Bình Thuận: Kêu gọi đầu tư dự án nông nghiệp thông minh
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Với nguồn tài nguyên nông nghiệp khá đa dạng, có lợi thế nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các loại nông sản, hiện lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đóng góp khoảng 28% vào GRDP của tỉnh. Do vậy tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, Bình Thuận xác định nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là 1 trong 3 trụ cột cần đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư. Theo đó địa phương tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: Công nghệ tưới tiêu tự động và tiết kiệm nước, công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.
Sản xuất tôm giống cũng là một trong những thế mạnh của Bình Thuận.
Được biết sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận, có quy mô diện tích 2.155 ha. Hiện nay tại vùng này, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã đăng ký đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 219,5 ha và tới đây Bình Thuận sẽ kêu gọi đầu tư phần diện tích còn lại theo đề án đã được phê duyệt.
QUỐC TÍN
Phòng trừ bọ trĩ trên cây xà lách
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng tiếp tục khuyến cáo nông dân các phương pháp phòng trừ bọ trĩ, một loại côn trùng môi giới truyền virus TSWV gây bệnh đốm héo trên cây xà lách các loại ở Đà Lạt và vùng phụ cận.
Theo đó, khâu chọn giống xà lách từ các vườn ươm phải được kiểm soát không có bọ trĩ; quá trình sản xuất xà lách trong nhà kính cần bố trí 2 lớp cửa ra vào và lưới chắn côn trùng, đồng thời sử dụng bẫy xanh, bẫy vàng (2 - 4 bẫy/m2) để theo dõi và kiểm soát bọ trĩ trưởng thành.
Đáng chú ý cây xà lách các loại không luân canh với cà chua, hoa cúc, húng quế, thay vào đó nên luân canh cùng cây rau họ thập tự, hành, dâu tây, cà rốt… để phòng trừ bọ trĩ hiệu quả hơn.
Và có thể phòng trừ bọ trĩ trên cây xà lách bằng thử nghiệm luân phiên các hoạt chất như: oxymatrine, propargite, citrus, imidacioprid… theo nồng độ khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật địa phương…
VĂN VIỆT
Chung sức hỗ trợ người trồng hồ tiêu Gia Lai
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Gần 6.500 ha trên tổng số 16.000 ha hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai đã bị chết do bệnh khiến hàng ngàn hộ nông dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, không còn khả năng trả nợ. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã chung tay góp sức, nhằm gỡ khó cho người trồng hồ tiêu.
NGẬP TRONG NỢ NẦN
Ở thời điểm giá hồ tiêu cao nhất, gia đình ông Phạm Hồng Sơn (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) có khoảng 6.000 trụ, mỗi năm thu về bạc tỷ. Thế rồi vườn hồ tiêu bị bệnh, chết sạch. Ông Sơn đánh liều vét hết tiền nhà và vay thêm 1,5 tỷ đồng gầy dựng lại vườn hồ tiêu hơn 5.000 trụ. Nhưng khi chưa kịp thu thì cả vườn hồ tiêu này lại chết sạch vì bệnh chết nhanh chết chậm. “Hồ tiêu chết, nhà tôi ôm nợ 1,5 tỷ đồng, cứ 3 tháng lại phải đóng lãi 40 triệu đồng. Không biết làm gì để trả cho hết nợ”-ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, 90% dân số ở đây đang là con nợ của ngân hàng, người ít thì 200 triệu đồng, nhiều cỡ 2 tỷ đồng.
Năm 2008, để trồng 600 trụ hồ tiêu, gia đình bà Nguyễn Thị Lĩnh (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) phải vay ngân hàng 440 triệu đồng. Khi vườn hồ tiêu chết sạch, gia đình bà vẫn chưa trả nợ được đồng nào. Giờ mỗi quý, bà phải trả lãi hơn 12 triệu đồng cho ngân hàng. Toàn bộ thu nhập của gia đình hiện chỉ trông vào 1,2 ha cà phê nhưng năm được năm mất. Vì vậy, bà phải đi làm thuê để lấy tiền trả nợ ngân hàng. “Cuộc sống gia đình giờ khốn khó lắm”-bà Lĩnh than vãn.
Nhiều nông dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Đức Thụy
Gia đình bà Trần Thị Nhẫn (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cũng huy động toàn bộ vốn liếng dành dụm, vay thêm ngân hàng và người thân trồng mấy đợt được 2.500 trụ hồ tiêu. Thu hoạch chưa được bao nhiêu thì vườn cây đổ bệnh rồi chết mà không thể cứu vãn. Nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Bà Nhẫn nói: “Mong muốn lớn nhất của bà con là được Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ để cuộc sống dễ thở hơn”.
TÌM CÁCH XOAY XỞ
Hồ tiêu chết, nợ nần chất chồng, nhiều gia đình phải bỏ xứ đi làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ. Không ít em nhỏ mới hôm qua còn cắp sách đến trường, giờ đã phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp cha mẹ. Thậm chí có những gia đình giàu có nhờ hồ tiêu, gửi con học phổ thông ở các trường quốc tế trong TP. Hồ Chí Minh, giờ vỡ nợ phải gọi con về vì không có tiền đóng học phí và các khoản khác cho nhà trường...
Những khoản nợ quá lớn, không thể ngày một ngày hai giải quyết được. Vậy nên, không ít gia đình phải tìm mọi cách để kiếm tiền duy trì cuộc sống, còn khoản nợ thì vẫn... treo lơ lửng trên đầu. Gia đình bà Trần Thị Nhẫn cũng như rất nhiều hộ khác ở huyện Chư Sê, Chư Pưh đã phải nhổ trụ hồ tiêu đem bán nhằm vớt vát chút tiền trả nợ. Theo bà Nhẫn thì trước kia, mua 1 trụ gỗ (loại gỗ căm xe, cà chít) phải mất từ 80 ngàn đồng đến hơn 200 ngàn đồng, tùy từng thời điểm. Giờ bán đổ bán tháo chỉ được 50-60 ngàn đồng/trụ, mà phải tự mình nhổ, đem ra chất đống ngoài đường may ra mới có người đến mua. Gia đình bà đã bán được hơn 1 ngàn trụ, còn lại vẫn chất đống phơi nắng phơi mưa trước cổng nhà. “Đi làm về là cứ ra ngồi trước nhà, mong có người đến hỏi mua trụ là tôi bán ngay”- bà Nhẫn nói.
Cũng có vườn hồ tiêu chết sạch nhưng gia đình ông Đỗ Văn Kền (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) không đến nỗi bi đát nhờ đã sớm tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Cách đây 4 năm, khi phát hiện vườn hồ tiêu có dấu hiệu vàng lá, ông Kền lo lắng lắm. Ngay khi đó, ông đã nghĩ đến một ngày phải phá bỏ toàn bộ vườn hồ tiêu hơn 1.000 trụ của gia đình. Vậy là vừa tìm cách cứu vãn vườn hồ tiêu, ông vừa trồng xen 60 cây bơ ở những nơi hồ tiêu đã chết hẳn. Giờ cây bơ đã cao vượt đầu người lớn, xanh tốt và đã cho thu hoạch. Khoản tiền bán bơ xen canh trong vườn hồ tiêu chết vô cùng quý giá, giúp gia đình ông giải quyết phần nào nợ nần. Cách đây 2 tháng, ông trồng thêm được 100 cây bưởi trong vườn hồ tiêu chết. “Hy vọng sau này, vườn cây ăn quả thay thế sẽ là nguồn thu nhập ổn định của gia đình”-ông Kền hy vọng.
Ông Đỗ Văn Kền (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) xen canh mít Thái trong vườn hồ tiêu. Ảnh: L.G
Ở nơi từng được mệnh danh là “Vương quốc hồ tiêu” như Chư Sê, Chư Pưh, những người nhanh nhạy chuyển đổi cây trồng trên đất hồ tiêu chết như ông Kền là không nhiều. Phần lớn khi vườn hồ tiêu đổ bệnh chết, các chủ vườn đều phải bán tống bán tháo trụ, bán cả xe hơi, nhà lầu để trả nợ. Trả không hết nợ, họ đành bỏ xứ đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi thân, cũng là một cách để... trốn nợ.
DOANH NGHIỆP CHUNG TAY THÁO GỠ
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai vào ngày 16-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ghi nhận ý kiến đề nghị hỗ trợ người trồng hồ tiêu bị thiệt hại do mưa lũ và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tham mưu giúp Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời. (D.L)
Trước khó khăn trên, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp uy tín trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã định hướng ổn định 10.000 ha cây ăn quả gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Công ty cổ phần Nafood Group… Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng hồ tiêu mạnh dạn chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế mới, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao-cho biết: “Với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm chế biến rau quả của Công ty tại Gia Lai sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, diện tích từ 10.000 ha đến 15.000 ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục ngàn lao động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ …”.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã có động thái cụ thể nhằm hỗ trợ người trồng hồ tiêu thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh và cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng với số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Ông Võ Bình Độ (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) là một trong số khách hàng được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh hỗ trợ bằng biện pháp giãn nợ 5 năm để giảm áp lực trả lãi và tạo cơ hội tái sản xuất. Ông Độ cho biết: “Năm 2012, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh 2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng 7 ha hồ tiêu. Đến năm 2017, toàn bộ diện tích hồ tiêu này đều chết sạch. Không còn nguồn thu nên gia đình không thể trả gốc và lãi vay. Được ngân hàng giãn nợ khoản vay lên 5 năm, mỗi năm trả một ít nên cũng đỡ áp lực. Những diện tích hồ tiêu chết, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả, hy vọng thời gian tới sẽ có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và trả nợ”.
Ông Lê Thanh Quang-Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: Đơn vị hiện có tổng dư nợ do thiệt hại hồ tiêu lên đến gần 700 tỷ đồng của hơn 4.100 khách hàng, chiếm hơn 97% dư nợ cho vay trồng và chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn. “Nhằm giúp người dân có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại ổn định cuộc sống, an tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập để trả nợ, Chi nhánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho những khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ tiếp tục được vay vốn tái đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những khách hàng trả nợ trong năm 2019 sẽ được áp dụng cơ chế miễn giảm lãi. Ngoài ra, Chi nhánh còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp với nguồn thu nhập, điều chỉnh miễn, giảm lãi suất, thu gốc trước, thu lãi sau đối với các hộ dân có thiện chí trả nợ”-ông Quang cho biết.
Sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phần nào giảm áp lực cho người trồng hồ tiêu, giúp họ vượt qua khó khăn. Đồng thời mở ra cơ hội để người dân tái đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống và trả nợ.
Theo thống kê, tổng dự nợ cho vay trồng hồ tiêu ở Gia Lai đến thời điểm này là trên 3.700 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng của trên 11.000 khách hàng; nợ xấu hơn 450 tỷ đồng... Riêng huyện Chư Pưh có trên 2.000 ha hồ tiêu bị chết, nợ xấu 260 tỷ đồng.
LAM GIANG
Thận trọng khi cạo mủ bằng khí ethylene
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Vì một số lợi ích trước mắt, như sản lượng khai thác vượt trội, kéo dài thời gian cho mủ mỗi khi khai thác, tiết kiệm nhân công… nên không ít hộ trồng cao su tiểu điền đang áp dụng cách cạo mủ cao su bằng khí ethylene. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, phương pháp này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, như mủ ra nhiều khoảng 2-3 tháng đầu, sau đó giảm dần. Hiện một số hộ áp dụng cho cả vườn cây mới khai thác phải “nếm trái đắng” vì lượng mủ giảm, vỏ cây bị hoại tử và khó phục hồi dẫn đến bỏ vườn.
LỢI THÌ CÓ LỢI...
Nghe giới thiệu của các đơn vị phân phối về phương pháp cạo mủ bằng khí có rất nhiều ưu điểm, sản lượng vượt trội nên chị Trương Thị Thành ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú đầu tư 10 triệu đồng mua bộ áp khí, bình gas chứa ethylene, khoan cầm tay, ống chọc mủ, máng che mưa... phục vụ khai thác mủ trên 1 ha cao su thanh lý. Sau hơn 1 tháng lắp đặt, chị Thành thấy phương pháp này có nhiều ưu điểm, như mủ chảy liên tục 12 giờ/lần cạo, lượng mủ chảy nhiều gấp đôi và kéo dài nên tận thu được mủ chén. Trước đây, mỗi ngày gia đình chị thu 30kg mủ các loại thì nay tăng lên 50kg. Chị Thành cho biết: Kỹ thuật mới này giúp giảm ngày công lao động, tận thu tối đa mủ ở vườn cây thanh lý mà không mất nhiều công sức. Ngày mưa vẫn có thể thu hoạch mủ và kéo dài thời gian khai thác.
Chị Trương Thị Thành ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú áp dụng phương pháp cạo mủ bằng khí ethylene trên vườn cây thanh lý cho hiệu quả khả quan
Anh Đoàn Văn Nhân ở ấp 4, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho biết: “Sau khi bơm khí, ethylene sẽ thẩm thấu vào vỏ cây. Sau 24 giờ, hormone bắt đầu phát huy tác dụng mạnh trong bán kính khoảng 30cm từ nút khí. Lần đầu lấy mủ sau khi bơm, mủ ra nhiều, nhưng giảm dần ở những lần cạo tiếp theo. Mỗi lần bơm khí chỉ được cạo lấy mủ 3 lần. Để duy trì lượng mủ, 10 ngày sau phải bơm khí lại. Cạo mủ bằng khí có ưu điểm là không phải thức đêm, lượng mủ nhiều hơn gấp đôi.
Theo các chuyên gia, ethylene là một hormone thực vật có trong cao su. Quá trình khai thác, hormone ethylene ngày càng giảm, nhất là khi cây cao su khai thác từ 15 năm trở lên. Mủ khai thác càng nhiều thì lượng hormone bị thiếu hụt càng lớn. Việc bơm thêm khí ethylene vào cây nhằm bổ sung hormone giúp cây tái tạo mủ và phục hồi tuyến mủ trở lại. Phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại Thái Lan, ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây.
Ưu điểm của phương pháp này là hấp thụ khí ethylene vào cây thông qua ống tiêm cắm vào lớp vỏ cây. Sau đó có thể kết hợp nhiều phương pháp lấy mủ, như: Khoan lỗ lấy mủ từ ống nhựa theo nhịp độ D3 hoặc theo cách cạo truyền thống với vết cạo nhỏ theo nhịp độ cạo D3, D4. Mỗi lần bơm khí sử dụng được 3 lần khoan. Sau 1 tháng thì tháo nắp chóp di chuyển vị trí mới.
NHƯNG "LÃNH ĐỦ" NẾU KHÔNG TUÂN THỦ ĐÚNG KỸ THUẬT
Hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh chỉ thấy cái lợi trước mắt, tin theo lời quảng cáo của các đơn vị cung ứng về áp dụng đại trà trên vườn cây mới khai thác, không theo quy trình kỹ thuật. Thậm chí bơm khí quá nhiều, quá lâu tại một điểm cố định dẫn đến tình trạng vỏ cây bị khô, nghiêm trọng hơn cây bị đông mủ nhanh, lớp vỏ bị sẫm màu, thoái hóa.
Anh Đoàn Văn Nhân cho biết thêm: Gia đình tôi đang thí điểm phương pháp cạo mủ bằng khí trên 200 cây cao su cận thanh lý và trên 100 cây cao su khai thác năm thứ 7. Sau khi lắp đặt và bơm khí tôi thấy có hiệu quả tức thì. Cứ 4 ngày tôi khai thác mủ 1 lần, sản lượng mủ ra nhiều hơn so với cách cạo cũ. Tuy nhiên, sau 2 tháng tôi nhận thấy mủ giảm dần và tính ra cũng không nhiều hơn là bao so với cạo truyền thống. Trước đây, tôi cạo D2 một ngày thu được 40kg mủ, giờ cạo D4 mỗi ngày khoảng 70kg nhưng công sức bỏ ra rất nhiều. Mặt khác, do cạo vào buổi chiều hôm trước và trút mủ vào sáng hôm sau nên hàm lượng mủ giảm khoảng 20%. Ngoài ra, nếu 1 tháng không dịch chuyển nút khí thì vỏ cây sẽ bị khô và hoại tử. Sau 2 tháng cạo mủ bằng khí trên vườn cao su mới khai thác, 15% số cây trong vườn bị thối vùng vỏ khoan. Những cây bị vết thối này buộc phải ngưng khai thác 1 năm chờ phục hồi mới cạo lại.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Trước tình trạng nông dân trồng cao su tiểu điền áp dụng kỹ thuật kích thích cho mủ bằng khí ethylene tăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi khuyến cáo đến các huyện, thị, thành phố đề nghị chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai thông tin đầy đủ đến nông dân về phương pháp này và tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ bảo vệ thực vật về sử dụng chất kích thích bằng khí cho cây cao su. Đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trong sử dụng khí để kích thích mủ. Chỉ áp dụng với vườn cây có tuổi thọ từ 15 năm trở lên; vườn có tán lá tốt, không nhiễm bệnh; vườn cây đã hết vỏ cạo hoặc vùng huy động mủ kém; vườn đã áp dụng cạo hủy hoặc cạo không đúng kỹ thuật. Vườn cây đang cạo ở nhịp độ D2 thì tuyệt đối không sử dụng phương pháp này...”.
Thạc sĩ Nguyễn Năng, Trưởng phòng Nghiên cứu sinh lý khai thác cao su Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam cho biết: Phương pháp khai thác mủ cao su bằng khí chỉ áp dụng trên một số giống cũ, kém hiệu quả hoặc khi cây chuyển qua cạo úp, thanh lý. Việc bơm khí cần định lượng chính xác, bảo đảm vừa với sức cây để cây cho mủ ổn định và không ảnh hưởng tuổi thọ của cây. Yêu cầu của phương pháp này chỉ nên áp dụng với cây có tuổi cạo thứ 15 trở lên. Nhưng để tăng lượng mủ đồng nghĩa với việc phải tăng lượng phân bón lên gấp đôi, bón nhiều lần và trải đều trong năm.
“Nguyên lý của việc kích thích bằng khí gas là phải giảm chiều dài miệng cạo hoặc giảm nhịp độ cạo. Phương pháp này chỉ hiệu quả trên một số giống như: RRim6, GT1, VM515. Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam đã làm thử nghiệm trên một số vườn cây ở các tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên chỉ 4-5 tháng đầu năng suất tăng rất cao so với cạo truyền thống, nhưng sau đó lượng mủ giảm dần. Vì vậy, nông dân cần thận trọng và tính toán kỹ trước khi áp dụng phương pháp này” - thạc sĩ Trương Văn Hải, Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam nói.
Từ thực tế cho thấy, muốn cạo mủ bằng khí ethylene phải thực hiện đúng phương pháp, quy trình kỹ thuật và có dụng cụ bơm khí với định lượng chính xác. Hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh đang làm theo phong trào, tự tìm hiểu qua các tờ rơi quảng cáo hoặc mạng xã hội rồi lắp đặt đại trà trên vườn cây, không có cơ quan chức năng nào quản lý, hướng dẫn. Rất mong các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân hiểu rõ ưu, khuyết điểm của phương pháp này, tránh tình trạng “tiền mất tật mang” vì thiếu hiểu biết.
Ngân Hà
Đắk Lắk: Nông dân M'Đrắk điêu đứng vì sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Mặc dù chỉ mới xuất hiện nhưng sâu keo mùa thu đã lây lan khá nhanh trên địa bàn huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk). Với đặc tính cắn phá cây trồng rất khỏe, lại phát triển nhanh, loại sâu này khiến nông dân huyện M’Đrắk thiệt hại nặng nề.
Gia đình anh Phạm Văn Bình (thôn 10, xã Ea Pil) có 3,5 ha ngô. Từ tháng 7-2019, anh xuống giống 30 kg ngô giống gieo trồng vụ hè thu, cùng với đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày đất... trên 7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cây ngô vừa lên xanh, cao khoảng 30 cm thì bắt đầu bị sâu keo phá hoại, cắn nát phần ngọn, thân đổ gục. Chỉ trong vòng một tuần, toàn bộ diện tích ngô đã bị sâu ăn mất trắng, gia đình anh Bình phải phá bỏ, cày lại đất, xử lý mầm bệnh và xuống giống đợt 2. Thế nhưng, cây trồng vẫn tiếp tục bị sâu phá hoại, gia đình anh sử dụng nhiều loại thuốc vẫn không thể cứu vãn được. Đến đầu tháng 9, anh Bình tiếp tục xuống giống đợt 3 (vụ thu đông), nhưng tình trạng bị sâu keo tàn phá vẫn diễn ra, đến ngày 14-9 vừa qua, gia đình buộc phải phá bỏ để trồng cây khác. Thiệt hại sau 3 đợt xuống giống trên 20 triệu đồng.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra tình hình bệnh sâu keo mùa thu tại một ruộng ngô ở xã Cư Prao.
Cũng điêu đứng vì sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, gia đình chị Phạm Thị Chín (thôn 1 xã Ea Pil) đã sử dụng nhiều biện pháp như: phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuê người bắt sâu trên từng cây nhằm bảo vệ diện tích ngô đã lên cao nhưng không hiệu quả. Gia đình chị Chín có 3 ha đất trồng ngô nhưng đến nay đã đầu tư hàng chục triệu đồng vẫn không có thu hoạch vì bị sâu keo mùa thu tàn phá, rẫy ngô mọc lưa thưa, thân xơ xác và èo uột không có khả năng trổ cờ, cho trái. Chị Chín than thở: “Gia đình tôi đã thử đủ loại thuốc, nhưng loại sâu này phá hoại với tốc độ rất nhanh, chỉ vài ngày là rẫy ngô đã tan nát gần hết”.
Ông Trần Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết: Xã Ea Pil hiện có 855 ha ngô, là địa phương có diện tích ngô lớn nhất huyện. Tính đến ngày 15-9, sâu keo mùa thu gây hại trên diện rộng với trên 400 ha ngô nhiễm bệnh; mật độ phổ biến 1 - 20 con/m2, xuất hiện tại hầu hết diện tích trồng ngô trên toàn xã, chưa kể đến diện tích người dân phải xuống giống nhiều lần. Diện tích ngô vụ thu đông mới lên non xanh cũng đã lây nhiễm sâu keo mùa thu, nhiều ruộng ngô chỉ mới lên cao khoảng gang tay đã bị sâu cắn cụt ngọn, trụi gốc.
Nhiều diện tích ngô tại xã Ea Pil buộc phải phá bỏ vì bị sâu keo mùa thu phá hoại.
Theo thống kê, trong vụ hè thu và vụ thu đông, huyện M'Đrắk đã xuống giống trên 6.600 ha ngô. Đến nay toàn huyện đã có trên 100 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu ở hầu hết các xã và thị trấn, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tại các xã Ea Riêng, Ea Pil, Ea Trang, Cư Prao... Thực tế ghi nhận tại các ruộng ngô được kiểm tra cho thấy, sâu keo mùa thu gây thiệt hại khá nặng trên 60%, có nơi lên đến 80 - 90% buộc người dân phải phá bỏ và trồng lại đợt mới, hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Đối với diện tích bị ảnh hưởng nhẹ, mặc dù được người dân xử lý phun thuốc, cây ngô đã dần hồi phục và đang trổ cờ, phun râu nhưng vẫn thấy triệu chứng của sâu keo mùa thu đang tấn công đục vào cờ ngô khiến một số cây ngô không trổ, thoát cờ được. Đối với diện tích thiệt hại nặng, địa phương đã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ hoặc nhổ bỏ, đốt, vùi diện tích ngô bị sâu gây hại nặng để tiêu hủy nguồn bệnh nhưng loài sâu hại mới này vẫn lây lan nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn huyện M'Đrắk có nắng nóng xen mưa rải rác là điều kiện thuận lợi để sâu keo mùa thu phát sinh, phát triển có thể gây hại mạnh từ khi cây ngô mới gieo cho đến lúc mọc 7 - 8 lá. Diện tích, mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng, không chỉ trên vụ hè thu mà còn có thể lây lan sang vụ thu đông và những vụ mùa tiếp theo. Đáng lo ngại hơn, không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện M’Đrắk đang tiếp tục điều tra, thống kê, cập nhật số liệu và theo dõi diễn biến của sâu keo mùa thu; khoanh vùng, nắm chắc diễn biến, diện tích ngô bị nhiễm; hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ, thay thế các giống ngô dễ nhiễm bệnh bằng các giống kháng sâu bệnh tốt hơn...
Thu Nguyệt
Nông dân khẩn trương vào vụ lúa – tôm
Nguồn tin: CTV Cà Mau
Tranh thủ những cơn mưa trong những ngày qua, nông dân tỉnh Cà Mau bắt tay cải tạo đất để tiến hành rửa mặn xuống giống vụ lúa – tôm. Theo ngành Nông nghiệp: Cải tạo đất rửa mặn là khâu quan trọng nên các cấp chính quyền ở những nơi sản xuất lúa – tôm cần tích cực tuyên truyền; đặc biệt là tổ chức rửa mặn đồng loạt để sản xuất đạt hiệu quả cao.
Theo kế hoạch, vụ lúa – tôm năm nay, tỉnh Cà Mau sẽ xuống giống 38.050 ha. Đến thời điểm này, đã xuống giống được gần 10.000 ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. Hiện tại, nông dân đang mở rộng diện tích áp dụng biện pháp gieo mạ để rút ngắn thời vụ kết thúc sớm vụ lúa, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, phần lớn nông dân đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa mùa địa phương dài ngày chất lượng kém sang các giống lúa chất lượng cao, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn, như: OM 2517, OM 5451, OM 6162, Camau 1, Camau 2, giống lúa đặc sản RVT, Đài Thơm 8, ST20, ST 24.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn, khuyến cáo: Bà con nên lựa chọn giống lúa ngắn ngày để sản xuất vụ lúa – tôm thay dần giống lúa một bụi đỏ, vì một bụi đỏ chịu mặn khá tốt nhưng thị trường đầu ra rất hạn hẹp, các công ty lớn người ta từ chối mua giống lúa này.
Cũng theo ngành Nông nghiệp: Trong quá trình sản xuất cần giữ mực nước trên ruộng trong suốt quá trình canh tác lúa tôm, không để ruộng bị khô, thường xuyên kiểm tra độ mặn để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong thời điểm này, bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là lượng mưa để chủ động các biện pháp giữ nước trên ruộng, gia cố bờ bao hạn chế xâm nhập mặn, nhất là thời điểm cuối mùa mưa./.
PV: Tuyết Anh
Hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: "Thông qua nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên, nông dân đã được vay vốn ưu đãi để đầu tư cải tạo, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế và giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Hội đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ gắn với tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả để nông dân "tận mắt thấy" và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tham vấn ý kiến từ các chuyên gia"...
Nông dân tham quan mô hình trồng nhãn tại Hợp tác xã nhãn Thái Thanh ở ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.
Nông dân được "cọ xát" thực tế
Mới đây, Hội Nông dân TP Cần Thơ đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ tổ chức hội thảo đầu bờ với chủ đề "Thực trạng và xu hướng phát triển cây ăn trái tại TP Cần Thơ" tại Hợp tác xã nhãn Thái Thanh ở ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Tham dự hội thảo, nhiều nông dân cho biết, nhờ những buổi hội thảo đầu bờ, cọ sát thực tế, nông dân có được nhiều thông tin, kiến thức bổ ích chăm sóc vườn cây. Từ đó, nông dân định hướng tốt hơn về lựa chọn đối tượng cây trồng có tín hiệu tốt về đầu ra và phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.
Ông Huỳnh Văn Giàu, ngụ ấp 5, xã Thới Hưng, cho biết: "Tôi có hơn 1ha trồng nhãn Ido 8 năm tuổi và đang cho thu nhập rất tốt, với trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đôi lúc vườn nhãn của tôi bông nhãn khó đậu trái do thời tiết bất lợi nên tôi rất vui khi đến hội thảo này để được trao đổi với các chuyên gia và những nhà vườn có kinh nghiệm về cách khắc phục và giúp vườn nhãn cho trái ổn định lâu dài". Do mới chuyển 5 công đất sản xuất lúa kém hiệu quả lên trồng bưởi da xanh và mãng cầu ta nên ông Võ Văn Nghĩa ở xã Thới Đông, rất cần nắm bắt thông tin về kỹ thuật trồng cây sao cho hiệu quả. Theo ông Nghĩa, tham gia hội thảo được tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, làm quen với nhiều nông dân trồng cây ăn trái để có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với nhau cho cả quá trình sản xuất lâu dài.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội nông dân thành phố cũng đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn, giống… để nông dân có điều kiện phát triển trồng cây ăn trái và các hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Đồng thời, vận động nông dân tăng cường liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi trong sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao và kết nối doanh nghiệp bao tiêu, tạo đầu ra sản phẩm ổn định.
Hướng tới sản xuất bền vững
Cần Thơ có hơn 18.466ha cây ăn trái, với sản lượng trái trên 111.520 tấn/năm. Trái cây được trồng tại hầu khắp các quận, huyện của thành phố và đa dạng về chủng loại. Nhiều diện tích trồng cây ăn trái ngon, đặc sản như: dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng, nhãn, xoài... giúp nông dân có thu nhập mỗi năm từ 300-700 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn. Song, việc phát triển vườn cây ăn trái tại nhiều nơi còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, chủ yếu bán cho thương lái nên đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Bên cạnh đó, việc phát triển trồng cây ăn trái của người dân tại nhiều nơi cũng còn gặp khó do nông dân chưa rành kỹ thuật chăm sóc cây, trong khi biến đổi khí hậu và dịch hại trên nhiều loại cây ăn trái ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng nguồn cây giống chưa đảm bảo. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.
Theo ông Lê Hữu Trạng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cờ Đỏ, tới đây cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở ngành, địa phương để tiếp tục huy động tốt các nguồn lực và tranh thủ tối đa các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật, dạy nghề trồng cây ăn trái. Khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, trong đó tập trung các giải pháp sinh học nhằm tạo các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn nhằm tạo lợi thế về chất lượng sản phẩm, quy mô hàng hóa. Quản lý chặt chẽ việc cung ứng các loại giống cây trồng, khuyến khích hình thành các cơ sở cung cấp cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã, tổ hợp tác cây ăn trái đăng ký xây dựng quy trình sản xuất VietGAP, đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn…
Huyện Cờ Đỏ hiện có hơn 3.371ha cây ăn trái các loại, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Thới Hưng với diện tích 2.887ha. Thời gian qua, nhiều nông dân trồng cây ăn trái tại huyện có lợi nhuận trên cùng diện tích cao gấp 2-4 lần so với trồng lúa. Tại huyện đã thành lập được 4 hợp tác xã và có 6 tổ hợp tác trồng cây ăn trái, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, được cấp mã Code và định vị vùng trồng nhằm đáp ứng tốt cho cả nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bài, ảnh: Khánh Trung
Thu tiền tỷ từ cây có múi
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Để có cuộc sống sung túc như hiện nay, anh Lê Hồng Khanh, nông dân ấp 3, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đã trải qua nhiều khó khăn. Với sự chăm chỉ, ý chí vượt khó vươn lên cùng sự hỗ trợ của các ngành, chính quyền địa phương anh đã phát triển thành công mô hình trang trại trồng cây có múi.
Anh Khanh giới thiệu trang trại cây có múi của gia đình. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Trong những năm 1998- 2002, anh Khanh trồng nhãn với diện tích 3,6 ha, nhưng không thành công. Qua tìm hiểu thực tế, anh đã chuyển đổi sang trồng cây quýt đường và đã thành công. Từ năm 2011, mỗi vụ quýt đường anh có lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Từ thành công ban đầu, năm 2010 anh mở thêm trang trại trồng cam, quýt rộng 13 ha ở ấp 7, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Sau khi trang trại cho thu hoạch, mỗi năm anh có lãi từ 3 - 5 tỷ đồng. Đến năm 2014, anh tiếp tục mở thêm trang trại cây có múi rộng 14 ha ở xã Trừ Văn Thố, gồm 8 ha quýt, 5 ha bưởi, 1 ha cam. Không dừng lại ở đó, năm 2015 anh mở tiếp 1 trang trại trồng quýt và cam sành rộng đến 31 ha ở xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi, anh Khanh cho biết để có được kết quả như hiện nay anh đã luôn nỗ lực trong lao động, chịu khó tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, kiến thức từ các mô hình trồng cây có múi thành công trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực của địa phương, hội nông dân các cấp… Điểm đáng chú ý, anh đã thực hiện đúng các quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, phù hợp với quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Năm 2018, trái cây có múi từ trang trại của anh được công nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.
Đến nay, gia đình anh có 62 ha cây có múi, năng suất đạt 30 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Các trang trại của anh đã giải quyết việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với mức lương trung bình hàng tháng từ 4 triệu đồng/ người trở lên. Người lao động ở đây được hỗ trợ bữa ăn sáng, nhà ở, điện, nước miễn phí; được chăn nuôi gia cầm, gia súc để cải thiện đời sống.
Ngoài nguồn thu từ cây có múi, anh Khanh còn bán phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật và cây giống. Anh cũng hỗ trợ những nông dân khó khăn bằng việc bán trả chậm, không tính lãi. Cùng với đó, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật canh tác… cho những nông dân điều kiện sản xuất còn khó khăn để cùng vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Khanh rất tích cực tham gia các hoạt xã hội, từ thiện tại địa phương, như hỗ trợ trong các chương trình lễ, tết với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên lên đường nhập ngũ… Trong nhiều năm liền, anh được hội nông dân các cấp công nhận là gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, trong năm 2019, anh là 1 trong 10 gương nông dân xuất sắc của tỉnh được tôn vinh.
THOẠI PHƯƠNG
Hậu Giang: HTX Nông nghiệp Thạnh Phước: Cung ứng hơn 12 tấn chanh không hạt/ngày
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Theo ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), thời gian qua HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng chanh trái không hạt cho các đơn vị gồm: Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, Công ty Sam San Thành phố Hồ Chí Minh, Metro Cần Thơ. Ngoài ra, HTX còn mở rộng thị trường tiêu thụ và đã hợp đồng với Công ty TNHH thương mại XaXa tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu chanh không hạt sang các nước Trung Đông, Ấn Độ,…
Phân loại chanh không hạt ở HTX Nông nghiệp Thạnh Phước.
Hiện tại, HTX bao tiêu thu mua chanh không hạt của người dân bình quân 15 tấn/ngày, sau đó rửa, phân loại đóng thùng giao cho công ty khoảng 12-13 tấn/ngày, trung bình doanh thu ước đạt khoảng 3,2 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, còn duy trì sản xuất cây giống cung ứng cho thị trường với số lượng khoảng 300.000 cây/năm. Tổng lợi nhuận từ 2 dịch vụ khoảng 3,8 tỉ đồng.
Tin, ảnh: H.TÂM
Bến Tre: Giá dừa khô nguyên liệu tăng
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Hiện nay, giá dừa khô nguyên liệu tại tỉnh Bến Tre tăng cao, gấp hơn 3 lần so với đầu năm 2019. Hiện giá dừa từ 80 - 90 ngàn đồng/chục (12 trái). Người trồng dừa phấn khởi hơn vì có thêm nguồn vốn đầu tư bón phân cho dừa sau hơn 2 năm rớt giá thê thảm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết: Đã lâu lắm rồi giá dừa mới tăng trở lại, người dân hiện nay phấn khởi. “Gia đình vừa bán hơn 1.500 trái dừa với giá 88 ngàn đồng/chục, thu về hơn 9,5 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với tháng trước đó” - ông Hiếu cho hay.
Theo bà Trần Thị Ngọc, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, hơn 1 năm qua, do giá dừa thấp, vườn dừa 8.000m2 của bà Ngọc chỉ bón phân được 1 lần, thấy giá dừa tăng mừng quá nên lấy phân về bón cho cây, chờ mấy hôm nữa bán dừa sẽ trả tiền phân bón cho cửa hàng.
Theo các thương lái thu mua dừa, giá dừa tăng do nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng mạnh, nhất là dừa hột (dừa đã bóc vỏ bên ngoài). Anh Nguyễn Văn Bằng, thương lái thu mua dừa cho biết: Ngoài nhu cầu thị trường tăng, giá các phụ phẩm từ dừa như: gáo dừa, chỉ sơ dừa, nước dừa… tăng nên đã đẩy giá dừa khô nguyên liệu tăng cao.
Phúc Nhân
Hà Nội: Xây dựng, phát triển 23 mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Đến nay, thành phố Hà Nội vẫn là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Trong đó, đàn trâu là 23.500 con với sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 1.650 tấn; đàn bò 136.000 con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10.660 tấn; đàn lợn 1,7 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 327.367 tấn; đàn gia cầm 31,5 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng là 96.786 tấn.
Ảnh minh họa
Để nâng cao giá trị gia tăng ngành chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, thành phố đã xây dựng, phát triển được 23 mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: Chuỗi thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai); chuỗi thực phẩm Tiên Viên của Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ); chuỗi trứng gà 729 của Công ty TNHH Chăn nuôi và Trồng trọt Phú An (huyện Ba Vì)...
Nhìn chung, các mô hình liên kết chuỗi phát huy hiệu quả, mang lại giá trị cao cho người dân.
NGỌC QUỲNH
Huyện Krông Ana (Đắk Lắk): Trang trại chăn nuôi C.P đứng vững giữa 'bão' dịch tả heo châu Phi
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những địa phương có số lượng heo bị mắc dịch tả heo châu Phi lớn của tỉnh. Tuy nhiên trong khi nhiều chủ trang trại, nông dân điêu đứng vì dịch bệnh thì tất cả các trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (Công ty C.P) trên địa bàn huyện vẫn đứng vững giữa "cơn bão" dịch.
Tính đến ngày 15-9-2019, toàn huyện Krông Ana có 3.222 con heo bị mắc dịch, tổng trọng lượng tiêu hủy lên đến trên 196 tấn. Hiện tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có heo bị mắc dịch tả heo châu Phi. Một số địa phương có số lượng heo dịch lớn như: thị trấn Buôn Trấp 947 con; xã Quảng Điền 496 con; xã Dur Kmăl 296 con; xã Ea Bông 291 con… Mặc dù triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch và tiêu hủy heo bệnh theo quy định, song đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp, số lượng heo mắc bệnh không có dấu hiệu dừng lại.
Trái với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số trang trại của các hộ dân, tại các trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty C.P, công tác phòng, chống dịch được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Nhờ đó, tình hình chăn nuôi ở các trang trại này vẫn duy trì bình thường giữa tâm điểm của dịch bệnh, cho lợi nhuận kinh tế cao.
Xịt khử trùng xe chở thức ăn cho heo tại trang trại hộ anh Nguyễn Văn Phước.
Hộ anh Nguyễn Văn Phước (buôn M'blớt, xã Ea Bông) bắt đầu triển khai mô hình liên kết chăn nuôi với Công ty C.P từ năm 2013. Hơn 6 năm gắn bó với mô hình nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy bất an như lần này, bởi ở địa phương tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Vì thế, việc phòng dịch luôn được gia đình anh đặt lên hàng đầu. Cụ thể, anh bố trí một hố khử trùng phương tiện trước khu vực cổng ra vào chuồng trại, bất cứ phương tiện nào ra, vào (kể cả xe máy, xe đạp của gia đình) đều phải qua hố khử trùng. Đối với xe chở cám, vận chuyển heo xuất chuồng thì kết hợp dùng máy cao áp để xịt khử trùng toàn bộ thân xe.
Trang trại của gia đình có quy mô 1.300 con heo thịt, trung bình mỗi ngày anh xịt sát trùng 1 lần, với tỷ lệ 1 lít thuốc/100 lít nước. Đặc biệt, từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện, anh mua thêm lưới chống côn trùng giăng khu vực vào chuồng trại. Bởi côn trùng là vật trung gian mang vi rút dịch tả nên khả năng lây lan rất nhanh. Cùng với đó, anh đầu tư hệ thống phun sương sát trùng khu vực chuồng trại, trung bình mỗi ngày phun 2 lần, mỗi lần 15 phút. Anh Phước chia sẻ, dịch tả heo châu Phi lây lan qua nhiều đường như: côn trùng, dòng nước, bám vào quần áo của người ở vùng có dịch đến vùng chưa có dịch… Do vậy, từ khi xuất hiện dịch, gia đình anh tuyệt đối không mua thịt heo sống mang vào khu vực trang trại chế biến. Cả nhà muốn sử dụng các sản phẩm từ heo đều phải chế biến chỗ khác.
Anh Nguyễn Minh Tân rắc vôi diệt khuẩn khu vực chứa thức ăn cho heo.
Tương tự, tại trang trại của hộ anh Nguyễn Minh Tân (cũng ở buôn M'blớt) có quy mô 1.400 con heo thịt, trung bình mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, trọng lượng hơn 1 tạ/con. Theo anh, nuôi heo tỷ lệ rủi ro cao do có nhiều loại dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu chủ động phòng ngừa thì khả năng dịch bệnh xâm nhập đàn heo sẽ hạn chế được rất nhiều. Hiện tại, ngoài việc rắc vôi từ khu vực cổng nhà ở đến chuồng trại, anh còn đầu tư hệ thống phun sương tự động để phun thuốc khử trùng. Theo đó, cứ 30 phút máy tự động phun một lần ở khu vực chuồng trại. Còn tại kho chứa thức ăn của heo, anh đang lên kế hoạch lắp bóng đèn tia UV để diệt khuẩn trên bao bì. Còn việc ra, vào khu vực chuồng trại, bắt buộc tuân thủ quy định về mặc đồ bảo hộ, ủng phải sát trùng bằng thuốc sát trùng đậm đặc.
Ông Trịnh Tấn Lực, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Krông Ana cho biết, việc thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch ở các trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty C.P là một giải pháp hiệu quả để hạn chế dịch bệnh lây lan. Trạm khuyến khích các hộ chăn nuôi và chủ trang trại tại địa phương áp dụng các quy trình này vào mô hình của gia đình để phòng, chống vi rút gây bệnh, tránh rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Theo thống kê, toàn huyện Krông Ana có 5 trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh tại Đắk Lắk, quy mô từ 1.300 đến 2.000 con heo thịt. Tính đến giữa tháng 9-2019, các hộ chăn nuôi liên kết với Công ty C.P thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi tại các trang trại này.
Hoàng Tuyết
Nhạy bén chuyển đổi vật nuôi
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Một số hộ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi đã chuyển sang nuôi các loài vật khác nhằm tạo thu nhập phát triển kinh tế.
Anh Hiệp tận dụng chuồng heo thả nuôi 10.000 con lươn.
Từ tháng 4 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại trên 50.000 con heo, chiếm khoảng 1/3 tổng đàn heo toàn tỉnh Hậu Giang. Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh, nhu cầu kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, cần phải chi hỗ trợ cho người chăn nuôi gần 90 tỉ đồng, chi phí xử lý ổ dịch bệnh trên 14 tỉ đồng. Tính đến đầu tháng 9, 456 hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả châu Phi đã nhận được tiền hỗ trợ, tổng số tiền chi cho công tác này trên 23 tỉ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại đã chuyển đổi chăn nuôi nhằm tạo nguồn thu trong thời gian chờ hết dịch tả heo châu Phi.
Hơn một tháng nay, anh Phạm Hữu Cường, ở ấp Thạnh Mỹ B, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã tận dụng chuồng heo trống để thử nuôi 300 con vịt Hà Lan. Dù chăn nuôi loài mới, nhưng anh Cường không thả nuôi theo cách truyền thống sơ sài mà làm sàn lưới cách xa mặt đất để vật nuôi có môi trường sống thông thoáng. Anh còn đặt máng ăn, làm ống nước tự động trong chuồng. Với các khoản đầu tư trên, anh Cường chỉ tốn chừng 5 triệu đồng chi phí cải tạo chuồng trại.
Anh Cường tính toán: “Cách làm này vừa tiện, lại ít tốn công chăm sóc vịt, đảm bảo an toàn, hạn chế mầm bệnh phát sinh, nhất là trong mùa mưa ẩm ướt. Dù mới chuyển sang nuôi gia cầm, nhưng tôi luôn chú ý vấn đề phòng bệnh. Đàn vịt sẽ được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tôi chuyển đổi chăn nuôi còn có ngụ ý khác là thay đổi môi trường chuồng trại sau khi phát hiện dịch tả heo châu Phi để sau này hạn chế bớt rủi ro khi tái đàn heo trở lại. Nếu thành công, sau này tôi áp dụng cả 2 mô hình, vừa nuôi vịt vừa chăn nuôi heo, tất nhiên là khi tái đàn phải được ngành chức năng cho phép”.
Các hộ chuyển đổi cho rằng ngành chức năng cần phát huy tốt vai trò liên kết, tạo đầu ra ổn định cho nông dân khi chuyển đổi sau dịch tả. Đặc biệt là giúp bà con tiếp cận được với các chính sách vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật giữa doanh nghiệp với người dân sẽ giúp người chăn nuôi có thêm kiến thức trong giai đoạn này. Bước đầu chuyển đổi rất cần sự hỗ trợ về con giống để bà con an tâm tái sản xuất.
Một số hộ có điều kiện kinh tế tương đối đã linh động chuyển đổi một cách nhạy bén, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để mang về hiệu quả kinh tế. Anh Hồ Quốc Hiệp, ở ấp Nhất, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, có trên 100 con heo bị tiêu hủy cách nay khoảng 2 tháng. Không chùn bước trước dịch bệnh, anh Hiệp tận dụng chuồng heo thả nuôi 10.000 con lươn, 100 con vịt xiêm Pháp và nuôi thêm trùn quế để vừa cung cấp cho thị trường vừa làm nguồn thức ăn cho lươn. Quy trình chăn nuôi lươn được áp dụng theo hướng dẫn của Công ty TNHH MTV dinh dưỡng và thuốc thú y Sanvet được anh áp dụng theo hướng an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Chuồng heo được thiết kế lại, ốp gạch men sạch sẽ, có hệ thống xử lý nước riêng, lắng lọc bằng men vi sinh để đảm bảo môi trường sống an toàn nhất cho vật nuôi, hạn chế dịch bệnh. Hiện được công ty cam kết đầu ra ổn định.
Anh Hiệp chia sẻ: “Diện tích nuôi lươn hiện chỉ 24m2, dự kiến sau này tôi sẽ mở rộng khoảng 300m2. Dự kiến khoảng giữa tháng 10, tôi sẽ thả nuôi 1.500 con vịt xiêm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tôi đang hướng đến chăn nuôi lươn theo hướng VietGAP và đưa sản phẩm đi xa hơn đến các thị trường lớn. Hy vọng Nhà nước sẽ sớm có những chính sách hỗ trợ đến người dân, đặc biệt là tạo cầu nối để giúp người chăn nuôi vay vốn tái sản xuất với lãi suất ưu đãi”.
Ngành nông nghiệp đã có định hướng người dân tận dụng chuồng heo sẵn có để chuyển sang nuôi các đối tượng vật nuôi khác, góp phần duy trì phát triển sản xuất và mang lại thu nhập cho bà con trong thời gian dịch tả heo châu Phi hoành hành. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một số đối tượng được khuyến cáo nuôi là gà, vịt trên đệm lót sinh học; nuôi lươn thương phẩm và các đối tượng thủy hải sản khác. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, xu hướng chuyển đổi chăn nuôi tận dụng chuồng heo để nuôi lươn, gà, vịt giúp bù đắp một lượng sản phẩm chăn nuôi đáng kể để phục vụ nhu cầu xã hội.
Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Đối với những hộ nuôi mới gia cầm, ngành đã cho lực lượng thú y địa phương rà soát, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn cách phòng bệnh, tiêm phòng đúng lịch, giúp nông dân nắm vững kỹ thuật phòng bệnh, vệ sinh môi trường chuồng trại... Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, những hộ nuôi heo lâu năm thường có xu hướng sẽ tái đàn sau khi hết dịch. Hiện giá heo hơi có chiều hướng tăng do sự chuyển dịch từ Nam ra Bắc, từ đó sẽ dẫn đến việc tái đàn không thông báo, đây là một nguy cơ khá lớn. Ngành chức năng khuyến cáo người dân chưa tái đàn khi chưa hết dịch tả heo châu Phi, khi tái đàn heo phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Bài, ảnh: KỲ ANH
Hiếu Giang tổng hợp