Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Thêm một vụ mía thắng lợi
Nguồn tin: Báo Tuyên Quang
Những ngày này, vùng nguyên liệu mía huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đang tấp nập vào vụ thu hoạch. Vụ mía 2015 - 2016 năm nay hứa hẹn những tín hiệu vui cho bà con nông dân khi năng suất sản lượng mía đều cao hơn năm trước.
Nông dân thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) thu hoạch mía nguyên liệu.
Trên cánh đồng mía thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội, gia đình ông Hà Ngọc Phổ đang tập trung thu hoạch gần 1,4 ha mía. Ông Phổ cho biết: “Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phụ trách địa bàn hướng dẫn và sử dụng phân bón GrowMore bón cho mía theo từng giai đoạn phát triển của mía nên năng suất trên những diện tích mía lưu gốc của gia đình tôi vẫn đạt 70 tấn/ha còn đối với những diện tích trồng mới thì năng suất có thể đạt 80 tấn/ha. Trừ chi phí cho thu lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha”. Toàn thôn Nà Tuộc hiện có tổng diện tích trồng mía là 34 ha, trong đó diện tích trồng mới 5 ha. Cây mía hiện nay đã trở thành cây trồng chính tạo thu nhập cao cho người nông dân trong thôn.
Vinh Quang là xã có diện tích trồng mía nguyên liệu lớn nhất huyện với 538 ha, tăng 60 ha so với vụ ép 2014 - 2015. Hiện nay, toàn xã đã thu hoạch được hơn 100 ha, tổng sản lượng mía toàn xã ước đạt trên 35.000 tấn, năng suất bình quân ước đạt gần 70 tấn/ha. Trong thời gian tới, xã đôn đốc các hộ huy động nhân lực thực hiện thu hoạch mía theo đúng tiến độ kế hoạch, chuẩn bị tốt mọi điều kiện đúng quy trình kỹ thuật cho việc trồng mía vụ mới. Xã có chủ trương chuyển đổi một số diện tích ruộng 1 vụ lúa không ăn chắc và một số diện tích màu đồi thấp sang trồng mía. Ngoài việc đẩy mạnh mở rộng diện tích mía, người dân trong xã đã đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào việc chăm sóc như: Áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường…
Năm 2015, tổng diện tích mía toàn huyện đạt gần 4.000 ha, trong đó diện tích do Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đầu tư là gần 3.000 ha và diện tích mía do nông dân tự đầu tư là hơn 1.000 ha. Khi triển khai việc trồng mía tới tất cả các xã trong huyện, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp cùng cán bộ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương chuyển giao kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, tuyển chọn những giống mía chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện để hướng dẫn nhân dân trồng và nhân rộng. Huyện bố trí trồng phù hợp theo từng loại đất với phương châm “Đất nào, giống đó”, nhằm phát huy tối đa ưu điểm của từng loại giống. Nhờ đó, năng suất, sản lượng mía đã tăng lên đáng kể. Năm 2011, năng suất mía bình quân đạt 56 tấn/ha, đến nay năng suất đạt từ 60 - 70 tấn/ha.
Phấn đấu cuối tháng 3-2016 thu hoạch xong mía nguyên liệu niên vụ 2015 - 2016, ngay từ đầu vụ UBND huyện Chiêm Hóa chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương xây dựng kế hoạch thu hoạch mía theo phương châm mía chín trước thu hoạch trước, mía chín sau thu hoạch sau. Trong đó, ưu tiên các xã vùng xa, các xã đường giao thông đi lại còn khó khăn, không để xảy ra tình trạng mía đã chặt tồn đọng trên bãi lâu ngày đảm bảo cho người nông dân yên tâm thu hoạch và bán mía cho nhà máy.
Hiện nay, toàn huyện Chiêm Hóa đã thu hoạch được hơn 1.000 ha mía, sản lượng đạt hơn 62.000 tấn. Đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã ký cam kết thu mua mía với người trồng mía mức giá 900 nghìn đồng/tấn mía nguyên liệu và 1.030 nghìn đồng/tấn mía giống. Để quá trình thu hoạch mía diễn ra nhanh gọn, dứt điểm công ty thông báo lịch thu hoạch mía đến từng thôn, bản để người dân chủ động thu hoạch. Một số vướng mắc trong công tác thu mua, thanh toán được phía Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương giải quyết kịp thời, không có việc mua ép cấp, ép giá... Ngoài ra những diện tích không nằm trong vùng đầu tư của Nhà máy cũng sẽ được công ty thu mua hết, đảm bảo hài hòa được quyền lợi của người trồng mía và doanh nghiệp, bà con thêm tin tưởng và gắn bó hơn với cây mía.
Năm 2016, huyện Chiêm Hóa phấn đấu đưa tổng diện tích mía toàn huyện đạt 4.481 ha, xây dựng mô hình trồng mía tại các xã, thị trấn với diện tích mía thâm canh từ 10 ha trở lên, năng suất đạt 100 tấn/ha trở lên để cuối vụ tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, áp dụng, nhân ra diện rộng.
Hải Hương
Đồng Nai: Thanh lý một hợp đồng trồng khảo nghiệm cây siêu cao lương
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Văn Báu cùng các cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai vào chiều 15-1, đã có buổi đánh giá kết quả trồng khảo nghiệm giống cây siêu cao lương vụ 2 tại vườn của nông dân Trần Văn Điệp, ấp Đoàn Kết, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch. Cũng cùng ngày, đại diện phía Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng trồng và thu mua 0,5 hécta siêu cao lương của hộ ông Điệp.
Dựa vào hợp đồng thanh lý, công ty sẽ tính sản lượng vụ 3 bằng vụ 2. Sản phẩm cây siêu cao lương vụ 2 sẽ giao cho nông dân tự thu hoạch và sử dụng.
Được biết, phía Công ty TNHH siêu cao lương SOL Việt Nam đã ký hợp đồng trồng khảo nghiệm cây siêu cao lương với 4 hộ thuộc 3 huyện: Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nông dân thì hiệu quả kinh tế vụ 1 của cây siêu cao lương không cao hơn so với các cây trồng khác, như: lúa, bắp, mì… Đại diệnTrung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết mặc dù đây là loại cây trồng có độ tái sinh rất cao (1 năm cho thu hoạch 3 vụ), nhưng nay chỉ mới đến đầu vụ thứ 2 mà sản lượng đã giảm rõ rệt.
Kim Vũ
Trồng hành lá mở ra cơ hội phát triển mới ở Gia Bình (Bắc Ninh)
Nguồn tin: Báo Bắc Ninh
Dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hoạch không mất nhiều thời gian và có hệ thống bao tiêu sản phẩm với công ty lớn, mô hình trồng hành lá đang được Hội Nông dân huyện Gia Bình (Bắc Ninh) triển khai bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Nông dân xã Cao Đức (Gia Bình - Bắc Ninh) thu hoạch hành lá.
Tất bật thu hoạch lứa hành đầu tiên trên diện tích 2ha của gia đình, ông Nguyễn Văn Lực ở thôn Kênh Phố, xã Cao Đức phấn khởi: “Trước đây, chúng tôi sống chủ yếu nhờ trồng lúa, chỉ trồng hành với số lượng nhỏ để ăn. Khi trồng thử nghiệm hành với diện tích lớn, tôi cũng như bà con đều sợ thời tiết bất lợi, không thể chăm sóc được. Nhưng thực tế là chăm sóc hành không quá khó, thời gian trồng ngắn hơn lúa lại không mất nhiều công chăm sóc và thu hoạch, có công ty thu mua với giá thành ổn định, qua vụ đầu cho thu nhập cao nên chúng tôi rất yên tâm”.
Mô hình trồng và bao tiêu sản phẩm hành lá xuất khẩu được Hội Nông dân huyện Gia Bình phối hợp với Công ty VietRAP (trụ sở tại Hà Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành từ đầu vụ đông năm 2015 được trồng thí điểm tại hai xã Lãng Ngâm và Cao Đức, với diện tích 5ha. Công ty cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra và xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore làm nguyên liệu hành sấy khô cho nhà máy chế biến mì tôm.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch và đạt tiêu chuẩn, Công ty VietRAP cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn cho bà con từ công đoạn làm đất, xuống giống đến theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, sử dụng phân bón chăm sóc... Giống hành ban đầu được lấy từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Theo các cán bộ kỹ thuật thì cây hành rất dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau như đất thịt, đất sét, đất pha cát… và có thể trồng quanh năm, tuy nhiên, nếu trồng vào vụ xuân hiệu quả sẽ còn cao hơn. Hành được trồng sau 40 - 50 ngày sẽ cho thu hoạch với năng suất bình quân 8 đến 10 tạ/sào, giá bán 5.000 đồng/kg, thu lãi từ 1,5 đến 2 triệu/sào.
Do đặc thù hành là giống mầm và chỉ thu hoạch lá bán nên người dân chỉ cần xuống giống vụ đầu, sau khi cắt lá, để lại củ, tiếp tục chăm sóc, có thể cho thu thêm từ 2 đến 3 lần sau mà không mất chi phí giống. Tính bình quân nếu một năm thu hoạch từ 6 đến 8 lứa hành, trừ chi phí người dân có thể thu về gần 20 triệu/1 sào hành.
Theo bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình: Với những tín hiệu bước đầu thuận lợi, ngành Nông nghiệp huyện và Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với Công ty VietRAP nhân rộng mô hình trồng hành lá xuất khẩu đến các địa phương khác của huyện nhằm tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, các hộ sản xuất với diện tích nhỏ lẻ, manh mún.
Để đạt được hiệu quả tối ưu từ khâu làm đất, chăm sóc đến việc thu mua thì cần những vùng chuyên canh hoặc những HTX có diện tích sản xuất lớn”. Được biết, trong năm 2016, Công ty VietRAP sẽ cung ứng giống hành bằng hạt nhằm giảm chi phí và tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Dự kiến mở rộng thêm 10ha tại các xã lân cận.
Tuy chỉ mới được thực hiện trong thời gian ngắn, song việc trồng hành lá xuất khẩu đã mang lại những lợi ích thiết thực, mở ra cơ hội phát triển mới cho nông dân sử dụng đất tại địa phương. Đây là mô hình hứa hẹn sẽ mang lại bước phát triển Gia Bình, góp phần xoá đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu, từng bước hoàn thiện các tiêu chí về nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hướng tới xây dựng Nông thôn mới.
Nguyễn Hoa - Việt Anh
Gian nan chống hạn và nhiễm mặn nội đồng Sóc Trăng
Nguồn tin: Nhân Dân
Ruộng lúa của nông dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chết khô vì mặn xâm nhập.
Mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, lũ không về làm thiếu nước ngọt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn ha lúa ở Sóc Trăng, trong đó có nhiều diện tích bị mất trắng. Sóc Trăng đang ráo riết tìm cách cứu lúa, hạn chế thiệt hại cho trà lúa đông xuân từ 50 đến 75 ngày tuổi.
Chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề nhất là các vùng ven sông, ven biển. Diện tích lúa bị ảnh hưởng của huyện ven biển Trần Đề (Sóc Trăng) tăng lên đến 1.200 ha, riêng phần diện tích chưa bị mất trắng, khả năng giảm năng suất là rất nghiêm trọng. Độ mặn trên các hệ thống sông chính như cửa Trần Đề, cửa Đại Ngãi và một số cống đã vượt ngưỡng cho phép. Theo dự báo, nếu tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài, tình trạng “khát” nước ngọt vẫn tiếp diễn như hiện nay thì vụ lúa đông xuân ở Sóc Trăng sẽ bị thiệt hại trầm trọng hơn.
Cả gia đình ông Lâm Bên ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề đều trông cậy hết vào tám công ruộng. Ông Bên đổ biết bao mồ hôi, tiền của từ đầu vụ đến nay nhưng cũng không thể cứu vãn nổi ruộng lúa của mình.
Đứng nhìn mảnh ruộng chết khô, ông Bên xót xa nói: “Lúa cấy dặm rồi cũng chết từ từ do độ mặn quá cao. Tám công tầm lớn của gia đình tôi chắc là mất trắng. Tôi đã bón vôi, xả nước bỏ nhưng không cứu nổi. Chắc phải bỏ luôn rồi, có làm được gì đâu!”
Cũng giống như ông Bên, bà con nông dân nơi đây đứng ngồi không yên, ngày đêm lo lắng về vụ mùa thất thu do lúa bị nhiễm mặn. Cả tháng qua, các con kênh nội đồng luôn thiếu nước ngọt để bơm tưới, trong khi đó mặn xâm nhập ngày càng nhiều, độ mặn liên tục tăng cao.
“Cả chục năm qua, làm ruộng, nước không bị mặn. Năm 2015, lúa vụ hai làm hơi trễ, nước mưa thiếu, vụ này lỗ là chắc” – ông Trần Ký ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề than thở.
Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, Nguyễn Văn Mẫm cho biết, hiện nay, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Độ mặn tại các kênh thủy lợi đo được từ 2‰ đến 3‰. Mặn tăng cao gây ra ngộ độc hữu cơ, xì phèn, thiệt hại nhiều diện tích lúa. Theo thống kê, hiện xã có khoảng 300 ha lúa đông xuân bị chết khô, mất trắng; hàng trăm ha đang bị đe dọa vì mặt ruộng bị khô, không có nước bơm tưới. Xã Lịch Hội Thượng đang khuyến cáo bà con tích cực thực hiện mọi biện pháp để cứu diện tích lúa còn lại. Với tình hình hiện tại chỉ có thể cứu được khoảng 500 ha trà lúa gần trổ, còn lúa 50 ngày tuổi trở lên thì khó có khả năng cứu vãn. Các xã Liêu Tú, Trung Bình, Đại Ân 2, huyện Trần Đề và các xã lân cận cũng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trầm trọng như xã Lịch Hội Thượng.
Do mùa vụ bắt đầu sớm hơn nên vụ lúa đông xuân của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng không bị thiệt hại nặng nề như huyện Trần Đề. Tuy nhiên, theo bà con nông dân, việc mặn xâm nhập sớm, nước ngọt thiếu trong tưới tiêu đã làm giảm năng suất lúa đáng kể. Các con sông, kênh, rạch cạn khô, gây khó khăn cho bà con nông dân trong vận chuyển lúa hàng hóa.
Bà Sơn Thị Hal ở ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết: “Tôi đã thu hoạch xong 14 công, mỗi công chỉ được 11 bao. Do không có mưa, nước cạn, khó bơm quá. Làm lúa vụ này không có lời, do chi phí nhiều, phải chuyển lúa qua sông mấy lần, vì sông đã cạn hết.”
Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân mà còn đang đe dọa hàng nghìn ha lúa xuân hè 2016 vừa được nông dân Sóc Trăng xuống giống. Hiện nay, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các cống, trong hệ thống kênh, rạch để kịp thời hướng dẫn bà con xử lý mặn cứu lúa, chủ động lấy nước bơm tưới ruộng đồng. Trong thời gian tới, Sóc Trăng cần cơ cấu lại mùa vụ né hạn, mặn; ở những vùng thường nhiễm mặn, đưa các giống lúa chịu phèn, mặn, loại giống ngắn ngày… vào sản xuất để giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
MINH TRƯỜNG
Lột lá mía giúp nâng cao năng suất và chất lượng
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Việc lột lá mía có thể đem lại một số lợi ích làm cho đồng ruộng luôn sạch sẽ, thông thoáng, tạo vi khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây mía.
Theo TS. Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, việc lột lá mía có thể đem lại một số lợi ích sau:
- Làm cho đồng ruộng luôn sạch sẽ, thông thoáng, tạo vi khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây mía.
- Hạn chế các lá mía già không còn khả năng quang hợp nhưng lại tiêu thụ sản phẩm quang hợp của các lá xanh. Tập trung dinh dưỡng nuôi cây và nâng cao hiệu quả tích lũy đường của cây mía.
- Tạo ra nguồn chất hữu cơ đáng kể khi lá mía được lột khỏi cây bị phân huỷ, cung cấp dinh dưỡng trở lại cho cây mía và làm cho đất được tơi xốp hơn. Với trung bình từ 7 - 10 tấn/ha lượng lá mía để lại sau khi lột, nếu được tủ lại ruộng, rải đều trên mặt ruộng, sau một thời gian sẽ phân hủy tạo thành một lượng phân hữu cơ khá lớn cho đất, giúp đất thêm tơi xốp và màu mỡ, làm tăng mật độ giun đất lên 2,5 lần so không tủ lá và giảm được khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ tiền mua phân bón hữu cơ (theo tính toán của một số nông dân tỉnh Đồng Nai).
- Loại bỏ nơi cư trú thuận lợi, làm lộ thiên một số loài sâu hại như rệp sáp, bọ phấn trắng, sâu đục thân... cho côn trùng thiên địch tấn công tiêu diệt, từ đó làm giảm bớt mức độ gây hại của chúng, giúp tăng năng suất và chất lượng mía nguyên liệu.
Kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Tamil Nadu (Ấn Độ) cho thấy ruộng mía được lột lá 2 lần có tỷ lệ cây bị sâu đục lóng hại là 8,3%, tỷ lệ cây bị rệp sáp hại là 8,5% thấp hơn so với ruộng đối chứng không lột lá tương ứng là 9,4% và 10,6%, dẫn tới năng suất mía ở ruộng được được lột lá đạt 115,2 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng không lột lá chỉ đạt 106,0 tấn/ha.
Đặc biệt đối với loài bọ phấn trắng hại mía (đang gây hại khá nặng ở tỉnh Phú Yên), biện pháp lột lá mía tỏ ra rất có hiệu quả. Cũng theo kết quả thí nghiệm của ĐH Nông nghiệp Tamil Nadu cho thấy ruộng mía được lột lá 2 lần có mật độ ấu trùng và nhộng giả của bọ phấn trắng giảm tương ứng là 86,9% và 79,6%, cao hơn rất nhiều so với ruộng không lột lá chỉ tương ứng là 7,5% và 5,9%, từ đó dẫn tới năng suất mía ở ruộng được lột lá đạt 66,4 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với ruộng không được lột lá chỉ đạt 17,7 tấn/ha.
TS. Cao Anh Đương cho rằng: Lột lá mía thường xuyên giúp cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, tạo điều kiện cho việc vô chân, bón phân, chăm sóc, vun luống thuận lợi hơn, bộ rễ ăn sâu hơn, đồng thời ngọn lá mía nhẹ hơn nên khả năng chống đổ ngã tốt hơn. Nhất là ở các vùng đất thấp, nơi đất khá ẩm, thành phần cơ giới nhẹ như vùng đất thấp Tây Ninh và đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù chưa có số liệu thí nghiệm cụ thể về vấn đề này nhưng chỉ riêng việc hạn chế đáng kể tỷ lệ mía bị đổ ngã chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng suất và đặc biệt là chất lượng mía nguyên liệu.
Ngoài ra, lột lá mía còn giúp hạn chế chồi nảy mầm, ra rễ do sự tích lũy của nước bên trong bẹ trong một số giống. Giúp loại bỏ các mầm, chồi vô hiệu không mong muốn vì nó sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, làm giảm tốc độ tăng trưởng của các cây hữu hiệu và ảnh hưởng đến sự tích lũy đường. Đồng thời giúp việc kiểm tra đồng ruộng được thuận lợi, đặc biệt trong những trường hợp như kiểm tra sâu bệnh, tưới nước và bón phân.
Việc lột sạch lá mía trước thu hoạch cũng tạo điều kiện cho việc chặt mía sát gốc hơn, giảm bớt thiệt hại về năng suất và chất lượng, đồng thời tiết kiệm được chi phí tề gốc, còn cây mía thì không bị tác động vào gốc, sinh trưởng sẽ tốt hơn. Riêng về thiệt hại do chặt gốc cao, theo tính toán, trung bình nếu chặt mía gốc để cao 3 - 5cm sẽ mất khoảng 4,5 - 5 tấn mía/ha.
Việc lột lá mía, nhất là lột sạch lá trước thu hoạch sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch mía, giảm chi phí thu hoạch mía, làm cho mía nguyên liệu sạch hơn, giảm lượng tạp chất đưa về nhà máy, tiết kiệm được một phần chi phí vận chuyển và chi phí chế biến vô ích, nâng cao tổng thu hồi và hiệu quả chế biến. Theo tính toán, cứ 1% tạp chất sẽ giảm đi 0,1 - 0,2% tổng thu hồi trong chế biến có nghĩa là cứ tăng 1% tạp chất sẽ mất đi từ 2 - 4kg đường/tấn mía ép.
Các lá mía tạo thành lớp che phủ, hạn chế cỏ dại, giảm lượng nước bốc hơi (duy trì độ ẩm đất) trong điều kiện bị khô hạn, đồng thời giúp chống xói mòn, rửa trôi đất và dinh dưỡng ở những vùng đất dốc. Chỉ riêng chi phí làm cỏ, theo tính toán của một số nông dân trồng mía ở tỉnh Đồng Nai, mỗi vụ tiến hành bóc lá mía 2 lần sẽ tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/ha/vụ tiền công làm cỏ.
Như vậy, nếu cộng với số tiền tiết kiệm mua phân bón hữu cơ theo tính toán ở phần trên (khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ), chúng ta hoàn toàn có thể bù đắp được toàn bộ chi phí lột lá mía.
Ngoài ra, lá mía có thể được thu gom, tận dụng làm chất đốt, lợp mái nhà hoặc phối trộn đển sản xuất các loại phân hỗn hợp bón trở lại cho ruộng mía và các cây trồng khác.
TS. Cao Anh Đương chia sẻ thêm, việc lột lá mía chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho người trồng mía, đặc biệt là cho nhà máy đường (như đã phân tích). Về hiệu quả của lột lá mía đến việc nâng cao chất lượng mía nguyên liệu, chủ yếu được thể hiện (theo thứ tự mức độ quan trọng) thông qua việc hạn chế tỷ lệ mía bị đổ ngã, tiếp đến là hạn chế mức độ gây hại của các loài dịch hại và cuối cùng là hạn chế tỷ lệ tạp chất trong mía nguyên liệu đưa về nhà máy đường chế biến.
Hiện nay, biện pháp lột lá vẫn chủ yếu thực hiện bằng lao động thủ công, do vậy nhu cầu về lao động là rất rất lớn, trong khi nguồn cung và giá công lao động ngày càng khan hiếm và tăng cao do sự di chuyển của một lượng đáng kể lao động từ khu vực nông thôn sang các khu công nghiệp, dịch vụ và độ thị.
Chính vì vậy, tùy theo điều kiện của người trồng mía và vùng sản xuất, chúng ta cần xem xét toàn diện, đánh giá kỹ tính khả thi trước quyết định khuyến cáo áp dụng trên diện rộng.
Các Cty mía đường cũng nên có chính sách hỗ trợ một phần chi phí lột lá cho nông dân để khuyến khích họ thực hiện rộng rãi, chỉ khi được áp dụng rộng rãi thì việc lột lá mía mới đem lại lợi ích rõ rệt cho cả người trồng mía và nhà máy đường.
ĐỨC TRUNG (GHI)
Trồng sầu riêng cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm
Nguồn tin: VOV
Do đầu ra ổn định nên cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng ĐBSCL giúp người dân có cuộc sống khả giả.
Hiện nay, các nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang trồng hơn 7.000 ha cây sầu riêng thương phẩm, tập trung nhiều ở các địa phương ven sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy, Cái Bè. Ở thời điểm này, sầu riêng được đánh giá là loại trái cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại trái cây chủ lực ở địa phương, với mức giá từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/kg.
Với mức giá ổn định như thời gian gần đây, chỉ một công đất trồng cây sầu riêng, nhà vườn có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân vùng chuyên canh cây sầu riêng đã có nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trái sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao là do thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Campuchia tiêu thụ mạnh. Trong khi đó, các mô hình trồng cây sầu riêng hạt thép cho năng suất và chất lượng cao.
Sầu riêng được đánh giá là loại trái cây cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có gần 100% vườn cây đều được trồng giống sầu riêng hạt lép. Đa số nhà vườn gắn bó với loại cây đặc sản này đều có cuộc sống khá giả, chỉ còn 3% hộ nghèo do không có đất sản xuất.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, giá sầu riêng hiện nay dao động trên dưới 60.000 đồng/kg, người dân có thu nhập rất cao. Trong đó có nhiều hộ có thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, cũng có hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng. Từ vườn cây ăn trái nên đời sống người dân phát triển rất rõ rệt./.
Nhật Trường/VOV – ĐBSCL
Thu nhập cao từ trồng dưa hấu trên cát
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Từ bao đời nay, cải tạo vùng cát luôn là một thách thức lớn nhưng với người dân thôn Long Quang (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) thì vùng cát đang mang lại cho họ hiệu quả kinh tế khá lớn từ cây dưa hấu.
Thu hoạch dưa hấu trên vùng cát
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng dưa hấu, ông Trần Sạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trạch cho biết: Thôn Long Quang có150 ha đất nông nghiệp thì vùng cát đã chiếm gần 50 ha. Những năm trước vùng này luôn gây khó khăn cho người dân do nạn cát bay, cát lấp, đặc biệt là vào mùa hè hầu như không một loại cây nào có thể mọc được. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã đã vận động người dân khai hoang một số diện tích sang trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, khoai lang, dưa gang, dưa hấu… Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay cây dưa hấu đã tỏ ra thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, trở thành cây trồng chủ lực, từng bước giúp nông dân xóa nghèo, làm giàu. Mỗi mùa dưa, người dân Long Quang thu về từ 7 - 10 triệu đồng/sào. Dưa hấu Long Quang cho trái to, ruột đỏ, nước nhiều, ngọt, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cứ đến mùa thu hoạch là thương lái đến thu mua tận vườn.
Theo ông Nguyễn Đẩu, một người dân thôn Long Quang cho biết, năm nay mặc dù gặp hạn hán rất gay gắt nhưng cây dưa hấu vẫn tỏ ra là cây trồng thích hợp với vùng cát, năng suất có thấp hơn so với mọi năm nhưng với 2 sào trồng dưa hấu, ông đã thu được hơn 3 tấn dưa hấu. Với giá bán khoảng 5.000đ/kg thì sau khi trừ chi phí đã mang lại thu nhập cho gia đình gần 13 triệu đồng. Ông Đẩu cho biết: “Trước đây, vùng cát này chỉ trồng keo lai, keo lá tràm để chống cát bay cát lấp, sau đó chuyển sang trồng sắn, khoai lang nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu để phục vụ chăn nuôi. Nhờ chuyển sang trồng dưa hấu mà thu nhập đã tăng gấp 5 - 7 lần. Hiện nay mỗi năm, gia đình thu được vài chục triệu đồng nhờ trồng dưa. Đất cát trước cho không ai lấy, giờ thì không còn chỗ nào trống, tất cả đều được phủ màu xanh của dưa hấu”. Không riêng gia đình ông Đẩu mà nhiều hộ dân ở thôn Long Quang khá lên trông thấy nhờ trồng dưa hấu.
Được biết, hiện nay toàn thôn Long Quang có hơn 160 hộ tham gia trồng dưa hấu trên vùng cát. Theo tính toán của người trồng dưa, 1 ha có thể thu 30 - 35 tấn quả, bình quân mỗi vụ thu về khoảng 150 – 170 triệu đồng. Đạt được thành công như ngày hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của Hội Nông dân xã. Trước đây, mỗi khi vào vụ việc mua hạt giống dưa hấu gặp rất nhiều khó khăn do ở địa phương không có nguồn cung cấp mà phải đặt hàng tận thành phố Hồ Chí Minh, giá cao mà có khi còn không có đủ hạt giống để sản xuất. Việc không chủ động được nguồn giống khiến nhiều vụ dưa bị lỡ vụ, nhiều diện tích không thể canh tác. Để giảm bớt vất vả cho nông dân, Hội Nông dân xã đã trực tiếp liên hệ với Công ty Trang Nông (chi nhánh tại Quảng Ngãi) cung cấp đủ hạt giống cho bà con, đồng thời mời cán bộ kỹ thuật của công ty về tận nơi hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh.
Ông Trần Sạn cho biết: “Để đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại địa phương trong vụ đông xuân người dân chỉ tập trung sản xuất một giống dưa là Trang Nông 12 với diện tích gần 10 ha, còn trong vụ hè thu do khó khăn về nước tưới nên giống dưa hấu được chọn đưa vào sản xuất là giống Hắc mỹ nhân với diện tích hơn 7 ha. Bình quân mỗi vụ từ trồng dưa hấu trên cát mà người dân thôn Long Quang thu về khoảng 1,5 – 1,7 tỷ đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa hấu, phấn đấu mỗi năm tăng thêm 3 - 5 ha để khai thác tiềm năng vùng cát. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ giống, vốn, phối hợp với các ngành chức năng như khuyến nông, bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa hấu cho nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình trồng dưa hấu trên cát ở thôn Long Quang hiện vẫn đang còn gặp khó khăn do hệ thống đường giao thông chưa hoàn thiện, điện chưa được kéo ra cánh đồng để phục vụ việc tưới nước. Vì vậy chúng tôi rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng trồng dưa hấu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân”.
THỤC QUYÊN
Bắc Giang: Thận trọng khi nhân rộng diện tích cây ăn quả
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Hiện nay, nhiều nhà vườn đầu tư kinh phí mở rộng diện tích một số loại cây ăn quả mới. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến những hệ lụy, thiệt hại cho sản xuất.
Nhiều nhà vườn tại xã Tiên Nha (Lục Nam - Bắc Giang) mở rộng diện tích cây có múi.
Cam, táo... xuống ruộng
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện giá trị thu nhập của cam đạt trung bình 500 - 700 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt 1 tỷ đồng/ha/năm dẫn đến nhiều nông dân mở rộng diện tích.
Có kinh nghiệm nhiều năm trồng cam thu lợi nhuận cao, anh La Văn Sâm, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) muốn nhân rộng để tăng thu nhập. Tuy nhiên, vườn đồi của gia đình đã kín cây, mua đất ở Lục Ngạn lại khá đắt nên việc tăng quy mô không dễ. Tình cờ, trong một lần về thôn Đại Từ, xã Bảo Sơn (Lục Nam) thấy đồng ruộng để cỏ dại mọc, anh nảy ra ý định đưa cam về trồng ở vùng này. Cuối năm 2015, anh thuê gần 3ha đất của người dân nơi đây trong 20 năm để trồng cam Vinh, cam Canh.
Để cây nhanh cho quả, chủ vườn trồng hơn 1,5 nghìn cây giống ba năm tuổi, còn lại là hơn 4 nghìn cây một năm tuổi. Đến nay, cây đều sinh trưởng, phát triển tốt. “Đất thuê có thời hạn nên phải tranh thủ thời gian để sản xuất. Tôi đã đầu tư vào khu vườn này gần 2 tỷ đồng bao gồm chi phí cải tạo, thuê nhân công và cây giống. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến các cây ba năm tuổi sẽ cho thu quả vào cuối năm nay”, anh Sâm nhận định.
Tương tự, dồn đổi diện tích của gia đình và thuê của bà con cùng làng được hơn 1 mẫu ruộng, anh Hà Văn Gia, thôn Hai Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) trồng cam từ năm 2012. Năm 2015, anh thu hơn 5 tấn quả, trừ chi phí thu về hơn 100 triệu đồng. Xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đã chuyển đổi toàn bộ hơn 100 ha đất cấy lúa sang trồng cây có múi, nhiều hộ cũng có thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm.
Cảnh báo
Cây có múi và một số loại táo giống mới đang “lên ngôi” mang lại nguồn lợi lớn cho người trồng. Tuy nhiên, giá một số sản phẩm giảm so với năm ngoái. Vụ đông này, sản lượng cây có múi toàn tỉnh khoảng 17 nghìn tấn, tăng gần 5 nghìn tấn so với năm trước khiến giá cam giảm hơn.
Cam Canh tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn).
Tại Lục Ngạn, cam Canh dao động 25 - 40 nghìn đồng/kg, giảm 10 - 20 nghìn đồng so với năm 2014. Tại Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, cam Canh chỉ ở mức 35 - 37 nghìn đồng/kg. Không chỉ cây có múi, giá táo cũng giảm nhiều. Ba năm trước, táo ngọt quả to bán tại vườn 25 nghìn đồng/kg nay bán lẻ chỉ còn 20 - 25 nghìn đồng/kg. Do đó, không khó nhận thấy dọc quốc lộ 31 hoặc cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn xuất hiện nhiều điểm bán táo lẻ.
Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang) cho biết: “Khách đến vườn trả giá rẻ nên tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi bán lẻ cạnh quốc lộ 31 kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy”.
Theo quy luật cung - cầu, sản phẩm ít thì giá cao, nhiều sẽ giảm. Bài học cách đây không lâu đó là hồng Nhân Hậu được thâm canh như là cây trồng thế mạnh tại Lục Ngạn thì nay chỉ còn lác đác. Chanh đào, năm 2014 giá từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, giúp nhiều hộ tại xã Tiên Lục (Lạng Giang) có của ăn của để. Nhưng năm 2015, nhiều hộ trồng chanh được thu hoạch chỉ bán ở mức 5 - 7 nghìn đồng/kg, thậm chí nhiều hộ tại xã Trù Hựu (Lục Ngạn) không hái do chanh giá rẻ không đủ tiền công. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn hàng chục ha chanh đào trồng mới chưa cho thu hoạch.
Một điểm đáng lưu ý là sản phẩm cây có múi chưa được chế biến, chủ yếu bán tươi. Hơn nữa, vi rút gây bệnh Grening ở cam, bưởi, chanh vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, chỉ có thể nhổ bỏ khi cây bị bệnh.
Ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn lo ngại: “Tại địa bàn có không ít hộ làm theo phong trào, trồng cam không có kỹ thuật, bỏ bẵng chăm sóc nên cây còi cọc, bị sâu bệnh. Nguồn bệnh từ các vườn này dễ lây lan sang vườn khác, nguy cơ dịch hại trên diện rộng cao”.
Cây ăn quả sau trồng khoảng 2 - 3 năm mới được thu hoạch. Nếu sản phẩm không bán được sẽ rất tốn công sức và lãng phí tiền đầu tư. Trước thực tế trên, việc mở rộng cây ăn quả giống mới cần tính toán kỹ và thận trọng. Nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chuyên môn phải làm tốt công tác quy hoạch, khuyến cáo người dân kịp thời, không mở rộng ồ ạt diện tích.
Cùng với đó cần kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh giống, bảo đảm người dân có giống chất lượng để thâm canh đồng thời quản lý chặt chẽ dịch hại.
Thái Lan và Niu-di-lân là hai nước có vùng cây ăn quả có múi rất lớn. Tới đây, nước ta gia nhập TPP thì sản phẩm của các nước này sẽ tràn vào thị trường, cạnh tranh với sản phẩm cây ăn quả cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng. Vì vậy, nhà vườn cần tính toán kỹ để sản phẩm có đầu ra thuận lợi”. (Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT).
Trịnh Lan
Khắc phục tình trạng táo rụng quả
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Hiện đang là thời điểm chăm sóc và thu hoạch táo ta đầu vụ. Tại nhiều vùng trồng táo đã có hiện tượng táo rụng quả hàng loạt khi sắp chín, quả táo rụng có hiện tượng mềm nhũn.
Táo rụng khi chín do nhiều nguyên nhân
Người trồng táo đang loay hoay vì khó chẩn đoán được nguyên nhân cũng như cách chữa trị. Xin phân tích nguyên nhân từng trường hợp để người trồng tham khảo và chữa trị tốt:
Hiện tượng quả táo bị mềm và rụng trước khi chín do nhiều nguyên nhân: Táo bị bệnh nấm hoặc do côn trùng tấn công vào quả trước khi chín sau đó nấm bệnh xâm nhập.
Nếu quả do nấm tấn công (táo bị bệnh): Trên quả táo bệnh sẽ có lớp mốc xám hoặc xám bao phủ và làm táo thối trước khi chín. Nguyên nhân do nấm Botrytis hoặc nấm Phytophthora xâm nhập. Người trồng cần kiểm tra và phát hiện sớm vết bệnh khi quả mới bị nham nhám vết thâm. Sử dụng một trong các loại thuốc: Mancozeb, Rhidomil hoặc Aliette để phun trừ và tuân thủ thời gian cách ly cho mỗi loại thuốc. Tốt nhất khi gặp thời tiết ẩm ướt(mưa hoặc sương ban đêm) nên phun thuốc Aliette phòng bệnh cho vườn táo sẽ có hiệu quả cao hơn.
Nếu táo bị mềm là do côn trùng gây hại thì chủ yếu là sâu hoặc ruồi đục quả.
Loài sâu gây hại có trưởng thành là loài bướm nhỏ hoạt động vào ban đêm thường đẻ trứng rời rạc ở gần cuống quả táo non. Sâu non nở ra có thân màu hồng, đầu nhỏ màu nâu, đục vào trong quả để ăn và làm thối quả khi gần chín. Tốt nhất phun thuốc diệt khi mật độ sâu cao lúc quả táo còn non sau đó phun lại lần nữa nếu thấy vẫn còn sâu.
Nếu táo bị ruồi tấn công thì khi táo rụng bửa ra sẽ có nhiều dòi bên trong. Nguyên nhân là do ruồi trưởng thành dùng máng đẻ trứng xiên vào trong da quả táo khi táo gần chín để đẻ. Trứng nở thành dòi làm hư hỏng quả. Các vết chích còn là nơi để nấm bệnh xâm nhập vào quả tiếp theo cũng làm quả táo bị thối hỏng rất nhanh.
Trong trường hợp này người trồng táo nên áp dụng biện pháp treo bả dẫn dụ để diệt trưởng thành trong vườn táo khi quả gần chín. Có thể dùng bả protein (Flykil 95 EC) hoặc thuốc dẫn dụ ruồi đực Ruvacon sẽ cho hiệu quả cao hơn phun thuốc, táo quả lại an toàn. Nếu không có bả sinh học người trồng táo có thể đào hố dưới đất dùng ổi chín hoặc dứa chín hay táo chín vứt xuống hố thu hút ruồi tập trung rồi phun thuốc diệt trừ. Không nên để vườn táo chín quá rồi mới thu hoạch.
* Chú ý: Thời điểm táo bắt đầu báo chín người trồng cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để táo quả vừa cứng chắc lại ngon ngọt và báo mã đẹp hơn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp quả táo ít bị sâu bệnh gây hại, hư hỏng trước và sau khi chín. Có thể bón phân kali + siêu vi lượng bằng cách cuốc đất sâu 20cm quanh tán rồi rắc phân bón, lấp đất và tưới ẩm.
KS TRẦN THỊ LIÊN
Độc đáo trái cây tạo hình đón Tết
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Đã thành thông lệ, cứ gần đến Tết Nguyên đán là nhà vườn ở ĐBSCL lại cho ra thị trường nhiều loại trái cây tạo hình mới lạ như: Bưởi hồ lô, bưởi lệ cát tường (hình bàn tay), dưa hấu vuông, dưa hấu thỏi vàng…
Bộ bưởi hồ lô Phúc-Lộc-Thọ. Ảnh: VGP/Trung Chánh
Nói đến trái cây tạo hình mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người ở ĐBSCL nghĩ ngay đến ông Ba Thành (Võ Trung Thành, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, Châu Thành, Hậu Giang). Ông là người đầu tiên ở vùng đất này sáng tạo ra trái bưởi hồ lô, làm tăng giá trị sản phẩm lên gấp cả chục lần so với trái bưởi truyền thống.
Hiện ông Ba Thành đang là Chủ nhiệm CLB Bưởi tạo hình của ấp Phú Trí A. Ngoài trái bưởi hồ lô đã có mặt trên thị trường mấy năm qua thì xuân Bính Thân 2016 năm nay, CLB Bưởi tạo hình sẽ sản xuất 300 cặp bưởi có hình bản đồ Việt Nam. Trên vỏ xanh của trái bưởi là phần đất liền hình chữ “S” nổi có ngôi sao năm cánh, tượng trưng cho quốc kỳ của Việt Nam. Bên cạnh là các chấm sáng màu thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Ba Thành vui vẻ cho biết: “Sản phẩm độc đáo này được tạo ra từ giống bưởi năm roi, không hạt, mới trồng thử nghiệm nên số lượng chưa nhiều, tỉ lệ thành công cũng chỉ khoảng 70%. Dự kiến, loại bưởi này bán trong dịp Tết sẽ có giá khoảng 2,5 - 2,6 triệu đồng/cặp (mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5kg)”.
Dù chưa thu hoạch nhưng hiện đã có một số đầu mối ở TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Bắc gọi điện hoặc đến tận nơi đặt hàng trước. “Năm nào cũng vậy, tôi cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra một, 2 sản phẩm mới, lạ để phục vụ cho thị trường, nhất trong dịp Tết. Ý tưởng năm nay là tấm bản đồ Việt Nam trên nền trái bưởi nhằm nói lên lòng yếu mến đất nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và kêu gọi mọi người đóng góp xây dựng Tổ quốc ngày một giàu đẹp và phát triển”, ông Ba Thành tâm sự.
Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, sâu đục trái phá hại nhiều nên CLB chỉ cho ra thị trường khoảng 7.000 trái bưởi tạo hình các loại (năm ngoái là 9.000 trái). Chính vì vậy, dự kiến giá bán sẽ tăng khoảng 5% so với năm trước, dao động từ 300.000 - 800.000 đồng/trái.
Dưa hấu thỏi vàng Tài - Lộc. Ảnh: VGP/Trung Chánh
Ngoài trái bưởi, nhiều nông dân còn tạo hình dưa hấu. Chỉ còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên ông Trần Thanh Liêm, ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ hết sức chăm chút vườn dưa của mình để tung ra thị trường khoảng 700 cặp dưa hấu hình thỏi vàng, xe hơi, hình trái tim có bản đồ Việt Nam và khoảng 100 cặp dưa hấu vuông phục vụ nhu cầu trưng Tết của người dân.
Ông Liêm cho biết, dù có thay đổi mẫu chữ trên mỗi trái dưa cho đẹp hơn nhưng giá cả sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái.
Cụ thể, đối với dưa hấu hình thỏi vàng, xe hơi sẽ được phân loại theo trọng lượng, loại nhỏ 1,2kg; loại trung từ 1,3 - 1,4kg và loại đại từ 1,5kg trở lên, giá bán từ 3 - 4 triệu đồng/cặp; đối với dưa vuông thì giá là 1,3 triệu đồng/cặp.
Bên cạnh việc tạo hình, một số nhà vườn còn tạo ra loại cây mini (dạng bonsai) để đưa vào chậu trưng Tết như ổi, quýt… Đây là năm thứ 3 nông dân Đồng Tháp đưa ra thị trường chậu kiểng quýt hồng (loại cây có múi đặc sản của tỉnh).
Người có ý tưởng đầu tiên đưa quýt hồng vào chậu chính là lão nông Lưu Văn Ràng, ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. Ông Ràng cho biết: Năm nay, ông thực hiện 2 đợt tuyển chọn các cây quýt hồng đủ điều kiện để xử lý ra hoa cho vào chậu, được khoảng 700 cây. Tuy nhiên, sau nhiều lần tuyển chọn chỉ có khoảng 450 cây là ưng ý, được đưa ra bán. Đối với những cây có thế đẹp, sai quả, giá khoảng 6 triệu đồng/chậu, còn lại dao động từ 1,5 - 5 triệu đồng/chậu.
Minh Khánh
Hải Phòng: Phát triển thương hiệu "Táo Bàng La" (Đồ Sơn): Hỗ trợ người dân sản xuất, quảng bá sản phẩm
Nguồn tin: Báo Hải Phòng
Quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đang triển khai nhiều mô hình sản xuất nông sản ở các phường Bàng La, Minh Đức, Hợp Đức, Ngọc Xuyên với nhiều đặc sản địa phương như: chè đồi, táo, cà chua, hoa, dưa chuột… Trong đó, phường Bàng La đang thành công trong việc hình thành thương hiệu táo và cà chua, với diện tích và sản lượng ngày càng nâng cao. Để đạt mục tiêu, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách kêu gọi doanh nghiệp kết hợp cùng chính quyền, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm, bao tiêu đầu ra cho đặc sản của địa phương, trước hết là táo Bàng La.
Hình thành thương hiệu “Táo Bàng La”
Vườn “táo Bàng La” của hộ anh Phạm Văn Thắng ở tổ dân phố Điện Biên đang cho thu hoạch chính vụ nhưng còn hàng chục cây táo có khả năng chín rộ vào đúng dịp Tết âm lịch. Vườn rộng hơn 1ha, với 150 gốc táo, trong đó có gần 90 cây cho thu hoạch 5 năm nay, còn hơn 60 cây mới cho thu hoạch năm đầu. Anh Thắng cho biết, năm nay, sản lượng táo của gia đình anh và các hộ khác không bằng năm trước, nhưng mỗi gốc cho sản lượng từ 50 đến 60kg, với giá 20 đến 30 nghìn đồng/kg thì mỗi gốc táo thu được hơn 1 triệu đồng. Theo anh Thắng, trồng táo không mất nhiều chi phí, công chăm sóc ít, chủ yếu là phòng, chống dịch bệnh nên cho thu nhập khá cao. Vụ này, trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Niềm vui của người dân phường Bàng La khi thương hiệu táo địa phương ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.
Người dân và du khách đổ về các vườn táo ở Bàng La trong dịp này khá đông, cả lái buôn, người dân thành phố và các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, qua giới thiệu của những người từng thưởng thức táo Bàng La, nhiều đoàn khách nước ngoài được các công ty du lịch, các gia đình đưa về tham quan, thưởng thức đặc sản địa phương. Anh Wheng Hoh, người Hồng Kông (Trung Quốc) được nhóm bạn là người Thủy Nguyên đưa xuống Bàng La, thưởng thức táo nơi đây. Anh Hoh tấm tắc khen táo Bàng La giòn, ngọt và không chát. Anh cũng đem về cho bạn bè ít sản vật này và nhắc đi nhắc lại sẽ giới thiệu với mọi người về Táo Bàng La.
Với anh Thắng và nhiều hộ dân ở Bàng La, tăng thu nhập từ trồng táo để cải thiện cuộc sống là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, sự chuyển đổi từ trồng muối, nuôi thủy sản kém hiệu quả sang trồng táo là sự “lột xác” với người dân Bàng La. Anh Trần Quang Tuyến, chủ vườn táo 30 gốc ở tổ dân phố Điện Biên cho biết, trước nuôi thủy sản không được vì nguồn nước ô nhiễm, nhiều diện tích bỏ hoang hóa. Nhưng khi chuyển sang trồng táo, hiệu quả thấy rõ, hiện gia đình anh muốn mở rộng diện tích không được vì không ai nhượng, cho thuê đất, không có điều kiện mua thêm đất để trồng.
Thấy được hiệu quả của chuyển đổi mô hình sản xuất sang trồng táo, Đảng ủy, chính quyền và Hội Nông dân phường Bàng La hình thành chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đến phát triển diện tích, sản lượng và xây dựng thương hiệu táo Bàng La. Chủ tịch UBND phường Bàng La Cao Văn Bé cho biết, chất đất ở địa phương rất phù hợp với cây táo nên phường chủ trương phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm táo, được Sở Khoa học- Công nghệ công nhận táo Bàng La là sản phẩm đặc thù của quận Đồ Sơn từ cuối năm 2014. Phường giao cho Hội Nông dân thành lập Tổ hợp tác trồng táo với 30 hội viên tiêu biểu tham gia nhằm tuyên truyền, vận động giữ gìn thương hiệu “Táo Bàng La”, giúp bà con nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, giá trị kinh tế của cây táo khi đã có thương hiệu trên thị trường.
Hình thành dự án, vùng sản xuất tập trung
Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Bàng La Vũ Thị Hằng, diện tích trồng táo của toàn phường hiện nay là 75ha với 687 hộ trồng hơn 31 nghìn cây táo, trong đó hơn 20 nghìn cây cho thu hoạch. Năm 2015, sản lượng táo thu hoạch toàn phường đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng, giảm so với năm 2014, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao khi đạt từ 12 đến 15 triệu đồng/sào. Những năm gần đây, phường tổ chức một số cuộc tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật, cách ghép, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây táo.
Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động trên vẫn chưa có sự bài bản theo hệ thống. Nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm còn tự phát, do các thương lái, tiểu thương, người dân đến mua táo nên giá cả không ổn định, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trong sản xuất. Do vậy, theo Chủ tịch UBND phường Bàng La Cao Văn Bé, thời gian tới, rất cần một dự án, vùng sản xuất tập trung cho hai cây trồng mũi nhọn của địa phương là táo và cà chua. Trong đó, với cây táo, địa phương rất mong thành phố, quận Đồ Sơn hỗ trợ cơ chế, mời gọi doanh nghiệp hình thành dự án, hỗ trợ nông dân từ kỹ thuật, sản xuất, chăm bón, bao tiêu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Phường Bàng La đặt mục tiêu mở rộng, chuyển đổi thêm diện tích cây trông, thủy sản kém hiệu quả sang trồng táo từ 50 đến 100 ha trong 5 năm tới, trong đó năm 2016 chuyển đổi 10ha. Để hoàn thành mục tiêu trên, trước mắt quận Đồ Sơn, các ngành chức năng như Nông nghiệp- PTNT, Khoa học - Công nghệ tiếp tục hỗ trợ nông dân phường Bàng La mở lớp tập huấn ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm, thương hiệu “Táo Bàng La”.
Táo Bàng La nổi tiếng từ lâu, phát triển mạnh trong 5 năm gần đây với đặc trưng quả táo to, giòn, nhiều nước, có tính mát, nhiều vi-ta-min, vị ngọt thanh, ngọt đậm, rất bổ dưỡng.
Phạm Lượng
Trái cây cho ngày Tết
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Chị Nhanh kiểm tra xoài trước khi thu hoạch. Ảnh: H. Vũ
Vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình người Việt Nam có truyền thống chưng mâm ngũ quả (5 loại trái cây). Hiện nay, nhà vườn trong tỉnh Bến Tre đang chăm sóc vườn cây ăn trái để phục vụ Tết.
Trái cây miệt vườn
Chợ Lách được thiên nhiên ưu đãi, có nước ngọt quanh năm, rất thuận lợi trong việc sản xuất hoa kiểng và trồng cây ăn trái. Ông Phạm Hoàng Hiệp - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn huyện có hơn 8 ngàn héc-ta vườn cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi…). Chỉ còn gần 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, trái cây trong huyện tập trung 2 loại: chôm chôm và bưởi với sản lượng khoảng 3 ngàn tấn.
Vườn bưởi da xanh có thương hiệu của ông Lê Văn Hoa ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định đang thu hoạch. Ông Hoa giới thiệu: Một số trái đã chín nên phải hái bán. Bưởi da xanh của tôi thường đạt loại I và II vì lúc bưởi đậu trái, tôi tuyển chọn lấy 1 hoặc 2 trái mỗi chùm. Khi bưởi bằng trái cam, tôi bắt đầu bao trái nhằm ngăn ngừa sâu hồng đục trái. Để bưởi ngọt, không bị khô, tôi thường tưới nước, sử dụng phân lân, phân chuồng, phân urê, kali… 5 công bưởi này hiện có 100 gốc đang cho trái. Đợt trái này nhẩm tính, sau khi trừ chi phí tôi còn lời 100 triệu đồng.
Toàn huyện Chợ Lách còn khoảng 100ha chôm chôm đang cho trái rải vụ. Xã Phú Phụng có Tổ hợp tác chôm chôm Phụng Đức B đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 23,4ha của 36 hộ tham gia. Ông Trần Hoàng Sở ở ấp Phụng Đức B - Tổ phó phấn khởi nói: “Nhờ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP mà 3 công chôm chôm của tôi có năng suất khoảng 3 tấn/công. Tôi xiết nước cho trái rải vụ, từ nay đến Tết, vườn chôm chôm của tôi còn khoảng 1 tấn phục vụ khách hàng trong tỉnh”.
Trái cây vùng biển
Tại huyện Thạnh Phú, nông dân cũng tích cực chăm sóc cây trái. Ông Lâm Văn Tân - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn huyện có khoảng 100ha xoài (chủ yếu là xoài tứ quý), trong đó khoảng 70ha đang cho trái. Riêng xã Thạnh Phong có khoảng 60ha, trong đó khoảng 40ha đang cho trái. Cồn Mít ven biển của xã Thạnh Phong gồm 2 ấp: Thạnh Lộc và Thạnh Lợi, nơi đây chủ yếu là đất giồng cát nhưng có mạch nước ngọt. Nhiều nông dân bỏ dưa hấu, sắn, chuyển sang trồng xoài cát tứ quý từ năm 2005. Chị Nguyễn Thị Nhanh ở ấp Thạnh Lộc phấn khởi nói: Trồng dưa hấu, trồng sắn lợi nhuận không nhiều. Năm 2005, tôi đi Chợ Lách mua xoài tứ quý Thanh Sơn về trồng trên diện tích 6 công với 240 cây. 11 tháng qua, tôi hái được 30 tấn. Từ nay đến Tết còn khoảng 10 tấn để phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh làm mâm ngũ quả. Từ khi xoài ra bông đến khi hái là 3 tháng rưỡi. Để trái xoài không bị sâu, tôi bao trái. Các hộ dân ở xã này thích trồng xoài tứ quý vì nó có trái quanh năm.
Một số nông dân còn trồng sung, mãng cầu, dừa xiêm đỏ, đu đủ màu vàng để đủ 5 loại trái cây chưng trong những ngày Tết hoặc đãi họ hàng, bạn bè đến chúc Tết.
Trong ngày Tết, có gia đình chưng tới 7 - 8 loại trái cây để thể hiện nhiều thành công của các thành viên trong gia đình dâng lên tổ tiên. Sự ước nguyện còn thể hiện qua màu sắc của trái cây. Màu đỏ (may mắn, giàu sang), màu vàng (sung túc), màu xanh (hy vọng)…
Về Đông y, 5 loại trái cây dùng để chưng có tác dụng khá tốt đối với sức khỏe con người. Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bến Tre cho biết: Nước dừa còn non có tính mát, thanh nhiệt, lợi tiểu; đu đủ chữa bệnh táo bón, tiêu chất thịt và trứng; xoài có chủ yếu là chất bột, đường, vitamin C rất bổ dưỡng cho cơ thể; mãng cầu chứa các chất đường, nhiều dinh dưỡng, tính lành; nhựa sung (loại ăn được) trị mụn nhọt, làm tan máu bầm, giảm đau đầu…
Hoàng Vũ