Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 01 năm 2016

 

Phát triển trà hoa vàng - cây dược liệu quý

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

 

Trong những ngày đầu năm 2016 này, chúng tôi trở lại vùng cao Ba Chẽ (Quảng Ninh), đâu đâu cũng thấy bàn tán của người dân về Lễ hội trà hoa vàng - một loại cây dược liệu quý hiếm. Giờ đây, trong bạt ngàn núi rừng của vùng đất Ba Chẽ, cây trà hoa vàng và nhiều loại thảo dược quý đặc trưng của vùng, đang được hình thành trên vùng đất khó, từng bước đem lại sự đổi thay cho người dân nơi đây.

 

 

Đồi trà hoa vàng sắp cho thu hoạch của gia đình anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh.

 

Trà hoa vàng vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng ở Ba Chẽ đã từ rất lâu, nhưng phải đến gần đây, giá trị đích thực của cây trà hoa vàng mới được biết đến. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, trà hoa vàng ở Ba Chẽ hiện đang là cây trồng cho thu nhập cao với mức giá 15 - 20 triệu đồng/kg khô; hoa tươi thu mua với giá 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg.

 

Đón chúng tôi trên tuyến tỉnh lộ 330, anh Nịnh Văn Trắng, ở xã Đạp Thanh, dẫn chúng tôi lên một bè tre vượt ngang sông Ba Chẽ, sau đó đi thăm các khu vực đồi đã được phủ kín cây trà hoa vàng đang sinh trưởng tốt của gia đình. Nhìn vạt đồi trồng trà hoa vàng xanh hút mắt, chúng tôi mới thấy được tâm huyết của những người làm giàu từ đất, cần mẫn nhặt từng hạt chè hoa vàng từ rừng về trồng đại trà trên vùng đất khó. Anh Nịnh Văn Trắng cho biết: Bắt đầu từ năm 2006 thấy người Trung Quốc thu mua loại trà này với giá rất cao, người dân chủ yếu vào rừng thu hái tự nhiên, với mức khai thác tận thu nguồn hoa này ngày càng khan hiếm. Trước nguồn lợi lớn từ rừng trong anh nảy ra ý định sẽ trồng và nhân rộng loại cây dược liệu này. Đã nghĩ là làm, với số vốn ít ỏi mà vợ chồng tích cóp được, cùng 20 triệu đồng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mạnh dạn đầu tư trồng 2ha cây trà hoa vàng. Những ngày đầu trồng trà hoa vàng với bao bỡ ngỡ vì cả xã, cả thôn đến cả huyện chưa có ai trồng loại cây này. Với bản tính cần cù ham học hỏi, anh tham khảo kinh nghiệm của các cụ trong làng; ý kiến của cán bộ khuyến nông huyện và ngày ngày rầy công chăm sóc. Thấy cây trà sống khoẻ, xanh tốt, phát triển đều, anh vui lắm. Sau đó anh ươm trồng, chiết cành, ươm hạt phát triển các đồi trà của gia đình cũng như bán giống cho người dân trong xã. Hiện trong xã có khoảng 50 - 60 hộ tham gia trồng giống trà này. Gia đình anh mỗi năm hái và thu mua trà hoa vàng mang lại thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.

 

Trà hoa vàng không chỉ là cây có giá trị kinh tế cao, mà còn là loài dược liệu quý. Theo nghiên cứu trà hoa vàng được các nhà khoa học chứng minh có khả năng kiềm chế được sự sinh trưởng của khối u, giảm cholesterol trong máu, chữa xơ cứng động mạch do lượng mỡ trong máu cao... Trong khi đó, trồng trà hoa vàng chi đầu tư không lớn, phù hợp với nhiều đối tượng. Do đó mở rộng phát triển vùng sản xuất trà hoa vàng theo hướng bền vững là điều cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển của huyện Ba Chẽ hiện tại và trong tương lai.

 

Hiện tổng diện tích toàn huyện đã trồng 100ha, cho thu hoạch diện tích trên 10ha. UBND huyện Ba Chẽ đã hoàn thành quy hoạch đến năm 2020 có vùng trồng dược liệu trên 3.000ha, trong đó trồng cây trà hoa vàng 500ha. Trà hoa vàng sẽ tập trung phát triển ở các xã: Đạp Thanh, Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Minh Cầm, Lương Mông. Đến năm 2020, diện tích khoảng 500ha, sản lượng đạt 20,7 tấn hoa khô. Cụ thể hoá quy hoạch này, Công ty CP Phú Khang đã lập dự án trồng 250ha tại xã Thanh Sơn kết hợp chế biến dược liệu tại chỗ và đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch. Công ty đang tiến hành triển khai các bước để kịp thời đầu tư trong năm 2016 này.

 

Quy hoạch mở rộng vùng trồng cây trà hoa vàng tại Ba Chẽ thành công sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn mới, mang lại hiệu quả cho huyện. Góp phần làm phong phú thêm chủng loại giống cây lâm sản ngoài gỗ được đưa vào gây trồng trên địa bàn huyện và cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thay đổi căn bản phương thức sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, hình thành phát triển vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung.

 

Trung Thành

 

Phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Cây hồ tiêu chiếm vị trí quan trọng đối với nông nghiệp nước ta. Đến năm 2015, diện tích hồ tiêu toàn quốc ước đạt 100,7 nghìn ha, kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD.

 

Tuy nhiên phát triển hồ tiêu chưa bền vững. Trong những năm gần đây do giá hồ tiêu tăng cao, diện tích hồ tiêu tăng nhanh chưa theo quy hoạch, sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm hồ tiêu.

 

Để phát triển cây hồ tiêu bền vững trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các tỉnh có trồng hồ tiêu tập trung chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại toàn bộ diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đánh giá việc thực hiện quy hoạch, phát triển hồ tiêu của địa phương, có biện pháp để hạn chế tối đa việc phát triển hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch nhất là những vùng có điều kiện đất đai, khí hậu không phù hợp với cây hồ tiêu.

 

Đồng thời phân công cán bộ thường xuyên theo dõi các vùng trồng hồ tiêu tập trung, dự báo tình hình sâu bệnh hại hồ tiêu, hướng dẫn người sản xuất thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đánh giá, công nhận vườn hồ tiêu đầu dòng sạch bệnh làm nguồn vật liệu nhân giống. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất giống để đảm bảo giống tốt, sạch bệnh được đưa vào sản xuất.

 

Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn và các cơ sở chế biến để đảm bảo sản xuất và chế biến hồ tiêu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vận động các công ty thành viên chế biến, xuất khẩu phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trồng hồ tiêu, xây dựng và phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất có xác nhận chế biến, tiêu thụ hồ tiêu an toàn và có hiệu quả.

 

Khánh Linh

 

Đồng Nai: Vào vụ thu hoạch, hạt ca cao giảm giá

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

 

Công nhân sơ chế hạt ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức.

 

Thời điểm này, cây ca cao bắt đầu vào vụ thu hoạch. Theo đó, giá hạt ca cao khô hiện chỉ còn 65 ngàn đồng/kg, giảm 10 ngàn đồng so với tháng trước do ảnh hưởng của giá thế giới. Tuy nhiên, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, đơn vị đang triển khai mô hình cánh đồng lớn với cây ca cao trên địa bàn tỉnh vẫn giữ đúng cam kết giữ mức giá bao tiêu là 6 ngàn đồng/kg trái tươi (mặt bằng thị trường là: 4.800 đồng/kg) như đã ký kết với nông dân trước đó. Vào đầu vụ, công ty đạt công suất chế biến khoảng 80 tấn/tuần. Dự kiến thời điểm chính vụ thu hoạch, công suất của đơn vị có thể lên đến 100 tấn/tuần.

 

Bình Nguyên

 

Trồng tiêu ghép Amazon: Cẩn trọng kẻo… “tiền mất, tật mang”

 

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Tiêu gép Amazon là giống tiêu được lấy gốc từ cây tiêu rừng, tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ. Vì nhìn hình thái khá giống cây trầu nên người ta gọi là trầu Nam Mỹ. Người ta dùng cây này làm gốc để ghép các giống tiêu của Việt Nam cho ra giống tiêu ghép Amazon.

 

Trong vài năm gần đây, trước tình trạng các giống tiêu truyền thống thường mắc bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm thì một “giống tiêu lạ” đã xuất hiện với tên gọi tiêu ghép Amazon.

 

Theo như quảng cáo của các đại lý bán cây giống thì loại tiêu ghép này có khả năng chịu úng, bộ rễ khỏe, kháng được các bệnh thối rễ, chết nhanh, chết chậm. Vậy nên, nhiều hộ dân có vườn tiêu chết đã mua giống tiêu này về trồng với mong muốn loại trừ được dịch bệnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế thì chưa thấy đâu, nhiều trụ tiêu giống Amazon đã chết dần khi chưa kịp cho quả.

 

Năm 2013, nghe lời giới thiệu của một số người quen, ông Trần Duy Lợi, thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song - Đắk Nông) đã bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua giống tiêu ghép Amazon về trồng thay thế vào các trụ tiêu đã chết của vườn tiêu nhà mình với giá mỗi cây giống 22 ngàn đồng. Với những gì ông nghe được từ người bán giống, hy vọng tiêu Amazon là “cứu cánh” để gia đình thoát khỏi cảnh nơm nớp lo vườn tiêu chết nhanh, chết chậm.

 

Lúc đầu mới trồng, giống tiêu mới này phát triển tương đối nhanh nhưng càng về sau, việc đẻ nhánh, vươn đọt có vẻ như không bình thường và đến nay, hơn 130 trụ tiêu này đã chết chỉ còn vỏn vẹn 5 trụ. Vậy mà, 5 trụ còn sống sau hơn 2 năm vẫn mới chỉ cho vài nhánh trái.

 

 

Một trong những cây tiêu ghép Amazon của gia đình ông Trần Duy Lợi, thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) sau hơn 2 năm vẫn chưa ra quả

 

Gần vườn ông Lợi, gia đình ông Mạnh cũng đã trồng 500 trụ tiêu ghép Amazon. Hiện, các trụ tiêu này cũng đã chết dần, chết mòn, số còn lại đang trong quá trình cho quả bói nhưng cũng không nhiều so với các giống tiêu truyền thống.

 

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song thì hiện trên địa bàn huyện có khoảng 10 ha tiêu ghép Amazon đã được người dân trồng. Tuy nhiên, đây là con số nắm được từ các hộ trồng tương đối tập trung, còn những diện tích trồng rải rác thì rất khó thống kê.

 

Qua khảo sát, giống tiêu này khi trồng đòi hỏi nhu cầu nước tưới rất lớn. Mặt khác, bộ rễ của cây rất dễ bị mối ăn hoặc bị nứt mắt ghép, ra trái răng cưa… Vì vậy, mặc dù được xem là giống kháng bệnh nhưng tỷ lệ cây sống không cao, không phù hợp với vùng đất khó khăn về nguồn nước. Bên cạnh đó, năng suất của giống tiêu này cũng chưa cho thấy tính vượt trội so với những giống tiêu phổ biến hiện nay.

 

Không riêng gì Đắk Song, với mong muốn tìm kiếm một giống tiêu ưu việt trong kháng bệnh, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mua giống tiêu ghép Amazon về trồng. Điển hình như xã Đắk N’Drót (Đắk Mil), địa phương này hiện có khoảng 40 ha tiêu Amazon được người dân trồng nhưng hiệu quả cũng chưa thể khẳng định.

 

Theo anh Trần Văn Hùng, người chuyên cung cấp cây giống như cà phê, tiêu ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có điểm bán cây giống ở thị trấn Kiến Đức thì thời gian qua, có khá nhiều người dân ở Đắk Nông hỏi mua giống tiêu ghép Amazon. Chỉ riêng điểm bán ở Kiến Đức, mỗi năm, anh đã tiêu thụ từ 3.000 đến 6.000 cây tiêu giống Amazon.

 

Qua tìm hiểu được biết, đây là giống tiêu chưa có chủ trương trồng khảo nghiệm nên chưa được công nhận là một tiến bộ kỹ thuật, cũng như được kiểm định về năng suất và chất lượng.

 

Cụ thể nhất là trước việc xuất hiện giống “tiêu lạ”, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp-PTNT các tỉnh có diện tích trồng tiêu lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông với nội dung: Giống tiêu dại có nguồn gốc từ rừng Amazon ở vùng Nam Mỹ có tên khoa học là Piper colubrinum link, dạng thân bụi, lá to, dây màu xanh đậm, cây sinh trưởng khỏe, nẩy chồi mạnh, phát triển tốt trong môi trường đầy đủ nước, kém chịu hạn.

 

Đến nay, các hộ trồng giống mới này được từ 1 đến 3 năm, chưa có kết quả về năng suất, chất lượng và chưa được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Vì vậy, các địa phương cần theo dõi, khuyến cáo người dân khi trồng giống tiêu này.

 

Liên quan đến vấn đề này, theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì đơn vị đã khuyến cáo người dân không nên trồng tập trung với diện tích lớn giống tiêu ghép này vì hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình khảo nghiệm để đánh giá mức độ thích nghi, biện pháp chăm sóc cũng như năng suất, hiệu quả cây trồng. Mặt khác, người dân cũng nên cẩn trọng, không quá tin vào những lời quảng cáo từ người bán cây giống kẻo rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

 

Hà An

 

Mô hình bao tiêu bắp tươi ở Lộc Hưng (Bình Phước)

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Anh Nguyễn Bá Tâm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng (Lộc Ninh - Bình Phước) khi giới thiệu về mô hình bao tiêu nông sản do anh Đỗ Văn Thân (43 tuổi) ở tổ 5, ấp 7 hợp đồng với các hộ trồng bắp tại cánh đồng Cây Me cho rằng: Mô hình hợp tác mua bắp của anh Thân với hộ nông dân có hiệu quả kinh tế cao và hai bên đều có lợi.

 

Nông dân không bị ép giá

 

Mùa khô đã về hơn 2 tháng nhưng cánh đồng Cây Me với diện tích gần 70 ha nằm ở ấp 7 (Lộc Hưng), rẫy bắp của nhiều hộ đã chuẩn bị ra trái phủ một màu xanh mướt. Anh Đoàn Văn Nhỏ (40 tuổi) đã có 4 năm trồng bắp thay 1 vụ lúa phấn khởi: Từ khi hợp tác bán bắp tươi cho anh Thân với giá ổn định 6.000 đồng/kg thì tôi không còn bị tư thương ép giá nên yên tâm đầu tư chăm sóc 5 sào bắp.

 

Quê ở Tiền Giang, có sẵn kinh nghiệm chuyên canh lúa, hoa màu nên anh Nhỏ không sợ năng suất ruộng bắp của gia đình thua kém người khác. Thế nhưng, cùng chung cái khổ với nhà nông là đổ công sức, vốn liếng cho ruộng bắp nhưng đến khi thu hoạch luôn bị tư thương ép giá. Hợp tác bán bắp tươi cho anh Thân, anh Nhỏ cũng như các hộ trồng bắp khác ở Lộc Hưng càng phấn khởi khi năng suất tăng gấp 1,5 lần so với trước.

 

 

Anh Thân (bên trái) kiểm tra thực tế ruộng bắp của hộ ông Phương

 

Cựu chiến binh Hà Văn Phương (66 tuổi) cho biết: “Cánh đồng Cây Me có tổng diện tích gần 70 ha, với 124 hộ canh tác. Nhờ có nước thủy lợi nên nông dân có thể sạ lúa 3 vụ nhưng nếu trồng xen được 1 - 2 vụ bắp hoặc đậu sẽ giảm lượng nước và có lãi hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất của nhà nông vẫn là đầu ra cho nông sản. Lộc Hưng cũng như các khu vực khác của Bình Phước, do không phải là vùng chuyên canh nên thương lái sẵn sàng ép giá”. Ông Phương tính toán, với giá thu mua 6.000 đồng/kg, bắp được trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, năng suất đạt 1 - 1,1 tấn/sào thì thu hoạch từ bắp gấp 1,5 lần so với lúa.

 

Giữ chữ tín

 

Anh Thân chia sẻ: “Khoảng năm 2006, gia đình tôi đến Lộc Hưng lập nghiệp và trồng bắp. Cũng như bao hộ nông dân khác, vợ chồng tôi phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để trồng bắp tốt nhưng đến khi thu hoạch bị tư thương ép giá không thương tiếc”.

 

Vợ chồng anh Thân nấu bắp tươi để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Dần dần anh mở rộng bán buôn. Năm 2010, gia đình anh hợp tác với hộ trồng bắp để có đầu vào hằng ngày đủ cho 20 người chạy chợ trên địa bàn Lộc Ninh. Hộ trồng bắp hợp tác với anh Thân phải xuống giống theo lịch để thu hoạch không trùng ngày, bảo đảm đủ sản lượng bao tiêu trong ngày. Anh Thân bao tiêu đúng giá đã thỏa thuận (2 năm). Hộ trồng bắp không được bán cho người khác. Bắp có hạt đều, trái to, thu hoạch đúng thời điểm để trái không già cứng, cũng không quá non. Những hộ ít kinh nghiệm, anh tư vấn kỹ thuật tỉa, chăm sóc, bón phân...

 

Anh Thân cho biết, do hạn hẹp thị trường và ảnh hưởng của giá mủ cao su thấp nên tiêu thụ bắp chín cũng giảm khoảng 1/3 so với trước đây. Hiện mỗi tháng, anh thu mua khoảng 200 triệu đồng. Mùa khô tiêu thụ từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Anh Thân cũng đang thí điểm quy trình kỹ thuật chăm sóc bắp bằng hữu cơ hóa (không sử dụng phân bón hóa học để giảm độ bạc màu của đất). Rải phân như lúa (không vun gốc) để giảm từ 50 công/ha xuống còn 30 công/ha. Dùng thân cây bắp sau thu hoạch để tạo phân bón... Thành công, anh Thân sẽ hướng dẫn, phổ biến cho nông dân để giảm chi phí sản xuất, tăng lãi trên diện tích ruộng bắp.

 

Phương Hà

 

Sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 trong điều kiện thời tiết ấm

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch vụ Đông 2015 và sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016 trong điều kiện thời tiết ấm.

 

Theo Dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El-Nino tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4/2016; trong thời gian từ nay đến tháng 4/2016, nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình từ 0,5 - 1,5oC, trong các tháng chính Đông của miền Bắc, ít có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, hạn hán vẫn gay gắt khu vực miền Trung và vùng Bắc trung Bộ. Theo nhận định đây là vụ đông xuân ấm khá đặc biệt, diễn biến ấm tiếp tục biểu hiện phức tạp sẽ là khó khăn lớn với sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 - 2016.

 

Để thực hiện tốt sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện bất thuận, đảm bảo thắng lợi, Cục Trồng trọt đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung sau: Đối với vụ Đông 2015, tập trung chỉ đạo nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ Đông, nhất là nhóm cây ưa lạnh, đôn đốc thu hoạch cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và sản lượng theo kế hoạch.

 

Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch cần chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước, sau Tết Nguyên đán.

 

Chỉ đạo quyết liệt gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016

 

Đối với các tỉnh từ Nghệ An trở ra, theo số liệu tiến độ từ các địa phương, một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái…) bà con nông dân đã và đang gieo cấy các giống xuân sớm như Xi23, X21… Mạ đã có 6 - 7 lá. Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình…) nông dân gieo mạ các giống Xuân sớm và Xuân trung từ trung tuần tháng 12/2015. Với nền nhiệt ấm, mạ sinh trưởng mạnh, lúa cấy sẽ bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm và nguy cơ phấn hóa, trổ bông tháng 3, giảm trầm trọng năng suất là rất cao.

 

Cục trồng trọt đề nghị, đối với trà lúa Xuân sớm, đề nghị các địa phương cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, đánh giá cụ thể tình hình mạ, số lá mạ đã gieo, tuyên truyền vận động bà con nông dân kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm lúa ngắn ngày, Xuân muộn, gieo mạ nền hoặc gieo sạ, trà lúa Xuân muộn thời vụ còn rất rộng.

 

Đối với trà Xuân muộn, bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, gieo mạ nền xung quanh tiết Lập Xuân, vùng thuận lợi gieo sau Lập Xuân, cấy trong tháng 2 để lúa trỗ từ 1 - 20/5.

 

Đồng thời theo dõi sát lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016 vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ. Chỉ đạo chuẩn bị tốt kế hoạch và mọi điều kiện để lấy nước đổ ải thau chua, rửa mặn ở vùng ven biển, tích và giữ nước kịp thời hiệu quả.

 

Đối với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, làm đất kịp thời để gieo cấy lúa Đông Xuân 2015 - 2016 đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Các địa phương cần chủ động rà soát lại diện tích gieo cấy lúa ở những vùng không chủ động tưới, tiêu, có nguy cơ không đủ nước tưới cho lúa cả vụ, sản xuất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi sang các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đề xuất với UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giống, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng thích hợp trong điều kiện khô hạn, thiếu nước và vụ Đông Xuân nghiêm ấm.

 

Lan Phương

 

Hướng mở ra cho cây xoài cát chu trên vùng đất cồn An Lộc (Trà Vinh)

 

Nguồn tin: Trà Vinh

 

Là ấp cù lao của xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nên điều kiện về thổ nhưỡng ở vùng đất An Lộc khá phù hợp với phát triển vườn cây ăn trái. Hiện toàn ấp có khoảng 140ha diện tích trồng cây ăn trái, trong này diện tích trồng xoài cát chu gần 25ha. Những năm qua, do giá xoài cát chu thường không ổn định nên thu nhập của các nhà vườn từ cây xoài gặp nhiều khó khăn, từ đó việc phát triển và mở rộng diện tích xoài cát chu ở vùng đất cù lao An Lộc ít được nhà vườn quan tâm. Với việc liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho cây xoài cát chu với nhà vườn An Lộc của Công ty TNHH sản xuất chế biến (SXCB) nông, thủy sản Thuận Phong (tỉnh Tiền Giang), đã tạo hướng đi mới cho nhà vườn nơi đây trong việc thực hiện sản xuất sản phẩm sạch, an toàn để cung cấp cho thị trường xuất khẩu và trong nước.

Các nhà vườn ở cồn An Lộc, xã Hòa Tân trong buổi gặp và trao đổi về mô hình liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm xoài cát chu với Công ty TNHH SXCB nông, thủy sản Thuận Phong.

 

Niềm vui với nhà vườn An Lộc

 

Nhà vườn Nguyễn Văn Đệ, Tổ 2, ấp An Lộc, xã Hòa Tân phấn khởi cho biết: Hàng năm, với diện tích vườn xoài cát chu của gia đình khoảng 04ha, nhưng do giá bán luôn bấp bênh, có thời điểm chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg xoài nên thu nhập của nhà vườn từ cây xoài không ổn định. Việc xử lý để xoài ra hoa, đậu trái và thuê mướn nhân công phun xịt chi phí đầu tư rất cao, chiếm khoảng 40 - 50%. Với việc liên kết bao tiêu như phía Công ty TNHH SXCB nông, thủy sản Thuận Phong đưa ra (trọng lượng xoài 200 - 250gram/trái giá 12.000 đồng/kg; xoài 250 - 300 gram/trái giá 14.000 đồng/kg), như vậy bình quân khoảng 13.000 đồng/kg xoài. Giá này sẽ giúp cho nhà vườn an tâm phát triển và nâng cao chất lượng vùng xoài cát chu ở cồn An Lộc.

 

Nhà vườn Trần Văn Trung, Tổ 3, ấp An Lộc, xã Hòa Tân so sánh: Nếu so với giá nhãn cũng như tình hình dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn thì trồng xoài cát chu mang lại hiệu quả cao gấp 02 lần so nhãn. Với diện tích 0,8ha vườn trồng nhãn, nhưng từ năm 2010 gia đình đã đốn nhãn chuyển sang trồng dâu, tuy nhiên do giá dâu thấp và không ổn định (2.500 - 3.000 đồng/kg) nên mỗi năm thu nhập của gia đình chỉ khoảng 40 - 45 triệu đồng/0,8ha. Vì vậy, từ năm 2014 gia đình đã đốn dâu và chuyển sang trồng được gần 150 gốc xoài cát chu, dự kiến trong năm 2016 gia đình tiếp tục cải tạo để trồng thêm 50 gốc xoài nữa. Với sự hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của phía công ty sẽ tạo điều kiện cho nhà vườn an tâm “bám” lấy cây xoài trong thời gian tới. Với năng suất xoài hiện dao động 12 - 15 tấn trái/ha và giá thu mua như phía công ty hợp đồng, trừ chi phí nhà vườn thu vào khoảng 120 triệu đồng/ha.

 

Theo ông Lê Quốc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè: Đối với diện tích vườn ở cồn An Lộc hiện nay nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất của các nhà vườn đang chuyển dần sang các loại cây ăn trái chủ lực theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) với các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Trước đây, diện tích trồng xoài của nhà vườn An Lộc chưa tập trung, thiếu chăm sóc nên năng suất và chất lượng trái không cao. Với việc liên kết với Công ty TNHH SXCB nông, thủy sản Thuận Phong sẽ góp phần cho địa phương có định hướng tốt trong việc mở rộng diện tích xoài cát chu theo hướng chuyên canh, tập trung và tăng năng suất, đảm bảo sản phẩm sạch-an toàn theo quy trình của nhà đầu tư. Dự kiến diện tích được mở rộng theo mô hình liên kết: đầu tư vật tư nông nghiệp (phân, thuốc) và bao tiêu đầu ra khoảng 50 - 70ha.

 

Hướng mở ra từ mô hình sản xuất liên kết bền vững

 

Ngày 25/12/2015, tại buổi gặp giữa UBND huyện, Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, UBND xã Hòa Tân, Hội Làm vườn tỉnh và gần 30 nhà vườn An Lộc với đại diện Công ty TNHH SXCB nông, thủy sản Thuận Phong đã bàn giải pháp trong việc tiến tới xây dựng mô hình trồng xoài cát chu theo hướng sạch-an toàn gắn với bao tiêu sản phẩm. Ông Phạm Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SXCB nông, thủy sản Thuận Phong thông tin: Về phía công ty, trước mắt sẽ phối hợp với địa phương thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm xoài cát chu thông qua hợp tác xã. Theo đó, đối với các hộ đã có xoài rồi sẽ được công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm (chu kỳ 05 - 10 năm) với giá ổn định. Riêng đối với diện tích xoài chưa trồng, phía công ty sẽ hỗ trợ cây giống, thuốc, phân bón trong suốt chu kỳ 04 năm, khi đến năm thứ 05 vào vụ thu hoạch trái đầu tiên sẽ được công ty ký kết thu mua theo giá hợp đồng bao tiêu sản phẩm và thực hiện khấu trừ vốn đầu tư ban đầu cho nhà vườn với thời gian 05 năm (20%/năm). Tất cả các diện tích vườn xoài khi tham gia vào mô hình phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch-an toàn do phía công ty và hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Đệ, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết: Để đảm bảo được việc liên kết với đối tác, trước mắt trong tháng 01/2016, các nhà vườn tại An Lộc sẽ tiến hành thành lập và ra mắt hợp tác xã xoài. Sau khi các xã viên thống nhất với hợp đồng bao tiêu về giá xoài cát chu cũng như sự hỗ trợ, đầu tư vật tư nông nghiệp (ứng vốn trước) của công ty cho nhà vườn sẽ tiến đến ký kết hợp đồng. Như vậy, dự kiến trong năm 2016 sẽ có khoảng 25ha xoài cát chu đang cho trái tham gia vào chuỗi cung ứng hàng công ty. Số diện tích xoài cát chu tiếp tục được trồng mới và phát triển theo cam kết của nhà đầu tư ở An Lộc vào khoảng từ 50 - 70ha.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, ông Ngô Thanh Xuân cho biết: Việc tiến tới mô hình liên kết về bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng là động lực để thúc đẩy và đưa kinh tế vườn của Cầu Kè phát triển trong thời gian tới. Đây là mô hình liên kết đầu tiên về lĩnh vực cây ăn trái, nếu thực hiện thành công, huyện sẽ tiếp tục đề nghị phía công ty tham gia vào các chuỗi giá trị cây ăn trái khác. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo hướng ổn định với chu kỳ dài sẽ giúp cho nhà vườn có nhiều thuận lợi về đầu ra sản phẩm, hạch toán được chi phí sản xuất, chủ động trong việc sản xuất mang tính khép kín theo quy trình sạch-an toàn cho trái cây.

 

HỮU HUỆ

 

Đưa cây vải thiều vào cơ cấu cây trồng

 

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Từ mô hình trồng vải thiều thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Nam Đà, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhân rộng, đưa cây vải thiều vào cơ cấu cây trồng của huyện.

 

Từ mô hình điểm

 

Năm 2004, sau khi dành thời gian 3 tháng đi học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải tại vùng trồng vải nổi tiếng phía Bắc, anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà bắt tay vào trồng vải thiều. Trải qua những khó khăn, thất bại ban đầu, anh Minh đã biết cách giúp cây vải thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

 

 

Từ mô hình vườn vải của anh Minh, ngành Nông nghiệp huyện xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh vải trên địa bàn

 

Theo anh Minh thì trước đây bố anh Minh đã mang 50 cây vải giống từ Bắc Giang vào trồng thí nghiệm trong vườn nhà. Vườn vải phát triển xanh tốt nhưng không ra hoa, đậu quả. Sau khi dùng nhiều cách để thúc ép, kích thích mới có 3 cây ra trái, nhưng chỉ có 1 cây ăn được, còn 2 cây thì trái chua phải chặt bỏ. Với một cây cho quả, gia đình bán được 1 triệu đồng.

 

Xác định là loại cây khó trồng nhưng đổi lại trồng được thì giá trị rất cao, Minh bắt đầu lao vào học trồng vải, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bước đầu không xác định được giống nào là phù hợp nên Minh trồng thử nghiệm cả 5 giống vải trong vườn nhà mình, rồi từ quá trình chăm sóc, sàng lọc, chiết ghép, chọn được giống cho hiệu quả kinh tế cao để giữ lại và nhân rộng. Hiện nay, trong vườn chủ yếu là giống U Hồng cho năng suất cao, quả đẹp và chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết.

 

Anh Minh cho biết: Bây giờ, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng vải rất nhiều, chi tiết, nhưng quan trọng nhất là vùng đất mình canh tác khí hậu ra sao. Khi đưa giống vải vào đây trồng, áp dụng kỹ thuật theo tài liệu, hay cách làm ở vùng trồng vải phía Bắc thì trật lất hết nên tôi phải tự mày mò, nghĩ cách xử lý như thế nào cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.

 

Qua thực tế cho thấy, việc chăm sóc vải không tốn nhiều công, về kỹ thuật cần tập trung chủ yếu vào thời kỳ vải ra hoa. Trước lúc vải ra hoa khoảng 2 tháng phải xử lý để hoa ra đều, đúng thời điểm thì coi như đã thành công được hơn 90%.

 

Hiện nay, với 1,5 ha, khoảng 450 cây vải, mỗi năm anh Minh thu hoạch được khoảng 30 tấn, thu về hơn 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn chiết ghép, sản xuất cây giống bán cho nhiều hộ dân trên địa bàn và sẵn sàng đến tận vườn để tư vấn, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng vải thiều.

 

Nhân rộng, xây dựng vùng chuyên canh

 

Sau quá trình theo dõi quá trình sinh trưởng, thích nghi với điều kiện khí hậu, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng dự án phát triển vùng trồng cây vải tại địa bàn các xã Nam Đà, Đắk Drô, Nâm Nung, Tân Thành, Đắk Sôr, Nâm N’đir, với diện tích phấn đấu đạt 45 - 50 ha.

 

Riêng năm 2016, cây vải triển khai ở 3 xã Nam Đà, Đắk D'rô, Nâm Nung với 11 ha, khoảng 20 hộ gia đình tham gia. Việc xây dựng vùng chuyên canh trồng vải nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế trong tiêu thụ sản phẩm, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Các vùng đất trước đây có các loại cây trồng không phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp như vườn cà phê già cỗi, vườn tạp, nguồn nước tưới ít được chuyển sang trồng cây vải.

 

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô thì qua quá trình theo dõi một số mô hình trồng vải trên địa bàn huyện cho thấy, cây vải phát triển tốt, năng suất cao, thích nghi được với điều kiện khí hậu địa phương nên có thể nhân rộng với diện tích vừa phải.

 

Qua việc phát triển cây vải, huyện cũng mong muốn từng bước hình thành được vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, có sản lượng hàng hóa lớn, ổn định, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của vùng. Nông dân có thể gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

 

Đức Hùng

 

Trồng ổi lời trên 10 triệu đồng/công

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Phong trào chuyển đổi cây trồng đang phát triển mạnh ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ngoài những loại cây có múi cho giá trị kinh tế cao thì nhiều nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp cũng chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác. Trong đó mô hình trồng ổi là một ví dụ. Với 4 công ổi, hàng tháng, ông Tô Thành Công, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, cho thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Theo ông Công, vào thời điểm này, ổi có giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, ổi cho trái quanh năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận hàng năm trên 10 triệu đồng/công. Lợi thế của ổi là dễ trồng, loại giống được ưa chuộng hiện nay là ổi ruột hồng, trái to, ngọt và giòn, thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất cao, nhưng chi phí đầu tư lại khá thấp.

 

THANH DUY

 

Cây quýt đường trên đất Đồng Sim (Bình Định)

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Gần 8 năm trở lại đây, người dân ở xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) và các địa phương lân cận đã đưa giống quýt đường từ miền Tây Nam bộ về trồng ở khu vực thôn Đồng Sim - xã Tây Xuân, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

 

 

Ông Nguyễn Cai và vườn quýt 2 năm tuổi. Ảnh: Đ.M.T

 

Ông Nguyễn Cai, nguyên Trưởng thôn Đồng Sim cho biết: “Đến nay trên địa bàn thôn có gần 25 ha quýt đường, mỗi vườn có diện tích 1/2 ha - 10 ha của 13 chủ vườn. Hầu hết người trồng quýt đều học tập làm theo kỹ thuật trồng quýt của ông Mã Hoàng Minh - dân miền Tây Nam bộ, đã di giống cây quýt đường từ miền Nam ra, là người đầu tiên trồng quýt với diện tích khá lớn ở đất đồi Đồng Sim và đã thành công đáng kể. Tuy là tự phát, nhưng phong trào trồng quýt đường ở đây đã thu hút nhiều người tham gia. Gia đình tôi đã đầu tư trồng gần 1 ha quýt, được 2 năm tuổi, đang phát triển xanh tốt”.

 

Theo ông Phạm Ngọc Liễn - ở thị trấn Phú Phong, chủ vườn quýt đường diện tích 10 ha, trồng từ năm 2009 - quýt đường là loại cây tương đối khó trồng, đòi hỏi các yếu tố về kỹ thuật canh tác, cách phòng trị bệnh thối rễ, nấm cây, bọ trĩ và bệnh nhện đỏ trên quả. Khi quyết định đầu tư ở đây, chúng tôi đã làm tốt quy trình kỹ thuật nên sau 24 - 36 tháng kể từ ngày trồng, cây quýt bắt đầu cho quả. Với mật độ trồng cây cách cây 3m x 3m, hàng cách hàng 3m x 3m, sản lượng có thể đạt 30 tấn/ha. Với giá thị trường bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu về nguồn lợi kha khá.

 

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân cho biết: Cây quýt đường là cây ăn trái được trồng đầu tiên ở thôn Đồng Sim, đã thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Tuyến đường nối thôn Đồng Sim với quốc lộ 19 dài gần 5km, được bê tông xi măng, mở ra cơ hội giao thương thuận lợi cho người dân. Việc người dân năng động làm ăn, như trồng cây quýt đường với diện tích lớn, sản xuất nông sản hàng hóa, đã kích thích phong trào thi đua sản xuất giỏi, tăng thu nhập và làm giàu.

 

ĐÀO MINH TRUNG

 

Thanh long ruột đỏ tăng giá lên 70.000 đồng/kg

 

Nguồn tin: Trà Vinh

 

Hiện nay giá trái Thanh long ruột đỏ đột ngột tăng lên từ 67.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, tăng gần gấp 4 lần so với 1 tuần trước (tuần trước giá thanh long ruột đỏ chỉ từ 15.000 - 18.000 đồng/kg). Nguyên nhân do các doanh nghiệp ký kết được hợp đồng mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và một số nước Châu Âu.

 

Theo một số hộ trồng Thanh long ruột đỏ cho biết: Nếu giá cả giữ được như vậy cho đến tết thì tết năm nay người trồng Thanh long ruột đỏ trúng lớn, bình quân 1 công đất trồng Thanh long ruột đỏ thu hoạch cho năng suất trên 3 tấn thì nông dân thu vào từ 180 triệu đồng đến 210 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận từ 170 triệu đồng đến 200 triệu đồng/công.

 

Được biết, hiện nay, tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 70 ha thanh long ruột đỏ được trồng tập trung tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Cầu Ngang, cho sản lượng bình quân gần 2.000 tấn trái/năm; riêng Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ chiếm 32 ha, cho tổng sản lượng hơn 1.000 tấn trái/năm. Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được công nhận đạt chuẩn VietGAP.

 

Nguyễn Tân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop