Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 02 năm 2016

Lục Ngạn tăng thêm 1000 ha vải thiều VietGAP

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Theo số liệu khảo sát của cơ quan chuyên môn, đến nay, trong diện tích gần 16.300 ha vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có khoảng 50% ra hoa, số còn lại đang nhú mầm hoa và chưa nhú. So với cùng thời điểm năm ngoái, vải thiều Lục Ngạn ra hoa chậm hơn.

 

 

Cán bộ Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Lục Ngạn kiểm tra tình hình sâu bệnh trên hoa vải thiều.

 

Hiện, cơ quan chức năng đang tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nông dân về biện pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh trên vải thiều thời kỳ ra hoa. Theo đó, Trạm khuyến nông huyện khuyến cáo, người dân cần thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, theo dõi cây vải để có biện pháp phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại.

 

Các loại sâu gây hại trong giai đoạn này là: sâu xanh, sâu đo, sâu róm, bọ xít, nhện lông nhung và một số bệnh gây hại như sương mai, thán thư. Để phòng trừ, người dân cần tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn trước khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

 

Đối với các vườn vải đã báo rõ hoa, có thể kết hợp biện pháp tỉa cành: tỉa tất cả các cành tăm, sâu bệnh, dầy xít và cành trong tán... Nên tỉa thưa để tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh và công tác phun phòng trừ sâu bệnh sau này thuận lợi hơn.

 

Đối với trà vải chính vụ, ngay từ thời điểm này, người dân cần phun thuốc ủ mầm hoa, kích thích cây ra hoa bằng các loại thuốc như dòng Siêu Lân 10: 55:10 + TE hoặc 5:50:10 + TE. Phun định kỳ để phòng trừ các đối tượng gây hại hoa và quả non vào các đợt khi cây báo rõ hoa, trước khi hoa nở và sau khi hình thành quả non.

 

Mỗi đợt phun thuốc phòng trừ các đối tượng gây hại nên kết hợp phun với các loại phân bón lá giàu vi lượng như Bortract, HVP... Riêng đợt phun sau khi hoa tàn khi hình thành quả non thì khuyến cáo bà con nên rung cành để các tàn hoa còn bám lại trên cây rụng hết sau đó mới tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

 

Tùy theo điều kiện thời tiết, nếu trời hanh khô, nhiệt độ thấp thì khi thấy báo hoa rõ có thể kết hợp bon phân và tưới nước nhẹ để thúc cho hoa phát triển tốt. Loại phân bón có thể chọn NPK tổng hợp hoặc đạm, lân, kali riêng (lưu ý thời điểm này nên trọn phân bón có tỷ lệ đạm thấp), rắc đều trên mặt đất dưới tán cây rồi lấp đất mỏng, sau đó tưới nước cho cây.

 

Nếu thời tiết ấm thì không nên tưới nước. Cùng đó, người dân cần dọn sạch vườn, kết hợp rắc vôi bột để khử các đối tượng nấm bệnh và trung hòa PH trong đất.

 

Theo kế hoạch năm 2016, huyện Lục Ngạn sẽ triển khai mở rộng diện tích sản xuất vải thiều VietGAP lên 10.500 ha ở 30 xã, thị trấn, tăng 1.000 ha so với năm ngoái.

 

Đức Thọ

 

HTX thanh long Tầm Vu đạt tổng doanh thu 50 tỉ đồng

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Năm 2015, Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu (Châu Thành-Long An) có tổng doanh thu 50 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 400 triệu đồng.

 

 

Nông dân thu hoạch thanh long. Ảnh: Lê Đức

 

Năm 2015, Hợp tác xã (HTX) thanh long Tầm Vu (Châu Thành-Long An) có tổng doanh thu 50 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 400 triệu đồng.

 

HTX thanh long Tầm Vu hiện có 50 xã viên với diện tích sản xuất hơn 60ha, vốn điều lệ 4 tỉ đồng, tổng tài sản trên 7 tỉ đồng.

 

Tham gia HTX, xã viên được tạo điều kiện tham quan, học tập mô hình sản xuất mới, hiệu quả cao, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất thanh long sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Ngoài ra, xã viên còn được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và các ngành khoa học. HTX xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long với sức chứa 500 tấn, 2 nhà xưởng sơ chế đóng gói rộng 2.500m2; đang xây dựng và lắp đặt hệ thống sấy trái cây, liên kết với các doanh nghiệp chế biến nước ép trái cây để tiêu thụ thanh long không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đầu tư khâu xử lý sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản.

 

Đây là mô hình làm ăn hợp tác có hiệu quả, được nhân rộng trong thời gian tới ở huyện Châu Thành./.

 

Hoàng Hồ

 

Người “chịu chơi” với cây mía

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Ông Miên (phải) trao đổi về những hiệu quả khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía với các cán bộ nông nghiệp - Ảnh: N.MƠ

 

Không phải là người có diện tích mía lớn nhất tỉnh Phú Yên, nhưng xét về mức độ “chịu chơi” trong đầu tư thâm canh cây mía thì ít ai sánh bằng người nông dân này. Ông là Đoàn Đắc Miên ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), người dân thường gọi ông là ông Miên “mía”.

 

Từng tốt nghiệp trung cấp cơ khí và là thợ sửa máy lành nghề trong thời bao cấp nhưng ông Đoàn Đắc Miên lại rẽ ngang sang một hướng khác và gắn cuộc đời mình với cây mía hơn 20 năm. Bén duyên với cây mía từ năm 1995, khi ông nhận giống mía ROC10 từ chương trình nhân nhanh các giống mới của ngành Nông nghiệp chuyển giao, ông Đoàn Đắc Miên đã trồng và nhân thành công giống mía này. Sau đó, giống mía ROC10 đã được chuyển giao cho nông dân các huyện Tây Hòa, Sông Hinh… tạo bước đột phá về năng suất thời bấy giờ. Ông Miên cho biết: “Từ thành công trong nhân giống ROC10, tôi bắt đầu “mê” cây mía và không dứt ra được. Hàng năm, tôi đầu tư không ít kinh phí để cập nhật thêm các giống mía mới. Hiện nay, tại trang trại của tôi có các giống mía “độc” như KK3, Suphanburi 7… cho hiệu quả kinh tế rất cao”.

 

Theo ông Miên, sau nhiều năm trồng mía, ông nhận ra rằng, bà con nông dân chỉ mới biết trồng mía theo hình thức thô sơ, cây mía chưa được chăm sóc, thâm canh nên năng suất, lợi nhuận từ trồng mía chưa cao. Từ đó, ông Miên bỏ ra nhiều thời gian tìm hiểu qua sách báo, thông tin trên mạng và bắt tay vào đầu tư cho cây mía. Ông Miên cho hay: “Kỹ thuật canh tác là một trong những khâu quan trọng, góp phần nâng năng suất của cây mía. Vì vậy, tôi chú trọng đến các khâu bón phân cân đối, làm cỏ, bóc lá mía đúng quy trình vào cuối vụ, dùng máy băm lá và cày lấp để bổ sung chất hữu cơ cho đất. Tôi còn đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm hai hồ nước tưới có bồn chứa trên cao, máy bơm và hệ thống đường ống dẫn nước tưới khắp trang trại rộng 11ha”. Mới đây, ông Miên đã “rinh” về nguyên giàn máy Kubota bao gồm cả đầu kéo, máy làm cỏ, bón phân... với tổng giá trị lên đến 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, ông cũng đang tiến hành thử nghiệm việc tưới phun mưa cho mía ở quy mô nhỏ.

 

Ông Đoàn Đắc Miên cho biết thêm: Để cây mía có năng suất cao, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sắp tới, tôi đang đầu tư thâm canh cho cây mía, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các công đoạn trồng mía để giảm giá thành sản xuất. Hiện nay, riêng khâu trồng mía và bón phân lót bằng máy cũng đã tiết kiệm được 50% chi phí so với trồng thủ công như trước đây. Cụ thể, nếu dùng máy làm cỏ, bón phân Kubota chỉ tốn khoảng 800.000 đồng/ha/lần; trong khi làm cỏ và bón phân bằng tay phải tốn 20 công/ha/lần với chi phí khoảng 2,6 triệu đồng. Đây là hai công đoạn chủ yếu với chi phí lao động chiếm tỉ trọng lớn nên khi áp dụng cơ giới hóa, chi phí giảm mạnh, giá thành mía chắc chắn sẽ giảm nhiều. Đồng thời việc làm cỏ bằng máy chuyên dụng cũng giúp cho đất tơi xốp, tạo điều kiện cho mía sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian trồng mía được rút ngắn. Bình quân khi vào vụ, mỗi ngày tôi trồng được 1ha, đảm bảo độ ẩm đồng đều trên toàn bộ ruộng mía.

 

Với cách đầu tư bài bản, năng suất mía bình quân của trang trại ông Đoàn Đắc Miên luôn đạt trên 140 tấn/ha, có chữ đường từ 9 - 11%, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Nguyên Trần Thị Hoa cho biết: Ông Đoàn Đắc Miên là một trong những nông dân có sự đầu tư chuyên sâu cho cây mía ở địa phương. Ông Miên còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân trồng mía, vận động các hộ trồng mía mạnh dạn đầu tư giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện và hướng dẫn nhiệt tình cho bà con đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Chính nhờ những đóng góp đó, ông đã từng được Bộ NN-PTNT tặng bằng khen về thành tích phát triển mía đường giai đoạn 2000 - 2005 và được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tặng giải thưởng Vì sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ nhất năm 2010.

 

SƠN CA - NGUYÊN MƠ

 

Bảo Yên (Lào Cai): Liên kết sản xuất khoai tây

 

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

Vài năm trở lại đây, cây khoai tây ở Bảo Yên (Lào Cai) chủ yếu được phát triển trồng trong vụ đông. Tuy nhiên, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng không những không tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định mà còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng.

 

Trước thực trạng này, nhằm nâng cao giá trị trên 1 diện tích đất canh tác, từng bước thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa - hiệu quả - bền vững, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Yên đã kết nối doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết trong sản xuất khoai tây.

 

Thực hiện chủ trương xây dựng vùng sản xuất khoai tây hàng hóa tập trung, vụ đông xuân năm 2015 - 2016, huyện Bảo Yên đã mạnh dạn đưa giống khoai tây Marabel (nhập khẩu từ Đức) về sản xuất thí điểm tại các xã Kim Sơn, Bảo Hà trên tổng diện tích khoảng 3,5 ha, với 34 hộ dân tham gia. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện trên cơ sở liên kết giữa 4 nhà: nhà sản xuất - nhà quản lý - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai, thường xuyên đảm bảo có sự gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, đơn vị doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt. Trong mô hình liên kết 4 nhà: Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt đầu tư ứng trước 100% vật tư ban đầu (giống, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật) cho nông dân và tiêu thụ đầu ra với giá ổn định, để người sản xuất an tâm và có lợi nhuận. Nhà quản lý cung cấp thông tin, thị trường cho nông dân, tổ chức việc liên kết sản xuất đi đúng hướng và có hiệu quả. Không những thế, người dân còn được nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật; được tiếp cận ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ, các công nghệ tiên tiến, đồng thời được hỗ trợ cung ứng nguồn vật tư đảm bảo chất lượng và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả trong sản xuất.

 

 

Làm đất chuẩn bị trồng khoai tây

 

Về nguồn gốc, giống khoai tây Marabel là giống có bản quyền của công ty Europlant, Đức. Giống được nhập khẩu và trồng tại Việt Nam nhiều năm, đã thích hợp ở nhiều vùng. Củ dạng hình oval, màu sắc vỏ củ và ruột củ đều có màu vàng đậm, mắt củ nông, chống chịu sâu bệnh khá, thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 80 - 85 ngày. Tiềm năng năng suất cao trong điều kiện thâm canh tốt ở Việt Nam có thể đạt 30 - 32 tấn/ha.

 

Ngày 27/01/2016, đoàn làm việc gồm có lãnh đạo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế An Việt, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Bảo Yên, Đảng ủy - UBND xã Kim Sơn, Bảo Hà đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế đồng ruộng về điều kiện tự nhiên, điều kiện canh tác, độ PH, dinh dưỡng của đất trồng khoai tây tại một số thôn thuộc hai xã Kim Sơn và Bảo Hà. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, các điều kiện tự nhiên của thôn Kim Quang - xã Kim Sơn, Bản Liên Hải 1, 2 - xã Bảo Hà đều tương đối phù hợp với phát triển vùng trồng cây khoai tây. Tiếp đó, các hộ dân và đoàn làm việc đã cùng bàn cách triển khai thực hiện, thông qua dự thảo hợp đồng thỏa thuận, cam kết trách nhiệm của các bên, các hộ đăng ký diện tích tham gia và nhất trí bầu trưởng bản đại diện ký kết.

 

Trong thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân đã thống nhất: doanh nghiệp thu mua đảm bảo dựa trên cam kết hợp đồng và giá thị trường để có sự điều chỉnh giá sàn thu mua sản phẩm, tránh thiệt thòi cho người dân đồng thời về phía người dân không để xảy ra tình trạng bán hàng cho tư thương ngoài.

 

Đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân đã tiến hành trồng xong toàn bộ diện tích. Cán bộ thường xuyên xuống thôn bản hướng dẫn các hộ kỹ thuật ngay từ khâu xử lý củ giống, xử lý đất và trồng, chăm sóc, bám sát đồng ruộng kiểm tra tiến độ thực hiện.

 

Mô hình liên kết thành công góp phần tăng thêm thu nhập cho người sản xuất, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Mô hình sản xuất khoai tây hàng hóa theo hướng liên kết 4 nhà sẽ là hướng đi đúng đắn mang lại hiệu quả kinh tế bền vững rất cần sự hợp tác, đồng lòng của người nông dân trong quá trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy mới tạo được niềm tin từ các đơn vị doanh nghiệp trong việc ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong thời gian lâu dài, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần vào việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Nguyễn Thị Hải Yến - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên, Lào Cai

 

Châu Thành A (Hậu Giang): Năng suất lúa đạt 8 tấn/ha

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Vụ lúa Đông xuân 2015 - 2016, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) xuống giống được hơn 8.600ha. Hiện nay đã có trên 1.000ha lúa chín được nông dân thu hoạch, năng suất đầu vụ ước đạt 7,34 tấn/ha, tăng hơn 200kg so với diện tích thu hoạch trước đó 1 tuần. Đặc biệt, năng suất lúa ở xã Trường Long A cao nhất huyện, tới 8 tấn/ha, là do nông dân ở đây áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật, canh tác lúa tiến bộ như IPM, sử dụng nấm xanh trừ rầy nâu... Lúa tươi được nông dân bán cho thương lái giá 4.200 - 4.450 đồng/kg đối với lúa tròn, lúa dài từ 4.600 - 4.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 2 - 3 triệu đồng/công.

 

Dự kiến diện tích lúa còn lại hơn 7.600ha sẽ thu hoạch rộ trong tuần tới.

 

PHÚ HỮU

 

Trảng Bàng (Tây Ninh): Mô hình đầu tư bao tiêu sản phẩm lúa cho năng suất và lợi nhuận cao

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Chiều 19.2, tại hội trường UBND xã Gia Bình (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trảng Bàng cùng với chính quyền địa phương và đại diện Công ty cổ phần giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình tổ chức buổi hội thảo sơ kết mô hình đầu tư bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao.

 

Trước khi tiến hành hội thảo, các đại biểu đã đi khảo sát thực tế cánh đồng sản xuất lúa giống của nông dân xã Gia Bình ký hợp đồng với Công ty Ninh Bình.

 

 

Nông dân và cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện Trảng Bàng tham quan mô hình đầu tư bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao trên cánh đồng xã Gia Bình.

 

Báo cáo tại buổi hội thảo, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện cho biết, vào tháng 10.2014, Phòng đã kết hợp với Công ty Ninh Bình triển khai thí điểm mô hình đầu tư bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao HDT8 vụ Đông Xuân 2014 - 2015 tại xã Gia Bình, với diện tích 10,7 ha.

 

Tháng 2.2015, Phòng kết hợp với Công ty triển khai thí điểm mô hình đầu tư bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao PC26 trong vụ Hè Thu 2015 tại xã Bình Thạnh, với diện tích 6 ha. Đến tháng 10.2015, Phòng tiếp tục kết hợp với Công ty triển khai nhân rộng mô hình đầu tư bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao ở 3 xã Phước Chỉ, Bình Thạnh và Gia Bình. Cụ thể, xã Phước Chỉ 26 ha, với hai loại giống là nếp Hưng Yên và PC26 (nếp 23 ha, PC26 3 ha); xã Bình Thạnh 20 ha, gồm hai loại giống AIQ1102 và HDT8; xã Gia Bình 16 ha, giống HDT8.

 

Nhìn chung, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình ở các xã thời gian qua cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 3 - 9 triệu đồng/ha. Trong đó, riêng xã Gia Bình sản xuất giống HDT8 cho năng suất đến 9 tấn/ha và lợi nhuận lên cao đến 27,52 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình trên 9,7 triệu đồng/ha. Kết quả trên là do được Công ty Ninh Bình bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn ngoài thị trường từ 10% đến 20%.

 

N.H

 

Bán lúa non vì hạn, mặn

 

Nguồn tin: Người Lao Động

 

Sợ lúa mất trắng do hạn hán kéo dài, nguồn nước bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nhiều nhà nông phải bán cả lúa non để gỡ gạc một phần chi phí

 

Ông Văn Hùng (ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vừa quyết định bán 12 công lúa mới trồng được hơn 10 ngày. Chi phí cho mỗi công hơn 600.000 đồng nhưng chỉ bán được 310.000 đồng. Ông lấy số tiền này để tập trung cứu 10 công lúa còn lại đã ngả vàng cũng do thiếu nước trầm trọng. “Nếu 2 tuần nữa không có nước ngọt, 10 công lúa này sẽ mất trắng” - ông Hùng lo lắng.

 

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Đầy (ngụ xã Tân Hưng) cũng vừa bán 13 công lúa trồng được hơn 2 tuần với giá 2,5 triệu đồng. Với số tiền này, ông chỉ “gỡ” lại được một ít tiền cày và lúa giống. Ông bộc bạch: “May mà bán được, chứ để đến giờ chắc lỗ nặng vì mấy hộ kế bên muốn bán nhưng chẳng ai mua”.

 

 

Hàng trăm ha lúa mới sạ ở Sóc Trăng sắp bị mất trắng do hạn, mặn. Ảnh: THANH SANG

 

Tại huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), lúa bắt đầu chết ở nhiều nơi do thiếu nước ngọt. Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, nước biển Tây lẫn biển Đông đang xâm nhập sâu vào nội đồng khiến hàng trăm ha lúa bị mất trắng. Trước tình hình này, không còn cách nào khác, những người không có điều kiện bơm nước ngọt phải bán vội ruộng lúa của mình.

 

Vừa mua lại 10 công lúa non của một hộ ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết do có máy bơm mới dám mua lúa non. Nếu cứu được, 10 công lúa vừa mua cho ông thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Trong khi đó, sau khi mua lại gần 20 công lúa non 30 ngày tuổi của một hộ dân, ông Trần Văn Sáu (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) hy vọng mưa đến sớm sẽ cho ông lợi nhuận kha khá. “Nếu hạn, mặn tiếp tục khiến lúa chết thì mất hơn 6 triệu đồng tiền mua 20 công lúa non. Ngược lại, tôi sẽ có lợi nhuận cao hơn nhiều khi nước ngọt đổ về đồng ruộng” - ông Sáu tính toán.

 

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện Long Phú, các xã trong đê bao Long Phú - Tiếp Nhựt, như: Tân Hưng, Tân Thạnh, Long Phú, Long Đức, thị trấn Long Phú không nên xuống giống vụ 3 (xuân - hè) nhằm tránh thiệt hại do nước biển xâm nhập. Huyện này hiện có tuyến đê bao ngăn mặn khép kín nhưng không có nguồn tiếp nước ngọt vào mùa khô. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, cho biết: “Dù đã khuyến cáo nhưng vẫn có hơn 2.000 ha lúa được người dân gieo sạ trong đê bao. Do nước mặn đến sớm và kéo dài nên đã ảnh hưởng một số diện tích. Đến thời điểm này thì chỉ còn trông chờ vào nước mưa chứ không còn cách nào khác”.

 

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cuối tháng 2-2016, tình hình hạn, mặn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp ở ĐBSCL. Nếu không có mưa, hạn và mặn ở đây sẽ kéo dài đến tháng 6, thậm chí sang tháng 7.

 

CÔNG TUẤN - THANH SANG

 

Trái bầu dài hơn 2m

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Mấy ngày qua, nhiều người đã kéo đến nhà bà Lê Thị Đầm ở ngõ 45 đường Nhất Đông, TP Huế để xem và chụp ảnh với trái bầu có kích thước dài hơn 2m, đường kính đoạn to nhất khoảng 45cm (ảnh).

 

 

Bà Đầm cho biết, lúc đầu gia đình có ý định cắt trái bầu này để ăn tết, nhưng thấy trái bầu vẫn xanh mướt và còn dài thêm ra nên đã để vậy xem sao. Do trái bầu đang tiếp tục phát triển nên bà đã dùng ống nước và dây cao su buộc không đứt cuống. Lạ kỳ nữa là cả giàn bầu bà mua giống ở chợ về trồng đã hơn 3 tháng nhưng chỉ ra duy nhất trái này.

 

VĂN THẮNG

 

Tây Ninh: Trên 2.000 ha mì bị mối cắn phá

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn xã Thạnh Đông (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) có trên 2.000 ha mì trồng từ 9-10 tháng tuổi bị mối cắn phá, gây thiệt hại nặng cho bà con.

 

Một số vùng trồng mì tập trung tại các ấp Thạnh Quới, Thạnh Nghĩa bị mối cắn phá nặng nề. Chúng bu đen từ dưới gốc lên thân cây với chiều cao khoảng 20 - 30cm, ăn hết củ, vỏ cây, làm cho cây mì bị đứt gốc, ngã rạp, thối củ, chết dần.

 

 

Mối cắn phá làm cho cây mì thối củ, bật gốc.

 

Ông Đoàn Văn Hiếu (ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông) có 117 ha mì trồng vào vụ Hè thu, đến nay mì đã được 9 tháng tuổi, cây bắt đầu có củ non, tạo chữ bột. Thế nhưng, hiện có đến 87 ha mì của gia đình ông đã bị mối cắn phá. Nhiều khoảnh mì bị mối tấn công đứt gốc, ngã rạp xuống đất, moi lên thấy gốc và củ đều thối đen. Ông Hiếu cho biết, hơn một tháng nay, theo sự hướng dẫn của cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật, ông đã rải, phun xịt trên 1 tấn thuốc đặc trị với nhiều chủng loại khác nhau để diệt trừ mối, nhưng cũng chỉ 10 đến 20 ngày sau, đàn mối khác lại đùn lên tàn phá tiếp.

 

Gia đình ông Nguyễn Tiến Minh ở ấp Thạnh Nghĩa cũng than thở, 3 ha mì vụ Hè thu năm nay của nhà ông đã bị đàn mối đùn lên ăn gốc, thiệt hại khoảng trên 10%. Ông Minh tiến hành phun một lần thuốc trong thời điểm trước Tết để trừ mối, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết quả.

 

Hiện toàn xã Thạnh Đông có 2.115 ha mì được trồng trong vụ Hè thu này, hầu hết diện tích mì đều bị mối ăn, nơi nhiễm nặng thì 10% trở lên, nhẹ cũng khoảng 3%.

 

Ông Nguyễn Văn Hồng- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi phát hiện loài côn trùng (mối) lây nhiễm trên cây mì của gia đình ông Đoàn Văn Hiếu và các hộ dân lân cận, ngành chuyên môn đã lấy mẫu đưa xuống Trung tâm kiểm định vùng II (TP.Hồ Chí Minh) phân tích, xác định xem loại mối nào để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

 

 

Nông dân ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu phun thuốc diệt trừ mối trên cây mì.

 

Theo ông Hồng, hiện nay mối có một số loại: loại ăn xác bã thực vật khô, loại ăn xác bã thực vật tươi, loại ăn xác bã hữu cơ bị phân hủy... Trước đây, nhiều diện tích cây mì trên địa bàn tỉnh cũng bị mối ăn, chủ yếu ở những hom giống dưới đất đã bị mục, gây hại không đáng kể. Nhưng mối cắn phá trên cây mì nhiều như hiện nay là hiện tượng bất thường.

 

Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cũng đang đưa xuống vùng mì bị nhiễm bệnh nhiều loại thuốc đặc trị mối có gốc Cholopyrifos, Diazinon để điều trị thử nghiệm; đồng thời cũng đang kết hợp với Trường Đại học Nông lâm Cần Thơ sử dụng nấm xanh phun xịt, gây hiệu ứng nấm bệnh lây lan trên con mối để diệt trừ tận gốc loại côn trùng gây hại này.

 

Ông Hồng cũng khuyến cáo nông dân, sau khi thu hoạch mì vụ Hè thu này, nhất là những vùng có mối tấn công, nên gom cây giống, vệ sinh đồng ruộng bằng cách đốt bỏ để diệt trừ tận gốc mối; kế đến là khi làm đất để trồng lại mì cho vụ sau, cần rải vôi, cày lấp, phơi ải trong thời gian ít nhất nửa tháng để diệt trừ mối và các loại côn trùng gây hại khác đang tồn tại dưới mặt đất.

 

Lê Đức Hoảnh

 

Anh Sơn (Nghệ An): Sắn nguyên liệu đạt năng suất 40 tấn/ha

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Nông dân Anh Sơn (Nghệ An) bước vào thu hoạch 1.200 ha sắn, tập trung ở các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Tường Sơn… trong đó gần 100% diện tích trồng sắn cao sản.

 

 

Sắn sẽ được nhập về cho nhà máy tinh bột sắn Hoa Sơn

 

Người dân xã Hoa Sơn cho biết năng suất sắn năm nay bình quân đạt 35 - 40 tấn/1 ha. Được nhập cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn với giá từ 1.300 - 1.400 đồng/kg. Tính ra giá trị đạt 56 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 30 triệu đồng/ha/1 năm.

 

Huyền Trang – Thái Hiền (Đài Anh Sơn)

 

Tân Phước (Tiền Giang): Vào mùa thu hoạch khoai mỡ năm 2016

 

Nguồn tin: Tiền Giang

 

Vụ khoai mỡ năm 2015 - 2016, nông dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang xuống giống được trên 400 ha, trong đó: Xã Thạnh Mỹ trồng được 220 ha, Tân Hòa Đông 65 ha, Hưng Thạnh 50 ha và xã Phú Mỹ, Tân Hòa Thành 50 ha. Trong vụ này, nông dân chủ yếu sử dụng các loại giống như thục linh, khoai tím than và tím bông lau.

 

 

Hiện nay nông dân bắt đầu vào mùa thu hoạch khoảng 50 ha, theo ghi nhận thì giá bán khá cao, từ 9.000 - 9.200 đồng/kg. Mỗi ha khoai bà con trồng được 15 ngàn dây, thu hoạch năng suất bình quân 12 đến 14 tấn/ha, trừ đi chi phí mỗi ha khoai mỡ còn lãi khoảng 50 triệu đồng.

 

Nhìn chung đến thời điểm này người trồng khoai Tân Phước thu hoạch khoai được mùa và được giá. Trà khoai còn lại hiện đang phát triển tốt, bà con tích cực chăm sóc, dự kiến sẽ thu hoạch rộ vào trung tuần tháng 3 dương lịch.

 

Thiên Long

 

Lúa đông xuân dễ tiêu thụ

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2015 - 2016. Dù lượng lúa hàng hóa trong dân đang tăng mạnh nhưng giá lúa vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thu mua lúa, gạo được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh ngay sau Tết Nguyên đán 2016 đã giúp nông dân tại nhiều địa phương gặp thuận lợi trong tiêu thụ lúa…

 

*Giá tăng, nông dân dễ tiêu thụ lúa

 

Vào thời điểm cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2016 (trước Tết Nguyên đán 2016), lúa đông xuân thu hoạch sớm có giá bán cao hơn cùng kỳ năm trước ít nhất khoảng 500 đồng/kg. Tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Vĩnh Long… lúa đông xuân sớm được nông dân bán lúa tươi IR 50404 ngay tại ruộng cho thương lái mức từ 4.700 - 4.800 đồng/kg, còn các loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 4900 có giá 4.900 - 5.000 đồng/kg. Giá lúa gạo đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước do ngay từ cuối năm 2015 và bước vào đầu năm 2016 các doanh nghiệp nước ta đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi về đầu ra trong xuất khẩu.

 

 

Nông dân ở Trường Thành bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái.

 

Hiện nay, giá không còn ở mức cao như trước Tết do lúa đông xuân bước vào thu hoạch rộ nhưng nhiều nông dân vẫn còn bán được lúa với giá tăng cao ít nhất khoảng 150 - 300 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ… giá lúa tươi IR 50404 phổ biến 4.400 - 4.450 đồng/kg; nhiều loại lúa hạt dài và lúa thơm giá 4.500 - 4.800 đồng/kg. Theo nhiều nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ, năm nay không chỉ lúa bán được giá mà việc tiêu thụ lúa của nhà nông cũng khá thuận lợi do có nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tham gia thu mua lúa gạo ngay từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016. Phần lớn nông dân đã bán được lúa tươi tại ruộng cho thương lái và doanh nghiệp ngay sau khi lúa được thu hoạch. Có lẽ vấn đề khiến nhà nông không vui chính là năng suất lúa đông xuân năm nay thấp hơn so cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân dù giá bán lúa có tăng.

 

Ngay từ thời điểm 25 Tết, khi lúa còn mới đỏ chín trên đồng, ông Huỳnh Văn Học, ngụ xã Trường Thành, huyện Thới Lai cùng nhiều bà con canh tác trên cùng cánh đồng đã thỏa thuận giá bán lúa tươi cho thương lái ở mức 4.400 đồng/kg và nhận tiền cọc mỗi công khoảng 300.000 đồng. Đến ngày 17-2 (tức mùng 10 Tết), lúa được thu hoạch và thương lái đến thu mua như đã hẹn. Ông Huỳnh Văn Học cho biết: "Nhìn chung việc tiêu thụ lúa của nông dân trong vụ này khá thuận lợi, không có chuyện thương lái bỏ tiền cọc không đến thu mua lúa hoặc đòi giảm giá thu mua vì bước vào thu hoạch rộ giá giảm mạnh. Tuy nhiên, vụ này nhiều diện tích lúa của bà con ở đây chỉ đạt năng suất từ 0,8 - 1 tấn/công tầm lớn (1.300m2), thấp hơn khoảng 100 - 200 kg/công. Do vậy, phần lớn nông dân chỉ đạt lợi nhuận khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/công". Theo ông Đoàn Văn Hậu, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, vụ lúa đông xuân này nông dân ở đây cũng gặp thuận lợi trong tiêu thụ lúa. Hầu như bà con sản xuất lúa trên các cánh đồng ở Phước Thới đã nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái từ trước và trong Tết Nguyên đán 2016 nên qua Tết chỉ chờ đến ngày thu hoạch đã hẹn, rồi cân lúa cho thương lái. Ông Hậu cho biết: "Vừa qua, đã thu hoạch và bán lúa tươi IR 50404 ngay tại ruộng cho thương lái được với 4.400 đồng/kg, cao hơn 250 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do năng suất lúa chỉ đạt gần 1 tấn/công, thấp hơn 100 kg/công, nên trừ đi chi phí sản suất, mỗi công lúa tôi chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng".

 

* Thu hoạch khá thuận lợi

 

Năm nay, năng suất lúa đông xuân tại nhiều địa phương giảm do lũ về ít, đồng ruộng thiếu phù sa màu mỡ như mọi năm. Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, với tình hình nắng nóng tăng cao so với mọi năm và sự xuất hiện bất ngờ của sương mù, thời tiết lạnh trong những thời điểm có nhiều trà lúa trong giai đoạn trổ đến chắc hạt và chín. Điều này đã khiến nhà nông không vui khi năng suất nhiều trà lúa đông xuân đang giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết nắng, không xuất hiện các đợt mưa trái mùa đã giúp việc thu hoạch lúa đông xuân của nông dân đang diễn ra khá thuận lợi. Nông dân không phải lo tình trạng thiếu nhân công trong thu hoạch lúa.

 

 

Thu hoạch lúa đông xuân bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Trường Thành, huyện Thới Lai.

 

Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết thêm: "Gần đây, trời nắng, không mưa nên bà con thuận lợi trong thu hoạch lúa. Đặc biệt, do bà con đã có kinh nghiệm và chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa trước khi chuẩn bị thu hoạch để tránh nền đất bị sình lầy nên có thể dễ dàng đưa các máy gặt đập liên hợp vào ruộng thu hoạch lúa". Theo anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, năm nay nhiều ruộng lúa đông xuân ít bị đổ ngã cũng góp phần giúp việc thu hoạch thuận lợi. Đặc biệt, ngoài lượng máy gặt đập liên hợp tại địa phương, nhiều chủ máy gặt đập liên hợp từ các nơi khác cũng đến thành phố để làm dịch vụ.

 

Tại TP Cần Thơ, phần lớn các diện tích lúa đông xuân đã được thu hoạch, vận chuyển và sấy lúa bằng các thiết bị cơ giới. Đáng chú ý, các máy gặt đập liên hợp đã giúp người nông dân thu hoạch lúa nhanh chóng và tiết kiệm hơn 50% chi phí so với thu hoạch bằng tay. Giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa đang ở mức từ 270.000 - 300.000 đồng/công, tùy diện tích và lúa đứng hay ngã. Hiện nay, một số ít diện tích lúa đông xuân của bà con do sản xuất trong các vùng nhỏ lẻ, manh mún khó đưa máy gặt đập vào để thu hoạch, buộc phải thu hoạch theo kiểu thủ công truyền thống. Thu hoạch lúa theo kiểu này, tính ra chi phí có thể lên đến 600.000 - 700.000 đồng/công lúa.

 

Khánh Trung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop