Trái cây ngon không lo dội chợ
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Qua tháng 8, xoài, sầu riêng, chôm chôm, mít… kết thúc mùa thu hoạch chính vụ. Hiện nay, vẫn còn một số loại trái cây chủ lực ở ĐBSCL áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ như: Thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi. Một xu hướng để xây dựng vườn chuyên canh, liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn hiệu quả cao hơn.
Lo cho "hàng chạy chợ"
Mùa trái chính vụ vừa qua nhà vườn trồng xoài lạc quan đón tin mới xuất khẩu xoài qua Mỹ. Tuy mới vài đợt bán buôn chào hàng ban đầu, số lượng ít nhưng khả quan như một số trái cây thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa, bưởi, chanh… bán được vào những thị trường cao cấp, khó tính. Trong khi phần lớn trái cây tươi ở các tỉnh trong vùng còn tiêu thụ nội địa và bán qua Trung Quốc hay gặp tình trạng giá cả lên xuống bất thường.
Điểm lại từ những tháng đầu năm 2019, nhà vườn trồng cây ăn trái gặp thuận lợi do giá bán trái cây khá tốt. Đặc biệt, các loại cây ăn trái chủ lực đang được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhà vườn tiếp tục mở rộng diện tích như thanh long, sầu riêng, bưởi, mít Thái…
Tuy nhiên, sau khi qua đợt hái trái đầu vụ, trái cây chín rộ hàng nhiều bán sang Trung Quốc lại gặp cảnh cũ, giảm giá, thậm chí có lúc họ ngừng mua. Một thương lái trái cây tại Cần Thơ thường bán hàng sang Trung Quốc kể, trong hơn một tháng đầu bán được giá khá cao, nhất là sầu riêng Ri6, Mongthong 70.000-80.000 đồng/kg. Mít Thái "siêu sớm" có thương lái mua trên 70.000 đồng/kg. Thanh long ruột đỏ loại 1, giá 30.000-40.000 đồng/kg… đem lại thu nhập khá. Đến cuối tháng tháng 6, giá một số loại trái cây bắt đầu chao đảo. Sầu riêng loại ngon giá tăng giảm thất thường mức 45.000-50.000 đồng/kg chỉ vì phụ thuộc vào hàng chạy chợ qua Trung Quốc. Trong khi mít Thái có lúc chỉ còn 10.000 đồng/kg, thậm chí có nơi 5.000-6.000 đồng/kg. Riêng hàng thanh long bất ngờ "chết đứng", có người đóng hàng vào container xong sắp chuyển bánh nhưng thương lái Trung Quốc báo ngừng mua.
Dân đóng hàng trái cây bán đi Trung Quốc thừa nhận, nếu gặp rủi ro đành chịu như chấp nhận cuộc chơi. Nhưng suy cho cùng chỉ vì một số nông dân quen cách canh tác cũ dùng phân, thuốc chăm bón cây trồng sao cho trái đẹp bán cho thị trường tiêu dùng dễ dãi. Còn thương lái mua bán tiểu ngạch khi nhận được tin đầu mối thương lái Trung Quốc đặt hàng thì quầy quả lo thu gom hàng từ các nhà vườn. Trong khi vườn cây chưa cấp mã số (code), nhà vườn chưa ghi chép sổ sách, chưa chú trọng làm vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP.
Trái cây ngon miền Tây chào hàng.
Hệ quả bán trái cây tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc như đi theo lối mòn. Mới đây cánh cửa bán hàng tiểu ngạch sang thị trường này gần như đóng sập. Thị trường Trung Quốc yêu cầu các điều kiện nhập khẩu chính ngạch phải đáp ứng về chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Điều này nhiều nhà vườn đã làm, bằng chứng có nhiều loại trái cây đã xuất vào thị trường Mỹ, Nhật, EU… Song, vì sao sản lượng hàng trái cây ngon lành chưa tăng lên?
Mở cửa thị trường trái ngon
Anh Nguyễn Hoàng Cung, Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) chuyên kinh doanh hàng trái cây sinh thái, cho biết: Công ty đang cung cấp hàng trái cây tươi qua 2 kênh: Cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu theo hợp đồng liên kết và trực tiếp xuất khẩu chính ngạch xoài, sầu riêng sang Trung Quốc, Nhật Bản và mít Thái hiện xuất sang Hàn Quốc. Anh Cung cam đoan nhà vườn miền Tây hoàn toàn đủ khả năng sản xuất đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiện đã có nhiều địa phương hướng dẫn, khuyến cáo nhà vườn làm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ĐBSCL và tỉnh Bình Thuận có 5 loại trái cây rải vụ: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn. Với hơn 59.300ha vườn trái cây rải vụ trên tổng diện tích hơn 122.300ha, chiếm 56% tổng diện tích thu hoạch, tổng sản lượng trái cây rải vụ đạt trên 1 triệu tấn, chiếm trên 56% tổng sản lượng. Hiện nay diện tích và sản lượng rải vụ: Thanh long chiếm 65,4% diện tích và 64,6% sản lượng; xoài 46,4% diện tích và 34,1% sản lượng; sầu riêng 57% diện tích và 57% sản lượng; chôm chôm 75,8% diện tích và 63,1% sản lượng; nhãn 43,4% diện tích và 43,4% sản lượng. Trồng trái cây thu hoạch rải vụ tiêu thụ giá cao, hiệu quả sản xuất cao hơn và giảm áp lực đầu ra cho mùa trái chính vụ. Hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn chính vụ 1,5 đến 2 lần.
Từ mấy năm qua, Công ty Đại Thuận Thiên hình thành được mạng lưới liên kết với hơn 400 nhà vườn với khoảng 500ha vườn cây ăn trái đáp ứng theo các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Mong muốn có nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái bài bản, thực lòng để nâng cao chất lượng làm hàng trái cây ngon lành thì không lo gì mất giá, khó bán. Mặc dù số nhà vườn tham gia vào các hợp tác xã sản xuất trái cây ngon xuất khẩu càng nhiều, nhưng nhu cầu thị trường cao cấp đang tăng cao. Trong khi lượng trái cây đạt chuẩn chưa đáp ứng.
Hiện nay trong các tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn trong vùng ĐBSCL, Sóc Trăng đang phát huy thế mạnh hơn 29.000ha vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh dọc theo bờ Nam sông Hậu. Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, cho biết: Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái, vừa qua từ nguồn vốn của dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái đặc sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ, hình thành vùng trồng xuất khẩu. Đến nay, mô hình VietGAP trên cây ăn trái của Sóc Trăng duy trì trên 265ha của 292 hộ với các loại cây trồng như: Cam sành, cam xoàn gần 100ha; nhãn tiêu da bò gần 50ha; mãng cầu gai gần 40ha; xoài cát chu gần 45ha; bưởi da xanh 11,5ha; vú sữa trên 32ha. Hiện nay trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP được liên kết tiêu thụ khá tốt, như: Cam sành (Ba Trinh), mãng cầu (Ngã Năm), vú sữa (Kế Sách), Xoài (Kế Sách). Tỉnh Sóc Trăng xây dựng 3 mã code vùng trồng vú sữa, với diện tích 46,4ha của 44 hộ cho 2 Tổ hợp tác và hợp tác xã ở xã Xuân Hòa và Trinh Phú, huyện Kế Sách liên kết tiêu thụ sản phẩm với 2 công ty Chánh Thu (Bến Tre) và công ty Vina T&T (TP Hồ Chí Minh) xuất khẩu sang Hoa Kỳ với sản lượng 32,5 tấn. Trong năm 2019, tỉnh tiếp tục cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu bưởi, 3 mã code vùng trồng cho xoài, 3 mã code vùng trồng cho cây nhãn và 4 mã code vùng trồng cho cây vú sữa; xây dựng 2 hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP cây bưởi và vú sữa (khoảng 70-80ha).
Bài, ảnh: HỮU ĐỨC
Chanh không hạt được giá cao
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Nông dân trồng chanh không hạt ở TP Cần Thơ rất phấn khởi do giá bán chanh trái không hạt luôn ở mức khá cao trong thời gian qua.
Trồng chanh không hạt tại hộ gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng ở xã Trường Long, huyện Phong Điền.
Những tháng mùa nắng vào đầu năm nay, trái chanh không hạt được nông dân bán cho tiểu thương và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua chanh với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg. Bước vào mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ chanh giảm, giá chanh không hạt có giảm trở lại nhưng vẫn còn ở mức khá cao từ 12.000-18.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân trồng chanh không hạt ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, chanh không hạt khá dễ trồng và cho trái quanh năm. Vườn chanh chăm sóc tốt có thể cho năng suất trái hơn 4 tấn/công. Thời gian qua, nhiều hộ dân trồng chanh có thể đạt lợi nhuận 30-40 triệu đồng/công chanh.
Do chanh không hạt dễ trồng và bán được giá khá cao nên nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang phát triển trồng loại cây này. Điều này dễ làm phát sinh rủi ro về đầu ra trong tương lai nếu nông dân sản xuất tự phát, thiếu hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu của các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ. Song, chanh không hạt là loại trái đã được xuất khẩu và còn nhiều tiềm năng để phát triển thị trường xuất khẩu, ngành chức năng cần quan tâm, giúp nông dân nắm bắt cơ hội để nâng cao thu nhập.
Tin, ảnh: Khánh Trung
Thanh trà mất mùa, người trồng thất thu
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Thnh trà, sống tại các vùng chuyên canh trồng loại cây này, sản lượng lẫn chất lượng giảm hẳn so với mọi năm.
Thanh trà ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế được bọc trong túi tránh ánh nắng mặt trời
Thu nhập sụt giảm
Phường Thủy Biều (TP. Huế) có hơn 145 ha thanh trà nổi tiếng không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà còn cả nước. Thanh trà Thủy Biều ngoài mang lại thu nhập cho người dân còn góp phần thu hút khách du lịch. Khác với mọi năm, thanh trà Thủy Biều vụ này mất mùa, trái nhỏ, thưa thớt và chất lượng thấp.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hảo (tổ dân phố 15, phường Thủy Biều) trồng hơn 30 gốc thanh trà, những năm trước mang lại thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Song, năm nay, thanh trà phát triển kém và sản lượng rất thấp.
Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều cho biết: “Chất lượng trái thanh trà Thủy Biều vụ này khá thấp, sản lượng giảm sâu so với mọi năm. Ngoài ra, một số diện tích thanh trà chết rải rác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nắng nóng kéo dài, một số chủ vườn phản ứng chậm nên bị thiệt hại. Mặc dù chúng tôi cũng khuyến cáo người trồng bổ sung nguồn nước và các biện pháp canh tác nhưng tình trạng mất mùa cũng xảy ra”.
Huyện Phong Điền có gần 300 ha thanh trà. Nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ đậu quả ở mức thấp. Xã Phong Thu là địa phương có diện tích thanh trà chiếm gần một nửa huyện Phong Điền. Năm 2018, loại cây này cho thu nhập gần 15 tỷ đồng.
“Tại địa phương, cây thanh trà mang lại thu nhập cho hơn 100 hộ dân. Tuy nhiên, thanh trà năm nay mất mùa, sản lượng tại địa phương giảm khoảng 30%, người trồng thất thu”, ông Nguyễn Bá Nam, Chủ tịch UBND xã Phong Thu nói.
Tiếp tục chăm sóc
Toàn tỉnh hiện có hơn 800 ha thanh trà, trong đó có nhiều vùng chuyên canh cây thanh trà lớn ở TP. Huế, TX. Hương Trà và huyện Phong Điền. Loại cây này trở thành đặc sản của địa phương, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, mặc dù đã vào vụ thu hoạch nhưng thanh trà chậm lớn nên nhiều chủ vườn vẫn phải chờ.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thừa nhận, đây là vụ mùa không đạt hiệu quả như mong muốn, sản lượng thanh trà thấp hơn nhiều so với những năm trước. Ông Thọ cho rằng, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người trồng thanh trà cần có sự đầu tư về hệ thống tưới tiêu cũng như áp dụng những biện pháp chăm sóc cây phù hợp trong mùa nắng nóng.
“Dù đang vào vụ thu hoạch nhưng vẫn còn nhiều diện tích trái chưa đủ tiêu chuẩn để thu hoạch. Do vậy, người trồng cần tăng cường chăm sóc, bổ sung nguồn nước để trái phát triển, đáp ứng được chất lượng, cải thiện thu nhập trong bối cảnh thanh trà đang mất mùa”, ông Thọ nói.
Hiện nay, để thanh trà trở thành cây có giá trị cao, UBND tỉnh đang khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học; tập huấn chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt..., công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thay thế dần các giống cũ bằng các giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học…
Theo kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025 của UBND tỉnh, diện tích vùng nguyên liệu sẽ mở rộng diện tích trồng mới thanh trà khoảng 116 ha. Phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích vùng nguyên liệu đạt 942 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 643 ha, năng suất trái đạt 17-18 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.900 - 11.500 tấn quả/năm. Xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Bài, ảnh: L.Thọ
Kế Sách (Sóc Trăng): Hiệu quả từ chiết ghép cây nhãn da bò sang thanh nhãn
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Những năm qua, bệnh chổi rồng trên nhãn da bò đã làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây trồng. Nhiều nhà vườn đã chuyển đổi sang trồng mới các giống nhãn như: Nhãn Ido, nhãn xuồng, thanh nhãn... có hiệu quả cao. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian trồng, nhà vườn ở xã An Lạc Tây (Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã nghĩ ra cách ghép nhánh giống thanh nhãn lên gốc nhãn da bò.
Ông Đỗ Thanh Liêm ở ấp An Lợi, xã An Lạc Tây đã ghép thành công nhánh của giống thanh nhãn lên gốc nhãn da bò, là nhà vườn tiên phong thực hiện giải pháp kỹ thuật này tại địa phương. Ông Liêm cho biết: “Vườn nhãn da bò của gia đình đã trồng hơn 13 năm, theo thời gian cây cho trái cũng giảm dần. Hơn nữa, giống nhãn da bò rất dễ bị dịch bệnh mà điển hình là bệnh chổi rồng rất khó trị nên ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng rất nhiều. Đã có một số bà con ở đây chuyển đổi sang trồng mới các giống nhãn khác cho hiệu quả kinh tế khá cao”. Theo ông Liêm, nếu như trồng mới các loại cây trồng khác thì phải mất thời gian rất lâu cây mới có trái thu hoạch được. Như đối với cây nhãn, khoảng từ 4 năm thì cây mới bắt đầu có trái. Còn ghép nhánh nhãn lên gốc cây có sẵn, rút ngắn được thời gian hơn, khoảng từ 2 năm là đã có trái.
Dẫn chúng tôi ra tham quan khu vườn trồng nhãn, ông Liêm cho rằng: “Thanh nhãn là giống nhãn mới được biết đến vài năm trở lại đây, có nguồn gốc từ Bạc Liêu. Ở đây cũng đã có vài hộ trồng giống nhãn này”.
Khoảng 2 năm trước, trong một lần đi tham quan khu vườn trồng thanh nhãn của một người bạn và biết được cây trồng bằng cách ghép nhánh lên gốc cây nhãn da bò. Thấy cây phát triển tốt, ông Liêm đã tìm hiểu và trồng thử nghiệm ngay tại khu vườn của gia đình.
Vườn cây thanh nhãn của ông Liêm thu hoạch trái đợt đầu tiên
“Nhờ đi đây đó nhiều nên tôi đã học hỏi và tích lũy được một số kinh nghiệm về kỹ thuật trồng cũng như cách chăm sóc các loại cây ăn trái. Khi biết cách lấy nhánh của thanh nhãn ghép lên nhãn da bò, tôi đốn xen kẽ 60 cây nhãn da bò và lấy gốc để trồng thử nghiệm. Hiện cây phát triển tốt, đang cho trái đợt đầu tiên và có thể thu hoạch được. Tôi có ý định sẽ triển khai từ từ hết phần diện tích còn lại, chuyển vườn nhãn da bò sang vườn trồng thanh nhãn” - ông Liêm chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Liêm, ưu điểm của thanh nhãn là trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay nhãn da bò mà chỉ ngọt thanh. Giống nhãn này cũng giống như nhãn xuồng, không cần xử lý ra hoa, đến mùa là nhãn tự ra hoa và cho trái. Mỗi năm chỉ thu hoạch được 1 đợt. Vườn cây thanh nhãn của ông đang trồng theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại thuốc kích thích cho cây trồng. Sau thời gian khoảng 2 năm trồng, cây đã cho trái đợt đầu tiên, trung bình khoảng 20kg trái/cây và hiện được thương lái đến thu mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg, so với giá bán nhãn da bò thời điểm này thì cao hơn gấp 3 lần.
Nói về kỹ thuật ghép nhánh thanh nhãn lên gốc da bò cũng như cách chăm sóc để cây trồng phát triển tốt, cán bộ khuyến nông xã An Lạc Tây lưu ý: “Khi thực hiện ghép, chọn mắc ghép, khoanh vỏ tránh bị mất dinh dưỡng; xử lý tạo nhựa cho gốc ghép (rải phân để tạo nhựa)... Thanh nhãn là loại cây cho năng suất tương đối nên khi cây ra hoa phải theo dõi và chăm sóc đúng kỹ thuật, nhất là giai đoạn đậu trái”.
Huyện Kế Sách được xem là “thủ phủ” cây ăn trái của tỉnh, với khoảng 16.000 ha diện tích trồng cây ăn trái các loại. Trong đó, ước khoảng 2.900 ha diện tích trồng nhãn, chủ yếu là giống nhãn da bò. Những năm qua, do bất lợi về giá cả cùng với bệnh chổi rồng thường xuyên xuất hiện nên việc cải tạo những khu vườn nhãn da bò bị “lão hóa” kém hiệu quả và thay đổi giống cây trồng là một trong số các mục tiêu tái cấu trúc nền nông nghiệp của địa phương. Theo ngành chuyên môn, cấy ghép nhánh thanh nhãn lên gốc nhãn da bò là cách làm rất linh hoạt, ngoài rút ngắn thời gian mà có thể giữ lại gốc nhãn da bò. Giải pháp kỹ thuật này được ngành nông nghiệp đánh giá là giải pháp hữu ích về năng suất và chất lượng.
Tuyết Xuân
Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Gần 1ha dưa lưới trồng trong nhà kính được bao tiêu
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Từ 2.000m2 ban đầu, hiện nay Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã phát triển lên gần 1ha dưa lưới trồng trong nhà kính lên, gắn với việc liên kết bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp.
Dưa lưới của Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát dần có chỗ đứng trên thị trường.
Dưa lưới thuộc họ bầu, bí, có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm, với năng suất khá cao. Tuy nhiên, do dễ mẫn cảm với thời tiết, nên dưa lưới chỉ thích hợp trồng trong nhà kính, với ẩm độ được duy trì ở mức 650C, nguồn nước được duy trì tưới liên tục từ hệ thống tưới nhỏ giọt. Thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới từ 65-70 ngày sẽ cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/công, được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định ở mức 30.000 đồng/kg, trừ hết chi phí người trồng đạt lợi nhuận 50 triệu đồng/công, một năm có thể trồng được 3 vụ.
Được biết, để xây dựng nhà lưới cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1.000m2 dưa lưới trồng trong nhà kính chi phí khoảng 300 triệu đồng, nhưng sử dụng rất lâu dài.
Tin, ảnh: DUY KHÁNH
TX. Giá Rai (Bạc Liêu): Phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm lên 5.000ha
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Năm 2019, TX. Giá Rai phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm lên 5.000ha. Trong đó, vận động sản xuất mới 2.000ha lúa - tôm gắn với hỗ trợ lúa giống. Riêng 3.000ha sản xuất lúa - tôm từ những năm trước thì tiếp tục vận động bà con thực hiện tiếp mô hình lúa - tôm (không hỗ trợ lúa giống).
Để hoàn thành kế hoạch này, TX. Giá Rai đầu tư gần 13 tỷ đồng để hỗ trợ lúa giống và tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
Cuối tháng 8/2019, nông dân hoàn thành việc cải tạo đồng ruộng và bắt đầu xuống giống vào trung tuần tháng 9/2019. Ngành chức năng khuyến cáo bà con chọn giống lúa chất lượng đưa vào sản xuất như: giống Một bụi đỏ ngắn ngày, OM 2517, OM 5451, OM 4900…
PV
ĐBSCL: Diện tích gieo sạ lúa thu đông 2019 giảm so với cùng kỳ
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương vùng ĐBSCL xuống giống gieo trồng được hơn 500.000ha lúa thu đông 2019 và dự kiến tới đây đạt mức 700.000ha, thấp hơn khoảng 40.600ha so với vụ thu đông năm trước.
Trồng dưa hấu trên nền đất ruộng tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ trong vụ thu đông 2019.
Việc giảm diện tích lúa thu đông không phải do thiếu nguồn nước mà chủ yếu do giá lúa không cao nên mức độ đầu tư của bà con không nhiều. Trong bối cảnh năm nay lũ thấp, giảm gieo sạ lúa thu đông tại những vùng xuống giống trễ cũng là phù hợp nhằm chuẩn bị chắc chắn cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020, tránh nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn vào cuối vụ.
Do lúa vụ đông xuân và hè thu 2019 ở mức thấp so với năm trước, đồng thời một số vùng do mưa trễ nên vụ hè thu xuống giống muộn nên ảnh hưởng đến gieo trồng các mùa vụ sau, do đó nông dân đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang các loại cây trồng vật nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn hơn và có hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất lúa hiện nay.
Tin, ảnh: Khánh Trung
Dự án VnSAT góp phần thay đổi tập quán sản xuất
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Nhận được sự hỗ trợ của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện dự án tại các huyện: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Thạnh Trị, đã góp phần tăng năng suất lúa sau thu hoạch, thay đổi cơ cấu mùa vụ thích ứng điều kiện tự nhiên, nhất là trong sản xuất lúa vụ 3 và chuyển giao đến nông dân các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên nhận thức người dân ngày càng đổi mới trong canh tác lúa.
Lợi ích của Dự án VnSAT…
Tham gia sản xuất lúa bằng sự gắn kết cùng các nông dân khác trong vùng Dự án VnSAT, ông Đỗ Quốc Khởi, ấp Hòa Hưng là thành viên Hợp tác xã (HTX) Hưng Lợi, xã Long Đức (Long Phú) chia sẻ: “Dự án VnSAT giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đáp ứng kịp nhu cầu thời vụ cho nông dân kèm theo đó là tiết kiệm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí tưới nước, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, dự án còn hướng dẫn hộ dân sử dụng các loại giống lúa tốt, năng suất cao, sạch sâu bệnh, gieo trồng mật độ đảm bảo, sử dụng phân bón hợp lý, chế độ tưới nước khoa học, quản lý dịch hại đối với cây trồng, đặc biệt việc dùng cơ giới hóa sau thu hoạch hạn chế tối đa thất thoát lúa, giảm công lao động…”.
Nông dân vùng dự án ứng dụng cơ giới hóa bằng cách sạ hàng giảm lượng giống gieo sạ.
Nhận thấy Dự án VnSAT đã hướng dẫn hộ dân rất bài bản về kỹ thuật làm đất trước khi xuống giống, ông Thạch Kim Sang - thành viên HTX Hưng Lợi xã Long Đức bộc bạch: “Trước đây, hầu hết bà con nông dân chưa tham gia dự án đều đốt đồng sau đó sẽ tiến hành cày xới mới xuống giống. Hiện tại, nông dân tại các vùng dự án đều không đốt rơm rạ, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, giảm phát thải khí CO2, nguồn phế phẩm nông nghiệp được tận dụng chăn nuôi trâu, bò, trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ. Việc dùng phân bón được khuyến cáo tăng cường phân bón hữu cơ, giảm lượng phân đạm vô cơ ở mức không vượt quá 100kg/ha/vụ. Với việc áp dụng giảm lượng lúa giống gieo sạ, mức độ đầu tư phân bón được khuyến cáo đảm bảo năng suất kinh tế cho nông dân canh tác lúa và nông dân biết đến nguyên tắc sản xuất lúa theo “4 đúng”, giảm thuốc hóa học có tính độc cao, tuân thủ hướng dẫn khi sử dụng và đảm bảo thời gian cách ly”.
…và những thành quả bước đầu
Qua đánh giá thực tế cho thấy, sản xuất lúa vùng Dự án VnSAT giảm chi phí 350 đồng/kg lúa tươi so với trước dự án (tùy theo thời vụ, tùy tiểu vùng sinh thái khác nhau). Để thúc đẩy mức độ áp dụng đạt đầy đủ các tiêu chí theo bộ chỉ tiêu dự án, những hoạt động sau đây rất cần được thực hiện trong thời gian tới là nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo tập huấn nông dân; chuyển từ phương pháp truyền đạt thiên về lý thuyết học thuật, nông dân tiếp nhận thông tin một chiều sang phương pháp học bằng cách thực hành.
Phó Giám đốc Dự án VnSAT tại Sóc Trăng Huỳnh Văn Những cho biết: “Để tiêu thụ lúa của nông dân tốt hơn nữa tại vùng dự án, dự án tiếp tục xúc tiến mở rộng hợp tác liên kết, cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn có quy mô vài chục đến 100ha và cùng doanh nghiệp chế biến tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo với các tiêu chuẩn gắn chất lượng với giá cả thu mua, được quản lý từ khâu sản xuất, tạo đòn bẩy kinh tế thúc đẩy ứng dụng giải pháp kỹ thuật và thực hành ghi chép nhật ký sản xuất. Đồng thời, nhằm giảm chi phí đầu tư đầu vào, chúng tôi triển khai các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân bằng cách thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật là giảm lượng giống gieo sạ cũng như hỗ trợ tích cực các chính sách đầu tư trung, dài hạn để hỗ trợ nông dân… Bên cạnh đó, dự án sẽ thường xuyên tổ chức hoạt động sự kiện khuyến nông như: diễn đàn, hội thảo khoa học, hội thi nông dân, phát động phong trào thi đua thực hành các khâu kỹ thuật theo nhóm cộng đồng để tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận trao đổi những vướng mắc với các nhà khoa học, nhà quản lý trong việc thực hành ứng dụng kỹ thuật được khuyến cáo”.
Thúy Liễu
Bình Phước: Lộc Ninh có 4.930 ha hồ tiêu
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Đến thời điểm hiện tại, tất cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi lợn với quy mô dưới 500 con. Nhờ đó tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, tình hình chăn nuôi có chiều hướng phát triển tốt. Tổng sản lượng ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm ước đạt 19.706,4 tấn thịt, trứng.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã gieo trồng 48.857,7 ha, tăng 625 ha, tương đương 1,3% so cùng kỳ năm trước. Diễn biến bất thường của thời tiết trong 6 tháng đầu năm đã tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển ở hầu hết các loại cây trồng với tổng diện tích 3.565,1 ha, tăng 1.421,1 ha so cùng kỳ năm 2018. Nhờ theo dõi, nắm chắc tình hình nên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn kịp thời nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Đặc biệt, trước tình hình giá tiêu xuống thấp nhiều năm qua nhưng diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Lộc Ninh vẫn đứng vững. Toàn huyện hiện có 4.930 ha hồ tiêu, trong đó diện tích cho sản phẩm 3.960,5 ha với năng suất bình quân 2,5 tấn/ha. 604 thành viên trong tổng 24 câu lạc bộ tiêu bền vững cùng với các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn trên địa bàn huyện đang phát triển khá ổn định, từng bước góp phần khẳng định và phát triển giá trị thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh.
Đông Kiểm
Krông Pa (Gia Lai): Hơn 1.508 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa (Gia Lai), đến nay trên địa bàn huyện có hơn 1.508 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút (hơn 1.102 ha nhiễm nhẹ, hơn 405 ha nhiễm trung bình); tập trung chủ yếu tại các xã: Chư Ngọc 854 ha, Ia Rsươm hơn 195 ha, Chư Drăng 129 ha, Phú Cần hơn 145 ha và rải rác ở các xã, thị trấn. Bệnh khảm lá chủ yếu trên các giống KM140, KM98-1, KM98-5, KM419, KM94, HL-S11.
Ảnh nguồn internet
Hiện cơ quan chuyên môn của huyện đã in và phát cho người dân 7.500 tờ rơi tuyên truyền phòng-chống bệnh khảm lá vi rút; đồng thời mở lớp tập huấn kiến thức cách phòng trừ, xử lý, tiêu hủy bệnh khảm lá vi rút cho 90 lượt người ở xã Ia Rsai.
LÊ NAM
TPHCM đưa vào sản xuất 55 giống cây trồng mới
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Tại Diễn đàn quản lý giống và tiềm năng phát triển giống cây trồng ở TPHCM, nhân Hội chợ - Triển lãm giống và nông nghiệp công nghệ cao TPHCM lần 7, Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp đã nghiên cứu, chọn lọc, thử nghiệm tính thích nghi 136 giống cây trồng mới và đưa vào sản xuất 55 giống mới; trong đó có 46 giống rau, 1 giống lúa, 8 giống hoa.
Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rau, bình quân năng suất tăng 10%/năm.
Hiện ở TPHCM có 38 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi. Năm 2018, số lượng giống TPHCM cung cấp cho khoảng 1,1 triệu ha gieo trồng ở các tỉnh khu vực (chiếm 96,7%) và vùng sản xuất nông nghiệp ngoại thành TPHCM.
Thành phố còn có 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm, chủ yếu là giống lan nhiệt đới như Mokara, Dendrobium... phục vụ cho việc mở rộng vùng sản xuất hoa kiểng TP như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
Ngoài ra, nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trong quản lý, sản xuất giống cây trồng, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã phối hợp với các đơn vị, chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng công nghệ cao trong chọn, tạo giống cây trồng; phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong nước tập huấn cho gần 100 học viên về kỹ thuật chọn tạo giống; cùng với Trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản) tập huấn về công nghệ nhân giống cho gần 70 học viên là cán bộ nghiên cứu khoa học của các viện, trường của TP; từ đó tăng cường nguồn nhân lực ngành giống.
CÔNG PHIÊN
Làm nông nghiệp hữu cơ
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Anh Nguyễn Thanh Quang (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã từ bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê nhà phát triển mô hình trồng rau hữu cơ khép kín kết hợp với mô hình chăn nuôi trang trại khoảng 3 năm nay.
Anh Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần An Tâm Gia (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) kiểm tra vườn rau trong trang trại
Công ty cổ phần An Tâm Gia của anh chuyên sản xuất sản phẩm về rau hữu cơ và đã cung ứng ra thị trường với sản lượng khá ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
* Bỏ phố về nhà... trồng rau
Anh Quang cho biết, trước đây anh từng làm về lĩnh vực quản trị kinh doanh, xuất nhập khẩu tại nhiều công ty trong và ngoài nước ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa...
Vốn gia đình có truyền thống về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, từ năm 2015, anh Quang bắt đầu nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2016, từ nguồn vốn tích cóp được cùng sự hỗ trợ của gia đình, anh Quang mua 2 hécta đất và thuê thêm gần 3 hécta để mở trang trại. Tổng chi phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng hệ thống nhà màng đã hơn 1 tỷ đồng.
Anh Quang cho biết: “Mô hình này hướng đến việc đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng. Điều này chính là động lực thôi thúc tôi quyết tâm mở trang trại”.
Thời gian đầu, anh Quang cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai mô hình sản xuất đã lựa chọn, nhất là khi “rẽ ngang” từ công việc “bàn giấy” sang làm nông nghiệp. Anh tự tìm hiểu các kiến thức, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nơi và cùng với một kỹ sư, bạn trẻ “mê” nông nghiệp hữu cơ để phát triển mô hình.
* Chặng đường còn dài
Theo anh Quang, có những lúc cạn vốn, thiếu nhân sự, vườn rau không đạt chất lượng như mong muốn khiến anh rơi vào bế tắc, nghĩ đủ cách để có thể duy trì trang trại.
Dần dần, anh rút ra được bài học kinh nghiệm cũng như học hỏi thêm nhiều giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao. Theo anh Quang, khác với các hình thức sản xuất khác, đất trồng rau hữu cơ cần phải được “nghỉ” để tái tạo, đảm bảo năng suất ổn định.
Trong trang trại của mình, anh Quang bố trí thành nhiều khu vực gồm: khu nhà màng kín và hở trồng các loại rau ăn lá, dưa leo, khổ qua...; khu ươm giống; khu trồng cỏ và khu vực chăn nuôi bò, gà theo hướng khép kín, không sử dụng phân bón hóa học hay các loại cám công nghiệp. Riêng khu vực nhà màng chiếm gần 1 hécta.
Hiện giá bán nông sản hữu cơ khá cao, trung bình 60 ngàn đồng/kg rau. Thị trường tiêu thụ chính của công ty là ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa, một số khu vực gần trang trại, cũng như kết nối bán hàng trực tuyến. Trung bình mỗi vụ rau khoảng 20-25 ngày, trang trại cung ứng khoảng 1,3 tấn rau các loại.
Anh Quang cho biết nguồn thu được từ mô hình sẽ tiếp tục được tái đầu tư để cải tiến, nâng cao chất lượng rau củ, mở rộng các kênh phân phối để nông sản hữu cơ đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, công ty sẽ kết hợp các phương án chăn nuôi khép kín để đa dạng các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Lam Phương
Lợi ích cho nhà nông và người tiêu dùng
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nay, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo mô hình GAP, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm nông nghiệp khi đưa ra tiêu thụ.
Nông dân, thành viên HTX Tiến Nông, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Hậu Giang cơ bản thành thạo các bước thực hiện phần mềm Kipus.
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh đã phối hợp với Công ty KIAG (Đức) triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus nhằm giúp các HTX trên địa bàn tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và xuất khẩu. Để triển khai phần mềm này, trước tiên trung tâm đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên của đơn vị để trở thành hạt nhân nòng cốt trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Nhân viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Lê Thụy Ngọc Phượng chia sẻ: “Chúng tôi là đơn vị chính được vinh dự nhận chuyển giao nên cố gắng vận dụng những kiến thức đã được công ty truyền đạt để giúp người dân. Bởi phần mềm không chỉ giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp xu thế hiện đại, mà còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương một cách dễ dàng, hiện đại hơn”.
Tiếp theo đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn trực tiếp tại nhiều hợp tác xã đang sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch của tỉnh. Bước đầu, phần mềm đã nhận được sự đồng tình của các thành viên, nông dân trong HTX. Ông Trần Văn Phúc, HTX Tiến Nông, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho hay: “Bước đầu tiếp nhận phần mềm ứng dụng này chúng tôi cũng rất ngán ngại vì tuổi cao, kiến thức về tin học hạn chế. Nhưng sau khi được các cán bộ cầm tay chỉ việc nên tôi đã cơ bản nắm được, vận dụng thông thạo. Hy vọng khi áp dụng phần mềm này thì nông sản của chúng tôi sẽ được bảo hộ, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tin tưởng hơn về chất lượng, nguồn gốc”.
Ông Võ Văn Chưng, Giám đốc HTX Thuận Phát, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cũng trực tiếp tham gia lớp tập huấn phần mềm Kipus, bởi ông tin tưởng vào giá trị, hiệu quả ứng dụng của công nghệ mới. Ông Chưng bày tỏ: “Hợp tác xã đã sản xuất dưa lưới theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhiều năm qua. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao, đôi khi bị cào bằng nên giá bán sản phẩm không đạt như mong muốn. Tôi tham gia thực hành ứng dụng phần mềm Kipus để tiếp tục khẳng định giá trị của nông sản mà HTX làm ra, nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản để nông dân, thành viên HTX được nâng cao thu nhập”.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh, nhận định: Qua tập huấn, đa số các thành viên HTX, nông dân cơ bản nắm vững cách thức tham gia và các bước của phần mềm. Bà con đã nhập được một số dữ liệu về bản đồ nông trại, diện tích; một số khâu canh tác, chăm sóc vườn cây được cập nhật hàng ngày. Hiện nay, đã có nhiều nông sản của tỉnh như bưởi da xanh, khóm Cầu Đúc, mãng cầu xiêm, dưa lưới… áp dụng thành công phần mềm, có tem truy xuất nguồn gốc. Việc áp dụng phần mềm Kipus giúp người sản xuất quản lý được quá trình sản xuất của mình, nắm đầu vào, đầu ra, giúp minh bạch hóa, truy nguyên sản phẩm khi có yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp khó khăn là số cơ sở tham gia mô hình còn ít, nông dân đa phần lớn tuổi, chưa rành sử dụng điện thoại thông minh...
Cũng theo bà Kiều, bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin của các cơ sở vào phần mềm còn sai sót và chưa kịp thời. Việ áp dụng phần mềm Kipus đòi hỏi người sản xuất phải có kiến thức trong ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm việc cập nhật thông tin vào phần mềm kịp thời, tránh sai sót. Do đó, để việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc có hiệu quả và được nhân rộng trong thời gian tới, Trung tâm đề nghị các địa phương, các ngành liên quan cần xem xét có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX tham gia trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đây sẽ là nơi giúp nông dân trực tiếp quan sát để về áp dụng dễ dàng hơn.
Kipus là phần mềm được thiết kế để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, xuất bán ra thị trường… Qua đó, Kipus tổng hợp các báo cáo số liệu giúp cho người nông dân tiết kiệm được thời gian, cung cấp dữ liệu hoàn chỉnh, chính xác và đáng tin cậy cho khách hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Các dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ phần mềm tuân thủ tất cả các yêu cầu của người mua giúp họ hiểu rõ về sản phẩm và an tâm khi sử dụng. Việc truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong chuỗi sản xuất thông qua phần mềm Kipus sẽ giúp cho giá trị sản phẩm được nâng cao trên thị trường và xuất khẩu.
Bài, ảnh: TRÚC LINH
Sản xuất giống gà lai chọi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, thu lãi 400-500 triệu đồng/năm
Nguồn tin: Báo Ninh Bình
Đó là mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Trọng ở xã Kim Tân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Với 2000 con gà giống, 7 lò ấp trứng, trung bình mỗi tháng anh Trọng cung cấp ra thị trường khoảng 40.000 con giống gà lai chọi, thu nhập bình quân 400-500 triệu đồng/năm.
Nhận thấy nhu cầu nuôi gà của bà con ngày càng tăng, trong khi con giống lại khan hiếm, năm 2008, anh Trọng đã bàn với gia đình xây dựng chuồng trại và mua lò ấp để sản xuất gà giống. Gà bố mẹ được anh chọn nhập từ Trại giống gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về nuôi để đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng trứng, chất lượng gà giống. Ngoài ra, trong quá trình nuôi anh cũng tuân thủ chặt chẽ việc quản lý dịch bệnh, phun thuốc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin.
Nhờ vậy, những con gà giống bố mẹ đầu tiên anh nhập về cho tỷ lệ đẻ trứng, tỷ lệ ấp nở, tỷ lệ sống rất cao. Đặc biệt, do con giống anh chọn để sản xuất là giống gà lai chọi - một giống gà dễ nuôi, nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon, đầu ra ổn định, nên giống gà của anh sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thị trường rải khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… Từ đó, cứ mỗi năm, quy mô trại giống của anh Trọng lại ngày càng mở rộng, doanh thu không ngừng tăng lên. Đến nay, gia đình anh Trọng đã sở hữu trại gà giống với diện tích gần 1.000m2, bao gồm khu nuôi gà đẻ, khu nuôi gà hậu bị để thay thế và 7 lò ấp trứng, trung bình mỗi lò ấp trên 3.000 trứng, mỗi tháng gia đình sản xuất khoảng 40.000 con giống, tính ra một năm thu nhập từ 400-500 triệu đồng.
Trong bối cảnh chăn nuôi ngày càng chịu sức ép bởi hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, anh Trọng cho biết anh đã xác định sẽ ngày càng chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ vào quy trình chăn nuôi để giảm giá thành và nâng cao chất lượng con giống. Mới đây, anh đã sản xuất thành công gà giống từ phương pháp thụ tinh nhân tạo, đây là một tiến bộ kỹ thuật rất mới ở Việt Nam. Nhờ thụ tinh nhân tạo sẽ giúp kiểm soát được chất lượng tinh dịch của gà trống trước khi mang phối giống, nâng cao chất lượng trứng có phôi, từ đó tạo ra được gà giống có chất lượng cao, tốc độ tăng trưởng, khả năng kháng bệnh tốt. Trung bình sau khi thụ tinh trực tiếp trên 100 trứng gà sẽ nở được khoảng 70 gà con giống, thụ tinh nhân tạo có thể đạt tới 90 - 95 gà con và gà giống chất lượng đồng đều hơn.
Được biết, không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Văn Trọng còn tích cực hỗ trợ giống gà cho hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương theo phương thức trả chậm, giúp họ có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nguyễn Lựu
Lối đi mới từ mô hình nuôi heo đen
Nguồn tin: Báo Bình Định
Năm 2018, từ nguồn vốn của chương trình hỗ trợ sản xuất, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ cho gia đình anh Đinh Văn Minh ở thôn 8, xã An Trung, xây dựng mô hình nuôi heo đen. Theo đó, anh Minh được huyện hỗ trợ 500 m2 lưới B40, 4 con heo đen giống; được hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh cho heo.
Đàn heo đen của gia đình anh Đinh Văn Minh.
Đàn heo được anh Minh nuôi nhốt trong vùng rào lưới B40, ngoài cho ăn cây chuối, mì như lâu nay, anh Minh bổ sung cám và nấu cháo cho heo ăn. Từ 4 con heo ban đầu, đến cuối năm 2018, đàn heo của anh đã lên tới 21 con, anh bán 15 con thu lãi hơn 30 triệu đồng. Anh Minh cho biết: So với trồng trọt thì số lãi này gần bằng sản xuất 1 ha mì. Nuôi heo đen, nếu làm bài bản như hướng dẫn, 1 năm heo sẽ đẻ khoảng 3 lứa. Gia đình tôi nay thích nuôi heo hơn trồng mì.
Từ thành công ban đầu, năm 2019, huyện An Lão hoàn chỉnh mô hình nuôi heo đen và triển khai nhân rộng ra thêm 54 hộ ở các xã: An Quang, An Nghĩa, An Toàn, An Vinh, An Trung, An Hưng và các thôn đặc biệt khó khăn ở thị trấn An Lão. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là 548 triệu đồng, trong đó người được hưởng lợi đối ứng 48 triệu đồng.
DIỆP THỊ DIỆU
Hiệu quả cao từ nuôi dúi
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Năm 2011, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Lê Quang Mạnh, ở thôn 11, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) giúp gia đình chăm sóc 3 ha cây trồng các loại, trong đó có 1 ha cà phê. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, giá cả bấp bênh, lợi nhuận thu được không đáng là bao.
Sau nhiều ngày trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả, qua tham khảo một số mô hình nuôi dúi ở các địa phương, anh Mạnh quyết định đầu tư khoản tiền 9 triệu đồng được hỗ trợ khi xuất ngũ cùng với số tiền của gia đình ra tận Nghệ An mua 10 cặp dúi về nuôi thử nghiệm. Song, do chưa có kinh nghiệm nên anh mua nhầm giống dúi rừng, dúi con đẻ ra thường bị dúi mẹ cắn chết; chuồng trại xây dựng không phù hợp với môi trường sống của dúi. Vì vậy, đàn dúi cứ chết dần, thiệt hại gần 20 triệu đồng.
Không nản lòng, anh Mạnh tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của những người đã từng nuôi dúi và tìm hiểu kiến thức về tập tính, khả năng thích nghi, cách chăm sóc dúi… Đến tháng 8-2017, anh quyết định dùng số tiền tích cóp từ trồng trọt đầu tư 100 triệu đồng xây dựng lại chuồng trại và tìm đến các địa chỉ uy tín mua 22 cặp dúi thuần về nuôi. Nhờ áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăm sóc dúi đã tích lũy được nên lần này đàn dúi sinh trưởng tốt.
Đến nay, đàn dúi của gia đình anh Mạnh đã lên tới 200 con, với giá bán dao động từ 1,3 triệu đồng – 1,5 triệu đồng/cặp tùy theo tuổi dúi; đối với dúi phối giống thì giá từ 1,8 triệu đồng – 1,9 triệu đồng/cặp. Bình quân cứ 3 tháng gia đình anh xuất bán 80 kg dúi, thu nhập trên 40 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm khá rộng, hiện tại có nhiều nhà hàng ở miền Tây Nam Bộ hợp đồng mua dúi thương phẩm và nhiều người từ nơi khác đến mua giống dúi về nuôi.
Khách hàng đến xem dúi đã đến kỳ xuất bán của gia đình anh Mạnh (bên phải).
Anh Mạnh chia sẻ: Dúi là loài gặm nhấm, thức ăn của chúng rất đơn giản chỉ là thân cây tre, le, ngô, mía, cỏ voi… trung bình một ngày mỗi con ăn khoảng 20 hạt bắp, 5 - 7 cm mía, còn tre và cỏ tùy khả năng cho ăn bao nhiêu cũng được. So với các vật nuôi khác thì dúi thuần rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Dúi mẹ sau khi phối mang bầu được 45 ngày sẽ đẻ và nuôi con 45 ngày là tách mẹ cho phối lứa khác. Thời gian sinh trưởng của dúi ngắn, chỉ cần nuôi 3 tháng thì có thể bán được, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con.
Để dúi phát triển khỏe mạnh, phải thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại bảo đảm khô ráo, thông thoáng. Vào mùa hè nắng nóng, nên phun sương làm mát cho dúi, mùa đông thì chuồng trại phải bảo đảm kín gió. Chuồng trại nên làm theo hình thức bể ô vuông 50 cm x 50 cm bằng đá, gạch men hoặc xi măng bảo đảm độ trơn để dúi không leo ra ngoài được cũng như thuận tiện việc chăm sóc.
Anh Mạnh chăm sóc dúi.
Hiện nay anh Mạnh cũng đã thử nghiệm thành công việc nuôi dúi con tách mẹ ngay sau khi đẻ bằng phương pháp do người chăm sóc nhằm tăng thêm vòng quay sinh sản của dúi mẹ.
Mai Viết Tăng
Trường hợp hy hữu: đàn heo tự hết bệnh dịch tả heo châu Phi
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Theo ông Ngô Thành Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai 15 con heo bị dịch tả heo châu Phi của gia đình bà Đỗ Thị Nhung, ngụ ấp Nguyễn Huệ 2 (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đã có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả heo châu Phi sau 15 ngày bị bệnh.
Đàn heo của bà Nhung đã hết bệnh dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Hữu Thắng
Đây là trường hợp hy hữu vì những đàn heo sau khi có những triệu chứng dịch tả heo Châu Phi thì đều chết rất nhanh.
Bà Đỗ Thị Nhung có tổng đàn heo trên 50 con, trong đó có 39 con nuôi ở trong rẫy, cách nhà hơn 1km; còn 15 con, có trọng lượng từ 40 – 50kg thì nuôi ở nhà. Đàn heo nuôi trong rẫy của gia đình bà Nhung đã bị tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi. Cùng thời điểm đó, 15 con heo nuôi tại nhà cũng có những dấu hiệu, triệu chứng của dịch tả heo Châu Phi.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh của đàn heo trên, bà Nhung thường xuyên cho heo ăn hèm rượu đang nóng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đồng thời hun khói cả ngày lẫn đêm. Sau 4 ngày, khi có kết quả xét nghiệm đàn heo trên bị dịch tả châu Phi, lực lượng chức năng đã vào tiến hành tổ chức tiêu hủy theo quy định, thì đàn heo khỏe mạnh, ăn trở lại bình thường.
Bà Đỗ Thị Nhung đã làm giấy cam kết xin giữ lại đàn heo để chữa trị, nếu sau này heo chết, bà sẽ tự tiêu hủy, xử lý không nhận tiền hỗ trợ của nhà nước. Sau khi kiểm tra thấy đàn heo khỏe mạnh, ăn uống bình thường, các mẩn đỏ không còn, nên cơ quan chức năng địa phương đã đồng ý để bà Nhung giữ lại đàn heo.
Kết quả, sau 15 ngày lấy lại mẫu máu đưa đi xét nghiệm thì đàn heo của gia đình bà Nhung có kết quả âm tính với dịch tả heo châu Phi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang, chưa có cơ sở kết luận đàn heo trên hết dịch tả heo châu Phi nhờ cho ăn hèm rượu, vì có những trường hợp heo bị bệnh dịch tả châu Phi và các loại dịch bệnh khác có thể tự khỏi do sức đề kháng nội sinh của vật nuôi. Trường hợp heo hết bệnh do ăn hèm rượu cần phải được kiểm chứng và nghiên cứu kỹ trước khi có kết luận cụ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh sau khi nghe báo cáo cũng đã yêu cầu cơ quan thú y và địa phương tiếp tục theo dõi trường hợp nói trên, thậm chí mời các nhà khoa học vào cuộc để làm rõ vấn đề này.
Hữu Thắng – Bình Nguyên
Hiếu Giang tổng hợp