Người tiêu dùng ưa chuộng nông sản sạch
Nguồn tin: Báo Long An
Những năm gần đây, với nhu cầu tiêu thụ lớn, sản xuất rau an toàn đang là mảnh đất “màu mỡ” để các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An.
Rộng đường tiêu thụ
Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng cho biết: “Trồng rau VietGAP giúp các thành viên HTX có thu nhập ổn định vì đầu ra được các doanh nghiệp đăng ký thu mua, cũng như cung cấp kỹ thuật, giống. Không những vậy, thời gian qua, Ban Giám đốc HTX hợp đồng chặt chẽ với thành viên theo nguyên tắc “an toàn cho người tiêu dùng là trên hết”. Do vậy, HTX tạo được uy tín về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng và đối tác. Đến nay, qua kiểm tra nhanh, chưa có lô hàng nào có dư lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Hiện các sản phẩm của HTX được phân phối tại hệ thống các siêu thị, công ty, trường học, bếp ăn tập thể,... trên địa bàn và 2 cửa hàng của HTX (tại phường 2, TP.Tân An và thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa). Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị từ 2-3 tấn rau an toàn các loại”.
Nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng rất lớn
Chị Nguyễn Thị Nhanh (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) cho hay: “Khi tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn, được hướng dẫn chu đáo, cụ thể, gia đình tôi và những hộ trồng rau ở địa phương rất phấn khởi. Sản xuất ra các loại rau đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sạch VietGAP hoặc rau an toàn đầu ra ổn định hơn, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) - Trần Văn Minh chia sẻ: “HTX được thành lập trên nền tảng Tổ hợp tác Rau an toàn phường Khánh Hậu. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn bộ diện tích rau của HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Tổng thu nhập của các thành viên HTX đạt 3,7 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 170-180 triệu đồng/năm/ha, nông dân ổn định đầu ra”.
Với thị trường tiêu thụ ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, những mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên một nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân.
Người tiêu dùng ưa chuộng
Chị Nguyễn Thị Cúc (phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Trong các bữa ăn gia đình không thể thiếu món rau xanh, tuy nhiên, để mua và sử dụng những sản phẩm thật sự an toàn không phải dễ. Ở hầu hết các chợ hay cửa hàng nhỏ, lẻ ở khu dân cư đều bán rất nhiều loại rau xanh, nhưng đa phần không rõ nguồn gốc. Do đó, tôi thường vào siêu thị hay các cửa hàng tiện ích để mua rau xanh về sử dụng, vì ở những nơi này, hàng hóa đã qua kiểm định và có nguồn gốc rõ ràng”. Anh Võ Xuân Huy - chủ cửa hàng rau, củ, quả sạch Huy Store (phường 2, TP.Tân An), thông tin: “Hiện nay, nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất cao, nhưng nhiều người chưa biết mua ở đâu. Vì vậy, những cửa hàng thực phẩm sạch là cầu nối đưa nông sản chất lượng cao đến với người tiêu dùng. Cửa hàng của tôi không lấy rau tại các chợ đầu mối hay các cơ sở sản xuất chưa được kiểm soát theo chuỗi thực phẩm an toàn. Hầu hết sản phẩm của cửa hàng mang thương hiệu an toàn đạt chuẩn của Long An”.
Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng tăng của người dân, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh mặt hàng này, hiện có thêm một số doanh nghiệp mở cửa hàng phân phối và bán sản phẩm rau sạch. Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: “Vấn đề an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm hiện nay. Với tâm nguyện mang lại bữa ăn dinh dưỡng và an toàn đến mọi người, mọi nhà, công ty không ngừng nỗ lực nhằm cung cấp những sản phẩm chất lượng, an toàn. Thời gian qua, công ty được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong việc kết nối giữa người sản xuất đến doanh nghiệp nên nhiều sản phẩm bán ra tại cửa hàng của San Hà có nguồn gốc ở Long An. Hiện nay, ngoài các SanHàFoodstore tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức,… công ty tiếp tục mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Tại SanHàFoodstore, có khoảng 90% nông sản bán ra là rau, củ, quả hay các loại thịt,… đều có nguồn gốc tại Long An. Khi muốn biết về nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng có thể truy xuất bằng điện thoại di động”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, tỉnh có 35 HTX, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP tham gia các phiên chợ nông sản an toàn và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tỉnh đã xây dựng và quảng bá được 12 chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi; có thị trường tiêu thụ chủ yếu tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Big C, Aeon và trên 70 hệ thống siêu thị mini trên toàn quốc; các đại lý phân phối tại TP.HCM và một số bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn hiệu quả, sở đang phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai đề án truy xuất nguồn gốc tại đơn vị sản xuất rau an toàn, với sản lượng rau, quả dán tem truy xuất nguồn gốc; thường xuyên tổ chức một số chợ phiên nông sản an toàn nhằm giới thiệu, kết nối cung - cầu sản phẩm an toàn cho đông đảo người dân được biết. Bên cạnh đó, sở tiếp tục triển khai những giải pháp về vốn, đất đai, vấn đề đào tạo chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao và phát triển giống mới,… nhằm thu hút nông dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn./.
Huỳnh Phong
Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường, đã giúp nhiều nông dân xây dựng “mô hình trăm triệu” hiệu quả.
Chuyển đổi sản xuất trên cơ sở nắm vững kỹ thuật, am hiểu thị trường để bán được giá tốt, thu lợi nhuận cao.
Trong vụ Hè Thu, anh Nguyễn Tấn Tài (ấp Cái Sơn Lớn, xã Thanh Đức- Long Hồ) đã chuyển 1,5 công đất ruộng sang trồng ớt sừng trâu.
Từ giữa tháng 6 đến nay, ớt bắt đầu cho thu hoạch, giá bán dao động 50.000- 65.000 đ/kg, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong 5 năm qua. Không chỉ giá cao mà năng suất vụ ớt năm nay cũng đạt hơn 10 tấn/ha. Anh Tấn Tài phấn khởi cho biết: Vụ Hè Thu rồi, nhiều hộ trồng ớt tại xã Thanh Đức rất phấn khởi vì trúng mùa lại trúng giá, bình quân mỗi công ớt nông dân thu lời hơn 30 triệu đồng, hơn làm lúa rất nhiều.
Còn ông Phùng Văn Thương (ấp Cái Sơn Lớn) trồng 3 công dưa leo trên đất ruộng, thời điểm ruộng dưa của ông cho thu hoạch có giá bán 9.000 đ/kg, cao gấp đôi mùa năm trước, với giá này ông Thương lời 10 triệu đồng/công. Theo ông, hiệu quả trồng dưa leo cao hơn hẳn so với các loại rau màu khác, mà chi phí lại ít tốn kém. “Mùa Hè Thu, làm lúa đất gò cao nước nôi cũng khó nên tôi chuyển qua trồng dưa leo trên ruộng, trồng màu cực nhưng hiệu quả hơn trồng lúa nên tôi quyết định chuyển đổi để nâng cao thu nhập”- ông Thương nói.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, việc triển khai các dự án cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu cũng đạt kết quả, với 62 mô hình hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, vùng màu xen lúa phát triển nhiều mô hình màu theo hướng VietGAP, rau an toàn. Riêng vùng cây ăn trái, huyện hỗ trợ bà con chuyển đổi giống cây sạch bệnh có hiệu quả kinh tế cao, với tổng mức đầu tư trên 2,3 tỷ đồng. Việc chuyển đổi vùng rau màu canh tác theo quy trình đảm bảo an toàn, xây dựng vùng rau sạch xã Phước Hậu có thể được xem là một điển hình.
Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu, cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, rau sạch Phước Hậu đã tạo được niềm tin với khách hàng truyền thống và khách hàng mới; đó là do sản xuất theo quy trình VietGAP và theo điều kiện an toàn; có kiểm tra mẫu rau định kỳ hàng tháng và tập huấn thường xuyên cho nông dân”.
Hiện hợp tác xã có 35 xã viên/15ha với gần 20 chủng loại gồm rau ăn lá và rau mùi. Các xã viên được tập huấn kỹ thuật canh tác rau an toàn, dần tạo được ý thức về sử dụng phân thuốc đảm bảo thời gian cách ly, với mong muốn mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường. Đồng thời cũng xây dựng những vùng chuyên canh màu bền vững, tránh những cơn sốt và sự chuyển đổi ồ ạt gây mất cân đối quy hoạch vùng trồng, cũng tránh trường hợp khủng hoảng thiếu hoặc thừa nông sản. Điều quan trọng là quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã làm chuyển biến tư tưởng, khát vọng làm giàu của nông dân. Qua phát động thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có trên 96% hộ đăng ký thực hiện với nhiều mô hình phong phú, đa dạng.
Anh Nguyễn Văn Nga (ấp Phú An 1, xã Bình Hòa Phước) là một trong những hộ có tổng đàn dê nhiều nhất trong xã. Anh Nga cho biết, trước đây gia đình anh thu nhập chủ yếu từ vườn nhãn, nhưng từ khi nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng thì thu nhập rất bấp bênh. Năm 2014, anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng để nuôi dê. Cùng với số tiền 30 triệu đồng gia đình tích lũy được, anh đầu tư làm chuồng và mua 5 con dê cái về nuôi. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nên kết quả từ mô hình nuôi dê thật phấn khởi.
Anh Nga chia sẻ: “Năm nay, đàn dê của tôi tiếp tục phát triển và bán được giá. Hiện, tôi đã có được 7 con dê nái và 20 con dê tơ. Riêng số vốn 40 triệu bỏ ra đầu tư tôi đã thu lại được từ những lứa bán trước. Tính ra chỉ một năm là tôi đã lời được đàn dê hiện tại, cho thu nhập hàng năm hơn trăm triệu đồng”.
Mô hình thu nhập cao cũng không phải là cá biệt. Có rất nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm, như mô hình vườn nhãn Ido của anh Huỳnh Văn Viên (ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh) hay mô hình vườn- ao- chuồng của ông Nguyễn Văn Tấn (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú) đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Để đạt được kết quả này nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật và nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường cho sản phẩm của mình làm ra. Nói như anh Huỳnh Văn Viên: “Làm nông nghiệp bây giờ phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có hiệu quả, phải am hiểu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mới chủ động theo ý muốn. Thêm nữa, phải nắm bắt được thời điểm thị trường cần hàng thì mới bán được giá tốt, thu lợi nhuận cao”.
Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG
‘Sống khỏe’ nhờ trồng bưởi, cam theo hướng hữu cơ
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Với khoảng 2.500m2 trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, ông Hà Văn Giữ - thành viên Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã thu lại lợi nhuận cao hơn canh tác lúa. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên đầu ra nông sản ổn định và giá bán khá cao so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Ông Hà Văn Giữ kiểm tra chất lượng bưởi trước khi thu hoạch
Cách đây hơn 15 năm, gia đình ông Hà Văn Giữ vẫn bám trụ với nghề trồng lúa dù sống ở nơi được ví von là “thủ phủ” cây có múi của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, khoảng năm 2004 nhận thấy trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế tốt hơn sản xuất lúa nên ông Giữ cho thuê 15 công ruộng đang canh tác để về nhà cải tạo hơn 2.500m2 đất vườn tạp trồng bưởi da xanh. Ban đầu, cũng như nhiều nông dân lân cận, ông Giữ sử dụng nhiều loại phân hóa học trong quá trình canh tác. Đến khoảng năm 2015, nhận thấy sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là một hướng đi đúng đắn, ông Giữ mạnh dạn thực hiện quy trình canh tác an toàn này.
Ông Giữ nhớ lại: “Nhận thấy quy trình sản xuất theo VietGAP rất hay, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, từ đó tôi đã mạnh dạn theo đuổi mô hình này. Năm 2017, vườn bưởi của tôi chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP”.
Chưa dừng lại đó, nhằm tăng chất lượng cho trái bưởi cũng như cải tạo, phục hồi “sức khỏe” cho đất sau nhiều năm chịu tác động từ việc sử dụng phân hóa học, khoảng năm 2015 – 2016, ông Giữ bắt đầu tiến thêm một bước là sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Nhờ đeo đuổi theo quy trình sản xuất an toàn và hướng đến chuẩn hữu cơ nên vườn bưởi của ông Giữ dù đã trồng khá lâu năm nhưng vẫn “giữ được phong độ”, đặc biệt là khả năng cho trái rải vụ quanh năm.
Ông Hà Văn Giữ tâm đắc chia sẻ: “Nhờ chuyển sang canh tác bưởi theo hướng hữu cơ nên không những giúp cây bưởi khỏe, cho năng suất tốt mà vườn bưởi của tôi còn hạn chế được nhiều dịch hại đang hoành hành trên địa bàn huyện. Tôi không bón phân hữu cơ mua sẵn, thay vào đó, gia đình tự ủ phân chuồng với nấm Tricodecm để bón cho cây. Ngoài sử dụng phân hữu cơ trong quá trình canh tác, tôi còn thường xuyên sử dụng thêm các loại nấm vi sinh có lợi cho đất nhằm giúp đất tơi xốp và màu mỡ hơn”.
Sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất trồng và chất lượng bưởi
Với 2.500m2 trồng bưởi xanh, mỗi năm, ông Giữ thu hoạch khoảng 2,5 tấn trái, được thương lái bao tiêu với mức giá ổn định quanh năm, trung bình khoảng 50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, mỗi năm ông Giữ thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận mà ông Giữ khẳng định tốt hơn rất nhiều so với canh tác lúa của gia đình ông trước đây.
Thành công từ mô hình trồng bưởi, năm 2015, gia đình ông Giữ mạnh dạn thuê thêm 2.000m2 của nhà vườn lân cận để trồng cam xoàn theo hướng hữu cơ. Hiện tại, vườn cam xoàn của gia đình ông Giữ được 4 năm tuổi và cho thu hoạch. Nhờ sản phẩm đạt chứng chứng nhận VietGAP và đang sản xuất theo hướng hữu cơ nên toàn bộ sản lượng cam xoàn của ông Giữ đều được Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới bao tiêu. Trong năm 2019, doanh thu mang lại cho ông khoảng 130 triệu đồng từ 2.000m2 trồng cam.
Hiện gia đình ông cũng đang định hướng mở rộng mô hình sản xuất bưởi và cam theo hướng hữu cơ nhằm phục vụ cho nhu cầu của thị trường.
Mỹ Lý
Nâng tầm cây chuối
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Tỉnh Cà Mau có khoảng 6 ngàn héc-ta chuối. Lâu nay, cây trồng này đã gắn bó và mang lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn diện tích trồng chuối trong dân còn thực hiện theo kiểu truyền thống, vì thế năng suất, sản lượng không cao dẫn đến đầu ra gặp khó.
Để khắc phục những hạn chế này, xây dựng vùng nguyên liệu chuối đạt chứng nhận VietGAP sẽ là hướng đi mang tính hiệu quả lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Gia đình ông Trần Văn Yếu, ngụ Ấp 12, xã Khánh Thuận có hơn 1 ha trồng chuối xiêm. Từ cây trồng phụ, mấy năm gần đây cây chuối trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Từng nhiều lần dự định cải tạo, đầu tư khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép nên khi được chọn thực hiện mô hình trồng chuối VietGAP, ông Yếu rất phấn khởi. Ông chia sẻ: “Từ khi được chính quyền địa phương tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng theo hướng VietGAP, tôi thấy mô hình kiểu này hiệu quả khá cao. Đồng thời, vấn đề đầu ra của sản phẩm không lo bấp bênh như trước nữa”.
Để triển khai mô hình, Nhà nước sẽ đầu tư 150 triệu đồng, hỗ trợ cây giống, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Song song đó, Nhà nước sẽ kết nối với các thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm.
Chuối xiêm trồng theo hướng VietGAP hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Theo đó, đầu tháng 8 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện U Minh triển khai xây dựng vùng nguyên liệu chuối đạt chứng nhận VietGAP tại Hợp tác xã Đồng Thuận, thuộc xã Khánh Thuận với quy mô 50 ha. Đây là mô hình thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau.
Mô hình là tiền đề hướng đến xây dựng nhãn hiệu chuối Khánh Thuận - U Minh. Trong đó, sản phẩm sẽ được liên kết với các thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân trồng chuối trên địa bàn.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận Hồ Tương Lai: “Chuối xiêm là sản phẩm đặc trưng của xã Khánh Thuận. Hiện nay, trên địa bàn, bà con rất chú trọng nhân rộng mô hình trồng loại cây hiệu quả này”.
Việc triển khai trồng chuối xiêm theo hướng đạt chuẩn VietGAP sẽ là một trong những mô hình hứa hẹn nâng tầm mới cho cây chuối trên vùng đất này. Theo tính toán, mô hình mới này bình quân năng suất mỗi năm khoảng 20 tấn/ha, lợi nhuận 50 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân tham gia mô hình từ 10-15% so với phương pháp canh tác thông thường./.
Lê Chí
Hậu Giang: Gừng non được giá
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Tuy gừng trồng còn non, chưa đủ tuổi đến ngày thu hoạch, nhưng do nhu cầu của người tiêu dùng nên những ngày gần đây giá gừng củ tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được thương lái mua vào và bán ra tương đối cao.
Hiện nay, giá gừng củ mua tại rẫy là 30.000 đồng/kg, bán lại cho các chủ sạp ở một số chợ trên địa bàn là 38.000-40.000 đồng/kg, giá bán ra của tiểu thương từ 50.000-55.000 đồng/kg, tăng hơn vài tháng trước đây từ 5.000-7.000 đồng/kg.
Anh Phạm Minh Trung, người chuyên thu mua gừng củ bán lại cho các sạp bán lẻ tại các chợ cho biết nguyên nhân giá gừng non đầu mùa tăng là do diện tích trồng của bà con nông dân trong tỉnh không nhiều. Chủ yếu là người dân thu hoạch gừng trồng nhỏ lẻ nên sản lượng gừng củ lúc này không cao.
QUANG HẢI
Bình Dương: Dầu Tiếng có 216 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) hiện có 216 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (gồm 99 trại gia cầm, 117 trại nuôi gia súc); ước tổng đàn gia súc 111.140 con, đàn gia cầm 2,3 triệu con. Diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện khoảng 116.000m2; có 14 hộ gia đình nuôi các loại động vật hoang dã với 1.992 con các loại.
Trong những tháng qua, địa phương đã tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, huyện đã thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật liên ngành tạm thời trên địa bàn các xã giáp ranh.
HỒNG NGA
Vỗ béo, cải tạo đàn bò thịt
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên kiểm tra mức tăng trọng của đàn bò sau khi được vỗ béo tại gia đình anh Lê Duy Phúc, ở xóm Đồng Đậu, xã Tân Khánh (Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Trong quý II năm nay, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình tổ chức triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Mô hình được thực hiện tại 2 xã Tân Khánh và Tân Hòa, với 70 hộ tham gia, số lượng bò được vỗ béo là hơn 200 con.
Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn các nội dung, như: Kỹ thuật vỗ béo bò thịt, kỹ thuật phối trộn thức ăn tinh, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho bò; cách phòng và điều trị một số bệnh trên đàn bò; quản lý đàn bò thịt và cách tính hiệu quả kinh tế... Ngoài ra, các hộ dân cũng được hỗ trợ thức ăn tinh 1,5kg/con/ngày và thuốc tẩy ký sinh trùng. Kết quả, sau 3 tháng thực hiện mô hình cho thấy, đàn bò sau khi được vỗ béo đạt mức tăng trọng bình quân 65,5kg/con, cho thu nhập tăng thêm khoảng 2,6 triệu đồng/con so với trước khi chưa vỗ béo.
Thông qua việc xây dựng mô hình đã góp phần trang bị cho các hộ dân những kiến thức cơ bản về chăn nuôi bò nói chung và chăn nuôi bò thịt vỗ béo nói riêng. Từ đó, khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đây là mô hình phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế và có thể nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Khánh Thiện
Hiếu Giang tổng hợp