Sắp diễn ra hai hội chợ về nông nghiệp và thủy sản
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Sáng 17-9, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thông tin về hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 (AgroViet 2019) và hội chợ các sản phẩm thủy sản thành phố Hà Nội năm 2019.
Theo Ban Tổ chức, hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được tổ chức thường niên của ngành Nông nghiệp... Hội chợ năm nay dự kiến thu hút 250 gian hàng của gần 200 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, trưng bày các sản phẩm máy móc chế biến nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, nông sản an toàn, giống cây trồng, vật nuôi...
Trong khuôn khổ hội chợ, diễn ra các hoạt động như: Hội thảo, hội nghị, diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Hội chợ diễn ra từ ngày 26 đến 29-9, tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).
Về hội chợ các sản phẩm thủy sản thành phố Hà Nội năm 2019, Ban Tổ chức cho biết, hội chợ dự kiến thu hút 100 gian hàng của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị tham gia giới thiệu các thành tựu về nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, chế biến, tiêu thụ thủy sản…
Trong khuôn khổ hội chợ, diễn ra các hoạt động, như: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; giới thiệu xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản… Hội chợ diễn ra từ ngày 8 đến 13-10, tại Nhà triển lãm nông nghiệp Việt Nam (số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).
ĐÀO HUYỀN
Một nhà nông đam mê sáng chế
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Trong quá trình lao động sản xuất, ông Nguyễn Hữu Trí (thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã cải tiến thành công máy làm đất sản xuất, giúp giải quyết thiếu hụt nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản phẩm máy làm đất của ông đã được giải khuyến khích tại hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh năm 2018 - 2019.
Ông Trí chia sẻ, gia đình ông có 0,7ha đất trồng tỏi, dưa hấu và đậu phộng. Vào mùa vụ, ông phải thuê hàng chục nhân công từ việc làm cỏ, xới đất, làm rãnh... tốn nhiều chi phí sản xuất. Hơn nữa, việc thiếu nhân công thường xuyên xảy ra, dẫn đến chậm mùa vụ. Với tình trạng đó, ông luôn trăn trở làm thế nào để chuyển từ lao động chân tay sang cơ giới hóa, giúp cắt giảm chi phí. Từ suy nghĩ, ông bắt đầu lên mạng tìm hiểu thông tin cộng với kinh nghiệm từng học qua cơ khí, ông đã mua các bộ phận riêng lẻ như: đầu máy nổ Honda, các loại sắt V2, V3, sắt ống tiếp tròn dùng để làm khung máy... về tự mày mò hàn, lắp ráp.
Chiếc máy làm đất do ông Trí cải tiến.
Sau thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều lần thất bại, nhiều đêm không ngủ, chiếc máy làm đất sản xuất đầu tiên của ông Trí ra đời với các chức năng: cày lật, băm, đảo đất, trang đất lấy mặt bằng, đánh rãnh, xới cỏ… Chi phí lắp máy chỉ 5 triệu đồng. Từ khi có máy, việc sản xuất của gia đình ông trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Theo tính toán của ông Trí, từ tháng 6-2017 đến nay, nhờ sử dụng máy làm đất mà mỗi vụ gia đình ông tiết kiệm được hơn 22 triệu đồng tiền công lao động.
Không chỉ sử dụng cho gia đình, ông Trí còn giúp những hộ lân cận làm đất để kịp thời vụ. Ông Trí chia sẻ: “Tôi làm ra máy không phải để bán, mà để giúp gia đình và giới thiệu để người dân dựa theo mẫu mã đó đặt các cơ sở cơ khí làm”. Ông Phan Văn Dũng (thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 0,6ha đất chủ yếu trồng đậu phộng, dưa hấu và tỏi. Từ khi có máy làm đất của ông Trí, gia đình tôi không còn lo lắng thiếu nhân công làm đất, hiệu quả của máy gấp 5 lần so với công lao động phổ thông. Đặc biệt, máy rất dễ sử dụng nên tôi thường xuyên mượn về tự điều khiển”.
Theo ông Đỗ Công Tân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thọ, những năm gần đây, một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được nông dân chuyển đổi sang trồng hoa màu. Hiện nay, diện tích hoa màu trên địa bàn xã khoảng 150ha. Để sản xuất cây hoa màu, với diện tích trên, người dân phải mất khoảng 30.000 công lao động, tương đương 200 công/ha (200.000 đồng/công) từ công cày đất, đánh rãnh đến bón phân… chí phí hết khoảng 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu dùng máy làm đất hoa màu của ông Trí, chi phí làm đất chỉ khoảng 8 triệu đồng/ha. “Việc ông Trí chế tạo thành công máy làm đất hoa màu góp phần rất lớn trong việc giải quyết thiếu hụt nhân công vào vụ mùa cho người dân, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã Ninh Thọ đã nhân rộng được 3 máy làm đất loại này”, ông Tân nói.
KHÁNH HÀ
Xúc tiến thương mại cho hồng không hạt và nông sản Bắc Kạn
Nguồn tin: Báo Bắc Kạn
Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn (từ ngày 20 - 26/9) tại Siêu thị Big C (Hà Nội) là cơ hội quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại và tạo lập mạng lưới tiêu thụ ở thị trường nội địa, nhất là tại thủ đô Hà Nội.
Tỉnh Bắc Kạn tăng cường xúc tiến thương mại các nông sản chủ lực như cam, quýt, hồng không hạt... tại thị trường Hà Nội
Là cây ăn quả đặc sản, hiện nay cây hồng không hạt đang được tỉnh chú trọng phát triển diện tích, xây dựng thương hiệu, hướng đến sản xuất chuyên canh hàng hóa. Toàn tỉnh đang có 760ha trồng hồng không hạt, quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng cây hồng không hạt đạt 1.000ha, sản lượng dự ước khoảng 7.000 tấn.
Cũng giống như nhiều nông sản khác, mặc dù có thương hiệu, chất lượng ưu việt, song quả hồng không hạt Bắc Kạn vẫn chưa có thị trường bền vững, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và bán cho thương lái. Thực tế cho thấy, do thiếu sự liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên chưa có được các hợp đồng tiêu thụ giá trị kinh tế với các doanh nghiệp hay hệ thống siêu thị ngoài tỉnh. Thị trường rộng lớn mang tính ổn định, bền chặt là điều mà tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và kết nối cho quả hồng không hạt nói riêng cũng như các nông sản đặc sản của tỉnh nói chung.
Mới đây, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Centra Group Việt Nam, thống nhất việc thúc đẩy tiêu thụ một số sản phẩm nông sản Bắc Kạn. Dự án Sinh kế cộng đồng của Tập đoàn Central Group Việt Nam đã tiến hành khảo sát, lựa chọn được 06 sản phẩm có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh có thể đưa vào hệ thống Siêu thị Big C, gồm: Hồng không hạt, bí xanh thơm, hạt dẻ, măng khô, su su, gà đồi.
Cụ thể hóa kế hoạch triển khai hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 20 – 26/9, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Tuần lễ giới thiệu Hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội). Sản phẩm chủ đạo của đợt xúc tiến thương mại lần này là sản phẩm hồng không hạt, ngoài ra còn có các sản phẩm nông sản sạch có thế mạnh của tỉnh như: miến dong, cam quýt, gạo Japonica (VAAS16), gạo Bao thai Chợ Đồn, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn (gạo nếp thơm), bí xanh thơm, hạt dẻ, măng khô, gà đồi...
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đinh Lâm Sáng cho biết: "Có tất cả 16 gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản sạch, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh. Các nông sản tham gia đều là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Riêng hồng không hạt sẽ có 2 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của huyện Chợ Đồn và huyện Ba Bể, qua đó nhằm quảng bá, phát triển thương hiệu hồng không hạt Bắc Kạn đến người tiêu dùng thủ đô, là bước đệm để có thể đưa vào siêu thị khi đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn”.
Tuần lễ giới thiệu Hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tại Siêu thị Big C là cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn nói chung và hồng không hạt nói riêng tại thị trường nội địa, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội./.
Lê Trang
Chủ động đầu ra nhờ trồng xoài có kiểm soát chất lượng
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Thay vì thấp thỏm, lo lắng xoài bán không được giá khi vào chính vụ, khoảng hơn 1 năm qua, nhờ chuyển đổi canh tác xoài theo hướng hữu cơ nên nhà vườn Lê Thanh Tùng ngụ xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) yên tâm hơn trong sản xuất. Điều mà ông Tùng cảm thấy tâm đắc nhất là từ khi chuyển sang sản xuất xoài sạch là được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm, chất lượng vườn xoài của ông cũng được cải thiện.
Nhờ sản xuất xoài theo hướng hữu cơ nên toàn bộ sản lượng xoài của ông Lê Thanh Tùng đều được doanh nghiệp bao tiêu
Khoảng năm 2017, khi được ngành nông nghiệp TP.Cao Lãnh vận động sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến đến sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm có nguồn xoài nguyên liệu chất lượng cung cấp cho doanh nghiệp, ông Lê Thanh Tùng đã mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp tập huấn. Ông Lê Thanh Tùng tâm sự: “Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang ngày một khắt khe thì sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải tuân thủ các quy chuẩn về sản xuất an toàn, sản phẩm phải chứng nhận và truy xuất nguồn gốc mới có thể bán được. Nếu nông dân làm theo kiểu xuề xòa, qua loa thì khách hàng cũng không đoái hoài đến sản phẩm của mình. Chính những suy nghĩ này đã thôi thúc tôi thay đổi. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP năm 2017 với tổng diện tích 1,2ha, sang năm 2018, tôi bắt đầu nâng cấp lên một bậc nữa là sản xuất theo hướng hữu cơ, từ đây doanh nghiệp bắt đầu để ý đến vườn xoài nhà tôi và bắt tay liên kết”.
Từ sự đột phá của mình, năm 2018, Cơ sở sản xuất kinh doanh đóng gói, chế biến nông sản Song Nhi (phường 6, TP.Cao Lãnh) bắt đầu tìm đến vườn xoài của ông Tùng và ngỏ ý bao tiêu toàn bộ sản lượng. Sau khi vượt qua các “bài kiểm tra” chất lượng trái khắt khe, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng với ông Tùng với mức giá cố định là 24.000 đồng/kg (xoài cát chu). Với nhiều nhà vườn, đây là mức giá mơ ước, bởi theo nhiều nhà vườn, xoài cát chu giá cố định khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg thì nhà vườn đã có lãi.
Ngoài bán được giá, không còn bận tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Tùng có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho mảnh vườn của mình. Hiện tại, ông Tùng chuẩn bị chỉnh trang lại một số hạng mục trong vườn để chuyển sang phát triển thêm mô hình du lịch cộng đồng.
Ông Tùng cho biết: “Sau khi tham gia sinh hoạt ở Thuận Tân Hội quán, rồi được chính quyền vận động làm du lịch, tôi cũng ham lắm nhưng lúc đó không dám làm. Vì trước đây, mình cũng còn làm theo truyền thống, trong vườn vẫn còn phun xịt thuốc hóa học nên rất ngại làm du lịch. Còn bây giờ khác rồi, trồng xoài theo hướng hữu cơ thì không khí trong vườn rất trong lành, vì vậy tôi mới dự kiến phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Ngoài việc để du khách khám phá quy trình làm xoài theo hướng hữu cơ, tôi còn muốn du khách được thưởng thức xoài ngon ở vùng quê Tân Thuận Tây này”.
Từ thành công của nhà vườn Lê Thanh Tùng, năm 2019, Thuận Tân Hội quán tiếp tục vận động bà con nhà vườn mở rộng thêm diện tích sản xuất xoài theo hướng VietGAP và có ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua. Hiện tại, Hội quán đã vận động được 20 nhà vườn tham gia vào chuỗi liên kết này, diện tích liên kết với doanh nghiệp khoảng 15ha.
Ông Võ Văn Lợi - Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán cho biết: “Thực hiện sản xuất xoài có kiểm soát chất lượng và có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra là một hướng đi hiệu quả mà chính quyền địa phương cũng như Hội quán mong muốn được nhân rộng. Tuy nhiên, để nhà vườn và doanh nghiệp có mối gắn kết bền chặt, chúng tôi đang thực hiện từng bước một. Một trong những cái khó hiện nay khi thực hiện chuỗi liên kết chính là tạo được sự kết nối bền chặt và tin tưởng lẫn nhau giữa nông dân và doanh nghiệp. Đâu đó trong hội viên vẫn còn dao động trước làn sóng của giá cả thị trường. Song Hội quán xác định, chỉ có sản xuất theo chuỗi liên kết thì quyền lợi của người nông dân mới được đảm bảo nhất, do đó thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ, nội dung này được Hội quán quan tâm và tuyên truyền xuyên suốt”.
Mỹ Lý
Thu nhập cao từ mô hình trồng cây ăn quả
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Sau 14 năm rời quê Bến Tre, gia đình anh Dương Văn Rạng đã có cuộc sống ổn định và kinh tế gia đình vững chắc trên mảnh đất màu mỡ ở thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).
Trước đây, 7 ha đất đồi của gia đình anh Rạng chủ yếu trồng cây bắp, sắn, nhưng hiệu quả không cao, đất dần cằn cỗi. Thế nên dù có diện tích lớn, nhưng cây trồng cho năng suất thấp nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, anh đã tìm hiểu chất đất, khí hậu và nhận thấy trồng cây ăn quả rất phù hợp, có tiềm năng phát triển tốt ở địa phương. Năm 2015, anh trở về các tỉnh miền Tây để tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả và đặt mua cây giống tại đây.
Ban đầu anh trồng 1.600 cây quýt đường và xen hơn 300 cây gỗ sưa trên diện tích 4 ha. Ngoài nguồn lợi kinh tế, cây gỗ sưa giúp giữ đất và che bóng cho vườn quýt. Nhờ có nguồn nước dồi dào từ sông, suối, khí hậu phù hợp nên vườn quýt phát triển tốt và cho năng suất cao. Sau 3 năm cây quýt đã cho thu hoạch, trung bình thu được 70-80 kg/cây, với giá bán 15 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi hơn 130 triệu đồng.
Vườn cây ăn quả của gia đình anh Dương Văn Rạng.
Năm 2017, anh Rạng tiếp tục trồng xen thêm 3 hàng chuối sáp; 600 cây dừa xiêm xanh, xiêm lùn và 300 cây bưởi da xanh. Trong đó, chuối sáp trồng được một năm đã cho thu hoạch và có lợi nhuận cao. Năm 2018, anh thu được hơn 1.000 nải chuối, với giá bán 24 nghìn đồng/nải, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2019, anh trồng thêm 200 cây chôm chôm và 200 cây sầu riêng, hiện số cây này cũng đang phát triển khá tốt.
Anh Rạng chia sẻ, để thu được sản phẩm sạch, chất lượng, cây trồng phát triển bền vững, gia đình anh đã tự ủ phân chuồng để bón cho cây, không dùng thuốc trừ sâu. Thay vào đó anh dùng nhiều chai, lọ bẫy ruồi vàng và nuôi kiến vàng trên các cây, để kiến ăn sâu bọ, côn trùng, làm giảm sâu bệnh trên cây. Anh còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 4 ha cây trồng.
Để phát triển tốt mô hình cây ăn quả, anh Rạng đã tỉ mỉ trong cách bố trí, xen kẽ hợp lý, lựa chọn các loại cây có thể bổ trợ cho nhau nhằm phát huy được hết hiệu quả của từng loại cây và thuận lợi cho việc chăm sóc. Do ban đầu chưa đủ vốn, anh đã vận dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và phân chia khoảng thời gian trồng loại cây mới phù hợp để cây trồng được chăm sóc cẩn thận mà vẫn có vốn tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh mô hình của gia đình. Đến nay, vườn quýt đường và chuối sáp của gia đình anh đã cho thu hoạch rộ. Sau khi trừ hết cho phí, anh thu lãi 300 triệu đồng/năm. Nhiều cây ăn quả đang trong thời gian chăm sóc và phát triển tốt, dự kiến mô hình sẽ cho nguồn thu lớn trong thời gian tới.
Phương Thảo
Quảng Ngãi: Trồng thí điểm tỏi voi tại huyện Mộ Đức
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi
Ngày 18-09, Công ty Cổ phần Shirataki Yukisangyo, thuộc Tập đoàn Can Holdings (Nhật Bản) kết hợp cùng với Công ty TNHH Sản xuất nông nghiệp sạch Việt Vân đã tiến hành trồng thí điểm 01 ha tỏi voi Nhật Bản tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ sản xuất từ Nhật Bản). Đồng chí Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tham gia trồng tỏi voi với bà con nông dân.
Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu thành công, dự án trồng tỏi voi sẽ mở ra hướng mới cho nông nghiệp sạch ở Mộ Đức. Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, dự án này đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản như cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường, tạo được liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân để hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Tỏi voi có tên khoa học là Allium Ampeloprasum L. Var. Ampeloprasum, thời gian cho thu hoạch từ 5-6 tháng. Những năm gần đây, giống tỏi này nhận được nhiều sự quan tâm vì có giá trị cao về mặt dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho biết, thời gian tới, huyện không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tỏi voi mà còn chế biến và sản xuất phân hữu cơ; tiếp tục mở rộng trồng các loại sản phẩm nông sản sạch khác theo cách thức sản xuất của Nhật Bản; phấn đấu Mộ Đức trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông sản sạch.
P.V
Ninh Hòa (Khánh Hòa): Mía thiệt hại nặng do nắng hạn kéo dài
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Giữa tháng 9, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (tỉnhKhánh Hòa) xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng vẫn không thể cứu vãn được hàng nghìn héc-ta mía đã bị cháy ngọn, khô héo suốt mùa nắng hạn trước đó. Thêm một niên vụ mía thất bại đang hiển hiện trước mắt người nông dân.
Ông Trương Văn Viên - người trồng mía ở xã Ninh Tân cho biết: “Gia đình tôi có 3ha mía thì hơn 2ha đã bị chết khô do nắng hạn, mưa cũng không cứu được. Với tình trạng mía còi cọc như thế dù có đầu tư bón phân, chăm sóc cũng không hồi phục được, bởi năm 2014 cũng xảy ra nắng hạn tương tự, nhà nông trắng tay một lần rồi. Nếu để thì chắc chắn năng suất, chất lượng sẽ không đạt, do đó gia đình tôi đang tính sẽ cày bỏ để trồng đậu. Tính ra gia đình tôi mất trắng hơn 20 triệu đồng tiền đầu tư”.
Tuy đã có mưa nhưng nhiều diện tích mía ở Ninh Tân vẫn khó phục hồi.
Khó khăn chồng chất sau nhiều niên vụ mía thua lỗ, nhiều hộ đang nợ tiền đầu tư từ nhà máy hoặc vay mượn đành chấp nhận bán đất mía để trả nợ, giá cả thì tùy thuộc vào vị trí có gần nguồn nước hay không nhưng dao động khoảng vài trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Trên những cánh đồng mía trước đây đã bắt đầu mọc lên các trang trại chăn nuôi. Những hộ nợ ít cũng từ bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác.
Tại Ninh Sơn, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến cho nhiều hộ trồng mía rơi vào cảnh mất trắng. Ông Trần Xuân Hải - người trồng mía ở xã Ninh Sơn bần thần: “Chưa năm nào Ninh Sơn lại ít mưa như năm nay, nắng nóng kéo dài, không có nước tưới, hơn 2ha mía của gia đình tôi bị khô ngọn, héo úa đành phải cày bỏ để trồng bắp. Sau vụ bắp, tôi mới tính toán có đầu tư trồng mía tiếp hay chuyển hẳn sang trồng cây khác, bởi thực tế 4 - 5 năm nay, người trồng mía liên tục thua lỗ”.
Ninh Sơn là vùng bán sơn địa, cây mía là cây trồng chủ lực của địa phương mấy năm qua. Thế nhưng, hiện nay nông dân Ninh Sơn không còn mặn mà với cây mía; chỉ trong vòng 1 năm, 100ha mía tại đây đã được chuyển đổi sang các cây trồng khác như: keo, tỏi và một số loại cây ngắn ngày, hiện toàn xã chỉ còn 850ha. “Nắng hạn đã khiến 50ha mía trên địa bàn bị cháy và hơn 340ha bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích trong số này đã được người dân cày bỏ để trồng cây ngắn ngày, một số tiếp tục chuyển đổi sang trồng cây khác”, ông Phạm Minh Long - Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết.
Được biết, diện tích mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa liên tục giảm trong những năm gần đây, từ 12.400ha năm 2015 đến nay chỉ còn 10.200ha. Năm nay thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, trong khi nhiều diện tích mía không có nước tưới nên bị khô, cháy ngọn, ước tính thiệt hại hơn 4.000ha, trong đó có 214ha bị cháy. Thiệt hại rõ ràng nhất là năng suất, chất lượng mía. Nếu như niên vụ mía 2018 - 2019, năng suất mía trên địa bàn đạt trung bình 50 tấn/ha thì niên vụ 2019 - 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 30 tấn/ha. Không chỉ vậy, mía nguyên liệu giảm năng suất, chất lượng, hoạt động của các nhà máy đường cũng bị ảnh hưởng lớn.
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, thực tế, sau nhiều năm thua lỗ, nông dân trên địa bàn không còn mặn mà với cây mía. Địa phương cũng đang rà soát, định hình lại những khu vực thích hợp, nhất là chủ động được nguồn nước để phát triển cây mía. Định hướng của địa phương là đến năm 2020 chỉ duy trì khoảng 9.200ha mía. Khi nào năng suất mía lên hơn 70 tấn/ha thì nông dân mới có lãi.
HẢI LĂNG
Lâm Đồng: Mắc ca ở Di Linh
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
“Năm 2019, diện tích mắc ca trồng xen ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) là 1.000 ha và sẽ tiếp tục tăng lên 1.300 ha vào năm 2020. Ðến năm 2030, Di Linh sẽ đạt 4.710 ha mắc ca trồng xen theo như quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện.
Từ chỗ chỉ là cây trồng khảo nghiệm, cây mắc ca dần khẳng định được giá trị kinh tế của mình
Từ cây trồng khảo nghiệm
Ông Nguyễn Văn Bắc (xã Hòa Bắc) kể lại rằng, một lần xem ti vi, ông tình cờ nghe chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng nói về cây mắc ca trên kênh VTV2. Tò mò vì một giống cây mới, ông Bắc quyết định tìm hiểu “nó là loại cây gì?”. Qua những kênh thông tin khác nhau, ông biết ở huyện Đức Trọng có người bán cây giống mắc ca, thế là mua về trồng. “Thời điểm đó, năm 2010, tôi mua 40 cây mắc ca về trồng xen trong vườn cà phê gia đình. Nói chung là trồng theo kiểu khảo nghiệm, vừa trồng vừa theo dõi, vì đây là loại cây mới, mình chưa có kinh nghiệm gì”, ông Bắc thật lòng.
Trước ông Bắc, ông Mai Văn Hổ (xã Hòa Bắc) cũng chỉ vì tò mò nên mua 50 cây mắc ca về trồng xen trong vườn cà phê. “Đó là năm 2009, tôi bắt đầu trồng mắc ca. Bấy giờ, tôi trồng mắc ca như trồng cây rừng. Giá trị của loại cây này ra sao, cách chăm sóc nó như thế nào, tôi cũng không hề biết”, ông Hổ nhớ lại, rồi nói tiếp: “Thậm chí, đến lúc cây cho thu hoạch, tôi còn không biết bán cho ai. Sau này, khi thị trường mắc ca lớn dần, tôi mới biết giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại cho người trồng là không hề nhỏ”.
Theo ông Hổ, vì là cây rừng nên mắc ca rất dễ trồng, dễ chăm sóc. mắc ca có sức kháng chịu sâu bệnh cao, sinh trưởng tốt, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với việc trồng xen trên diện tích đất trồng các loại cây khác. Mỗi năm, mắc ca thu hoạch 2 - 3 vụ. Ông Bắc thừa nhận, trồng mắc ca còn có thêm cái lợi, đó là nguồn thu từ các loại cây khác ở dưới tán, bên cạnh nguồn thu từ chính cây mắc ca. “Qua khảo sát, đánh giá, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh nhận thấy cây mắc ca là loại cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Nhiều diện tích mắc ca phát triển tốt, đã cho thu hoạch đạt năng suất cao. Khâu tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và giá bán cũng khá cao”, bà Đặng Thị Hằng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết.
Ðến cây có giá trị kinh tế cao
Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho hay, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 860 ha mắc ca trồng xen. Trong đó, 110 ha mắc ca đang ở giai đoạn kinh doanh với năng suất đạt 1,2 tấn/ha.
Hiện, 19 xã, thị trấn trong huyện Di Linh đều có người trồng mắc ca.
Ngoài ra, huyện Di Linh còn có hơn 10 cơ sở thu mua hạt Mắc ca và 2 cơ sở thu mua, chế biến hạt mắc ca số lượng lớn. Ông Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Liên kết mắc ca Di Linh (xã Đinh Lạc), chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thu mua 70 - 80 tấn mắc ca của 33 thành viên trong Hợp tác xã Liên kết mắc ca Di Linh và khoảng 80 tấn mắc ca từ các hộ trồng mắc ca khác trên địa bàn Đức Trọng, Bảo Lâm, Bảo Lộc... để chế biến, đóng gói, rồi đưa ra thị trường”. Trong khi đó, Công ty TNHH Mắc ca Việt (xã Hòa Trung) mỗi năm cũng xuất bán trên 60 tấn mắc ca thành phẩm ra thị trường.
Rõ ràng, với một thị trường được mở rộng như hiện nay, việc tìm đầu ra cho hạt mắc ca dần trở nên đơn giản. Ông K’Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Lạc bày tỏ: “Bây giờ, vào mùa thu hoạch mắc ca, người dân chỉ việc hái trái rồi mang đi bán cho các cơ sở chế biến. Thậm chí, hạt mắc ca có bẩn một chút cũng chẳng sao. Giá bán khá cao (90.000 - 110.000 đồng/kg mắc ca tươi), khâu tiêu thụ sản phẩm lại dễ dàng, nên người dân rất phấn khởi”. Ông Hổ thì khẳng định: “Nếu trồng đúng giống có chất lượng tốt và chăm sóc một cách bài bản, thì 1 cây mắc ca sẽ có giá trị kinh tế bằng 2 tạ cà phê”.
TRỊNH CHU
Gỡ khó cho người trồng mía
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Bao tiêu sản phẩm, thời gian vào vụ, chính sách thu mua... là những vấn đề băn khoăn được ngành chức năng và người dân đặt ra đối với các nhà máy đường trước khi vụ thu hoạch mía sắp bắt đầu.
Nông dân mong Casuco xem xét giá thu mua mía hợp lý để giúp bà con có điều kiện tái sản xuất vụ sau.
Chưa thể vào vụ ép
Vụ mía 2019-2020 này, khả năng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chỉ có một nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) còn hoạt động để mua mía cho người dân. Theo kế hoạch ban đầu Casuco đề ra là dự kiến Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ bắt đầu vụ ép vào ngày 15-9 vừa qua và trong tháng 9 này sẽ tiêu thụ khoảng 50.000 tấn mía cho nông dân. Tuy nhiên, sau thời gian dự kiến mà Casuco vẫn chưa đi vào hoạt động đã tạo ra tâm lý lo lắng cho ngành chức năng và người dân, nhất là những địa phương có giống mía chín sớm ROC 16 đã đến ngày thu hoạch.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, đơn vị có diện tích mía lớn nhất tỉnh, thông tin: “Qua rà soát thời gian xuống giống của giống mía chín sớm ROC 16 thì địa phương xây dựng kế hoạch là trong tháng 9 này sẽ có khoảng 1.300ha mía đã đến ngày cần thu hoạch vì đã đạt độ chín và chữ đường (CCS). Kế hoạch của địa phương cũng được ngành nông nghiệp tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Casuco vẫn chưa vào vụ ép nên phần nào tạo áp lực cho những hộ có mía chín sớm trong lúc này. Bởi, mía quá ngày thu hoạch sẽ bị trổ cờ nên phần nào làm giảm năng suất và CCS, từ đó kéo theo giảm giá bán, trong khi giá mía năm nay dự báo không được cao do sự khó khăn chung của ngành mía đường.
Cùng nỗi lo lắng, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho hay: Vụ mía này, nông dân Ngã Bảy xuống giống được gần 1.000ha, trong đó giống mía chín sớm ROC 16 chiếm đến hơn 80% (cả tỉnh chiếm trên 52%) và hiện nhiều diện tích đã đến ngày thu hoạch. Do đó, địa phương mong Casuco xem xét sớm vào vụ ép để mua mía cho nông dân.
Lý giải nguyên nhân chưa thể vào vụ ép trong lúc này, lãnh đạo Casuco cho biết từ đầu tháng 9 đến nay đơn vị đã cử nhân viên đi lấy mẫu CCS 2 lần để xem xét và quyết định ngày vào vụ ép mía. Thế nhưng, kết quả lấy mẫu CCS cho thấy, hiện mía đạt 10 CCS chiếm tỷ lệ rất ít, đa phần dao động từ 5-7 CCS, thậm chí có mẫu mía chỉ đạt 3,2 CCS. Do sản lượng mía đủ độ chín chưa nhiều và CCS thấp, nếu vào vụ ép trong lúc này sẽ gây thiệt hại cho nông dân và tổn thất cho doanh nghiệp, nhất là giá mía chắc chắn sẽ không cao do CCS quyết định giá mía. Ngoài những nguyên nhân trên thì hiện tình hình nước lũ không cao, chưa gây áp lực lớn nên nhà máy đường chưa vội vào vụ.
“Chính những lý do trên nên Casuco chưa thể vào vụ ép mía trong lúc này. Dự kiến, Casuco sẽ vào vụ đầu tháng 10 tới và thời gian cụ thể sẽ thông báo cho người dân biết trước từ 1-2 tuần. Tuy nhiên, thời gian có thể sớm hơn sau khi đơn vị phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đi kiểm tra CCS lại lần nữa, đồng thời rà soát cụ thể về diện tích mía hiện nay đã đến ngày thu hoạch là bao nhiêu để quyết định thời gian cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Trường hợp diện tích mía hiện đến ngày thu hoạch ít và phải đợi thêm nhiều hộ thì phía Casuco sẽ nắm lại danh sách này để có chính sách hỗ trợ cho bà con khi phải thu hoạch quá ngày đốn làm giảm CCS”, ông Lê Hồng Thái, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Casuco, khẳng định.
Những cam kết của Casuco
Cam kết thu mua hết mía trong dân của người đứng đầu Casuco làm cho ngành chức năng tỉnh, chính quyền địa phương và nông dân trồng mía cảm thấy an tâm hơn. Bởi, theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, công ty chỉ mới ký hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía Hậu Giang được 4.042ha, sản lượng 277.090 tấn, với giá là 700 đồng/kg mía sạch, 10 CCS tại ruộng; trong khi tổng diện tích mía của tỉnh trong vụ này là 8.147ha.
Sở dĩ Casuco cam kết mua hết mía của Hậu Giang là bởi sau khi công ty rà soát thì trong vụ mía này toàn vùng ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy đường hoạt động (Casuco đều có cổ đông) là nhà máy đường ở Sóc Trăng, Trà Vinh và Hậu Giang. Trong khi sản lượng mía của toàn vùng trong vụ mía này tại các địa phương còn có mía ước đạt chưa tới 1,1 triệu tấn mía (Hậu Giang 300.000 tấn, Trà Vinh 130.000 tấn, Sóc Trăng 220.000 tấn và Kiên Giang 400.000 tấn). Với sản lượng trên thì chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất của 3 nhà máy đường trong vùng. “Đang lo thiếu nguồn mía nguyên liệu hoạt động nên không có lý do gì mà Casuco không mua mía của bà con. Tuy nhiên, Casuco chỉ thay đổi chính sách thu mua là không mua mía trực tiếp với thương lái như những vụ trước mà mua mía với người dân để người trồng mía không phải chia sẻ tiền lợi nhuận cho thương lái. Do đó tới đây, Casuco tiếp tục ký kết hợp đồng với bà con, trường hợp hộ nào không có hợp đồng thì Casuco cũng mua mía để đảm bảo hết diện tích cho Hậu Giang như lời cam kết”, người đứng đầu Casuco, ông Lê Hồng Thái cho biết thêm.
Cũng theo ông Thái, do Casuco mua mía trực tiếp với dân và năng suất, CCS được xác định tại nhà máy đường nên dự kiến Casuco sẽ trả tiền mua mía cho người dân sau khoảng 10 ngày bán mía. Tuy nhiên, Casuco đã dành sẵn nguồn kinh phí cho những hộ nào có nhu cầu ứng một phần tiền bán mía trước để trả tiền thuê nhân công đốn chặt. Số tiền tạm ứng sẽ được trừ trở lại khi Casuco trả tiền mía cho bà con. Riêng về kiến nghị của lãnh đạo một số địa phương trong việc xem xét giảm trừ tạp chất cho người dân (vì đây là phương thức thu mua lần đầu), nhất là mía ngã bị mọc rễ. Vấn đề này Casuco không chấp thuận mà thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết, tuy nhiên có thể xem xét hỗ trợ ở mặt khác để tạo thói quen cho bà con về việc sản xuất mía sạch trước khi đưa về nhà máy nhằm giảm chi phí ở nhiều khâu.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Ngoài tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho người trồng mía thì ngành cũng đề nghị phía công ty xem xét mức giá thu mua mía cho người dân sắp tới đây như thế nào hợp lý để đảm bảo bà con có lời và tạo điều kiện tái sản xuất vụ sau. Bởi, qua tính toán sơ bộ của đơn vị, giá thành sản xuất mía của nông dân Hậu Giang trong vụ này ước khoảng 675,8 đồng/kg, trong khi giá bao tiêu chỉ 700 đồng/kg. Nếu Casuco giữ mức giá thu mua như hợp đồng thì nông dân sẽ không có lợi nhuận, từ đó chuyện người dân chủ động bỏ mía để chuyển sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn là khó tránh khỏi, khi đó Casuco sẽ mất vùng mía nguyên liệu…
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC
Thị trấn Tằng Loỏng (Lào Cai): Dê chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Hơn một tháng qua, đàn dê trên 100 con tại trang trại của một hộ dân ở thôn Khe Chom, thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bỗng nhiên đổ bệnh chết gần hết, người dân đang nghi ngờ những con dê này hít phải khí độc, hoặc ăn phải cỏ cây nhiễm độc.
Đã có hơn 80 con dê trong trang trại của ông Hoan bị chết.
Ông Nguyễn Công Hoan, chủ trang trại nuôi dê ở thôn Khe Chom, thị trấn Tằng Loỏng cho biết, đàn dê được gia đình ông nhập về nuôi từ cuối tháng 6/2019. Sau hơn một tháng chăn thả, một số con trong đàn bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho, sổ mũi rồi lăn ra chết.
Nhận được tin báo, chính quyền địa phương và cơ quan thú y huyện Bảo Thắng đã cử cán bộ chuyên môn xuống khám và điều trị cho những con dê nhiễm bệnh; đồng thời, hướng dẫn gia đình cách phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng dê chết vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Đến nay, đàn dê hơn 100 con trong trang trại của gia đình ông Hoan đã có 80 con bị chết.
Thông tin với phóng viên, một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 16/9, đơn vị đã cử cán bộ xuống trang trại của gia đình ông Hoan để kiểm tra và xác định nguyên nhân ban đầu gây tình trạng dê chết hàng loạt. Theo kết quả khám ban đầu cho thấy, những con dê có thể bị bệnh viêm phổi truyền nhiễm. Chúng tôi cũng đề nghị gia đình cho lấy mẫu máu xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân dê chết do bệnh gì, nhưng gia đình chưa đồng ý.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Hoan lại cho rằng: Nhiều khả năng dê chết do hít phải khí độc, hoặc ăn phải cỏ cây bị nhiễm độc tố; bởi khu vực chăn thả của gia đình nằm gần một số nhà máy phốt pho và các nhà máy này thường xuyên xả khí thải, khói bụi ra môi trường xung quanh.
Nếu dê bị bệnh thông thường thì điều trị phải thuyên giảm, nhưng đằng này các cán bộ thú y huyện đã sử dụng nhiều loại thuốc để tiêm, truyền nhưng không hiệu quả. Gia đình tôi cũng đã chăm sóc theo phương pháp mà họ hướng dẫn nhưng dê vẫn chết. Tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xem có độc tố trên cây cỏ ở khu trang trại của tôi để làm rõ nguyên nhân dê của gia đình tôi bị chết - ông Hoan cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND thị trấn Tằng Loỏng cho biết: Hiện chính quyền địa phương vẫn đang cử cán bộ tiếp tục theo dõi, còn việc kết luận nguyên nhân dê chết thì phải chờ cơ quan chuyên môn. Được biết, theo biên bản kết luận của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sau khi kiểm tra tại trang trại cũng chưa xác định rõ nguyên nhân chết do đâu mà chỉ nghi bị viêm phổi truyền nhiễm; tất nhiên cũng không loại trừ nguyên nhân nhiễm độc; còn muốn làm rõ dê có bị nhiễm độc hay không thì phải lấy mẫu và gửi đi phân tích, việc này chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh cần vào cuộc làm rõ.
NHÓM PV
Đồng Nai đủ năng lực xét nghiệm dịch tả heo châu Phi
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đã cấp chứng nhận Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y (Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai) có đủ điều kiện thực hiện các phép thử liên quan đến lĩnh vực thú y với 27 chỉ tiêu về dịch bệnh.
Riêng chức năng xét nghiệm dịch tả heo châu Phi (ASF), do là dịch mới nên hiện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ giao cho 8 đơn vị thuộc Cục Thú y thực hiện trong toàn quốc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y Đồng Nai đã được công nhận đủ điều kiện, đủ năng lực xét nghiệm dịch ASF là điều kiện hết sức thuận lợi cho Đồng Nai chủ động đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chống dịch ASF.
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y (thuộc Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai) được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại cũng như nhân lực có chuyên môn.
Sẵn sàng nhận xét nghiệm ASF
Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai được thành lập từ năm 2007, trụ sở đặt tại huyện Long Thành. Từ khi đi vào hoạt động, Trạm đã thực hiện tốt các chỉ tiêu xét nghiệm về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Cuối năm 2018, đơn vị này dời về trụ sở của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai tại số 11, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa).
Khi dời về trụ sở mới, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam đã đánh giá, thẩm định lại và công nhận đơn vị này đảm bảo các tiêu chí như: phòng xét nghiệm được trang bị đầy đủ trang thiết bị; về năng lực của đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất phòng ốc đều đạt chuẩn ISO 17025:2017. Đơn vị cũng đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để thưc hiện 27 phép thử trong chẩn đoán phòng, chống dịch bệnh gia súc; gia cầm và thủy sản.
Trong năm 2018, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y đã thực hiện trên 40 ngàn mẫu xét nghiệm các loại bệnh trên gia súc, gia cầm thủy sản. Hiện đơn vị có 11 cán bộ đang làm việc, trong đó có 2 thạc sĩ và 8 cử nhân. Với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực hiện có, đơn vị hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm các loại dịch bệnh phức tạp, trong đó có dịch ASF.
Theo ông Nguyễn Tân Lang, Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y: “Thời gian qua, đơn vị đã thực hiện thử nghiệm việc xét nghiệm các mẫu bệnh dịch ASF. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng cả về điều kiện cơ sở vật chất với những máy móc hiện đại nhất cũng như về đội ngũ nhân lực có chuyên môn để tiếp nhận thêm chức năng xét nghiệm dịch ASF”.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã cấp chứng nhận Trạm Chẩn đoán xét nghiệm thú y Đồng Nai đủ năng lực chẩn đoán, làm xét nghiệm phát hiện virus dịch tả heo châu Phi. Hiện chỉ còn chờ chỉ định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) thì sẽ đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai phải chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện tốt khi tiếp nhận các mẫu xét nghiệm dịch ASF. Tỉnh cũng cần công bố rộng rãi để các cơ quan, địa phương, ban, ngành, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh được biết Đồng Nai đủ điều kiện, chức năng xét nghiệm dịch ASF.
Chỉ 4 tiếng là có kết quả
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, từ khi xuất hiện dịch ASF vào cuối tháng 4 đến nay, toàn tỉnh đã gửi gần 2,5 ngàn mẫu xét nghiệm để Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm bệnh ASF.
Trước nhu cầu xét nghiệm mẫu dịch ASF khá lớn như hiện nay, ông Nguyễn Tân Lang cho biết, khi được phép triển khai việc xét nghiệm dịch ASF thì ngoài việc xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, xét nghiệm theo yêu cầu quản lý, xét nghiệm chứng nhận heo âm tính dịch ASF trong vận chuyển, tiêu thụ heo, trạm còn nhận xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp và người chăn nuôi. Đơn vị đã xây dựng phương án về tăng cường đội ngũ nhân lực để vẫn đảm bảo tốt nhiệm vụ khi nhu cầu xét nghiệm về dịch ASF tăng cao.
“Chúng tôi đảm bảo sau 4 tiếng nhận mẫu xét nghiệm dịch ASF sẽ trả kết quả. Như vậy, nếu buổi sáng nhận mẫu thì buổi chiều đơn vị trả kết quả, buổi chiều nhận mẫu thì sáng hôm sau sẽ có kết quả” - ông Nguyễn Tân Lang khẳng định.
Điều này sẽ mang lại sự thuận lợi rất lớn cho cả chính quyền và người chăn nuôi tại các địa phương của Đồng Nai trong công tác phòng, chống dịch cũng như tiêu thụ mặt hàng thịt heo.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang, Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm của cả nước với tổng đàn heo, gà rất lớn. Đồng Nai lại thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức sản xuất chăn nuôi trên địa bàn. Chính vì vậy, tình hình dịch tễ trên địa bàn hết sức phức tạp, đặc biệt dịch ASF đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Mặt khác, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi phục vụ cho thị trường trong tỉnh, thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là rất lớn, việc đảm bảo tính chính xác, kịp thời trong công tác xét nghiệm mẫu bệnh ASF và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định của Luật Thú y để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng như trong vận chuyển, tiêu thụ là hết sức cần thiết.
Dự kiến, nhu cầu kinh phí để chi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Đồng Nai năm 2019 là 1.582 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã được tạm ứng 800 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí dự kiến này căn cứ vào tình hình dịch tả heo châu Phi cũng như tổng số lượng heo bị thiệt hại của từng địa phương. Trong đó, huyện Trảng Bom dự kiến cần 350 tỷ đồng, hiện đã được ứng 165 tỷ đồng; huyện Long Thành cần 321 tỷ đồng; các huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu đều cần trên 200 tỷ đồng. Hiện các huyện trên đều đã được tạm ứng 150 tỷ đồng.
Bình Nguyên
Đa dạng nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Trước tình trạng bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, hiện nhiều người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã chú trọng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Thay vì phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, thời điểm này, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố chuyển dần sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và gia súc ăn cỏ. Ông Nguyễn Văn Sắc ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho hay, để phục vụ nguồn cung thịt gà vào các tháng cuối năm, trang trại của gia đình ông đã tăng tổng đàn lên 10.000 con. Nếu chăn nuôi phát triển thuận lợi, trang trại của gia đình ông sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt gà thả vườn vào dịp Tết năm nay.
Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết, không riêng gia đình ông Nguyễn Văn Sắc, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở huyện Ba Vì lo ngại bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã chuyển sang nuôi gà thả vườn. Trong đó, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ từ 100 đến 500 con, còn trang trại quy mô lớn nuôi từ 2.000 đến 10.000 con gà, tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…
Không chỉ các hộ, gia trại tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, thay vì tập trung phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng đã có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi và đối tượng vật nuôi.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân Phạm Thanh Hùng cho biết: "Công ty đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thực phẩm sạch khép kín từ trang trại nuôi gà lấy trứng và chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, xử lý trứng và chế biến thực phẩm hiện đại, nhằm đem đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho thị trường Tết Nguyên đán 2020. Trong khâu phân phối, ngoài hệ thống siêu thị như: Co.opmart, Co.op Food, Big C…, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh bán sản phẩm ở chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn, trường học với giá cả ổn định".
Còn theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín): Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cuối năm, Công ty cũng đã liên kết và đặt hàng các trang trại chăn nuôi lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, dự kiến cung cấp cho thị trường Hà Nội từ 200 đến 300 tấn thịt lợn vào dịp cuối năm 2019.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Trong tháng giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng tối thiểu khoảng 3% so với các tháng khác trong năm. Để ổn định thị trường thực phẩm cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp, xây dựng phương án để đáp ứng đủ thực phẩm thay thế nguồn cung thịt lợn như: Thịt gà, bò, cá...
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, nhận định tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động có kế hoạch tăng đàn chăn nuôi gia cầm, thủy cầm... Một số doanh nghiệp đã có phương án tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt lợn an toàn, để dự trữ, cung ứng cho thị trường thời gian tới.
Về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tăng tổng đàn vật nuôi trong cơ cấu chăn nuôi gia cầm, trâu, bò... trong vùng quy hoạch để bảo đảm cân đối cung - cầu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thực phẩm nhằm đưa ra thị trường những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ và giải quyết khâu tiêu thụ cho người dân.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết để có những giải pháp chăn nuôi phù hợp, nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm 2019...
NGỌC QUỲNH
Nhiều trang trại tính chuyện ‘phơi chuồng’ vì giá gà rớt thấp
Nguồn tin: Báo Công Thương
Tại khu vực miền Nam, giá gà công nghiệp lông trắng bán cho thương lái chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg, bằng 50% giá thành sản xuất. Giá gà xuống thấp, nhiều trang trại chăn nuôi đang tính chuyện “phơi chuồng” để giảm bớt thiệt hại.
Ông Mai Văn Liêm, chủ trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước thời điểm tháng 5/2019, giá gà công nghiệp lông trắng còn giữ ở mức trên giá thành, từ tháng 6/2019 đến nay liên tục giảm, chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, giá này chỉ bằng 50% giá thành sản xuất và thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. “Với mức giá này, người chăn nuôi lỗ nặng và phải tính đến chuyện “gác chuồng” trong nay mai” - ông Liêm nói.
Giá gà nhập khẩu bán giá rẻ tại siêu thị, góp phần gây thêm khó khăn cho ngành chăn nuôi gà trong nước
Không chỉ gà công nghiệp lông trắng, gà công nghiệp lông màu (gà Lương Phượng) giá cũng đang ở mức thấp, chỉ còn 31-000- 32.000 đồng/kg, mức giá này thấp hơn giá thành chăn nuôi. Ông Huỳnh Văn Nam, chủ trại gà ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, sau khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, quanh vùng Trảng Bom tăng đàn gà nuôi công nghiệp với dự tính giá gà sẽ tăng cao do thiếu hụt nguồn cung thịt heo. Tuy nhiên, phép tính này đã sai khi càng nuôi càng lỗ vì nguồn cung thịt gà tăng đột biến, trong khi lượng thịt heo, thịt gà nhập khẩu cũng đã tăng đột biến và bán với giá thấp, dẫn đến giá gà rẻ như cho.
Khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, để bình ổn thị trường, ngành nông nghiệp đã có chủ trương khuyến khích người chăn nuôi chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc, đây là nguyên nhân khiến tổng đàn gia cầm gia tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2019. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Đồng Nai hiện có tổng đàn gà 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018; đàn chim cút 6,6 triệu con; đàn vịt, ngan gần 1,2 triệu con. Như vậy, khi tổng đàn gia cầm tăng, lượng thịt heo, gà nhập khẩu tăng, cùng với nhu cầu tiêu dùng của thị trường không tăng khiến cho giá gà công nghiệp ngày càng giảm sâu, khiến người chăn nuôi gặp khó khăn kép.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng năm 2019, lượng thịt gia cầm nhập khẩu đã đạt 87.800 tấn, kim ngạch 78,6 triệu USD, sản lượng này tương đương ba năm (2016-2018) cộng lại. Lượng thịt heo nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 11.700 tấn, kim ngạch 22,1 triệu USD/năm, gấp 3,7 lần về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Giá gà công nghiệp nhập khẩu chỉ trên dưới 1 USD/kg, nếu tính thuế, phí lưu kho, phí vận chuyển, giá bán lẻ tại thị trường Việt Nam chỉ vào khoảng trên dưới 30.000 đồng/kg. Riêng thịt heo nhập khẩu chỉ khoảng 30.000đ/kg, thấp hơn nhiều giá heo hơi trong nước.
Ngành công nghiệp chăn nuôi gà công nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán thấp
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ đầu năm đên nay, thịt heo, thịt gà nhập khẩu qủa cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh từ chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Brazil, Ba Lan, Hà Lan, Bỉ. Hầu hết các doanh nghiệp nhập thịt heo để chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…), ít bán lẻ ra thị trường do không phù hợp thị hiếu (người tiêu dùng ưa dùng thịt heo tươi); nếu có chủ yếu là thịt heo đặc sản hoặc thịt heo cao cấp.
“Chính thịt heo, thịt gà khập khẩu với số lượng lớn và bán với giá rẻ đã chiếm giữ thị phần của ngành công nghiệp chăn nuôi trong nước và nguyên nhân này sẽ làm gia tăng thêm sự khó khăn cho những trang trại chăn nuôi gia cầm hiện nay”, ông Hà Văn Linh, chủ trang trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô vừa ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhìn nhận. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở khu vực miền Đông Nam bộ cho rằng, thị trường thịt gà hiện nay cung đang vượt cầu, nhu cầu tiêu dùng đối với thịt gà thấp. Nếu nhà nước không có chính sách khuyến khích tiêu thụ thịt gà và hạn chế lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu thì khó khăn của ngành chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn và khó tránh chuyện “phơi chuồng” để giảm thiểu rủi ro.
Trần Thế
Hiếu Giang tổng hợp