần 2ha; giúp nhà vườn nắm được quy trình cho hoa rải vụ, cung cấp xoài vào những thời điểm giá cao nhằm thu lợi nhuận lớn; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với nghề bao trái xoài.

TRÚC LINH

Trái ngọt trên đất mặn

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Khi nuôi tôm gặp khó khăn, người nông dân bắt đầu tìm đến những mô hình đa cây, con tổng hợp trên đất mặn. Trong đó, việc phát triển các vườn cây ăn trái trên đất mặn là điều không phải dễ. Bởi đất đai đều bị thấm mặn hoàn toàn sau nhiều năm nuôi tôm nên bà con phải ngọt hoá lại từ đầu và phải tìm ra những loại cây phù hợp điều kiện thấm mặn. Khó khăn là vậy, song, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau bước đầu thực hiện hiệu quả loại hình này.

Trồng cây ăn trái là mô hình mà trước đây nhiều người đã lãng quên vì sự hấp dẫn của con tôm. Hơn 16 năm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, phần lớn vườn tược đều bị phá bỏ. Chính vì thế, trên địa bàn huyện Phú Tân thiếu đi những mảng xanh. Cây cối cằn cỗi do nước mặn. Mọi chi phí tiêu dùng, nhất là nhu cầu về cây ăn trái đều phải mua, tốn kém thêm chi phí. Từ thực tế này mà hiện nay, nhiều nông dân trong huyện Phú Tân bắt đầu khôi phục, phát triển mô hình trồng cây ăn trái. Bước đầu, những vườn cây ăn trái xanh mát được hình thành trên địa bàn huyện Phú Tân đã tạo nên những “ốc đảo” ngọt giữa vùng mặn.

Ngọt hoá vùng đất mặn

Đi dưới những hàng cây ăn trái của gia đình ông Trần Văn Mức, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân chúng tôi có cảm giác thoải mái dâng tràn và quên đi cái nắng gay gắt trên vùng đất mặn.

Để có được vườn cây ăn trái hơn 4.000m2 trên đất mặn với hàng trăm cây mận, xoài, cóc, ổi… ông Mức đã có một thời gian khá dài để ngọt hoá mảnh đất của mình.

Vườn cây ăn trái ông Trần Văn Mức, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo.

Trước chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đây là khu vườn trồng dừa, chuối cung cấp cây trái tiêu dùng và bán buôn. Khi chuyển sang nuôi tôm, ông Mức đã dùng máy khoan khu vực này thành một đầm lớn để mở rộng diện tích nuôi tôm. Sau mười mấy năm nuôi tôm, cây cối cằn cỗi, nắng nóng, để tìm lại cảm giác của những ngày làm ruộng ngày xưa, ông Mức quyết định “ngọt hoá” khu vực này để trồng cây ăn trái.

Ông Mức từng bước san lấp khu vực đất vườn quanh nhà và đào các ao trữ nước ngọt xung quanh để trồng cây ăn trái. Ban đầu, do đất còn nhiễm mặn nên cây trồng khó sống. Song, với sự kiên trì và rửa mặn vài năm, ông Mức đã thực hiện thành công việc trồng cây ăn trái trên vùng đất mặn. Hiện xoài, mận, cóc… đã cho thu hoạch được từ 2 - 3 vụ, mỗi năm cũng từ 500 - 700kg.

Chọn giống cây phù hợp

Kinh nghiệm ngọt hoá vùng đất mặn của ông Mức là phải đảm bảo độ thấm mặn ít bằng cách đào ao trữ nước ngọt xung quanh khu vườn.

Còn ông Huỳnh Chí Dũng, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân thì trước hết phải chọn loại cây phù hợp với điều kiện thấm mặn. Trong đó, cây xoài, mận, cóc, tắc, mít… là phù hợp nhất. Yếu tố quan trọng là người trồng phải cân đối khoảng cách trồng giữa các cây hợp lý, tránh tình trạng quá dày đặc, cây kém phát triển nhưng cũng tránh thưa quá, cây không đủ che phủ để giữ ẩm cho đất. Bởi, vào những ngày nắng nóng như thế này, nước bốc hơi nhanh, thiếu nước ngọt làm cho khả năng xâm nhập mặn cao thì cây dễ bị chết.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn này mà mấy năm nay vườn cây ăn trái trên 3.000m2 của gia đình ông Dũng đều cho thu nhập khá. Mục đích của ông Dũng là trồng để bán, nhưng không sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu nên được nhiều bà con trong vùng chọn mua. Chỉ riêng hơn 20 cây mận, vụ trái từ đầu năm đến giờ, ông Dũng đã bán và có thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Đến nay, huyện Phú Tân có gần 300 ha cây ăn trái trên vùng đất mặn cho thu hoạch. Đây là một trong những kết quả nổi bật từ việc thực hiện Nghị quyết số 03 năm 2011 của Huyện uỷ Phú Tân về tận dụng đất trồng cây ăn trái, hoa màu tăng thu nhập.

Trồng cây ăn trái trên vùng đất mặn là việc làm khó khăn, đòi hỏi nhiều bà con nông dân phải có sự kiên trì, ngọt hoá theo từng khuôn hộ gia đình. Trong đó, chủ yếu là xây dựng hệ thống bờ bao, ngăn mặn, giữ ngọt và đào ao, lên liếp cao ráo… trồng cây ăn trái mới có hiệu quả. Hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân chủ yếu trồng các loại cây ăn trái phù hợp với điều kiện thấm mặn, đặc biệt là chịu được hạn như: xoài, mận, sa-pô, thanh long và các loại cây có múi… bước đầu nhiều bà con có thu hoạch khá. Một số bà con cũng đã có thu nhập từ loại hình này./.

Ngoài trồng cây ăn trái, phần lớn bà con nông dân huyện Phú Tân cũng kết hợp nuôi các loại cá nước ngọt, ếch, rắn ri tượng, cá bống tượng… cho thu nhập ổn định. Yếu tố quan trọng là cung ứng được lượng rau, quả sạch tại chỗ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân - một nguyên tắc mà nhiều người tiêu dùng đang quan tâm hàng đầu hiện nay.

Hiệp Ðoàn

Bình Định: Nông dân Vĩnh Thạnh vui vì dưa hấu được mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Bình Định

Hiện tại, vụ dưa hấu ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) sắp kết thúc và người nông dân ở đây rất phấn khởi bởi vì vụ dưa năm nay vừa được mùa, vừa được giá.

Ruộng dưa của hộ ông Nguyễn Văn Dũng đang thu hoạch

Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính vụ dưa hấu Đông Xuân 2015 - 2016, nông dân huyện Vĩnh Thạnh xuống giống gần 90 ha, tập trung ở các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo và Vĩnh Thịnh. Nhờ thời tiết thuận lợi, các ruộng dưa trúng lớn, năng suất trung bình đạt từ 40 - 45 tấn/ha.

Điều đáng nói là, mọi năm mỗi tới mùa thu hoạch dưa là nông dân đứng ngồi không yên vì chỉ mong thương lái đến ruộng để hỏi mua. Năm nay thì khác, dưa chưa tới ngày thu hoạch đã có hàng chục thương lái đến tận ruộng đặt cọc với giá thu mua khá cao nên nhiều hộ trồng dưa rất yên tâm. Với giá bán như hiện nay gần 8.000 đồng/kg, người nông dân thực sự có một mùa dưa hấu “ngọt ngào” với mức lãi từ 10-14 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Văn Hồng, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, đầu tư gần 60 triệu để trồng 12 sào dưa. Truớc ngày thu hoạch một tuần, đã có thương lái tới tận ruộng để đặt tiền cọc với giá 7.800 đồng/kg.

Ông Hồng vui mừng nói: “Làm dưa cũng đầy rủi may. Cách đây hai tuần, giá dưa còn ở mức 4.000 đến 5.000 đồng/kg, nay đã lên gần 8.000 đổng/kg, người trồng dưa mừng lắm”.

Thương lái thu mua dưa

Không chỉ ông Hồng, hàng chục hộ trồng dưa ở các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh cũng rất phấn khởi vì dưa hấu vừa được mùa, vừa được giá. Theo nhiều nông dân, thời tiết năm nay khá thuận cho trồng dưa dấu nên dưa năm nay ít bị bệnh, năng suất lại cao.

Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Vĩnh Hảo, cũng là một trong những hộ có diện tích dưa khá lớn. Năm nay, ông Dũng đầu tư hơn 100 triệu đồng để thuê đất trồng hơn 18 sào dưa hấu tại xã Vĩnh Thuận. Thời tiết thuận lợi, dưa hấu phát triển khá tốt, năng suất ước tính 50 tấn/ha. Với giá dưa hiện tại, ông Dũng thu được hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Dưa được mùa, giá cao lại dễ bán, chưa đến ngày thu hoạch nhưng nhiều thương lái đến hỏi mua. Bà con ai cũng mừng” - ông Dũng hồ hởi nói.

Còn chị Đinh Thị A Ngắc, ở xã Vĩnh Thuận, thì xuýt xoa vì vừa bán xong 25 sào dưa với giá 5.500 đồng/kg cách đây 5 ngày: “Mình bán sớm nên giờ thấy giá dưa lên cũng tiếc. Ước gì giá cứ ổn định thế này luôn thì nông dân mình được nhờ”.

Theo tính toán của người trồng dưa, nếu giá dưa chỉ khoảng 7.000 đồng/kg, trung bình một ha dưa cho năng suất khoảng 50 tấn thì sau khi trừ chi phí, người nông dân đã có lãi gần 250 triệu đồng. Như vậy, so với các loại cây trồng khác thì hiện nay, dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cần lưu ý, đây là cây trồng mang tính rủi ro cao bởi giá dưa phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

XUÂN DŨNG

Hậu Giang: Cam sành, chanh không hạt tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Các tiểu thương tại chợ Vị Thanh (Hậu Giang) cho biết, cam sành loại 1 được bán với giá 25.000 - 28.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg, cam nước 15.000 đồng/kg, có những ngày ít hàng có thể tăng giá đến 30.000 đồng/kg. Cam mật bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cam xoàn được bán ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg, một số quầy đã hết hàng. Giá cam tăng như hiện nay là do cam đang vào nghịch vụ, năng suất cam giảm so với thời điểm chính vụ, trong khi nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng cam cũng tăng lên. Cũng theo các tiểu thương, lượng cam về chợ không còn nhiều, trong những ngày tới giá cam có thể sẽ còn tiếp tục tăng.

* Theo các nhà vườn, qua một thời gian chanh không hạt rớt giá mạnh thì hiện một số thương lái và các công ty bao tiêu hàng nông sản đã báo giá thu mua chanh không hạt với giá dao động từ 18.000 - 21.500 đồng/kg, tùy loại. Đây là mức khá cao và tăng hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết. Theo nhiều nhà vườn trồng chanh không hạt ở huyện Châu Thành, sở dĩ giá chanh không hạt tăng là do người dân đã liên kết được với các công ty thu mua hàng nông sản và trồng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, ít sử dụng phân, thuốc hóa học. Nhất là thị trường tiêu thụ chanh trong và ngoài tỉnh có chiều hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

K.ĐIỀU - C.CÔNG

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop