Tin nông nghiêp ngày 21 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 21 tháng 11 năm 2019

Kết quả mô hình trình diễn khuyến nông ‘Trồng thâm canh bưởi theo GAP’ tại Huyện Củ Chi

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM

Ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi có diện tích tự nhiên khoảng 400ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 130ha, là vùng có truyền thống lâu đời với những vườn cây ăn trái lâu năm như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt và đặc biệt là bưởi.... Bưởi là loại trái chứa nhiều vitamin C, rất có lợi cho sức khỏe như: giúp tăng cường miễn dịch, rút ngắn thời gian bị cảm lạnh, giảm lượng cholesterol xấu cho cơ thể… được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng.

Để góp phần phát triển nông nghiệp TP theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững; đồng thời khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2019, Trạm Khuyến nông Củ Chi thuộc Trung tâm Khuyến nông TP xây dựng mô hình “Trồng thâm canh bưởi theo GAP” cho 10 hộ/5ha tại ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi với tổng kinh phí thực hiện trên 80 triệu đồng, trong đó Khuyến nông hỗ trợ 100% chi phí mua giống bưởi (2.625 cây) và 30% vật tư, phân bón; còn lại 70% vật tư, phân bón là nông dân tự đối ứng. Ngoài ra, các hộ còn được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái các loại theo quy trình VietGAP để áp dụng vào thực tiễn sản xuất cây ăn trái ở địa phương.

Qua một năm theo dõi cho thấy, giống do Trung tâm Khuyến nông cung cấp được dân đánh giá đạt yêu cầu, cây khỏe, lá xanh mướt, tỷ lệ sống đạt trên 90%, cây thích nghi tốt với điều kiện thỗ nhưỡng địa phương và các chỉ tiêu về mặt kỹ thuật đều đạt yêu cầu như: chiều cao trung bình đạt khoảng 1,36m, mỗi cây 2 -3 cành nhánh. Nhiều hộ tham gia mô hình đã bắt đầu tỉa cành, tạo tán cho cây. Trong thời gian chăm sóc, cây bưởi cũng xuất hiện một số bệnh như sâu vẽ bùa, ốc sên. Các hộ đã được cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ… Bưởi là cây trồng lâu năm, từ khi trồng đến 3 - 4 năm sau mới bắt đầu cho thu hoạch nên hiện nay chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế mô hình. Để tăng nguồn thu nhập trong giai đoạn bưởi còn nhỏ, nhiều hộ đã chủ động trồng xen canh “lấy ngắn nuôi dài” các loại cây trồng khác như sả, chuối, ổi .. và đặc biệt là rau móp – một loại rau đặc sản của địa phương thật sự cải thiện đời sống và có tích lũy để mua vật tư phân bón cho cây bưởi.

Theo Ông Nguyễn Văn Buồm, ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi: Hiện nay nhiều nông dân địa phương đang mở rộng diện tích cây ăn trái, trong đó có bưởi để đón đầu khi tuyến du lịch tại xã Trung An chính thức hoạt động. Với mô hình bưởi mà Khuyến nông chuyển giao cho bà con đã đáp ứng đúng định hướng của địa phương và nguyện vọng của người dân. Đến nay mô hình được đánh giá là đạt, bà con rất hoan nghênh. Thời gian tới đề nghị Khuyến nông cần chuyển giao nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao phù hợp thổ n hưỡng và thị trường chấp nhận giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Võ Ngọc Đẹp – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhấn mạnh: Từ năm 2016, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo diện tích bưởi da xanh ở các tỉnh miền Đông Nam bộ tăng quá nhiều, khả năng thị trường tiêu thụ không đảm bảo, tuy nhiên với xã Trung An, huyện Củ Chi chúng tôi vẫn chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, vì đây là địa bàn thuận lợi sẽ phát triển du lịch sinh thái cây ăn trái và là địa phương của TP. Hồ Chí Minh nên lượng sản phẩm cây ăn trái chưa đáp ứng đủ một phần nhu cầu của người tiêu dùng thành phố, hiện nay sản phẩm nông nghiệp chủ yếu nhập từ các tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích tăng diện tích mà phải tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để tăng chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng là thành công. Với ý kiến cần phát triển mở rộng thêm đối tượng cây trồng là cây rau Móp, đề nghị bà con trong ấp họp lấy ý kiến và tham mưu cho UBND xã tổ chức hội thảo từ đó xã sẽ có định hướng xác định đối tượng cây trồng phù hợp trên địa bàn. Về nguồn lao động phục vụ cho nông nghiệp ngày càng khan hiếm hướng tới xã và UBND huyện và các cấp ban ngành cần tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để giảm được công lao động, giảm chi phí, giúp nông dân phát triển sản xuất, hình thành tổ chức sản xuất áp dụng quy trình sản xuất tạo sản phẩm chất lượng và cách dịch vụ sản xuất.

Trúc Minh

Liên kết sản xuất cà phê sạch tại Gia Lai: Hướng đi bền vững

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm gần đây, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân trong tỉnh Gia Lai đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP. Việc liên kết này nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của ngành sản xuất cà phê.

Gia Lai hiện có hơn 97 ngàn ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pah, Chư Pưh và TP. Pleiku. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh hơn 83 ngàn ha, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và tái canh.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng các mô hình sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP. Trong số này có mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao do Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) triển khai năm 2019 với sự tham gia của 30 hộ dân, mỗi hộ 1 ha. Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ phân bón và tập huấn kỹ thuật sản xuất.

Ông Trần Thiện Văn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) bên vườn cà phê chất lượng cao. Ảnh: N.D

Là một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, ông Trần Thiện Văn (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê kinh doanh đã nhiều năm. Niên vụ này, gia đình tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao với diện tích 1 ha. Sau khi sử dụng phân sinh học được hỗ trợ để bón cho vườn cây, tôi nhận thấy 1 ha cà phê này phát triển tốt hơn so với số còn lại. Tôi đang bắt đầu thu hoạch 1 ha cà phê tham gia mô hình, năng suất dự kiến đạt 6 tấn nhân, cao hơn rất nhiều so với trước. Sau vụ thu hoạch này, gia đình sẽ đầu tư sản xuất 2 ha còn lại theo quy trình canh tác chất lượng cao”.

Trước khi tham gia mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao, những năm gần đây, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring cùng hàng trăm hộ dân làng Ia Ring đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C với diện tích khoảng 400 ha. Khi tham gia liên kết, người trồng cà phê được tập huấn quy trình tưới nước, làm cỏ, bón phân và ghi chép đầy đủ nhật ký nông hộ khi thu hoạch. Cà phê thu hoạch được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống 200-300 đồng/kg. Ông Nguyễn Chiến (làng Ia Ring) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 3 ha cà phê kinh doanh trồng bằng giống mới TRS1 và TRS4 đã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, năng suất bình quân đạt 5 tấn nhân/ha. Cà phê cho nhân to nên các công ty thu mua rất ưa chuộng”.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 1.000 ha cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, organic. Ảnh: Đức Thụy

Ngoài Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring, hiện nay, nhiều hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ông Trần Ngọc Hưng (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi đã tham gia tổ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C của xã Trà Đa với diện tích khoảng 1,8 ha. Qua thu hoạch, năng suất cà phê đạt 4-4,5 tấn nhân/ha. Sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, sản phẩm cà phê làm ra luôn được các công ty thu mua với giá cao hơn so với sản xuất thông thường”. Cũng theo ông Hưng, mỗi vụ, gia đình ông lãi khoảng 100 triệu đồng từ vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-thông tin: “Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Ngoài ra còn có 45 ha cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất theo tiêu chuẩn organic. Lợi ích của việc sản xuất theo các tiêu chuẩn là sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng; môi trường được bảo vệ nhờ người dân không sử dụng các loại hóa chất độc hại để canh tác”.

NGUYỄN DIỆP

Báo động kém an toàn về điện tại các vườn thanh long ở Tiền Giang

Nguồn tin: VOV

Việc mắc hệ thống dây dẫn điện, lắp đặt trụ điện để “xông đèn” chưa đảm bảo kỹ thuật, kém an toàn, đe dọa tính mạng người dân ở Tiền Giang.

Hiện nay, ở các vườn trồng cây thanh long tại Tiền Giang thường xuyên xảy ra tình trạng dây điện thả ngổn ngang, thậm chí nằm dưới mặt đất, kéo ngang kênh mương, đường giao thông; nhiều trụ điện nghiêng ngã, dây điện mắc chằng chịt… kém an toàn.

Thời gian qua, tại vùng trồng thanh long chuyên canh ở địa phương này đã xảy ra rất nhiều vụ chết người do điện giật. Chỉ tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có ít nhất 5 trường hợp bị tử vong do chạm vào đường dây có điện trong vườn thanh long.

Người trồng thanh long ở tỉnh Tiền Giang sử dụng điện" xông đèn" vào đêm cho cây ra hoa nghịch vụ.

Trao đổi với VOV, lãnh đạo điện lực địa phương cho biết, đơn vị chỉ quản lý trước bình hạ thế. Phần sau hạ thế do trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Riêng các nhà vườn trồng cây thanh long thì cho rằng, hệ thống mắc dây điện, bình điện kém an toàn là do các hộ chuyên làm nghề “xông điện”. Khi có nhu cầu “xông điện” cho vườn cây thì nhà vườn yêu cầu các hộ này đến mắc dây, kéo điện.

Bà Nguyễn Thị Lan- một người dân trồng cây thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, rất lo ngại về sự cố chết người do xông điện. Mới đây, tại địa phương có một cụ già ra vườn cắt thanh long vào ban đêm chạm nhằm dây dẫn điện bị giật chết tại chỗ.

“Kéo dây điện đi qua bên kia sông. Xông điện rồi mà để ngày mai kéo điện nữa. Buổi tối, bà cụ ra cắt thanh long, chạm hay đạp điện bị giật chết, người nhà không hay. Bây giờ xông điện phải cẩn thận hơn, khi kéo đầu dây điện phải làm cho cẩn thận”, bà Lan nói./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Dong riềng được giá

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 820ha dong riềng, giảm gần 200ha so với năm trước. Kết thúc khung thời vụ, toàn tỉnh chỉ trồng đạt khoảng 60% kế hoạch. Diện tích giảm sâu nên giá củ dong thu mua tại xưởng năm nay tăng khá cao.

Chế biến dong riềng tại cơ sở Nhất Thiện.

Năm 2019, huyện Na Rì dự kiến trồng trồng 450ha dong, nhưng chỉ trồng được hơn 240ha. Một số xã được giao chỉ tiêu trồng nhiều như Côn Minh được giao 90ha thì mới thực hiện đạt hơn 50%; xã Đổng Xá được giao 50ha, thực hiện đạt 28ha; Cư Lễ được giao 50ha, thực hiện đạt 45ha... Tương tự vậy, huyện Ba Bể trồng được hơn 100/200ha. Nhiều xã có truyền thống trồng dong nhưng năm nay không trồng. Xã Mỹ Phương là “thủ phủ” dong riềng của huyện Ba Bể cũng chỉ trồng được hơn 10ha…

Nguyên nhân dẫn tới nhiều địa phương giảm diện tích trồng dong là do vụ năm 2018, giá củ dong thấp, có thời điểm chỉ còn 900 đồng/kg; lúc cao nhất cũng chỉ đạt 1.300 đồng/kg (trong khi giá ký hợp đồng tiêu thụ giữa cơ sở chế biến và người trồng dong là 1.500 đồng/kg). Không những thế, có nơi người trồng dong không có đơn vị bao tiêu, hoặc có đơn vị đã ký bao tiêu nhưng tới vụ thu hoạch lại hạ giá và cuối cùng không thu mua. Nhiều diện tích soi, bãi năm trước được người dân sử dụng để trồng dong riềng thì năm nay chủ yếu được trồng ngô, đỗ hoặc các loại cây ngắn ngày khác.

Có thể thấy, bên cạnh hạn chế trong thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu của các địa phương, thì việc lên xuống thất thường của giá củ dong đã tác động đến tâm lý của người dân. Khiến họ chuyển sang những loại cây trồng khác.

Hiện nay, dong riềng đang vào vụ khai thác. Do diện tích giảm nên giá dong tăng khá cao, đạt 1.800 đồng/kg tại xưởng, giúp cho người trồng dong có thu nhập hiệu quả. Tuy nhiên, diện tích quá ít nên dự báo thiếu bột sản xuất miến trong năm 2020 là có cơ sở. Ông Nguyễn Văn Thiện- Chủ cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện cho biết: Năm nay, cơ sở hợp đồng với người dân xã Xuân La (Pác Nặm) và huyện Chợ Đồn khoảng 20ha; thu mua ở xã Mỹ Phương khoảng 10ha nên chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu, đồng nghĩa với việc phải mua bột từ Cao Bằng, Sơn La mới đủ để sản xuất miến.

Tại Côn Minh, chủ cơ sở miến dong Chính Tuyển cho biết năm nay thiếu nguyên liệu trầm trọng. Cơ sở đã thu mua dong củ với giá 2.000 đồng/kg tại xưởng, nhưng cũng không đủ nguyên liệu để chế biến. Việc thu mua tích trữ bột để sản xuất sẽ gặp khó khăn do giá tăng vì lượng bột dong ít.

Thực tế cho thấy, trong khi việc quy hoạch, định hướng, đưa ra chỉ tiêu hàng năm của cơ quan quản lý đối với cây dong riềng còn hạn chế thì việc người dân phát triển cây dong riềng một cách tự phát, lúc tăng, lúc giảm là không có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp. Sự thất thường về vùng nguyên liệu đang làm cho nhiều cơ sở sản xuất miến dong gặp khó. Năm 2018, diện tích dong lớn, sản lượng cao thì giá thấp; năm 2019, diện tích nhỏ thì giá cao. Năm 2020 cây dong riềng sẽ phát triển như thế nào, rất cần các cấp, các ngành chức năng quan tâm và có chính sách vận động, điều chỉnh phù hợp./.

Phan Quý

Vĩnh Phúc: Hiệu quả trồng măng tây theo hướng VietGap

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Măng tây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua bởi giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, trồng măng tây theo hướng VietGap đang được HTX Ngọc Phúc ở thôn T80, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) mạnh dạn đưa vào trồng và đạt được những hiệu quả bước đầu.

Mô hình trồng măng tây của HTX Ngọc Phúc, thôn T80, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) với quy mô hơn 2ha tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Chu Kiều

Những năm gần đây, cây măng tây được đưa vào trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, được đánh giá là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ khá lớn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhận thấy nhu cầu thị trường về cây măng tây lớn, tháng 7/2018 HTX Ngọc Phúc đã thuê 2ha đất trong thời gian 5 năm để hình thành vùng trồng cây măng tây theo hướng VietGap.

Ban đầu, HTX phải thuê người cải tạo đất, phát quang cây dại, mua phân chuồng, phân hữu cơ về cải tạo đất và 1.000 bao trấu để vun luống; kéo 1.000m dây điện nhằm cấp điện cho khu vực sản xuất; xây 3 bể chứa nước với dung tích 10m3/bể, lấy nước từ suối trữ lại rồi dẫn nước vào bể tưới trong vườn, sau đó nước theo máng chảy về nhỏ giọt tưới tới từng thân cây.

Ngoài ra, HTX còn đầu tư thiết kế hệ thống tưới bảo đảm đất đủ độ ẩm thích hợp để cây trồng sinh trưởng tốt; nhập 30.000 cây măng tây giống loại F1 từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam về trồng trên diện tích 2ha. Công tác xây dựng hạ tầng, ổn định vùng sản xuất của HTX vào khoảng 3 tháng với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Được sự cố vấn của kỹ sư Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nên khi lựa chọn giống cây trồng chủ lực, Ban Giám đốc HTX tính toán rất kỹ lưỡng từ nguồn giống, đất trồng, nguồn nước đến việc bao tiêu đầu ra sản phẩm ổn định.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Năng, kỹ sư Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: ¾ thời gian sinh trưởng của ngọn măng tây đều ở trong đất, vì thế người trồng măng tây phải chú ý đến vùng đất trồng, phải là đất nhẹ, tơi xốp, tầng canh tác dày và giàu chất hữu cơ, như vậy sẽ hạn chế được hiện tượng thối hỏng bộ rễ. Việc sử dụng 100% phân bón hữu cơ giúp cây măng tây tăng khả năng phát triển, thúc đẩy quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng sản lượng, chất lượng, thời gian thu hoạch và tuổi thọ của măng. Để giữ cây măng tây đứng thẳng, bà con cần làm giàn, giăng dây để chống đổ ngã cây.

Dù ban đầu gặp khó khăn do bà con nông dân chưa quen với cây trồng mới, việc hạn chế sử dụng phân hóa học, không phun thuốc BVTV; và bị "giam vốn" do loại cây này trồng khá lâu mới cho thu sản phẩm, thế nhưng sau một thời gian đồng hành cùng HTX, tất cả bà con tham gia sản xuất đã tin tưởng những vấn đề mà HTX đưa ra.

Hiện tại, 2ha măng tây sau hơn 11 tháng trồng và chăm sóc, mỗi ngày cho thu 50kg với giá bán 70 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng, chợ trên địa bàn thành phố Phúc Yên và Hà Nội. Từ đó, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; khoảng 10 lao động thời vụ với mức công nhật 230 nghìn đồng/ngày.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX Ngọc Phúc cho biết: Măng tây là loại cây trồng quanh năm, nhưng chỉ thực sự thu hoạch khi trồng sau 6 tháng, sản lượng thu hoạch tăng dần qua từng năm và được thu liên tục trong khoảng 8 – 10 năm. Cây măng tây sinh trưởng phát triển nhanh, sau một đêm mầm măng có thể dài thêm từ 10 – 15cm nên người trồng phải lưu ý, khi chồi măng nhú lên mặt đất khoảng 25 – 30cm, phải thu hoạch ngay để có những chồi măng chất lượng nhất.

Được biết, trong năm đầu tiên, mỗi gốc măng tây cho từ 2 – 3 chồi mỗi ngày, nhưng từ năm thứ 3 trở đi, mỗi gốc măng tây có thể cho thu hoạch từ 7 – 10 chồi. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của cây là không cần sử dụng thuốc BVTV, chính vì không cần phun và bón các loại hóa chất nên măng tây xanh được xem là loại rau sạch, an toàn; có hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều dược tính, măng tây ngày càng trở thành món ăn bổ dưỡng và có thể chế biến thành trà uống giúp điều hòa huyết áp, phòng chống ung thư, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể con người.

Với tâm huyết, sự yêu nghề cùng việc đầu tư bài bản, tin rằng thời gian tới, sản phẩm măng tây mang thương hiệu HTX Ngọc Phúc sẽ được biết đến nhiều hơn nữa và sẽ có ngày càng nhiều bà con nông dân gắn bó, làm giàu từ cây măng tây. Định hướng giữa năm 2020, HTX tiếp tục thuê đất, mở rộng diện tích trồng măng tây lên 4ha và trồng thêm 30.000 cây măng tây, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm cho và thu nhập ổn định cho ngày càng nhiều lao động địa phương.

Bảo Anh

Hội nghị Giới thiệu Công nghệ chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch

Nguồn tin:  Khuyến Nông TPHCM

Trong khuôn khổ Hội chợ - Triển lãm Công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TP Hồ Chí Minh lần II năm 2019 và Hội chợ Hàng Khuyến mại quận Tân Bình năm 2019 và nhằm nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch phục vụ cho tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Công nghệ chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch”. Tham dự hội nghị có Ông Nguyễn Văn Đức Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp, Đại diện lãnh đạo các Phòng ban UBND quận Tân Bình, cùng các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Khai mạc hội nghị, Ông Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết: Theo các nhà nghiên cứu nông nghiệp, rau củ quả thất thoát sau thu hoạch là 30%, trái cây thất thoát 20% và các mặt hàng khác là 20 – 30%. Như vậy có thể nói cùng với tình trạng được mùa mất giá thì bà con nếu không có giải pháp giảm thất thoát sau thu hoạch thì tổn thất càng lớn hơn,... Trong khuôn khổ hội nghị hôm nay mong muốn giới thiệu với bà con nông dân các công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch đáp ứng được điều kiện khí hậu, thời tiết, sinh thái của Thành phố. Qua hội nghị này chúng ta hướng tới tầm làm sao các sản phẩm được nâng cao giá trị vươn tới xuất khẩu nông sản.

Chế biến và bảo quản sau thu hoạch là công đoạn rất quan trọng trong chuỗi sản xuất nông sản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, điều tiết thị trường, góp phần tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Thông qua hội nghị các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông cùng nhau trao đổi, thảo luận một số công nghệ mới có khả năng ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch tại thành phố hiện nay.

Nhiều công nghệ đã được giới thiệu tại hội nghị như: Công nghệ chế biến củ quả sấy giòn, công nghệ chế biến mứt quả nghiền, quả lên men,...phát triển sản phẩm từ nguyên liệu trái cây như thanh long, xoài, chuối,... Công nghệ Ứng dụng năng lượng mặt trời với công nghệ sấy động trong chế biến nông sản và thủy sản rất phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ đã giúp rút ngắn thời gian sấy, giảm tiêu tốn nhân công và mặt bằng, nâng cao chất lượng và cảm quan sản phẩm, giải quyết tốt vấn để nhiễm bụi và vi sinh, không phụ thuộc thời tiết thất thường. Bên cạnh đó hội nghị cũng được công ty AtaLink giới thiệu về giải pháp chuỗi cung ứng toàn diện trên nền tảng giao dịch điện tử giúp doanh nghiệp kết nối giao thương B2B, quản lý hoạt động mua hàng và bán hàng nhằm đưa sản phẩm đến khách hàng.

Sau hội nghị, các đại biểu đã tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch tại Hội chợ triển lãm Công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản TP. Hồ Chí Minh năm 2019.

T.Nguyên

Hưng Yên: Gà Đông Tảo được định hướng tiêu chuẩn hóa xếp hạng 5 sao trong Chương trình OCOP

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025, gà Đông Tảo là một trong những sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương tham gia Chương trình OCOP, như: Các xã Đông Tảo, Dạ Trạch, Bình Minh, Tân Dân (Khoái Châu); phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên); các xã Đức Hợp, Nghĩa Dân, Vũ Xá (Kim Động). Qua đánh giá sơ bộ, sản phẩm được xếp hạng 4 sao với tổng số 85 điểm (theo bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm OCOP). Theo định hướng đến năm 2025, gà Đông Tảo là một trong những sản phẩm được tiêu chuẩn hóa trở thành sản phẩm xếp hạng 5 sao trong Chương trình OCOP của tỉnh.

Phạm Đăng

Nuôi gà đen bản địa – món ‘hời’ của người vùng cao

Nguồn tin: VOV

Với mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, mô hình nuôi gà đen (gà H Mông) bản địa đang được nhiều hộ gia đình ở Lao Cai đẩy mạnh giúp phát triển kinh tế.

Giống gà đen bản địa ở vùng cao Lào Cai (còn được mọi người biết đến là gà H Mông) là giống gà quý hiếm, chất lượng bậc nhất ở nước ta. Song song với việc bảo tồn, quá trình phát triển giống gà này ngay tại địa phương đã cho thấy không cần phải nhìn đâu xa, chính những người đồng bào thiểu số ở vùng cao, là chủ nhân của giống gà này hoàn toàn có thể làm giàu từ nó.

Sinh ra tại mảnh đất vùng cao nghèo khó, từ nhỏ, anh Hoàng Seo Sanh, người Mông ở thôn Nà Chí Phàng, xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã quá quen với những con gà đen sì từ đầu đến chân, cả ngày kiếm ăn tha thẩn quanh sân vườn. Trong thôn, nhà nào cũng nuôi, song nhiều lắm chỉ đôi ba chục con, thi thoảng khi nhà có việc mới mổ thịt, chứ chẳng ai nghĩ tới nuôi gà để làm giàu.

Gà đen bản địa rất phù hợp với khí hậu và tập quán chăn nuôi của đồng bào vùng cao.

Cho đến năm 2015, khi bắt đầu có dự án của huyện đưa giống gà đen bản địa về phát triển, anh mới biết đây là giống gà quý hiếm, đã được bảo tồn gen thành công, giờ quay về nhân rộng cho chính quê hương vùng cao này. Tháng 8/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh mở rộng, cấp thêm cho anh 170 con gà đen giống thuần, đến nay phát triển rất tốt, con nào con ấy khỏe mạnh, mấy nữa bán đi cũng đủ cho cả gia đình có một cái tết to.

Anh Sanh chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi cũng nuôi nhưng ít, lẻ tẻ, chưa tập trung. Giờ rất nhiều người hỏi mua nhưng cũng chưa nhiều, chỉ thi thoảng bán một vài con, giá cả tăng nên chúng tôi cũng muốn rào rộng vườn chuồng để chăn nuôi nhiều hơn".

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai cho biết, xã có gần 500 hộ dân, với 99% người dân tộc Mông, đa phần các hộ còn nghèo khó. Vài năm trở lại đây, khi mô hình chăn nuôi gà đen được áp dụng đã góp phần tích cực giúp bà con phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã có trên 60 hộ dân tham gia nuôi giống gà này.

Theo ông Toán, nuôi gà đen rất dễ, ở Lùng Sui hầu như nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, chỉ cần rào quây lại cho gà “ăn dưới đất, ngủ trên cây”, như thế gà sẵn có không gian rộng rãi để “tập thể dục” giúp thịt thêm săn chắc, phân gà thải ra lại bón trực tiếp cho cây thêm tốt. Chưa kể, ở Lùng Sui, nhiều hộ gia đình lực lượng lao động chính đi làm thuê xa nhà, nên chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ, “lấy ngắn nuôi dài” từ nuôi gà đen với những hộ neo người là hết sức khả thi. Cùng với đó, sẵn thóc, ngô cứ tung ra cho ăn là chúng lớn, trong khi thịt gà đen ngoài thị trường luôn cho giá cao.

"Hiện nay trên thị trường, 1 kg gà đen có thể bán được 180.000 - 200.000 đồng, mỗi lứa bình quân 1 hộ có thể thu về 20-30 triệu đồng. Từ nay đến năm 2020 chúng tôi phấn đấu mỗi hộ 1 năm nuôi được 3-4 lứa để làm sao luân phiên lúc nào cũng có gà xuất, ổn định kinh tế cho người dân.

Chúng tôi xác định chăn nuôi gà đen có thể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là thay đổi từ cách làm lạc hậu của người dân trước đây sang hình thức mới, chăn nuôi với quy mô lớn hơn" - ông Hảng Seo Toán cho biết.

Khác với giống gà ác, chân gà đen bản địa rất nhỏ và chỉ có 4 ngón.

Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cái hay của loài gà này ở chỗ, chúng vốn là giống gà của chính người Mông, nên rất phù hợp với khí hậu, cũng như cách nuôi chăn thả của người vùng cao. Thực tế ghi nhận, tỷ lệ sống, thích nghi của gà đen bản địa rất cao, gần như tuyệt đối, khác hẳn các giống gà lai khác cùng nuôi tại địa phương.

Đặc biệt, gà đen bản địa khác hoàn toàn với loài gà ác dù cùng thịt đen, xương đen, nhưng vẫn dễ dàng phân biệt nhờ các đặc điểm nổi bật như sở hữu mào đen, chân nhỏ và chỉ có 4 ngón. Thêm vào đó, so với gà ác thì gà đen bản địa thuộc hàng “đẳng cấp”, mang tính đặc trưng của địa phương hơn nhiều.

Ông Nguyện cho biết: "Hay nhất ở đây là gà đặc sản, chất lượng thịt thơm ngon, độ dinh dưỡng rất cao, đặc trưng nữa là tất cả cơ thể gà đều có màu đen tạo ra loại đặc sản hiếm có, đó là những điều kiện cần thiết để xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương cũng như của tỉnh trong giai đoạn tới".

Sau thành công bước đầu tại Si Ma Cai, tới đây mô hình chăn nuôi gà đen sẽ được mở rộng ra các địa bàn vùng cao khác của tỉnh Lào Cai, hứa hẹn mở ra hướng sinh kế mới cho đồng bào. Từ bán thịt, bán giống, đến bán thành phẩm vốn gắn với thương hiệu sẵn có của Lào Cai, như: gà đen hầm tam thất Si Ma Cai, phở gà đen Bắc Hà, gà đen gác bếp… Khi đó, nhiều người vùng cao có lẽ chẳng cần đi đâu xa làm thuê, bởi “món hời” vốn dĩ nằm ngay ở dưới chân mình./.

An Kiên/VOV-Đông Bắc

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop