Làm giàu từ dưa lưới
Nguồn tin: Người Lao Động
Trồng dưa lưới mỗi năm doanh thu từ 3 - 4 tỉ đồng/ha, lợi nhuận đạt 25% - 30%. Trong khi đó, tại TP HCM, giá trị bình quân mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 375 triệu đồng/năm
Ông Nguyễn Minh Nhân - đại diện Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn, một thương hiệu dưa lưới có tiếng được trồng trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Củ Chi, TP HCM) từ năm 2012 - cho biết mùa Tết rồi, mặt hàng dưa lưới thắng lớn.
Cung chưa đủ cầu
Ông Nhân thừa nhận: “Các trang trại trồng dưa lưới đã “cháy” hàng từ trước Tết. Do người tiêu dùng chuộng dưa lưới ngày càng nhiều nên dù số người trồng tăng vọt, cung vẫn chưa đủ cầu, giá vẫn ở mức khá tốt”.
Dưa lưới trồng nhà màng
Do nhu cầu thị trường tăng cao, cuối năm 2015, ông Nhân cùng người nhà tiếp tục đầu tư một trang trại trồng dưa lưới ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và dự định mở tiếp 2 trang trại ở tỉnh Long An và huyện Củ Chi, TP HCM.
Ông Vũ Văn Cường (chủ cửa hàng rau sạch Vũ Cường trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, mới mở vào tháng 1-2016) cho biết dưa lưới là mặt hàng doanh thu chủ lực mùa Tết của cửa hàng. Với ưu thế có 2 trang trại trồng dưa lưới, cửa hàng này cung cấp sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng với giá rất cạnh tranh, dao động từ 55.000 - 65.000 đồng/kg nên bán khá chạy.
Từ một công chức ngành hải quan, 2 năm qua, ông Cường đầu tư vào nông nghiệp. Sau một thời gian “trầy da tróc vảy”, ông mới thành công với 3 ha nhà vườn trong nhà kính tại Đức Trọng (Lâm Đồng) và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Khi chưa có cửa hàng, dưa của ông chủ yếu bán sỉ ra phía Bắc. Hiện ông và gia đình dự định trồng thêm 4 ha dưa lưới trong nhà màng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Phụ thuộc giống ngoại
Dưa lưới du nhập vào nước ta khoảng 5 - 6 năm qua. Lúc đầu, để giảm chi phí đầu tư, nhiều nơi trồng ngoài ruộng như dưa hấu nhưng dễ bị sâu bệnh, chất lượng và năng suất không ổn định nên hiệu quả không cao. Rút kinh nghiệm, nhiều người đầu tư cả tỉ đồng mỗi ha để xây nhà màng theo công nghệ của Israel. Hiện chưa có tổng kết nhưng tại các tỉnh như Lâm Đồng, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, TP HCM... nhà màng trồng dưa lưới là mô hình nổi bật về hiệu quả kinh tế.
Theo ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, trồng dưa lưới mỗi năm cho doanh thu từ 3 - 4 tỉ đồng/ha, lợi nhuận đạt 25% - 30%. Trong khi đó, tại TP HCM, giá trị bình quân mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 375 triệu đồng/năm.
Theo chủ các trang trại, mỗi năm, dưa lưới trồng trong nhà màng có thể được 4 vụ, năng suất từ 20 - 40 tấn/ha, giá bán sỉ tại trang trại hiện từ 25.000 - 60.000 đồng/kg. Người trồng giỏi, trong 1 năm có thể thu hồi vốn. Còn những người mới vào nghề thì sau 2 - 3 năm mới bắt đầu có lãi.
Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất của người trồng dưa lưới là hạt giống, khâu quyết định trong nông nghiệp hiện đại. Theo ông Nhân, giống dưa lưới đang bán tính theo hạt, phổ biến từ 1.000 - 2.500 đồng/hạt, những loại giống chất lượng cao có giá 1 - 2 USD/hạt. Tất cả giống dưa lưới đều nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản... và thủ tục cũng không đơn giản. Những loại giống tốt thường khan hiếm, đứt hàng, tăng giá.
Theo ông Dương Hoa Xô, gần đây, các trung tâm đã nghiên cứu sản xuất giống dưa lưới có giá thành thấp, chất lượng và năng suất ổn định hơn để cung cấp cho thị trường. Bà Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, cho biết đã nghiên cứu tạo dòng thuần giống dưa lưới phục vụ công tác phát triển giống F1 (hạt giống bán thương mại). Kết quả, đã nghiên cứu tạo dòng thuần và đánh giá khả năng phối hợp của các dòng để hướng tới sản xuất giống lai. Dự kiến, cuối năm 2016, sẽ chọn được dòng thuần có triển vọng để phát triển giống có ưu thế lai.
Theo bà Loan, một số giống dưa lưới nhập khẩu không thích nghi với điều kiện sinh thái nên ra hoa và đậu trái kém... Trong khi đó, chi phí trồng dưa lưới lại khá cao nên nhà vườn không có kinh nghiệm dễ bị thiệt hại.
Dưa lưới Trung Quốc bị xếp dưới
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang tiêu thụ phần lớn dưa lưới trồng ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Tại TP HCM, dưa lưới được tiêu thụ chủ yếu tại hệ thống nhà hàng, khách sạn… Được xếp vào loại trái cây cao cấp nên giá bán lẻ dưa lưới dao động từ 50.000 - 160.000 đồng/kg, tùy chất lượng và điểm bán. Giữa năm, thị trường thường xuất hiện dưa lưới Trung Quốc giá rẻ, dưới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dưa lưới Trung Quốc vẫn chưa kéo giảm được giá dưa lưới Việt Nam do quá chênh lệnh về chất lượng.
NGỌC ÁNH
Lâm Đồng: Chế biến sản phẩm sầu riêng đông lạnh – Một hướng đi mới
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Sản phẩm sầu riêng đông lạnh
Đến xã Phước Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phan Văn Dược ở thôn Phước Trung để tận mắt chứng kiến mô hình trình diễn sản xuất sầu riêng đóng gói bằng đông lạnh mà anh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm sầu riêng và được tiêu thụ trên thị trường với nhãn hiệu Minh Hoàng Khôi.
Xuất phát từ thực tế sản xuất của bà con nông dân cũng như gia đình anh Phan Văn Dược trong việc trồng sầu riêng cứ mỗi độ thu hoạch luôn phải chung một cảnh sầu riêng thu hoạch được mùa thì mất giá, thường bị tư thương ép giá… Từ những lý do trên anh đã nảy sinh ý tưởng làm sao để tiêu thụ cho hết sản phẩm trái sầu riêng từ vườn của gia đình (khoảng 7 ha), với sản lượng mỗi năm thu từ 60 - 70 tấn trái.
Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật về đóng gói sản phẩm đông lạnh. Anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 01 kho đông lạnh, trị giá 300 triệu đồng, có khả năng chứa 5 tấn sản phẩm sầu riêng. Trong quy trình thực hiện sản phẩm sầu riêng đông lạnh, anh Phan Văn Dược tuân thủ các nguyên tắc về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đưa sầu riêng vào chế biến, anh chọn những trái chín vừa, không bị sâu bệnh, lúc tách lấy múi không để trầy xước. Sau đó, đưa sản phẩm vào túi nilon và hút chân không, rồi đưa vào kho đông lạnh chờ ngày xuất.
Mỗi sản phẩm bán ra có trọng lượng 500 gram, với giá 100.000 đồng. Nhờ đó, đã có nhiều chuyến hàng được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, thông qua hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm do người bà con của anh phụ trách và giới thiệu. Anh cho biết: Không phải ngẫu nhiên có được kết quả như ngày hôm nay. Bản thân anh phải mày mò, tìm hiểu 1 thời gian dài về sản phẩm sầu riêng đông lạnh thay vì bán trôi nổi trái sầu riêng.
Anh K’Doan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai nhận xét: “Từ trước đến nay, trên địa bàn xã Phước Lộc chỉ thấy người ta thu hoạch trái sầu riêng rồi đem bán, chứ không có ai giữ lại để chế biến như gia đình anh Dược. Mong rằng, với mô hình này, thời gian tới anh sẽ thu mua sản phẩm trái sầu riêng của bà con. Người dân không còn lo lắng là trồng sầu riêng ra mà không có nơi tiêu thụ”.
Tại hội thi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao lần thứ nhất của huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, sản phẩm sầu riêng đông lạnh của anh Phan Văn Dược đạt giải nhì và được ban tổ chức chọn tham gia hội thi cấp tỉnh. Từ những thành công ban đầu, trong tương lai anh Phan Văn Dược dự kiến sẽ mở rộng quy mô chế biến sản phẩm sầu riêng đóng gói đông lạnh.
Mô hình “Sầu riêng đông lạnh” của gia đình anh Phan Văn Dược đang là bài toán cho những sản phẩm nông nghiệp của huyện Đạ Huoai phát triển theo xu hướng sản suất hàng hoá. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay huyện đang khuyến khích xây dựng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho người trồng sầu riêng trên địa bàn huyện.
B
ùi Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng
Dâu tây Đà Lạt với những biện pháp quản lý dịch hại mới
N
guồn tin: Báo Lâm Đồng
Điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, trên cây dâu tây Đà Lạt và các vùng phụ cận trồng trong nhà kính và ngoài trời thường xuất hiện các đối tượng gây hại như: bọ trĩ, nhện đỏ, xì mủ lá, thối đen rễ, mốc xám, phấn trắng… Những đối tượng gây hại này sẽ nhanh chóng lây nhiễm thành dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng trừ thích hợp, kịp thời.
C
ần nhân rộng nhiều hơn nữa những diện tích trồng giống dâu tây cấy mô sạch bệnh, đạt năng suất và chất lượng cao ở Đà Lạt và các vùng phụ cận
60 - 70% diện tích dâu tây chiết tách từ gốc cây mẹ
Thống kê trong năm 2015, diện tích trồng dâu tây ở Lâm Đồng đạt khoảng 115ha, gồm 80ha ở các phường 4, 6, 7, 8, 9, 11 và xã Xuân Thọ thuộc thành phố Đà Lạt và 35ha ở các xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim thuộc huyện Lạc Dương. Trong đó, diện tích dâu tây canh tác trong nhà kính chỉ mới chiếm tỷ lệ 11% - khoảng 13ha (Đà Lạt 10,3ha, Lạc Dương 2,7ha). Chủ yếu các giống dâu tây trồng ngoài trời là Mỹ Đá, Mỹ Hương, Langbiang 2; giống dâu tây trồng nhà kính là Newzealand, Nhật (Akihime). Đặc trưng nổi trội của từng loại sản phẩm dâu tây thu hoạch trên đất Đà Lạt và Lạc Dương như: Mỹ Đá với trái cứng, thuận lợi cho vận chuyển đường xa, năng suất trung bình từ 30 - 35 tấn/ha/năm; Mỹ Hương (lai tạo giữa giống Mỹ Thơm và Mỹ Đá) trái nhỏ, mềm, ngọt thơm, đạt năng suất 30 - 32 tấn/ha/năm; Langbiang 2 với tỷ lệ thu hoạch trái hư hỏng chiếm không đáng kể, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật có thể đạt năng suất từ 25 - 30 tấn/ha/năm; Newzealand trái giòn, ngọt thơm, màu sắc bắt mắt, năng suất từ 22 - 25 tấn/ha/năm; Nhật (Akihime) trái nhỏ, mềm, thơm đượm, năng suất từ 18 - 22 tấn/ha/năm.
Kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho thấy: Tính riêng địa bàn thành phố Đà Lạt có 30 cơ sở nuôi cấy mô các loại giống dâu tây, hàng năm, cung cấp cho nông dân ở Đà Lạt và các vùng phụ cận từ 120 - 150.000 cây, chiếm khoảng 30 - 40% diện tích đất canh tác. Còn lại 60 - 70% diện tích nhân giống sản xuất dâu tây từ cây ngó (chiết tách cây dâu tây con từ gốc cây dâu tây mẹ). Đáng nói không ít nguồn gốc giống dâu tây cấy mô và giống chiết tách ở Lâm Đồng từ những khu vườn cây đã già cỗi nhiều năm, thậm chí đang có biểu hiện thoái hóa, dẫn đến phát sinh nhiều loài sâu bệnh gây hại trong suốt thời gian từ khi xuống giống trồng, chăm sóc cho tới lúc thu hoạch.
Cần 5 biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp
Hiện nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận trồng dâu tây chỉ tiếp cận sử dụng 4 loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục đặc trị các loại bệnh thối rễ, sương mai, phấn trắng...; còn các đối tượng gây hại khác trên cây dâu tây như bọ trĩ, nhện đỏ... thì phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký trên cây rau để phòng trừ, nên tác dụng rất hạn chế. Bởi vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng khuyến cáo 5 biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cần áp dụng phù hợp với từng điều kiện sản xuất khác nhau. Trước hết với biện pháp canh tác nên sử dụng cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh, đạt độ đồng đều và năng suất cao, nếu trồng trên giá thể 100% xơ dừa hoặc hỗn hợp xơ dừa với trấu đốt đều phải xử lý hoai mục. Không trồng quá dày nhằm đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, chăm sóc thuận lợi và hạn chế sâu bệnh gây ra. Tăng cường bón lót đầy đủ và bón bổ sung phân chuồng hoai mục và phân hữu cơ vi sinh. Việc tưới tiêu chỉ sử dụng từ nguồn nước sạch (nước giếng khoan), tuyệt đối không sử dụng các nguồn nước ao hồ, mương rãnh chảy tràn... Không tưới nước vào buổi sáng khi cây ra hoa rộ vì như vậy sẽ hạn chế khả năng thụ phấn đậu trái.
Tiếp theo, biện pháp thủ công, cơ giới là phải thường xuyên tỉa bỏ lá già, bị sâu bệnh, trái dị dạng. Nếu nhân giống cây cấy mô thì tỉa bỏ hết cây ngó (cây con) để tạo điều kiện cho cây mẹ phát triển khỏe mạnh hơn. Sau mỗi lần cắt lá, tỉa cành cần thu gom hết tàn dư đưa ra khỏi vườn tiêu hủy. Áp dụng biện pháp vật lý là sử dụng can nhựa chứa nước hòa tan với các chất bã bia hoặc sữa chua để bẫy sên nhớt; đặt các loại bẫy màu vàng có quết nhựa dính cách nhau 3m trên luống dâu để dẫn dụ các loại côn trùng gây hại như bọ trĩ, bọ phấn…
Hai biện pháp áp dụng cuối cùng để phòng trừ hữu hiệu các loại bệnh hại trên cây dâu tây là biện pháp sinh học và biện pháp hóa học. Theo đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng khuyến cáo nông dân trước khi trồng cây dâu tây, cần sử dụng nấm Trichoderma harzianum (liều lượng 2kg/1.000m2) để tăng cường hoạt động vi sinh vật trong đất, góp phần ngăn chặn sự gây hại của các loại nấm bệnh, đặc biệt là nấm bệnh gây thối đen rễ. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký trong danh mục được phép sử dụng, người nông dân cũng cần sử dụng nhiều hơn nữa các loại chế phẩm sinh học, thảo mộc để tăng cường hiệu quả phòng trừ bệnh cho cây dâu tây, góp phần bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
VĂN VIỆT
ĐBSCL: Giá nhãn tăng trở lại
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Sau khi giảm xuống ở mức thấp, gần đây giá nhãn tiêu da bò và nhãn Ido tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại từ 4.000 - 8.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 2-2016.
Thu hoạch nhãn tiêu da bò tại hộ bà Nguyễn Thị Lệ, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL như: Bến Tre, Vĩnh Long… giá nhãn tiêu da bò được nhiều nhà vườn bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg; nhãn Ido ở mức khoảng trên dưới 20.000 đồng/kg. Giá nhãn tiêu da bò và nhãn Ido tăng trở lại do nguồn cung giảm, trong khi đầu ra xuất khẩu có nhiều khởi sắc, nhất là xuất khẩu nhãn tiêu da bò sang thị trường các nước lân cận như: Trung Quốc, Campuchia… Ngoài ra, gần đây nhãn Ido tại một số địa phương vùng ĐBSCL cũng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh trái cây, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2016, giá nhãn đã giảm mạnh do nhu cầu "ăn hàng" tại thị trường Trung Quốc và một số thị trường xuất khẩu khác khá chậm vì thời tiết lạnh. Hiện nay, việc xuất khẩu hàng đã thuận lợi hơn trước.
KHÁNH TRUNG
Huyện Kiến Thụy (Hải Phòng): Cây ăn quả truyền thống dần mai một
Nguồn tin: Báo Hải Phòng
Nhiều năm trước đây, người dân huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) tự hào quê hương mình có nhiều loại trái câyngon có tiếng như táo, cam Tú Đôi, bưởi Minh Tân, cam ngọt Đông Phương… mang lại thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Song, đến nay, các giống cây cho trái quý ngày càng ít dần, số hộ gắn bó trồng cây truyền thống chẳng còn được mấy.
Số người gắn bó với cây táo Tú Đôi hiện không còn nhiều
Thôn Tú Đôi (xã Kiến Quốc) vốn là vùng đất của giống táo ngon nức tiếng mà ai từng một lần thưởng thức còn nhớ mãi vị giòn, thanh, ngọt đậm đà. Táo Tú Đôi tuy quả tròn nhỏ, nhưng khi chín, quả có màu vàng óng rất bắt mắt, về chất lượng ngon không kém táo Bàng La (quận Đồ Sơn). Đã có thời, cây táo phủ kín những mảnh vườn làng Tú Đôi. Bà Đào Thị Thuận (60 tuổi) ở xóm 5 Tú Đôi bồi hồi nhớ lại, những năm 90 của thế kỷ trước, mảnh vườn gia đình bà trồng gần trăm cây táo, cứ đến mùa táo chín hái không xuể, táo rụng đầy vườn.Còn giờ đây, cây táo ngày càng cằn cỗi, năng suất giảm rõ rệt, những mảnh vườn táo như của gia đình bà Thuận được thay thế bằng nhiều loại cây ăn quả khác như nhãn, vải, xoài, chuối… Đi từ đầu đến cuối làng tìm mãi mới thấy một vài vườn táo, nhưng ít được chăm bón, cỏ dại tốt hơn cây.
Cùng với giống táo, làng Tú Đôi còn nổi tiếng với giống cam chua. Cam trồng ở vùng đất bãi Kiến Quốc, được phù sa đắp bồi nên quả mọng nước, có vị chua thanh mát, thơm thoang thoảng. Hiện giờ cả làng chỉ còn vài hộ giữ được giống cam quý.
Giống bưởi Minh Tân cùng chung cảnh ngộ với cam, táo Kiến Quốc. Ngồi nhớ lại mảnh vườn trồng bưởi xum xuê của mình ngày trước, ông Nguyễn Văn Cần (58 tuổi) bộc bạch: Cách đây khoảng 15 năm, chẳng cần quảng bá mà “tiếng thơm” của vườn bưởi nhà ông được rất nhiều người biết đến. Còn bây giờ, sau nhiều năm, giống cây bị cằn cỗi, thoái hóa, hương vị không còn ngon ngọt như trước, nên ông chỉ giữ lại vài cây. Ở xã Minh Tân, nhiều gia đình chặt bỏ bưởi, chuyển đổi sang loại cây trồng cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn. Số người còn gắn bó với cây bưởi như ông Cần không còn nhiều…
Cùng với táo, bưởi, cam chua, nhiều giống cây như ổi, cam ngọt từng một thời là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương ở Kiến Thụy, thì nay gần như bị “xóa sổ”. Theo ông Nguyễn Văn Vơi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Thụy, người dân thường trồng cây theo phong trào, nên lúc được mùa lại mất giá, lúc được giá lại mất mùa. Việc chăm sóc, phát triển cây theo thói quen cũ nên giống cây quý ngày càng mai một, ít được nhân rộng. Ngoài chất lượng sút giảm, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân ít mặn mà với việc trồng cây ăn trái. Diện tích vườn cây ăn quả ở Kiến Thụy hiện còn khoảng 100 ha, chủ yếu là cây tạp. Nhìn chung hoa quả của địa phương chưa khẳng định được thương hiệu riêng, nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Thụy phối hợp Trung tâm giống cây trồng Trung ương xây dựng phương án bảo tồn nguồn gen giống cây bản địa quý hiếm, đồng thời khảo nghiệm một số giống cây trồng mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả ở Kiến Thụy cần tính đến nhu cầu thị trường, xác định loại cây ăn quả cạnh tranh được với các loại trái cây đặc sản khác hiện nay. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả, huyện Kiến Thụy cần quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sạch, liên kết trồng và tiêu thụ các giống trái quý và lưu giữ giống cây ăn quả của địa phương cho các thế hệ sau.
Thanh Vân
Bảo Yên (Lào Cai): Liên kết sản xuất khoai tây
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Vài năm trở lại đây, cây khoai tây ở Bảo Yên (Lào Cai) chủ yếu được phát triển trồng trong vụ đông. Tuy nhiên, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng không những không tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định mà còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng.
Trước thực trạng này, nhằm nâng cao giá trị trên 1 diện tích đất canh tác, từng bước thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa - hiệu quả - bền vững, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Yên đã kết nối doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết trong sản xuất khoai tây.
Thực hiện chủ trương xây dựng vùng sản xuất khoai tây hàng hóa tập trung, vụ đông xuân năm 2015 - 2016, huyện Bảo Yên đã mạnh dạn đưa giống khoai tây Marabel (nhập khẩu từ Đức) về sản xuất thí điểm tại các xã Kim Sơn, Bảo Hà trên tổng diện tích khoảng 3,5 ha, với 34 hộ dân tham gia. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện trên cơ sở liên kết giữa 4 nhà: nhà sản xuất - nhà quản lý - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai, thường xuyên đảm bảo có sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, đơn vị doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt. Trong mô hình liên kết 4 nhà: Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt đầu tư ứng trước 100% vật tư ban đầu (giống, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật) cho nông dân và tiêu thụ đầu ra với giá ổn định, để người sản xuất an tâm và có lợi nhuận. Nhà quản lý cung cấp thông tin, thị trường cho nông dân, tổ chức việc liên kết sản xuất đi đúng hướng và có hiệu quả. Không những thế, người dân còn được nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật; được tiếp cận ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ, các công nghệ tiên tiến, đồng thời được hỗ trợ cung ứng nguồn vật tư đảm bảo chất lượng và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả trong sản xuất.
Làm đất chuẩn bị trồng khoai tây
Về nguồn gốc, giống khoai tây Marabel là giống có bản quyền của công ty Europlant, Đức. Giống được nhập khẩu và trồng tại Việt Nam nhiều năm, đã thích hợp ở nhiều vùng. Củ dạng hình oval, màu sắc vỏ củ và ruột củ đều có màu vàng đậm, mắt củ nông, chống chịu sâu bệnh khá, thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 80 - 85 ngày. Tiềm năng năng suất cao trong điều kiện thâm canh tốt ở Việt Nam có thể đạt 30 - 32 tấn/ha.
Ngày 27/01/2016, đoàn làm việc gồm có lãnh đạo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Bảo Yên, Đảng ủy - UBND xã Kim Sơn, Bảo Hà đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế đồng ruộng về điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác, độ PH, dinh dưỡng của đất trồng khoai tây tại một số thôn thuộc hai xã Kim Sơn và Bảo Hà. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, các điều kiện tự nhiên của thôn Kim Quang - xã Kim Sơn, Bản Liên Hải 1, 2 - xã Bảo Hà đều tương đối phù hợp với phát triển vùng trồng cây khoai tây. Tiếp đó, các hộ dân và đoàn làm việc đã cùng bàn cách triển khai thực hiện, thông qua dự thảo hợp đồng thỏa thuận, cam kết trách nhiệm của các bên, các hộ đăng ký diện tích tham gia và nhất trí bầu trưởng bản đại diện ký kết.
Trong thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân đã thống nhất: doanh nghiệp thu mua đảm bảo dựa trên cam kết hợp đồng và giá thị trường để có sự điều chỉnh giá sàn thu mua sản phẩm, tránh thiệt thòi cho người dân đồng thời về phía người dân không để xảy ra tình trạng bán hàng cho tư thương ngoài.
Đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân đã tiến hành trồng xong toàn bộ diện tích. Cán bộ thường xuyên xuống thôn bản hướng dẫn các hộ kỹ thuật ngay từ khâu xử lý củ giống, xử lý đất và trồng, chăm sóc, bám sát đồng ruộng kiểm tra tiến độ thực hiện.
Mô hình liên kết thành công góp phần tăng thêm thu nhập cho người sản xuất, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Mô hình sản xuất khoai tây hàng hóa theo hướng liên kết 4 nhà sẽ là hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả kinh tế bền vững rất cần sự hợp tác, đồng lòng của người nông dân trong quá trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy mới tạo được niềm tin từ các đơn vị doanh nghiệp trong việc ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong thời gian lâu dài, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần vào việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nguyễn Thị Hải Yến - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên, Lào Cai
El Nino tác động mạnh đến sản xuất
Nguồn tin: CTV Cà Mau
Hiện tượng El Nino đang tác động mạnh đến sản xuất của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Cà Mau, hiện có khoảng 18.000 ha lúa, chiếm 56% diện tích ở vùng lúa – tôm đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng. Trong đó có 13.000 ha lúa bị thiệt hại trên 70%.
Hơn nữa do khô hạn, nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi nhanh, mực nước ở khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện giảm hơn 60cm. Dự báo công tác phòng, chống cháy rừng năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trước tình trạng trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị hỗ trợ đầu tư nạo vét các tuyến kênh chứa nước trong mùa mưa ở khu vực rừng U Minh Hạ; đầu tư hệ thống hồ chứa nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho dân và kết hợp phục vụ phòng cháy rừng; nâng cấp các đập xung quanh rừng tràm; đồng thời xem xét hỗ trợ dự án đầu tư dẫn nước ngọt từ Nam sông Hậu về Cà Mau để hạn chế tối đa tình trạng khoan nước ngầm ở vùng bị nhiễm mặn./.
PV: Diễm Tươi
Cà chua lãi không dưới 40 triệu/ha/3 tháng gieo trồng
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Hiện 1kg cà chua thường đang được thương lái thu mua tại vườn với giá trên 10.000 đồng/kg, với giá bán này, 1.000m2 cà chua nhà vườn có thể thu về không dưới 40 triệu đồng tiền lãi sau 3 tháng gieo trồng.
Giá cà chua Lâm Đồng tăng cao đột biến
Thông tin trên do nhiều nhà vườn tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), nơi chuyên canh cà chua lớn nhất cả nước, cho biết.
Trong khi đó, các loại cà chua giống mới như cà chua tím, cà chua ngọt, cà chua sọc tím… được các nông trại rau sạch trồng theo phương pháp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá bán lên tới 150.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá loại nông sản này tăng cao đột biến trong thời gian qua được nhiều thương lái cho biết, vào thời điểm này năm trước, cà chua có giá rất thấp, người trồng phải bán với giá rẻ mạt hoặc đổ bỏ dẫn đến thua lỗ nặng.
Năm nay, sợ tình trạng cũ lặp lại, nhiều gia đình tại thủ phủ cà chua Lâm Đồng không giám trồng loại nông sản này. Khan hiếm nguồn hàng dẫn đến giá cà chua tăng cao.
NGÔ KHẮC LỊCH
Làm giàu từ rừng tràm
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Xác định tầm quan trọng từ việc trồng rừng làm kinh tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trồng tràm của anh Lưu Tân Phú, ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Anh Phú bên rừng cây của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Thu nhập tiền tỷ từ rừng
Nhớ lại những tháng ngày vất vả đã qua, anh Phú cho biết, từ nhỏ do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, anh phải bỏ dở việc học để theo cha mẹ đi làm thuê. Sau đó, khi được Nhà nước giao đất trồng cây, do điều kiện kinh tế khó khăn không đủ nguồn vốn để đầu tư trồng cây cao su nên gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng tràm.
Sau này, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người dân như giao đất trồng cây với thời gian dài, hỗ trợ về kỹ thuật, về vốn; cho phép các chủ rừng tự chủ động trong việc chọn loại cây trồng, quyết định thời gian, chu kỳ khai thác… nên người dân an tâm đầu tư trồng rừng nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhờ có sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống cháy hàng năm của cán bộ Hạt Kiểm lâm Tân Uyên và chính quyền địa phương, gia đình anh đã có được thành công bước đầu từ trồng rừng tràm.
Theo anh Phú, trồng tràm vừa có lợi về kinh tế vừa có lợi về môi trường. Trồng cây tràm đầu tư chi phí thấp, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, lại có thời gian thu hoạch nhanh, khoảng 3 - 4 năm có thể thu hoạch. Với 20 ha đất được giao khoán và đất của gia đình, anh Phú đã tiến hành trồng và khai thác luân phiên hàng năm. Năm 2013, gia đình anh đã khai thác 4 ha gỗ tràm, bán được 1,1 tỷ đồng; năm 2014 khai thác 8 ha với giá bán 1,8 tỷ đồng và năm 2015 khai thác 7 ha, mang lại thu nhập 1,3 tỷ đồng.
Tạo việc làm cho nhiều lao động
Nhờ chịu khó lao động nên hiện nay gia đình anh đã có của ăn của để và còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Gia đình anh được chính quyền địa phương bầu chọn là “Gia đình văn hóa gương mẫu” trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mới đây, anh Phú được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015.
Anh Phú chia sẻ: “Từ những kết quả đã đạt được, bản thân tôi và gia đình nhận thức được việc trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc và góp phần bảo vệ nguồn nước, ổn định khí hậu và là việc làm “Tốn kém ít mà lợi ích nhiều” như lời Bác đã dạy. Nghề này tuy thấy dễ nhưng lại khó làm nếu mình không hiểu được đặc tính, quy trình của cây. Nghề trồng rừng không khó, nhưng đòi hỏi người trồng rừng phải chịu khó…”.
Chọn cho mình hướng đi riêng từ nghề trồng rừng, anh Phú đã làm giàu từ nghề này khi những cánh rừng mang lại cho gia đình anh nguồn thu đáng kể. Trải qua quãng thời gian dài vất vả, những cố gắng của anh trong nghề trồng rừng đã được đền đáp xứng đáng. Có thể nói, tấm bằng khen là phần thưởng quan trọng khuyến khích tinh thần cho anh hăng say lao động. Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Lưu Tân Phú đã có nhiều đóng góp vào phong trào trồng cây gây rừng ở địa phương, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 58 hộ trồng rừng với diện tích hơn 122 ha, diện tích cây tràm chiếm chủ yếu; trong đó hộ anh Lưu Tân Phú có diện tích trồng lớn nhất. Hiệu quả trồng rừng đã góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp của xã, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nông thôn. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn.
QUỲNH NHIÊN
Huyện Cái Bè (Tiền Giang): Lúa đông xuân trúng mùa trúng giá
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Vụ lúa đông xuân năm 2015 - 2016, nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) gieo sạ hơn 17 ngàn ha. Cơ cấu giống vẫn là những giống lúa kháng rầy, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã thu hoạch 3.000 ha, năng suất ước đạt 7 tấn/ha. Thương lái đến tận ruộng mua lúa IR50404 tươi với giá 4.500 đồng/kg và lúa thơm còn ướt với giá từ 5.800 - 5.900 đồng/kg. Theo tính toán của bà con nông dân, với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí người trồng lúa có lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha.
Nông dân trúng mùa là nhờ việc gieo sạ đúng theo lịch thời vụ do ngành Nông nghiệp khuyến cáo, áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”; chủ trương gieo sạ đồng loạt “né” rầy được ngành Nông nghiệp huyện chủ động bố trí và được nông dân tuân thủ triệt để, tích cực thực hiện các biện pháp như: Sạ thưa, sạ hàng, thăm đồng thường xuyên, kịp thời phun xịt thuốc phòng trừ… nên các loại dịch hại nguy hiểm xuất hiện với tỷ lệ thấp, lúa cho năng suất khá cao.
CHIÊU NAM
Niềm vui chưa trọn
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Những ngày này, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang hối hả thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016 trong không khí phấn khởi vì trúng mùa, thu lãi khá. Tuy nhiên, niềm vui này vẫn chưa trọn đối với những hộ làm lúa thơm vì giá bán không như mong muốn.
Nông dân Hậu Giang đang tất bật thu hoạch lúa Đông xuân đầu vụ, đa phần đều trúng mùa, được giá.
Hiện nhiều cánh đồng lúa đã vàng ươm, nặng trĩu hạt, trải dài ngút tầm mắt và đang sôi động bởi tiếng máy gặt đập liên hợp hoạt động trên đồng để thu hoạch lúa. Nếu như vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhiều nông dân có lúa Đông xuân thu hoạch sớm cảm thấy kém vui bởi năng suất chỉ đạt từ 800 - 900 kg/công (1.300m2), giá bán dao động từ 4.300 - 4.350 đồng/kg (giống IR 50404) và từ 4.500 - 4.600 đồng/kg (giống OM 5451), nhưng hiện tại năng suất lúa đã đạt từ 1,1 - 1,2 tấn/công, giá bán cũng tăng bình quân từ 50 - 100 đồng/kg, từ đó khiến bà con nông dân đang thu hoạch lúa vào thời điểm này phấn khởi vì có nguồn lãi khá. Đang cân lúa cho thương lái, ông Lê Văn Năng, nông dân ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 4ha lúa (giống IR 50404), năng suất đạt 1,1 tấn/công, bán với giá 4.300 đồng/kg, thu về lợi nhuận trên 25 triệu đồng/ha. Mặc dù bán bằng giá với những hộ thu hoạch trước tết do lấy tiền cọc trước, nhưng nhờ lúa đạt năng suất cao nên nguồn thu nhập tăng hơn 3 triệu đồng/ha”.
Cùng niềm vui trên, bà Phan Thị Nguyệt, nông dân ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cũng vừa thu hoạch xong 6 công lúa (giống OM 5451), tươi cười cho biết: “Bất ngờ khi năng suất lúa được 1,2 tấn/công, bởi những hộ làm trước tết chỉ đạt gần 1 tấn/công. Càng vui hơn khi bán lúa với giá 4.700 đồng/kg, cao hơn 200 đồng/kg so với những hộ bán trước cách nay không lâu. Với năng suất và giá bán trên, vụ lúa này, gia đình tôi kiếm được nguồn lợi nhuận trên 3 triệu đồng/công. Hiện không riêng gì tôi, mà tất cả bà con đang thu hoạch lúa ở cánh đồng này đều có chung niềm vui trúng mùa, bán được giá và cho nguồn lãi khá”.
Trái hẳn với niềm vui của những hộ làm lúa thường như giống IR 50404 và OM 5451, bà con sản xuất giống lúa thơm Jasmine lại kém vui khi năng suất và giá bán không như mong đợi. Anh Hà Minh Triều, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, thông tin: “Hiện bà con xã viên đang bán lúa Jasmine ở mức 4.700 đồng/kg, riêng những hộ bên ngoài chỉ có giá 4.600 - 4.650 đồng/kg, thấp hơn 200 đồng/kg so với cùng kỳ. Ngoài giá thấp, năng suất lúa Jasmine vụ này cũng thấp hơn vụ Đông xuân năm trước hơn 200 kg/công, từ đó khiến nguồn thu nhập của bà con giảm đáng kể”.
Cũng theo anh Triều, vụ lúa Đông xuân năm nay, toàn HTX sản xuất 100ha, ngoại trừ 30ha giống lúa AGPPS được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu với giá 6.000 đồng/kg, còn lại là bà con sạ giống lúa Jasmine. Đây là giống lúa thơm được ngành chức năng khuyến cáo sản xuất, ngoài ra đây còn là giống lúa nặng công chăm sóc, chi phí cao hơn lúa thường khoảng 1 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện nay do thị trường đang ưa chuộng giống lúa có phẩm chất gạo thấp nên đầu ra và giá bán giống lúa Jasmine chưa được thuận lợi.
Qua ghi nhận của chúng tôi, mặc dù niềm vui của người trồng lúa có nơi chưa trọn vẹn, nhưng nhìn chung, khởi đầu vụ lúa Đông xuân năm nay đang có chiều hướng tích cực, trừ những hộ làm giống lúa Jasmine, thì hầu hết bà con nông dân đều có không khí mùa vụ khá sôi động. Nhiều nơi nông dân tươi cười, tranh thủ thu hoạch để bán được giá, còn thương lái cũng tìm đến tận ruộng đặt tiền cọc trước để mua các giống lúa họ chọn theo nhu cầu thị trường.
Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tính đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 4.000ha trong số gần 80.000ha lúa Đông xuân đã xuống giống, với năng suất đạt trung bình gần 7 tấn/ha. Theo tính toán của nông dân, chi phí đầu tư trong vụ lúa này chỉ ở mức từ 1,5 - 2 triệu đồng/công, với giá lúa hiện tại và khoản chi phí trên, nông dân thu hoạch lúa Đông xuân đầu vụ có được nguồn lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong những ngày tới giá lúa có khả năng tiếp tục ổn định, bởi thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam gần đây có chiều hướng khởi sắc. Hơn nữa, bước sang năm mới, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư, mua hàng dự trữ, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, liên kết kinh doanh. Với giá lúa và thị trường tiêu thụ hiện nay, nông dân trong tỉnh rất phấn khởi, đang tích cực ra sức chăm sóc lúa nhằm cho năng suất, chất lượng tốt nhất, để bán được giá, cho lợi nhuận cao nhất.
TUẤN PHÁT
Trồng măng tây trên đất cát
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Với diện tích hơn 1.000m2, những bụi măng tươi tốt, xanh mướt uyển chuyển trong gió, ai ngang qua cũng trầm trồ khen vườn măng tây...
Đệ bên vườn măng tây
“Mỗi nghề đều có một cơ duyên” đó là câu nói của ông Nguyễn Đệ (1967, trú tại khối phố Tân Khai, phường Điện Dương, TX Điện Bàn, Quảng Nam). Từ một hộ nông dân nghèo, nuôi 4 đứa con ăn học, vợ mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng với ý chí vươn lên làm giàu, ông Đệ đã trở thành một hộ nông dân tiêu biểu trong vùng, với mô hình trồng măng tây trên đất cát.
Đầu năm 2015, khi biết vợ mắc bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế bấp bênh, phải nuôi con học đại học, nhiều lúc ông rơi vào bế tắc. Nhưng với tình yêu thương vợ, với ý chí vươn lên, ông đã tìm hiểu qua sách, báo, truyền hình... về mô hình trồng măng tây.
Qua những tháng ngày hy vọng, ra sức chăm sóc, ông đã thành công với mô hình này. Theo ông, động lực chính để chữa trị căn bệnh ung thư quái ác, kéo dài sự sống cho vợ chính là cây măng tây.
Măng tây có ba loại xanh, trắng và đỏ. Trong đó, măng tây xanh còn gọi là “rau vua” trên thị trường quốc tế, là thực phẩm chức năng với hàm lượng dinh dưỡng cao, chữa được rất nhiều loại bệnh như tim mạch, đái tháo đường, dạ dày, đặc biệt là các loại bệnh ung thư.
Theo ông Đệ, khác với những loại cây trồng trên đất cát, cây măng tây mang đặc điểm riêng. Đây là loại cây yếu ớt, đỏng đảnh, kén chọn thổ nhưỡng. Khi trồng cây này phải chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, giống, đất sạch, nước sạch và luôn giữ ẩm.
Măng tây là loại cây ưa ánh sáng, không thích hợp trồng dưới bóng râm. Đất trồng phải có độ phì cao, tơi xốp, độ pH từ 6 - 7 là tốt. Măng tây phù hợp với các loại đất đỏ bazan, đất phù sa, đất cát. Có thể trồng 2 vụ/năm.
Trong đó, nước là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến năng suất của loài cây này. Tốt nhất là tưới vào buổi sáng sau khi thu hoạch măng và buổi chiều tối. Ngoài ra phải chú ý đến nguồn phân bón, chủ yếu là phân chuồng, không nên sử dụng phân hóa học nhiều.
Với diện tích hơn 1.000m2, những bụi măng tươi tốt, xanh mướt uyển chuyển trong gió, ai ngang qua cũng trầm trồ khen vườn măng nhà ông. Măng tây trồng khoảng 6 tháng có thể thu hoạch được. Tuổi thọ của cây kéo dài từ 6 - 7 năm. Khi mụt măng lên cao từ 25 - 30cm là có thể cắt bán, nếu để cao hơn nữa măng sẽ bị già và hàm lượng dinh dưỡng sẽ ít dần. Thu hoạch tốt nhất là buổi sáng sớm. Ông Đệ bán với giá từ 120.000 - 150.000 đ/kg. Mỗi ngày bán ra khoảng 3 - 5kg. Hiệu quả cao hơn so với những loại cây trồng mà ông đã thử nghiệm trước đây.
Măng tây là thực phẩm dễ chế biến, giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là khách Tây rất thích. Những nhà hàng, khách sạn gần đó thường đặt hàng của ông Đệ, điều này đã thôi thúc ông nhân rộng mô hình.
Bên cạnh trồng măng tây, ông Đệ còn phát triển thêm kinh tế hộ gia đình như chăn thêm 5 con bò, 3 lợn nái và trồng 7 sào lúa để nuôi các con ăn học và chữa bệnh cho vợ.
Từ tấm gương của ông Đệ, nhìn thấy lợi ích thiết thực từ loại cây này mang lại, nhiều hộ trong vùng cũng đã đến tham quan, học hỏi. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, nhiều bệnh nhân ung thư đã tìm đến tận nhà ông mua loại cây này về chữa bệnh.
Ông Đệ chia sẻ: “Khi phát hiện vợ bị bệnh, tôi lâm vào bế tắc, cùng quẫn. Nhưng tự nhủ mình phải đứng lên, vượt qua số phận. Tôi vừa trồng măng tây để phát triển kinh tế, vừa muốn chữa khỏi bệnh cho vợ. Vợ tôi đã qua những cơn đau, bệnh giảm dần. Và vườn măng tây của tôi được nhiều người biết đến. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích, phát triển mô hình này”.
Mặt trời lên cao dần, vườn măng tây của ông Đệ xanh ngắt một màu dưới cái nắng miền Trung. Nhìn dáng người thấp bé của ông đang lúi húi chăm bón những bụi măng, chúng tôi thầm cảm phục ý chí và nghị lực của người nông dân này. Có lẽ, cuộc đời sẽ có những lúc thăng trầm, nhưng cứ cố gắng, cứ nỗ lực rồi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
THÂN THỊ THANH TRÂM