Quảng Bình: Xây dựng thương hiệu mật ong Trường Xuân: Để không bỏ lỡ cơ hội ‘vàng’
Nguồn tin: Báo Quảng Bình
Quảng Bình: Xây dựng thương hiệu mật ong Trường Xuân: Để không bỏ lỡ cơ hội ‘vàng’ Báo Quảng Bình, 14/07/2019
Nhờ lợi thế vùng đồi, diện tích rừng rộng lớn, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế bền vững mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con nông dân xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Hiện, với việc nỗ lực xây dựng thành công thương hiệu, mật ong Trường Xuân đang hy vọng sẽ mở rộng tiêu thụ, vươn xa trên thị trường…
Nghề “làm chơi, ăn thật”
Nghề nuôi ong lấy mật bắt đầu xuất hiện ở xã miền núi Trường Xuân từ nhiều năm trước. Nhưng phải đến năm 1998, với sự hỗ trợ của dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR), 7 hộ nuôi ong “tiên phong” trên địa bàn xã mới được học một cách bài bản, cặn kẽ về kỹ thuật nuôi ong để nâng cao tay nghề, kỹ năng.
Từ những hộ nuôi đầu tiên, nhiều người dân xã Trường Xuân đã bắt đầu bị cuốn hút bởi hiệu quả mà nghề nuôi ong mang lại. Họ chủ động tìm hiểu kỹ thuật và mạnh dạn tìm đến các địa phương khác để tìm mua giống. Số hộ nuôi ong trên địa bàn xã vì thế ngày một tăng.
Việc xây dựng thành công thương hiệu sẽ tạo cơ hội để mật ong Trường Xuân vươn xa trên thị trường.
Tận dụng lợi thế vùng đồi núi với nhiều loại cây rừng, hoa rừng, những người nuôi ong ở Trường Xuân có thể nuôi hàng chục đàn ong ngay trong vườn nhà. Nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, xã đã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Hiện cả xã có 65 hộ tham gia nuôi ong với khoảng 600 đàn ong, bình quân mỗi năm cho từ 4,5-5 tấn mật. Nghề nuôi ong được người dân địa phương nói vui là nghề “làm chơi, ăn thật” bởi không cần nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực, nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân ở xã miền núi Trường Xuân đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng”.
Chị Võ Thị Hòe, một trong những hộ nuôi ong có thâm niên tại Trường Xuân chia sẻ, nghề nuôi ong tuy ít chi phí đầu tư và công sức nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Chính vì vậy, nếu không nắm bắt kỹ thuật thì người nuôi cũng rất khó để theo nghề lâu dài. Cũng theo chị Hòe, trung bình mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài trong khoảng 20 ngày khi các cầu quay đã lấp đầy mật. Để bảo đảm mật ong có chất lượng, thời gian thu hoạch mật tốt nhất thường là từ tháng 2 đến tháng 5 Dương lịch khi nhiều loại hoa trên vùng đồi núi Trường Xuân nở rộ, như: hoa mắc cỡ, hoa đường tàu, hoa sim…
Theo tính toán của chị Hòe, với giá thu mua tại nhà khoảng 300.000 đồng/kg, bình quân mỗi vụ nuôi ong, không ít hộ trên địa bàn xã Trường Xuân thu về khoảng 130-150 triệu đồng.
Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường
Trước đây, đa số người dân Trường Xuân nuôi ong theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Năm 2016, với sự hỗ trợ của dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP), xã Trường Xuân đã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi ong lấy mật tại thôn Kim Sen và Quyết Thắng.
Hiệu quả hoạt động của 2 tổ hợp tác thể hiện rõ bởi vừa hợp tác sản xuất, những hộ nuôi ong ở Trường Xuân vừa có điều kiện hỗ trợ nhau trong bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, để có thể biến một sản phẩm vốn đã “có tiếng” trong lòng người tiêu dùng thành một sản phẩm có thương hiệu thực sự, đủ khả năng vươn tầm thị trường… thì mật ong Trường Xuân vẫn cần đến một sự đầu tư bài bản, chỉnh chu.
Với mong muốn phát triển nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2018, chị Võ Thị Hòe cũng những thành viên trong tổ hợp tác Quyết Thắng đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân, thu hút sự tham gia của 11 hộ nuôi với khoảng 3 tấn mật/vụ.
Các thành viên của HTX chủ yếu là những người nuôi ong nhiều năm, có kinh nghiệm và được tập huấn nhiều khóa về kỹ thuật nuôi ong lấy mật.
Để sản phẩm địa phương có điều kiện vươn xa, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân đã tiến hành thu gom mật ong của các hộ nuôi uy tín trên địa bàn xã, tiến hành đóng chai, gắn nhãn mác và tích cực tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm.
Từ lễ hội ẩm thực "Hương Nhật Lệ" đến các hội chợ thương mại do Sở Công thương tổ chức hay các gian hàng giới thiệu nông sản địa phương tại lễ hội Chùa Kim Phong-núi Thần Đinh…, các thành viên HTX đều trân trọng từng cơ hội để giới thiệu đặc sản của địa phương.
Nhờ sự chủ động, bền bỉ cùng sự hỗ trợ của huyện thông qua chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), đầu năm 2019, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân đã hoàn thành việc đăng ký nhãn mác và đăng ký chất lượng sản phẩm.
Đây chính là bước đi cơ bản trong việc xây dựng thành công thương hiệu “mật ong Trường Xuân”, đồng thời, cũng là cơ hội để sản phẩm mật ong Trường Xuân phát huy danh tiếng; tạo cơ sở và động lực thúc đẩy sản xuất, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi ong.
Sản phẩm mật ong Trường Xuân nổi tiếng với màu sánh vàng, vị ngọt thơm.
Ông Trần Phúc Duyệt, thành viên HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ ong Trường Xuân, người có thâm niên trên 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật và bền bỉ truyền nghề, duy trì nghề cho bà con chia sẻ, so với các địa phương lân cận, nghề nuôi ong ở Trường Xuân cho hiệu quả kinh tế cao với hàm lượng dinh dưỡng trong mật chưa nơi nào có được.
Bởi mật ong Trường Xuân được khai thác theo tiêu chuẩn với hàm lượng nước tự nhiên trong mật đạt 22%, ngang với tiêu chuẩn của mật ong xuất khẩu.
Chính vì vậy, việc xây dựng thành công thương hiệu mật ong Trường Xuân sẽ là bước quan trọng thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Hiện cùng với việc đăng ký thành công nhãn mác, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân đang gấp rút hoàn thiện đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm với mong muốn mật ong Trường Xuân sẽ thực sự “khoác áo mới”, tự tin “đặt chân” vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn Quảng Bình và các địa phương lân cận trước khi vươn tầm ra biển lớn”, chị Võ Thị Hòe, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân cho biết thêm.
Thanh Hải
Bình Thuận: Nông dân lãi lớn nhờ thanh long chính vụ được giá
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Một kg thanh long ruột trắng mua tại vườn đang ở mức trên 16.000 đồng, còn ruột đỏ quanh 35.000 - 40.000 đồng.
Từ tháng 6 đến nay là thời điểm thanh long chính vụ đến ngày thu hoạch. Nếu các năm trước, giá thanh long giảm mạnh thì nay giá loại trái cây này quay đầu đi lên. Hiện, giá thu mua thanh long ở Bình Thuận ở mức 16.000 - 20.000 đồng một kg, tăng 3.000 đồng so với tuần trước đó và tăng 40% so với năm ngoái.
Thanh long đang ở mức giá cao.
Anh Hòa, trồng 2 ha thanh long cho biết, thanh long chính vụ thường chỉ 8.000 đồng một kg là đã có lãi. Tuy nhiên, năm nay giá tăng vọt nên người dân lãi cao. Do đó, vụ năm nay gia đình nhà anh có thể thu lãi 350 triệu đồng. Theo nông dân địa phương, mùa thanh long năm nay sản lượng ổn định. Đầu mùa giá còn đạt mức kỷ lục 30.000 đồng một kg. Nguyên nhân khiến giá luôn ở mức cao hơn so với mọi năm vì Trung Quốc tăng thu mua, song song đó, tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ đến một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada, Dubai, Nga... Mặt khác, nông dân Bình Thuận đang hướng đến trồng thanh long sạch để có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới.
Cùng với thanh long ruột trắng, loại ruột đỏ ở khu vực chợ Gạo (Tiền Giang) được thu mua ở mức 30.000 - 40.000 đồng một kg. Khảo sát tại các chợ và siêu thị TP HCM cho thấy, thanh long ruột trắng được bán ra với giá 30.000 đồng, còn ruột đỏ ở mức 40.000 - 70.000 đồng một kg (tùy kích cỡ).
Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 30.000 ha thanh long với sản lượng hơn 550.000 tấn một năm, tập trung nhiều tại các huyện: Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Bắc Bình. Còn Tiền Giang có khoảng 7.000 ha thanh long trồng chuyên canh, sản lượng gần 200.000 tấn một năm, đây được xem là loại cây trồng chủ lực của tỉnh này.
Thi Hà
Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk): Xây dựng 400 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng sầu riêng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi thương mại, huyện đang thực hiện dự án sản xuất sản phẩm sầu riêng theo hướng bền vững chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cụ thể, Dự án có quy mô 400 ha sầu riêng tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp xanh Bơ, Sầu riêng xã Ea Yông và các hộ gia đình tại xã Ea Yông, Ea Kênh. Tham gia Dự án, nông dân được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện gắn vòng truy xuất nguồn gốc từ vườn cây, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau khi thu hái; cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm…
Du khách tham quan vườn sầu riêng xen canh cà phê ở Krông Pắc
Được biết, toàn huyện Krông Pắc hiện có hơn 1.000 ha sầu riêng, chủ yếu tập trung tại xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Đông...
Thanh Hường
Dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho kết quả cao ở TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Dự án Phát triển sản xuất hạt giống lúa lai F1 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp thực hiện trong 3 năm (2017-2019) tại 6 tỉnh, thành đạt kết quả cao, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.
Ruộng sản xuất lúa giống F1 tại TP Cần Thơ được kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt trong suốt quá trình sản xuất.
Dự án trên thực hiện tại 6 tỉnh: Lào Cai, Hải Phòng, Đắk Lắk, Quảng Nam và TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Tại TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, năm 2019, dự án triển khai xây dựng mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1, tổ hợp HR182 với quy mô 70ha, gồm 66 hộ tham gia. Trong đó, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, dự án thực hiện 50ha, với 50 hộ tham gia; tại xã Long Trị A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, thực hiện 20ha, với 16 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống bố mẹ, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất chuyên dùng cho sản xuất hạt giống lúa lai F1; tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 tổ hợp HR182.
Kết quả, năng suất hạt lai F1 HR182 đạt 27,9 tạ/ha (ở TP Cần Thơ đạt 28,61 tạ/ha và ở Hậu Giang đạt 26,17 tạ/ha), vượt 7% so với yêu cầu dự án. Tổng sản lượng 195,291 tấn, vượt 13,291 tấn so với kế hoạch. Toàn bộ lô hạt giống F1 của 2 điểm mô hình đều được kiểm định đồng ruộng, kiểm nghiệm hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; đồng thời sản lượng hạt giống F1 được Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (đơn vị phối hợp thực hiện) thu mua với giá 26.500 đồng/kg. Nông dân tham gia sản xuất hạt giống lúa lai có lợi nhuận khá cao, lãi bình quân trên 31 triệu đồng/ha, vượt 238% so với sản xuất lúa thương phẩm… Đây là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và cung ứng hạt giống lúa lai F1, nhằm chủ động kiểm soát được chất lượng hạt giống, giảm giá giống, cạnh tranh với hạt giống nhập khẩu, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất hạt giống lúa lai F1 cho các địa phương...
Tin, ảnh: H.VĂN
Lào Cai: Mô hình mới giúp nâng cao thu nhập cho người dân Cốc Mỳ
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương về địa hình, diện tích tự nhiên, thời gian qua nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Hoà An (tỉnh Cao Bằng) phát triển khá mạnh, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung với mô hình nuôi ong lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện có từ lâu, nhưng chủ yếu tự phát ở các hộ gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình. Vài năm trở lại đây, nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít chịu rủi ro, thất thoát vốn nên nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất sẵn có và tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống. Hiện nay, toàn huyện có trên 40 hộ nuôi ong lấy mật với tổng số trên 800 đàn, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Hoàng Tung, Hồng Việt.
Hoàng Tung là địa phương dẫn đầu toàn huyện về nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế, mô hình này đã khẳng định được vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Ông Lý Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Tung cho biết: Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi ong lấy mật với trên 600 đàn ong; hộ nhiều nhất nuôi 70 đàn, hộ ít nhất nuôi 5 đàn.
Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường như bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi… Nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng quy trình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Với giá thị trường dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/lít mật ong, mỗi năm, các hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, là một trong những hộ nuôi ong hiệu quả, có mức thu nhập khá. Năm 1995, ông bắt đầu nuôi ong lấy mật, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chưa mạnh dạn đầu tư mà chỉ nuôi thí điểm 3 đàn ong mật. Sau đó, ông tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong ở địa phương cũng như một số tỉnh lân cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, đàn ong của ông phát triển theo từng năm.
Đến nay, gia đình ông có 70 đàn ong lấy mật. Trung bình mỗi năm, gia đình thu gần 600 - 800 lít mật ong, thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ bán mật ong, gia đình ông Tuyến cũng có một nguồn thu đáng kể từ việc bán ong giống. Việc phát triển mô hình nuôi ong lấy mật giúp gia đình ông từng bước vươn lên trở thành hộ khá, điển hình trong phong trào nuôi ong của xã.
Ông Tuyến chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề.
Để hỗ trợ người nông dân có thêm kiến thức trong quá trình nuôi ong lấy mật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong Việt Nam tổ chức tập huấn quy trình nuôi ong lấy mật cho nhân dân 2 xã Hồng Việt, Hoàng Tung.
Qua lớp tập huấn, người dân có thể hiểu rõ hơn đặc tính của các loài ong mật ở nước ta, lợi ích của việc nuôi ong, một số đặc điểm sinh học ong mật, các dụng cụ nuôi ong, cách bắt ong tự nhiên về nuôi, trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ thuật nuôi ong lấy mật trong thùng hiện đại, cách tiếp cận đàn ong, kỹ thuật tạo chúa và chia đàn ong, cây nguồn mật, phấn nuôi ong, vai trò của cây mật, phấn đối với nghề nuôi ong, thu hoạch mật, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ…, từ đó vận dụng vào thực tiễn phát triển đàn ong của gia đình, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những kết quả bước đầu từ nghề nuôi ong lấy mật đã mở ra một hướng đi quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ong lấy mật đa số là phát triển tự phát, nhỏ lẻ.
Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt nhưng chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì, phát triển nghề nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về quy mô đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, giúp người dân phát triển kinh tế.
Hà Thu
Lào Cai: Mạng xã hội góp phần tiêu thụ nông sản địa phương
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Năm 2019, các nông sản địa phương được tiêu thụ tương đối tốt, nguyên nhân một phần là được quảng bá rộng rãi từ mạng xã hội.
Nông sản tiêu thụ tốt qua mạng xã hội
Chưa khi nào mận Bắc Hà được tiêu thụ nhanh với giá bình quân cao như năm nay. Toàn huyện có hơn 500 ha mận Tam hoa, sản lượng quả mận năm 2019 đạt khoảng 3.500 tấn, phân bố chủ yếu ở các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Phố và thị trấn Bắc Hà. Mùa mận Tam hoa kéo dài từ giữa tháng 5 đến nửa đầu tháng 6 hằng năm. Giá mận năm 2019 đạt bình quân 50.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg so với mọi năm.
Nông sản địa phương được quảng bá trên mạng xã hội.
Ngay từ đầu mùa mận, các tài khoản facebook đã rầm rộ quảng bá “mận Bắc Hà chuẩn có giá 80.000 đồng/kg” kèm theo clip quay trực tiếp tại vườn để người mua tận mắt chứng kiến quy trình hái và chọn mận. Các tài khoản facebook này ngay lập tức nhận được rất nhiều phản hồi, đơn hàng được thiết lập từ đó. Sau đó, mận được gửi xe ra thành phố Lào Cai, các địa phương khác rồi chuyển đến tay người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Quỳnh Hoa, một người bán mận Tam hoa qua facebook, cho biết: Tôi không phải người trồng mận, nhưng trực tiếp đến vườn mận ngon ở Na Hối, chọn những quả mận chất lượng nhất, sau đó quay clip, chụp ảnh đăng facebook gom đơn, rồi gửi cho khách. Có thời điểm tôi bán được mận với giá 100.000 đồng/kg.
Hiện nay đang là mùa lê Tai nung, nhiều facebook cũng đăng bán, quảng bá lê Bắc Hà, lê Sa Pa giòn, ngọt khiến khách hàng không thể không click chuột chọn mua. Một sản lượng lớn lê từ hai địa phương này được tiêu thụ với giá dao động từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg, trong khi đó mọi năm giá lê Tai nung chỉ đạt mức 45.000 đồng/kg.
Bên cạnh hai loại quả đặc sản địa phương thì các nông sản khác như rau, củ ở huyện Sa Pa, xã Y Tý (Bát Xát) cũng được tiêu thụ mạnh qua mạng xã hội. Mạng xã hội đang góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ nông sản địa phương của Lào Cai.
Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã hoa quả Thắng Lợi (Sa Pa) khẳng định: Quảng bá nông sản địa phương qua mạng xã hội rất hiệu quả. Hợp tác xã chủ yếu giới thiệu sản phẩm qua facebook, ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi và đạt sản lượng tiêu thụ tốt. Năm 2019, Hợp tác xã thu lãi 500 triệu đồng từ quảng bá và tiêu thụ riêng quả dâu tây, để được con số này, có phần lớn sự đóng góp từ quảng bá qua mạng xã hội.
Tận dụng tốt mạng xã hội
Hợp tác xã hoa quả Thắng Lợi là một trong những hợp tác xã tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch. Đây là địa chỉ tham quan vườn dâu tây quen thuộc của du khách khi đến Sa Pa. Để có được sức hút như hiện tại, hợp tác xã đã tận dụng nhiều kênh quảng cáo, trong đó tận dụng tốt mạng xã hội facebook để quảng bá cho vườn dâu tây. Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Hợp tác xã: “Mỗi lần đăng ảnh vườn dâu lên facebook, hợp tác xã nhận được rất nhiều phản hồi, rồi mỗi du khách đều check - in và đăng lên facebook, theo đó lượng tương tác tăng lên số nhân”. Đây thực sự là một kênh quảng bá hiệu quả cho hợp tác xã và thời gian tới sẽ được đầu tư nhiều hơn về hình ảnh đăng facebook để thêm nhiều du khách biết đến các sản phẩm của hợp tác xã.
Nhận thấy hiệu quả và sức lan tỏa khi quảng bá nông sản địa phương qua mạng xã hội, ngành nông nghiệp các huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đến kênh quảng bá này. Theo ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, không thể phủ nhận hiệu quả mạng xã hội đem lại cho nông nghiệp địa phương. Những năm gần đây, thương mại điện tử đã phát triển rộng khắp, người tiêu dùng cởi mở hơn khi mua hàng qua mạng xã hội. Năm 2019, loại quả đặc sản của địa phương gồm mận Tam hoa, đào, lê được tiêu thụ mạnh qua mạng xã hội với sản lượng từ 20% - 25% trên tổng sản lượng tiêu thụ của toàn huyện. Đánh giá cao vai trò của mạng xã hội trong quảng bá và tiêu thụ nông sản địa phương, UBND huyện Bắc Hà rất chú trọng đến phát triển kênh bán hàng này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nông sản cũng rất quan tâm đến quảng bá qua mạng xã hội.
Mạng xã hội đang trở thành xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Nếu nắm kịp xu hướng này, tận dụng và phát triển nó, đây sẽ trở thành kênh hiệu quả giúp các địa phương quảng bá và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
VÂN THẢO
Tuổi cao vẫn say mê lao động
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Với bản tính cần cù, chăm chỉ, nhiều nông dân dù tuổi đã cao vẫn hăng say tìm tòi, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Từng là đội trưởng đội sản xuất cà phê của Nông trường Cà phê Cư Pul (nay là Công ty TNHH Hai thành viên Cà phê Cư Pul) nên ông Y Mi Êban (62 tuổi, ở buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) nắm vững quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... sao cho hiệu quả.Tháng 6-2006, ông Y Mi nghỉ hưu theo chế độ. Không quen rảnh rỗi, ông bắt tay vào cải tạo vườn cây rộng hơn 1 ha của gia đình.
Từ độc canh cây cà phê, ông trồng xen thêm hồ tiêu. Ông trồng trước cây muồng để làm trụ sống cho hồ tiêu, tuân thủ đúng tỷ lệ xen canh 3:1 (cứ cách 3 hàng cà phê thì xen 1 hàng hồ tiêu), ưu tiên dùng các loại phân bón hữu cơ bón cho vườn cây. Từ khi trồng xen canh, vườn cà phê nhà ông Y Mi quanh năm tươi tốt nhờ những trụ tiêu “sống” che bóng chắn gió giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, cây sinh trưởng khỏe mạnh hơn. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 2 tấn cà phê và 5 tạ tiêu. Khi vườn cà phê tới thời kỳ cần tái canh, ông Y Mi trồng sầu riêng thay các gốc cà phê già cỗi.
Ông thường xuyên đọc báo, nghe đài cập nhật thêm các kiến thức về nông nghiệp, nhất là “bí quyết” chăm sóc vườn cây đa canh... Ông Y Mi bộc bạch: “Lao động giúp tôi cảm thấy cuộc sống có ích, vui vẻ hơn. Đồng thời, tôi sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế để phổ biến lại cho bà con trong buôn”.
Ông Y Mi trong vườn cà phê xen hồ tiêu của gia đình.
Mong ước sở hữu một nông trại để vui sống khi về già, từ một người làm kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Giáo (54 tuổi, ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Giáo bỏ ra một số tiền khá lớn mua hơn 6 ha đất của người dân quanh vùng. Không ngại vất vả, bằng ý chí quyết tâm ông tự mình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng nông trại ở nhiều địa phương khác. Hễ nghe đâu có mô hình kinh tế hay, ông lại khăn gói đến tận nơi tìm hiểu. Thậm chí, ông còn thuê cả kỹ sư nông nghiệp tư vấn nên trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế cao. Cuối cùng, ông Giáo quyết định xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng theo kiểu hiện đại.
Phần đất bằng phẳng, tươi tốt, ông trồng tiêu, cây ăn trái như bơ, sầu riêng, vải thiều…; đất trũng thì đào ao nuôi cá chim, cá trê, cá rô phi. Hơn 3 ha đất còn lại, ông dựng trại nuôi gà siêu trứng với số lượng khoảng 2.000 con. Song song đó, ông còn nuôi thêm heo nái và heo lấy thịt. Toàn bộ quy trình chăn nuôi hoàn toàn tự động và khép kín; đặc biệt khâu khử trùng phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại luôn được ông Giáo coi trọng hàng đầu. Nhờ được đầu tư, chăm sóc bài bản mà lợi nhuận từ nông trại của ông Giáo đem lại rất lớn, ước tính đến đầu năm 2019 trang trại thu về trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nông trại còn góp phần tạo công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng.
Ông Giáo (bên phải) giới thiệu về mô hình nuôi gà siêu trứng.
Làm nông luôn gắn với cảnh “dầm sương dãi nắng” đòi hỏi sức khỏe, song bằng niềm đam mê lao động, ông Y Mi, ông Giáo vẫn không chùn bước. Tuổi càng cao, các ông càng hăng say làm việc, xem đó như thú vui tuổi già, làm tấm gương cho con cháu noi theo.
Đan Thanh
Đồng Tháp: Sinh vật lạ giống đỉa xâm lấn nhà dân
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Những ngày qua, nhiều hộ dân sống ở khu vực chợ Mương Miễu thuộc ấp 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lo lắng vì nơi đây xuất hiện sinh vật lạ nhìn giống như đỉa với mật độ nhiều tấn công vào nhà dân.
Ông Nguyễn Việt Hưng - người dân sinh sống trong khu vực cho biết, xưa nay ông chưa từng gặp sinh vật nào lạ như vậy, thoạt nhìn loài vật này giống như con đỉa nhưng đầu lại có 2 râu, kích thước to hơn loài đỉa. Chúng thường xuất hiện nhiều vào lúc xế chiều và tối, nhất là sau khi mưa, bò trên đường và vào nhà dân, mỗi nhà có ít nhất vài chục con tấn công, tuy chưa phát hiện loài sinh vật này gây hại cho người, nhưng việc xuất hiện nhiều đã khiến người dân sinh sống nơi đây bất an.
Hiện tại, các hộ dân xử lý bằng cách dùng tay bắt và tiêu hủy, đồng thời mua vôi rải xung quanh nhà nhằm để hạn chế loài sinh vật này bò vào nhà.
Văn Bửu
Mưa gió sẽ gia tăng tại Nam bộ từ ngày 17-7
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Từ ngày 15-7, mưa gió sẽ xuất hiện tại Nam bộ và Tây Nguyên, nhưng đến 17-7 thì nhiều nơi sẽ có mưa vừa, mưa to
Mưa gió sẽ gia tăng ở Nam bộ từ ngày 15-7
Tối 12-7, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia đã có thông báo gửi tới các cơ quan báo chí để thông tin về nhận định tình hình thời tiết cả nước trong khoảng thời gian từ ngày 13-7 đến 19-7. Theo thông báo này, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cảnh báo, trong 2 ngày 13 và 14-7, tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, chiều và tối sẽ có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 15-7, mưa dông sẽ gia tăng và từ ngày 17-7, nhiều nơi xuất hiện mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Trong cơn dông có khả năng kèm theo lốc và gió giật mạnh.
Trên biển, hiện nay, một vùng áp thấp đang xuất hiện trên vùng biển phía phía Nam của Philippines, có khả năng mạnh lên thành ATNĐ và bão, di chuyển vào khu vực phía Bắc của đảo Luzon - Philippines (vào khoảng ngày 18 hoặc 19-7) nhưng ít có nguy cơ ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Tuy nhiên từ ngày 15-7, trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và phía Tây của Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động mạnh dần lên mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Từ ngày 17-7 mạnh lên cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông. Biển động. Từ ngày 15-7, sóng biển trên khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) cao 2-3m.
Trong khi đó tại miền Bắc, từ ngày 13 đến 16-7, xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38°C, có nơi trên 39°C. Riêng khu vực Tây Bắc có mưa dông rải rác (mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm). Từ ngày 17 đến 19-7, nắng nóng dịu dần sau đó chấm dứt. Bắc bộ có mưa dông nhiều nơi, vùng núi có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa to đến rất to, trong cơn dông có khả năng kèm theo lốc và gió giật mạnh.
Tại Trung bộ, từ ngày 13 đến 19-7, tiếp tục có nắng nóng gay gắt diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39°C, có nơi trên 40°C.
VĂN PHÚC
Đồng bằng sông Cửu Long: Sẵn sàng trước mùa mưa lũ
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2019, ĐBSCL liên tục xuất hiện mưa lớn và kéo dài. Đây là thời điểm bắt đầu mùa lũ thường niên. Việc các địa phương đầu nguồn lũ xây dựng hệ thống đê bao sản xuất lúa 3 vụ/năm đã khiến nước lũ dồn về hạ nguồn, cùng với triều cường phá vỡ hàng loạt tuyến đê bao ở các cồn trên sông Tiền và sông Hậu trong những năm qua là những diễn biến khó lường. ĐBSCL cần chủ động ứng phó với mùa mưa lũ.
Mùa nước nổi nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tìm được nhiều sinh kế. Trong ảnh, nông dân huyện Phụng Hiệp có thu nhập ổn định nhờ trồng bông súng.
Mực nước có thể lên bất thường
Những ngày đầu tháng 7-2019, ông Phạm Út, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đang chuẩn bị thu hoạch lúa Hè thu để chuẩn bị đón lũ về. Lão nông Phạm Út năm nay đã bước qua tuổi 70. Ông là một trong những lão nông cố cựu ở xã Thường Phước 1, nằm giáp ranh biên giới với Campuchia. Ông Út tâm sự: “Hai năm qua hơi buồn, vì đất trồng lúa vụ Hè thu không trúng. Có lẽ làm lúa 3 vụ/năm nhiều năm quá đất bạc màu. Bù lại, hai năm qua địa phương chủ trương bỏ lúa vụ 3 (Thu đông), mở đê lấy nước, bồi phù sa cho đồng ruộng cũng mừng”. Đây là việc làm đúng đắn mà tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm bớt diện tích đất lúa, để tránh gây áp lực tìm đầu ra cho hạt gạo.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: “Mùa lũ 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu”. Việc các nước thượng nguồn sông Mekong xây dựng các đập thủy điện đang tạo ra những hệ lụy khó lường: làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Các đập này xả lũ nhiều cùng với lượng mưa lớn có thể khiến mực nước ĐBSCL lên nhanh.
Xả lũ nông dân sẽ tìm được sinh kế bằng nghề đánh bắt thủy sản.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ: Qua số liệu thống kê cho thấy tác động của thủy triều Biển Đông vào ĐBSCL càng ngày càng vào sâu hơn trên sông Cửu Long. Cụ thể, từ năm 2000-2018, dòng chảy trung bình từ biển qua Tân Châu, Châu Đốc có xu thế tăng nhanh. Qua Tân Châu dòng chảy trung bình từ biển tăng đến 54,66%; qua Châu Đốc dòng chảy trung bình từ biển tăng đến 53,49%... Đối với các tỉnh ĐBSCL, mùa mưa bão thường kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm và xu hướng xoáy thuận nhiệt đới đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực. Do đó, tình trạng ngập do mưa trở nên thường xuyên hơn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng đô thị hóa tăng lên, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và khả năng thoát nước trong các khu đô thị kém càng gia tăng thêm tình trạng ngập. Đây là những tác nhân chính dẫn đến các đô thị ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị ngập cục bộ trong mùa lũ.
Không chủ quan !
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Năm 2018, khu vực Nam bộ có tổng lượng dòng chảy 3 tháng mùa lũ (tháng 7 đến tháng 9) về đầu nguồn sông Cửu Long rất lớn, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-35%, tương đương năm 2011. Trong đó, tháng 8 là tháng có tổng lượng dòng chảy cao nhất trong các năm lũ lớn tính từ năm 2000 trở lại đây, mực nước đỉnh lũ năm vượt mức báo động 2. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ: Nhiệm vụ dự báo lũ trên sông Cửu Long là nhiệm vụ trọng tâm của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực cũng như các đài khí tượng thủy văn tỉnh trong mùa mưa lũ hàng năm, dự báo, cảnh báo kịp thời các đợt nước lên, các đợt biến động dòng chảy trên sông Mekong. Ngoài việc dự báo cho các trạm trên dòng chính, những năm gần đây các đài khí tượng thủy văn tỉnh còn triển khai dự báo cho khu vực nội đồng, góp phần tích cực trong việc phát triển một cách bền vững trong khu vực.
Việc các tỉnh đầu nguồn, như: Đồng Tháp, An Giang và ngay cả địa phương ở hạ nguồn như Hậu Giang đều chủ trương giảm diện tích lúa vụ 3 được xem là một định hướng đúng trong bối cảnh mùa lũ và triều cường ngày càng diễn biến khó lường. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiện diện tích đê bao khép kín của tỉnh có 48.000ha. Nhưng diện tích lúa vụ 3 tới đây chỉ sản xuất khoảng 39.000ha (giảm gần 20.000ha so với năm ngoái) để hạn chế những thiệt hại không đáng có do ngập lũ gây ra. Trong những năm gần đây, lũ về thường gây thiệt hại cho diện tích trồng mía của nông dân huyện Phụng Hiệp. Hiện diện tích mía tại huyện Phụng Hiệp đã được khoanh vùng lại trong vùng đê bao để tránh thiệt hại trong mùa lũ”.
Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết ngày càng phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm. Hiện tượng mưa lũ lớn, giông, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới rất phức tạp. Việc các đài khí tượng thủy văn sớm đưa ra dự báo để các địa phương chủ động ứng phó là rất cần thiết. Năm 2018, trong tháng 10, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 2 đợt triều cường, mực nước cao nhất tại các trạm vùng hạ lưu trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 2,07m (ngày 9-10) trên mức báo động 3 là 0,27m, vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,04m; trên sông Hậu tại Cần Thơ là 2,23m (ngày 10-10) trên mức báo động 3 là 0,33m, vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,08m và cao hơn năm 2000 là 0,44m, gây ngập lụt nghiêm trọng cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và một số tỉnh ở ĐBSCL.
Trước mùa mưa lũ đang đến, chính quyền địa phương cần rà soát, có biện pháp hỗ trợ người dân ở những vùng thường xuyên bị lũ uy hiếp là rất cần thiết. Tránh những thiệt hại như vỡ đê bao trồng lúa ở An Giang, đê bao ở các cồn trong mùa lũ năm 2018 đã xảy ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long… Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, đề nghị: Các địa phương cần chủ động vận động tuyên truyền cùng người dân gia cố hệ thống đê bao, chủ động bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp trước mùa mưa lũ.
Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG
Cao Bằng: Hiệu quả từ nghề nuôi ong lấy mật ở Hòa An
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương về địa hình, diện tích tự nhiên, thời gian qua nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Hoà An (tỉnh Cao Bằng) phát triển khá mạnh, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung với mô hình nuôi ong lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện có từ lâu, nhưng chủ yếu tự phát ở các hộ gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình. Vài năm trở lại đây, nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít chịu rủi ro, thất thoát vốn nên nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất sẵn có và tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống. Hiện nay, toàn huyện có trên 40 hộ nuôi ong lấy mật với tổng số trên 800 đàn, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Hoàng Tung, Hồng Việt.
Hoàng Tung là địa phương dẫn đầu toàn huyện về nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế, mô hình này đã khẳng định được vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Ông Lý Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Tung cho biết: Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi ong lấy mật với trên 600 đàn ong; hộ nhiều nhất nuôi 70 đàn, hộ ít nhất nuôi 5 đàn.
Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường như bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi… Nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng quy trình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Với giá thị trường dao động từ 180 - 200 nghìn đồng/lít mật ong, mỗi năm, các hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, là một trong những hộ nuôi ong hiệu quả, có mức thu nhập khá. Năm 1995, ông bắt đầu nuôi ong lấy mật, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chưa mạnh dạn đầu tư mà chỉ nuôi thí điểm 3 đàn ong mật. Sau đó, ông tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong ở địa phương cũng như một số tỉnh lân cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, đàn ong của ông phát triển theo từng năm.
Đến nay, gia đình ông có 70 đàn ong lấy mật. Trung bình mỗi năm, gia đình thu gần 600 - 800 lít mật ong, thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ bán mật ong, gia đình ông Tuyến cũng có một nguồn thu đáng kể từ việc bán ong giống. Việc phát triển mô hình nuôi ong lấy mật giúp gia đình ông từng bước vươn lên trở thành hộ khá, điển hình trong phong trào nuôi ong của xã.
Ông Tuyến chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề.
Để hỗ trợ người nông dân có thêm kiến thức trong quá trình nuôi ong lấy mật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong Việt Nam tổ chức tập huấn quy trình nuôi ong lấy mật cho nhân dân 2 xã Hồng Việt, Hoàng Tung.
Qua lớp tập huấn, người dân có thể hiểu rõ hơn đặc tính của các loài ong mật ở nước ta, lợi ích của việc nuôi ong, một số đặc điểm sinh học ong mật, các dụng cụ nuôi ong, cách bắt ong tự nhiên về nuôi, trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ thuật nuôi ong lấy mật trong thùng hiện đại, cách tiếp cận đàn ong, kỹ thuật tạo chúa và chia đàn ong, cây nguồn mật, phấn nuôi ong, vai trò của cây mật, phấn đối với nghề nuôi ong, thu hoạch mật, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ…, từ đó vận dụng vào thực tiễn phát triển đàn ong của gia đình, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những kết quả bước đầu từ nghề nuôi ong lấy mật đã mở ra một hướng đi quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ong lấy mật đa số là phát triển tự phát, nhỏ lẻ.
Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt nhưng chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì, phát triển nghề nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về quy mô đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, giúp người dân phát triển kinh tế.
Hà Thu
Hà Nội đẩy mạnh phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Sau gần 5 tháng bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hà Nội, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi, Hà Nội đã, đang tập trung lực lượng phòng, chống bệnh dịch; tổ chức tiêu hủy triệt để lợn bệnh; hỗ trợ kịp thời kinh phí cho người dân; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...
Cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại huyện Đan Phượng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện bệnh dịch có chiều hướng giảm ở số hộ, thôn. Trong tuần từ ngày 1-7 đến 7-7, bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 907 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 16 thôn; làm mắc bệnh, tiêu hủy 16.910 con với trọng lượng 1.191 tấn.
So với tuần trước (từ ngày 24-6 đến 30-6), dịch bệnh phát sinh giảm hơn 568 hộ, 37 thôn, số lợn tiêu hủy cũng giảm 14.674 con với trọng lượng 1.049 tấn. Đến nay, đã có 63 xã, phường thuộc 17 quận, huyện, qua 30 ngày không phát sinh bệnh dịch…
Dù vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch vẫn chưa hết khó khăn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, vi rút có đặc tính rất khác với các loại vi trùng khác, độc lực cao nên rất khó khống chế. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng, thực hiện áp dụng đầy đủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Thậm chí, một số hộ chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dịch. Nhiều quận, huyện khó khăn trong việc thuê nhân công tiêu hủy lợn, nhất là tại các hộ chăn nuôi lớn…
Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, các xã đều gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất vì số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, đặc biệt là việc quản lý hố chôn... nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách bồi dưỡng chưa phù hợp với người trực tiếp tham gia chống bệnh dịch (làm việc ngày/đêm trong môi trường độc hại, nguy hiểm...) dẫn tới việc huy động hoặc thuê nhân lực gặp khó khăn.
Chung quan điểm, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Phạm Văn Tuấn cho biết, một số xã có bệnh dịch nhưng việc tổ chức tiêu hủy lợn chưa quyết liệt; việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bệnh dịch của một số cán bộ thú y cơ sở chưa được thường xuyên, kịp thời; nhận thức của một số hộ chăn nuôi về công tác phòng chống bệnh dịch còn hạn chế nên chưa chấp hành đầy đủ quy định trong công tác phòng chống bệnh dịch…
Để nâng cao công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đang chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn thành phố với tổng số hóa chất đã cấp và sử dụng là 216 tấn.
Ngoài ra, các địa phương đã cấp bổ sung 215 tấn hóa chất và 7.225 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống bệnh dịch. Sở phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ đầu, khống chế ngăn bệnh dịch lây lan diện rộng...
Cùng với các giải pháp cụ thể, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội làm việc với các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bàn giải pháp tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố nhằm tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra - vào trên địa bàn thành phố.
Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Phía chính quyền địa phương cần có hướng dẫn cho người dân trong việc tái đàn sau khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi được khống chế.
NGỌC QUỲNH
Kon Tum: Mở hướng giúp dân nâng cao đời sống từ vỗ béo bò
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Trong những năm gần đây, khi nguồn tài nguyên đất đai ngày càng được khai thác triệt để cho việc trồng trọt, diện tích đồng cỏ tự nhiên phục vụ phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê… bị thu hẹp lại. Trước yêu cầu đặt ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum mở hướng giúp người dân ở nhiều địa phương phát triển nuôi bò theo hình thức vỗ béo. Mô hình này được đánh giá hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao đời sống.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” đàn bò mới được vỗ béo 1,5 tháng đang béo tốt của gia đình mình, bà Lê Thị Hồng Quảng (thôn Nhơn Lý, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) phấn chấn nói: Trước đây, khi chưa áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò theo hình thức vỗ béo, đàn bò của gia đình chậm phát triển, thời gian tăng trưởng kéo dài nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò, lại được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thức ăn tinh, thuốc tẩy nội-ngoại ký sinh trùng cho bò, bò của gia đình lông mượt, da bóng và tăng trọng nhanh. Tuy mới được hỗ trợ vỗ béo 45 ngày, nhưng bò đã tăng trọng khoảng 25-30 kg/con.
Bà Lê Thị Hồng Quảng phấn khởi tham gia thực hiện mô hình vỗ béo bò. Ảnh: ĐN
Trao đổi quanh chuyện vỗ béo bò, ông Nguyễn Phú (thôn Nhơn Khánh) không giấu được niềm vui: Qua thời gian thực hiện mô hình vỗ béo bò (cũng mới 45 ngày), gia đình thấy đàn bò mau lớn, tăng trọng nhanh. Với mức độ tăng trọng này, nếu nuôi vỗ béo 90 ngày theo kỹ thuật từ mô hình thì trung bình 1 con bò tăng 60-70kg hơi. Với giá 90.000-100.000 đồng/kg bò hơi trên thị trường như hiện nay, bình quân mỗi con bò sau thời gian được hỗ trợ vỗ béo theo quy định, gia đình kiếm được từ 5,4-6,3 triệu đồng.
Ông Đỗ Trọng Tân (thôn Nhơn Lý) khẳng định: Kỹ thuật chăn nuôi bò không khó, nắm bắt và thực hiện các yêu cầu theo mô hình, đàn bò được vỗ béo tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng nói là việc vỗ béo bò không mất nhiều thời gian, nông dân tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn, nhưng lại có thu nhập cao hơn một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi khác.
Theo anh Đoàn Năng Mạnh - cán bộ khuyến nông tỉnh trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình vỗ béo bò cho biết, mô hình này từ lâu khẳng định hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để việc thực hiện mô hình hiệu quả cao như mong muốn, bà con nên xây dựng chuồng bò ở những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hướng chuồng xây theo hướng nam hoặc đông nam sẽ đáp ứng được các yêu cầu trên. Nền chuồng phải được làm chắc chắn, nếu lót gạch thì chọn loại gạch nhám, có độ bám tốt để tránh trơn trượt, tốt nhất nên láng nền bằng xi măng; nền chuồng có độ dốc 2- 3% về phía rãnh thoát nước.
Trong chuồng, cần trang bị máng ăn, máng uống cho bò. Trong chăn nuôi, bà con cần vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống và môi trường xung quanh; tẩy ngoại ký sinh trùng (ve, rận, mòng) cho bò bằng thuốc Bivermectin 0,25%, Deltamethrin, Pyrethroid, tẩy nội ký sinh trùng bằng các loại thuốc Bio-Alben, Vime-Fasci, Ivermectin, Albendazol,...
Về thức ăn, thức ăn xanh là các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp (chiếm 55 - 60% khẩu phần ăn); thức ăn tinh là bột cám công nghiệp hoặc gia đình tự chế biến từ bột mì, bắp (chiếm 40 - 45% khẩu phần ăn).
Ông Mạnh khẳng định, qua đánh giá thực hiện mô hình vỗ béo bò từ nhiều năm nay, chỉ sau khoảng ba tháng vỗ béo, bò tăng trọng 60 – 70kg/con. Với mức giá bò hơi khoảng 100.000 đồng/kg như hiện nay, người nông dân có doanh thu 6 triệu đồng/con bò, lãi khoảng 3 triệu đồng/con bò.
Mô hình vỗ béo bò lại có thời gian quay vòng vốn nhanh, giúp bà con nông dân giảm nghèo, nâng cao đời sống hiệu quả và đang trở thành mô hình góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
ĐÀO NGUYÊN
Hiếu Giang tổng hợp