2 tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký các Quyết định 1422/QĐ-TTg, 1423/QĐ-TTg công nhận tỉnh Nam Định và tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2020 có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND 2 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai tổ chức lễ công bố tỉnh Nam Định, tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 theo quy định.
UBND 2 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai có trách nhiệm tiếp tục triển khai duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, chú trọng các tiêu chí về sản xuất, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh Nam Định có 100% số xã, thị trấn và 10/10 huyện thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, Nam Định đã huy động được nguồn lực trong dân và xã hội hóa. Đến hết năm 2018, Nam Định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2020 có 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trở lên ở xã, thôn và huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 133/133 xã và 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong phát triển sản xuất, tỉnh Đồng Nai không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với sản phẩm có khả năng xuất khẩu, đạt giá trị kinh tế cao như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, ca cao... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2018 đạt gần 51,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011 khi Đồng Nai bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% vào năm 2011, hiện chỉ còn 0,09%.
Hoàng Diên
Bến Tre: Tổng kết mô hình trồng bưởi da xanh xen vườn dừa
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) vừa tổ chức tổng kết mô hình bưởi da xanh xen trong vườn dừa.
Các đại biểu tham quan vườn ông Lê Văn Tươi.
Mô hình được thực hiện quy mô 5ha, có 13 hộ tham gia. Qua 13 tháng triển khai áp dụng, mô hình đã tổ chức 1 lớp tập huấn sản xuất bưởi da xanh theo hướng hữu cơ và 2 buổi tọa đàm học tập kinh nghiệm của các nông dân trong và ngoài mô hình.
Tập huấn canh tác bưởi da xanh xen trong vườn dừa với các quy trình như: phân bón cho bưởi và dừa, cách quản lý dịch hại bằng các chế phẩm sinh học trị kiến vương, bọ cánh cứng, bọ vòi voi, các loại mấm bệnh, bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi, cách nhận dạng bệnh thối rễ trên cây bưởi, cách tỉa tàn tạo tán và xử lý ra hoa, các trệu chứng gây hại trên cây dừa.
Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn và 30% chi phí mua vật tư nông nghiệp, vật tư sản xuất. Kết quả thực hiện, số lượng phân hóa học sử dụng giảm từ 20 - 30%. Năng suất và sản lượng tăng đáng kể. Đặc biệt, cây phát triển xanh tốt hơn dùng phân thuốc hóa học.
Từ mô hình định hướng cho nông dân thực hiện quy trình, áp dụng những biện pháp kỹ thuật tiến bộ phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Đồng thời, tạo tiền đề cho nông dân sản xuất hữu cơ đạt chứng nhận trong thời gian tới, tạo mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ ổn định.
Tin, ảnh: Huỳnh Lâm
Trái cây xuất khẩu phải sản xuất đúng quy trình kỹ thuật
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Sóc Trăng với đặc điểm sinh thái đa dạng, có 3 vùng thổ nhưỡng: ngọt, mặn và lợ nên phát triển được nhiều loại cây ăn trái chất lượng, mang hương vị đặc trưng riêng so với các vùng khác ngoài tỉnh. Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn toàn tỉnh hơn 27.790ha, với các loại cây trồng như: bưởi, cam, quýt, xoài, nhãn, mãng cầu, mận, vú sữa… Trong đó, trái vú sữa tím của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và được khách hàng ưa chuộng. Để nối tiếp thành công của trái vú sữa cũng như các loại trái cây đặc sản tiềm năng như xoài, nhãn… thì đòi hỏi người sản xuất cây ăn trái phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật do doanh nghiệp đề xuất và ngành chuyên môn hướng dẫn.
Là một trong những địa phương chuyên về nuôi trồng thủy sản và trồng các loại rau màu, đặc biệt là củ hành tím, TX. Vĩnh Châu còn biết đến là địa phương có loại nhãn rất ngon mang nét đặc trưng riêng của vùng quê biển. Để tạo vị thế cho trái nhãn Vĩnh Châu, địa phương đã quy hoạch vùng trồng cũng như hình thành hợp tác xã (HTX) mang tên gọi HTX Nhãn Vĩnh Châu. Ông Đinh Hoàng Vũ - Giám đốc HTX Nhãn Vĩnh Châu bộc bạch: “Nhãn Vĩnh Châu diện tích 200ha, được xem là một loại trái cây đặc sản của địa phương bởi chất lượng nhãn có mùi vị đặc biệt hơn so với cùng giống nhãn trồng tại các địa phương khác trong tỉnh. Nhãn dày cơm, mùi thơm dịu ngọt… Để trái nhãn được đi vào thị trường cao cấp và xuất khẩu, địa phương mong muốn được kết nối cùng doanh nghiệp để tìm đầu ra cho trái nhãn ổn định, tăng thu nhập cho nông dân”.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp đến tham quan vườn xoài của HTX Nông nghiệp An Thạnh đạt chứng nhận VietGAP và có ký kết doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Thúy Liễu
Giám đốc HTX Nông nghiệp An Thạnh, xã An Lạc Tây (Kế Sách) Nghê Nam Vũ cho biết: “Diện tích của HTX hơn 38ha, chuyên sản xuất xoài cát chu, sản lượng gần 500 tấn/năm. Sau quá trình thành lập đi vào hoạt động, HTX đã được các ban ngành, đoàn thể các cấp hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như canh tác theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận VietGAP. Nhờ đó, HTX được doanh nghiệp ký kết thu mua xoài trong năm 2019, sản lượng bán cho doanh nghiệp hơn 13.000 tấn, giá doanh nghiệp mua xoài tại HTX cao hơn thị trường từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để tiêu thụ hết lượng xoài sau thu hoạch, HTX mong muốn được nhiều doanh nghiệp đến kết nối tiêu thụ và kiến nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây sấy khô, làm nước ép để trái cây của bà con nông dân và HTX sản xuất ra không còn lo lắng đầu ra…”.
Để trái cây có đầu ra tốt, theo ông Nguyễn Đình Mười - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, trái cây Việt Nam rất tiềm năng, xuất khẩu đi vào một số thị trường khó tính. Bằng chứng là, trong nhiều năm qua đơn vị đã cung ứng sản phẩm cho phía đối tác họ đều hài lòng, chỉ có vấn đề là trái cây của ta kích cỡ nhỏ hơn so với các nước khác. Do vậy, ngoài việc canh tác theo tiêu chuẩn “sạch”, đạt chất lượng xuất khẩu, người canh tác cần chú ý đến việc tỉa thưa bớt trái trên cây, dành dinh dưỡng nuôi trái để trái to hơn. Bên cạnh đó, đơn vị lưu ý người dân về trái xoài, đối với xoài cát chu sẽ khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước khác, trong khi đó, xoài cát Hòa Lộc được xem là trái cây độc quyền khi đi xuất khẩu. Nông dân muốn bán có giá khi “xuất ngoại” thì trước tiên trong quá trình sản xuất phải luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của từng thị trường và luôn chú trọng đến người tiêu dùng, không vì lợi nhuận mà đánh mất những gì đã gầy dựng, đặc biệt phải giữ chữ tín.
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Thuận Thiên Nguyễn Hoàng Cung nhận định rằng, sản lượng trái cây của tỉnh Sóc Trăng rất có tiềm năng đáp ứng thị trường xuất khẩu nhưng chưa có sự gắn kết cùng doanh nghiệp, vì phía doanh nghiệp cần HTX làm tốt khâu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, còn HTX đợi đơn hàng phía doanh nghiệp. Điểm nghẽn giữa doanh nghiệp và nông dân là chưa tin tưởng nhau.
“Chúng tôi khẳng định với nông dân rằng, một khi đã bao tiêu sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ thu mua hết, bởi đơn hàng đã đặt và chúng tôi rất áp lực nên đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật phía đối tác yêu cầu thì hàng hóa mới xuất bán thuận lợi. Vì vậy, bà con nông dân nên giữ ổn định chất lượng, sản lượng hàng hóa và có sản phẩm quanh năm sau khi tiến hành ký kết tiêu thụ cùng doanh nghiệp… Tới đây, nhu cầu của doanh nghiệp ngoài trái xoài, còn trái bưởi 5 roi. Bà con trồng bưởi muốn trái cây “xuất ngoại”, ngay từ bây giờ phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhưng vấn đề quan trọng và then chốt ở đây là phải tạo ra hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu...” - ông Nguyễn Hoàng Cung nhấn mạnh.
Thúy Liễu
Nông dân liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Trước tình trạng diễn biến xấu của cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều nông dân xã Bình Giã đã chuyển đổi sang trồng đu đủ và liên kết thành tổ hợp tác sản xuất đu đủ, với mong muốn những sản phẩm mình làm ra chất lượng, an toàn, có đầu ra ổn định.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Ân (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) chuyển đổi thành công từ mô hình trồng tiêu sang trồng đu đủ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) cho biết, tổ hợp tác (THT) trồng đu đủ xã Bình Giã được thành lập từ năm 2016 gồm 11 thành viên, do ông làm tổ trưởng. Tổng diện tích trồng đu đủ của toàn tổ là 15ha. Hàng năm, sản lượng bình quân trên 1ha đạt từ 25-30 tấn. Theo ông Hiếu, trong mấy năm qua, giá bán đu đủ khá ổn định, từ 8.000-10.000 đồng/kg, thị trường đầu ra phong phú. Vì vậy, người trồng đu đủ có lãi. Đơn cử như gia đình ông có 5 sào đu đủ, mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Ân (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã) cho biết, gia đình có 4 sào trồng đu đủ. Bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đầu tư còn lời gần 100 triệu đồng. Theo ông Ân, trước đây hầu hết các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường làm theo kiểu nhà nào biết nhà nấy nên hiệu quả không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia THT, những người nông dân như ông mới có cơ hội được tiếp cận những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Do đó, việc trồng trọt thuận lợi hơn, đặc biệt, thị trường tiêu thụ cũng ngày càng ổn định bởi việc mua bán phần lớn đã được THT đứng ra thỏa thuận, ký kết từ trước đó. So với trồng hồ tiêu trước đây thì chi phí đầu tư cho trồng đu đủ thấp, lại nhanh cho thu hoạch, giá cả không trồi sụt thất thường nên ai cũng phấn khởi.
Được biết, để có được kết quả trên, những sản phẩm của THT được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (đây là bộ tiêu chuẩn tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản). Để được công nhận GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật khắt khe, với hàng trăm tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ tham gia mô hình trồng đu đủ sạch phải tuân thủ quy trình giống nhau về cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại nằm trong danh mục được cho phép, sau khi bón phân cần có thời gian cách ly đủ lâu mới được xuất sản phẩm ra thị trường.
Với cách làm này, ngay từ khâu chuẩn bị sản xuất đã có DN đặt hàng và bao tiêu sản phẩm, nên người nông dân không lo đầu ra. Các thành viên trong tổ đều cho rằng, việc liên kết cùng sản xuất giúp họ học hỏi được cách làm hay trong chăm sóc cây đu đủ theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đồng thời biết cách tự liên kết với DN cung ứng kỹ thuật, phân bón hữu cơ vi sinh, lựa chọn đối tác để bán sản phẩm trực tiếp, loại bỏ chi phí khâu trung gian, nên có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha. “Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo THT đã và đang chứng minh hướng đi đúng đắn của bà con nông dân, đó là liên kết sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khi THT trồng đu đủ Bình Giã mới thành lập chỉ có 3 thành viên tham gia, nhưng sau khi THT đi vào hoạt động được một thời gian, thấy việc liên kết sản xuất mang lại hiệu quả, nhiều hộ sản xuất đu đủ trên địa bàn đã tự nguyện tham gia THT”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Hiện toàn bộ các sản phẩm của THT trồng đu đủ Bình Giã đều được đặt hàng, thu mua bởi Công ty TNHH A Cón (Hà Nội), đưa đi tiêu thụ ở các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội. Bà Nguyễn Ngọc Phương Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Giã cho biết, mô hình nông dân liên kết trong sản xuất theo hình thức THT trên địa bàn đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững đã đem lại hướng đi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất cao hơn cho các hộ nông dân. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, không tập trung và thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đầu ra chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ, lợi nhuận tiểu thương hưởng còn người nông dân không có lãi nhiều. Ðây là nguyên nhân làm cho nông dân không thiết tha và ngại đầu tư cho nông nghiệp. “Hiện xã đang vận động thêm các thành viên tham gia THT. Các hội viên sẽ liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật sản xuất đu đủ sạch đạt chuẩn GlobalGAP. THT cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích và số lượng người trồng đu đủ sạch tại địa phương, giúp sản phẩm này từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường”, bà Nguyễn Ngọc Phương Nga chia sẻ.
Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ
Bình Thuận: Khuyến cáo các biện pháp đối phó chuột gây hại lúa
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, thời điểm này đang có khoảng 300 ha lúa vụ mùa bị chuột gây hại ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận).
Thăm đồng, chăm sóc lúa.
Do đó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, chi cục khuyến cáo nông dân sử dụng các biện pháp canh tác như phát quang bờ, bụi rậm, gò đống,... làm mất nơi cư trú của chuột. Giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn đòng – trổ để hạn chế chuột làm tổ ven bờ. Đồng thời, đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn, soi đèn... Dùng các loại bẫy bắt thủ công như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dính... Khuyến khích người dân nuôi mèo, bảo vệ thiên địch của chuột như rắn, các loài chim... Ngoài ra, các biện pháp hóa học như sử dụng bẫy bả để nhử chuột, mồi nhử có thể sử dụng các loại như gạo tấm, cùi dừa, khoai mì thêm ít dầu thực vật, lúa mộng, thức ăn gia súc trộn với các loại thuốc có gốc Warfarin (Rat K 2% DP, Rat-kill 2% DP...), Brodifacoum (Klerat, Vifarat 0.005% AB...)...
K.H
Lão nông nuôi bò
Nguồn tin: Báo Bình Định
Đó là ông Ngô Văn Phương, ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) - người có thâm niên 48 năm gắn bó với nghề nuôi bò, làm giàu từ bò. Ông Phương bộc bạch: “Tuổi thơ tôi gắn liền với con bò, dần dà yêu thích việc chăm sóc cho con bò của mình khỏe mạnh, to lớn nhiều hơn so với bình thường”.
Đàn bò của ông Ngô Văn Phương.
Khi am tường về loại vật nuôi này, đồng thời nhận thấy cơ hội đã đến với những giống bò mới, từ năm 1997, ông tập trung vào nghề nuôi vỗ béo bò. Cái hay của ông Phương là ông có thể nhìn thấy cơ hội từ cả những con bò gầy ốm, không còn sức kéo, có thể mua với giá thấp để vỗ béo. Túc tắc như vậy nhưng dần dần ông thành mối quen của nhiều lò mổ lớn có uy tín không chỉ ở trong tỉnh mà còn mở rộng đến tỉnh thành xa như Kon Tum, Đà Nẵng.
Ông Phương chia sẻ: Những lúc xong việc, tôi lấy việc nhìn ngắm, quan sát đàn bò làm thú vui. Nhờ vậy tôi biết rất rõ con nào ăn đủ no, uống đủ nước, nghe hơi thở là biết nó có khỏe không... Để bò mau tăng cân, thịt ngon, tôi thuê đám ruộng gần nhà để trồng cỏ cho bò ăn, cắt cỏ tới đâu tôi bón phân, bơm nước trở lại để nuôi cỏ liền. Từ ngày theo nghề nuôi vỗ béo bò đến nay, bình quân 1 tháng mỗi con bò cho lợi nhuận 1 triệu đồng, trong chuồng lúc nào cũng có 10 con bò trở lên.
“Cả thôn Thuận Truyền có gần 800 hộ dân thì hơn 1/3 số hộ theo nghề nuôi bò vỗ béo như ông Phương. Không những nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, ông Phương còn sẵn sàng kết nối người nuôi bò để hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá bò”, ông Nguyễn Công Chỉnh, chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, cho biết.
ÁNH NGUYÊN
Đồng Tháp: Giá gia cầm giảm mạnh
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Là một trong những tỉnh, thành có lợi thế trong chăn nuôi vịt, tuy nhiên khoảng 2 tháng qua, người nuôi vịt trong tỉnh Đồng Tháp thấp thỏm đứng ngồi không yên khi giá vịt thịt liên tục rớt thảm.
Giá gia cầm liên tụt rớt giá khiến người chăn nuôi lao đao
Hiện giá vịt thịt được thương lái thu mua tại các trang trại dao động từ 30 ngàn - 32 ngàn đồng/kg (vịt trắng và vịt Hòa Lan), vịt xiêm Pháp có giá khoảng 45 ngàn đồng/kg. Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi lỗ từ 4 ngàn - 6 ngàn đồng/kg.
Sau khi đàn heo của gia đình chết sạch do nhiễm dịch tả heo Châu Phi, cuối tháng 7 vừa qua, gia đình anh Lê Văn Liêm ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh chuyển sang nuôi vịt thương phẩm. Anh Liêm hi vọng nuôi vịt sẽ khấm khá hơn nhưng không ngờ đàn vịt chuẩn bị xuất chuồng thì giá vịt thịt liên tụt rớt mạnh. Anh Liêm tâm sự: “Nuôi heo mấy chục năm quen rồi giờ heo chết hết nên chuyển sang nuôi vịt. Thấy mấy tháng trước giá vịt thịt cũng ổn nên định nuôi kiếm lời chút đỉnh bù vào đàn heo vừa mới lỗ, nào ngờ nuôi đàn vịt 300 con, gia đình lỗ thêm gần 5 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc trong mấy tháng qua”.
Theo thông tin từ các thương lái, nguyên nhân khiến giá thịt vịt giảm mạnh trong những tháng gần đây là do nguồn cung tăng đột biến. Do mùa nước nổi hằng năm cũng là thời điểm mà nhiều hộ gia đình có tập quán chăn nuôi vịt nhỏ lẻ để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, dịch tả heo Châu Phi bùng phát, nhiều hộ nuôi heo chuyển sang nuôi vịt “chữa cháy” đã khiến cho tổng đàn gia cầm của nhiều tỉnh, thành tăng đột biến. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều thay đổi, thịt heo vẫn là sản phẩm được chọn để chế biến trong bữa cơm gia đình còn thịt gia cầm chưa là lựa chọn chính. Vì vậy, giá vịt thịt bắt đầu rớt mạnh trong những tháng gần đây khiến cho nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. So với cách đây 3 tháng, giá vịt thương phẩm giảm khoảng 8 ngàn - 10 ngàn đồng/kg.
Ngoài giá vịt thịt giảm mạnh, giá gà thương phẩm trong tỉnh thời gian qua cũng “lao dốc” không phanh. Cụ thể, gà nồi Bến Tre hiện có giá khoảng 55 ngàn – 60 ngàn đồng/kg; gà nồi Bình Định 40 ngàn – 45 ngàn đồng/kg, giảm từ 10 ngàn – 15 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi lỗ khoảng 5 ngàn đồng/kg.
Theo người trong nghề, giá gà giảm cũng do việc tăng đàn không kiểm soát của người chăn nuôi. Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gà ngoại chế biến sẵn với mức giá cực thấp khoảng 15 ngàn – 19 ngàn đồng/kg đã khiến cho gà nội địa khó cạnh tranh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn trong những tháng gần đây.
Mỹ Lý
Hiếu Giang tổng hợp