Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 9 năm 2019

Ứng dụng công nghệ cao để nâng sức cạnh tranh

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Trong bối cảnh hội nhập rộng và sâu qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA)…, các doanh nghiệp (DN) cần phải nắm rõ thuận lợi, thách thức những sản phẩm do DN mình làm ra để có thể khai thác lợi thế cạnh tranh, hạn chế mặt yếu kém.

0,6% diện tích, góp 6,1% giá trị

Bên cạnh những thuận lợi từ các FTA mang lại như nhiều dòng thuế quan sẽ giảm ngay hoặc giảm dần theo lộ trình thì thách thức từ các hiệp định này cũng không phải nhỏ. Đó sẽ là những yêu cầu mới về tiêu chuẩn của sản phẩm, được gọi là những hàng rào phi thuế quan hay rào cản kỹ thuật mới.

Việt Nam là đất nước đang phát triển phải cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp với những nước phát triển, vốn có nhiều lợi thế về quản lý, công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), nguồn lực... Vì vậy, một trong những yếu tố giúp rút ngắn khoảng cách là ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào quá trình sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ tại huyện Nhà Bè, TPHCM, mang lại nhiều hiệu quả. Ảnh: ĐĂNG LÃM

Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, việc nắm rõ những ưu điểm, nhược điểm của DN mình từ những FTA đã được Việt Nam ký kết với khá nhiều nước sẽ giúp DN xác định vị trí ở đâu, cần khắc phục những hạn chế nào để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thương trường. Muốn sản phẩm có tính cạnh tranh, một trong những yêu cầu là biết ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất, chế biến. Và việc được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách của Luật Công nghệ cao.

Có thể nói, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị suy giảm trên dưới 1.000ha/năm, nhưng nhờ biết chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị, biết ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất nên giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của TPHCM không ngừng tăng lên.

GS-TS Bùi Chí Bửu, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu, nhận xét yếu tố ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần đáng kể vào sự phát triển nông nghiệp của TPHCM. Sở NN-PTNT TP cho biết, tỷ lệ ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2020.

Nếu như năm 2010, tỷ lệ này chiếm khoảng 10%, năm 2016 là 35,8% thì năm 2018 đạt 38,2%. Năm 2019, diện tích ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là 407ha canh tác (tăng 4,8%), góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Năm 2018 con số này là 502 triệu đồng/ha/năm (tương đương 22.000 USD, tăng 11,5% so với năm 2018), xấp xỉ với lãnh thổ Đài Loan và gần bằng một nửa so với Hà Lan (40.000 USD/ha/năm). Nếu tính cả nước, TPHCM xếp hạng nhất so với các tỉnh, thành khác khi mới đạt bình quân 3.900 USD/ha/năm (số liệu do Bộ NN-PTNT công bố năm 2019).

Nhờ đó, duy trì được tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp TPHCM cao hơn bình quân cả nước gần gấp đôi (6,2% so với 3,86% năm 2018). Vì vậy, dù diện tích đất của TPHCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng lại đóng góp 6,1% giá trị nhờ biết khai thác thế mạnh về ứng dụng CNC.

Hình thành cộng đồng DN NNCNC

Tại buổi gặp gỡ giữa DN NNCNC với lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM vừa qua, Th.S Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, cho rằng có một thực tế đang diễn ra, DN làm nông nghiệp thường ít hiểu biết về những lợi ích mà công nghệ thông tin (IT) mang lại để có thể ứng dụng vào quá trình hoạt động. Ngược lại, DN chuyên về IT lại hiểu biết không nhiều hay mù mờ về sản xuất nông nghiệp.

Việc này có thể giải quyết thông qua các trường, viện với chương trình đào tạo cụ thể. Cần có hệ thống thông tin về thị trường nông sản để giúp người sản xuất nông nghiệp tham khảo, trước khi có quyết định trồng hay nuôi con nào đó.

Nhiều nước đã thiết lập hệ thống thông tin này từ lâu và nhờ làm tốt việc này mà nông dân sản xuất nông nghiệp ở lãnh thổ Đài Loan có thể điều tiết hay định hướng sản xuất để cân đối thị trường, giúp cho việc cung - cầu sản phẩm ra thị trường ở mức hợp lý, ổn định.

Ngoài ra, TPHCM cần lập hệ thống quản lý đất canh tác để qua đó, những DN khởi nghiệp, người có ý định đầu tư vào nông nghiệp có thể tham khảo trước.

Đối với những DN khởi nghiệp về NNCNC, vấn đề thế chấp để được vay vốn ngân hàng là một trong những khó khăn lớn mà họ thường gặp. Nếu một dự án cần vốn vay 5 tỷ đồng, họ buộc phải có số vốn đối ứng tương đương mới có thể thế chấp tại ngân hàng và không phải DN khởi nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng điều kiện này.

Ngoài ra, họ còn gặp khó về đất đai, công nghệ. Trong lúc chờ nhà nước giải quyết những khó khăn này, ông Từ Minh Thiện khuyến cáo các DN nên sớm hình thành cộng đồng doanh nghiệp NNCNC như câu lạc bộ chẳng hạn. Đây sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu và là diễn đàn trao đổi ý kiến, nắm bắt thông tin… để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề cùng quan tâm nào đó. Đây cũng sẽ là đầu mối đại diện việc giao lưu, trao đổi với các tổ chức, đối tác nước ngoài trong cùng lĩnh vực hay vấn đề quan tâm.

Việc ứng dụng CNC vào sản xuất của DN nông nghiệp là xu thế khi môi trường hoạt động sản xuất bị cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tiến thêm một bước, để có thể khai thác những ưu đãi như khi có được chứng nhận DN NNCNC, các hạng mục đầu tư theo danh mục ưu tiên sẽ được hỗ trợ 100% lãi vay.

Ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, DN nông nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về việc chứng nhận DN NNCNC có thể liên hệ với Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn hay Phòng Khoa học Công nghệ (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục.

Theo Luật Công nghệ cao, để trở thành DN NNCNC, DN cần phải đạt 4 tiêu chí. Đó là: Doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của DN phải đạt ít nhất 60% tổng doanh thu thuần hàng năm. Có hoạt động nghiên cứu đạt ít nhất 0,5% tổng doanh thu. Số lao động có trình độ trực tiếp tham gia nghiên cứu và phát triển chiếm 2,5% lao động của DN. Ứng dụng công nghệ thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định (Điều 5 của Luật Công nghệ cao) để sản xuất. Áp dụng biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý.

CÔNG PHIÊN

Nhà nông Lộc Thái liên kết phát triển cây ăn trái có múi

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Với lợi thế về thổ nhưỡng, nhiều nhà nông ở xã Lộc Thái (Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn trái có múi và liên kết để phát triển kinh tế, đem lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình.

Đến ấp 6, xã Lộc Thái hỏi thăm vườn chuyên canh cây măng cụt của hộ chị Nguyễn Thị Kim Hồng hầu như ai cũng biết. Bởi, vườn cây của gia đình chị hơn 10 năm nay luôn đạt năng suất cao và là vườn cây ăn trái có múi điển hình của Tổ hợp tác cây ăn trái xã Lộc Thái, được nhiều nông hộ đến học hỏi kinh nghiệm. Chị Hồng cho biết: “Năm 2004, nhận thấy thổ nhưỡng ở đây phù hợp trồng măng cụt, cộng ưu điểm của cây là ít sâu bệnh nên gia đình tôi quyết định vay vốn chuyển đổi từ 1 ha cà phê năng suất thấp sang trồng cây măng cụt”. 5 năm sau, thấy măng cụt cho thu trái bói đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị Hồng tiếp tục mở rộng diện tích lên 3 ha trồng 500 cây măng cụt, hiện trong đó có 150 cây cho thu hoạch chính trên 10 năm, 350 cây trồng năm thứ 3 đến năm thứ 5.

Ông Lê Minh Tâm trong vườn măng cụt của gia đình cho năng suất cao

Có kinh nghiệm từ trồng cây ăn trái ở quê gốc miền Tây, lại tích cực học hỏi cách chăm sóc để đáp ứng thực tế nên vườn cây nhà chị luôn đạt năng suất cao. Chị Hồng cho biết thêm: “Nếu chăm sóc tốt thì cây măng cụt có tuổi thọ khoảng 24 năm. Để măng cụt đậu đều, trái to và đạt năng suất, nông dân phải thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ. Sau khi thu hoạch thì bón phân vô cơ, phân gà, tro (để tạo độ tơi xốp cho đất) đúng chu kỳ và quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, gia đình không phun thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích sinh trưởng lên trái, mà sử dụng những chiếc bẫy ruồi để diệt côn trùng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng”. Với cách chăm sóc này, 10 năm nay gia đình chị Hồng thu hoạch mỗi cây được trên 1 tạ trái, thời điểm thu hoạch hằng năm từ ngày 14-4 đến cuối tháng 6 âm lịch. Đầu mùa mưa năm 2019, măng cụt của gia đình chị được thương lái thu mua với giá 100.000 đồng/kg, thấp nhất là 25.000 đồng/kg. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2019 của gia đình chị hơn 15 tấn trái, sau khi trừ chi phí thu hơn 600 triệu đồng từ măng cụt.

Tương tự, vườn cây của gia đình ông Lê Minh Tâm, Chủ nhiệm Tổ hợp tác cây ăn trái có múi xã Lộc Thái cũng cho thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Với 2,5 ha đất, gia đình ông chuyển đổi từ trồng tiêu già cỗi, năng suất thấp sang trồng sầu riêng, bưởi và măng cụt. Niên vụ 2019, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu trên 300 triệu đồng.

Trước sự phát triển của các vườn cây ăn trái trên địa bàn, giữa năm 2017, Lộc Thái đã liên kết các hộ trồng cây ăn trái có múi tại địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn trái có múi, với sự tham gia của 7 tổ viên chuyên trồng măng cụt, sầu riêng và bưởi. Tổng diện tích trồng cây ăn trái của các tổ viên là 16,8 ha, trong đó 5,5 ha sầu riêng, 6 ha măng cụt và 5,3 ha bưởi. Vụ mùa 2019, sản lượng thu hoạch của các tổ viên đạt trên 250 tấn trái, đem lại nguồn lợi kinh tế khá. Tham gia tổ hợp tác, tổ viên thường xuyên được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong cách trồng, chăm sóc các loại cây, đặc biệt là đảm bảo trái cây sạch cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện. Chủ nhiệm Tổ hợp tác cây ăn trái có múi xã Lộc Thái Lê Minh Tâm cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác đều hướng đến xây dựng trái cây an toàn về sinh học. Khuyến khích tất cả tổ viên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng bẫy sinh học để tiêu diệt côn trùng, do vậy trái cây của các tổ viên đảm bảo an toàn. Vườn cây của các tổ viên còn góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và trên 20 lao động thời vụ.

Hiện nay, tổ hợp tác đang đề xuất xây dựng thương hiệu trái cây có múi xã Lộc Thái theo hướng VietGAP, GlobalGAP và khi có thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm trái cây có múi của các nông hộ trong xã sẽ ổn định, nông sản sẽ vươn xa hơn.

Hoàng Mỹ - Văn Hùng

Vào vụ lúa - tôm

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Những ngày này, theo các tuyến lộ về nông thôn của huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh nông dân nhổ mạ, cấy lúa trên đất nuôi tôm.

Vụ mùa năm 2019, Thới Bình phấn đấu xuống giống lúa trên đất nuôi tôm đạt 20 ngàn héc-ta; Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 ha; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa đặc sản gồm: ST20 và ST24 ở 5 xã với diện tích hơn 2 ngàn héc-ta. Hiện có 3 công ty ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã và các hộ dân khoảng 1.700 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Trí Lực với 660 ha.

Nông dân xã Biển Bạch Đông cải tạo đất để gieo sạ giống lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm cho kịp thời vụ.

Ông Nguyễn Hoài Luận, Ấp 9, xã Trí Lực, tận dụng tối đa lượng nước mưa để rửa mặn cho gần 2 ha đất của gia đình và xuống giống lúa ST24 cho kịp thời vụ. Với kinh nghiệm thực hiện mô hình tôm - lúa nhiều năm nay, ông Luận cho biết: "Năm nay thời tiết cực kỳ khó khăn nhưng tôi quyết tâm trồng cho được cây lúa, vì trồng lúa không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn cải tạo môi trường đất, gốc rạ thì làm thức ăn cho tôm, các chất độc trong vuông được cây lúa hút hết, nhờ vậy nên năm nào cấy được vụ lúa là trúng vụ tôm".

Nhiều năm qua, mô hình lúa - tôm sú, lúa - tôm càng xanh đã chứng minh được hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cho người dân từ 50-70 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha.

Theo lịch thời vụ, khoảng cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trong huyện Thới Bình tiến hành rửa mặn và cấy lúa. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa ít, nắng nhiều nên bà con gặp khó trong khâu rửa mặn, đồng thời làm thiệt hại một số diện tích mạ gieo để cấy trên đất nuôi tôm.

Do rửa mặn không được nên nhiều nông dân trong huyện Thới Bình bỏ đất trống.

Ông Chung Thành Thám, Ấp 6, xã Thới Bình, cho biết: "Vụ mùa này không thể canh tác như mọi năm, do nắng cục bộ kéo dài, lúc mưa thì mưa liên tục nên rửa mặn không được, cấy lúa xuống sẽ không phát triển".

Bên cạnh đó, bà con nông dân lo lắng nhất là thiếu hụt nhân công, bởi phần lớn lao động nông thôn hiện nay đều đi lao động ngoài tỉnh, dẫn đến nhiều hộ gia đình phải bỏ đất trống hoặc cấy năn.

Đến thời điểm này, toàn huyện xuống giống chưa được 5 ngàn héc-ta, dự báo huyện sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: "Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, phòng nông nghiệp khuyến cáo bà con tập trung rửa mặn và chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, chất lượng cao, thích ứng tốt với điều kiện đất nhiễm mặn để gieo sạ cho kịp thời vụ".

Nhiều năm chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, đời sống người dân trong huyện Thới Bình nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, người dân đang gặp khó khăn trong sản xuất. Mong rằng các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc “cứu” nông dân vượt qua giai đoạn này./.

Minh Phong

Chuyển đổi cây trồng trên diện tích hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Cùng với giá cả xuống thấp, cây hồ tiêu còn bị dịch bệnh hoành hành. Vì vậy, nhiều người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chủ động chuyển đổi sang trồng những loại cây khác để cơ cấu lại sản xuất.

Vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) có hơn 2 ha hồ tiêu bị chết. Ở những chỗ hồ tiêu bị chết gia đình chị Oanh đã chuyển sang canh tác các loại cây ngắn ngày như: bắp, khoai lang...

Chị Nguyễn Thị Oanh chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ngắn ngày

Chị Oanh chia sẻ: “Cây hồ tiêu từng mang lại “của ăn của để” cho gia đình tôi, nhưng nó cũng lấy đi tất cả vì giá cả xuống thấp và dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, gia đình chuyển sang trồng bắp cải, khoai lang...”. Chi phí đầu tư cho mỗi vụ bắp cải, khoai lang không cao mà đầu ra, giá cả ổn định. Việc sản xuất cây ngắn ngày đơn giản, khả năng rủi ro cũng không nặng nề như cây hồ tiêu. Cách lấy ngắn nuôi dài này đã giúp gia đình chị Oanh đang từng bước phục hồi kinh tế. Đó là bước đệm để gia đình chị hướng đến kế hoạch: “trong thời gian tới, khi có vốn, gia đình sẽ chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị chết trồng cây ăn trái, cà phê...”.

Tương tự, gần đây, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên, ở thôn Đắk Lư, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) cũng có 4 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết. Chị Quyên đã quyết định không kiến thiết lại cây hồ tiêu mà chuyển đổi trồng thêm các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng, măng cụt, vú sữa...

Chị Quyên cho biết: “Khi hồ tiêu bị bệnh thì rất dễ lây lan ra diện rộng. Đối với những diện tích hồ tiêu không còn hiệu quả hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh, gia đình tôi chủ động chặt bỏ để chuyển sang loại cây trồng khác phù hợp hơn”. Cách làm của gia đình chị Oanh, chị Quyên đã góp phần phá bỏ độc canh cây hồ tiêu ở nhiều gia đình để dần dần đa dạng hóa cây trồng, hạn chế rủi ro và ổn định thu nhập.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đắk Song đã có hàng ngàn ha hồ tiêu bị chết hoặc nhiễm bệnh. Trước thực tế trên, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân tái cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, giảm chuyên canh bất cứ loại cây trồng nào. Điều đáng mừng là phần lớn người dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây hồ tiêu bị chết sang trồng cây ngắn ngày hoặc cây ăn trái... để tái cơ cấu cây trồng, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế.

Vừa qua, tại Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN và Phát triển nông thôn đã nêu định hướng quan trọng để phát triển bền vững cây hồ tiêu. Tại hội nghị này, thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ hồ tiêu chỉ là gia vị nên sản lượng sử dụng có hạn. Hơn nữa, sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, vì thế không nên phát triển ồ ạt, nên giảm diện tích ở những nơi không phù hợp và không trồng mới ở những diện tích hồ tiêu bị chết. Đắk Nông là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, đây là một hướng đi tốt để người dân lựa chọn. Trong thời gian tới, địa phương cần cố gắng ổn định diện tích cây hồ tiêu ở mức 100.000 ha. Các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, sản xuất các loại giống đầu dòng, sạch bệnh để cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, ngành chức năng cùng nông dân tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, chủ động xây dựng mối liên kết sản xuất, điều tiết thị trường, quảng bá, khẳng định thương hiệu, vị thế hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

Bình Định: Vụ muối 2019: Lại được mùa, mất giá

Nguồn tin:  Báo Bình Định

Vào thời điểm này, về các cánh đồng muối ở các xã Phước Thuận (Tuy Phước), Cát Minh, Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ)…tỉnh Bình Định vẫn thấy nhiều đống muối lớn giữa đồng vì chưa tiêu thụ được.

Gia đình ông Lê Kim Đông ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát) năm nay sản xuất trên diện tích 4.000 m2 ruộng muối bằng phương pháp trải bạt (muối sạch). Tính cả vụ, gia đình ông Đông đã thu hoạch được 100 tấn muối, tăng gần 40 tấn so với vụ năm ngoái. “Đây là mức sản lượng thu hoạch cao nhất của gia đình tôi trong mấy năm nay, nhưng ngặt nỗi muối trúng mùa thì lại mất giá. Năm ngoái giá muối trải bạt có thời điểm tăng lên mức 1.600 - 1.800 đồng/kg, còn năm nay chỉ bán được có 900 - 1.100 đồng/kg, thậm chí có thời điểm không có người mua, diêm dân phải tự đưa đi tiêu thụ nhỏ lẻ”, ông Đông than thở.

Sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt trên đồng muối Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước).

Còn tại xã Cát Khánh, vụ muối năm nay, diêm dân trên địa bàn sản xuất tất cả 8 ha ruộng muối, sản lượng đạt 800 tấn nhưng cũng bị ứ đọng phần lớn. Ông Trần Văn Thý, cán bộ UBND xã Cát Khánh, cho hay: Thời điểm cuối vụ sản xuất, giá muối đất (sản xuất theo phương pháp truyền thống) tại ruộng chỉ ở mức 700 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái đến 400 đồng/kg, khiến đời sống của hầu hết diêm dân gặp khó khăn...

Diêm dân ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước) cũng lâm cảnh tương tự. Toàn thôn sản xuất 3,6 ha ruộng muối, sản lượng đạt trên 525 tấn, nhưng diêm dân lại thu nhập chẳng bao nhiêu bởi giá muối chỉ bằng hơn phân nửa của năm ngoái...

Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), vụ muối năm nay diêm dân trong tỉnh sản xuất được 173 ha muối, trong đó có 125 ha muối đất, 34,7 ha muối trải bạt, 13,5 ha sản xuất công nghiệp. Kết thúc vụ, diêm dân thu hoạch được hơn 25.000 tấn muối, tăng gần 17% so với sản lượng muối năm 2018. Tuy nhiên, do giá muối thấp, đầu ra khó khăn nên diêm dân chỉ mới tiêu thụ được hơn 18.780 tấn, còn tồn đọng trên 6.270 tấn.

Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: Muối năm nay tiêu thụ khó do hầu hết các tỉnh trong khu vực miền Trung đều trúng mùa muối, sản lượng tăng rất cao. Trong khi đó, các nhà máy chế biến muối không thu mua hết lượng muối của diêm dân sản xuất. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm chưa được các nhà máy chế biến quan tâm nên đã xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”, khiến giá muối rơi tự do...

N. HÂN

Yên Bái: Nuôi gà đen bản địa giúp nâng cao thu nhập cho người dân

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhiều người dân ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã thành công với mô hình nuôi gà đen bản địa, qua đó vừa giúp tăng thu nhập vừa phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xà Hồ, huyện Trạm Tấu còn nhiều khó khăn, từ lâu anh Mùa A Dơ đã luôn nung nấu quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương. Giữa năm 2018, sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tổ chức, anh Mùa A Dơ mạnh dạn đầu tư nuôi gần 1.000 con gà đen bản địa. Do lựa chọn loại gà đen bản địa có khả năng đề kháng cao cùng sự hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên của đội ngũ cán bộ khuyến nông nên ngay trong lứa nuôi đầu tiên, anh Dơ đã thu về trên 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi gà đen bản địa, anh Mùa A Dơ đã tiếp tục mua thêm hơn 500 gà giống để nhân đàn. Trao đổi với chúng tôi, anh Mùa A Dơ chia sẻ: Quá trình nuôi, gia đình tôi đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi úm gà, kỹ thuật tiêm vắc-xin, cách thức phòng trị bệnh cho gà... Nhờ vậy, đàn gà đen của gia đình tôi có sức đề kháng cao; gà sinh trưởng khá tốt, ít bị bệnh dịch.

Từ nhiều năm trước, bà Lò Thị Chài ở thôn Hát Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã phát triển hoạt động chăn nuôi nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên hiệu quả kinh tế thu được không cao. Đầu năm 2018, bà Chài chính thức đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi giống gà đen bản địa với quy mô từ 500 – 1.000 con/lứa. Với việc tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là chủ động phòng trừ dịch bệnh nên việc nuôi gà đen bản địa đã mang lại thu nhập ổn định, giúp gia đình bà Lò Thị Chài vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, sau khi trừ chi phí các loại, mô hình chăn nuôi giống gà đen bản địa đã mang lại cho gia đình bà Chài số tiền hơn 80 triệu đồng.

Gà đen bản địa có sức đề kháng cao

Tìm hiểu được biết, anh Mùa A Dơ và bà Lò Thị Chài chỉ là hai trong số hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã thành công với mô hình chăn nuôi giống gà đen bản địa. Giống gà đen ở Trạm Tấu có đặc điểm xương đen, nhỏ và cứng; thịt đen, thơm, chắc, ngọt. Đặc biệt, đối với đồng bào Mông ở Trạm Tấu, gà đen không chỉ là món ăn mà còn là một loại thuốc quý. Hiện nay, giá bán loại gà đen dao động từ 150 - 180 nghìn đồng/kg nên việc chăn nuôi quy mô lớn đã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao. Theo thống kê, số lượng gà đen bản địa của toàn huyện Trạm Tấu đã tăng từ khoảng 6.000 con (năm 2018) lên trên 18.000 con (năm 2019); trong đó có nhiều hộ nuôi quy mô lớn với số lượng từ 500 - 1.000 con/lứa.

Ông Hảng A Thào, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết, trong khi hoạt động chăn nuôi của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, việc phát triển chăn nuôi giống gà đen bản địa đã và đang giúp nhiều hộ nông dân có thêm thu nhập. Việc chăn nuôi giống gà đen bản địa không đòi hỏi yêu cầu quá cao, người dân có thể tận dụng hệ thống chuồng trại và nguồn thức ăn tại chỗ. Tuy nhiên, đến nay hoạt động chăn nuôi gà đen bản địa ở Trạm Tấu cơ bản vẫn mang tính tự phát; thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái nên tính ổn định chưa cao. Mong muốn chung của người dân địa phương là tiếp tục có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc bảo đảm nguồn con giống; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và xây dựng thương hiệu gà đen Trạm Tấu.

Với chu kỳ chăn nuôi ngắn, khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng cao, việc tập trung chăn nuôi gà đen trên địa bàn huyện Trạm Tấu không chỉ giúp bảo tồn giống gà bản địa mà còn là hướng đi hiệu quả, giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương./.

Tạ Quang Đạo

Tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vịt sinh sản

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Long An

Thực hiện kế hoạch của dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt bố mẹ V52, V57" phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA trên địa bàn 2 xã An Nhựt Tân và Lạc Tấn thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An; ngày 10 - 11/9/2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho nông dân ngoài mô hình với nội dung “Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vịt sinh sản đảm bảo an toàn vệ sinh thú y”.

Tham dự các lớp tập huấn có 60 nông dân chăn nuôi vịt ở huyện Tân Trụ (các xã Nhựt Ninh, An Nhựt Tân, Lạc Tấn, Bình Trinh Đông); huyện Thủ Thừa (xã Mỹ Thạnh, Tân Thành, Nhị Thành, Bình An) và thành phố Tân An (xã Nhơn Thạnh Trung, Hướng Thọ Phú, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Phường Tân Khánh và Khánh Hậu).

Học viên tham quan mô hình chăn nuôi vịt

Phụ trách giảng dạy lớp là Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Phó Văn phòng thường trực Nam bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh và Ths. Ngô Đức Vũ, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Gia cầm VIGOVA cũng là chủ nhiệm dự án. Qua các buổi lớp tập huấn nông dân được giảng viên hướng dẫn những tiến bộ khoa học kỹ thuật như: biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, các giống vịt cao sản mới (vịt biển, vịt kiêm dụng PT, vịt đẻ V52, V57),… phù hợp với từng vùng sinh thái. Trong đó, có cách sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; bên cạnh đó, giảng viên còn hướng dẫn nông dân cách quan sát, thực hành mổ khám,… để nhận định bệnh và có biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả.

Ngoài phần lý thuyết và thực hành trên lớp, học viên còn được tham quan mô hình nuôi vịt sinh sản và ấp nở tại Cơ sở ấp nở trứng vịt của Ông Nguyễn Văn Tứ ở ấp 2, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Tại đây, nông dân đã được hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với chủ mô hình những vấn đề như: giống, cách chọn trứng để ấp, thức ăn, thời gian nuôi vịt thịt đến xuất chuồng, phòng và trị bệnh, đầu ra sản phẩm,…

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân đã được bổ sung thêm kiến thức cần thiết về: cách thức chăn nuôi cải tiến, giống mới, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, nhận biết biểu hiện bệnh, mổ khám bệnh tích, chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường,… Từ đó, giúp cho bà con nông dân có định hướng phù hợp trong chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng sản phẩm tạo điều kiện cho chăn nuôi vịt phát triển bền vững hơn trong thời gian tới./.

Lệ Thủy/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop