Cảnh giác hiện tượng lúa Đông xuân trổ sớm
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện một số trà lúa Đông xuân 2015 - 2016 ở các địa phương trong tỉnh Hậu Giang bỗng nhiên trổ sớm hơn gần cả tuần so với thời gian sinh trưởng nên đã khiến cho không ít chủ ruộng, lo lắng.
Ông Ngô Hạnh Kiệt, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, bên ruộng lúa trổ sớm của mình.
Đã là người làm nông thì còn gì vui bằng khi tận mắt nhìn thấy cây lúa phát triển xanh tốt từng ngày. Nhất là khi giai đoạn lúa đang chuẩn bị làm đòng cho đến ngày trổ bông thì bà con càng chăm chút để có được đòng khỏe, trổ đều, hạt to, mang về năng suất cao. Thế nhưng, bao hy vọng về vụ mùa trúng lớn của người dân đang dần đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro. Là người cần mẫn trong việc làm ruộng, ông Trần Minh Trí, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tâm sự: “Thực chất, hiện tượng lúa trổ sớm tôi có nghe, nhưng bây giờ mới gặp. Vụ này, tôi làm 12 công giống IR 50404 để thu hoạch sớm. Tuy nhiên, lúa mới gần 50 ngày đã xuất hiện bông lưa thưa nhiều chỗ rồi, không biết có ảnh hưởng đến năng suất lúa không nữa”. Ngồi ngẫm nghĩ để tìm ra nguyên nhân thì ông Trí cho rằng, sở dĩ ruộng lúa bị như vậy một phần phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng có sẵn trong đất, mặt khác do phòng trừ dịch hại gây bệnh cho lúa, ông đã bón phân, thuốc thiếu cân đối. Đồng thời, giống lúa ông chọn gieo sạ cũng quyết định phần nào.
Thời tiết như hiện nay, việc lúa trổ sớm đã xảy ra hầu hết trên những cánh đồng ở một số huyện như: Vị Thủy, Châu Thành A,... và không chỉ có giống lúa IR 50404 mắc phải mà còn các giống lúa cao sản khác, như: OM 5451, OM 4900... cũng đã ra bông trên diện rộng. Anh Lê Văn Thi, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, ngỡ ngàng cho biết: “Do ruộng ít nên tôi chọn giống dễ tiêu thụ để làm. Và tôi đã gieo sạ giống OM 5451. Tuy nhiên, năm nay, giống này đột nhiên trổ sớm làm tôi thật bỡ ngỡ. Mới trên 50 ngày mà 3 công lúa đã lác đác một vài bông. Theo cái đà này vài ba bữa tới là đều ruộng. Bây giờ không biết nên vui hay buồn”. Với tâm lý âu lo như anh Thi là lẽ tất nhiên, bởi làm ruộng ít, lỡ như lúa chín sớm hay trễ hơn vài ngày thì biết thu hoạch ra sao và bán cho ai. Chưa kể khi tìm được thương lái thu mua thì chưa chắc sẽ bán sát với giá thực tế.
Nỗi lo bà con chưa dừng lại đó mà còn đối mặt với nhiều dịch bệnh đang rình rập tấn công gây hại trên lúa. Dõi mắt xuống mảnh ruộng ra bông không đồng loạt, ông Ngô Hạnh Kiệt, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Lần này là lần thứ 2 tôi làm ruộng gặp phải tình trạng lúa trổ trước ngày tháng. Đây là hiện tượng đáng để quan tâm và tôi cần thăm đồng thường xuyên. Vì không khéo sẽ mất mùa như chơi”. Được biết, vào khoảng 2 năm trước, 12 công ruộng của ông làm giống IR 50404 đã mắc phải tình trạng như trên. Do lần đầu không có kinh nghiệm, với lại ông có phần chủ quan trong cách chăm sóc nên dịch bệnh xảy ra liên miên. Đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông đã làm cho năng suất lúa sụt giảm rất nhiều. Thế nên, khi thu hoạch và bán lúa xong, ông trừ hết các khoản chi phí sản xuất thì trắng tay.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng lúa trổ trước vài ngày là do thời tiết thay đổi thất thường. Cụ thể là năm nay, nắng nóng kéo dài làm cho nhiệt độ trung bình hàng ngày cao hơn mọi năm. Ngoài ra, đặc tính cây lúa hấp thu nhiệt độ ánh sáng tốt làm cho lá phát triển nhanh. Tính theo chu kỳ sinh trưởng thì trung bình mỗi cây lúa đạt từ 18 lá trở lên sẽ ra bông. Thế nên, cây lúa có dấu hiệu trổ bông không đều thì thời gian lúa chín cũng chênh lệch một hai ngày.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể nhận định: Dẫu biết hiện tượng lúa trổ sớm vài ba ngày cũng là bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hay năng suất lúa. Ngoại trừ khi hiện tượng lúa trổ sớm gặp phải thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống khá thấp làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của bông lúa cũng dẫn đến mất mùa. Khi phát hiện lúa trổ sớm bất thường, bà con phải thật kỹ trong khâu chăm sóc, vì giai đoạn này cây lúa dễ nhạy cảm với nhiều loại dịch bệnh tấn công. Vì thế, nông dân nên đi thăm đồng thường xuyên và có chế độ phun xịt phù hợp cho từng giai đoạn và luôn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa. Đặc biệt, khi phát hiện lúa bị bệnh sâu cuốn lá với mật độ khoảng 40 con/m2 thì mua thuốc đặc trị về phun xịt và phòng ngừa nạn chuột cắn phá. Quan trọng là bệnh đạo ôn cổ bông có thể xảy ra làm cho thân lúa gãy đổ, hạt lép, sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất mùa vụ”.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, giai đoạn lúa làm đòng trổ bông cho đến chín đang có dấu hiệu tăng lên gần 2.000ha tập trung nhiều ở các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A… và một số địa phương khác trong tỉnh.
CHÍ CÔNG
Nghệ An: Đáp ứng nhu cầu nấm thương phẩm trong dịp Tết
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Gần tết Nguyên đán tại các cơ sở sản xuất nấm thương phẩm ở Yên Thành, Tân Kỳ (Nghệ An)… nhộn nhịp. Nguồn nấm được đánh giá đủ cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Anh Nguyễn Thọ Hạnh, chủ cơ sở trồng nấm ở Nam Thành cho biết: Thời điểm gần Tết Nguyên đán dự kiến giá nấm mỡ khoảng 45.000 đồng/kg, nấm sò 30.000 đ/kg... Nấm thương phẩm bán được giá lại tiêu thụ nhanh, nên người trồng nấm rất vui".
Ông Thái Đình Cầu, Chủ tịch Hội nông dân huyện Yên Thành cho biết: "Từ 2 tháng nay, giá nấm thương phẩm bắt đầu tăng giá bán, cụ thể là nấm sò tăng từ 12 - 15%, nấm mỡ 10%, nấm linh chi 5%.
Hiện nay, Yên Thành có trên 200 hộ dân làm nấm, trong đó có trên 30 hộ làm nấm theo mô hình gia trại, trang trại và năm 2015 đạt trên 450 tấn nấm, doanh thu trên 8 tỷ đồng. Riêng trong dịp giáp Tết tiêu thụ nấm khoảng 70 tấn nấm các loại, chủ yếu thị trường Hà Nội, TP Vinh. Năm 2015, huyện có 4 địa điểm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nấm đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm các xã Nam Thành, Lý Thành, Sơn Thành và Tân Thành...
Tại Công ty CP sinh học An Hà ở xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) tổ chức sản xuất giống, trồng, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp (do Bộ KH - CN đầu tư). Để đáp ứng nhu cầu cho thị trường giáp tết, từ tháng 8/2015 Công ty sản xuất trên 20.000 bịch nấm các loại.
Vân Trường
Lại đỏ mắt vì... bí đỏ
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Năm nay, người trồng bí đỏ ở Ninh Hòa tiếp tục gặp khó do năng suất thấp và hàng bị dội chợ.
Những ngày này, người trồng bí đỏ ở xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) như ngồi trên đống lửa bởi bí vừa rớt giá vừa không ai hỏi mua. Trên đường vào xã, chúng tôi chứng kiến bí chất thành đống ven đường. Ông Điểm Khắc Điền, một nông dân trồng bí có thâm niên ở thôn 3, xã Ninh Sơn cho biết, gia đình ông thu hoạch bí đã hơn 2 ngày nay nhưng chưa bán được.
Người trồng bí thẫn thờ vì giá bí quá rẻ
Năm nay, người trồng bí thiệt hại nặng do năng suất thấp, chỉ đạt từ 3 - 4 tấn/ha, đồng thời giá rớt chỉ còn 500 - 1.500 đồng/kg, bằng 1/2 so với năm ngoái. Tùy theo diện tích canh tác, mức lỗ có thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vụ bí này, ông Điền trồng gần 7ha, thu hơn 12 tấn, lỗ khoảng 60 triệu đồng. “Hầu hết người trồng bí đều vay vốn ngân hàng hoặc tạm ứng phân, thuốc tại các cửa hàng bảo vệ thực vật để đầu tư, đến vụ thu hoạch mới thanh toán. Tuy nhiên, năm nay do bí mất mùa, giá lại thấp nên nông dân đành khất nợ…”, ông Điền chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 2, Ninh Sơn đang rao bán rẫy để trả nợ và định đi làm thuê kiếm sống vì đã lỗ hàng trăm triệu đồng sau vụ bí năm nay.
Ông Đào Trung Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết, xã có hơn 100 hộ trồng bí với diện tích 200ha. Năm nay, do thời tiết nắng hạn nên một số hộ trồng bí bị mất trắng. Hiện địa phương còn tồn 150 tấn bí, tương đương hơn 30ha chưa thu hoạch. Nguyên nhân khiến bí rớt giá là do thời điểm này các địa phương khác ở Tây Nguyên và phía nam cũng đang vào mùa thu hoạch.
Hiện nay, nhiều nông dân đã ngưng thu hoạch bí vì giá bán không đủ trả tiền công. Ông Phạm Ngọc Xuân, thôn 3, Ninh Sơn chia sẻ: “Giá thuê thu hoạch khoán 1.700 đồng/kg, thuê ngày công 220.000 - 250.000 đồng/người. Gia đình tôi năm nay trồng 3ha bí nhưng bỏ, không thu hoạch, vì nếu thu hoạch sẽ lỗ khoảng 50 triệu đồng”.
Ngoài xã Ninh Sơn, trên địa bàn xã Ninh Thân hiện cũng có 60 - 70ha trồng bí đỏ, sản lượng khoảng 180 - 200 tấn. Hiện nay mới tiêu thụ được khoảng 150 tấn với giá từ 1.000 - 1.300 đồng/kg. Xã Ninh Xuân trồng ít hơn, khoảng 20ha, chủ yếu do người dân từ Ninh Thân sang xâm canh.
Theo ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn có hàng trăm héc-ta trồng bí đỏ, chủ yếu tập trung ở các xã Ninh Sơn, Ninh Thân, Ninh Xuân… “Việc giải quyết lượng bí tồn đọng gặp nhiều khó khăn. Hiện thị xã đang nắm bắt tình hình sản xuất và thị trường để có hướng hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, vấn đề thị trường rất nan giải bởi trước đây đã có trường hợp nông dân ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhưng khi hàng dội chợ, doanh nghiệp lại ngoảnh mặt làm ngơ…”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, việc người dân trồng tự phát các loại nông sản rất khó kiểm soát, nhất là khi thông tin thị trường chưa có sự liên thông, đồng bộ, cơ quan chuyên môn cũng không rõ các vùng khác sản xuất bao nhiêu diện tích và thị trường sẽ tiêu thụ bao nhiêu để khuyến cáo nông dân. Vì thế, trước khi trồng loại cây gì người dân cần xem xét kỹ, không chạy theo cơn sốt thị trường để bị thua lỗ.
Mùa bí năm ngoái, tình trạng bí không tiêu thụ được đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nhưng năm nay nông dân vẫn tiếp tục trồng nhiều. Hy vọng, qua vụ bí lần này, người nông dân sẽ tỉnh táo hơn trước khi đầu tư sản xuất để không còn rơi vào tình trạng mất mùa, rớt giá.
V.L
Ba Tri (Bến Tre): Nông dân trồng rau an toàn
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Chú Mạc Văn Hoàng với liếp rau muống chuyển đổi hữu cơ nhà mình.
Thời gian qua, nhiều nông dân huyện Ba Tri (Bến Tre) bắt đầu “mặn” với việc chuyển đổi sang trồng rau an toàn, rau hữu cơ.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết, hiện nay, huyện có diện tích hơn 2.800ha trồng rau màu, tăng gần 2ha so với năm 2014. Huyện đã có 1 nhóm trồng rau chuyển đổi sang hữu cơ và 6 hộ trồng rau trong nhà lưới tập trung ở các xã: Phú Ngãi, An Hòa Tây, Tân Xuân...
Thời gian tới, huyện sẽ thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn để định hướng cho người dân sản xuất rau sạch, an toàn để phát triển bền vững.
Xuân Hương
An Giang: Phong trào trồng đinh lăng
Nguồn tin: Báo An Giang
Là một loại dược liệu quý và còn có thể dùng làm thực phẩm, cây đinh lăng đang được nhiều người trồng ở nhiều nơi vì nó đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng cây đinh lăng
Cây đinh lăng thuộc họ nhân sâm, là thảo dược rất quý, được người dân trồng từ rất lâu. Nó được dùng để trị chứng đổ mồ hôi đầu, chóng mặt, ngừa bệnh động kinh… Do lá đinh lăng có mùi thơm dễ chịu nên nhiều người sử dụng làm rau cho bữa ăn. Với nhiều công dụng, nông dân các xã, thị trấn của huyện Thoại Sơn (An Giang) đã trồng xen canh hoặc tận dụng đất trống để trồng, có hộ chuyển đổi đất ruộng để trồng đinh lăng. Ông Trần Văn Sĩ (ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập) là một điển hình. Do biết được giá trị dược liệu của đinh lăng, sau khi trồng 5.000m2 đinh lăng từ đất mượn, ông đã mạnh dạn tách 5.000m2 đất ruộng gia đình trồng loại cây này, với mục đích cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chẩn trị đông y. Chủ tịch Hội Đông y huyện Thoại Sơn Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Việc trồng cây đinh lăng phát sinh từ lâu, nhưng vài năm gần đây lại rộ lên khi có nhiều người đến mua, hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm. Huyện hiện có khoảng 40.000m2 đất trồng các loại cây dược liệu, trong đó có đinh lăng, nhiều nhất ở núi Sập (trên 10.000m2), xã Phú Đông (6.000m2), số còn lại rải rác ở các nơi. Đó là chưa kể nhiều hộ trồng đinh lăng để làm hàng rào và để ăn. Diện tích trồng nói trên cung cấp cho 33 Phòng chẩn trị y học dân tộc trên địa bàn”.
Cây giống đinh lăng
Anh Trần Phước Thọ (thị trấn Núi Sập)- người được xem như đi tiên phong trong việc trồng các loại cây dược liệu, chia sẻ: “Trước hết, tôi góp phần nhỏ cung cấp nguồn dược liệu quý cho các cơ sở chẩn trị y học dân tộc, nơi bào chế, sản xuất dược phẩm… và tạo điều kiện để bà con có nguồn thu nhập qua việc trồng xen canh, tận dụng các khoản đất trống, đất bỏ hoang. Hiện, tôi đầu tư khoảng 20.000m2 đất để trồng dược liệu (đinh lăng, cây nhào, sâm bố chính) ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn), cùng 20.000m2 đất ở các nơi khác trong huyện Thoại Sơn và Chợ Mới. Những hộ hợp đồng trồng đinh lăng (tối thiểu 3 năm, tối đa 5 năm) được bao tiêu giá 15.000 đồng/kg gồm thân, lá, củ, rễ. Mô hình này đang ở năm đầu nên không đủ hàng cung cấp cho đối tác. Tôi đang tìm hiểu, khảo sát thị trường từ nhiều nơi, nhiều đối tác để có định hướng dài hơi cho việc trồng và cung cấp loài dược liệu quý giá này”.
Theo những người trồng, đinh lăng dễ trồng, nhưng nếu không biết “tính nết”, nhất là về điều kiện thổ nhưỡng, cách chăm sóc, điều trị bệnh… thì cây dễ bị chết, chậm phát triển, đặc biệt là không hoặc ra ít củ- sản phẩm được coi là giá trị nhất. Hiện, giá của dược liệu này ở thị trường khá đa dạng, tùy theo chủng loại đinh lăng (vốn rất đa dạng) cũng như thời gian và vùng đất trồng.
Chủ tịch Hội Đông y tỉnh An Giang Trần Quang Trung cho biết: “Các nhà khoa học đã khẳng định đinh lăng là loại dược liệu rất quý, được ví như “Sâm Cao Ly Việt Nam”. Đinh lăng trồng khoảng 3 năm là sử dụng, nhưng trồng càng lâu càng giá trị. Dược liệu này trị được nhiều bệnh, phổ biến nhất là chứng suy nhược nói chung, trị đau nhức, đặc biệt là bổ dưỡng rất tốt cho cơ thể… Cây này đang được nhiều người, nhiều nơi quan tâm đầu tư. UBND tỉnh An Giang vừa phê chuẩn kế hoạch phát triển vùng dược liệu ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, đủ cung cấp nguyên liệu trong và ngoài tỉnh”.
NGUYỄN RẠNG
Canh tác lúa, mía ở vùng đất phèn vẫn đạt hiệu quả cao
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Lúa, mía là 2 cây trồng chủ lực của huyện Phụng Hiệp từ nhiều năm nay. Vì vậy, để cải thiện năng lực sản xuất lúa, mía cho người dân vùng nông thôn, cử nhân Nguyễn Thanh Tuyền, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng các mô hình chuyên canh lúa, mía cho vùng đất phèn thuộc xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”.
Dự án hỗ trợ nấm xanh, giúp nông dân phòng trừ dịch hại trên lúa, mía, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cử nhân Nguyễn Thanh Tuyền cho biết: Chúng tôi đã chọn xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, để thực hiện dự án, bởi đây là vùng đất phèn, trũng, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Hoạt động chính của dự án hướng đến cải thiện năng lực, trình độ về canh tác lúa, mía cho bà con trong vùng. Với mục tiêu thành lập mô hình sản xuất lúa quy mô 30ha và mô hình sản xuất mía 15ha có ứng dụng khoa học kỹ thuật, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.
Sau thời gian chọn địa điểm, chọn hộ tham gia dự án, Ban chủ nhiệm dự án đã tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như quản lý dịch hại bằng biện pháp sinh học (chế phẩm Trchoderma sp. để phân hủy rơm rạ đầu vụ phòng ngừa ngộ độc hữu cơ trên lúa, dùng nấm tím Paecilomyces sp. để phòng rệp sáp trên mía; sử dụng các chế phẩm nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa và rầy đầu vàng hại mía; khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” quản lý dinh dưỡng tổng hợp, bón phân vô cơ và hữu cơ kết hợp; ứng dụng biện pháp IPM (xử lý đất, giống, mật độ canh tác hợp lý) nhằm đảm bảo số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và nhất là cải tiến khâu thu hoạch làm giảm tỷ lệ hao hụt ở mức độ tối thiểu nhất.
Sau hơn 2 năm ròng rã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân, chủ nhiệm dự án và nhóm nghiên cứu đã tổ chức được 12 lớp tập huấn cho 531 nông dân tham dự. Hơn 60 hộ dân được chọn tham gia dự án ở ấp Phương Lạc và Phương An (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) đã dần quen với khoa học, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất. Các tiến bộ khoa học đã từng bước thay đổi thói quen sản xuất cũ của nông dân, giúp tăng năng suất lúa, mía, được người dân đồng tình ủng hộ. Hộ ông Phạm Văn Hải, ở ấp Phương Lạc, tham gia mô hình trồng mía của dự án, cho biết: “Tham gia mô hình cũng được lợi nhiều thứ là được hỗ trợ phân, giống, chế phẩm sinh học phòng bệnh cho cây nên chi phí đầu tư thấp xuống, lại đảm bảo môi trường sống vì ít dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ mía năm 2014, gia đình tôi thu lợi nhuận gần 39 triệu đồng/ha, cao hơn gần gấp đôi so với cách làm cũ trước kia”.
Theo các nông dân tham gia dự án, do không nhận biết được yếu tố hạn chế trong đất có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Thêm vào đó, quy trình canh tác của bà con chưa phù hợp nên chưa phát huy hết hiệu quả của phân bón. Chẳng hạn, đất phèn bị chua do pH thấp, vấn đề đầu tiên là phải tìm giải pháp hóa giải để tăng pH thì một số hộ lại bón nhiều phân đạm ở đầu vụ. Nhờ tham gia dự án, nông dân đã rút được nhiều kinh nghiệm canh tác trên đất phèn hiệu quả. Trong đó, ứng dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm hạn chế độ phèn và tăng hiệu suất sử dụng phân bón như: “ém phèn”, sạ ngầm, điều tiết nước hợp lý, bón phân hợp lý. Ông Lê Văn Hiền, ở ấp Phương An, tâm đắc: “Sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón ruộng và dùng nấm xanh giúp cây lúa ít bệnh, năng suất cao. Bên cạnh đó, còn làm tăng hiệu quả sử dụng của phân vô cơ, từ đó làm giảm số lượng sử dụng phân vô cơ. Mức lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí của ruộng tăng khoảng hơn 10% so với trước khi tham gia dự án”.
Nhìn chung, dự án đã góp phần cải hóa đất phèn Phụng Hiệp. 30ha đất trồng lúa của dự án nhờ áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm”, bón phân hữu cơ khoáng cải tạo đất đã giúp năng suất lúa tăng lên 12% (vượt 2% so với kế hoạch chủ nhiệm đề ra). Còn mô hình chuyên canh mía quy mô 15ha với kỹ thuật canh tác mía lưu gốc, quản lý dịch hại, ứng dụng chế phẩm nấm xanh trừ rầy đầu vàng... đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, sản xuất an toàn. Từ đó, lợi nhuận cũng tăng lên 15,35%, vượt kế hoạch ban đầu hơn 5%. Chính vì vậy, nhiều nông dân tham gia dự án tiếp tục đề nghị chủ nhiệm dự án tiếp tục triển khai, tập huấn để nhiều nông dân được học hỏi, canh tác hiệu quả, gắn bó hơn với nông nghiệp.
TRÚC LINH
Hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cà phê
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, nông dân Lâm Đồng đã tích cực cải tạo, thâm canh nhiều giống cà phê vối và cà phê chè đạt năng suất và chất lượng cao, đồng thời thực hành hiệu quả các biện pháp giảm tổn thất sau thu hoạch, từng bước đáp ứng yêu cầu chế biến cà phê trong nước và xuất khẩu.
Thông qua các lớp tập huấn, các tài liệu cấp phát, từng hộ nông dân Lâm Đồng đã áp dụng kỹ thuật thu hái cà phê đảm bảo chất lượng
Mở lớp tập huấn kỹ thuật
Theo thống kế của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng đang sản xuất hơn 157.000ha, trong đó diện tích cà phê vối chiếm hơn 87%; diện tích cà phê chè khoảng gần 11%, còn lại gần 2% diện tích cà phê mít. Nếu như năm 2010, tổng sản lượng cà phê của tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 332.000 tấn thì đến cuối năm 2015 ước tăng lên gần 400.000 tấn, tăng gần 20%.
Tính riêng trong 4 năm 2012 - 2015, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã phối hợp với Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 13 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ, RTA... cho 750 lượt nông dân ở thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm; cấp phát 500 cuốn cẩm nang giới thiệu về máy móc thiết bị sơ chế, giảm tổn thất cà phê sau thu hoạch, 1.500 tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật thu hái cà phê yêu cầu chất lượng. Kết quả, diện tích cà phê Lâm Đồng được cấp các chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế như 4C, UTZ, CERTIFIED, RTA... tăng từ 23.400ha (năm 2012) lên 40.000ha (năm 2015); đồng thời đã và đang thiết lập bản quyền 3 chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Cà phê Robusta Di Linh; cà phê Arabica Lang Biang - Lạc Dương, cà phê chè Cầu Đất - Đà Lạt.
Xây dựng và nhân rộng mô hình
Để dần khắc phục tình trạng nông dân thiếu máy móc, thiết bị sơ chế cà phê đảm bảo chất lượng, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng còn phối hợp với chính quyền địa phương ở các vùng sản xuất cà phê trong tỉnh, tổ chức 5 hội thảo giới thiệu và nhân rộng mô hình máy sấy cà phê theo công nghệ tĩnh vĩ ngang đảo chiều do Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh thiết kế. Trong đó gồm lò sấy đốt cấp nhiệt trực tiếp áp dụng cho sản phẩm cà phê vối và lò sấy đốt cấp nhiệt gián tiếp áp dụng cho sản phẩm cà phê chè, đạt công suất 15 - 16 tấn cà phê quả tươi/mẻ sấy. Chi cục đã tổ chức chuyển giao 12 mô hình ưu tiên các xã khó khăn về hạ tầng điện, giao thông gồm: xã Đinh Trang Thượng (Di Linh), xã Đạ K’Nàng (Đam Rông), xã Lộc Bắc (Bảo Lâm)... Bên cạnh đó, Chi cục đã triển khai đề án hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sân phơi cà phê cải tiến với diện tích 200m2/mô hình (tương đương 1 tấn cà phê vỏ thóc khô/mẻ) để phơi cà phê chè vỏ thóc trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương; xây dựng 1.200m2 sân phơi bằng xi măng và 50.400m2 tấm bạt nhựa phơi cà phê vối trên các địa bàn Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và Đức Trọng.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết thêm: “Đến nay, có tất cả 30 mô hình sản xuất, bảo quản chế biến cà phê bền vững khép kín trên các địa bàn Lâm Đồng đã được nghiệm thu và bàn giao đưa vào sản xuất, góp phần giảm tổn thất cà phê sau thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là những mô hình điểm để làm cơ sở nhân rộng trong sản xuất. Các tổ chức, cá nhân được lựa chọn hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình (dưới 100 triệu đồng/mô hình) làm nòng cốt để hình thành các mô hình liên kết trong quá trình sản xuất, thu mua chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cà phê nhằm tạo ra mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên trong chuỗi liên kết...”.
Theo đó, trong 4 năm qua, Lâm Đồng đã hình thành khá nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê, góp phần giảm tỷ lệ sơ chế cà phê quả tươi theo phương pháp truyền thống tại nông hộ từ 85% xuống 70%; tăng tỷ lệ chế biến cà phê nhân tại địa phương từ 75% lên 92%; tăng tỷ lệ chế biến tinh cà phê lên 50%; tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp cà phê đạt khoảng 30% sản lượng với tổng kim ngạch 181 triệu USD/năm. Cụ thể, những hình thức liên kết gồm: Nông dân với nông dân đổi công chăm sóc, thu hái cà phê, cung cấp thông tin giá bán sản phẩm; nông dân với các đại lý thu mua cà phê thông qua việc ứng vốn, vật tư để sản xuất và thanh toán sau khi thu hoạch; nông dân với cơ sở chế biến sản phẩm cà phê nhân có chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch; doanh nghiệp với doanh nghiệp thu mua chế biến cà phê xuất khẩu...
Đáng kể như: Hợp tác xã cà phê Lâm Viên với 88 thành viên, sản xuất ổn định khâu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trên tổng diện tích 100ha cà phê; Công ty TNHH Thuý Thuận liên kết cung ứng vốn sản xuất, thu mua sản phẩm cà phê chè trực tiếp từ nông dân các vùng Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông… với năng lực sơ chế 500 tấn cà phê nhân/ngày; Công ty Cà phê ACOM hàng năm tập huấn sản xuất cà phê chất lượng cao và bền vững cho 5.000 hộ nông dân, thu mua, sơ chế 1.000 tấn cà phê nhân/ngày…
VĂN VIỆT
Áp dụng kỹ thuật tưới cây bằng máy phun bán tự động
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nay, diện tích cây ăn trái phát triển mạnh trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, việc áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác cũng được nhiều nông dân ở địa phương này thực hiện. Trong đó cách tưới cây bằng máy phun bán tự động là một ví dụ điển hình.
Nông dân tưới vườn cây ăn trái bằng máy phun bán tự động.
Cấu tạo của máy phun bán tự động này cũng khá đơn giản, bao gồm đầu máy loại F5, hoặc F7, hoặc D12… Gắn trên một chiếc chẹt, và hệ thống vòi phun gồm 10 đầu phun chia đều cho 2 bên. Khi máy vận hành, do hệ thống các ống phun đều ra hai bên nên tạo áp lực đẩy cho chẹt đi về phía trước, nên chỉ cần 1 người điều kiển hướng cho chẹt. Cách tưới cây bằng máy phun bán tự động này có ưu điểm là làn nước rải đều, giảm nhân công, nhanh và ít tốn nhiên liệu. Trung bình một nhà vườn canh tác khoảng 3ha cam sành, nếu tưới bằng hệ thống tưới thông thường thì tốn chi phí nhiên liệu khoảng 150.000 đồng và một người lao động trong 2 ngày, nhưng với cách làm này thì chi phí và thời gian giảm khoảng 2/3.
Huyện Phụng Hiệp có khoảng 7.100ha cây ăn trái, trong đó hiện có đến 40% áp dụng kỹ thuật tưới này.
THANH DUY