Khổ vì thu hoạch mía thủ công
Nguồn tin: Báo Đồng Nai
Đồng Nai hiện có gần 10 ngàn hécta trồng mía. Niên vụ 2015 - 2016, mô hình cánh đồng lớn đầu tiên cho cây mía tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) đã bước đầu thành công, góp phần nâng cao năng suất mía và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, do khâu thu hoạch vẫn hoàn toàn thủ công nên cứ đến vụ thu hoạch mía là lặp lại điệp khúc nông dân khốn khổ vì mía khô trên đồng, trong khi nhà máy vẫn không hoạt động hết công suất do thiếu nguyên liệu.
Thu hoạch thủ công khiến cây mía yếu sức cạnh tranh. Trong ảnh: Thu hoạch mía tại xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu.
Năm nay khô hạn đến sớm, nông dân càng thiệt hại vì tình trạng mía cháy khô trên đồng do nắng nóng. Việc cấp thiết hiện nay là phải xây dựng những cánh đồng mẫu thật sự lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho cây mía.
* Mía treo đồng, nhà máy thiếu nguyên liệu
Vụ mía năm nay, theo kế hoạch Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An sẵn sàng chạy hết công suất 24/24 trong suốt vụ thu hoạch để kịp ép mía, nhưng nhà máy buộc phải nghỉ đến mùng 10 âm lịch Tết Nguyên đán 2016 vì không có đủ nguyên liệu để khởi động máy sớm hơn. Trong khi đó, nông dân trồng mía tại huyện Trảng Bom thì như ngồi trên lửa vì hàng trăm hécta mía đang khô thành củi trên đồng vì đều thu hoạch thủ công trong thời điểm khan hiếm lao động.
Ông Trương Hùng Dũng, nông dân có cả trăm hécta mía cháy tại huyện Trảng Bom, nhận xét: “Nông dân trồng mía đang đối mặt với nhiều rủi ro vì tình trạng thu hoạch chậm khiến mía giảm năng suất. Cụ thể, năng suất mía chặt cuối vụ giảm gần 20 tấn/hécta so với thời điểm đầu vụ”.
Không chỉ những ông chủ lớn đầu tư trồng mía với diện tích hàng trăm hécta mới lo thiếu lao động, nông dân chỉ có vài hécta mía cũng khốn khổ vì mía chậm thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Phú, nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn cho cây mía tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), bức xúc: “Theo cam kết, nhà máy sẽ tổ chức thu hoạch cho nông dân khi mía “chín”, nhưng lại xảy ra tình trạng chậm thu hoạch để mía khô trên đồng. Tuy đến nay chỉ còn vài hécta mía thuộc dự án cánh đồng mẫu lớn còn chờ thu hoạch, nhưng việc nhà máy không thực hiện đúng cam kết ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của người dân tham gia dự án”.
Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An, cho biết: “Công suất ép mía của nhà máy là 2.500 tấn/ngày, nhưng hiện nhà máy chỉ đạt 2 ngàn tấn/ngày vì không đủ nguyên liệu. Tuy nhà máy đã tổ chức huy động lực lượng lao động từ các tỉnh miền Tây về nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để chia sẻ khó khăn với nông dân thu hoạch mía muộn hơn, nhà máy có chính sách tăng giá từ 30 - 50 ngàn đồng/tấn mía thu mua tại ruộng”.
* Cần nhân rộng cánh đồng lớn
Tuy mô hình cánh đồng lớn đã được triển khai thử nghiệm thành công tại huyện Vĩnh Cửu, nhưng với diện tích chỉ vài chục hécta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để doanh nghiệp đầu tư sâu về cơ giới hóa, nhất là trong khâu thu hoạch. Việc doanh nghiệp liên kết với nông dân nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, phát triển vùng nguyên liệu được các nhà đầu tư cho là yếu tố sống còn của ngành mía đường trong hội nhập.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía theo mô hình cánh đồng lớn, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty đầu tư Thành Thành Công, nhấn mạnh: “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An hoạt động, công ty cần mở rộng diện tích trồng mía tại Đồng Nai từ 3.500 hécta trở lên. Công ty sẽ đầu tư xây dựng những vùng chuyên canh cây mía với diện tích lớn nhằm đưa khoa học - kỹ thuật mới, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu trồng đến thu hoạch, lắp đặt hệ thống tưới... để tăng sức cạnh tranh cho cây mía trong hội nhập”.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), cho hay: “Niên vụ này, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây mía rộng hơn 130 hécta tại TX. Long Khánh. Cùng với việc nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, nhà máy sẽ tổ chức các dịch vụ cơ giới hóa cho cây mía từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch”.
Bình Nguyên
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất và cung ứng hơn 1.100 tấn lúa giống trong vụ đông xuân 2015-2016
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thực hiện đề nghị của Cục Trồng trọt, các doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn vùng ĐBSCL và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vụ đông xuân năm 2015 - 2016, Viện Lúa tiếp tục sản xuất lúa với 3 cấp giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận với sản lượng 1.142 tấn. Trong đó, giống lúa siêu nguyên chủng 42 tấn, giống lúa cấp nguyên chủng 500 tấn và cấp xác nhận 600 tấn. Trong đó, Viện tập trung vào sản xuất những giống lúa chủ lực trong Dự án Sản xuất giống lúa xuất khẩu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt như OM 4900, OM 7347, OM 6162, OM 5451, OM 4218, OM 2517, OM 2395, OM 9921, OM 9915... Viện cũng chuẩn bị sẵn một số giống lúa triển vọng có phẩm chất ngon, chất lượng tốt sẵn sàng cung ứng cho sản xuất trong thời gian tới.
Lúa giống sau khi thu hoạch đưa về sơ chế, bảo quản tại nhà kho của Viện Lúa ĐBSCL.
Các địa phương có thể liên hệ đầu mối sản xuất cung ứng sản phẩm lúa giống của Viện Lúa tại Phòng Sản xuất và Dịch vụ giống cây trồng Viện Lúa ĐBSCL (huyện Thới Lai-TP Cần Thơ), Cửa hàng giới thiệu và phân phối chính thức sản phẩm lúa giống Viện Lúa ĐBSCL (huyện Thới Lai-TP Cần Thơ), Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào Sản xuất nông nghiệp Viện Lúa ĐBSCL (quận Ninh Kiều-TP Cần Thơ). Ngoài ra, Viện Lúa ĐBSCL cũng liên kết phát triển hệ thống cửa hàng giới thiệu và phân phối chính thức sản phẩm lúa giống của Viện gồm 17 cửa hàng vật tư nông nghiệp tại các tỉnh ở ĐBSCL và tỉnh Bình Thuận.
MINH HUYỀN
Bình Định: Diện tích trồng mì vượt quy hoạch trên 2500ha
Nguồn tin: Báo Bình Định
Theo Quyết định 2663/QĐ-UBND ngày 28.7.2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành trồng trọt Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh chỉ phát triển ổn định 11.000 ha mì. Tuy nhiên, hiện diện tích mì toàn tỉnh đã tăng lên trên 13.581 ha, vượt hơn 2.581 ha so với quy hoạch.
Nông dân xã Tây Thuận (Tây Sơn - Bình Định) thu hoạch mì
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, sở dĩ diện tích mì tăng mạnh là do loại cây này rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm ổn định. Hiện bình quân 1 ha mì nông dân có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, diện tích mì tăng quá nhiều so với quy hoạch cũng sẽ để lại nhiều hệ lụy, như: Đất đai ngày càng thoái hóa, bạc màu; người dân xâm lấn đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ để trồng mì, gây thiệt hại về kinh tế, làm mất cân bằng hệ sinh thái rừng…
T.SỸ
Mất mùa tỏi
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Năm nay, hầu hết các hộ trồng tỏi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều rơi vào cảnh thua lỗ vì năng suất tỏi chỉ bằng khoảng 40 đến 50% so với những năm trước.
Năng suất giảm
Cây tỏi từng là cây trồng giúp người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vươn lên làm giàu. Nhưng vụ tỏi năm nay người trồng tỏi lại rơi vào cảnh khốn đốn vì năng suất giảm. Ông Trà Thái Hưng, người trồng tỏi ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Năm trước, những ruộng tỏi của gia đình tôi luôn tươi tốt, thu hoạch 1 sào hơn cả tấn củ tươi. Năm nay thì trái ngược hoàn toàn, tỏi chết nhiều, thu hoạch 1 sào chưa đến 100kg; với giá bán cao nhất là 50.000 đồng/kg thì chỉ thu được 5 triệu đồng, lỗ 10 triệu đồng tiền đầu tư và công chăm sóc, thu hoạch”.
Nông dân huyện Vạn Ninh thu hoạch tỏi
Tại xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa), vài năm gần đây, người dân các vùng Ninh Phước, Ninh Thủy (Ninh hòa)… đã đến đầu tư trồng tỏi trên vùng đồi. Trong vụ tỏi năm nay, nhiều hộ phải chịu cảnh trắng tay. Gặp chúng tôi, bà Lê Thị Thắm, ở phường Ninh Thủy than thở: “Gia đình tôi đầu tư 2,1ha tỏi ở vùng đất đồi Ninh Sơn. Năm trước, trung bình 1 sào (1.000m2) thu được 1 đến 1,2 tấn tỏi tươi, nhưng năm nay chỉ thu 100 đến 200kg. Gia đình tôi đã đầu tư 250 triệu đồng vào vụ tỏi này, bây giờ thu hoạch hết chỉ bán được 150 triệu đồng”. Cũng theo bà Thắm, năm nay, do tỏi mất mùa nên giá tỏi được đẩy lên cao, tỏi tươi củ lớn, đẹp có giá 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với năm trước, nhưng vì tỏi mất mùa nên nông dân vẫn lỗ.
Đến xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), tuy vào vụ mùa, nhưng không khí thu hoạch tỏi ở địa phương này thật đìu hiu. Ông Vũ Trọng Nậm (thôn Xuân Đông) cho biết: “Năm trước, nhà tôi thu được hơn 10 tấn tỏi/ha, nhưng năm nay chỉ được 7 tấn/ha. Năng suất giảm do nhiều nguyên nhân; khi mới xuống giống thì gặp nắng liên tục, lúc cây tỏi đang làm củ thì bệnh thối cổ rể và bệnh mốc xương gây hại, chỉ trong vòng 2 đến 3 ngày toàn ruộng tỏi ngả màu vàng úa. Tuy chúng tôi đã tìm đủ loại thuốc để chăm sóc nhưng vẫn không cứu được”. Ruộng tỏi của gia đình ông Trương Minh Hoàng gần đó cũng cùng cảnh ngộ. Gặp chúng tôi, ông Hoàng than thở: “Nhà tôi có 19 sào tỏi, năm trước đầu tư gần 300 triệu đồng, thu lãi hơn 180 triệu đồng. Năm nay, giá tỏi tăng gấp đôi, nhưng vì củ tỏi quá lép, năng suất giảm nên lãi chẳng được bao nhiêu”.
Nông dân trồng tỏi ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) kém vui vì tỏi mất mùa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có khoảng 300ha tỏi, năng suất thu hoạch giảm đến 60% so với những vụ tỏi trước, thậm chí có nơi mất trắng. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, trong vụ tỏi đông xuân 2015 - 2016, toàn huyện sản xuất 240ha, chủ yếu tập trung tại 2 xã Vạn Hưng và Vạn Thạnh. Đến thời điểm này đã thu hoạch được 50% diện tích, năng suất bình quân khoảng 9 tấn/ha, thấp hơn 3 tấn/ha so với vụ tỏi năm trước.
Đâu là nguyên nhân?
Lý giải về nguyên nhân tỏi mất mùa, ông Đỗ Duy Phê - cán bộ phụ trách trồng trọt (Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết và sâu bệnh. Trong giai đoạn cây tỏi phát triển, gặp những đợt hạn gay gắt, thiếu nước tưới khiến cây tỏi bị kiệt quệ, ngã đổ; trong giai đoạn tỏi tạo củ thì dịch bệnh liên tục làm cháy lá, rục thân nên không tạo củ được, hoặc tạo củ nhưng rất nhỏ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, cây tỏi là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, mang lại thu nhập khá cho nông dân. Nhiều vùng đất đồi ở Vạn Hưng hay Ninh Sơn dần trở thành thủ phủ của cây tỏi Lý Sơn trên đất Khánh Hòa. Ở những vùng đất mới này, diện tích trồng tỏi không ngừng tăng, chi phí đầu tư trồng tỏi cũng rất lớn. Thế nhưng, với những hộ mới bắt tay vào trồng tỏi, chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thì việc xử lý các loại sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất của cây tỏi vẫn còn là điều mới mẻ.
Tại huyện Vạn Ninh, cây tỏi phát triển khá nóng, trong khi nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, không am hiểu nhiều về kỹ thuật đã làm ảnh hưởng đến năng suất. Nhiều nông dân cho biết, họ vẫn chưa nắm bắt được đặc điểm sinh trưởng, phương pháp sản xuất, cách phòng, chống các loại bệnh đặc trưng của cây tỏi nên chưa thể chủ động trong sản xuất loại cây này, năng suất cũng khá bấp bênh. Hiện nay, nhu cầu về kiến thức trồng tỏi ở Vạn Ninh là rất lớn, người dân rất cần sự hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn.
Một trong những điều khiến chính quyền các địa phương và người trồng tỏi lo lắng là năm nay nắng hạn gay gắt hơn. Vì vậy, người trồng tỏi cần phải hết sức cân nhắc trong việc đầu tư để tránh thiệt hại, bởi theo dự báo, nguồn nước để phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong thời gian tới hết sức khó khăn, thậm chí hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp dự kiến phải bỏ vụ.
H.L - V.D - P.L
Cây trồng vẫn xanh tươi ở vùng tâm hạn
Nguồn tin: Người Lao Động
Đó là thực tế đang diễn ra ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nhờ người dân đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm
Hầu hết các địa phương của tỉnh Ninh Thuận đang đối mặt với cuộc hạn hán khốc liệt nhất trong hơn 40 năm qua.
Sớm tạo nguồn nước
Sông trơ đáy, hồ cạn, cây trồng chết khô, người và gia súc kiệt quệ do thiếu nước trầm trọng là thực trạng ở vùng đất cực Nam Trung Bộ này. Vậy mà cây trồng ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn xanh tươi, gia súc đủ sức vượt qua nắng hạn nhờ những nông dân ở đây chủ động khoan giếng, đào ao, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Trong cái nắng rát người cuối tháng này, anh Ngô Văn Hồng (ngụ thôn Thái An) cặm cụi bơm nước tưới 5 sào ớt của gia đình đang ra hoa. Anh Hồng cho biết nắng hạn kéo dài đã làm hồ Nước Ngọt ở đây cạn kiệt. Để đối phó với tình trạng này, anh cùng nhiều nông dân trong thôn đào ao, khoan giếng để giữ nguồn nước. “Tôi cùng 3 người bạn hùn tiền đào cái ao hơn 300m2 hết mấy chục triệu đồng nên không thiếu nước, nếu không chắc chết” - anh Hồng bộc bạch.
Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, nhiều diện tích cây trồng ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vẫn phát triển tốt
Cách rẫy ớt của anh Hồng khoảng 500m, bà Trần Thị Kim Mai và 2 con gái cùng vài phụ nữ trong thôn chăm tỉa giàn nho gần 4 sào đang chín bói. Theo bà Mai, từ giữa tháng 11-2015, khi nước hồ thủy lợi ở đây cạn kiệt, vợ chồng bà đã chủ động đào giếng lấy nước tưới nho và cứu khát cho 7 con bò của gia đình. “Chi phí đào giếng hơn chục triệu nhưng xem ra còn quá rẻ. Nếu không, giàn nho chết khô thì mất đứt cả trăm triệu đồng, lại còn chết khát nữa…” - bà Mai hóm hỉnh.
Ông Năm Lập, hàng xóm của bà Mai, chỉ tay về phía cái ao rộng khoảng 200m2 giữa khu rẫy, cho rằng: “Nếu không sớm đào ao thì Tết Nguyên đán rồi, gia đình tôi chẳng thu hoạch được trái cà, trái táo gì ráo”.
Nhờ đào ao, khoan giếng, ngoài tưới cây, nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ ở các thôn Thái An, Vĩnh Hy, Mỹ Hòa không rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng như các địa phương khác.
Tiết kiệm 50% lượng nước
Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, cho biết: “Toàn xã có ít nhất 500 hộ đào ao, vét giếng để chủ động nguồn nước. Nhờ vậy, gần 400 ha đất sản xuất và hàng trăm con gia súc ở đây mới vượt qua nắng hạn khốc liệt”.
Ông Phan Trọng Tri (ngụ thôn Mỹ Hòa) cho rằng trong hạn hán, dù có nguồn nước nhưng sử dụng không tiết kiệm thì cũng sớm cạn kiệt. Theo ông, để khai thác hợp lý nguồn nước, chính quyền địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Để thực hiện mô hình này, bà con xã Vĩnh Hải đã đầu tư đường ống dẫn nước và béc phun sương với chi phí khoảng 4 triệu đồng/sào đất.
Với phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới hợp lý nên không cần nhiều nước nhưng cây trồng vẫn ướt đẫm cành lá và đủ độ ẩm cho gốc. Anh Nguyễn Thảo, canh tác 5 sào nho, cho biết sử dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm đến hơn 50% lượng nước cùng thời gian và công lao động. “Nhờ hệ thống tự động, tôi chỉ mở van tổng rồi đi làm chuyện khác”.
Ông Đỗ Thinh (ngụ thôn Vĩnh Hy) phân tích: “Dù vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng bù lại năng suất cây trồng tăng 20% - 25% nên vẫn lợi hơn”. Theo ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, số hộ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm ở đây không dưới 100 hộ.
Chủ động chuyển đổi cây trồng
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho rằng cây trồng ở đây vẫn xanh tốt giữa hạn hán là nhờ người dân địa phương tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng ít sử dụng nước, đồng thời chủ động tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm cùng sự hỗ trợ tích cực của địa phương. “Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng” - ông Nam nói.
Lê Trường
Tây Ninh: Hàng chục ha mì ở Dương Minh Châu bị nhện đỏ tấn công
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh có hàng chục ha khoai mì đang bị nhện đỏ phá hoại.
Một ruộng khoai mì ở xã Suối Đá bị nhện đỏ phá hoại.
Tại cánh đồng trảng Đồng Xuồng, thuộc xã Suối Đá, có gần 40 ha ruộng và người dân ở đây đều xuống giống trồng khoai mì từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân.
Cây khoai mì đang phát triển khá tốt thì gần một tháng nay xuất hiện bệnh vàng lá do nhện đỏ phá hoại. Lúc đầu chỉ xuất hiện tại diện tích 0,8 ha của ông Nguyễn Tấn Tiến, đến nay nhện đỏ đã lan rộng ra gần hết diện tích khoai mì tại đây. Mặc dù người dân đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt diệt nhện đỏ và tích cực tưới nước cho cây trồng nhưng cũng không ngăn được nhện đỏ lây lan.
Hiện người dân chỉ còn mong chờ vào các cơ quan hữu quan cùng chính quyền địa phương để có biện pháp dập tắt dịch, hỗ trợ nông dân bảo vệ ruộng mì.
Hiền Lương